NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp
Quyển I:
Tam Bảo
PHẬT GIÁO SUY ĐỒI (SÀSANA ANTARADHÀNA)
Phật giáo đó là lời giáo huấn của Đức Phật vô cùng cao siêu, vô cùng vi tế. Cho nên, các hàng Phật tử là bậc xuất gia cũng như hàng tại gia cư sĩ giữ gìn, duy trì cho được trọn vẹn không phải là điều dễ dàng. Bởi vì, Phật giáo được giữ gìn duy trì bằng trí tuệ ba-la-mật, không phải bằng cách nào khác; mà trí tuệ ba-la-mật càng ngày càng bị giảm dần, giảm dần theo thời gian. Do đó, Phật giáo cũng bị mai một, bị giảm dần, giảm dần theo thời gian theo tuổi thọ 5.000 năm của Phật giáo.
Phật giáo phát triển theo thời gian, rồi lại bị mai một cũng theo thời gian; bởi vì, các hàng Phật tử không đủ khả năng trí tuệ ba-la-mật, để giữ gìn duy trì Phật giáo vô cùng cao siêu, vô cùng vi tế. Đó là nguyên nhân chính làm cho Phật giáo bị mai một dần theo thời gian.
Trong Chú giải Chi Bộ Kinh phần ekakanipāta, giải thích về Phật giáo suy đồi như sau:
- Pháp thành Phật giáo suy đồi (Adhigama antaradhāna).
- Pháp hành Phật giáo suy đồi
(Paṭipatti antaradhāna).
- Pháp học Phật giáo suy đồi
(Pariyatti antaradhāna).
Pháp thành Phật giáo, pháp hành Phật giáo, pháp học Phật giáo cả 3 loại Phật giáo này thuộc về danh pháp, không phải sắc pháp; nên Phật giáo suy đồi không phải do lửa thiêu hủy, cũng không phải nước lũ cuốn trôi, cũng không phải do bão tàn phá, mà Phật giáo suy đồi do bởi các hàng Phật tử là các bậc xuất gia, các hàng tại gia càng ngày càng kém pháp hạnh ba-la-mật, nhất là trí tuệ ba-la-mật, nên ngày càng kém đức tin, kém trí nhớ, kém trí tuệ. Đó là nguyên nhân làm cho pháp thành Phật giáo ngày càng suy đồi, pháp hành Phật giáo ngày càng suy đồi, pháp học Phật giáo ngày càng suy đồi. Cả ba loại Phật giáo này có sự liên quan trực tiếp định luật nhân-quả với nhau.
Sở dĩ pháp thành Phật giáo càng ngày càng suy đồi, là do pháp hành Phật giáo càng ngày càng suy đồi. Pháp hành Phật giáo càng ngày càng suy đồi, là do pháp học Phật giáo càng ngày càng suy đồi.
Phật giáo dần dần bị suy đồi theo thời gian tuổi thọ 5.000 năm của Phật giáo.
Pháp thành Phật giáo suy đồi như thế nào?
Theo Chú giải Chi Bộ Kinh phần ekakanipāta trình bày Pháp thành Phật giáo bị suy đồi tuần tự theo thời gian 5.000 năm như sau:
- Một ngàn năm thứ nhất: Hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Arahán cùng với Tứ Tuệ Phân Tích (Catupaṭisambhidā).
- Một ngàn năm thứ nhì: Hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Arahán cùng với Lục thông (Chaḷābhiññā).
- Một ngàn năm thứ ba: Hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Arahán cùng với Tam Minh (Tevijja).
- Một ngàn năm thứ tư: Hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Arahán chỉ diệt đoạn tuyệt mọi phiền não (sukkhavipassaka) mà thôi.
- Một ngàn năm thứ năm: Hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Nhập Lưu và cuối cùng không còn ai có khả năng chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu trên cõi người này nữa. Tuy vậy, những bậc Thánh Nhân còn có sinh mạng trong cõi người này, thì pháp thành Phật giáo vẫn chưa hoàn toàn bị tiêu hoại. Cho đến khi nào những bậc Thánh Nhân mãn kiếp, hết tuổi thọ, do thiện nghiệp cho quả tái sinh làm chư thiên trong cõi trời. Khi ấy, trong cõi người hoàn toàn không còn bậc Thánh Nhân nào.
Đó là lúc pháp thành Phật giáo suy đồi hoàn toàn không còn trong cõi người này nữa.
Trong Chú giải bài kinh Gotamīsuttavaṇṇanācó đoạn giải thích pháp thành Phật giáo suy đồi tuần tự theo thời gian 5.000 năm như sau:
- Một ngàn năm thứ nhất: Hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Arahán cùng với Tứ Tuệ Phân Tích, Lục thông, Tam Minh.
- Một ngàn năm thứ nhì: Hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Arahán chỉ diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não mà thôi.
- Một ngàn năm thứ ba: Hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Bất Lai.
- Một ngàn năm thứ tư: Hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Nhất Lai.
- Một ngàn năm thứ năm: Hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Nhập Lưu, và cuối cùng không còn bậc Thánh Nhân nào trong cõi người này nữa.
Đó là lúc pháp thành Phật giáo bị suy đồi hoàn toàn.
Pháp hành Phật giáo suy đồi như thế nào?
* Pháp hành thiền tuệ suy đồi: Thời gian đầu Phật giáo, hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc các bậc Thánh, càng ngày càng tăng trưởng. Sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, hành giả tiến hành thiền tuệ còn có khả năng chứng đắc đến bậc Thánh Arahán. Về sau trải qua thời gian theo tuần tự, hành giả tiến hành thiền tuệ có khả năng chứng đắc các bậc Thánh bậc thấp dần, theo tuần tự thời gian từ bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Nhập Lưu; đến thời kỳ gần mãn tuổi thọ của Phật giáo, hành giả tiến hành thiền tuệ không đúng theo pháp hành Trung Đạo và cuối cùng không còn hành giả tiến hành thiền tuệ nữa.
Đó là thời kỳ pháp hành thiền tuệ bị suy đồi trong cõi người.
* Pháp hành thiền định suy đồi: Cũng như pháp hành thiền tuệ, thời kỳ đầu Phật giáo, hành giả tiến hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, bậc thiền vô sắc, ngày càng tăng trưởng. Sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, hành giả tiến hành thiền định có khả năng chứng đắc giảm dần từ các bậc thiền vô sắc đến các bậc thiền hữu sắc. Về sau, trải qua thời gian theo tuần tự, hành giả tiến hành thiền định có khả năng chứng đắc các bậc thiền bị giảm xuống theo tuần tự từ bậc thiền cao xuống dần bậc thiền thấp, cho đến thời kỳ hành giả tiến hành thiền định không đúng theo phương pháp và cuối cùng không còn hành giả tiến hành thiền định nữa.
Đó là thời kỳ pháp hành thiền định bị suy đồi trong cõi người.
* Pháp hành giới suy đồi: Cũng như pháp hành thiền tuệ và pháp hành thiền định, thời kỳ đầu Phật giáo, hành giả giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn hoàn toàn. Sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, chư Tỳ-khưu có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nên hết lòng tôn kính tất cả mọi điều giới mà Đức Phật đã chế định, ban hành cho Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni. Chư Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni nghiêm chỉnh giữ gìn mọi điều giới của mình được trong sạch trọn vẹn, để làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Về sau, trải qua thời gian theo tuần tự, chư Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni càng ngày càng giảm dần đức tin, xem thường những điều giới nhẹ, nên phạm giới dubbhāsita āpati (ác khẩu), phạm giới dukkaṭa āpati (tác ác), và dần dần tiếp theo phạm giới pācittiya āpati (ưng đối trị), phạm giới thullaccaya āpati (giới trọng) các loại giới này còn thuộc về loại giới nhẹ. Từ đó về sau, thời gian theo tuần tự Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni phạm giới nặng, như phạm giới Saṃghādisesa āpati (Tăng tàn) song vẫn còn giữ phạm hạnh Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni; cho đến khi Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni nào phạm giới pārājika āpati (bất cộng trụ). Khi ấy, Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni ấy không còn phạm hạnh Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni nữa.
Thời gian khoảng 500 năm sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, Tỳ-khưu ni không còn nữa, chỉ còn có Tỳ-khưu, theo tuần tự thời gian đến khi gần mãn tuổi thọ Phật giáo 5.000 năm; Tỳ-khưu càng ngày càng kém đức tin, nên giữ gìn giới hạnh của mình không còn trong sạch, cho đến khi không còn hành giới nữa.
Đó là thời kỳ pháp hành giới bị suy đồi và cũng là thời kỳ pháp hành Phật giáo bị suy đồi trong cõi người.
Pháp học Phật giáo suy đồi như thế nào?
Pháp học Phật giáo đó là học thuộc lòng Tam Tạng và Chú giải Pāḷi, lời giáo huấn của Đức Phật.
Pháp học Phật giáo là nhân, pháp hành Phật giáo là quả, nhân và quả đi đôi với nhau. Sở dĩ, pháp hành Phật giáo bị suy đồi tuần tự theo thời gian 5.000 năm tuổi thọ của Phật giáo, là vì pháp học Phật giáo bị mai một, bị suy đồi theo thời gian ấy.
Ban đầu, chư Đại Trưởng Lão giữ gìn duy trì Tam Tạng và Chú giải Pāḷi, pháp học Phật giáo đầy đủ y theo bổn chánh qua các kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải Pāḷi. Về sau, tuần tự theo thời gian chư Đại đức càng ngày càng kém đức tin, kém pháp hạnh ba-la-mật, kém trí nhớ, trí tuệ, nên không đủ khả năng thông thuộc Tam Tạng và Chú giải Pāḷi. Đó là nguyên nhân làm cho pháp học Phật giáo bị mai một, bị suy đồi tuần tự theo thời gian như sau:
Trước tiên, Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭakapāḷi) bị mai một, bị suy đồi.
Tạng Vi Diệu Pháp gồm có 7 bộ lớn:
- Dhammasaṅganīpāḷi (bộ Pháp Tụ Hội)
- Vibhaṅgapāḷi (bộ Pháp Phân Tích)
- Dhātukathāpāḷi (bộ Pháp Phân Loại)
- Puggalapaññattipāḷi (bộ Nhân Chế Định)
- Kathāvatthupāḷi (bộ Pháp Luận Đề)
- Yamakapāḷi (bộ Pháp Song Đối)
- Paṭṭhānapāḷi (bộ Pháp Duyên Hệ)
Trong 7 bộ này, đầu tiên bộ Paṭṭhānapāḷi (bộ Pháp Duyên Hệ), là bộ lớn nhất, vi tế sâu sắc nhất bị mai một trước, tiếp theo bộ Yamakapāḷi (bộ Pháp Song Đối), tuần tự bộ Kathāvatthupāḷi (bộ Pháp Luận Đề), bộ Puggalapaññattipāḷi (bộ Nhân Chế Định), bộ Dhātukathāpāḷi (bộ Pháp Phân Loại), bộ Vibhaṅgapāḷi (bộ Pháp Phân Tích), cuối cùng bộ Dhammasaṅganīpāḷi (bộ Pháp Tụ Hội).
Tạng Vi Diệu Pháp bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn còn Tạng Kinh và Tạng Luật là pháp học Phật giáo vẫn còn tồn tại.
Tiếp theo Tạng Kinh (Suttantapiṭakapāḷi) bị mai một, bị suy đồi.
Tạng Kinh có 5 bộ lớn:
- Dīghanikāyapāḷi (Trường Bộ Kinh)
- Majjhimanikāyapāḷi (Trung Bộ Kinh)
- Samyuttanikāyapāḷi (Đồng Loại Bộ Kinh)
- Aṅguttaranikāyapāḷi (Chi Bộ Kinh)
- Khuddakanikāyapāḷi (Tiểu Bộ Kinh)
Trong 5 bộ này, đầu tiên Aṅguttaranikāyapāḷi (Chi Bộ Kinh) bị mai một trước. Chi Bộ Kinh gồm có 11 phần, gồm những bài kinh (bài pháp) 1 chi, 2 chi v.v... cho đến những bài kinh có 11 chi. Đầu tiên, những bài kinh có 11 chi bị mai một trước, tiếp theo những bài kinh có 10 chi và tuần tự những bài kinh có 9 chi, có 8 chi, có 7 chi, có 6 chi, có 5 chi, có 4 chi, có 3 chi, có 2 chi, cuối cùng những bài pháp 1 chi bị mai một hoàn toàn.
Chi Bộ Kinh bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn.
Tiếp theo Saṃyuttanikāyapāḷi (Đồng Loại Bộ Kinh) bị mai một, bị suy đồi.
Đồng loại Bộ Kinh có 5 phần:
- Sagāthavaggasamyuttapāḷi
- Nidānavaggasamyuttapāḷi
- Khaṇdhavaggasamyuttapāḷi
- Sāḷāyatanasamyuttapāḷi
- Mahāvaggasamyuttapāḷi
Trong 5 phần này, đầu tiên phần Mahāvaggasamyuttapāḷi bị mai một trước, tiếp theo phần Sāḷāyatanasamyuttapāḷi, tuần tự phần Khaṇdhavaggasamyuttapāḷi, phần Nidānavaggasamyuttapāḷi, và cuối cùng phần Sagāthavaggasamyuttapāḷi, bị mai một hoàn toàn.
Đồng Loại Bộ Kinh bị suy đồi, bị mai một hoàn toàn.
Tiếp theo Majjhimanikāyapāḷi (Trung Bộ Kinh) bị mai một, bị suy đồi.
Trung Bộ Kinh có 3 phần:
- Mūlapaṇṇāsapāḷi
- Majjhimapaṇṇāsapāḷi
- Uparipaṇṇāsapāḷi
Trong 3 phần này, đầu tiên phần Uparipaṇṇāsapāḷi bị mai một trước, tiếp theo phần Majjhimapaṇṇāsapāḷi và cuối cùng phần Mūlapaṇṇāsapāḷi bị mai một hoàn toàn.
Trung Bộ Kinh bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn.
Tiếp theo Dīghanikāyapāḷi (Trường Bộ Kinh) bị mai một, bị suy đồi.
Trường Bộ Kinh có 3 phần:
- Sīlakkhandhavaggapāḷi
- Mahāvaggapāḷi
- Pāthikavaggapāḷi
Trong 3 phần này, đầu tiên phần Pāthikavaggapāḷi. bị mai một, bị suy đồi, tiếp đến phần Mahāvaggapāḷi và cuối cùng phần Sīlakkhandhavaggapāḷi bị mai một hoàn toàn.
Trường Bộ Kinh bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn.
Tiếp theo Khuddakanikāyapāḷi (Tiểu Bộ Kinh) bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn.
Cuối cùng Tạng Kinh bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn, còn Tạng Luật là pháp học Phật giáo vẫn tồn tại.
Tạng Luật (Vinayapitākapāḷi) bị mai một, bị suy đồi.
Tạng Luật có 5 bộ:
- Bộ Pārājikapāḷi
- Bộ Pācittiyapāḷi
- Bộ Mahāvaggapāḷi
- Bộ Cūḷavaggapāḷi
- Bộ Parivārapāḷi
Trong Tạng Luật có 5 bộ, đầu tiên bộ Parivārapāḷi bị mai một trước, tiếp theo bộ Cūḷavaggapāḷi tuần tự đến bộ Mahāvaggapāḷi, bộ Pācittiyapāḷi và cuối cùng bộ Pārājikapāḷi bị mai một, song chỉ còn Uposathakkhan-dhaka là pháp học Phật giáo vẫn chưa bị mai một. Về sau, Uposathakkhandhaka bị mai một, cuối cùng không còn một ai thuộc lòng được bài kệ gồm có 4 câu. Khi ấy, pháp học Phật giáo bị mai một, bị suy đồi hoàn toàn.
Tóm lại, pháp học Phật giáo, pháp hành Phật giáo, pháp thành Phật giáo trong 3 loại Phật giáo này, pháp học Phật giáo là nguồn gốc, là nền tảng căn bản của pháp hành và pháp thành Phật giáo.
Thật vậy, nếu học pháp học hiểu biết đúng đắn, kỹ càng, thì khi hành pháp hành mới đúng đắn được; nếu hành pháp hành đúng, thì pháp thành mới phát sinh, dẫn đến sự giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Ngược lại, nếu học pháp học mà hiểu sai, thì khi hành pháp hành sai, nếu hành pháp hành sai, thì pháp thành không phát sinh, không thể giải thoát khổ sinh, mà vẫn tiếp tục chịu khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Pháp học Phật giáo gồm có Tam Tạng và Chú giải Pāḷi lời giáo huấn của Đức Phật. Tam Tạng: Tạng Luật, Tạng Kinh, Tạng Vi Diệu Pháp; trong 3 tạng ấy Tạng Luật là nền tảng căn bản của Phật giáo, cũng là tuổi thọ của Phật giáo.
Thật vậy, dù Tạng Vi Diệu Pháp và Tạng Kinh bị mai một hoàn toàn, chỉ còn có Tạng Luật, Phật giáo vẫn còn tồn tại. Trong Tạng Luật phần Uposathakkhandhaka liên quan đến hành Tăng sự, Uposatha tụng đọc, Bhikkhupāṭīmokkha tụng điều giới của Tỳ-khưu... là quan trọng. Chư Tỳ-khưu còn hành tăng sự, còn tụng đọc Bhikkhupāṭimokkhisīla hằng tháng vào ngày rằm và ngày cuối tháng, là Phật giáo vẫn còn tồn tại trên cõi người này.
Trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải Pāḷi lần thứ nhất, phần đầu Nidāna dạy rằng:
Vinayo nāma Buddhasāsanassa āyu
Vinaye ṭhite, sāsanaṃ ṭhitaṃ hotu.
Tạng Luật là tuổi thọ Phật giáo
Khi Tạng Luật còn được trường tồn
Thì Phật giáo còn được trường tồn.