Thấu lẽ vô thường, bạn sẽ hạnh phúc hơn
Nếu đời là vô thường, sự sống có giới hạn thì phải chăng con người ta khi sống nên có một chút ý nghĩa. Bạn ước mong gì? Bạn muốn làm điều gì? Bạn cần phải làm điều gì? Bạn yêu thích điều gì? Bạn không nên làm điều gì? Bạn có biết mình đang muốn gì hay không?...
Tỉnh thức về vô thường, về sự mong manh nội tại của mọi vật, là một giai đoạn cần thiết cho sự phát triển của chúng ta. Nếu người ta lơ là với sự thật này, người ta sẽ chỉ làm chậm sự tiến hóa cá nhân của mình, dù cho người ta có biết tiềm năng của trí tuệ đang mang trong bản thân.
Thế nên trước tiên phải tìm hiểu vô thường này là gì, để học đối mặt với sự tạo hợp không thể tránh được của đời sống và tiếp theo áp dụng một cách có ích sự hiểu biết này vào cuộc sống hàng ngày.
Vô thường là gì?
Vô thường là một hiện tượng phổ quát tác động lên mọi mặt của hiện hữu. Người ta có thể xem xét những hậu quả của nó trong môi trường vật chất của chúng ta. Tất cả những cái là đối tượng của tri giác chúng ta.
Mỗi năm mỗi mùa liên tục nối tiếp nhau, mỗi mùa có những thay đổi đặc trưng: sự chuyển đổi của nhiệt độ, dài ngắn của ngày đêm, phong cảnh thiên nhiên. Những thay đổi ấy không thể tránh, dù có thích mùa hè, cái lạnh mùa đông cũng tới. Không ích gì mơ mộng cái không thể. Tốt hơn là thử nếm hương vị và vẻ kiều diễm của mỗi mùa. Và chu kỳ cứ thế lại bắt đầu. Vô thường hoạt động khắp nơi, vì tất cả thay đổi không ngừng nghỉ một khoảnh khắc. Đối với người biết nhận ra nó, thậm chí có một vẻ đẹp vĩ đại trong sự biến chuyển thường hằng này.
Sự chuyển biến cũng cảm thấy trong cuộc đời chúng ta. Giàu hôm nay có thể chuyển sang nghèo ngày mai và ngược lại. Người ta mất việc làm, rồi kiếm lại chỗ khác, chủ rồi thợ, thợ rồi chủ. Không có cái gì là bất động.
Đời sống bên trong và những tình cảm của chúng ta cũng không thoát khỏi những cơ chế của vô thường. Tính khí chúng ta thay đổi không ngừng từ sáng đến tối; có những sự việc người ta thích thú nhiều, những cái khác người ta e ngại, những cái khác người ta thản nhiên.
Nhưng cách gì đi nữa, trạng thái tâm thức chúng ta bập bềnh xao động với điều xảy ra quanh chúng ta. Chẳng hạn chỉ cần gặp một người bạn xa cách nhiều năm, thế là có niềm vui. Rồi phút tiếp theo, thấy một người mình ghét đi đến, điều đó đủ làm chúng ta đảo ngược hẳn lại. Để biết tâm thức chúng ta hiện giờ giống cái gì, chúng ta hãy tưởng tượng một con khỉ bị nhốt trong một căn nhà trống, nó không ngừng nhảy nhót mọi phía và chạy hết cửa sổ này đến cửa sổ nọ để xem cái gì xảy ra ngoài kia. Như con khỉ, những xúc tình của chúng ta không ngừng cử động, không ngừng ném chúng ta từ đỉnh cao xuống vực sâu và ngược lại.
Không có gì thường hằng. Người ta sinh ra, lớn lên, đến trường, làm việc, già đi và sớm hay muộn cũng chấm dứt bằng cái chết. Vài ba vòng nhỏ rồi đi mất.
Cuộc đời trốn thoát từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác mà người ta chẳng làm gì được. Và khi cái chết đến: phải từ bỏ tất cả: gia đình, bè bạn, tài sản, những sự vật người ta giữ. Một số người kinh hoàng, hay tuyệt vọng khi chỉ nghĩ đến nó, và thế nền văn hóa phương Tây cố công giãy giụa để thoát hiểm khỏi câu hỏi căn bản này, lấy cớ rằng nói đến nó là một việc bệnh hoạn. Đó hầu như là một điều húy kỵ, đến nỗi cả danh từ cái chết thường được ngụy trang: Người ta thích nói người ấy đã “từ bỏ chúng ta" hơn là nói đã chết.
Những điều suy ngẫm về lẽ vô thường
Không cần sở đắc học thuật cao sâu, người ta vẫn nhận ra được sự vô thường của nhân sinh, vũ trụ, dòng thời gian và các chiều kích không gian…Vạn vật vô thường từ đối tượng vật thể và phi vật thể không phải chỉ có người con nhà Phật mới nhận ra được.
Lịch sử hình thành, va chạm, ổn định tương đối... các hệ hành tinh, quỹ đạo, các vụ nổ và biến mất của hành tinh, lửa mặt trời...tất thảy minh chúng khủng về sự vô thường. Nhà thiên văn học nổi tiếng gốc Việt ở Pháp từ nghiên cứu thiên văn đã ngộ Đạo và thành Phật tử thuần thành là một ví dụ thú vị.
Các nghiên cứu sinh học cũng nhận ra chuyện tương tự ở tầm vóc nhỏ bé của sinh thể mang tên con người: sự đào thải các tế bào ở mọi bộ phận cơ thể và không chỉ ở con người, vô thường chi phối thế giới sinh học. Ngay dòng mạch tư tưởng con người cũng tiếp diễn trong vô thường không ngừng nghỉ.
Có thể nói nhận thức về vô thường là đóng góp vĩ đại của Phật giáo cho nhận thức của nhân loại từ rất sớm khi các triết thuyết chưa hình thành, đấy ít nhất cũng là khái niệm triết học căn bản ít gây tranh cãi trong một lĩnh vực tranh cãi là ..chuyện bình thường!
Khi nhận chân được vô thường, bạn – trong dòng sống bình thường ở cõi phàm đủ hỉ nộ ái ố - sẽ có hạnh phúc tương đối nhiều hơn. Cuộc sống vẫn vậy, sinh hoại dị diệt vẫn vậy, cần lao vẫn vậy, tha nhân và ta vẫn vậy...nhưng thái độ đón nhận của chủ thể “ta” với cuộc đời chủ động hơn, thấy vạn sự có – mất – gặp gỡ - phân ly là bình thường, tất yếu theo lý vô thường.
Có, nâng niu chăm chút, mất, thấy sự tất yếu vậy, không vật vã quá đáng. Một cảm xúc bất tận lãng mạn dệt thành thơ thành nhạc khi hưởng thụ mỹ cảm ánh bình minh trên đồi cao, thưởng lãm hoa lan rừng rạng rỡ hay nghe một nhạc phẩm thánh thót .. Nhưng khi rời xa lan rừng, tiếng nhạc, không quá hẫng hụt, xót thương bi phẫn. Bậc chân tôi đắc đạo nhà Phật, điềm nhiên trước lúc lâm chung, ung dung về cõi niết bàn, và trước đấy ung dung điềm nhiên với mọi biến động xã hội, sinh học với chính mình. Không thể coi đấy là sự vô cảm, bậc chân tu ấy cảm thấu hết thảy như mọi sinh mệnh trần gian cõi tạm, thậm chí rung cảm nhiều hơn, nhưng vì hiểu thấu vô thường, thấy mọi sự tất yếu, nên phản ứng khác chúng ta.
Vậy đó, gần rồi xa, xa rồi gần, có rồi mất, đến rồi đi, không gian – thời gian biến dịch không ngừng, không triết học là gì? Khi biết vô thường, bạn thấy hạnh phúc hơn, đúng không?
Phật pháp nhiệm màu…
Nguyễn Thành Công
- Tag :
- Nguyễn Thành Công