NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp
Quyển I:
Tam Bảo
CHUYỂN PHÁP LUÂN
Khi suy xét nên thuyết pháp tế độ cho ai đầu tiên, Đức Phật liền nghĩ đến vị Đạo sư Ālāra Kālāmagotta là bậc thiện trí có trí tuệ, nếu vị Đạo sư Ālāra Kālāmagotta được nghe chánh pháp, thì sẽ mau lẹ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
Lúc ấy chư thiên đến hầu Đức Phật và bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, Đạo sư Ālāra Kālāmagotta đã viên tịch được 7 ngày qua.
Đức Phật quán xét, thấy đúng: Vị Đạo sư Ālāra Kālāmagotta đã viên tịch, do năng lực đệ tam thiền vô sắc cho quả tái sinh lên cõi Vô sở hữu xứ thiên thuộc vô sắc giới.
Ngài nghĩ: “Thật là sự bất lợi lớn lao quá!” (Sự bất lợi ở đây có nghĩa: chúng sinh ở cõi trời Vô Sắc, không có sắc uẩn nên không có tai để nghe được chánh pháp, mất đi cơ hội hiếm có để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết-bàn).
Tiếp đến, Đức Phật nghĩ đến vị Đạo sư Udaka Rāmaputta là bậc thiện trí có trí tuệ, nếu vị Đạo sư Udaka Rāmaputta được nghe chánh pháp, thì sẽ mau lẹ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
Lúc ấy, chư thiên đến hầu Đức Phật và bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, vị Đạo sư Udaka Rāmaputta vừa mới viên tịch chiều hôm qua.
Đức Phật quán xét, thấy đúng: Vị Đạo sư Udaka Rāmaputta đã viên tịch, do năng lực đệ tứ thiền vô sắc cho quả tái sinh lên cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên thuộc vô sắc giới.
Đức Phật nghĩ rằng: “Thật là sự bất lợi lớn lao quá!”.
Tiếp đến, Đức Phật nghĩ đến nhóm 5 Tỳ-khưu đã từng phụng sự, hộ độ cho Ngài trong thời gian còn là Bồ Tát hành khổ hạnh.
Đức Phật nghĩ: “Vậy, đầu tiên Như Lai nên thuyết pháp tế độ nhóm 5 Tỳ-khưu này”.
Khi ấy, nhóm 5 Tỳ-khưu đang ở tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần thành Bārāṇasī.
Vậy, từ khu rừng Uruvela, Đức Phật ngự đến kinh thành Bārāṇasī để thuyết pháp độ nhóm 5 Tỳ-khưu: Ngài Kondanna trưởng nhóm, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji.
Đức Phật thuyết kinh Chuyển Pháp Luân
Đức Thế Tôn ngự đến khu rừng phóng sanh nai gọi là Isipatana, nhằm vào ngày rằm tháng 6, sau khi trở thành bậc Chánh Đẳng Giác tròn đúng hai tháng. Nhóm 5 Tỳ-khưu nhìn thấy Đức Phật từ xa đi đến, họ nghĩ lầm rằng: “Samôn Gotama đã từ bỏ sự tinh tấn hành pháp khổ hạnh, trở lại đời sống sung túc”.
Vì nghĩ như vậy, nhóm 5 Tỳ-khưu không còn đức tin và kính trọng Đức Phật như trước, họ đồng ý thỏa thuận với nhau rằng: “Chúng ta không đứng dậy đón rước, không tiếp nhận y và bát, không đảnh lễ, chỉ nên sắp đặt chỗ để cho Samôn Gotama ngồi mà thôi”. Nhưng khi Đức Phật đến gần, do oai lực và tâm đại bi của Ngài, nhóm 5 Tỳ-khưu không còn nhớ lời giao ước, mà mỗi người đều tự động đứng dậy cung kính đón rước: Vị này nhận y bát, vị kia lấy nước rửa chân, vị thì sắp đặt trải chỗ ngồi cao quí, thỉnh Ngài đến ngự... Nhưng cách xưng hô của họ đối với Đức Phật vẫn bằng cách gọi: “Āvuso” không hợp lẽ đạo, thiếu cung kính đối với Đức Thế Tôn.
Thấy vậy, Đức Phật dạy rằng:
- Này chư Tỳ-khưu, các con không nên gọi Như Lai bằng tiếng “Āvuso”. Như Lai là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Như Lai sẽ thuyết giảng chánh pháp mà Như Lai đã chứng ngộ. Các con hãy lắng nghe rồi thực hành theo, các con cũng sẽ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn y theo Như Lai đã chứng ngộ”.
Nhóm 5 Tỳ-khưu vẫn chưa tin theo lời dạy của Đức Phật, vì nghĩ rằng: “Trước đây Samôn Gotama hành pháp khổ hạnh đến như thế, mà không chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác; nay trở lại đời sống sung túc như vậy, lại có thể chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác được hay sao?”.
Đức Thế Tôn thấu hiểu rõ sự hoài nghi của nhóm 5 Tỳ-khưu, nên Ngài đã giảng giải rõ ràng, phá tan được sự hoài nghi của họ. Cuối cùng, nhóm 5 Tỳ-khưu cảm phục Đức Phật và phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài.
Khi ấy mặt trời sắp lặn ở hướng Tây, mặt trăng ló dạng ở hướng Đông, Đức Thế Tôn lần đầu tiên thuyết pháp với bài kinh “Dhammacakkappavattanasutta” (kinh Chuyển Pháp Luân.)
Nội dung bài kinh Chuyển Pháp Luân
Lần đầu tiên Đức Phật thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân, để tế độ 5 nhóm Tỳ-khưu là Ngài Koṇḍanna, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma, Ngài Assaji.
Đức Phật dạy rằng:
- Bậc xuất gia không nên hành hai pháp cực đoan thuộc hai biên kiến.
Một là: Hưởng khoái lạc trong ngũ dục do tâm tham ái hợp với tà kiến, là pháp thấp hèn của hạng phàm nhân trong đời, không phải của bậc Thánh Nhân cao thượng, không đem lại sự lợi ích giải thoát khổ sinh.
Hai là: Tự ép xác, hành khổ mình do tâm sân và có đoạn kiến, thuộc pháp hành khổ hạnh của ngoại đạo, không phải của bậc Thánh Nhân cao thượng, không đem lại sự lợi ích giải thoát khổ sinh.
Không thiên về hai biên kiến ấy, Đức Phật đã hành theo pháp hành Trung Đạo (Majjhimappaṭipadā) đó chính là Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh cao thượng là:
1- Chánh kiến: Trí tuệ thiền tuệ chân chánh thấy rõ, biết rõ chân lý Tứ Thánh Đế
- Khổ Thánh Đế.
- Nhân sinh Khổ Thánh Đế (Tập Thánh Đế).
- Diệt Khổ Thánh Đế (Diệt Thánh Đế).
- Pháp hành Diệt Khổ Thánh Đế (Đạo Thánh Đế).
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
2- Chánh tư duy: Tư duy chân chánh
- Tư duy thoát ra khỏi ngũ dục (xuất gia).
- Tư duy không làm khổ mình, khổ người (hợp với tâm từ).
- Tư duy không làm hại mình, hại người (hợp với tâm bi).
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
3- Chánh ngữ: Lời nói chân chánh
- Tránh xa lời nói dối.
- Tránh xa lời nói chia rẽ.
- Tránh xa lời nói thô tục.
- Tránh xa lời nói vô ích.
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
4- Chánh nghiệp: Hành nghề chân chánh
- Tránh xa sự sát sanh.
- Tránh xa sự trộm cắp.
- Tránh xa sự tà dâm.
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
5- Chánh mạng: Nuôi mạng chân chánh
- Tránh xa thân hành ác, khẩu nói ác liên quan đến việc nuôi mạng.
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
6- Chánh tinh tấn: Tinh tấn chân chánh
- Tinh tấn diệt ác pháp đã sinh.
- Tinh tấn ngăn không cho ác pháp phát sinh.
- Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sinh.
- Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã sinh.
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
7- Chánh niệm: Niệm chân chánh
- Niệm thân: Thân là đối tượng của chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác.
- Niệm thọ: Thọ là đối tượng của chánh niệm, tỉnh giác.
- Niệm tâm: Tâm là đối tượng của chánh niệm, tỉnh giác.
- Niệm pháp: Pháp là đối tượng của chánh niệm, tỉnh giác.
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
8- Chánh định: Định chân chánh
- Định trong đệ nhất thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
- Định trong đệ nhị thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
- Định trong đệ tam thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
- Định trong đệ tứ thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
- Định trong đệ ngũ thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
Pháp hành Trung Đạo đó là Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh này chỉ đồng sinh với 4 Thánh Đạo Tâm và 4 Thánh Quả Tâm, chắc chắn có Niết Bàn là đối tượng.
Bằng những pháp hành Trung Đạo này, Đức Phật đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế theo Tam Tuệ Luân:
- Trí tuệ học Tứ Thánh Đế.
- Trí tuệ hành Tứ Thánh Đế.
- Trí tuệ thành Tứ Thánh Đế.
Thành 12 loại trí tuệ đã phát sinh hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh và đã chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh, cho nên Ngài có danh hiệu Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị.
Đức Phật truyền dạy rằng: “Như Lai đã chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác vô thượng trong toàn thế giới chúng sinh, nhân loại, Vua chúa, Samôn, Bàlamôn, chư thiên, Ma vương và phạm thiên cả thảy”.
Ngài Koṇḍanna chứng đắc bậc Thánh Nhập Lưu.
Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân này xong, nhóm 5 Tỳ-khưu vô cùng hoan hỷ thực hành theo lời giáo huấn của Ngài. Trong nhóm 5 Tỳ-khưu ấy, Ngài Koṇḍanna đã phát sinh Pháp Nhãn chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Khi ấy, Ngài Koṇḍanna xin Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu; Đức Phật đã cho phép Ngài Koṇḍanna thọ Tỳ-khưu theo cách Ehi bhikkhūpasampadā. Thọ Tỳ-khưu bằng cách Đức Phật gọi Ehi bhikkhu như sau:
“Ehi bhikkhū!” ti Bhavagā avoca. Svākkhāto dhammo cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya...”.
Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:
“Con hãy lại đây! Con trở thành Tỳ-khưu theo ý nguyện. Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên cố gắng tinh tấn hành phạm hạnh cao thượng, để chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, để chấm dứt khổ tử sinh luân hồi”.
Tam Bảo trọn vẹn xuất hiện trên thế gian
Ngay khi Đức Phật truyền dạy vừa dứt câu, Ngài Koṇḍanna liền trở thành vị Tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Tỳ-khưu, phát sinh do phước thiện, cũng đồng thời Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo hoàn toàn đầy đủ trọn vẹn trên thế gian này, vào đúng ngày rằm tháng 6 (âm lịch). Bốn vị Tỳ-khưu còn lại cũng sẽ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu theo tuần tự thời gian như sau:
Ngày 16 tháng 6, Ngài Vappa chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập lưu và được phép thọ Tỳ-khưu bằng cách Ehi bhikkhu.
Ngày 17 tháng 6, Ngài Bhaddiya chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu bằng cách Ehi bhikkhu.
Ngày 18 tháng 6, Ngài Mahānāma chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu bằng cách Ehi bhikkhu.
Ngày 19 tháng 6, Ngài Assaji chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu bằng cách Ehi bhikkhu.
Trong Phật giáo có 4 loại bậc Thánh Nhân:
Bậc Thánh Nhập Lưu.
Bậc Thánh Nhất Lai.
Bậc Thánh Bất Lai.
Bậc Thánh Arahán.
Nhóm 5 Tỳ-khưu đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, chỉ mới là bậc Thánh thứ nhất trong Phật giáo. Bậc Thánh Nhập Lưu có khả năng diệt đoạn tuyệt được hai loại phiền não là tà kiến và hoài nghi. Bậc Thánh Nhập Lưu chưa có khả năng diệt đoạn tuyệt 8 loại phiền não còn lại và các tham ái, các ác pháp, nên chưa có thể giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới được. Cho nên, Đức Phật giảng bài Kinh Anattalakkhaṇasutta: Kinh Vô Ngã Tướng để tế độ nhóm 5 Tỳ-khưu tiếp tục chứng đắc thành bậc Thánh Arahán là bậc Thánh Nhân thứ tư cao thượng trong Phật giáo.
Kinh Anattalakkhaṇasutta
Theo tuần tự thời gian đến ngày 20 tháng 6 (âm lịch), Đức Phật thuyết giảng bài kinh Anattalakkhaṇasutta: “Kinh Vô Ngã Tướng”, để tế độ nhóm 5 Tỳ-khưu trở thành bậc Thánh Arahán.
Nội dung bài kinh, Đức Phật thuyết giảng về ngũ uẩn: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn đều là pháp vô ngã, không phải ta, không phải của ta.
Mỗi uẩn đều có sự sinh, sự diệt, nên có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.
Mỗi uẩn có 11 tính chất: quá khứ hoặc vị lai, hoặc hiện tại; bên trong hoặc bên ngoài; thô hoặc vi tế; thấp hèn hoặc cao quý; gần hoặc xa thực tánh của tất cả mỗi uẩn ấy không phải của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.
Nhóm 5 Tỳ-khưu có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ uẩn đúng theo thực tánh của ngũ uẩn như vậy, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả và Niết Bàn lần thứ nhì, tiếp tục chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn lần thứ ba, cuối cùng là chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn lần thứ tư, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót lại, trở thành bậc Thánh Arahán; trí tuệ quán xét thấy rõ, biết rõ Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả đã chứng đắc, Niết Bàn đã chứng ngộ, mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp đã diệt đoạn tuyệt không còn dư sót. Các Ngài có trí tuệ thấy rõ, biết rõ mọi phận sự Tứ Thánh Đế đã hoàn thành; phạm hạnh cao thượng đã hành xong, kiếp này là kiếp chót, không còn tái sinh kiếp nào khác nữa.
Nhóm 5 Tỳ-khưu trở thành bậc Thánh Arahán vào ngày 20 tháng 6 là những ngày đầu hạ thứ nhất của Đức Phật.
Như vậy, ngoài Đức Phật ra, còn có thêm 5 vị Thánh Arahán xuất hiện trên thế gian.
Những ngày quan trọng trong Phật giáo
Trong Phật giáo, có những ngày lễ quan trọng đáng ghi nhớ:
Ngày rằm tháng tư là ngày Đức Phật xuất hiện trên thế gian. (ngày rằm tháng tư cũng là ngày Đức Bồ Tát Siddhattha đản sinh, và 80 năm sau, cũng là ngày Đức Phật tịch diệt Niết Bàn)
* Ngày rằm tháng sáu là ngày Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân đầu tiên, để tế độ nhóm 5 Tỳ-khưu, đồng thời cũng là ngày Tam Bảo: “Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo” đầy đủ hoàn toàn xuất hiện trên thế gian.
* Ngày rằm tháng giêng là ngày Đại hội chư Thánh Arahán gồm có 1.250 vị.