ĐỂ CHO TƯƠNG LAI CÒN CÓ MẶT
CHÚ GIẢI VỀ NĂM GIỚI
Dịch từ nguyên tác ‘For A Future To Be
Possible’, Paralax Press, (bản quyền 1993 của Thích Nhất Hạnh), với sự đồng ý của tác giả. Việt Dịch: TN Chân Giải Nghiêm, TN Huệ Thiện, Tuệ Bảo, Chân Ngộ, Chân Tính Không, Diệu Tuyết. Nhuận bản dịch: TN Chân Giải Nghiêm - Nhà Xuất Bản Lá Bối
NĂM GIỚI VÀ SỰ THAY ĐỔI XÃ HỘI
Patricia Marx Ellsberg
Sau khi tham dự hai khoá tu với Thầy Thích Nhất Hạnh, tôi thấy mình ‘bị chinh phục’ bởi Thầy Nhất Hạnh, Sư Cô Chân Không, cộng đồng tu học và cách sống nói chung. Đến lúc phát nguyện thọ trì Năm Giới, tôi lại thấy như mình đang làm một cam kết hệ trọng và sâu sắc hệt như khi cam kết với hôn nhân.
Tôi không nghi ngờ gì tác động lớn lao và sâu rộng mà Giới có thể mang lại cho cuộc đời mình nếu tôi chịu để tâm trì Giới. Song, trong các khóa tu, một vấn đề thường quay đi trở lại trong tôi là liệu sự tu trì Năm Giới của cá nhân tôi có thực sự giúp thay đổi xã hội hay không. Đứng trước khối bạo động và bất công lớn lao trên thế giới, thì việc giữ Giới của một cá nhân tôi liệu có ảnh hưởng được gì, và thậm chí nếu hết thảy mấy ngàn nguời được Thầy cảm hoá hết lòng sống với những điều Thầy dạy đi nữa, thì liệu sẽ ảnh hưởng được gì? Làm sao việc ấy lại có thể dẫn đến những thay đổi căn bản cần thiết của xã hội.
Tôi thấy mình không được thoải mái cho lắm với điều tôi đã hiểu như là tiền đề cơ bản của khóa tu: nếu có đủ cá nhân thay đổi, xã hội sẽ thay đổi. Như chỗ tôi hiểu, xã hội không đơn giản chỉ là sự kết hợp của những cá nhân. Xã hội cũng được định hình bởi các cơ cấu xã hội và sự tập trung quyền lực và của cải. Có những quyền lợi được bảo đảm một cách bất di bất dịch, khuynh đảo quyền lực, và lèo lái để duy trì, trục lợi từ chính sự bất công và chủ nghĩa quân phiệt. Những thế lực này cần phải được thách thức và chuyển đổi trước khi có thể có được hoà bình và công lý đích thực.
Nhìn lại một thoáng, tôi đã thấy được rằng bao nhiêu chính sách của nước tôi và của các quốc gia khác đều dựa trên sự bất chấp trắng trợn các điều khoản trong Năm Giới. Trên thực tế, phần lớn những xấu xa ác hại trên đời đều đến từ sự vi phạm các điều khoảng trong Năm Giới một cách có hệ thống – với sự đồng tình của xã hội – từ phía các chính phủ, tập đoàn kinh tài, và các dạng tổ chức khác. Chúng ta hãy thử thẩm định tư cách của xã hội mình đang sống bằng thước đo của Năm Giới.
Giới thứ nhất. Hãy nghĩ đến Cuộc Giết Chóc ở vùng Vịnh (1991) liên hệ đến Giới này, và sự tô son điểm phấn cho việc tàn sát hơn phần tư triệu người, trong đó có rất nhiều thường dân. Chúng ta sống trong một nền kinh tế chiến tranh được duy trì bằng liên minh quân sự - kỹ nghệ rộng rãi và hàng tỉ đô-la tiền buôn bán vũ khí. Chính sách vũ-khí nguyên tử của chúng ta căn cứ trên sự đe doạ tàn sát hàng loạt, chính sách ngoại giao của chúng ta dựa trên cơ sở của bạo lực có tổ chức. Nền kinh tế của chúng ta tùy thuộc vào sự hủy hoại hàng loạt môi trường sinh sống.
Giới thứ nhì. Người Mỹ chúng ta chiếm 6% dân số thế giới, tiêu thụ 40% tài nguyên thế giới. Nhiều nguồn tài nguyên ùa về nước Mỹ từ các quốc gia cai trị bởi những chế độ độc tài do chúng ta đặt lên, ủng hộ và điều khiển. Bù lại, họ lập ra những điều khoản buôn bán thuận lợi cho Mỹ, trong khi bóc lột và khủng bố chính nhân dân mình với sự yểm trợ ngầm của chính phủ Hoa Kỳ chúng ta. Đó khác nào ăn cắp giữa ban ngày, đâu phải là “trao đổi.” Phần lớn sức mạnh quân sự của chúng ta được dùng để điều khiển những cái đúng ra không thuộc về mình.
Giới thứ ba. Hãy nghĩ đến năng lượng và tài nguyên mà xã hội chúng ta dành cho việc kích thích nhục dục vắng bóng tình thương yêu và sự cam kết gắn bó -- qua các hình thức quảng cáo, sách báo và hình ảnh khiêu dâm, và văn hóa bình dân nói chung.
Giới thứ tư. Các chính phủ và chính trị gia nói dối. Hệ thống bảo mật tồn tại để giữ bí mật đối với kẻ thù thì ít, mà để ngăn không cho quần chúng biết sự thật thì nhiều. Chính phủ chúng ta thường xuyên dùng đến vũ lực thay vì dùng các phương tiện hòa bình để giải quyết tranh chấp, trong khi tuyên bố những điều ngược lại, như trong trường hợp với Panama, Libya, Nicaragua, Grenađa và Iraq.
Giới thứ năm. Chúng ta dồn dập bị tấn công bởi các quảng cáo cho rượu, thuốc lá, ca-fê-in, dược phẩm. Độc hại hơn nữa, chính phủ chúng ta, qua bộ máy gián điệp ngầm, đã bí mật nhưng cũng sâu đậm dính dấp đến việc khuyến khích những kẻ đầu cơ buôn bán ma-túy, như đã rõ ràng trong vụ bê bối dính dấp với Iran và nhóm Phản Động ở Nicaragua.[4]
Trong khóa tu ấy, bỗng có lúc tôi nhận ra được con đường mà Năm Giới có thể ứng dụng phù hợp nhất trên phương diện xã hội. Chúng ta phải xem Giới như những nguyên tắc ứng xử dành cho các quốc gia, tổ chức, tập đoàn, cũng như cho những cá nhân. Chấm dứt việc có hai tiêu chuẩn trái nghịch trong đạo đức công và đạo đức tư là điều chúng ta nhất thiết phải làm. Chúng ta phải đòi hỏi đất nước ta những gì ta đòi hỏi ở chính mình.
Những ai trong chúng ta đang được sống trong một cơ chế dân chủ phải có bổn phận làm sao để đưa đất nước tiến lên, cùng với cuộc đời mình, đi về hướng trì Giới. Chúng ta phải tự mình và cùng nhau hành động ngăn chính phủ mà mình cử ra, không cho họ ủng hộ việc khủng bố và giết người hàng loạt, ăn cắp, nói dối, tiếp tay những kẻ buôn ma túy, và cưỡng bức trái đất. Trên thực tế, sự tồn tại của chúng ta, về lâu về dài, đều tùy thuộc vào điều ấy.
Cũng vậy, càng hoàn thiện trong việc giữ Giới bao nhiêu, ta càng có sức mạnh bấy nhiêu trong việc hành động để thay đổi xã hội. Thật vậy, công tác chính trị là phần nối dài của đời sống cá nhân.
Trong tinh thần của Năm Giới được diễn đạt lại bằng ngôn ngữ tích cực, ta hãy hình dung một thế Giới trong đó những cá nhân và tổ chức đều hành động với từ bi, các chính phủ cũng như người dân của họ đều có chánh niệm, vun đắp một môi trường lành mạnh, và thật sự bảo vệ sự sống của con người, cỏ cây và cầm thú. Hãy tưởng tượng một ngày kia khi tài nguyên của trái đất được chuyển hướng, xa rời sự giết hại để nhắm về hướng tô bồi cho sự sống.
Giá như các chính sách của Tổng Thống Hoa Kỳ thuận theo những nguyên tắc của Đạo Bụt, người Mỹ nguyện trung thành với Năm Giới cùng với lá quốc kỳ, và chúng ta làm lễ kỷ niệm Ngày Tương Liên Tương Đới song song với Ngày Bốn tháng Bảy (Lễ Độc Lập) thì mọi việc sẽ như thế nào? Từ những ý nghĩ này, nở trong tôi một nụ cười của Bụt.
[4] Iran-Contra Affair 1983-1988: Mỹ (thời tổng thống Regan), vi phạm công ước quốc tế, lén lút bán vũ khí cho Iran đánh Iraq và dùng tiền lời bán vũ khí để tiếp tay cho nhóm Phản Cách Mạng chống chính phủ Sandinista của Nicaragua. Mỹ bị Nicaragua kiện trước toà án quốc tế, trong đó lại đổ bể thêm việc chính phủ Mỹ dính dấp tới đường dây ma túy để tài trợ cho nhóm Phản Cách Mạng ở Nicaragua. Mỹ bị toà án quốc tế xử thua và phạt tiền bồi thường, Mỹ không chịu đền bồi, việc lại đưa ra Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã được Israel (Do Thái, được Mỹ tài trợ 4 tỉ mỗi năm) binh vực cho không phải phạt tiền. [Chú thích của người nhuận.]