Kinh Về Tuổi Già
Sn 4.6 – JARA SUTTA
Nguyên Giác dịch
Kinh này nói về cái chết, vô thường, mất mát… Kinh này không nói về vô ngã, nhưng nói rằng phải xa lìa “cái của tôi,” và khuyên nên rời bỏ đời sống thế tục để sống tịch tịnh.
Bài Kệ 813 cuối kinh dạy rằng “chớ suy nghĩ tư lường” – hiểu là chớ khởi niệm, chớ biện biệt… Đây cũng là tư tưởng Thiền Tông của Lục Tổ Huệ Năng.
Hai câu đầu bài Kệ 813 trong bản Anh dịch của Bhikkhu Bodhi viết: One cleansed does not thereby conceive / things seen, heard, or sensed (Người thanh tịnh do vậy không khởi niệm tư lường về những gì được thấy, được nghe, hay được nhận biết).
Trong bản Anh dịch của Mills viết: Certainly the wise do not conceive / upon the seen, the heard, and cognized (Hiển nhiên là người trí không khởi niệm tư lường với những gì được thấy, được nghe, hay được nhận biết).
Để làm sáng tỏ yếu chỉ Vô Niệm, chúng ta có thể dẫn lời Lục Tổ Huệ Năng trong Kinh Pháp Bảo Đàn, bản Việt dịch của Thầy Thích Duy Lực dịch, Phẩm Bát Nhã Thứ Hai, trích:
“Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy tất cả pháp tâm không nhiễm trước gọi là VÔ NIỆM, dùng thì khắp nơi, cũng chẳng dính mắc ở khắp nơi, hễ sạch được bổn tâm, khiến lục thức ra cửa lục căn, đối với lục trần mà chẳng nhiễm chẳng trước, đi lại tự do, ứng dụng vô ngại tức là BÁT NHÃ TAM MUỘI, tự tại giải thoát, gọi là hạnh VÔ NIỆM. Chứ chẳng phải như người lầm tưởng cho là trăm điều chẳng nghĩ, chỉ cho niệm tuyệt, ấy là pháp trói buộc, tức là biên kiến. Thiện tri thức, kẻ ngộ pháp VÔ NIỆM thông đạt vạn pháp, ngộ pháp VÔ NIỆM thấy được cảnh giới chư Phật, ngộ pháp VÔ NIỆM được đến địa vị Phật. Thiện tri thức, nếu người đời sau ngộ được pháp này, đem pháp môn đốn giáo này với những người đồng một chánh kiến chánh hạnh phát nguyện cùng tu, như cúng dường Phật mà suốt đời chẳng thối lui, người ấy nhất định được vào Thánh vị.”
Tóm lược ý kinh: Đời sống ngắn ngủi, chớ hề có gì là “cái của tôi.” Hãy rời bỏ đời thế tục. Chớ khởi niệm suy nghĩ tư lường. Hãy sống trong tịch tịnh. Kinh này gồm các bài kệ từ 804 tới 813.
804
Đời sống này thực sự ngắn ngủi –
chưa tới 100 năm, ngươi sẽ chết
và nếu sống thọ hơn
ngươi lúc đó sẽ chết vì tuổi già
805
Người ta sầu khổ vì những cái “của tôi”
-- không tài sản nào là thường còn.
Vì thấy những ly tan, không gì là “của tôi”
ngươi chớ nên sống đời thế tục.
806
Tất cả những gì người ta nhận là “của tôi”
đều bị rời bỏ trong cái chết.
Biết như thế, người trí không nên
sống ích kỷ với những gì cho là “của tôi.”
807
Y hệt, khi thức tỉnh, người ta không thấy
những gì đã gặp trong mơ
do vậy, sẽ không thấy được người thân thương
khi họ đã chết và đã mãn phần.
808
Người ta bây giờ được thấy và nghe
và được gọi bằng tên
nhưng khi họ chết
chỉ còn tên gọi là được nhắc tới.
809
Những người tham giữ những “cái của tôi”
sẽ sống với sầu khổ, tuyệt vọng và tham đắm
Do vậy người trí rời bỏ các tài sản
để sống trong cái thấy tịch tịnh an bình.
810
Với một nhà sư sống với tâm không dính mắc
chỉ có một chỗ ngồi vắng lặng
người ta thấy rằng vị này
sẽ không còn một cõi nào để tới nữa.
811
Người trí không nương tựa vào bất kỳ gì
không thấy gì để trân quý hay ghét bỏ
Sầu khổ và tham đắm không dính vào người này
hệt như nước không dính vào chiếc lá.
812
Như giọt nước trên lá sen
như nước không dính vào bông sen
những gì được thấy, nghe, nhận biết
không dính mắc gì vào người trí.
813
Người thanh tịnh không khởi niệm tư lường
về những gì được thấy, nghe, nhận biết
cũng không muốn tìm thanh tịnh qua bất kỳ cách nào
vì đã không còn gì để tham đắm hay ghét bỏ.
Trích: Kinh Nhật Tụng Sơ Thời (Nguyên Giác)
- Tag :
- Nguyên Giác