- Mục Lục
- Lời Tựa Của Thượng Tọa Chaokhun
- Lời Giới Thiệu Của Giáo Sư Paul Demie’ville
- Lời Nói Đầu Của Tác Giả Hòa Thượng Tiến Sĩ W. Rahula
- Lời Của Người Dịch
- Bảng Viết Tắt
- Chương I Thái Độ Tinh Thần Của Phật Giáo
- Chương Ii Tứ Diệu Đế
- Chương Iii Diệu Đế Thứ Hai
- Chương Iv Diệu Đế Thứ Ba
- Chương V Diệu Đế Thứ Tư
- Chương Vi Học Thuyết Về Vô Ngã
- Chương Vii Thiền: Sự Tu Dưỡng Tâm
- Chương Viii Những Điều Phật Đã Dạy & Thế Giới Ngày Nay
- Chương Ix Một Số Kinh Quan Trọng
- Chương X Tam Tạng Kinh Nguyên Thủy
Nguyên tác: What The Buddha Taught
H.T Tiến Sĩ Walpola Rahula
Người dịch: Lê Kim Kha
Nhà xuất bản: Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh 2011
Chương V
Diệu Đế Thứ Tư
(Chân lý về Con Đường Chánh Đạo)
Diệu Đế Thứ Tư là “chân lý” về con đường (magga) dẫn đến Sự Chấm Dứt Khổ (Dukkha-Nirodha-Gāminipatipadā-Ariyasacca).
Con đường này được gọi là “Con Đường Trung Đạo” (Majjhimā Patipadā), bởi vì nó tránh được hai cực đoan:
• Một cực đoan là luôn luôn đi tìm hạnh phúc bằng những khoái lạc giác quan hay dục lạc, đó là cách “thấp hèn, tầm thường và không lợi lạc và là cách của những người tầm thường”.
• Cực đoan thứ hai là đi tìm hạnh phúc thông qua sự hành hạ bản thân, hành xác bằng nhiều hình thức tu khổ hạnh khác nhau, đó là cách chỉ “mang lại đau đớn, không đáng phải làm và không lợi lạc”.
Tự bản thân mình đã trải qua hai cực đoan này và nhận thấy rằng những cách đó đều là vô dụng, rồi bằng những trải nghiệm của chính bản thân mình sau này, Đức Phật đã khám phá ra được Con Đường Trung Đạo vốn mang lại “tầm nhìn và kiến thức để dẫn đến Sự An Tĩnh, Trí Tuệ Bên Trong, Sự Giác Ngộ, Niết-bàn”.
Con Đường Trung Đạo này cũng thường được gọi là Bát Chánh Đạo (Ariya-atthangika-Magga), đúng nghĩa là Con đường Tám phần, bởi vì nó bao gồm tám vấn đề, tám phạm trù hay tám phần.
Những phần đó là:
1) Chánh tri kiến (sammàditthi): Sự thấy đúng, hiểu đúng đắn.
2) Chánh tư duy (sammàsankappa): Sự suy nghĩ đúng đắn.
3) Chánh ngữ (sammàvàca): Sự nói đúng, lời nói đúng đắn.
4) Chánh nghiệp (sammàkammât): Hành động đúng đắn.
5) Chánh mạng (sammààjiva): Sự mưu sinh, việc làm, nghề nghiệp chân chính, đúng đắn.
6) Chánh tinh tấn (sammààyàma): Sự siêng năng, nỗ lực đúng đắn.
7) Chánh niệm (sammàsatti): Sự nhớ đúng, tâm niệm đúng, sự chú tâm đúng đắn.
8) Chánh định (sammàsamàdhi): Sự tập trung, định tâm đúng đắn.
Một cách thực tế, toàn bộ Giáo Pháp của Đức Phật mà Người đã bỏ sức trong 45 năm để giảng dạy bằng cách này hay cách khác đều nhắm đến Con Đường Trung Đạo này. Mặc dù, Đức Phật đã giảng dạy bằng nhiều cách thức khác nhau, bằng những ngôn từ khác nhau cho những loại người khác nhau, tùy theo giai đoạn, trình độ phát triển và khả năng (căn cơ) hiểu biết của họ, để họ có thể theo kịp những lời Phật dạy. Tuy nhiên, những điều “cốt lõi” của hàng ngàn bài thuyết giảng đó của Phật, được ghi lại trong các Kinh Phật giáo, đều nằm trong Bát Chánh Đạo này.
Bát Chánh Đạo không phải là Con đường (bao gồm) tám bước hay tám nhánh như nhiều cách dịch trước đây, mà là con đường có tám phần. Chúng ta không nên nghĩ rằng tám phạm trù hay tám phần đó của Con Đường phải được tu tập hay thực hành từng phần một theo thứ tự trong danh sách tám phần đó. Những phần đó phải nên được thực hành và tu tập hầu như, nhiều hay ít, đồng thời với nhau tùy theo sức tu tập của mỗi người. Tất cả tám phần đó đều liên hệ, liên quan với nhau và phần này sẽ bổ trợ cho phần kia, hay nói cách khác, sự tu tập của phần này sẽ là sự bổ trợ cho sự tu tập lẫn nhau của những phần kia và ngược lại.
Tám hay tám phần đó nhằm mục đích là phát triển và hoàn thiện “ba vấn đề trọng yếu” trong việc huấn luyện tu tập và tuân thủ giới luật nhà Phật: Đó là:
(1) Giới hạnh về đạo đức (Sila, Giới),
(2) Quy tắc để định tâm (Samādhi, Định), và
(3) Trí tuệ, Bát-nhã (Panna, Tuệ).[1]
(1) Giới hạnh (Sila):
Giới hạnh được xây dựng dựa trên những khái niệm rộng lớn về lòng Từ (tình yêu thương) và Bi (lòng bi thương, bi mẫn, lòng trắc ẩn) quảng đại dành cho tất cả chúng sinh, mà Đức Phật xem là nền tảng giáo lý của Người.
Thật đáng tiếc là nhiều học giả đã quên mất lý tưởng lớn lao này của giáo lý Đức Phật, và chỉ đam mê vào giải thích lang mang, lệch lạc theo kiểu triết học khô khan và siêu hình khi họ nói và viết về đạo Phật. Đức Phật thuyết pháp “vì lợi ích của nhiều chúng sinh, vì hạnh phúc của nhiều chúng sinh, xuất phát từ lòng Bi mẫn của Người đối với thế gian” (buhujanahitāya bahujan asukhāya lokānukampāya).
Theo đạo Phật, để có được một con người hoàn thiện, hai bản chất người đó cần phát triển, cần tu tập song song. Một mặt là lòng Bi Mẫn (karunā) và một mặt là Trí Tuệ (paňňa). Ở đây, lòng Bi Mẫn thể hiện cho tình yêu thương, sự bố thí, sự tử tế, sự khoan dung và những phẩm chất cao cả tương tự về mặt tình cảm hay từ trái tim; trong khi đó Trí tuệ thì thể hiện cho mặt trí thức hay những phẩm chất thuộc về tâm trí.
Nếu một người chỉ phát triển mặt tình cảm mà bỏ qua mặt trí thức, thì người đó có thể chỉ trở thành một kẻ tốt bụng ngớ ngẩn; trong khi đó nếu một người chỉ lo phát triển mặt trí thức mà bỏ quên tình cảm, thì người đó có thể trở thành lạnh lùng, sắt đá, không có tình cảm gì đối với người khác.
Vì thế, muốn là một người hoàn thiện, bạn cần phải phát triển cả hai mặt song song. Đó là mục tiêu lối sống của đạo Phật: mà trong đó, Trí tuệ và Lòng Bi mẫn liên quan mật thiết không rời nhau, như chúng ta sẽ nhận thấy ở phần sau.
Bây giờ, thứ nhất, Giới Hạnh (Sila), được dựa trên lòng Từ và những phẩm chất của Bi (như đã nêu trên), gọi tắt là lòng Từ Bi, bao gồm ba phần trong Bát Chánh Đạo, đó là: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng (tức là phần số 3, 4 và 5 trong danh sách ở trên).
Chánh Ngữ có nghĩa là sự cử kiêng:
1) Không nói dối,
2) Không nói xấu sau lưng người khác, không nói lời vu khống, không nói lời làm tức giận, thù hận, gây bất hòa, mất đoàn kết giữa những người này với người khác hoặc những nhóm người hay đoàn thể khác nhau,
3) Không nói hay dùng những lời ác nghiệt, gay gắt, hỗn láo, vô phép, ma mãnh và lăng mạ sỉ nhục,
4) Không nói chuyện kiểu ăn không ngồi rồi, nói chuyện vô tích sự, nói nhãm nhí, tán gẫu, để đùa giỡn, bỡn cợt.
Khi một người kiêng cử, không nói những lời sai trái và hiểm độc như trên, thì tự nhiên người đó sẽ nói toàn sự thật, chỉ nói đúng lời lẽ, ngôn từ thân thiện và nhân từ (ái ngữ), dễ mến, nhẹ nhàng, có nghĩa và có ích.
Một người không nên phát biểu bất cẩn, nói chuyện phi thời: Lời nói phải đúng nơi và đúng lúc. Nếu một người không thể nói được những lời tốt đẹp, có ích, thì tốt hơn người đó nên giữ ‘sự im lặng là cao đẹp nhất’.
Chánh Nghiệp là những hành động đúng đắn, nhằm đến mục đích là nâng cao, gìn giữ những giá trị thuộc về đạo đức, danh dự và sự an bình. Chánh mạng khuyên rằng chúng ta nên tránh sát sinh, giết chóc; không trộm cắp, không buôn gian bán lận, bất lương, không gian dâm ngoại tình; và giúp đỡ mọi người hướng về cuộc sống danh dự và yên bình một cách đúng đắn.
Chánh Mạng là nghề nghiệp mưu sinh đúng đắn, có nghĩa là một người nên tránh mưu sinh cuộc sống mà làm công việc có nguy hại đến người khác, ví dụ như việc buôn bán vũ trang và những thứ vũ khí giết người, buôn bán rượu bia, thức uống độc hại, chất độc, hay tàn sát sinh vật hay làm những nghề lừa đảo, gạt gẫm…vv…và nên sống bằng công việc, nghề nghiệp đàng hoàng, danh dự, không tội lỗi và lương thiện để không làm nguy hại đến người khác, sinh vật khác. Chúng ta nên hiểu rõ rằng, đạo Phật cực lực phản đối chiến tranh, cho nên đạo Phật tuyên bố rằng việc buôn bán vũ trang và vũ khí giết người là một nghề nghiệp thất đức và bất chính.
Ba phạm trù Chánh Ngữ, Chánh Mạng và Chánh Nghiệp trong Bát Chánh Đạo lập thành Giới Hạnh về Đạo đức (sila). Chúng ta nên hiểu nhận thức rõ ràng, Giới hạnh về đạo đức trong đạo Phật nhằm mục đích mang lại cuộc sống hạnh phúc và an bình cho con người và xã hội. Giới hạnh đạo đức này được xem là ‘nền tảng không thể thiếu được’ để tiến tới được những trình độ giác ngộ tâm linh cao hơn. Không thể nào có sự phát triển tâm linh nào nếu không dựa vào nền tảng đạo đức này.
Chúng ta dễ thấy rằng: “Ngũ Giới”, là năm giới tối thiểu kiêng cử và gìn giữ dành cho Phật tử đã quy y, các Phật tử tại gia, đều nằm trong Giới Hạnh về đạo đức hay ba phạm trù Chánh Ngữ, Chánh Mạng và Chánh Nghiệp này.
(2) Định tâm (Samādhi):
Kế tiếp, thứ hai là Quy Tắc để Định Tâm hay Định (Samādhi), trong đó bao gồm ba phần của Bát Chánh Đạo, đó là: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm (hoặc Chú Tâm) và Chánh Định (số 6,7 và 8 trong danh sách ở trên).
Chánh Tinh Tấn là ý chí nỗ lực:
1) Để ngăn chặn, không cho điều xấu ác và không lành mạnh khởi sinh trong tâm;
2) Để từ bỏ, bỏ đi những điều xấu và không lành mạnh đã khởi sinh trong tâm; Và tương tự:
3) Để tạo ra, làm khởi sinh những điều tốt thiện và lành mạnh trong tâm; phát triển và hoàn thiện những điều tốt thiện và lành mạnh đã có sẵn trong tâm của một người.
Chánh Niệm (hay Chú tâm) là luôn có ý thức một cách liên tục (luôn luôn rõ biết, ý thức), chú tâm và để ý những niệm thuộc về:
1) Những hoạt động của cơ thể, về thân (kāya, Thân),
2) Những cảm giác nhận biết hay cảm thọ (vedanā, Thọ),
3) Những hoạt động của tâm (ciita, Tâm), và
4) Những ý tưởng, những suy nghĩ, những quan niệm và những sự vật (hay pháp) của tâm (dhamma, Pháp).
Việc thực hành tập trung hơi thở, thở ra, thở vào (ānāpānasati), là những bài tập được biết đến nhiều, kết nối với cơ thể (thân) để phát triển tâm linh.
Cũng có nhiều phương cách khác để phát triển sự chú tâm hay chánh niệm liên quan đến cơ thể (thân), chẳng hạn những phương pháp hành thiền, thiền định, thiền quán.
Về những cảm giác nhận biết và cảm thọ, chúng ta phải nên luôn rõ biết tất cả các dạng của cảm xúc, cảm giác nhận biết, dễ chịu, khó chịu hoặc trung tính (không dễ chịu cũng không khó chịu), và (luôn rõ biết) chúng nó xuất hiện và biến mất bên trong mình.
Về những hoạt động của tâm, chúng ta nên luôn rõ biết tâm của mình là nhiều tham dục hay không, có sân hận hay không, có si mê, bị lừa dối hay không, có xao lãng hay tập trung…vv… bằng cách này, ta luôn ý thức được sự chuyển dịch của tâm, nó khởi lên rồi biến mất hay sinh diệt như thế nào.
Về những ý tưởng, suy nghĩ, quan niệm về những sự vật (pháp của tâm), chúng ta nên biết bản chất của chúng, chúng xuất hiện và biến mất như thế nào, chúng phát triển như thế nào, chúng bị đè nén, trấn áp, và bị hủy diệt, như thế nào…v.v….Bốn hình thức tu tập hay thiền quán này được bàn chi tiết trong Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna-sutra) hay còn gọi là Tứ Niệm Xứ.[2]
Chánh Định, yếu tố thứ ba và cuối cùng của “Quy Tắc Để Định Tâm” là Chánh Định nhằm dẫn đến bốn tầng Thiền Định (dhyāna), thông thường được gọi là sự nhập định.
1) Ở tầng Thiền thứ nhất (hay sơ thiền) những si mê tham ái và những tư tưởng không lành như nhục dục, ác tâm, hay buồn ngủ, hay ngủ gà ngủ gật (hôn trầm), lo âu, bất an (trạo hối) và hoài nghi được loại bỏ, Và những cảm giác vui sướng và hạnh phúc (hỉ lạc) thì được duy trì, cùng với một số hoạt động của tâm.
2) Ở tầng thiền thứ hai, tất cả mọi hoạt động thuộc về trí óc đều bị trấn áp, sự tĩnh lặng và sự tập trung một điểm của tâm (sự nhất tâm) được phát triển. Và những cảm giác vui sướng và hạnh phúc (hỉ lạc) thì được duy trì.
3) Ở tầng thiền thứ ba, cảm giác vui sướng (hỉ), là một cảm thọ chủ động, cũng biến mất trong khi khuynh hướng cảm thọ hạnh phúc (lạc) vẫn còn cùng với tâm buông xả (tâm xả).
4) Ở tầng thiền thứ tư, mọi cảm giác, cảm thọ hạnh phúc hay không hạnh phúc (lạc thọ hay khổ thọ), vui sướng (hỉ) hay buồn rầu (ưu) đều biến mất, chỉ còn lại tâm buông xả và sự rõ biết thường hằng (nhất tâm) thuần khiết (xả niệm thanh tịnh).
Và như vậy, tâm được huấn luyện và được khép vào quy tắc, kỷ luật và được phát triển thông qua Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.
(3) Trí Tuệ (Panna):
Hai phạm trù hay hai phần còn lại của Bát Chánh Đạo, đó là: Chánh Tư Duy và Chánh Tri Kiến sẽ đi đến việc tạo ra Trí Tuệ Bát-nhã (Panna).
Chánh Tư Duy biểu thị những tư duy, ý nghĩ về sự từ bỏ hay sự tháo gỡ những dính mắc một cách không vị kỷ, tư duy về tình yêu thương và tư tưởng bất bạo động, dành cho tất cả chúng sinh. Một điều thú vị và rất quan trọng ở đây là Tư tưởng tháo gỡ dính mắc một cách không vị kỷ, tình yêu thương và bất bạo động được gom vào nhóm của yếu tố Trí Tuệ. Điều đó cho thấy rõ ràng rằng trí tuệ thì phải được tạo thành bằng những phẩm chất cao đẹp này; và tất cả những tư tưởng dục vọng ích kỷ, ác tâm, thù ghét và bạo lực là kết quả của sự thiếu trí tuệ, không phải là khôn ngoan, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống cá nhân, xã hội và chính trị.
Chánh Tri Kiến là sự hiểu biết, thấy được mọi sự vật như-chúng-là, và chính là Tứ Diệu Đế đã giải thích mọi sự vật như-chúng-là.
Chánh Tri Kiến, sự hiểu biết đúng đắn, theo nghĩa ngắn gọn có nghĩa là sự hiểu biết đúng đắn về Tứ Diệu Đế. Sự hiểu biết này là sự hiểu biết cao nhất, Trí tuệ cao nhất để nhận thấy, để chứng ngộ được Thực Tại Tột Cùng.
Theo Phật giáo, có hai loại hiểu biết, trí tuệ: Cái chúng ta thường gọi là hiểu biết chính là Kiến thức, là trí nhớ được tích lũy, là sự am tường thuộc về trí óc, trí thức về một vấn đề (chủ đề) theo như những thông tin, dữ liệu được đưa ra. Cái này gọi là “sự hiểu biết tùy theo” (anubodha: tùy theo thông tin, dữ liệu). Sự biết này không sâu sắc (trí hữu sư).
Sự hiểu biết thật sự sâu sắc được gọi là “sự thâm nhập” (pativedha), tức là thấy biết một sự vật theo đúng bản chất bên trong của nó, không phải vì cái tên hay nhãn hiệu của nó. Sự thâm nhập này có thể có được khi tâm trong sạch, không còn tất cả những ô nhiễm, bất tịnh và được phát triển hoàn toàn nhờ vào hành Thiền (trí vô sư).[3]
Từ những trình bày ngắn gọn về Con Đường Bát Chánh đạo, chúng ta thấy được một cách sống mà mỗi cá nhân chúng ta cần tuân theo, thực hành và phát triển. Đó là sự ‘tự kỷ luật’ chính mình về thân xác, lời nói và tâm ý; sự tự phát triển và tự thanh lọc chính mình. Điều này không liên quan gì đến đức tin, cầu nguyện, thờ phụng hay nghi lễ cúng bái nào cả. Theo nghĩa đó, nó (Con Đường) không liên quan gì đến những gì thường được gọi là ‘thuộc tôn giáo, tín ngưỡng’. Nó chỉ là một ‘Con đường’ dẫn đến sự chứng ngộ Thực Tại Tột Cùng, để được hoàn toàn tự do, hạnh phúc và yên bình thông qua việc hoàn thiện về mặt đạo đức, tinh thần và trí tuệ.
Trong những nước Phật giáo có những phong tục và nghi lễ đơn giản và đẹp mắt vào những dịp có hội lễ nhà Phật. Những nghi lễ và phong tục này không liên quan gì nhiều đến “Con Đường” Bát Chánh Đạo thật sự. Nhưng những phong tục và lễ nghi đó có giá trị làm thỏa mãn một số nhu cầu và tình cảm tôn giáo của những người còn sơ cơ (chưa tiến bộ nhiều về trí tuệ tâm linh), và giúp cho họ dần dần đi đến Con Đường chánh đạo.
* Về Tứ Diệu Đế, chúng ta có bốn trách nhiệm để thực hành là:
1) Diệu Đế Thứ Nhất là Khổ (dukkha), bản chất của sự sống, sự khổ đau, sự buồn rầu và niềm vui sướng, sự bất hoàn hảo và bất toại nguyện, sự vô thường và sự không bền vững. Đối với Diệu Đế Thứ Nhất này, trách nhiệm chúng ta là hiểu chân lý này là một sự thật, hiểu rõ ràng và đầy đủ (pariňňeyya). {Khổ nên biết}.
2) Diệu Đế Thứ Hai là Nguồn gốc của Khổ (ukkha-samudaya), chính là sự ‘thèm muốn’, dục vọng, đi kèm với những si mê, những ô nhiễm và bất tịnh khác. Chỉ hiểu biết chân lý này thì vẫn chưa đủ. Đối với Diệu Đế Thứ Hai, trách nhiệm của chúng ta là phải loại bỏ nó, từ bỏ nó, hủy diệt và nhổ tận gốc rễ của nó (pahātabba). {Tập nên đoạn}.
3) Diệu Đế Thứ Ba là sự Chấm dứt Khổ (dukkha-nirodha), Sự Diệt Khổ hay Niết-bàn, Chân Lý Tuyệt Đối, Thực Tại Tột Cùng. Đối với Diệu Đế Thứ Ba, trách nhiệm ở đây là phải nhận ra nó, chứng ngộ nó (sacchikātabba). {Diệt nên chứng}.
4) Diệu Đế Thứ Tư là Con Đường (Bát Chánh Đạo) dẫn đến sự chứng ngộ Niết-bàn. Chỉ có kiến thức hiểu biết hết về Con Đường cũng không làm được gì. Đối với Diệu Đế Thứ Tư, trách nhiệm là phải thực hành, đi theo và giữ đúng theo Con Đường Chánh Đạo (bhāvetabba )[4]. {Đạo nên tu}.
[1] M I (PTS), tr.301.
[2] Xem Chương VII, về “Thiền”.
[3] Vism (PTS), tr.510.
[4] Mhvg. (Alutgama, 1922), tr.10.