Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Bàn về Luật Nhân Quả

19 Tháng Chín 201000:00(Xem: 14581)
Bàn về Luật Nhân Quả

I. Nguyên lý nhân quả

Mọi sự có thứ lớp 

Nếu mượn hình ảnh của kịch trường để diễn tả, chúng ta sẽ thấy thế giới giống một sân khấu trên đó không diễn viên nào có thể bước ra sàn diễn nếu không nhận được dấu báo hiệu cho riêng mình. Không một cái gì có thể hình thành hoặc ra đời do bởi ý thức thất thường hoặc đột ngột của tự thân nó.

Khi ánh chớp lóe lên, sấm nổ rền, gió thổi rạt rào và nước lũ hay triều cường dâng cao, chúng ta biết chắc chắn chúng là kết quả của những điều kiện vật lý khác. Những cái được cuộc đời hiến dâng như hạnh phúc, khốn khổ, đau đớn, bệnh tật, nghèo cực, v.v. đều có nguyên nhân của nó. Mọi sự hiện hành đều được sản sinh từ những sự khác đang hiện hữu.

 

Ðều phải có nguyên nhân

Không cái gì có thể thành hiện thực cho đến khi các điều kiện của nó được thể hiện thỏa đáng và khiến cho nó xuất hiện. Như trong một cuộc trình diễn có trình tự tốt đẹp trên sân khấu, vị đạo diễn thiên tài của mọi lớp lang ấy chính là quan hệ nhân quả (causality), hình thành nguyên lý quan hệ nhân quả (the principle of causality), hay luật nhân quả (law of causality). 

Mỗi biến cố phải có nguyên nhân. Ðó là qui luật nền tảng, cho thấy ý nghĩa của trật tự trong thiên nhiên; và dường như nó ít ra cũng có ý nghĩa với cuộc đời của nhiều người.
 

II. Tầm quan trọng của nguyên lý nhân quả

1. Công dụng

Từ quả tìm nhân

Luật nhân quả đôi khi được dùng như một nguyên lý nhằm giải thích theo ý nghĩa rằng nếu có thể thấy cái tạo ra cái gì đó, chúng ta có thể chứng minh tại sao và bằng cách nào xảy ra cái đó.

Trong tiểu thuyết trinh thám bình dân, khi tìm thấy một tử thi nhét trong tủ áo, hai tay bị trói quặt ra sau lưng, viên thám tử bắt đầu một chuỗi điều tra. Y tiến hành nhiều cuộc thăm dò, có khi đúng đường có khi sai hướng. Nhưng cuối cùng y vẫn tìm ra thủ phạm, phá được vụ án bí ẩn đó.

Không ai có thể hiểu tại sao công nhân trong các đồn điền cao su Nam bộ thời Pháp thuộc bị mắc bệnh vàng da và sốt rét cấp tính khiến nhiều người phải bỏ mạng giữa chốn rừng xanh đất đỏ, cho tới khi chuyên viên y tế cho thấy vai trò của muỗi sốt rét trong việc truyền bệnh từ những suối nước đầy lá mục và rác bẩn. Ảo thuật gia và nhà văn Mỹ gốc Hungary *Harry Houdini (1874-1926), theo lời người ta kể lại, có thể giải thích hiện tượng những buổi gọi hồn của con đồng khi ông dùng các phương tiện tự nhiên diễn lại đúng y như các hiện tượng đó.

Gia tăng tầm kiểm soát

Nguyên lý nhân quả quan trọng vì càng hiểu rõ nguyên nhân, con người càng mở rộng tầm kiểm soát các điều kiện tự nhiên. Không biến cố nào có thể xảy ra nếu trước đó không xảy ra nguyên nhân của nó. Khi hiểu nguyên nhân, con người có thể ngăn chận biến cố bằng cách loại trừ các điều kiện phát sinh nó. Hoặc con người có thể tạo biến cố bằng cách cung cấp những điều kiện thích hợp

Ngay trong buổi bình minh của thời hiện đại, hai triết gia Anh Francis Bacon và Thomas Hobbes đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề ấy. Cả hai nhấn mạnh nhu cầu khiến khoa học phải tập trung vào việc khám phá cách phát sinh biến cố hoặc cung cấp nguyên nhân của chúng, nhằm cải thiện số phận con người. Cả hai vạch rõ rằng không phải lúc nào cũng thấy rõ nguyên nhân vì thế có thể cần phải nghiên cứu một cách chuyên môn và tường tận. 

Kể từ thời của hai triết gia ấy, các nhà luận lý học cùng các nhà khoa học nỗ lực phát triển các phương pháp chính xác để khám phá cho ra nguyên nhân.

Và để thẩm tra triết học

Ðã được chứng minh là rất thành công trong việc cắt nghĩa cùng thông giải các ứng dụng khoa học, nguyên lý quan hệ nhân quả cũng hữu ích cho công tác thẩm tra triết học. Các nhà thần học dùng luận cứ rút từ quan hệ nhân quả ra để kiến lập sự hiện hữu của Thượng đế, vì có vẻ vũ trụ – giống như mọi thứ bên trong nó – đều phải tùy thuộc vào cái gì đó khác với chính nó để hiện hữu.

Có những triết gia tiếp thu các nguyên lý tổng quát của chủ nghĩa duy nghiệm do Locke, Berkeley và Hume trình bày nhưng bất đắc dĩ phải chấp nhận cái kết luận cho rằng thế giới chỉ hiện hữu trong ý tưởng của chúng ta, họ cố tìm lối thoát ra khỏi thuyết duy ngã (solipsism) bằng cách lập luận rằng hết thảy các ý tưởng của chúng ta phải có nguyên nhân ở bên ngoài chúng ta, vì thuyết duy ngã cho rằng con người chỉ có thể hiểu biết bản thân thôi.

Ứng dụng vào nhiều lãnh vực

Có những nhà khoa học muốn chứng minh các tiên đoán của mình về cái sẽ xảy ra trong tương lai; họ đặt căn bản đức tin của mình lên tính đồng nhất và đơn điệu của thiên nhiên mà theo ý nghĩa độc nhất, là một phương cách rất ngăn nắp, tề chỉnh, đưa tới sự có mặt một cách phổ quát của quan hệ nhân quả

Có những tác viên xã hội hy vọng giải quyết các vấn đề, thí dụ thiếu niên phạm pháp, bằng cách cải tạo môi trường xã hội; họ phải dựa vào quan hệ nhân quả để biện minh cho quan điểm đấu tranh của mình rằng các điều kiện nhất định sẽ sản sinh các kết quả nhất định.

Sự ứng dụng nguyên lý quan hệ nhân quả còn đi quá bên kia những minh họa vừa kể. Rất có thể nó còn được những người sống trong mọi cảnh ngộ của cuộc đời với đủ loại quan tâm cùng sở thích khác nhau xem như một trong những điều khoản nền tảng nhất của đức tin. Ở đây, tôi chỉ có ý nhấn mạnh rằng nó được xem như một điều khoản của đức tin như một sự giả định

Những kẻ tùy thuộc một cách rõ rệt vào nó thường cho rằng họ biết họ có ý nói gì khi dùng cụm từ "quan hệ nhân quả" và họ cũng chẳng chút nào ngờ vực thực tại của nó. Tuy thế, nếu có thể chứng minh rằng ý nghĩa của nhân quả như đã được chấp nhận một cách tổng quát, là vô căn cứ, thì kết quả của sự chứng minh đó hẳn đánh đổ một số khái niệm về vũ trụ.

2. Nhân quả là tương quan

Chưa đánh giá đúng mức

Khởi sự suy ngẫm về nguyên lý quan hệ nhân quả, ấn tượng đầu tiên của chúng takinh ngạc về việc người đời dường như không đánh giá đúng mức tầm quan trọng của lời họ nói khi họ khẳng định rằng "Mỗi kết quả phải có một nguyên nhân". 

Ðối với một số triết gia, đó không phải là lời phát biểu mang tính sự kiện mà chỉ là một cách đầu hàng các yêu cầu của ngôn ngữ. Nó có vẻ như một lối nói có này có nọ cho phải phép. Nghĩa là không thể nào nói tới nguyên nhân mà không nhắc tới kết quả, giống như khi ta đề cập tới "nóng" mà không ngụ ý tới "lạnh", hoặc "dài" mà không ngụ ý tới "ngắn". Cũng thế, từ ngữ "nguyên nhân" ngụ ý tới "kết quả", và trong chính nó chẳng chứng minh gì cả ngoài tương quan tất yếu giữa hai từ ngữ đó.

Phải là tương quan giữa các biến cố

Nếu nguyên lý ấy biểu hiện cho cái gì đó có thật, nó phải được giảm thiểu thành những lời phát biểu không phải về tương quan giữa các từ ngữ mà là giữa các biến cố: lời phát biểu rằng biến cố B không thể nào xảy ra mà không có biến cố A đi liền trước nó và sản sinh ra nó. Thế nhưng, trong thực tế, có lẽ không dễ dàng thiết lập được tương quan ấy.

Khi gợi ý rằng biến cố A đi liền trước biến cố B và làm phát sinh biến cố B, dường như ta có ngụ ý rằng cả hai biến cố đó khác nhau. Nếu quả thật chúng khác nhau thì câu nói biến cố này gây ra biến cố kia quả thật khó hiểu. Làm thế nào một biến cố tự nhiên lại sản sinh ra cái hoàn toàn khác với nó? Từ đâu xuất hiện biến cố mới? Nếu kết quả hoàn toàn khác với nguyên nhân, thì có một lỗ trống giữa chúng cần được lấp đầy, và quan hệ nhân quả dường như không đủ để lấp đầy lỗ trống ấy.

Nếu nguyên nhân và kết quả không khác nhau thì dường như chúng phải giống nhau. Nếu chúng giống nhau thì quả thật khó hiểu vì làm thế nào cái mới có khả năng xảy ra giống với cái cũ đã xảy ra. 

Ở đây, hầu như chúng ta đối mặt một nan đề. Nếu giả định rằng B khác với A thì thấy không thể nào chứng minh chúng có tương quan. Nếu giả định rằng B hoàn toàn giống A thì thấy không thể nào chứng minh vạn vật đều biến đổi. Dường như không có lối thoát nào cho câu hỏi không có cách trả lời ấy.

Lập trường của Long Thọ

Cách đây gần hai ngàn năm, tại Ấn Ðộ, đại luận sư Long Thọ, khoảng thế kỷ 2-3 sau C.N., người hệ thống hóa triết học Phật giáo, đặt nền móng cho Trung quán tông của Ðại thừa, mà những phát biểu của ông về Không tính của vạn sự vạn vật đã đưa tới những áp dụng vào vấn đề quan hệ nhân quả như sau: 

1. Nguyên nhân và kết quả không thể giống nhau (vì ngược lại, sẽ không xảy tới cái gì mới mẻ); 

2. Nguyên nhân và kết quả không thể không nối kết với nhau (vì ngược lại, cái này không thể gây nên cái kia – kinh nghiệm cho chúng ta thấy thực tế chúng nối kết vì nói cho cùng, thế giới có thể được dự đoán phần nào); 

3. Kết quả không thể là thành phần của nguyên nhân (vì ngược lại, sẽ không thể nào gây nên cái gì đó mới mẻ); 

4. Do đó, theo tư duy qui ước, để cho cái gì đó được tạo nên, phải có sự liên tục nhưng đồng thời cũng phải có cái gì đó mới mẻ; 

5. Vì thế, lối lập luận có tính qui ước ấy bị sụp đổ, nó không có khả năng giải thích quá trình biến đổi

(Xem Ðại cương triết học Ðông phương, cùng một soạn giả)

3. Nan giải khi định nghĩa

Sai lầm tự căn bản

Nếu chúng ta hiểu lời phát biểu rằng mỗi biến cố phải có một biến cố khác đứng trước có ý nghĩa một chuỗi mang tính nguyên nhân được tạo thành bởi các biến cố đơn thuần riêng rẽ, lúc đó, nói theo tinh thần Long Thọ, chúng ta mắc phải sai lầm. Vì khi chịu khó suy ngẫm đôi chút về vấn đề đó, chúng ta sẽ thấy nó quả thật không đúng như thế. 

Khi chúng ta chọn một cái nào đó như nguyên nhân của một biến cố, dường như cái đó chỉ phản ánh sự hiểu biết hoặc mối quan tâm của chúng ta mà thôi. Hầu hết người ta cho là thích đáng khi nói: "Cục đá đó làm vỡ cửa kính", có nghĩa cục đá đó được xem là nguyên nhân duy nhất gây ra biến cố đó. Ðối với nhà vật lý học và nhà hóa học, lời giải thích ấy không thích đáng vì tự thân cục đá không thể nào làm vỡ cửa kính. 

Thêm nữa, có khả năng người chủ của ngôi nhà có cửa kính bị vỡ ấy qui trách cho kẻ bị ông thấy đang ném cục đá. Nhà tâm lý học có thể truy tầm nguyên nhân của biến cố ấy trong sự xáo trộn tâm lý của người chủ nhà khi bị ngân hàng đòi tịch biên nhà vì không trả nổi tiền nợ mua nhà nên ông ta tức tối tự ném vỡ cửa kính nhà mình.

Qui cho nguyên nhân đơn lẻ

Hết thảy các thành tố này nọ đều liên quan tới toàn bộ hoàn cảnh, và không có toàn bộ hoàn cảnh thì bất cứ lời giải thích nào cũng không thỏa đáng. Khi chúng ta nói tới nguyên nhân, chúng ta quả thật có ý đề cập tới một thành tố trong số các điều kiện; đối với chúng ta, thành tố ấy có vẻ thích đáng chỉ vì mối quan tâm của chúng ta, hay nói một cách nôm na là dường như nó đúng với ý của chúng ta. Nếu quả đúng như thế, khi nói tới một nguyên nhân đơn lẻ tạo thành một biến cố tức là ta đã giảm thiểu.

Sách lịch sử sơ cấp thường can tội giảm thiểu như thế khi đưa ra nguyên nhân của một biến cố lịch sử. Không gì có thể phi lý hơn khi cho rằng Hoa Kỳ tham gia Thế chiến Hai chỉ vì Trân Châu Cảng bị ném bom. 

Cũng một biến cố lịch sử, người ta có những lời giải thích khác nhau do các sử gia ở nhiều quốc gia khác nhau, và hầu như chúng đều liên quan tới loại giản lược ấy. Sử gia và triết gia người Mỹ *Will Durant (1885-1981) nói rằng ông có thể cắt nghĩa động lực biến đổi của lịch sử loài người không phải do bởi đấu tranh giai cấp mà chỉ vì xung khắc tôn giáo, hoặc vì đam mê tình ái, hoặc vì tham vọng quyền lực của các bậc vua chúa, v.v. tùy vào sở thích hoặc quan tâm của ông.

Rõ ràng ta cần phải ngừng lại tại một chỗ nào đó việc qui kết nguyên nhân cho một hoạt độngbỏ sót các điều kiện có thể tác động lên tri thức của chúng ta, nhất là đối với các hiện tượng như động thái của con ngườirõ ràng chúng ta phải dồn hết mọi nỗ lực để tìm hiểu chúng.

Qui cho nguyên nhân sức mạnh

Niềm tin hoàn toàn vào quan hệ nhân quả, dù qui cho một hay nhiều điều kiện, chỉ là ý tưởng cho rằng trong nguyên nhân hàm chứa một sức mạnh phát sinh nào đó. "Không có lửa làm sao có khói". Từ ngữ "nguyên nhân" tập kết nghĩa rộng vừa nói ấy vào trong nó có lẽ vì nó tương hợp với ý chí hành động của bản thân chúng ta. Khi tôi đẩy một chướng ngại vật ra khỏi lối đi của mình, hoặc ngay cả khi tôi nhấc cánh tay của mình lên, hậu quả ấy có quan hệ với hành động tạo tác của ý chí của tôi.

Ðối với các triết gia suy tưởng về khoa học (philosophers of science), khái niệm đó gây khó khăn cho họ hơn bất cứ triết gia nào khác vì một đằng nó dường như có một ý nghĩa nào đó, một đằng hầu như không thể nào khám phá ra ý nghĩa ấy là gì. Không có chứng cớ khoa học cho thấy có sức mạnh nào như thế, cũng không có ý nghĩa hợp qui cách (legitimate) nào của từ ngữ "nguyên nhân" hiểu theo nghĩa rộng ấy.

Nạn nhân của nguyên nhân

Chừng nào còn viện dẫn từ ngữ "nguyên nhân" để giải thích quan hệ nhân quả, dường như chừng đó chúng ta vẫn là nạn nhân lẩn quẩn của một quá trình vớ vẩn, ở đó chúng ta sử dụng một từ ngữ mà mình vừa không hiểu rõ vừa xem nó như một giải pháp thích đáng cho vấn đề.

Tuy thế, nếu từ ngữ "nguyên nhân" không cần thiết thì có vẻ như thể chẳng có cái gì có thể được gọi một cách thích đáng là quan hệ nhân quả, và chúng ta chấm dứt trong ngõ cụt. Nếu có một lối ra khỏi tình thế tới lui đều khó này (dilemma), chúng ta phải tìm cho ra, bằng việc xem xét một số giải đáp từng được đưa ra cho vấn đề quan hệ nhân quả.
 

III. Các thái độ trước đây trong lịch sử

1. Hai loại giải thích

Mê tín và khoa học

Không chắc người nguyên thủy có khả năng phân tích một khái niệm trừu tượng như quan hệ nhân quả không, nhưng có bằng chứng rằng họ chấp nhận nó như một thực tế. Ở những chỗ thiếu tri thức khoa học, con người có khuynh hướng bù đắp vào bằng những giải thích mê tín.

Hễ nơi nào thái độ khoa học thắng thế, những giải thích mê tín bị hất cẳng bởi những giải thích tự nhiên. Người ta giả định rằng các biến cố tự nhiên đều có nguyên nhân tự nhiên; nếu khám phá ra nguyên nhân ta có thể kiểm soát biến cố ấy. 

Người mê tín qui bệnh tật cho bùa ngãi độc dữ hoặc hành động của đấng "Hoàng thiên nổi cơn thịnh nộ". Các nhà khoa học tìm kiếm nguyên nhân của bệnh tật trong các sự việc như điều kiện vệ sinh, chứ không phải sự ghét bỏ mang tính thiêng liêng hay huyền bí, vì nếu tình trạng thiếu vệ sinh hiện hànhliên quan tới bệnh tật thì có thể cải thiện tình trạng đó. Trong hình thức y dược hiện đại, kết quả của lối tiếp cận mới này là bằng chứng thực tiễntốt đẹp cho tính chính xác của nó.

2. Aristotle và bốn nguyên nhân

Aristotle là một trong các nhà tư tưởng đầu tiên đưa ý tưởng quan hệ nhân quả làm đối tượng cho một cuộc phân tích khắc nghiệt, và chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những triển khai về sau của nó nếu chúng ta xem xét kỹ lý thuyết của vị triết gia Hi Lạp cổ đại ấy.

Bốn nguyên nhân

Nếu xem xét bất cứ đối tượng sống động hay bất động nào, chúng ta sẽ thấy cái nào cũng có một "lịch sử". Mọi cái chúng ta đang quen thuộc đều đến từ cái nào khác, và nếu không có cái nào khác ấy, chúng không thể thành hiện thực. Ðiều đó có nghĩa rằng có một nguyên nhân chất liệu (material cause) cho mọi cái, hiểu theo ý nghĩa của học thuyết Aristotle thì cái này nào đó là tiềm năng (potential) của cái khác nào đó. Ðể xây cất một ngôi nhà, chúng ta phải có đá hoặc gỗ, v.v. Những cái đó không thật sự là ngôi nhà mà chỉ là cái tiềm năng, và do đó, biểu hiện cho nguyên nhân chất liệu.

Gạch đá hoặc gỗ tự chúng không có khả năng hình thành ngôi nhà. Ðể làm chuyện đó, chúng ta cần thợ mộc hay thợ nề hay thợ đẻo đá. Chính qua nỗ lực của những người thợ đó, nguyên nhân chất liệu có thể khoác một hình thức nhất định. Thế thì những người ấy là nguyên nhân tác động (efficient cause), hay nguyên nhân hiệu ứng, cái sản sinh kết quả trong trường hợp ngôi nhà.

Chúng ta thử hạn chế minh họa ấy vào người thợ nề. Y không lượm gạch lên, ném chúng vào nhau một cách ngẫu nhiên với hy vọng đạt kết quả tốt nhất. Không. Trong khi xây dựng, y luôn luôn có một kế hoạch hoặc một bản thiết kế hướng dẫn. Bản thiết kế ấy biểu hiệu hình thức sẽ được thực hiện, và đó là nguyên lý tổ chức. Trong học thuyết Aristotle, nó là dạng thức (form) biến tiềm năng thành hiện thực, biến một vật thành đúng loại của chính nó. Ðó là nguyên nhân dạng thức (formal cause).

Chúng ta không tập trung vật liệu và thuê thợ nề để xây dựng một loại ngôi nhà nào đó nằm ngoài chủ định của mình. Có thể chúng ta muốn làm một ngôi nhà cho mình ở, hoặc đầu tư để cho thuê, hoặc chỉ làm nhà để xe hoặc nhà kho. Rõ ràng rằng mục đích đóng vai trò lớn lao trong việc quyết định sẽ dùng loại vật liệu nào, bỏ ra bao nhiêu tiền và thuê loại thợ nào.

Không có việc nào được thực hiện mà không có mục đích. Từ ngữ "mục đích" (goal), cũng thường được gọi theo cách khác, bao quát hơn, là "cứu cánh" (purpose) có nguồn gốc từ chữ Hi Lạp telos, nghĩa đen là cái đích tối hậu hoặc cái được nhắm tới. Trong tiếng Việt, mục là mắt, đích là cái nhắm tới; mục đích là cái được con mắt nhắm tới. Cả hai ý nghĩa ấy đều hàm ý cái được nhắm tới ấy vượt quá, hay ở quá bên kia vật chất. Chừng nào chúng ta còn nhấn mạnh tới các nguyên nhân có tính mục đích, chừng đó chúng ta còn phát biểu mang tính *cứu cánh luận (teleology). Trong mẫu thức (pattern) phân tích quan hệ nhân quả theo Aristotle, cái này được gọi là nguyên nhân tối hậu (final cause), hay như về sau thường gọi là nguyên nhân cứu cánh, cho rõ nghĩa hơn.

Nguyên nhân cứu cánh quan trọng nhất 

Thế thì theo Aristotle, có bốn nguyên nhân liên quan tới việc giải thích sự phát triển của bất cứ vật nào: chất liệu, tác động, dạng thức và cứu cánh. Bốn nguyên nhân ấy đều liên quan tới sự thảo luận của Aristotle về vật chất (matter) và dạng thức (form). Nguyên nhân chất liệu như có tính tiềm năng cũng vẫn chỉ là vật chất trong khi ba nguyên nhân kia là sự triển khai ý nghĩa của dạng thức (formal) hoặc thực tế (actuality). 

Ðối với Aristotle, trong ba nguyên nhân đó, nguyên nhân cứu cánh (tối hậu) quan trọng nhất. Ông cho rằng mục đích – hoặc cứu cánh – của phát triển là lý do thật sự của một vật.

Cụm từ "nguyên nhân cúu cánh" gợi cho thấy hiện tại được quyết định bởi tương lai, theo ý nghĩa rằng chính cái đang là của vật-sắp-trở-thành quyết định giai đoạn phát triển của nó trong hiện tại. Chúng ta có thể hiểu sai ý nghĩa của thuật ngữ ấy, làm phát sinh những khó khăn không cần thiết nếu chúng ta giả dụ rằng tương lai phi hiện hữunguyên nhân của hiện tại đang hiện hữu.

Ý nghĩa nằm trong dạng thức

Nguyên nhân cứu cánh phải có ý nghĩa khác hơn ý nghĩa đơn thuần về thời gian. Ý nghĩa ấy được tìm thấy trong bản tính tổng quát của dạng thức của vật nếu nó được xem xét theo khía cạnh phi thời gian.

Cây bắp đã ở sẵn trong hạt bắp, vì cái mà hạt bắp sắp trở thành quyết định cả chất dinh dưỡng sẽ thẩm thấu lẫn định hướng phát triển. Hạt bắp không thể nào là cây thuốc lá hoặc cây kê hoặc bất cứ loại cây nào khác, ngoại trừ cây bắp. Suốt quá trình phát triển, ở bất cứ giai đoạn nào, dạng thức hiện thời điều hướng sự phát triển, và định hướng ấy bị quyết định bởi cứu cánh sẽ được thể hiện.

Aristotle và Kitô giáo

Từ khái niệm về nguyên nhân cứu cánh trong quá trình phát triển của một vật, người ta dễ dàng chuyển sang ứng dụng tổng quát nguyên tắc ấy và toàn thể thiên nhiên. Chúng ta có thể giả định rằng nếu có nguyên nhân cứu cánh (hoặc tối hậu) của từng biến cố đơn lẻ thì phải có cứu cánh cho toàn bộ thiên nhiên.

Aristotle gợi ý rằng nguyên nhân cứu cánh của toàn thể vạn vậtThượng đế, dù khái niệm của ông về Thượng đế ít có điểm chung với khái niệm của Kitô giáo. Tuy nhiên, sự thể hiện của thiên nhiên như được quyết định bởi một hấp lực toàn hảo hiện hữu bên ngoài nó. Khái niệm của Aristotle được thông diễn thành các thuật ngữ Kitô giáo, và giờ đây, ý tưởng về nguyên nhân cứu cánh được nối kết với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho thế gian.

Những kẻ theo Aristotle biến nguyên nhân cứu cánh thành nguyên nhân quan trọng nhất, và ngày nay nó vẫn còn được chấp nhậnthành phần của truyền thống Kitô giáo, vốn đã và đang bị nhào nặn bởi các phạm trù Aristotle. Chúng ta sẽ khảo sát khái niệm ấy đầy đủ hơn một chút ở chương sau, để đánh giá tầm quan trọng về lâu về dài của nó.

Ứng dụng vào khoa học 

Xét theo các cứu cánh của chúng ta, sự ứng dụng quan trọng nhất của học thuyết Aristotle là trong lãnh vực khoa học. Khi đươc nối kết – và phải nối kết như thế – với học thuyết các yếu tính (theory of essences), nó đã giới hạn khoa học do sự nhấn mạnh của nó vào mục đích của khoa học như một sự giải thích động thái.

Quả thật, chừng nào còn quan tâm tới Aristotle, chúng ta không có lý do gì để lơ là nguyên nhân tác động, thế nhưng có một điều chúng ta cũng phải nói tới: chính vì lòng ưu ái của vị triết gia ấy dành cho nguyên nhân cứu cánh nên nguyên nhân tác động bị mờ mịt. Và đó là lý do khiến Francis Bacon khẳng định rằng thuyết nguyên nhân cứu cánh (tối hậu hay mục đích) đã làm hư hoại khoa học.

3. Chống nguyên nhân cứu cánh

Ðề cao nguyên nhân tác dộng

Trên một qui mô lớn, cuộc cách mạng khoa học trong hai thế kỷ 16 và 17 là cuộc cách mạng chống lại khái niệm nguyên nhân tối hậu và tái khẳng định tầm quan trọng của nguyên nhân tác động (hiệu ứng). Trong số các lãnh tụ của cuộc cách mạng đó có Galileo, Bacon, Hobbes và Descartes. Galileo nhấn mạnhthực hiện cuộc trở về với quan sát và thí nghiệm như hai phương cách khám phá các vật xảy ra như thế nào thay vì lý luận về chúng để khám phá chúng xảy ra vì lý do nào. 

Những kẻ theo Aristotle lấy làm thỏa mãn mối quan tâm khoa học của mình khi họ có thể chỉ cho ta thấy rằng viên đá rơi xuống đất là vì nó đang tìm kiếm vị trí tự nhiên của nó là mặt đất, và trạng thái tự nhiên của nó là an nghỉ, cũng như ngọn lửa hướng lên trời vì trạng thái tự nhiên của nó là bốc cháy. Về phần Galileo, ông quan tâm hơn tới sự quan sát cái thật sự xảy ra và mô tả việc đang xảy ra trong liên quan tới không gianthời gian.

Khoa học chỉ cần một nguyên nhân

Nếu nguyên nhân cứu cánhtối thượng thì lúc đó quan hệ nhân quả có tính tác động (efficient causality) không quan trọng, người theo Aristotle đã phán quyết như thế. Khoa học hiện đại bắt đầu khi vai trò của hai nguyên nhân ấy bị đảo ngược và quan hệ nhân quả có tính tối hậu ngày càng bị gạt bỏ. 

Thành quả nhanh chóng của khoa học dường như chứng minh cho thái độ ấy, và chẳng bao lâu, trở thành thời thượng việc cười vào mũi những người vẫn còn cảm thấy phải cần tới nguyên nhân tối hậu để có một thông giải đầy đủ. Khoa học bằng lòng với chỉ một nguyên nhân thôi trong khi đó Aristotle quả quyết có tới bốn nguyên nhân.

Chỉ còn nguyên nhân tác động

Có lẽ tư tưởng tinh tiến một cách tự nhiên nhờ việc quay 180 độ từ cực đoan này sang cực đoan khác và thao tác trên nội hàm của mỗi lập trường trước khi kết tập thành một thỏa hiệp trong đó bảo tồn cái tốt đẹp nhất của mỗi quan điểmloại bỏ những cái vô lý quá đáng trong cả hai. 

Dù đúng hay không đúng, thực tế chúng ta càng ngày càng quen thuộc với ý tưởng quan hệ nhân quả có tính tác động như một quan hệ nhân quả duy nhất, tới độ rất khó khăn khi cần phải thuyết phục người khác rằng trong ý tưởng nguyên nhân cứu cánh cũng có điều gì đó có giá trị.

Sự chọn lựa và chấp nhận của khoa học về quan hệ nhân quả như tương quan tự nhiên của các biến cố ở đó cái này nhất thiết đi trước và sản sinh cái kia có vẻ như được chứng minh nhờ nó thao tác hữu hiệu. Cuộc tìm kiếm các nguyên nhân đã cung cấp cho con người sự kiểm soát mà nó cần tới. 

Ở nơi sự mê tín và bùa ngải thần chú thất bại trong việc kiểm soát bệnh đậu mùa, bệnh sốt rét và bệnh tiêu chảy cấp (dịch tả), cuộc tìm kiếm của khoa học nhằm sở hữu tri thức về các lý do thiên nhiên của bệnh tật đã mang các tai họa ấy của loài người vào trong tầm kiểm soát.

Chiến thắng dồn dập

Hết thắng lợi này tới thắng lợi khác, các thắng lợi giòn giã hàng hàng lớp lớp ấy lập nên giá trị của phương pháp đó, tới độ vào cuối thế kỷ 19, nhà vạn vật học (naturalist) người Ðức *Ernst Haeckel (1834-1919) đã có thể khoe khoang rằng trong một trăm năm ấy, con người tăng tiến tri thức hơn tất cả các thiên niên kỷ trước đó trong cuộc tồn sinh của loài người.

Khi những kẻ ủng hộ khoa học tiền-Newton (pre-Newtonian science) tấn công phương pháp của các nhà khoa học hiện đại và thúc giục hãy trở về các phương pháp cũ như một phương cách tiếp cận chân lý hữu hiệu hơn, họ đã la ó quá đáng như gã lái buôn hết vốn đang khuyến cáo các nhà triệu phú cách thức kiếm tiền. 

Sự thách đố này hoặc nọ các giả định căn bản của khoa học hiện đại chỉ có thể thành công nếu nó chứng minh được rằng thành quả của khoa học hiện đại không thật sự tùy thuộc vào một quan điểm nhất định về quan hệ nhân quả hoặc rằng khái niệm về quan hệ nhân quả mà khoa học chọn lựa và chấp nhận hoàn toàn không đúng như cái mà nó đang nghĩ.

Tư duy lối hàm số

Có nhiều nhà khoa học đã và đang suy ngẫm sự giả định về quan hệ nhân quả. Họ sẵn sàng tránh những hàm ý siêu hình học (metaphysical implications) bằng việc chỉ đơn thuần xem xét nó như một hàm số của hai biến số. Bằng thái độ đó, họ có ý nói rằng bất cứ thay đổi nào trong biến số này đều đi kèm theo sự thay đổi tương ứng trong biến số kia.

Do đó, qui luật khoa học chỉ dấu cho ta biết rằng có tương quan hiệu ứng giữa hai biến cố hoặc các cấp bậc biến cố khiến cho sự sửa đổi của cái này đi kèm theo sự sửa đổi tương ứng trong cái kia. Trong lời phát biểu này, khoa học cho thấy nó không cần phải gắn bó vào bất cứ thông giải nào về nguyên lý quan hệ nhân quả. Nó đơn thuần chỉ dấu cho thấy rằng chính sự khám phá tương quan giữa hai biến cố hoặc hai cấp bậc biến cố làm vững mạnh thêm thái độ đó.

Nếu giả định rằng tương quan ấy diễn ra liên tục thì sự giả định như một tiên đoán ấy có khả năng đúng. Trước khi khoa học có thể đạt tới sự phát biểuhệ thống ấy, đã có những cuộc khảo sát nhằm tìm kiếm ý nghĩa của quan hệ nhân quả, vì chắc chắn rằng các nhà khoa học trước thời đó đã xem quan hệ nhân quả như một loại sức mạnh giữa một nguyên nhân và một kết quả khiến người ta có thể nói rằng kết quả được sản sinh bởi nguyên nhân.

4. Hume và quan hệ nhân quả

Nguồn kinh nghiệm của ý tưởng

Lối tiếp cận ấy khởi đầu với David Hume. Các triết gia trước ông xem là hiển nhiên việc họ hiểu cái gì được ngụ ý trong cụm từ quan hệ nhận quả và việc khoa học chấp nhận nó đã được chứng minh xong xuôi. Hume vạch ra rằng các phương pháp khoa học và những lời xác nhận của nó về tri thức đều trực tiếp mâu thuẫn nhau và rằng phải buông bỏ một trong hai cái đó.

Theo chân Bacon, những kẻ thuộc trường phái Newton khước từ việc đơn thuần đề ra lý thuyết về các vấn đề bản tính của thiên nhiênnhấn mạnh sự hoàn toàn viện dẫn kinh nghiệm. "Hypothesis non fingo: Tôi không tạo dựng ra giả thuyết", đó là khẩu hiệu của nhà khoa học vĩ đại Newton. Như một kẻ phục vụ và kẻ thông giải thiên nhiên, con người hướng tới thiên nhiên để tìm lời giải đáp cho các câu hỏi của mình và chỉ chấp nhận những gì mà kinh nghiệm có thể cho là có giá trị.

Locke thấy rằng sự viện dẫn kinh nghiệm này có nghĩa duyệt xét ý nghĩa của tri thức và đặt giới hạn cho những gì con người có thể biết một cách chắc chắn. Toàn bộ tri thức bắt đầu với các ý tưởng được tiếp nhận thông qua giác quan từ các đối tượng ngoại tại, và không ý tưởnggiá trị nào có thể ở trong tâm trí nếu trước hết nó không ở trong giác quan.

Locke thấy cái được hàm chứa trong phương pháp khoa học mới, nhưng ông không tiến hành cuộc phân tích của mình đủ độ xa của nó vì đôi khi trong các tiền đề của chính mình, ông chấp nhận các ý tưởng không thể có giá trị. Chúng ta đã thấy điều đó với ý tưởng bản thể vật chất; và nó cũng đúng y như thế với ý tưởng quan hệ nhân quả. Locke quả thật đạt tới khái niệm quan hệ nhân quả do suy ra từ các ý tưởng nhất định chứ không như một ý tưởng được sở đắc trực tiếp qua giác quan.

Hume chấp nhận các nguyên tắc duy nghiệm tổng quát (the general empirical principles) của Locke nhưng ông nhấn mạnh tính chất nhất quán trọn vẹn trong khi ông để cho các nguyên lý mang mình đi tới đâu thì tới. Do đó, ông đưa ra lời tuyên bố làm nền tảng rằng không thể chấp nhận một ý tưởnggiá trị nếu nó không thể cho thấy có nguồn gốc trong kinh nghiệm giác quan. Lời ấy dẫn tới sự khảo sát ý tưởng quan hệ nhân quả.

Phân tích của Hume

Khi phân tích đầy đủ những gì được xem xét một cách tổng quát là có liên hệ tới quan hệ nhân quả, theo Hume, ta sẽ nhận thấy có bốn thành tố:

1. Nguyên nhân và kết quả phải gần kề nhau; không thể nào có một hành động có tính nguyên nhân ở cách một quãng. Quả thật sự tiếp giáp này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Nó trực tiếp khi cục đá chạm vào cửa kính vào lúc kính vỡ; nó gián tiếp khi bình xăng ô-tô nổ khiến các bánh xe văng ra ngoài. Cũng có thể thấy rằng sự tiếp xúc gián tiếp thật sự là một chuỗi các nguyên nhân, ở đó mỗi nguyên nhân và mỗi hậu quả tiếp xúc trực tiếp với nhau;

2. Nguyên nhân luôn luôn đi liền trước kết quả. Không cần phải nhận thức được sự tiếp xúc của cả hai, nhưng rõ ràng phải có sự nối tiếp. Khi chúng ta suy nghĩ dưới dạng khái niệm thô sơ hơn về quan hệ nhân quả, thí dụ viên đạn giết chết một người, thì rõ ràng viên đạn ấy phải trúng ngực trước khi người ấy chết. Hình ảnh minh họa ấy cho thấy rõ rệt rằng sự nối tiếp hàm ý trong chính từ ngữ của nó có nguyên nhân được xác định đi liền trước kết quả.

3. Phải có sự truyền lực từ nguyên nhân sang kết quả. Ý tưởng này nối kết với khái niệm về quan hệ nhân quả như một hành động sản sinh cái gì đó vì ý tưởng về sản sinh không thể không liên quan tới một sức mạnh nào đó. Khi trái bi-da lăn tới, chạm vào một trái bi-da khác đang đứng yên, trái thứ hai phải chuyển động theo cách gợi cho thấy có sự truyền lực từ cái này sang cái kia.

4. Nhất thiết kết liên nhau giữa nguyên nhân và kết quả. Ðiều này được hàm ý trong ngôn ngữ bình thường của chúng ta khi nói rằng có kết quả thì phải có nguyên nhân. Dường như mối kết liên này được chứng minh bằng thực tiễn khoa học vốn lấy sự nhất thiết đó làm căn bản dự báo của nó. Khi tôi nói rằng các ý tưởng trong tâm trí của tôi chỉ tới sự hiện hữu của các đối tượng ngoại tại, tôi thật ra có ý nói rằng ý tưởng ấy như một kết quả phải có một nguyên nhân và rằng nguyên nhân ấy là cái gì đó khác với ý tưởng ấy.

Tóm lại ta thấy ý tưởng quan hệ nhân quả được Hume chiết ra thành các ý tưởng có tính thành tố: – (1) gần kề nhau; – (2) nối tiếp nhau; – (3) truyền lực cho nhau; – và (4) nhất thiết kết liên nhau.

Lấy kinh nghiệm làm cơ sở

Nếu một ý tưởng phức tạpgiá trị thì các ý tưởng hiệp thành nó đều có giá trị một cách riêng rẽ. Chúng ta đã thấy rằng không ý tưởng riêng biệt nào được chấp nhận là có giá trị nếu nó không đặt cơ sở trên kinh nghiệm; nó phải cho thấy cái ấn-tượng-giác-quan (sense-impression) gây nên ý tưởng đó.

Trên cơ sở ấy, có thể lập thành các ý tưởng (1) gần kề nhau và (2) nối tiếp nhau vì chúng ta có thể quan sát nguyên nhânhậu quả trong sự tiếp xúc cụ thể của chúng, thí dụ trường hợp cục đá với cửa kính, viên đạn với lồng ngực, và có thể thấy chúng nối tiếp nhau trong sự chuyển động của hai trái bi-da. Bằng một cuộc kiểm tra thực nghiệm, cả hai thành tố (1) và (2) trong tình huống quan hệ nhân quả ấy đều có giá trị và có thể được chấp nhậnchính xác.

Cuộc kiểm tra thực nghiệm ấy sẽ không hữu hiệu đối với hai thành tố còn lại, đó là (3) truyền lực cho nhau và (4) nhất thiết kết liên nhau. Chưa ai có khả năng thấy sự truyền lực từ nguyên nhân sang kết quả, cũng như chưa ai thấy chúng nhất thiết kết liên nhau. 

Chúng ta có thể bác bỏ ý tưởng truyền lực vì nó chỉ có tính suy ra, dựa trên các hoạt động của con người khi chúng ta, bằng hành động của ý chí, dường như đã sản sinh các hành động như thế, thí dụ nhấc cánh tay của mình lên hoặc dời vật chướng ngại ra khỏi lối mình đi. 

Hume phản bác rằng hoạt động ấy cũng là hoạt động, và nó cho thấy nó không thể là cái đúng với vẻ ngoài của nó; nhưng tạm thời lúc này, khía cạnh đó của vấn đề nằm ngoài tâm điểm của cái đang được chúng ta quan tâm

Hume lập luận rằng phân tích ý tưởng về thành tố (4) nhất thiết kết liên nhau cho thấy nó quả thật không thể nào liên quan tới quan hệ nhân quả vì cách riêng, ý tưởng quan hệ nhân quả chỉ đòi hỏi hai thành tố (1) gần kề nhau và (2) nối tiếp nhau. Khi chúng ta nhìn hai biến cố xảy ra nối tiếp nhau mộc cách có qui củ và tiếp xúc nhau, chúng ta có cái được gọi là sự liên tục mang tính quan hệ nhân quả. Khi chúng ta có nhiều dịp trải nghiệm như thế mà không có ngoại lệ nào, lúc ấy, tiếp theo sự xuất hiện của nguyên nhân, chúng ta trông đợi kết quả.

Chỉ do tâm trí thấy trước

Và đó chỉ là phóng chiếu vào tương lai sự kết liên đã được chúng ta trải nghiệm trong quá khứ. Chừng nào các biến cố còn liên quan tới trải nghiệm thì chừng đó chúng không nhất thiết kết liên nhau. Theo Hume, ý tưởng "nhất thiết kết liên nhau" chỉ phát sinh từ hoạt động của tâm trí vốn biết trước sự kết liên do bởi các kinh nghiệm của nó trong quá khứ. Do đó, ý tưởng về thành tố (4) không phát sinh từ sự kết liên thật sự nào giữa các đối tượng mà từ hoạt động của một tâm trí biết trước sự liên tục, và sự biết ấy gợi cho thấy sẽ xảy ra theo như thông lệ.

Ý tưởng "nhất thiết kết liên nhau" là một ý tưởnggiá trị vì nó bắt nguồn từ ấn tượng (impression), nghĩa là sự thấy trước của tâm trí, nhưng nó không dính líu tới tương quan nào giữa các đối tượng. Nó là mối quan hệ giữa việc nhìn thấy biến cố này và việc thấy trước một biến cố nhất định khác. Chừng nào còn dính líu tới kinh nghiệm thì chừng đó còn dính líu tới khoa học, thế nên ý tưởng quan hệ nhân quả chỉ liên quan tới thành tố (1) "gần kề nhau" và thành tố (2) "nối tiếp nhau" của nguyên nhân và kết quả; và như thế, Hume kết luận rằng không "nhất thiết kết liên nhau".

5. Hume, nhà phê bình khoa học

Khoa học triết học quở nhau

Trong các luận cứ của Hume, chỉ dùng được một cái! Nó được chọn vì tính chất răn đe mà nó nhắm tới. Các khoa học gia thường quở trách các triết gia là đắm mình trong những suy tưởng lập dị thay vì tiếp tục bám rất chặt các sự kiện kinh nghiệm.

Hume chấp nhận khuyến cáo ấy của các nhà khoa học nhưng ông xoay ngược các nguyên tắc của chính họ, chĩa mũi về hướng chống lại họ, bằng cách chứng minh rằng bản thân họ cũng chấp nhận những giả định căn bản không được rút tĩa từ kinh nghiệm và không thể nào ăn khớp với kinh nghiệm. Nhà khoa học tuyên bố mình vốn đa nghicứng đầu, kẻ đặt các trường hợp nghiên cứu của y trên những nền tảng vững chắc của thực tế. Hume cho rằng nếu quả đúng như thế, ta phải loại bỏ nhiều cái được gọi là tri thức khoa học.

Dự báo chắc chắn của khoa học

Cái quan trọng nhất bị Hume bác bỏ là lời quả quyết của khoa học rằng nó đưa ra những dự báo chắc chắn. Những tuyên bố ấy chỉ có giá trị nếu quan hệ nhân quảliên quan tới thành tố 4 "nhất thiết kết liên nhau", vì chúng ta chỉ có thể chắc chắn B sẽ tiếp theo A nếu có khả năng chứng minh rằng nó phải nối tiếp nhau.

Không thể chứng minh điều đó vì không thể quan sát sự "nhất thiết kết liên nhau" của chúng. Tất cả những gì nhà khoa học có thể làm là vạch ra rằng trong quá khứ, B luôn luôn tiếp theo A, và giả định rằng nó cũng sẽ làm đúng như thế trong tương lai. Trong những lời tuyên bố kiểu đó không thể có sự chắc chắn mà chỉ có những cấp độ khả thi khác nhau (different degrees of probability). Có thể dùng một thí dụ minh họa cho tình huống ấy là sự sai lầm của một chú gà tơ.

Nhất thiết của chú gà tơ

Chú gà tơ ấy đang nằm thoải mái trong chuồng gà, bất cần thế giới bên ngoài. Bỗng nhiên chú giật bắn cả lông cả cánh vì sự xuất hiện của một người; chú te cò chạy. Khi chú quay lại chỗ cũ, người ấy đã đi, nhưng trên mặt đất còn để lại một hạt bắp. Vì có trình độ hiếu kỳ khoa học, chú gà tơ bắt đầu quan sát.

Chẳng bao lâu chú ghi nhận rằng hễ người ấy xuất hiện thì hạt bắp ấy xuất hiện. Không muốn vội vã ràng buộc mình vào lý thuyết nào, chú gà tơ liên tục quan sát 999 lần. Chú nhận thấy không có ngoại lệ nào đối với qui luật rằng sự xuất hiện của người ấy có nghĩa là thực phẩm; vì thế chú gà tơ nuốt cục hoài nghi của mình xuống và quyết định rằng chắc chắn có sự "nhất thiết kết liên nhau" giữa người ấy và hạt bắp. Nói theo ngôn ngữ quan hệ nhân quả, điều ấy có nghĩa hễ khi nào người ấy xuất hiện, hạt bắp phải xuất hiện.

Trên cơ sở kết luận ấy, chú gà tơ ra khỏi chuồng để tới gặp người ấy trong lần xuất hiện thứ một ngàn của y để cám ơn lòng tử tế của y. Và bị y vặn cổ.

Chỉ gần như chắc chắn

Tính cảnh giác của câu chuyện ấy thật rõ rệt. Không bao giờ chắc chắn rằng trong tương lai sẽ có sự nhất thiết kết liên nhau giữa hai biến cố như nó đã xảy ra trong quá khứ. Và trong chừng mực này, mỗi lời dự báo khoa học đều phần nào có khả năng sai lầm

Công tác của nhà khoa học là quyết định các mối kết liên cao nhất có thể được. Trong một số trường hợp, tính khả thi ấy có thể rất lớn tới độ nó gần như chắc chắn. Và chẳng bao giờ có thể loại trừ hai tiếng "gần như".

6. Phản ứng hiện đại đối với Hume

Khoa học lẫn lộn siêu hình học

Dường như kết luận của Hume tấn công uy tín của khoa học, và rõ ràng nó được nhiều nhà khoa học xem xét. Nó liên quan tới toàn bộ cơ sở của phép qui nạp khoa học (scientific induction) và sự ứng dụng thực tiễn của khoa học vốn dựa trên giả định rằng hễ biết rõ nguyên nhân thì có thể kiểm soát kết quả vì kết quả nhất thiết phải đi theo nguyên nhân trước đó. 

Tình trạng cứ kéo dài như thế mãi cho tới thế kỷ 19, các nhà khoa học mới nhận ra rằng trong lời phát biểu của Hume có điều gì đó quan trọng, và rằng khoa học đang lẫn lộn công việc của nó với siêu hình học, cái bị nó nhất quyết không thừa nhận.

Ðể giải thích trải nghiệm của mình, nhà khoa học giả định rằng phải có những đối tượng ngoại tại (the external objects) hiện hữu độc lập với y, và rằng các đối tượng ấy được nối kết bằng những cách thế rõ ràng, có thể phát hiện và xem xét để trình bày qui luật tất yếu. Các giả định ấy không nhất thiết là công việc của nhà khoa học. Tất cả những gì nhà khoa học cần làm là khám phá tương quan giữa các ý tưởng trong ý thức của y và tường trình chúng một cách trung thực.

Vào cuối thế kỷ 19, các triết gia khoa học ngoại hạng đã có quan điểm tối thiểu như thế. Thí dụ trong cuốn The Grammar of Science (Ngữ pháp của khoa học, 1892), nhà toán học thống kê người Anh *Karl Pearson (1857-1936) đã viết: 

"Sự nối tiếp nhất định đã xảy ra trong quá khứ như là một thực tế của kinh nghiệm đối với cái được chúng ta biểu lộ trong khái niệm quan hệ nhân quả; việc nó sẽ tiếp tục xảy ra lần nữa là vấn đề của niềm tin được chúng ta biểu lộ trong khái niệm về tính khả thi. Khoa học không cách gì có thể chứng minhtính chất thiết yếu cố hữu nào trong sự nối tiếp, nó cũng không thể chứng minh một cách tuyệt đối chắc chắn rằng sự kiện ấy phải được lặp lai".

Hệ quả nối tiếp hợp lý

Trong thời đại ngày nay, có những nhà duy thực chứng luận lý chủ nghĩa (the logical positivism) không công nhận hết thảy các suy tưởng trong khoa học lẫn triết học. Họ cho rằng không thể nào đưa ra lời quả quyết về sự "nhất thiết kết liên nhau" giữa các đối tượng đang thật sự hiện hữu ngoại tại. 

Họ giảm thiểu quan hệ nhân quả thành hệ quả nối tiếp nhau có tính luận lý (logical entailment), như đã minh họa trong mối tương quan thiết yếu giữa kết luận và bằng chứng mà từ đó nó được rút tỉa một cách hợp lệ.

Còn nữa, các nhà khoa học, thí dụ giáo sư Martin Christopher Johnson trong cuốn Science and the Meanings of Truth (Khoa học và các ý nghĩa của chân lý, 1946, t.14), viết rằng: "Trong tương lai chúng ta có thể nhắm tới việc sắp xếp các sự kiện thực nghiệm như một khuôn mẫu (pattern) chính thức bằng các ký hiệu chúng ta biết hoặc không cần biết tới ý nghĩa máy móc của chúng". Nói như thế cũng giống như nói rằng cơ học (mechanics) bị giảm thiểu thành hình học và rằng các nỗ lực của khoa học và triết học nhằm ứng xử với những sức mạnh sản sinh là sai lầm.

Quan hệ như hàm số

Có một thông giải thông dụng hơn, như chúng ta đã nêu, là ứng xử với quan hệ nhân quả như một hàm số, thí dụ với hai biến số đã cho. Bất cứ biến đổi nào của cái này cũng kèm theo biến đổi tương ứng của cái kia. 

Như thế, đó chỉ là tái phát biểu kết luận của Hume, có thêm một chút, rằng khoa học chỉ có thể ứng xử với hai thành tố "gần kề nhau" và "nối tiếp nhau" bằng lời dự báo dựa trên tập quán hoặc sự quan sát được lặp lại, vì bất cứ sự dự báo nào thuộc loại như thế cũng chỉ đặt cơ sở trên kinh nghiệm.

Bóng ma Hume

Sự nhấn mạnh của thời hiện đại vào khoa học thống kê (statistics) đã mở rộng phạm vi của tính khả thi trong tri thức khoa học. Và không một nhà khoa học hiện đại nào cảm thấy bị xúc phạm nếu có ai đó nhắc nhở y rằng dự báo của y không chắc chắn mà chỉ có tính khả thi. 

Tâm trạng mới mẻ này đã và đang được triển khai bằng chính sự tiến bộ của khoa học, nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng lời phê phán của Hume là nỗi châm chọc triền miên khi cổ động cho quan điểm hiện đại.

7. Kant và quan hệ nhân quả

Hume giảm hạ khoa học

Công trình của Hume và sự tán thành của khoa học đã ném vấn đề quan hệ nhân quả vào lòng các triết gia. Ðối với nhiều người, sự giảm thiểu quan hệ nhân quả xuống còn hai thành tố "gần kề nhau" và "nối tiếp nhau", cũng như sự giảm thiểu "nhất thiết kết liên nhau" thành sự thấy trước của tâm trí dường như đã đi quá xa.

Nếu lập trường ấy đúng, khoa học bị giảm thiểu thành rất nhỏ; nó chỉ còn là sự mô tả các nối kết (conjunctions) của những biến cố xảy ra trong quá khứ. Sự thu nhỏ ấy đẩy khoa học xuống khỏi đài cao đáng hãnh diện của nó, và tạo khó khăn cho việc am hiểu cách khoa học đã và đang tiến hành rất hữu hiệu cùng lý do khiến cho những tiên đoán của nó rất đáng tin cậy.

Nhân quả là nguyên lý trật tự

Ðối với Kant, dường như khoa học mang bản sắc Newton đã quá thành công trong những tiên đoán của nó và trong cách tổ chức tổng quát kinh nghiệm thành những bản báo cáo về các nối kết đã thành thông lệ, trong khi đó khoa học có thể làm hơn thế nữa! Phải có sự "nhất thiết kết liên nhau" của các biến cố, bằng không, không thể hiểu được các kết quả của khoa học. 

Vì thế, Kant lập luận rằng quan hệ nhân quả không là tương quan của tự thân các đối tượng mà là nguyên lý về trật tự (the principle of order) do tâm trí đặt ra; nếu không có nguyên lý ấy thì không thể có kinh nghiệm như chúng ta đang biết. Nó là một nguyên lý mang tính chủ quan, giống như thời giankhông gian vậy.

Có thể hiểu dễ dàng lập trường của Kant hơn nếu ta tiếp cận vấn đề ấy bằng một luận cứ khác, đã được Kant sử dụng. Chúng ta hãy giả định theo Locke, rằng tri thức có nghĩa là cái chắc chắn. Hiểu như thế thì về mặt luận lý, không thể nào có mâu thuẫn trong bất cứ lời phát biểu nào được gọi là tri thức

Phán đoán phân tích hay tổng hợp

Khi phát biểu rằng 2 cộng 2 bằng 4, tôi đang đưa ra một lời tuyên bố chắc chắn vì nó không có khả năng hàm chứa sự mâu thuẫn của nó. Hume phân biệt chân lý thiết yếu (necessary truth) với chân lý tùy thuộc (contingent truth), hoặc phán đoán phân tích (analytic judgment) và phán đoán tổng hợp (synthetic judgment). 

Một phán đoán mang tính phân tích khi thuộc từ lặp lại cái đã được đưa ra trong chủ từ. Người ta có thể thấy 2 + 2 = 4 là chắc chắn, vì cả hai vế của phương trình ấy đều phát biểu một điều giống y nhau. Các phán đoán kiểu ấy được gọi là sự lập thừa (lặp lại không cần thiết, tautology); nó chắc chắn nhưng chẳng cộng thêm cái gì vào tri thức của chúng ta, vì chúng chỉ lặp lại trong thuộc từ cái đã được cung cấp trong chủ từ.

Khi thuộc từ phát biểu một cái nhiều hơn cái được chứa đựng trong chủ từ thì phán đoán ấy được gọi là phán đoán tổng hợp. "Lê Văn Tám nói tiếng Ðức" là một phán đoán mang tính tổng hợp vì tôi không thể kể ra bằng cách phân tích ý nghĩa của "Lê Văn Tám" rằng thuộc từ "tiếng Ðức" được qui cách riêng cho anh ta. Các phán đoán kiểu ấy chỉ có thể đặt trên cơ sở kinh nghiệm.

Nếu quan hệ nhân quả biểu hiện sự "nhất thiết kết liên nhau" thì theo Hume, nó phải mang dạng phán đoán phân tích, và ta hẳn có thể quyết định, từ sự khảo sát một nguyên nhân, rằng cái gì sẽ được nhận thấy trong kết quả.

Viện dẫn kinh nghiệm

Lời phán đoán "Chìm dưới nước suốt 60 phút thì ai cũng phải chết", là một thí dụ cho cái được nhiều người xem là lời phát biểu đúng, dựa trên sự nhất thiết kết liên nhau. Chúng ta chẳng chút ngại ngần khi đưa ra những lời phát biểu kiểu ấy vì chúng đã được chứng minh bằng kinh nghiệm của chúng ta.

Hãy giả định một câu chuyện về A-đam và E-va, hai con người đầu tiên trong Kinh thánh. Lần thứ nhất cả hai tới bên bờ hồ trong vườn địa đàng mà chẳng biết chút nào về đặc tính của nước. Nhìn xuống mặt nước hồ trong vắt, sâu thẳm và lóng lánh như pha lê, E-va thấy bóng hình mình ở dưới nước, chung với tôm, cá, cua, v.v. nhưng không được nhởn nhơ bơi lội như chúng. Và nàng nói với A-đam rằng nàng muốn được hiệp đàn với chúng để cùng chúng tung tăng bơi lội. Lúc đó, liệu A-đam có thể tiên đoán rằng sự chìm xuống nước của E-va trong một thời gian đủ dài, sẽ khiến cho vợ mình chết?

Chừng nào A-đam còn chưa hề nhìn thấy người nào bị chết dưới nước và chưa nghe nói tới việc chết đuối, chừng đó ông vẫn không thể đưa ra lời tiên đoán ấy, vì không có sự "thiết yếu kết liên nhau" giữa ý tưởng nước và ý tưởng cái chết. Sau khi thấy ai đó chết đuối, A-đam mới có thể đưa ra lời tiên đoán kiểu ấy, nhưng đó là một tiên đoán đặt cơ sở trên sự quan sát. Ông vẫn không thể đưa ra lời tuyên bố ấy một cách chắc chắn vì trong chừng mực hiểu biết của ông, người kế đó nhảy xuống nước chưa hẳn đã chết, y có thể tiếp tục sống.

Hậu nghiệm và tiên nghiệm

Phán đoán nào cộng thêm vào tri thức của chúng ta nhưng tùy thuộc vào kinh nghiệm hay quan sát, được gọi là phán đoán tổng hợp hậu nghiệm (a posteriori synthetic judgment), nó không thể là cơ sở chính xác và tiên đoán chắc chắn. Theo Hume, hết thảy các phán đoán khoa học đều mang tính tổng hợp hậu nghiệm. Các tiên đoán khoa học không thể hàm chứa sự chắc chắn.

Chừng nào các phán đoán còn đặt cơ sở trên kinh nghiệm, chừng đó chúng vẫn còn bị gọi là hậu nghiệm (a posteriori), ngược lại các phán đoán có thể lập thành mà không viện dẫn kinh nghiệm được gọi là tiên nghiệm (a priori). Có thể rút gọn những phát biểu ấy của Hume thành lời quả quyết rằng chỉ có thể có hai loại phán đoán:

a. Phán đoán tổng hợp hậu nghiệm (a posteriori synthetic judgment);

b. Phán đoán tổng hợp tiên nghiệm (a priori synthetic judgment).

Mọi phán đoán khoa học đều có tính tổng hợp hậu nghiệm vì chúng không cộng thêm vào tri thức của chúng ta mà chỉ đặt cơ sở trên kinh nghiệm.

Ðể dự báo chắc chắn

Kant tin rằng khoa học cộng thêm vào tri thức của chúng ta và vì thế, có thể lập thành những dự báo chắc chắn. Ðể chứng minh sự tin tưởng ấy, Kant phải cho thấy một cách thiết yếu rằng có thể có phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, thí dụ tri thức có thể được gia tăng mà không cần phải hoàn toàn tùy thuộc vào kinh nghiệm.

Ông tìm ra câu trả lời bằng cách phân biệt những đóng góp của giác quan và những đóng góp của tâm trí vào trong cái biết. Giác quan cung cấp cho chúng ta nội dung của kinh nghiệm, còn lý trí cung cấp cho chúng ta các dạng thức để tổ chức nội dung ấy. Không thể có kinh nghiệm như chúng ta đang biết nếu không có cả nội dung lẫn dạng thức ấy.

Tiên nghiệm không gianthời gian

Không gianthời gian là hai dạng thức của cảm quan (forms of sensibility) được áp đặt trên các dữ liệu trong hành động tiếp nhận chúng. Lời phát biểu này không đặt cơ sở trên sự quan sát; nó là tiên nghiệm (a priori). Theo Kant, các ý tưởng của chúng ta về không gianthời gian không thể rút tỉa từ kinh nghiệm. Chúng là những điều kiệnnếu không có chúng thì không có kinh nghiệm.

Các phát biểu đưa ra về không gianthời gian, được đánh giá trong tự thân chúng là áp dụng được, một cách thiết yếu, ở bất cứ nơi nào tìm thấy không gianthời gian. Do đó, kiến thức có tổ chức của toán học (the science of mathematics) – vốn liên quan tới không gianthời gian – có thể lập thành những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm.

Quan hệ nhân quảtrật tự

Thế giới như chúng ta biết, là một thế giới có trật tự, và một dạng thức của trật tự đó như chúng ta biết, là quan hệ nhân quả. Thiên nhiên hoặc kinh nghiệm của chúng ta rất được tổ chức tới độ mỗi biến cố phải được sản sinh từ một biến cố tự nhiên đi trước nó theo một cung cách thiết yếu. Ðiều ấy không do bởi sự tương hợp tự nhiên nào trong tự thân các đối tượng mà do bởi nguyên lý quan hệ nhân quả có tính tiên nghiệm (a priori principle of causality) qua đó chúng được sắp xếp thành trật tự trong kinh nghiệm của chúng ta.

Do đó, đối với Kant, quan hệ nhân quả không thuộc về bản thân các đối tượng; nó là một nguyên lý chủ quan, một điều kiện thiết yếu và tuyệt đối để có kinh nghiệm. Chừng nào khoa học còn ứng xử với loại trật tự này, chừng đó khoa học còn hoàn toàn được biện minh và có thể lập thành những tiên đoán về dòng chảy của các biến cố.

Chỉ biết vẻ ngoài của thế giới

Lý thuyết này của Kant có ý định biện hộ cho thực hành khoa học, chống lại *chủ nghĩa hoài nghi (scepticism) của Hume và đồng thời giải quyết vấn đề tự do của con người trong một thế giới bị khống chế rõ rệt bởi quan hệ nhân quả

Tuy nhiên, nó cũng hàm ý rằng chúng ta không thể có tri thức về thế giớiquả thật thế giới hiện hữu độc lập với người nhận thức. Chúng ta chỉ có thể biết thế giới trong chừng mực nó lộ ra cho chúng ta.

IV. Các thông giải thời hiện đại

1. Ðặt vấn đề

Vấn đề quan hệ nhân quả xoay quanh (1) tính khả thi của sự dự báo (2) ý nghĩa thích đáng của nguyên nhân và (3) ý tưởng "nhất thiết kết liên nhau". Chúng ta sẽ xem xét các thông giải thời hiện đại dưới ánh sáng của các vấn đề ấy. 

Có lẽ cả ba cái đó là những vấn đề không thật sự riêng rẽ nhưng quyện vào nhau một cách chặt chẽ. Tuy thế, để có thể trình bày rõ ràng hơn, chúng ta sẽ ứng xử với từng vấn đề một. Bằng cách đó, chúng ta sẽ có thể am hiểu cơ sở của sự dự báo khoa học và chuẩn bị cho việc khảo sát vấn đề tự do của con người.

2. Nguyên nhântoàn bộ hoàn cảnh

Toàn bộ hoàn cảnh

Có sự thừa nhận tổng quát rằng một phần luận cứ của Hume không có giá trịgiả định của ông về nguyên nhân vừa mang tính hạt nhân vừa riêng rẽ. Theo hệ thống của Hume, có một nguyên nhân đơn lẻ, bằng cách này hoặc cách nọ, nối kết với một kết quả đơn lẻ. Ðối với Hume, vì sự "thiết yếu kết liên nhau" tuyệt đối chắc chắn không là đặc điểm hoặc phẩm tính của đối tượng nào và ta không thể trải nghiệm nó như một tương quan nên nó phải có tính chủ quanđơn thuần là một hành động thấy trước của tâm trí.

Trong chương bàn về bản thể, chúng ta đã thấy các nhà tư tưởng hiện đại buông bỏ ý tưởng về các cá thể có tính hạt nhân và riêng rẽ, và thay vào đó bằng khái niệm quan hệ hữu cơ hoặc tương liên. Do đó, theo quan điểm hiện đại, phải thông giải quan hệ nhân quả bằng toàn bộ hoàn cảnh tự nó phô diễn trong một biến cố cá thể. Cái toàn bộ ấy chứa đựng hệ thống toàn bộnếu không có nó thì chẳng am hiểu được gì – dù chúng ta có thể dùng nó cho mục đích cô lập hoặc chiết ra các thành tố thích đáng nhất hoặc được quan tâm nhất.

Chuyện cái bạt tai

Hôm ấy, nhà doanh nghiệp Dương Văn Bảnh trải qua một ngày tệ hại trong công ti của mình. Cô thư ký giỏi nhất bỗng nghỉ việc vì bị cúm. Khách hàng không ký kết một số hợp đồng như đã dự trù. Thông báo của sở thuế vụ báo cho biết sắp tăng thuế một số mặt hàng nhập khẩu. Từ văn phòng, ông trở về nhà với đầu óc nặng nề, căng thẳng.

Trong khi ngồi chờ ăn tối, Dương Văn Bảnh bực mình vì tiếng con chó cứ chỏ mõm sang hàng xóm mà sủa và tiếng mèo cào lung tung mặt ghế xa-lông. Cậu con trai cả của ông ở trên lầu nghe nhạc giật gân, mở máy lớn hết cỡ, tiếng trống dộng xuống thình thịch. Cô con gái thứ hai khóc ỉ i vì bị mẹ cấm không cho đi "múa đôi" với bạn bè tối nay. Ông cố gắng che giấu tình trạng khó chịu của mình bằng cách tự pha một tách cà phê rồi chúi mũi vô tờ báo.

Thình lình, cậu con út của Dương Văn Bảnh chạy ào vô phòng, nhảy thót lên bụng bố, làm tách cà phê ông đang uống bị vuột tay đổ đầy chiếc áo sơ-mi ông mới được biếu. Tiếp liền đó, vợ ông đi vào. Và không một chút rào đón, bà bảo ông đưa tiền ngay cho kịp đi mua chiếc áo đầm kiểu mới nhất, để cuối tuần diện đi dự dạ hội cựu nữ sinh trường Trưng Vương; xe nhà đang nổ máy chờ sẵn ở ngoài sân. Không nói không rằng, Dương Văn Bảnh vung tay bạt tai vợ một cái. Bà nổi điên, bốc điện thoại gọi cảnh sát! Thế thì theo bạn, cái gì là nguyên nhân của cái bạt tai ấy?

Biến đổi mang tính chuyển tiếp

Ở đây, rõ ràng không có một thành tố đơn lẻ và cô lập nào có thể "thiết yếu kết liên nhau" để đưa tới kết quả riêng rẽ là bà vợ của Dương Văn Bảnh bị ăn một bạt tai. Toàn bộ hoàn cảnh đều liên quan tới hành động ấy. Nếu có nhiều người cùng quan sát hoạt cảnh gia đình đó và rồi được yêu cầu giải thích hành động của nhà doanh nghiệp Dương Văn Bảnh, họ có thể chọn ra các thành tố khác nhau như là những thành tố thích đáng

Rõ ràng không một thành tố đơn lẻ nào đủ khả năng làm thành cái bạt tai ấy. Muốn thông giải thỏa đáng, ta phải bao gồm toàn bộ hoàn cảnh được mô tả ở đây, cộng thêm các yếu tố có thể phát hiện qua một cuộc điều tra. Thật phi lý khi tìm kiếm nguyên nhân đơn lẻ hầu giải thích một biến cố hoặc một kết quả đơn lẻ.

Nếu nguyên nhân thật sự là toàn bộ hoàn cảnh, rõ ràng phải khảo sát vấn đề phân biệt giữa nguyên nhân và kết quả. Lúc này chúng ta đang ứng xử với một hệ thống các biến cố mà cái này tác động lên cái kia, phát sinh hoặc hòa trộn thành một biến cố có thể phân biệt. Không có chỗ cách quãng giữa nguyên nhân và kết quả, đúng hơn, có một loại biến đổi mang tính chuyển tiếp mà ta hẳn kỳ vọng trong một vũ trụ năng động và có hệ thống.

2. Thiết yếu kết liên nhau

Phải có sự thiết yếu

Thế thì "gần kề nhau" và "nối tiếp nhau" là những ý tưởng hợp qui cách trong bất cứ thông giải nào về quan hệ nhân quả dù chúng phải được tái thông giải bằng một hệ thống hữu cơ (an organic system). Còn "thiết yếu kết liên nhau" thì sao? Whitehead lập luận rằng Hume sai khi ông phủ nhận thành tố "thiết yếu kết liên nhau", và vấn đề quan trọng là phải thông giải nó thêm lần nữa.

Trong một vũ trụ năng động nơi sự biến đổi (vô thường, change) có tầm quan trọng và có ý nghĩa cực kỳ, phải xảy ra cái gì đó; mỗi hoàn cảnh phải tự nó thao tác thành biến cố nào đó. Theo ý nghĩa đó thì có sự thiết yếu, hiểu như thành tố "thiết yếu kết liên nhau". 

Thêm nữa, một biến cố được triển khai sẽ là một loại biến cố chỉ có thể phát khởi từ một loại hoàn cảnh. Sự tạo dựng từ hư không chỉ là vô nghĩa. "Nihil ex nihilo: không có gì đến từ hư không". Có sự thiết yếu kết liên nhau theo ý nghĩa rằng phải có cái gì đó xảy ra và cái đó sẽ được quyết định, bằng một cách nào đó, bởi một hoàn cảnh mà từ đó nó xuất hiện. Thiên nhiên không cho phép có sự cách quãng hoặc thất thường nào.

Phải thiết yếu kết liên nhau

Nếu khảo sát hết mọi khía cạnh của một biến cố, chúng ta có thể nhận ra sự thiết yếu kết liên nhau giữa nó và các điều kiện của nó. Không có các điều kiện ấy, biến cố ấy không thể là loại biến cố xảy ra đúng như nó phải xảy ra. Có phải như thế có nghĩa rằng tri thức đầy đủ về hoàn cảnh hiện tại có thể khiến cho ta có khả năng dự báo chính xác cái sẽ xảy ra vào khoảnh khắc sắp tới?

Ngang đây, ta phải cảnh giác trước khả năng có thể hiểu sai vấn đề. Thành tố "thiết yếu kết liên nhau" có thể bị đọc ngược trở lại, theo ý nghĩa rằng với một kết quả đã định, ta có thể cho thấy sự tùy thuộc của nó vào các điều kiện của nó. Không thể nào dự báo một cách chắc chắn dòng chảy của tương lai.

Nguyên lý sáng tạo

Ngày nay, có sự đồng thuận tổng quát và tương đối về việc không thể tiên đoán các hoàn cảnh tương lai ngoại trừ ở những nơi mà các thành tố liên hệ đều rất đơn giản. Theo khái niệm của thuyết tiến hóa hiển lộ (the emergent evolution), người ta giả định rằng trong vũ trụ có một nguyên lý sáng tạo (a principle of creativity) giải thích sự xuất hiện của các kết quả mà về mặt phẩm tính, được phân biệt rõ ràng với các điều kiện của chúng. Chừng nào chúng còn được phân biệt rõ ràng về mặt phẩm tính, chừng đó vẫn không thể dự báo chúng một cách trọn vẹn.

Có một ý nghĩa thật sự, theo đó, một nhà tâm lý học nắm vững hoàn toàn những cái ưa và không ưa của con người, có thể tiên đoán một loại phản ứng mà tôi sẽ có trong các hoàn cảnh tương lai. Sự dự báo của y có khả năng chính xác vì cái tôi đang là, vào khoảnh khắc đi vào tương lai đó, là một thành tố quan trọng cho việc trở thành cái tôi của tôi sẽ là. Tuy thế, chừng nào tôi còn thưởng thức các kinh nghiệm mới và thấm nhuần các ý tưởng mới, chừng đó triển vọng của tôi vẫn có thể hoàn toàn khác, và vì có khả năng "biến tấu" như thế nên các dự báo đều "hơi bị sai"!

3. Lực theo quan điểm hiện đại

Không có sự truyền lực

Nếu những phân tích ấy về quan hệ nhân quảchính xác thì chỉ có một thành tố bị loại khỏi sự phân tích của Hume, đó là "truyền lực cho nhau". Trong tư tưởng hiện đại, sự giao truyền ấy hoàn toàn không có ý nghĩa. Nó không phải là vấn đề hoàn cảnh sản sinh kết quả bởi một quyền năng lạ lùng nào đó được gọi là lực hay sức mạnh (force), mà là vấn đề hoàn cảnh biến đổi qua thời gian.

Như giáo sư Clifford Barrett đã viết trong cuốn Philosophy: an Introduction Study of Fundamental Problems & Attitudes (Triết học: nghiên cứu dẫn nhập về các vấn đề nền tảng và các thái độ, 1946) rằng: "Ý niệm về lực có tính nhân quả... phải bị bác bỏhoàn toàn không hợp thời và không có một nền tảng hoặc một cơ sở nào biện minh cho nó... Ngày nay, quan hệ nhân quả không có nghĩa là một sức mạnh mà là một trật tự của các biến cố".

Khoa học hiện đại tự nó không còn quan tâm tới việc truy tầm những lực như thế. Những biến đổi được ghi lại trong vật lý học và hóa học có thể được trình bày dưới dạng cấu trúc mà không cần viện dẫn bất cứ ảnh hưởng bí nhiệm nào.

Bằng cớ và kết luận

Có lẽ toàn bộ lý thuyết ấy có thể được minh họa tốt nhất bằng cái sẽ xảy ra khi từ chứng cớ, ta rút tỉa ra được một kết luận. Rõ ràng kết luận thì khác với chứng cớ cũng như kết quả thì khác với nguyên nhân, tuy nhất thiết chúng phải ràng buộc với nhau nếu kết luận ấy có giá trị.

Hẳn phi lý khi giả dụ rằng bằng cớ sản sinh kết luận; cũng thật thích đáng khi nói rằng kết luận được hàm ý trong bằng cớ theo nghĩa bằng cớ được cung cấp đó mang một dạng thức mà bằng cách hệ thống hóa chúng, chúng ta tìm thấy trong kết luận.

4. Quan hệ nhân quả và khoa học

Thông giải vừa kể là hệ quả của sự nhấn mạnh một cách khái quát hệ thống hoặc tiến trình trong tư tưởng hiện đại và sự bác bỏ quan điểm mang tính hạt nhân (the atomic point of view). 

Các nội hàm triết học của cái nhìn duyệt xét quan hệ nhân quả ấy có tầm quan trọng sống còn, vì toàn bộ lập trường của thuyết máy móc chủ nghĩa (mechanism) phủ định tự dodựa vào quan điểm xưa cũ về quan hệ nhân quả như một loại nguyên lý kiểm soát cùng dồn ép mọi sự vào một chủ nghĩa tất định khắc nghiệt.

Cấp độ của dự báo khoa học

Chừng nào khoa học còn xem tính chất chắc chắn trong các dự báo khoa học như là thành phần cốt tủy của công tác khoa học, chừng đó quan điểm xưa cũ ấy vẫn rất tương hợp với lợi íchquan tâm khoa học. Nhưng may thay, khoa học ngày nay bằng lòng với sự thành tựu tính khả thi ở một cấp độ cao.

Dù gì đi nữa, lối giải thích này có vẻ như cách biệt với sự thực hành thật sự của các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm. Khi nhà khoa học ghi nhận các điều kiện cùng các kết quả của một cuộc thí nghiệm, và tin rằng bất cứ người nào khác được cung cấp các điều kiện giống như thế cũng sẽ đạt các kết quả giống như thế, y đang áp dụng nguyên lý quan hệ nhân quả cho một hoàn cảnh hữu hạn và cô lập. Kết quả của phương pháp ấy dường như chứng minh cho trình tự ấy.

Cần phải ghi nhận rằng đây là một thí dụ khác nữa về sự trừu tượng hóa rất thiết yếu cho khoa học, và không thể chấp nhận nó như là bằng cớ cho bản tính tổng quát của vũ trụ. Bằng cách cô lập một vùng nhất định của thế giới không-thời-gian (the space-time world) hoặc bằng cách tập trung vào các thành tố trong một hoàn cảnh thích đáng cho vấn đề ấy, có thể sở đắc các kết quả chứng minh cho thực tiễn ấy.

Dễ bị lầm lạc

Khi chúng ta thử triển khai các phương pháp hữu hạn trong phòng thí nghiệm tới các vấn đề rộng lớn hơn của bản tính vũ trụ, thì chính sự thành công của chúng có thể làm chúng ta lầm lạc. Thậm chí kết quả của các ngành khoa học tự nhiên với giả định này còn có thể làm lầm lạc các nhà khoa học trong các ngành khác vốn xem các ngành khoa học tự nhiên như những thí dụ lý tưởng của phương pháp khoa học.

Từng có thời các ngành khoa học xã hội xem vật lý học và hóa học là hai ngành khoa học cơ bản; họ hi vọng có thể xử lý thỏa đáng các vấn đề xã hộicon người nếu họ chỉ sử dụng các phương pháp của vật lý học và hóa học. Thế rồi càng lúc càng rõ ra rằng cách thế đó chẳng dẫn tới cơ may thành công nào cả.

Tập trung vào hoàn cảnh

Ngày nay, nhất thiết phải buông bỏ sự tìm kiếm các nguyên nhân riêng rẽ của động thái con người liên quan tới các kết quả riêng rẽ và phải tập trung nhiều hơn vào hoàn cảnh tổng quát, với sự nhấn mạnh các thành tố mà về mặt thống kê, có thể cho thấy có tương quan với kết quả.

Người ta không còn xa lạ với khả năng sai lầm của các dụng cụ thống kê. Thật thế, sự thông giải các sự kiện còn tùy thuộc vào kỹ năng hợp tác và phê phán của các nhà khoa học có đào tạo. Phải vứt bỏ bất cứ niềm hy vọng nào vào sự hoàn toàn kiểm soát các thành tố xã hội hoặc tiên đoán tuyệt đối và các khuôn mẫu tương lai, vì các phương pháp rất thận trọng đều đặt cơ sở trên cấp độ khả thi của chúng.
 

V. Tóm lược

Tụ thành và sản sinh

Chúng ta có thể tóm lược chương này bằng cách vạch rõ rằng các luận cứ của Hume đều có giá trị chống lại bất cứ quan điểm nào về quan hệ nhân quả dựa trên sự trừu tượng hóa hẹp hòi. Không thể ứng dụng chúng ở nơi mà quan hệ nhân quả được xem như một tiến trình qua đó một hoàn cảnh phát triển theo thời gian, và trong khi tự nó tụ thành một biến cố mới, sản sanh một loại biến cố mới.

Theo ý nghĩa ấy, có sự "thiết yếu kết liên nhau" giữa hoàn cảnh và sự biểu lộ của nó, nhưng sự thiết yếu kết liên nhau ấy giữa hoàn cảnh và kết quả không nhất thiết biến một biến cố trong tương lai thành có thể tiên đoán được, thí dụ không thể nào đoán trước chính xác định hướng của sự tụ thành ấy cho tới khi nó thật sự xảy ra. Và sự việc ấy có thể biến hóa tùy theo loại hoàn cảnh.

Dự báo và biến hóa

Nếu chúng ta quan sát việc xây cất một ngôi nhà và biết ít nhiều về kỷ năng của toán thợ, thị hiếu của chủ nhân sắp tới và đọc bản thiết kế, chúng ta có thể hình thành một hình ảnh thích đánghợp lý về ngôi nhà tương lai ấy. Chúng ta tương đối an toàn khi bác bỏ tính khả thi của các thiên tai như động đất hoặc bão tố có thể gây trở ngại cho việc hoàn tất ngôi nhà. Trong trường hợp như thế, có khả năng rất cao rằng kết quả sẽ diễn ra đúng như trông đợi.

Khi chúng ta cố gắng dự báo sự bùng nổ chiến tranh, chúng ta có thể sai lầm về thời gian, nơi chốn, các chiến binh và bản tính tổng quát của cuộc chiến tranh ấy. Ở nơi các thành tố liên hệ biến hóa cực kỳ và vô lượng hoặc tùy thuộc vào quyết định của con người, bất cứ dự báo nào cũng là đối tượng của sự sai lầm đáng kể.

Có thể đặt dòng chảy tương lai của xã hộilịch sử vào trong bản hạng mục (category) này. Tiếp đến, không thể chấp nhận bất cứ học thuyết khắc nghiệt nào trong khuôn khổ tất định chủ nghĩa. Và điều ấy có nghĩa là buông bỏ hoặc nghiêm chỉnh duyệt xét lập trường triết học của thuyết duy máy móc chủ nghĩa vốn được kết hợp với sự thông giải tiền-Hume về quan hệ nhân quả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 7369)
Khái quát trên đủ thấy Ðại Tạng kinh Hán văn là một bảo vật vô giá của Phật giáo và chung cho cả nền văn hóa thế giới... HT Thích Thiện Siêu
(Xem: 7935)
Cũng giống như trong Phật giáo, vạn pháp không hiện hữu, chỉ có mối liên hệ của chúng là hiện hữu... Trịnh Xuân Thuận
(Xem: 9654)
Trên thực tế, tất cả giáo huấn của Đức Phật đều nhằm giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Phương pháp tiếp cận thật sự rất hợp lýthực tiễn.
(Xem: 22530)
Phật Giáo Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của nó luôn luôn gắn liền với dòng sinh mệnh của dân tộc... Trần Tri Khách
(Xem: 16812)
Khi Đức Phật ra đời, Ngài đã chỉ bày rõ ràng, cặn kẽ cho người xuất gia cũng như người tại gia ở từng địa hạt một của tâm linh... HT Thích Như Điển
(Xem: 8437)
Đức Phật A Di Đà không tự làm cho tội của chúng sanh tự tiêu hủy, mà cảnh giới của Ngài là nơi những chúng sanh ấy có thể nương nào đó để tồn tạitiến tu thêm nữa... HT Thích Như Điển
(Xem: 10298)
Phương pháp chuyển hóa tâm thức của Đạo Phật không chỉ là một vấn đề niềm tin mà cũng là một niềm tin đạt đến được qua thiền phân tích... Đức Đạt Lai Lạt Ma
(Xem: 10430)
Sau khi dạy cho chúng ta hiểu khổ là gì và nguồn gốc của khổ, Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường diệt khổ, tức là Bát Chánh Đạo...
(Xem: 11162)
Theo truyền thống tín ngưỡng của dân gian, có lẽ hình tượng 2 vị Thần TàiThổ Địa không xa lạ gì với người dân Việt Nam.
(Xem: 9802)
Phật giáo Mỹ sẽ phải phản ánh những nguyên tắc dân chủ, trong cái nghĩa “tự do và công lý cho mọi người”.
(Xem: 10465)
Muốn được giải thoát, trước hết chúng ta phải quan sát sự vật một cách thật cặn kẽ để có thể biết được và hiểu rõ bản chất thật sự của chúng.
(Xem: 12587)
Ý niệm về kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa song hành với ý niệm về hai sự thật: Sự Thật Tương ĐốiSự Thật Tuyệt Đối.
(Xem: 8678)
Bản-thể-của-Phật còn gọi là Như Lai Tạng, Phật Tính, Pháp Giới, Chân Như... (tiếng Phạn là Tathagatagarbha), là một khái niệm quan trọng của Đại Thừa Phật Giáo.
(Xem: 19720)
Khi gọi là điều đạo đức, người ứng dụng hành trì sẽ cảm thấy có nhu cầu hướng tới, bởi điều đạo đức luôn mang đến hạnh phúc an lành cho con người.
(Xem: 20675)
Bát chánh đạocon đường tâm linh có khả năng giúp cho người phàm trở thành bậc Thánh. Trước hết là Chánh kiến, tức tầm nhìn chân chính...
(Xem: 21215)
Đọc Bát Đại Nhân Giác để trải nghiệm các giá trị cao siêu trong từng nếp sống bình dị, theo đó hành giả có thể tự mình mở mắt tuệ giác, trở thành bậc đại nhân...
(Xem: 13288)
Phật pháp ẩn tàng trong tất cả sự sự vật vật, và con đường giác ngộNhư Lai tuyên thuyết vốn dành cho tất cả chúng sinh có duyên được tiếp cận với đạo Phật.
(Xem: 10457)
Biết thân là huyễn mộng còn khó vứt bỏ huống hồ người chẳng giải ngộ. Nương vào lời Phật mà hành, tự ta mới có thể chuyển mệnh...
(Xem: 9447)
Sáu ba-la-mật là Bồ-tát hạnh. Bồ-tát hạnh gồm có hai sự tích tập: tích tập phước đức là làm lợi lạc cho người khác và tích tập trí huệ là xóa tan bóng tối vô minh...
(Xem: 26623)
Theo giáo lý đạo Phật, không ai có thể siêu độ cho ai, không ai có thể giải thoát cho ai, ngoại trừ chính cá nhân người đó.
(Xem: 10652)
Những Tỷ-kheo trong hội chúng bậc Thánh rõ biết “Đây là khổ”. Vì thấy rõ khổ nên nhàm chán, viễn ly, không tham danh vọng...
(Xem: 12031)
Trung quán tông luận phá mọi kiến giải về Thực tướng, không phải để phủ nhận Thực tướng mà để đưa đến Prajña (trí tuệ Bát-nhã)...
(Xem: 30728)
Đây là bộ sách trích lục những từ ngữ trong phần “Chú Thích” và “Phụ Chú” của bộ sách GIÁO KHOA PHẬT HỌC do chúng tôi soạn dịch...
(Xem: 14026)
Người Phật tử, dù là xuất gia hay tại gia đều không thể sống buông thả, phóng dật. Bởi lẽ, chúng ta nhận thức đời người là vốn quý, cuộc sống lại có hạn.
(Xem: 11038)
Môn Nhân minh học Phật giáo dạy chúng ta tư duy đúng đắn để có nhận thức đúng đắn, là chìa khóa của mọi thành công ở đời.
(Xem: 10998)
Ý thức sâu sắc của người Phật tử đối với tầm quan trọng thực tiễn của hiện tại khiến cho họ năng động hơn, tỉnh táo hơn, làm việc hết mình trong hiện tại.
(Xem: 11131)
Đạo Phật nhắc nhủ chúng ta, muốn giác ngộgiải thoát, đi theo con đường Phật chỉ bày thì phải đi, phải tu, chứ không thể nói suông được.
(Xem: 11530)
Tất cả Phật tử chúng ta hãy sống thiện như những cái cây có bộ rễ toàn hút những chất ngọt trong đất. Nhất định đời sống chúng ta sẽ an lạc hạnh phúc.
(Xem: 12624)
Để dạy Vô ngãVô phân biệt trong khi hành động theo cách phân biệt kỳ thị là không phù hợp lời nói với hành động.
(Xem: 23826)
Kiến thức là gì? Nó đã được thu thập hàng nghìn năm qua hằng bao kinh nghiệm, tích trữ trong trí não như kiến thức và ký ức. Và từ ký ức đó, tư tưởng (thought) phát sanh.
(Xem: 14792)
Hiện tại là giờ phút duy nhất mà mình có thể chọc thủng được bức màn thương đau, bức màn vô minh để có thể tiếp xúc được ngay với an lạc, với hạnh phúc, với tuệ giác.
(Xem: 11530)
Góp duyên để người xuất gia hoàn thành sứ mạng thiêng liêng đồng nghĩa với hạnh nguyện hộ pháp.
(Xem: 20121)
Nếu ai bị ái làm khổ thân mà diệt được thì gọi là cứu cánh, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh an ổn, cứu cánh vô dư (Niết-Bàn).
(Xem: 10515)
Trong các thứ hạnh phúc, được thực tập và sống theo lời Phật dạy là an vui, hạnh phúc lớn nhất. Nhờ đó, ta có được bình yên, hạnh phúc thật sự...
(Xem: 10297)
Muốn vô hiệu hóa cơn giận, trước khi nó bộc phát, Phật dạy ta hãy thường xuyên quán chiếu, xem xét sâu vào nội tâm để ta luôn tỉnh giác từng tâm niệm của mình.
(Xem: 12159)
Xin hãy đọc Kinh điển với tâm sáng suốt thanh tịnh, không vội tin chắc vào bất kỳ điều gì, mà phải nỗ lực thông qua sự hành trì thực nghiệm...
(Xem: 11400)
Sự thật về mọi sự là vô thường, khổ, vô tự tánh, vô ngã, giả hợp, như mộng, như huyễn được đạo Phật gọi là chân lý tuyệt đối, tối hậu (chân đế).
(Xem: 14192)
Cùng với chánh niệm thường trực, tàm và quý chính là hai nhân tố vô cùng quan trọng để mỗi người tự răn nhắc mình hướng thượng và thăng hoa.
(Xem: 11848)
Do định sinh trí huệ, dùng trí huệ này quán sát các pháp sẽ thấy biết như thật, quán sát vũ trụ vạn vật đúng như nó là, không sai sót mảy may.
(Xem: 24488)
Những gì Đức Phật dạy chúng ta, bằng hai con đường: tâm linh và khoa học con người sẽ đạt được cứu cánh giải thoát khỏi tất cả mọi ràng buộc...
(Xem: 12244)
Chúng ta phải cố gắng loại trừ tất cả những cảm xúc tiêu cực và phát triển những cảm xúc tích cực - vô hạn lượng - đặc biệt trong sự thực hành Phật Giáo...
(Xem: 22152)
Để thành tựu được lễ dâng y kathina, người thí chủ cần phải có sự hiểu về tấm y gọi là “Y Kathina” và nghi thức làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng.
(Xem: 12462)
Đối với nhà Phật cho là con người ai cũng có Phật tánh, mà có Phật tánh tức là có tánh tốt.
(Xem: 12633)
Có thể nói, sự hiểu biết đúng đắn thuyết nhân quả nghiệp báo của đạo Phật sẽ tạo cho mỗi người một ý thức trách nhiệm rất cao đối với cá nhân mình và xã hội.
(Xem: 12534)
Đã là người đệ tử thì chúng ta phải tin và hành theo lời dạy của Phật, đó mới đúng là người đệ tử chân chánh, biết tôn sư trọng đạo, hiếu nghĩa trọn vẹn.
(Xem: 16708)
Có một thời gian Tôn-giả Đại Mục-kiền-Liên phụ trách trông coi việc dựng thiền-thất tại vườn Lộc-Dã; một hôm trong lúc Tôn-giả đang đi kinh hành trên khoảng đất trống...
(Xem: 13626)
Bất cứ một hiện tượng nào được phát sinh ra cũng đều phải nhờ vào một sự kết hợp của nhiều nguyên nhân và nhiều điều kiện...
(Xem: 12938)
Cách tốt nhất để vượt thắng những điều không may, hay những thứ xui xẻo hãy tự mình làm nên những công đứcthiền quán về tánh không...
(Xem: 13391)
Nghiệp báo của sự tàn phá môi trường được phản ánh trong cuộc thảm sát đẫm máu bạo tàn dòng họ Thích Ca (Sakyā) bởi lòng hiềm thù mê muội của vua Tỳ Lưu Ly...
(Xem: 12471)
Với người xuất gia, phẩm vị được khẳng định ở giới hạnh chứ không phải ở tuổi tác. Có thể đầu xanh tuổi trẻ nhưng vẫn được tôn trọng cung kính...
(Xem: 14354)
Lòng tin là không nghi ngờ, không thắc mắc, không do dự, trung thành, tín cẩn. Khi nói chuyện với một người, có khi chúng ta tin liền điều người ấy nói...
(Xem: 38295)
Sách này thâu kết lời giảng của đức Đalai Lama về bài kinh ngắn mang tựa đề Bát Nhã Tâm Kinh, một trong những bộ kinh Phật giáo Ðại thừa quý giá nhất.
(Xem: 14545)
Chi tiết nổi bật nhất của pho tượng là đôi chân không tréo vào nhau trong tư thế ngồi thiền mà lại có vẻ như buông lơi: một chân gập lại và một chân buông thõng.
(Xem: 14506)
Tất cả chúng ta đều có tiềm năng của sự thiện hảo. Thế nên, hãy nhìn lại chính mình để thấy tất cả những tiềm năng tích cực ở trong ta.
(Xem: 13950)
Nếu nền tảng đổi thay thì dĩ nhiên cái danh xưng đặt để cho nó cũng phải thay đổi. Vì vậy, không có một linh hồn thường hằng, bất biến...
(Xem: 14841)
Nghiệp là một quy luật tự nhiên và khách quan, vận hành hoàn toàn phù hợp với những hành động của chúng ta. Nghiệp tự thân nó là một quy luật nên không cần phải có người làm luật.
(Xem: 16423)
Buông bỏ có nghĩa là “Nếu tôi có được những thức ăn mà tôi thích thì rất tốt. Nếu không có nó thì cũng không sao...
(Xem: 29692)
Phật Pháp dạy chúng ta các phương tiện để tạo ra an lạc cho bản thân. Để đạt được một niềm an lạc nào đó, ta không phải lao lực, mà cần phải làm việc bằng tâm thức của mình.
(Xem: 16107)
Chỉ có bậc giác ngộ mới thấy biết chân thật mọi lẽ ở đời; chỉ có đức Phật mới thấy chúng sinh nào sinh đến đâu, trở lại làm người, sinh lên cõi Trời...
(Xem: 15434)
Tinh thần giác ngộgiải thoát của đức Phật không những chỉ có trong kinh điển Phật giáo Tiểu thừa mà có cả trong kinh điển Phật giáo Đại thừa.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant