Phổ Nguyệt, Ph.D.
PHẦN MỘT
TRI KIẾN
CHƯƠNG BA
TRI KIẾN PHẬT GIÁO
B- TÁNH KHÔNG-DUYÊN KHỞI
Cho đến nay, dù trải
qua mấy mươi thế kỷ được phổ truyền, đạo lý Tánh Không của Bồ Tát Long Thọ vẫn
còn diệu lực vượt thoát lên trên tất cả những hạn cuộc của thế giới tri thức và
luận lý tương đối của con người. Tại sao? Bởi vì, đạo lý Tánh Không ấy không
phải được xây dựng trên nền tảng của tri thức và luận lý thuộc thế giới tỷ
lượng hay biến kế chấp của tâm phan duyên. Đạo lý Tánh Không mang trong nó nội
dung mầu nhiệm của năng lực chiếu sáng từ trí tuệ thực chứng chân lý hay cội
nguồn tối hậu của vạn hữu. Chính khả tính vi diệu của quang lực trí tuệ nầy mới
có công năng đẩy nhận thức và luận lý mà nó sử dụng xóa sạch vết tích trầm trệ
cố hữu trong tri thức và luận lý để lao vút vào cõi tịch lặng chân như...
(Lời giới thiệu cuốn
sách Phủ Định Thức và Biện Chứng Pháp Trung Quán của Viện Triết Lý VN và Triết
Học Thế Giới)
Phần trình bày Tánh
Không của Bồ Tát Long Thọ được trích trong sách nêu trên của B. K Martilal do
Thượng Tọa Thích Viên Lý dịch.
Phái Trung Quán không tin vào thực tại của đa-nguyên-tánh thuộc hiện tượng. Họ phủ nhận rằng chân lý tối hậu có thể là tương đối hoặc có thể tùy thuộc vào bất cứ điều gì khác. Triết lý của họ vạch trần tính cách không xác thực hoặc tính cách bất khả biện minh của trật tự đa-nguyên mà chúng ta thường hình dung ra trong kinh nghiệm và ý tưởng. Về phương diện nầy họ rất gần gũi với tinh thần của những người thuộc phái Bất Nhị Luận (Advatin). Cả phái Trung Quán lẫn phái Bất Nhị Luận đều hướng về một loại chủ thuyết triết học tuyệt đối nào đó. Nhưng phái Bất Nhị Luận có vẻ nhiệt tâm hơn đối với một lập trường siêu hình học khi họ đánh giá những tư tưởng và kinh nghiệm thông thường. Còn phái Trung Quán thì cố gắng duy trì một thái độ thờ ơ về tồn hữu học.
Hai phái Trung Quán và Bất Nhị Luận có vẻ đồng ý về một điểm khác. Chân lý tối hậu, dù đó là Không Tánh (sùnyatà) hay là Phạm Thiên (Brahman), luôn luôn tiềm ẩn đối với kinh nghiệm thông thường và ý tưởng của chúng ta; người ta có thể đạt đến chân lý tối hậu bằng kinh nghiệm trực tiếp và hầu như là thần bí, qua nội quán thâm sâu hoặc qua trực giác của một loại người đặc biệt nào đó. Vậy, có thể nhận xét rằng, cả hai trường phái trên đều có khuynh hướng mở khóa cánh cửa đi vào chủ nghĩa thần bí của triết học hay chủ nghĩa thần bí nhận tri (cognitive mysticism).
Muốn hiểu biết chính xác về loại chủ nghĩa tuyệt đối của phái Trung Quán thì cần phải đi vào trung đạo, giữa sự cả tin thái quá và hoài nghi thái quá. Thật ra, chủ thuyết về Tánh Không chỉ muốn vạch trần cho chúng ta thấy: người ta sai lầm về luận lý (hoặc về biện chứng pháp) nếu coi bất cứ hệ thống siêu hình học nào đó là có giá trị tuyệt đối. Theo nhận xét của T.R.V Murti để làm sáng tỏ việc nầy: Biện chứng pháp Trung Quán không phải là sự phản luận... Phản luận là bác bỏ quan điểm của đối phương bởi một người quan tâm tới việc thiết lập một quan điểm của chính họ. Còn sự phê bình là dùng lý trí để phân tích một cách khách quan.
Long Thọ vận dụng thuyết duyên khởi của Phật Giáo thời sơ khai để cho thấy sự tương đối (nghĩa là sự tương lập lẫn nhau) của tất cả mọi quan niệm, và do đó, Ngài nói rằng chúng không thể được coi là thực khi nhìn từ quan điểm tuyệt đối. Ở đây rõ ràng là Ngài muốn nói rằng thực tại phải tự hổ trợ, độc lập và tuyệt đối. Trong bộ Trung Quán Luận, Long Thọ khảo sát một số quan niệm siêu hình học và phổ biến,như thời gian, không gian, sự chuyển động, nhân duyên, và sanh và cho thấy rằng mỗi khái niệm đó sẽ dẫn tới những mâu thuẫn và phi lý, nếu chúng ta coi chúng là thực một cách tuyệt đối. Mô thức tổng quát của lối biện luận nầy có thể được tóm tắt như sau : Nếu chúng ta giả thử một vật x nào đó là hiện hữu một cách độc lập, thì hoặc là chúng ta không thể thuyết minh một cách nhất trí (và hợp lý ) về vật đó--để tránh sự mâu thuẫn về luận lý --hoặc là giả thiết của chúng ta về sự hiện hữu độc lập của nó sẽ dẫn tới một hậu quả phi lý nào đó, trái với kinh nghiệm của chúng ta. Trong câu kệ thứ 18, phẩm thứ 24 của Trung Luận, B.T Long Thọ thiết lập một liên hệ đồng nhất giữa những từ ngữ không tánh, duyên khởi, và trung đạo:
Nhân duyên sở
sanh pháp ngã thuyết tức thị không, Diệc vi thị giả danh
Diệc thị Trung Đạo
nghĩa.
Bất cứ cái gì do nhân
duyên sanh ra ta đều gọi là không,
Cái đó cũng được gọi
là giả danh
Cái đó cũng có nghĩa
là Trung Đạo
Theo giải thích
của Nguyệt Xứng (Candrakirti ) về câu kệ nầy có thể thiết lập như sau :
Duyên Khởi =
Không Tánh = Giả Danh = Trung Đạo.
Trung Đạo mà Long Thọ nói đó là để tránh hai cực đoan của chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa thường hằng. Thật ra có thể truy nguyên tư tưởng nầy từ bài thuyết pháp của đức Phật với Kàtyayàna. Long Thọ viện dẫn bài thuyết pháp và Nguyệt Xứng ghi chú rằng nó xuất hiện trong những bộ kinh A Hàm. Nguyệt Xứng cho rằng không tánh--là cái không có nguyên thủy tự nhiên của nó--được coi là Trung Đạo vì nó dẫn tới xa lìa hai cực đoan là hiện hữu hoặc sanh khởi và vô hiện hữu hoặc hủy diệt. Cái gì không có nguyên -thủy của-chính-nó thì không có sự hiện hữu hoặc sanh khởi hoặc hiển hiện, và khi nó không có sự hiện ra thì nó cũng không có sự biến mất hoặc hủy diệt hoặc vô hữu. Vì vậy, không tánh có nghĩa là Trung Đạo.
Chúng ta cần bàn thêm về sự đồng nhất giữa duyên khởi và giả danh (hoặc quan niệm). Tác giả A. Wayman giải nghĩa là Định danh khi có sự lệ thuộc. Ông cũng lập một danh sách gồm những thí dụ để dẫn chứng những định danh lệ thuộc từ những lời chú giải của Tson-kla-pa về phẩm thứ 6 trong sách nhập môn Trung quán luận của Nguyệt Xứng.
Lệ thuộc vào
duyên
1) ngũ uẩn -
Ngã
2) Bộ bánh xe,
trục xe,v,v---Xe
3) Hạt giống,
v.v---- Mầm
4) Đất, nước,
gió, lửa, không khí, không gian và ý thức-Người
5) Khúc dây
thừng---Con rắn
6) Nhân và
duyên---Không Tánh
Những thí dụ trên đây
cho thấy ý niệm về giả danh (cái danh giả huyễn vì lệ thuộc vào những duyên).
Có thể nói duyên khởi và giả danh chỉ là hai cách khác nhau để nói về cùng một
ý niệm: Không-Tánh. Như sao hôm và sao mai đều là tên của một thiên thể duy
nhất nhưng có hai ý nghĩa khác nhau, cho nên duyên khởi và giả danh đều chỉ là
một cái tên giống nhau tuy rằng chúng có thể có những ý nghĩa khác nhau.
Nguyệt Xứng giải thích
duyên khởi là sự xuất hiện hoặc nổi lên của sự vật nào đó (như cái mầm, nhận
thức,v.v-- tùy thuộc vào nhân và duyên. Sự định danh tùy thuộc (tức là giả
danh) là hành động định danh (chỉ định một cái tên) cho sự vật nào đó--thí dụ
như cái xe--tùy thuộc vào các sự vật khác, như bộ bánh xe, v.v. cả hai chữ
duyên khởi và giả danh đều mô tả cùng một thực thể: cái Tuyệt Đối của không
tánh. Chữ duyên khởi (do nhân duyên mà sanh ra) là đứng trên lập trường siêu
hình học để hình dung sự tuyệt đối của Không; còn chữ giả danh là đứng trên lập
trường nhận thức luận để hình dung cái đồng nhất bất nhị của Không. Nói khác,
Duyên Khởi gạt bỏ siêu hình học của nhân quả để thay vào đó bằng thuyết nhân
duyên tương tác. Còn Giả danh thì vạch trần tính cách vô hiệu quả của sự định
danh bằng ngôn ngữ, và do đó phủ định khả thể của bất cứ khái niệm tri thức nào
về thực tại, và thay vào đó bằng khái niệm về sự định danh tùy thuộc. Tất cả sự
định danh của chúng ta đều là tổng hợp, khi chúng ta Tổng Hợp những yếu tố khác
nhau thành một sự vật nào đó để định danh (đặt tên) cho nó. Tóm lại, duyên khởi
là một nguyên tắc thành lập giữa các đối tượng, còn giả danh thì thành lập giữa
các đối tượng và nhận thức/ ý thức của chúng ta về chúng. Nhưng, trong cả hai
trường hợp, chúng ta đều đi đến không-tánh, vì chúng ta buộc lòng phải nhận
thấy sự thiếu vắng của sanh khởi độc lập hay sanh khởi do chính bản chất của
nó.Thứ nhất, sự thiếu vắng sanh khởi độc lập dẫn tới không tánh; thứ nhì, vô
sanh và sự thiếu vắng định danh tuyệt đối cũng dẫn tới không tánh.
Long Thọ giải thích
thuyết; Không Tánh của Ngài như là bao hàm hai giai tầng của chân lý, đó là: tục
đế (chân lý thế tục) và chân đế (chân lý tối hậu, đệ nhất nghĩa đế, hay thắng
nghĩa đế...). Tục đế kiến lập trên những giả thiết và tiền đề chưa được khảo
nghiệm. Nếu khảo sát những tiền đề nầy qua những phạm trù luận lý được chấp
nhận ở giai tầng thế tục thì sẽ thấy rằng chúng có những mâu thuẩn nội tại.
Chúng ta không thể lãnh hội chân đế bằng ngôn ngữ. (Điều nầy chính là một giáo
điều căn bản của Phật giáo mà Long Thọ từng đề cập). Nhưng đồng thời, nếu không
dùng ngôn ngữ thì chúng ta không có cách nào khác để thuyết giảng về chân đế.
Vì vậy, ngôn ngữ thế gian được sử dụng để vạch ra sự thiếu khả năng của ngôn
ngữ trong việc bày tỏ chân đế. Và Long Thọ trông mong rằng phương cách nầy sẽ
dẫn chúng ta, một cách gián tiếp, tới một điểm mà chúng ta có thể lãnh hội được
chân đế (là cái không thể diễn tả). Long Thọ cũng cảnh giác người ta đừng vội
vàng cho rằng mình đã hiểu được thuyết không tánh của ông: giống như nắm bắt
con rắn ở phía đuôi hoặc áp dụng khoa học sai lầm; sự hiểu lầm không tánh có
thể gây nguy hại cho người kém thông minh. Hơn nữa, ông còn nói: Khi hiểu được
không tánh thì có thể hiểu tất cả chư pháp; nếu không hiểu được không tánh thì
không thể hiểu được chư pháp.
Hai Giai Tầng của Chân
Lý: Phật giáo đặt căn bản trên chủ thuyết về hai chân lý: chân lý ẩn dấu hay
chân lý thế tục và chân lý tối hậu hay tuyệt đối. Những ai không hiểu được sự
phân biệt giữa hai chân lý thì không hiểu được tinh nghĩa--hay ý nghĩa thâm
thúy--của Phật giáo (theo Long Thọ trong Trung Quán Luận). Vì thế cả những lời
thuyết giảng của đức Phật có thể được phân loại thành tuyệt đối hay tối hậu, và
thực dụng hay thế tục Thuyết giáo về thế tục được gọi là samvrti hay
lloka-sanvrti. Nguyệt Xứng đề nghị ba cách giải thích từ ngữ samvrti, căn cứ vào
nguyên ngữ học: (1) Sự che đậy hoàn toàn hoặc cái màn của vô minh che đậy chân
lý; (2) chỉ hiện hữu nhờ tùy thuộc các nhân duyên; (3) hành vi thế tục hay ngôn
ngữ liên quan tới giả danh và cái được giả danh (đặt tên), tới cái tri nhận và
cái được tri nhận. Cách giải thích thứ ba có vẻ đưa ra kiến giải hữu dụng về
bản chất của thế tục. Những gì được bày tỏ trong hành vi ngôn ngữ của chúng ta
cùng với chính hành vi ngôn ngữ cấu thành cảnh giới của thế tục, tức là cảnh
giới tùy tục và thực dụng. Cái gọi là giả danh, hoặc dùng văn tự hay danh tánh,
tùy thuộc vào sự gán ghép của một số điều kiện hoặc phẩm chất. Một cái gì đó
trở thành đối tượng của ý thức qua một hình thức nào đó mà chúng ta có thể gọi
là điều kiện để gán cho nó một cái tên. Vì vậy sự giả danh đặt cơ sở trên sự áp
đặt của một điều kiện hoặc một phẩm chất, khiến cho vật được giả danh trở thành
một huyền thoại cấu tạo bởi điều kiện hay phẩm chất đó. Nhưng Nguyệt Xứng nhận
thấy rằng lãnh vực của giả danh và cái được giả danh, túc là lãnh vực của tri
thức và những đối tượng của nó, giống như thế giới tùy tục, có một giá trị thực
dựng lớn lao. BT Long Thọ nói: Không thể mô tả chân lý tối hậu, nếu không dùng
ngôn ngữ tùy tục. Và nếu không thể hiểu được chân lý tối hậu thì không thể
chứng quả Niết Bàn. (Trung Quán Luận).
Tính Cách Bất Xác Định của Thế Giới Hiện Tượng: Trong phần này chúng ta sẽ thảo luận về ý niệm bất xác định của thế giới hiện tượng. Như Sriharsa đã nhận xét đúng, một người thuộc phái Bất Nhị Luận tuyệt đối, sẽ tán đồng với một người thuộc phái Trung Quán về quan điểm coi thế giới hiện tượng như là có đặc tính bất khả xác định. Hiểu theo một ý nghĩa nào đó, một hiện tượng là một sự kiện được cảm nhận và do đó chúng ta không thể nào coi nó Chỉ Là hư cấu, hiểu theo nghĩa rằng chúng ta không thể coi người con của một phụ nữ tuyệt sản là một hư cấu. Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận rằng thế giới hiện tượng có sự hiện hữu tạm thời. Nói cho đúng, nếu thế giới hiện tượng chẵng phải là một thực thể thì tất cả những sinh hoạt thực tế của chúng ta sẽ không thể thi hành được; và ngay cả những kỷ luật đạo đức và tinh thần cũng sẽ mất hết ý nghĩa. Vì vậy, thế giới hiện tượng nầy được coi là không thật mà cũng không giả, nhưng nó là bất khả xác định và bất khả minh chứng trên phương diện luận lý. Theo ngôn ngữ của Long Thọ, tính cách bất xác định nầy của thế giới hiện tượng được gọi là đặc tánh duyên khởi của chư pháp hoặc là không tánh của chư pháp.
Ở đây, chúng ta thực sự đối diện với một nghịch lý hiển nhiên và rất lý thú. Mỗi hiện tượng đều là bất xác định về luận lý; chúng ta không thể nói nó hiện hữu và không thể nói nó không hiện hữu, hoặc vừa hiện hữu vừa không hiện hữu. Khi các trường hợp nầy đều bị phủ định thì hiện tượng trở thành bất xác định, tức là trống không, nghĩa là không có bất cứ giá trị tuyệt đối nào. Vật tối hậu đó cũng là bất xác định và cũng không thể mô tả. Thật ra, cái tối hậu chính là không-tánh của mọi vật, mọi hiện tượng. Đi theo lối phân tích nầy, chúng ta sẽ hiểu rõ nghĩa hơn về ý nghĩa thâm sâu trong câu kệ sau đây của Long Thọ:
Thế gian không
có gì khác Niết Bàn,
Và Niết Bàn
không có gì khác với thế gian.
Giữa thái cực
của Niết Bàn và thái cực của thế gian, không có một chút khác nhau nào cả.
Tuyệt đối và hiện
tượng không khác nhau. Khi đứng trên điều kiện duyên khởi và lập trường đa
nguyên tánh để xét thế gian nầy, bảo rằng nó có tính cách hiện tượng hay thế
tục. Nhưng khi chúng ta không qui chiếu vào duyên khởi và đa nguyên tánh để xét
thế gian thì nó được coi là Niết Bàn, là cái tối hậu. Cho nên, chúng ta thấy,
thật ra việc chỉ trích phái Trung Quán về chuyện họ phân chia chân lý thành hai
giai tầng là điều không công bằng. Hiện tượng chính là hình thức che dấu của
tối hậu, nhưng nó không khác gì tối hậu. Vì vậy cần phải nhấn mạnh rằng thuyết
không-tánh không bao hàm sự phủ nhận thế giới hiện tượng, mà chỉ bao hàm thái
độ vô chấp đối với những hiện tượng, và không chấp nhận bất cứ lý thuyết nào
nói rằng thế giới hiện tượng là thực một cách tối hậu.
Nghịch Lý của Không Tánh.- Không -tánh dẫn đến lý thuyết về tánh bất khả xác định của thế giới hiện tượng. Nhưng, bản thân lý thuyết nầy (về tánh bất khả xác định của thế giới hiện tượng ) không phải là một lý thuyết. Bạn đừng nên coi câu nói nầy chỉ là một trò chơi chữ nghĩa, vì nó có thể cho thấy một ý nghĩa hợp lý về câu nói không tánh dẫn đến lý thuyết về tánh bất khả xác định của thế giới hiện tượng. Lý thuyết về không tánh bản thân nó không phải là lý thuyết, vì nó không thể phủ định một cách thành công.
Ý niệm của tánh bất khả xác định là người ta có thề khẳng định một định đề có vẻ nghịch lý : Cái bất khả xác định chẳng phải là bất xác định, đồng thời là bất khả xác định. Vì vậy sự phủ định của cái bất khả xác định cũng trở thành bất khả xác định. Câu nói nầy rõ ràng là trái ngược với ý tưởng của chúng ta về luận lý. Nhưng chúng ta hãy cố gắng liễu tri ý nghĩa của nó.
Chủ Nghĩa Thần Bí của Phái Trung Quán.- Người ta không ngạc nhiên khi thấy biện chứng pháp của Long Thọ đã trở thành một cội nguồn phong phú của chủ nghĩa thần bí của Đông Phương.
Hai dặc tánh chủ yếu của triết học Trung Quán rất gần gũi với những gì mà chúng ta có thể gọi là những điểm phổ quát của tất cả các loại chủ nghĩa thần bí. Thứ nhất, có sự tin tưởng vào khả thể của loại kiến thức mà chúng ta gọi là khải thị, trực giác, hoặc thậm chí sự trực diện với thực tại. Có người biện luận rằng những loại kiến thức khác, tức là kiến thức qua các giác quan, lý trí, và phân tách chỉ hoạt động ngoài bề mặt, chỉ ở tầng diện thế tục, và nó che đậy chân lý tối hậu; cho nên, loại kiến thức thứ nhì nầy nằm ở giai tầng thấp hơn đối với loại kiến thức thứ nhất. Trực giác là vị trọng tài duy nhất của chân lý tối hậu, vì nó không lệ thuộc vào bất cứ quan điểm nào, và cũng không nhờ cậy vào bất cứ ký hiệu nào (thuộc về ngôn ngữ hay những gì khác). Loại trí thức thấp tùy thuộc vào quan điểm mà chúng ta bị đặt vào, hoặc chỉ là những giả thiết của chúng ta, và tùy thuộc vào những ký hiệu mà chúng ta dùng để tự bày tỏ. Đặc điểm thứ nhì của phái Trung Quán là tin tưởng vào sự nhất thống; sự nhất thống nầy có khuynh hướng bác bỏ tất cả những phân hóa và dị biệt, vì coi rằng chúng là những hiện tượng hư ảo. Phái Trung Quán cho rằng tất cả những đa nguyên nầy chỉ là cái màn che dấu thực tướng của chân lý tối hậu, duy nhất và vô nhị. Tuy nhiên, quan niệm về Thực tướng bất nhị nầy được đặt cơ sở những biện luận luận lý để cố gắng cho thấy sự bất khả đắc của tự tánh (own nature), tự ngả hoặc nhân quả.
Một ý niệm trọng yếu khác của tất cả các triết gia thần bí là ý niệm về cái "không thể bày tỏ". Chân lý tối hậu không thể bày tỏ, nhưng có thể liễu ngộ bằng trực giác. Ý niệm nầy cũng xuất hiện trong triết học của phái Trung Quán. Vì sự hiểu biết hay tư tưởng của chúng ta luôn luôn vượt xa ngôn ngữ--là thứ chỉ đại diện cho những điều chúng ta hiểu biết--do đó sự liễu ngộ bằng trực giác này có một gía trị giáo dục rất lớn trong triết học.