- Mục Lục
- Lời Tựa Của Thượng Tọa Chaokhun
- Lời Giới Thiệu Của Giáo Sư Paul Demie’ville
- Lời Nói Đầu Của Tác Giả Hòa Thượng Tiến Sĩ W. Rahula
- Lời Của Người Dịch
- Bảng Viết Tắt
- Chương I Thái Độ Tinh Thần Của Phật Giáo
- Chương Ii Tứ Diệu Đế
- Chương Iii Diệu Đế Thứ Hai
- Chương Iv Diệu Đế Thứ Ba
- Chương V Diệu Đế Thứ Tư
- Chương Vi Học Thuyết Về Vô Ngã
- Chương Vii Thiền: Sự Tu Dưỡng Tâm
- Chương Viii Những Điều Phật Đã Dạy & Thế Giới Ngày Nay
- Chương Ix Một Số Kinh Quan Trọng
- Chương X Tam Tạng Kinh Nguyên Thủy
Nguyên tác: What The Buddha Taught
H.T Tiến Sĩ Walpola Rahula
Người dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản: Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh 2011
Lời Mở Đầu (của tác giả)
Cả thế giới hôm nay ngày càng quan tâm đến Phật giáo. Nhiều trường lớp và nhóm nghiên cứu đã hình thành và nhiều số lượng sách về Phật giáo đã xuất hiện. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là những quyển sách được viết bởi những người không thật sự có đủ năng lực hoặc có những người đưa vào trong tác phẩm của mình những giả thuyết, nhận định từ những tôn giáo khác gây ra những sai lệch. Chẳng hạn có một giáo sư vừa mới viết một quyển sách về Phật giáo, thậm chí không biết được Ananda, thị giả thân cận của Đức Phật, là một Tỳ kheo (tu sĩ), mà cho rằng Ananda là một cư sĩ!. Kiến thức về Phật giáo được truyền bá trong những quyển sách loại này xin để cho độc giả tự tưởng tượng là như thế nào.
Trong quyển sách bé nhỏ này, tôi muốn gửi đến những độc giả quảng đại đã có học vấn và trí tuệ, nhưng chưa có hiểu biết đặc biệt gì về Phật giáo và muốn biết được những điều Phật đã dạy thật sự là gì. Và vì lợi ích của những độc giả này, tôi cố gắng trình bày các đề tài một cách trung thành và chính xác những ngôn từ thật sự được dùng bởi Đức Phật, một cách ngắn gọn, trực tiếp và giản dị nhất, y như chúng được ghi lại trong Tam Tạng Pali (Tipitaka) mà các học giả đều công nhận là tư liệu cổ xưa, đầu tiên nhất về những lời dạy của Đức Phật. Những dữ liệu được dùng, những đọan trích dẫn ở trong quyển sách này đều được lấy trực tiếp từ những tạng Kinh nguyên thủy đó. Chỉ có vài chỗ khác, tôi cũng tham chiếu, trích dẫn thêm trong những trước tác, văn bản ra đời sau tạng Kinh gốc.
Tôi cũng muốn nhắm vào những độc giả vốn đã tu học được một số kiến thức về những điều Phật dạy và muốn đi sâu hơn nữa để học hỏi thêm. Vì vậy, tôi cũng cung cấp, đính kèm không chỉ các những “Thuật ngữ” tương đương trong tiếng Pali, mà còn trích dẫn các câu từ của Kinh nguyên thủy ở dưới phần “Chú Thích” ở cuối mỗi trang và một thư mục những sách chọn lọc có giá trị tham khảo, nghiên cứu về Phật học.
Tuy nhiên, khó khăn của tôi cũng có nhiều thứ: Trong suốt quyển sách, tôi đã cố gắng trình bày giáo trình này cho cả những người còn xa lạ và những số đông đã quen thuộc (với Phật giáo), làm cho các độc giả hiện đại hiểu được và hiểu đúng, mà không phải làm mất đi bất kỳ ý nghĩa và hình thức nào của các bài giảng của Đức Phật. Khi viết quyển sách này, các bài Kinh cổ xưa trôi chảy trong trí óc tôi, tôi rất thận trọng giữ nguyên vẹn các từ đồng nghĩa và các ngôn từ lặp đi lặp lại, vốn là một phần của các lời thuyết pháp của Đức Phật được truyền miệng đến chúng ta ngày hôm nay, mục đích là để cho độc giả mường tượng được cách thuyết giảng mà Đức Phật hay sử dụng. Tôi cố gắng giữ nghĩa dịch gần sát nghĩa như văn bản gốc của Kinh nguyên thủy; và cố gắng làm cho các câu từ được trích dịch trở nên dễ dàng và dễ đọc.
Nhưng một điều nữa là rất khó mà trình bày một ý tưởng, ý nghĩa mà không làm mất đi ít nhiều sự dung dị, giản dị của một số nghĩa riêng biệt mà Đức Phật đã muốn khai giảng như vậy. Như tựa sách “Những Điều Phật Đã Dạy” đã được chọn cho quyển sách này, tôi cảm thấy thật sai trái nếu không trích dẫn ra những từ ngữ, và cả những hình ảnh minh họa mà Đức Phật đã dùng để giảng dạy, hơn là chi ưu tiên diễn dịch với một sự hài lòng nào đó mà vẫn còn rủi ro là làm sai lệch ý nghĩa thật sự.
Tôi đã trình bày trong quyển sách này hầu hết mọi điều đã được khắp nơi chấp nhận là những lời dạy, giáo pháp cốt lõi và nền tảng của Đức Phật. Đó là các học thuyết về Tứ Diệu Đế, về Bát Chánh Đạo, về Năm Uẩn, về Nghiệp, về Tái Sinh, về Duyên Khởi (Paticcasamuppada), về Thuyết Vô Ngã (Anatta), về Nền Tảng Chánh Niệm (Satipatthana, Tứ Niệm Xứ).
Lẽ tự nhiên là có những diễn đạt khó mà quen thuộc đối với những độc giả phương Tây. Tôi xin gợi ý rằng nếu là một độc giả phương Tây, người ấy nên bắt đầu bằng Chương I, rồi đọc sang các Chương V, VII, VIII, rồi sau đó quay trở lại Chương II, III, IV và VI sau khi các định nghĩa chung đã được làm rõ và sống động hơn.
Một điều nữa là: không thể nào viết một quyển sách về những lời Phật đã dạy mà không đưa ra được hay không tập trung vào những “Chủ Đề” của giáo pháp mà cả hai trường phái Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada) và Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana) đều chấp nhận đúng là nền tảng tư tưởng của mình.
Theravada-Hinayana (‘Chiếc Xe Nhỏ’, trước đây gọi là ‘Tiểu Thừa’) không được dùng nữa, mà được gọi là Trường Phái Trưởng Lão (Theras) và Phật Giáo Đại Thừa (‘Chiếc Xe Lớn’) là hai trường phái lớn nhất của Phật Giáo ngày nay.
Theravada hay Trường Phái Trưởng Lão được coi là Phật Giáo Nguyên thủy chính thống, được phát triển ở các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào và Chittagong ở miền Đông Pakistan. Trường phái Đại Thừa được phát triển sau này và được thịnh hành rộng rãi ở các quốc gia Phật Giáo khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Việt Nam, Triều Tiên …. Có những khác biệt giữa hai trường phái, chủ yếu là về một số niềm tin, cách tu tập và nghi thức (về giới luật và lễ nghi), tuy nhiên những giáo pháp quan trọng được đề cập và bàn luận trong quyển sách này đều được hai trường phái Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa nhất trí giống nhau.
Còn một điều tôi cần làm là nói lời cảm tạ đến Giáo sư E.F.C.Ludowyk, là người đã mời tôi viết quyển sách này, vì tất cả những sự giúp đỡ mà ông đã dành cho tôi, vì những sự quan tâm và những gợi ý ông dành cho quyển sách, và cũng nhờ ông đã dành thời gian để đọc lại bản thảo của tôi. Lời cảm tạ sâu sắc cũng dành cho cô Miss Marianne Mohn, người đã đọc hết bản thảo và đưa ra những gợi ý hiệu chỉnh quý giá. Cuối cùng, tôi thật sự mang ơn Giáo sư Paul Demie’ville, người thầy của tôi ở Paris, đã viết “Lời Tựa” tốt đẹp cho quyển sách này .
W. RAHULA Paris, Tháng Bảy, 1958