NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp
Quyển II:
Quy Y Tam Bảo (TISARANA)
CHƯƠNG III
ÂN ĐỨC TAM BẢO (RATANATTAYAGUNA)
ĐỀ MỤC NIỆM ÂN ĐỨC TAM BẢO
9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, mỗi Ân đức là đề mục của thiền định; hành giả tiến hành đề mục niệm 9 Ân đức Phật, niệm 6 Ân đức Pháp, niệm 9 Ân đức Tăng dễ làm tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, mà đức tin là rất quan trọng, làm căn bản cho mọi thiện pháp (Dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp và Siêu tam giới thiện pháp) phát sinh và tăng trưởng.
Hành giả tiến hành đề mục thiền định niệm 9 Ân đức Phật, niệm 6 Ân đức Pháp, niệm 9 Ân đức Tăng, mỗi đề mục chỉ có khả năng dẫn đến chứng đạt upacārasamādhi (cận định). Từ đó, hành giả dùng tâm cận định của đề mục thiền định này làm nền tảng, làm đối tượng để tiến hành thiền tuệ, cũng có thể dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
Oai lực niệm Ân đức Tam Bảo
Tích Đại đức Mahākappina, khi Ngài còn là một Đức vua trị vì kinh thành Kukkutavatī. Một hôm, Đức vua cùng 1.000 vị quan cận thần cưỡi ngựa du lãm ngoài thành, gặp nhóm người lái buôn từ kinh thành Sāvatthi đi vào thành, Đức vua bèn hỏi:
- Này các ngươi, ở kinh thành Sāvatthicó tin lành gì hay không?
- Tâu Đức vua: Buddho uppanno!: Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian!
Đức vua vừa nghe đến danh hiệu “Buddho”, thì liền phát sinh hỷ lạc chưa từng có. Đức vua hỏi lại đến lần thứ ba, những người lái buôn đều tâu như lần trước, lần nào cũng phát sinh hỷ lạc như vậy. Đức vua hỏi tiếp:
- Còn tin lành nào khác nữa?
- Tâu Đức vua: Dhammo uppanno! : Đức Pháp đã xuất hiện trên thế gian!
Đức vua vừa nghe đến “Dhammo”, cũng như lần trước, liền phát sinh hỷ lạc chưa từng có, nên hỏi đến lần thứ ba, nghe tâu đến lần thứ ba, lần nào cũng phát sinh hỷ lạc như vậy. Đức vua hỏi tiếp:
- Còn tin lành nào khác nữa?
- Tâu Đức vua: Samgho uppanno! : Đức Tăng đã xuất hiện trên thế gian!
Đức vua vừa nghe đến “Samgho”, cũng như hai lần trước, liền phát sinh hỷ lạc chưa từng có, nên hỏi đến lần thứ ba, nghe tâu đến lần thứ ba, lần nào cũng phát sinh hỷ lạc như vậy.
Đức vua lấy tấm biển vàng ghi 3.000 đồng tiền vàng làm tiền thưởng, rồi trao cho nhóm người lái buôn, truyền lệnh đem đến trình Hoàng hậu Anojā để lãnh thưởng. Trong biển vàng, Đức vua ghi rõ, xin trao ngai vàng lại cho Hoàng hậu lên ngôi trị vì đất nước.
Không chịu hồi cung, từ đó Đức vua cùng 1.000 vị quan cận thần ngự đến hầu Đức Phật. Trên đường đi gặp con sông Aparacchā sâu và rộng lớn, nơi đây không thuyền bè, với tâm mong muốn sớm hầu Đức Phật, nên Đức vua niệm Ân đức Phật: “Itipi so Bhagavā Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisadammasārathi, Satthādevamanussānaṃ, Buddho, Bhagavā”. Do oai lực của Ân đức Phật, Đức vua cùng 1.000 vị quan cưỡi ngựa băng qua sông ấy một cách dễ dàng.
Tiếp đến gặp con sông Nīlavāhinī, cũng sâu và rộng lớn, nơi đây không thuyền bè, như lần trước, Đức vua niệm Ân đức Pháp: “Svākkhāto Bhagavatā Dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi”. Do oai lực của Ân đức Pháp, Đức vua cùng các quan cưỡi ngựa băng ngang qua sông ấy một cách dễ dàng, như lần trước.
Tiếp đến lại gặp con sông Candabhāgā, cũng sâu và rộng lớn, nơi đây không thuyền bè, như hai lần trước, Đức vua niệm Ân đức Tăng: “Suppaṭipanno Bhagavato sāvaka-saṃgho, Ujuppaṭipanno Bhagavato Sāvakasaṃgho, Nāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, yadidaṃ cattārī purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā, esa Bhagavato sāvakasaṃgho Ahuneyyo, Pāhuneyyo, Dakkhiṇeyyo, Anjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa”. Do oai lực của Ân đức Tăng, Đức vua cùng các quan cưỡi ngựa băng ngang con sông ấy dễ dàng, như hai lần trước.
Đức Thế Tôn biết Đức vua cùng 1.000 vị quan sắp đến, Ngài phóng hào quang 6 màu sáng ngời làm hiệu cho Đức vua cùng 1.000 vị quan biết. Tất cả đều đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, rồi ngồi nghe Ngài thuyết pháp. Nghe xong, Đức vua cùng 1.000 vị quan đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, rồi đảnh lễ Đức Phật xin xuất gia trở thành Tỳ-khưu. Đức Phật quán xét thấy rõ tất cả đều có phước thiện có thể phát sinh 8 thứ vật dụng của Samôn, nên Ngài đưa bàn tay phải chỉ bằng ngón trỏ mà truyền dạy:
“Etha bhikkhavo! caratha brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya”.
“Các con hãy đến với Như Lai! Các con trở thành Tỳ-khưu theo ý nguyện! Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng, hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Các con hãy nên cố gắng tinh tấn thực hành phạm hạnh cao thượng, để chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả, để chấm dứt sự khổ tử sinh luân hồi”.
Khi Đức Phật truyền dạy vừa dứt lời, ngay tức thì, Đức vua cùng 1.000 vị quan trở thành Tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Samôn, được phát sinh do phước thiện. Chư Tỳ-khưu ấy có tăng tướng trang nghiêm, lục căn thanh tịnh, như vị Tỳ khưu 60 hạ.
Về phần những người lái buôn, khi họ nhận được biển vàng do Đức vua ban thưởng, đi thẳng vào cung điện xin yết kiến Hoàng hậu Anojā, trình biển vàng để xin lãnh thưởng 3.000 đồng vàng. Hoàng hậu thấy vậy bèn hỏi:
- Các ngươi làm việc gì mà Đức vua ban thưởng số tiền lớn như vậy?
- Tâu Hoàng hậu, chúng tiện dân không làm công việc gì, chỉ có báo tin lành mà thôi.
- Các ngươi có thể nói cho ta nghe được không?
- Tâu Hoàng hậu! Có thể được: Buddho uppanno! : Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian!
Hoàng hậu vừa nghe đến danh hiệu “Buddho” thì liền phát sinh hỷ lạc chưa từng có, bà hỏi lại đến lần thứ ba, các người lái buôn tâu lại như lần trước, lần nào cũng phát sinh hỷ lạc. Bà truyền bảo:
- Còn tin lành nào khác nữa?
- Tâu Hoàng hậu: Dhammo uppanno! : Đức Pháp đã xuất hiện trên thế gian!
Hoàng hậu vừa nghe đến “Dhammo”, cũng như lần trước liền phát sinh hỷ lạc chưa từng có, nên hỏi lại lần thứ ba, nghe tâu lần nào cũng phát sinh hỷ lạc như vậy. Bà truyền tiếp:
- Còn tin lành nào khác nữa?
- Tâu Hoàng hậu: Samgho uppanno! : Đức Tăng đã xuất hiện trên thế gian!
Hoàng hậu vừa nghe đến “Samgho”, cũng như hai lần trước, liền phát sinh hỷ lạc chưa từng có, nên hỏi lại lần thứ ba, nghe tâu lần nào cũng phát sinh hỷ lạc như vậy.
Hoàng hậu truyền dạy:
- Ba tin lành lớn lao đến dường ấy! Đức vua ban thưởng cho các người có 300 ngàn. Còn ta, mỗi tin lành, ta ban thưởng cho các ngươi 300 ngàn, các ngươi được lãnh thưởng 900 ngàn đồng tiền vàng”.
Như vậy, các lái buôn chỉ báo tin lành Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng đã xuất hiện, mà được lãnh thưởng 1.200 ngàn đồng tiền vàng.
Hoàng hậu hỏi tiếp:
- Đức vua cùng 1.000 quan cận thần đi đâu?
Các lái buôn tâu:
- Tâu Hoàng hậu, Đức vua cùng 1.000 quan cận thần đi đến hầu Đức Phật và sẽ xuất gia.
Nghe tâu như vậy, Hoàng hậu truyền gọi phu nhân của 1.000 vị quan đến báo tin:
- Hoàng thượng của chúng ta cùng 1.000 quan cận thần hay tin lành Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng đã xuất hiện trên thế gian, Người đã từ bỏ ngai vàng để lại cho ta, như nhổ bỏ bãi nước miếng, rồi cùng với 1.000 quan cận thần ngự đến hầu Đức Phật, sẽ xuất gia để giải thoát khổ.
Chẳng lẽ ta không có khổ hay sao? Đức vua từ bỏ ngai vàng như nhổ bỏ bãi nước miếng, chẳng lẽ ta lại quỳ gối liếm bãi nước miếng ấy hay sao? Ta cũng sẽ đi đến hầu Đức Phật, sẽ xuất gia để giải thoát khổ? Còn các ngươi nghĩ thế nào?
Nhóm 1.000 phu nhân đồng tâm nhất trí xin đi theo Hoàng hậu đến hầu Đức Phật.
Hoàng hậu truyền sửa soạn ngựa quý, cùng 1.000 phu nhân mỗi người một ngựa theo sau đến hầu Đức Phật và đi theo con đường mà Đức vua cùng các quan đã ngự đi.
Hoàng hậu cùng các phu nhân đi đến con sông Aparacchā, Hoàng hậu niệm Ân đức Phật: “Itipi so Bhagavā Araham...”. Do oai lực Ân đức Phật, mọi người cùng băng qua con sông ấy một cách dễ dàng.
Tiếp đến con sông Nīlavāhinī, Hoàng hậu niệm Ân đức Pháp: “Svākkhāto Bhagavatā Dhammo...”. Do oai lực Ân đức Pháp, mọi người cùng băng qua con sông ấy một cách dễ dàng, như lần trước.
Tiếp đến con sông Candabhāgā, Hoàng hậu niệm Ân đức Tăng: “Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho...” Do oai lực Ân đức Tăng, mọi người cũng đều băng qua con sông ấy một cách dễ dàng, như hai lần trước. Thế rồi, Hoàng hậu cùng các vị phu nhân ngự đến hầu Đức Phật.
Đức Thế Tôn biết Hoàng hậu Anojā cùng 1.000 vị phu nhân sắp đến, Ngài phóng hào quang 6 màu sáng ngời làm hiệu cho Hoàng hậu cùng các vị phu nhân biết. Tất cả đều đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong bạch:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, Đức vua Mahākappina cùng 1.000 vị quan có đến đây không? Bạch Ngài.
Đức Phật hóa thần thông che khuất không để Hoàng hậu cùng 1.000 phu nhân nhìn thấy Tỳ-khưu Mahākappina cùng 1.000 vị Tỳ-khưu khác. Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Các con hãy ngồi nghe Như Lai thuyết pháp, rồi tại nơi đây các con sẽ nhìn thấy Mahākappina cùng các quan.
Hoàng hậu cùng 1.000 vị phu nhân an tâm ngồi nghe Đức Phật thuyết pháp. Khi nghe pháp xong, Hoàng hậu cùng 1.000 vị phu nhân đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu; đồng thời ngay khi ấy, Tỳ-khưu Mahākappina cùng 1.000 vị Tỳ-khưu khác đều chứng đắc từ Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả đến Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ Tuệ Phân Tích.
Khi ấy, Đức Phật thâu phép thần thông, Hoàng hậu cùng các phu nhân nhìn thấy Đức vua Mahākappina cùng 1.000 vị quan, bây giờ ở trong tướng mạo một Tỳ-khưu trang nghiêm, như vị Đại đức 60 hạ. Hoàng hậu cùng các vị phu nhân phát sinh đức tin trong sạch, kính xin Đức Thế Tôn xuất gia trở thành Tỳ-khưu ni.
Đức Thế Tôn chỉ dạy Hoàng hậu cùng 1.000 phu nhân đến tìm gặp Đại đức Tỳ-khưu ni Uppalavannā chỉ dẫn cách xuất gia trở thành Tỳ-khưu ni.
Hoàng hậu cùng 1.000 vị phu nhân, sau khi trở thành Tỳ-khưu ni trong thời gian không lâu, tất cả đều chứng đắc đến Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng trong giáo pháp của Đức Phật.
Oai lực niệm Ân đức Phật, niệm Ân đức Pháp, niệm Ân đức Tăng thật phi thường!
Đức Phật xuất hiện trên thế gian thật là điều rất hiếm có; kiếp tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh gặp được Đức Phật hoặc chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Ngài cũng là một điều hy hữu.
Thật vậy, trong lịch sử tiền kiếp của Đức Phật Gotama, từ thời kỳ Đức Phật Dīpaṅkara cho đến Đức Phật Koṇḍañña, trải qua khoảng thời gian lâu dài 1 a-tăng-kỳ kiếp trái đất thành-trụ-hoại-không, mà không có một Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian gọi là Suññakappa: kiếp trái đất không có Đức Phật.
Thật diễm phúc thay! Kiếp trái đất hiện tại mà chúng ta đang sống gọi là Bhaddakappa có năm Đức Phật tuần tự xuất hiện cũng trong kiếp trái đất này. Trong thời kỳ quá khứ đã có ba Đức Phật: Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana và Đức Phật Kassapa. Trong thời hiện tại: Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, rồi Ngài đã tịch diệt Niết Bàn cách đây 2.548 năm, giáo pháp của Ngài còn lưu truyền lại trên thế gian cho đến 5.000 năm, rồi cũng sẽ bị mai một hoàn toàn. Trong thời vị lai sẽ có Đức Phật Metteyya xuất hiện trên thế gian trong cùng kiếp trái đất Bhaddakappa này.
Tuy rằng, trong kiếp trái đất có năm Đức Phật tuần tự xuất hiện trên thế gian, nhưng khoảng cách thời gian từ Đức Phật này đến Đức Phật khác vô số-vô số không thể tính được.
Đối với những bậc đã có đầy đủ pháp hạnh ba-la-mật, kiếp này là kiếp chót, như trường hợp của Đức vua Mahākappina và của Hoàng hậu Anojā, khi nghe đến danh hiệu Buddho: Đức Phật, Dhammo: Đức Pháp, Saṃgho: Đức Tăng, liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng; mặc dù họ chưa đến hầu Đức Phật, chưa được lắng nghe chánh pháp của Ngài, nhưng khi gặp phải trở ngại, họ có khả năng đặc biệt niệm tưởng đến 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng; bởi vì, những Ân đức Tam Bảo này đã được tích lũy trong tâm của họ từ nhiều đời nhiều kiếp, từ Chư Phật quá khứ và đã tạo được đầy đủ 10 pháp hạnh ba-la-mật xong rồi. Nay kiếp hiện tại này, khi đến hầu đảnh lễ Đức Phật, lắng nghe chánh pháp, họ dễ dàng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp, trở thành bậc Thánh Arahán.
Quả báu đặc biệt niệm Ân đức Tam Bảo
Hành giả tiến hành niệm Ân đức Tam Bảo, trong kiếp hiện tại chưa chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, hành giả sẽ được hưởng những quả báu đặc biệt ngay trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai như sau:
- Được phần đông chúng sinh kính trọng.
- Thiện tâm trong sạch thanh tịnh.
- Khi sắp chết, tâm bình tĩnh sáng suốt, không mê muội.
- Sau khi chết, do thiện nghiệp này cho quả tái sinh làm người cao quý hoặc chư thiên cao quý.
- Tái sinh kiếp nào cũng thuộc hàng chúng sinh cao quý.
- Có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ.
- Các bộ phận trong thân thể đều xinh đẹp đáng quý.
- Thân có mùi thơm tỏa ra.
- Miệng có mùi thơm tỏa ra.
- Có trí tuệ nhiều.
- Có trí tuệ sâu sắc.
- Có trí tuệ sắc bén.
- Có trí tuệ nhanh nhẹn.
- Trí tuệ phi thường…
- Nói lời hay có lợi ích…
- Kiếp vị lai có duyên lành gặp Đức Phật, lắng nghe chánh pháp dễ dàng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn...
Đó là những quả báu phát sinh từ niệm Ân đức Tam Bảo.
* Tích Ngài Đại đức Sugandhatthera
Trong bộ Apadāna, Ngài Đại đức Sugandha thuật lại tiền kiếp của Ngài được tóm lược như sau:
Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, Bậc độc nhất vô nhị xuất hiện trên thế gian, là Bậc cao thượng nhất trong tất cả chúng sinh muôn loài trong tam giới. Ngài có 32 tướng tốt chính và 80 tướng tốt phụ, có hào quang sáng ngời tỏa ra từ kim thân, trong sáng huyền diệu như mặt trăng, ánh sáng hào quang cũng chói lọi như mặt trời, làm cho tất cả chúng sinh muôn loài cùng cảnh vật mát mẻ như được tắm qua một cơn mưa, giúp cho tất cả chúng sinh có duyên lành phát triển mọi thiện pháp.
Đức Phật có giới đức hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, làm nền tảng như mặt đất; có định đức không hề lay chuyển như dãy núi Hymalaya; có tuệ đức sáng suốt, mênh mông như hư không.
Đức Phật là Bậc không còn dính mắc, không còn ràng buộc, như gió thổi.
Đức Phật có tâm đại bi rải khắp đến tất cả chúng sinh muôn loài. Ngài thuyết pháp giáo huấn, tế độ những chúng sinh có duyên lành nên tế độ, dù ở trong cõi người hoặc ở các cõi khác.
Vào thời kỳ Đức Phật Kassapa ấy, tôi là con trai của nhà phú hộ danh tiếng giàu sang phú quý, trong kinh thành Bāraṇāsi. Một hôm, đang đi dạo chơi trong rừng, tôi nhìn thấy Đức Phật Kassapa đang thuyết pháp chỉ dạy chúng sinh con đường bất tử Niết Bàn.
Đức Phật là một vị thiên nam cao thượng hơn tất cả chư thiên; là một bậc phạm thiên cao thượng hơn tất cả mọi phạm thiên. Giáo pháp của Ngài toàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối, đầy đủ ý nghĩa, văn chương trong sáng, phạm âm của Ngài vô cùng thanh tao huyền diệu, khi lắng nghe làm cho tâm an tịnh lạ thường, làm vắng lặng mọi phiền não.
Khi được lắng nghe giáo pháp của Đức Phật Kassapa, tôi liền phát sinh đức tin trong sạch, quyết định từ bỏ nhà cửa, tài sản. Kính xin Đức Phật Kassapa cho phép xuất gia trở thành Tỳ-khưu trong giáo pháp của Ngài. Sau khi trở thành Tỳ-khưu, tôi đã học nhiều hiểu rộng, là vị Tỳ-khưu đa văn túc trí, là một Pháp sư có tài đối đáp, lỗi lạc trong mọi trường hợp, tôi thường tán dương Ân đức Tam Bảo: Ân đức Phật, Ân đức Pháp, Ân đức Tăng giữa các hàng Phật tử.
Quả báu tán dương Ân đức Tam Bảo
Khi mãn kiếp Tỳ-khưu, sau khi chết, do thiện nghiệp tán dương Ân đức Tam Bảo, tôi được tái sinh làm một thiên nam trong cõi Đẩu Suất Đà Thiên (Tusita), an hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy. Đến khi mãn kiếp thiên nam, sau khi chết, cũng do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người đàn ông, có những mùi thơm lạ thường:
Hơi thở có mùi thơm tỏa ra.
Miệng có mùi thơm tỏa ra.
Toàn thân đều có mùi thơm tỏa ra suốt ngày đêm...
Những mùi thơm này, thơm ngát hơn cả mùi thơm của hoa sen, hoa lài, các loài hoa thơm khác, hơn tất cả mùi thơm của các loại trầm... mùi thơm tho huyền diệu này chính là quả của sự tán dương Ân đức Phật, Ân đức Pháp, Ân đức Tăng, Ân đức Tam Bảo cao thượng trong tiền kiếp của tôi.
Nay, kiếp hiện tại này, do duyên lành tôi đã đến hầu Đức Phật Gotama, kính xin Ngài cho phép tôi được xuất gia trở thành Tỳ-khưu trong giáo pháp của Ngài. Tôi cũng thường tán dương Ân đức Phật, Ân đức Pháp, Ân đức Tăng cao thượng. Những chúng sinh lắng nghe tôi tán dương Ân đức Tam Bảo cao thượng, cũng làm cho họ lắng dịu được phiền não.
Do năng lực tán dương Ân đức Tam Bảo cao thượng, tôi tiến hành đề mục niệm Ân đức Tam Bảo làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ, dẫn đến chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, đã diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, ngấm ngầm trong tâm, đã nhổ tận gốc vô minh, tham ái, không còn tái sinh kiếp sau nữa.
Tôi có duyên lành được xuất gia trở thành Tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, đó là điều tốt lành nhất. Tôi đã chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán cùng với Tam minh, Tứ Tuệ Phân Tích, Lục thông v.v… Tôi đã hoàn thành xong phận sự của bậc Samôn, đã thực hành đúng theo lời giáo huấn của Đức Phật Gotama cao thượng.
Người nào có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, thường tán dương Ân đức Tam Bảo cao thượng, chắc chắn người ấy sẽ được những quả báu tốt đẹp. Ngược lại, nếu người nào chê trách, xúc phạm, nói xấu đến ngôi Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo, thì người ấy sẽ có hậu quả không tốt. Nhưng nếu sau đó, người ấy biết thành tâm ăn năn sám hối tội lỗi của mình, thì cũng có thể tránh được những điều tai hại.
Đức tin trong sạch nơi ngôi cao cả
Đức tin là pháp dẫn đầu trong mọi thiện pháp; từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp. Người có đức tin trong sạch nơi ngôi cao cả, người ấy có được phước thiện cao cả và có được quả báu của phước thiện cũng cao cả.
Đức Phật dạy trong bài kinh Aggappasādasutta ý nghĩa như sau:
- Này chư Tỳ-khưu, đức tin trong sạch trong bốn ngôi cao cả.
* Bốn ngôi cao cả ấy như thế nào?
1) Tất cả mọi loài chúng sinh: Chúng sinh không có chân (rắn, cá...); chúng sinh có hai chân (con người, gà, vịt...); chúng sinh có bốn chân (voi, trâu, bò...); chúng sinh có nhiều chân (con rít, con cuốn chiếu...); chúng sinh có sắc uẩn (cõi sắc giới vô tưởng); chúng sinh không có sắc uẩn (4 cõi vô sắc giới); chúng sinh có tưởng (tâm) (cõi dục giới, cõi sắc giới, cõi vô sắc giới); chúng sinh không có tưởng (cõi sắc giới vô tưởng); chúng sinh không phải có tưởng, cũng không phải không có tưởng (cõi vô sắc giới phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên). Trong số chúng sinh có bao nhiêu loài đi nữa, Như Lai, Đức Phật Chánh Đẳng Giác mà chư thiện trí dạy rằng: “Đức Phật Chánh Đẳng Giác là Bậc cao cả nhất, trong toàn thể mọi loài chúng sinh ấy”.
Những chúng sinh nào có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Chánh Đẳng Giác, những chúng sinh ấy được gọi là người có đức tin trong sạch nơi Đức Phật ngôi cao cả nhất, có đức tin trong sạch nơi Đức Phật ngôi cao cả ấy, chắc chắn được quả báu cao cả.
2) Những thiện pháp là pháp được cấu tạo; trong đó có bao nhiêu thiện pháp đi nữa, Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh, mà chư thiện trí dạy rằng: Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh là thiện pháp cao cả nhất trong tất cả mọi thiện pháp.
Những chúng sinh nào có đức tin trong sạch, trong Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh, những chúng sinh ấy được gọi là người có đức tin trong sạch nơi Đức Pháp ngôi cao cả nhất,có đức tin trong sạch trong Đức Pháp ngôi cao cả ấy, chắc chắn được quả báu cao cả.
3) Tất cả các pháp cả pháp hữu vi lẫn pháp vô vi; trong đó có bao nhiêu pháp đi nữa, Niết Bàn pháp ly ái (virāga), mà chư thiện trí dạy rằng: Niết Bàn pháp ly ái, là pháp cao cả nhất, trong tất cả các pháp.
* Niết Bàn pháp ly ái: Là pháp như thế nào?
Là pháp làm cho không còn say mê trong ngũ trần.
Là pháp diệt tâm tham khao khát trong ngũ trần.
Là pháp nhổ tận gốc rễ tham ái dính mắc.
Là pháp cắt đứt tử sinh luân hồi trong tam giới.
Là pháp đoạn tuyệt tâm tham ái.
Là pháp dứt bỏ tâm tham dục.
Là pháp diệt mọi cảnh khổ, đó là Niết Bàn.
Những chúng sinh nào có đức tin trong sạch trong Niết Bàn pháp ly ái, những chúng sinh ấy được gọi là người có đức tin trong sạch nơi Niết Bàn pháp ly ái ngôi cao cả nhất, có đức tin trong sạch trong Niết Bàn pháp ly ái ngôi cao cả ấy, chắc chắn được quả báu cao cả.
4) Trong tất cả các nhóm, các đoàn thể, chư Tăng là Bậc Thanh Văn đệ tử của Như Lai, mà chư thiện trí dạy rằng: Chư Tăng là bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Như Lai là Bậc Thánh cao cả nhất, trong các nhóm, các đoàn thể ấy.
Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Như Lai có 4 đôi, thành 8 bậc Thánh là những Bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng cúng dường; là những Bậc xứng đáng được đón tiếp như vị khách quý; là những Bậc xứng đáng cho chúng sinh cúng dường, là những Bậc xứng đáng lễ bái; chư Thánh Tăng là phước điền của chúng sinh không nơi nào sánh được.
Những chúng sinh nào có đức tin trong sạch nơi chư Thánh Tăng, những chúng sinh ấy được gọi là người có đức tin trong sạch nơi Đức Tăng ngôi cao cả nhất, có đức tin trong sạch nơi Đức Tăng ngôi cao cả ấy, chắc chắn được quả báu cao cả.
- Này chư Tỳ-khưu, đức tin trong sạch trong bốn ngôi cao cả như vậy
Đức Phật thuyết bài kệ rằng:
Đức tin trong sạch nơi ngôi cao cả,
Trí tuệ hiểu biết nơi ngôi cao cả.
Đức tin trong sạch Đức Phật cao cả,
Là Bậc Vô Thượng xứng đáng cúng dường.
Đức tin trong sạch Đức Pháp cao cả,
Là pháp ly ái tịch tịnh an lạc.
Đức tin trong sạch Đức Tăng cao cả,
Là phước điền cao thượng của chúng sinh.
Người cúng dường đến chư Tăng cao cả,
Phước thiện cao cả được tăng trưởng nhiều,
Được quả báu cao cả là sống lâu,
Sắc đẹp, danh vọng, tiếng tăm, an lạc,
Và sức mạnh thể xác lẫn tinh thần.
Bậc thiện trí cúng dường vật cao cả,
Có định tâm vững trong pháp cao cả,
Bậc ấy sẽ là chư thiên, nhân loại,
Đạt đến nơi cao cả, tâm hoan hỷ.
Đức tin nơi Tam Bảo và quả báu
Đức tin nơi Tam Bảo đó là đức tin nơi Đức Phật Bảo, đức tin nơi Đức Pháp Bảo, đức tin nơi Đức Tăng Bảo. Để hiểu rõ đức tin nơi Tam Bảo như thế nào? và quả báu của nó ra sao? Điều này được Công chúa Cundī bạch hỏi Đức Thế Tôn; và Ngài giảng dạy trong bài kinh Cundīsutta ý nghĩa như sau:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Veluvana, gần kinh thành Rājagaha. Khi ấy, Công chúa Cundī cùng với 500 cỗ xe chở 500 công nương đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch với Đức Thế Tôn rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, hoàng huynh của con là Cunda dạy con rằng:
“Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, đến quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Pháp Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Tăng Bảo; và có tác ý thiện tâm tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi. Người ấy, sau khi chết, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện giới mà thôi, không tái sinh trong cõi ác giới”.
- Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin phép hỏi rằng:
Người có đức tin nơi Đức Phật Bảo như thế nào, sau khi chết, chỉ tái sinh trong cõi thiện giới mà thôi, không tái sinh trong cõi ác giới?
Người có đức tin nơi Đức Pháp Bảo như thế nào, sau khi chết, chỉ tái sinh trong cõi thiện giới mà thôi, không tái sinh trong cõi ác giới?
Người có đức tin nơi Đức Tăng Bảo như thế nào, sau khi chết, chỉ tái sinh trong cõi thiện giới mà thôi, không tái sinh trong cõi ác giới?
Người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn như thế nào, sau khi chết, chỉ tái sinh trong cõi thiện giới mà thôi, không tái sinh trong cõi ác giới?
Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:
- Này Cundī, tất cả các loài chúng sinh: Chúng sinh không chân, chúng sinh có hai chân, chúng sinh có bốn chân, chúng sinh có nhiều chân, chúng sinh có sắc uẩn, chúng sinh không có sắc uẩn, chúng sinh có tưởng, chúng sinh không có tưởng, chúng sinh không phải có tưởng, cũng không phải không có tưởng... Trong số chúng sinh có bao nhiêu đi nữa, Như Lai, Đức Phật Chánh Đẳng Giác mà chư thiện trí dạy rằng: Như Lai, Đức Phật Chánh Đẳng Giác là Bậc cao thượng nhất trong các loài chúng sinh ấy.
Những người nào có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, những người ấy được gọi là người có đức tin trong sạch nơi Đức Phật cao thượng, và có được quả báu cao thượng.
Này Cundī, các pháp hữu vi do nhân duyên cấu tạo, và các pháp vô vi không do nhân duyên cấu tạo, trong các pháp ấy có bao nhiêu đi nữa, Niết Bàn pháp ly ái (virāya) là pháp không còn say mê, diệt tâm tham khao khát, nhổ tận gốc tham ái dính mắc, cắt dứt tử sinh luân hồi, đó là Niết Bàn, mà chư thiện trí dạy rằng: Niết Bàn pháp ly ái là pháp cao thượng nhất trong các pháp.
Những người nào có đức tin trong sạch nơi Niết Bàn pháp ly ái, những người ấy được gọi là người có đức tin trong sạch nơi Đức Pháp cao thượng, và có được quả báu cao thượng.
Này Cundī, trong tất cả các nhóm, các đoàn thể, chư Thánh Tăng Thanh Văn đệ tử của Như Lai có 4 đôi thành 8 bậc Thánh là Bậc xứng đáng thọ nhận các thứ vật dụng cúng dường; là những Bậc xứng đáng được đón tiếp như vị khách quý; là những Bậc xứng đáng cho chúng sinh cúng dường; là những Bậc xứng đáng lễ bái, chư Thánh Tăng là phước điền cao thượng của chúng sinh không nơi nào sánh được, mà chư thiện trí dạy rằng: Chư Thánh Tăng ấy là Bậc cao thượng nhất trong các nhóm, các đoàn thể.
Những người nào có đức tin trong sạch nơi chư Thánh Tăng, những người ấy được gọi là người có đức tin trong sạch nơi Đức Tăng cao thượng; và có được quả báu cao thượng.
Này Cundī, trong các loại giới có bao nhiêu đi nữa, giới mà chư Thánh Nhân kính yêu đó là giới không bị đứt, giới không bị thủng, giới không bị đốm, giới không bị đứt lan, tự chủ, mà chư bậc thiện trí tán dương ca tụng, tà kiến và tham ái không thể nương nhờ giới ấy. Nhờ giới trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Cho nên chư thiện trí dạy rằng: Giới của các bậc Thánh là giới cao thượng nhất trong các loại giới.
Những người nào có đức tin trong sạch trong giới của bậc Thánh Nhân, những người ấy được gọi là người có đức tin trong sạch trong giới cao thượng; và được quả báu cao thượng.
Đức Phật thuyết dạy bài kệ rằng:
Đức tin trong sạch nơi ngôi cao cả,
Trí tuệ hiểu biết nơi ngôi cao cả.
Đức tin trong sạch Đức Phật cao cả
Là Bậc Vô Thượng xứng đáng cúng dường,
Đức tin trong sạch Đức Pháp cao cả,
Là pháp ly ái tịch tịnh an lạc.
Đức tin trong sạch Đức Tăng cao cả
Là phước điền cao thượng của chúng sinh.
Người cúng dường đến chư Tăng cao cả,
Phước thiện cao cả được tăng trưởng nhiều,
Được quả báu cao cả là sống lâu,
Sắc đẹp, danh vọng, tiếng tăm, an lạc,
Và sức mạnh thể xác lẫn tinh thần.
Bậc thiện trí cúng dường vật cao cả,
Có định tâm vững trong pháp cao cả,
Bậc ấy sẽ là chư thiên, nhân loại
Đạt đến nơi cao cả, tâm hoan hỷ.
Đức tin là pháp dẫn đầu trong các thiện pháp từ tam giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp.
Đối với các bậc Thánh Nhân, chắc chắn luôn luôn có đức tin hoàn toàn trong sạch nơi Tam Bảo, một cách vững chắc, không có sự việc gì có thể làm cho bậc Thánh Nhân giảm đức tin nơi Tam Bảo; bởi vì các bậc Thánh Nhân đã diệt bằng cách đoạn tuyệt được phiền não hoài nghi.
Đối với các các hàng cận sự nam, cận sự nữ còn phàm nhân, có đức tin luôn luôn trong sạch nơi Tam Bảo không phải điều dễ dàng; bởi vì các hàng phàm nhân còn có nhiều phiền não chi phối, nhất là phiền não hoài nghi nơi Tam Bảo, nghiệp và quả của nghiệp.
Như vậy, để dễ dàng phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, cần phải có đối tượng cao cả và rõ ràng. Như Đức Phật dạy trong kinh Cundīsutta:
- Đức tin trong sạch nơi Đức Phật Bảo đó là đức tin nơi Đức Phật Chánh Đẳng Giác là Bậc cao cả nhất trong tất cả các loài chúng sinh trong tam giới.
- Đức tin trong sạch nơi Đức Pháp Bảo đó là đức tin nơi Niết Bàn pháp ly ái là pháp giải thoát mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
- Đức tin trong sạch nơi Đức Tăng Bảo đó là đức tin nơi chư Thánh Tăng có 4 đôi thành 8 bậc Thánh, là phước điền cao thượng của chúng sinh không nơi nào sánh được.
Khi có đối tượng Tam Bảo cao cả và rõ ràng, thì người cận sự nam, cận sự nữ mới dễ dàng phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo và giữ gìn duy trì được đức tin ấy, chắc chắn sẽ có được quả báu cao cả nhất trong các quả báu trong đời.