Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới

Nghi Thức Sám Hối Sáu Căn

25 Tháng Hai 201400:00(Xem: 21241)
Nghi Thức Sám Hối Sáu Căn

Nghi Thức

SÁM HỐI SÁU CĂN

 

 (Dựa theo “Lục Thì Sám Hối Khoa Nghi”

 của vua Trần Thái Tông, Việt-nam)


 phat_dep

Khải bạch

Nghi Thức Sám Hối này do cư sĩ Hạnh Cơ soạn và chú thích. Nội dung của nghi thức đã được dịch từ bài “Lục Thì Sám Hối Khoa Nghi” (bằng Hán văn) của vua Trần Thái Tông (1218-1277). Nghi thức đã được lựa chọn và sắp xếp lại thành chỉ có một thời, khác với nguyên tác. Theo nguyên tác (trong tác phẩm Trần Thái Tông Ngự Chế Khóa Hư), vua Trần Thái Tông đã soạn sáu nghi sám hối riêng biệt cho sáu thời trong một ngày đêm (khuya, sáng, trưa, chiều, đầu hôm, nửa đêm); mỗi thời, sám hối tội lỗi của một trong sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), có nghi thức đầy đủ từ lúc dâng hương cho đến khi hồi hướng.

Trộm nghĩ, Việt-nam vốn đã có nghi thức sám hối riêng của mình từ gần ngàn năm trước, nhưng lại không được sử dụng phổ biến, mà trong thiền môn, từ lâu nay, chỉ có những nghi thức sám hối của Trung-hoa được sử dụng. Vì vậy, để tỏ lòng tôn kính hướng về cội nguồn quí báu của Tổ Tiên Dân Tộc, nghi thức này đã được tuyển dịch và soạn ra. 

Kính cẩn,

Cư sĩ Hạnh Cơ NGUYỄN HỮU LỢI
Edmonton, Gia-nã-đại, đầu đông năm 2000 (PL. 2544)


NGHI THỨC SÁM HỐI SÁU CĂN


1. Thiền tọa (10 phút – mục đích là để điều hòa thân tâm trước khi vào nghi lễ Sám Hối)
2. Dâng hương (đại chúng cùng quì, lắng nghe và quán tưởng theo lời xướng của vị Chủ lễ)

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Kính bạch Đại Giác Thế Tôn

Đại chúng hòa hợp tề tựu trước nghiêm đài
Dâng nén hương thơm trùm pháp giới Hương này do âm dương hội tụ 
Trời đất(1) sinh thành 
Công vun trồng trải đã nhiều đời 
Lại được sức chư thần(2) bảo hộ
Gốc rễ vững vàng,
Từng nhờ thấm nhuần mưa pháp
Thể chất thanh khiết
Từng nương bóng mát mây từ
Giống kì lạ không thể sánh cùng cây thường
Hương thơm trong lành người phàm khó biết
Vừa châm vào lửa, cắm lên lư vàng
Liền kết thành lọng báu tầng tầng
Bay thẳng lên không trung 
Dùng làm lễ dâng trước Phật

Chúng con tin sâu sắc
Cùng một dạ chí thành
Nguyện hương thơm vi diệu
Xông khắp cõi mười phương
Cúng dường vô lượng Phật
Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng
Rời khỏi đài quang minh
Đến vô biên Phật độ
Thi hành các Phật sự
Ơn nhuần khắp chúng sinh
Đều phát tâm bồ đề

Đất tâm(3) đà rộng mở
Muôn hoa nở thắm tươi
Chúng con dâng cúng Phật
Gió nghiệp lặng đời đời

Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát (3 lần)

3. Lễ Tam Bảo

• Nhất tâm kính lễ Phật Bảo thường trụ trong mười phương (1 lạy)
• Nhất tâm kính lễ Pháp Bảo thường trụ trong mười phương (1 lạy)
• Nhất tâm kính lễ Tăng Bảo thường trụ trong mười phương (1 lạy)

4. Khai thị 1 (quì – vị Chủ lễ đọc lời khai thị, đại chúng lắng nghe)

Thưa đại chúng! Đi lại dễ dàng trên bộ hay dưới sông là nhờ có xe, thuyền; rửa sạch trần cấu nơi thân tâm là nhờ sám hối. Muốn rửa sạch thân tâm mà không dùng phương pháp sám hối thì cũng giống như muốn đi lại dễ dàng mà không dùng xe thuyền. Công năng của việc sám hối thật là to lớn, như kinh Đại Tập nói: “Áo dơ dù để cả trăm năm, nhưng giặt trong một ngày thì có thể sạch sẽ. Cũng vậy, các nghiệp xấu đã tích tụ hàng trăm ngàn kiếp, nếu biết quán chiếu bằng trí tuệ của Phật, thì có thể tiêu trừ sạch hết chỉ trong một ngày hoặc một giờ.”

Vả lại, chúng sinh vốn có tính giác trọn vẹn, sáng suốt thanh tịnh, trong lặng như thái hư, một hạt bụi cũng không dính được. Nhưng vì do bọt vọng tưởng nổi dậy mà uế độ(4) hiện thành, phân chia có năng và sở, Phật và chúng sinh, ngu và trí v.v..., căn tánh đều sai khác. Nếu chỉ bày ra một cửa thì thật khó ngộ nhập, cho nên đức Phật của chúng ta đã dùng trí nguyện rộng lớn, mở cửa phương tiện, tùy lối mà chỉ cho đường về, ứng theo bệnh mà cho thuốc uống. Vì biết rõ các huyễn cấu nơi chúng sinh chỉ là do vọng tưởng phát sinh, nên khuyên phải nhất tâm kiền thành qui y sám hối; khiến cho gió lặng sóng yên, bụi sạch gương sáng, thân tâm thanh tịnh, tự tại như xưa. Vì sao được như vậy? Vì phút trước tâm xấu xa, như mặt trăng bị mây che, mà phút sau tâm đã trở nên tốt đẹp, như bó đuốc quét sạch bóng tối. Ôi! Chẳng phải là công đức sám hối lớn lao đến như vậy sao! (3 tiếng chuông, đại chúng đứng dậy)


5. Lời sám hối tổng quát (đại chúng đồng tụng theo tiếng khánh)

Chí tâm sám hối
Đệ tử chúng con
Từ vô lượng kiếp
Sáu căn sai quấy
Bỏ mất bản tâm
Không biết đường ngay
Đọa ba ác đạo
Không sám tội trước
Khó hối lỗi sau

Nhất tâm kính lễ Phật Pháp Tăng thường trụ trong mười phương (3 lạy)

6. Sám hối tội lỗi của nhãn căn (đại chúng đồng tụng theo tiếng khánh)

Kính bạch Thế Tôn
Căn mắt chúng con
Cái xấu xem kĩ
Việc thiện qua loa
Nhận lầm không hoa(5)
Bỏ quên trăng thật
Thương ghét khởi niệm
Đẹp xấu tranh giành
Liếc xéo nhìn xiên
Che mờ chánh kiến
Xanh đi trắng đến
Tím phải vàng sai(6)
Mọi thứ nhận lầm
Khác gì mù mắt
Gặp người nhan sắc
Nhìm trộm liếc ngang
Mê tối kiếp xưa
Bản lai diện mục(7)
Thấy người giàu có
Nhìn ngó đăm đăm
Gặp kẻ nghèo hèn
Không thèm để ý
Khi thân nhân chết
Lệ máu đầm đìa
Người khác qua đời
Ráo khô nước mắt
Hoặc thấy Tam Bảo
Hoặc vào già lam
Trước tượng trước kinh
Lơ là không thiết
Phòng tăng điện Phật
Trai gái cợt đùa
Mắt liếc mày đưa
Đắm mê sắc dục
Không sợ Hộ Pháp
Không trọng Long Thần
Hớn hở ham vui
Đầu chưa từng cúi
Tội lỗi như thế
Vô lượng vô biên
Đều do mắt sinh
Phải sa địa ngục
Trải hằng sa kiếp
Mới được làm người
Dù được thân người
Lại bị đui chột
Nếu không sám hối
Thật khó tiêu trừ
Nay trước Phật đài
Chí thành sám hối

Nhất tâm kính lễ Phật Pháp Tăng thường trụ trong mười phương (3 lạy)


7. Sám hối tội lỗi của nhĩ căn

Kính bạch Thế Tôn
Căn tai chúng con
Ghét nghe giáo pháp
Thích những lời tà
Quên mất bản tâm
Chỉ lo vọng ngoại
Sáo đàn huyên náo
Gọi khúc long ngâm(8)
Tiếng mõ tiếng chuông
Cho là tiếng ếch
Hát tình ca thảm
Chú ý lắng nghe
Lại để ngoài tai
Câu kinh lời kệ
Thoáng nghe khen hão
Khấp khởi mong cầu
Nói rõ lời lành
Không màng đón nhận
Bạn chơi bạn rượu
Chuyện ngắn chuyện dài
Sư trưởng dạy khuyên
Bịt tai không đoái
Tiếng vòng tiếng xuyến
Liền nảy lòng tham
Nghe nửa câu kinh
Liền thành tai ngựa
Tội lỗi như thế
Vô lượng vô biên
Đầy ắp bụi trần
Kể sao cho xiết
Hiện báo vừa hết
Liền đọa tam đồ(9)
Khi được thân người
Lại làm người điếc
Nếu không sám hối
Thật khó tiêu trừ
Nay trước Phật đài
Chí thành sám hối

Nhất tâm kính lễ Phật Pháp Tăng thường trụ trong mười phương (3 lạy)

8. Sám hối tội lỗi của tị căn

Kính bạch Thế Tôn
Căn mũi chúng con
Thường ham mùi lạ
Trăm thứ chan hòa
Chẳng thích chân hương
Năm phần thanh tịnh(10)
Xạ lan(11) sực nức
Mê luyến tìm cầu
Giới định thơm lừng
Chưa từng để mũi
Trầm xông hương đốt
Đặt trước Phật đài
Ngửi trộm ngông nghênh
Hít hơi phẩy khói
Ý thức trần tục
Khinh mạn Long Thần
Chỉ biết đam mê
Mùi hương trái đạo
Mặt đào má hạnh
Đeo dính chẳng lìa
Cây giác hoa tâm
Gọi về không ngó
Hoặc ra phố chợ
Hoặc vào nhà trù
Thấy bẩn(12) muốn ăn
Thèm mùi lông thú
Tỏi hành không tránh
Tanh hôi chẳng hiềm
Mê đắm không dừng
Như heo dầm ổ
Hoặc hỉ nước mũi
Hoặc búng sáp vàng(13)
Bôi cột quẹt thềm
Bẩn dơ đất tịnh
Say mèm nằm ngủ
Điện Phật phòng tăng
Hơi thở hôi nồng
Hun(14) kinh xông tượng
Ngửi mùi son phấn
Thành kẻ dâm ô
Ngửi mùi sen thơm
Thành ra kẻ trộm
Không hay không biết
Đều do nghiệp mũi
Tội lỗi như thế
Vô lượng vô biên
Khi xả mạng rồi
Đọa ba đường khổ
Trải hằng sa kiếp
Mới được làm người
Dù được thân người
Lại cam mũi tịt
Nếu không sám hối
Thật khó tiêu trừ
Nay trước Phật đài
Chí thành sám hối

Nhất tâm kính lễ Phật Pháp Tăng thường trụ trong mười phương (3 lạy)

9. Sám hối tội lỗi của thiệt căn

Kính bạch Thế Tôn
Căn lưỡi chúng con
Ham đủ các vị
Rành rẽ tinh thô
Thức thức nếm qua
Béo gầy đều biết
Giết hại sinh vật
Nuôi dưỡng thân mình
Chiên rán cá chim
Nấu hầm cầm thú
Đầy miệng thịt máu
Kín ruột tỏi hành
Vừa hết đòi thêm
Ăn hoài không đủ
Đàn chay gặp hội
Lễ Phật cầu thần
Đành để bụng không
Đợi khi hoàn mãn
Ăn chay buổi sáng
Cơm ít nước nhiều
Cháo thuốc qua loa
Giống như người bệnh
Tít mắt mỡ thịt
Cười nói oang oang
Rượu chuốc cơm mời
Nguội đi nóng tới
Cưới gả con cái
Thết tiệc đãi đằng
Sát hại chúng sinh
Chỉ vì cái lưỡi
Đặt điều nói dối
Thêu dệt lắm lời
Đâm thọc hai chiều
Lại thêm ác khẩu
Nhục mạ Tam Bảo
Nguyền rủa song thân
Khinh rẻ thánh hiền
Lừa vua dối chúa
Bàn bạc bươi móc
Hay dở chuyện người
Thị phi chính mình
Tìm phương dấu diếm
Bình luận kim cổ
Khen chê đó đây
Nịnh bợ nhà giàu
Lăng nhục kẻ khó
Chửi mắng tôi tớ
Xua đuổi tăng ni
Nói lời dèm pha
Thật là độc địa
Nói lời gian xảo
Êm như tiếng ru
Thật nói thành hư
Vẽ tô điều quấy
Oán hờn thời tiết
Phỉ nhổ non sông
Tán gẫu phòng tăng
Huyên thuyên điện Phật
Tội lỗi như thế
Vô lượng vô biên
Nhiều như trần sa
Đếm sao cho hết
Mạng này vừa chết
Cảnh khổ đọa vào
Kéo lưỡi trâu cày
Đồng sôi rót miệng
Thọ báo muôn kiếp
Mới lại làm người
Dù được thân người
Suốt đời câm ngọng
Nếu không sám hối
Thật khó tiêu trừ
Nay trước Phật đài
Chí thành sám hối

Nhất tâm kính lễ Phật Pháp Tăng thường trụ trong mười phương (3 lạy)

10. Sám hối tội lỗi của thân căn

Kính bạch Thế Tôn
Căn thân chúng con
Tinh cha huyết mẹ
Giả hợp nên hình
Năm tạng trăm xương
Cùng nhau kết tụ
Chấp là thân thật
Quên mất pháp thân
Sinh sát đạo dâm
Thành ra ba nghiệp
Đây là nghiệp sát
Bạo ngược lộng hành
Không phát lòng từ
Bốn loài một thể
Vì không biết rõ
Giết hại mặc tình
Hoặc là giết lầm
Hoặc là cố ý
Hoặc tự mình giết
Hoặc bảo người làm
Hoặc tìm thầy bùa
Thuật tà trù ếm
Hoặc làm thuốc độc
Dùng hại sinh linh
Tính chỉ hại người
Không hề thương vật
Hoặc đốt rừng núi
Lấp cạn suối khe
Xua chó thả ưng
Giăng chài bủa lưới
Móng tâm khởi ý
Cử động hành vi
Thấy nghe vui theo
Đều là tội sát
Đây nghiệp trộm cắp
Lòng dạ tham lam
Thấy tài vật người
Tâm tà móng khởi
Mò túi mở tráp
Bẻ khóa cạy then
Lấy làm của riêng
Tài sản thường trụ
Không chỉ vàng ngọc
Mới là tội to
Cọng cỏ cây kim
Đều là tội trộm
Đây nghiệp dâm dục
Tâm mê sắc thanh
Mắt đắm phấn son
Liêm trinh chẳng kể
Lòng đầy tư dục
Điện Phật phòng tăng
Cư sĩ nữ nam
Cười đùa cợt nhả
Tung hoa ném quả
Khều cẳng kề vai
Khoét ngạch trèo tường
Tội dâm tất cả
Tội lỗi như thế
Vô lượng vô biên
Đến lúc mạng chung
Liền sa địa ngục
Gái nằm giường sắt
Trai ôm cột đồng
Trải kiếp hằng sa
Mới sinh nhân thế
Nếu không sám hối
Thật khó tiêu trừ
Nay trước Phật đài
Chí thành sám hối

Nhất tâm kính lễ Phật Pháp Tăng thường trụ trong mười phương (3 lạy)

11. Sám hối tội lỗi của ý căn

Kính bạch Thế Tôn
Căn ý chúng con
Lăng xăng nghĩ ngợi
Không lúc nào dừng
Vướng víu tình trần
Kẹt tâm chấp tướng
Như tằm kéo kén
Càng buộc càng bền
Bướm lao vào đèn
Tự thiêu tự nướng
Hôn mê không tỉnh
Điên đảo phát sinh
Nhiễu loạn tâm thần
Đều do ba độc
Tội đầu của ý
Keo kiệt tham lam
Ghen ghét mưu mô
Của mình thì tiếc
Của người vơ vét
Vốn ít lời nhiều
Của chứa tợ sông
Vẫn cho chưa đủ
Như hũ lủng đáy
Rót vào trống không
Chẳng bao giờ đầy
Thà để gạo mốc
Thà để tiền mục
Không giúp người nghèo
Vải chất lụa chồng
Mặc ai đói rách
Được người trăm lạng
Không kể là nhiều
Bỏ ra một đồng
Bảo mình hao lớn
Trên từ châu báu
Dưới đến tơ gai
Kho đụn chứa đầy
Chưa từng bố thí
Bao nhiêu sự việc
Ngày tính đêm lo
Mỏi trí lao tâm
Đều từ tham nghiệp
Đây tội sân hận
Gốc bởi lòng tham
Lửa giận bốc lên
Nạt nộ trợn mắt
Đốt tiêu hòa khí
Không riêng kẻ phàm
Cả đến tăng ni
Tranh đua công kích
Khích bác sư trưởng
Chỉ trích mẹ cha
Cỏ nhẫn úa vàng
Lửa độc rực cháy
Buông lời hại vật
Cất tiếng hại người
Không nhớ Phật từ
Không tuân giới luật
Hí luận thì giỏi
Đối cảnh lại ngu
Dù ở cửa không
Chưa thông vô ngã
Như cây sinh lửa
Lửa đốt cháy cây
Những tội trên đây
Đều do sân nghiệp
Đây tội si độn
Căn tính ngu đần
Ý thức tối tăm
Tôn ti không rõ
Không phân thiện ác
Giết gấu gẫy tay
Chặt cây hại thân
Mắng Phật mang họa
Phun trời ướt mặt(15)
Quên đức quên ơn
Bội nghĩa bội nhân
Không tỉnh không xét
Đều là si nghiệp
Những tội như trên
Rất nặng rất sâu
Khi bỏ thân mạng
Sa vào địa ngục
Trăm ngàn kiếp sau
Mới được làm người
Chịu báo ngu dốt
Nếu không sám hối
Thật khó tiêu trừ
Nay trước Phật đài
Chí thành sám hối

Nhất tâm kính lễ Phật Pháp Tăng thường trú trong mười phương (3 lạy)

12. Khai thị 2 (quì – vị Chủ lễ đọc lời khai thị, đại chúng lắng nghe)

Thưa đại chúng! Gốc thân không vững, bản mệnh khó an. Phàm là người đầu đội trời, không tránh khỏi nhãn quang rơi xuống đất(16). Một sớm chợt sẩy tay, muôn kiếp khó được lại thân người. Mặt trời lên đến giữa trời thì phải xế, người đời có thịnh ắt có suy. Hình thể chẳng bền lâu, giàu sang không giữ mãi. Mau lẹ như nước chảy dưới sông, mỏng manh như mây trên đỉnh núi. Ngày thường chẳng tạo nhân lành, có lúc ắt về cảnh khổ. Hãy khởi lòng tin sâu sắc, trừ sạch nghi ngờ. Hãy mở tâm trong sáng như chư Phật, soi rọi phá tan cái thùng tăm tối chúng sinh. Nên nhớ tới cơn vô thường thấm thoắt, chớ tham phù thế xa hoa. Hãy mau kéo mũi lôi về(17), chớ để buông lòng phóng chạy. Hãy tự soi sáng nội tâm, không nên chạy tìm ngoại cảnh. Nên biết tiền trình khó tiến, chớ tham nệm ấm ngủ say. Lên giường khó bảo đảm sẽ xuống giường, đêm nay há biết được đêm mai. Cửa giác ngộ hãy tiến thẳng vào, ba đường ác chớ nên nhắm tới. Quay đầu lại nhận lấy quê mình(18), mở mắt ra tỉnh mộng phù thế. Hãy nghĩ tới bốn con rắn độc(19) đang bức bách, chớ quên hai con chuột(20) đang gặm mòn. Luân hồi ba cõi đến bao giờ, quanh quẩn bốn loài chừng nào dứt? Hãy sớm gieo giống lành, không nên khư khư tìm quả ác. Người người mau tỉnh, ai nấy siêng tu. Nên bước đi trên đường vãng sinh, hãy vịn vào xe giải thoát. Cửa ngục nào đâu, đêm nay quyết tâm phá vỡ. Dốc lòng lễ Vô Thượng Từ Dung, mở mắt thấy Đại Quang Minh Tạng. (3 tiếng chuông, đại chúng đứng dậy)

13. Pháp ngữ (vị Chủ lễ xướng)

Trống pháp rền vang dậy
Đánh tan mộng thế trần
Chuông chùa ngân sương sớm
Thức tỉnh kiếp trầm luân
Người đang say mê ngủ
Còn chìm trong tối tăm
Đâu biết phương Đông nọ
Mặt trời sáng rỡ dần
Đêm dài rồi cũng sáng
Đường mờ khó thoát thân
Nếu chẳng siêng hành đạo
Làm sao tỏ chân tâm

14. Phát nguyện (đại chúng đồng tụng theo tiếng khánh)

Nguyện giữ tâm ý thường trong lặng
Nguyện rèn tàng thức dứt vấn vương
Nguyện bao nghi ngờ đều phá vỡ
Nguyện cho trăng định mãi tròn đầy
Nguyện lắng pháp trần không khởi động
Nguyện tránh xa lưới ái biển tình
Nguyện ngưng tâm vượn thôi nhảy nhót
Nguyện dừng ý ngựa dứt lăng xăng
Nguyện hằng ấp ủ lời Phật dạy
Nguyện vui thiền định Tổ Sư truyền
Nguyện luôn thực hành hạnh Bồ Tát
Nguyện vượt ba cõi chứng Chân Như


15. Hồi hướng (đại chúng đồng tụng theo tiếng khánh)

Chúng con quay về nương Thánh Chúng
Chí thành đảnh lễ đức Từ Tôn
Hồi hướng công đức khắp quần sinh
Do nhân thù thắng thành Chánh Giác

(3 lạy, hoàn mãn)

 

CHÚ THÍCH:

(01) Âm dương, trời đất: Đây là những từ tượng trưng cho đức sinh thành, nói theo tín ngưỡng dân gian Việt-nam. Trong giáo lí nhà Phật, những từ ấy chỉ có nghĩa là “duyên sinh”, tức là bất cứ sự vật gì cũng đều do các duyên (điều kiện) hợp lạisinh thành.

(02) Chư thần: “Chư thần” ở đây là chỉ cho chư vị Hộ-pháp, thiện thần luôn luôn ủng hộbảo vệ Phật pháp.

(03) Đất tâm: Tâm chứa chủng tử của vạn pháp và làm phát sinh vạn pháp, cũng giống như đất chứa hạt giống của mọi loại cây cỏ và làm nẩy sinh mọi loại cây cỏ. Bởi vậy, TÂM thường được gọi là “đất tâm” (tâm địa). 

(04) Uế độ: là cõi dơ bẩn, tức chỉ cho những nơi mà đời sống đầy phiền não, tối tăm, đau khổ. Thế giới loài người chẳng hạn, là một loại “uế độ”. 

(05) Không hoa: là hoa đốm giữa hư không. Khi mắt bị đau, hay vừa dụi mắt xong mà nhìn lên khoảng không, chúng ta thấy như có vô số hoa đốm đủ màu nhảy múa trong không khí. Hoa đốm đó không có thật, chỉ do mắt bệnh mà hóa hiện ra.

(06) Xanh đi trắng đến, tím phải vàng sai: Đây là nói về cái tâm không bình đẳng, phân biệt chấp trước khi đứng trước sự vật. Đó là cái tâm vọng động của người không tu hành, chỉ biết chạy đuổi theo thị dục mà gây tội lỗi.

(07) Bản lai diện mục: là mặt mắt tự thuở nay. Đây là một thuật ngữ thường dùng trong thiền môn, chỉ cho chân tánh, hay Phật tánh vốn có sẵn trong mỗi chúng sinh.

(08) Long ngâm: là tên một khúc nhạc hay. Truyện “Trịnh Thuật Tổ” trong sách Bắc Tề có chép: Thuật Tổ là người chơi đàn cầm giỏi. Một đêm nằm ngủ thấy một người chơi một khúc nhạc rất hay, tỉnh dậy bèn theo đó soạn thành khúc “Long Ngâm”, được nổi tiếng đương thời.

(09) Tam đồ: là ba đường khổ, tức ba cảnh giới với ba cách hành hạ khác nhau, khiến cho chúng sinh chịu đau khổ cùng cực: 1. Hỏa đồ (cảnh giới lửa): trong cảnh giới địa ngục, chúng sinh bị lửa thiêu đốt mãnh liệt; 2. Đao đồ (cảnh giới dao): trong cảnh giới ngạ quỉ, chúng sinh vừa bị đói khát, vừa bị các thứ dao kiếm bách hại nặng nề; 3. Huyết đồ (cảnh giới máu): trong cảnh giới súc sinh, các loài vật bị loài người ăn thịt, và chính chúng cũng ăn thịt lẫn nhau.

(10) Năm phần thanh tịnh: Đây là năm thứ hương thơm thanh tịnh, gọi là “chân hương”; danh từ Phật học Hán Việt gọi là “ngũ phần hương”, gồm có: 1. Hương GIỚI: hương thơm do sự giữ gìn giới luật, các nghiệp thân ngữ ý đều thanh tịnh; 2. Hương ĐỊNH: hương thơm của sự tu tập thiền định, tất cả vọng niệm đều chìm lắng, tâm ý không còn loạn động; 3. Hương TUỆ: hương thơm của trí tuệ sáng chói, thấy biết sự vật hoàn toàn bằng chánh kiến; 4. Hương GIẢI THOÁT: hương thơm của thành quả giải thoát, không còn bị ràng buộc bởi bất cứ loại phiền não cấu uế nào; 5. Hương GIẢI THOÁT TRI KIẾN: hương thơm của bậc đã chứng đạt trí tuệ siêu việt, dứt tuyệt căn bản vô minh, thấy rõ bản tánh vốn vô nhiễm của mình, thân tâm hoàn toàn tự tại, không còn bị bất cứ điều gì làm cho chướng ngại. Năm thứ chân hương trên cũng chính là năm thứ công đức để làm nên pháp thân của chư Phật; cho nên, chữ “HƯƠNG” ở đây được dùng để ví dụ cho pháp thân của chư Phật. Bởi vậy, “ngũ phần hương” cũng tức là “ngũ phần pháp thân” (tức: giới pháp thân, định pháp thân, tuệ pháp thân, giải thoát pháp thân, và giải thoát tri kiến pháp thân).

(11) Xạ lan: chỉ cho các mùi thơm vật chất, trần tục.

(12) Bẩn: Chữ “bẩn” ở đây là chỉ cho các thức ăn có mùi tanh hôi của thịt cá, do hành động sát sinh, hoặc do những hành động bất chánh mà có.

(13) Sáp vàng: chỉ cho cứt mũi hoặc nước mũi đặc như đờm.

(14) Hun: có nghĩa như xông, ướp.

(15) Giết gấu gẫy tay, chặt cây hại thân, mắng Phật mang họa, phun trời ướt mặt: Đại ý của bốn câu này nói lên sự ngu si tối dạ của người đời, không biết điều gì là đúng, sai, phải, trái. Một anh chàng cầm rựa vào rừng giết gấu. Anh đang đi, thình lình một con gấu xông ra cắn cánh tay anh, nhưng chưa trúng. Thấy thế, anh chàng bèn cầm rựa chặt đứt lìa cánh tay kia của mình để cho con gấu khỏi cắn được! Một anh chàng khác leo lên một cây cao lớn để chặt một cành. Anh muốn chặt ở ngay chỗ sát thân cây cho cành được dài. Anh bèn leo ra ngồi ở đầu cành và xoay mặt vào để chặt phía trong. Cành cây đứt, mang theo anh ta rớt xuống đất! Một người nông dân đem lúa ra phơi, bỗng trời mưa xối xả. Ông ta giận quá, ngửa mặt lên vừa chửi trời, vừa phun nước miếng cho dơ trời. Nhưng bao nhiêu tiếng chửi của ông chỉ có ông nghe, bao nhiêu nước miếng ông phun lên đều rơi trở lại trên mặt ông! Có một bà nọ do ngoại đạo xúi giục, đã độn bụng lớn rồi đến chỗ Phật để bêu xấu, đổ thừa cho Phật đã gây ra cái bụng bầu cho bà, rồi mắng chửi Phật. Nhưng không ngờ, trong lúc bà đang mắng chửi Phật thì một con chuột ở đâu chạy tới cắn đứt cái xà rông của bà rớt xuống, làm cho bao nhiêu thứ bà độn trên bụng đều rớt xuống theo, lộ rõ lòng dạ ác độc của bà. 

(16) Nhãn quang: là sức sáng của con mắt. Nhãn quang rơi xuống đất là nói con người nhất định không thoát khỏi sự chết.

(17) Kéo mũi lôi về: Ý câu này nói, luôn luôn quán sátđiều phục tâm ý mình, không để cho nó chạy lông bông đuổi theo năm dục.

(18) Quê mình: tức là tự tánh thanh tịnh vốn có (bản lai diện mục) của mình.

(19) Bốn con rắn độc đang bức bách: Bốn con rắn độc là chỉ cho bốn yếu tố (tứ đại: đất, nước, gió, lửa) tạo nên thân người. Bốn thứ này luôn luôn chống trái lẫn nhau, làm cho thân ta chẳng lúc nào thấy an ổn. Chúng lại còm cõi, già nua theo thời gian, chỉ chực tan rã, gây cho ta bao nhiêu lo âu, phiền muộn, khổ đau.

(20) Hai con chuột đang gặm mòn: Hai con chuột là chỉ cho ngày và đêm. Ngày qua đêm đến, hết ngày lại đêm, hết đêm lại ngày; cứ thế mà thời gian trôi qua, bào mòn thân xác, cho đến ngày tàn tạ để vào cõi chết; giống như người đeo vào sợi dây treo trên miệng giếng, bị hai con chuột cứ chạy qua chạy lại, gặm nhấm lần hồi, cho đến khi sợi dây đứt, người kia rớt xuống đáy giếng tan thân.


PHỤ LỤC


KỆ BỐN NÚI
(Nguyên tác Hán văn của vua TrầnThái Tông
Cư sĩ Hạnh Cơ dịch ra Việt văn - 1999)
 
A. DUYÊN KHỞI (lời người dịch)

Mùa mưa năm đó, đức Phật an cư cùng với đông đảo chư Tăng, Ni tại tu viện Kì-viên (Jatevana), ở kinh thành Xá-vệ (Savatthi) của vương quốc Kiều-tát-la (Kosala).
Một buổi chiều nọ, vua của nước Kiều-tát-la là Ba Tư Nặc (Pasenadi), đến tu viện hầu Phật. Vua tỏ ý rất hối hận, lâu nay vì công việc triều chính quá bận rộn, nên đã không tinh tấn lắm trong việc tu tập. Vua hứa với Phật là từ nay phải để thêm nhiều thì giờ cho việc tu học. Phật dạy:
“Đúng vậy, thưa đại vương! Bây giờ tuổi đại vương đã cao, – năm đó vua đã 70 tuổi – nếu không lo tu tập thì đại vương không còn nhiều thì giờ nữa đâu! Đại vương! Ví dụ, một vệ sĩ thân tín của đại vương từ hướng Đông chạy về báo với đại vương là có một quả núi vĩ đại đang từ phương Đông tiến dần tới đây; quả núi ấy đã nghiền nát tất cả người, sinh vật và cây cỏ trên đường nó đi qua. Tiếp đó, một người khác từ hướng Tây chạy về cũng báo với đại vương là có một quả núi vĩ đại đang từ phương Tây tiến dần tới đây. Rồi các người khác từ các hướng Nam và Bắc cũng chạy về báo với đại vương là có các quả núi vĩ đại đang từ các phương Nam và Bắc tiến dần tới đây; các quả núi ấy đều đã nghiền nát tất cả người, sinh vật và cây cỏ trên đường chúng đi qua. Đại vương biết rõ là bốn quả núi vĩ đại kia từ bốn phương sắp ập tới mình, và mạng sống của đại vương sẽ không còn kéo dài bao lâu nữa. Đại vương không còn nhiều thì giờ! Vậy đại vương sẽ làm gì trong tình huống ấy?”
Vua Ba Tư Nặc suy nghĩ rất nhanh, rồi bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Theo con nghĩ, trong tình huống ấy thì con chỉ có một việc đáng làm mà thôi: Đó là, con phải sống thời gian còn lại thật xứng đáng; nghĩa là con phải sống thật trầm tĩnh và đúng theo chánh pháp.”
Phật dạy: “Hay lắm, đại vương! Tôi xin nói rõ để đại vương biết: Bốn quả núi vĩ đại đó chính là bốn tướng trạng Sinh, Già, Bệnh, và Chết của đời người. Chính cái già và cái chết là những quả núi hiện đang tiến tới và vây hãm chúng ta.”
Nhà vua bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Biết được cái già và cái chết đang tiến tới, con nghĩ chỉ còn một cách là con phải sống đúng theo chánh pháp, dùng những ngày tháng còn lại để làm những việc lành nào có thể làm, và xây dựng cho những thế hệ tương lai.”
Nhà vua lạy Phậttrở về hoàng cung.
*

Sinh, Già, Bệnh, Chết là bốn tướng trạng đau khổ, hằng vây phủ và hành hạ tất cả mọi người, không ai có thể chống lại hay vượt thoát nổi. Chỉ có tu tập theo Phật pháp để đạt được trí tuệ giác ngộ cao tột, thì mới giải thoát khỏi vòng vây của bốn quả núi to lớn kia mà thôi.
Lời dạy của đức Thế Tôn về “Bốn Núi” trên đây đã được ghi lại trong các kinh Tương Ưng Bộ (thuộc tạng Pali) và Tạp A Hàm (thuộc tạng Hán). Trên bước đường tu học Phật pháp, vua Trần Thái Tông (1218-1277) của nước ta đã rất lấy làm tâm đắc về đoạn kinh “Bốn Núi” này, và đã lấy cảm hứng từ đó mà viết nên bài văn “Tứ Sơn” (bốn núi), nêu lên các đề tài thiền quán quan trọng trong thiền môn. Bài văn viết bằng chữ Hán, được in chung với những bài văn khác của nhà vua, trong tác phẩm thiền học nổi tiếng của Phật giáo Việt-nam: KHÓA HƯ LỤC (tức Trần Thái Tông Ngự Chế Khóa Hư).
Bài văn “Tứ Sơn” này gồm có năm đoạn văn viết bằng thể biền ngẫu, diễn giải ý nghĩa của bốn quả núi: Đoạn đầu nói một cách tổng quát về thực trạng rằng, bởi vì vô minhchúng sinh phải trôi lăn mãi trong dòng sinh tử; bốn đoạn sau, mỗi đoạn nói về tướng trạng của một quả núi: SINH, LÃO, BỆNH, TỬ, nêu rõ ý thức về tính chất vô thường của đời người. Mỗi đoạn văn trên đều được kết thúc bằng một bài kệ thơ; bài kệ đầu viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, bốn bài sau theo thể thất ngôn bát cú. Ở đây chúng tôi chỉ xin dịch năm bài kệ thơ ấy mà thôi.

B. KỆ BỐN NÚI (phiên âm và dịch)

1) TỨ SƠN KỆ

Tứ sơn tiễu bích vạn thanh tòng
Ngộ liễu đô vô vạn vật không
Hỉ đắc lư nhi tam cước tại
Mạch ki đả sấn thướng cao phong

Dịch:
BÀI KỆ BỐN NÚI

Bốn núi cao chót vót
Sum sê muôn cây rừng
Tuệ giác nhìn vạn vật
Tất cả thảy đều không
Hãy cưỡi lừa ba cẳng
Lên thẳng đỉnh tột cùng

2) NHẤT SƠN (Sinh)

Chân tể huân đào vạn tượng thành
Bản lai phi triệu hựu phi manh
Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm
Khước bội vô sinh thụ hữu sinh
Tị trước chư hương thiệt tham vị
Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thanh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lí trình

Dịch:

NÚI THỨ NHẤT (Sinh)

Do nhân duyên hun đúc
Vạn pháp được sinh thành
Vốn không phải điềm báo
Cũng không thuần mầm xanh
bỏ quên vô niệm
Hữu niệm liền phát sinh
Kiếp vô sinh đã trái
Hữu sinh phải nhận hình
Mũi lưỡi tham hương vị
Mắt tai đắm sắc thanh
Quê nhà ngày xa mãi
Kiếp phong trần lênh đênh

3) NHỊ SƠN (Lão)

Nhân sinh tại thế nhược phù âu
Thọ yểu nhân thiên mạc vọng cầu
Cảnh bức tang du tương hướng vãn
Thân như bồ liễu tạm kinh thu
Thanh điêu tích nhật Phan lang mấn
Bạch biến đương niên Lã Vọng đầu
Thế sự thao thao hồn bất cố
Tịch dương Tây khứ thủy Đông lưu


Dịch:

NÚI THỨ HAI (Già)

Đời người như bọt nước
Thọ yểu chớ vọng cầu
Mặt trời đà xế bóng
Bồ liễu dần sang thu
Mới ngày nào trẻ đẹp
Giờ đây đã bạc đầu
Việc đời trôi cuồn cuộn
Ngoảnh lại ích gì đâu
Hướng Tây mặt trời lặn
Về Đông nước chảy mau

4) TAM SƠN (Bệnh)

Âm dương khiên đức bổn tương nhân
Biến tác tai truân cập thế nhân
Đại để hữu thân phương hữu bệnh
Nhược hoàn vô bệnh diệc vô thân
Linh đan mạn sá trường sinh thuật
Lương dược nan linh bất tử xuân
Tảo nguyện viễn li ma cảnh giới
Hồi tâm hướng đạo dưỡng thiên chân

Dịch:

NÚI THỨ BA (Bệnh)

Âm dương không hòa hợp
Gây họa đến thế nhân
Có thân thì có bệnh
Không bệnh hẳn không thân
Trường sinh cùng bất tử
Chỉ dối kẻ ngu đần
Gấp xa lìa ma cảnh
Quay về với thiên chân

5) TỨ SƠN (Tử)

Bãi đãng cuồng phong quát địa sinh
Ngư ông túy lí điếu chu hoành
Tứ thùy vân hiệp âm mai sắc
Nhất phái ba phiên cổ động thanh
Vũ cước trận thôi phiêu lịch lịch
Lôi xa luân chuyển nộ oanh oanh
Tạm thời trần liễm thiên biên tịnh
Nguyệt lạc trường giang dạ kỉ canh


Dịch:
NÚI THỨ TƯ (Chết)

Một trận cuồng phong thổi
Mịt mù cát bụi bay
Ngư ông say túy lúy
Mặc cho chiếc thuyền quay
Bốn phương trời u ám
Vần vũ lớp lớp mây
Sầm sập mưa xối xả
Lô xô sóng bủa vây
Ầm ầm tiếng sét nổ
Xe sấm tít mù xoay
Phút giây trời quang tạnh
Bụi lắng gió ngừng lay
Trong lòng sông vắng lặng
Còn lại mặt trăng đầy

 

 

Trần Thái Tông

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12966)
Lễ lạy, tham bái, chiêm lễ các thánh tích của các bậc Tiên Thánh là một tập tục truyền thống lâu đời của một trong những nghi thức hành trì trong Phật Giáo, có nguồn gốc từ Ấn Độ.
(Xem: 18655)
Âm điệu thời hô chung của thầy đã chuyên chở một tâm hồn chánh niệm đầy lòng từ bi muốn cho chúng sanh được thoát khổ như lời bài kệ chuông.
(Xem: 13786)
Nghi thức tắm Phật có nguồn gốc ảnh hưởng từ tập tục cổ xưa của Ấn Độ nhưng được Phật Giáo tiếp nhận rồi lồng vào đó những quan niệm đạo đức Phật Giáo...
(Xem: 11600)
Trong hệ thống kiến trúc Tòng Lâm Phật Giáo Bắc Truyền lấy Đại Điện làm trung tâm, Đại Điện còn được xưng là Chánh Điện, hay Đại Hùng Bảo Điện...
(Xem: 44195)
Lễ quy y theo Phật giáo là một buổi lễ tổ chức đơn giản cho cá nhân hay tập thể, xin gia nhập vào hàng ngũ Phật tử. Lễ này có thể tổ chức tại gia, chùa chiền...
(Xem: 15786)
Khi một người không tái phạm lỗi lầm lần thứ hai, chúng ta đã sám hối quá khứ. Chúng ta không những phải sám hối tội nghiệp đã biết, càng phải sám hối cho những tội nghiệp không biết...
(Xem: 68196)
Kim ô tợ tiễn, ngọc thố như thoa, tưởng cốt nhục dĩ phân ly, đỗ anh hồn nhi hà tại. HT Thích Bích Liên
(Xem: 28437)
Những Bài Tán Trạo Theo Nghi Thức Phật Giáo Miền Trung
(Xem: 66758)
Các Bài Tán Xấp theo Nghi Lễ Phật Giáo Miền Trung
(Xem: 84015)
Những Bài Tán Rơi Theo Nghi Thức Phật Giáo Miền Trung
(Xem: 18884)
Nghi lễ là cái được sáng tạo sau khi đức Phật nhập diệt, mà một trong những mục tiêuthể hiện sự kính ngưỡng đối với Đức Phậtgiáo pháp của Ngài, thông qua những hình thức cụ thể.
(Xem: 13714)
Nói đến Tăng phục Phật Giáo trước tiên chúng ta nên tìm hiểu về những lý do căn bản, ý nghĩa thậm thâm của Tăng phục.
(Xem: 13572)
Thông thường, truyền thọ giới pháp Bồ tát Du già, cần phải thỉnh ba vị Giới Sư làm Hòa thượng truyền giới, tức là: Đắc giới Hòa thượng (Đắc Giới Sư, đại diện cho Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni)...
(Xem: 85009)
Nghi lễvấn đề không cố định, nên tuy soạn thế này, nhưng quý vị cũng tùy thời, tùy xứ mà linh động...
(Xem: 18763)
Thân hình chúng ta như hạt sương trắng buổi sáng. Mạng chúng ta cũng mong manh như hạt sương buổi sáng... Trần Văn Khê
(Xem: 13325)
Các thể điệu hành trì của nghi lễ Phật giáo Việt nam rất phong phú, ở đây chúng ta chỉ lượt qua các thể điệu chính như: xướng, hô, kệ, thán, độc, tán, tụng, trì, niệm.
(Xem: 9756)
Lễ cung nghinh thỉnh rước của Phật Giáo có từ thời Đức Phật còn tại thế, thường thấy nghi chép trong các bộ kinh Đại thừa, khởi nguồn từ việc chư Thiên và các vị vua Ấn Độ...
(Xem: 10447)
Dâng hương cúng Phật, thắp hương cúng Phật, xông hương cúng Phật, là nét văn hoá đặc trưng của Tăng Tín đồ Phật Giáo Bắc Truyền. Người Đông phương khi nhắc đến đi chùa lễ Phật...
(Xem: 17349)
Nay đệ tử ( Họ tên ... pháp danh ...) trì tụng Thần Chú, xưng tán Hồng Danh. Nguyện xin mười phương Thường Trụ TAM BẢO, Tây Phương Cực Lạc Giáo Chủ A DI ĐÀ PHẬT...
(Xem: 226665)
Tuyển Tập Các Bài Phục Nguyện trong hai thời công phu sáng chiều - Hoavouu sưu tầm
(Xem: 16613)
Phật bảo sáng vô cùng, Đã từng vô lượng kiếp thành công, Đoan nghiêm thiền tọa giữa non sông, Sáng rực đỉnh Linh Phong
(Xem: 29032)
Chẩn tế cô hồn theo cung bậc nghi lễ Huế, do HT Thích Từ Phương làm sám chủ
(Xem: 27634)
Trong các lễ cúng thí Cô hồn, Trai đàn Chẩn tế được tổ chức quy mô nhất. Nó bao hàm cả hai khía cạnh văn chương và triết lý, gần như tất cả tinh hoa của tư tưởngvăn học Phật Giáo Đại thừa Mật Tông được gói trọn vào đây.
(Xem: 13324)
Từ xưa đến nay, Nghi lễ Phật giáo đã hội nhập, luôn gắn liền với nền văn hóa dân tộc Việt Nam một cách hài hòa như nước với sữa. Trải dài .... ! xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử thăng trầm thịnh suy của đất nước.
(Xem: 15303)
Nghi thức này được sử dụng trong các dịp xuống tóc, thiết lập bàn thờ, đàn tràng, cúng nhà mới, cúng đất đai, khai trương cửa hàng, văn phòng, v.v...
(Xem: 9593)
Nghi thức tụng giới cho thiếu nhi gồm có Ba Phép Quay Về Nương Tựa và Hai Lời Hứa, có thể được cử hành trước Nghi Thức Tụng Năm Giới.
(Xem: 75620)
Lễ an vị Phật tại tư gia, bàn thờ Phật phải đặt chính giữa nhà, bàn thờ linh phải đặt hai bên hoặc sau lưng Phật, nếu nhà lầu, thì Phật thờ tầng trên. Trước khi thờ Phật trong nhà phải trang hoàng sạch sẽ...
(Xem: 10577)
Hộ niệmniệm Phật cầu nguyện cho một bệnh nhân khi nhận thấy thuốc chữa trị không còn tác dụng đối với người ấy nữa, khi mà người bệnh sắp qua đời.
(Xem: 9426)
Pháp Hội Thí Vô Giá có nguồn gốc từ Ấn Độ gọi là “Vô Giá Đại Hội” còn gọi là “Ngũ Niên Nhất Hội”, “Ngũ Niên Công Đức Hội”, “Ngũ Tuế Hội”.
(Xem: 10389)
Chiếc y của người xuất gia Phật giáo biểu trưng cho sự thanh bần, giản đơn, và quan trong hơn cả là nó nối kết người mặc với vị thầy bổn sư của mình - Đức Phật...
(Xem: 10069)
Kim cương thừa (vajrayāna) hay Mật tông xuất hiện trong khoảng thế kỷ thứ 4 tại Bắc Ấn Độ, trở nên hưng thịnh từ đầu thế kỷ thứ 6, đến giữa thế kỷ thứ 8 thì hình thành nên một truyền thống lớn mạnh...
(Xem: 10694)
Nghi lễ Phật giáo cũng có hai phần lễ và nhạc, tuỳ theo truyền thống văn hoá nghệ thuật của mỗi miền, mỗi vùng mà phần lễ nhạc Phật giáo sẽ ảnh hưởng và biểu hiện theo truyền thống của vùng...
(Xem: 19222)
Trong nhân gian, ai mà lại không có Mẹ. Từ người làm vua cho đến kẻ cùng đinh hạ tiện tất thảy đều do Mẹ sinh ra và nuôi lớn.
(Xem: 10154)
Lạy hay còn gọi là Lễ Bái, là nghi thức rất phổ thông trong dân gian, mang ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn và niềm tôn kính đến với các đấng thần linh, các bậc tiên hiền có công khai phá giang sơn...
(Xem: 13044)
Kính lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu.
(Xem: 60084)
Bồ TátVô Tận Ý Khi bấy giờ chăm chỉ đứng lên Bèn trịch vai hữu một bên Chắp tay cung kính hướng lên Phật đài
(Xem: 27563)
Nguyện đem lòng thành kính Gởi theo đám mây hương Phưởng phất khắp mười phương Cúng dường ngôi Tam Bảo
(Xem: 68658)
Chúng sanh đây có bấy nhiêu Lắng tai nghe lấy những điều dạy răn Các ngươi trước lòng trần tục lắm Nên kiếp nầy chìm đắm sông mê
(Xem: 64018)
Cúng dường Thanh tịnh Pháp Thân Tì Lô Gía Na Phật. Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật. Thiên Bá Ức Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Phật.
(Xem: 25484)
Những bài kệ canh dưới đây áp dụng vào mùa An Cư, Kiết Hạ hằng năm của của Chư Tăng, hoặc trong trường hợp khai Đại Giới Đàn của xưa và nay.
(Xem: 14986)
Bản Sưu Tập các Bài Tán nầy được trích trong các cổ bản Tán Sám, Nghi Thức, Hành Trì viết tay bằng hán tự và trong những bản Nghi Lễ bằng quốc ngữ.
(Xem: 14249)
Hương vân nhi bố Thánh đức chiêu chương Bồ đề tâm quảng mạc năng lường Xúc xứ phóng hào quang
(Xem: 14307)
Đàn tràng chẩn tế cũng gọi là Trai đàn vì lấy sự trang nghiêm thanh tịnh làm gốc để nhất tâm hồi hướng cho cô hồn, ngạ quỷ được ân triêm công đức.
(Xem: 7816)
Chuông, trống được đưa vào PG từ khi Đức Phật còn sanh tiền với mục đích tập hợp chúng Tăng. Về sau, chuông, trống, mõ được dùng trong các nghi lễ để trang nghiêm đạo tràng...
(Xem: 7123)
Cà sabiểu tượng của hạnh khiêm cung, nhu hòa, nhẫn nhục. Đức khiêm cung, nhu hòa, nhẫn nhục trong Phật giáo liên hệ mật thiết với tinh thần bình đẳng...
(Xem: 6782)
Âm nhạc Phật giáo có bước chuyển biến mới trong những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi, khi nền âm nhạc Tây phương thâm nhậptác động vào nền âm nhạc truyền thống...
(Xem: 16254)
Tượng Phật là để thờ, tất nhiên: như sự bày tỏ niềm tri ân, tôn kính của người Phật tử. Nhưng không chỉ thế, tượng Phật còn để chiêm ngưỡng: như một lối trang trí...
(Xem: 14049)
Chiếc áo cà-sa khoác lên tâm thức sẽ che chở cho ta trong cuộc sống bon chen, đầy tham vọng, lừa đảo, hận thù và hung bạo. Nó ngăn chận không cho ta hung dữ và hận thù.
(Xem: 8345)
Nghi lễ sẽ tạo thành không khí lễ nghĩa, làm cho con người có tập quán đạo đức hướng về điều tốt điều phải một cách tự nhiên. Ở chỗ có mồ mả thì có cái không khí bi ai...
(Xem: 8984)
Tán tụng là một bộ môn nghệ thuật âm nhạc quan trọng trong hệ thống văn hóa nghệ thuật của Phật Giáo Bắc Truyền.
(Xem: 8030)
Trong ba ngày rằm nầy, người ta còn gọi các danh từ khác nữa như: Thượng nguơn, trung nguơn và hạ nguơn, hay: Thượng nguyên, trung nguyênhạ nguyên.
(Xem: 9028)
Nghi lễ biểu hiện lòng thành kính đối với Tam Bảo: Tín đồ luôn có một niềm tin sâu sắc và thành kính đối với Tam Bảo. Niềm tin đó tạo sự chuyển hóa trong nội tâm...
(Xem: 13894)
Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai Tĩnh tọa lòng an miệng mỉm cười Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức Mặt trời trí tuệ rạng muôn nơi.
(Xem: 16728)
Khể thủ nhất thiết xuất thế gian Tam giới tối tôn công đức hải Trí giả năng thiêu phiền não cấu Chánh giác ngã kim quy mạng lễ
(Xem: 11816)
Nam mô nhất tâm phụng thỉnh, lạc bang giáo chủ, y chánh trang nghiêm, tứ thập bát nguyện độ chúng sanh, cữu phẩm liên đài mông thát hóa
(Xem: 17876)
Phật bảo sáng vô cùng Đã từng vô lượng kiếp thành công Đoan nghiêm thiền tọa giữa non sông Sáng rực đỉnh Linh Phong
(Xem: 14850)
Từng nghe, pháp không tự khởi, nhờ cảnh mới sanh, đạo chẳng hư hành, gặp duyên liền ứng. Hôm nay, hoa đàn la liệt, Phật sự xiển dương, hương xông triện báu
(Xem: 74860)
Trong Đạo Phật, lòng từ bi được đưa lên hàng đầu. vì thương tưởng đến loài chúng sanh bị đói khát, đau khổđức Phật và chư Tổ đã dạy phương Pháp bố thí cho loài Ngạ quỷ, súc sanh...
(Xem: 11626)
Thiền sư Quảng Nghiêm (1121 - 1191) người huyện Ðan Phượng, tỉnh Hà Tây. Ông tu ở chùa Thánh Ân thuộc huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh).
(Xem: 25017)
Chuyển ngữ: Sư Ông Làng Mai Xướng kệ: Thầy Pháp Niệm Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant