TÂM ĐIỂM CỦA THIỀN ĐỊNH
Khám phá tâm thức thần bí nhất
Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
Hoang Phong chuyển ngữ
Chương 14
Mục lục
Rigpa và Lhaksam: Hai món quà của Đức Đạt-lai Lạt-ma hiến tặng cho thế giới:
Lời tựa của Sofia Stril-Rever................... .............................. ..........................
Lời tựa của Jeffrey Hopkins .............................. .............................. ..............
Phần thứ nhất
Con đường Phật giáo
1. Vài nhận định.......................... .............................. .............................. ........
2. Lòng từ bi nhân ái............................ .............................. .............................
3. Thiền định.......................... .............................. .............................. .............
4. Trí tuệ........................... .............................. .............................. ...................
Phần thứ hai
Dẫn nhập về phép Đại hoàn thiện
5. Căn bản chung của tất cả các học phái Phật giáo Tây Tạng).........................
6. Tâm thức tự tại của ánh sáng trong suốt.......................... ..............................
Phần thứ ba
Bình giải về
Ba chữ đánh thẳng vào điểm chủ yếu
của Patrul Rinpoché
7. Giáo huấn thứ nhất.......................... .............................. .............................. ..
8. Con đường tối thượng của sự nghỉ ngơi.......................... .............................
9. Tinh thần vajra hay "lòng nhân ái toàn cầu".......................... .......................
10. Giáo huấn thứ hai........................... .............................. .............................. .
11. Con đường thăng tiến tuần tự............................ .............................. ............
12. Giáo huấn thứ ba: Sự giải thoát tự nhiên......................... ............................
13. Tính cách độc đáo của ba giáo huấn.......................... ..........................
Phần thứ tư
Đối chiếu giữa hai học phái:
dịch thuật xưa và dịch thuật mới
14. Cấu trúc căn bản của học phái dịch thuật xưa trong phép Đại hoàn thiện...
15. Lời khuyên của tôi........................... .............................. ..............................
Phụ lục........................... .............................. .............................. .......................
Thư tịch chọn lọc........................... .............................. .............................. ......
PHẦN THỨ TƯ
Đối chiếu giữa hai học phái
dịch thuật xưa và dịch thuật mới
***
Chương 14
Cấu trúc căn bản của học phái dịch thuật xưa
trong phép Đại hoàn thiện
Đến đây chúng ta hãy bàn luận về hai chủ đề trong Đại hoàn thiện cùng gặp nhau ở một số điểm chung, trước hết là [chủ đề về] hai sự thật: tối thượng (ultimate) và quy ước (conventional). Sau đó chúng ta sẽ đề cập đến chủ đề thứ hai về ba thể dạng: "căn bản", "các con đường" và "quả mang lại từ các con đường".
HAI SỰ THẬT
Bản chất của ánh sáng trong suốt, mang tính cách nền tảng và rạng ngời, là cội nguồn tối hậu của tất cả mọi cấp bậc tri thức, bất hoại và rắn chắc như kim cương. Đối với Phật giáo, thể dạng tâm thức đó được xem là trường tồn, với ý nghĩa là dòng tiếp nối của nó không bao giờ bị gián đoạn - nó không hề được sinh ra sau này (not newly produced) từ bất cứ một nguyên nhân hay điều kiện nào cả (có nghĩa là nó hiện hữu từ nguyên thủy). Bản chất tâm thức kim cương (vajra spirit/diamond mind) đó tinh khiết từ khởi thủy và hàm chứa bản chất tự phát (spontaneous/đột khởi, tự nhiên), chính là căn bản mang lại mọi hình thức phát triển tâm linh (sự tu tập). Dù cho tâm thức kim cương đó [là nguồn gốc] tạo ra vô số các khái niệm (concepts/nói chung là tư duy, xúc cảm, tác ý) tốt cũng như xấu, chẳng hạn như các sự thèm khát, hận thù hay hoang mang, nhưng chính nó thì không hề bị hư hoại hay lầm lẫn, tương tự như vòm trời vượt cao hơn các áng mây.
Nước có thể đục ngầu, nhưng bản chất [nguyên thủy] của nó vẫn là sự trong suốt. Xúc cảm đớn đau cũng vậy, dù là dưới hình thức nào, cũng chỉ là các sự lừa phỉnh (artifice/giả tạo) phát sinh từ tâm thức kim cương. Dù sức tác động của chúng có hung hãn đến đâu cũng không thể tạo ra bất cứ một ảnh hưởng nào đối với tâm thức thần bí nhất. Tâm thức đó tốt một cách tự nhiên qua thời gian không khởi thủy cũng không chấm dứt.
Các phẩm tính tâm linh thật tuyệt vời, chẳng hạn như tình thương yêu và lòng từ bi vô biên đều hiện hữu ở thể dạng nguyên sinh trong tâm thức kim cương. Sự hiển lộ của các phẩm tính ấy chỉ có thể bị ngăn chận bởi một số các điều kiện mang tính cách tạm thời. Dưới một góc nhìn nào đó thì ngay từ lúc khởi thủy chúng ta cũng đã giác ngộ và đạt được một tâm thức căn bản hoàn toàn tốt (vô minh chỉ là yếu tố ô nhiễm chi phối bởi các thứ bản năng phát sinh sau này).
Đối với học phái Nyingma/Ninh-mã của Phật giáo Tây Tạng (xin nhắc lại: đó là học phái thuộc truyền thống dịch thuật xưa), tâm thức kim cương được xem là sự thật tối thượng (tối hậu). Sự thật tối thượng đó không mang cùng một ý nghĩa nêu lên bởi học phái gọi là Con đường ở giữa (tức là học phái Madhyamaka/Trung quán của Nagarjuna/Long Thụ) cho rằng sự trống không/Tánh không của một vật thể là sự thật tối thượng một khi tri thức đã nhận biết được nó, mà đúng hơn sự thật tối thượng là tâm thức thần bí nhất, là ánh sáng trong suốt không khởi thủy cũng không chấm dứt, và [đồng thời] cũng là nền tảng chuyển tải (the basis) của tất cả mọi hiện tượng, từ sự hiện hữu chu kỳ (cõi luân hồi) cho đến nirvana/niết-bàn. Vì nó vượt lên trên tất cả mọi hiện tượng phụ thuộc (adventitious phenomena) nên người ta gọi nó là "sự thật tối thượng". Các trò chơi (sport, plays), các sự hiển lộ, phát sáng (effervescence), cũng như tất cả các biểu hiện thô thiển phát sinh từ sự thật tối thượng đó đều [đơn giản] là các sự thật quy ước.
Ngay cả đối với các học phái thuộc truyền thống dịch thuật mới, tâm thức nền tảng cũng được xem là nền tảng (the basis/căn bản) của tất cả mọi hiện tượng, từ samsara/cõi luân hồi cho đến nirvana/niết-bàn. Tâm thức nền tảng đó được xác định như là sự thật tối hậu, là thể dạng hiện thực tự nhiên của mọi hiện tượng. Đôi khi người ta còn gọi nó là "ánh sáng trong suốt phi-cấu-hợp" (uncompounded). Đối với truyền thống dịch thuật xưa thì người ta gọi nó là tâm thức kim cương (esprit vajra/diamond mind) nhưng không xem nó là tâm thức thần bí nhất (tiếng Tây Tạng là rigpa –gcts) với chủ đích phân biệt nó với tâm thức [thông thường] (tiếng Tây Tạng là sems - gcts). Thế nhưng thật ra thì nó cũng chính là tâm thức thần bí nhất, là yếu tố sâu xa của sự trong sáng và hiểu biết, là cội rễ tối thượng của tất cả mọi thể dạng tâm thức, không hề bị hư hoại hay thoái hóa, và dòng luân lưu (continuum) của nó cũng sẽ không bao giờ bị gián đoạn (unbreakable/không hề bị gãy vụn) tương tự như kim cương.
Cũng vậy, các học phái thuộc truyền thống dịch thuật mới cũng nêu lên tâm thức nền tảng tự tại (fundamental innate mind) của ánh sáng trong suốt, không khởi thủy cũng không chấm dứt, tương tự như các học phái thuộc truyền thống dịch thuật xưa nêu lên thể dạng tâm thức kim cương, không khởi thủy cũng không chấm dứt, xuyên qua một quá trình chuyển hóa liên tục đưa đến Phật quả (Buddhahood) là sự Giác Ngộ. Tâm thức đó mang tính cách trường tồn (permanent), có nghĩa là dòng luân lưu (continuum) của nó sẽ không bao giờ bị gián đoạn bên trong chúng ta. Theo Maitreya/Di Lặc (còn gọi là Maitreyanatha, là thầy của Asanga/Vô Trước, thế kỷ thứ IV, đã được nói đến trong chương 11), trong tập luận "Ca ngợi/xiển dương những sự thực hiện trong sáng" (Abhisamaya alankara nama prajnaparamita upadesa sastra/L'Ornement des réalisations claires/Ornament of the Clear Realisations/Hiện quán trang nghiêm luận tụng/Một trong năm tập luận giải của Maitrayanatha. Theo ghi chú trong bản dịch tiếng Pháp thì đây là một tập luận giải về Kinh Hoàn thiện trí tuệ/Bát-nhã-ba-la-mật, gồm 8 chương nêu lên các giai đoạn trên con đường Giác Ngộ và cách thức vượt thoát sự hiện hữu chu kỳ nhờ vào cách phân tích bản chất của thân xác, giác cảm, tâm thức và mọi hiện tượng) thì các sự sinh hoạt nhiệt tâm (exalted/hân hoan, phấn khởi, hăng say) của một vị Phật được xem là trường tồn (permanent), không hề khô cạn, có nghĩa là không bao giờ ngưng nghỉ (broken). Tương tự như các sự sinh hoạt nhiệt tâm của một vị Phật hiện hữu một cách thường xuyên, ánh sáng trong suốt cũng vậy, luôn ở thể dạng nguyên sinh không khởi thủy, không hề được thiết lập muộn sau này (not newly fabricated). Ánh sáng đó hiện hữu một cách liên tục, tàng ẩn thường xuyên bên trong chúng ta. Tâm thức nền tảng và tự tại của ánh sáng trong suốt cũng mang tính cách phi-cấu-hợp (uncompounded), có nghĩa là không mang tính cách phụ thuộc (not adventitiously), cũng không sinh ra sau này từ một nguyên nhân hay điều kiện nào cả.
Một cách tổng quát, thuật ngữ "không mang tính cách cấu hợp" (non composé/ uncompounded/ phi-cấu-hợp, tức mang bản chất đơn thuần) được hiểu theo hai cách khác nhau: theo cách thứ nhất thì ánh sáng trong suốt tuyệt đốikhông mang tính cách cấu hợp tức không cần phải dựa vào bất cứ một nguyên nhân hay điều kiện nào cả [để hình thành]; theo cách thứ hai thì ánh sáng trong suốt không hề được tạo tác về sau này (not newly fabricated) bởi các nguyên nhân và điều kiện đã hiện hữu từ khởi thủy (từ trước), và do đó dòng luân lưu của nó sẽ mang tính cách trường tồn (permanent). Vì thế phải hiểu thuật ngữ này theo từng bối cảnh một. Chẳng hạn như một số các nhà hiền triết uyên bác (các vị đại sư trong quá khứ) từng nói rằng bất cứ một thứ gì hiện hữu đều bắt buộc phải ở thể dạng "cấu hợp" (composé/compounded). Điều này cho thấy các vị hiền triết đó không thể nào chấp nhận được sự hiện hữu trường tồn của các hiện tượng khi chúng vẫn còn mang bản chất cấu hợp, hoặc được tạo tác bởi các nguyên nhân và điều kiện. Tuy thế các vị này cũng cho biết thêm là trên thực tế, bất cứ một hiện tượng nào, kể cả các hiện tượng trường tồn, tất cả đều phải được tạo dựng bằng cách tương liên (dependence/tức là nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo giữa mọi hiện tượng), bởi vì chúng được tạo dựng (set up/thiết lập, hình dung, nhận định) nhờ vào tư duy (thế giới hiện tượng chỉ có thể hiện hữu xuyên qua tư duy của một cá thể mà thôi, điều đó cho thấy dù là một hiện tượng trường tồn đi nữa thì nó cũng sẽ phải trở nên vô thường khi nó lệ thuộc vào sự nhận thức của một cá thể: thí dụ Thượng đế là một "thực thể trường tồn" thế nhưng khi liên đới với tư duy - tức là khả năng tưởng tượng - của một cá thể thì dù là Thượng đế cũng sẽ trở thành một hiện tượng tâm thần mang tính cách cấu hợp, vì thế Thượng đế cũng biến dạng để trở thành nhiều hình thức Thượng đế, sẽ trở nên hữu hạn và lệ thuộc vào các nguyên nhân và điều kiện khác. Hãy liên tưởng đến học thuyết duy thức của Asanga/Vô Trước về quan điểm này). Đối với các vị uyên bác trên đây thì qua góc nhìn đó tất cả mọì hiện tượng đều bắt buộc phải là các cấu hợp.
Hơn nữa người ta cỏn cho rằng tâm thức thần bí nhất hiển lộ một cách tự nhiên còn vượt cao hơn cả tri thức tỉnh giác và cả tâm thức. Chúng ta nên hiểu rằng sự tạo tác hay chấm dứt (đình chỉ), các hình thức cấu hợp hay phi-cấu-hợp, v.v., tất cả đều nhất thiết nằm bên trong khuôn khổ của các khái niệm tâm thần, chính vì thế nên tâm thức thần bí nhất sinh ra một cách tự nhiên phải ở vào một cấp bậc cao hơn tâm thức, và do đó cũng có nghĩa là vượt ra ngoài phạm vi ngôn từ và khái niệm. Chính vì vậy mà người ta bảo rằng tâm thức thần bí nhất vượt lên trên tư duy và mọi sự diễn đạt.
CĂN BẢN, CÁC CON ĐƯỜNG VÀ QUẢ
Đến đây tôi cũng xin mạn phép cố gắng trình bày với quý vị về căn bản (basis), các con đường (paths) và quả (fruits) của phép Đại hoàn thiện. Và đây cũng là những gì thật phức tạp, vì thế cũng xin quý vị đừng quá khắt khe với tôi đấy nhé.
"CĂN BẢN" LÀ MỘT THỰC THỂ TINH KHIẾT TỪ NGUYÊN THỦY
VÀ MANG BẢN CHẤT TỰ PHÁT
Đối với phép Đại hoàn thiện, "cấu trúc căn bản" gồm có ba thể dạng: "tinh khiết" từ nguyên thủy, mang bản chất "tự phát" (spontaneous/phát sinh hay hình thành một cách tự nhiên) và "từ bi".
Thực thể (entity) của tâm thức thần bí nhất tinh khiết một cách tự nhiên và từ nguyên thủy không hề bị một chút vướng mắc nào (devoid of problems). Nếu hiểu theo học phái Con Đường ở Giữa (tức học phái Madhyamaka/Trung quán của Nagarjuna/Long Thụ) thì thực thể đó, tự nhiên và từ nguyên thủy không hề mang một sự hiện hữu nội tại nào(điều này cho thấy thực thể của tâm thức thần bí nhất là kết quả của một quá trình hình thành). Trong bầu không gian của bản thể (nature) mang tính cách trong sáng và khả năng nhận thức không sai lầm đó (tức là thực thể của tâm thức thần bí nhất), tất cả mọi hiện tượng tinh khiết cũng như ô nhiễm đều hiện lên như là các trò chơi (jeu/sport) hay những sự hiển lộ của hiện thực tự phát (réalité spontanée/spontaneous nature). Tất cả các hiện tượng đó hiện ra và sinh sôi, cùng mang một đặc tính chung là sự tự phát tự nhiên. Sự tỏa sáng không bị cản trở của tâm thức thần bí nhất còn được gọi là "lòng từ bi" (compassion, trong bản dịch tiếng Pháp thì gọi là "lòng từ bi nhân ái"/compassion aimante) vì các tác động của nó phản ảnh các sự sinh hoạt mang tính cách từ bi, sinh ra từ bản thể (entity) tinh khiết thật chủ yếu của bản chất tự phát (spontaneous nature) của tâm thức kim cương (diamond mind).
"Thực thể tinh khiết từ nguyên thủy" và "bản chất tự phát" là hai thành phần tạo ra "căn bản" (the basis) hay "nền tảng" (fondement/foundation/cơ sở tồn tại hay chuyển tải), và cả hai đều giữ một vai trò thật then chốt. Nếu hoán chuyển ý nghĩa của các thuật ngữ này từ các học phái thuộc truyền thống dịch thuật xưa sang các học phái thuộc truyền thống dịch thuật mới thì sự "tinh khiết chủ yếu" (trong truyền thống dịch thuật xưa) sẽ là sự "trống không"/Tánh không(trong truyền thống dịch thuật mới) và sự "tự phát" (spontaneity) là sự "hiển hiện" (appearance). Do đó, đối với học phái dịch thuật xưa, thì "căn bản" sẽ là "sự tinh khiết chủ yếu và bản chất tự phát", và đối với các học phái khác (thuộc truyền thống dịch thuật mới) thì "căn bản" sẽ là "sự trống không/Tánh không và sự hiển hiện".
Dù rằng một mặt người ta có thể nêu lên tính cách tương đồng giữa sự "tinh khiết chủ yếu" và sự "trống không"/Tánh không, và một mặt giữa sự "tự phát" và sự "hiển hiện", thế nhưng cũng nên hiểu rằng khi nêu lên "tâm thức thần bí nhất sinh ra một cách tự nhiên" thì đấy cũng chỉ là cách chỉ định "sự thật tối hậu". Thật vậy, "sự thật tối hậu" mang một ý nghĩa thật cá biệt trong học phái Nyingma/Ninh-mã. Đối với học phái này, "sự thật tối hậu" được định nghĩa một cách thật chuyên biệt là "sự trống không về tất cả mọi hiện tượng phụ thuộc" (adventitious phenomena), và trong truờng hợp này thì "sự thật tối hậu" đó cũng sẽ đồng nghĩa với "sự trống không về mọi sự khác biệt" (vacuité d'altérité"/"emptiness of otherness/an "other-emptiness"). Điều đó có nghĩa là "sự thật tối hậu" hay "sự tinh khiết chủ yếu" là tâm thức nền tảng tự tại của ánh sáng trong suốt, mang tính cách nguyên sinh và căn bản. Các "sự thật quy ước" gồm tất cả các hiện tượng còn lại, mang tính các tương đối và phụ thuộc (adventive/phát sinh từ các thứ khác). Sự thật tối hậu hoàn toàn trống không về các thứ này và được gọi là "sự trống không về mọi sự khác biệt"(trong bản tiếng Pháp là vacuité d'altérité, trong bản tiếng Anh là other-emptiness, nói một cách khác dễ hiểu hơn là các hiện tượng đa dạng nhất thiết không phải là sự thật tối hậu).
Qua tầm nhìn đó, sự thật tối hậu tự nó là một sự kết hợp giữa "sự trống không về sự hiện hữu nội tại" và "tâm thức thần bí nhất", do đó cũng có thể xảy ra trường hợp khi cách diễn đạt "sự tinh khiết chủ yếu" được sử dụng để chỉ định "tâm thức thần bí nhất", và trong trường hợp này thì nó sẽ phản ảnh sự trống không của sự hiện hữu nội tại, được nêu lên trong Giáo Huấn của Đức Phật khi Ngài chuyển động bánh xe Đạo Pháp lần thứ hai (chuyển Pháp Luân lần thứ hai).
(Theo Phật giáo Tây Tạng thì Đức Phật chuyển bánh xe Đạo Pháp - còn gọi là chuyển Pháp Luân - làm ba lần tất cả: lần thứ nhất tại Sarnath/Lộc Uyển gần thị trấn Varanasi/Ba-la-nại, Ngài thuyết giảng về Bốn Sự Thật Cao Quý; lần thứ hai tại Gijjhakuta/đỉnh Linh Thứu gần thị trấn Rajagrha/Vương Xá, Ngài thuyết giảng các kinh Prajnaparamita/Bát-nhã-ba-la- mật-đa, nêu lên khái niệm về Sự trống không/Tánh không, các kinh này vì quá khúc triết nên đã được "cất dấu" và sau đó vào khoảng thế kỷ II và III Nagarjuna/Long Thụ đã phát hiện ra các kinh này; sau hết bánh xe Đạo Pháp lại được khởi động lần thứ ba tại thị trấn Vaisali/Xá Vệ, tại đây Đức Phật thuyết giảng về Alayavijnana/A-lại-da thức, Tathagatagarbha/ Như-lai Tạng..., với các kinh như Lankavatara-sutra/Kinh Lăng Già , Tathagatagarbha-sutra/ Kinh Như-lai Tạng, v.v. Các kinh thuộc vòng quay thứ hai và thứ ba của bánh xe Đạo Pháp sở dĩ được khám phá ra là nhờ vào các cảm ứng thiêng liêng của các vị đại sư sau này, và các kinh "xuất hiện muộn" đó được xếp vào thể loại "văn-bản-kho-tàng").
Thuật ngữ "tự phát" (spontaneity/đột khởi, hiển hiện một cách tự nhiên) có thể được xem như nói lên mục đích đích tối hậu trong giáo huấn của hai vòng quay thứ hai và thứ ba của bánh xe Đạo Pháp, dù rằng mục đích này chỉ được triển khai sâu rộng trong kinh điển của Du-già Tan-tra Tối thượng (Highest Yoga Tantra) (cấp bậc cao nhất trong phép thiền định Tan-tra, mang một số ảnh hưởng từ Ấn giáo). Sự hiển hiện mang tính cách tự phát là ý nghĩa sâu sắc nhất nêu lên trong những lời giảng dạy về bản thể của một vị Phật, những lời thuyết giảng này chỉ được đưa ra trong lần khởi động thứ ba của bánh xe Đạo Pháp và cũng là lần sau cùng. Bản thể đó của một vị Phật cũng là tâm thức đột khởi và thần bí nhất của ánh sáng trong suốt. Dưới góc nhìn đó thì "thực thể tinh khiết từ khởi thủy" và sự "tự phát" sẽ kết hợp với nhau để tạo ra phần căn bản (basis) hay nền tảng (foundation) (của sự Giác Ngộ, và cũng là Phật tánh hay Bản thể của một vị Phật).
Nếu không có tác động của sự tinh khiết từ nguyên thủy thì sẽ không thể nào biến cải hay loại bỏ được các sự biến thể xảy ra sau này. Tuy nhiên, dù cho sự tinh khiết đã có sẵn từ nguyên thủy, thế nhưng nếu không có sự đột khởi (tự phát), thì cũng sẽ không thể nào trở thành một vị Phật được (Phật tánh hay Bản thể của Phật là một sự thừa hưởng, kết quả của một quá trình hình thành xuyên qua không gian và thời gian, nhưng sự đột khởi hay tự phát của Phật tánh hay Bản thể của một vị Phật là kết quả của một quá trình tu tập). Chính vì vậy, căn bản của con đường tâm linh phải gồm chung cả sự tinh khiết chủ yếu và cả sự đột khởi (spontaneity) (Bản thể của một vị Phật - tức là căn bản/basis luôn hiện hữu bên trong chúng ta thế nhưng nếu nó không đột khởi thì chúng ta vẫn tiếp tục là một chúng sinh lang thang trong cõi luân hồi).
CON ĐƯỜNG "ĐỘT PHÁ" VÀ CON ĐƯỜNG "VƯỢT LÊN ĐỈNH CAO"
Tu tập tâm linh là phải dựa vào "căn bản" đó, tức có nghĩa là sẽ gồm có hai thứ: "nền tảng của sự tinh khiết chủ yếu" và sự "đột khởi". Nếu tu tập dựa vào "sự tinh khiết chủ yếu" thì đó là con đường "đột phá" (breakthrough), và nếu tu tập dựa vào sự "đột khởi" tức là sự "hiển hiện tự phát" thì đó là con đường "vượt lên đỉnh cao" (leap over).
Khi đã phân biệt được giữa "nền tảng" và sự "hiển hiện của nền tảng" thì người ta cũng sẽ hiểu được "sự tinh khiết nguyên sinh" và "sự đột khởi", cả hai thứ đều là tâm thức thần bí nhất hiện hữu từ nguyên thủy, và cũng là căn bản của toàn thể samsara/luân hồi và nirvana/niết-bàn, trong đó kể cả thể dạng của nền tảng (basis/Phật tánh hay Bản thể của một vị Phật). Sau đó trên con đường [tu tập nói chung], nếu phương pháp "đột phá" được mang ra luyện tập thì đấy sẽ là cách thiền định hướng vào chủ đích thực hiện “sự tinh khiết nguyên sinh", và nếu phương pháp "vượt lên đỉnh cao" được mang ra luyện tập thì đấy sẽ là cách thiền định hướng thẳng vào chủ đích phát huy các cấp bậc hiển hiện đúng theo sự mong muốn, (unadjusted/không cần đến các thể dạng trung gian hay các sự lèo lái) không giả tạo (non-artificial) đúng với ý nghĩa của sự đột khởi (hướng thẳng vào sự giác ngộ để đạt được Giác Ngộ, không cần đến các hình thức tu tập "giai đoạn" hay "thiện xảo" nào cả).
QUẢ MANG LẠI TỪ CÁC CON ĐƯỜNG: ĐÓ LÀ
SỰ TRONG SÁNG TỪ BÊN TRONG VÀ CẢ BÊN NGOÀI TÂM THỨC
Khi nào quả chín muồi và trở thành hiện thực (actualized/hiện lên một cách thực tế) trên đường "đột phá" và "vượt lên đỉnh cao", thì Dharmakaya/Thân Đạo Pháp sẽ là sự hiển lộ bên trong của sự tinh khiết nguyên sinh và Sambhogakaya/Thân thụ hưởng (còn gọi là "Báo thân" hay "Thụ dụng thân", là "Thân xác hưởng thụ sự hân hoan hoàn hảo", sinh ra từ sự gom góp đạo hạnh và sự khởi động Dharmakaya/Thân Đạo Pháp với mục đích giúp đỡ chúng sinh - gcts) sẽ là sự hiển lộ bên ngoài của sự tinh khiết nguyên sinh ấy, và [cả hai] sẽ cùng trở thành hiện thực ("trở thành hiện thực" là cách tạm dịch từ chữ "actualized" trong nguyên bản. Chữ này có thể dịch là "hiển hiện", "hiển lộ" hay "phát lộ", tuy nhiên các chữ này có thể hiểu như là một thứ gì đó mới mẻ được hiện ra, thế nhưng Phật tánh hay sự tinh khiết nguyên sinh là một cái gì đó có sẵn nơi mỗi chúng sinh, nó chỉ trở thành "hiện thực" khi quả đã chín muồi trên đường tu tập. Khi Phật tánh đã được "hiện thực hóa" có nghĩa là "trở thành một vị Phật", thì Phật tánh hay sự "tinh khiết nguyên sinh" có sẵn bên trong mỗi chúng sinh sẽ hiển hiện dưới hai thể dạng: bên trong là Dharmakya/Thân Đạo Pháp, và bên ngoài là Sambhogakaya/Thân thụ hưởng). Cũng vậy, nếu "căn bản" gồm có hai khía cạnh là "sự tinh khiết" và "sự đột khởi" (giúp một chúng sinh trở thành một vị Phật), thì con đường cũng sẽ gồm có hai thứ là "đột phá" (làm hiển lộ sự tinh khiết nguyên sinh) và "vượt lên đỉnh cao" (giúp trực tiếp đạt được sự Giác Ngộ). Vì thế, khi quả mang lại từ sự tu tập bắt đầu hiển lộ trên cả hai con đường "đột phá" và "vượt lên đỉnh cao" đó, thì đấy cũng là lúc mà Dharmakaya/Thân Đạo Pháp rạng ngời bên trong và Sambhogakaya/Thân thụ hưởng tỏa sáng bên ngoài sẽ cùng nhau hiển hiện (sự Giác Ngộ hiện lên qua hai thể dạng: bên trong là sự bừng sáng của Trí tuệ và lòng Từ bi, và bên ngoài tức là trên thân xác là sự An vui hoàn hảo, thanh thoát và trọn vẹn của kiếp nhân sinh cuối cùng của một vị Phật).
Sự tinh khiết nguyên sinh hiện lên bên trong [tâm thức] dưới thể dạng Dharmakaya/Thân Đạo Pháp và cũng chỉ có chư Phật mới nhận biết được thể dạng đó qua một sự cảm nhận đột khởi mang tính cách trực giác, đối với những người còn đang luyện tập thiền định (apprentis méditants/apprentice meditators) thì sẽ không thể nào cảm nhận được một cách trực tiếp sự tinh khiết nguyên sinh đó. Người ta gọi điều ấy là một sự "thành đạt tự mình mang lại cho mình", từ bên trong chính mình, trên dòng luân lưu (continuum) của tri thức mình, và duy nhất cũng chỉ có những người đã thành công trong việc luyện tập thiền định mới thực hiện được sự thành đạt đó mà thôi, đối với những người còn đang luyện tập thì họ chỉ cảm nhận được sự tinh khiết đó qua các cảm nhận [hời hợt] bên ngoài (thật hết sức rõ ràng: con đường Phật giáo là con đường nội tâm, sự Giác Ngộ nằm thật sâu bên trong tâm thức mình, do đó chỉ có mình mới thực hiện được sự Giác Ngộ đó cho mình nhờ vào sự luyện tập thiền định. Vậy đôi khi chúng ta cũng nên giảm bớt các hình thức tu tập "thiện xảo" đầy màu sắc và nghi thức, các hình thức sinh hoạt đó có thể thích hợp và lợi ích ở các cấp bậc trung gian nào đó, thế nhưng chúng cũng có thể thu hút và mê hoặc mình khiến mình chỉ biết hướng ra bên ngoài và quên mất đi mục đích của việc tu tập là phải khám phá ra sự tinh khiết nguyên sinh của mình, ẩn chứa thật sâu kín bên trong chính mình). Thật vậy, đặc tính thứ hai của Dharmakaya/Thân Đạo Pháp - mà người ta còn gọi là "Trí tuệ của Dharmakaya/Trí tuệ của Thân Đạo Pháp " - nhất thiết chỉ vận hành trong lãnh vực của tâm thức thần bí nhất mà thôi.
Sự đột khởi hiển lộ ra bên ngoài dưới hình thức Sambhogakaya/Thân thụ hưởng của một vị Phật. Vì trực tiếp liên hệ đến sự hiển lộ đột khởi (tức là thuộc thể dạng của một vị Phật), nên các sự hiển lộ hướng ra bên ngoài đó nhất thiết phải là các hình thức [sinh hoạt] nhằm mục đích mang lại sự tốt lành cho kẻ khác. Đôi khi người ta cũng cho rằng các sự hiển lộ đó cũng có sẵn nơi những người còn đang tập sự (debutant, beginner) nhưng chỉ nằm sâu (ngủ yên) trên dòng luân lưu của tri thức họ mà thôi (có nghĩa là lòng từ bi của họ chưa phát lộ được ra bên ngoài để trở thành Thân thụ hưởng của một vị Phật). Trên căn bản của sự đột khởi và trình độ tu tập liên quan đến con đường "vượt lên đỉnh cao", các trò hiển hiện (le jeu/the sport) tinh khiết và không tinh khiết sẽ phát lộ tùy thuộc vào sự mong cầu và khả năng của những người còn đang tập sự, dưới hình thức các cảm ứng đa dạng và khác biệt nhau về Sambhogakaya/Thân thụ hưởng và Nirmanakaya/Thân biến hóa (corps d'émanation/ emanation bodies, tức là các hình thức hiển hiện khác nhau hầu giúp đỡ kẻ khác được hữu hiệu hơn).
"THIỀN ĐỊNH" HIỂU THEO MỘT Ý NGHĨA THẬT CÁ BIỆT
Đối với học phái Nyingma/Ninh-mã, thiền định về tâm thức sâu xa có nghĩa là cách giúp cho tâm thức tự nhận biết được bản thể sâu kín của nó bởi chính nó và duy trì được nó trong lúc đang hành thiền, nhưng tuyệt nhiên không phải là cách thiền định hướng vào bất cứ một chủ đề nào cả. Ngay trong lúc tâm thức sâu kín đó tự nhận biết được chính nó thì nó cũng tự hiển lộ [một cách tự nhiên] (bởi chính nó). Thật vậy, trước khi có thể tiếp xúc và nhận diện được thực thể tâm thức sâu kín, thì người ta cũng đã phải nhận biết được sự trống không/Tánh không của tâm thức nhờ vào phép luyện tập "đột phá" giúp mình xác định được tâm thức hiện lên từ đâu, thường trú nơi nào và xu hướng của nó là gì. Đấy là cách cho thấy tâm thức hiện ra với các đặc tính của sự trống không/Tánh không về sự hiện hữu nội tại(tâm thức là kết quả mang lại bởi sự vận hành tổng hợp của sáu tri thức - năm tri thức giác cảm và tri thức tâm thần - tạo ra tư duy, xúc cảm và tác ý. Các thứ này không mang một sự hiện hữu nội tại nào. Tâm thức phát sinh lệ thuộc vào các thứ ấy như là các nguyên nhân và điều kiện tạo ra nó, do đó tâm thức bắt buộc phải là một sự cấu hợp, tương tự như các thành phần - gồm tư duy, xúc cảm và tác ý - tạo ra nó, vì thế từ bản chất tâm thức cũng sẽ trống không về sự hiện hữu nội tại của chính nó. Người hành thiền phải nhận biết được điều này trước khi tâm thức thần bí nhất có thể hiện lên với mình, nếu không thì có thể lầm lẫn tâm thức cấu hợp đang vận hành bên trong nội tâm mình với tâm thức thần bí nhất).
Dù rằng tâm thức đó có thể xem như tinh tế (sâu sắc) hơn so với sự nhận biết về sự vắng mặt đơn giản của sự hiện hữu nội tại, thế nhưng dầu sao thì nó cũng không hề là một thể dạng cấu hợp gồm sự hiển hiện và sự trống không/Tánh không (đó là thể dạng tâm thức đã loại bỏ sự hiện hữu nội tại chống đỡ cho sự hiển hiện của một vật thể mà người ta còn gọi là một "sự hiển hiện tương tự như ảo giác" - gcts) - sự trống không/Tánh không ở đây có nghĩa là đã loại bỏ được sự hiện hữu nội tại bảo vệ sự hiển hiện của một vật thể, sự hiển hiện đó cũng còn được gọi là "sự hiển hiện tương tự như ảo giác" - sự nhận biết đó là nhờ vào một phép thiền định ở một cấp bậc thô thiển của tri thức. Trái lại, mọi sự sẽ trở nên khác hơn khi chúng được nhận biết bởi một tâm thức tinh tế hơn. Khi sự nhận diện tâm thức thần bí nhất trở nên ngày càng vững chắc và quen thuộc với mình hơn, thì sự phức tạp của các khái niệm theo đó cũng sẽ dần dần giảm xuống, tri thức [nhờ đó] cũng sẽ dần dần trở nên tinh tế hơn, và ánh sáng trong suốt cũng hiển lộ toàn vẹn hơn (sự nhận thức về sự trống không/Tánh không của sự hiện hữu nội tại cũng chỉ cần đến một cấp bậc thiền định thô thiển là cũng đủ. Qua sự nhận thức đó các khái niệm - chẳng hạn như sự trống không, sự hiển hiện, tính cách nội tại, ảo giác, v.v. - vẫn còn ngưyên. Trái lại khi đã thực hiện được một thể dạng thiền định tinh tế hơn và đã nhận diện được tâm thức thần bí nhất một cách minh bạch hơn thì các khái niệm sẽ trở nên lu mờ dần, chẳng hạn như không còn cần phải tự nhắc nhở mình về sự trống không của sự hiện hữu nội tại của các hiện tượng nữa, hay phải nhìn vào tính cách ảo giác của chúng, mà chỉ cảm nhận được tất cả các hiện tượng và các sự sinh hoạt khái niệm cũng chỉ duy nhất là những thoáng rung động thật nhẹ nhàng và yên lặng trên dòng luân lưu của tri thức mình, hoặc chúng chỉ đơn giản là các trò chơi phát lộ từ ánh sáng trong suốt mà thôi)
Đối với các học phái của truyền thống dịch thuật mới cũng vậy, khi ánh sáng trong suốt hiển lộ thì sự trống không/Tánh không của sự hiện hữu nội tại cũng sẽ hiện ra (khi ánh sáng trong suốt hiện lên với mình thì mình cũng sẽ nhận thấy tất cả mọi hiện tượng bên ngoài, trên thân xác cũng như trong tâm thức mình, tất cả đều "tương tự như ảo giác"). Theo cách giải thích của Norsang Gyatso (còn gọi là Khedrup Norsang Gyatso, 1423-1513, là đệ tử của vị Đạt-lai Lạt-ma thứ I và sau đó đã trở thành thầy của vị Đạt-lai Lạt-ma thứ II), một học giả uyên bác đứng về phía các học phái thuộc truyền thống dịch thuật mới, thì trong quá trình của cái chết lúc ánh sáng trong suốt hiện lên, thì sự trống không/Tánh không cũng sẽ hiển hiện đối với một người bình thường (tức chưa hề biết tu tập là gì) nhưng rất mơ hồ(trong lúc còn sống nhiều người cũng không hiểu sự trống không về sự hiện hữu nội tại của mọi hiện tượng là gì, huống hồ trong khi quá trình của cái chết đang diễn tiến. Ánh sáng trong suốt là một thể dạng của tâm thức mà bên trong nó tất cả mọi khái niệm - phát sinh từ cuộc sống vừa trải qua - đã tan biến hết, và đó cũng là thể dạng xảy ra khi quá trình của cái chết vừa chấm dứt, chưa kịp chuyển sang quá trình của sự sinh. Thể dạng đó không còn cất chứa một khái niệm nào, do đó nó sẽ "trống không", tức không còn vướng mắc vào bất cứ một sự ô nhiễm mang tính cách khái niệm, thế nhưng chỉ có người tu tập mới ý thức được sự "trống không" đó để thường trú bên trong nó, trong sự tinh khiết của nó, mà không chuyển sang giai đoạn hình thành với sự phát sinh tuần tự của các cảm nhận và khái niệm mới, đưa đến sự tái sinh và một kiếp sống mới). Thật ra, cái chết đối với tất cả chúng sinh (tất cả mọi hình thức của sự sống)trong đó kể cả côn trùng, đều tạo ra sự biến mất của tri thức liên quan đến sự hiển hiện thô thiển và nhị nguyên (vậy thì tri thức liên quan đến các sự hiển hiện thô thiển và nhị nguyên - consciences des apparences grossiers et dualistes/ consciousness of coarse dualistic appearances - là gì? Chúng ta được biết con người có sáu thể loại tri thức giúp mình tham gia vào các sinh hoạt khái niệm. Đối với thú vật, kể cả côn trùng, cũng có các "tri thức khái niệm" giúp chúng sống còn. Thí dụ một con bướm "trông thấy" một cánh hoa, một con ruồi "ngửi thấy" một cục đường, một con sâu biết bò đến gần một chiếc lá non, v.v. Khi cái chết xảy ra với chúng thì cũng sẽ xảy ra sự biến mất của các thể loại tri thức thô thiển ấy của chúng). Không những chỉ có sự hiển hiện bên ngoài (ảo giác) của sự hiện hữu nội tại và sự hiển hiện quy ước (tên gọi hay sự hiểu biết) tan biến hết, mà cả các thứ hiển hiện thô thiển hơn cũng sẽ bị xóa bỏ (xin trở lại với thí dụ trên đây: một con bướm/chủ thể trông thấy một cánh hoa/đối tượng. Con bướm và cánh hoa chỉ là những sự hiện hữu quy ước tức là bề ngoài, tự chúng không hàm chứa bên trong chúng một sự hiện hữu trường tồn, bất biến, tự tại hay nội tại nào cả. Khi con bướm chết - vì một lý do nào đó, chẳng hạn như bị một con chim hay một con thằn lằn cắn và nuốt chửng nó khi nó vừa đậu lên cánh hoa - thì không những sự hiển hiện nhị nguyên - chủ thể/con bướm và đối tượng/cánh hoa - bị xóa mất bên trong con bướm mà cả thân xác thô thiển của nó cũng sẽ bị "tiêu hóa" và cả cánh hoa tuy có mùi thơm và màu sắc với hình dáng xinh đẹp nhưng cũng chỉ là vật chất thô thiển, cũng sẽ héo tàn và bị xóa mất. Đối với con người khi chết cũng vậy, không những sự sinh hoạt khái niệm gồm tư duy, xúc cảm, tác ý sẽ tan biến/"hòa tan" mà cả chủ thể tức là mình hay cái tôi của mình và cả các đối tượng của sự sinh hoạt khái niệm trước đây của mình cũng sẽ bị "hòa tan" hết. Các sự "hòa tan" đó sẽ tạo điều kiện giúp cho ánh sáng trong suốt phi-khái-niệm có thể hiện lên).
Trong lúc ánh sáng trong suốt hiện lên thì sự trống không/Tánh không cũng sẽ hiển lộ [một cách tự nhiên], thế nhưng người quá cố - trừ trường hợp của những người tu tập du-già lão luyện - không thể duy trì được nó bởi vì nó không phát lộ (hiển hiện) nhờ vào sự loại bỏ [tự nhiên] của sự hiện hữu nội tại (sự bám víu sẽ vẫn còn nguyên đối với một người bình thường chưa hề biết tu tập là gì, sự bám víu đó là nguyên nhân chuyển quá trình của cái chết sang quá trình của sự sinh). Dầu sao đi nữa, nếu tâm thức tự nhận biết được chính nó và đã ý thức được sự trống không/Tánh không của chính nó một cách minh bạch, thì các sự hiển hiện nhị nguyên cũng sẽ tan rã hết và tâm thức khi đó cùng với sự trống không/Tánh không sẽ trở thành một thực thể duy nhất không còn bị phân hóa. Đấy cũng là cách mà sự hiển hiện nhị nguyên đã bị hoàn toàn hoà tan hết bên trong thể dạng trống không/Tánh không (đánh dấu sự chấm dứt của nguyên nhân đưa đến sự hình thành hay tái sinh).
SỰ THU HẸP DẦN CỦA SỰ SINH HOẠT KHÁI NIỆM
Đối với phép Đại hoàn thiện, khi người du-già đã quen dần với việc luyện tập thiền định về sự cấu hợp giữa sự "trống-không" và sự "hiển-hiện", nhờ vào tâm thức tinh tế (tức là "tâm thức tinh tế mang khả năng ý thức được sự trống không của mọi hiện tượng", trong khi đó thì "tâm thức mang khả năng ý thức được sự hiển hiện của mọi hiện tượng" chỉ là một thể dạng tâm thức thô thiển còn vướng mắc trong sự nhận biết khái niệm), thì sự tạo tác khái niệm và các sự sinh sôi của chúng sẽ dần dần thu hẹp bớt bên trong bầu không gian của tâm thức thần bí nhất, điều đó sẽ giúp cho ánh sáng trong suốt thật tinh tế có thể hiển lộ (trong chiều ngược lại, nếu các sự sinh hoạt và sinh sôi mang tính cách khái niệm gia tăng quá độ trong tâm thức thì sẽ đưa đến tình trạng điên loạn ở các mức độ khác nhau. từ các thể dạng hoang mang, lo sợ, cho đến si mê, giận dữ, hung bạo, v.v., hoặc hoàn toàn bị tách rời ra khỏi hiện thực. Đối với những người "bình thường" như chúng ta thì các sự sinh hoạt khái niệm dù có sinh sôi thế nhưng vẫn giữ được một mức độ hợp lý tương đối nào đó giúp mình thích ứng và hòa nhập với thế giới trong một số bối cảnh và các điều kiện nào đó). Chính vì vậy nên thật hết sức rõ ràng là tất cả mọi yếu tố giúp vào việc tìm hiểu quan điểm về sự trống không/Tánh không nêu lên trong các học phái dịch thuật mới đều nhất thiết hàm chứa bên trong phép thiền định của Đại hoàn thiện.
CÁCH NHẬN BIẾT ÁNH SÁNG TRONG SUỐT
BÊN TRONG BẤT CỨ MỘT THỂ DẠNG TRI THỨC NÀO
Theo các học phái thuộc truyền thống dịch thuật mới thì không thể nào khởi động tâm thức căn bản tự tại của ánh sánh trong suốt đồng loạt với sự hoạt động của sáu thể loại tri thức - gồm tri thức thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và tâm thần. Vì thế trước hết phải làm tan biến tất cả các thể loại tri thức thô thiển, tức là phải hóa giải chúng, nếu có thể nói như thế. Bởi vì chỉ có cách đó mới có thể giúp cho tâm thức nền tảng hiển hiện với tất cả sự trần trụi của nó. Chẳng qua vì tri thức thổ thiển và tri thức tinh tế không thể nào cùng hiển hìện và vận hành chung với nhau được.
Trái lại, đối với phép Đại hoàn thiện thuộc truyền thống dịch thuật xưa thì lại khác, người ta có thể làm hiển hiện ánh sáng trong suốt mà không cần phải làm cho các thể loại tri thức ngưng hoạt động. Kể cả đối với trường hợp một xúc cảm đớn đau phát sinh khi tiếp xúc với một đối tượng nào đó mà người ta áp đặt cho nó một cách sai lầm là tốt hay xấu, tức là vượt ra ngoài hiện thực của nó, thì xúc cảm đớn đau đó từ bản chất vẫn là một thực thể tinh khiết mang tính cách trong sáng và khả năng nhận thức. Nếu cho rằng tâm thức của ánh sáng trong suốt hàm chứa bên trong nó đặc tính chung của tâm thức là thực thể trong sáng thật tinh khiết và sự nhận thức, thì ánh sáng trong suốt đó cũng có thể được nhận biết bên trong tất cả các thể dạng tri thức kể cả đớn đau, chẳng hạn như sự thèm khát hay hận thù (nên hiểu sự thèm khát hay hận thù cũng là các hình thức xúc cảm đớn đau/afflictive emotions. Và câu trên đây có thể hiểu như sau: nếu ánh sáng trong suốt tự nó hàm chứa bên trong nó đặc tính trong sáng thật tinh khiết và khả năng nhận thức, thì qua một góc nhìn mở rộng hơn tất cả các thể dạng tâm thức nói chung - dù là dưới các hình thức đớn đau cũng vậy - đều có thể nhận diện được thể dạng ánh sáng trong suốt ẩn chứa kín đáo bên trong chúng).
Theo Dodrubchen (còn gọi là Kyabjé Dodrupchen Rinpoché, 1927-, là một vị đại sư nổi tiếng nhất hiện nay của học phái Nyingmapa/Ninh-mã đã có dịp nói đến trong các chương 5, 7, 8 và 9) thì sự trong sáng tinh khiết và sự nhận thức tinh khiết [cả hai] đều thấm sâu vào tất cả mọi thể loại tri thức và người ta có thể nhận biết được chúng ngay cả trong lúc các xúc cảm đớn đau thật mạnh đang hiển hiện, tức là không bắt buộc phải làm cho sự vận hành của sáu thể loại tri thức dừng lại. Sự khác biệt giữa hai truyền thống dịch thuật xưa và mới là ở chỗ đó, tức là mỗi khi khởi sự hành thiền để nhận biết tâm thức thần bí nhất thì đối với phép Đại hoàn thiện sẽ không cần làm cho sự vận hành của sáu thể loại tri thức phải dừng lại. Nói cách khác là người hành thiền cứ để mặc sáu thể loại tri thức nguyên trong tình trạng [hoạt động] của chúng nhưng [đồng thời] vẫn nhận biết được ánh sáng trong suốt
Sau khi đã thực hiện được sự nhận thức đó thì sẽ không còn phải tìm cách loại bỏ các khái niệm nữa, dù là tốt hay xấu cũng vậy (tức là đã vượt thoát khỏi sự vận hành của cả sáu tri thức). Trái lại, dù cho bất cứ một khái niệm nào hiện lên thì nó cũng không thể nào đánh lừa được người hành thiền, [bởi vì] người này đã hội đủ khả năng tập trung vào một điểm (một đối tượng duy nhất) là thể dạng của sự trong sáng tinh khiết và sự nhận thức tinh khiết. Vì vậy các điều kiện (yếu tố) tạo ra một sự sinh hoạt tâm thần kém thích đáng (improper/kém thích nghi, không phù hợp) che lấp một cách sai lầm phẩm tính của các hiện tượng, sẽ mất đi sức mạnh của chúng. Do đó sự sinh hoạt khái niệm cũng sẽ không còn đủ sức để tự khởi động được nữa, và sức tác động của nó cũng sẽ giảm dần. Đấy là cách mà giáo lý Đại hoàn thiện tạo ra một tầm nhìn thật độc đáo về sự "quán thấy", "thiền định" và "hành động" cho bất cứ ai mà tâm thức thần bí nhất đã được đưa vào bên trong chính mình và mình đã nhận diện được nó.
Chương 15
Thật hết sức khó - nếu không muốn nói là không thể nào thực hiện được - để có thể trưởng thành (trở nên già dặn và chín chắn) bên trong chính mình hầu giúp mình đạt được các kết quả ngoạn mục trong một thời gian ngắn. Vì thế khi mới bắt đầu luyện tập các bạn không nên quá mong đợi. Phải cần thật nhiều kiên nhẫn và một sự quyết tâm vững chắc trong tâm thức, thì rồi với thời gian, hết năm này sang năm khác, mới có thể mang lại sự tiến bộ bên trong [nội tâm] được. Một vị Lạt-ma Tây Tạng từng nói rằng: "Nếu thoáng nhìn qua thì không khỏi nghĩ rằng các điều ấy sẽ không sao thực hiện được bởi một người bình dị, thế nhưng cũng phải hiểu rằng các hiện tượng cấu hợp không bao giờ dừng lại một chỗ mà luôn biến đổi tùy theo các điều kiện [chi phối chúng]". Nếu cố gắng và không nản chí, thì một cái gì đó mà chúng ta cho rằng mình sẽ không sao đạt được trong một trăm năm (tức một kiếp người) sẽ xảy ra với mình vào một ngày nào đó (sự Giác Ngộ vụt hiện lên với Đức Phật vào một đêm trăng sáng dưới cội bồ-đề trong một khu rừng vắng vẻ khi Ngài mới 35 tuổi). Nghị lực và quyết tâm là những gì thật hết sức cần thiết. Hơn nữa đối với việc luyện tập để phát huy những gì bên trong chính mình thì thật hết sức quan trọng là trong từng ngày một phải biết giữ gìn đạo đức, vì sự an vui của chính mình và cả xã hội.
Một số người cho rằng cách luyện tập đó nhất định là không tưởng và thiếu thực tế. Thế nhưng ngay cả đối với thú rừng, chẳng hạn như cọp hay sư tử, nếu chịu khó và kiên nhẫn thì người ta cũng có thể thuần hóa chúng được. Vậy chúng ta là con người, có một não bộ và một tiềm năng tuyệt vời, thì tại sao mình lại không thuần hóa được bất cứ một thứ gì khác (dưới một góc nhìn nào đó thì tâm thức mình cũng tương tự như một con thú rừng, thường xuyên bị khích động và thúc đẩy bởi bản năng, khiến nó có thể trở nên biển lận, nham hiểm và hung dữ. Thế nhưng thật sâu bên trong tâm thức đó cũng hàm chứa một tiềm năng thật tuyệt vời giúp mình khống trị con thú ấy)? Nếu chịu khó luyện tập với ít nhiều kiên nhẫn thì nhất định qua các kinh nghiệm cá nhân của mình, chúng ta sẽ cảm nhận và chứng nghiệm được tâm thức là một thứ gì đó có thể thuần hóa được. Thí dụ đối với trường hợp một người dễ nổi nóng nếu muốn khống chế sự giận dữ của mình thì trong lâu dài cũng sẽ thực hiện được. Điều này cũng đúng với một người vô cùng ích kỷ, [nếu muốn bớt ích kỷ đi thì] trước hết người này phải ý thức được sự khác biệt giữa những gì kém tốt lành gây ra bởi tác động của sự ích kỷ và những gì lợi ích mang lại bởi một thái độ bớt ích kỷ hơn. Sau khi đã ý thức được điều ấy thì người vô cùng ích kỷ trước đây sẽ hiểu rằng mình phải tập kiểm soát những hành động thiếu xây dựng của mình và đồng thời phải phát huy những gì tích cực hơn. Nếu mang phép luyện tập đó để thực thi trong cuộc sống thường nhật thì dần dần nó sẽ mang lại cho mình một thái độ hành xử phóng khoáng và đáng quý hơn.
Chỉ cần nhìn vào cung cách hành xử của mình cũng đủ để nhận thấy tâm thức mình đã được thuần hóa hay chưa. Mình là nhân chứng của chính mình là vậy. Nói chung là có hai thể loại nhân chứng: người khác và chính mình. Đối với sự phát huy bên trong [nội tâm] thì thật hết sức quan trọng là mình phải là nhân chứng cho chính mình.
Nếu một người nào đó có thể tự chứng minh cho thấy việc tuân thủ giáo lý về lòng từ tâm sẽ mang lại cho mình một cuộc sống nhân từ và hợp lý, thì người ấy nhất định sẽ là một nhân chứng [đáng quý], một tấm gương cho kẻ khác trông vào, hầu giúp họ ý thức được hiệu quả của việc tu tập. Một số người tự khoe mình tu tập theo một hệ thống (giáo phái, tông phái) nào đó, thế nhưng thái độ và phong cách của họ trong cuộc sống lại cho thấy họ chỉ là những người thiếu nhân từ và không biết phải trái là gì, thì thái độ đó chỉ khiến họ gom góp những điều thiếu đạo đức và gây ra thêm phiền toái cho những người giảng dạy mình (tức là các vị thầy của mình) mà thôi. Do đó phải thật hết sức cảnh giác. Trên đây là những lời khuyên của tôi dành cho các bạn đấy.
Sinh ra làm người chúng ta được thừa hưởng một cơ sở vật chất giúp mình thực hiện được các mục tiêu ngắn và dài hạn. Vậy thì với thể dạng quý giá nhất đó của sự sống mà mình đang có so với trùng trùng điệp điệp các thể dạng khác được sinh ra trong thế giới này, thì thật hết sức quan trọng là không nên phung phí thể dạng của sự sống đó của mình. Trong hoàn cảnh mà mình đang có, nếu chỉ biết tu tập cho riêng mình nhằm mang lại cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn trong các kiếp sống tương lai, thì mình sẽ không thể nào phát huy trọn vẹn được tiềm năng của mình. Hoặc trong trường hợp mà mình chỉ đơn giản mong muốn thoát ra khỏi sự kềm kẹp của khổ đau, thì mục đích đó sẽ quá nhỏ hẹp so với tiềm năng mà mình đang có. Vì tình nhân loại hãy làm tất cả những gì mà mình có thể làm được hầu tạo được một sự nẩy nở tâm linh thật hoàn hảo và trọn vẹn, giúp mình trở thành một con người lợi ích hơn đối với kẻ khác. Hoặc ít nhất cũng nên tập tành để mang lại thêm cho mình một chút tình nhân ái.
Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ
Quyển sách trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã mang đến cho chúng ta một phương pháp tu tập thật chủ yếu, thiết thực nhưng cũng rất thâm sâu. Thật vậy, Phật giáo Tây Tạng rất cụ thể, chính xác và sâu sắc, thế nhưng một số người lại không trông thấy các khía cạnh ấy mà chỉ bị thu hút bởi màu sắc và các sự sinh hoạt tín ngưỡng của nền Phật giáo này. Vậy nền Phật giáo Tây Tạng liên hệ như thế nào với nền Phật giáo đã mai một của Ấn Độ và có trung thực với đường hướng Giáo Huấn của Đức Phật hay không?
Trên miền bắc Ấn và đặc biệt là trong thung lũng sông Hằng, Đại Thừa Phật giáo sau khi được thành lập từ thế kỷ thứ I, đã không ngừng phát triển qua hai học phái chủ yếu nhất là Madhyamaka/Trung quán và Yogacara hay Cittamatra/Duy thức. Vào thế kỷ thứ VII người ta thấy xuất hiện thêm một khuynh hướng tu tập mới là Vajrayana/Kim Cương thừa, ảnh hưởng bởi Ấn giáo và phép thiền định Yoga/Du-già. Hình thức Phật giáo mới này phát triển khá ào ạt không những trong thung lũng sông Hằng mà còn tạo được nhiều ảnh hưởng sâu rộng tại những nơi thật xa xôi, bằng chứng cụ thể là sự xuất hiện của "Mật Tông" dưới thời nhà Đường tại Trung quốc, và ngôi đền Borobudur được xây dựng vào các thế kỷ thứ VIII-IX trên đảo Java của Indonêxia.
Phật giáo Ấn biến mất không phải vì suy tàn mà vì chiến tranh và thời cuộc. Nếu đại học Nalanda bị các đạo quân Hồi giáo thiêu hủy năm 1193 và các đạo quân này cũng phải để ra nhiều tháng để đốt hàng triệu kinh sách trong thư viện, thì một đại học lớn khác là Vikramasila nằm xa hơn về phía đông trên hữu ngạn sông Hằng, thuộc tiểu bang Bihar ngày nay, cũng đã bị san bằng khoảng năm 1200. Đại học này do vua Dharmapala (770-833) dưới triều đại Pala thiết lập vào hậu bán thế kỷ thứ VIII, trong một khuôn viên mênh mông với 208 giảng đường, thiền đường và các phòng ốc khác. Theo các học giả Tây Phương, đại học này trước khi bị tàn phá đã tạo được nhiều ảnh hưởng lấn lướt cả đại học Nalanda với 10 000 nhà sư tu học và 2 000 giảng sư.
Chương trình giảng dạy của đại học Nalanda là giáo lý Đại Thừa với kinh điển Bát-nhã (Prajnaparamita-sutra) xoay quanh các học thuyết Madhyamaka/Trung quán và Yogacara/Duy thức. Ngoài ra đại học này còn giảng dạy thêm về triết học, y khoa, nghệ thuật và cả các kinh điển Veda và Upanisad của Ấn giáo do các giảng sư thỉnh giàng Bà-la-môn đảm trách. Trong khi đó thì đại học Vikramasila cũng giảng dạy một chương trình khá "cổ điển" là Đại Thừa với kinh điển Bát-nhã và các học thuyết Trung quán và Duy thức. Các giảng sư trong ban giảng huấn đều xuất thân từ đại học Nalanda, một số đảm trách cả hai đại học. Thế nhưng thật lạ lùng đại học Vikramasila lại chú trọng nhiều hơn đến khuynh hướng tu tập mới là Vajrayana/Kim Cương thừa còn gọi là Tan-tra thừa, với các kinh điển tan-tra ảnh hưởng ít nhiều từ Ấn giáo và triết học Yoga/Du-già. Đại học này dần dần đã trở thành trung tâm Kim Cương thừa lớn nhất trong thung lũng sông Hằng. Trên đây là tình trạng của Phật giáo Ấn Độ vào các thế kỷ sau cùng trước khi biến mất, và cũng là tình trạng mà Phật giáo Tây Tạng đã được thừa hưởng.
Nhà sư Padmasambhava là người đầu tiên trực tiếp đưa Phật giáo vào Tây Tạng vào thế kỷ thứ VIII, và sau đó đã đưa đến sự hình thành của truyền thống dịch thuật xưa và học phái Nyingma/Ninh-mã. Người ta không được biết rõ lắm về tiểu sử của vị đại sư này, mà chỉ biết rằng ông là một vị du-già lỗi lạc và dường như cũng đã từng tu học tại đại học Nalanda. Trong khi đó các vị đại sư khác chẳng hạn như Chandrakirti/Nguyệt Xứng (600-650), Shantideva/Tịch Thiên (685-763), Shantarakshita/Tịch-hộ (725-788), v.v., từng trực tiếp đưa Phật giáo vào Tây Tạng hoặc ảnh hưởng sâu đậm đến tư tưởng và triết học của nền Phật giáo tại quê hương này, thì nhất loạt đều xuất thân từ đại học Nalanda. Đồng thời một số các nhà sư Tây Tạng cũng đã vượt Hy-mã-lạp-sơn để tu học tại Ấn Độ. Trong dịp này, vì nhu cầu dịch thuật chữ viết của Tây Tạng cũng đã được sáng chế dựa vào ngữ tự brahmi của Ấn Độ, ngữ pháp và văn phạm thì trực tiếp vay mượn từ Phạn ngữ nhằm giúp cho việc phiên dịch được dễ dàng hơn.
Sau khi Padmasambhava đưa Phật giáo vào Tây Tạng và vua Tây Tạng là Trisong Detsen ra lệnh phải phiên dịch kinh sách Phật giáo, thì chưa đầy một thế kỷ sau tức là vào thế kỷ thứ IX vì tranh dảnh quyền lực, pháp nạn đã xảy ra khiến Phật giáo gần như hoàn toàn biến mất tại Tây Tạng. Atisa/A-đề-sa (983-1054) một trong các vị trụ trì của đại học Vikramasila đã đưa Phật giáo trở lại với quê hương này vào tiền bán thế kỷ XI và đã đích thân lưu lại nơi này suốt 12 năm cuối cùng của đời mình để phát triển Phật giáo, đưa đến sự hình thành sau đó của truyền thống dịch thuật mới và các học phái mới.
Các chi tiết trên đây cho thấy thật rõ ràng Phật giáo Tây Tạng đã trực tiếp thừa hưởng tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ ở giai đoạn phát triển cao độ nhất trước khi nền Phật giáo này biến mất. Dưới một góc nhìn khác người ta cũng có thể bảo rằng Phật giáo Tây Tạng là một sự tiếp nối không gián đoạn của Phật giáo Ấn Độ kể từ thế kỷ XII. Với một tầm nhìn mở rộng hơn nữa thì cũng có thể xem Phật giáo Tây Tạng thuộc vào dòng phát triển liên tục của Phật giáo Đại thừa hình thành từ đầu kỷ nguyên trong thung lũng sông Hằng. Dầu sao trên phương diện tổng quát cũng phải chấp nhận trên dòng phát triển đó Giáo Huấn của Đức Phật ngoài các đường hướng mở rộng về giáo lý còn thu nạp thêm các ảnh hưởng mang tính cách địa phương, chẳng hạn như đạo Bön tại Tây Tạng, Khổng giáo và Lão giáo tại Trung quốc hoặc Thần Đạo tại Nhật Bản. Riêng tại Tích Lan Giáo Huấn của Đức Phật đã được bảo toàn với ít nhiều trung thực, và đó cũng là một điểm đặc thù của tín ngưỡng Phật giáo nói chung. Sở dĩ dài dòng như trên đây là để nhận định rõ ràng hơn về vị trí của Phật giáo Tây Tạng trên dòng phát triển chung của Giáo Huấn của Đức Phật.
Trở lại với quyển sách trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma thì chúng ta sẽ thấy rằng phép Đại hoàn thiện dù là một phương pháp tu tập đặc thù của Phật giáo Tây Tạng, thế nhưng phía sau là cả một giáo lý thâm sâu của toàn thể Đại Thừa phát triển trong thung lũng sông Hằng. Trong khi đó Phật giáo Trung quốc được hình thành và phát triển sớm hơn so với Phật giáo Tây Tạng rất nhiều, nhưng lại phải xuyên qua con đường tơ lụa xa xôi. Trên con đường đó Đại Thừa hình thành trong thung lũng sông Hằng đã không tránh khỏi ảnh hưởng của các tín ngưỡng trong vùng Trung Đông và sau đó ngay bên trong lãnh thổ Trung quốc cũng đã thu nạp thêm các nét văn hóa của xứ này để trở thành một tôn giáo đại chúng. Dưới thời nhà Đường từng có một số các nhà sư Trung quốc lỗi lạc - tiêu biểu nhất là nhà sư Xuanzang/Huyền Trang (602-664) - đích thân sang Ấn Độ để tìm hiểu Phật giáo - thế nhưng sự khác biệt quá lớn giữa Phạn ngữ và Hán ngữ là cả một trở ngại thật to lớn trong việc dịch thuật, khiến Phật giáo Trung quốc mất đi phần nào sự trung thực và sâu sắc so với Phật giáo Phạn ngữ. Phật giáo Việt Nam trực tiếp ảnh hưởng bởi Phật giáo Trung quốc, ít nhất là qua các kinh sách Hán ngữ, đã cho thấy một sự bế tắc rõ rệt.
Vậy thì Đại thừa trong thung lũng sông Hằng và Phật giáo Tây Tạng "trung thực" và "khác biệt" với Giáo Huấn của Đức Phật ở những điểm nào? Trên phương diện giáo lý nói chung - đặc biệt là sự "quán thấy" về bản chất của hiện thực - thì Phật giáo Đại Thừa trong đó kể cả Kim Cương thừa và Phật giáo Tây Tạng, phản ảnh rất trung thực Giáo Huấn của Đức Phật: đó là sự "vắng mặt của sự hiện hữu nội tại" nơi tất cả mọi hiện tượng, còn được gọi là sự trống không/Tánh không/Sunnata/Sunyata/ Emptiness của chúng. Nếu trong Giáo Huấn của Đức Phật sự "quán thấy" đó về sự vắng mặt của sự hiện hữu nội tại - và cũng chỉ được xem như là một phương tiện thiền định - được nêu lên " giản dị" và "nhẹ nhàng" bao nhiêu, thì trong giáo lý Đại thừa sự "vắng mặt đó" lại trở nên "phức tạp" và "khúc triết" bấy nhiêu, và nhất là đã trở thành cả một triết học siêu hình, đưa đến các học thuyết và các phép tu tập khác nhau.
Dưới một góc nhìn nào đó thì sự khác biệt ấy là một sự thích ứng cần thiết và hợp lý trước sự tiến hóa của xã hội và tư tưởng con người trong thung lũng sông Hằng. Nếu Đức Phật phải thích ứng sự "quán thấy" ấy với những con người chất phác ở vào thời đại của Ngài thì các vị đại sư sáu trăm năm sau phải thích ứng với những con người "rắc rối" hơn trong những xã hội đa dạng, "tiến bộ" và "đòi hỏi" nhiều hơn.
Nếu Đức Phật chỉ giải thích sự trống không của mọi hiện tượng tức là sự "vắng mặt của sự hiện hữu nội tại" của chúng để nói lên bản thể của hiện thực và sau đó trực tiếp ứng dụng vào việc thiền định, thì Đại thừa sau đó một mặt tiếp tục triển khai khái niệm này trong lãnh vực triết học nhưng một mặt triển khai một khái niệm "mới" làTatagatagarbha/Như-lai tạng là một thứ gì đó "rất thật" và "cụ thể", hiện hữu thật sâu kín trong mỗi chúng sinh. Theo học giả Philippe Cornu thì khái niệm này cũng đã được "hé thấy" trong Anguttara-nikaya/Tăng nhất bộ kinh, nhưng không được giải thích và triển khai sâu rộng như trong giáo lý của Đại thừa. Sự cụ thể hóa trên đây đã đưa đến sự phong phú, đa dạng, phức tạp, kể cả một số đường nét thật sâu sắc và cá biệt về triết học cũng như trong lãnh vực ứng dụng, đưa đến sự mở rộng và tính cách đại chúng của toàn thể Đại thừa nói chung. Dầu sao thì vấn đề này cũng khá phức tạp vượt khỏi khuôn khổ của những lời ghi chú này, do đó cũng chỉ xin nêu lên một nhận xét là theo Đại hoàn thiện thì Tatagatagarbha/Phật tánh chính là Rigpa có nghĩa là Tâm thức thần bí nhất!
Sự mở rộng đó của Đại thừa đã đưa đến sự hình thành của vô số các học phái và các phép thiền định khác nhau, trong quyển sách trên đây Đức Đạt-lai Lạt-ma đưa ra các phương pháp "Đột Phá" và "Vượt lên đỉnh cao" của Đại hoàn thiện giúp người tu tập phát hiện một thể dạng "rất thật" nhưng cũng vô cùng sâu kín là tâm thức thần bí nhất bên trong mỗi con người chúng ta.
Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu xem Đức Phật đã giảng như thế nào về các vấn đề trên đây qua một bài kinh thật tiêu biểu là "Bài Kinh ngắn về Tánh không" (Trung Bộ Kinh, MN 121). Trong bài kinh này Đức Phật nêu lên bảy cấp bậc thiền định mang lại bảy thể dạng tâm thức từ thô thiển đến thật tinh tế. Trước hết Đức Phật định nghĩa thế nào là một khái niệm và thế nào là sự trống không:
- "Sự trống không/Tánh không cũng chẳng khác gì như gian tịnh xá này do Migara-Mita xây cất, hoàn toàn trống không, không có một con voi nào, một con bò đực nào, một con bò cái nào, một con ngựa đực nào, một con ngựa cái nào, không có vàng cũng chẳng có bạc, hoàn toàn trống không, không có đám đàn ông hay đàn bà nào tụ tập".
...
- "Gian tịnh xá chỉ "không-trống-không" về cái đặc tính độc nhất của nó thiết lập bởi tập thể Tăng đoàn".
Gian nhà không có con voi nào trong đó, chẳng qua vì voi nói chung quá to lớn không thể chui vào được, gian nhà không có "khả năng" hay "đặc tính" chứa được cả một con voi. Điều đó không thể xảy ra được đối với gian nhà, có nghĩa là gian nhà "trống không" về các "đặc tính" mà nó không có, kinh sách cũng thường sử dụng cách nói "lông rùa sừng thỏ" để chỉ những gì không tưởng tức là không thể có hay xảy ra được. Gian nhà cũng không cất chứa bò đực, bò cái, ngựa đực, ngựa cái, vàng bạc..., cũng không có đám đàn ông hay đàn bà nào tu tập trong đó. Dù những thứ này rất thật và rất cụ thể, thế nhưng gian nhà cũng không cất chứa những thứ ấy: nó hoàn toàn trống không về những thứ ấy. Gian nhà chỉ duy nhất "không-trống-không" về cái tên gọi của nó là "gian tịnh xá", cái tên gọi đó là do Tăng đoàn tạo dựng ra để gán cho nó và bám víu vào cái danh xưng ấy của nó. Gian nhà trở thành gian tịnh xá không phải là do nó, tự nơi nó và bởi chính nó. Mặc dù sự hiện hữu của "gian tịnh xá" không mang tính cách tự tại hay nội tại từ bên trong nó, thế nhưng gian nhà cứ phải gánh chịu cái danh xưng đó của nó. Vì lý do đó nên nó "không-trống-không" về cái danh xưng ấy là như vậy. Thât hết sức rõ ràng "gian tịnh xá" chỉ là một "khái niệm", một "tên gọi" được tạo dựng và hiện lên bên trong tâm thức của những người tu hành trongTăngg đoàn mà thôi.
Hơn nữa ở một cấp bậc khác thì khi xác định đám gia súc là bò đực, bò cái, ngựa đực, ngựa cái, các kim loại là vàng bạc, con người là đàn ông, đàn bà thì đấy cũng là cách nhấn mạnh thêm tính cách khái niệm của những thứ ấy. Gian nhà không có các thứ ấy, nhưng nếu có đi nữa thì nó cũng không hàm chứa các các đặc tính đực/cái, sự quý giá, đàn ông đàn bà, bởi vì đấy chỉ là các khái niệm bên trong tâm thức con người mà thôi. Và đấy là cách mà Đức Phật giải thích về sự trống không của một hiện tượng và trong trường hợp này là một gian nhà. Gian nhà đó tuy rất thật do một người mang tên là Migara-Mita xây cất thế nhưng tự nó và từ bên trong nó thì nó hoàn toàn xa lạ đối với bất cứ một khái niệm nào phát sinh từ bên trong tâm thức con người. Gian nhà trống không là hiện thực, voi, bò, ngựa, đàn ông, đàn bà, vàng bạc, tịnh xá..., là các khái niệm. hiện lên trong tâm thức con người.
Sau khi định nghĩa và giải thích về sự trống không của các hiện tượng và sự sinh sôi khái niệm trong tâm thức con người thì Đức Phật nêu lên phép thiền định về sự trống không đó qua bảy cấp bậc từ thấp đến thật cao như sau:
1- Cảm nhận về rừng: "...này Ananda, người tỳ-kheo không tập trung vào sự cảm nhận liên quan đến ngôi làng, không tập trung vào sự cảm nhận liên quan đến con người, mà chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến khu rừng...."
Qua câu trên đây Đức Phật giúp người tỳ-kheo tách rời các mối quan tâm của mình về thế giới và hướng sự cảm nhận của người này vào một khung cảnh vắng vẻ và êm ả hơn của một khu rừng. Sau đó Ngài lại tiếp tục chỉ dẫn thêm:
- "Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về khu rừng. Tư duy của người ấy cảm thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó, người ấy cũng hiểu rằng: 'Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do sự cảm nhận về ngôi làng. Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do sự cảm nhận về con người. Nơi này chỉ có mối quan tâm về đặc tính duy nhất của tư duy thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến khu rừng'.
Sau khi tập trung sự chú tâm vào khu rừng thì tâm thức của người tỳ-kheo cũng sẽ tìm thấy được một niềm vui thích trong sự vắng vẻ và yên lặng đó của khu rừng, không còn bận tâm đến thế giới và con người nữa. Sự trống không ấy của thế giới là một sự cảm nhận tiên khởi và sơ đẳng nhất hiện lên với người hành thiền:
- "Do đó người ấy sẽ hiểu rằng: 'Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về ngôi làng. Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về con người. Sự nhận thức ấy chỉ không-trống-không về đặc tính duy nhất được thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến khu rừng".
Người tỳ-kheo dù đã cảm nhận được sự trống không của thế giới và con người nhưng vẫn còn cảm nhận được "đây là một khu rừng", tức là một khái niệm hiện lên rành rành bên bên trong tâm thức mình. Đức Phật giải thích tiếp cách phải làm thế nào để tách rời mình ra khỏi sự kiện không-trống-không đó:
- "Nếu có một chút tàn dư nào, thì đối với sự tàn dư ấy người này sẽ hiểu rằng: "Khi cái này có, [thì] cái kia có". Này Ananda, đấy chính là cách mà người tu tập hội nhập với sự trống không/Tánh không mang tính cách đích thật, không sai lầm và tinh khiết"
Với câu trên đây Đức Phật nhắc lại quy luật tương liên, tương tác và tương tạo/interdependence giữa các hiện tượng, có nghĩa là khi "cái này có [thì] cái kia có", quy luật đó chi phối sự vận hành của toàn thể thế giới hiện tượng, điều đó có nghĩa là mọi hiện tượng sở dĩ hiện hữu là nhờ lôi kéo nhau mà có, không có một hiện tượng nào tự hiện hữu một cách độc lập, riêng rẽ và tự tại được. Phía sau mọi hiện tượng - tức là bên trong của bên trong chúng - chỉ là một sự trống không mà thôi. Nếu người tỳ-kheo thiền định về khu rừng và cảm nhận được khu rừng trong tâm thức mình thì đấy cũng chỉ là kết quả mang lại từ sự lôi kéo của tư duy, tự nó khu rừng cũng không có. Dù ở cấp bậc sơ khởi nhất của thiền định với một đối tượng cụ thể là khu rừng, thế nhưng người hành thiền cũng đã ý thức được sự không-trống-không của nó phát sinh từ tư duy. Đức Phật lại tiếp tục hướng dẫn người tỳ-kheo bước vào cấp bậc thứ hai của sự cảm nhận về sự trống không:
2- Cảm nhận về đất: "Hơn nữa, này Ananda, người tỳ-kheo không tập trung vào sự cảm nhận liên quan đến con người, không tập trung vào sự cảm nhận liên quan đến khu rừng, [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến đất. Này Ananda, đấy cũng chẳng khác gì một tấm da bò được căng thật thẳng bằng một trăm cái cọc, và không còn dính một chút mỡ nào cả. Cũng thế, này Ananda, người tỳ-kheo không tập trung vào những thứ thuộc về đất, chẳng hạn như những vùng đất cao, những vùng đầm lầy, sông ngòi, cây cối với cành lá và gai góc... hoặc núi non, thung lũng, v.v..., [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận về đất".
Người tỳ-kheo tiếp tục mở rộng đối tượng thiền định: không tập trung vào làng mạc, con người, khu rừng mà là toàn thể mặt đất. Tất cả hoàn toàn trống không và phẳng lì, không có núi đồi, sông ngòi, cây cỏ gì cả, tương tự như một tấm da bò đã cạo sạch không dính một chút mỡ nào. Sự so sánh này là một cách nhắc lại sự trống không của một con vật trước đây còn gặm cỏ nay chỉ là một tấm da: tên gọi "con bò" chỉ là một khái niệm hiện lên trong tâm thức của người hành thiền, con bò không còn hiện hữu nữa. Mặt đất phảng lì chẳng có gì cả cũng tương tự như tấm da bò căng thẳng không còn phải là một con bò nữa. Khung cảnh bao la, trống không và "phi-khái-niệm" đó của một mặt đất thẳng tắp đến chân trời mang lại cho người tỳ-kheo một chút cảm nhận về một hình thức giải thoát nào đó:
- "Tư duy của người ấy cảm thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó người ấy cũng hiểu rằng: 'Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về con người. Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về rừng. Nơi này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ đặc tính duy nhất của tư duy thiết lập trên sự cảm nhận về đất' . Vì thế, này Ananda, đấy chính là cách mà người ấy hòa nhập vào sự trống không đích thật, không sai lầm và tinh khiết".
Sau đó Đức Phật lại tiếp tục hướng dẫn người tỳ-kheo cảm nhận được các thể dạng sâu xa hơn nữa, giúp mình thoát khỏi tất cả mọi sự sinh hoạt khái niệm hầu hội nhập và thường trú trong sự trống không/Tánh không hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng, giúp mình đạt được sự giải thoát cuối cùng. Người đọc có thể xem thêm về bài kinh vô cùng quan trọng này của Đức Phật, nêu lên một phép thiền định do chính Ngài đưa ra. Dù phương pháp và thuật ngữ có vài khác biệt giữa bài kinh về sự trống không/Tánh không này của Đức Phật và phép luyện tập Đại hoàn thiện, thế nhưng chủ đích tối hậu cũng chỉ là một, đó là sự trống không sâu xa bên trong tâm thức. Trong khuôn khổ những lời ghi chú này chúng ta không thể đi sâu hơn, những gì nêu lên trên đây chỉ là một sự gợi ý, người đọc có thể tìm hiểu thêm về bài kinh này trên trang mạng Thư viện Hoa Sen. Dầu sao dưới đây cũng xin nêu lên thật vắn tắt các cấp bậc khác từ 3 đến 7 như sau:
3- Cảm nhận về không gian vô tận:
Đối tượng thiền định trong cấp bậc này là không gian vô tận, một đối tượng "bao quát" và "vô hình" hơn so với mặt đất:
- "Vì thế, nếu không có một sự vật nào thì người ấy cũng nhận biết được rõ ràng về sự vắng mặt ấy. Nếu vẫn còn một chút tàn dư nào thì đối với sự tàn dư ấy, người này cũng hiểu rằng: "Khi cái này có [thì] cái kia có". Do đó, này Ananda, đấy chính là cách mà người ấy hội nhập vào sự trống không/Tánh không đích thật, không sai lầm và tinh khiết".
4- Cảm nhận về bầu không gian của tri thức vô tận:
Cấp bậc này đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng. Sau khi người tỳ-kheo đã cảm nhận được bầu không gian trống không của vũ trụ bên ngoài ở cấp bậc thứ 3 thì Đức Phật hướng sự chú tâm của người này ngược vào bên trong nội tâm để khám phá ra bầu không của tâm thức, bầu không gian đó cũng vô tận không thua kém gì so với bầu không gian của vũ trụ. Tuy nhiên nếu trong bầu không gian vô tận ấy của tâm thức vẫn còn rơi rớt một chút khái niệm tàn dư nào thì nó cũng không hề hàm chứa một sự hiện hữu đích thật nào cả, đấy chỉ là những gì mang lại từ quy luật tương liên - cái này có, cái kia có - tự nó thì nó chỉ là một sự trống không mà thôi:
- "Nếu vẫn còn một chút tàn dư nào, thì đối với sự tàn dư ấy người này cũng hiểu rằng: "Khi cái này có, [thì] cái kia có". Do đó, này Ananda, đấy chính là cách mà người ấy hòa nhập vào sự trống không đích thật, không sai lầm và tinh khiết".
5- Cảm nhận về thể dạng hư vô:
Nếu bên trong không gian tri thức vô tận của chính mình vẫn còn một khái niệm nào hiện lên thì nó cũng không mang một sự hiện hữu bền vững và nội tại nào cả. Sự ý thức đó sẽ giúp người hành thiền không còn cảm nhận được một bầu không gian nào nữa cả, dù là bên trong tâm thức hay bên ngoài vũ trụ, mà chỉ là một "thể dạng hư vô"hoàn toàn "phi-khái-niệm":
- "Nơi này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ đặc tính duy nhất của tư duy thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến "thể dạng hư vô".
6- Không-cảm-nhận thế nhưng cũng Không-phải-không-cảm-nhận:
Người hành thiền chỉ cảm nhận được thể dạng hư vô, ngoài ra không có bất cứ một thứ gì khác cả. Thế nhưng đấy vẫn chưa phải là "sự trống không tuyệt đối, đích thật và tinh khiết", bởi vì nó vẫn còn rơi rớt một tàn dư, đó là sự"cảm nhận" về "sự cảm nhận hư vô". Người hành thiền cảm nhận được thể dạng phi-cảm-nhận thế nhưng đấy vẫn là một sự "cảm nhận". Đức Phật cho biết sự kiện "không-cảm-nhận" cũng không phải là "không-cảm-nhận" có nghĩa là "cảm nhận" được thể dạng "không-cảm-nhận" đó:
- "Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về "thể dạng không-cảm-nhận cũng không-phải-không-cảm-nhận". Tư duy của người ấy cảm thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy".
Nếu vẫn còn lắng sâu vào sự "cảm nhận" về "thể dạng không-cảm-nhận" thì vẫn chưa phải là sự trống không, mà còn phải hóa giải hay hòa tan sự cảm nhận đó dù đấy cũng chỉ là một sự "cảm nhận" về "thể dạng không-cảm-nhận":
7- Cảm nhận về thể dạng tập trung tâm thần không chủ đích:
Dù là hư vô thế nhưng nó vẫn là một khái niệm, một đối tượng của sự cảm nhận, vẫn huy động và đòi hỏi người tỳ-kheo phải có một sự tập trung và cố gắng nào đó. Thể dạng trống không tối thượng phải thoát ra khỏi tất cả những thứ ấy:
- "Này Ananda, một người tu tập không tập trung vào sự cảm nhận về "thể dạng hư vô", không tập trung vào sự cảm nhận về "thể dạng không-cảm-nhận cũng không-phải-không-cảm-nhận", [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến "thể dạng tập trung tâm thần không chủ đích"
...
- "Khi người ấy hiểu được điều này và nhìn thấy được điều này, thì tư duy [của người ấy] cũng sẽ loại bỏ được sự ô nhiễm của sự thèm muốn; tư duy [của người ấy] cũng sẽ loại bỏ được vô minh. Khi nào người ấy đã loại bỏ hết [những thứ ấy] thì sự hiểu biết sẽ hiện ra [và người ấy sẽ vụt thốt lên]: 'Thế ra sự giải thoát chính là như thế ấy!"
Hoàn toàn tỉnh giác nhưng không chủ đích có nghĩa là sự dừng lại của tư duy, sự đình chỉ của khái niệm. Sự Giải thoát hiện lên từ một nơi sâu kín nhất bên trong tâm thức của người hành thiền.
ÊMAHÔ! A LA LA!
"Tất cả mọi sự sinh mới đều được tiêu trừ, những gì phải thực hiện đều đã được hoàn tất, không còn lưu lại bất cứ gì để phải thực hiện nữa".
Câu cuối cùng trên đây trong bài kinh chính là quả mang lại từ Con Đường. Thành Phật cũng chỉ là "Như Thế" (Tathagata/Như Lai), không còn bất cứ gì để phải thực hiện, một sự nghỉ ngơi thật sâu xa và toàn diện trên thân xác cũng như trên dòng luân lưu bất tận của tri thức. Đấy là sự trống không đích thật, không sai lầm và tinh khiết: bên trong sự trống không đó không còn lưu lại bất cứ gì cũng không hiện ra bất cứ gì để mà sai lầm và bị ô nhiễm nữa.
Quả là đơn giản! Thật hết sức đơn giản! Êmahô! A La La!
Phép thiền định nêu lên trong Bài kinh ngắn về Tánh không trên đây cho thấy một sự thăng tiến tuần tự đưa đến sự tập trung tâm thần không chủ đích, cắt đứt mọi sự sinh hoạt khái niệm, thế nhưng Đức Phật không nói gì về thể dạng hiện lên phía sau sự đình chỉ đó. Trong một bài kinh khác là Anapanasati Sutta/Kinh về sự chú tâm vào hơi thở(Trung Bộ Kinh, MN 118), Ngài cũng chỉ giảng rằng "bên trong của bên trong thân xác, bên trong của bên trong cáccảm giác, bên trong của bên trong các hiện tượng tâm thần, bên trong của bên trong tâm thức chỉ là mợt sự trống không mà thôi". Cách chỉ định "bên trong của bên trong" một hiện tượng nói lên sự vượt thoát tính cách khái niệm của tư duy, tức là vượt lên trên sự hiểu biết công thức và quy ước, phản ảnh một sự "trống không tuyệt đối" mà Đức Phật không sử dụng bất cứ một thuật ngữ nào để chỉ định nó một cách cụ thể cả. Bởi vì dù chỉ định bằng cách này hay cách khác thì sự trống không ấy cũng sẽ bắt buộc trở thành một khái niệm mà thôi. "Bên trong của bên trong" là một cách cắt đứt dòng tư duy, không còn một tiêu chuẩn nào để suy luận, một điểm tựa nào để định hướng. Đó là sự "trống không đích thật, không sai lầm và tinh khiết, vượt lên trên mọi sự sinh hoạt khái niệm.
Trong khi đó thì phép thiền định của Đại hoàn thiện đưa ra hai phương pháp "Đột phá" và "Vượt lên đỉnh cao" giúp trực tiếp khám phá ra thể dạng tâm thức thần bí nhất, là một cái gì đó rất cụ thể và rất thật, mang tính cách mầu nhiệm và thiêng liêng, và sau đó thì mới đưa nó trở về với sự trống không tinh khiết và phi-khái-niệm của nó. Đấy là sự khác biệt chủ yếu giữa Giáo Huấn của Đức Phật và toàn thể Đại thừa nói chung.
Dầu sao các phép thiền định của Đại hoàn thiện do Đức Đạt-lai Lạt-ma nêu lên trong quyển sách này cho thấy rất trực tiếp, thiết thực và vô cùng hữu hiệu. Nếu muốn tu tập theo các phương pháp vô cùng thiện xảo đó thì đôi khi cũng khá khó khăn cho mỗi người trong chúng ta ngày nay để có thể tìm được một vị thầy Tây Tạng uyên bác đưa "ánh sáng trong suốt con" vào bên trong chính mình hầu giúp mình tìm thấy người "Mẹ" đích thật sinh ra mình, tức là dòng tri thức nguyên sinh, tinh khiết, không khởi thủy cũng không chấm dứt của chính mình. Do vậy chúng ta nên xem Đức Đạt-lai Lạt-ma là vị Thầy trực tiếp của mình, ban cho mình phép thụ giáo Đại hoàn thiện, giúp mình quán thấy được tâm thức thần bí nhất của mình hầu hòa nhập với ánh sáng trong suốt "Mẹ" từ một nơi sâu kín nhất bên trong chính mình.
Phụ Lục
Trong phần phụ lục dưới đây ngoài bản Việt dịch đầy đủ bài thơ của Patrul Rinpoché gộp chung các đoạn rời rạc trong quyển sách này, người chuyển ngữ cũng xin trích dẫn thêm bản dịch tiếng Pháp của bà Sofia Stril-Rever, bản dịch tiếng Anh của Jeffrey Hopkins và cả hai bản dịch song ngữ: Tây Tạng/Anh và Tây Tạng/Pháp do Ủy ban dịch thuật kinh sách Tây Tạng của Pháp là Rigpa thực hiện, hầu người đọc tiện tham khảo.
Phụ lục 1. Bản dịch tiếng Việt (Hoang Phong)
Phụ lục 2: Bản dịch tiếng Pháp của bà Sofia Stril-Rever
Phụ lục 3: Bản dịch tiếng Anh của Jeffrey Hopkins
Phụ lục 4: Bản dịch song ngữ Tây Tạng/Anh của Ủy ban dịch thuật Rigpa
Phụ lục 5: Bản dịch song ngữ Tây Tạng/Pháp của Ủy ban dịch thuật Rigpa
Phụ Lục 1
Bài thơ "Ba chữ đánh thẳng vào tâm điểm"
của Dza Patrul Jigme Chokyi Wangpo
(Bản đầy đủ bằng tiếng Việt do Hoang Phong chuyển ngữ)
***
Giáo Huấn vô song của vị Vua trí tuệ và vinh quang
Ba chữ đánh thẳng vào tâm điểm
Xin tôn vinh các vị thầy của trí tuệ.
Sự "Quán thấy" To rộng như không gian muôn chiều, [là nhà sư] Longchen Rabjam.
"Thiền định" là Muôn tia sáng của trí tuệ và tình thương yêu, [là nhà sư] Khyentse Öser.
"Hành động" là Hạt mầm của kẻ Chiến thắng, [là nhà sư] Gyalwe Nyugu.
Tôi nêu lên điều đó không một chút ngần ngại, bất cứ ai luyện tập theo phương cách đó,
Tất sẽ đạt được sự giác ngộ ngay trong kiếp sống này,
Hoặc ít nhất cũng đạt được một thể dạng phúc hạnh thật tuyệt vời! A la la!
Sự quán thấy mang tính cách bao quát và muôn chiều,
Được nêu lên trong những lời giảng dạy của ba giáo huấn:
Giáo huấn thứ nhất:
Trước hết hãy để cho tâm thức nghỉ ngơi,
Thoát khỏi mọi sự phóng tưởng, thoái lùi và mọi sinh hoạt khái niệm khác.
Đang trong lúc nghỉ ngơi nhờ lắng sâu vào thể dạng hoàn hảo của thiền định đó,
Thì hãy bất thần thét lên một tiếng thật lớn, thật sâu và cực ngắn: Phat!
Tương tự như một tiếng sét, đánh thẳng vào tri thức. Ồ! Thật lạ lùng!.
[Hóa ra] Chẳng có một thứ gì cả, thật hết sức kinh hoàng!
Quả là một sự kinh hoàng, một sự xuyên thấu không có gì ngăn chận được nó!
Hãy xác định ngay tâm thức thần bí nhất ấy của Dharmakaya/Thân Đạo Pháp.
Thực thể đó, hãy nhận biết được nó từ bên trong chính mình - đây là giáo huấn thứ nhất.
Giáo huấn thứ hai:
Sau đó, dù bị phân tán bởi những gì bên ngoài hay vẫn thường trú bên trong chính mình,
Dù đang cảm thấy giận dữ hay thèm khát, an vui hay đau buồn,
Dù bất cứ lúc nào, đang trong hoàn cảnh nào,
Hãy cứ nhận biết trí tuệ nguyên sinh của Dharmakaya, mà mình đã nhận diện được nó.
Ánh sáng trong suốt mẹ và ánh sáng trong suốt con, đã quen biết nhau từ trước, sẽ cùng hòa nhập với nhau.
Hãy an trú bên trong thể dạng của phẩm tính không thể mô tả được của tâm thức thần bí nhất.
[Dù đấy là] sự thanh thản, niềm phúc hạnh, sự trong sáng hay niềm hân hoan, thì cũng cứ đập tan tất cả, cứ đập tan và đập tan,
Hãy đập tan tất cả bằng tiếng thét của phương pháp và trí tuệ.
Không có một sự khác biệt nào giữa thể dạng thăng bằng trong lúc hành thiền và kết quả mang lại [từ thể dạng đó].
Hãy an trú trong thể dạng không bị phân tách ấy.
Không có gì khác biệt giữa lúc đang-thiền-định và sau-khi-thiền-định.
Tuy nhiên, khi nào đã đạt được sự thăng bằng [trong khi thiền định],
Thì nên chọn thể dạng thiền định nào mà mình đã loại bỏ được mọi sự xao lãng.
Hãy sắp đặt các buổi hành thiền thật đều đặn.
Bất cứ lúc nào và trong hoàn cảnh nào.
Chỉ cần đơn giản duy trì sự hiển lộ của Dharmakaya.
Phải nhất quyết nghĩ rằng chẳng có bất cứ một thứ gì khác đáng để phải quan tâm,
Phải ý thức minh bạch rằng duy nhất chỉ có điều đó mà thôi - đây là giáo huấn thứ hai.
Giáo huấn thứ ba:
Vào đúng lúc đó, trong khuôn khổ của sự hiểu biết [phát sinh từ] thực thể căn bản,
Giữa mọi sự thèm khát và hận thù,
Cũng như mọi sự thích thú và đớn đau, kể cả mọi thứ khái niệm phụ thuộc,
Không có bất cứ một sự kết nối nào được tạo tác và tồn lưu cả.
Hãy nhận biết Dharmakaya mà bên trong nó tất cả đã được buông bỏ.
Tất cả đều biến mất tương tự như những dòng chữ viết trên mặt nước.
Trên dòng chuyển biến không hề gián đoạn của sự tự-hiển-hiện và tự-giải-thoát đó,
Bất cứ một thứ gì hiện lên cũng chỉ là thức ăn nuôi dưỡng tri thức trần trụi và trống không. Bất cứ một thứ gì chuyển động cũng chỉ là một trò đùa siêu đẳng của Dharmakaya mà thôi.
Tất cả đều được tinh khiết hóa một cách tự nhiên, không lưu lại một dấu vết nào! A la la!
Tất cả đã từng hiển lộ như trước đây,
Thế nhưng phương cách giải thoát thì lại hoàn toàn khác hẳn.
Nếu thiền định mà không thực hiện được điều đó thì chỉ đưa đến mọi sự lầm lẫn mà thôi.
Bất cứ ai hiểu được điều đó [đương nhiên] sẽ thường trú trong Dharmakaya [mà không cần phải thiền định thêm về bất cứ gì nữa cả].
Sự vững tin sẽ hiện lên đúng vào lúc [mà mình] đã loại bỏ được mọi thứ tư duy - và đây cũng là giáo huấn chủ yếu thứ ba.
Sự "quán thấy" là một trong ba giáo huấn chủ yếu,
Cùng với phép "Thiền định" về trí tuệ nồng nhiệt và Lòng "Từ bi" nhân ái,
Sẽ được hỗ trợ bởi sự tham gia của tất cả các người con của các vị Chiến Thắng.
Các vị Chiến thắng của cả ba thời gian có bao giờ tự hỏi:
Mình đã từng trông thấy một giáo huấn nào siêu việt hơn giáo huấn này hay chăng?
Người khám phá ra kho tàng Dharmakaya, phát sinh từ sự tỏa sáng năng hoạt của tâm thức thần bí nhất,
Nhờ vào các cảm ứng hiện lên từ trí tuệ vô biên của mình, đã phát hiện ra văn-bản-kho-tàng này,
Một kho tàng [hoàn toàn] khác hẳn với các kho tàng khác, khai quật từ lòng đất hay trong núi đá.
Đây chính là di chúc tối hậu của Garab Dorgje,
Và cũng là cốt lõi tinh anh của tâm thức nồng nhiệt của tất cả ba dòng truyền thừa.
Sự bí mật trao truyền cho các đệ tử của con tim tôi.
Chính là những lời thuyết giảng này, phát xuất từ con tim tôi, và bên trong con tim của những lời thuyết giảng đó hàm chứa cả một ý nghĩa thật sâu xa.
Chớ khinh thường ý nghĩa cốt lõi ấy, đó là tinh anh của tất cả mọi ý nghĩa!
Không nên để thất thoát đi những lời giáo huấn ấy!
Phu lục 2
Bài thơ "Ba chữ đánh thẳng vào tâm điểm"
của Dza Patrul Jigme Chokyi Wangpo
(Bản đầy đủ bằng tiếng Pháp do bà Bà Sofia Stril-Rever dịch)
***
Enseignement incomparable du Roi sage et glorieux
Trois mots qui frappent le point vital
Hommage aux maîtres de sagesse.
La vue est "Vaste espace multidimentionnel", Longchen Rabjam.
La méditation est "Rayons lumineux de sagesse et d'amour", Khyentse Öser.
L'action est "Jeune pousse de Vainqueurs", Gyalwe Nyugu.
Je le dis sans hésiter, quiconque pratique ainsi s'éveillera en une seule vie.
On atteindra sinon une prodigieuse félicité! A la la!
La vue, étendue multidimentionnelle,
Est exposée dans les enseignements essentiels des trois instructions.
Première instruction:
Pour commencer, laisse reposer ton esprit.
Libre d'émission, de retrait et d'actìvité conceptuelle,
En ce délassement d'absorption méditative parfaite,
Lance soudain un son Phat, fort, intense, abrupt,
Qui foudroie ta conscience. Emaho
Il n'y a rien, sidération!
Sidération, percée non obstruée!
Percée non obstruée, inexprimable!
Identifie l'esprit la plus secret du Dharmakaya!
Cette identité, reconnais-la en toi - telle est la première instruction essentielle.
Deuxième instruction:
Ensuite, que tu te disperses à l'extérieur ou que tu demeures à l'intérieur,
Que tu éprouves colère ou désir, bonheur ou tristesse,
En tout temps, en toute situation,
Reconnais la sagesse primordiale du Dharmakaya que tu a identifiée.
Se connaissant déjà, les claires lumières mère et fille fusionnent.
Demeure dans l'état indicible de la qualité de l'esprit le plus secret.
Tranquillité, félicité, clarté et jubilation, brise-les, encore et encore.
Fais descendre d'un coup la syllabe de la methode et de la sagesse!
Nulle différence entre égalité méditative et obtention subséquente,
Demeure sans cesse dans l'état non divisé
Sans distinguer entre méditation et après-méditation.
Cependant jusqu'à ce que tu aies acquis la stabilité,
Privilégie la méditation dans l'état òu l'on abandonne toute distraction,
Répartis ta pratique de méditation en sessions formelles.
En tout temps, en toutes situations,
Maintiens simplement la manifestation du Dharmakaya.
Prends la décision ferme que rien d'autre ne compte.
Sois certain de cela seul - telle est la deuxième instruction essentielle.
Troisième instruction:
Alors, au sein de la connaissance de l'entité fondamentale,
Tous les désirs et toutes les haines,
Tous les plaisirs et toutes les peines, et tous les concepts adventices,
Plus aucune connexion ultérieure ne se crée.
Reconnais le Dharmakaya où tout se libère,
Comme des écrits, tracés sur l'eau, disparaissent.
Dans l'auto-apparition et l'auto-libération ininterrompues,
Tout ce qui se lève est nourriture pour la conscience nue et vide,
Tout ce qui fluctue est le jeu royal du Dharmakaya,
Spontanément purifié sans laisser de trace, A la la!
Tout se manifeste comme avant,
Mais les modes de libérations diffèrent grandement.
La méditation sans cette réalisation est un chemin d'erreur.
Ceux qui l'ont compris demeurent sans méditation dans le Dharmakaya.
La confiance se lève au moment de la libération des pensées - telle est la troisième instruction essentielle.
La vue dotée des trois instructions essentielles,
Et la méditation de la sagesse axaltée et de la compassion aimante
Sont soutenues par l'action commune de tous les enfants des Vaiqueurs.
Les Vainqueurs des trois temps se concerteraient-ils,
Ils ne trouveraient nulle instruction supérieure à celle-ci,
Le découvreur du trésor du Dharmakaya, issu du rayonnement dynamique de l'esprit
le plus secret,
A révélé ce text-trésor, émané de l'immensité de la sagesse,
Qui diffère des trésors axhumés de la terre et de la roche.
Tel est le testament ultime de Garab Dorje,
Quintessence de l'esprit exalté des trois lignées de transmissions.
Secret confié aux disciples de mon coeur,
Ce dicours de mon coeur, ce coeur de mon discours contient le sens profond.
Ne dépréciez pas le sens essentiel, l'essence du sens
Ne laissez pas échapper ces instructions!
Phụ lục 3
Bài thơ "Ba chữ đánh thẳng vào tâm điểm"
của Dza Patrul Jigme Chokyi Wangpo
(Bản tiếng Anh trích trong quyển The Dalai Lama - The Heart of Meditation, Discovering Innermost Awareness - Jeffrey Hopskins Editor & Translator
***
Three Keys Penetrating the Core
Dza Patrul Jigme Chokyi Wangpo
-
The Uniqueness of the Wise Glorious Monarch:
Three Keys Penetrating the Core
Homage to the mamas.
The view is the multitidinous great expanse (Longchen Rabjam)
The Meditation is light rays of knowledge and empathy (Kyentze Oser)
The behavior is the shoot of a Victor (Gyalwe Nyugu)
For one who practices in this way, there is no hesitation about buddhahood in one life.
Though not such, amazing blissful awareness! A LA LA!
The view, the multitudinous expanse.
Is cast in practical essentials of three keys
I.
First set your own mind in a relaxed state,
Not emitting, not withdrawing, without cenceptuality.
In this relaxed state of total ansorption,
Suddenly shout PAT, striking your awareness,
Strong, intense, short. E MA HO!
Not anything, astounding.
Astounding, unimpeded penetration.
Unimpeded penetration, inexpressible.
Identify innermost awareness of the truth body.
Its entity is identified within youself - the first essential.
II.
Then, whether spreading out or abiding within,
Whether angry or desirous, happy or sad.
At all times and occasions,
Recognize the indentified pristine wisdom truth body.
For those with prior acquaintance, the mother and child clear lights meet.
Be founded in the inexpressible state of the quality of innermost awareness.
Stability, bliss, luminisity, and delight should again and again be destroyed.
Make the syllable of method and wisdom suddenly descend.
Meditative equipoise and subsequent attainment do not differ.
Continuously dwelling in the undifferentiable state,
Session and between-session are not divided,
However, until attaining stability,
Meditation within having abandoned commotion is to be valued.
Practice is done within division into sessions.
At all times and occasions,
Maintain the display of just the truth body,
Be firmly decided that there is none other than this.
Be determined on this alone - the second essential.
III.
At this time, within knowing the basic entity
Of all desires and hatreds, pleasures and pains,
And all adventitious conceptions, no subsequent connection is made.
Through identifying the truth body, the mode of release,
They become like writing on water.
With uninterrupted self-appearance and self-release
Whatver dawns is sustenance for naked empty awareness.
Whatever fluctuates is the royal sport of the truth body,
Self-purifying without a trace. A LA LA.
The way they dawn is like earlier,
But the modes of release are importanly different.
Meditation without this is a mistaken path.
Those having this, without meditation, are within the truth body.
Confidence, is found upon release - the third essential.
This view endowed with three essential points
Is assisted by and assists meditation entwined with axalted knowledge and empathy,
As well as the general deeds of the three times consulted together,
They would have no guidance exceeding this.
The revealer of the treasure from the vastness of wisdom.
Extractions of earth and stone differ from this.
It is the final word of Garab Dorje,
Final extract of the axalted mind of the three transmissions.
Restrictedly intended for heart children,
It is the profound meaning.
Conversation of the heart , heart conversation.
Do not lose this essential meaning, essence of meaning!
Do not neglect the instructions!
Phụ lục 4
Bài thơ "Ba chữ đánh thẳng vào tâm điểm"
của Dza Patrul Jigme Chokyi Wangpo
(Bản song ngữ tiếng Tây Tạng và tiếng Anh do Ủy Ban dịch thuật Rigpa của Pháp
thực hiện, năm 2008)
***
༄༅། །མཁས་པ་ཤྲཱི་རྒྱལ་པོའི་ཁྱད་ ཆོས་བཞུགས་སོ། །
Hitting the Essence in Three Words
“The Special Teaching of the Wise and Glorious King”
བླ་མ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །
Homage to the master!
ལྟ་བ་ཀློང་ཆེན་རབ་འབྱམས་ཡིན། །
The view is Longchen Rabjam: infinite, vast expanse.
སྒོམ་པ་མཁྱེན་བརྩེའི་འོད་ཟེར་ཡི ན། །
Meditation is Khyentse Özer: rays of wisdom and love.
སྤྱོད་པ་རྒྱལ་བའི་མྱུ་གུ་ཡིན། །
Action is Gyalwé Nyugu, that of the bodhisattvas.
དེ་ལྟར་ཉམས་སུ་ལེན་པ་ལ། །
One who practises in such a way,
ཚེ་གཅིག་སངས་རྒྱས་ལ་ཐང་མེད། །
May well attain enlightenment in this very life.
མིན་ཀྱང་བློ་བདེ་ཨ་ལ་ལ། །
And even if not, what happiness! What joy! A la la!
1. Introducing directly the face of rigpa in itself
ལྟ་བ་ཀློང་ཆེན་རབ་འབྱམས་ནི། །
As for the view, Longchen Rabjam,
ཚིག་གསུམ་དོན་གྱི་གནད་དུ་བརྡེག །
Three words hit the vital point.
དང་པོ་རང་སེམས་ལྷོད་དེ་བཞག །
First, relax and release your mind,
མི་སྤྲོ་མི་བསྡུ་རྣམ་རྟོག་མེད། །
Neither scattered, nor concentrated, without thoughts.
ངང་ལ་ཕྱམ་གནས་ལྷོད་དེའི་ངང༌། །
While resting in this even state, at ease,
ཐོལ་བྱུང་བློ་རྡེག་ཕཊ་ཅིག་རྒྱབ། །
Suddenly let out a mind-shattering ‘phat!’,
དྲག་ལ་ངར་ཐུང་ཨེ་མ་ཧོ། །
Fierce, forceful and abrupt. Amazing!
ཅི་ཡང་མ་ཡིན་ཧད་དེ་བ། །
There is nothing there: transfixed in wonder,
ཧད་དེ་བ་ལ་ཟང་ཐལ་ལེ། །
Struck by wonder, and yet all is transparent and clear.
ཟང་མ་ཐལ་བྱུང་བརྗོད་དུ་མེད། །
Fresh, pure and sudden, so beyond description:
ཆོས་སྐུའི་རིག་པ་ངོས་ཟུངས་ཤིག །
Recognize this as the pure awareness of dharmakāya.
ངོ་རང་ཐོག་ཏུ་སྤྲད་པ་སྟེ་གནད་ དང་པོའོ། །
The first vital point is: introducing directly the face of rigpa in itself.
2. The second vital point is: decide upon one thing, and one thing only
དེ་ནས་འཕྲོའམ་གནས་ཀྱང་རུང༌། །
Then, whether in a state of movement or stillness,
ཁྲོའམ་ཆགས་སམ་སྐྱིད་དམ་སྡུག །
Of anger or attachment, happiness or sorrow,
དུས་དང་གནས་སྐབས་ཐམས་ཅད་དུ། །
All the time, in any situation,
ངོ་ཤེས་ཆོས་སྐུ་ངོས་བཟུང་ལ། །
Recognize that dharmakāya you recognized before,
སྔར་འདྲིས་འོད་གསལ་མ་བུ་སྤྲད། །
And mother and child clear light, already acquainted, will reunite.
བརྗོད་མེད་རིག་ཆའི་ངང་ལ་བཞག །
Rest in the aspect of awareness, beyond all description.
གནས་བདེ་གསལ་འཕྲོ་ཡང་ཡང་བཤིག །
Stillness and bliss, clarity and thinking: disrupt them, again and again,
ཐབས་ཤེས་ཡི་གེ་གློ་བུར་འབེབས། །
Suddenly striking with the syllable of skillful means and wisdom.
མཉམ་གཞག་རྗེས་ཐོབ་ཐ་དད་མེད། །
With no difference between meditation and post-meditation,
ཐུན་དང་ཐུན་མཚམས་དབྱེ་བ་མེད། །
No division between sessions and breaks,
དབྱེར་མེད་ངང་དུ་རྒྱུན་དུ་གནས། །
Always remain in this indivisible state.
འོན་ཀྱང་བརྟན་པ་མ་ཐོབ་པར། །
But, until stability is attained,
འདུ་འཛི་སྤངས་ནས་སྒོམ་པ་གཅེས། །
It is vital to meditate, away from all distractions and busyness,
མཉམ་གཞག་ཐུན་དུ་བཅད་ལ་བྱ། །
Dividing the practice into proper meditation sessions.
དུས་དང་གནས་སྐབས་ཐམས་ཅད་དུ། །
All the time, in any situation,
ཆོས་སྐུ་གཅིག་པོའི་ཡོ་ལངས་བསྐྱ ང༌། །
Abide by the flow of what is just dharmakāya.
དེ་ལས་གཞན་མེད་ཁོ་ཐག་བཅད། །
Decide with absolute conviction that there is nothing other than this—
ཐག་གཅིག་ཐོག་ཏུ་བཅད་པ་སྟེ་གནད་ པ་གཉིས་པའོ། །
The second vital point is: decide upon one thing, and one thing only.
3. The third vital point is: confidence directly in the liberation of rising thoughts
དེ་ཚེ་ཆགས་སྡང་དགའ་སྡུག་དང༌། །
At that point, whether attachment or aversion, happiness or sorrow—
གློ་བུར་རྣམ་རྟོག་མ་ལུས་པ། །
All momentary thoughts, each and every one,
ངོ་ཤེས་ངང་ལ་རྗེས་མཐུད་མེད། །
Upon recognition, leave not a trace behind.
གྲོལ་ཆའི་ཆོས་སྐུ་ངོས་བཟུང་བས། །
For recognize the dharmakāya in which they are freed,
དཔེར་ན་ཆུ་ཡི་རི་མོ་བཞིན། །
And just as writing vanishes on water,
རང་ཤར་རང་གྲོལ་རྒྱུན་ཆད་མེད། །
Arising and liberation become natural and continuous.
ཅི་ཤར་རིག་སྟོང་རྗེན་པའི་ཟས། །
And whatever arises is food for the bare rigpa emptiness,
ཇི་འགྱུ་ཆོས་སྐུ་རྒྱལ་པོའི་རྩལ། །
Whatever stirs in the mind is the inner power of the dharmakāya king,
རྗེས་མེད་རང་དག་ཨ་ལ་ལ། །
Leaving no trace, and innately pure. What joy!
འཆར་ལུགས་སྔར་དང་འདྲ་བ་ལ། །
The way things arise may be the same as before,
གྲོལ་ལུགས་ཁྱད་པར་གནད་དུ་ཆེ། །
But the difference lies in the way they are liberated: that’s the key.
འདི་མེད་སྒོམ་པ་འཁྲུལ་པའི་ལམ། །
Without this, meditation is but the path of delusion,
འདི་ལྡན་མ་བསྒོམས་ཆོས་སྐུའི་ངང༌ ། །
With it, even without meditating, there’s the state of dharmakāya—
གདེང་གྲོལ་ཐོག་ཏུ་བཅའ་བ་སྟེ་ གནད་གསུམ་པའོ། །
The third vital point is: confidence directly in the liberation of rising thoughts.
4. Colophon
གནད་གསུམ་ལྡན་པའི་ལྟ་བ་ལ། །
For the View which has the three vital points,
མཁྱེན་བརྩེ་འབྲེལ་བའི་སྒོམ་པ་ དང༌། །
Meditation, the union of wisdom and love,
རྒྱལ་སྲས་སྤྱི་ཡི་སྤྱོད་པ་གྲོ གས། །
Is accompanied by the Action common to all the bodhisattvas.
དུས་གསུམ་རྒྱལ་བའི་ཞལ་བསྡུར་ཀྱ ང༌། །
Were all the buddhas to confer,
འདི་ལས་ལྷག་པའི་གདམས་ངག་མེད། །
No instruction would they find greater than this,
རིག་རྩལ་ཆོས་སྐུའི་གཏེར་སྟོན་གྱི ས། །
Brought out as a treasure from the depth of transcendental insight,
ཤེས་རབ་ཀློང་ནས་གཏེར་དུ་བླངས། །
By the tertön of dharmakāya, the inner power of rigpa,
ས་རྡོའི་བཅུད་དང་འདི་མི་འདྲ། །
Nothing like ordinary treasures of earth and stone,
དགའ་རབ་རྡོ་རྗེའི་ཞལ་ཆེམས་ཡིན། །
For it is the final testament of Garab Dorje,
བརྒྱུད་པ་གསུམ་གྱི་ཐུགས་བཅུད་ཡི ན། །
The essence of the wisdom mind of the three transmissions.
སྙིང་གི་བུ་ལ་གཏད་དོ་རྒྱ། །
It is entrusted to my heart disciples, sealed to be secret.
ཟབ་དོན་ཡིན་ནོ་སྙིང་གི་གཏམ། །
It is profound in meaning, my heart’s words.
སྙིང་གཏམ་ཡིན་ནོ་དོན་གྱི་གནད། །
It is the words of my heart, the crucial key point.
དོན་གནད་ཡལ་བར་མ་དོར་ཅིག །
This crucial point: never hold it cheap.
གདམས་ངག་ཟགས་སུ་མ་འཇུག་ཅིག །
Never let this instruction slip away from you.
མཁས་པ་ཤྲཱི་རྒྱལ་པོའི་ཁྱད་ཆོས་ སོ། །
This is the special teaching of the wise and glorious king.
Phụ lục 5
Bài thơ "Ba chữ đánh thẳng vào tâm điểm"
(Bản song ngữ tiếng Tây Tạng và tiếng Pháp do Ủy ban dịch thuật Rigpa của Pháp
thực hiện, năm 2010)
༄༅། །མཁས་པ་ཤྲཱི་རྒྱལ་པོའི་ཁྱད་ ཆོས་བཞུགས་སོ། །
Frapper l’essence en trois mots
" L’Enseignement spécial du roi sage et glorieux"
བླ་མ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །
Hommage au maître !
ལྟ་བ་ཀློང་ཆེན་རབ་འབྱམས་ཡིན། །
La Vue est Longchen Rabjam : espace vaste, infini.
སྒོམ་པ་མཁྱེན་བརྩེའི་འོད་ཟེར་ཡི ན། །
La Méditation est Khyentsé Özer : lumière de sagesse et d’amour.
སྤྱོད་པ་རྒྱལ་བའི་མྱུ་གུ་ཡིན། །
L’Action est Gyalwé Nyougou, celle des bodhisattvas.
དེ་ལྟར་ཉམས་སུ་ལེན་པ་ལ། །
Quiconque pratique ainsi
ཚེ་གཅིག་སངས་རྒྱས་ལ་ཐང་མེད། །
Peut fort bien réaliser l’Éveil en cette vie même.
མིན་ཀྱང་བློ་བདེ་ཨ་ལ་ལ། །
Et même si ce n’est pas le cas, quel bonheur ! Quelle joie ! A la la !
1. Le premier point vital est : présentation directe du visage de rigpa en lui-même
ལྟ་བ་ཀློང་ཆེན་རབ་འབྱམས་ནི། །
En ce qui concerne la Vue, Longchen Rabjam,
ཚིག་གསུམ་དོན་གྱི་གནད་དུ་བརྡེག །
Trois mots frappent le point vital.
དང་པོ་རང་སེམས་ལྷོད་དེ་བཞག །
D’abord, relâchez et détendez l’esprit,
མི་སྤྲོ་མི་བསྡུ་རྣམ་རྟོག་མེད། །
Ni dispersé, ni concentré, libre de pensées.
ངང་ལ་ཕྱམ་གནས་ལྷོད་དེའི་ངང༌། །
Tout en demeurant dans cet état d’équilibre détendu et à l’aise,
ཐོལ་བྱུང་བློ་རྡེག་ཕཊ་ཅིག་རྒྱབ། །
Lancez soudain un son « phat ! » qui fait voler l’esprit en éclats,
དྲག་ལ་ངར་ཐུང་ཨེ་མ་ཧོ། །
Fulgurant, puissant et soudain : Stupéfiant !
ཅི་ཡང་མ་ཡིན་ཧད་དེ་བ། །
Il n’y a rien : frappé d'émerveillement,
ཧད་དེ་བ་ལ་ཟང་ཐལ་ལེ། །
Foudroyé d'émerveillement… pourtant tout est d'une clarté transparente.
ཟང་མ་ཐལ་བྱུང་བརྗོད་དུ་མེད། །
Frais, pur et soudain, au-delà de toute description :
ཆོས་སྐུའི་རིག་པ་ངོས་ཟུངས་ཤིག །
Reconnaissez ceci comme la pure conscience claire du dharmakâya.
ངོ་རང་ཐོག་ཏུ་སྤྲད་པ་སྟེ་གནད་ དང་པོའོ། །
Le premier point vital est : présentation directe du visage de rigpa en lui-même.
2. Le deuxième point vital est : décidez d'une chose et d'une seule
དེ་ནས་འཕྲོའམ་གནས་ཀྱང་རུང༌། །
Alors, dans le mouvement ou la tranquillité,
ཁྲོའམ་ཆགས་སམ་སྐྱིད་དམ་སྡུག །
Dans la colère ou l’attachement, dans le bonheur ou dans la peine,
དུས་དང་གནས་སྐབས་ཐམས་ཅད་དུ། །
En tout temps et en toute situation,
ངོ་ཤེས་ཆོས་སྐུ་ངོས་བཟུང་ལ། །
Reconnaissez le dharmakâya reconnu auparavant,
སྔར་འདྲིས་འོད་གསལ་མ་བུ་སྤྲད། །
Et les claires lumières mère et fille, se connaissant déjà, se réuniront.
བརྗོད་མེད་རིག་ཆའི་ངང་ལ་བཞག །
Demeurez dans l’aspect de conscience claire, au-delà de toute description.
གནས་བདེ་གསལ་འཕྲོ་ཡང་ཡང་བཤིག །
Tranquillité, félicité et clarté : détruisez-les, encore et encore,
ཐབས་ཤེས་ཡི་གེ་གློ་བུར་འབེབས། །
Frappant soudain avec la syllabe des moyens habiles et de la sagesse.
མཉམ་གཞག་རྗེས་ཐོབ་ཐ་དད་མེད། །
Nulle différence entre méditation et après méditation,
ཐུན་དང་ཐུན་མཚམས་དབྱེ་བ་མེད། །
Nulle division entre sessions et pauses,
དབྱེར་མེད་ངང་དུ་རྒྱུན་དུ་གནས། །
Demeurez toujours dans cet état indivisible.
འོན་ཀྱང་བརྟན་པ་མ་ཐོབ་པར། །
Mais, jusqu’à ce que la stabilité soit atteinte,
འདུ་འཛི་སྤངས་ནས་སྒོམ་པ་གཅེས། །
Il est vital de méditer, loin de toute distraction et activité,
མཉམ་གཞག་ཐུན་དུ་བཅད་ལ་བྱ། །
Pratiquant en sessions de méditation formelles.
དུས་དང་གནས་སྐབས་ཐམས་ཅད་དུ། །
En tout temps et en toute situation,
ཆོས་སྐུ་གཅིག་པོའི་ཡོ་ལངས་བསྐྱ ང༌། །
Demeurez dans le flot de ce qui est simplement le dharmakâya.
དེ་ལས་གཞན་མེད་ཁོ་ཐག་བཅད། །
Décidez avec une conviction absolue qu’il n’y a rien d’autre que ceci.
ཐག་གཅིག་ཐོག་ཏུ་བཅད་པ་སྟེ་གནད་ པ་གཉིས་པའོ། །
Le deuxième point vital est : décidez d'une chose et d'une seule.
3. Le troisième point vital est : confiance directe dans la libération des pensées qui s’élèvent
དེ་ཚེ་ཆགས་སྡང་དགའ་སྡུག་དང༌། །
À ce moment-là, attachement ou aversion, bonheur ou peine :
གློ་བུར་རྣམ་རྟོག་མ་ལུས་པ། །
Toutes les pensées passagères, sans aucune exception,
ངོ་ཤེས་ངང་ལ་རྗེས་མཐུད་མེད། །
Dans cette reconnaissance, ne laissent aucune trace.
གྲོལ་ཆའི་ཆོས་སྐུ་ངོས་བཟུང་བས། །
Reconnaissez le dharmakâya où elles sont libérées,
དཔེར་ན་ཆུ་ཡི་རི་མོ་བཞིན། །
Et comme des mots qui, tracés sur l’eau, disparaissent,
རང་ཤར་རང་གྲོལ་རྒྱུན་ཆད་མེད། །
L’émergence et la libération deviennent naturelles et continues.
ཅི་ཤར་རིག་སྟོང་རྗེན་པའི་ཟས། །
Tout ce qui s’élève est nourriture pour la vacuité nue de rigpa,
ཇི་འགྱུ་ཆོས་སྐུ་རྒྱལ་པོའི་རྩལ། །
Tout remous de l’esprit est le pouvoir intérieur du roi dharmakâya,
རྗེས་མེད་རང་དག་ཨ་ལ་ལ། །
Ne laissant aucune trace, inné et pur. Quelle joie !
འཆར་ལུགས་སྔར་དང་འདྲ་བ་ལ། །
Même si tout s’élève comme auparavant,
གྲོལ་ལུགས་ཁྱད་པར་གནད་དུ་ཆེ། །
La différence réside dans le mode de libération : voilà la clé.
འདི་མེད་སྒོམ་པ་འཁྲུལ་པའི་ལམ། །
Sans elle, la méditation n’est que le chemin de l'illusion,
འདི་ལྡན་མ་བསྒོམས་ཆོས་སྐུའི་ངང༌ ། །
Avec elle, c'est la non-méditation, l’état du dharmakâya.
གདེང་གྲོལ་ཐོག་ཏུ་བཅའ་བ་སྟེ་ གནད་གསུམ་པའོ། །
Le troisième point vital est : confiance directe dans la libération des pensées qui s’élèvent.
4. Colophon
གནད་གསུམ་ལྡན་པའི་ལྟ་བ་ལ། །
La Vue qui possède les trois points vitaux,
མཁྱེན་བརྩེ་འབྲེལ་བའི་སྒོམ་པ་ དང༌། །
La Méditation, union de la sagesse et de l’amour,
རྒྱལ་སྲས་སྤྱི་ཡི་སྤྱོད་པ་གྲོ གས། །
Sont accompagnées par l’Action commune à tous les bodhisattvas.
དུས་གསུམ་རྒྱལ་བའི་ཞལ་བསྡུར་ཀྱ ང༌། །
Les bouddhas du passé, du présent et du futur se concerteraient-ils,
འདི་ལས་ལྷག་པའི་གདམས་ངག་མེད། །
Ils ne trouveraient nulle instruction supérieure à celle-ci.
རིག་རྩལ་ཆོས་སྐུའི་གཏེར་སྟོན་གྱི ས། །
Trésor exhumé des profondeurs de la vue pénétrante transcendante,
ཤེས་རབ་ཀློང་ནས་གཏེར་དུ་བླངས། །
Par le tertön du dharmakâya, le pouvoir intérieur de rigpa,
ས་རྡོའི་བཅུད་དང་འདི་མི་འདྲ། །
Nullement semblable aux trésors ordinaires de terre et de pierre,
དགའ་རབ་རྡོ་རྗེའི་ཞལ་ཆེམས་ཡིན། །
Il est le testament ultime de Garab Dordjé,
བརྒྱུད་པ་གསུམ་གྱི་ཐུགས་བཅུད་ཡི ན། །
L’essence de l’esprit de sagesse des trois transmissions.
སྙིང་གི་བུ་ལ་གཏད་དོ་རྒྱ། །
Il est confié aux disciples de mon cœur, scellé pour être secret.
ཟབ་དོན་ཡིན་ནོ་སྙིང་གི་གཏམ། །
Son sens est profond, ce sont les paroles de mon cœur ;
སྙིང་གཏམ་ཡིན་ནོ་དོན་གྱི་གནད། །
Il est le discours de mon cœur, le point-clé fondamental ;
དོན་གནད་ཡལ་བར་མ་དོར་ཅིག །
Ce point crucial, ne le négligez jamais !
གདམས་ངག་ཟགས་སུ་མ་འཇུག་ཅིག །
Ne laissez jamais cette instruction vous échapper !
མཁས་པ་ཤྲཱི་རྒྱལ་པོའི་ཁྱད་ཆོས་ སོ། །
Ceci est l’enseignement spécial du roi sage et glorieux.
THƯ TỊCH CHỌN LỌC
A- Các sách chọn lọc trong quyển tiếng Anh của Jeffrey Hopkins
H.H the Dalai-Lama. Becoming Enlightened. Tranlation and edited by Jeffrey Hopkins. New York. Atria Books, 2009.
___ Dzogchen: Heart Essence of the Great Perfection. Translated by Geshe Thupten Jinpa and Richard Barron (Chökyi Nyima) and edited bay Patrik Gaffney: Ithaca, N.Y.: Snow Lion Publications, 2004.
___ How to be Compassionate: A handbook for Greating Inner Peace and a Happier World. Translated and edited by Jeffrey Hopkins . New York: Atria Books, 2011
___ How to expand Love: Widening the Circle of Loving Relationships. Translated and edited by Jeffrey Hopkins. New York, Atria Books, 2005.
___ How to Practice: The Way to a Meaningful Life. Translated and edited by Jeffrey Hopkins. New York. Atria Books, 2002.
___ How to See Yourself as You Really Are. Translated and edited bay Jeffrey Hopkins. New York: Atria Books, 2006.
___ Kindness, Clarity and Insight. Translated and edited bay Jeffrey Hopkins, coedited by Elizabeth Napper, Ithaca, New York: Snow Lion Publication, 1984. Revised edition, 2006.
___ The Meaning of Life: Buddhist Perspectives on Cause and Effect. Translated and edited by Jeffrey Hopkins, Boston: Wisdom Publications, 2000.
___ Mind of Clear Light: Advice on Living Well and Dying Consciuosly. Translated and edited by Jeffrey Hopkins. New York, Atria Books, 2003. Previously published in harcover as Advise on Dying.
Hompkins, Jeffrey. Mi-pamgya-tsbo'Mrimordial Enligtenment: The Nyingmapa View of Luminisity and Emptyness, Analyse of Fundamental Mind. With comentary by Khetsun Sangpo, Dyke, Va: UMA Institute for Tibetan Studies, 2015: uma-tibet.org.
___ Nagarjuna's Precious Garland: Buddhist Avice for Living and Liberation. Ithaca, New York: Snow Lion Publications,1998.
___ A Truthful Heart: Buddhist Practice for Connecting with Others. Ithaca, N.Y.: Snow Lion Publications, 2008
Khetsun Sangpo Rinpoche. Tantric Practice in Nyingma. Translated and edited Jeffrey Hopkins coedited by Anne Carolyn Klein, Ithaca, N.Y. : Snown Lion Publications, 1983.
Mi-pam-gya-tso. FundamentalMind: The Nuingma View of the Great completenteness. With practical commentary by Khetsun Sangpo Rinbochay. Translated and edited by Jeffrey Hopkins. Ithaca, N.Y.: Snow Lion Publications, 2006.
Richen, Geshe Sonam, and Ruth Sonam. Yogic Deeds of Bodhisattva Gyel-tsap on Âryadeva's Four Hundred. Ithaca, N.Y.: Snow Lion Publications, 1994.
Tsong-kha-pa. The Great Treatese on the Stages of the Path to Enlightenment. 3 vols. Translated and edited by Joshua W.C. Cutler and Guy Newland. Ithaca, N.Y.: Snow Lion Publications, 2000-2004.
Wallace, Vesna A., and B. Alann Wallace. A guide to the Bodhisattva Way of Life. Ithaca, N.Y.: Snow Lion Publications, 1997.
B- Các sách chọn lọc trong quyển tiếng Pháp của bà Sofia Stril-Rever
1- Sách tiếng Pháp của Đức Đạt-lai Lạt-ma, dịch lại từ các bản tiếng Anh do Jeffrey Hopkins dịch từ tiếng Tây Tạng:
- Comment pratique le Bouddhisme. Pocket, 2003
- Le sens de la vie, J'ai lu, 2008.
- Se voir tel qu'on est. Le Seuil, Points Sagesses, 2014.
- Vaicre la mort et vivre une vie meilleure, J'ai lu, 2016.
- Penser aux autres: La voie du bonheur, Le Seuil, Points Sagesses, 2012.
- Cheminer vers l'éveil, Le Seuil, Points Sagesses, 2011.
- Leçons d'amour: Comment élargir le cercle de vos relations affectives, Plon, 2006.
2- Các sách tiếng Pháp về phép luyện tập Dzogchen hay Đại hoàn thiện:
- Dzogchen, L'essence du coeur de la Grande perfection, Enseignements donnés sur le Dzogchen par le Dalai-Lama, édité par The Tertrön Sogyal Trust, 2000.
- L'Union du Mahamoudra et du Dzogchen, Chökyi Nyima Rinpoché, Dharmachakra, 1998.
- Le chemin de la Grande perfecton, Patrul Rinpoché, Padmakara, 1997.
- Le trésor du coeur des êtres éveillés, Patrul Rinpoché, Le Seuil, 1996.
- La liberté naturelle de l'esprit, Longchen Rabjam, Le Seuil, 1994.
- Dzogchen, l'état d'auto-perfection, Namkhai Norbu, Les Deux Océans, 1994.
3- Sách của Đức Đạt-lai Lạt-ma cùng viết chung với bà Sofia Stril-Rever:
- Mon autobiographie spirituelle, Presses de la Renaissance, 2008.
- Appel au Monde, Le Seuil, 2011.
- Nouvelle réalité, l'Âge de la responsabilité universelle, Les Arenes, 2016.
Bures-Sur-Yvette, 30.05.18
Hoang Phong chuyển ngữ