Nguyên Thảo
Phật tánh của chúng sanh chẳng hư, chẳng hoại, chẳng bị kéo, bị bắt, chẳng bị trói, bị buộc. Như trong chúng sanh có hư không, vì tất cả chúng sanh đều có hư không chẳng chướng ngại, chúng sanh đều chẳng tự thấy mình có hư không này. Giả sử nếu chúng sanh chẳng có hư không thời không có những sự đến, đi, đứng, ngồi, nằm, chẳng sống chẳng lớn. Do nghĩa này nên trong kinh ta nói tất cả chúng sanh đều có hư không giới, hư không giới đây gọi là hư không. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy. Bực Thập trụ Bồ tát thấy được phần ít như châu kim cương."
Nói đến “Tính Không” trong Đạo Phật là nói đến một vấn đề mà nhiều người còn thắc mắc, nhất là những người ngoại đạo vì không thể hiểu được cái giáo lý cao thâm này đành buột lên những câu hồ đồ, cạn cợt để đánh giá thấp hay phỉ báng đạo Phật.
Đi tìm vào “Tính Không” thật là không đơn giản, vì “Không” nghĩa là gì? Không có nghĩa là không, là hư không hay là hư vô? Nhiều người đã cho Đạo Phật là đạo cứu cánh về Hư Vô đồng nghĩa với Hư Vô trong Lão giáo. Nhiều người lấy câu: “Ngũ uẩn giai không” và “Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc” trong bài Kinh “Ma-ha Bát-Nhã Ba-la-Mật Đa Tâm Kinh” để triển khai rồi có cái nhìn không đúng vào Đạo Phật. Lại thêm trong bài Kinh ấy có thêm: “Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm” khiến cho người nghiên cứu, tìm hiểu có thêm sự rối rắm về chữ “không”!
Tại sao trong Đạo Phật lại có “Tính Không”?
Chúng ta cần ghi nhớ lại rằng: Đức Phật chỉ là Đạo sư, tức là người “chỉ đường” chứ không là một giáo chủ; tức là Đức Phật không sáng chế, hay tạo một phương thức đến con đường giải thoát, mà Đức Phật chỉ tuyên xưng, truyền bá con đường tự thể của nó phải tiến qua những bước, tiến trình, những giai đoạn như thế để đạt đến mục đích cuối cùng. Trước Đức Phật Thích Ca đã có vô số chúng sinh đã thành Phật; sau Đức Phật cũng sẽ có nhiều vị Phật sẽ thành và ngay trong thời Đức Phật cũng có nhiều người thành Phật, vì thế mới có Phật trong ba đời: Quá khứ, Hiện tại lẫn Vị lai. Tất cả đều cùng nương trên cùng một con đường như thế để thành đạo. Đức Phật Thích Ca truyền đạt con đường đó trên cõi Nam Diêm Phù Đề (Nam Thiệm Bộ Châu hay Ta Bà) hay trên trái đất cõi người của chúng ta này theo hạnh nguyện của Ngài.
Trong Kinh Lăng Nghiêm có ghi:
"Từ một thể chơn tâm không khác, vì vọng niệm phân biệt, có năng sở, bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới. Nhơn có hư không thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: Tốt, xấu, phải chẳng v..v...Vì thế mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không, khác với hư không, thế giới là chúng sanh vậy" (Kinh Lăng Nghiêm, Phật Học Phổ Thông khóa VI-VII, HT. Thích Thiện Hoa, trang 121).
Như vậy “Từ nơi Chơn Tâm, do vô minh vọng động mà có hư không. Hư không mờ mịt vì vô minh sanh” (LN, trang 121) và vì “vọng niệm phân biệt” nên có hư không và thế giới. Những gì không thuộc thế giới và hư không là chúng sinh. Cũng trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã chỉ những nguyên nhân riêng và tuần tự sinh ra vũ trụ. Và cũng ở hư không đó, khi thành đạo Đức Phật cho biết thân Phật thật lớn “thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận” và khi thật nhỏ “ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân” mà không bị ngăn ngại nào cả.
Đức Phật còn nói đến tính không ấy trong Kinh "Đại Bát Niết Bàn" (HT. Thích Trí Tịnh dịch) như sau:
"Này Thiện nam tử! Vừa rồi ông hỏi cớ chi đức Như Lai dựa nằm chẳng ngồi dậy, chẳng đòi uống ăn, chẳng dặn bảo quyến thuộc coi sóc sản nghiệp.
Này Thiện nam tử! Tánh hư không cũng chẳng ngồi dậy, chẳng đòi uống ăn, chẳng dặn bảo quyến thuộc coi sóc sản nghiệp, cũng không đi, không lại, không sanh diệt, không già trẻ, không mọc lặn, hư bể, giải thoát, ràng buộc, cũng không nói mình, nói người, cũng không hiểu mình hiểu người, chẳng phải ăn, chẳng phải bịnh." (Trang 385, tập 1)
Và trong tập 2, Kinh Đại Bát Niết Bàn trang 247 lại ghi rõ hơn:
"Này Thiện nam tử! Tất cả các pháp vốn không có tánh, do nghĩa này nên ta nói kệ rằng:
Trước không nay cóTrước có nay khôngBa đời có phápKhông có lẽ đóNày Thiện nam tử! Tất cả pháp do nhơn duyên mà sanh cũng do nhơn duyên mà diệt.
Nếu chúng sanh có Phật tánh, thời tất cả chúng sanh lẽ ra có thân Phật như ta hôm nay.
Phật tánh của chúng sanh chẳng hư, chẳng hoại, chẳng bị kéo, bị bắt, chẳng bị trói, bị buộc. Như trong chúng sanh có hư không, vì tất cả chúng sanh đều có hư không chẳng chướng ngại, chúng sanh đều chẳng tự thấy mình có hư không này. Giả sử nếu chúng sanh chẳng có hư không thời không có những sự đến, đi, đứng, ngồi, nằm, chẳng sống chẳng lớn. Do nghĩa này nên trong kinh ta nói tất cả chúng sanh đều có hư không giới, hư không giới đây gọi là hư không. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy. Bực Thập trụ Bồ tát thấy được phần ít như châu kim cương."
Theo như những đoạn kinh dẫn chứng ở trên cho chúng ta có thể chiêm nghiệm được nhiều vấn đề để lý giải về “Tính Không” trong Đạo Phật.
Đầu tiên hư không được phát sinh từ cõi Chơn Tâm vì do vô minh vọng động, hư không mờ mịt vì do vô minh sinh; rồi vì “vọng niệm phân biệt” mà sinh ra thế giới, chúng sinh. Tất cả đều do những nguyên nhân, yếu tố đúng thời đúng lúc để kết hợp sinh ra cái khác (duyên sinh); cái sự kiện, vật này sinh là nguyên nhân cho cái khác kế tiếp được sinh ra cứ thế mà nối tiếp không ngừng nghỉ (trùng trùng duyên khởi). Nhưng mọi sự kiện đó khi đã có duyên sinh thì tất sẽ bị hoại diệt để rồi một cái khác sẽ thành hình theo quy luật: Sinh, trụ, dị, diệt; Thành, trụ, hoại không; và với con người, chúng sinh là sinh, lão, bệnh, tử.
Với hình sắc cụ thể (sắc) thì nó cũng không thường còn, luôn biến đổi theo thời gian hay từng sát-na (vô thường) để rồi khi chết hoặc hoại diệt thì nó lại trở về với cái “không”, những gì nó vay mượn từ các đại lại trả về với các đại; và trong trạng thái “không” đó lại chờ đợi duyên hợp khác để kết hợp thành cái khác; ở nơi cái khác sẽ hoại diệt để trở lại trạng thái không. Cho nên trong đạo Phật mới đề cập đến “không phi không”, “hữu phi hữu” (chơn không diệu hữu). Do vậy, “có có” hay “không không” cũng chỉ là hai hình thái khi ẩn khi hiện của cùng một bản thể! Cho nên Quán Tự-Tại Bồ Tát đã “hành thâm” quán triệt, thấy rõ năm uẩn đều là không; có sắc hay như khi không có sắc cũng chẳng khác gì nhau (không tức thị sắc, sắc tức thị không) nên không thấy là khổ nữa. Tương tự: Thọ, Tưởng, Hành, Thức theo cùng theo với sắc cũng sẽ là như vậy!
Còn với các pháp thì pháp vốn là không tướng, không sinh, không diệt, không dơ, không sạch cũng không tăng, không giảm, bất biến theo thời gian.
Trong bài: “Sơ lược ý nghĩa chữ “Không” trong Đạo Phật”, Thượng Tọa Thích Nhật Từ đã giải thích ý nghĩa chữ không trên sáu bình diện:
1-Không và Thiền định. (đến nơi trống rỗng để thiền định; và “an trú nơi trống rỗng hay tánh không”).
2-Tánh Không tức Vô Ngã. (Vì tánh Không là tính không thực thể của ngã và các sự vật).
3-Tánh Không tức Duyên khởi, Vô Thường, Vô Ngã. (Đặc tính của sự vật là không thực thể hay duyên khởi hay vô ngã)
4-Tánh Không và Trung Đạo. (Thiền quán về tính không và duyên khởi của các sự vật hiện tượng là một trong các cách trừ diệt các chấp thủ, tham ái và dẫn đến sự an tịnh các hành một cách có hiệu quả).
5-Phương pháp quán “không, giả và trung”. (Tất cả các sự vật hiện tượng đều do duyên mà hình thành; do đó gọi là không (tức không thực thể) hay cũng còn gọi là giả danh hay trung đạo).
6-Ý nghĩa chữ “Sắc” trong “Sắc tức thị Không”. (Sắc uẩn chỉ là tổ hợp vật chất tùy thuộc, duyên khởi vào các hoạt động tinh thần khác (thọ, tưởng, hành, thức) nên nó không có thực thể (không): Sắc tức thị không).
Nhưng, như chúng tôi đã trích dẫn hai đoạn Kinh Đại Niết Bàn ở trên đã chứng tỏ thêm một vấn đề khác. Chúng tôi xin ghi lại:
Này Thiện nam tử! Tánh hư không cũng chẳng ngồi dậy, chẳng đòi uống ăn, chẳng dặn bảo quyến thuộc coi sóc sản nghiệp, cũng không đi, không lại, không sanh diệt, không già trẻ, không mọc lặn, hư bể, giải thoát, ràng buộc, cũng không nói mình, nói người, cũng không hiểu mình hiểu người, chẳng phải ăn, chẳng phải bịnh." (Trang 385, tập 1)
Và:
Phật tánh của chúng sanh chẳng hư, chẳng hoại, chẳng bị kéo, bị bắt, chẳng bị trói, bị buộc. Như trong chúng sanh có hư không, vì tất cả chúng sanh đều có hư không chẳng chướng ngại, chúng sanh đều chẳng tự thấy mình có hư không này. Giả sử nếu chúng sanh chẳng có hư không thời không có những sự đến, đi, đứng, ngồi, nằm, chẳng sống chẳng lớn. Do nghĩa này nên trong kinh ta nói tất cả chúng sanh đều có hư không giới, hư không giới đây gọi là hư không. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy. Bực Thập trụ Bồ tát thấy được phần ít như châu kim cương."
Như vậy, Đức Phật xác định trong mỗi chúng sinh đều có hư không giới, tức hư không giới cũng là một thành tố cấu tạo cơ thể của chúng sinh, nhờ hư không ấy mà chúng sinh mới có được sự tăng trưởng, đi, đứng, nằm, ngồi, tức là hoạt động được. Nhưng tính chất của hư không thì không đi, lại; không ăn uống; không sinh diệt, già trẻ hư hoại; không phân biệt mình, người... Vậy hư không giới trong mỗi chúng sinh sẽ đóng vai trò quan trọng nào?
Chúng ta cùng để ý đến hai đoạn Kinh lăng Nghiêm sau:
-"Còn ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với Chơn tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước; ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh trong suốt, nên mới được như vậy! (LN 132-133).
-Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thì cái trí quang sáng suốt hiện ra. Lúc bấy giờ chơn tâm ông vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian này, cũng như là việc trong chiêm bao. Khi ông được như thế rồi thì nàng Ma Đăng Già ở trong mộng kia làm gì bắt ông được! (LN, 235).
Từ hai đoạn trên cho chúng ta thấy Đức Phật đề cập đến những đặc điểm của một vị đã thành Phật có những đặc điểm hiệp với hư không như sau: Thường trụ bất sanh, bất diệt, biến khắp cả pháp giới; tự tại vô ngại; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới; thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận; trở lại bản tâm thanh tịnh trong suốt; chơn tâm vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi.
Những điều đó cho chúng ta có thể hiểu rằng một hành giả đạt được Đạo Vô Thượng Bồ Đề sẽ nương vào tính hư không để bất sinh bất diệt, để có thể vươn ra lớn cùng với hư không vô tận, cũng như nương vào hư không để có thể thu nhỏ lại như hạt bụi đem để ở trên đầu ngọn lông mà làm công việc lớn: Chuyển Đại Pháp Luân, nhưng không bị ngăn ngại gì cả.
Trong thời đại vi tính và truyền hình ngày nay chúng ta có thể hiểu được “thần thông” của Đức Phật thường nói trong Kinh điển: Đức Phật có thể thu toàn thế giới cùng với mình lại nhỏ như hạt bụi để mình “chuyển Đại Pháp Luân” mà trong đó mọi thế giới có cảm tưởng như không hề thay đổi, giống như trên màn hình chiếu từ cảnh cá nhân lớn dần đến nhà cửa, toàn địa phương rồi đến địa cầu, thái dương hệ, thiên hà và lớn dần toàn vũ trụ; Sau đó, chúng được gom lại trong một bong bóng và bong bóng đó nhỏ dần, nhỏ dần và gom lại thành một điểm vào giữa màn ảnh, sau cùng thì biến mất hay bằng hạt bụi. Hình ảnh ấy giống như toàn vũ trụ được gom nhỏ trong hạt bụi có thể đem để trên đầu ngọn lông mà những gì trong đó vẫn cảm thấy không hề thay đổi. Còn tại sao khi thành đạo thân Phật lại “bao trùm mười phương hư không vô tận”? Điều ấy chúng ta có thể lấy lại ví dụ của A-Lại-Da-Thức thì sẽ dễ hiểu hơn! Khi A-Lại-Da-Thức còn của một chúng sinh bình thường thì giống như một cái túi để chứa đựng những hạt giống (chủng tử) nhân quả; nhưng khi không còn những nhân xấu khiến mình phải tái sinh để trả quả nữa, tức lúc ấy hành giả đã đạt đến Đạo Bồ Đề thì túi A-lại-Da-Thức sẽ tự tan vỡ đi, và cái Tâm ( bây giờ là “chơn tâm” vì sau khi tu đắc đạo cái “vọng tâm” đã bị diệt) của hành giả sẽ nương theo hư không mà trương lớn lên theo khắp cùng trong hư không vô tận để “trở thành thân Phật”. Thân ấy khi muốn lớn thì tràn khắp hư không; còn muốn nhỏ thì thu nhỏ lại giống như hạt bụi. Sự trương lớn, hay thu nhỏ không bị cái gì ngăn ngại cả (thân vô ngại). Và sự trương lớn hay thu nhỏ đó chỉ cần trong một niệm cho nên câu “chỉ trong một niệm các Đức Phật có thể đi qua khắp “tam thiên đại thiên thế giới” là như vậy!
Nếu nói như thế thì trong “hư không vô tận có rất nhiều Đức Phật ẩn tàng vào nhau”? Đúng thế, cho nên Đức Phật mới thuyết:
“Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong lớn hiện nhỏ, trong nhỏ hiện lớn; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới”.
Và Đức Phật cũng đề cập đến cảnh viên dung ấy như sau:
“Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau”. (Kinh Viên Giác, Phật Học Phổ Thông khóa VIII, trang 51-52).
Tất cả các vị Phật đều ở trong Hư Không Pháp Giới và cũng được gọi là Niết Bàn như Ngài A-Nan bạch Phật rằng:
-(A Nan) Bạch Thế Tôn! Bồ Đề, Niết Bàn, Chơn Như, Pháp Tánh, Yêm Ma La Thức, Không Như Lai Tạng, và Đại Viên Cảnh Trí, bảy danh từ tuy khác, chớ cũng đồng một quả Phật thanh tịnh thường còn không hoại. (Lăng Nghiêm, PHPT khóa VI-VII, trang 162).
Trong câu này cho chúng ta biết Niết Bàn là ở nơi đâu? Và Niết Bàn là gì? Niết Bàn là một trạng thái thanh tịnh, khắp giáp cả mười phương hư không thế giới, là nơi an trú mà người hành đạo khi đạt được tiến về với Chơn Tâm như đoạn Kinh Lăng Nghiêm ghi như sau:
“Này Phú-Lâu-Na, các ông khi đối với trần cảnh (thế giới, chúng sanh, nghiệp quả) chỉ đừng có khởi vọng niệm phân biệt, thì tham, sân, si, (ba duyên) không khởi. Ba duyên không khởi, thời ba nhơn sát, đạo, dâm chẳng sanh. Lúc bấy giờ anh khùng Diễn-Nhã-Đạt-Đa (mê) ở trong tâm các ông tự hết, mà hết tức là Bồ-Đề (sáng suốt). Khi ấy chơn tâm của ông thanh tịnh sáng suốt tự hiện bày, khắp cả pháp giới, không cần phải cực nhọc khó khăn tu chứng, hay xin cầu nơi ai cả”. (Kinh Lăng Nghiêm, PHPT Khóa VI-VII, trang 143)
Và Đức Phật nói về Chơn Tâm:
“Nó nhiệm mầu yên lặng, sáng suốt, khắp giáp cả pháp giới” (Lăng Nghiêm, PHPT, trang 110); “Chơn tâm nhiệm mầu vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi (Bản giác diệu minh, bản giác minh diệu)” (trang 119).
Và ở một đoạn Kinh Tạp-A-hàm, Đức Phật chỉ rõ qua đâu mà chúng ta sẽ tìm được Niết–Bàn:
"Như Lai tuyên bố rằng thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian đều nằm trong tấm thân một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng."
Và Niết-Bàn đối với người hành đạo có hai hình thức:
"Có hai hình thức chứng nghiệm Niết Bàn là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn và chứng nghiệm Niết Bàn lúc không còn thân ngũ uẩn nữa.
Nầy chư Tỳ Khưu, chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn là gì?
Là nơi đây, nầy chư Tỳ Khưu, một thầy tỳ khưu đắc quả A La Hán, đã tận diệt mọi ô nhiễm, đã sống đời thiêng liêng cao thượng, đã làm những việc cần phải làm, đã bỏ gánh nặng, đã thành đạt mục tiêu, đã tận diệt mọi trói buộc của đời sống, một thầy tỳ khưu hiểu biết chơn chánh và đã được giải thoát. Ngũ quan của thầy vẫn còn và vì chưa xa lìa hẳn ngũ quan, thầy còn hưởng những quả lành và chịu những quả dữ. Sự chấm dứt tham, sân, si của thầy tỳ khưu ấy gọi là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn.
Nầy chư Tỳ Khưu, chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc không còn thân ngũ uẩn là gì?
Nơi đây, nầy chư Tỳ Khưu, một thầy tỳ khưu đắc quả A La Hán...đã được giải thoát. Trong chính kiếp sống ấy thầy không còn thích thú với những cảm giác của thân nữa, thầy mát mẽ. Đó là chứng nghiệm Niết Bàn trong lúc không còn thân ngũ uẩn". (Đức Phật và Phật Pháp, Narada Thera (Phạm Kim Khánh dịch), trang 466).
Niết Bàn trong lúc còn mang thân ngũ uẩn đó là: "Hữu Dư Y Niết Bàn" và "Vô Dư Y Niết Bàn" là Niết Bàn khi không còn thân ngũ uẩn.
Theo như vậy, “Tính Không” trong Đạo Phật không phải là những “cái Không” giả tưởng hay mơ hồ; mà những “Không” ấy để chỉ đến những cái trống rỗng, những cái không có thực chất, những cái “không” và “có” giả tạm. Nhưng “Hư không” mới là nơi “trụ” và “viên dung” của tất cả các đại, và cũng là nơi mà Tâm của từng chúng sinh tu đến Giác Ngộ nhập vào cõi Chơn Tâm nằm trong Chơn Như, Pháp Tánh, Niết Bàn,... hay được gọi đúng hơn là “Không Như Lai Tạng” vậy!
Cho nên “Tính Không” trong Đạo Phật không phải có nghĩa là “Không Có”; mà lại cũng không phải có ý nghĩa mơ hồ chung chung mờ mịt như “Hư Vô” trong Đạo Lão chủ trương, mà “Tính Không” trong Đạo Phật rất là cụ thể và cao trọng nhất mà người hành giả mong muốn để tìm về!
- Tag :
- Nguyên Thảo