- Mục Lục
- Tựa Của Bản Dịch Tiếng Việt, Năm 2011
- Tựa Của Bản Dịch Tiếng Việt, Năm 1985
- Lời Nói Đầu Của Giáo Sư Houston Smith
- Lời Tựa Của Tác Giả
- Chương I: Những Bài Giảng Nhập Môn Tu Thiền Của Lão Sư Bạch Vân
- Chương Ii Đề Xướng (Teisho) Của Lão Sư Bạch Vân Về Công Án Mu
- Chương Iii Những Cuộc Độc Tham Của Mười Người Phương Tây Với Lão Sư Bạch Vân
- Chương Iv Bài Thuyết Pháp Về Nhất Tâm Của Bạt Tụy Và Những Bức Thư Ông Gửi Môn Đệ
- Chương V Tám Kinh Nghiệm Ngộ Hiện Thời Của Người Nhật Và Người Phương Tây
- Chương Vi Những Bức Thư Ngộ Của Yaeko Iwasaki Gửi Lão Sư Đại Vân Và Những Lời Bình Của Ông
- Chương Vii Đạo Nguyên Nói Về “Hữu-thời”
- Chương Viii Mười Bức Tranh Chăn Trâu Với Lời Bình Và Kệ
- Chương Ix Minh Họa Các Tư Thế Tọa Thiền
- Chương X Chú Thích Dụng Ngữ Thiền Và Giáo Lý Phật Giáo
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
BA TRỤ THIỀN
GIÁO LÝ – TU TẬP – GIÁC NGỘ
Nguyên tác: The Three Pillars of Zen
Cập Nhật và Hiệu Đính
theo Ấn Bản Kỷ Niệm Năm Thứ 35 của Nguyên Tác Tiếng Anh
TỰA CỦA BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT
(Năm 1985)
Vào năm 1971, chúng tôi giới thiệu với độc giả Việt nam một số câu chuyện tu Thiền và sự đạt ngộ của một số các Thiền nhân Trung hoa và Nhật bản thời xưa và thời cận đại qua lời dịch tiếng Việt cuốn Sa Thạch Tập (Shaseki-shu) do Thiền sư Vô Trụ biên tập vào thế kỷ XIII và Paul Reps có bổ sung khi dịch sang tiếng Anh, tức cuốn Góp Nhặt Cát Đá do nhà Lá Bối ấn hành đầu tiên vào năm 1971 và lần thứ nhì vào năm 1973 tại Sài gòn. Góp Nhặt Cát Đá chỉ giới thiệu với người đọc phần lớn là giai đoạn hái quả chín muồi một cách ngon lành, tức giai đoạn đạt ngộ, mà thường không kể lại toàn bộ quá trình khổ công tu tập lâu dài trước đó, tức giai đoạn gieo hạt nảy mầm, thành cây, sâu bệnh…được vun xới, chăm bón và chữa trị như thế nào cho cây đơm hoa, kết trái, chín muồi…của các Thiền nhân ấy – mà hầu hết những tác phẩm Thiền đã xuất hiện bằng nhiều ngôn ngữ châu Á cũng như châu Âu, cổ điển Cũng như hiện đại cũng vậy - ấy là vì một số lý do đặc biệt của Thiền, nhất là chúng không cung cấp một cách đầy đủ và chi tiết mà chỉ nói một cách sơ sài, vắn tắt các phương pháp tu tập thực hành theo truyền thống.
Theo chỗ chúng tôi được biết, Góp Nhặt Cát Đá, tuy mỏng manh, nhỏ bé nhưng đã gây được trong lòng người đọc một cảm khái hay thích thú nào đó, nhất là đối với những ai muốn tự mình vượt qua chính mình, vượt qua những mớ hỗn độn, tạp nhạp và vô bổ trong nhiều khía cạnh và lãnh vực sinh hoạt khác nhau của con người, tức toàn bộ biểu hiện của vọng ngã, để tiến đến Sự Sống Đích Thực Viên Dung Viên Mãn, tức là thấy được Tự Tánh mình mà cũng là Bản Tánh của vũ trụ để từ đó sống một cách hồn nhiên, tự tại vô ngại giữa muôn loài trong cuộc tồn sinh như nhiều người đi trước đã thực hiện được. Ấy cũng là ước mơ và mục đích chung của toàn thể loài người xưa cũng như nay và mãi mãi về sau.
Nhưng Thiền không phải chỉ để đọc như đọc một cuốn tiểu thuyết, một cuốn truyện, hoặc chỉ để học như một bộ môn khoa học, xã hội học hay triết học…Nếu chỉ như thế thì Thiền chỉ là một món trang sức, một mớ kiến thức rỗng, một phương tiện kiếm ăn, hoặc một phương tiện chỉ nhằm phát triển cái ta hư vọng mà chính nó là nguồn gốc gây đau khổ muôn đời. Thực ra, Thiền là để hành, hành khi tu, hành khi ngộ, hành sau khi ngộ, tức là hành trong mọi khía cạnh lớn nhỏ và bình thường của cuộc sống như ăn, uống, bài tiết, v.v…
Không may chúng ta duyên mỏng, không gặp được bậc chân sư thâm ngộ từ bi chỉ cho phương pháp thực hành đúng đắn, chân truyền của Phật giáo Thiền tông – mà biết đâu chúng ta còn ham mê cuộc sống vật chất quá nhiều đấy! – và thiếu một tài liệu chi tiết và chính xác nói về pháp môn ấy để làm bản đồ và kim chỉ nam cho cuộc hành trình đầy cam go trước khi đạt ngộ ấy.
Nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu trên, hôm nay sau ngót mười lăm năm, chúng tôi lại xin giới thiệu với hành giả Việt nam, cũng qua lời dịch, một tài liệu chân truyền những lời chỉ dạy quí giá của các Thiền sư Nhật hiện đại, qua công phu mười ba năm tu tập và biên tập của một Thiền nhân người Mỹ đã đạt ngộ và được ấn chứng tại Nhật, về một số phương pháp thực hành cho người mới bắt đầu tu cũng như những người đã có công phu và thành tựu ở một mức độ nào đó có thể tự thẩm định kết quả đã đạt được của bản thân để tiếp tục tu tiến thêm nữa mà dứt khoát không sai lạc tông chỉ đích truyền của Phật và chư Tổ. Tài liệu ấy là cuốn Ba Trụ Thiền (The Three Pillars of Zen) này của Philip Kapleau.
Sách gồm có ba phần chính: Giáo lý, Tu tập, và Giác ngộ. Phần Giáo lý gồm các bài giảng nhập môn tu Thiền của Thiền sư Bạch Vân (Hakuun) và một số lời dạy tâm yếu của Thiền sư Bạt Tụy (Bassui); phần Tu tập chủ yếu ghi lại các cuộc độc tham (dokusan) của mười học viên phương Tây với Thiền sư Bạch Vân; và phần Giác ngộ là tường thuật về tám kinh nghiệm ngộ của những người Nhật và người phương Tây hiện đại. Tuy nhiên, mỗi phần tự nó đủ cả ba. Tài liệu cung cấp rõ ràng từng chi tiết về các phương pháp tọa thiền như đếm hơi thở (quán sổ tức), theo dõi hơi thở băng con mắt tâm (quán tùy tức), tham công án hay tham thoại đầu, và chỉ quán đả tọa (shikan taza) hay mặc chiếu. Nó cũng chỉ rõ cách chọn chỗ ngồi, thời gian và thời lượng ngồi, các tư thế ngồi cổ truyền Ấn độ, Trung hoa, Nhật bản, Miến điện, những cách ngồi hiện đại, dụng cụ để ngồi…, cách đối trị các tư niệm ngẫu xuất, các hệ tư tưởng, các đau đớn thể xác khi ngồi, các vấn đề làm tâm trí bối rối, các vọng kiến, ma cảnh, v.v…, những cách tọa thiền di dộng như kinh hành, khất thực, lao động tay chân, cách ăn uống, cách tổ chức tụng kinh thuyết pháp, độc tham… Nói tóm là rất đầy đủ chi tiết cho một hành giả hoặc một cộng đồng tự viện.
Việc dịch thuật. Chúng tôi dịch theo ấn bản tiếng Anh có hiệu đính, do nhà xuất bản John Weatherhill Inc. in lần thứ hai, năm 1967 tại Tokyo, Nhật bản, trừ mười bài kệ trong phần Mười Bức Tranh Chăn Trâu là dịch theo nguyên tác Hán văn của Hòa thượng Quách Am. Ngôn ngữ được sử dụng trong khi dịch là tiếng Việt hiện đại, nhất là ngôn ngữ bình dân, cố tránh càng nhiều càng tốt các thuật ngữ chuyên môn của Phật giáo, cốt để người Việt hiện đại đọc có thể hiểu dễ dàng – đây cũng là muốn giữ tinh thần ngôn phong của các Thiền sư xưa nay – vì thế một số từ ngữ thông dụng nhưng mang một nội dung mới mà nguyên tác nhằm chuyển đạt. Chỗ nào không thể làm được như vậy, chúng tôi bắt buộc phải dùng thuật ngữ chuyên môn của Phật giáo sẽ có chú thích ở cuối trang hoặc giải thích thêm ở cuối sách (hầu hết đã được bản tiếng Anh làm rồi).
Về điều kiện để dịch một bản văn Thiền thì bản thân nguời dịch chỉ là con số không. Công phu tu chứng: không có; tài liệu để đối chiếu tham khảo: không có; chân sư để tham vấn những chưa với tới: không có. Vì thế bản dịch này chỉ được thực hiện với một nhiệt tâm tự học và một kiến thức rất nông cạn nên chắc đã để lại không ít sai lầm, lệch lạc một số khía cạnh của nguyên tác. Mong các độc giả và hành giả cao minh chỉ bảo cho, xin đa tạ.
Phần cuối của lời tựa này tôi muốn tỏ long cảm ơn sâu xa đến sư Minh Nghĩa, các đạo hữu Minh Tâm, Diệu Nhiên,…đã góp sức người và sức của để bản dịch này thành hình và đến tay người đọc chuyền tay nhau để đọc, qua hình thức đánh máy, chẳng bao lâu sau khi việc dịch thuật hoàn tất.
Nơi đây tôi cũng xin tỏ long tri ân sâu xa đối với các Thiền sư Nhật, một cách gián tiếp, đã chỉ dạy tôi trên bước đường tu tập thực hành để thể hiện Tự Tánh mình. Một cách riêng tư, tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với tác giả và cũng là Thiền sư: Philip Kapleau, vì nếu không có tác phẩm của ông, tôi không bao giờ biết được Phật Pháp vi diệu như thế. Nơi đây, tôi cũng xin ông từ bi cho tôi mạn phép dịch tác phẩm của ông sang tiếng Việt để làm lợi ích cho Phật tử Thiền tông Việt nam, mà vì hoàn cảnh đặc biệt tôi đã không thể liên lạc với tác giả để xin bản quyền khi dịch sách này của ông.
Sài gòn, tháng 9 năm 1985
Đỗ Đình Đồng