HỌC PHẬT
PHÚC TRUNG Huỳnh Ái Tông
Phần 1: ĐẠI CƯƠNG
Sự truyền bá đạo Phật
I.- Ðương thời đức Phật
Khi đức Phật còn tại thế, ngài đã đi nhiều nước trong xứ Ấn Ðộ để giáo hóa chúng sanh, trước tiên ngài độ cho các ông Kiều Trần Như, sau đó Phật độ cho ba anh em ông Ca Diếp là Ưu Lâu Tần La Ca Diếp, Na Ðề Ca Diếp, Già Da Ca Diếp cùng 1000 đồ đệ của họ, vua Tần Bà Xa La nước Ma Kiệt Ðà xây Trúc Lâm Tịnh Xá ở ngoài Vương Xá thành và Linh Thứu Tịnh Xá ở núi Kỳ Xà Quật để Phật giảng đạo, nơi đây ngài đã độ cho ông Ðại Ca Diếp, Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên với 250 đồ đệ của hai ông Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Lúc nầy đã có trên 1250 vị đệ tử xuất gia trong Giáo đoàn của Phật.
Khi vua Tịnh Phạn bệnh, đức Phật trở về thăm, ngài đã giáo hóa cho phụ vương, thâu nhận những đệ tử như con ngài là La Hầu La, em khác mẹ là Nan Ðà, Ðề Bà Ðạt Ða, A Nậu Lâu Ðà.
Sau đức Phật đi tới Vương Xá thành, nước Kiều Tất La, có Thái Tử Kỳ Ðà và Trưởng Giả Tu Ðạt Ða cùng xây Kỳ viên tịnh xá cũng còn gọi là Kỳ Ðà Cấp Cô Ðộc viên để cúng dường Phật làm nơi thuyết pháp, còn nhiều nước khác cũng xây Tịnh xá cho Phật thuyết pháp, nhưng hai nơi ngài thường An cư Kiết hạ và thuyết pháp đó là Trúc Lâm Tịnh xá và Kỳ Viên Tịnh xá.
Sau khi Phật thành đạo được 5 năm thì vua Tịnh Phạn mất, đức Phật nhận cho kế mẫu là bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề và Công chúa Gia Du Ðà La xuất gia, đây là hai phụ nữ đầu tiên được Phật thu nhận làm đệ tử và đến lúc đó trong Giáo đoàn của ngài có đủ tứ chúng, hai chúng xuất gia: Tỷ Khưu, Tỷ Khưu Ni, hai chúng tại gia: Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di.
Có 10 đệ tử trứ danh của Phật gọi là Thập đại đệ tử, đó là Xá Lợi Phất bậc đại trí tuệ, Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất, Ðại Ca Diếp tu định đệ nhất, Ca Chiên Diên nghị luận đệ nhất, (giai cấp Bà La Môn), A Nan Ðà đa văn đệ nhất, A Nậu Lâu Ðà thiên nhãn đệ nhất, La Hầu La mật hạnh đệ nhất (giai cấp Sát Ðế Lỵ), Tu Bồ Ðề giải thông đệ nhất, Phú Lâu Na biện tài đệ nhất (giai cấp Tỳ Xá), Ưu Ba Ly trì luật đệ nhất (giai cấp Thủ Ðà La).
Những vị hộ pháp trứ danh có Vua Tần Bà Xa La, vua A Xà Thế nước Ma Kiệt Ðà, vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tất La, Trưởng giả Tu Ðạt thành Xá Vệ, bên nữ có Hoàng hậu Vi Ðề Hi, vợ vua Tần Bà Xa La, mẹ vua A Xà Thế, bà Mạt Lợi, bà Thắng Man, bà Thiện Sinh vợ của Trưởng giả Tu Ðạt...
Về cách thức thuyết pháp, Phật hay dùng phương pháp đối thoại và thí dụ để cho ngườI nghe dễ hiểu, về nội dung tuỳ theo trình độ căn cơ mà Phật thuyết pháp từ thấp cho tới cao, từ nông cạn cho tới thâm sâu, từ phàm phu trở thành Phật.
II.- Sau khi Phật nhập Niết bàn
1.- Các lần kiết tập kinh điển
Sau khi Phật tịch diệt 7 ngày, trong Tăng chúng có người cho rằng: "Lúc Phật còn tại thế, giới luật ràng buộc, nay Phật đã nhập Niết Bàn rồi, tự do hành động, không bị giới luật ràng buộc nữa". Do đó Tôn Giả Ca Diếp đã được đức Phật truyền Y, Bát nên ngài xướng lên mở Ðại Hội Nghị để kết tập những lời Phật đã dạy. Vua A Xà Thế cho xây Tịnh xá trong hang Thất diệp ở nước Ma Kiệt Ðà của ngài, để làm Hội trường kết tập. Hội nghị có 500 vị đã chứng quả A La Hán tham dự, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp làm thượng Thủ, ngài Ưu Ba Ly được cử tụng giới luật, ngài A Nan được cử tụng lại các Pháp của đức Phật. Sau khi tụng xong, đại chúng thảo luận và thừa nhận là đúng lời Phật đã nói. Hai tạng Kinh, Luật có từ đó. Lần kết tập nầy có tên là "Vương Xá thành kết tập" hay "Ngũ bách kết tập", đã kéo dài trong 7 tháng, toàn bộ nội dung không có ghi chép.
Phật nhập Niết Bàn được 100 năm thì có lần kết tập kỳ II, nguyên nhân vì trong Tăng chúng chia làm hai khối, một khối chủ trương quý trọng lối truyền thừa và hoà hợp gọi là "Bảo Thủ", một khối lại hướng về phong phú và tự do gọi là "Tân Tiến", họ có đưa ra 10 điều luật canh tân. Do đó, Trưởng Lão Da Xá đã vận động mở Hội Nghị, có 700 vị Tỳ Kheo họp tại thành Phệ Xá Lỵ, Phía Ðông và Phía Tây mỗi bên cử ra 4 vị đại biểu để chủ tọa việc điều giải các dị kiến, Trưởng Lão Ly Bà Ða nêu ra từng điều, trong 10 điều của phái Tân tiến, để hỏi là hợp pháp hay phi pháp, Trưởng Lão Tát Bà Cu Ma y cứ vào giới luật trả lời từng điều là phi pháp. Và Hội Nghị cũng đã họp tụng suốt 8 tháng Kinh tạng và Luật tạng.
Một số lớn Tăng chúng phía Ðông thuộc khối Tân Tiến không hài lòng về 10 điều phi pháp trên, được đại chúng ủng hộ, thành lập riêng một cuộc hội họp ở nơi khác để kết tập Kinh điển, gọi là Ðại kết tập hay Ðại chúng kết tập. Giáo Ðoàn Phật giáo đã chia thành Thượng Tọa bộ là phái bảo thủ và Ðại chúng bộ la phái canh tân. Phật giáo đã phân phải từ đây.
Khoảng 218 năm, sau khi phật nhập Niết Bàn tức là năm 254 TTL, Giáo Ðoàn Phật Giáo đã chia thành nhiều phái, ngoại đạo trà trộn tư tưởng vào, gây nhiều mối phân tranh, trong chúng không hòa hợp, Vua A dục (Asoka - lên ngôi năm 272 và mất năm 232 TTL), là một vì vua mộ đạo, vua muốn chỉnh đốn lại đạo Phật nên ngài đã mở cuộc khảo hạch Tăng già, đuổi ra khỏi Giáo đoàn những người không thông giáo lý. Vua thỉnh Ngài Mục Kiền Liên Ðế Tu (Moggaliputta Tissa) làm chủ tọa và triệu tập 1000 cao tăng dự Ðại Hội kết tập Kinh Ðiển tại Hoa Thị Thành. Kỳ kết tập nầy có ngài Ðế Tu đưa ra "Thuyết sự" (Kathàvattnu), do ngài sáng tác, để thuyết minh sự lý luận giửa ngoại đạo với Phật Giáo, nó trở thành Luận Tạng. TAM Tạng kinh điển có từ đây. Lần kết tập kỳ III, nầy cử hành trong 9 tháng, cũng không có ghi chép kinh điển. Vua A Dục còn có công truyền bá Phật giáo qua Tích Lan, Miến Ðiện và Thái Lan.
Tương truyền rằng Vua Ca Nhị Sắc Ca - Kanishka (78BC-101AC) là một vị vua mộ đạo Phật, mỗi ngày vua thỉnh một vị Tăng vào cung để nghe Pháp, đích thân duyệt lãm kinh điển, thấy nhiều chỗ nghĩa lý không giống nhau, đem hỏi Hiếp Tôn Giả (Pàrsva). Ngài Hiếp Tôn Giả giảng rằng, vì Phật giáo có nhiều phái khác nhau nên giáo nghĩa khác nhau; Vua biết thế liền cùng Hiếp Tôn Gìa tổ chức kết tập kinh điển. Trước hết vua chiêu tập 500 vị học giả tinh thông Tam Tạng kinh điển, hội họp tại Tịnh xá Hoàn lâm nước Kasmitra. Ngài Thế Hữu (Vasumitra) làm Thượng thủ và có các Ðại Ðức Pháp Cửu (Dhamatràtà), Diệu Âm (Ghosa), Giác Thiên (Buddhadeva) và Hiếp Tôn Giả. Hội nghị kết tập kỳ IV này, lần đầu tiên khắc vào bảng đồng, những bài giải thích về Kinh, Luật và Luận gồm 300.000 bài tụng với 6.600.000 chữ, phài xây một ngôi nhà để tàng trữ kinh. Hội nghị kéo dài trong 12 năm.
Năm 1870, cách Phật Nhập Niết Bàn 2414 năm, tại Mandalay Miến Ðiện có một Ðại Hội kết tập kinh điển kỳ V.
Sau 2498 năm Phật Nhập Niết Bàn, tại thạch động Maha Pasana Guha cách Kinh Ðô Rangoon 12 cây số ngàn, thuộc Miến Ðiện đã khai mạc Hội nghị kếp tập kỳ VI từ 21-5-1954 đến 25-5-1956, lần nầy có thảy 2500 Tỳ kheo của các nước Phật giáo trên thế giới tới dự, dướI sự chủ tọa của vị Tăng Thống Phật Giáo. Thể thể thức lần này cũng như lần đầu, ngoài chủ tọa, có hai vị Thượng Tọa "Vấn, Ðáp" các đoạn Kinh, Luật, Luận.
2.- Phật Giáo ở xứ Ấn Ðộ
Ấn Ðộ là nơi đức Thế Tôn giáng sinh, ngài đã đi nhiều nước miền Bắc Ấn Ðộ, để hóa độ chúng sinh trong 50 năm, sau khi Phật Nhập Niết Bàn, Tăng chúng đã tiếp nối truyền bá giáo lý của Phật, lại có những thời kỳ được Vua A Dục, Ca Sắc Nhị Ca hộ đạo, làm cho Phật giáo hưng thịnh, về sau vào đầu thế kỷ VIII, Hồi bắt đầu đánh phá miền Trung Ấn và đến năm 1203, Hồi giáo đem đại quân tiến vào chiếm Trung Ấn, mục đích thành lập đế quốc Hồi Giáo và bành trướng đạo Hồi nên họ rất tàn ác, phá hủy chùa tháp, đốt kinh điển, hãm hại Tăng ni, Các vị cao tăng phải chạy sang lánh ở Tây Tạng hay ẩn thân vào rừng sâu núi thẳm, Phật giáo Ấn Ðộ đi đến lúc suy vong.
Vào khoảng năm 1876, Phật Giáo Tích Lan được chấn hưng, nhờ sự hô hào của Ðại Tá Hải Quân Mỹ Henry Stealle Ocott (1832-1907 ), người đã sáng chế ra lá cờ Phật Giáo Thế giới-. Sau đó năm 1921, có nhà Phật học Tích Lan uyên thâm, Anagarika Dharmapala (từng theo giúp việc cho Ðại Tá Ocott), ông sang thăm viếng các Phật tích, thấy tình hình Phật Giáo Ấn Ðộ đã suy tàn, ông quyết định cần phải phục hưng, nên đứng ra lập Hội Ðại Bồ Ðề (Maha Bodhi Society of India), từ Hội nầy Phật giáo Ấn Ðộ đã phục hưng. Theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc năm 1957, Ấn Ðộ có 392 triệu dân, có chừng 4 triệu Phật Tử.
III.- Phật Giáo Truyền bá sang các nước khác.
Phật giáo từ Ấn Ðộ, truyền sang phương Bắc, dùng kinh điển chữ Phạn, còn gọi là Bắc Tông hay Ðại Thừa, trước tiên truyền vào Tây Tạng vào khoảng giữa thế ký III, rồi từ đó truyền sang Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Riêng ở Việt Nam, thuở ban sơ có nhiều vị sư Ấn Ðộ theo lái buôn, họ đi đường biển sang truyền đạo trực tiếp ở Việt Nam trước công nguyên.
Dưới triều đại vua A Dục, nhà vua phái Trưởng Lão Mahida (con vua A Dục đã xuất gia), đem Phật Giáo truyền sang Tích Lan, sau lại có con gái vua A Dục mang một cây Bồ Ðề giống, nơi đức Phật thành đạo đến trồng ở Tích Lan, Phật giáo theo đây gọi là Nam phương hay Nguyên Thủy, kinh điển dùng chữ Ba Ly, từ đây Phật Giáo truyền sang Miến Ðiện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Ngày nay Phật Giáo lan truyền khắp thế giới, người ta ưa chuộng đạo Phật vì Giáo lý hợp với tinh thần tự do, khoa học và nhất là phương pháp Thiền, một phương pháp đã lôi cuốn người Tây Phương để tu tập.