Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Quỷ La Sát

29 Tháng Mười 201300:00(Xem: 11289)
Quỷ La Sát

quy_la_satBà La Sát, cụm từ từng để chỉ những phụ nữ tính khí dữ dằn phổ biến trong khẩu ngữ dân gian. Cũng phổ biến là một nhân vật trong Tây du ký: Thiết Phiến công chúa, vợ Ngưu Ma Vương. Đây là một La Sát nữ luôn mưu sự ăn thịt Đường Tăng. Những thông tin ít ỏi về La Sát như vậy khiến cách hiểu về La Sát rất phiến diện và hời hợt. Bài viết này nhằm cung cấp một số dữ liệu về tín niệm cũng như hình tượng vị La Sát này.

Tín niệm La Sát trong Hindu

La Sát là từ được phiên âm của Rakshasa/ Raksha (Sanskrit) là một sinh vật thần thoạihình dáng, tính cách của loài người hoặc quỷ thần bất thiện trong Hindu giáo và Phật giáo. Những Rakshasa là yêu tinh hay quỷ, cũng được gọi là kẻ ăn thịt người (Nri-chaksha, Kravyad). Rakshasa cái được gọi là Rakshasi, vị La Sát nữhình dáng người này là Manushya-Rakshasi. Trong thần thoại, Asura (Atula/ Phi thiên/ Bán thần) và Rakshasa thường được thay thế, hoán đổi cho nhau, và trong kinh văn Phật giáo, lắm khi đồng nhất La SátDạ Xoa.

Nguồn dữ liệu khác lại cho rằng những Rakshasa không hoàn toàn xấu/ác như nhau, nên có thể phân chia chúng thành ba loại: những sinh vật có hình dáng, kiểu cách giống như Yaksha (Dạ Xoa); kẻ khổng lồ luôn thù địch với các vị thần; và cuối cùng, trong cách hiểu thông thường, Rakshasa là loài ma quỷ yêu tinh thường lui tới các nghĩa địa, phá phách các cuộc tế lễ, quấy nhiễu những người mộ đạo, nhập vào các xác chết, nuốt sống con người và hãm hại nhân loại bằng đủ mọi cách(1).

Chủ tướng của loại Rakshasa cuối cùng này là Ravana, và theo một số nguồn tư liệu, Rakshasa cũng như Ravana thuộc dòng dõi nhà hiền triết Pulastya. Theo một số nguồn dữ liệu khác, Rakshasa hiện ra từ bàn chân thần Brahma. Vishnu Purana cũng cho rằng chúng là con cháu của KasyapaKhasa (con gái của Daksha) thông qua con trai của họ là những Raksha. Sử thi Ramayana kể rằng: Khi thần Brahma sáng tạo ra nước, thần đã tạo nên những sinh vật để canh giữ chúng, được gọi là Rakshasa (gốc từ raksh: canh gác/ bảo vệ) và Vishnu Purana đưa ra một nguồn gốc có phần tương tự. Dù có nguồn gốc thần thánhcông năng chính đáng, song Rakshasa trong các sáng tác văn học, trong các sử thi Ấn Độ là những loài/ chủng tộc thô lỗ, man rợ; chúng bị người Arya rất coi khinh.

Hình tướng Rakshasa được miêu tả rất đa dạng, thể hiện qua đoạn trích sau: Khi Hanuman hóa thành con mèo đi vào thành Lanka để do thám, Hanuman đã thấy “những Rakshasa đang ngủ trong những ngôi nhà có mọi hình thù và hình thái khác nhau. Một vài Rakshasa nhìn thật ghê tởm, trong khi một số khác lại rất xinh đẹp. Vài Rakshasa có tay dài và hình dáng kỳ dị: kẻ thì mập béo, người thì gầy còm; vài ba Rakshasa lùn tịt, còi cọc và một vài Rakshasa khác lại cao lớn quá mức. Có Rakshasa một mắt và một số khác chỉ có một tai. Kẻ có bụng bự, quái dị, gớm guốc, ngực treo dốc, răng dài lòi ra, bắp đùi cong khoằm; trong khi một số khác cực kỳ xinh đẹp và ăn vận hết sức lộng lẫy. Vài ba Rakshasa có hai chân, hoặc ba chân, hay bốn chân. Dăm ba Rakshasa có những đầu rắn, lừa, ngựa và voi” (Sử thi Ấn Độ Ramayana).

Rakshasa có nhiều tính ngữ để miêu tả đặc điểmhành vi: Anusaras, Asaras và Hanushas - “kẻ giết người hay kẻ xúc phạm/ làm tổn thương”; Ishti-pachas - “kẻ cắp đồ cúng tiến”; Sandhya-balas - “tráng kiện/ mạnh khỏe trong chạng vạng”; Kshapatas, Naktan-charas, Ratri-charas, và Samani-shadas - “kẻ đi trong đêm”; Nri-jagdhas hay Nri-chakshas - “kẻ ăn thịt người/ thú ăn thịt đồng loại”; Palalas, Paladas, Palan-kashas, Kravyads - “ăn thịt người”; Asra-pas, Asrik-pas, Kauna-pas, Kilala-pas, và Rakta-pas - “kẻ uống máu”; Dandasukas - “kẻ cắn/ ngoạm”; Praghasas - “háu ăn/ tham ăn”; Malina-mukhas - “mặt đen”... Các tính ngữ đó không chỉ dành riêng cho Rakshasa mà còn dùng chỉ các loài khác(2).

Rakshasa không thấy được đề cập trong thời kỳ Vệ Đà. Trong thời kỳ này chỉ có Asura (Atula/ phi thiên) và Deva (thiên/ thần) được đề cập đến. Một khái niệm được hình thành muộn hơn đã tái phát hiện đặt Asura vào trong nhóm những Rakshasa. Điều này được minh chứng trong thực tế là từ Rakshasa chỉ được sử dụng trong thời kỳ rất muộn sau này mà thôi. Chỉ có thể truy tìm được Asura trong thời Vệ Đà; ở thời đó, Asura và Deva được coi như ngang bằng nhau. Đây là hai lực lượng cùng nhau hợp tác trong việc khuấy Biển Sữa để tìm thuốc trường sinh.

Rakshasa hầu hết được miêu tả như là một quái nhân: xấu xí, dữ tợn, thù địch, chúng to lớn như những ngọn đồi, đen như nhọ nồi, với hai chiếc răng nanh thò ra, những móng tay sắc nhọn giống như vuốt chim và gầm gừ như thú vật. Chúng cũng được mô tả như là kẻ ăn thịt người luôn đói khát, có thể đánh hơi mùi thú vật, con người và thịt. Một vài Rakshasa tàn bạo, hung ác hơn được thể hiện với con mắt đỏ rực, tóc rực lửa, uống máu vốc bằng tay hay từ chiếc sọ người. Thông thường, trong các câu chuyện kể, Rakshasa có thể bay lượn, biến mất, tăng hay giảm kích cỡ. Chúng có hình dáng động vật, con người hay những vật khác. Năng lực biến hóa đó được gọi là Maya.

Trong thế giới của sử thi Ramayana và Mahabharata, Rakshasa là một loài siêu nhiên đông đúc có hình dáng, tính cách con người. Đó là những quỷ, thần Rakshasa và như là những chiến binh, chiến đấu bên cạnh quân lính của cả quỷ và thần. Chúng là những chiến binh hùng mạnh, là một phù thủy bậc thầy và biến hóa khôn lường. Như một kẻ biến hình, Rakshasa mang những hình thể khác nhau, không thể xác định được hình thể thực sự hay tự nhiên của chúng. Như những nhà ảo thuật, Rakshasa có năng lực hiện hình thực sự khi người ta tin vào chúng hay biến hình khi bị xua đuổi. Một vài Rakshasa được cho là những kẻ ăn thịt người; chúng hân hoan, vui sướng khi là kẻ tàn sát trên chiến trường. Đó là những Rakshasa xấu xa, tồi tệ nhất. Đôi khi, chúng phụng sự như là những chiến binh bề tôi cho các vị chủ tướng này hay chủ tướng khác.

Ngoài những chiến binh Rakshasa vô danh, thiên sử thi còn kể những câu chuyện về các Rakshasa xuất chúng, một vài Rakshasa là người hùng, nhưng phần lớn chúng là kẻ hung ác.

Trong Ramayana, cuộc chiến Lanka, cuộc chiến giữa quân Rakshasa (dưới sự thống lĩnh của Ravana) chống lại binh lính Vanara hay đội quân khỉ (thống lĩnh bởi Rama và Sugriva):

- Ravana là một Rakshasa 10 đầu, vua của loài Rakshasa và là kẻ thù sinh tử của Rama, người anh hùng của Ramayana. Ravana bắt cóc vợ hoàng tử Rama - nàng Sita, và nhanh chóng mang nàng về thành Lanka. Do đó, Rama cùng vua khỉ Sugriva đưa đội quân khỉ vây hãm thành Lanka, chiến đấu với Ravana, giải cứu nàng Sita.

- Vibhishana, người em trai của Ravana, là một Rakshasa từ tâm hiếm thấy. Vibhishana là một người đoan chínhchuyên cần trong việc tuân thủ các giáo luật, và ông không bao giờ chệch hướng khỏi con đường ngay thẳng, đạo đức và được soi sáng bởi trí tuệ siêu phàm. Vibhishana đã khuyên Ravana trả lại Sita cho Rama. Nhưng Ravana không nghe theo. Thế là Vibhishana đi theo Hoàng tử Rama để chống lại anh ruột của mình là Ravana. Khi Hoàng tử Rama chiến thắng Ravana, Vibhishana đã lên làm vua xứ Lanka.

- Kumbhakarna là một người anh em khác của Ravana. Một chiến binh đáng sợ và là chủ nhân nhiều pháp thuật. Kumbhakarna ngủ suốt trong phần lớn cuộc chiến Lanka (do lời thỉnh cầu từ thần Brahma về một giấc ngủ dài lâu), nhưng bị Ravana đánh thức để báo về hung tin đỉnh điểm của cuộc chiến. Dẫn đoàn quân rời khỏi kinh thành Lanka tiến đánh Hoàng tử Rama, Kumbhakarna ngay lập tức bị đội quân khỉ tấn công, nhưng điều này chỉ khiến hắn cười nhạo và trút toàn bộ sức mạnh dữ dội vào các quân khỉ. Khi vua khỉ Sugriva tiếp chiến, Kumbhakarna túm lấy Sugriva và kéo lê Sugriva trên chiến trường. Hoàng tử Rama và người em Lakshmana đã dùng những mũi tên bí mật Brahmastra (vũ khí của thần Brahma) để giết chết Kumbhakarna: Kumbhakarna rơi xuống như một cái cây lớn bị chẻ đôi do sét đánh.

Có rất nhiều Rakshasa khác xuất hiện trong Ramayana: Kabandha, Tataka, Surpanakha, Maricha, Subahu, Kha, Indrajit, Prahasta, Akshayakumara, và Atikaya. Tất cả đều là kẻ tài phép và dũng mãnh.

Trong Mahabharata, người anh hùng Bhima của Pandava là sự báo oán của những Rakshasa ngụ nơi rừng rậm. Chúng hay thết cơm, đãi rượu những khách du hành và hãm hại họ.

- Hidimba là một Rakshasa ăn thịt người, bị giết bởi Bhima. Là một kẻ ăn thịt người hung ác với răng dài, sắc nhọn và sức mạnh phi thường, khi Hidimba thấy những người Pandava ngủ trong rừng, hắn quyết định ăn thịt họ. Nhưng hắn đã mắc một sai lầm khi sai người em là Hidimbi đi thăm dò tình hình. Thiếu nữ Hidimbi đã phải lòng chàng Bhima đẹp trai, cô đã cảnh báo với những người Pandava về mối nguy hiểm đang rình rập họ. Tức điên lên, Hidimba đã tuyên bố sẽ giết cả những người Pandava và em gái của mình, nhưng hắn đã bị người anh hùng Bhima đánh bại và giết chết trong một cuộc chiến tay đôi.

Ghatotkacha là con trai của Bhima và Hidimbi. Ghatotkacha, sống với mẹ Hidimbi khi còn nhỏ. Lớn lên, Ghatotkacha có đặc điểm là một người trung thành và khiêm tốn. Ghatotkacha luôn dõi bước đi người cha Bhima. Bất cứ khi nào Bhima nghĩ về Ghatotkacha thì Ghatotkacha luôn xuất hiện. Ghatotkacha được Bhima gọi đến để chiến đấu bên cạnh Pandava trong cuộc chiến Kurukshetra. Ghatotkacha đã sử dụng những năng lực ma thuật của mình và giáng một vố mạnh vào quân đội Kaurava.

Khi đó, vị tướng lĩnh của Duryodhana là Kaurava đã khẩn khoản người chiến binh thần sầu Karna giết chết Ghatotkacha. Khi toàn bộ quân đội Kaurava tiến đến gần và không ngừng tấn công Ghatotkacha từ không trung, Karna đã sử dụng vũ khí thiêng Shakti - được thần Indra ban cho. Đó là loại vũ khí chỉ được dùng duy nhất một lần nên Karna đã giữ gìn nó để dùng trong trận chiến này.

Không thể từ chối Duryodhana, Karna đã sử dụng Shakti chống là Ghatotkacha và giết chết hắn. Và điều đó đã chuyển hướng cuộc chiến tranh. Sau cái chết của Ghatotkacha, vị quân sư Krishna của Pandava mỉm cười, cuộc chiến đã thắng lợi vẻ vang vì giờ đây Karna không còn vũ khí thần thánh để chống chọi Arjuna, chủ tướng của quân Pandava.

- Kamsa là người anh em của Devaki. Kamsa là một Rakshasa độc ác, tàn bạo, kẻ đã giết chết những đứa cháu, con của Devaki vì Kamsa nghĩ rằng hắn sẽ bị giết chết bởi một trong các đứa trẻ này. Vasudeva, chồng của Devaki đã che giấu một đứa con. Và đứa bé đó là Krishna.

- Bakasura là một Rakshasa ăn thịt người trú ngụ nơi rừng rậm. Bakasura gây nên khiếp sợ cho cộng đồng dân cư nơi đây bởi quy định bắt buộc họ phải lần lượt đều đặn dâng cúng thức ăn và hiến tế người. Không may cho Bakasura khi những người Pandava du hành đến vùng đất này, xây dựng nhà cửa, dinh thự và sống cùng với một người Bà-la-môn đến lượt phải dâng cúng thức ăn. Khi người Bà-la-môn và gia đình anh ta tranh cãi ai phải là người hy sinh, Bhima khỏe mạnh, lực lưỡng đã tình nguyện làm vật phẩm dâng cúng. Bhima mang vật phẩm dâng cúng đi vào rừng, song đã ăn hết sạch mọi thứ lễ vật trên đường đi để chọc tức Bakasura và đối mặt chiến đấu chống lại Bakasura dữ tợn. Để kết thúc, Bhima bẻ gãy lưng địch thủ khiến những người dân nơi đây vô cùng kinh ngạcsửng sốt. Những Rakshasa vùng đất này cũng kéo lại cầu xin Bhima dung tha. Bhima đồng ý với điều kiện chúng phải từ bỏ tục ăn thịt người. Những Rakshasa này đồng ý với lời đề nghị đó và sau đó chung sống hòa bình cùng con người (quyển I: Adi Parva, phần 159-166).

- Kirmira, người anh em của Bakasura, một kẻ ăn thịt người và là chủ nhân của các phép thuật biến hóa. Hắn ta thường đến khu rừng Kamyaka, thết cơm những vị khách du hành. Giống như người anh em, Kirmira cũng mắc sai lầm khi đánh nhau với người anh hùng Bhima của Pandava, người đã giết chết hắn bằng tay không (quyển III: Varna Parva, phần 11).

- Jatasura là một Rakshasa xảo quyệt, hắn ta cải trang thành người Bà-la-môn nhằm lấy cắp vũ khí của người Pandava và cướp đi người vợ Draupadi. Bhima đã ra tay và giết chết Jatasura trong một cuộc chiến đấu tay đôi (quyển III: Varna Parva, phần 156). Con trai của Jatasura là Alamvusha, kẻ đã chiến đấu bên cạnh những Kaurava tại Kurukshetra.

Nói chung, qua các trường hợp được trích dẫn trên, chúng ta thấy Rakshasa trong thế giới sử thi đa phần là ác; song ở đó cũng có những Rakshasa thiện lương, đứng trong hàng ngũ phe chính nghĩa. Tính chất hai mặt này cũng được duy trì trong kinh văn Phật giáo; song ở đây, đa phần các trường hợp là các Rakshasa hồi đầu hướng thiện sau khi được nghe Phật pháp.

Tín niệm La Sát trong Phật giáo

Trong ngữ cảnh văn hóa Hán, Raksasa/ Rakchasas được phiên âm là: La-sát-sa, La-xoa-sa, La-khất-sát-sa, A-lạc-sát-sa. Hán dịch: Khả úy (đáng ghê sợ), Tốc tật quỷ, Hộ giả. Raksasi/ Rakchasis được gọi là La-sát nữ, La-xoa tư, La Sát Tư.

Trong kinh văn Phật giáo thường gặp, La Sát là loài hung thần ác quỷ, loài này hình tướng và mặt mày rất ghê gớm, thích ăn thịt người. Nam La Sát có thân đen, tóc đỏ, mắt xanh; nữ La Sát giống như người phụ nữ xinh đẹp, đầy sức quyến rũ, chuyên ăn thịt uống máu loài người(3).

Bên cạnh đó, loài quỷ này còn có hình dáng, hoặc là đầu trâu tay người, hoặc có móng chân trâu, hoặc là đầu nai, đầu dê, đầu thỏ v.v... Lại có loại La Sátngục tốt ở trong địa ngục, coi việc trừng phạt các tội nhân(4).

Về thần lực, quỷ La Sát có sức thần thông, có thể bay nhanh ở trong hư không, hoặc đi nhanh trên mặt đất, bạo ác đáng sợ(5).

Cảnh giới của chúng ở giữa biển cả và cũng ở rải rác khắp nơi trên đất liền.

Về trú sở, La Sát quốc/Raksasi-dvipa là cõi nước của loài La Sát ăn thịt người. Phẩm Phổ môn, kinh Pháp hoa (đại 9, 56 hạ) ghi: “Nếu có chúng sanh (...) vào trong biển lớn, giả sử gió lớn thổi ghe thuyền của người kia trôi lạc vào nước quỷ La Sát”. Điều này chỉ rằng cõi nước của La Sát ở trong biển cả.

Ngoài ra, theo Hữu bộ Tỳ-nại-da 47, điều Tăng-già-la Quốc trong Đại Đường Tây vực ký 11, nước La Sát nữ tức chỉ cho đảo Tích Lan (còn gọi là đảo Lăng-già/ Lanka). Sở dĩ nói Tích Lan là chỗ ở của La Sát, là gốc từ sự tích Hoàng tử La-ma (Phạn: Rama) vì cứu vợ là Tư-đa (Phạn: Sita) mà tấn công đảo Lăng-già, giết quỷ vương La Sát là La-phạt-nô (Phạn: Ravana). Sự tích này vốn là nội dung của sử thi Ramayana của Ấn Độ nói trên. Loài La Sát này được ghi trong: Phật bản hạnh tập kinh 49, Hữu bộ Tỳ-nại-da 47, Huệ lâm âm nghĩa 7 v.v... Lại nữa, trong kinh Lăng-già (Lankavatara) cũng nói rằng do vua Dạ Xoa thỉnh Phật thuyết pháp trên núi Lăng-già nên lấy tên núi này mà đặt tên cho kinh. Núi này ở biển Nam Hải, cao chót vót nhìn xuống biển cả, chung quanh không có lối vào. Người được thần thông mới vào được. Khi Như Lai thuyết kinh dưới núi, vua Dạ Xoa La Bà Na (Ravana-HTB) và Bồ-tát Ma Đế ngồi cung điện hoa đến thỉnh Như Lai vào núi thuyết pháp(6). Ở đây, chúa chằn Ravana/ La Bà Na hung ác, đại biểu cho phe phản diện trong sử thi Ramayana, đã biết dành sự tôn kính cho Đức Phậtưa thích thính pháp nghe kinh. Điều cần chú ý là trong các kinh văn khác nhau tuồng như không phân biệt rạch ròi giữa Dạ XoaLa Sát. Trong thực tế, ở các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa-tôn giáo Ấn Độ, hầu như Rakshasa (và cả Asura) đều được đồng nhất với Yaksha/ Dạ Xoa - thường gọi tắt là “Yak”, loại sinh vật thần kỳ mà trong dân gian người Việt gọi chung là “Chằn” với nghĩa là loài xấu ác(7). Cách hiểu đó rõ ràng là có khác với tính chất trung tính về La Sát trong truyền thống văn hóa Hindu và trong kinh văn Phật giáo.

Trong Diệu pháp liên hoa kinh, phẩm Phổ môn, có nói rằng: Giả như trong cõi Tam thiên đại thiên này choán đầy bọn quỷ Dạ XoaLa Sát, có ai kêu tới Quan Thế Âm Bồ-tát, liền được tránh khỏi bọn quỷ ấy; bọn hung ác tàn bạo này chẳng thấy được mình. Thế nhưng, lại cũng có những quỷ La SátBồ-đề tâm: tuy mang lốt quỷ, chớ không còn có lòng quỷ, thường dốc lòng hộ pháp, chở che hộ trợ những bậc tu hành.

Hồi thời Đức Phật Thích Ca, tại xứ Nagarahara, có năm chúng La Sát nữ thường biến hóa ra loài rồng mà phá hại người. Dân chúng đến thỉnh cầu Phật hàng phục. Đức Phật giáo độ, làm cho bọn La Sát cái ấy quy y và trở nên hiền lành(8).

Trong hội Pháp hoa, có mấy La Sát nữ: Lam bà (Lambâ), Tỳ lam bà (Pralambâ), Khúc xỉ (Mâlâkutadanti), Hoa xỉ (Puchpadanti), Hắc xỉ (Matutatchandi), Đa Phát (Kicini), Vô yểm túc (Atchalâ), Trì anh lạc (Mâlâdhari), Cao đế (Kunti), Đoạt nhứt thiết chúng-sanh tinh khí (Sarvasattvândjôhâri), Ha lỵ đế (Hâriti) đến trước Phật, nguyện ủng hộ những vị trì kinh Diệu pháp liên hoa. Và các La Sát nữ đó lại truyền ra mấy câu thần chú. Hễ nhà trì kinh đọc mấy câu thần chú dưới đây, thì khỏi ai phá hại được, dầu là người, thần, yêu quỷ: 1/Y-đề-lý (Ydhêley), 2/Y-đề-dận (Ydhêley), 3/Y-đề-lý (Ydhêley), 4/A-đề-lý (Adhêley), 5/Y-đề-lý (Ydhêley), 6/Nê-lý (Niley), 7/Nê-lý (Niley), 8/Nê-lý (Niley), 9/ Nê-lý (Niley), 10/ Nê-lý (Niley), 11/Lầu-hê (Lauhê), 12/ Lầu-hê (Lauhê), 13/ Lầu-hê (Lauhê), 14/ Lầu-hê (Lauhê), 15/ Lầu-hê (Lauhê), 16/Đa-hê (Dhanê), 17/ Đa-hê (Dhanê), 18/ Đa-hê (Dhanê), 19/ Đa-hê (Dhanê), 20/ Đa-hê (Dhanê)(9).

Ngoài các loại La Sát kể trên, còn có loại La Sát là thần thủ hộ của Phật giáo, gọi là La Sát Thiên(10) (Phạn: Raksasa, Nairrti. Hán âm: Niết-lý-để, Niết-lý-đế, Nhi-lý-để).Vị trời ở góc Tây nam ngoại viện Kim Cang bộ thuộc Mạn-đồ-la Thai Tạng giớiKim Cang giới. Là một trong các vị trời trấn ở 8 phương, hoặc là 1 trong 12 vị trời. Theo Thập nhị thiên cúng nghi quỹ, thân của vị La Sát này mang giáp trụ, tay phải cầm đao, ngồi trên sư tử trắng. Ngoài ra, La Sát Thiên cai quản phương Tây nam, cho nên phương Tây nam còn gọi là phương Niết-lý-để (Nairiti).

Trong Mạn-đồ-la Thai Tạng giới, thân của La Sát Thiên có màu da người, ngồi trên tòa tròn, mặc áo giáp, mắt tỏ vẻ giận dữ, cánh tay trái thủ ấn La Sát Thiên(11): hướng ra phía ngoài, ngón tay cái ấn lên đầu ngón út và vô danh, ngón trỏ và ngón giữa dựng đứng biểu thị Đao Ấn. Tay phải cầm kiếm, đặt ở bên hông, mũi kiếm dựng đứng. Hai bên, mỗi bên có hai vị Đồng tử.

Bên trái vị La Sát Thiên, phía trước có vị đồng tử tay trái bưng bát, tay phải đặt phía trên bình bát; phía sau có vị đồng tử thân màu da người; ngồi xếp bằng, tay trái nắm lại, tay phải cầm gậy dựng đứng ở đầu gối bên trái. Bên phải vị La Sát Thiên, phía trước là Đồng nữ La Sát, tay nắm lại đặt ở thắt lưng; phía sau là Đồng nam La Sát, thân màu da người, tay phải cầm gậy, tay trái nắm lại đưa đến ngang tai.

Một trong La Sát hướng thiện nổi tiếng trong truyền thống Phật giáo, trở thành đối tượng tôn kính phổ biếnQuỷ Tử Mẫu.

Quỷ Tử Mẫu(12) hay Quỷ Tử Mẫu Thần gốc từ tiếng Phạn: Hariti, Hán âm: Ha-lợi-để, Ca-lợi-đế, Ha-lị-đế mẫu. Hán dịch: Ái tử mẫu, Thiên mẫu, Công đức thiên. Người ta gọi bà là Quỷ Tử Mẫu vì bà sanh ra 500 quỷ con. Quỷ Tử Mẫu là một La Sát nữ, vợ của Pandaka, được gọi Đại quỷ thần vương. Bà có 500 đứa con, bà thích ăn thịt con nít của người. Người ta đến thưa với Phật. Đức Thích Ca bèn chuyển thần lực, bày phương tiện mà giáo độ bà. Bà quy y Phật pháp, tu chứng quả La-hán. Bà có nguyện đi hộ trợ hàng phụ nữ trong cơn sanh sản, nên những kẻ tại gia thường hay trì niệm tên bà khi hữu sự. (kinh Phật thuyết Quỷ Tử Mẫu/ Đại chánh tạng, tập 21).

Tỳ-nại-da tạp sự, quyển 31 có kể chi tiết câu chuyện này như sau: Thưở xưa, tại thành Vương-xá, có một vị Độc Giác ra đời, mới thiết đại hội. Trong ngày đại hội, có 500 người nghe biết, cùng nhau tới dự. Đi dọc đường, họ gặp một người đàn bà chửa chăn bò, bưng thùng sữa. Họ rủ bà đi dự hội. Bà ấy đi theo. Tới nơi, thấy sự vui vẻ, bà ra múa giúp vui, không ngờ bị trụy thai. Thấy vậy, những người kia bỏ đi, để một mình bà chịu đau đớn. Bà liền tìm bán thùng sữa, mua được 500 trái am-ma-la. Ngay lúc đó, vị Độc Giác tới thăm hỏi, an ủi bà. Bà đảnh lễ, dâng trái am-ma-la cúng dường. Bà phát thệ nguyện: “Tôi nguyện sau đây sanh vào thành Vương-xá này, ăn thịt hết những đứa con của những kẻ ở đây”.

Do lời nguyện ấy, sau bà sinh ra làm con gái của quỷ Sa-la-dược-xoa trong thành Vương-xá, kết hôn với Bàn-xà-ca (Pandaka) Dược-xoa. Bà sanh được 500 con. Hàng ngày, bà rình bắt những con trai, con gái ở thành Vương-xá mà ăn thịt. Một hôm, Đức Phật dùng phương tiện giấu một đứa con của quỷ nữ ấy. Bà buồn rầu, đi tìm con. Biết con đang ở bên Phật, bà vào xin Phật. Đức Thế Tôn bảo: “Nhà ngươi có 500 đứa con, mất một đứa còn thương tiếc. Huống chi những người khác chỉ có một, hai đứa mà bị mất con, há chẳng đau xót sao?”.

Phật khuyên quỷ nữ bỏ việc sát sanh. Ngài truyền Ngũ giới cho bà. Bà thành Ưu-bà-di. Bà bạch rằng: “Từ nay tôi không ăn thịt trẻ con, thì phải làm sao?”. Phật dạy: “Nhà ngươi đừng lo. Từ nay trở đi, nơi nào có Thanh văn đệ tử của ta, mỗi khi ăn cơm, đều gọi vời đến tên mẹ con ngươi, chúng ngươi sẽ được no đủ. Nhưng đối với giáo pháp của ta, mẹ con ngươi phải hết lòng bảo hộ, ủng hộ già lam và các Tăng Ni”. Mẹ con bà Ha-lỵ-đế vui vẻ phụng hành.

Do đó, chương Thọ trai quỷ tắc, Nam Hải ký qui nội pháp truyện 1, các chùa ở Tây Vực luôn giữ tập tục cúng tế Quỷ Tử Mẫu ở trước cửa nhà hoặc bên cạnh nhà ăn, đắp hoặc cho vẽ hình người mẹ bế một đứa con thơ, bên dưới có 3 hoặc 5 đứa bé. Mỗi ngày ở trước hình họa này bày cơm ra cúng. Lại có tục nếu có bệnh tật hoặc không sinh con được, xin cơm cúng đó mà ăn thì được toại nguyện. Hình dáng Quỷ Tử Mẫu là hình thiên nữ tay bắt ấn kiết tường.

Như vậy, chúng ta thấy cùng một Quỷ Tử Mẫu thần nhưng có văn liệu gọi là La Sát, nguồn dữ liệu khác lại cho là Dạ Xoa. Trường hợp này tương tự với chằn Alavaka(13): nơi gọi là Dạ Xoa, nơi gọi là La Sát. Thực tế đó có lẽ bắt nguồn từ tính chất đại đồng tiểu dị của hai sinh vật thần quái này. Và trong xứ ta, Dạ XoaLa Sát một cách phổ biến chung nhất cũng được coi là chằn hay “chằn tinh” trong truyện cổ tích. Có điều thường nghe là “Bà chằn”, “Bà chằn lửa”, “hạn Bà chằn”... mà không nghe ai ai gọi “Ông chằn”. Điều này phải chăng xứ ta tiếp nhận các La Sát nữ từ kinh văn Phật giáo đậm hơn là các ông chằn La Sát dữ dằn trong các sử thi cổ đại Ấn Độ như các quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp văn hóa Ấn Độ ở Đông Nam Á.

 Chú thích

(1)(2) Theo Classical dictionary of Hindu mythology and religion geography, history, and literature, John Dowson, M.R.A.S., Rupa. Co, 2004.

(3) (4) (5) (10) Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Thích Minh Cảnh chủ biên.

(6) Theo Kinh-lăng già tâm ấn, Thích Thanh Từ, Thành hội TP.HCM xb, 1993, tr.8-9.

(7) Trong truyện Dạ Thoa vương (còn gọi là Hồ Tôn truyện - dị bản Ramayana của người Việt, gốc từ Chiêm Thành/ Hồ Tôn) thì chúa chằn Ravana được gọi là “Dạ Thoa vương” (tức Dạ Xoa). Xem Vũ Quỳnh-Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ XV), Đinh Gia Khánh chủ biên & Nguyễn Ngọc San biên khảo và giới thiệu, Nxb. Văn Học, 1990, tr.113.

(8) (9) (12) Theo Phật học từ điển, Đoàn Trung Còn, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2011.

(11) Theo Toàn tập giải thích các thủ ấn Phật giáo, Nguyễn Tuệ Chân biên dịch, Nxb. Tôn Giáo, 2008.

(13) Theo Nguồn gốc và hình tướng quỷ Dạ Xoa, Huỳnh Thanh Bình, Giác Ngộ Nguyệt san, số 206, tháng 5-2013.

Huỳnh Thanh Bình

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 3711)
Những gợi ý dưới đây có thể giúp chúng ta lĩnh hội được ý nghĩa thâm sâu, khó hiểu của kinh một cách hiệu quả, đồng thời giữ gìn sự trung thực với nội dung của ý kinh.
(Xem: 4037)
Giải thoát nghĩa là cởi mở những dây ràng buộc mình vào một hoàn cảnh đau khổ nghịch ý.
(Xem: 3572)
Trong hệ thống kinh tạng Đại thừa, Pháp Hoa là một trong những bộ kinh quan trọng và phổ biến nhất.
(Xem: 4930)
Niết-bàn (Nirvana, Nibbana) là khái niệm của Phật giáo, một tôn giáo không công nhận và không thừa nhậnThượng Đế, có thần, có linh hồn trường cửu.
(Xem: 6516)
Bài này sẽ khảo sát một số khái niệm về các hiện tướng của tâm, dựa theo lời dạy của Đức Phật và chư Tổ sư
(Xem: 3897)
Tôi ngồi đây lắng nghe quý thầy cô tụng bài kinh Bát Nhã thật hay. Ví như ngài Huyền Trang ngày xưa tuyển dịch nhiều bài Tâm kinh như thế này để ...
(Xem: 4001)
Như Lai ngài đã du hành Đạo lộ tối thắng vượt trên các ca tụng Nhưng với tâm tôn kínhhoan hỷ Tôi sẽ ca tụng Đấng vượt trên ca tụng.
(Xem: 5226)
Quy nghĩa là “quay về, trở về” hay “hồi chuyển (tâm ý)”. Y là “nương tựa”. Quy Y cũng có nghĩa là “Kính vâng” hay “Phục tùng”. Tam là chỉ ba ngôi Phật, Pháp, Tăng.
(Xem: 3690)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vốn là Thái tử “dưới một người, trên vạn người”, thế nhưng Ngài đã lìa xa tất cả
(Xem: 4406)
Từ xưa đến nay, hàng xuất gia (Sa-môn, Bà-la-môn) tu hành không trực tiếp lao động sản xuất để tạo ra của cải vật chất nên đời sống phụ thuộc vào sự bố thí, cung cấp, cúng dường của hàng tín đồ tại gia.
(Xem: 3450)
Sống chếtvấn đề lớn nhất của đời người. Trong đạo Phật, chữ sanh tử (sống chết) là một từ được nhắc đến thuộc loại nhiều nhất
(Xem: 3829)
Kinh Kim Cang Bát Nhã được ngài Cưu Ma La Thập (344-413) dịch từ tiếng Phạn sang Hán văn, và được thái tử Chiêu Minh (499-529) chia bố cục ra 32 chương.
(Xem: 4290)
Đức Phật xuất hiện trên thế gian như mặt trời phá tan màn đêm u tối. Giáo pháp của Ngài đã mang lại những giá trị phổ quát cho...
(Xem: 5291)
Khái niệm Niết-Bàn không phải là sản phẩm bắt nguồn từ Phật Giáo, mà nó đã xuất hiện từ thời cổ đại Ấn Độ khoảng hơn 4,000 năm trước Tây Lịch.
(Xem: 3749)
Quán Thế Âm tiếng Sanskrit là Avalokitésvara. Thuật ngữ Avalokitésvara vốn bắt nguồn từ hai chữ Avalokita và isvara
(Xem: 3830)
Trong khi thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, chiến tranh, khủng bố, thù hận diễn ra khắp nơi, mâu thuẩn chính trị, kinh tế, và văn hóa luôn là vấn đề nan giải.
(Xem: 3777)
Trong cõi đời, chúng ta phải chịu đựng những sự đau đớn, khổ não nơi thân và tâm, nhưng tâm bệnh có thể được chữa khỏi bằng Phật pháp.
(Xem: 4701)
Thiên Trúc (天竺) là tên mà người Trung Quốc thường gọi cho Ấn Độ cổ đại. Nó cũng được dịch “Trung tâm của cõi trời”, (nghĩa là trung tâm tinh thần);
(Xem: 4435)
Thông thường hai chữ tu hành đi đôi với nhau; sử dụng quá quen nên hiểu một cách chung chung, đã giảm tầm mức quan trọng mà tự thân nó mang một ý nghĩa sâu sắc.
(Xem: 4160)
Đã hơn 2500 năm kể từ khi Đức Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn. Hiện tại chúng ta sống trong thời đại gọi là “Mạt Pháp”, trong đó ta không thể nào thấy Đức Phật thực sự được nữa.
(Xem: 3739)
Pháp thân của chư Phật, là muốn nhấn mạnh đến loại pháp thân không còn ẩn tàng trong thân ngũ uẩn như pháp thân của chúng sinh.
(Xem: 4492)
Giáo lý Tam thân (trikāya), như đã được tất cả các tông phái Phật giáo Đại thừaTrung QuốcNhật Bản chấp nhận hiện nay
(Xem: 4083)
Ngày xưa chúng đệ tử của Đức Phật có nhiều hạng người khác nhau. Tùy theo căn cơ của mỗi người, Đức Phật áp dụng phương pháp giáo hóa khác nhau.
(Xem: 5965)
Ngày nay, chúng ta thấy hầu hết các ảnh, tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều được tạo hình có tóc, điều này khiến
(Xem: 4504)
“Chiếc đồng hồ của tôi không đánh số 1 đến 12 mà chỉ có ‘now’, ‘now’, ‘now’ để nhắc nhở rằng ta đang sống”,
(Xem: 4857)
Trong tác phẩm Jataka, truyện số 238 đã đề cập về chuyện một chữ (ekapadaṃ) nhưng có nhiều nghĩa (anekatthapadassitaṃ).
(Xem: 4083)
Về tiểu sửcông nghiệp của Huyền Trang (602-664) chúng ta đã có phần viết riêng trong phần phụ lục của sách Kinh Phật
(Xem: 4734)
Đã sanh làm kiếp con người, có ai mà không khổ? Cái khổ nó theo mình từ nhỏ đến khi khôn lớn, và sẽ khổ hoài cho tới...
(Xem: 5575)
Khi Bồ-tát Long Thọ nói “bất sanh bất diệt” thì hẳn nhiên trước đó phải có cái gì đó có sanh và diệt.
(Xem: 3541)
Trong nghĩa đơn giản nhất, tu Hạnh Bồ Tát là những người ra sức hoằng pháp và không muốn Chánh pháp bị đoạn đứt, bất kể người này có thọ giới Bồ Tát hay không.
(Xem: 3952)
Bài viết này sẽ khảo sát về Vô Tướng Tam Muội, một pháp môn ít được chú ý hiện nay.
(Xem: 4506)
Cứ mỗi lần chúng ta chứng kiến người thân qua đời là mỗi lần chúng ta đau xót, buồn rầu, vì từ nay chúng ta vĩnh viễn sẽ không bao giờ được nhìn thấy người thân yêu đó trên cõi đời này nữa.
(Xem: 5183)
Như các phần trước đã nói, chân tâm không sinh diệt và vọng tâm sinh diệt luôn tồn tại nơi mỗi con người chúng ta.
(Xem: 3062)
Thiền học là một môn học nhằm mục đích đào luyện trí tuệ để được giác ngộgiải thoát sanh tử mong đạt đến niết bàn tịch tịnh
(Xem: 4659)
Khi đức Phật đản sinh, trên trời có chín rồng phun hai dòng nước ấm mát tắm rửa cho Ngài
(Xem: 4448)
Mỗi độ tháng Tư về, trong tâm thức của những người con Phật đều hiển hiện hình ảnh huy hoàng Phật đản sinh bước đi trên bảy đóa sen
(Xem: 4201)
Phật giáo Đại thừa có cách nhìn nhận mới về đức Phật và lời dạy của ngài.
(Xem: 4658)
Đức Phật Thích Ca là một đức Phật lịch sử xuất hiện giữa thế gian để dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi khổ đau, đạt đến an lạc giải thoát.
(Xem: 4400)
Con người được sanh ra từ đâu là một nghi vấn vô cùng nan giải cho tất cả mọi giới và mãi cho đến thế kỷ 21 này vấn đề con người vẫn còn phức tạp chưa được ai minh chứng cụ thể.
(Xem: 4502)
Kinh Pháp Cú dành riêng hẳn một phẩm gọi là “Phẩm Tỳ kheo” để đề cập tới các người xuất gia.
(Xem: 7096)
Cuộc sống biến đổi không ngừng, mỗi một thời gian, mỗi một thế hệ có cách sống và nghĩ suy ứng xử có khác nhau.
(Xem: 5109)
Trước hết, thời gian vật lý là khách quan và tồn tại bên ngoài tâm trí con người và là một phần của thế giới tự nhiên, thứ hai, thời gian tâm lý chủ quan và có sự tồn tại phụ thuộc vào ý thức.
(Xem: 4908)
Hôm nay nhân ngày đầu năm, tôi có vài điều nhắc nhở tất cả Tăng Ni, Phật tử nghe hiểu ráng ứng dụng tu để xứng đáng với sở nguyện của mình.
(Xem: 4493)
Huyễn: Có nhiều nghĩa như tạm bợ, hư dối, phù du, huyễn hoặc, ảo ảnh, thay đổi luôn luôn, có đó rồi mất đó, biến dịch hoài trong từng sát-na.
(Xem: 5520)
Ngạ quỷ nghe kinh là một trong những đề tài khá quen thuộc trong kinh Phật. Người phàm thì không ai thấy loài ngạ quỷ, trừ một vài trường hợp đặc biệt.
(Xem: 5177)
Từ thế kỷ trước, người ta đã tìm được rải rác các thủ cảo (manuscripts) kinh Phật cổ xưa nhất viết bằng văn tự Kharosthi chôn ở các di tích Phật giáo ở Gandhāra, Bắc Afghanistan.
(Xem: 4064)
Thư Viện Quốc Hội Mỹ đã công bố một văn bản quí hiếm từ 2.000 năm trước của Phật Giáo và văn bản cổ này đã giúp cho chúng ta ...
(Xem: 5885)
Giới, Định và Tuệ là ba môn tu học quan trọng trong Phật giáo. Ta thường hay nói “Nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ”.
(Xem: 4596)
Trước hết xin giới thiệu sơ lược những nét chính của hai bộ kinh Đại thừa lớn ở Ấn Độ mà chúng đã trở nên đặc biệt quan trọng trong Phật Giáo Đông Á.
(Xem: 4786)
Từ khi Đức Như Lai Thế Tôn thị hiện cho đến hiện tại là 2019, theo dòng thời gian tính đếm của thế nhân thì cũng đã gần 2600 năm.
(Xem: 5371)
Tôn giả Tịch Thiên (Shantideva) là con của vua Surastra, sinh vào khoảng thế kỷ thứ VII ở Sri Nagara thuộc miền Nam nước Ấn.
(Xem: 5481)
Theo nghĩa đen của khái niệm, độc nhất là chỉ có một, mang nghĩa duy nhất. Trong kinh tạng Nikāya, khái niệm con đường độc nhất (ekāyana magga) là
(Xem: 5692)
Này các Tỳ-kheo, ta cho phép học tập lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính bản thân (sakāya niruttiyā)
(Xem: 4906)
Phật giáo có hai hệ là Theravada và Phát-Triển. Hệ Theravada quan niệm quả vị cao nhất mà hành giảthể đạt được là quả vị A-La-Hán.
(Xem: 4265)
Định học là một chi phần quan trọng trong Tam vô lậu học giới, định, tuệ .
(Xem: 4576)
Trí tuệ là sự thấu hiểu, là kiến thức liên quan đến tư tưởng đạo đức giúp ta đi sâu vào đặc điểm và biểu hiện của các đạ o lộ thông qua sự nỗ lực tinh tấn.
(Xem: 4616)
Trung đạo là khái niệm được dùng khá nhiều trong Phật giáo. Tùy duyênTrung đạo được định nghĩa khác nhau, nhưng...
(Xem: 5767)
Có một chuyện rất khoa học, tôi không bắt quý vị phải nhắm mắt tin Phật nhưng tôi cho quý vị một gợi ý.
(Xem: 3240)
Đối với một người đã giác ngộ, sẽ không còn thấy nữ tính và nam tính nữa. Với một số vị thường quán bạch cốt, sẽ thấy thân mình và người chỉ là một nhóm xương khô đang đi đứng nằm ngồi.
(Xem: 5169)
Long Thọ hay Long Thụ (Nāgārjuna) không phải chỉ là tổ của tông Trung Quán (Madhyamika),[1] trong lịch sử phát triển Phật giáo ngài được coi là vị Phật thứ hai sau Đức Thế Tôn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant