Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du

01 Tháng Mười Một 201405:01(Xem: 22816)
Thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du

Thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du
Hạnh Cơ dịch và luận giải




Thơ chữ Hán của NGUYỄN DU
HẠNH CƠ luận giải và dịch


 NguyenDu (1)
        (Hạnh Cơ viết chữ Hán)

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên
Y  y bất cải cựu thiền quyên
Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc
Vạn lí Quỳnh châu thử dạ viên
Hồng lĩnh vô gia huynh đệ tán
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên
Cùng đồ lân nhữ dao tương kiến
Hải giác thiên nhai tam thập niên

Dịch nghĩa:

Đêm Rằm tháng Giêng, sân vắng, trăng sáng đầy trời
Trăng vẫn sáng đẹp như xưa, không có gì thay đổi
Một trời cảm hứng của ngày xuân đang rớt vào nhà ai
Đêm nay ta cùng trăng họp mặt nơi Quỳnh-côi xa xăm
Nơi quê Hồng-lĩnh, nhà cửa không có, anh em li tán mỗi người một nơi
Tóc bạc làm cho ta càng tủi hận, trong khi đó thì thời gian cứ trôi qua
Thương thay cho trăng, lúc ta cùng đường vẫn xa xôi lặn lội tới thăm
Đã ba mươi năm góc biển chân trời

*

Đây là bài đầu tiên trong tập thơ chữ Hán Thanh Hiên Thi Tập của cụ Nguyễn Du. Các nhà nghiên cứu sự nghiệp văn chương của cụ đều đồng ý rằng, cụ đã sáng tác bài “Quỳnh Hải Nguyên Tiêu” này trong thời gian cụ lánh nạn tại quê vợ là xã Quỳnh-côi (cũng gọi là Quỳnh-hải), huyện An-hải, tỉnh Thái-bình (1789-1795).
Tổ quán của cụ Nguyễn Du là làng Tiên-điền, huyện Nghi-xuân, tỉnh Hà-tĩnh. Thân phụ là cụ Nguyễn Nghiễm (1708-1775) có 8 bà vợ; thân mẫu của cụ là bà thứ ba, tên Trần Thị Tần, quê ở Bắc-ninh. Cụ Nguyễn Nghiễm cưới bà Tần năm 1756, lúc đó cụ đang làm quan tại triều đình Thăng-long,  thời Vua Lê - Chúa Trịnh, chức đại-tư-đồ (tể-tướng), tước Xuân quận-công, trên hàng nhất-phẩm. Bà Tần sinh 4 người con trai: Nguyễn Trụ, năm 1757; Nguyễn Nễ, 1761; Nguyễn Du, 1765; Nguyễn Ức, 1767; và một người con gái là Nguyễn Thị Diên (?-?) –tất cả đều sinh tại Thăng-long.
Như vậy, tuy chánh quán ở Hà-tĩnh, nhưng cụ Nguyễn Du đã được sinh ra, lớn lên, và học hành đều ở Thăng-long. Năm 1775 cụ Nguyễn Nghiễm mất, rồi 3 năm sau, 1778, bà Tần cũng qua đời, Nguyễn Du trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ, lúc đó mới lên 13 tuổi, cho nên phải ở với ông anh cả (khác mẹ) là Nguyễn Khản (1734-1786), để tiếp tục được nuôi dưỡng và dạy dỗ học hành. Ông Nguyễn Khản lớn hơn Nguyễn Du 31 tuổi, là con trai trưởng của cụ Nguyễn Nghiễm và bà vợ cả là Đặng Thị Dương (quê Hà-tĩnh). Lúc đó ông Nguyễn Khản cũng là một vị quan đại thần tại triều, có dinh cơ to lớn, nổi tiếng là bậc phong lưu tài tử nhất kinh thành. Năm 1784, Nguyễn Du 19 tuổi, vừa đậu tam-trường khoa thi Hương (tú tài) thì gặp phải lúc loạn kiêu-binh nổi dậy, làm rối loạn kinh thành, phá hủy dinh thự nhà cửa, và bắt giết các quan đại thần. Dinh thự của Nguyễn Khản cũng bị phá nát, tính mạng lại bị đe dọa, khiến ông phải trốn chạy về quê hương Hà-tĩnh lánh nạn. Nguyễn Du may mắn, kịp thời được nối chức của ông bố nuôi họ Hà, –nguyên là một vị võ quan dưới trướng cụ Nguyễn Nghiễm ngày trước, vừa tạ thế– làm lãnh-binh đạo Thái-nguyên, nên thoát nạn. Nhưng cũng từ lúc đó mà anh em li tán nhau, mỗi người một phương; gia thế họ Nguyễn ở Tiên-điền cũng đến đây là bắt đầu xuống dốc. Năm 1786, Bắc-bình vương Nguyễn Huệ từ trong Trung ra Bắc diệt chúa Trịnh, Nguyễn Khản liền rời Hà-tĩnh ra Bắc để giúp chúa phò vua, nhưng việc không thành, rồi bị bệnh mà mất. Năm 1789, Bắc-bình vương lại ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, dứt nhà Lê. Ông vua cuối cùng của nhà Lê là Chiêu Thống, chạy theo Tôn Sĩ Nghị sang Trung-quốc, một số đông tôi thần của vua cũng chạy theo. Ba anh em của Nguyễn Du cũng chạy theo, nhưng không kịp, đành phải trở về, rồi chia tay nhau, mỗi người đều về quê vợ để ẩn thân. Nguyễn Nễ, Nguyễn Ức thì về Bắc-ninh; Nguyễn Du thì về Thái-bình, năm đó mới 24 tuổi, –lại thêm một lần li tán!
Tại sao ba anh em Nguyễn Du đã không về quê nhà ở Tiên-điền mà lại về quê vợ? Điều đó có mấy lí do. Xưa cụ Nguyễn Nghiễm làm quan tột đỉnh triều đình, giàu sang hiển hách, dinh cơ ở Tiên-điền không phải là nhỏ; nhưng vì cụ lắm vợ nhiều con (8 bà vợ và 21 người con –Nguyễn Du đứng hàng thứ 7 trong số 12 người con trai của cụ), nên mẹ nào thì tự lo đùm bọc con nấy. Sau khi cụ mất, ngoại trừ các bà có con trai lớn đã ra làm quan, còn các bà khác thì ai cũng đem con cái về quê mình để sinh sống, chứ không về Hà-tĩnh. –Dĩ nhiên, ba bà quê ở Hà-tĩnh thì lại về Hà-tĩnh: bà Đặng Thị Dương, mẹ của Nguyễn Khản; bà Đặng Thị Thuyết, mẹ của Nguyễn Điều; và bà Hồ Thị Ngạn, mẹ của Nguyễn Nhưng.– Riêng ba anh em Nguyễn Du thì mẹ đã mất sớm từ tuổi vị thành niên, lớn lên, nếu có dịp về thăm quê thì cũng chỉ ở chơi mươi bữa nửa tháng rồi lại đi, chứ họ chưa từng sinh sống và xây dựng sự nghiệp gì ở quê nhà. Cho nên có thể nói, chỉ có các ông anh của Nguyễn Du như Nguyễn Khản, Nguyễn Điều (cả hai ông lúc này đều đã qua đời), Nguyễn Nhưng, Nguyễn Quýnh thì còn có nhà cửa ở Tiên-điền, chứ ba anh em Nguyễn Du thì đâu đã có nhà cửa gì; vì thế mà tiên sinh đã nói trong bài thơ trên:

Hồng lĩnh vô gia huynh đệ tán

Lại nữa, sau khi Tây-Sơn diệt nhà Lê, trong số các con của cụ Nguyễn Nghiễm, có người ra làm quan với Tây-Sơn như Nguyễn Nễ, mà cũng có người quyết chí chống Tây-Sơn như Nguyễn Quýnh. Quýnh ở Hà-tĩnh đã kết nạp nghĩa sĩ để chống lại Tây-Sơn, mưu đồ khôi phục nhà Lê, nhưng thất bại bị bắt; rồi không chịu hàng nên bị giết. Và cũng nhân vụ này mà Tây-Sơn đã tàn phá tất cả dinh cơ họ Nguyễn ở Tiên-điền. Chính bản thân Nguyễn Du cũng hận Tây-Sơn và đang nuôi chí khôi phục nhà Lê, nên dù muốn về Tiên-điền cũng không dám về, đành ẩn nhẫn ở quê vợ mà chờ thời.
Nguyễn Nễ (anh kế cùng mẹ của Nguyễn Du) đã biết quyền biến, nhận lời ra làm việc với triều đại mới (ngay từ năm đầu Tây-Sơn – 1789), nhờ đó mà đã sửa sang lại được nhà cửa đã đổ nát của ông cha, tuy không bề thế như trước, nhưng cũng đủ đầm ấm cho con cháu. Và cũng do Nguyễn Nễ ra làm quan với Tây-Sơn mà mối nghi kị của chính quyền mới đối với họ Nguyễn ở Tiên-điền dần dần cũng tiêu mất đi. Đến lúc Nguyễn Du thấy không cần phải trốn tránh nữa, mới quyết định rời Quỳnh-côi để về sống ở quê hương Hồng-lĩnh (Hà-tĩnh); đó là vào đầu năm 1796, tiên sinh 31 tuổi. Vậy, căn cứ vào câu chót và tựa đề “Quỳnh Hải Nguyên Tiêu” của bài thơ trên, chúng ta có thể nói, tiên sinh đã làm bài thơ này vào tiết Thượng-nguyên năm Bính-Thìn (tức đầu năm 1796), trước khi rời Thái-bình để trở về Hà-tĩnh ngay trong năm đó.
Đối với dân tộc ta thì tổ quán luôn luôn vẫn là nguồn cội, là “chánh quán” của mình. Dù có vì hoàn cảnhcha mẹ phải sinh ra mình ở một xứ khác, thì nơi đó cũng chỉ được coi là “sinh quán” của mình; hoặc có phải vì công việc mà phải sang xứ khác làm quan, xây dựng sự nghiệp giàu có, hoặc vì sinh kế mà phải tha phương cầu thực, thì nơi đó cũng chỉ được coi là “trú quán”. Trường hợp cụ Nguyễn Du ở đây, tuy tổ quán ở Tiên-điền (Hà-tĩnh), nhưng đã được sinh ra và lớn lên, học hành, thi cử tại Thăng-long, làm quan tại Thái-nguyên, rồi trốn tránh chờ thời ở Thái-bình, trong suốt thời gian “lưu lạc” kéo dài đến 30 năm (1765-1795) đó, chưa có lúc nào cụ sống thực sự tại quê nhà (chánh quán), đó là lí do cụ đã than:

Hải giác thiên nhai tam thập niên

Trong suốt thời gian ở Quỳnh-côi, Nguyễn Du đã ờ nhờ nhà người anh vợ là ông Đoàn Nguyễn Tuấn. Tuy ông Tuấn ra làm quan với Tây-Sơn, nhưng Nguyễn Du vẫn ngầm kết giao với nghĩa sĩ để chống Tây-Sơn, mong khôi phục nhà Lê. Nhưng những chiến thắng của Tây-Sơn liên tiếp trong bao năm liền, từ lúc diệt họ Trịnh đến khi đuổi quân Thanh và diệt nhà Lê, đã làm cho nhiều người (có ý đồ chống Tây-Sơn) phải khiếp đảm mà sinh rụt rè. –Hai mươi vạn quân của Tôn Sĩ Nghị mà còn phải tan tành như xác pháo, thì một vài nhóm người lẻ tẻ có làm được gì! Bởi vậy mà việc chẳng ra đâu, chí nguyện không thành, cụ luôn luôn buồn bực. Dù tuổi mới trong vòng ba mươi mà cái tâm sự ấy đã dày vò tim óc, đến nỗi khiến cụ sớm phải bạc đầu. Cái tâm sự ấy đã được cụ bộc lộ trong hai câu:

Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc

và:

Bạch đầu đa hận tuế thời thiên

Tiên sinh đã từng nuôi ý chí khôi phục nhà Lê từ ngày vua Lê Chiêu Thống trốn chạy sang Tàu, nhưng rõ ràng là càng ngày càng vô vọng. Cho đến bây giờ thì coi như đã cùng đường bí lối; thôi thì hãy tạm gác nó lại, trở về quê nhà (Hà-tĩnh) rồi hãy tính sau. Trong thời gian ăn nhờ ở đậu nhà ông anh vợ thì ông này lại làm quan với Tây-Sơn, cho nên cụ cũng phải thận trọng lắm để khỏi tự rước họa vào thân, mà còn tránh để khỏi làm liên lụy đến ông anh vợ nữa. Cái tâm sự “phù Lê” kia tiên sinh phải ôm kín trong lòng, vì đồng chí thì hiếm hoi (ai cũng khiếp đảm rụt rè), đâu còn dám thố lộ cùng ai hay biết nữa! –Ngoại trừ một người tri kỉ: nàng Trăng! Trăng đã theo sát để bầu bạn với tiên sinh, bao nhiêu năm không rời. Trăng đã là nguồn cảm hứng sâu xa, bất tận của tiên sinh. Bởi vậy, Trăng đã xuất hiện bàng bạc trong khắp thơ văn Hán cũng như Nôm của Nguyễn Du. Giờ đây, ở cái lúc mà cụ cảm thấy đã là “đường cùng” (cùng đồ), tất cả đều trống vắng, thì chỉ có Trăng là vẫn ở bên cạnh. Nhất là như đêm nay, đêm Rằm tháng Giêng âm lịch, trời trong, trăng càng sáng tỏ, tỏa chiếu mêng mông, đầy ắp cả tâm hồn, –dù cho trăng Quỳnh-côi đêm nay cũng không khác gì với trăng ở những nơi khác của những tháng năm xưa– thì cụ cũng cứ hãy ngắm nhìn, ấp ủ trăng Quỳnh-côi một lần chót cho thỏa thích, trước khi lên đường về quê để lo tính công chuyện cho những ngày tháng tới... Bởi vậy mà hình ảnh trăng đã chiếm đến bốn câu, tức một nửa của toàn bài thơ tám câu:

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên
Y y bất cải cựu thiền quyên

và:
Vạn lí Quỳnh châu thử dạ viên
và:
Cùng đồ lân nhữ dao tương kiến

chúng tôi xin diễn ý toàn bài thơ trên thành vần điệu như sau:

ĐÊM RẰM THÁNG GIÊNG ở QUỲNH-HẢI

Muôn dặm Quỳnh-châu hẳn một nơi
Ba mươi năm góc biển chân trời
Đêm nay trời rộng trăng đầy ắp
Sực nhớ chưa từng được thảnh thơi

Ba mươi năm góc biển chân trời
Rằm tháng Giêng mà muộn chẳng vơi
Trăng vẫn như xưa tình vẫn vẹn
Một trời xuân hứng để riêng ai

Rằm tháng Giêng mà muộn chẳng vơi
Thì ra đầu bạc đã lâu rồi
Anh em li tán người đôi ngả
Hồng-lĩnh không nhà thuở nổi trôi

Thì ra đầu bạc đã lâu rồi
Thầm lặng thời gian vẫn cứ trôi
Tủi thẹn đời trai chưa vẹn chí
Đường cùng sân trống mộng chơi vơi


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Thế Giới Thi Ca của Nguyễn Du, Nguyễn Đăng Thục. Sài-gòn: Kinh Thi, 1971.
- Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, Lê Thước và Trương Chính. TP. Hồ-chí-minh: Văn Học, 1978.
- Tố Như Thi, Quách Tấn dịch. Sài-gòn: An Tiêm, 1973.
- Việt Nam Sử Lược II, Trần Trọng Kim.  Sài-gòn: Bô Giáo Dục, 1971.
- Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên II, Phạm Thế Ngũ.  California: Đại Nam.

ĐỘC TIỂU THANH KÍ
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du
Hạnh Cơ luận giải và dịch

 

 NguyenDu (2)
(Hạnh Cơ viết chữ Hán)

Tây hồ mai uyển tận thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần lân tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Dịch nghĩa:

Khắp khu vườn mai bên hồ Tây nay đã trở thành gò hoang
Một mình tưởng niệm nàng qua tập sách đang đọc bên cửa sổ
Nếu son phấn có hiển linh, ắt phải đau xót cho những việc xảy ra sau khi nàng mất
Văn chương nào có mệnh số gì mà cũng bị liên lụy, đến nỗi bị đốt, may mà chỉ cháy dở dang
Những mối hận tình xưa nay, muốn hỏi trời mà không hỏi được
Ta tự coi như người cùng thuyền với nàng trong nỗi oan khiên lạ lùng của kiếp phong trần
Rồi đây hơn ba trăm năm sau
Chẳng biết có ai trong thiên hạ sẽ khóc thương cho Tố Như này không

*

Căn cứ theo sách Thơ Văn Chữ Hán Nguyễn Du của nhóm biên soạn Lê Thước, Trương Chính (nhà xuất bản Văn Học, in tại Sài-gòn 1978), đây là bài thơ số 78, và cũng là bài chót trong tập thơ chữ Hán Thanh Hiên Thi Tập. Và cũng theo quí vị này thì cụ Nguyễn Du đã làm bài thơ trên trong khoảng thời gian “làm quan ở Bắc-hà” (1802-1804).
Theo ý tứ toàn bài, cụ Nguyễn Du nhân đọc được tập kí sự nói về cuộc đời tài hoa lại yểu mệnh và đầy tủi hận của một thiếu phụ, rồi cảm thương cho số phận nàng mà sáng tác ra bài thơ trên; rồi cũng nhân đó mà khóc thương cho số phận mình.
Tựa đề bài thơ cho ta thấy ngay tên của thiếu phụ được nói đến là Tiểu Thanh. Tương truyền, nàng sống vào cuối đời Minh (1368-1661), họ Phùng, tên Huyền Huyền, tự là Tiểu Thanh, quê ở Hàng-châu, tỉnh Triết-giang. Nàng giỏi âm nhạc, làm thơ hay, tài sắc gồm đủ. Năm 16 tuổi, nàng được gả về làm thiếp cho một người cùng họ, tên Phùng Thiên Thu. Nàng bị bà vợ cả ghen ghét, bắt phải dời lên ở núi Cô-sơn, cạnh hồ Tây (phía Tây thành phố Hàng-châu); nhưng chẳng được bao lâu thì vì buồn rầu, uất ức mà chết. Lúc đó nàng mới 18 tuổi! Nay ở Cô-sơn vẫn còn ngôi mộ của nàng.
Vài nét ghi trên về nàng Tiểu Thanh, chúng tôi đã dựa vào bộ từ điển bách khoa Từ Nguyên (nxb Thương Vụ Ấn Thư Quán in tại Hương-cảng, 1994), trong đó không thấy đề cập đến bài “Tiểu Thanh Kí”, nhưng có nói rằng: “Tập Liệu Đố Canh Kí của Ngô Bính và tập Tiểu Thanh Nương Phong của Chu Tông Phan, đời Minh, đều lấy đề tài có liên quan đến chuyện nàng Tiểu Thanh; còn sách Liệt Triều Thi Tập của Tiền Khiêm Ích đời Thanh thì bảo rằng, nhân vật Tiểu Thanh không có thật, những thi văn truyền lại là do kẻ hiếu sự giả thác mà làm ra thôi.” Có thể đây là những tài liệu mà cụ Nguyễn Du đã đọc, còn cái tên “Tiểu Thanh Kí” là do chính cụ đặt lấy chăng? Cụ Quách Tấn (trong sách Tố Như Thi) bảo rằng: “Có người viết truyện nàng, gọi là Tiểu Thanh Kí.”, nhưng vì tài liệu quá ít ỏi, và thì giờ không có nhiều, chúng tôi không thể kê cứu tường tận được, xin quí vị độc giả thông cảm cho.
Về thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng tôi hiện chỉ có hai tài liệu để tham khảo: 1) Thơ Chữ Hán Nguyễn Du của Lê Thước và Trương Chính (vừa dẫn trên –chúng tôi sẽ gọi tắt là bản Lê Thước), gồm 248 bài thơ của cả 3 tập: Thanh Hiên Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm và Bắc Hành Tạp Lục –có lẽ là tài liệu đầy đủ nhất hiện nay về thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du (?); nhưng tiếc một điều, là trong sách hoàn toàn không có một chữ Hán nào cả!!! 2) Tố Như Thi của Quách Tấn (nxb An Tiêm in tại Paris, 1995 –chúng tôi sẽ gọi tắt là bản Quách Tấn), chỉ trích dịch có 72 bài, và mỗi bài đều có in kèm chữ Hán.
Do đó, khi dịch bài “Độc Tiểu Thanh Kí” trên đây, chúng tôi đã dựa vào bài thơ chữ Hán trong bản Quách Tấn. Trước khi dịch, chúng tôi xin bàn về một số chữ cần thiết:
- Ở Trung-quốc có rất nhiều hồ được đặt tên là hồ Tây, nhưng chữ “Tây hồ” trong câu đầu tiên của bài thơ này là chỉ cho cái hồ ở phía Tây thành phố Hàng-châu, tỉnh Triết-giang. Hồ rất rộng, có chu vi đến 30 dặm, núi bao ba mặt, là một trong những thắng cảnh đẹp nhất của Trung-quốc. Tương truyền, thời nhà Hán, người ta có thấy một con bò bằng vàng xuất hiện trong hồ. Đó là điềm thánh minh, nên hồ đã được đặt tên là hồ Minh-thánh. Lại nữa, vì hồ ở cạnh sông Tiền-đường, nên cũng có tên là hồ Tiền-đường. Từ đời Đường về sau hồ được gọi là Tây-hồ.
- Chữ “mai uyển”, cũng ở câu đầu bài thơ, cả hai bản Lê Thước và Quách Tấn đều viết là “hoa uyển”, nhưng trong phần chữ Hán của bản Quách Tấn thì lại viết là “mai uyển”, và dưới phần chú thích thì nói: “Hoa Uyển: Nghe truyền là Mai Uyển.”. Chúng tôi thấy chữ “mai uyển” đúng hơn chữ “hoa uyển”. Như trên đã thấy, Tiểu Thanh bị vợ cả của chồng ghen ghét, không cho ở chung, bắt phải dời lên núi Cô-sơn (trong bài dịch sau đây chúng tôi gọi là núi Một) sống hẩm hiu, uất hận cho đến chết. Bộ Từ Nguyên (đã dẫn trên) cho biết về núi này như sau: “Ở cạnh hồ Tây (Hàng-châu, Triết-giang) có một quả núi, đứng một mình, bên cạnh không có đồi núi nào dính liền cả. Đời Tống có ông Lâm Bô lên đó ở ẩn, trồng mai nuôi hạc. Nay tại đó còn ngôi mộ của Bô, có đường Mai và mả Hạc.”
- Chữ “phần dư” ở câu thứ tư, nói đầy đủ là “phần dư cảo”, nghĩa là bản thảo bị đốt nhưng không cháy hết, còn sót lại một ít tờ, hoặc một ít đoạn, một ít bài. Lúc Tiểu Thanh sống trên núi Cô-sơn, nàng có làm một tập thơ ghi lại tâm sự mình. Sau khi nàng chết, người vợ cả vẫn không hết ghét tức, bèn đem tập thơ đó đốt đi; rất may, nó không cháy hết mà còn sót lại một số bài. Có người yêu văn chương, lượm chép lại, và viết truyện nàng để lưu truyền.
- Hai câu cuối của bài thơ là hai câu từng được truyền tụng nhiều nhất. Bất cứ ai nói về tâm sự của cụ Nguyễn Du cũng đều nhắc đến hai câu ấy. Trước năm 1943, những người nghiên cứu về Nguyễn Du đều cho rằng, hai câu đó đã được cụ thốt ra trước khi chết; nhưng từ năm 1943, khi bài thơ “Độc Tiểu Thanh Kí” này được phát hiện, thì mới thấy hai câu ấy là hai câu chót của bài thơ này. Có người còn tính toán con số “300 năm” mà bảo rằng, đó là thời gian tính từ lúc nàng Tiểu Thanh chết cho đến lúc cụ Nguyễn Du làm bài thơ trên. Chắc là không đúng như vậy. Trong cả hai bản Lê Thước và Quách Tấn đều nói rằng, Tiểu Thanh sống vào đầu nhà Minh. Vậy, giả sử cụ Nguyễn Du làm bài thơ trên vào năm 1804 (năm chót của giai đoạn “làm quan ở Bắc-hà”), thì khoảng thời gian từ khi nàng chết (đầu nhà Minh – tức khoảng vài chục năm từ 1368) cho đến năm 1804, phải là khoảng 400 năm. Nếu theo Từ Nguyên (nói Tiểu Thanh sống vào cuối nhà Minh –tức vài chục năm trước 1661), thì khoảng thời gian đó chỉ vào khoảng 200 năm. Xem thế thì sự tính toán của ai đó chỉ là để “múa chơi” mà thôi. Sự thực thì mấy chữ “tam bách dư niên hậu” đã tỏ ra ý tứ là “sau này”, chứ chẳng có ý gì về quá khứ cả. Nếu có ý quá khứ, là do chúng ta “suy rộng ra” như thế này: Nàng chết đã mấy trăm năm rồi mà hôm nay còn có Tố Như đây khóc thương, chẳng biết mấy trăm năm sau nữa có ai là người khóc thương cho Tố Như này không?!
- Chữ “hà nhân” trong câu chót là căn cứ theo bản Quách Tấn (phần chữ Hán lẫn phần phiên âm), còn trong bản Lê Thước thì viết là “thùy nhân”. Theo chúng tôi, trong trường hợp này thì “hà nhân” đúng hơn là “thùy nhân”; vì chỉ một chữ “thùy” (誰) đã có nghĩa là ai, người nào – có thêm chữ “nhân” (人) là thừa, có thể bỏ đi được; trong khi đó, phải có đủ hai chữ “hà nhân” (何人) mới có nghĩa là ai, người nào. Ở đây là câu thơ Luật, 7 chữ, dùng chữ “hà nhân” là vừa khít khao, trọn ý, không thừa không thiếu.

Chúng tôi xin diễn dịch bài thơ trên như sau:

NHÂN ĐỌC TRUYỆN NÀNG TIỂU THANH

Nơi núi Một, hồ Tây thuở đó,
Có vườn mai đương độ nở hoa
Còn gì đâu để thiết tha
Tơ lòng nàng dệt thành thơ để đời.

Mười tám đã thành người thiên cổ!
Lụy đến thơ cháy dở còn đây.
Nỗi oan ngất chín tầng mây,
Hỏi trời còn khó, hỏi ai bây giờ?

Son phấn cũng sững sờ thảng thốt,
Càng sắc tài đau xót càng kinh,
Lạ lùng mệnh số đành hanh,
Người sau cảm kích ghi thành thiên chương.

Bên song cửa lật trang sách cũ,
Tưởng niệm người thiếu phụ oan khiên;
Nghĩ mình cùng hội cùng thuyền,
Cùng truông cay đắng, cùng miền hẩm hiu.

Vườn mai xưa đìu hiu xơ xác,
Núi Một chừ tan tác gò hoang.
Khóc người nay đã thênh thang
Sau này ai khóc can tràng Tố Như?


TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Hán Việt Tự Điển, Thiều Chửu. Hà-nội: Đuốc Tuệ, 1942.
- Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du, Nguyễn Đăng Thục. Sài-gòn: Kinh Thi, 1971.
- Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, Lê Thước và Trương Chính. Nxb Văn Học, in tại Sài-gòn, 1978.
- Tố Như Thi, Quách Tấn dịch. Paris: An Tiêm, 1995.
- Từ Nguyên. Hương-cảng: Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1994.

LONG THÀNH CẦM GIẢ CA
(phụng sứ thời tác)

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du
Hạnh Cơ dịch và chú thích

 

NguyenDu (3)NguyenDu (4)NguyenDu (5)

(Hạnh Cơ viết chữ Hán)


Phiên âm:

Tiểu Dẫn

Long thành cầm giả, bất tri tánh thị. Văn kì ấu niên tòng học bát Nguyễn cầm ư Lê cung hoa tần bộ trung. Tây-Sơn binh khởi, cựu nhạc tử tán; kì nhân lưu lạc thị triền, hiệp kĩ dĩ ngao, chúc tản bộ. Sở đàn giai ngự tiền cung phụng khúc, phi ngoại nhân sở văn, toại xưng nhất thời tuyệt kĩ.
thiếu thời, thám huynh để kinh, lữ túc Giám hồ điếm. Kì bàng Tây-Sơn chư thần đại tập nữ nhạc, danh cơ bất hạ sổ thập. Kì nhân độc dĩ Nguyễn cầm thanh thiện trường, phả năng ca, tác bài hài ngữ, nhất tọa tận điên đảo, sác thưởng dĩ đại bạch, triếp tận, triền đầu vô toán, kim bạch ủy tích mãn địa. Dư thời nặc thân ám trung, bất thậm minh bạch. Hậu kiến chi huynh xứ, đoản thân, khoát kiểm, ngạch đột, diện ao, bất thậm lệ, cơ bạch nhi thể phong, thiện tu sức, đạm mi nùng phấn, ý dĩ hồng thúy tiêu thường, xước xước nhiên hữu dư vận. Tính thiện ẩm, hí lãng hước, nhãn hoắc hoắc, khuông trung vô nhất nhân. Tại huynh gia, mỗi ẩm triếp tận túy, ẩu thổ lang tạ, ngọa địa thượng, đồng bối phi chi, bất tuất dã.
Hậu sổ tải, dư tỉ gia Nam qui, bất đáo Long thành nhược can niên hĩ. Kim xuân, tương phụng mệnh Bắc sứ, đạo kinh Long thành, chư công nhục tiễn vu Tuyên-phủ nha, tất triệu tại thành nữ nhạc, thiếu cơ sổ thập, tịnh bất thức danh diện, điệt khởi ca vũ, kế văn cầm thanh thanh việt, quýnh dị thời khúc, tâm dị chi. Thị kì nhân, nhan sấu thần khô, diện hắc, sắc như quỉ, y phục tịnh thô bố, bại khôi sắc, đa bạch bổ chi, mặc tọa tịch mạt, bất ngôn diệc bất tiếu, kì trạng đãi bất kham giả. Bất phục tri vi thùy hà, duy ư cầm thanh trung tợ tằng tương thức, trắc nhiên vu tâm. Tịch tán, chất chi nhạc nhân, tức kì nhân dã.
Ta hồ! Thị nhân hà chí thử da! Phủ ngưỡng bồi hồi, bất thăng kim tích chi cảm. Nhân sinh bách niên, vinh nhục ai lạc, kì khả lượng da! Biệt hậu, nhất lộ thượng, thâm hữu cảm yên, nhân ca dĩ thác hứng.


Dịch nghĩa:

BÀI CA NGƯỜI GẢY ĐÀN ở THÀNH THĂNG LONG
(làm trong lúc đi sứ Trung-quốc)


Lời Dẫn

Không ai biết người gảy đàn ở thành Thăng-long tên họ là gì. Nghe nói, thuở nhỏ nàng từng học chơi đàn nguyệt(1) ở đội nữ nhạc trong cung vua Lê(2). Khi quân Tây-sơn kéo vào Thăng-long(3), những người trong đội nữ nhạc cũ, kẻ thì chết, kẻ chạy tản mác. Riêng nàng thì lưu lạc ở nơi chợ búa, ôm đàn hát dạo khắp nơi. Nàng chơi toàn những khúc nhạc diễn tấu trong cung vua(4), ngoài dân giã chưa từng được nghe. Bởi vậy, ngón đàn của nàng đã nghiễm nhiên trở thành tuyệt kĩ một thời.
Hồi còn trẻ, có lần tôi về kinh đô thăm anh tôi(5), ở trọ gần bên hồ Giám(6). Cạnh đó, các quan binh Tây-sơn mở hội hát lớn, đào hát nổi tiếng không dưới vài chục cô. Riêng nàng độc đáo với cây đàn nguyệt, lại hát hay và khôi hài duyên dáng, khiến cho mọi người đều mê mệt. Họ đua nhau ban thưởng từng chén rượu lớn, và nàng đều uống cạn. Tiền bạc và gấm vóc họ thưởng cho nàng nhiều vô kể, bày la liệt ra đất. Lúc đó tôi núp trong bóng tối, nên đã không thấy nàng rõ lắm. Sau lại được gặp nàng ngay tại nhà anh tôi. Nàng người thấp, đôi má đầy đặn, trán vồ, mặt hơi gẫy. Nàng không đẹp lắm, nhưng có nước da trắng trẻo, thân hình tròn trịa, trang điểm dễ coi, lông mày thanh tú, má đánh phấn đậm, mặc áo màu hồng, quần lụa xanh cánh trả, dáng ẻo lả của người thanh thản. Nàng uống rượu cũng khá, hay khôi hài bỡn cợt, đôi mắt long lanh, chưa chịu để ai lọt vào mắt xanh. Hôm đó tại nhà anh tôi, nàng đã uống say vùi, đến nỗi nôn mửa bừa bãi, rồi nằm lăn ra đất, chúng bạn chê trách cũng không để tâm.
Sau đó vài năm tôi dời nhà vào Nam(7), suốt bao năm liền không trở lại Thăng-long. Mùa xuân năm nay(8) tôi vâng mệnh vua đi sứ Trung-quốc, tiện đường ghé lại thành Thăng-long, các bạn mở tiệc hậu để tiễn sứ đoàn chúng tôi tại dinh quan Tuyên-phủ(9); có mời vài chục nữ nhạc trẻ đẹp đến giúp vui. Các cô thay nhau múa hát, tôi hoàn toàn không biết mặt biết tên cô nào cả. Bỗng tôi nghe tiếng đàn trong trẻo khác lạ nổi lên, vượt hẳn những khúc nhạc thường nghe khác. Tôi rất lấy làm lạ. Nhìn người gảy đàn thì đó là một cô ả gầy ốm, thần sắc héo khô, mặt sạm đen, xấu như quỉ, áo quần toàn vải thô bạc thếch, lại chằm vá nhiều mảnh trắng. Ả ngồi lầm lì ở cuối phòng, không nói không cười, hình trạng thật khó coi. Tôi không biết nàng là ai, nhưng nghe kĩ tiếng đàn thì dường như đã từng quen biết, nên lòng thấy cảm xúc. Tiệc tan, hỏi thăm thì nàng chính là người tôi đã gặp ở nhà anh tôi ngày trước.
Than ôi! Nàng sao đến nông nỗi này! Lòng dạ bồi hồi, hết cúi xuống rồi lại ngẩng lên, tôi nghĩ đến hoàn cảnh xưa kia và bây giờ mà xót xa vô hạn. Trong cuộc sống trăm năm, những cảnh vinh nhục, vui buồn của con người thật khó mà lường được! Sau khi từ biệt, suốt dọc đường, cứ nghĩ đến nàng mà xót thương cô cùng, cho nên làm bài ca sau đây để ghi lại cảm xúc của mình:

Long thành giai nhân
(Người đẹp thành Thăng-long)

Tính thị bất kí thanh
(Họ tên không rõ)

Độc thiện Nguyễn cầm
(Riêng giỏi chơi đàn Nguyễn)

Cử thành chi nhân dĩ Cầm danh
(Tất cả người trong thành đều gọi nàng là cô Cầm)

Học đắc tiên triều cung trung cung phụng khúc
(Nàng học được những khúc nhạc cung đình ở triều vua trước)

Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh
(Từ đó nàng có ngón đàn tuyệt diệu nhất trên đời)

Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến
(Tôi nhớ đã gặp nàng một lần hồi còn trẻ)

Giám hồ hồ biên dạ khai yến
(Trong một buổi dạ tiệc bên hồ Giám)

Kì thời tam thất chánh phương niên
(Lúc đó nàng đà hăm mốt tuổi)

Hồng trang yểm ái đào hoa diện
(Áo đỏ ánh lên khuôn mặt hoa đào)

Đà nhan hám thái tối nghi nhân
(Má đỏ hây hây vì rượu, dáng vẻ ngây thơ, trông dễ thương)

Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến
(Năm cung réo rắt thay đổi theo ngón tay nàng)

Hoãn như sơ phong độ tùng lâm
(Tiếng khoan như gió thoảng qua rừng thông)

Thanh như song hạc minh tại âm
(Trong như đôi chim hạc kêu nơi bóng râm)

Liệt như Tiến Phúc bi đầu toái tích lịch
(Mạnh như sét đánh bể tan bia Tiến Phúc)

Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm
(Buồn như ông Trang Tích lúc ốm đau ngâm khúc tiếng Việt)

Thính giả mị mị bất tri quyện
(Người nghe mê say không biết mỏi)

Tiện thị Trung-hòa đại nội âm
(Đó là những khúc nhạc trong điện Trung-hòa)

Tây-Sơn chư thần mãn tòa tận điên đảo
(Các quan binh Tây-Sơn trong tiệc đều nghiên ngả)

Triệt dạ truy hoan bất tri bão
(Vui chơi thâu đêm chẳng biết chán)

Tả phao hữu trịch tranh triền đầu
(Bên trái bên phải tranh nhau tặng thưởng)

Nê thổ kim tiền thù thảo thảo
(Tiền bạc coi rẻ như đất bùn)

Hào hoa ý khí lăng vương hầu
(Phong cách hào hoa hơn cả bậc vương hầu)

Ngũ lăng thiếu niên bất túc đạo
(Bọn thiếu niên ở năm ngôi lăng mộ cũng không đáng để nói tới)

Tịnh tương tam thập lục cung xuân
(Và đem cả xuân sắc trong cung)

Hoạt tố Trường-an vô giá bảo
(Làm nên của báu vô giá của thành Trường-an)

Thử tịch hồi đầu nhị thập niên
(Từ đó đến nay đã 20 năm)

Tây-Sơn bại hậu dư Nam thiên
(Sau khi Tây-Sơn mất, tôi dời vào Nam)

Chỉ xích Long thành bất phục kiến
(Trong gang tấc không còn thấy lại thành Thăng-long nữa)

Hà huống thành trung ca vũ diên
(Huống hồ là những bữa tiệc có múa hát ở trong thành)

Tuyên-phú sứ quân vị dư trọng mãi tiếu
(Quan Tuyên-phủ vì tôi tổ chức tiệc vui rất hậu)

Tịch trung ca kĩ giai niên thiếu
(Các đào nương trong buổi tiệc đều trẻ tuổi)

Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa
(Ở cuối phòng tiệc có một người tóc bạc hoa râm)

Nhan sấu thần khô hình lược tiểu
(Dáng mặt võ vàng, thần sắc khô khan, người hơi bé nhỏ)
Lang tạ tàn mi bất sức trang
(Đôi mày nhợt nhạt không điểm tô)
Thùy tri tựu thị đương thời thành trung đệ nhất diệu
(Ngờ đâu đó là kẻ tài danh đệ nhất một thời ngày xưa ở thành Thăng-long)

Cựu khúc tân thanh ám lệ thùy
(Tiếng đàn ngày nay nhưng vẫn là khúc nhạc cũ, làm tôi phải khóc thầm)

Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi
(Tai lắng nghe mà lòng buồn thảm)

Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự
(Bỗng nhớ lại sực việc 20 năm trước)

Giám hồ tịch trung tằng kiến chi
(Tôi đã từng thấy nàng trong bữa tiệc bên hồ Giám)

Thành quách suy di nhân sự cải
(Thành quách đổi thay, việc và người cũng đổi)

Kỉ xứ tang điền biến thương hải
(Bao ruộng dâu đã biến thành biển xanh)

Tây-Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong
(Cơ nghiệp của nhà Tây-sơn đã hoàn toàn sụp đổ)

Ca vũ không di nhất nhân tại
(Trong làng ca múa còn sót lại một người)

Thuấn tức bách niên năng kỉ thì
(Thời gian trăm năm nhanh như một nháy mắt, một hơi thở)

Thương tâm vãng sự lệ triêm y
(Cảm thương việc xưa lệ rơi thấm áo)

Nam-hà qui lai đầu tận bạch
(Từ Nam-hà về lại đây đầu đã trắng phếu)

Quái để giai nhân nhan sắc suy
(Trách gì người đẹp nhan sắc suy tàn)

Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng
(Đôi mắt mở trừng trừngnhư thật xa xăm)

Khả liên đối diện bất tương tri
(Thương thay, ở trước mặt nhau mà không nhận ra nhau)


Dịch thành vần điệu:

Tiết trời đang độ vào xuân,
Mệnh vua tôi dẫn sứ đoàn rời kinh.
Đường đi dừng lại Long thành,
Trước khi khởi sự sứ trình Trung-hoa.
Sứ đoàn ngụ tại nhà Tuyên-phủ,
Hạnh được quan trấn thủ Long thành,
Dưới trên tiếp đãi chân tình,
Ân cần bày tiệc linh đình thâu đêm.
Vừa ăn uống vừa xem múa hát,
Các ca nhi tài sắc trẻ trung,
Bỗng nghe khúc nhạc não nùng.
Chừng như một thuở đã từng nghe qua.
Tiếng đàn mới nhưng là khúc cũ(10),
Trong âm ba thầm giấu giọt buồn,
Lắng nghe lòng dạ héo hon,
Ai người đang gảy khúc buồn này đây?

Một thiếu phụ thân gầy vóc nhỏ,
Tóc hoa râm vàng võ dung nhan,
Một mình một góc một đàn,
Đôi mày mờ nhạt chẳng màng điểm tô.
Khi tiệc tàn hỏi dò thân thế,
Thì ra nàng ca kĩ thời danh,
Ngón đàn đệ nhất Long thành,
Tôi từng gặp, tuổi xuân xanh thiếu thời.
Bỗng nhớ lại hai mươi năm trước,
Khi Tây-Sơn trị nước thay Lê,
Cũng Long thành, lúc đêm về,
Gặp nàng tiếng nhạc đê mê bồi hồi.
Tên họ nàng không người nào biết,
Khắp thành gọi thân thiết: Cô Cầm,
Vì nàng lừng lẫy tiếng tăm,
Một cây đàn nguyệt (Nguyễn cầm), không hai.
Từ nhỏ đã rõ tài âm nhạc,
Tinh chuyên các tuyệt tác cung đình,
Thời Lê một thuở nổi danh,
Trên trời dưới đất một mình trổi cao.
Nàng thuở ấy tuổi vào hăm mốt,
Bên Giám hồ trong một tiệc đêm,
Tươi như hoa nở bên thềm,
Áo hồng tỏa ánh mặt thêm ánh hồng.
Rượu càng đượm càng nồng ngây ngất,
Vẻ ngây ngô ngầy ngật dễ thương,
Năm âm dìu dặt cung thương,
Tiếng đàn tuyệt diệu theo nàng nỉ non.
Trong như tiếng hạc vờn triền núi,
Khoan như gió thoảng lối rừng thông,
Buồn như nhớ nước quặn lòng(11),
Mạnh như sét đánh bia tung nát nhừ(12).
Càng nghe càng say sưa quên mỏi,
Rõ ràng nhạc đại nội cung đình,
Ngất ngây cử tọa quan binh,
Thâu đêm hoan lạc thỏa tình vẫn chưa.
Quan khách tranh nhau đưa tiền thưởng,
Vẻ hào hoa những tưởng vương hầu,
Bạc vàng coi chẳng vào đâu,
Phong lưu công tử(13) chen vào còn xa.
Đem xuân sắc bao tòa cung thất(14),
Chung đúc nên tại đất Thăng-long(15),
Một viên ngọc bích vô song,
Nguyệt Cầm một thuở khắc trong lòng người.

Chuyện này đã hai mươi năm cũ,
Tây-Sơn thua, tôi ngụ phương Nam(16),
Long thành từ đó chưa thăm,
Nói chi tiệc hát những năm trong thành.
Thành quách đổi, nhân sinh cũng đổi,
Cuộc bể dâu thành bại có không,
Tây-Sơn cơ nghiệp tiêu vong,
Làng ca sót lại một bông hoa tàn.
Thoáng trăm năm thời gian chớp mắt,
Buồn việc xưa héo hắt lệ sa,
Thấy người nhìn lại chính ta,
Từ Nam(17) về lại(18) tóc đà trắng phau.
Giai nhân dù phai màu nhan sắc,
Cũng chỉ là lẽ thật ở đời.
Chỉ thương mắt thấy nhau rồi,
Mà không nhận được đấy người cố tri.


CHÚ THÍCH

(1) Đàn nguyệt: Nguyên tác viết là “Nguyễn cầm” (đàn Nguyễn). Đàn nguyệt mà gọi là đàn Nguyễn, vì tương truyền, người chế ra cây đàn ấy tên là Nguyễn Hàm, người đời Tấn (265-420), Trung-quốc. Nguyễn Hàm là cháu gọi Nguyễn Tịch bằng chú. Cả hai chú cháu đều giỏi âm nhạc, và đều thuộc trong nhóm Trúc-lâm thất hiền.

(2) Vua Lê: Đây có thể là thời vua Lê Hiển-tông (1740-1786). Theo bài thơ này, Nguyễn Du đi sứ Trung-quốc vào năm 1813. Cụ đã từng gặp cô Cầm 20 năm trước, tức năm 1793, lúc đó nàng được 21 tuổi; có nghĩa là, khi nhà Lê sụp đổ (1789) thì nàng đã 17 tuổi. Lúc đó tài nghệ nàng đã cao. Chúng ta có thể nghĩ là nàng đã học đàn trong cung vua Lê (Hiển-tông) trong khoảng từ 10 đến 14 tuổi.

(3) Quân Tây-Sơn kéo vào Thăng-long: Nguyên tác viết là “Tây-Sơn binh khởi”, nghĩa là quân Tây-Sơn dấy binh, nhưng chúng tôi xin dịch như trên cho ý nghĩa được rõ ràngphù hợp với thực tế lịch sử hơn.

(4) Nhạc trong cung vua: Trong nguyên tác có danh từ “cung phụng khúc”. Theo Từ Nguyên thì “cung phụng khúc” chỉ có nghĩa là những khúc nhạc chỉ được diễn tấu trong chốn cung đình, không phổ biến ngoài dân gian; chứ không phải là tên một khúc nhạc (khúc “cung phụng”) –như có nhiều vị đã dịch.

(5) Anh tôi: Người anh mà cụ Nguyễn Du nói ở đây là Nguyễn Nễ, anh kế cùng một mẹ của cụ (tức đều là con của bà Trần Thị Tần). Cụ Nguyễn Nễ trước làm quan với nhà Lê. Sau khi nhà Lê mất, từ năm 1790 đến 1794, cụ làm quan với nhà Tây-sơn, ở Bắc-thành (Thăng-long). Cụ Nguyễn Du –lúc ấy đang ẩn náu tại quê vợ ở Thái-bình– về Thăng-long thăm cụ Nguyễn Nễ là lúc này (khoảng năm 1793). Tuy kinh đô lúc bấy giờ được đặt ở Phú-xuân, nhưng trong tâm khảm, cụ vẫn coi Thăng-long là kinh đô.

(6) Hồ Giám: tức là hồ Hoàn-kiếm.

(7) Dời nhà vào Nam: Sau khi ẩn náu ở Thái-bình 10 năm (từ 1786), năm 1796 Nguyễn Du trở về lại quê nhà ở Hà-tĩnh. Chữ “vào Nam” ở đây có nghĩa là từ ngoài Thái-bình (Bắc) dời vào Hà-tĩnh (Nam).

(8) Mùa xuân năm nay: tức là năm 1813. Năm đó cụ được thăng hàm Cần-chánh đại học sĩ, và được sung chức chánh sứ để cầm đầu một phái đoàn ngoại giao đi Trung-quốc.

(9) Tuyên-phủ sứ: tức quan trấn thủ Bắc-thành (Thăng-long) dưới triều vua Gia Long.

(10) Khúc cũ: Câu thơ nguyên tác, theo sách Thơ Chữ Hán Nguyễn Du của Lê Thước và Trương Chính, và sách Tố Như Thi của Quách Tấn, đều viết là “Cựu khúc thanh thanh......”, nhưng theo sách Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du của Nguyễn Đăng Thục thì viết là “Cựu khúc tân thanh......” Trong khi chờ đợi khảo cứu thêm cho tận tường, chúng tôi tạm thời dùng theo tài liệu của cụ Nguyễn Đăng Thục.

(11) Buồn như nhớ nước quặn lòng: Câu thơ nguyên tác viết là: “Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm.” (Buồnh như ông Trang Tích lúc ốm đau ngâm câu tiếng Việt.) Trong câu này, cụ Nguyễn Du đã nhắc tới một điển cố Trung-quốc về nhân vật Trang Tích. Ông Trang Tích là người nước Việt, nhưng làm quan ở nước Sở. Một hôm ông bị bệnh, vua nước Sở hỏi mọi người: “Tích là kẻ tầm thường ở nước Việt, nay làm quan ở Sở, được quí hiển rồi thì còn nhớ nước Việt nữa chăng?” Người hầu cận đáp: “Phàm người ta có nhớ nước cũ hay không, thường tỏ lộ trong lúc ốm đau. Lúc này ông ta đang bệnh, nếu ông ta nói tiếng Việt tức là còn nhớ nước Việt. Nếu ông ta nói tiếng nước Sở tức là đã quên nước Việt.” Vua Sở liền cho người rình nghe thì nghe Trang Tích đang ngâm một khúc ngâm tiếng Việt.

(12) Mạnh như sét đánh bia tung nát nhừ: Câu thơ nguyên tác viết là: “Liệt như Tiến Phúc bi đầu toái tích lịch.” (Mạnh như sét đánh bể tan bia Tiến Phúc.) Trong câu này cụ Nguyễn Du đã nhắc đến một điển cố Trung-quốc là bia Tiến Phúc. Chùa Tiến-phúc (xây năm 684 đời vua Duệ-tông nhà Đường) ở tỉnh Giang-tây, có tấm bia nổi tiếngchữ viết (của Âu-dương Tuân) rất đẹp. Bản rập chữ của văn bia này cũng đã đáng giá ngàn vàng. Đời Tống, lúc ông Phạm Trọng Yêm làm quan ở Bá-dương, có người học trò nghèo trình lên bài thơ hay. Ông muốn giúp đỡ, nên đã cho phép người học trò này rập một ngàn bản chữ của văn bia kia đem lên kinh đô bán lấy tiền sinh sống. Người học trò liền chuẩn bị giấy mực sẵn sàng, định sáng ngày ra đi, nhưng ngay trong đêm đó, tấm bia bỗng nhiên bị sét đánh tan tành. Cho nên người học trò nghèo vẫn hoàn nghèo.

(13) Phong lưu công tử: Câu thơ nguyên tác viết là: “Ngũ lăng thiếu niên bất túc đạo.” (Bọn thiếu niên ở năm ngôi lăng mộ cũng không đáng để nói tới.) Chữ “ngũ lăng” có lai lịch như sau: Vào thời nhà Hán, các vị hoàng đế Trung-quốc, mỗi khi xây lăng mộ cho mình đều kêu gọi các người ngoại thích, các nhà quí tộc, cùng phú hào ở khắp các nơi dời về ở chung quanh các lăng mộ ấy. Có 5 ngôi lăng mộ được coi là trứ danh nhất: Trường lăng của Hán Cao đế; An lăng của Hán Huệ đế; Dương lăng của Hán Cảnh đế; Mậu lăng của Hán Vũ đế; và Bình lăng của Hán Chiêu đế. Cho nên chữ “ngũ lăng” là chỉ cho chỗ ở của giới hào hoa phú quí.

(14) Đem xuân sắc bao tòa cung thất: Câu này, nguyên tác là: “Tịnh tương tam thập lục cung xuân”. Nhóm chữ “tam thập lục cung”, theo Từ Nguyên, có nghĩa là rất nhiều cung điện.

(15) Thăng-long: Trong câu thơ nguyên tác viết là “Trường-an”. Trường-an là tên huyện ở tỉnh Thiểm-tây, Trung-quốc. Rất nhiều triều đại lớn của Trung-quốc (từ nhà Tần đến nhà Đường, trải cả nghìn năm) đều đặt kinh đô ở đất này, nên nó đã được người ta dùng làm danh từ chung để chỉ cho chốn kinh đô. Ở đây, danh từ “Trường-an” cũng đã được cụ Nguyễn Du dùng để chỉ cho kinh đô Thăng-long của nước Việt.

(16) Phương Nam: Sau khi nhà Tây-sơn sụp đổ (1802), cụ Nguyễn Du vào Phú-xuân làm quan dưới triều vua Gia Long (nhà Nguyễn).

(17) Chữ “Nam” ở đây, trong nguyên tác là Nam-hà, tức chỉ cho phần đất từ sông Gianh trờ vào Nam. Ngược lại, từ sông Gianh trở ra Bắc gọi là “Bắc-hà”. Sông Gianh chính là ranh giới phân tranh giữa Bắc-hà và Nam-hà của hai họ Trịnh - Nguyễn (1600-1788).

(18) Chữ “về lại” ở đây tức là ghé lại Thăng-long trên đường đi sứ; ý nói cụ Nguyễn Du được dịp trở lại thành Thăng-long sau bao năm xa cách.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Thế giới Thi Ca Nguyễn Du, Nguyễn Đăng Thục. Sài-gòn: Kinh Thi, 1971.
- Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, Lê Thước và Trương Chính. Nxb Văn Học, in tại Sài-gòn, 1978.
- Tố Như Thi, Quách Tấn dịch. Paris: An Tiêm, 1995.
- Từ Nguyên. Hương-cảng: Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1994.

Nguyễn Du - Hạnh Cơ dịch và luận giải
Ý kiến bạn đọc
14 Tháng Ba 201607:29
Khách
A Di Đà Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 32)
Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,)
(Xem: 163)
Tín ngưỡng Dược Sư với đại diện là thế giới Lưu ly nằm ở phương Đông mà nó tương tự với các cõi Tịnh độ khác, đều dùng việc
(Xem: 216)
Hai câu hỏi hiện lên trong đầu tôi khi nghĩ về giáo lý vô thường liên quan đến cuộc đời tôi.
(Xem: 409)
Lôgic học là một ngành học có mục đích xác định các quy tắc vận hành của tư duy để tìm kiếm sự thực.
(Xem: 310)
Trong quá trình hình thành và phát triển xã hội, con người luôn khát khao tìm cầu hạnh phúc, thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần.
(Xem: 338)
Tuệ là trí tuệ tức cái biết, thức là nhận thức cũng là cái biết. Cả hai đều là cái biết nhưng có đặc điểm khác nhau.
(Xem: 386)
Khái niệm Niết-bàn vốn thành hình cách đây hơn 2500 năm. Các học giả và các triết gia khác nhau
(Xem: 623)
Ở trên là hai câu đầu trong bài kệ Lục Tổ Huệ Năng khai thị nhân bài kệ của thiền sư Ngọa Luân. Câu chuyện được thuật lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Cơ Duyên thứ 7.
(Xem: 679)
Chữ “Tăng đoàn” là một thuật ngữ tiếng Phạn, có nghĩa là “cộng đồng” và được sử dụng chủ yếu để chỉ những tín đồ đã xuất gia của Đức Phật,
(Xem: 639)
Tóm tắt: Phật giáo là tôn giáo được biết đến như một hệ thống triết học mang đậm chất tư duy, trí tuệ cùng giá trị đạo đức cao.
(Xem: 686)
Mỗi người hiểu về nghiệp theo mỗi kiểu khác nhau tùy vào nhận thức và trải nghiệm bản thân, nhưng phần lớn vẫn chịu ảnh hưởng của cách hiểu trong dân gian về khái niệm của từ này.
(Xem: 600)
Từ ngàn xưa cho đến thời điểm xã hội phát triển mạnh mẽ về mọi mặt như hiện nay, mặc dù nền văn minh có bước tiến bộ vượt bậc
(Xem: 541)
iáo lý Duyên khởi được xem như chiếc chìa khóa mở ra kho tàng pháp bảo Phật giáo, vì có thể giải quyết những vấn đề của khổ đau, cả sự sanh ra hay chết đi của con người.
(Xem: 594)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập thứ 14. Kinh văn số 550 gồm 12 quyển. Chữ Hán từ trang 865 đến trang 894, gồm tất cả 29 trang.
(Xem: 686)
Những nhu cầu của con người sinh học thì giản dị, khi đói chỉ mong được ăn, khi khát mong được uống, khi mệt mong được nằm,
(Xem: 702)
Khi thân thể tiều tụy chỉ còn da bọc xương, những khổ thọ chết người đều đã trải qua,
(Xem: 800)
Trong quá trình thuyết giáo của đức Phật, những lời dạy của Ngài không được lưu giữ dưới dạng văn bản chữ viết
(Xem: 598)
Nhân ngày húy nhật của Hòa thượng Thích Trí Thủ, một trong những vị tông sư hoằng truyền luật học Phật giáo thời cận đại,
(Xem: 492)
Hành giả tu hành muốn mau đạt đến kết quả như mình mong muốn thì, điều kiện tiên quyết trước hết là chúng ta cần phải chọn lựa pháp môn nào cho thích hợp với căn cơ của mình
(Xem: 574)
Trọng tâm của triết học Phật giáohọc thuyết nổi tiếng về tính không - rằng tất cả chúng sinhhiện tượng đều trống rỗng về bản chất hay bản chất cố hữu.
(Xem: 670)
Vô phân biệt được nói đến nhiều lần trong Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật.
(Xem: 588)
Theo lý Duyên Khởi của đạo Phật, tất cả vạn hữu vũ trụ được hình thành do yếu tố hòa hiệp của nhơn duyên và sẽ đi đến phân ly do duyên tan rã.
(Xem: 591)
Cuộc chiến đấu mới–Sau khi Đức Phật nhập diệt, hình bóng của ngài vẫn hiện ra trong hàng thế kỷ trong một hang động–một hình bóng rất lớn
(Xem: 695)
Như Nietzsche khuyên răn chúng ta hãy lại bắt đầu học làm mới bằng cách để ý đến những việc ‘tầm thường’ và sự vận hành của ‘thân’ để xác định
(Xem: 711)
Tôi nghĩ là làm một việc có lý khi bác bỏ tuyên bố của Nietzsche rằng đạo Phật là một dạng của ‘thuyết hư vô thụ động,’ rằng đạo Phật truyền dạy
(Xem: 703)
Đặt vấn đề có phải đạo Phật là một dạng của ‘Chủ thuyết hư vô thụ động’ có nghĩa là đặt vấn đề liệu summum bonum[1] của đạo Phật,
(Xem: 769)
Dù có nhiều tác phẩm đa dạng về Phật học thích dụng ở Châu Âu thời kỳ trước Nietzsche,
(Xem: 795)
Nhân ngày húy nhật của Hòa thượng Thích Trí Thủ, một trong những vị tông sư hoằng truyền luật học Phật giáo thời cận đại,
(Xem: 770)
Hành giả tu hành muốn mau đạt đến kết quả như mình mong muốn thì, điều kiện tiên quyết trước hết là chúng ta cần phải chọn lựa pháp môn nào
(Xem: 962)
Cửa vào bất nhị, còn gọi là pháp môn bất nhị, từ xa xưa đã được truyền dạy từ thời Đức Phật, chứ không phải là hậu tác của chư tổ Bắc Tông,
(Xem: 829)
Tinh thần hòa hiệp là ý nghĩa sống lành mạnh an vui, tinh thần của một khối người biết tôn trọng ý niệm tự tồn, và xây dựng vươn cao trong ý chí hướng thượng.
(Xem: 1388)
Xuất xứ của Bát Chánh Đạo có hai nguồn là nguồn từ Phật chứng ngộ mà thuyết ra và nguồn được kết tập lại từ các kinh điển
(Xem: 913)
Tam tam-muội là chỉ cho ba loại định, tức là ba loại pháp môn quán hành của Phật giáo, được xem như là nguyên lý thực tiễn của Thiền định.
(Xem: 1080)
Tôi kính lễ bái bậc Chánh giác, bậc tối thắng trong hết thảy các nhà thuyết pháp, đã thuyết giảng Duyên khởibất diệtbất sinh,
(Xem: 832)
Thay vì tìm hiểu nguồn gốc tại sao phải chịu luân hồi sinh tử, con người không ngừng tìm kiếm căn nguyên của vũ trụ vạn vật, nơi mình sinh ra;
(Xem: 1063)
Khi Thái tử Tất-đạt-đa nhận thấy tất cả mọi người dân đang chìm trong đau khổ, và ngay chính bản thân mình rồi cũng phải chịu qui luật già, bệnh, chết
(Xem: 993)
Danh từ nghiệp hay karma (skt.) được đề cập thường xuyên trong các luận giải về tư tưởng triết họctôn giáo Ấn-độ.
(Xem: 981)
Tứ quả là bốn quả vị sai biệt của các bậc Thánh Thinh Văn thừa, tùy thuộc vào trình độ căn cơ của hành giả đã đạt được sau khi tu tập
(Xem: 1122)
Sau khi hoàng hậu Ma-da (Mayā) quá vãng, vua Tịnh Phạn (Suddhodana) tục huyền với Mahāpajāpatī Gotami và bà đã xuất gia
(Xem: 1400)
Kinh Pháp Hoa dạy rằng: “Đức Phật ra đời vì một đại nhân duyên. Đó là khai thị cho chúng sanh liễu ngộ Phật tri kiến nơi mình”.
(Xem: 1749)
Một trong những hình thức ta nuôi dưỡng phiền giận về chính mình là mặc cảm tội lỗi.
(Xem: 971)
Các câu hỏi, không khác với câu khẳng định, dựa trên các giả định.
(Xem: 1161)
Đối với những người nhìn vào Phật giáo qua phương tiện tiếng Anh, việc thực hành lòng từ bi và sự xả ly có thể không tương thích với nhau,
(Xem: 972)
Từ khi đức Phật xác lập: “Mọi vật đều vô thường, mọi vật đều vô ngã”, thường được diễn tả với danh từ Sarvam Sùnyam (mọi vật đều Không).
(Xem: 827)
Trong lịch sử Thiền Tông Việt Nam, Thiền sư Trần Thái Tông (1218-1277) được kể như một nhân vật vô cùng đặc biệt, với nội tâm giác ngộ cao siêu,
(Xem: 950)
Trước đây qua giáo lý của Đức Phật chúng ta hiểu rằng Đạo Phật là đạo xây dựng trên nền tảng trí tuệ, tức dùng sự giác ngộ, hiểu biết
(Xem: 973)
Thiền sư Trần Thái Tông (1218 -1277) một vị thiền sư siêu việt, ông vua anh minh, nhà tư tưởng lớn, một nhân cách cao cả.
(Xem: 1395)
Nhận thức rằng tất cả đều là giả tạm và cuộc đời là một nỗi khổ đau lớn, nên đức Phật mới đi tìm chân lýgiác ngộ chân lý.
(Xem: 1145)
Khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã quy chế cho cộng đồng Tăng phải an cư ba tháng mùa mưa, ngày nay lịch an cư tùy hệ phái, từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy theo truyền thống Phật giáo Bắc phương;
(Xem: 1175)
Trung đạo là khái niệm được dùng khá nhiều trong Phật giáo. Tùy duyênTrung đạo được định nghĩa khác nhau,
(Xem: 925)
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tập thứ 14. Kinh văn số 550 gồm 12 quyển. Chữ Hán từ trang 865 đến trang 894, gồm tất cả 29 trang.
(Xem: 1069)
Trong năm bộ Nikaya của hệ Pali, Đức Phật thường nói đến sự “không có lõi cứng” của các hiện tượng, từ thân tâm, cho đến thế giớichúng sanh.
(Xem: 1520)
Con người sống trong một thế giới mà đối với anh ta dường như là một cái gì đó hoàn toàn tách biệt với chính anh ta.
(Xem: 1398)
Nhân quả là một định luật tất yếu trong sự hình thành nhân sinh quan và vũ trụ quan qua liên hệ duyên khởi của cuộc sống con người, mà qua đó nhân quả được coi như là một luật tắc không thể thiếu được khi hình thành một xã hội nhân bản đạo đức.
(Xem: 1392)
Bất hạnh lớn nhất của Phật tử chúng ta là sinh ra vào một thời không có Phật. Một mất mát lớn, gần như không gì có thể thay thế. Hơn thế nữa, bất hạnh này đang trở thành một nỗi ám ảnhchúng ta không thể nào dứt bỏ trong cuộc hành trình dài, đơn độc qua bao vòng xoáy của kiếp người chúng ta không biết mình đang ở đâu và sẽ đi về đâu trong chuyến di này.
(Xem: 981)
Nhân ngày húy nhật của Hòa thượng Thích Trí Thủ, một trong những vị tông sư hoằng truyền luật học Phật giáo thời cận đại, tôi trích đoạn trong tác phẩm lịch sử của tôi đang viết chưa hoàn thiện, có nhắc đến công trạng của ngài, như dâng lên tấm lòng tưởng niệm đến bậc Long tượng Phật giáo.
(Xem: 1375)
Trúc Đạo Sinh, người họ Ngụy 魏, sinh ra[1] khi gia đình cư ngụBành Thành 彭城, nay là Từ Châu 徐州 phía Bắc tỉnh Giang Tô 江蘇. Nguyên quán gia đình trước ở miền Tây Nam, tỉnh Hà Bắc, sau chuyển về huyện Cự Lộc 钜鹿.
(Xem: 1289)
Nói về vấn đề “trước nhất”, Kinh Phạm Võng với nội dung cốt yếu giới thiệu về quan điểm của các phái ngoại đạo, chính là bộ kinh đầu tiên trong Trường Bộ.
(Xem: 1213)
Lý tưởng về một vị Bồ tát bắt nguồn từ Phật giáo Nguyên thủy và được phát triển hoàn thiện trong tinh thần Phật giáo Đại thừa.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant