Phổ Nguyệt, Ph.D.
PHẦN MỘT
TRI KIẾN
CHƯƠNG BA
TRI KIẾN PHẬT GIÁO
A- TỔNG QUÁT
Khi viết về
Buđdha (Phật Thích Ca Mâu Ni) thì Jaspers đối diện với một chủ đề xa lạ mà sự
kiện cũng như tinh thần đều thiếu sót cho một triết gia người Đức. Tuy nhiên
không dễ gì, cho bất cứ ai, ở đâu, thời điểm nào, để có thể nói về Buđdha mà
không bị thiếu sót. Suy luận với kiến thức nửa vời còn nguy hiểm hơn không có
kiến thức; nhưng một nửa kiến thức có một nửa cơ hội đến sự thật, còn không
kiến thức thì chỉ là u tối và ngu dốt. Với một đề tài như triết học của Buđdha
không ai có thẩm quyền để nói rằng họ có đầy đủ kiến thức.
Mở đầu, Jaspers công
nhận một sự kiện lịch sử: không có một sự chắc chắn nào về sử kiện đối với
những gì mà Buđdha đã thuyết giảng. Nếu một ai đòi hỏi một tiêu chuẩn chính xác
cao độ về sử kiện thì họ chỉ còn lại số không. Cuộc đời, triết lý của Buđdha là
một nửa huyền thoại, một nửa sử tính. Buđdha được tái dựng lại bởi những thế hệ
đàng sau nhiều hơn là con người lịch sử nguyên thủy. Nhưng đó chính là thực tế
của văn minh và lịch sử nhân loại đối với những vĩ nhân.
Chủ thuyết của Buđdha
là sự cứu rỗi bằng trí tuệ (redemption by insight), Jaspers viết. (Đây là vấn
đề của Jaspers khi mở đầu phần thảo luận về học thuyết của Buđdha. Doctrine và
Redemption (cứu rỗi) không phải là thuộc về phạm trù khái niệm trong tư tưởng
của Buđdha- mà là của Thiên Chúa giáo Tây phương). Chánh Kiến là sự cứu thoát
cho sinh hữu. Chánh kiến của Buđdha không phải kiến thức từ cảm quan hay vận
động của lý luận; nhưng mà nó là khởi lên từ một thể nghiệm bởi sự chuyển hóa
của ý thức từ những giai trình thiền định.
Buđdha khởi đi và kiến
tạo giáo lý trên căn bản của một nhà Yogi trong truyền thống Ấ n Giáo. Mọi khả
thể giải thoát, tri kiến hay giác ngộ đều đến từ thiền định để khai mở tuệ
nhãn. Từ đó, Buđdha mở đầu triết học bằng một sự đòi hỏi lớn lao, vượt qua sự
bình thường trong khả thể tính nhân loại. Kiến thức và ý thức nhân loại, trên
các lãnh vực khoa học và triết, chỉ vẫn còn nằm ở mức độ thế tục. Ý thức vẫn
chỉ là một biến số. Lý tính vẫn chỉ nằm trong giới hạn của không và thời gian.
Phật Pháp như chúng ta thường nghe và biết đến, là sâu thẳm, khó mà lãnh hội,
khó mà hiểu thấu, đầy an lành, huy hoàng, không thể đến được bằng suy tưởng, vi
tế; chỉ những bậc đại trí mới có thể học được Pháp.
Và đó là vấn đề triết
học của Buđdha: một hệ thống chứng ngộ cao cấp, chỉ dành cho một thiểu số nhỏ,
một giai tầng trí thức thượng đẳng của giới quý tộc của giống dân đặc biệt của
vùng Hy Mã Lập Sơn, trở thành cơ đồ tôn giáo, tín ngưỡng và đạo học bình dân,
phổ thông mang đầy màu sắc huyền thoại và sử tính. Duy thức học Phật Giáo,
nhánh sông triết học từ tư tưởng của Buđdha, chẳng hạn, là một môn epistemology
(Bản thể học của kiến thức) thượng đẳng mà muốn lãnh hội nó phải cần có một khả
năng trí thức cao, tương đương với trình độ tiến sĩ hiện nay của giáo dục bằng
cấp Tây Âu, mới có thể hiểu thấu được. Vì vậy, Phật giáo khi, trở nên phổ thông
và bình dân hóa, đã chỉ còn là một hệ quả từ lịch sử đầy nhầm lẫn, hiểu lầm, mà
tinh hoa của những gì Buđdha rao giảng nay chỉ còn là gánh nặng của chiều dài
lịch sử mà thôi.
Jaspers cũng trình bày
đến những chủ thuyết căn bản của Buđdha: của Tứ Diệu Đế, của Bát Chánh Đạo.
Jaspers phiên giải những gì Buđdha kêu gọi trên khuôn mẫu hiện sinh luận: Con
người đối diện với Existenz (Hiện thể) như là sự chọn lựa giữa khả thể tính Trở
Nên. Trong suy lý, thiền định, và niềm tin, con người phải đặt cho chính hắn
mục đích sinh tồn tối hậu cho hắn. Hắn vật vã, lao tác, như một kẻ leo núi. Vì
thế mà Buđdha luôn kêu gọi nỗ lực ý chí. Tất cả sinh lực của cá nhân phải được
vận dụng. Cá nhân phải tự đốt đuốc lên mà đi--và hắn phải đem ánh sáng từ ngọn
lửa tri thức do chính hắn đốt lên để mà đi sâu vào bóng tối tận trong góc cạnh
tâm thức u minh, sâu thẳm. Và chỉ có thể được như thế qua thiền định. Mệnh lệnh
toàn thể là vậy: đừng để bất cứ cái gì nằm yên, lẫn kín trong góc tối của vô
thức để chỉ nó có thể tác hành qua vọng tưởng; hãy hoàn toàn tĩnh thức, giác
ngộ trước tất cả hành động và nghiệm thể cho chính mình.
Về sinh hiện, triết lý
của Buđdha là truyền thống Ấn Độ mà nặng nhất trong truyền thống nầy là khái
niệm karma (nghiệp). Tất cả sinh hiện chỉ là tiến trình Trở Nên bị điều kiện
hóa bởi nghiệp quả vốn phát xuất từ vô minh. Cái chuỗi dài nhân quả nầy cần
phải được chấm dứt. Tất cả đều đang bị đốt cháy bởi ngọn lửa tham dục bởi năng
lực tự ngã. Chấm dứt chuỗi dài nhân quả nầy, theo Jaspers, là sự chấm dứt tất
cả sinh hiện với những đau khổ của nó.
Jaspers hỏi: Từ đâu mà
cái vô minh nầy đến để từ đó là sự khởi đi cho tất cả khổ đau? Theo Jaspers thì
câu hỏi đó chưa bao giờ được nêu lên. Jaspers viết: Không có một sự thảo luận
về sự sa ngã đầu tiên từ toàn thiện vĩnh cửu vào trong vô minh, một biến cố mà
đã có thể nhắc nhở đến sự vấp ngã của con người trong truyền thống
Judaeo-Christian. Một loạt những câu hỏi nối tiếp nhau có vẻ như ám chỉ rằng
một biến cố như vậy đã là nguyên khởi cho tất cả những bi đát của thế gian nầy.
Nhưng ở đây Phật Giáo ngừng câu hỏi. Trí tuệ đã cung cấp sự chắc chắn về cứu
rỗi và như thế là đủ rồi. Và thế là không có tội lỗi gì có dính dáng đến biến
cố mà khổ đau khởi sinh; vì ai có thể can tội? Khi Buđđha từ chối có một ai đó.
Không có tự ngả, không có ta, không có một định thể cá nhân. Tất cả đều là giả
hợp trong năng động cấu thành nghiệp quả.
Những vấn nạn mà
Jaspers nêu lên đều là những vấn đề lớn của triết học Buđđha. Trong duy thức
học. Phât Giáo, qua Mã Minh và các triết gia lớn của Phật Giáo về sau, cố khai
phá một luận đề triết học về sự khởi đi của vô minh và vai trò của tri thức
trong tiến trình Trở Nên của sinh hữu qua sự tác động của nghiệp quả. Nhưng ở
đây, Jaspers chỉ muốn nói về triết học của Buđđha-- còn triết học Phật Giáo thì
là một chuyện khác vốn bao gồm cả một lịch sử lâu dài.
Buđđha đã không muốn
đưa ra một hệ thống triết học per se (chính nó) vì chỉ gây thêm tranh luận vô
ích. Mục đích của Buđđha là chỉ lối cho nhân loại giải thoát khỏi vòng sinh tử
luân hồi. Đó là sứ mạng tín ngưỡng. Buđđha tồn tại trong lịch sử nhân loại là
nhờ vào một hệ thống tín điều về khả thể vượt thoát khỏi hiện hữu trong cõi
luân hồi. Jaspers kết luận: Buđdha là hiện thân của một nhân thể vốn không công
nhận một trách nhiệm nào đối với thế gian, nhưng mà trong một thế gian vươn ra
khỏi thế gian nầy. Nhân thể nầy không tranh đấu hay chống cự. Nhìn vào chính
mình như là một sinh hữu đã đi vào hiện thế qua vô minh, họ chỉ muốn cái hủy
diệt, nhưng ngay điều nầy cũng cực đoan rằng họ không muốn ngay cả cái chết,
bởi vì họ tìm ra một trú quán vào thường hằng qua khỏi sinh và tử. (TC Triết 1,
tr. 234-236)