TỨ DIỆU ĐẾ
Geshe Tashi Tsering
Việt dịch: Lozang Ngodrub; Hiệu đính: Lozang Pema
Thời pháp sáng
Hôm nay, tôi được may mắn đến chùa Việt Nam và giảng về Tứ Diệu Đế, bài pháp đầu tiên Đức Phật đã thuyết. Tôi cảm ơn đã có dịp may này và xin chào mọi người.
Tất cả chúng sanh có điều gì giống nhau? Đó là ước muốn có được hạnh phúc và thoát khổ. Đó là điều tự nhiên tất cả chúng sanh đều muốn có, phải không? Tất nhiên không ai trong chúng ta muốn khổ, điều quan trọng nhất là chúng ta nhận ra điều gì tạo ra khổ, tìm ra nguyên nhân tạo khổ và cố gắng loại trừ những nhân tố này. Đó là điều tối quan trọng đối với chúng ta. Thật sự quan điểm của Phật giáo là gì? Đúng ra, khi quý vị nhìn vào quan điểm Phật giáo, có rất nhiều điều để nói. Nó có thể được giải thích một cách bao quát, nhưng tất cả những điểm chính của quan điểm Phật giáo có thể được tóm gọn trong một điểm – đó là sự tương quan lẫn nhau, hay duyên khởi. Điều này có nghĩa rằng tất cả nghiệp quả, bất cứ là quả gì, sanh ra từ các nhân duyên, rằng tất cả mọi hiện tượng hiện hữu dựa vào những nhân tố khác. Đó là tinh túy tối hậu trong quan điểm Phật giáo.
Thuyết duyên khởi này có ý nghĩa thật rộng lớn, vì niềm hạnh phúc chúng ta tìm kiếm đến từ các nhân duyên. Sự đau khổ, điều chúng ta không thích, phát khởi từ các nhân duyên. Vì thế, không một yếu tố nào nói trên tồn tại một cách tự nhiên hay cố nhiên, mà chúng phát khởi dựa vào những nhân duyên nào đó. Điều này có nghĩa là ta có thể tập họp các nhân duyên để tạo ra hạnh phúc mà ta mong muốn và loại trừ những nhân duyên dẫn ta đến nỗi khổ ngoài ý muốn.
Đức Phật đã sống ở Ấn Độ và đã thuyết bài pháp đầu tiên với đề tài Tứ Diệu Đế. Ngài giảng pháp Tứ Diệu Đế ở Varanasi tại Ấn Độ. Khi đức Phật giảng về Tứ Diệu Đế, Ngài đã nói gì? Điều đầu tiên Ngài nói là – hãy thấu hiểu nỗi khổ. Đúng ra, điểm này rất bao quát. Đức Phật nói một cách đơn giản rằng “hãy hiểu về khổ”, nhưng điều này hàm chứa rất nhiều điều trong đó. Nó rất quan trọng, vì nếu ta không hiểu về khổ, ta sẽ không thể nhận diện rõ ràng điều gì tạo ra khổ. Thế là ta không thể tìm ra nguyên nhân, những điều tạo khổ, vì vậy không thể loại trừ khổ. Vì thế, thấu hiểu về khổ trước tiên là điều vô cùng quan trọng.
Sự thấu hiểu về khổ, buông bỏ những điều tạo khổ và thực hành những điều đưa đến hạnh phúc đòi hỏi ta cần phải hiểu biết chút ít về tâm mình. Ý tưởng muốn từ bỏ những điều tạo khổ và giữ gìn những điều mang đến hạnh phúc phải được thấu hiểu qua sự vận hành của tâm quý vị. Thấu hiểu chút ít về bản chất và sự vận hành của tâm là một điều rất quan trọng.
Tâm vận hành như thế nào? Đây không những là điều ta cần hiểu mà còn phải nghĩ đến trong mọi lúc, hết lần này đến lần khác. Tất cả chúng ta có một cái tâm và nó vận hành trong mọi lúc, 24 tiếng đồng hồ. Ta có thể quán chiếu những gì Đức Phật nói, những giáo pháp Đức Phật dạy về tâm và quan sát chính tâm mình để thấy có sự tương đồng gì hay không. Điều rất quan trọng là ta lắng nghe giáo pháp Đức Phật dạy về tâm, rồi quán sát điều này dựa trên kinh nghiệm của chính mình, về phương cách tâm ta vận hành suốt ngày đêm.
Theo Đức Phật dạy, tâm là một cái gì trong sáng và có ý thức. Nó là một cái gì sáng ngời và hiểu biết. Nó có khả năng nhận biết sự vật. Nó cũng có thể được gọi là tâm thức. Thế nên, đối với một Phật tử, tâm là như thế, tâm là một cái gì trong sáng, có ý thức và khả năng nhận biết sự vật. Nó không phải là một thực thể ta có thể đụng chạm được, nó cũng không thể bị ngăn trở.
Một điểm ta có thể bị lẫn lộn là sự tương đồng giữa sự hiểu biết về tâm trong Phật pháp và trong khoa học. Các nhà khoa học có thể không xử dụng từ “tâm”, nhưng sự hiểu biết của họ về tâm thức chung qui là sự vận hành của bộ óc, vì vậy chủ yếu đối với khoa học gia, sự vận hành của não bộ tương đương với tâm thức. Tuy nhiên, điều này không đúng đối với Phật tử. Theo Phật pháp, tâm không phải là vật chất. Tâm không phải là một cái gì sở hữu hình tướng; bởi vì nếu nó có hình tướng, khi thân thể bị hoại diệt - cái thân thể làm bằng vật chất này bị hoại diệt – điều này có nghĩa rằng tâm cũng sẽ bị hoại diệt cùng một lúc. Đây không phải là trường hợp như vậy – tâm là một cái gì không bao giờ đi đến sự tận cùng – nó đến với ta từ đời này sang đời khác, từ đời trước đến đời nay và đi đến đời tương lai. Vì thế sự hiểu biết của Phật tử về tâm thức không như các khoa học gia nói là sự vận hành của não bộ, hay của một vài hiện tượng vật chất nào đó.
Các nhà khoa học không nói rằng không có cái gọi là tâm thức. Đúng ra, họ nói họ không thể nhìn thấy cái ta gọi là tâm thức. Nhà khoa học đã dùng nhiều loại kỹ thuật tinh vi để quan sát những hiện tượng vật chất và họ không nhìn thấy được tâm với những kỹ thuật này. Vì thế, họ chất vấn thật sự tâm thức là gì. Như vậy không phải Phật pháp và khoa học có sự đối ngược về sự hiểu biết về tâm thức. Đúng hơn là các nhà khoa học đặt câu hỏi về cái mà ta gọi là tâm thức. Để chấp nhận sự hiện hữu của một vật gì, nhà khoa học phải quan sát được nguyên nhân thiết yếu mang đến sự hiện hữu của vật đó, và họ không nhìn thấy được nguyên nhân chính tạo ra tâm bằng kỹ thuật của họ. Vì vậy, họ đặt câu hỏi về điều này.
Điều mà ta có kinh nghiệm trực tiếp là quả thật ta có một cái tâm. Đi cùng với cái tâm đó là những điều ta gọi là “tâm thái” hay “tâm hành”, đối với những ai quen thuộc ngôn từ Phật pháp. Chung qui, có hai điều – ta có tâm và trạng thái của tâm. Trạng thái tâm có thể tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực. Nhưng tâm không vận hành một cách độc lập khi tiếp xúc với một đối tượng. Tâm không tiếp xúc với một đối tượng bằng chính động lực của nó, mà chính là bằng năng lực của các trạng thái tâm. Khi những trạng thái tích cực của tâm phát khởi, tâm bắt đầu đồng hóa với trạng thái này và trở nên tích cực. Khi những trạng thái tiêu cực của tâm phát khởi, tâm bắt đầu đồng hóa với chúng và trở nên tiêu cực. Chung qui, ta có hai dạng, trạng thái tâm tích cực và tâm tiêu cực. Chúng hướng tâm đến một trong hai chiều hướng. Chính tâm thái mang đến chiều hướng của tâm.
Ta có kinh nghiệm gì về điều này? Hãy nghĩ đến những trạng thái tiêu cực khác nhau mà ta đã từng trải qua như giận dữ, tham luyến, kiêu hãnh và ganh tỵ. Đây là những tâm trạng tiêu cực, phải không? Khi chúng phát khởi, tâm bắt đầu đồng hóa với chúng và trở nên tiêu cực. Ngược lại, khi những trạng thái tích cực như tâm từ và bi phát khởi, tâm bắt đầu đồng hóa với chúng và trở nên tích cực. Đúng không? Ta có kinh nghiệm về điều này – cách tâm thay đổi tùy theo tâm thái nào đi kèm với nó. Có phải ai trong chúng ta cũng có thể liên hệ một vài kinh nghiệm về điều này không? Quý vị có thể nghĩ đến một vài kinh nghiệm mà quý vị đã trải qua không?
Vì chúng ta đều có thể nghĩ đến điều này bằng kinh nghiệm của riêng mình, nên ta thấy là ta có thể trưởng dưỡng những trạng thái tích cực, khuyến khích tâm tích cực và cố loại bỏ những trạng thái tiêu cực. Từ chính kinh nghiệm của mình, ta thấy rằng ta có thể làm được điều này.
Tâm lúc nào cũng hiện diện. Chưa có một lúc nào tâm không hiện diện. Là chúng sanh, chúng ta luôn có một cái tâm. Đối với các trạng thái như lòng từ, bi hay sân hận và kiêu hãnh thì không phải như vậy. Những trạng thái của tâm đến và đi. Trong khi đó, tâm lúc nào cũng có mặt. Tâm là nền tảng và lúc nào cũng hiện diện. Vì các trạng thái tâm đến và đi, ta có thể suy luận rằng ta có thể khuyến khích hay trưởng dưỡng trạng thái này và loại bỏ trạng thái kia, đúng không? Vì trạng thái của tâm đôi khi có mặt và đôi khi không, trên căn cứ này, ta có thể suy luận rằng ta có thể chấm dứt trạng thái mà ta không cần đến và nỗ lực phát triển những trạng thái mà ta cần có, đúng không? Quý vị hiểu chứ?
Chung qui, hành trì giáo pháp của Phật là như vậy. Hãy quán chiếu xem – khi những tâm thái tiêu cực phát khởi, chúng tạo ra nỗi khổ. Quý vị không muốn điều này, quý vị muốn tiêu diệt chúng. Nhưng khi những tâm thái tích cực như lòng từ khởi lên, nó mang lại hạnh phúc và quý vị muốn có nó. Hãy thử nghĩ khi cơn giận khởi lên, nó mang sự khó chịu cho chính quý vị và những người khác. Nhưng khi những tư tưởng như lòng từ hay bi phát khởi, chúng mang đến an lạc cho chính quý vị và người khác, vì thế điều rõ rệt là ta muốn cũng như cần phải chấm dứt những trạng thái tiêu cực và nỗ lực phát triển những trạng thái tích cực. Điều này rất rõ ràng, phải không? Mọi người hiểu rõ chứ?
Nếu sự việc là như vậy thì tại sao ta không làm như vậy? Tại sao ta không diệt trừ những niệm tiêu cực và phát triển những niệm tích cực? Khi giận hờn đến thì ta đón chào nó. Ta ngồi đó và chào mừng nó, nhưng ta không hề tích cực phát triển lòng từ bi. Đúng không?
Theo lời quý ông giới thiệu về tôi, và dĩ nhiên tôi đã tu học Phật pháp rất nhiều năm – hành trì Phật pháp đơn giản là chấm dứt những tâm thái tiêu cực tạo ra vấn đề cho chúng ta và cố gắng khuyến khích, phát triển những tâm thái tốt mang đến hạnh phúc. Hành trì Phật pháp đơn giản là như vậy đó.
Cầu nguyện là sự hỗ trợ cho hành trì Phật pháp của chúng ta. Vì thế việc cầu nguyện tự nó là một hành trì Phật pháp hay không tùy vào động lực trong tâm quý vị. Thật sự, nếu quý vị muốn biết những lời cầu nguyện của quý vị đúng là hành trì Phật pháp hay không, quý vị phải nhìn vào tâm mình. Nếu nhờ những lời cầu nguyện này mà tâm quý vị thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, thì chắc chắn, đó là hành trì Phật pháp. Nhưng nếu việc cầu nguyện không làm tâm quý vị cải thiện tốt hơn mà còn khiến nó trở nên tiêu cực hơn, liệu ta có thể gọi đó là hành trì giáo pháp của Phật hay không?
Vì sao tôi nói như vậy? Bởi vì người dân Tây Tạng và có lẽ người Việt Nam cũng suy diễn rằng đọc kinh cầu nguyện thật sự là cách hành trì Phật pháp tốt. Nhưng tôi đã từng về Tây Tạng vài lần và đã nói với dân chúng Tây Tạng rằng cầu nguyện như vầy không phải là cách, không phải là hành trì Phật pháp thật sự. Chỉ một điều này tự nó không phải là hành trì Phật pháp.
Hành trì Phật pháp thực tiễn chính là phát triển tâm thái tích cực và chấm dứt những tâm thái tiêu cực. Tôi nói với họ - giống như tôi đang nói ở đây – rằng xem việc cầu nguyện tự nó là một hành trì Phật pháp tốt là một sai lầm! Tôi đã tu học Phật pháp rất nhiều năm và tôi nói với quý vị rằng ý nghĩ này là một sự sai lầm. Hành trì Phật pháp chính yếu là chuyển hoá tâm mình, phát triển những tâm thái tốt và chấm dứt những tâm thái xấu.
Điều chúng ta cần làm là thanh tịnh tâm mình. Là Phật tử, ta chấp nhận sự hiện hữu của chư Phật. Chư Phật cũng có tâm như chúng ta. Bản tánh của tâm Phật cũng giống như bản tánh của tâm ta. Chỉ là chư Phật đã tịnh hóa tâm của các ngài, còn chúng ta chưa tịnh hóa được tâm mình. Tâm đều giống nhau - cái tâm căn bản ta đang đề cập đến đều như nhau.
Khi trời mưa, dòng sông đầy ngập nước. Nước này cũng là nước chúng ta uống. Chúng đều là nước - chỉ là một loại nước đã được thanh lọc và loại kia thì chưa. Khi nước đã được thanh lọc, nó không dơ bẩn (bạn không muốn uống thứ nước dơ), bạn nói: “Nước này đã được lọc sạch, tôi sẽ uống nó.”
Vậy làm sao ta tịnh hóa tâm mình? Quý vị phải tạo lập dần dần - trở nên quen thuộc với những tâm thái tích cực của tâm và lần lượt ngăn chận những tâm thái tiêu cực. Sau một thời gian, sẽ đến một thời điểm mà quý vị chỉ có những tâm thái tốt và tâm quý vị trở nên thanh tịnh. Hành trì Phật pháp là như vậy – đây là một trong những điều quan trọng mà tôi muốn nói hôm nay.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói: “Hãy thấu hiểu về khổ.” Quán chiếu cách đức Phật nói như thế - hãy thấu hiểu nỗi khổ - chúng ta có thể đoan chắc rằng có những loại khổ mà chúng ta không tường tận. Nếu không, Ngài đã không nói như vậy. Đây chính là điều mà tôi muốn nói đến.
Thí dụ như, ta có thể thấu hiểu về nỗi khổ thể chất hay tinh thần, hay sự đau đớn và nỗi thống khổ, cũng như những điều tương tự, đúng không? Ta có thể hiểu những điều này là khổ. Ta không thể loại bỏ chúng hoàn toàn, nhưng ta hiểu chúng là khổ, đúng không? Khi nói như thế này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngụ ý rằng có những điều mang tính chất khổ, nhưng ta không hiểu rằng bản tánh của chúng là khổ. Đây là một điều vô cùng quan trọng ta cần phải hiểu. Vì vậy, đây là điều mà tôi sẽ giảng thêm.
Để bắt đầu, tôi muốn giới thiệu Tứ Diệu Đế. Chân đế thứ nhất là Khổ đế. Điều này liên quan đến cái ta gọi là khổ. Chân đế thứ nhì là nguồn gốc thật sự của khổ. Nguốn gốc xác thật của khổ là những nguyên nhân của khổ. Chúng là những gì đem đến nỗi khổ; căn nguyên của khổ. Chân đế thứ ba là diệt đế. Điều này đề cập đến việc quý vị có thể chấm dứt nguyên nhân của khổ, rằng dần dần, nguyên nhân tạo khổ sẽ chấm dứt. Vì thế, đó là chân diệt, chân đế mà nhờ đó quý vị có thể loại trừ nguyên nhân tạo khổ và chúng chấm dứt ở đây. Chân đế thứ tư là chân đạo. Có những phương pháp quý vị áp dụng để đạt được sự tận diệt của khổ và nguyên nhân tạo khổ. Hay quý vị có thể nói rằng chân đạo là những sự đối kháng trực tiếp với những gì tạo khổ. Chân đế thứ tư được gọi là chân đạo và phương pháp xác thực mang đến sự chấm dứt của khổ và những nguyên nhân của chúng.
Bốn điểm này được phân loại theo luân hồi và niết bàn. Chúng ta nói về sự hiện hữu tuần hoàn (luân hồi) và một trạng thái vượt ra mọi khổ ải (niết bàn). Bốn điểm này được bao gồm trong luân hồi và niết bàn.
Vì sao ta nói như vậy? Căn nguyên của khổ và kết quả của khổ thuộc về luân hồi, vì chúng ta trải qua chu kỳ từ nhân của khổ dẫn đến quả của khổ. Khi chúng ta bị nghiệp và cảm xúc phiền não khống chế như thế này, ta liên tục trải qua chu kỳ giữa sự tích lũy nhân khổ và gánh lấy quả khổ.
Nếu quý vị muốn nói về điều này như một hướng đi hay một con đường, đây là hướng đi đen tối hơn. Nếu quý vị phải vẽ một bức tranh về nó, đây sẽ là một hắc đạo hay hướng đi đen tối. Chân đạo có tác dụng như sự đối kháng trực tiếp với cội nguồn của đau khổ, những điều tạo khổ. Vì thế chân đạo chấm dứt nguyên nhân của khổ, dẫn đến trạng thái giải thoát, tự do. Nếu nó được minh họa như một con đường, đây sẽ là một bạch đạo - một con đường tốt. Như thế, ta có chân đạo và chân diệt, chân đạo dẫn đến chân diệt.
Đúng ra, những con đường này tồn tại cùng với sự tương quan với tâm. Ta nói về bạch đạo và hắc đạo. Ta đang nói về những điều ở trong tâm ta. Những trạng thái tiêu cực phát sinh và hướng tâm về con đường tiêu cực. Những trạng thái tích cực phát khởi và hướng tâm vào con đường tích cực. Đây là lý do khi ta nói về những tâm thái tiêu cực và tích cực của tâm, ta đang đề cập đến những con đường mà các tâm thái này hướng ta đến.
Quý vị thường nghĩ đến khổ như thế nào? Khi nói về khổ, ta đang nói về điều gì? Tôi muốn biết sự hiểu biết phổ quát về khổ của đại chúng có tường tận không. Có phải khổ chỉ là như thế thôi hay không? Thông thường, khi ta nói về chân khổ, ta đề cập đến ba loại khổ - khổ vì đau khổ, khổ vì thay đổi (hoại khổ) và khổ thâm nhập khắp cùng do ngũ uẩn (hành khổ). Phật tử nhận diện ra ba loại khổ.
Tôi thấy mọi người có một bản in các bài cầu nguyện từ những kinh sách quan trọng và tưởng rằng đó là bản dịch tiếng Anh từ quyển sách tiếng Tây Tạng mà tôi có ở đây. Vì thật ra quyển sách này đã được dịch ra tiếng Anh - nhan đề Lòng Từ, Minh Tuệ và Trí Huệ - đó là quyển sách gồm những bài giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong đó có một bài nói về Tứ Diệu Đế. Nếu quý vị thích, quý vị có thể tìm đọc cuốn sách này để biết đức Đạt Lai Lạt Ma giảng những gì. Đây là một cuốn sách hay và rõ.
Thế thì tôi đã nhận diện ba loại khổ. Loại đầu tiên là khổ vì khổ. Nó là nỗi khổ của sự đau đớn và khổ não. Thí dụ, ta cảm nhận điều này trên phương diện tinh thần rất thường, đúng không? Đó là khổ vì đau khổ.
Thế rồi quý vị có loại khổ thứ hai - quý vị sẽ không thích điều này – vì loại khổ này là những gì ta cho là thú vị. Đặc biệt, những lạc thú ô nhiễm là loại khổ thứ hai, được gọi là khổ vì thay đổi.
Vì vậy, khi ta không thể thừa nhận nỗi khổ ô nhiễm thuộc về bản chất của khổ - và tôi nghĩ rằng đó là lý do vì sao Đức Phật nói “hãy thấu hiểu khổ” – ta không nhận ra các lạc thú ô nhiễm chính là khổ và tất cả các vấn đề của chúng ta (hay ít nhất là nhiều vấn đề) đến từ điều này.
Thí dụ, khi ta khổ vì khát nước, ta uống một chút nước và cái khổ vì khát chấm dứt. Khi cái khổ này vắng mặt, quý vị cảm nhận một sự thoải mái nào đó, đúng không? Như vậy, việc ta lầm lẫn, cho rằng sự thoải mái này là hạnh phúc và không thể nhận diện nó là đau khổ, là một vấn đề lớn. Ta xem nó như một lạc thú hoàn hảo, một hạnh phúc hoàn hảo, đúng không?
Điều ta đang nói đây là việc này không phải là một lạc thú hoàn hảo. Thật ra, những gì đang xảy ra là nỗi khổ vì khát nước biến mất và với sự vắng mặt của nó, cảm giác thoải mái có vẻ như đang hiện diện. Cảm giác bề ngoài giống như sự thoải mái này đúng ra không phải là hạnh phúc hay lạc thú hoàn hảo, quý vị hiểu không? Nó không phải là lạc thú hoàn hảo, vì đến một lúc nào đó, nếu quý vị uống thêm nước, quý vị sẽ cảm thấy khó chịu.
Bản chất của hạnh phúc hay lạc thú hoàn hảo là gì? Đó là điều gì khi ta có càng nhiều thì càng tốt hơn nữa, ta sẽ có nhiều hạnh phúc hơn. Nhưng trong trường hợp này thì không phải là như vậy. Lúc đầu, quý vị uống chút nước và nó có vẻ làm quý vị dễ chịu. Nhưng nếu quý vị tiếp tục uống nữa, sẽ đến lúc quý vị bị đau bụng, đúng không?
Thí dụ, khi trời nóng, quý vị nghĩ: “Nếu mình vặn máy lạnh lên thì sẽ thoải mái lắm.” Thế là quý vị vặn máy lạnh lên. Lúc đầu, đúng là có sự thoải mái thật – mát và dễ chịu. Nhưng nếu quý vị để máy lạnh chạy thêm một lúc nữa, quý vị sẽ cảm thấy lạnh, “Lạnh quá! Mình nên tắt máy lạnh là hơn.”
Những lạc thú ô nhiễm này là như thế. Chúng không đáng tin cậy và rồi chúng mang đến cho ta nỗi khổ. Lúc đầu, chúng tạo ra điều gì giống như cảm giác dễ chịu. Nhưng rồi nó trở thành nỗi khổ. Đây là loại khổ thứ hai – những lạc thú ô nhiễm, mọi người hiểu không? Tên gọi của loại khổ này là khổ vì thay đổi, đúng không?
Nếu ta biết rằng lạc thú ô nhiễm không phải là loại hạnh phúc hay an lạc hoàn hảo thì điều này đưa đến câu hỏi - một lạc thú hoàn hảo là gì? Hạnh phúc toàn bích là gì và ta sẽ tìm ra nó ở đâu? Cuối cùng, ta bắt đầu tìm hiểu xem hạnh phúc, an lạc hoàn hảo là gì.
Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng lạc thú ô nhiễm là khổ, Ngài đang dạy cho chúng ta một bài học. Ngài đã ban phát cho chúng ta một ít trí tuệ. Nếu ta thọ nhận chút ít trí tuệ này, nó sẽ giúp ta tìm ra hạnh phúc hoàn hảo. Ta sẽ bắt đầu tìm kiếm xem an lạc, hạnh phúc hoàn hảo đích thực ở đâu.
Đức Phật không chỉ nói rằng lạc thú ô nhiễm chính là khổ và ngừng lại, không nói thêm nữa. Sau khi nói thế, Ngài giới thiệu cho chúng ta nơi chốn ta có thể tìm ra hạnh phúc toàn bích. Ngài đã ban rất nhiều giáo huấn để chúng ta có thể nhận diện và tìm ra hạnh phúc hoàn hảo.
Với sự tìm kiếm hạnh phúc, an lạc toàn hảo, trạng thái giải thoát và Phật quả xuất hiện. Đó là nơi sự tìm kiếm dẫn ta đến. Vì vậy, ta phải xử dụng trí tuệ của mình. Nếu giải thoát là trạng thái hạnh phúc hoàn hảo và cái chúng ta có hiện nay - những lạc thú ô nhiễm – không phải là hạnh phúc hoàn hảo, thì làm sao ta có thể phân biệt hai điều này? Làm sao để ta biết được sự khác biệt giữa chúng? Nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra sự khác biệt giữa hai trạng thái này.
Nếu quý vị muốn hành trì Phật pháp, có rất nhiều điều quý vị phải thực hành. Quý vị không thể chỉ ngồi đó và cầu nguyện. Có rất nhiều việc quý vị cần phải làm.
Việc giới thiệu những lạc thú ô nhiễm không phải là hạnh phúc hoàn hảo dẫn đến loại khổ thứ ba. Điều này cho ta một vài dữ kiện loại khổ thứ ba là gì. Dạng khổ thứ ba được gọi là nỗi khổ thâm nhập cùng khắp.
Nỗi khổ thâm nhập cùng khắp đơn giản ngụ ý rằng sự hiện hữu của ta bị khống chế, ta không có sự kiểm soát hay quyền tự chủ đối với sự hiện hữu của chính mình. Trên thực tế, ta bị hành động và phiền não khống chế.
Thí dụ, hiện nay ta có một thân thể. Ta sanh ra trong thế giới này và có một hình hài. Nhưng đây không phải là sự chọn lựa của ta. Ta không hề tự quyết định có một thân người và rồi được tái sanh với hình hài này. Sự việc này xảy ra theo cách mà ta không có sự kiểm soát nào cả. Rồi đến một lúc nào đó, ta phải bỏ lại thân xác này. Khi cái chết đến, chính nó cũng là một việc mà ta không khống chế được. Rồi trong giai đoạn giữa sanh và tử, có biết bao nhiêu điều xảy ra mà ta cũng không kiểm soát được, như bệnh và lão. Như thế, những sự kiện này – sinh, lão, bệnh và tử – không phải là những gì ta khống chế được. Đây là những điều ta bất lực khi phải đối diện với chúng. Đây chính là những gì loại khổ thứ ba đề cập đến - nỗi khổ thâm nhập cùng khắp. Sự hiện hữu của ta là một sự kiện thiếu kiểm soát, một điều ta chẳng có chút tự chủ nào cả.
Hơn nữa, niềm hạnh phúc ta cảm nhận cũng ngoài tầm kiểm soát. Vì thế, nó không phải là hạnh phúc hoàn hảo. Ai hay điều gì khiến cho những sự kiện này ở ngoài phạm vi kiểm soát của ta? Đó là nghiệp lực – hành động và phiền não. Hành động và phiền não khống chế quá trình sanh lão bệnh tử, vì thế ta kinh qua những sự kiện này không có chút kiểm soát nào. Quý vị hiểu rõ điều này không?
Những yếu tố về khổ nói trên khá quan trọng, bởi vì ngay cả khi ta không muốn khổ, ta vẫn khổ. Nỗi khổ thật vẫn xảy ra. Vì thế, điều thiết yếu là ta có chút hiểu biết về tính chất của những loại khổ thường xảy ra, những nỗi khổ không ai muốn có nhưng vẫn đến.
Một điểm khác rất quan trọng mà ta cần thấu hiểu là khổ đến từ đâu. Nói cách khác, nó đến từ tâm ta. Điều rất quan trọng là ta thấu hiểu tâm vận hành như thế nào và nó dẫn dắt ta đến kinh nghiệm đau khổ ra sao. Hai điểm này rất quan trọng.
Phật tử không tin vào một vị Trời ngoại vi hay đấng sáng tạo. Đúng hơn, Phật tử nói rằng chính tâm tạo ra hạnh phúc hay đau khổ. Tâm ta tạo ra những điều này dưới sự điều khiển hay ảnh hưởng của hành vi và phiền não. Thế nên, tâm chịu trách nhiệm về hiện trạng này. Điều tối quan trọng là ta thấu hiểu tâm mình, cách nó vận hành như thế nào.
Thí dụ, quý vị hãy nghĩ đến niềm vui và nỗi khổ quý vị trải qua ngay trong cuộc đời này. Quý vị đâu cần một nhân tố bên ngoài hay một đấng sáng tạo tạo ra những cảm xúc này cho quý vị. Nếu quý vị xử sự một cách sai lầm thì đau khổ và bất an sẽ đến, đúng thế không? Còn nếu quý vị xử sự một cách tốt đep thì điều này sẽ đem lại hạnh phúc. Ta đã trải qua điều này, rút tỉa từ kinh nghiệm bản thân, ta có thể thấy được chính tâm mình tạo ra đau khổ hay hạnh phúc cho mình.
Tôi sẽ ngưng thời pháp buổi sáng ở đây. Nếu đại chúng có thắc mắc gì, có thể đặt câu hỏi. Chúng ta vẫn còn một vài phút. Có câu hỏi nào không?
Vấn (1): “Kính thưa Thầy, nếu tâm nhận ra nó đang tạo khổ, thành phần nào của tâm nhận biết việc này? Nếu tâm chỉ là một, liệu điều này có nghĩa rằng có một cái tâm khác quan sát tâm này, hay chỉ có một tâm hòa lẫn với phiền não mà thôi?”
Đáp: “Liệu tâm có biết nó đang tạo ra đau khổ hay không? Thí dụ, một người có thể giết hại vì giận dữ. Sự tức giận phát khởi và khiến quý vị có hành động giết hại - có thể quý vị giết một con chuột, một con gián hay một con muỗi. Giả thử một con muỗi đậu lên tay quý vị , quý vị nổi giận và giết con muỗi này, với ý nghĩ rằng: “Con muỗi này sẽ hại mình.” Dĩ nhiên lý do quý vị giết con muỗi là để bảo vệ mình, vì con muỗi có khả năng truyền bệnh cho quý vị. Dù sao đi nữa, quý vị cũng đã nổi giận và giết con muỗi. Thế là hành vi giết hại này gieo một hạt giống trong tâm thức quý vị. Một hạt giống có tiềm năng tạo ra đau khổ. Mặc dù chính nỗi tức giận tạo ra hạt giống và hạt giống này mang đến đau khổ, nhưng trong lúc tâm ta nhận thức rằng nó đang tức giận, chính nó không biết nó đang tạo ra tiềm năng đau khổ.
Như vậy, tuy tâm đang tạo ra một tiến trình, thúc đẩy hành động và tất cả những sự việc khác, tâm không ý thức được nó đang tạo ra đau khổ. Nói cách khác, tâm không có ý định giết con muỗi để tạo ra nỗi khổ sau này.
Hay giả thử một kẻ giết người. Hậu quả là người này phải ở trong tù nhiều năm và chịu nhiều đau khổ dài lâu. Sự việc là người này nổi giận với người kia. Cơn giận nổi lên. Tâm người này bắt đầu đồng hóa với cơn giận. Sự sân hận trong tâm khiến người đó giết người. Người đó làm như vậy với hy vọng là họ sẽ cảm thấy sung sướng. Nạn nhân có thể đang tạo cho đương sự một nỗi khổ nào đó, hay khiến cho đương sự khổ bằng cách nào đó. Và đương sự nghĩ: “Nếu ta giết tên này, ta sẽ được sung sướng. Hắn sẽ không làm chướng mắt ta nữa.” Thế là đương sự giết nạn nhân, với hy vọng rằng họ sẽ được vui sướng, nhưng hậu quả là đương sự phải sống nhiều năm trong tù và tự tạo đau khổ cho chính mình. Tâm thúc đẩy sự giết hại, nhưng không biết rằng nó đang tự tạo đau khổ. Nó nghĩ nó đang tạo dựng hạnh phúc.
Liệu ta nên nói rằng tâm không hiểu nó đang tạo ra đau khổ chăng? Quý vị chắc đã hiểu điểm này rồi. Câu trả lời có giải đáp thắc mắc của quý vị không?
Người hỏi: “Vâng, vâng. Vậy ra tâm mất sự kiểm soát. Nó chỉ tạo ra khổ, nhưng cho rằng đó là sự sung sướng.”
Đáp: “Đúng vậy. Vì nhũng tâm thức này năng động và làm chủ quá trình hành động. Đây là nền tảng cơ bản tôi đã đề cập đến. Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu những tâm thái này. Nói chung, ở trong tù nhiều năm cũng không phải tệ hại cho lắm, nếu ta cho một ví dụ, trong Phật giáo, bạn nghĩ về đời sống của các chúng sanh ở cõi súc sanh, địa ngục hay ngạ quỷ đói – có biết bao nhiêu đau khổ.
Vấn (2): “Con đã làm việc suốt đời với những người bệnh tâm thần ở Ấn Độ và tù nhân trên khắp thế giới. Con rất băn khoăn khi nhìn thấy cảnh các thầy chùa bị bắt giam ở Trung Quốc trên truyền hình. Xin Thầy cho biết làm thế nào việc hành trì Phật giáo, theo như con thấy cảnh tượng trên truyền hình, lại đưa đến khổ ải kinh hoàng như vậy? Các thầy chùa bị rượt đuổi trong sân tù….
Đáp: Tôi không hề nói rằng chỉ cần bắt đầu hành trì Phật pháp là quý vị sẽ chấm dứt đau khổ. Tôi không nói như vậy.
Thật sự, thắc mắc của quý vị đưa đến một câu hỏi sâu xa hơn, đó là: “Làm thế nào hành trì Phật pháp dẫn đến sự tận diệt khổ?” Thật ra, có rất nhiều điều đáng nói về điểm này. Tóm tắt lại, để hành trì Phật pháp, quý vị phải cố gắng đi vào bạch đạo mà Thầy đã đề cập ở trên. Nhưng trong một thời gian nào đó, quý vị vẫn sẽ tiếp tục cảm nghiệm nỗi khổ.
Vấn (3): Có những hành trì nào mà chúng con có thể áp dụng mỗi ngày để loại trừ chướng ngại trong việc phát khởi lòng bi mẫn và tâm Bồ Đề hay không?
Đáp: Đây là một câu hỏi hay – bây giờ quý vị đã thật sự đi vào vấn đề. Điều gì là trở ngại hay chướng ngại lớn nhất đối với việc phát triển những đức tính như lòng từ và lòng bi? Đó là khuynh hướng bám chấp vào những người thân của ta - bạn bè và thân quyến - và khuynh hướng thù nghịch với những người ta không ưa thích, cho rằng họ là kẻ thù của mình. Vì vậy, điều ta cần làm để phát triển tâm từ bi là loại bỏ thái độ thiên vị này, một thái độ có sự phân biệt rõ rệt - luyến ái với bạn bè và thù hằn với người ta không ưa thích. Để loại bỏ thái độ thiên vị và thiếu công bình này, ta phải hành trì tâm bình đẳng. Đúng ra đây là một trong những đề tài chúng ta đang nói tới tại Trung Tâm Langri Tangpa ở New Market - học hỏi cách trau giồi tâm bình đẳng. Quý vị nên đến đó để học hỏi về điều này.
Vấn (4): Thầy có thể dạy chúng con cười như Thầy không?
Đáp: Chỉ cần cố gắng và bắt chước theo. Dần dần, quý vị sẽ làm được. Điều bạn nói thật sự đi vào trọng tâm của vấn đề. Việc chúng ta cần làm là rèn luyện tâm mình. Chúng ta cần giáo huấn và rèn luyện tâm mình mỗi ngày. Mỗi ngày dành một ít thời giờ cố gắng tập cho tâm quen thuộc với những tâm thái như lòng từ bi. Chúng ta cần dành một khoảng thời gian nào đó – ít hay nhiều tùy theo bạn sắp xếp. Dành thời gian mỗi một ngày, luyện tâm dần dần trong một khoảng thời gian, vậy nhé?
Theo như lời quý vị hỏi, dường như có một sự suy diễn rằng một khi quý vị trở thành một người xuất gia thì quý vị đã đi vào con đường dứt đoạn được đau khổ rồi – nhưng thật sự không phải như vậy. Đúng hơn, một vị tăng hay ni là người đã bước vào cái ta có thể gọi là bước thứ hai trên con đường Phật giáo – đây là điều tôi thường nói ở Langri Tangpa, cũng như ở Viện Phật Học Chenrezig. Có những giới dẫn đến đức hạnh, khi quý vị hứa tránh và từ bỏ việc giết hại, trộm cắp v.v... Từ nay trở đi, trong quãng đời còn lại, tôi sẽ không giết hại hay trộm cắp. Như thế là nhận giới để dẫn đến đạo hạnh – đó là bước thứ nhất trên con đường Phật giáo. Rồi tiến một bước xa hơn là xuất gia, qua đó ta có sự chọn lựa mục tiêu chính của mình là gì - hưởng thụ lạc thú của kiếp luân hồi hay nếm hương vị hạnh phúc và an lạc của sự giải thoát. Một người trở thành một vị tăng hay ni, nhất thiết nói rằng mục tiêu của tôi là hướng về hạnh phúc của sự giải thoát. Trọng tâm chính của tôi không còn là sự bất hạnh hay vui sướng của kiếp luân hồi nữa. Họ thật sự có một sự chọn lựa, thiên về bên này thay vì bên kia và đi bước thứ hai ấy. Dĩ nhiên có những người trở thành chư tăng và vẫn đau khổ, có những vị trở thành chư ni và họ vẫn khổ.
Vấn (5): Con có một thắc mắc cá nhân. Con muốn biết Thầy nghĩ sao về những người đã hại Thầy và ép buộc Thầy rời xa xứ sở của mình? Con muốn hỏi tinh thần của Thầy hiện giờ ra sao (Con thấy Thầy cười nhiều, có vẻ như Thầy rất hạnh phúc) so với tinh thần của những người dân còn ở lại Tây Tạng. Hiện giờ con vô cùng thất vọng. Khi chồng của con đến Tây Tạng, anh ấy rất thất vọng, anh ấy nói Tây Tạng giống như Trung Quốc.
Đáp: Về câu hỏi thứ nhất - tôi nghĩ sao về những người đã đến và tạo bao nhiêu đau khổ trên đất nước của tôi - tôi nghĩ rằng oán hận họ không có ích lợi gì cả. Nếu tôi thù ghét họ, cũng không tạo ra bất lợi cho họ, chỉ làm hại nhiều hơn, không giúp ích gì cho mình. Cuối cùng, thù oán họ chỉ làm hại mình. Vì vậy, tôi chỉ thực hành những gì Ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói - nếu ở trong tình huống có thể xoay sở được, tại sao phải lo buồn, còn nếu không thay đổi hoàn cảnh được, đau buồn cũng chẳng ích lợi gì.
Nếu tôi nói tôi thương người Trung Hoa thì có vẻ quá đáng. Tôi cố gắng thương họ. Tình trạng này đã ra ngoài vòng kiểm soát. Người Tây Tạng đã tạo nghiệp dĩ mang đau khổ cho họ. Hoàn cảnh của họ là do những nghiệp cũ do chính họ tạo ra. Ví dụ, rất nhiều người khổ vì bệnh tật và bao nhiêu điều khác nữa. Nỗi khổ đến với họ vì đây là hậu quả của những hành động chính họ tạo ra trong quá khứ, chứ không phải do một người khác áp đặt lên họ. Tương tự như vậy, người Tây Tạng phải gánh chịu nghiệp của họ.
Người hỏi: Đây chính là câu trả lời con mong được nghe từ một vị thầy.
Thầy: Đã hơi trễ giờ, xin lỗi mọi người. Chúng ta hãy tạm ngưng ở đây.
(Tụng niệm)