Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Con NgườiMâu Thuẫn

14 Tháng Tư 201507:25(Xem: 8091)
Con Người Là Mâu Thuẫn
CON NGƯỜIMÂU THUẪN

Thích Đạt Ma Phổ Giác


Con Người Là Mâu ThuẫnTừ trước đến nay chúng ta tu theo đạo Phật để được giác ngộ, giải thoát, vượt lên sự tầm thường của con người để trở thành các bậc hiền Thánh. Chúng ta không ngờ trong đạo Phật đã có sẵn hệ thống đạo làm người rất lớn và chính nhờ đạo lý này mới giúp ta có thể làm Thánh được. Trong cuộc sống mỗi người chúng ta đều có một vai trò, chức năngviệc làm khác nhau. Có người cao sang quyền quý, có người trung lưu nhàn nhã, có người nghèo khổ khốn cùng; nhưng dù ở vị trí nào, số phận nào, chúng ta cũng đều là người. Ngay khi đã là một tu sĩ xuất gia đi tìm sự giác ngộ, giải thoát cũng vẫn là một con người, nên ta phải sống có nhân cách đạo đức và phải biết thực hiện đạo làm người một cách trọn vẹn.

Ai sống trong cuộc đời này cũng mong muốn và ước mơ về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp để phục vụ cho gia đìnhxã hội. Tuy có suy nghĩước mơ nhưthế nhưng mấy ai được tròn tâm nguyện của mình bởi đường đời nhiều nỗi chông gai, cạm bẫy. Thực tế cuộc sống thường không như ta mong đợi. Bây giờ chúng ta thử nhìn lại chính mình xem những nguyên nhân thất bại từ đâu. Ai cũng nghĩ cuộc sống này sở dĩ có sự mâu thuẫn là do con người tạo ra sự đối kháng lẫn nhau, chớ không nghĩ mâu thuẫn đó ở ngay nơi thân mình, do tâm ý thức của mình phân biệt mà ra. Chắc ai cũng thấy từ khi ta mới lọt lòng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng thì trong đời mình được mấy lần vui. Cơn vui vừa thoáng qua, cơn buồn lại kéo đến; đã đành sanh-già-bệnh-chết là bốn đại hoạ không ai tránh khỏi nhưng cảnh nghèo khó, thiếu thốn, khó khăn, ân ái yêu thương phải xa lìa, rồi oán thù gặp gỡ, hoàn cảnh lôi kéo cũng đủ làm ta chịu đau khổ vô cùng.

Nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn bốn biển trên thế gian này và sẽ còn nhiều hơn nữa nếu lòng tham lam, ích kỷ của ta không được chuyển hoá. Đó là biển nước mắt đau thương bởi sự si mê cuồng vọng của loài người, nên muốn nước mắt ngừng rơi con người chỉ có một con đường duy nhất là biết sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã, vị tha. Các bậc thánh nhân xưa nay cùng các vị đại Bồ tát và tất cả chư Phật đều sống bằng tấm lòng từ bi rộng lớn nhờ biết cách tu tập chuyển hoá tự thân, dứt ác làm lành. Đạo Phật chú trọng đến mục đích giác ngộ, giải thoát - tự lợi, lợi tha để san sẻ và nâng đỡ người khác. Chúng ta có thể nhiều kiếp học rộng, nghe nhiều, nhớ hết tất cả Pháp môn của chư Phật chỉ dạy nhưng chẳng bằng chuyên tu hạnh giải thoát cho mình và người; nếu chỉ học suông mà không tu thì khác nào như người thuộc lòng tấm bản đồ rồi ngồi đó ngắm xem hoài không chịu đi.

Có người nghĩ tu là một việc quá khó vì phải xa gia đình, xã hội để ép mình trong một khuôn khổ nhất định nào đó, phải che mắt bịt tai trước mọi hoàn cảnh, vứt bỏ cuộc sống xã hội rồi ỷ lại thần quyền để cầu mong tương lai trường sanh, bất tử. Nếu hiểu chữ “tu” như vậy làm sao có ích cho mình và người được? Người có hiểu biết chân chính lúc nào cũng tin sâu nhân quả, làm lành tránh dữ, biết điều phục từ thân-miệng-ý nên thân tâm được an lạc, hạnh phúc. Vậy tu là gì? Chúng ta định nghĩa một cách tóm tắt thì tu có nghĩa là sửa, xấu xa sửa thành tốt đẹp, tà vạy sửa thành chính đáng, độc ác sửa thành hiền lành, mê mờ sửa thành sáng suốt … Có nhiều người nói, "Phật tức tâm, tâm tức Phật, tôi chỉ tu cái tâm ấy cũng đủ rồi”; mới nghe qua tưởng chừng hợp lý, song xét kỹ mới thấy đó chỉ là câu nói đùa bâng quơ để từ chối việc tu hành của chính mình mà thôi.

Sư ông chúng tôi thường nói "cuộc đời là mâu thuẫn”; vậy ta phải sống thế nào để cuộc đời được bình yên, hạnh phúc mà không bị những phiền não tham-sân-si làm đau khổ; tuy mới nghe qua rất lạ nhưng xét kỹ thì đó là sự thật. Người Phật tử tại gia cũng như người xuất gia luôn có những thứ buồn vui, thương ghét, phải quấy, tốt xấu, hơn thua. Chúng ta hay than vãn tại sao gia đình mình không có sự thống nhất với nhau, hoặc ở trong chùa sao không đồng tâm hiệp lực với nhau. Tập thể nào cũng có những chuyện xảy ra như vậy hết. Lý do gì mà chúng ta luôn có những buồn phiền, bực tức và bất đồng quan điểm với nhau về sự không hoà hợp. Chúng ta hãy nhìn lại xem con người mình ra sao. Ai cũng ngỡ có sự mâu thuẫn là do người này đối kháng với người kia, không ai nghĩ sự mâu thuẫn đó ở sẵn ngay nơi mình.

Phật dạy thân người do tứ đại gồm bốn chất đất-nước-gió-lửa hòa hợp lại hình thành; đất với gió lại không thuận với nhau, gió thổi mạnh thì đất rung rinh, lửa đang cháy bị nước làm giảm sức nóng nên cũng không thuận hợp. Chúng luôn có sự chống trả với nhau kịch liệt, đất kỵ gió, nước kỵ lửa, chúng ta thường ví “như nước với lửa” để diễn tả sự đối nghịch nhau; nên thân con người khi nào lạnh quá phải uống thuốc nóng để làm ấm lại, khi nóng quá phải uống nước mát để cơ thể dịu lại; vì cơ thể nóng là lửa nhiều nước ít, cơ thể lạnh là nước nhiều lửa ít, nên chúng ta phải tìm cách điều hòa cho phù hợp. Như vậy, sự sống này là sự điều hòa các yếu tốtính chất trái ngược nhau, nếu nặng về bên nào cũng đều sinh ra bệnh. Cụ thể nhất là người nào trúng gió là bị gió xâm nhập làm toàn cơ thể đau nhức, gió thổi mạnh thì đất rung rinh, do đó ta phải cạo gió, cạo một hồi thì thấy trong người bình thường trở lại. Rõ ràng là đất với gió luôn đối chọi nhau, cái nào trội hơn cũng sinh ra bệnh, nên phải thường xuyên điều hòa bằng sự ăn uống làm sao cho chúng quân bình với nhau thì cơ thể mới được bình thường mà mạng sống được kéo dài.

Tuy nhiên, không ai có thể điều hòa để chúng có thể tồn tại mãi từ ngày này tháng nọ đến năm kia, có hay lắm cũng chỉ hơn một trăm năm là cùng. Con số người sống trên trăm tuổi quá hiếm hoi vì tứ đại hòa hợp chỉ trong một giới hạn nào đó. Bây giờ chúng ta thử đi sâu vào từng phần của chúng như xét thử chất đất trong người mình. Ai ăn uống nhiều hoặc không làm chủ bản thân trong việc tiêu thụ thực phẩm thì thân này dễ sinh bệnh béo phì, nhất là người nữ trong thời hiện đại. Đất nhiều trong người làm cơ thể mất cân đối, chậm chạp, mệt mỏi, đi đứng không được thoải mái. Do ảnh hưởng của hoá chất độc hại trong thức ăn và sự không kiềm chế trong ăn uống nên phát sinh nhiều chứng bệnh lạ kỳ. Việc xét nghiệm, chữa trị bệnh theo chu kỳ làm tiêu tốn rất nhiều tiền nên nói chung trong người chứa quá nhiều đất thì bất tiện đủ điều. Cũng như chất gió là sự hoạt động của cơ thể mà khi gió mạnh cũng làm đất rung rinh, cơ thể ê ẩm, đau nhức rã rời khiến thân này sốt lạnh, nhức đầu, phải cạo gió và uống thuốc mới hết. Con người sống được là nhờ lửa nóng làm điều hoà thân này nhưng nếu lửa quá nhiều thì người bức rức, nóng nảy, khó chịu, ta phải hoạt động chân tay sao cho toát mồ hôi cơ thể mới dịu lại. Đó là nói về thân nhiệt. Cơ thể chúng ta gần 70% là nước để điều hoà, nuôi dưỡng thân này nhưng nếu chất nước quá thịnh, nghĩa là chất âm quá nhiều thì cơ thể lạnh lẽo, mệt mỏi, ít muốn hoạt động mà chỉ muốn ngủ vì thân tâm bần thần, rã rượi như người thiếu ngủ cả tháng trời. Tóm lại, cơ thể con người gồm bốn chất đất-nước-gió-lửa luôn chống chọi với nhau nên phải điều hoà từ ngày này tháng nọ đến năm kia, nếu trong bốn chất có chất nào thịnh cũng sẽ sinh bệnh, đến khi mất một chất nào thì thân thể này tan rã, bại hoại. Như vậy, xét về vật chất thân thể chúng ta do đất-nước-gió-lửa hình thành nên có rất nhiều mâu thuẫn với nhau; còn phần tinh thầnmâu thuẫn hay không?

Tinh thần của ta bao gồm tâm thiện và tâm ác. Tâm thiện là tâm hay cứu người giúp vật, không làm tổn hại một ai, từ ý nghĩ lời nói cho đến hành động đều vì lợi ích chung. Tâm ác thì mưu mô, xảo trá, quỷ quyệt, chuyên làm chuyện xấu xa được phát xuất từ suy nghĩ, lời nói làm tổn hại cho người khác. Tâm ác khi khởi lên thì hay sát sinh hại vật, trộm cướp lường gạt của người, làm điều phi pháp, nói dối hại người và hay tiêu thụ các chất độc hại như rượu-xì ke-ma tuý. Tâm ác được ví như cỏ dại không ai trồng mà chúng vẫn tự mọc, tâm thiện được ví như cỏ kiểng phải chăm sóc, tưới tẩm chu đáo hằng ngày mới xinh đẹp, tốt tươi. Có khi tâm thiện thắng tâm ác nhưng cũng có khi tâm ác thắng tâm thiện, mà phần đông tâm ác thắng nhiều hơn bởi lòng tham lam, ích kỷ do chấp ngã của con người. Bình thường chúng ta không nói lớn tiếng hoặc nạt nộ ai nên không làm người khác đau khổ, nhưng hễ có chuyện bực mình, tức tối là nói lớn tiếng với những ngôn từ hằn học, khó nghe. Nội tâm chúng ta lúc nào cũng có tâm thiện, tâm ác giằng co với nhau nên khiến mình bất an hoài là vậy.

Xưa có người bán mâu là một loại vũ khí thời xưa dùng để đâm và thuẫn là cái khiên dùng đỡ lại. Ông ta rao bán “cây mâu của tôi sắc, bén, nhọn, đâm vật gì cũng lủng hết”; rồi lại rao tiếp, “khiên của tôi rất chắc, không gì có thể đâm thủng”. Có người nghe vậy mới rắn mắt hỏi lại, “vậy lấy mâu của ông đâm thuẫn của ông thì sẽ ra sao?” Ông ta bị hỏi bí nên đớ lưỡi, không trả lời được, đành ngậm miệng đi nơi khác. Xưa nay, tất cả mọi sự vật trên đời đều có 2 mặt âm dương đối nghịch nhau. Trong âm có dương, trong dương có âm. Âm dương mất cân bằng sẽ sinh ra mâu thuẫn, bệnh tật, chiến tranh, hạn hán và lũ lụt. Trong mỗi con người chúng ta ai cũng có tâm thiện-ác luôn song hành bên nhau. Tâm thiện mạnh thì chế ngự được lòng tham lam, ích kỷ.Tâm ác mạnh thì làm tổn hại cho người và vật. Khái niệm mâu thuẫn nói về tính hai mặt của tất cả mọi hiện tượng sự vật trong bầu vũ trụ bao la này: trong âm có dương, trong tốt có xấu v.v… và v.v… Mâu thuẫn theo người Á Đông cho rằng các nhân tố âm dương trong một chủ thể luôn vận độngbiến đổi luân hồi, âm thịnh thì dương suy, âm suy thì dương thịnh, do nó đối nghịch nhau nên gọi là mâu thuẫn. Mỗi sự vật đều chứa đựng mâu thuẫn bên trong vì bản chất của sự vật là động chứ không tĩnh. Khi sự vật còn vận động thì mâu thuẫn sẽ phát sinh. Như vậy, chúng ta nên hiểu mâu thuẫn là đương nhiên tồn tại và là tốt chứ không phải xấu, vì nó giúp cho muôn loài vật luôn luôn phát triển, mở mang. Nếu một gia đình không có mâu thuẫn thì con người không cần hoàn thiện nữa, dẫn đến không luyện tập, tu dưỡng đạo đức, do đó con người không tiến bộ và đổi mới theo thời gian. Nếu một xã hội không có mâu thuẫn thì con người sẽ ngừng sinh hoạt, không còn động lực cạnh tranh để phát triển điều tốt đẹp, khi ấy con người sẽ ù lì như cục đất sét nhão. Vì thế, có sự sống là có mâu thuẫn, từ con người cho đến muôn loài vật đều có mâu thuẫn hết. Chính vì vậychúng ta phải tìm cách điều hoà mâu thuẫn làm sao cho nó được vuông tròn, tốt đẹp.

Bây giờ, chúng ta giải thích từ ngữ mâu thuẫn là gì? Mâu là cây giáo dùng để đâm, thuẫn là cái khiên dùng để đỡ lại. Khi giáo đâm thì khiên phải đỡ và chống lại. Cũng vậy, thân của ta lúc nào cũng mâu thuẫn bởi bốn chất đất-nước-gió-lửa đối nghịch nhau, trong tâm ta hai anh thiện ác cũng luôn mâu thuẫn, đối kháng nhau. Tự bản thân mình đã có sẵn mầm móng của mâu thuẫn rồi thì trong quan hệ giao tiếp, làm ăn, sinh sống với mọi người chắc chắn cũng khó tránh khỏi sự va chạm vì mỗi người một quan điểm, lập trường khác nhau. Đó là điều chúng ta không bao giờ muốn, nhưng vì mỗi người có một suy nghĩ riêng và tập khí, thói quen khác nhau nên khó mà hoà hợp. Thân mâu thuẫn vì bốn chất đất-nước-gió-lửa luôn đối nghịch nhau. Tâm tư con người lại càng mâu thuẫn hơn vì ông luật sư của mình lúc nào cũng bào chữa, biện minh, lý giải, bảo vệ. Cho nên, sống với nhau muốn được hòa hợp thì ta phải có tấm lòng nhân ái biết bao dungđộ lượng, biết cảm thôngtha thứ bằng trái tim hiểu biết; do đó mới bớt xảy ra xung đột, đối kháng nhau. Tóm lại, trong thể xác lẫn tâm hồn chúng ta luôn có sự mâu thuẫn nên ta phải biết cách điều hoà.

CON NGƯỜI VÀ SỰ SỐNG

Một nhà tỷ phú nọ vì muốn con trai mình hiểu được hoàn cảnh cuộc sống, thấy rõ tận mắt những người dân quê lam lũ vất vả, đầu đội trời, chân đạp đất mà vẫn nghèo khó. Hai cha con nghỉ lại một tuần tại một làng quê xa xôi, hẻo lánh, nơi có đời sống thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt. Sau một tuần tìm hiểu đời sống người dân quêtrở về nhà, người cha mới hỏi con, “con thấy chuyến đi chơi này ra sao?” “Dạ thưa cha, chuyến đi này rất nhiều điều bổ ích cho con.” “Con có thấy cuộc sống cực khổ, thiếu thốn, khó khăn của người dân quê không?” “Dạ, có!” “Con nhận thấy gì trong cuộc sống của họ?” “Dạ thưa cha, con thấy nhà mình chỉ có mỗi một con chó mà họ thì có tới sáu con. Nhà mình chỉ có một hồ bơi nhỏ ở giữa vườn còn họ thì có cả một dòng sông tàu thuyền chạy suốt cả buổi mới hết. Nhà mình thì phải nhập cảng những chiếc đèn chính hiệu từ Nhật Bản để treo trong vườn còn họ thì không cần đến, vì họ có cả một bầu trời đầy sao chiếu sáng lúc ban đêm. Nhà của mình còn giới hạn nên nhìn thoáng qua là thấy hết từ trong nhà ra đến cổng, còn nhà họ có thể ngồi nhìn xuyên suốt tới tận chân trời. Nhà mình chỉ có một miếng đất nhỏ để gieo trồng hoa màu, cây trái, còn họ có cả một cánh đồng ruộng bao la cò bay thẳng cánh. Nhà mình phải có người ở để giúp việc còn họ thì không cần, vì họ tự lo cho nhau được. Chúng ta phải bỏ tiền ra để mua đồ ăn thức uống, còn họ thì tự trồng trọt, chăn nuôi và tự túc về thực phẩm. Nhà mình phải có tường cao bao quanh để bảo vệ còn họ thì không cần, họ có những người bạn tốt để đùm bọc, trông ngó, dòm chừng lẫn nhau”. Trước những lý luận sắc bén của người con trai, người cha không còn lời nào để khuyên nhủ con mình. Người con nói tiếp, “dạ thưa cha, con rất cám ơn cha đã cho con một chuyến tham quan khảo sát đầy thú vị, so với người dân quê thì gia đình ta còn quá nghèo nàn, lạc hậu, con sẽ cố gắng làm nên sự nghiệp đến khi nào hơn họ mới thôi”.

Ở đời, chúng ta thường quên đi những gì chúng ta đã có và đang có, con người thật là mâu thuẫn, chỉ biết tìm kiếm thêm mà không biết quan tâm đến người khác. Những vật không đáng giá của người này chính là những vật mong uớc của người kia. Đời là như vậy! Hạnh phúc sẽ đến nếu chúng ta biết bằng lòng với những gì ta đang có thay vì chỉ nghĩ đến mộng uớc muốn có thêm cho riêng mình. Hãy tận hưởng những gì chúng ta đang có, nhất là gia đình, người thân, bạn bè đang chung sống với ta. Qua câu chuyện nhà tỷ phú và đứa con trai đã cho ta một bài học lý thú của cuộc đời. Tiền bạc của cải thuộc về năm nhà có thể bị cuốn trôi trong tích tắc như nhà lũ lụt, nhà hoả hoạn, nhà trộm cướp, nhà vua quan tịch thâu và con cái bất hiếu phá sản. Thừa hưởng của cải vật chất mà không có hiểu biết chân chínhnhận thức sáng suốt thì coi chừng tán gia bại sản trong nay mai, chỉ một đêm thôi mọi thứ đều thay đổi cả, tiền muôn bạc vạn nay thời còn đâu. Nhà tỷ phú nọ muốn cho con mình có cái nhìn xa trông rộng nên mới bắt đầu cho cậu tìm hiểu đời sống khó khăn, vất vả, chân lấm tay bùn của người vùng sâu, vùng xa mà vẫn thiếu trước hụt sau. Tất cả chỉ vì không biết gieo nhân quả tốt trong quá khứ để con mình không ỷ lại và cao ngạo mà cố gắng gieo trồng phước báu thêm, nhưng lòng tham của con người quả thật như giếng sâu không đáy, không biết bao nhiêu để được gọi là đủ.

Đạo Phật không dừng lại ở nơi tối tăm mà luôn dùng ánh sáng trí tuệ để chuyển hóa si mê, u tối thành trong sáng, hiện thực. Trên đời này không gì quý bằng an vui và hạnh phúc. Vàng bạc, gấm vóc, lụa là, thức ăn sơn hào hải vị, vũ khí tối tân chỉ làm con người tăng trưởng thêm lòng tham lam, ích kỷ, sân si, nóng giận và giết hại lẫn nhau; càng nhiều mưu cầu, tham đắm riêng tư thì càng thêm khổ đau chồng chất, chỉ cần muốn ít biết đủ theo khả năng hiện tại thì nghèo khó vẫn an vui, hạnh phúc. Trớ trêu thay, thế gian này không biết bao nhà tỉ phú đã phải bỏ mạng sa trường vì hụt hẫng bên bờ hạnh phúc, họ cứ mải mê chạy theo trường đời danh lợi, quyền cao chức trọng để rồi phải ra đi trong tủi hận ưu phiền. Chúng ta cứ bám víu, dính mắc vào nhu cầu vật chất quá nhiều nên quanh năm suốt tháng đều bị nó trói buộc. Những nhà tỉ phú đâu có thiếu thốn, nghèo khó nhưng tại sao vẫn phải tự tử? Hạnh phúc nhất của con người là từ nội tâm trong sáng, thanh tịnh. Tuy sống giữa cõi đời nhiều ô nhiễm, đầy dẫy tham lam, thù hận, si mê nhưng ta không bị dòng đời cuốn trôi và nhấn chìm, vẫn làm việc phục vụ chúng sinhđiều kiện mà không dính mắc, đắm nhiễm. Đó mới là người có trí tuệ rộng lớn. Có hai điều rất cần thiết trong việc làm một người tốt:

_ Thứ nhất: tu dưỡng đạo đứchoàn thiện bản thân bằng cách dứt ác làm lành.

_ Thứ hai: có trách nhiệm, bổn phận đối với gia đìnhxã hội. Một gia đình an vui, hạnh phúc con cháu phải biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết kính trên nhường dưới, sống vui vẻ, thuận thảo với nhau và sẵng sàng cưu mang, giúp đỡ nhiệt tình trong mọi trường hợp. Bên cạnh đó ta còn phải biết tuỳ theo nhân duyên để đem an vui, hạnh phúc đến với mọi người.

Trong suốt quá trình tu học, dấn thân để từng bước làm bậc hiền Thánh nhằm để giác ngộ, giải thoát cho mình và người, chúng ta lại quên đi trách nhiệm và bổn phận thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống với trái tim yêu thươnghiểu biết. Muốn trở thành bậc hiền Thánh trong hiện tạimai sau không phải chúng ta từ bỏ thân phận làm người để đi tìm một giá trị cao thượng nào khác mà muốn làm bậc hiền Thánh cũng phải từ con người mà ra; nhưng làm thế nào để thực hiện đạo làm người một cách sâu sắc? Ta phải luôn tự biết trách mình, tìm lỗi chính mình để sửa sai; phải biết xem xét từng ý nghĩ, lời nói, hành vi của mình, điều ác dù rất nhỏ cũng nên tránh, điều thiện dù khó khăn đến đâu cũng không từ nan và hiểu biết rõ ràng điều xấu và điều tốt; phải biết thanh lọc nội tâm, biết kiểm soát tâm và biết nhìn lại chính mình; phải đối với mọi người luôn khoan dung, tử tế một cách sâu sắc và luôn e ngại làm người khác tổn thương; tử tế, sâu sắc có nghĩa là hiểu thấu, thông cảm và chia sẻ được những nỗi đau của người khác. Ta phải là người độ lượng, bao dung, biết yêu thương con ngườikhông tính toán so đo ta-người, được-mất; dù làm rất nhiều việc thiện lành tốt đẹp nhưng trong lòng không hề có chút ý nghĩ mưu cầu danh lợi, phước báo; chấp nhận những thiệt thòi bản thân để giữ vững đạo lý làm người.

Ngoài việc bản thân ra sức tu tập, chúng ta cũng cần hiểu thêm về việc giúp đỡ những người nghèo khổ bằng vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta biết tu dưỡng giá trị đạo đức tâm linh nên khi đem lợi ích vật chất đến cho mọi người ta cần san sẻ thêm đạo lý làm người để họ có niềm tin vào nhân quả và tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc. Ta đến với đạo Phật là đang đi tìm con đường giác ngộ của bậc Thánh và ta biết được con đường này bắt đầu bằng đạo làm người. Khi chúng ta tu tập thật tốt và hoàn hảo, ta sẽ trở nên những người thánh thiện có nhân cách, đạo đức tốt và hay đem niềm vui đến với mọi người. Khi ta khôn lớn trưởng thành, bước chân vào đời ta sẽ tìm kiếm giá trị cuộc sống và sẽ nhận ra “tình thương chính là hạnh phúc của con người''. Nó có thể là tình cảm lứa đôi, tình cảm gia đình, bè bạn và cao hơn nữa là tình người trong cuộc sống. Tình thương đó là tấm lòng yêu thương chân thànhtrong sáng, là một thứ tình cảm chỉ trao đi mà không cần nhận lại, không vụ lợi, không tính toán, nghĩ suy, thấy khổ liền giúp đỡ và san sẻ một cách nhiệt tình. Có thể nói, tình thương là một thứ tình cảm đẹp đẽ luôn tồn tại trong bản chất của mỗi con người. Kết quả của sự yêu thương là sự hoà hợp của trái tim, cái được gọi là trái tim biết thổn thứcrung động trong sự sẻ chia và nâng đỡ cho nhau.

Theo quan niệm xưa, một số người cho rằng sự giàu nghèo, sang hèn đã được sắp đặt sẵn trước sau như một, không thể đổi thay. Ai theo quan niệm này thì sự sống bị khựng lại, không phát huy được năng lực đóng góp, phục vụ tha nhân mà chỉ sống ỷ lại, cầu cạnh vào người khác vì nghĩ số phận mình đã như vậy. Thế gian này có lắm chuyện xảy ra cho ta thấy rõ trường đời là nơi đấu tranh, giành giựt, chém giết lẫn nhau chỉ vì “cái ta” hẹp hòi, giả dối. Vậy chúng ta cần phải mở rộng tấm lòng nhân ái để biến thù hận thành thương yêu từ quan niệm sai lầm chấp có bản ngã là “thật ta”. Chúng ta hãy biết bao dungđộ lượng bằng trái tim hiểu biết để dung hòa với muôn loài vật. Hiện tại chúng ta không những có rất nhiều điều xấu xa, tội lỗi mà cũng có rất nhiều điều thiện lành, tốt đẹp. Chúng ta cần phải duy trì, bồi đắp, tu dưỡng như biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia. Sự sáng suốt, bình đẳng xét ra ai cũng có; nếu ta biết cố gắng vun bồi thì việc lợi íchchúng ta cũng làm được.

Con người ta thường hay có bệnh ỷ lại và vì lòng tham lam, ích kỷ nên ai cũng muốn vơ vét về cho mình nhiều hơn. Nếu chúng ta đang được thừa hưởng gia tài của cha mẹ để lại, ta phải biết không có gì tự nhiên khi không hay do ông trời nào ban cho mình mà chính ta đã tạo nhân quả tốt trong nhiều đời. Quy luật hưởng phước thì hết phước nên ta phải biết gieo tạo phước đức không ngừng nghỉ. Ta hãy cố gắng diệt bớt lòng tham lam, ích kỷ, si mê, nóng giận. “Tu” chính là sự chuyển hoá lòng kiêu mạn, chấp ngã mà biết bố thí, cúng dường, thương người, cứu vật, khoan dung, độ lượngrộng rãi. Bất cứ hành động tốt đẹp nào ta cảm thấy có nhiều lợi ích cho người và vật thì hãy cố gắng quên mình để thực hành làm theo. Đã đành rằng “tâm tức Phật - Phật tức tâm”, nhưng hiện giờ còn làm chúng sinh thì ta phải biết chắc một điều tâm mình còn mê lầm, chưa được như tâm Phật, vì tâm Phật sáng suốt, chân thật, từ bitrí tuệ. Chúng ta cần phải thành thật, cố gắng kiểm điểm lại mình, nghiệm xét nơi mình để thấy rõ điều gì xấu xa, tội lỗi; điều gì hiểm độc, tà vạy; điều gì mê lầmcố gắng sửa đổi cho đến khi hoàn toàn viên mãn mới thôi.

Nếu chúng ta muốn được an vui, hạnh phúc thì mình phải biết làm chủ bản thân qua thân-miệng-ý, không cho những tâm tư, vọng động xấu ác phát sinh. Sửa đổi hành vi tức là sửa đổi những điều xấu ác của ý nghĩ, lời nói và hành động. Thân thường hay giết hại, trộm cướp, tà dâm. Miệng thường hay nói dối, dèm pha, chỉ trích, phê phán đúng sai, phải quấy, hơn thua… Ấy là hành vi hại mình, hại người mà ít ai tránh khỏi. Ngày nay, toàn nhân loại chỉ sống trong hồi hộp, lo âu, sợ hãi, bất an vì các hành vi giết hại, trộm cướp, nói dối, uống rượu say sưa gieo tạo quá nhiều tai họa ghê gớm. Khi ta sửa đổi hành vi cũng phải sửa đổi tánh tình, vì tánh tình xấu xa gây nguy hại nhiều hơn. Tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ là những tâm tánh xấu cố hữu mà chúng ta cần phải loại trừ. Ai có thân cũng tham sống sợ chết, đó là bản năng thứ nhất. Bản năng thứ hai là chất chứa lòng tham như giếng sâu không đáy, bất cứ cái tốt, cái đẹp đều muốn vơ vét cho riêng mình, muốn cho ta là trên hết còn ai đói khát mặc kệ; xem tiền bạc, của cải hơn mạng sống người khác; vì tham chút lợi danh mà làm đời sống nhân loại bị điêu đứng. Song, muốn sửa đổi tâm tánh xấu xa một cách dễ dàng đến tận gốc thì ta trước tiên phải sửa đổi quan niệm chất chứa tham lam, hẹp hòi, ích kỷ. Để thực hành đúng chữ "Tu" trong đạo Phật ta phải biết dứt ác, làm lành bằng cách sửa saichuyển hoá những tâm niệm tham lam, ích kỷ, oán hờn, nóng giận, ngu si, tối tăm, ganh ghét, tật đố thành vô lượng trí tuệtừ bi.

SỰ MÂU THUẪN GIỮA CON NGƯỜI

Bây giờ ta nói tới con người với con người. Trước tiên chúng ta sẽ nói đến sự mâu thuẫn giữa người nam với người nữ. Thường người ta hay bảo nam thì mạnh, nữ thì yếu, mạnh và yếu gặp nhau thì hơi bị chỏi; nên khi lập gia đình nam mạnh, nữ yếu cũng là sự chống chỏi vì mạnh dễ dàng hiếp yếu. Chính vì vậy, vợ chồng thường hay cãi vã nhau. Những gì người nam đề nghị thì người nữ không chịu, những gì người nữ ham thích thì người nam phản đối. Như vậy mới thấy cuộc sống gia đình giữa nam và nữ muốn được hạnh phúc là dễ hay khó? Đã là hai tánh chất khác nhau thì làm sao dễ được; thế mới thấy cuộc sống này luôn nhiều mâu thuẫn, không có lĩnh vực nào từ trong gia đình cho đến xã hội mà không có mâu thuẫn. Vì vậy, muốn cho cuộc sống trong gia đình được hài hòa êm đẹp thì chúng ta phải hết sức khôn khéo, nhường nhịn lẫn nhau.

Đa số chúng ta ai cũng sợ mâu thuẫn, nhưng không ngờ chính sự mâu thuẫnđiều kiện để con người trong vũ trụ này phát triển, đổi thay liên tục vì sự sống và nhu cầu chung. Nếu thế giới này chỉ có nam không nữ thì không sanh được, mà chỉ nữ không nam thì cũng không sanh được. Muốn sự phát triển hài hoà về mọi mặt được liên tục, tốt đẹp thì chúng ta phải khéo điều hòa. Như cuộc sống của ta nếu có nước mà không có lửa, hay ngược lại có lửa mà không có nước thì làm sao có cơm ăn; muốn có cơm ăn trước tiên phải có con người, đất đai, ánh sáng, hạt giống; và cuối cùng phải có nước, có lửa thì mới có cơm ăn. Bởi bản chất của nước và lửa là hai thứ đối lập nhau, nếu ta dùng nước để dập tắt lửa, hoặc dùng lửa để đốt cạn nước thì làm sao có cơm ăn. Cuộc sống này là một chuỗi dài nhân duyên chằng chịt nên ta phải khéo điều hòa, nếu để nước nhiều thì thành cháo, nếu để nước ít thì cơm sống, nặng bên nào cũng thất bại cả.

Vợ chồng nam và nữ một bên cương, một bên nhu không giống nhau, vì vậy cần phải khéo điều hoà, không nên vì được phần mình mà mất lòng người kia thì gia đình tan nát. Nhất là bên nam hay chủ quan ta là phái mạnh, hay quan niệm mình là gia trưởng nên dùng quyền mình để bắt phái nữ phải tuân theo như một mệnh lệnh, đó là điều không tốt. Chúng ta nếu không khéo điều hòa thì trong gia đình sẽ rạn nức, dẫn đến tình trạng gây gỗ, cãi vã, đánh đập nhau hoài thì cuộc sống hạnh phúc gia đình sẽ đổ vỡ. Tuy nhiên, hạnh phúc trong cuộc đời chỉ là tương đối vì nó không lâu dài, bền chắc; cho nên yêu thương phải xa lìa là khổ, ở chung gặp mặt nhau mỗi ngày mà không ưa nhau cũng khổ. Như chúng ta đã biết, hạnh phúc nam và nữ được kết hợp bởi hai thứ không giống nhau thì làm sao có thể lâu dài và bền bỉ được. Vì vậy, chúng ta cần phải điều hòa để cuộc sống gia đình luôn được ấm êm, hạnh phúc bằng cách phải biết nhường nhịn và tha thứ cho nhau. Cũng như muốn có cơm ăn thì ta phải biết điều hòa lửa và nước cho phù hợp; nhờ biết điều hòa nước, lửa mà ta mới có cơm ngon để ăn. Cũng vậy, trong cuộc sống ta khéo điều hòa thì gia đình an vui, hạnh phúc, trên cung kính ông bà cha mẹ, dưới biết tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau.

Đó là chúng ta nói chuyện cá nhân giữa nam nữ; còn với tập thể thì sao? Tập thể nào cũng có một lập trường riêng, sinh hoạt riêng, sự làm việc và hiểu biết riêng nên không bao giờ giống nhau. Đã không giống nhau tức là có chống đối nhau, chính vì vậychúng ta cũng cần phải điều hoà bằng quy địnhluật pháp chung cho từng ban ngành đoàn thể. Do đó, nhìn chung tất cả từ bản thân cho tới con người, gia đìnhxã hội đều có sự mâu thuẫn. Chúng ta cần phải nhìn cuộc đời như vậy. Những người đã biết thông cảm thì lúc nào cũng tốt với mình, còn người chưa thông cảm được cũng là bạn mình chứ không phải kẻ thù. Nếu trong gia đình hay xã hội có việc vui buồn xảy ra thì ta cũng nghĩ đây là người chưa được thông cảm và sẽ tìm cách thông cảm chứ đừng bao giờ xem họ như kẻ thù. Chẳng những riêng trong gia đình mà cả bên ngoài xã hội ta cũng phải có cái nhìn bao dung, độ lượng hơn, phải biết cảm thôngtha thứ cho nhau vì chúng ta đều là con người. Có như thế ta mới giải quyết được những nỗi khổ, niềm đau đầy dẫy trên thế gian vì người mạnh cứ lấn lướt, ăn hiếp người yếu bởi nghĩ mình là hơn, rốt cuộc là gây tai hoạ và khổ đau cho nhau. Muốn được an vui, hạnh phúc thì chúng ta đừng xem ai là kẻ thù mà chỉ là người chưa thông cảm được mà thôi. Đó là chúng ta biết sống, biết khéo điều hoà để cuộc sống luôn vui vẻ và bình yên, hạnh phúc.

Ta sống làm sao để cuộc sống gia đình chồng vợ biết thương yêu, quý mến, nhường nhịn lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết. Vợ chồng là đôi bạn thường chung chăn xẻ gối với nhau nên cần phải vui vẻ, hoà đồng và đừng bao giờ nghĩ nhau là kẻ thù. Nếu hai người ở chung nhà mà thấy nhau như kẻ thù thì gia đình sẽ đổ vỡ, tan nát liền trong nay mai.

MUỐN HẠNH PHÚC TA PHẢI TU HẠNH NHẪN NHỤCTỪ BI HỶ XẢ

Phật dạy, muốn điều hòa cuộc sống này chúng ta phải tập nhẫn nhục và từ-bi-hỉ-xả, tức là tập nhẫn nhịn và vui vẻ tha thứ. Sư ông chúng tôi thường nói, “trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm với nhau mà thôi”. Nếu muốn chuyển hóa sân giận và đạt được kết quả như ý thì điều trước tiên chúng ta phải tu là hạnh nhẫn nhục, quán sát rõ ràng tất cả người nam là cha ta và tất cả người nữ là mẹ ta. Ta sống được là nhờ cha mẹ mỗi đời đã sinh ra ta và không quản ngại công lao khổ nhọc để sinh thành, nuôi dưỡng. Nếu ta thường xuyên quán chiếu như vậy thì ta sẽ thấy chúng sinh trong 6 đường luân hồi đều là cha mẹ của ta. Do đó, khi thấu hiểu công ơn cha mẹ ta sẽ bớt tham lam, nóng giận và si mê mà dễ dàng cảm thông, tha thứ cho nhau. Nhờ vậy, ta và người luôn sống với nhau bằng trái tim thương yêu chân thật, biết kính trên nhường dưới và luôn sống vui vẻ, thuận thảo với mọi người. Chúng sinh luân hồi trong 3 cõi, 6 đường do nghiệp duyên chi phối nên ta đã từng làm cha mẹ, anh em, người thân với nhau. Cũng chính vì thế mà ta phải biết sống yêu thương và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bởi tất cả đều là những người có ân nghĩa với mình. Nhờ quán sát tất cả chúng sinhcha mẹ nhiều đời nên ta dễ dàng thông cảm mà sống với nhau bằng trái tim yêu thươnghiểu biết. Ta không nên từ sáng sớm cho đến chiều tối, hễ gặp nghịch duyên là lại nổi nóng, thậm chí giận cá chém thớt, chuyện không đâu lại trút đổ lên đầu gia đình người thân. Đó là thói quen thâm căn cố đế của nhiều người. Nếu chúng ta không biết tu tập từ-bi-hỷ-xả thì gia đình sẽ dễ dàng tan nát, đổ vỡ.

Ta có một Pháp quán nữa là quán tình thương, nhìn thấy ai cũng nghĩ là người thương của mình nên đã thương thì ta không giận, mà đã giận thì ta không thương. Tình thương này không phải tình thương vị kỷ mà là tình thương không phân biệt màu da, dòng máu, chủng tộc. Nếu ai đã từng có con chung và con riêng với nhau thì sẽ biết rõ tình thương yêu đó có ích kỷ hay không? Vì lúc nào ta cũng thấy con mình là hơn nên đôi khi ta phân biệt, đối xử hẹp hòi mà làm mích lòng nhau. Quán tình thương sẽ giúp ta mở rộng tấm lòng từ bi thương xót bình đẳng mà biết cảm thôngyêu thương nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Cách thức chuyển hóa cơn giận mỗi khi có điều gì đó làm ta bực tức là mình chỉ cần nói thầm trong miệng “giận là ngu, không giận là khôn” và như thế cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây cũng là một phương pháp mà các Thiền sinh thường hay dùng để chế ngự cơn giận. Khi mới vào chùa tu, mỗi khi gặp chuyện bất bình thì dùng cách này tuy đơn giản mà lại rất hiệu nghiệm, nhất là đối với người có bản tính nóng nảy, hay để cơn giận lấn át tâm mình. Khi đối diện với lỗi lầm hay sai sót của người khác, ta có khuynh hướng hay chỉ trích, giận dữ, rồi làm lớn chuyện ra. Khi bình tĩnh lại ta mới thấy ăn năn, hối tiếc, nhưng đã quá muộn màng. Hít thở sâu chính là bí quyết giúp ta bình tĩnh, sáng suốt để thấy biết rõ trạng thái, cảm xúc bên trong. Việc kiểm soát cơ thể sẽ giúp ta đẩy lùi những cơn giận không như ý. Thực tế, các Thiền sinh khi thực hành những bài tập này thì phổi sẽ tiếp nhận một khối lượng lớn dưỡng khí và nhanh chóng lan tỏa khắp cơ thể. Thời gian tĩnh lặng giữa lúc bạn đang tức giận cho đến lúc bạn hoàn thành bài tập này sẽ giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh, nhờ vậy tâm tư lắng dịu nên biết cách chuyển hóa và dừng hẳn cơn giận. Mỗi khi thấy mình căng thẳng và sắp nổi nóng, bạn hãy thử thực hành bài tập này xem. Riêng bản thân chúng tôi thì đây là bài tập mà tôi có thể luyện tập hằng ngày, nó đem lại cho tôi cảm giác an bình, thư thái, đồng thời giúp tôi lấy lại trạng thái cân bằng để có cái nhìn toàn diện mà đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống.

Nóng giận là một thứ tập khí thâm căn cố đế thuộc căn bản phiền não lâu đời, có gốc rễ sâu xa trải qua từ vô lượng kiếp. Chúng ta có mặt trên cuộc đời và mãi trôi lăn trong sinh tử cũng bởi ba thứ tham-sân-si là nguyên nhân của sự lẩn quẩn trong 3 cõi 6 đường. Tập khí nóng giận hầu như ai cũng có, kể cả các bậc hiền Thánh. Vì thế, khi gặp những điều không được hài lòng như ý, ta thường nổi nóng, giận dữ như ngọn lửa cháy phừng bốc lên cao ngọn. Dù ta cố gắng điều phục cơn giận bằng nhiều hình thức nhưng cũng không thể dừng hẳn cơn giận trong chốc lát được. Đạo Phật dạy ta cần phải nhận diệnchuyển hóa cơn sân giận. Khi ta giận ai ta có thể nói cho đối phương biết mình đang bực tức, không hài lòng về họ. Ta có nỗi khổ, niềm đau riêng của mình nên cần phải trình bày một cách chân tình và thật thà cùng người đang giận. Mình giận họ vì họ không làm cho mình vừa ý, hài lòng một vấn đề nào đó. Mình cần phải nói rõ lý do để họ hiểu và cảm thông với mình nhiều hơn; hoặc cũng có thể mình giận họ vì sự chấp trước của bản thân về những sai lầm của họ trong quá khứ. Cho nên, ta cần phải thiết lập truyền thông, tìm hiểu cặn kẽ, kỹ càng để hai bên cùng nhau cảm thôngtha thứ. Ta không nên nuôi dưỡng, chất chứa thù hận trong lòng mà sanh tâm oán ghét dài lâu. Đó không phải là thái độ khôn ngoan trong cách hành xử của người Phật tử chân chính.

Ta phải biết rằng, khi người nào có thái độ và hành động làm mình đau khổ bằng sự giận dữ thì trước tiên ta đã biết người đó tự chuốc lấy đau khổ trước rồi. Do đó ta cần cảm thông, thương xót họ nhiều hơn, vì họ đang bị vô minh chi phối nên mới hành động nông nỗi như vậy. Có thể họ có quá nhiều nỗi khổ, niềm đau bởi sự đè nén, chất chứa lâu ngày nên lời lẽ không được hay cho lắm. Hạt giống giận hờn của họ luôn ẩn tàng sâu kín tận tâm thức nên ta phải thương yêu họ nhiều hơn là ghét bỏ. Muốn nhận diện được bản chất của sân hận thật không phải dễ dàng! Nó vốn dĩ không hình không tướng, không có chỗ nơi, chỉ đối duyên xúc cảnh mới phát sinh. Muốn vô hiệu hóa cơn giận trước khi nó bộc phát, đức Phật dạy ta hãy thường xuyên quán chiếu, xem xét sâu vào nội tâm để mình luôn tỉnh giác trong từng tâm niệm, phải ý thức được lời nặng nề, cay cú, ác độc chỉ làm cho ta và người khổ đau. Ta phải biết suy nghĩ sáng suốt trước khi nói và làm bất cứ điều gì để tránh gây thiệt hại cho cả mình và người. Chỉ cần ta khéo nhận diện mặt mũi trước khi cơn giận nổi lên thì khả năng nóng nảy sẽ không có còn cơ hội bộc phát. Ta hãy thường xuyên quán chiếu sâu nơi tâm mình và mọi người thật kỹ. Ta cần lấy gương soi lại mặt mình khi sự bực tức, nóng giận nổi lên. Một gương mặt với hình thù quỷ quái, hung dữ sẽ là cái nhân hiện tại để cho ra cái quả đời sau giống như thế. Chắc chắn ta sẽ trở nên xấu xí bởi những lần sân hận như thế. Nhận thức rõ điều này một phần cũng giúp ta bớt đi phần nào sân hận, bởi đâu ai muốn mình thành một kẻ xấu xí như quỷ La Sát.

Tóm lại, muốn chuyển hóa cơn giận hiệu quả ta phải tu hạnh nhẫn nhục và có thể ứng dụng thực hành các nguyên tắc căn bản sau đây:

_ Phải thường xuyên giữ chánh niệm tỉnh giác bằng cách theo dõi hơi thở, thở vào mình biết thở vào, thở ra mình biết thở ra.

_ Trước khi nói hay hành động phải xem xét kỹ liệu điều đó có tính chất nóng giận hay không?

_ Thường xuyên quán niệm thực hành trải rộng lòng từ thương yêu đến tất cả mọi người, mọi vật; hãy mở rộng trái tim để yêu thương, hiểu biết và đối xử với nhau bằng sự cảm thôngtha thứ.

_ Quán chiếu thật sâu vào tâm thức để thấy rõ hạt giống sân hận nếu để nẩy mầm sẽ làm cho mình và người đau khổ; chính vì vậy mình cần chuyển hóa nó ngay từ khi còn trong trứng nước; muốn nhẫn nhục được trọn vẹn cần phải có chất liệu của từ-bi-hỷ-xả thì mới chuyển hoá được những mâu thuẫn cuộc đời.

Tâm từ chỉ có thể xuất phát từ trái tim chân thật. Tâm từ sẽ trở nên trống rỗng, vô nghĩa nếu nó chỉ nằm trong lời nói lý thuyết suông. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được nó bằng trái tim yêu thươnghiểu biết thì ta sẽ dấn thân đóng góp, phục vụ không biết mệt mỏi, nhàm chán vì lợi ích tha nhân. Cuộc đời sẽ vô vị làm sao khi chúng ta sống không có tấm lòng từ-bi-hỷ-xả. Nếu chúng ta chỉ sống bằng trái tim thì con người dễ dính mắc vào tình cảm riêng tư, một điều thường thấy ở người nữ. Việc yêu thương ông bà, cha mẹ, gia đình, người thân, con cái của mình không khó khăn gì nên phần đông ai cũng đều làm được, chỉ trừ một số ít người sống trong vô cảm. Khi đức Phật nói về tâm từ, Ngài muốn nói đến thứ tình cảm không có sự phân biệt trong trái tim. Tình cảm cao thượng đó đòi hỏi chúng ta phải biết yêu thương tất cả mọi người như thể người mẹ yêu thương đứa con duy nhất của mình. Tất cả những ai có con sẽ biết được sự khác biệt khi họ yêu thương con mình và con của người khác ra sao. Còn phân biệt con mình và con người khác là ta đã dính mắc vào tình cảm riêng tư. Tâm từ bộc phát cũng như khi ta thấy một em bé bị té xe đang ngồi khóc, phản xạ tự nhiên ta sẽ đỡ em dậy và bắt đầu hỏi han, an ủi; hoặc khi thấy một cụ già đi qua đường không người dìu đỡ thì ta liền đến giúp cụ qua đường.

Có ba trạng trái tâm từ. Trạng thái thứ nhất là lòng tốt. Chúng ta sống cần phảilòng tốt đối với nhau, nếu không mình chẳng bao giờ có thể cùng ngồi bên nhau được. Phật dạy chúng ta phải nương nhờ lẫn nhau mới bảo tồn được mạng sống. Từ người nông dân làm ruộng cho đến các ngành nghề chức năng khác đều lệ thuộc vào nhau. Lòng tốtđiều kiện tối cần thiết cho cuộc sống, chúng ta không thể thiếu nó vì không có nó cuộc sống sẽ trở nên điêu tàn, vô vị. Trạng thái thứ hai là tình thân hữu, tình cảm thân thiện, gần gũi với một số người như bạn bè, hàng xóm, láng giềng, những người giúp đỡ ta. Tình cảm này thể hiện qua sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, nhưng chưa phải là lòng từ thật sự mà chỉ là lòng ưa thích. Nó làm ta cảm thấy gần gũi, thương yêu rồi bám víu vào bạn bè, người thân, kẻ giúp đỡ mình và sự bám víu này sẽ khiến ta luyến tiếc, nhớ nhung, rồi đau khổ vì sợ mất; do đó mà tình thương yêu trong sạch không còn nữa. Tình cảm gia đình cần được vun bồi bằng trái tim hiểu biết không có điều kiện phân biệt, nếu còn phân biệt ta người thì sự thương yêu, quý mến người thân sẽ khiến ta dễ dàng củng cố “cái tôi” của mình để được thỏa mãn cảm giác sung sướng, hạnh phúc và để đảm bảo sự sinh tồn của chính mình. Trạng thái thứ ba là tình bằng hữu, một thứ tình cảm cũng đưa ta đến sự bám víu, dính mắc. Ta bám víu vào bạn bè vì sợ mất họ. Ta tốt với bạn bè vì muốn họ mãi là bạn ta; nhưng nếu họ đáp trả lại không tốt thì ta lập tức phân vân có nên tiếp tục làm bạn với họ hay không; còn nếu họ bỏ rơi ta thì ta sẽ thất vọng tràn trề.

Do đó, trái tim ta cần được rèn luyệnphương pháp một cách kiên nhẫn với lòng quyết tâm để luôn yêu thương, vì nó không phải được tạo ra để lúc nào cũng tràn đầy tình thương mà có lúc yêu, lúc ghét. Nó có thể yêu mà cũng có thể ghét. Nó chứa đầy ý xấu, tham lam, si mêsợ hãi; nhưng nếu ta không làm giảm bớt sự hận thù và phát triển thêm tình thương bằng cách thay đổi cách cư xử của ta trong đời sống hằng ngày thì tâm mình không thể bình yên, hạnh phúc được. Khi ta có thể làm chủ được những ý nghĩ, lời nói, hành động của mình, ta sẽ trở nên tự tin và không sợ hãi điều gì. Ta tự biết mình đã được rèn luyện đến độ sẽ không thể có một phản ứng giận dữ, ghen ghét dù chỉ là một ít để làm mình mất đi sự bình yên. Ai cũng có cơ hội để sửa đổi cách ứng xử của mình với người khác. Chúng ta luôn tiếp xúc, trao đổi với nhau và lúc nào đó cũng sẽ có người không đồng ý với mình. Khi đó, nếu chúng ta làm thinh, không thèm trả lời thì đó không phải là phản ứng của lòng từ. Trái lại, nó chỉ đem lại sân hận, bất mãn, lo âu, rồi dẫn đến bất cần, lạnh nhạt. Tất cả những thứ đó không ích lợi gì và cũng chẳng giúp chúng ta thanh tịnh được. Chỉ khi nào ta có thể hành xử với trái tim yêu thươnghiểu biết thì ta mới thật sự thấy được bình an với chính mình.

Chúng ta có rất nhiều điều phải học trong cõi này, và có lẽ mục đích của cõi này chính là thế để con người có cơ hội rèn luyện mình thêm. Ta sống không phải để tìm kiếm sự thoải mái, tiền bạc, của cải để sở hữucuộc đời chính là một trường học và lòng từ là bài học quan trọng nhất để giúp trái tim ta thêm bao la, rộng lớn vì tình người trong cuộc sống. Tình thương của ta càng bao la thì ta càng có thể yêu thương nhiều người, cũng như được nhiều người yêu thương lại. Ta càng cho bao nhiêu thì lại càng nhận lại được bấy nhiêu. Ai cũng muốn kiếm thêm người yêu mình nhưng lại không muốn ban phát tình thương cho ai khác. Nếu ta ban phát tình thương đến cho người thì tự họ sẽ tìm đến với ta và cuộc sống không thiếu người yêu thương mình. Tuy nhiên, ta ban phát cho người khác tình thương không phải vì ta muốn cho, cũng không phải vì họ cần, không phải vì họ đáng để cho mà ta cho vì trái tim ta đã rộng mở bằng tất cả tấm lòng bao dungđộ lượng.

Một người có lòng từ sẽ không có gì để mất. Nếu họ có bị người khác lợi dụng thì đó cũng là cơ hội để kiểm chứng lại sự tu tập của họ trong nhiều năm qua, là dịp để họ soi sáng lại chính mình có hành động đúng hay không. Tình thươngđiều kiện luôn tăng thêm sức mạnh cho con người chứ không phải làm con người thêm yếu đuối, nhưng nếu tình thương đi đôi với đam mê, dính mắc thì nó sẽ làm con người trở nên tham lamích kỷ. Một điều lợi ích nữa khi ta có được tâm từ là lửa, thuốc độc không thể xâm hại mình và sau khi chết ta sẽ được bình yên. Ngày xưa, con người dùng tên lửa, thuốc độc để tấn công và huỷ diệt lẫn nhau. Thời bây giờ chúng không được dùng nữa mà thay vào đó là súng đạn và bom nguyên tử. Những ai có lòng từ rộng lớn cũng sẽ không bị những thứ này làm tổn hại. Tất cả mọi người ai ai rồi cũng chết. Trước giờ phút sinh ly tử biệt rất quan trọng vì đó là giây phút tái sinh của một đời sống mới. Người không có lòng nhân khi ra đi rất lo lắng, hoảng sợ vì không biết mình sẽ đi về đâu. Người có tâm từ thì đón chờ cái chết với tâm tỉnh giác nên họ chắc chắn sẽ được đi về nơi thiện lành, tốt đẹp. Những gì ta làm với hành động tốt hay xấu đều sẽ theo ta đến tận cuối đời, tận giây phút lâm chung. Những thói quen xấu hoặc tốt cũng sẽ không thể thay đổi một cách đột ngột, ngoài trừ người đó huân tập được tấm lòng từ rộng lớn. Họ có thể tỉnh thức và không thấy lo lắng, sợ hãi mà lòng tràn đầy bình yên và hạnh phúc. Chính bản thân ta mới có thể tự giải thoát cho mình vì phút cuối đời chẳng ai theo ta được.

Lòng bi thể hiện khi chúng ta chia sẻ lòng xót thương với mọi người, thấy khổ liền giúp và lúc nào cũng cảm thông với nỗi khổ, niềm đau của người khác. Lòng bi phát sinh khi ta cảm nhận được sự đau khổ, không như ý của người khác trong chính bản thân mình. Chỉ có như thế ta mới thực sự cảm thông được với họ vì ta biết làm người khó ai được trọn vẹn, như ý. Người không có lòng bi sẽ luôn sống trong vô cảm, thấy người hoạn nạn dù là người thân, người thương lòng họ cứ lạnh lùng, dửng dưng. Sự cảm thôngtha thứbước đầu dẫn đến tình yêu thương chân thật. Thường chúng ta dễ cảm thông và chia sẻ với những người thân yêu của mình như bạn bè, đồng nghiệp, bạn đồng tôn giáo và bạn láng giềng vì sự lựa chọn của “cái tôi”. Chính sự lựa chọn này sẽ đẩy con người ra xa nhau và đi đến đâu tinh thần chia rẽ cũng sẽ theo đến đó và nó khiến con người xâu xé lẫn nhau. Chỉ khi nào ta soi lại mình một cách thấu đáo với lòng thiết tha, thành khẩn, ta mới có thể thật sự hiểu được tình thương chân thật không có bóng dáng của “tự ngã”. Đức Phật đã giảng nghĩa rõ ràng về bản tánh của con người chúng ta. Dù hình tướng sai biệt nhưng tâm sáng suốt, tâm thương yêu ai ai cũng đều có. Chính vì bản ngã này mà chúng ta phải bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình và đất nước mình. Tâm tư ta luôn đầy ắp những vọng động tham lam, ích kỷ do sự chấp ngã của “cái tôi” và chúng ta không ngừng bảo vệ “cái tôi” ấy. Nếu ai đó nhìn ta một cách không thân thiện hoặc tỏ vẻ không biết ơn, không thương yêu ta giống như ta mong muốn thì tâm mình sẽ phát sinh sự thù hằn, ghét bỏ.

Lòng cảm thông và sự sẻ chia là một tình cảm xuất phát từ trái tim có hiểu biết mà không cần bất cứ điều kiện gì. Ta không cần phải đợi người trả ơn mà ta giúp đỡ chỉ vì tình thương của một chúng sinh có tấm lòng. Cuộc đời này là một chuỗi dài đau khổ vì thân ai cũng sẽ già-bệnh-chết, nhưng cuộc sống lại luôn ẩn chứa những xung đột, bất như ý, bực dọc, lòng mong muốn có được nhiều hơn, muốn không bị mất mát, đau thương và mọi thứ sở hữu đều tồn tại mãi. Thật đáng tiếc! Chính những người có lòng thương yêu bình đẳng, người hay cảm thông với nỗi đau, sự mất mát của người khác mới thật là người có hạnh phúc thật sự. Phần lớn chúng ta đều thiếu lòng từ bi nên rất ít người được hạnh phúc thật sự. Người có lòng từ bi luôn sống có niềm vui vì khi ấy họ bớt nghĩ đến “cái tôi” của mình, do đó ít chấp ngã. Người sống quá chấp ngã sẽ không thể có niềm vui vì họ không bao giờ thỏa mãn được “cái tôi” của mình.

Khi đã tu tập được lòng từ bi ta còn phải biết chia sẻ niềm vui với người khác, gọi là tùy hỷ. Đối nghịch với tùy hỷ là lòng ganh ghét, tật đố. Sự chia sẻ niềm vui là liều thuốc bổ nhiệm mầu để chữa bịnh ganh ghétđố kỵ. Cuộc đời này nếu ta biết chia sẻ niềm vui với người khác thì chắc chắn mình sẽ có thêm nhiều cơ hội hạnh phúc hơn. Đây cũng là cách để chuyển hoá lòng oán giận, thù hằn. Ta không chỉ nhớ điều này khi rơi vào một hoàn cảnh nào đó hay khi có tai biến gì xảy đến mà phải luôn ghi nhớ vì đây là bí quyết để sống một cuộc đời hạnh phúc, bình an. Đức Phật đã nói, “Ta chỉ dạy một điều, cuộc đờiđau khổ và cách thức để đoạn diệt đau khổ”. Chúng ta phải luôn nhớ chấp ngã là nguồn gốc của mọi đau khổ, vì vậy khi ta có được niềm vui tự nơi bản thân mình thì phải cố gắng chia sẻ với người khác để họ cùng vui theo.

Để tu tập được tâm xả không chỉ có sự quyết tâm muốn được an nhiên, tự tại là đủ. Quyết tâm là điều cần thiết, nhưng nó dễ đưa đến sự đè nén thân tâm. Lòng an nhiên, tự tại là một trong những tình cảm cao thượng nhất, đối nghịch với nó là sự lo lắng, bồn chồn, dính mắc vào “cái tôi”. Sự an nhiên hay tâm xả cần phải xuất phát từ bên trong. Khi được ươm trồng tốt, tâm xả là một trong 7 yếu tố dẫn đến giác ngộ hoàn toàn; nhưng nếu ta không bắt đầu thực hành buông xảngay từ bây giờ thì đến lúc nào ta mới được bình yên, hạnh phúc. Để có được tâm xả và lòng an nhiên, thanh thản, nhẹ nhàng, ta phải có sức chịu đựng bền bỉ trong mọi chướng duyên, nghịch cảnh. Nếu không biết chấp nhận ta sẽ khổ đau bởi chính sự đè nén trong tâm mình. Đối nghịch với chấp nhận là phản kháng, chống đối. Ta làm như thế chỉ mang lại đau khổ cho chính mình mà thôi.

Người đã huân tập được lòng từ-bi-hỷ-xả sẽ có thể sống một đời bình yên, hạnh phúc mà không vướng bận điều gì. Người chồng thấy mình phải mà người vợ cũng thấy mình phải thì chẳng ai chịu nhường ai, thành ra gây lộn, cãi vã với nhau hoài. Trong cuộc sống ta cần phải nhường nhịn lẫn nhau, chồng nói vợ nghe, chồng có lỗi lầm gì thì vợ tha thứ, bỏ qua. Đó là hạnh nhẫn nhục và có lòng từ-bi-hỷ-xả; nhưng nếu nhịn nhau mà không chịu tha thứ cho nhau, cứ nhớ cố tật xấu của nhau hoài thì cũng không điều hòa được. Hôm nay nhịn một chút nhưng nếu ngày mai gặp việc thì lại nổi tam bành lục tặc. Đó là căn bệnh thâm căn cố đế con người ta hay chất chứa trong lòng. Chúng ta nhịn thì phải bỏ qua luôn, đừng nhắc tới nhắc lui hoài, nhịn mà không chịu quên mà cứ nhắc lại chuyện xấu hoài sẽ làm người khác bực mình, sân si lên. Đó là một sự thật. Cuộc sống từ cá nhân cho đến gia đìnhxã hội đều không bao giờ hoàn toàn hoà hợp theo ý mình nên đừng đòi hỏi mọi thứ đều tốt đẹp. Chúng ta phải tập nhẫn nhịn bởi thói quen nhiều đời của con người ai cũng có sẵn tính nóng giận, đàn ông hay đàn bà cũng đều biết giận hết. Chính vì vậy chúng ta phải khéo nhẫn nhịn lẫn nhau. Qua sự nhẫn nhịn đó ta còn phải hỷ xả, nghĩa là vui mà bỏ chứ đừng gượng bỏ. Chẳng qua ta còn quá khờ dại và nông nỗi nên mới cãi vã, chẳng biết nhường nhịn nhau. Nay biết vậy rồi thì mình bỏ hết, đừng giận hờn gì nữa. Nếu cứ nghĩ mình phải, người quấy thì cứ ôm ấp, mai mốt gặp việc lại cãi nhau nữa, rốt cuộc thì khổ đau vẫn cứ tiếp diễn hoài.

“Từ” là ban vui, “bi” là cứu khổ, “hỷ” là vui vẻ, “xả” là buông bỏ không dính mắc mọi trần cảnh. Ban vui, cứu khổvui vẻ, tha thứ, bỏ qua sự oán giận, thù hằn, cảm thông nỗi khổ, niềm đau của người khác gọi là từ-bi-hỷ-xả. Sự vui khổ của người xem như vui khổ của chính mình, chia vui sớt khổ trên tinh thần vô ngã vị thalòng từ bi bao la rộng lớn. Vì thế khi giúp đỡ mọi người ta không thấy mình là kẻ ban ơn, người là kẻ thọ ơn, đây mới thật là tình thương chân thật. Nếu có một điểm nhỏ xíu vì mình thì đó không phải là tình thương chân thật. Tình mẹ thương con cũng chưa hẳn là từ bi, vì con không nghe lời thì mẹ sẽ giận. Tình thương từ bitình thương đồng hóa khổ vui của người như của mình. Cảm thông sự khổ vui của mọi người như thế nên khởi tình thương, ban vui, cứu khổlòng từ bi. Cứu giúp để mong đền đáp là sự đổi chác không phải lòng từ bi. Thương yêu để thỏa mãn nhu cầu riêng tư là lợi dụng tình thương, không phải là lòng từ bi chân chính.

Muốn phát khởi tâm từ bi rộng lớn chúng ta phải tập cảm thông sự khổ vui với mọi người. Đã xem cái khổ của người như của mình nên nhiệt tình, sốt sắng cứu giúp mà không cần điều kiện. Người khỏi khổ là mình an vui, không có một hậu ý nào đối với người mình cứu giúp. Thấy người vui cũng như mình được vui, những cái vui của mình đã sẵn sàng chia sớt với người bằng cách giải bày, nâng đỡ, mong mỏi được giúp đỡ, sẻ chia. Chúng ta phải lấy cái vui của mình làm cái vui của mọi người, cái vui của người chính là cái vui của mình. Cùng khổ cùng vui mới là tình thương yêu chân thành. Bởi cảm thông nhau trên nỗi khổ, niềm vui, chúng ta mới có nhiệt tình tích cực cùng nhau chia vui, sớt khổ. Thông cảm được sự khổ vui của mọi người là ta bắt đầu phát tâm từ bi. Tuy nhiên, lòng từ-bi-hỷ-xả phải không có giới hạn, song mới tập từ bi thì xuất phát từ gần rồi lan rộng ra xa. Chúng ta tập cảm thông, chia sẻ nỗi khổ, niềm đau từ những người thân quen trong gia đình rồi dần dần lan rộng đến những người xa lạ bên ngoài.

Khi lòng từ bi đã tiềm ẩn trong ta thì mọi sân hận, si mê, tham lam, ích kỷ theo đó bị tiêu diệt. Người từ bi không thể nổi nóng và chưởi đánh kẻ khác. Khi lửa sân cháy hừng hực cũng chính là lúc nước từ bi khô cạn. Thấy người gặp cảnh khổ, người có lòng từ bi còn không nỡ lấy mắt ngó mà chỉ tìm đủ mọi cách để giải khổ cho người. Nếu khả năng chúng ta không thể giải cứu được thì lòng vẫn xót xa, đau đớn; huống là đích thân mình làm khổ người, nên lòng từ bi không cho phép ta dùng ngôn ngữ, hành động mà làm khổ kẻ khác. Người từ bi đâu nỡ tranh giành hơn thua, được mất với kẻ khác, bởi kẻ được thì vui, người mất phải khổ, giành giật nhau là làm khổ cho nhau. Từ bi là ban vui, cứu khổ. Người có lòng từ bi thì mọi hành động có tánh cách tranh đua, giành giật không còn nữa. Chính của mình mà còn đem ra giúp đỡ người khác thì không thể có giành giật của người đem về cho riêng mình. Họ luôn chiều theo sở nguyện của người khác vì làm trái ý người là khiến họ đau khổ, thuận hạnh từ bi là không trái ý nguyện của chúng sanh.

Hiện tướng dữ để điều phục đưa người về chỗ an vui là nghịch hạnh từ bi. Hạnh từ bi này vừa mới trông như kẻ ác nhưng mai kia mới thấy rõ lòng từ bao la, rộng lớn của người đó. Người thể hiện lòng từ bi này cần phải sáng suốt, hiểu xa trông rộng, biết được tâm ý của người nên mới dùng nghịch hạnh. Dù thuận hạnh hay nghịch hạnh cũng cùng một nguồn ban vui, cứu khổ. Bản chất từ bian ổn, nhẹ nhàng, mát mẻ nên mọi chúng sanh khi gặp được đều cảm nhận niềm vui.

Lòng từ bi của chúng ta chỉ được viên mãn khi mọi vọng thức phân biệt không còn, vì vọng thức chạy theo nghiệp phân biệt có yêu, có ghét, buồn vui lẫn lộn nên khó đem tình thương yêu chân thật, bình đẳng đến với chúng sanh. Khi nghiệp thức đã trong sạch, chỉ một tâm thể sáng suốt, thênh thang, bình đẳng bao trùm tất cả chúng sanh không phân biệt ta-người, đây-kia nên làm gì có thương-ghét phát sinh làm dính mắc. Sống với tâm thể này thì hay sáng soi muôn loài, muôn vật bằng trái tim hiểu biết. Từ bitình thương hoàn toàn không có toan tính hơn thua, được mất mà chỉ thấy khổ liền giúp. Bọn ma vương, ác quỉ sân hận, tham lam, tật đố gặp nước cam lộ từ bi thì đều chắp tay, quì gối qui hàng. Lòng từ bi có mặt ở đâu thì mọi khổ đau đều tan biến hết. Tấm lòng đó ngọt ngào như dòng sữa mẹ và mát dịu như ngọn gió chiều thu, trong sáng như ánh trăng rằm và phát sanh muôn ngàn công đức như lòng tốt phì nhiêu nuôi dưỡng vạn vật. Chúng ta tôn trọng, kính mến những ai đã mang sẵn lòng từ bi; tán thán, ca ngợi ai mới phát tâm từ biước mơ, mong mỏi mọi người đều học tập từ bi. Tất cả chúng ta hãy gắng công khơi dậy dòng suối từ bi để một ngày kia nước chảy tràn ngập, tưới mát trần gian đang bị nóng bức bởi sân hận, si mê. Hạnh phúc thật sự ở nhân gian nếu có chỉ khi nào nguồn nước từ bi tràn về. Chúng ta đừng mong một đấng nào cứu khổ mà chỉ chắp tay cầu nguyện mọi người đều phát khởi tâm từ bi rộng lớn để ngọn lửa của sân hận, khổ đau bị dập tắt khi trận mưa từ được thấm nhuần khắp nhân gian.

Phương pháp nhẫn nhịn và từ-bi-hỷ-xả sẽ đưa chúng ta tới bến bờ yên vui, an ổn. Nhẫn nhịn là khéo léo điều hòa ngọn lửa mà không để nước dập tắt lửa hay để lửa đốt cạn nước. Vì tương lai lâu dài của con cái nên vợ chồng trong gia đình phải biết nhường nhịn nhau; người trong Phật pháp thì biết kính trên nhường dưới và cảm thông, tha thứ cho nhau; nhờ thế mà gia đìnhxã hội mới thật sự có bình yên, hạnh phúc; nếu không như vậy thì chúng ta chẳng bao giờ có được niềm vui thật sự. Do biết cuộc đờimâu thuẫn nên chúng ta phải điều hòa bằng hạnh nhẫn nhục và hạnh từ-bi-hỷ-xả. Muốn được nhẫn nhục, hỷ xả thì trước hết phải có tâm từ bi thấy tất cả mọi người đều là bạn và không một ai là thù. Khi không có lòng từ bi thì không thể có sự nhẫn nhịn và cảm thông, tha thứ cho nhau; nên ta đừng thấy ai là kẻ thù mà chỉ có bạn đã thông cảm và chưa thông cảm với nhau mà thôi. Chính do tâm từ bi phát khởi nên ta mới nhường nhịn và tha thứ cho nhau được. Đó là phương pháp tối ưu để mình điều hòa những mâu thuẫn trong cuộc đời. Tuy biết điều này rất khó nhưng mọi người phải ráng cố gắng, kiên trì, bền bỉ mà ứng dụng lâu dài thì ắt có ngày chúng ta điều hoà được mâu thuẫn.

Tóm lại, muốn cho sự sống được bình yên, hạnh phúc thì phải hội đủ 3 đức tính: từ bi, nhẫn nhụchỷ xả. Nói theo thế giantình thương, sự nhẫn nhịn, vui vẻcảm thông. Chính vì vậy chúng ta nên nhớ vợ chồng có gì trái ý nhau thì hãy thương nhau mà bỏ qua, miễn làm sao cho gia đình được bình yên, hạnh phúc, con cái ăn học nên người và sống có ích cho cộng đồng xã hội là được, những gì riêng tư ta nên bỏ qua hết. Dù trong một gia đình nhưng cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân đều không giống nhau, do vậy muốn được bình yên, hạnh phúc thì từ lớn đến nhỏ cũng phải khéo léo điều hòa. Cái khổ lớn nhất là cha mẹ không bao giờ chịu nhịn con cái vì quan niệm “áo mặc sao qua khỏi đầu” nên thường con cái phải nhịn cha mẹ chứ cha mẹ không bao giờ chịu nhịn con; nhưng chắc gì sự hiểu biết của người lớn đã đúng hơn trẻ nhỏ; mà thật sự cha mẹ chỉ sinh ra thân thể này thôi chứ đâu sinh được ý thức và hành động của con cái.

Có một phương pháp rất tối ưu nhưng lại rất ít người làm được, khi thực hiện được thì không còn mâu thuẫn nào nữa nên mới vĩnh viễn được bình yên, hạnh phúc. Đây chính là mục đích Phật nhắm đến để dạy chúng sinh tu được giải thoát viên mãn. Mỗi người chúng ta ai ai cũng có tâm biết sáng suốt, thanh tịnh mà Kinh Phật thường gọi là Phật tính; nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, thấy tức biết; nương nơi tai nghe chỉ là nghe, có tiếng nghe có tiếng, không tiếng nghe không tiếng vì tánh nghe thường hằng; mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Khi ta sống được với tánh biết sáng suốttâm chân thật rồi thì không cần nhẫn nhịn hay tha thứ gì nữa; nhưng nếu hai thứ đó còn thì phải từ bi, nhẫn nhịn, hỷ xả thì cuộc sống mới yên. Khi tâm còn nghĩ thiện tức là còn phân biệt đối đãi với ác, vì vậy ta phải buông cả thiện và ác thì tâm mới yên. Tâm yên mới chính là tâm chân thật, còn tâm nghĩ thiện nghĩ ác v.v… chưa phải là tâm chân thật. Được như vậy thì cuộc đời này sẽ hết mâu thuẫn và không còn gì phải chống đối nữa.

Song, người chưa qua khỏi thiện-ác thì phải tập tu từ bi, nhẫn nhụchỷ xả thì cuộc sống mới yên lành. Bước đầu quí Phật tử nên tập từ bi, nhẫn nhụchỷ xả trước để sự mâu thuẫn trong mình được điều hòa thì cuộc sống mới bình an. Nếu lấy điều này làm bài học để sống thì có thể gọi nghe kêu một chút là “triết lý sống bình an”. Lâu nay quý Phật tử vì sống mà không biết mình sống làm sao nên ai cũng nuôi phiền não tham-sân-si trong mình rồi mang lấy đau khổ mà kêu trời, trách đất. Khi biết được lẽ sống như vậy mà thay đổi thì cuộc sống được bình yên, hạnh phúc. Nếu vượt qua được cả sự đối đãi thì thành Thánh luôn rồi, vì còn việc gì phải phiền muộn, khổ đau nữa. Chúng ta còn thương người làm lành thì còn ghét người làm ác nên còn có hai tức là còn đối đãi với nhau. Chỉ khi nào ta vượt qua được hai bên ta-người, được-mất, hơn-thua thì mới hết mâu thuẫn. Ý nghĩa của đạo Phật rất cao siêu là vậy! Sư ông của chúng tôi nói, “trước mặt chúng ta không có ai là kẻ thù mà chỉ có người đã thông cảm và người chưa thông cảm mà thôi”.

BIẾT CÁCH GIÚP NGƯỜI VƯỢT QUA BẾ TẮC

Có một con cò đang bị nạn trong hồ cạn, nó đứng bất động vì trên đầu vướng phải một túi ni lông chứa đầy nước. Nhìn con cò đứng cúi đầu như một khúc củi khô trông rất thảm thươngtội nghiệp. Chúng tôi nhanh chân đi đến để tìm cách cứu nhưng con cò nghe tiếng động mạnh liền giật mình, vỗ cánh bay đi. Nó bay trong dáng dấp quờ quạng vì mệt mỏikiệt sức; bay được độ chừng vài mét thì nó rớt xuống cách chỗ chúng tôi đứng khoảng độ 20 mét; hình như nó đang run rẩy vì sợ con người bắt. Tôi bước gần đến chưa được nửa đường thì con cò hoảng vía bay luôn, nhưng bay không được xa lắm thì lại đáp xuống, chui rúc vào một bụi cây gần đó. Tôi tiến tới gần sát con cò mà nó vẫn đứng yên trong bụi rặm, tôi vội vàng lấy túi nước nặng trĩu trên đầu nó ra. Hai con mắt của nó đã đỏ ngầu, chắc nó hoảng hốt và tuyệt vọng lắm nên mới có dóc dáng bơ phờ, thiểu não như vậy.

Bạn có con cò nào để cứu giúp không? Và bạn đã thành công hay thất bại? Trong chúng ta ai cũng có thiện chí muốn cứu giúp kẻ đã gây ra nhiều lầm lỗi, nhất là những người thân yêu của mình, nhưng ta thường hay nhân danh tình thương của một đấng tối cao rồi muốn làm gì thì làm mà không hề biết đến cảm nhận và phản ứng của đối phương nên không những ta không cứu giúp được mà còn làm họ thêm hoang mang, sợ hãi. Không phải có tình thương rồi là ta muốn giúp ai cũng được. Ta cần phải có một khả năng để cứu giúp họ nữa. Điều đó cũng quan trọng không thua kémtình thương. Cho dù ta là những người thân thương nhất của họ mà mình không biết cách để tiếp cận và tìm hiểu đối phương thì cũng không bao giờ là người cứu giúp hay nâng đỡ họ một cách trọn vẹn và mình sẽ thất bại. Tuy nhiên, ta không thể bỏ mặt con cò trong khi nó đang cần sự cứu giúp vì tình thương yêu, cảm thông với nó. Bản thân nó sẽ không cần một sự thương xót và giúp đỡ nào nếu không vướng phải cái bịch nước đó, nhưng nếu sự giúp đỡ đó không có chất liệu của tình thương thật sự sẽ làm nó hoảng sợ và cố gắng tìm cách thoát thân. Nếu ta cứ nghĩ con cò vì gặp khó khăn nên sẽ ngoan ngoãn để ta giúp đỡ thì ta đã lầm. Tuy khó khăn nhưng nó vẫn còn sĩ diện, vẫn mặc cảm, tự ái và đôi khi dẫn đến bất cần, và ta sẽ không thể cứu được nó. Ta phải thấu hiểu nỗi đau và sự tuyệt vọng của nó khi không tìm được lối thoát. Nếu không nhập vai làm cò mà ta trách móc, lên án, buộc tội thì sẽ đánh mất cơ hội cứu giúp và nâng đỡ cho nó.

Nhớ lại khi xưa khi chúng ta còn nhỏ, mình vô tình chạy nhảy sơ ý nên vấp phải ngạch cửa té nhào và khóc ré lên. Mẹ của ta chạy tới đỡ dậy rồi còn bênh vực, la rầy cái ngạch cửa sao hư quá, đã làm con mẹ té đau như thế. Có thể khi ta hết đau thì mẹ sẽ khuyên ta hãy cẩn thận với cái ngạch cửa kia chứ không bao giờ mẹ nhẫn tâm chê trách con của mẹ hư hỏng cả. Đó là tình thương của người mẹ biết bao dungđộ lượng.

Trong giây phút tuyệt vọng có nhiều người đã tìm đến cái chết, vì trái tim của họ không biết mở rộng để bao dung những mất mát, đau thương. Đôi khi, trên thực tế sự mất mát ấy cũng không quá lớn lao như họ đang tưởng, chỉ tại tâm thức họ bị tổn thương nặng nề nên họ bị mất phương hướng, không nhận ra được lẽ đúng điều sai. Chính vì vậy mà những kẻ tuyệt vọng luôn thấy trước mắt chỉ toàn một màu tối đen, mờ mịt. Khi tuyệt vọng ta cảm thấy cô đơn, lạc loài, chơi vơi, chới với theo dòng đời vô tận. Ta nhìn mọi thứ bằng con mắt bi quan chán chường và không còn thiện chí để sống. Sự thật là những người thân yêu vẫn luôn bảo bọc và che chở ta, họ vẫn luôn có mặt bên ta trong từng phút giây, nhưng ta quên mất ta còn có gia đình, người thân, còn vô số bạn bè tốt đang dang tay chờ đón để giúp đỡ mình. Sự thất bại về tình yêu hay một lý tưởng cao đẹp nào đó cũng chỉ là một chút mất mát trong đời sống hiện tại của ta mà thôi. Cho nên, không phải ai bị thất vọng cũng trở thành tuyệt vọng và không phải ai tuyệt vọng cũng sẽ chịu chết chìm trong khổ đau mãi.

Có một giáo sư dạy môn tâm lý xã hội học đã đau khổ tột cùng vì không giáo dục được con của mình. Ông nghĩ đến việc đã từng dạy hàng trăm nghìn đứa học trò nên ông đâu thiếu khả năng dạy dỗ một đứa con. Khi trái tim ông thiểu hiểu biết trong sự cảm thông lẫn nhau thì ông sẽ đóng bít lại cánh cửa lắng nghe của người con vì chỉ dùng quyền của người cha mà bắt buộc con mình phải nghe theo như thế. Trong tình thương không có sự tự ái, không có uy quyền, thế lực. Ta phải có trách nhiệm và bổn phận và đừng để họ bị sốc mạnh vì quyền uy, thế lực của mình, phải thật sự vào vai cha mẹ biết thương yêu con cái và dạy dỗ chúng biết sống có chừng mực. Đó là một thách đố rất lớn nếu ta không có tình yêu thương chân thật.

Người đang tuyệt vọng sẽ cảm thấy chơi vơi, chới với giữa dòng đời vô tận như người lạc vào rừng sâu không biết nẻo về. Tâm họ hoang mang, lo sợ trước thiên nhiên huyền bí, mông lung, như đứa con sống giữa chợ đời mà không biết cha mẹ mình là ai. Tâm ta như khe nước chảy trong những dòng suối nhỏ nơi rừng sâu hoang vắng. Ta cảm thấy bất hạnh và khổ đau khi đang sống chung với nhiều người mà không ai hiểu ta, không ai cảm thông được nỗi khổ, niềm đau của ta và ta cảm thấy đau khổ với cảm xúc nặng nề nên cảm thấy cô đơn, mặc cảm, không cần ai cứu giúp.

Cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ làm cho con người có khuynh hướng hưởng thụ nhiều hơn. Ai cũng ráng cố gắng chạy theo việc làm giàu vật chất, sở hữu nhiều tài sản, bảo vệ địa vị của mình để tôn vinh “cái tôi” phù phiếm, không lâu dài. Càng đạt được đỉnh cao của quyền lựcdanh vọng thì ta càng thấy xa vời với mọi người, càng sở hữu được nhiều tài sản thì càng cảm thấy chông chênh, chồng chềnh trên chiếc thuyền nằm giữa phong ba bão tố của cuộc đời. Chính vì vậy mà ta luôn sống trong lo âu, sợ hãi, trong mặc cảm, khổ đau; chưa bao giờ mà mình thấy cuộc sống tẻ nhạtvô vị như thế. Ai sẽ hiểu cho mình đây khi chính mình vẫn nặng lòng hoài nghi, vẫn bảo vệ sĩ diện vì “cái tôi” và chưa sẵn lòng để hòa hợp với người khác. Chúng ta hay mong muốn mọi người phải hiểu mình nhưng ta lại không có trái tim hiểu biếtyêu thương. Tuy sống cùng mọi người nhưng ta vẫn thấy cô đơn, lạc lõng. Ta đang có một tình yêu nồng cháy phát xuất từ con tim, cả hai đều vì nhau, hết lòng cho nhau, cùng quấn lấy nhau như không thể xa rời nhau, vậy mà khi vừa tách ra ta vẫn cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Một tình yêu như thế luôn đem đến cho ta sự ích kỷ, ta chỉ sống vì tình dục nhiều hơn là tình thương yêu chân thật, ta chỉ cùng nhau trao đổi cảm xúc khoái lạc nên càng gần gũi ta càng bơ vơ, lạc lõng nhiều hơn. Một khi đôi bên không thể đáp ứng nhu cầu cho nhau thì tình yêu rạn nứt, vì ta chỉ lợi dụng lẫn nhau qua thân xác chứ không có một tình yêu chân thật.

Do đó, để trở thành một con ngườiđời sống vững chãi và sâu sắc, ta phải biết nhận diện mặt mũi của cô đơn, mặc cảm để tìm ra nguyên nhân khắc phục. Vì bấy lâu nay ta cứ lăng xăng chạy theo dòng đời nên hiện tượng trống trải, rỗng rang trong tâm là cơ hội ngàn vàng để ta nhìn lại chính mình. Ta là gì ta cũng không biết, vậy mà ta cứ hãnh diện tự hào ta như thế này, ta như thế nọ mà quên đi chính mình. Nhiều người không biết tiếp nhận tâm rỗng rang, sáng suốt nên khi mắc phải chỗ này thì cảm thấy đời vô vị, lạc loài làm sao; do đó vội vàng nắm bắt mọi thứ để khỏi bị hụt hẫng, cô đơnmặc cảm. Thay vì tiếp xúc qua lại hằng ngày để làm nhịp cầu nối kết yêu thương làm ta phải lao tâm nhọc sức, những thời gian đó ta được rảnh rang để có cơ hội quay lại chính mình thì ta lại không chấp nhận nên cứ mất mình trong thiên hạ. Chính vì thế khi gặp sự cốbất hạnh ta lại hoang mang, lo lắng, hoảng sợ một cách kinh hoàng nên nhiều người đành chấp nhận lấy cái chết để trốn tránh thực tại khổ đau mà không suy xét, quán chiếu để tìm ra giải pháp an toàn. Ta muốn có một người bạn tốt thì ta hãy làm người bạn tốt trước với cách nhìn bao dung, tha thứ, hãy mở rộng lòng ra để tiếp nhận một thực tại nhiệm mầu mà ta và người đã quên lãng từ lâu. Khi đủ duyên ta sẽ cùng nhau làm việc, cùng chia ngọt xẻ bùi, cùng gánh vác cho nhau, cùng tâm tình trao đổi và cùng nhau làm bạn tri kỷ. Cho nên, bí quyết để chuyển hóa nỗi cô đơn, mặc cảm là ta biết quay lại chính mình và sẵn sàng mở rộng lòng ra để giúp đỡ và chia sẻ cùng tất cả mọi người một cách chân thành, không cần một điều kiện nào khác. Ta sẽ hạnh phúc thật sự khi biết chan hòa tình yêu thương bình đẳng với tha nhân, không thấy ai là người thù mà chỉ có người chưa biết thông cảm với ta mà thôi. Chính vì vậy ta sẽ không cô đơn, mặc cảm dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù có người hay không người tri kỷ ta vẫn thấy hạnh phúc như thường.

Sống trên đời này thì ta cần phảihy vọng, niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Điều này giúp ta có thể vượt qua những thất bại lớn lao trong cuộc đời. Nếu ta không có niềm tinhy vọng vào cuộc sống thì ta vô tình sẽ giết chết đời mình bằng một canh bạc sau cùng và ta không còn gì để sống. Không có gì lạc lõng, bơ vơ cho bằng khi ta không còn biết tin tưởng vào đâu, hay nói đúng hơn ta đang vô cùng tuyệt vọng khi không còn lối thoát, như con cò kia đang chết dần trong sự mất mát. Ta không thể hy vọng vào sự sống thì chắc chắn ta sẽ chết mòn theo ngày tháng trôi qua.

Một người đã tin sâu nhân quảtin tưởng chính mình chỉ xem sự thất bại như một thử thách, đó chỉ là một bài học kinh nghiệm quý báu để góp phần đưa họ tới thành công. Họ tin những gì đã khổ công gầy dựng sẽ không bao giờ mất hẳn, chỉ vì nó chưa đủ nhân duyên để trổ quả mà thôi. Họ có nhận thức sáng suốt và nội lực vững mạnh nên sẵn sàng chấp nhận sự tổn thất nặng nề mà không than vãn hay bỏ cuộc. Họ đã biết con người của mình có khả năng vá trời lấp biển và chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Khi rơi vào bế tắc, khổ đau trong tuyệt vọng ta sẽ muốn buông xuôi tất cả vì cảm thấy bất lực trước sự sống. Ai khiến ta ra nông nổi này? Người khác có thể làm ta mất niềm tin nhưng họ không có quyền làm cho ta đau khổ. Đời sống mà ta đang sở hữu không phải là đời sống của riêng ta, ta không thể coi thường hay hủy hoại nó vì chính nó là công lao được tạo thành từ cha mẹ, gia đình, người thân và cả một chuỗi dài nhân duyên của nhiều thế hệ ông bà, tổ tiên. Những người thân yêu luôn có mặt trong ta, trong từng tế bào và hơi thở, họ đang cùng ta đi hết cuộc hành trình. Nếu ta gục ngã nửa chừng thì họ sẽ bị mất mát, đau thương, tương lai của ta tốt đẹp hay bế tắc thì họ cũng chịu ảnh hưởng một phần nào.

Con người ta khi rơi vào trạng thái khổ đau cùng cực sẽ không còn phương hướng, không còn lối thoát trong cuộc sống và sẽ tự giết mình để chạy trốn cuộc đời. Nhiều người nhìn đời với con mắt bi quan, nghĩ đời là bể khổ trong khi đời vốn vẫn đẹp như những vì sao lấp lánh. Bản chất cuộc đời không có tốt hay xấu, chỉ tùy theo suy nghĩnhận thức của mỗi người mà cuộc đời trở nên một thiên đường hạnh phúc hay địa ngục trần gian. Tại sao ta cô đơn, tại sao ta tuyệt vọng? Ai đưa đẩy ta vào chỗ đó? Thượng đế ư? Thần linh ư? Vua quan ư? Gia đình ư? Bạn bè ư? Xã hội ư? Chỉ có ta làm cho ta tuyệt vọng, không ai ngoài chính bản thân mình hết.

Con người ngày càng chạy theo nhu cầu đời sống bên ngoài quá nhiều nên lúc nào cũng muốn chụp cái này, bắt cái kia vì nghĩ rằng càng tích chứa nhiều, càng tiện nghi nhiều thì lại càng hạnh phúc. Chính điều này làm cho nội lực con người ngày càng thêm suy yếu. Tâm ta càng yếu đuối, lo sợ khi bị mất mát, hao hụt, khiến cho tâm trí ngày càng mê mờ, u tối. Ta hay hoang mang, lo lắng, hoảng sợ, ứng phó mọi việc một cách máy móc như thấy sợi dây trong đêm tối mà tưởng là con rắn nên càng sợ hãi, đau khổ hơn. Người tuyệt vọng là người hết còn hy vọng trong hiện tại và tương lai. Trước mắt họ chỉ thấy một bầu trời đen tối, họ không có đủ niềm tinnghị lực để khai mở con người tâm linh của mình nên cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa dòng đời vô tận. Mặc dù đang sống với người thân, gia đình, bè bạn và xã hội nhưng họ luôn cảm thấy cô đơn, hụt hẫng trước một sự thật quá phũ phàng, trước một sự thật quá đau thương, buồn tủi. Họ không còn chỗ bám víu, không còn nơi nương tựa, cảm thấy lạc loài, cô đơn như người đã từng giàu có bỗng bây giờ trắng tay sạch sành sanh. Mọi cái, mọi thứ trên đời giờ đã hết, sự thật này không thể chối cãi được. Vì mọi cái đều thay đổi quá nhanh nên họ cảm thấy chới với, bơ vơ như không còn chỗ đứng, đành cam chịu khổ đau trong tuyệt vọng.

Ai tự mình chọn đến cái chết là đã quá khổ đau vô cùng cực, trái tim họ như sắp vỡ ra từng mảnh vụn vì không thể dung chứa được nỗi khổ, niềm đau. Họ cứ nghĩ mình là kẻ bất hạnh, khổ đau nhất trên đời nên mọi người không thể trách họ vì quyết định sai lầm ấy. Đúng là không ai nỡ trách giận một người đang khổ đau trong tuyệt vọng, nhưng họ không nên làm những người thân yêu của họ phải khổ lây chỉ vì họ đang lầm đường lạc lối. Liệu họ có thể bình yên nơi đời sống tiếp theo hay bị đoạ vào địa ngục ngu si vì đã huỷ hoại đời mình? Tương lai luôn đi đôi với hiện tại. Ta hiện tại được bình yên, an lành thì tương lai cũng đồng như thế vì nhân nào quả nấy. Khổ đau từ trái tim thì cách thức bứng gốc rễ khổ đau cũng nằm trong trái tim chứ không ở nơi nào khác được. Ta đừng oán giận, thù hằn kẻ đã làm khổ mình bằng cách tìm một nơi mình cho là bình yên để trốn tránh. Dù ta có làm được chuyện đó thì vết thương trong lòng cũng không thể nào lành lặn được bởi chính mình đang làm cho nó thêm lớn mạnh hận thù. Khi rơi vào trạng thái khổ đau quá lớn ta hay trách móc người thân yêu để rồi gặm nhắm nỗi đau mà than thân trách phận, không tự tìm ra lối thoát. Ta tự chấp nhận mình là kẻ khổ đau nhất trên đời chứ không chịu cho ai kéo mình thoát khỏi vực thẳm đen tối ấy.

Khi còn nhỏ dại và không đủ nhận thức sáng suốt thì em bé dễ hờn dễ khóc, nhưng chỉ cần người khác vỗ về đôi chút là trở lại trạng thái bình thường. Vậy nên ta muốn có ánh sáng bình minh, muốn vượt thoát cơn khổ đau tuyệt vọng thì ta phải làm mới lại chính mình bằng cách chịu đựng để tìm ra lối thoát. Cây khô mọc theo triền núi một khi đã sống thì dù có phong ba bão táp cũng không thể làm cây nghiêng ngã. Ta cần phải sống lại con người chân thật thuở ban đầu như trẻ thơ hồn nhiên suốt những năm tháng tuổi thơ. Nếu biết nhìn sâu vào nội tâm ta sẽ cảm ơn những ai đã từng làm mình dày vò, đau khổ, vì nhờ họ ta mới biết rõ năng lực trong mình còn yếu kémcố gắng tu tập chuyển hoá nhiều hơn. Chính nhờ những nỗi đau ấy đã làm năng lực của ta thêm thâm hậu vì đã ý thức sâu sắc về giá trị của cuộc đờiquyết tâm làm mới lại chính mình bằng trái tim hiểu biết. Ta hãy tin chắc mọi thứ trên đời đều là vô thường, tất cả đều sẽ đổi thay và ta sẽ không còn tuyệt vọng nữa bởi trong mình đã có chất liệu của tình thương.

Trong khoảng trời đất bao la này, tùy theo phước nghiệp của thế nhân mà có nên hình dạng sai khác; tùy theo nhận thức của mỗi người mà tạo ra thói quen để có kết quả trong hiện tại và tương lai. Cho nên, cũng đồng là người nhưng mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Mặt trời lúc nào cũng chiếu soi khắp nơi nhưng chúng sinh căn tánhsai biệt, do đó tạo ra thiên hình vạn trạng, mỗi người mỗi cảnh. Cũng đồng là người nhưng kẻ đen người trắng, kẻ thấp người cao, kẻ tốt người xấu, kẻ được người mất, kẻ hơn người thua, kẻ thành người bại… Không phải ngẫu nhiên con người sinh ra có quyền cao chức trọng, giàu sang tột đỉnh hay bần cùng khốn khổ hoặc đói rét khó khăn. Khổ đau hay hạnh phúc đều do con người tạo lấy. Mỗi cá nhân bản thân tự quyết định sự sống của chính mình, không ai có quyền ban phước giáng họa để tạo ra sự hiểu lầm về kiếp nhân sinh như quan niệm của thời xa xưa cho rằng con người phải chấp nhận số phận đã an bài, trước sau như một không thể nào thay đổi được. Trời đã định đoạt, sắp đặt thì phải chịu thôi, nhưng trời ở đây mang ý nghĩa giá trị của luật nhân quả luôn âm thầm tác động, chi phối mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này, làm lành được hưởng phước báu tốt đẹp, làm ác chịu quả báo khổ đau, vì thế cuộc đời sáng hay tối đều do mình tạo lấy. Mặt trời chân lý luôn soi sáng khắp nơi, soi rọi khắp mọi nẻo đường, luôn hướng đến nhân sinh và chan hòa cùng tất cả nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu cần thiết cho con ngườivạn vật. Vì vậy mà có sự sai biệt tạo nên mỗi hình mỗi vẽ, mỗi cảnh mỗi hoa. Đạo Phật không dừng lại ở số phận hẩm hiu hay phó thác cho cuộc sống đã an bài mà mặc tình thả trôi theo dòng đời để tự mình hủy diệt chính mình rồi ngồi đó than thân, trách phận trong khi hoa vẫn nở, trời vẫn trong, mây vẫn bay, suối vẫn reo như hòa cùng khúc nhạc lòng luôn vang vọng khắp muôn nơi. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó, sáng hay tối đều do mình tạo ra.

Con người là một tài sản vô giá lớn nhất không thể nào phủ nhận được. Nếu chúng ta biết đem tài sản vô giá đó ra xài thì việc gì chúng ta cũng làm được. Một gia đình, một xã hội, một thế giới cần rất nhiều người nhiệt tình có tài năngđạo đức, luôn vì lợi ích chúng sinhphục vụ thì mới có thể giúp ích cho con người, cho xã hội được một cuộc sống bình anhạnh phúc. Do đó, việc giáo dục con người không phải chuyện dễ dàng. Điểm thiết yếu là làm sao giáo dụcvăn hóađạo đức để mỗi người ý thức được trách nhiệm và bổn phận của chính mình. Vai trò giáo dục để phục vụ con người không quan trọng ở vị trí, chức danh mà phải làm sao giáo dục cho tất cả mọi người thật sự sống có ích cho tha nhânxã hội. Giáo dục không phải lý thuyết suông mà cần phải ứng dụng thiết thực trong đời sống hằng ngày, sáng hay tối đều do con người quyết định. Nếu ta chấp nhận có một đấng siêu hình nào đó đã sắp đặt, định đoạt số phận của con người thì vô tình ta đẩy con người vào vị trí tối tăm, mất hết quyền làm chủ và cuối cùng làm nô lệ phục dịch cho đấng tối cao. Trong khi đó, con người có khả năng học hiểu, tư duy, quán chiếu, làm được những điều khó làm mà các loài khác không thể làm được. Điều này các nhà khoa học đã xác quyết một cách rõ ràng, nhờ sự cầu tiến của con ngườithế giới có nhiều thay đổi tốt đẹptiến bộ không thể ngờ. Sáng và tối luôn đan xen lẫn nhau. Khi ánh sáng có mặt thì bóng tối tự nhiên biến mất; nhưng sự tối tăm lúc nào cũng lấn chiếm ánh sáng chân lý nên tạo ra những mâu thuẫn cuộc đời với thiên hình vạn trạng.

THẤT BẠI HAY THÀNH CÔNG

Cũng tương tự như vậy, mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho mà do những nghiệp nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả hoàn tự hiện. Những nhân duyên xấu đã được tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt. Nhà Phật có câu “muốn biết quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả chúng ta đang lãnh trong hiện tại. Muốn biết tương lai của chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trong hiện tại”. Tuy nhiên, nhân quả không đơn giản mà rất đa dạng, phức tạp bởi trùng trùng duyên khởi, chẳng phải chỉ do trực tiếp ở đời hiện tại mà lại có thể vì ảnh hưởng từ nhiều đời trong quá khứ, ngoại trừ những người tu hành liễu đạo mới thấy nghiệp chướng xưa nay là không.

Thật ra, thất bại là một phần rất quan trọng của cuộc sống. Khi thất bại ta sẽ thu mình lại, mặc dù bị đè nặng trong cảm giác rất khó chịu nhưng đó là cơ hội để ta nhìn lại mình rõ hơn. Ít nhất, lòng tự hào, sự háo thắng hay chủ quan trong ta cũng rơi rụng bớt. Đó là lý do các bậc trải nghiệm luôn rất lo lắng khi thấy người trẻ dễ dàng gặt hái được thành công, nhất là sự thành công vay mượn quá nhiều từ những điều kiện thuận lợi bên ngoài. Họ chưa thật sự nếm trải những cảm giác xấu khi thất bại, “cái tôi” của họ chưa từng bị đảo điên khi gặp khốn đốn. Sự thành công lớn của họ có thể trở thành tai họa cho chính cuộc đời họ và mọi người chung quanh. Chúng tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người trẻ có những thành công vang dội nhưng lại mau chóng ngã đổ vì chính thái độ cống cao, ngã mạn của họ.

Chúng ta đã từng tự hỏi thành công là gì mà biết bao kẻ bỏ cả cuộc đời để theo đuổi thành công? Hay nói cách khác là sự thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu có, sang trọng, được mọi người trong xã hội kính trọng và nể phục.

Trong quan hệ giao tiếp làm việc hằng ngày ta thường gặp những khó khăn, trở ngại, thậm chí có lúc bị thất bại nặng nề. Song, chính nhờ những thất bại đó đã làm cho ta trưởng thành hơn, giàu kinh nghiệm và ngày càng vững vàng đi tới mục tiêu lý tưởng ta đang thực hiện. Chúng ta hãy dũng cảm đối diện với thất bại, biến nó thành cơ hội tốt để từng bước đi lên. Chính thất bại trong hiện tại sẽ giúp chúng ta thành công trong tương lai. Ai trong chúng ta cũng đều sợ thất bại, vì thất bại có thể làm cho niềm tin của ta lui sụt vì sự mất mát, hao tốn tài sản. Người có dũng khí sẽ không thất chí nản lòng khi thất bại, họ sẽ nuôi hy vọng và có ý chí sắt đá để tiếp nối con đường họ đang đi và đã đi. Nói chung, sự thất bại nào cũng đem lại cảm xúc đau khổ, nhưng tùy theo năng lực của mọi người mà thất bại đó có thể làm họ gục ngã luôn hay không.

Thất bại có nhiều nguyên nhân, có thể do bản thân ta chưa làm đúng, thiếu kinh nghiệm, chưa thực sự nỗ lực. Thất bại cũng có thể do các yếu tố khách quan bên ngoài đưa đến. Thất bại không phải là sự kết thúc hẳn hoi mà chỉ là cơ hội để chúng ta bắt đầu lại mọi thứ một cách có logic hơn. Vậy chúng ta chớ lo sợ thất bại, điều đáng sợ hơn hết là ta bỏ qua nhiều cơ hội chỉ vì không biết cố gắng hết sức mình. Lời khuyên này sẽ giúp ta vững vàng trong cuộc sống. Chúng ta cần phải rèn luyện ý chí, sự kiên trì ngay từ nhỏ với cả những việc bình thường trong cuộc sống. Chỉ khi nào chúng ta biết vươn lên sau thất bại, ta mới có thể đạt được những gì mình mong muốn, thực hiện được những hoài bão, ước mơ trong tương lai. Nếu chúng ta trong khi thất bại mà lại bi quan, chán nản thì ta dễ dàng bỏ cuộc và sẽ chẳng bao giờ đạt được bất cứ thành công nào hết vì không có lập trường vững chắc. Đó là một lời khuyên chân thành để mọi người vững chí bền lòng, kiên trì không chán nản trước mọi khó khăn, thất bại. Nếu ta biết học tập, rút kinh nghiệm thì thất bại sẽ dạy cho ta cách đạt tới kết quả cao hơn trong tương lai. Chúng tôi chưa từng thấy bất kỳ một người thành công nào mà chưa từng trải qua thất bại. Thậm chí một số người có thể đã trải qua những thất bại cay đắng nặng nề mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, chúng ta thường học được những bài học tuyệt vời nhất của cuộc sống này thông qua từ những thất bại. Chính vì vậy, chúng ta hãy học cách chấp nhận thất bại như một phần của quá trình tiến tới thành công. Hãy rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm quý báu của sự vấp ngã để giúp ta trưởng thành hơn. Dù sao đi nữa, chúng ta sẽ thành công, hoặc chúng ta sẽ học được một bài học quý giá nào đó từ sự thất bại.

Vì sao lại có câu nói “thất bại là mẹ thành công” ? Đối với người không có đủ niềm tin trong cuộc sống, họ thường hay bi quan, chán nản, khi gặp thất bại họ sẽ bỏ cuộc nửa chừng; nhưng đối với người có ý chí, họ kiên trì, bền bỉ để vượt qua cạm bẫy của cuộc đời. Sau khi thất bại, họ rút ra được những kinh nghiệm quý báu để không còn bị thất bại nữa. Ngoài ra, thất bại còn rèn luyện thêm ý chí cầu tiến và sự nỗ lực vươn lên của mỗi người. Chúng ta muốn không bị thất bại nữa mà đạt đến thành công thì phải lấy sự thất bại làm bài học và rút kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên, để làm được điều đó người ta phải thật sự nỗ lực học hỏi, tích luỹ thêm kinh nghiệm cho bản thân. Có như vậy chúng ta mới không vấp ngã mà thất bại những lần tiếp theo. Tại sao chúng ta cần phải kiên trì, bền bỉ trước những khó khăn, thất bại? Đó là vì cuộc sống khó tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. Khi ta làm một việc lớn thì khó khăn lại càng lớn. Khó khăn có thể do chủ quan hoặc khách quan gây nên. Khi gặp khó khăn, thất bại mà ngã lòng thì sẽ thất bại hoàn toàn, mất hết ý chí, ảnh hưởng đến công việc và cuộc đời. Ngược lại, nếu vững vàng lấy thất bại làm bài học để rút tỉa kinh nghiệm thì ý chí sẽ càng thêm vững vàng, kinh nghiệm của ta sẽ dày dặn hơn, ta cố gắng tiếp tục vươn lên và quyết tâm đạt được thành công như ý muốn trong tương lai.

Chữ “thất bại” đôi khi có thể khiến ta hiểu lầm là ta không được gì cả, ta hoàn toàn trắng tay. Trong khi đó, những gì ta đã gầy dựng nên vẫn còn đấy chứ có mất đâu? Những kỹ năng tập luyện, những kinh nghiệmkiến thức tích lũy cũng như những yếu tố thuận lợi bên ngoài mà ta đã cất công gom lại sẽ được sử dụng một cách xứng đáng cho công trình hay đối tượng kế tiếp. Cho nên, khi thành công ta phải hiểu sự thành công này đang đứng trên vai của sự thất bại trong quá khứ, đó chính là ý nghĩa câu nói “thất bại là mẹ thành công”. Không có sự thành công vững bền nào mà không được làm ra từ những thất bại nho nhỏ ban đầu. Đôi lúc trong cuộc sống chúng ta đối mặt với những khó khăn, thử thách và cần một lời động viên, an ủi nào đó để ta tiếp tục đứng lên đi tiếp. Có những lúc chúng ta cần phải chiến đấu qua những ngày tồi tệ nhất để tiến tới những ngày tươi sáng. Nếu chúng ta tin tưởng mình có thể đạt tới thành công trong nay mai thì ta càng cố gắng bền bỉ, kiên trìnỗ lực nhiều hơn. Một sự thành công phải luôn hội tụ vô số điều kiện phù hợp với nó, nhưng không phải lúc nào ta cũng chủ động nắm hết mọi điều kiện vì có thể nó hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của ta. Dù điều kiện quyết định sự thành công có khi nằm ngay trong ta và tưởng chừng rất dễ dàng để chế tác ra, nhưng vì thiếu kinh nghiệmsáng suốt nên ta cũng không biết thêm bớt thế nào để tạo đủ điều kiện cho nó.

Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn; nhưng có một thành công khác thầm lặng mà lại lớn lao hơn, đó là sự vất vả, nhọc nhằn của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao nhiêu ước mơhy vọng đứa con mình được vào đại học nay đã trở thành hiện thực. Ngày người con trai đậu đại học cũng là ngày người cha đã học được một khoá huấn luyện thành công. Đây cũng là lẽ thường nhiên, vì nếu ai cũng nắm được mọi bí quyết đưa tới thành công thì con người đã không còn là con ngườithế gian này đã biến thành cõi thiên đường rồi. Như vậy, khi sự việc bất thành thì ta phải hiểu những điều kiện đưa tới thành công chỉ là chưa hợp lý, có thể vì dư hoặc thiếu chứ không hẳn là vô nghĩa; nhưng làm sao ta có thể nắm bắt được tương lai trong khi ta hoàn toàn thất bại với hiện tại? Có nhiều người may mắn đã thực hiện được giấc mơ của mình nhưng lại không đủ sức để giữ gìn nó hoặc mau chóng điêu tàn, sụp đổ. Khi tâm của ta chưa nhận ra được đâu là giá trị hạnh phúc chân thật để biết bằng lòng với những gì mình đang có thì ta sẽ không ngừng dệt lên những giấc mộng ở tương lai. Nếu ta cho rằng mình sẽ không bao giờ bị thất bại vì tài năng và bản lĩnh có thừa, thậm chí ta rất ghét sự thất bại, ta còn cho rằng thất bại là xấu xa, nhục nhã nên khi đối đầu với nó ta dễ bị chao đảo và ngã quỵ. Nhiều khi sự tổn hại về tài sảnnăng lực cũng chẳng là bao, nhưng chính cái kẹt vào danh dự mới làm cho ta đau khổ.

Có những giấc mơ được dệt trên một tâm thức rất nông cạn, phải tiêu tốn rất nhiều thời giannăng lực mới thực hiện được nhưng người ta bỗng phát hiện ra sự vô nghĩa của nó chỉ trong thoáng chốc. Có những thứ gọi là hoài bão nhưng nó đã khiến người ta bỏ qua rất nhiều giá trị mầu nhiệm trong hiện tại mà đánh mất chính mình và mỏi mòn trong thế giới mông lung của chờ đợi. Ta vừa phải lo thu dọn bao nhiêu thứ tàn dư sau khi thất bại, vừa phải tìm cách ứng phó để giữ gìn sĩ diện chính mình. Đó là chưa nói đến sự tưởng tượng của ta về thái độ coi khinh của mọi người khi họ biết ta thất bại. Chính vì sĩ diện đó đã nhấn chìm cuộc đời ta trong u mê, tăm tối. Cũng có khi ta chưa quen thất bại bao giờ hay bị thất bại nặng nề như vậy nên ta rất hoang mang, sợ hãi và khổ đau. Một người vừa bị mất việc thì tìm kiếm ngay việc khác để làm, một người vừa bị mất người yêu thì mau chóng tìm đối tượng khác để được cảm giác thương yêu. Tất cả những phản ứng sau sự thất bại thường là sự cố gắng để khẳng định “cái tôi” của mình, nhưng phần lớn những gì ta cố bám víu trong khi bản thân đang trải qua sự thất bại đều là sai lầm đáng tiếc. Ta lầm tưởng đó là thái độ quyết tâm hướng thượng, nhưng thực chất ta đang củng cố “cái tôi” yếu đuối của mình. Ta phải làm một điều gì đó để ta thấy được sự tồn tại của mình. Chấp nhận sự thất bại và tìm hiểu nguyên nhânthái độ rất quan trọng trong tiến trình trị liệu. Ta nên nhớ rằng, trạng thái tâm lý đang chịu đựng sự thất bại rất quan trọng, nó là một phần tất yếu của “cái tôi” thuần phục và vững chãi. Nếu ta đã phấn đấu hết lòng mà vẫn không thành công thì chắc chắn nguyên nhân tùy thuộc ở bên ngoài, lực bất tòng tâm, ta không cần phải day dứt hay trách móc bản thân mà cứ kiên nhẫn chờ đợi đến khi hội đủ nhân duyênđiều kiện. Khi vượt qua được tâm lý tổn thươngmặc cảm là ta đã vượt qua hơn một nửa nỗi khổ, niềm đau vì thất bại. Thỉnh thoảng, ta cũng nên tự hỏi mình có cần đeo bám mãi sự thành công hay không, nó có phải là điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc của ta trong hiện tại không để buông xả bớt những mục tiêu chỉ đem lại những giá trị tầm thường, vô nghĩa. Đừng bao giờ quên rằng, sự thất bại dù lớn đến đâu cũng chỉ là một phần của cuộc sống, nó không thể làm phương hại tới những giá trị mầu nhiệm mà ta đang nắm giữ trong tầm tay.

Nhiều người tìm đến công tác từ thiện hay phục vụ cộng đồng cũng để khỏa lấp nỗi đau thất bại từ cuộc đời, vì những công tác cao cả ấy có thể giúp họ xoa dịu bớt những nỗi đau về sự thất bại đã qua. Khi bị gặp thất bại trong tình cảm, ta hay tìm tới trường đời danh vọng, đó cũng là cách để cứu vớt “cái tôi” yếu đuối của mình và chúng ta sẽ đón nhận những thất bại sâu đậm hơn. Sự đầu tư vội vàng không có kế hoạch thực tiễn sau những lần thất bại thường chúng ta hay hy vọng nhiều để mong gỡ gạt lại mà bù đắp chuyện đau thương cũ, giống như kẻ chơi bạc liều lĩnh lấy hết số tiền làm vốn liếng sinh sống để đặt một ván bài cuối cùng. Tuy nhiên, bản năng sinh tồn của con người vốn luôn mạnh mẽ nhất, chỉ khi nào quá thất bại nặng nề nó mới chịu phát ra, nhờ vậy con người mới vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Cho nên, chúng ta đừng sợ thất bại mà hãy cố gắng chờ đợi nếu mình chưa đủ sức để thành công. Người có học thức uyên bác họ không thích sự thành công trong thuận lợi dễ dàng mà chính họ phải vươn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt để chiến thắng mọi trở ngại. Đó mới chính là những người có đủ năng lực và bản lĩnh sống. Bài tập đầu tiên khi chúng ta đón nhận thất bại chính là biết nhìn lại thái độ phản ứng của mình ra sao. Ta phải công minh ghi nhận những gì đang biểu hiện trong dòng chảy cảm xúc của tâm thức mình mà không dùng ý chí để đàn áp hay phủ nhận nó. Nhìn lại tâm mình trong mọi tình huống bằng thái độ không thành kiến riêng tư, ta sẽ thấy rõ nguyên nhân thất bại đều từ những tham vọng quá đáng. Khi đó, chúng ta sẽ thấy sự ỷ lại hoặc quá tự mãn, kiêu hãnh từ những chủ quan mới là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại, hoàn cảnh bên ngoài chỉ đóng vai trò phụ mà thôi.

Trong việc học để áp dụng vào đời sống, chúng ta biết được sự vận động của tự nhiên tuân theo quy luật nhân quả tương quan, ta biết được những quy tắc chuẩn mực của xã hội, biết cách sống và hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Việc học tập, trau dồi trí thức giúp con người mở mang trí tuệthông suốt, thấu rõ vạn vật. Tuy nhiên, ông cha ta ngày xưa thường nói “trăm hay không bằng tay quen", nếu chỉ chăm học lý thuyết suông mà không chịu ứng dụng thực hành thì khi làm việc không tránh khỏi những khó khăn, trở ngại, thậm chí là thất bại nặng nề. Một bằng chứng thiết thực là trong cuộc sống của chúng ta có không ít người học rộng hiểu nhiều nhưng khả năng thực hành rất giới hạn, vì họ không biết nương vào đời sống hiện tại. Ngược lại, tại sao những người nông dân "chân lấm tay bùn" suốt ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" không được học hành, đào tạo qua trường lớp mà tay nghề của họ lại giỏi và thành công trong sản xuất. Do đó, chúng ta cần học hỏi nhiều bài học quý báu từ ngàn xưa cho đến ngày nay để được thành công. Ta cần học những lời dạy của người xưa như sau:

_ Người thành công luôn biết chính xác những gì mình mong muốn, tin tưởng vào khả năng thực có của mình và sẵn sàng cống hiến hết thời gian làm việc để đạt được mục tiêu đó. Ngược lại, người thất bại khi làm gì không có mục đích rõ ràng mà luôn dựa vào đấng bề trên phán xét, quyết định.

_ Người thành công chỉ nói và làm những gì mình biết và họ hoàn toàn có thể làm được điều đó một cách hoàn chỉnh. Ngược lại, những người thất bại luôn nói và làm những gì mà mình chỉ biết chút ít về chúng.

_ Người thành công luôn biết dung hoà trong mối quan hệ giao dịch làm ăn với tất cả mọi người mà không quan tâm đến lợi ích mình sẽ đạt được. Ngược lại, người thất bại chỉ biết nuôi dưỡng quan hệ với những ai mà họ cho rằng sẽ có lợi cho mình.

_ Người thành công luôn học hỏi, trau dồi kiến thứcmở rộng lòng khoan dungđộ lượng. Họ luôn sống vì lợi ích chung cho cộng đồng xã hội. Ngược lại, người thất bại luôn tự mãn sự tài giỏi của mình nên lúc nào cũng sống trong tham lam, ích kỷ. Chính vì vậy, họ luôn không có cơ hội thuận lợi và mối quan hệ thân thiện trong cộng đồng xã hội.

_ Người thành công luôn biết đổi mới tư duy để theo kịp sự tiến hoá của thời đại, họ xem đây như một trách nhiệm quan trọng hàng đầu để được tồn tại. Ngược lại, người thất bại chỉ biết quan tâm đến bản thân nhiều hơn với những nhu cầu trước mắt và bất chấp mọi thủ đoạn đê hèn để đem lợi về cho mình.

Cuộc sống của chúng ta vô cùng phức tạp nhưng đôi khi cũng thật đơn giản. Nếu ta giữ chặt một nguyên tắc nào đó để nắm bắt cuộc sống thì đó là một thái độ sai lầm có khi làm thất bại giá trị hiện thực. Cũng như người thiếu hiểu biết khi gặp thất bại một điều đó họ hay buông xuôi, nên tinh thần nhanh chóng bị suy sụp rồi hủy hoại đời mình trong men say tình ái mà đắm chìm trong tội lỗi. Đó là thứ tâm bệnh rất đáng sợ, hay còn gọi là ý thức hệ. Nhiều người đã quyết định chấm dứt mạng sống của mình vì nghĩ rằng cuộc đời sao quá đen tối nên muốn tìm chỗ khác trong sáng hơn. Một điều rất quan trọng khác mà đức Phật đã đề cập trong Kinh là “nguyên nhân dẫn đến thành công và thất bại”. Dựa theo bản Kinh tạng Nikaya chúng tôi rút gọn lại như sau: Có hạng người đi đến người tu hành chân chính và đã hứa giúp đỡ, cúng dường; nhưng cuối cùng họ không thực hiện như đã hứa nên sau đó có làm ăn, mua bán gì cũng đều thất bại. Ngược lại, họ đã hứa sẽ giúp đỡ và còn cúng dường nhiều hơn như đã hứa nên sau khi qua đời họ tái sinh chỗ mới, có làm ăn mua bán gì cũng thành công tốt đẹp.

Để lý giải sự thành công của mình, đa số các hàng doanh nhân đều nghĩ vì họ có tài năng thật sự biết nhìn xa trông rộng, biết nắm bắt thị trường kịp thời và gặp được may mắn. Đối với kẻ làm ăn thất bại thì họ nghĩ mình chưa gặp thời và tiếc nuối khi nghĩ mình đâu thua kém ai, chỉ tại ông trời quá bất công với họ mà thôi. Thật sự, không ai ngờ rằng sự thành công hay thất bại đều có liên hệ mật thiết với phước báo quá khứ họ đã gieo trồng nhiều hay ít mà thôi. Những người kinh doanh làm chơi ăn thiệt thì phải biết đó là phước báo do nhiều đời đã từng đóng góp, giúp đỡ nhiều người khác nên chớ vội tự mãn, coi thường; vì làm phước thì hưởng phước, nếu hiện đời làm ít mà ăn nhiều thì phước mau hết và sẽ gặp hoạ nghèo thiếu về sau. Sự bùng nổ kinh tế thị trường đã đánh thức lòng tham vốn sẵn có của con người trong suốt mấy nghìn năm qua, con người cứ nhắm mắt lao vào tranh giành quyền lợi, không còn quan trọng đến những giá trị tình người trong cuộc sống. Người Phật tử chân chính ngoài việc tu dưỡng đạo đức cho bản thân còn phải làm ăn để sinh sống. Tuy nhiên, nếu ta không biết gieo trồng phước báo nhiều đời thì việc mua bán làm ăn cũng khó thành công dù có cố gắng, siêng năng, tận tuỵ với công việc; và cũng không một phước báu nào lớn bằng sự trợ duyêncúng dường cho những người tu hành chân chính để họ được thành tựu viên mãn, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh. Ngoài việc vun trồng phước báo tự thân ta còn phải siêng năng tinh cần làm việc, biết tiết kiệm, dè sẻn trong chi tiêu và không tiêu xài hoang phí quá mức. Ngoài ra, ta không bao giờ gian tham, trộm cướp, lường gạt của người, vì đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến làm ăn thất bại.

Tóm lại, chúng ta muốn hiện tại hoặc đời sau làm việc gì cũng thành công viên mãn hết thì khi hứa hẹn với ai điều gì ta phải giữ cho đúng. Ngoài ra, ta còn phải biết mở rộng tấm lòng chia vui sớt khổ; khi cần thành tựu cho người có giới đức thì ta vui vẻ cúng dường; khi thấy ai bất hạnh, nghèo khổ thì ta tìm cách san sẻ và nâng đỡ. Ta làm tất cả chỉ vì tình người trong cuộc sống chứ không hề có sự toan tính, chỉ vì thương người mà giúp bằng trái tim yêu thươnghiểu biết; có được như vậy thì ta làm việc gì cũng đều thành công viên mãn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 6818)
Mũi tên biểu trưng cho một sự đau đớn trên thân xác, nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây ra một sự hoảng sợ trong tâm thần... Hoang Phong
(Xem: 7841)
Yết-ma, được phiên âm từ karmam[1] của tiếng Phạn. Hán dịch là “biện sự tác pháp”, được định nghĩa: “Vạn sự do tư thành biện cố”... Thích Minh Cảnh
(Xem: 8241)
Quảng bản kinh được Pháp Nguyệt dịch năm 732, rồi đến Bát NhãLợi Ngôn tái dịch năm 790. Cho đến Thi Hộ đời nhà Tống dịch lần chót là có tất cả 7 bản... HT Thích Trí Thủ
(Xem: 8494)
Bồ tát hành đạo bắt đầu từ giữa lòng xã hội nên sự tiếp cận với mọi thống khổ nhân sinh là lẽ tất nhiên... Thích Tuệ Sỹ
(Xem: 8287)
Thiền sư Vĩnh Bình Đạo Nguyên, hoặc Đạo Nguyên Hy Huyền (1200-1253), là vị tổ sáng lập ra dòng Tào ĐộngNhật Bản... Ngọc Bảo dịch
(Xem: 8379)
Một cách vắn tắt, đó là vị trí của nữ giới trong Phật Giáo. Người phụ nữ xứng đáng có một chỗ đứng danh dự ngang hàng với nam giới... Piyadassi Mahathera; Dịch giả: Phạm Kim Khánh
(Xem: 11148)
Người vợ cần quán chiếu tâm mình thật cẩn thận trong một thời gian và từ đó đi đến quyết định đúng cho cuộc đời của mình... Mithra Wettimuny; Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ
(Xem: 8427)
Đức Thế Tôn là người đầu tiên đòi quyền lợi cho giới nữ, đưa vị trí giới nữ ngang bằng nam giới... Thích Hạnh Bình
(Xem: 10581)
Hội Phật giáo Trung Quốc ước tính rằng hiện có khoảng 180,000 tăng niTrung Quốc... Nguyên tác: Tịnh Nhân; Thích Nguyên Hiệp dịch
(Xem: 9344)
Ngài đã gọi dứt khoát, rõ ràng “tự phá thai mình” là một tội, phải chịu quả báo hết sức nặng nề và kéo dài... Chân Minh
(Xem: 9131)
Làm thế nào để những cha mẹ Phật tử có thể dạy tốt lời dạy của Phật giáo cho con em của họ?... Helmuth Kalr; Thích Minh Diệu
(Xem: 9469)
Rồi lần lượt không bao lâu, khi Ðức Phật đúng 80 tuổi đời, 45 tuổi đạo, Ngài cũng giã từ Tứ chúng để an hưởng quả vị Vô Dư Niết-bàn... Thích Thiện Minh
(Xem: 10127)
Con người không bao giờ ngưng tìm kiếm trong thiên nhiên để mong thâu thập được nhiều thứ hơn nữa nhằm chất đầy cái nhà kho mãi mãi thiếu thốn của mình... Tuệ Sỹ
(Xem: 15982)
Bản dịch Việt được thực hiện bởi Nhóm Phiên dịch Phạn Tạng, dựa trên bản Hán dịch của Huyền Trang, A-tì-đạt-ma Câu-xá luận... Tuệ Sỹ
(Xem: 18967)
Theo Viên TrừngTrạm Nhiên (1561- 1626), ở trong Kim cang tam muội kinh chú giải tự, thì Đức Phật nói kinh nầy sau Bát nhãtrước Pháp hoa... Thích Thái Hòa
(Xem: 8529)
Long Thọ (Nagarjuna) không phải chỉ là tổ của tông Trung Quán mà ngài còn được coi là vị Phật thứ hai sau đức Thế Tôn trong lịch sử phát triển Phật giáo.... Vũ Thế Ngọc
(Xem: 7914)
Như thế giải thoát cho vô số vô biên chúng sinh, nhưng thực ra không có chúng sinh nào được giải thoát... Vũ Thế Ngọc
(Xem: 23965)
Cúng dườngbố thí vốn cùng một nghĩa "cho". Cái gì của mình mà có thể đem ra "cho" người khác, thì gọi là "cho"... TT Thích Nhất Chân
(Xem: 9271)
Lịch Sử Văn Học Phật Giáo Tiếng Sanskrit (Literary History of Sanskrit Buddhism - Nguyên tác: J. K. Nariman; Thích Nhuận Châu dịch Việt
(Xem: 7504)
Yết-ma là phiên âm từ karman của tiếng Phạn. Hán dịch là «biện sự tác pháp», và thường được các luật sư Trung quốc giải thích rằng «Vạn sự do tư thành biện cố.»... HT Thích Trí Thủ
(Xem: 10387)
Chúng ta có thể thấy được đức tính của những khóm tre cây trúc, của những dòng sông, của cây mai, của đất, của áng mây... HT Thích Nguyên Siêu
(Xem: 17472)
Hạnh Cơ tập hợp và chuyển dịch từ hai bản Luận: Duy Thức Tam Thập TụngBát Thức Qui Củ Tụng
(Xem: 6834)
Giáo dục Phật giáo – nền giáo dục minh triết, vốn ở cao, ở trên triết học... Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(Xem: 8732)
Đọc công trình của Francois Jullien những độc giả "Tây giả" (Á và Âu) có thể thấy được rằng người bà con nghèo của triết học có những sở đắc... Nguyên Ngọc dịch
(Xem: 12165)
Phật giáo không thể không có mối liên hệ theo nhiều dạng khác nhau với giai cấp phong kiến Trung Quốc, đặc biệt là các vị Đế Vương... Nguyên tác: Vương Chí Bình; Đào Nam Thắng dịch
(Xem: 7569)
Chúng ta thường nghĩ là mình đã hiểu nhưng thật ra có lẽ ta chưa hiểu rõ thế nào là quy y Tam Bảo... HT Thích Nhất Hạnh
(Xem: 14413)
Tăng đoànhình ảnh của Đức Phật, mang trọng trách thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự... Thích Phước Sơn
(Xem: 8122)
Ðại Tạng Kinh là một công trình tập thành tâm huyết của bao nhiêu thế hệ Tổ Sư, cổ đức Ấn Ðộ, Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Ly... Liên Hương kính ghi
(Xem: 7688)
Trong Phật giáo đại thừa nói rất rõ: Phiền não tức bồ đề, Niết bànsinh tử. Niết bànsinh tử là một cặp bài trùng, không có cái này thì không có cái kia...
(Xem: 8714)
Có thể nói “tâm” là cơ sở và động lực giải nghiệp, giải hạn khổ ách đối với con người trong mọi không giannăng lực chuyển nghiệp.
(Xem: 14643)
Tổ tiên ta đã Phật hóa gia đình, giáo dục con cháu phải biết chia sẻ hạnh phúc, ban rải tình thương đến mọi người, mọi loài... TT Thích Lệ Trang
(Xem: 9127)
"Khi cúng dường tứ sự đến cho một vị tỳ-khưu, hai vị tỳ-khưu, cận sự nam nữ đừng nghĩ đến cá nhân vị ấy mà cứ khởi tâm cúng dường Tăng..." Tâm Tịnh
(Xem: 12176)
Từ Trạch Pháp này rất quen thuộc trong Phật Giáo, nhưng đã có mấy người Phật tử chịu tìm hiểu tận tường... HT Thích Bảo Lạc
(Xem: 8371)
Theo Phật giáo, con người sinh ra từ vô thủy (thỉ) đến giờ đã trải qua vô lượng đời, và sẽ còn tiếp nối vô số đời nữa ở tương lai cho đến vô chung... Toàn Không
(Xem: 14363)
Hoa dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền-Trang; Việt dịch: HT Thích Trí-Quang; Anh dịch: Buddhist Text Translation Society
(Xem: 12318)
Tịch Thiên (Śāntideva, tục danh: Sāntivarman) là một triết gia, một Tăng sĩ Phật giáo Đại thừa sống vào khoảng cuối thế kỷ VII và nửa đầu thế kỷ VIII Tây lịch... Thích Nguyên Hiệp
(Xem: 8259)
Chúng tôi xin bàn về một số điểm liên hệ, nhất là làm rõ về niên đại Hán dịch của tác phẩm, từ đó chúng tôi xin ghi nhận một số từ ngữ, thuật ngữ Phật học đã được Hán dịch vào thời ấy... Đào Nguyên
(Xem: 9986)
Dù tâm mộ đạo, nhưng Phật tử còn theo nghi lễ xa xưa và kinh điển cổ ngữ, nên việc tu tập không còn phù hợp với nhu cầu của thời đại mới... Johan Galtung, Đỗ Kim Thêm
(Xem: 7650)
Trong việc quảng bá sự hiểu biết, vai trò của người Thầy thật hết sức cần thiết, thế nhưng người Thầy thì cũng phải có đầy đủ khả năng... Hoang Phong
(Xem: 15864)
Tất cả đều là giả tạm và cuộc đời là một nỗi đau khổ lớn. Đây là động cơ lớn thúc đẩy Thái tử ra đi tìm chân lý. ... HT Thích Nguyên Siêu
(Xem: 8088)
Nói đến văn hóa tức là nói đến tổ chức đời sống của một dân tộc, trong đó bao gồm các mặt kinh tế, xã hội, luật lệ, văn chương, mỹ thuật, tôn giáo, v.v... HT Thích Nguyên Siêu
(Xem: 8127)
Chân: chân thật, không hư vọng. Như: như thường, không biến đổi, không sai chạy. Chân Như tức là Phật Tánh, cái tánh chân thật, không biến đổi, như nhiên, không thiện, không ác, không sanh không diệt... Lâm Như Tạng
(Xem: 7724)
Thủy Giác: mới tỉnh giác. Cái bổn tánh của hết thảy chúng sanh sẳn có lòng thanh tịnh tự tánh, đủ cái đức vốn chiếu sáng tự thuở nay, đó kêu là Bổn Giác... Lâm Như Tạng
(Xem: 11051)
“Bản Giác : Tâm thể của chúng sinh tự tánh thanh tịnh, lìa mọi vọng tưởng, sáng tỏ vằng vặc, có đức giác tri. Đó chẳng phải do tu thành mà như thế, mà chính là tính đức tự nhiên bản hửu, nên gọi là Bản Giác... Lâm Như Tạng
(Xem: 9021)
Thượng tọa Thích Thuyền Ấn trình bày tại Viện Đại Học Vạn Hạnh vào ngày 9-4-1967. Sau đó, bài diễn thuyết này được in trong tập Diễn Đàn Vạn Hạnh, số 1, do Ban Tu thư Đại Học Vạn Hạnh ấn hành năm 1967.
(Xem: 9147)
Bản Chất Của Tâm Thức - Tác giả: His Holiness the Fourteenth Dalai Lama, Anh dịch: Alexander Berzin, Tuệ Uyển chuyển ngữ
(Xem: 8283)
Niết bàn, nirvana (S), nibbana (P), trong Sanskrit và Pali có nghĩa bóng là, một "thể trạng dập tắt". Hình ảnh của một ngọn lửa đã bị dập tắt qua việc không còn nhiên liệu nữa... Tác giả Alexander Berzin; Tuệ Uyển dịch
(Xem: 7401)
Long Thọ nói, giáo pháp của Chư Phật y trên hai chân lý, tương đối hay thế tục đế, và tuyệt đối hay thắng nghĩa đế. Những ai không phân biệt được hai chân lý này, không thể hiểu thấu giáo pháp thâm sâu... Thích Tuệ Sỹ
(Xem: 7878)
Kinh Hoa nghiêm, nói một cách đơn giản, là bộ kinh nghiên cứu về Pháp giới và cách phát khởi trí tuệ để thể nhập Pháp giới. Trong Pháp giớilý sự vô ngạisự sự vô ngại... Hồng Dương
(Xem: 8679)
Các nhà khảo cổ phát hiện ra bằng chứng về 1 ngôi chùa Phật giáo cổ nhất chưa từng được khám phá, niên đại khoảng năm 550 TCN... National Geographic
(Xem: 9158)
Học Phật Nên Biết - Tác Giả: Pháp Sư Thánh Nghiêm, Pháp Sư Ấn Thuận, Pháp Sư Kim Minh và Phương Khắc Minh; Dịch Việt: Thích Nguyên Thành
(Xem: 11316)
Kinh PHÁP CÚ là một bộ Kinh rất xưa, được xem là kinh Lời Vàng cho những ai có chí nguyện tu tâm, dưỡng tánh để tiến thân trên lộ trình hành đạo giải thoát... Thích Nữ Nguyệt Chiếu
(Xem: 7405)
Lâu nay nói đến các trường Phật họcNam Bộ, người ta thường nghĩ đến Phật học đường Nam Việt, Sài Gòn... Thích Minh Cảnh
(Xem: 12094)
Tự học tiếng Tây Tạng - Tạng Ngữ Hiện Đại - Losang Thonden, Việt dịch: Konchog Kunzang Tobgyal
(Xem: 142953)
Đại Tạng Việt Nam bao gồm 2372 bộ Kinh, Luật và Luận chữ Hán và tất cả đã kèm Phiên âm Hán Việt...
(Xem: 6833)
Với tinh thần đó, trong khi chuyển ngữ ra tiếng Việt thời nay, việc gỡ bỏ ba chữ đó là hoàn toàn hợp lẽ... Hoằng Quảng
(Xem: 11719)
Nội dung tu học Phật pháp nước ta đại bộ phận đều phát xuất từ các kinh điển Hán dịch... HT Thích Phước Sơn
(Xem: 8468)
Thế giới này là một chuỗi dài nhân duyên nương tựa vào nhau mới bảo tồn sự sống... Thích Đạt Ma Phổ Giác
(Xem: 19699)
Tu Tâm, Dưỡng Tánh, Nhân quả, Tứ diệu đế, Từ bi, Chữ Hòa, Yếu tố hòa bình... HT Thích Thiện Hoa
(Xem: 9142)
Một bản ngã khi muốn có được cái gì từ người khác thường thích đóng vai một nhân vật nào đó để làm cho nhu cầu của nó được đáp ứng... Eckhart Tolle
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant