NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp
Quyển III:
Hành Giới
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy.
Paṇāmagāthā
Tilokekagaruṃ Buddhaṃ,
Pāyādibhayahiṃsakaṃ,
Āyuno pariyosānaṃ,
Gacchāmi saraṇaṃ ahaṃ.
Ādimajjhantakalyāṇam,
Buddhassa dhammamosadhaṃ,
Nibbānapariyosānaṃ,
Gacchāmi saraṇaṃ ahaṃ.
Tassa sāvakasaṃghañca,
Puññakkhettaṃ anuttaraṃ,
Arahattapriyosānaṃ,
Gacchāmi saraṇaṃ ahaṃ.
Buddhaṃ Dhammañca Saṃghañca,
Abhivandiya sādaraṃ,
Mūlabuddhasāsanan’ ti,
Ayaṃ gantho mayā kato.
Kệ lễ bái Tam Bảo
Đức Thế Tôn cao thượng nhất tam giới,
Dắt dẫn chúng sinh thoát khỏi họa tai,
Nguyện suốt đời con xin quy y Phật,
Mong chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế.
Pháp của Ngài như linh dược nhiệm mầu,
Hoàn hảo ở phần đầu giữa và cuối,
Nguyện suốt đời con xin quy y Pháp,
Mong được chứng ngộ Niết Bàn thoát khổ.
Tăng bậc Thánh Thanh Văn đệ tử Phật,
Là phước điền cao thượng của chúng sinh,
Nguyện suốt đời con xin quy y Tăng,
Mong được chứng đắc Thánh A-ra-hán.
Đức Phật Đức Pháp Đức Tăng cao thượng,
Con hết lòng thành kính lạy Tam Bảo,
Rồi góp nhặt biên soạn tập sách nhỏ,
Soạn phẩm này gọi “Nền Tảng Phật giáo”
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy.
Lời Nói Đầu
Bộ Nền Tảng Phật Giáo gồm có 9 chương, được chia làm 7 quyển.
Quyển I: Tam Bảo (Ratanattaya)
Gồm có 2 chương: Chương thứ nhất và chương thứ nhì.
* Chương thứ nhất: Ba Ngôi Cao Cả (Tiyagga)
- Đức Phật (Buddha)
- Đức Pháp (Dhamma)
- Đức Tăng (Saṃgha)
* Chương thứ nhì: Tam Bảo (Ratanattaya)
- Đức Phật Bảo (Buddharatana)
- Đức Pháp Bảo (Dhammaratana)
- Đức Tăng Bảo (Saṃgharatana)
Quyển II: Quy Y Tam Bảo (Tisaraṇa)
Gồm có hai chương: Chương thứ ba và chương thứ tư.
* Chương thứ ba: Ân Đức Tam Bảo (Ratanattayaguṇa)
- Ân Đức Phật (Buddhaguṇa)
- Ân Đức Pháp (Dhammaguṇa)
- Ân Đức Tăng (Saṃghaguṇa)
* Chương thứ tư: Quy Y Tam Bảo (Tisaraṇa)
- Quy y Phật Bảo (Buddhasaraṇa)
- Quy y Pháp Bảo (Dhammasaraṇa)
- Quy y Tăng Bảo (Saṃghasaraṇa)
Hai quyển này đã ấn hành xong, tiếp đến chương thứ V hành giới (sīlācāra) sẽ được trình bày trong quyển III.
Quyển III: Hành Giới (Sīlācāra)
Gồm có một chương: Chương thứ năm.
* Chương thứ năm: Hành Giới (Sīlācāra)
- Giới của người tại gia cư sĩ (Gahaṭṭhasīla)
- Giới của bậc xuất gia tu sĩ (Pabbajitasīla)
Hành giới là thế nào?
Theo truyền thống Phật giáo, đối với các hàng tại gia cư sĩ là người cận sự nam, cận sự nữ, sau khi thọ phép quy y Tam Bảo xong, tiếp theo thọ trì giới.
Giới của các hàng tại gia có nhiều loại giới như:
* Ngũ giới cho tất cả mọi người tại gia.
* Ngũ giới hành phạm hạnh cho bậc Thánh Bất Lai tại gia.
* Bát giới ājīvaṭṭhamakasīla cho tất cả mọi người tại gia và bậc xuất gia.
3 loại giới này nên được giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn suốt ngày đêm.
* Bát giới uposathasīla và cửu giới uposathasīla mỗi tháng quy định có 4 ngày, hoặc 6 ngày, hoặc 8 ngày giới... Nếu người cận sự nam, cận sự nữ nào có khả năng, thì thọ trì bát giới uposathasīla, hoặc cửu giới uposathasīla trong những ngày đó. Nếu không có khả năng, thì không bắt buộc phải thọ trì giới ấy.
* Thập giới của người tại gia, đối với người tại gia là cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, chưa có cơ hội xuất gia lâu dài, mà chỉ có rảnh rỗi thời gian ngắn, người ấy đến chùa xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì thập giới của người tại gia trong khoảng thời gian ngắn.
* Thập giới của bậc xuất gia Sadi, đối với vị Sadi, thập giới này là giới cần phải giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn suốt ngày đêm trong cả cuộc đời của vị Sadi.
* Giới của bậc xuất gia Tỳ khưu không phải thọ trì như các hàng tại gia cư sĩ và bậc xuất gia Sadi. Giới của Tỳ khưu được thành tựu đồng thời một lúc với lễ thọ Tỳ khưu tụng Ñatticatutthakammavācā xong.
Hành giới như thế nào?
Người có tác ý thiện tâm giữ gìn, bảo vệ những điều giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, nghĩa là tác ý thiện tâm giữ gìn thân tránh xa mọi ác nghiệp và giữ gìn khẩu tránh xa mọi ác nghiệp, đồng thời thành tựu thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp.
Giới trong sạch nghĩa là tác ý thiện tâm giữ gìn bảo vệ giới của mình không bị ô nhiễm bởi phiền não.
Và trọn vẹn nghĩa là giữ gìn các điều giới mà mình đã thọ trì được trong sạch và đầy đủ, không để giới bị đứt, giới bị thủng, giới bị đốm, giới bị đứt lan.
Người có tác ý thiện tâm giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, có nghĩa là giữ gìn, bảo vệ nhân cách trong sạch của mình, tôn trọng nhân phẩm con người của mình.
Thật ra, người ta có thể biết người khác là người thiện hay kẻ ác do nhờ giới của người ấy được biểu hiện nơi thân và khẩu.
Người có giới là người thiện, bởi do tác ý thiện đã tạo thân thiện nghiệp là tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm; và đã tạo khẩu thiện nghiệp là tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích...
Người phạm giới là người ác, bởi do tác ý ác đã tạo thân ác nghiệp là sát sinh, trộm cắp, tà dâm; và đã tạo khẩu ác nghiệp là nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích...
* Người có giới hưởng được 5 quả báu tốt lành:
- Có nhiều của cải quý giá do không có tính dể duôi.
- Có danh thơm, tiếng tốt lan truyền khắp cả 10 phương.
- Có tâm thiện dũng cảm, không e ngại sợ sệt khi đi vào nơi hội đoàn gia chủ, hội đoàn Vua Chúa, hội đoàn Samôn, hội đoàn Bàlamôn.
- Có tâm thiện bình tĩnh sáng suốt lúc lâm chung.
- Sau khi chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh trong cõi thiện giới là: Cõi người, các cõi trời dục giới.
* Người phạm giới, người không có giới phải chịu 5 quả xấu:
- Của cải bị tiêu hao, khánh kiệt do tính dể duôi.
- Có tiếng xấu lan truyền khắp cả 10 phương.
- Có tâm e ngại, sợ sệt khi đi vào hội đoàn gia chủ, hội đoàn Vua Chúa, hội đoàn Samôn, hội đoàn Bàlamôn.
- Có tâm ác tối tăm, mê muội lúc lâm chung.
- Sau khi chết, ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi ác giới: Cõi địa ngục, cõi atula, cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh.
Trong Chú giải bài kinh Sakkapañhasutta, có đoạn đề cập đến những người có giới trong sạch có thể lựa chọn được cảnh tái sinh 1 trong 6 cõi trời dục giới như:
“Parisuddhasīlā nāma chasu devalokesu yatthicchanti, tattha nibbattanti”.[1].
(Những người có giới trong sạch, lúc lâm chung tâm muốn tái sinh vào cõi trời nào trong 6 cõi trời dục giới, sau khi chết, do thiện nghiệp có giới ấy cho quả tái sinh trong cõi trời ấy, và hưởng được mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ).
Muốn tái sinh lên các cõi trời sắc giới hoặc cõi trời vô sắc giới, hành giả không những có giới trong sạch mà còn phải chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, hoặc bậc thiền vô sắc. Sau khi chết, chính bậc thiền cao nhất mà hành giả đã chứng đắc sẽ cho quả tái sinh lên cõi trời sắc giới hoặc cõi trời vô sắc giới, tùy theo bậc thiền sở đắc của hành giả.
Người phạm giới, người không có giới sẽ có tâm mê muội lúc lâm chung. Sau khi chết, ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi ác giới: Cõi địa ngục, hoặc cõi atula, hoặc cõi ngạ quỷ, hoặc cõi súc sinh tùy theo quả của ác nghiệp mà họ đã tạo, phải chịu khổ trong cõi ác giới ấy cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy. Nếu thiện nghiệp chưa có cơ hội cho quả thì ác nghiệp lại cho quả tái sinh trở lại trong cõi ác giới.
Như vậy, người có giới trong sạch hưởng được quả báu tốt lành trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. Ngược lại, người phạm giới, người không có giới phải chịu quả xấu, quả khổ ngay trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.Vậy chúng ta nên suy xét rằng: “Sự giữ gìn giới cho trong sạch và sự phạm giới, trong 2 sự việc này, sự việc nào dễ làm và sự việc nào khó làm?”.
Để giải đáp vấn đề này một cách trung thực và khách quan, chúng ta nên phân tích ra từng mỗi giới, rồi suy xét kỹ mỗi sự việc, lúc đó, mới có được một nhận thức đúng đắn, trung thực và khách quan.
Ví dụ phân tích về ngũ giới
1- Giới tránh xa sự sát sinh
a) Người có tác ý thiện tâm tránh xa sự sát sinh, nghĩa là không sát sinh, không cố gắng sát hại sinh mạng một chúng sinh nào dù lớn dù nhỏ, biết tôn trọng sinh mạng của mỗi chúng sinh như biết tôn trọng sinh mạng của mình. Do tự suy xét rằng: “Chính ta không muốn ai sát hại sinh mạng của ta, thì ta cũng không nên sát hại sinh mạng của chúng sinh khác, với bất cứ hình thức nào”. Đó là lẽ công bằng giữa mình với chúng sinh khác.
Như vậy, người có tác ý thiện tâm tránh xa sự sát sinh, không sát hại sinh mạng của chúng sinh. Đó là việc thiện dễ làm hay là việc thiện khó làm?
b) Người có tác ý bất thiện, rồi cố gắng suy tính tìm mọi cách để sát hại chúng sinh, bằng cách tự mình giết hại sinh mạng chúng sinh, hoặc sai khiến người khác sát hại sinh mạng chúng sinh,... Chúng sinh ấy chết do bởi sự cố gắng của mình.
Như vậy, người có tác ý bất thiện sát hại sinh mạng của chúng sinh khác, dù lớn dù nhỏ. Đó là việc ác dễ làm hay là việc ác khó làm?
2- Giới tránh xa sự trộm cắp tài sản của người khác
a) Người có tác ý thiện tâm tránh xa sự trộm cắp tài sản của người khác, không trộm cắp tài sản của riêng một người nào, hoặc của chung một công ty, hoặc của nhà nước (như trốn thuế, chiếm đoạt tài sản nhà nước, v.v...), biết tôn trọng tài sản của người như biết tôn trọng tài sản của chính mình. Do tự suy xét rằng: “Chính ta không muốn ai đến chiếm đoạt tài sản của ta, thì ta cũng không nên chiếm đoạt tài sản của người khác một cách phi pháp”. Đó là lẽ công bằng giữa mình với mọi người.
Như vậy, người có tác ý thiện tâm tránh xa sự trộm cắp tài sản của riêng cá nhân, hoặc của chung (công ty, nhà nước...). Đó là việc thiện dễ làm hay là việc thiện khó làm?
b) Người có tác ý bất thiện, rồi cố gắng suy nghĩ tìm mọi cách để trộm cắp tài sản của cá nhân, hoặc của chung một công ty, hoặc của nhà nước (như trốn thuế, chiếm đoạt tài sản của nhà nước, v.v...), bằng cách tự mình trộm cắp, hoặc sai khiến người khác trộm cắp tài sản đem về cho mình.
Như vậy, người có tác ý bất thiện trộm cắp tài sản dù ít dù nhiều. Đó là việc ác dễ làm hay là việc ác khó làm?
3- Giới tránh xa sự tà dâm
a) Người có tác ý thiện tâm tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng, hoặc con cái của người khác, không phải là vợ hoặc chồng của mình, biết tôn trọng hạnh phúc gia đình của người khác như tôn trọng hạnh phúc của gia đình mình; có tính tự trọng một lòng thủy chung với vợ hoặc chồng của mình, không ngoại tình, không quan hệ tình dục bất chính với vợ hoặc chồng của người khác. Do tự suy xét rằng: “Chính ta không muốn ai đến phá hoại hạnh phúc gia đình ta, thì ta cũng không nên đi phá hoại hạnh phúc gia đình người khác”. Đó là lẽ công bằng giữa mình với mọi người.
Như vậy, người có tác ý thiện tâm tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng, hoặc con cái của người khác. Đó là việc thiện dễ làm hay là việc thiện khó làm?
b) Người có tác ý bất thiện, rồi cố gắng suy nghĩ tìm mưu này kế khác để dụ dỗ vợ hoặc chồng, hoặc con cái của người khác, phạm giới tà dâm với vợ hoặc chồng của người khác, cố gắng phá hoại hạnh phúc gia đình của mình và gia đình của người khác, là con người vô liêm sĩ, không biết tự trọng, mất lòng thủy chung với vợ hoặc chồng của mình...
Như vậy, người có tác ý bất thiện phạm giới tà dâm với vợ hoặc chồng, con cái của người khác. Đó là việc ác dễ làm hay là việc ác khó làm?
4- Giới tránh xa sự nói dối
a) Người có tác ý thiện tâm tránh xa sự nói dối, chỉ nói lời chân thật mà thôi, nghĩa là:
- Khi mắt thấy như thế nào, thì nói như thế ấy.
- Khi không thấy, thì nói không thấy.
- Khi tai nghe như thế nào, thì nói như thế ấy.
- Khi không nghe, thì nói không nghe.
- Khi ngửi, khi nếm, khi xúc giác như thế nào, thì nói như thế ấy.
- Khi không ngửi, không nếm, không xúc giác, thì nói không ngửi, không nếm, không xúc giác.
- Khi tâm biết thế nào, thì nói thế ấy.
- Khi không biết điều ấy, thì nói không biết...
Do tự suy xét rằng: “Chính ta không muốn ai đến nói dối, lừa gạt ta, thì ta cũng không nên nói dối, lừa gạt người khác” Đó là lẽ công bằng giữa mình với mọi người.
Người có tác ý thiện tâm tránh xa sự nói dối, mà chỉ nói lời chân thật như vậy. Đó là việc thiện dễ nói hay là việc thiện khó nói?
b) Người có tác ý bất thiện nói dối để lừa dối, lừa đảo, lừa gạt... người khác cốt để gây sự tai hại cho người khác, để đem lại sự lợi ích cho mình như:
- Khi mắt thấy, thì nói không thấy.
- Khi không thấy, thì nói thấy.
- Khi tai nghe, thì nói không nghe.
- Khi không nghe, thì nói nghe.
- Khi ngửi, khi nếm, khi xúc giác, thì nói không được ngửi, không được nếm, không được xúc giác.
- Khi không ngửi, không nếm, không xúc giác, thì nói có ngửi, có nếm, có xúc giác.
- Khi tâm biết rõ điều ấy, thì nói không biết.
- Khi không biết rõ điều ấy, thì nói biết...
Người có tác ý bất thiện nói dối để lừa dối, lừa đảo, lừa gạt,... người khác, họ cần phải cố gắng suy nghĩ tìm ra mưu kế thâm độc khiến cho người nghe phải tin theo, đồng thời che giấu được lời giả dối của mình... Đó là việc ác dễ nói hay là việc ác khó nói?
5- Giới tránh xa sự uống rượu và các chất say
a) Người có tác ý tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi, chỉ uống nước chín, nước lọc, nước ngọt,... những thứ nước này nhà nào cũng có, nơi nào cũng có. Uống các thứ nước này là chỉ để khỏi khát nước, lúc cơ thể cần có nước, giúp duy trì mạng sống được an lạc. Và tránh xa các chất say, chỉ dùng những chất bổ dưỡng cho sức khỏe con người, giúp cho con người khỏe mạnh, có trí tuệ sáng suốt, có sự tinh tấn trong mọi công việc, để đem lại sự lợi ích cho mình và cho mọi người... Đó là việc thiện dễ làm hay là việc thiện khó làm?
b) Người có tác ý bất thiện muốn uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi. Người muốn uống rượu phải đi tìm rượu, lựa chọn thứ rượu mà mình thích, không phải nơi nào cũng có, chỉ có bán nơi các tiệm bán rượu mà thôi. Khi người ấy uống rượu vào rồi, làm cho người ấy say sưa, ngây ngất, không còn tự chủ, mất trí, cuồng điên, si mê tăm tối không phân biệt được thiện - ác, chánh - tà, làm khổ mình, làm khổ người khác. Và người muốn dùng các chất say như thuốc phiện, ma túy, cần sa, thuốc lá... Đó là những chất say, chất nghiện mà người đã dùng nó rồi sẽ khiến cho người ấy say ngây ngất, có khi kích thích cho người ấy có sức lực bạo dạn làm điều ác.
Khi người nào đã dùng các chất say trở thành người nghiện, mỗi khi lên cơn nghiện, người ấy cảm thấy khao khát, thèm muốn cực độ, không còn biết tự chủ nữa, dám làm những điều ác mà không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, tự làm khổ mình, làm khổ người khác...
Người uống rượu và các chất say lâu ngày sẽ sinh ra các thứ bệnh nan y khó có thể chữa trị được.
Như vậy, người có tác ý bất thiện uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi. Đó là việc ác dễ làm hay là việc ác khó làm?
Mỗi giới đã được phân tích, độc giả là bậc thiện trí có trí tuệ sáng suốt, suy cho kỹ, xét cho cùng để có một nhận thức đúng đắn rằng:
- Người có tác ý thiện tâm giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn, không cố ý phạm ngũ giới, đó là việc thiện dễ làm hay là việc thiện khó làm?
- Người có tác ý bất thiện, cố gắng phạm giới, đó là việc ác dễ làm hay là việc ác khó làm?
Hành giới thuộc về pháp hành
Trong Phật giáo, pháp hành có 3 pháp chính:
* Pháp hành giới: Hành giả có tác ý thiện tâm giữ gìn giới mà mình đã thọ trì cho được trong sạch và trọn vẹn.
* Pháp hành định đó là pháp hành thiền định: Hành giả thực hành pháp hành thiền định để dẫn đến chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, các bậc thiền vô sắc.
* Pháp hành tuệ đó là pháp hành thiền tuệ: Hành giả thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến phát sinh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của danh pháp - sắc pháp; thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của danh pháp - sắc pháp; thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp - sắc pháp, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng.
3 pháp hành này phát sinh theo tuần tự trước - sau, có nhân và quả liên quan với nhau:
─ Pháp hành giới là pháp hành ở phần đầu. Khi pháp hành giới được giữ gìn trong sạch và trọn vẹn, sẽ làm nền tảng để cho pháp hành định, pháp hành thiền định được phát triển.
─ Pháp hành định, pháp hành thiền định là pháp hành ở phần giữa. Khi pháp hành thiền định được phát triển, định tâm vững chắc trong đối tượng thiền định, có khả năng chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, và các bậc thiền vô sắc, sẽ làm nền tảng để cho pháp hành tuệ, pháp hành thiền tuệ được phát triển.
─ Pháp hành tuệ, pháp hành thiền tuệ là pháp hành ở phần cuối. Khi pháp hành thiền tuệ được phát triển sẽ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, mọi phiền não không còn dư sót.
Như vậy, pháp hành giới là nhân thì pháp hành định là quả; pháp hành định là nhân thì pháp hành tuệ là quả; nhân với quả luôn luôn liên quan với nhau.
Pháp hành giới ví như thửa đất tốt.
Pháp hành định ví như giống cây ăn trái.
Pháp hành tuệ ví như hoa và quả.
Thửa đất tốt, màu mỡ làm nơi nương nhờ để cho các giống cây ăn trái phát sinh và phát triển; khi các giống cây ăn trái phát triển thì sẽ đơm hoa kết trái, rồi chín tới ngon ngọt bổ dưỡng.
Nếu không có thửa đất tốt, màu mỡ làm nơi nương nhờ thì các giống cây ăn trái không có nơi nương nhờ để phát sinh, đương nhiên cũng không có hy vọng có trái cây ngon ngọt bổ dưỡng.
Cũng như vậy, khi hành giới là giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, làm nền tảng cho pháp hành thiền định được phát triển; khi pháp hành thiền định được phát triển, tâm định được phát triển, tâm định vững chắc trong đối tượng làm nền tảng cho pháp hành thiền tuệ phát triển.
Nếu không có giới trong sạch và trọn vẹn thì pháp hành thiền định không có nơi nương để phát sinh, thì không thể có pháp hành thiền tuệ được.
Như vậy, hành giới, giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn có một tầm quan trọng rất lớn, là làm nền tảng cho pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ được phát sinh và phát triển. Cho nên, hành giả cần phải biết tôn trọng giới, bảo vệ giới của mình hơn bảo vệ sinh mạng của mình. Bởi vì giới trong sạch và trọn vẹn còn làm nền tảng cho mọi thiện pháp được phát sinh như dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp (4 Tâm Thánh Đạo). Tất cả mọi thiện pháp ấy đều nương nhờ nơi giới trong sạch và trọn vẹn để phát sinh và phát triển.
Giới có 2 loại:
1- Lokiyasīla: Giới trong tam giới thiện tâm có đối tượng tam giới.
2- Lokuttarasīla: Giới trong Siêu tam giới tâm thiện có đối tượng Niết Bàn Siêu tam giới.
Trong Tạng Luật, bộ Parivārapāḷi, Đức Phật dạy rằng:
“Vinayo saṃvaratthāya, saṃvaro avippaṭisāratthāya, avippaṭisāro pāmujjatthāya...... yadidaṃ anupādācittassa vimokkho’ti”([1]).
“Giới luật là để giữ gìn, bảo vệ những điều giới được trong sạch.
Điều giới được giữ gìn bảo vệ trong sạch là để cho tâm được mát mẻ (không nóng nảy).
Tâm mát mẻ là để phát sinh tâm hài lòng hoan hỷ.
Tâm hài lòng hoan hỷ là để phát sinh pháp hỷ.
Pháp hỷ là để phát sinh thân an tịnh, tâm an tịnh.
Thân, tâm an tịnh là để phát sinh tâm an lạc.
Tâm an lạc là để phát sinh tâm thiền định.
Tâm thiền định là để phát sinh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của danh pháp - sắc pháp.
Trí tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của danh pháp - sắc pháp là để phát sinh trí tuệ thiền tuệ nhàm chán danh pháp - sắc pháp.
Trí tuệ nhàm chán danh pháp - sắc pháp là để phát sinh pháp ly dục (Thánh Đạo).
Pháp ly dục (Thánh Đạo) là để cho quả giải thoát khổ (Arahán Thánh Quả).
Pháp giải thoát khổ (Arahán Thánh Quả) là để phát sinh trí tuệ quán xét 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, đã diệt đoạn tuyệt mọi phiền não không còn dư sót nữa”.
Pháp giải thoát khổ hoàn toàn là Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn.
Những điều giới làm nền tảng để cho các pháp phát sinh từ nhân này đến quả kia liên hoàn với nhau từ tam giới đến Siêu tam giới.
Vì thế, giới là nguồn gốc của mọi thiện pháp. Do đó, người nào có giới thì người ấy có thể có mọi thiện pháp. Và trái lại, người nào không có giới thì người ấy không có thiện pháp, mà có ác pháp. Cho nên, giữ gìn, bảo vệ giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn là điều thiết yếu để làm nền tảng cho mọi thiện pháp phát sinh.
Muốn cho giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, hành giả cần phải có đức tin. Nhờ có đức tin hỗ trợ tác ý thiện tâm giữ gìn giới mới được trong sạch và trọn vẹn.
Trong quyển “Hành Giới” này có trình bày các loại giới của người tại gia cư sĩ như: Ngũ giới, ngũ giới hành phạm hạnh, bát giới ājīvaṭṭhamakasīla, bát giới uposathasīla, cửu giới uposathasīla, thập giới của người tại gia. Trong tất cả các loại giới này, ngũ giới và bát giới ājīvaṭṭhamakasīla là thường giới của người tại gia. Người tại gia phải nên giữ gìn 2 loại giới này suốt ngày đêm cho được trong sạch và trọn vẹn. Bởi vì, nếu phạm điều giới nào thì cũng đem lại sự tai hại trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai.
Ngoài 2 giới ấy ra, người cận sự nam, cận sự nữ nào có khả năng thọ trì và giữ gìn bát giới uposathasīla, cửu giới uposathasīla, thập giới của người tại gia. cho được trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy chắc chắn sẽ được nhiều phước thiện đặc biệt và quả báu cũng đặc biệt hơn ngũ giới.
Về phần giới của bậc xuất gia Sadi và Tỳ khưu, thì trong quyển sách này chỉ trình bày tóm tắt mà thôi, bởi vì giới của Sadi và giới của Tỳ khưu có rất nhiều loại. Cho nên, trong quyển sách nhỏ này không thể trình bày đầy đủ được.
Trong quyển sách “Hành Giới” này, bần sư đã cố gắng hết sức để sưu tầm, góp nhặt những tài liệu về giới từ Tam Tạng Pāḷi (Tạng Luật, Tạng Kinh, Tạng Vi Diệu Pháp) và các Chú giải Pāḷi chỉ được bấy nhiêu thôi! Tuy bần sư đã cố gắng hết mình giảng giải để giúp cho độc giả tìm hiểu rõ về giới, nhưng thật ra, giới là một đề tài rộng lớn và rất vi tế. Do khả năng của bần sư có hạn, nên chắc chắn không sao tránh khỏi những điều sơ sót, thậm chí còn có chỗ sai ngoài khả năng hiểu biết của bần sư.
Để lần sau tái bản được hoàn thiện hơn, kính mong chư bậc thiện trí từ bi chỉ giáo, góp ý chân tình.
Kính xin quý vị xem soạn phẩm này như là của chung, mà mỗi người trong chúng ta, ai cũng có bổn phận đóng góp xây dựng, để cho soạn phẩm này được hoàn hảo, hầu mong đem lại sự lợi ích chung, sự tiến hóa, sự an lạc cho phần đông chúng ta. Bần sư kính cẩn đón nhận những lời đóng góp phê bình xây dựng ấy của chư bậc thiện trí và kính xin quý Ngài ghi nhận nơi đây lòng chân thành biết ơn sâu sắc của bần sư.
Quyển sách “Hành Giới” này được hoàn thành do nhờ có nhiều người giúp sức như: Dhammacitta Bhikkhu (Tỳ khưu Tâm Pháp), cô Sumittā, cô Dhammanandā xem bản thảo; đệ tử Sīlācāra (Giới Hạnh) đã tận tình đánh máy vi tính, dàn trang, làm thành quyển; các thí chủ trong nước và ngoài nước có đức tin trong sạch lo ấn hành là: Pháp đệ Tịnh Đức cùng nhóm Phật tử chùa Đạo Quang (Hoa Kỳ), Pháp đệ Bửu Đức cùng nhóm Phật tử chùa Hương Đạo (Hoa Kỳ), gia đình anh Đinh Vạn Xuân cùng nhóm Phật tử ở Úc, gia đình cô Dhammanandā (Pháp), các nhóm Phật tử ở Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Canada, Úc..., gia đình Hoàng Quang Chung, gia đình Đinh Thị Phương Mai,... và đã được Nhà xuất bản Tôn Giáo cho phép ấn hành. Bần sư vô cùng hoan hỷ và biết ơn tất cả quý vị.
Nhân dịp này, con là Dhammarakkhita Bhikkhu (Tỳ khưu Hộ Pháp) thành kính dâng phần pháp thí thanh cao này đến Ngài Vaṃsarakkhitamahāthera (Cố Đại Trưởng Lão Hộ Tông) là sư phụ của con, đồng thời đến quý Ngài Cố Đại Trưởng Lão Thiện Luật, Ngài Cố Đại Trưởng Lão Bửu Chơn, Ngài Cố Đại Trưởng Lão Giới Nghiêm, Ngài Cố Đại Trưởng Lão Hộ Giác (chùa Từ Quang) cùng chư Đại Trưởng Lão, Đại đức khác đã dày công đem Phật giáo Nguyên Thủy (Theravāda) về truyền bá trên quê hương Việt Nam thân yêu, và xin kính dâng đến chư Đại Trưởng Lão ở nước Thái Lan, nước Myanmar (Miến Điện), đã có công dạy dỗ con về pháp học và pháp hành.
Con kính mong quý Ngài hoan hỷ.
Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.
Phước thiện pháp thí thanh cao này, xin hồi hướng đến tất cả thân quyến của chúng con, từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, cầu mong quý vị hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện này để thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài.
Imaṃ puññābhāgaṃ mātāpitu-ācariya-ñāti-mittānañceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu.
Chúng con thành tâm hồi hướng, chia phước đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân quyến, bạn hữu cùng tất cả chúng sinh từ cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, nhân loại, chư thiên trong các cõi trời dục giới, chư phạm thiên trong các cõi trời sắc giới... tất cả quý vị hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện pháp thí thanh cao này, cầu mong quý vị thoát khỏi mọi sự khổ, được an lạc lâu dài.
Idaṃ me dhammadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.
Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Nếu mỗi người trong chúng con chưa diệt đoạn tuyệt được phiền não trầm luân, chưa giải thoát khổ sinh, vẫn còn tiếp tục tử sinh luân hồi, thì do năng lực phước thiện pháp thí thanh cao này ngăn cản mọi ác nghiệp không có cơ hội cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; và cũng do năng lực pháp thiện này chỉ hỗ trợ thiện nghiệp cho quả tái sinh trong cõi thiện giới... mà thôi. Được sinh kiếp nào, mỗi người trong chúng con là người có chánh kiến, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có duyên lành được gần gũi thân cận với bậc thiện trí, có đức tin trong sạch nơi bậc thiện trí, cố gắng tinh tấn hành theo lời giáo huấn của bậc thiện trí, không ngừng tạo mọi pháp hạnh ba-la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn, để mong sớm chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, mong diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, trở thành bậc Thánh Arahán.
Trong vòng tử sinh luân hồi, mỗi khi chúng con được nghe tin lành Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng ngự nơi nào, dù gần dù xa, chúng con liền phát sinh tâm hỷ lạc, có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng; quyết tâm tìm đến nơi ấy, để hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, hoặc chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Ngài, lắng nghe chánh pháp, cố gắng tinh tấn hành theo chánh pháp của Ngài, để mong chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp, trở thành bậc Thánh Arahán sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Do nhờ năng lực phước thiện pháp thí thanh cao này hỗ trợ, nhắc nhở cho mỗi người chúng con, khi thành tựu quả báu ở cõi người (manussasampatti) như thế nào, cũng không đắm say trong cõi người; hoặc khi thành tựu quả báu ở cõi trời (devasampatti) hưởng được an lạc như thế nào, cũng không đắm say trong cõi trời. Bởi vì mục đích cứu cánh cao cả của mỗi chúng con là cầu mong sớm thành tựu quả báu chứng ngộ Niết Bàn (Nibbānasampatti), giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Icchitaṃ patthitaṃ amhaṃ,
Khippameva samijjatu.
Điều mong ước, ý nguyện của chúng con,
Cầu mong sớm được thành tựu như ý.
Mùa an cư nhập hạ Pl. 2550
Thiền viện Viên Không,
Xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Tỳ khưu Hộ Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
Chương IV Quy Y Tam Bảo đã trình bày trong quyển Nền Tảng Phật Giáo II Quy Y Tam Bảo xong, chương V trình bày về Hành Giới.
Hành giới: Sīlācāra nghĩa là hành các điều giới của mình.
Trong pháp hành Phật giáo, pháp hành giới là pháp hành đầu tiên để làm nền tảng cho pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ được phát triển.
Thế nào gọi là pháp hành giới?
Pháp hành giới là tác ý thiện (kusalacetanā) giữ gìn các điều giới của mình, tránh xa mọi thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp; đồng thời thành tựu thân hành thiện, khẩu hành thiện; và hành 14 pháp hành phận sự([1]) đầy đủ đối với bậc xuất gia Sadi, Tỳ khưu... gọi là pháp hành giới.
Pháp nào gọi là giới?
Trong bộ Paṭisambhidāmagga có trình bày 4 pháp gọi là giới:
1- Cetanāsīla: Tác ý gọi là giới.
2- Cetasikasīla: Tâm sở tiết chế (viraticetasika) gọi là giới.
3- Saṃvarasīla: Thu thúc không để tâm ác phát sinh gọi là giới.
4- Avītikkamasīla: Không phạm điều giới gọi là giới.
1- Cetanāsīla: Tác ý gọi là giới như thế nào?
Tác ý thiện (kusalacetanā) tránh xa mọi thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp; và tác ý thiện làm tròn phận sự 14 pháp hành... gọi là tác ý giới.
2- Cetasikasīla: Tâm sở tiết chế gọi là giới như thế nào?
Tâm sở tiết chế (viraticetasika) có 3 loại:
─ Chánh ngữ (sammāvācā): Lời nói chân chánh, đó là tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) và tránh xa sự nói lời vô ích.
─ Chánh nghiệp (sammākammanta): Hành nghiệp chân chánh đó là tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm.
─ Chánh mạng (sammāājīva): Nuôi mạng chân chánh đó là tránh xa cách sống tà mạng do thân hành ác, khẩu hành ác.
Tiết chế (virati) gọi là giới có 3 trường hợp:
─ Sampattavirati: Tiết chế tránh xa ác nghiệp khi gặp đối tượng đang hiện hữu.
─ Samādānavirati: Tiết chế tránh xa ác nghiệp do đã thọ trì giới.
─ Samucchedavirati: Tiết chế tránh xa ác nghiệp một cách đoạn tuyệt do năng lực của Thánh Đạo Tuệ của bậc Thánh Nhân.
* Sampattavirati: Tiết chế tránh xa ác nghiệp khi gặp đối tượng đang hiện hữu như thế nào?
Trường hợp một người chưa xin thọ trì giới, đến khi gặp phải đối tượng có thể làm cho phạm giới; người ấy vốn là bậc thiện trí học nhiều hiểu rộng, có trí tuệ sáng suốt, biết tự răn dạy mình rằng:
“Ta chớ nên tạo ác nghiệp, bởi vì ác nghiệp chỉ làm khổ mình, khổ chúng sinh khác mà thôi”.
Sở dĩ người ấy có sự nhận thức đúng đắn như vậy là nhờ sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống đạo đức, được giáo dục tốt. Đến khi trưởng thành nên người, là người có học thức và đạo đức tốt.
Ví dụ: Tích cậu Cakkana([2] ) ở đảo Sihaḷa (nước Srilankā), được tóm lược như sau:
Mẹ của cậu Cakkana bị lâm bệnh, người anh sai bảo cậu Cakkana vào rừng săn bắt một con thỏ đem về để làm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Cậu Cakkana vâng lời mang lưới vào rừng, giăng lưới bắt thỏ. Thấy một con thỏ đang đi ăn cỏ, cậu liền vây đuổi làm cho con thỏ hoảng sợ cắm đầu chạy về phía trước để lánh nạn, nó bị mắc lưới, kêu: ‘kiri! kiri!’ vùng vẫy sợ chết. Cậu Cakkana nghe tiếng thỏ kêu, chạy đến bắt con thỏ và nghĩ rằng: “Ta đem con thỏ này về làm thuốc chữa bệnh cho mẹ”. Nhìn thấy con thỏ đau khổ, sợ chết, cậu phát sinh tâm bi nghĩ lại rằng:
“Chúng sinh đều muốn bảo vệ sinh mạng, sợ chết. Vậy ta không nên sát hại con thỏ này để làm thuốc trị bệnh cho mẹ ta”.
Cậu Cakkana buông thả con thỏ để nó chạy trở lại vào rừng, rồi trở về với tâm thanh thản và nhẹ nhàng. Thấy cậu, người anh liền hỏi:
─ Sao em không bắt được con thỏ nào?
Cậu thuật lại sự việc đã xảy ra, liền bị người anh trách mắng. Cậu đến bên cạnh người mẹ hiền, phát nguyện bằng lời chân thật rằng:
“Từ khi con sinh ra, trưởng thành, cho đến hôm nay, con chưa từng có tác ý sát hại một chúng sinh nào. Do lời chân thật này, xin cho mẹ hiền hết bệnh”.
Thật là lạ thường! Do năng lực lời phát nguyện chân thật của cậu, bệnh tình của người mẹ chẳng bao lâu đã khỏi hẳn.
Đó là trường hợp tiết chế tránh xa ác nghiệp, khi gặp đối tượng đang hiện hữu.
* Samādānavirati: Tiết chế tránh xa ác nghiệp do đã thọ trì giới như thế nào?
Trường hợp một người đã xin thọ trì giới, sau đó, gặp phải đối tượng có thể làm cho bị phạm giới; nhưng người ấy niệm tưởng lại giới mà mình đã thọ trì, quyết tâm giữ gìn giới cho trong sạch trọn vẹn, dù phải hy sinh sinh mạng, chứ không để phạm giới.
Ví dụ: Tích chuyện người cận sự nam tên Uttaravaḍḍha-māna([1]), được tóm lược như sau:
Một buổi sáng, cận sự nam Uttaravaḍḍhamāna đến đảnh lễ Ngài Đại đức Buddharakkhita, xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới xong, xin phép Ngài trở về nhà, dắt bò ra đồng cày ruộng. Cày xong, ông thả bò cho đi ăn cỏ, chẳng may con bò đi lạc đường. Người cận sự nam đi tìm theo dấu chân bò dọc theo ven núi, chẳng may bị một con trăn lớn siết chặt vào người. Lúc bấy giờ, trong người cận sự nam có mang theo một con dao bén và nhọn, ông bèn nghĩ rằng: “Ta rút con dao này cắt cổ con trăn”. Nhưng ông chợt nhớ lại rằng: “Sáng hôm nay ta đã thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới nơi Ngài Đại đức Buddharakkhita; ta nên giữ gìn ngũ giới cho trong sạch và đầy đủ, không nên phạm điều giới sát sinh”.
Con trăn càng lúc càng xiết mạnh, làm cho thân mình ông vô cùng đau đớn, ông lại nghĩ đến việc rút con dao bén giết hại con trăn, để cứu sinh mạng của mình. Nhưng ông lại nghĩ như lần trước, nên không giết chết con trăn. Mãi cho đến lần thứ ba, lần này ông suy xét rằng: “Sở dĩ, bao nhiêu lần ta định giết hại con trăn này, là vì ta ỷ lại trong mình ta có con dao”.
Nghĩ vậy, người cận sự nam rút con dao ném ra xa, rồi phát nguyện rằng: “Thà rằng ta chịu hy sinh sinh mạng để giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn, quyết tâm không để phạm giới”.
Do năng lực của giới, khiến con trăn từ từ buông ra khỏi mình ông, rồi bò vào rừng.
Đó là trường hợp tiết chế tránh xa ác nghiệp do đã thọ trì ngũ giới.
* Samucchedavirati: Tiết chế tránh xa ác nghiệp một cách đoạn tuyệt như thế nào?
Trường hợp hành giả thực hành thiền tuệ, trí tuệ thiền tuệ phát sinh theo tuần tự đến trí tuệ thứ 14 gọi là Thánh Đạo Tuệ có Niết Bàn làm đối tượng, nên diệt được phiền não một cách đoạn tuyệt. Loại phiền não nào đã bị diệt đoạn tuyệt do năng lực của Thánh Đạo Tuệ rồi, loại phiền não ấy vĩnh viễn không bao giờ phát sinh trở lại được nữa.
Bậc Thánh Nhập Lưu có giới đức hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn.
3- Saṃvarasīla: Thu thúc, giữ gìn thân, khẩu, ý không để ác tâm phát sinh gọi là giới như thế nào?
Thu thúc, giữ gìn thân, khẩu, ý không để ác tâm phát sinh có 5 loại:
- Pātimokkhasaṃvara: Thu thúc với tác ý giữ gìn 227 điều giới trong giới bổn Tỳ khưu (Bhikkhupātimokkha) bằng đức tin.
- Satisaṃvara: Thu thúc, giữ gìn bằng chánh niệm trong 6 môn: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý không để phiền não phát sinh (thuộc về giới giữ gìn 6 môn).
- Ñāṇasaṃvara: Thu thúc, giữ gìn bằng trí tuệ ngăn chặn phiền não tham, sân, si,… không cho phát sinh trong tâm (thuộc về giới quán tưởng 4 thứ vật dụng hằng ngày đêm).
- Khantisaṃvara: Thu thúc, giữ gìn bằng tâm nhẫn nại, khi gặp thời tiết nóng, lạnh, cảnh đói, khát, những đối tượng trái ý nghịch lòng, v.v... mà sân tâm không phát sinh, chỉ có thiện tâm phát sinh mà thôi.
- Vīriyasaṃvara: Thu thúc, giữ gìn bằng tinh tấn ngăn ác pháp chưa phát sinh thì không cho phát sinh; tinh tấn diệt ác pháp đã sinh; tinh tấn làm cho thiện pháp chưa phát sinh thì phát sinh; và tinh tấn làm phát triển thiện pháp đã sinh (thuộc về giới nuôi mạng thanh tịnh).
4- Avītikkamasīla: Không phạm điều giới gọi là giới như thế nào?
Sau khi đã thọ trì giới xong rồi, hành giả có đức tin trong sạch, có tác ý thiện giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn; dù phải hy sinh sinh mạng của mình, quyết tâm giữ gìn, bảo vệ giới cho trong sạch và trọn vẹn, không để phạm giới.
Như vậy, thu thúc, giữ gìn bảo vệ điều giới không để bị phạm gọi là giới.
Trong bộ Paṭisambhidāmagga trình bày giới có 3 loại:
- Kusalasīla: Giới thiện đó là tâm sở tác ý đồng sinh với thiện tâm.
- Akusalasīla: Giới bất thiện (giới ác) đó là tác ý tâm sở đồng sinh với bất thiện tâm (ác tâm).
- Abyākatasīla: Giới không thiện không ác đó là tác ý tâm sở đồng sinh với tâm quả và tâm duy tác.
Trong 3 loại giới này, giới cần giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn thuộc giới thiện, đó là tác ý tâm sở đồng sinh với dục giới đại thiện tâm.
Ý Nghĩa Của Giới (Sīla)
Giới có nhiều ý nghĩa
* Sīla: Giới có ý nghĩa là sīlana: Hành.
─ Sīlana: Hành có 2 ý nghĩa.
1- Samādhāna: Hành giới làm cho thân và khẩu được tự nhiên đàng hoàng. Người hành giới có thân hành thiện, khẩu nói thiện, nên cử chỉ hành động của thân đàng hoàng tự nhiên đáng kính, nói năng nhã nhặn đáng yêu.
2- Upadhāraṇa: Hành giới trong sạch để làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ.
Pháp hành đầu tiên là pháp hành giới có khả năng diệt phiền não loại thô (vītikkama-kilesa) nơi thân và khẩu, cho nên giới được thanh tịnh.
Giới thanh tịnh làm nền tảng cho pháp hành thiền định được phát triển. Pháp hành thiền định có khả năng diệt phiền não loại trung (pariyuṭṭhānakisela) ở trong tâm, để chứng đắc các bậc thiền hữu sắc và các bậc thiền vô sắc.
Giới thanh tịnh làm nền tảng cho pháp hành thiền tuệ được phát triển từ trí tuệ thiền tuệ tam giới (lokiyavipassanā) cho đến trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới (Lokuttaravipassanā) chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, có khả năng diệt đoạn tuyệt được phiền não loại vi tế (anusayakilesa) ngấm ngầm trong tâm.
Như vậy ‘giới’ có thể ví như ‘đất’. Đất là nơi nương nhờ của các loại thảo mộc để phát sinh và phát triển.
Định và tuệ cũng có thể ví như các giống cây ăn trái cần phải nương nhờ nơi đất để phát sinh và phát triển, rồi đơm hoa kết trái.
* Sīla: Giới còn có các ý nghĩa khác như:
─ Sīla: Giới có nghĩa là sira: Cái đầu.
Trong thân thể mỗi chúng sinh nói chung, mỗi người nói riêng, cái đầu là phần quan trọng nhất. Thật vậy, trong thân thể con người, dù bị chặt tay, chặt chân,… người ấy vẫn còn sinh mạng (còn sống); nhưng nếu người ấy bị đứt đầu, thì đồng thời mất sinh mạng (chết). Cũng như vậy, giới dẫn đầu, giới là nền tảng cho mọi thiện pháp được phát triển tốt, từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp. Nếu không có giới hoặc giới bị đứt, thì tất cả mọi thiện pháp không có nơi nương nhờ để phát triển; cũng như nếu không có đất, thì tất cả cây cối, v.v... không có nơi nương nhờ để sinh trưởng.
─ Sīla: Giới có nghĩa là sītala: Mát mẻ, thanh tịnh.
Phiền não làm cho tâm nóng nảy, rồi làm cho khẩu nóng nảy, thân nóng nảy. Hành giả có tác ý thiện giữ gìn giới, nên chế ngự, đè nén, diệt được phiền não loại thô không thể phát sinh ra nơi thân và khẩu. Do đó, giữ gìn giới làm cho thân và khẩu được mát mẻ, thanh tịnh.
─ Sīla: Giới có ý là pakati([3]): Thường, thói quen.
Chữ sīla ghép vào những danh từ như:
- Ayaṃ sukhasīlo: Người này thường được an lạc.
- Ayaṃ dukkhasīlo: Người này thường chịu đau khổ.
- Ayaṃ kalahasīlo: Người này có thói quen hay cãi cọ.
- Ayaṃ maṇḍanasīlo: Người này có thói quen thích trang điểm.
* Sīlabbata (sīla + vata): Hành vi cách sống theo thói quen của loài bò, loài chó,...
* Sīlabbatupādāna (sīla + vata + upādāna): Tà kiến chấp thủ trong hành vi theo thói quen của loài bò, loài chó,… Nghĩa là một số người bắt chước hành theo thói quen của loài bò, loài chó,... như ăn, uống, đi, đứng, v.v... có tà kiến chấp thủ trong cách sống theo thói quen ấy, rồi cho rằng sẽ được tái sinh lên cõi trời, sẽ giải thoát khổ,...
* Sīlabbataparāmāsa (sīla +vata + parāmāsa ): Tà kiến thấy sai, chấp lầm trong hành vi cách sống theo thói quen của loài bò, loài chó,... như ăn, uống, đi, đứng, v.v... có tà kiến thấy sai, chấp lầm trong cách sống theo thói quen ấy, rồi cho rằng sẽ được tái sinh lên cõi trời, sẽ giải thoát khổ... gọi là chấp thủ pháp thường hành.
4 Tính Chất Của Giới
Để nhận thức rõ về giới, cần phải căn cứ vào 4 tính chất của giới:
1- Trạng thái của giới (lakkhaṇa).
2- Phận sự của giới (rasa).
3- Quả hiện hữu của giới (paccupaṭṭhāna).
4- Nhân gần của giới (padaṭṭhāna).
* Trạng thái của giới như thế nào?
Giới tuy có nhiều loại, nhưng đều có chung 2 trạng thái:
- Trạng thái giữ gìn thân, khẩu hành thiện đàng hoàng.
- Trạng thái làm nền tảng cho mọi thiện pháp, nhất là pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ được phát triển và tăng trưởng tốt.
* Phận sự của giới như thế nào?
Giới có 2 phận sự:
- Có phận sự diệt trừ sự phạm giới.
- Có phận sự giúp làm cho đầy đủ các đức.
* Quả hiện hữu của giới như thế nào?
Quả hiện hữu của giới là thân hành thiện, khẩu nói thiện, ý nghĩ thiện; thân, khẩu, ý trong sạch thanh tịnh.
* Nhân gần của giới như thế nào?
Giới được phát sinh do 2 nhân gần:
─ Hiri: Biết hổ thẹn tội lỗi: Tự mình biết hổ thẹn tội lỗi, cho nên tránh xa mọi ác nghiệp, tinh tấn hành mọi thiện nghiệp.
─ Ottappa: Biết ghê sợ tội lỗi: Biết sợ các bậc thiện trí chê trách, sợ khổ trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), do đó, nên tránh xa mọi ác nghiệp, tinh tấn hành mọi thiện nghiệp.
Quả Báu Của Người Có Giới (Sīlavanta ānisaṃsa)([4])
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại làng Pāṭaligāma, dân làng Pāṭali đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức Thế Tôn bèn gọi dân làng Pāṭali mà dạy rằng:
─ Này các gia chủ, có 5 quả báu của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn. 5 quả báu ấy là:
1- Này các gia chủ, trong đời này, người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn, có được nhiều của cải lớn lao, do nhờ nhân không dể duôi.
Đó là quả báu thứ nhất của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn.
2- Này các gia chủ, còn điều này, người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn, có được danh thơm tiếng tốt lan truyền khắp mọi nơi.
Đó là quả báu thứ nhì của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn.
3- Này các gia chủ, còn điều này, người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn, có tâm dũng cảm, không rụt rè e thẹn khi đi vào nơi hội đoàn Hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Samôn, hội đoàn Bàlamôn…
Đó là quả báu thứ ba của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn.
4- Này các gia chủ, còn điều này, người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn, phát sinh tâm không mê muội, tâm trí sáng suốt lúc lâm chung.
Đó là quả báu thứ tư của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn.
5- Này các gia chủ, còn điều này, người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn, sau khi chết, thiện nghiệp giữ giới cho quả tái sinh cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời dục giới).
Đó là quả báu thứ năm của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn.
─ Này các gia chủ, đó là 5 quả báu của người có giới, người giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn như vậy.
Các Loại Giới
Giới của 2 hạng người:
1- Gahaṭṭhasīla: Giới của người tại gia.
2- Pabbajitasīla: Giới của bậc xuất gia.
1- Giới của người tại gia: Có nhiều loại
- Ngũ giới.
- Bát giới.
- Cửu giới.
- Thập giới…
2- Giới của bậc xuất gia: Giới của Sadi và giới của Tỳ khưu
* Giới của Sadi: Sadi có các giới như:
- 10 giới Sadi.
- 10 giới hoại phạm hạnh Sadi.
- 10 giới hành phạt Sadi.
- 75 điều giới hành của Sadi.
- 14 pháp hành của Sadi, Tỳ khưu.
* Giới của Tỳ khưu: Tỳ khưu có 4 giới thanh tịnh:
- Thu thúc trong giới bổn Tỳ khưu bằng đức tin giữ gìn 227 điều giới.
- Giới thu thúc lục căn thanh tịnh bằng chánh niệm trong 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý).
- Giới nuôi mạng chân chính bằng tinh tấn đi khất thực.
- Giới suy xét các thứ vật dụng bằng trí tuệ thấy rõ thực chất của nó khi dùng.
[1] 14 pháp hành phận sự của Sadi, Tỳ khưu trong quyển “Gương Bậc Xuất Gia” cùng một soạn giả.
[2] Chú giải M.Mūlapaṇṇāsaṭṭhakathā, kinh Sammādiṭṭhivaṇṇanā.
[1] Chú giải M.Mūlapaṇṇāsaṭṭhakathā, kinh Sammādiṭṭhivaṇṇanā.
[3] Chú giải bộ Paṭisambhidāmagga, phần Sīlamayañāṇaniddesa.
[4] Dī. Mahāvagga, kinh Mahāparinibbānasutta, đoạn Sīlavanta ānisaṃsa.
[1] Bộ Chú giải Dī. Mahāvaggaṭṭhakathā, kinh Sakkapañhasutta.[1] Vinayapiṭaka, Parivārapāḷi, Cūḷasaṅgāma (288).