Phổ Nguyệt, Ph.D.
PHẦN HAI
GIẢI THOÁT TRI KIẾN
Nhờ có lý trí (Tàng thức) mà con người hiểu biết được vạn vật và ngay cả tâm trí của mình. Khai ngộ là giải thoát lý trí ra khỏi kho chứa ràng buộc nó. Tri kiến là cái giả lập của sự hiểu biết. Cái Biết mới là thực, cái Bị Biết (Tri kiến) là không thực, là cái giả lập của cái thực.
Kant định nghĩa Khai
Sáng như là một hành động lột xác: sự thoát ly ra khỏi điều kiện vị thành niên
mà con người đã tự giam mình vào, để làm người trưởng thành--Ở Kant, vị thành
niên là kẻ không có khả năng tự vận dụng lấy lý trí mà không có sự lãnh đạo của
người khác.
Cứ dám biết! Hãy có
can đảm tự sử dụng trí tuệ của chính mình. Đó là phương châm của khai sáng.
Ở đây cái mới của Khai
Sáng là : 1) báo hiệu một kỷ nguyên tiến bộ vừa không thể đảo ngược, vừa có
tiềm năng vô hạn; 2) lấy sự tiến tới của tri thức, và qua đó, của đời sống vật
chất, làm cơ sở cho sự tiến lên của đạo lý và xã hội--nghĩa là sự tiến bộ tinh
thần của nhân loại.
(TC Triết 2, tr.12)
Giải thoát tri kiến có nghĩa là khôi phục lại cái thực tính của tri kiến, tức là sự hiểu biết chân thật hay là chân lý tối hậu.
Vượt thoát khỏi đối
tượng tìm đến tự tính của nó là đường về chân nguyên. Lột xác tri kiến giả lập
để thể hiện tri thức thực sự tức là Tri thức đúng hay Hiểu biết chân thật. Vậy
tri kiến như phương tiện hướng dẫn thực hiện.
Như ngón tay chỉ mặt
trăng. Nhận thấy được mặt trăng phải vượt thoát khỏi ngón tay, cũng như vậy,
vượt thoát khỏi tri kiến mới nắm bắt được thực tại.
Thực tại là tự tánh của sự vật. Những hình ảnh của sự vật (thức) theo thời gian kết tựu (Tàng thức). Thời gian đi từ tự tánh của sự vật: Chơn không, Thực tại, Thực hữu. Thực chất là chân lý thì không biến đổi. Đã là chân lý thì phải thường hằng, bất biến. Vì lẽ đó, cho nên ta có thể thấy lại trong thực tại bên ngoài cái ý niệm thời gian, mà ta biết một cách tuyệt đối. Đó là ý niệm lại cái thực tại thì không còn là thực tại, dù trải qua một sát na, nó chỉ là một quá khứ. Tri kiến là tâm quá khứ. Chân thể là sự trở lùi của Sử tính Thời tính, vì thời tính là sử tính. Ấn tượng tri giác vận chuyển nối tiếp như một dòng sông chảy xiết. Dòng nước trôi chảy liên miên, những giọt nước không bao giờ lập lại, nhưng những giọt nước đều có hình ảnh giống nhau; do đó dù tự thể của chúng luôn luôn sai biệt, nhưng hình ảnh chúng không sai biệt.
Muốn dẹp bỏ tâm quá khứ là trở về giọt nước ban đầu của những giọt nước triền miên lưu chảy mà ta đang thấy, giảm trừ thời gian từ hiện tại đến đầu nguồn quả thật cũng là một giả vọng trong quá trình tư duy mà thôi.
Trở về nguồn của thực
hữu, cái hiện đang là, cái hiện đang là đó, tức là không có tâm quá khứ vốn
mang nhiều tri kiến nặng nề, làm cho tâm hồn vẫn đục, vọng tưởng triền miên
không dứt. Đó là ta mới giảm trừ thời gian. Còn điểm trở ngại nữa cái tâm không
thì không còn trung gian của các căn nữa. Vượt khỏi ngũ giác quan của mình để
nguyên vẹn cái tâm không trực nhận thực hữu. Là ta đã giảm trừ không gian và
thời gian, là hai yếu tố làm chướng ngại cho cái tâm tự tại vậy. Tâm lúc bấy
giờ thể nhập chốn tịch tĩnh y nhiên. Thực tại, thực hữu chính nó là nó mà tâm
thể nhập ngay lúc ấy và tại ấy hiện tiền. Khi dùng văn ngôn để diễn tả cái ý
chỉ thì thực hữu ấy không còn là hiện hữu nữa. Giải thoát tri kiến là tiến
trình tri thức đúng về nhận thức sai lầm tri kiến giả lập, và giải thoát nó, để
trở về thực thể tức là tự tính tuyệt đối của tri kiến hay là con đường giác
ngộ. Vậy trong sự sống làm thế nào nắm bắt được chân lý tối hậu ấy? Đó là lối
dụng công, là phương pháp thiền, là cách giải tỏa những khắc khoải của con
người trong hàng vạn thế kỷ trước khi đức Phật ra đời. Ánh sáng đuốc tuệ đã tỏa
ra, đạo pháp tuyệt vời của đức Phật đã phổ biến khắp quần sanh. Chúng ta muốn
nắm bắt chân lý tối hậu ấy, không gì bằng dùng những phương tiện tối ưu do đức
Phật đưa ra; mà trong mọi cách, theo Phổ Nguyệt, chỉ có Trí rộng lớn vô cùng
tận, tức là Trí Bát Nhã Cứu Cánh, mới có thể kham nhẫn tiến tới giác ngộ. Chúng
ta cần triển khai Trí Bát Nhã để thể hiện đạo sống hàng ngày, bằng cách Thắp
Sáng Hiện Hữu trong cái Tâm Bình Thường là ta đã giải thoát mọi tri kiến giả
lập hầu trở về Chân Tính của vạn hữu.
CHƯƠNG MỘT
CÁI NHÌN BÁT NHÃ TÂM KINH QUA LĂNG KÍNH THỜI KHÔNG
I. Mục Đích-Khái Niệm Tư Duy về Thời Không
1).-Chủ Đích :
Chủ đích của bài lý giải Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa qua Lăng Kính Thời Không, với sự mong mỏi của Phổ Nguyệt là đưa một luồng gió mới đến quý độc giả, một tri thức cụ thể, có thể trực nhận thực tướng của vạn pháp. Phổ Nguyệt xin lấy bản Hán văn của Ngài Huyền Trang (đã trích) mà phân giải quyển kinh Bát Nhã. Yếu chỉ của Bồ Tát Quán Tự Tại đã thực hành Trí Bát Nhã thâm sâu ghi lại những điều tâm đắc và chứng đắc là để lưu truyền cho hậu thế nương tựa tu tập. Khi trao truyền yếu chỉ cho chúng sinh hành trì, dĩ nhiên là chúng sinh từ trạng thái chưa giác ngộ cố gắng học hỏi cho hiểu rõ yếu chỉ của kinh và nhiệt thành thực hiện đúng đắn, ắt sẽ đạt cứu cánh. Do đó, lập trường của Phổ Nguyệt là trình bày Trí Bát Nhã Cứu Cánh nầy với tinh thần của một chúng sanh bình thường có trình độ một ít trí tuệ, từ đó trao dồi, học hỏi, tu hành tiến tới trí tuệ cao hơn và đạt cứu cánh, âu đó cũng là mục đích muốn truyền dạy của đức Phật qua tiêu đề Quán Tự Tại.
2).- Nhận Định về Thời Không:
+Theo ý nghĩa của của
danh từ Hư không hay Không gian là cái không Không Thật Có. Còn phân tách từ
ngữ, Hư là không thật, Không là không; Hư không là Không Thật Không. Vậy Hư
không là cái không thật có, cũng là cái không thật không. Hư không là không
gian bao la vô cùng tận, cái rỗng không. Vậy Hư không cũng là cái Thật Có hay
cái Thật Không. Vậy thì :
-Cái Không Thật Có :
Thể huyển hóa, giả lập
-Cái Không Thật Không:
Không có Thực thể, Tánh Không
-Cái Thật Có: Thể hiện
tiền, thực tại
-Cái Thật Không: Không
có gì ngoài Cái Thật, Chơn Không: chỉ có Chơn, Tánh Không, Bản tánh trong sáng
thanh tịnh.
Theo Phật giáo, Hư không là Không gian, khoảng cách, không khí hay môi trường sống. Đó là Không đại, một trong thất đại.
Không gian là bầu dung chứa vạn hữu và cái rỗng không. Khi sự vật được dung chứa trong không gian, Tánh Không (khối cố định chiếm khoảng không) là hư không: Tướng Không của sự vật được giới hạn trong khoảng không của hình dáng riêng biệt của sự vật.
+Khi khởi đầu, đứng trước Cái Chưa Là, tức cái dự phóng tương lai, vì Tương Lai là cái không bao giờ đến. Từ cái Chưa Là, ta vừa bắt đầu Cái Trở Nên, tức là Cái Đang Là hay Hiện Tại. Từ Cái Đang Là ta mới biết Cái Đã Là hay Quá Khứ. Ba thì đó tạo thành thời thể.
Thời gian là thực thể của Trở Nên. Thời thể trở nên Hư không khi sự vật ở trong trạng thái thụ động tiêu cực. Trong trạng thái thụ động, sự vật tùy thuộc vào chính nó, đó là thực tại tính của sự Trở Nên tức là tiềm năng của Thực Hữu.
+Khi thời gian bị tiêu
hủy, không gian thu hẹp ở Hữu Thể
( sự vật chiếm
cứ không gian), lúc ấy kể như không gian triệt tiêu chỉ có Tánh Giác về Hữu
Thể. Khi thời gian vừa khai mở, Hữu Thể biến thành Trở Nên thì Hữu Thể đó Đã Là
(Quá khứ). Hữu Thể (Đã Là) tức là trở nên Hữu Thể mới không còn là chính hữu
thể trước nữa, tức là không thật là hữu thể cũ. Quá khứ là hư không, không
thật.
+ Dung lượng và thời lượng tăng hay giảm theo tỉ lệ thuận của sự phát triển của không gian và thời gian. Bánh xe thời gian chuyển động trong không gian vô tận. Không gian sẽ biến thiên đến cực tiểu hay tiêu hủy khi thời gian tàn lụi đến triệt tiêu.
+Sự vật tự thân nó đã có mầm mâu thuẫn nội tại. Sự sanh diệt của sự vật do lực cản của chính sự vật (nội thân) và lực hút của vũ trụ (thời không là chủ yếu) và những nhân duyên ngoại tại khác. Cho nên sự vật không có thực thể, nên gọi là Tánh Không. Tướng Không của sự vật theo nhân duyên hợp mà sanh diệt bởi mâu thuẫn ngoại tại của không thời gian và tác động khác. Hai lực nội ngoại nầy chi phối sinh mệnh của vạn pháp. Luật nhân quả, hay sanh diệt đều nằm trong phạm trù của Thời-Không. Xét cho cùng, nếu không có Thời Không thì qui luật nhân quả không thể phát triển được, và Hữu Tự Tại được hiển bày.
+- Nhắc lại, theo
Thích thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn quyển 1, giải thích; Không gian vô tận có
hai thế giới: thế giới mê vọng và thế giới giác ngộ;
-Lại theo Long
Thọ Bồ Tát cũng đã nói ở Phần I, Trung Không Diệu Hữu.
Trong không gian có
nhiều điều huyền diệu:
-Thứ nhất: Chứa thế
giới mê vọng là huyễn hóa, không thật, chằng chịt nhân duyên, ràng buộc luân
hồi, sanh tử tức là Cái Không thật có cũng Không thật không.
-Thứ hai: Chứa thế
giới giác ngộ, chơn thật tức là Cái Thật có tức là Cái tùy thuộc vào chính nó,
Cái chơn không, Cái thiệt Hư không hay Tánh Giác cũng là Chơn tâm, Niết
bàn.
+Chúng tôi muốn bàn đến thời gian và không gian là yếu tố quan trọng trong vấn đề sanh diệt nhân quả. Mọi vật trong không gian nầy đều bị nhân quả của năng lực Thời Không chi phối. Như trong không gian có vũ trụ, thái dương hệ..., địa cầu. Mọi vật trong địa cầu đều bị sức hút (trọng lực) làm ảnh hưởng đến chất và lượng của bản thân chúng; ngay cả trái đất cũng lệ thuộc vào vận hành của thái dương hệ và chuyển động quanh quỹ đạo v.v.. đều nằm trong không gian. Trọng lực của trái đất (không gian) và lực cản của sự vật (nội chất), dung chứa trong không gian là hai lực mâu thuẫn Hút và Cản, tạo ra sự sanh diệt của sự vật. Lực Kéo của vũ trụ vô cùng to lớn--trong khi lực Cản của sự vật quá nhỏ, ngay cả núi Thái Sơn, đối với không gian bao la vô tận cũng không thấm vào đâu. Cho nên theo thời gian, sự vật sẽ bị lực Kéo (không gian) hủy diệt mà thôi. Chúng tôi không muốn đề cập đến những nhân duyên phụ khác (không đáng kể trong trạng thái bình thườngso với trọng lực) như ánh sáng, âm thanh, không khí v.v...Tất cả sự vật được dung chứa trong không gian đều có lực cản của chính nó và bị trọng lực thu hút và ảnh hưởng của sáu đại khác, có thể gây thêm cho sự vật ấy di động với những tốc độ khác nhau và có thể làm tổn hại đến chính nó và các sự vật khác. Trung Không Diệu Hữu cũng có nghĩa là trong không gian chứa biết bao điều huyền diệu. Trong không gian dung chứa tất cả mầm sanh diệt hay không gian đồng hóa với mầm sanh diệt tức là không gian coi như là mầm sanh diệt. Cũng tương tự như thế “Tàng Thức là kho chứa tất cả những Chủng Tử hay Nguyên Nhân Phát sinh của Thực Tại Kiến Lập:... Tàng Thức được định nghĩa là nguyên nhân phát sinh của tất cả hiện tượng giả lập bởi vì nó luôn luôn hiện diện như là nguyên nhân của các hiện tượng nầy”... (TC Triết 1, tr.47)
Không gian huyền diệu như vậy, tất nhiên nó không chỉ dung chứa sự vật mà còn tác động đến sự sinh tồn của sự vật nữa. Với sự tiếp tay của Thời gian, Không gian biến hoá mọi vật rất nhịp nhàng theo quy luật nhân quả mà sự sinh diệt hầu như mang sẵn trong nội thân của chúng. Dù giải thích riêng rẻ về mâu thuẫn nội tại hay ngoại tại, sự vật rốt cuộc cũng bị Thời Không chi phối. Sinh Mệnh của mọi vật đều do Thời Không giữ quyền sanh sát. Sự vận hành của vũ trụ (tác động của Thời Không) là Thực Tính của Hư Không.
3).-Thời Không Và Triết Lý Duy Thức
Trong Duy Thức, tri thức thực tại là thể nhận tánh không. Trong cái Không Thật Có và cái Thật Có của Hư không chứa hai thế giới: Vọng và Chơn. Giữa đúng và sai, Niết bàn và Luân hồi, Bồ đề và Vô minh v.v... theo quan niệm của Phật giáo là hai con đường Nhận Thức Đúng và Nhận Thức Sai mà thôi. Trong thế giới chơn vọng lẫn lộn mà tri thức đúng được thực tại, quả là một vấn đề nhận thức sâu sắc qua quá trình tư duy của một trí tuệ khai mở. Duy Thức Tính Không và Tính Vô Ngã của lịch trình thanh lọc huyển thể của chủ tri và đối tượng (chủ khách) được thể hiện qua ba tự tính sau đây: Tự tính giả lập, Tự tính tùy thuộc và Tự tính tuyệt đối.
(a). Tự Tính Giả Lập (Báo Thân):
Tự tính giả lập là tự tính của thực tại kiến lập tự nhiên (sự vật). Khi sự vật được nhìn thấy qua nhãn căn, thì hình ảnh của sự vật đó chỉ thực sự được thấy ở võng mạc của nhãn căn mà thôi. Hình ảnh được hội tụ qua lăng kính của nhãn căn từ sự vật bên ngoài không gian. Hình ảnh ấy tăng hay giảm tùy theo vị trí khoảng cách không gian gần hay xa đối với chủ thể. Cơ quan cảm giác của mỗi người đều khác nhau, cho nên cái thấy đó cũng có chỗ khác nhau. Vì khi ta thấy sự vật ở ngoài không gian, kỳ thực là ta chỉ thấy hình ảnh của sự vật, nên sự vật mà ta thấy đó cũng không thật. Thực tại kiến lập tự nhiên ấy chỉ là một thực tại giả lập mà thôi. Cho nên tự tính của sự vật kiến lập tự nhiên gọi là tự tính giả lập.
Tự tánh giả lập cũng
là Tánh Không. Tánh Không ở đây có hai nghĩa :
-Hình ảnh là thể
không: không nắm bắt được, hư không;
-Hình ảnh đó không
thật, vì do giác quan và thời gian thay đổi.
Tự tánh giả lập của
thực tại được kiến lập tự nhiên có sở hữu của Thể tính không (hư không) hay
Tánh Không; và có Biệt tính--hình tướng riêng biệt của từng sự vật--là Tướng
Không của nó.
Vậy Tự tính và Biệt tính giả lập (hình ảnh) của sự vật nhìn từ nhãn căn chỉ là những bóng dáng của sự vật, vì chúng không thật có (Tánh), cũng không thật không (Tướng), nên chúng chỉ hiện hữu trên bình diện công ước hay ngôn ngữ của chủ thể và giả lập của khách thể.
Tự tánh giả lập còn gọi là Báo Thân; nó thay đổi theo thời không, cho nên nó có sanh có diệt, có tăng có giảm.
(b). Tự Tánh Tùy Thuộc (Hóa Thân):
Cái Trở Nên--Hữu thể (sự vật)--được kiến lập do nhân duyên tác động bởi Tàng thức. Từ sự vật được trông thấy bởi nhãn căn, đó chỉ là hình ảnh của sự vật, là Tướng Không của hình ảnh đó tùy thuộc vào sự vật duyên hợp (không hiện hữu tự nhiên). Còn sự vật được kiến lập tùy thuộc vào nhân duyên của thọ tưởng hành thức hay thay đổi thì tự tánh của chúng cũng là không. Bóng dáng của sự vật do duyên hợp cũng chuyển biến theo thời gian và quan niệm kết tụ bởi thọ tưởng hành thức (lục dục, thất tình).
Cái trở nên là cái không thật có, cũng không thật không. Tự tánh tùy thuộc cũng nằm trong phạm trù tánh không. Tự tính tùy thuộc được thể hiện tướng sanh diệt do tác động thời gian và quan niệm chi phối. Thời gian ngưng chuyển, tức thì tự tính tùy thuộc cũng tuyệt tích, vì nhân duyên không thể phát triển. Chủ thể (Ý) nhận thức được tướng không của sự vật tùy thuộc vào nhân duyên tìm ẩn trong tàng thức. Chủ thể và sự vật đều tùy thuộc vào nhân duyên mà tri nhận, nên sự tri nhận đó cũng không thật và chắc chắn. Tự tính tùy thuộc của sự vật cũng là vô tự tính hay tánh không. Sự vật biến đổi (sanh diệt) làm cho hình ảnh của chúng mà con người trông thấy màu sắc, tốt xấu, sạch nhơ v.v.. tùy theo quan niệm của cá nhân.
Tự tánh tùy thuộc còn gọi là Hóa Thân.
( c ).- Tự Tánh Tuyệt Đối (Pháp Thân):
Tự tánh tuyệt đối là thực tính hay chân như của sự vật. Sự vật tùy thuộc vào tự thân chúng nghĩa là không có tự tính giả lập hay tùy thuộc áp đặt lên chúng. Xét về Tánh, Tự tính Tuyệt đối là cái Thật Có, là Chân như, Niết bàn, nó chính là nó. Xét về Tướng, Tự tính Tuyệt đối là cái chỉ Có Thật không gì ngoài nó, là Chơn không: chỉ có chơn không có vọng, cái bất biến, thường hằng.
+Từ quan điểm Không gian, sự vật chiếm cứ không gian và Không gian dung chứa sự vật là Một, nó chính là nó, không gì ngoài nó, không có gì áp đặt lên nó: Vô Không gian.
+ Từ quan điểm Thời gian, sự vật tùy thuộc vào chính nó tại đó và lúc đó hay trong khoảnh khắc hiện tại: Vô Thời gian.
Không gian dựa trên bánh xe thời gian để bành trướng chính mình vào khoảng không vô tận, nên khi không gian co rút đến cực tiểu, tức chỉ còn duy nhất sự vật hiện hữu mà thôi, lúc ấy thời gian sẽ giảm thiểu đến cực điểm tuyệt đối (số không). Cho nên ta có thể nói rằng tự tính tuyệt đối của sự vật là hình thức của sự vật vượt khỏi Thời Không. Nói cách khác, khi chủ thể nhận thức, và sự vật bị nhận thức được tri nhận một cách tuyệt đối vượt khỏi nhị nguyên tính (chủ khách). Hình thức tính Không (Không Thời Không = Không Chủ Khách) là Hư không; mà thiệt Hư không là Tánh Giác vậy. Đây là tiến trình Tri Thức Đúng Cái Thực tại Giả Lập hay Cái Thực Tại Bị Tri Nhận Sai Lầm. Tri Thức về Cái Tri Thức Đúng và Tri Thức Sai là Trở Về Chân Nguyên, thực tính của Tri Thức hay Tánh Biết. Tánh Biết giải thoát mọi sự hiểu biết thường tình tức là hiểu biết sai lầm về thực tính của sự vật. Nhắc lại, Tánh Giác theo như Tánh Hư không, đức Phật giải thích: A Nan! Ngươi phải biết trong Tạng Như Lai, Tánh Giác tức là thiệt hư không, Hư không tức là Thiệt Tánh Giác thanh tịnh bản nhiên, đầy khắp pháp giới... ( Bát Nhã Tâm Kinh qua Cái Nhìn của Duy Thức, tr. 56).
Cả Vật lẫn Tâm đều có
Tánh Không.
Tự Tánh Giả Lập hay
Tùy Thuộc của sự vật là không thật.
Tự Tánh Tương Đối của
Tâm (Phàm tâm) cũng không thật.
Chỉ Tự Tánh Tuyệt Đối
của sự vật là chơn thật, là Thiệt Hư không.
Tự Tánh của ChơnTâm là
Thiệt Hư không.
Theo sách Tử Thư nói
về một khía cạnh của Hư không viết như sau:
Chân ngã ở bình diện
tối cao, nói giống như thực tại, nghĩa là y hệt Hư không, không thể nắm bắt
được mỗi hiện tượng... (tr.105)
Tự tánh của Tâm hay Vật, Chủ thể hay Khách thể đứng trên bình diện vô Thời Không đều là Thiệt Hư Không; Thiệt Hư không là Chơn Như của Tâm hay Vật, là Niết bàn,là Thực Tại tính. Chân tính của Tâm hay Chân Ngã (chân tâm) và chân tính của sự vật đều là thiệt hư không, mà thiệt hư không là Tánh giác, vì Tánh giác là cái dụng của Chân Tâm.Chân tâm là Tự tính tuyệt đối, là Thực Tại tính Vô Thời không, là vượt lên nhân duyên, đối đãi, nhị nguyên chủ khách. Vậy trực nhận bản tính tự nhiên của Tâm cũng chính là trực nhận bản tính tự nhiên của sự vật. Tâm và Vật lúc bấy giờ là đồng tánh không.
Chủ thể nhận thức tự tánh khách thể giả lập, sai lầm, hay là nhận thức sai lầm về tự tánh khách thể, chỉ là nhận thức của phàm trí mà thôi. Nhận thức năng sở của phàm trí cũng là nhận thức không thật đúng; cũng sai lầm, đó là nhận thức bị ràng buộc của nhân duyên, và sự giả lập của sự vật. Đó cũng là mấu chốt của luân hồi, khổ đau.
Cho nên, Tri Thức Đúng là tiến trình nhận thức đúng thực thể và giải thoát khỏi khổ đau ràng buộc bởi nhân duyên chằng chịt, sanh tử, luân hồi.
Tóm lại, tự tánh giả lập là tự tánh không thật có trong thế giới mê vọng của hư không (Tánh không).
Tự tính tùy thuộc là tự tính không thật không, cũng ở trong thế giới mê vọng của hư không (Tánh không).
Tự tính giả lập và tự tính tùy thuộc là khi sự vật đó tự vượt ra khỏi chính chúng nó để vạch ra bóng dáng trong không gian. Đã vượt ra khỏi sự vật, là những bóng dáng chúng không còn thật là chúng nữa, là giả vọng mà thôi.
Tự tính tuyệt đối là
tự tính thực có trong thế giới chơn thật của hư không. Tự tính tuyệt đối là tự
tính đó vượt ra khỏi thời không, nghĩa là không vượt khỏi ra chính nó. BA HÌNH
THỨC TỰ TÍNH ( Ba Chân Lý):
Tự tính Giả Lập: Không
Thật có;
Tự tính Tùy Thuộc:
Không Thật không;
Tự tính Tuyệt Đối:
Thật Có, cái tuyệt đối. Cả ba đều là Tánh Không.
Không đi theo con đường Bên Nầy: không thật có (giả lập), và không thật không (duyên khởi), Mà theo con đường Bên Kia: thật có, chơn không, niết bàn, tức là Trung Đạo: con đường của Tánh Không, hay là con đường giải thoát đến bờ Giác Ngô.
Tóm lại, tự tính Tuyệt Đối là Hư không tức là thiệt tánh giác. Tánh giác là cái Biết về chính mình biết. Biết về chính mình biết là tiến trình của Thực Biết và giải thoát khỏi cái biết sai lầm chằng chịt nhân duyên, giả lập, khổ đau, luân hồi.
Tánh Giác vượt khỏi nhị nguyên đối đãi, chủ thể và khách thể, tức là Tri Thức Đúng về Chủ Thể (Tự Giác, Tự Tính Tuyệt Đối) và Tri Thức Đúng về Khách Thể (Giác Tha, Tự Tính giả Lập hay Tùy Thuộc) để giải thoát mọi sai lầm của Chủ Tri và giả lập của Khách Thể. Đó là con đường về Chân Nguyên; đó cũng là Thể Cách TỰ GIÁC và GIÁC THA.