Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Đức Phật Trong Phật Giáo Đại Thừa

13 Tháng Giêng 202018:29(Xem: 4562)
Đức Phật Trong Phật Giáo Đại Thừa

Đức Phật Trong Phật Giáo Đại Thừa

Paul Williams
Anthony Tribe

Thích Thanh Hòa dịch[1]

 
Chuyển Hóa Khổ Đau Thành Tình Yêu Thương Và Lòng Bi Mẫn


Giới thiệu một số bộ kinh làm nền tảng cho Phật Giáo Đại thừa: Hoa Nghiêm (Avataṁsaka), Pháp Hoa (Saddharmapuṇḍarīka) và Thiện Phương Tiện (Upāyakauśalya)

Trước hết xin giới thiệu sơ lược những nét chính của hai bộ kinh Đại thừa lớn ở Ấn Độ mà chúng đã trở nên đặc biệt quan trọng trong Phật Giáo Đông Á. Đó là bộ Kinh Hoa Nghiêm (Avataṁsaka Sūtra) đồ sộ, phức hợp và bộ Kinh Pháp Hoa (Saddharmapuṇḍarīka Sūtra) nổi tiếng. Kinh Thiện Phương Tiện (Upāyakauśalya Sūtra) sẽ giữ vai trò nguồn kinh điển bổ sung cho một trong những giáo lý chính của Kinh Pháp Hoa - giáo lý phương tiện thiện xảo (upāyalupāyakauślya).

Kinh Hoa Nghiêm là một bộ kinh phức hợp, rất có thể một số phần đã được tạo nên tại Trung Á, nơi mà có lẽ toàn bộ bộ kinh được kết tập lại và hoàn thiện. Nhiều phần của bộ kinh phức hợp này chắc chắn đã lưu hànhẤn Độ như là những bản kinh độc lập theo cách riêng của chúng. Quan trọng nhất trong số ấy là bản kinh nói về 10 giai đoạn của con đường Bồ-tát dẫn đến Phật quả - Thập Địa Kinh (Daśabhūmika sūtra), và đỉnh cao của Hoa Nghiêm (Avataṁsaka) được biết đến dưới cái tên Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (Gaṇḍavyūha Sūtra). Đây là một bộ kinh đặc biệt, nó sử dụng chủ đề Avataṁsaka (Hoa Nghiêm) với việc nâng ngôn ngữ lên một phạm trù cao hơn để cố gắng thể hiện diện mạo của thế giới giống như đức Phật nhìn thấy. Cảnh giới đó được nói là ‘bất khả tư nghị, không chúng sinh nào có thể thăm dò trắc lượng …’ (Avataṁsaka Sūtra, Cleary dịch).[2] Bởi vì đó là một cảnh giới mà trong mỗi vi trần của mỗi thế giới hiện ra chư Phật và các cõi Phật. Đó cũng là sự dung nhiếp vô hạn: ‘Các Ngài … nhìn thấy những cảnh giới đầy các chúng hội, chúng sinh và chư thần, và số lượng cảnh giới ấy nhiều như vi trần, tất cả đều hiện lên trong mỗi vi trần’ (Gomez dịch).[3] Tuy nhiên, dù với sự dung nhiếp vô hạn, mọi vật vẫn không hề bị lẫn lộn, mỗi sự vật nhỏ nhiệm đều giữ đúng vị trí của chúng. Chư Phật và các vị đại Bồ-tát mãi mãi thực hiện vô số hạnh nguyện cứu độ chúng sinh, khuyến khích các đức Phật và Bồ-tát khác hiện ra ở đời để cứu độ.

Sử dụng một hình ảnh tuyệt vời, thế giới được chứng nghiệm bởi đức Phật được cho là không có các gò nỗng gồ ghề, đó là một thế giới sáng láng không có bóng tối. Ở một bình diện khác, vũ trụ được xem như chính là thân của Phật, hoặc đức Phật chính là chân lý tối hậu - tính Không, hoặc là cái thức bất nhị sáng chói, như nó vốn vậy. Bản kinh không đặc biệt quan tâm đến những sự phân biệt cứng nhắc về những hệ thống triết học riêng rẽ. Đức Phật ở đây không được kể đến như là đức Thích ca Mâu ni mà đúng hơn là đức Mahāvairocana - Đại nhật Như lai. Trong thế giới được chiếu soi bởi ánh sáng chói lọi như thế, làm sao có thể còn có bóng tối nào? Không gì không được nhìn thấy, và không gì bị che khuất. Các pháp vốn không có tự tánh, hay chúng chỉ là sự phô bày của tâm thức thanh tịnh, sáng suốt. Một thế giới như thế, nói theo cách mà Stephan Beyer đã nói đối với Bát nhã kinh (Prajñāpāramitā), là một thế giới ‘của trí tưởng và mộng: một vũ trụ của sự đổi thay lấp lánh và chóng vánh’.[4] Đó là một vũ trụ mà đối với chúng ta nó được tạo thành bởi những phép lạchúng ta áp đặt tính chất cố định cứng nhắc và khắt khe lên trên thực tại. Kinh Hoa Nghiêm (Avataṁsaka Sūtra), đặc biệt Phẩm Nhập Pháp Giới (Gaṇḍavyūha Sūtra), thích diễn tả kinh nghiệm phi thường - thậm chí là huyễn hoặc - của những chuyển biến tâm thức cao tột mà trong đó ‘thân và tâm hoàn toàn tan biến đi’, ‘thức lắng hết mọi suy tưởng’, và ‘không có những chướng ngại, mọi phiền não đều biến mất’. Nó còn nói đến quá trình vấn đạo của Thiện Tài và trên con đường kỳ lạ đưa đến Phật quả, chàng thanh niên này gặp nhiều vị đại Bồ-tát, trong đó có những vị trời nam và nữ, những vị cư sĩ như Bà-tu-mật-đa - một kỹ nữ - người dạy Pháp cho Thiện Tài qua hành động ôm và hôn!

Trong khi đó, Kinh Pháp Hoa (Lotus Sūtra) có một tầm quan trọng rất lớn trong Phật Giáo Đông Nam Á (ở Nhật Bản, nhiều người xem đó là giáo huấn tối hậuviên mãn nhất của đức Phật), nhưng lại hoàn toàn không có được vị trí quan trọng như thế trong Phật Giáo Đại thừa của Ấn Độ. Những chú giải cũng như những tham khảo về nó trong các biên khảo Ấn Độ không nhiều. Cũng giống như nhiều bộ kinh khác, bộ kinh này cũng được hình thành qua nhiều thế kỷ, và bởi vì nó được dịch sang Hán ngữ vào cuối thế kỷ III CN nên nguyên bản sớm nhất của nó có thể vào khoảng giữa thế kỷ I Tr CN và thế kỷ I CN. Bản kinh này chủ yếu nói đến những vấn đề liên quan đến Phật và Phật quả. Bản kinh diễn tả đức Phật sử dụng một phương pháp gọi là upāya (phương tiện) hoặc upāyakauśalya (thiện phương tiện, phương tiện thiện xảo). Theo phương pháp ấy, đức Phật điều chỉnh giáo pháp của Ngài sao cho phù hợp với trình độ người nghe.

Với lòng từ bi nên Ngài nói pháp phù hợp với căn cơ của họ. Như thế, Ngài có thể chỉ dạy một giáo lý nào đó vào lúc này, nhưng lại hoàn toàn trái ngược vào lúc khác.[5] Đây chính là lý do giải thích tại sao nhiều bản kinh được tuyên bố là lời của Phật nhưng lại có nhiều điểm khác biệt nhau. Đức Phật dạy giáo nghĩa phi đại thừa của A-la-hán và Duyên giác cho những người thích hợp với nó. Tiếp theo đó Ngài dạy con đường của Bồ-tát dẫn đến Phật quả viên mãn, một giáo nghĩa mà chính kinh đã nói là hoàn toàn vượt lên mục đích cứu cánh của A-la-hán hay Duyên giác. Đúng vậy, những thành tựu bậc thấp này được cho biết không phải là chỗ cứu cánh chân thật mà chỉ là những hóa thành (tạm thiết lập nên) được giả lập bởi đức Phật theo phương tiện thiện xảo của Ngài cho những người mà nếu không như thế họ sẽ cảm thấy chán nản khi nghe nói về sự nghiệp rất lâu dài của Phật vị. Như vậy, căn cứ trên thật tánh mà nói, không có cái gọi là Tam thừa dẫn đến sự giải thoát - La hán thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa. Thật ra chỉ có Nhất thừa mà thôi (ekayāna) - đó là Phật thừa tối thắng. Những vị mà họ nghĩ rằng đã đạt được quả vị A-la-hán thực ra vẫn chưa hoàn thành sự nghiệp tu tập của mình. Tất cả (hoặc hầu như), thậm chí bao gồm cả những đại A-la-hán như Xá-lợi-phất, cuối cùng cũng sẽ trở thành những đức Phật toàn hảo. Một trong những nét đặc sắc thú vị nhất của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là việc sử dụng nhiều ngụ ngôn ấn tượngnổi tiếng để minh họa những phương tiện thiện xảo của đức Phật. Chúng ta có ngụ ngôn ‘ngôi nhà lửa’, một ẩn dụ cho cõi luân hồi. Đức Phật như một đấng từ phụ dùng những thứ đồ chơi là quả vị A-la-hán, quả vị Duyên giác để dẫn dụ đàn con dại ra khỏi ngôi nhà ấy, sau đó ban cho chúng kho báu Phật quả chân thật. Bộ kinh cũng minh họa tất cả chúng sinh đang đi trên Phật thừa duy nhất bởi ẩn dụ một người đàn ông nghèo khổ để quên viên ngọc quý giá (Phật quả sẽ đạt được trong tương lai) đã được may vào trong nếp áo của mình.[6]

Phương tiện thiện xảo tương đương với tính Không về khía cạnh giáo dụcđạo đức. Giáo pháp được thuyết giảng tương ứng với hoàn cảnh. Và như thế cũng có nghĩa rằng thái độ của những bậc giác ngộ cũng tùy duyên. Nó sẽ được củng cố bởi tâm đại bi của đức Phật và các vị Bồ-tát nhưng sẽ không thể đoán trước hay thậm chí không thể hiểu được đối với những ai không có nhãn quan giác ngộ. Những hành động của những bậc đại sĩ đó luôn ứng hợp với hoàn cảnh chỉ để lợi ích cho đối tượng nhận lãnh. Cũng như những hoàn cảnh khác biệt nhau và, trong một ý nghĩa nào đó, không bao giờ giống nhau một cách chính xác đến độ những hành động ấy hoàn toàn không thể dự đoán trước được, hoặc chỉ có thể đoán trước bởi tâm từ bi và trí tuệ siêu việt.

Không phải trong Kinh Pháp Hoa mà chính trong Kinh Phương Tiện Thiện Xảo chúng ta tìm thấy tất cả những hoạt động quan trọng của cuộc đời truyền thống của đức Thích ca Mâu ni được diễn tả với sự đề cập đến tấm lòng từ bi giúp đỡ và giáo hóa chúng sinh. Một vị hành giả đã thành tựu về mặt tâm linh có thể sẽ không hành xử theo cách của một con người bình thường. Điều này được minh họa qua việc thuật lại một câu chuyện tiền thân trong đó đức Phật (làm một vị Bồ-tát trong một kiếp trước trước khi Ngài trở thành một đức Phật) ở vào một tình thế mà cách duy nhất để cứu 500 vị Bồ-tát khác là phải giết người đàn ông đang âm mưu sát hại những vị đó. Ngài đã thực sự làm điều đó, dù biết rằng giết hại sẽ đưa đến tái sanh chốn địa ngục. Ngài sẵn lòng đón nhận một sự tái sanh như thế để không chỉ cứu 500 người kia mà còn cứu cả kẻ sắp trở thành sát nhân không vương vào ác nghiệp do thực hiện ý đồ tội lỗi của ông.[7] Một câu chuyện tiền thân khác kể rằng trong một kiếp trước, Bồ-tát lúc ấy làm một vị sa môn, đã phải phá giới dâm để cứu một người con gái nghèo khổ đòi chết vì quá yêu Ngài (sđd: 433).[8]

Một giáo nghĩa Đại thừa khác của Kinh Pháp Hoa liên quan đến sự tiết lộ thọ mạng của đức Phật. Đức Phật thật sự đã giác ngộ từ vô lượng kiếp trước, hơn thế nữa, tuy Ngài thị hiện nhập niết bàn nhưng thật sự Ngài không chết. Ngài vẫn tồn tại quanh đây để cứu độ bằng vô số phương tiện từ bi. Sự biểu hiện của đức Phật trong suốt quá trình truy tầm giác ngộ, chứng thành đạo quảnhập niết bàn cũng là một minh họa của phương tiện thiện xảo nhằm mang đến nhiều bài học giúp đỡ những người khác.[9] Niềm tin cho rằng đức Phật vẫn còn tại thế tất nhiên đã biến đổi theo cách thức tôn giáo. Nó mở ra khả tính cho những mối tương quan với đức Phật - chẳng hạn như người cầu nguyện, các cảnh giới, lòng mộ đạo, và những mặc khải sau này - cũng như khả tính của quan niệm cho rằng hết thảy vô lượng chư Phật trong quá khứ khắp pháp giới cũng đang tồn tại để cứu độ chúng sinh. Trong Phật Giáo Đông Á (bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm của Trí Nghĩ (Trí Khải) (538-597) ở Trung Hoa), mọi người tin rằng đức Phật trong Kinh Pháp Hoa quả thậtbất diệt, nhưng chúng tôi không tìm thấy điều ấy được đề cập rõ ràng trong chính bản kinh này. Nếu một vị Phật là bất diệt thì khó hình dung làm sao một người khác có thể thành Phật trừ phi kết hợp giáo nghĩa Kinh Diệu Pháp Liên Hoa với giáo nghĩa Như Lai Tạng và lời tự khẳng định rằng các đức Như lai là những vị Phật đã thành mà như chúng ta đã biết. Đây chính là điều mà Trí Khải đã thực hiện. Tuy nhiên, theo người viết, dường như không có bằng chứng cho thấy rằng chính Kinh Pháp Hoa chấp nhận giáo lý Như lai tạng, và nếu không có điều đó, một sự xác nhận thẳng thắn rằng đức Phậtbất diệt sẽ có thể hủy đi chính khả tính thành Phậtcon đường Đại thừa.[10]

Trong những thể tài khác xuất hiện trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, cái mà dù sao đi nữa cũng rất quan trọng trong sự phát triển của Phật Giáo Đại thừa chính là ý nghĩa to lớn của những việc hiến cúng dù rất nhỏ đối với chư Phật và đối với chính bộ kinh này. Niềm tin vào bản kinh này và việc thực hành các pháp môn trong đó được cho là có thể cứu độ ngay cả những người phạm tội ngũ nghịch thoát khỏi địa ngục. Bản kinh này cũng nói đến những năng lực cứu độ vô biên của những vị Bồ-tát, chẳng hạn như Bồ-tát Quán Thế Âm, những vị Bồ-tát đã đạt được địa vị cao trên con đường tiến đến Phật quả, rằng họ sẵn sàng dùng thần lực để cứu độ những chúng sinh trì niệm danh hiệu của họ. Bản kinh tường thuật vị công chúa chỉ mới 8 tuổi của Long vương đã trở thành một vị đại Bồ-tát và có thể thành tựu Chánh giác như thế nào. Cuối cùng, có lẽ hy hữu nhất trong một bộ kinh có rất nhiều sự hy hữu, Kinh Pháp Hoa diễn tả cụ thể công đức to lớn của việc tự thiêu thân mình để cúng dường chư Phật.

Các thân của Phật

Thuật ngữ ‘thân’ ['body' trong tiếng Anh] bao hàm sự đa nghĩa của từ kāya trong Phạn ngữ. Từ này có thể đề cập đến cái thân vật chất cụ thể mà các loài hữu tình đang có, hoặc một cái thân tương tự nhưng tính chất ‘vật chất’ ít rõ ràng hơn (có thể là một thiên thể hay thiên thân). Nó cũng có thể chỉ cho bất kì một tập hợp sự vật nào được xếp loại cùng nhau theo một số nguyên tắc phân loại nào đó, như trường hợp một tập hợp các bản văn hoặc một nhóm người. Một khi sự đa nghĩa của từ kāya được khảo xét thì sự khó hiểu ban đầu khi nhìn vào vấn đề nhiều thân của đức Phật sẽ không còn nữa.

Theo điều mà Paul Griffiths[11] đã gọi Đại thừa là ‘giáo nghĩa có tính kinh điển’ thì một đức Phật được cho là có ba loại ‘thân’.[12] Ba thân gồm có (1) pháp thân [dharmakāya] (hay tự tính thân [svabhāvakāya]) - thân chân thật; (2) báo thân hay thọ dụng thân [saṃbhogakāya] - thân thọ hưởng công đức; và (3) ứng thân [nirmāṇakāya] - thân biến hóa. Mặc dù những biến thể đã trở thành chuẩn mực trong Phật Giáo hậu kì ở Ấn Độ và cả bên ngoài Ấn Độ, cũng phải mất một thời gian đáng kể để giáo nghĩa có tính kinh điển này phát triển.

Trong một bài nghiên cứu quan trọng, Paul Harrison[13] đã chỉ ra rằng, trong kinh văn Đại thừaẤn Độ thời kì đầu và thậm chí tương đối trễ hơn, chẳng hạn như Kinh Bát Nhã (prajñā-pāramitā) và Lăng Già (Laṅkāvatāra), khái niệm pháp thân không phải là một trong bất kì loại thực tại tối hậu mang tính siêu hình hay vũ trụ nào. Nó không phải là một ‘nguyên lý vũ trụ đơn nhất’. Nó phần nào bảo lưu một khái niệm được biết đến nhiều trong các nguồn tư liệu phi đại thừa về loại thân này - theo nhiều bản văn đó là thân cao nhất và quan trọng nhất của đức Phật - tức là ‘thân do giáo pháp tạo thành’ hoặc là ‘thân của các pháp’.

Theo ý nghĩa thứ hai, cũng được tìm thấy trong Hữu Bộ (Sarvāstivāda), pháp thân chỉ cho các pháp (dharma) mà chúng giúp phân biệt một đức Phật với một vị không phải là Phật.[14] Thông thường trong những tài liệu này, Harrison cho rằng, chuyên ngữ dharmakāya nên xem như một hình dung từ thì đúng hơn - thật vậy, đức Phật sở hữu một cái thân của Pháp, giáo pháp của Ngài, hoặc có thể là một cái thân của các pháp, những Phật chất của Ngài. Như vậy, có thể đối chiếu cái thân sắc pháp cụ thể của Phật - thân mà giờ đây đã mất đi và dù sao cũng mãi mãi chỉ là cái thân sắc pháp với tất cả những tính chất khả hoại của nó - với chân thân của Ngài. Chân thân này hoặc là giáo pháp của Ngài (Dharma, Phật Pháp), cái còn lại và đưa đến sự giác ngộ, hoặc là những phẩm đức mà sự thành tựu trọn vẹn chúng đã khiến Ngài trở thành một đức Phật và những ai đi theo Ngài cũng có thể đạt được. Những cái này là chân thân của Phật. Chân thân của Phật không mất đi mà vẫn còn lưu lại.

Việc đề cập đến pháp thân trong những tác phẩm được cho là của Long Thọ rất hiếm.[15] Tuy nhiên có một ít tài liệu thú vị ở trong một bộ tứ tán ca được cho là của ông. Phần đặc biệt quan trọng trong văn bản này là Niraupamyastava (thí dụ tán). Trong đó (kệ 16), Long Thọ nói đến cái sắc thân sáng chói của đức Phật, một loại thân biến hóa dưới nhiều hình thức kỳ diệu để lợi lạc các loài hữu tình đồng thời phù hợp với quan niệm của thế gian, dù rằng không cần phải làm thế (xem thêm Thuyết xuất thế bộ của Đại chúng bộ [Mahāsāṃghika lokottaravāda]).[16] Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng chúng ta không thực sự thấy được đức Phật thông qua hình tướng bên ngoài, mà chỉ khi nào thấy được Pháp mới thấy được Ngài một cách đúng nghĩa. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể nhìn thấy được chính thật tánh của các pháp. Như thế, thông qua việc hiểu thấu giáo lý của Phật mà chúng ta thấy được chân thân của Ngài, nhưng cốt lõi của giáo lý này chính là tính không - là cái không thể nhìn thấy được theo cách thấy thường tình. Và Long Thọ tiếp tục tán dương thân Phật là thường còn, bất biến, cát tường, được thành tựu bởi Pháp (kệ 22). Ngài vẫn còn lưu lại ngay cả khi đã nhập niết bàn (nirvṛti), Ngài chỉ dùng phương tiện thị hiện niết bàn để giáo hóa mọi người. Chân thân của Phật là giáo pháp của Ngài, tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng tìm thấy một sự xê dịch đối với chân thân tối hậu của Phật, cái được thể hiện bởi giáo pháp, chính bản thân nó cũng là không. Bởi vì, như Long Thọ đã đề cập trong Thắng nghĩa tán (Paramārthstava), đức Phật vốn chưa từng được sinh ra, chưa từng mất đi, không tồn tại cũng không không tồn tại. Đây mới đúng là bản chất của các pháp (pháp tính - dharmatā), là vốn không có tự tính. Những tài liệu của phái Trung Quán thời sau này cũng đề cập đến pháp thân - cái thân gồm những pháp thù thắng (với A-tì-đạt-ma, đó là các pháp) - như là tính không. Trong khi rõ ràng tính không phủ trùm tất cả, thế nhưng lại đặc biệt liên hệ đến pháp thân trong ngữ cảnh Phật học. Nghĩa là, pháp thân (dharmakāya) được đề cập đến trong văn mạch hiển lộ Phật tánh, hay cái gì đó để thực sự trở thành một đức Phật.

Bây giờ chúng ta hãy quay lại với cấu trúc cơ bản của ‘giáo nghĩa mang tính kinh điển’ tương ứng với Du già hành phái (Yogācāra). Trong Nhiếp đại thừa luận (Mahāyānasaṃgraha), pháp thân được cho là tương đương với chân thật tính (tathatā), thanh tịnh y tha tính.[17] Nói cách khác, pháp thânchân thức minh hiển của Phật. Đó là sự giác ngộ hoàn toàn xa lìa nhị biên năng - sở, vượt lên trên mọi khả năng nhận thức hay suy lường, không còn những chướng ngại của tri kiếnđạo đức. Đó là tuệ thân (jñānakāya) của Phật có đủ tất cả những phẩm đức siêu việt của một đức Phật, thường tại và bất biến từ trong bản chất. Thân ấy là nơi sở y cho tất cả các loại thân khác của Phật, những thân hiện ra bởi lòng từ bi vô hạn dưới những hình tướng phù hợp để cứu độ chúng sinh. Tóm lại, pháp thân này chính là bản thể của Phật, như chính Ngài là.[18] Nói theo Griffiths,[19] đó chính là đức ‘Phật thường tại’. Pháp thân của chư Phật là đồng nhất trên nhiều phương diện (ví dụ như hạnh, nguyện), và từ trong tự thân chúng không khác biệt nhau. Tuy nhiên, chúng không đồng nhất một cách hoàn toàn, bởi có nhiều chúng sinh trở thành Phật chứ không phải chỉ có một. Sự ‘chuyển y’ từ trạng thái vị kỷ mê lầm sang lòng vị tha giác ngộ xảy ra không phải chỉ một lần duy nhất trong lịch sử.

Báo thân (saṃbhogakāya)ứng thân hay hóa thân (nirmāṇakāya) đều là sắc thân tốt đẹp (rūpakāya). Nghĩa là, chúng biểu lộ như những thân vật chất, dựa trên pháp thân và được chư Phật biến hóa để lợi lạc mọi loài. Các Ngài thị hiện ra như những cách thực hiện viên mãn hạnh nguyện cứu độ chúng sinh của Bồ-tát đạo trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình. Báo thân, Griffiths gọi là ‘Phật cõi trời’. Tuy nhiên, nói một cách nghiêm túc, báo thân là sự thị hiện mang tính thường pháp của một vị Phật theo ước muốn của các loài hữu tình dưới một thân hình tôn quý được trang nghiêm bởi 112 vẻ đẹp của một đức Phật (thường thấy ở các pho tượng như: tai dài, đảnh kế,…). Ngài xuất hiện ngồi trên tòa sen không phải ở cõi trời (svarga) mà là trong một cõi Tịnh độ.

Tịnh độ, nơi mà hình thức báo thân của một đức Phật hiện ra, là một cõi khác, đó là cõi Phật (Phật độ) có ‘những hồ thất bảo, những hàng cây báu và nhiều thứ như thế’. Ở đó, Ngài thuyết pháp cho chúng hội hầu như toàn là những đại Bồ-tát. Tất nhiên, có vô số báo thân bởi vì trong khoảng thời gian vô tận, sẽ có vô lượng chúng sinh thành Phật. Vì báo thân chỉ giảng Đại thừa cho nên Đại thừa mới tuyên bố rằng chỉ có giáo nghĩa của mình mới chân thật là của đức Phật thị hiện trong một hình thức báo thân siêu việt. Thân này khác với thân ứng hóa thấp hơn kể cả đức Phật Thích ca Mâu ni hóa hiện ở nước Ấn Độ trong lịch sửthuyết giảng giáo lý phi đại thừa - giáo lý mở đầu cho một bậc cao hơn. Để diện kiến trực tiếp báo thân, mọi người cần phải đạt được những thành tựu tâm linh cho phép người đó đi đến cõi Tịnh độ tương ứng, trong đời này, hoặc ở đời sau.

Tuy nhiên, chư Phật vì nguyện độ sinh, để làm lợi ích cho những chúng sinh thấp kém nên các Ngài hóa hiện ra các ứng hóa thân. Thân biến hóa - Griffiths gọi là ‘đức Phật ở cõi trần gian’ - thường được miêu tả theo mẫu đức Phật Thích ca Mâu ni và những công hạnh vĩ đại của Ngài. Kinh điển thời kì sau còn giải thích rõ hơn khi nói rằng ứng hóa thân có thể xuất hiện dưới bất kì hình thức nào làm lợi ích chúng sinhkhông giới hạn phải thị hiện theo mẫu thức truyền thống của cuộc đời đức Phật Thích ca. Như thế, hình tướng có tính lịch sử của đức Phật Thích ca Mâu ni và những sự kiện trong cuộc đời của Ngài chỉ là những sự thị hiện đơn thuần như là một ứng hóa thân. Thực tế, đó là sự thị hiện giáo hóalòng từ bi, được hóa hiện bởi đức Phật báo thân mà cơ bản như một sự tuôn trào tình thương hoàn toàn tự nhiên của pháp thân.[20]

Làm thế nào để trở thành một đức Phật?

Kinh điển Đại thừa nói rõ rằng con đường đưa đến Phật quả phải trải qua một thời gian rất dài. Đó là ba a tăng kì kiếp. Lý do để theo đuổi con đường đó chính là lòng từ bi. Như chúng ta đã thấy ở trên khi xem xét 3 nguyện vọng tu tập được đưa ra bởi A-đề-sa (Atiśa), lập được nguyện vọng giải thoát khổ đau cho tất cả mọi loài, và từ sự thôi thúc đó để cưu mang trong mình Phật đạo lâu dài, là yếu tố quyết định đối với hành giả Đại thừa. ‘Thừa’ mà nó khiến cho điều đó khả thi nhất địnhĐại thừa.

Chi tiết về con đường đưa vị Bồ-tát đến Phật quả không giống nhau giữa những tài liệu Phật Giáo Ấn Độ, chưa kể tới những tài liệu bên ngoài Ấn. Tác giả sẽ đưa ra những nét khái quát về con đường ấy chủ yếu dựa trên kiệt tác Nhập bồ đề hành luận (Bodhicaryāvatāra) của Tịch Thiên (Śāntideva), cùng với Quảng thích bồ-đề tâm luận (Bhāvanākrama) của Kamalaśīla (Liên Hoa Giới) (cả hai đều thuộc thế kỷ VIII), và Bồ đề đạo đăng luận (Bodhipathapradīpa) của A-đề-sa (Atiśa). Riêng Bồ đề đạo đăng luận còn có cả bản chú giải của chính A-đề-sa.[21]

Sự khởi đầu đúng đắn của bồ-tát đạo không phải chỉ là một vài ý nghĩa mơ hồ về sự chú tâm, mà là một sự biến chuyển thực sự xảy ra trong tâm vị bồ-tát sơ học, một sự chuyển hướng cơ bản theo chiều hướng từ vị kỷ sang vị tha, tức là từ bi. Sự kiện này được gọi là ‘phát tâm bồ đề’. Sự kỳ diệu của việc phát khởiduy trì cái tâm yêu thương tất cả mà không phân biệt ấy được ngài Tịch Thiên tán thán trong chương mở đầu như sau:

Chúng sinh thiếu niềm vui / Lại chịu nhiều đau khổ

Tâm nguyện Bồ đề này / Đem vui và diệt khổ.

Tâm Bồ đề có thể / Trừ diệt sự ngu si

Có bạn lành nào sánh / Còn phước nào lớn hơn?

(Chương 1, kệ 29 - 30, bản Việt dịch của Nguyên Hiển)

Tuy nhiên, cũng giống như có sự khác biệt giữa ước muốn đi đến một nơi nào đó với việc đã khởi hành đi trên lộ trình đó, Tịch Thiên nói, chúng ta cũng có thể phân biệt hai loại tâm bồ đề, đó là ‘tâm quyết cầu giác ngộ’ và ‘tâm đang thực hiện giác ngộ’ (ch. 1: 15-16).

Sau này, các trường phái Tây Tạng đã rút ra hai phương pháp thiền quán từ những tài liệu Ấn Độ, cái được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự khai sáng - đưa ra lý do thuyết phục cho sự sinh khởi - tâm chuyển y này. Phương pháp thiền thứ nhất, được gọi là ‘quán chiếu bình đẳng và hoán vị tự tha’, có thể được truy nguyên từ chương 8 trong Nhập bồ đề hành luận của Tịch Thiên. Tịch Thiên cho rằng nếu nói đến đạo đức thì ta không cầu đến sự ngụy biện. Ta phải hoàn toàn khách quan. Tất cả đều bình đẳng trong ước muốn hạnh phúcxa lìa khổ đau (ch. 8: 95-96). Vì điều đó nên hãy đối xử bình đẳng với mọi người. Có cái nhìn khách quan nên không có gì đặc biệt đối với bản thân, không nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình và tránh khổ đau cho riêng mình: ‘Ta cần phải xóa tan đi nỗi khổ đau của người khác bởi vì nỗi khổ đau đó cũng chính là khổ đau của chính ta. Ta hãy giúp người khác bởi từ trong bản chất, họ cũng giống như ta đều là những chúng sinh’ (ch. 8: 94).

Trước tiên hành giả phải xem tất cả như nhau. Tiếp đó, ‘hoán đổi bản thân với những người khác’ bằng cách quán chiếu những đau khổ khởi lên từ việc làm vị kỷ và niềm vui từ việc làm lợi tha. Hành giả quán chiếu như sau:

Ai thống khổ trên đời / Đều do nghiệp ích kỷ / Chỉ tìm hạnh phúc riêng.

Ai sung sướng trên đời / Đều nhờ nghiệp hy sinh / Đem hạnh phúc cho người.

Đâu cần nói nhiều lời / Hãy nhìn sự khác biệt / Giữa người ngu, bậc thánh

Người ngu vì lợi riêng / Thánh nhân vì lợi người.

(ch. 8: 129 - 130)

Kết quả là luôn luôn ưu tiên đặt người khác lên trước.

Phương pháp thiền thứ hai có thể đã bắt nguồn từ Quảng thích bồ-đề tâm luận của Kamalaśīla và trong bản chú giải Bồ đề đạo đăng luận của Atiśa. Như nhận định của Tịch Thiên ở trên, nó được đặt cơ sở trên nhận thức về bình đẳng, bởi tất cả đều bình đẳng trong ước muốn hạnh phúcxa lìa khổ đau. Hơn nữa, nếu tính từ nhiều kiếp trong quá khứ thì tất cả chúng sinh đều đã từng là bằng hữu quen biết nhiều lần. Thực vậy, như Atiśa lưu ý, tất cả chúng sinh từng đã là mẹ của ta trong nhiều kiếp sống trước, và từ sự quán chiếu ấy khởi lên ước muốn làm lợi ích cho họ. Đó được gọi là ‘từ’ (maitrī), và từ đó lại khởi lên tấm lòng ‘bi’ (karuṇā) đối với những ‘chúng sinh từng là mẹ ta’ đang hứng chịu đau khổ. Về phần mình, Kamalaśīla quán chiếu những nỗi đau khổ này một cách hệ thống. Từ tất cả những yếu tố đó, Atiśa hy vọng, tiến gần đến Tâm Bồ Đề, một ước muốn và là một con đường giúp mọi người bằng tất cả những gì có thể và rốt ráo đạt được Phật quả. Trong quá trình thực hành con đường đã phát nguyện, để hoàn thành Phật quả vì lợi ích cho tất cả chúng sinh một cách không phân biệt, vị bồ-tát thực hành 6 (hoặc 10) ba-la-mật và vượt qua 5 đạo (mārga) [còn gọi là năm vị] và 10 địa (bhūmi). Theo cách thức đó, mặc dù tâm bồ đề đã khởi phát, nhưng hành giả vẫn chưa vào địa thứ nhất của bồ-tát một cách đúng nghĩa. Nó đòi hỏi phải tu tập ‘phương tiện’ (upāya) - nghĩa là tu tập 5 ba-la-mật đầu: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấnthiền định - cũng như ba-la-mật thứ sáu ‘trí tuệ’ mà không được xao nhãng. Vào lúc thực sự phát khởi tâm Bồ đề, vị sơ học bồ-tát bắt đầu vào tầng thứ nhất của 5 đạo, tư lương đạo (saṃbhāramarga), tu tập hai món tư lương phước (thông qua ‘phương tiện’) và huệ. Tiếp đó bồ-tát thành tựu được gia hành đạo (prayogamārga), một giai đoạn tiến sâu hơn về tiến trình giác ngộ tính không gồm 4 thuận quyết trạch phần: noãn, đảnh, nhẫn thế đệ nhất. Khi sự trực giác về tính không lần đầu tiên xuất hiện trong thiền định, bồ-tát đạt được kiến đạo (darśanamārga) (tương đương thông đạt vị). Bấy giờ vị ấy không còn là một con người phàm tục nữa mà trở thành một thánh bồ-tát hoàn thiện. Liền đó, Kamalaśīla nói, vị bồ-tát đó chứng được địa thứ nhất trong 10 địa bồ-tát có tên là ‘Hoan hỷ địa’ (pramuditā-bhūmi). Địa vị này gắn liền với sự tu tập đặc biệt ‘bố thí’ ba-la-mật (tuy không loại trừ những phương tiện khác). Hành giả tiếp tục tu tập để hoàn thiện các ba-la-mật như bố thí …, cái cần để đạt được trực giác về tính không. Chúng chưa phải là ba-la-mật thực sự cho đến khi chúng được củng cố bởi cái thấy trực giác những thứ như người bố thí, kẻ nhận, và vật bố thí vốn đều là không.[22] Bố thí được giải thích bao gồm 3 loại: tài thí, vô úy thí, và Pháp thí.

Chín địa bồ-tát khác đều thuộc đạo thứ 4 trong 5 đạo, tu đạo (bhāvanāmārga). Nhân đây cũng cần chú ý rằng, tại mỗi địa trong chín địa này, vị bồ-tát sử dụng 12 diệu lực như có thể thấy được chư Phật, dạo chơi các cõi Tịnh độ, thọ mạng lâu dài, làm rung chuyển và chiếu sáng các thế giới, phân thân dưới nhiều hình tướng… Ở địa thứ nhất, năng lực ấy tương đương với con số 100 và có thể đạt được trong một sát na (trong một sát na có thể thấy được 100 đức Phật, viếng thăm 100 cõi Tịnh độ, …). Con số đó được nhân lên 10 lần ở địa kế tiếp, (nghĩa là trong một sát na có thể thấy được 1000 …), nhân 100 lần ở địa tiếp theo (nghĩa là trong một sát na có thể thấy được 100.000 …), và tiếp tục như thế. Đến lúc bồ-tát đạt được địa thứ mười thì con số đó được nói là vô số (xem Nhập trung luận - Madhyamakāvatāra - ch. 11).

Địa thứ hai của bồ-tát được gọi là ‘Ly cấu địa’ (vimalā-bhūmi). Tại đây vị bồ-tát thành tựu được ‘trì giới’ ba-la-mật. Giới hoàn toàn thanh tịnh thậm chí ngay cả trong giấc mộng. Ở địa thứ ba, ‘Phát quang địa’ (prabhākarī-bhūmi), bồ-tát hoàn thiện hạnh nhẫn nhục, không hơn thua với kẻ khác, và có thể nhẫn chịu bất kì khổ đau nào. Tiếp theo, bồ-tát đạt được địa thứ tư, ‘Diệm huệ địa’ (arciṣmatī-bhūmi). Ở địa này, bồ-tát thành tựu ‘tinh tấn’ ba-la-mật, mạnh mẽ diệt trừ tất cả những tâm lý biếng nhác và hèn kém. Địa thứ năm là ‘Cực nan thắng địa’ (sudurjayā-bhūmi), bồ-tát thành tựu ‘thiền định’ ba-la-mật. Sau đó đến địa thứ sáu, ‘Hiện tiền địa’ (abhimukhī-bhūmi), ở địa này bồ-tát thành tựu ba-la-mật cuối cùng, ‘trí tuệ’, chứng được lý duyên sinh (pratītyasamutpāda) của tất cả các pháp.[23] Đến đây, vị ấy đã đạt đến điểm cuối cùng của 6 ba-la-mật. Tuy nhiên, bồ-tát tiếp tục trong một thời gian lâu dài nữa sau đó thành tựu địa thứ bảy và thứ tám, và theo những tài liệu như Thập địa kinh, còn có thêm 4 ba-la-mật nữa. Như thế, tại địa thứ bảy, ‘Viễn hành địa’ (dūraṅgamā-bhūmi), bồ-tát thành tựu ‘phương tiện thiện xảo’ ba-la-mật và diệt trừ hoàn toàn phiền não chướng (kleśāvaraṇa). Bồ-tát không còn phải tái sinh nữa (Madhyamakāvatāra). Nếu hành giả không phải là một vị bồ-tát phát nguyện thực hành bồ-tát đạo để thành tựu Phật quả vì lợi ích của chúng sinh, có thể vị ấy chứng niết bàn của A-la-hán. Ba địa còn lại do đó được gọi là tịnh địa, và là những giai đoạn bồ-tát hoàn thành sự đoạn trừ những chướng ngại cơ bản mà trong kinh thường gọi là sở tri chướng - những chướng ngại do cái thấy biết gây ra (jñeyāvaraṇa). Quá trình đoạn trừ sở tri chướng là quá trình thành tựu Phật quả tối thượng. Ở địa thứ tám, ‘Bất động địa’ (acalā-bhūmi), bồ-tát bắt đầu thể nghiệm thế giới theo một cách hoàn toàn khác, không còn bị dao động bởi các hành tướng, thậm chí ngay cả khi không ở trong thiền định.[24] Bắt đầu từ địa này, tất cả mọi hoạt động của bồ-tát đều đã trở thành vô công dụng hạnh (tốt đẹp một cách tự nhiên), như sự tuôn trào tự nhiên của các đại nguyện từ bi. Không cần phải dụng công cố gắng. Đó chính là ‘nguyện’ ba-la-mật. Địa thứ chín là ‘Thiện huệ địa’ (sādhumatī-bhūmi), tương đương với ‘lực’ ba-la-mật (bala). Địa thứ mười, cũng là địa cuối cùng, là ‘Pháp vân địa’ (dharmameghā-bhūmi), tương đương với ‘trí’ ba-la-mật (jñāna). Bồ-tát xuất hiện trên tòa sen báu, được bao quanh bởi vô số bồ-tát khác. Những tia sáng phủ trùm vũ trụ, khổ đau được đoạn trừ tận gốc rễ, và chư Phật xuất hiện ấn chứng cho Phật quả vẹn toàn. Như Thập địa kinh minh họa, năng lực của vị bồ-tát đó lớn đến nỗi vị đó thậm chí có thể đặt toàn bộ một thế giới vào trong một hạt bụi, hoặc vô số chúng sinh vào trong một lỗ chân lông mà không gây ra bất cứ xáo trộn nào. Bồ-tát địa thứ mười có thể phân thân vô số dưới đủ mọi hình tướng để giúp đỡ những kẻ khác, dù đó là hình tướng các vị thần Ấn giáo như Shiva. Tuy nhiên, năng lực ấy thật nhỏ bé và không đáng kể khi đem so sánh với năng lực của một đức Phật toàn giác. Phật quả được chứng đắc bằng sự đoạn tận sau cuối toàn bộ sở tri chướng, nghĩa là bằng sự thành tựu toàn trí. Với sự kiện đó, bồ-tát vượt qua 10 địa bồ-tát và, tất nhiên, không còn là một bồ-tát nữa. Lúc thành tựu Phật quả, vị ấy đồng thời cũng chứng đắc đạo thứ năm, ‘vô học đạo’ (aśaikṣamārga). Đó là một con đường không đưa đến đâu, bởi vì giờ đây, bồ-tát là một đức Phật - và đức Phật thì ở mọi nơi. r

 



[1] Trích dịch từ Buddhist Thought: A complete introduction to the Indian tradition / Paul Williams with Anthony Tribe. - London and New York: Routledge, 2000.

[2] Trích theo Williams, P. (1989) Manāyāna Buddhism: The Doctrinal Foundations, London and New York: Routledge, p. 122.

[3] Trích theo Williams 1989, p. 124.

[4] Beyer, S. (1977) ‘Note on the vision quest in early Manāyāna’, in L. Lancaster. (ed.) (1977). Prajñāpāramitā and Related Systems: Studies in Honor of Edward Conze, Berkeley, Calif.: University of California Press, p. 340.

[5] Như Long Thọ đã chỉ ra trong Luận Trung Quán chương 18 rằng đức Phật thậm chí sẽ giảng về Ngã cho người nào nhờ đó mà họ được lợi ích. Tất nhiên điều đó không khiến cho giáo lý Ngã trở nên chân thật.

[6] Trong số đó còn có một ngụ ngôn nổi tiếng về đứa con đi hoang khốn cùng (cùng tử).

[7] Chang, Garma C. C. (ed) (1983) A Treasury of Mahāyāna Sūtras: Selections from the Mahāyāna Sūtras, Pennsylvania State University Press, p. 456-7.

[8] Giáo lý phương tiện thiện xảo cho thấy rằng nếu chỉ xem xét đơn lẻ những hành động thì chúng ta không chắc rằng một vị đại Bồ-tát sẽ không vi phạm điều gì được xem là học giới. Tuy nhiên, ở đây không có ý nói rằng, theo cách nào đó, những học giới phổ thông không còn được áp dụng.

[9] Saddharmapuṇḍarīka Sūtra, English in L. Hurvitz (trans) (1976) Scripture of the Lotus Blossom of the Fine Dharma, Columbia University Press, p. 239.

[10] Trí Khải đã nhận định như thế thông qua việc nối kết kinh Pháp Hoa với kinh Đại bát Niết bàn, một bộ kinh dạy về tư tưởng Như lai tạng. Ông nhấn mạnh rằng cả hai bộ đều là những kinh điển được dạy vào cuối đời của đức Phật.

[11] Paul Griffiths. (1994) On Being Buddha: The Classical Doctrine of Buddhahood, State University of New York Press.

[12] Không phải ba thân theo ý nghĩa hạn hẹp. Một đức Phật có thể hóa ra vô số thân để làm lợi ích chúng sinh. ‘Giáo nghĩa kinh điển’ của Griffiths thực raquan điểm của các bộ luận Du già hành tông Ấn Độ như Đại thừa trang nghiêm kinh luận (mahāyānasūtrālaṃkāra) và Nhiếp đại thừa luận (mahāyānasaṃgraha).

[13] Is the Dharma-kāya the real ‘phantom body’ of the Buddha?/ Paul Harrison [1992].

[14] Bàn về các pháp này, ở trong Luận Tì bà sa thường kể đến những công đức, trí tuệ và 5 vô lậu uẩn của một đức Phật (tức là 5 phần pháp thân: giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến - ND). Lưu ý rằng, các nhà phân tích sau này cho rằng có một vấn đề trong việc giải thích chân thân của Phật như là Giáo pháp của Ngài (Dharma). Khi chúng ta quy y Phật thì chúng ta không thể quy y nơi sắc thân được mà phải quy y nơi pháp thân (dharmakāya). Nhưng nếu pháp (dharma) ở đây đồng với Giáo Pháp (Dharma) thì khi ấy có thể có sự lẫn lộn giữa ngôi thứ nhất (Phật) với ngôi thứ hai (Pháp) trong Tam quy y.

[15] Trong Bảo hành vương chính luận, phẩm thứ 3 [Đại tạng 32, trang 0498a19], Long Thọ nói rằng sắc thân của một đức Phật có được là do tu tập vô lượng công đức, và pháp thân của Ngài là do tích tập vô lượng trí tuệ. Đức Phật, tất cả chúng ta cũng thế, có được sắc thân do nhờ hành nghiệp của những kiếp trước. Và, Ngài thành tựu những phẩm đức của một đức Phật - những phẩm đức khiến Ngài trở thành một đức Phật - hoặc giáo pháp - cái thực sự đưa đến giải thoát - thông qua trí tuệ.

[16] Đây là 1 phân phái của Đại chúng bộ, chủ trương thân đức Phậtvô nhiễm, không có các phàm tướng như người thường. (ND)

[17] Được biểu hiện thông qua một ‘sự chuyển y’ diệt trừ ô nhiễm y tha tính.

[18] Tuy nhiên, nên để ý rằng trên nền tảng duy thức, có một cách nhìn nhận pháp thân mà nó có thể giúp ta xác nhận rằng tất cả pháp giới (dharmadhātu) đích thực là pháp thân. Chỉ có cái tâm bất nhị thanh tịnh. Vì thế chỉ có một pháp thân.

[19] Sđd.

[20] Đây không phải là một lối diễn tả chính xác về mặt giáo điều, bởi pháp thân không làm bất kỳ điều gì. Tuy nhiên tôi thích hình ảnh đó. Một báo thân cũng vẫn có thể được gọi là đức Thích ca Mâu ni. Xem thêm: Kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai Thọ Mạng.

[21] Đặc biệt, tôi cũng còn dựa vàoSanctification on the bodhisattva path’ của Lopez [1988], một biên khảo rành mạch và nghiêm túc về bồ-tát đạo lấy cơ sở chủ yếu từ nguồn tài liệu Ấn Độ, Thập Địa Kinh (Daśabhūmika Sūtra), Nhập Trung Quán Luận (Madhyamakāvatāra) của Nguyệt Xứng (Candrakīrti).

[22] Thường được gọi là ‘tam luân không tịch’ (ND).

[23] Điều này hơi kỳ lạ, bởi cần phải có được trí tuệ trực giác tính không để chứng được địa thứ nhất. Có thể mô thức 5 đạo, mô thức mà địa thứ nhất được chứng ở đạo thứ ba, kiến đạo, ban đầu vốn là một kết cấu đạo đưa đến Phật quả khác với kết cấu 10 địa.

[24] Từ thời điểm đó trở về trước, mặc cho vị bồ-tát trong lúc thiền định thấy thế giới là như thế nào, lúc xuất định, vị ấy vẫn thấy theo cách một chúng sinh chưa giác ngộ thấy. Tất nhiên, vị ấy biết rằng đó không phải là thực như nó vốn thế. Giờ đây, điều này bắt đầu thay đổi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 3554)
Trong hệ thống kinh tạng Đại thừa, Pháp Hoa là một trong những bộ kinh quan trọng và phổ biến nhất.
(Xem: 4896)
Niết-bàn (Nirvana, Nibbana) là khái niệm của Phật giáo, một tôn giáo không công nhận và không thừa nhậnThượng Đế, có thần, có linh hồn trường cửu.
(Xem: 6476)
Bài này sẽ khảo sát một số khái niệm về các hiện tướng của tâm, dựa theo lời dạy của Đức Phật và chư Tổ sư
(Xem: 3850)
Tôi ngồi đây lắng nghe quý thầy cô tụng bài kinh Bát Nhã thật hay. Ví như ngài Huyền Trang ngày xưa tuyển dịch nhiều bài Tâm kinh như thế này để ...
(Xem: 3957)
Như Lai ngài đã du hành Đạo lộ tối thắng vượt trên các ca tụng Nhưng với tâm tôn kínhhoan hỷ Tôi sẽ ca tụng Đấng vượt trên ca tụng.
(Xem: 5185)
Quy nghĩa là “quay về, trở về” hay “hồi chuyển (tâm ý)”. Y là “nương tựa”. Quy Y cũng có nghĩa là “Kính vâng” hay “Phục tùng”. Tam là chỉ ba ngôi Phật, Pháp, Tăng.
(Xem: 3668)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vốn là Thái tử “dưới một người, trên vạn người”, thế nhưng Ngài đã lìa xa tất cả
(Xem: 4386)
Từ xưa đến nay, hàng xuất gia (Sa-môn, Bà-la-môn) tu hành không trực tiếp lao động sản xuất để tạo ra của cải vật chất nên đời sống phụ thuộc vào sự bố thí, cung cấp, cúng dường của hàng tín đồ tại gia.
(Xem: 3437)
Sống chếtvấn đề lớn nhất của đời người. Trong đạo Phật, chữ sanh tử (sống chết) là một từ được nhắc đến thuộc loại nhiều nhất
(Xem: 3816)
Kinh Kim Cang Bát Nhã được ngài Cưu Ma La Thập (344-413) dịch từ tiếng Phạn sang Hán văn, và được thái tử Chiêu Minh (499-529) chia bố cục ra 32 chương.
(Xem: 4262)
Đức Phật xuất hiện trên thế gian như mặt trời phá tan màn đêm u tối. Giáo pháp của Ngài đã mang lại những giá trị phổ quát cho...
(Xem: 5264)
Khái niệm Niết-Bàn không phải là sản phẩm bắt nguồn từ Phật Giáo, mà nó đã xuất hiện từ thời cổ đại Ấn Độ khoảng hơn 4,000 năm trước Tây Lịch.
(Xem: 3718)
Quán Thế Âm tiếng Sanskrit là Avalokitésvara. Thuật ngữ Avalokitésvara vốn bắt nguồn từ hai chữ Avalokita và isvara
(Xem: 3803)
Trong khi thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, chiến tranh, khủng bố, thù hận diễn ra khắp nơi, mâu thuẩn chính trị, kinh tế, và văn hóa luôn là vấn đề nan giải.
(Xem: 3746)
Trong cõi đời, chúng ta phải chịu đựng những sự đau đớn, khổ não nơi thân và tâm, nhưng tâm bệnh có thể được chữa khỏi bằng Phật pháp.
(Xem: 4641)
Thiên Trúc (天竺) là tên mà người Trung Quốc thường gọi cho Ấn Độ cổ đại. Nó cũng được dịch “Trung tâm của cõi trời”, (nghĩa là trung tâm tinh thần);
(Xem: 4402)
Thông thường hai chữ tu hành đi đôi với nhau; sử dụng quá quen nên hiểu một cách chung chung, đã giảm tầm mức quan trọng mà tự thân nó mang một ý nghĩa sâu sắc.
(Xem: 4127)
Đã hơn 2500 năm kể từ khi Đức Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn. Hiện tại chúng ta sống trong thời đại gọi là “Mạt Pháp”, trong đó ta không thể nào thấy Đức Phật thực sự được nữa.
(Xem: 3702)
Pháp thân của chư Phật, là muốn nhấn mạnh đến loại pháp thân không còn ẩn tàng trong thân ngũ uẩn như pháp thân của chúng sinh.
(Xem: 4444)
Giáo lý Tam thân (trikāya), như đã được tất cả các tông phái Phật giáo Đại thừaTrung QuốcNhật Bản chấp nhận hiện nay
(Xem: 4034)
Ngày xưa chúng đệ tử của Đức Phật có nhiều hạng người khác nhau. Tùy theo căn cơ của mỗi người, Đức Phật áp dụng phương pháp giáo hóa khác nhau.
(Xem: 5921)
Ngày nay, chúng ta thấy hầu hết các ảnh, tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều được tạo hình có tóc, điều này khiến
(Xem: 4468)
“Chiếc đồng hồ của tôi không đánh số 1 đến 12 mà chỉ có ‘now’, ‘now’, ‘now’ để nhắc nhở rằng ta đang sống”,
(Xem: 4831)
Trong tác phẩm Jataka, truyện số 238 đã đề cập về chuyện một chữ (ekapadaṃ) nhưng có nhiều nghĩa (anekatthapadassitaṃ).
(Xem: 4032)
Về tiểu sửcông nghiệp của Huyền Trang (602-664) chúng ta đã có phần viết riêng trong phần phụ lục của sách Kinh Phật
(Xem: 4677)
Đã sanh làm kiếp con người, có ai mà không khổ? Cái khổ nó theo mình từ nhỏ đến khi khôn lớn, và sẽ khổ hoài cho tới...
(Xem: 5534)
Khi Bồ-tát Long Thọ nói “bất sanh bất diệt” thì hẳn nhiên trước đó phải có cái gì đó có sanh và diệt.
(Xem: 3499)
Trong nghĩa đơn giản nhất, tu Hạnh Bồ Tát là những người ra sức hoằng pháp và không muốn Chánh pháp bị đoạn đứt, bất kể người này có thọ giới Bồ Tát hay không.
(Xem: 3919)
Bài viết này sẽ khảo sát về Vô Tướng Tam Muội, một pháp môn ít được chú ý hiện nay.
(Xem: 4459)
Cứ mỗi lần chúng ta chứng kiến người thân qua đời là mỗi lần chúng ta đau xót, buồn rầu, vì từ nay chúng ta vĩnh viễn sẽ không bao giờ được nhìn thấy người thân yêu đó trên cõi đời này nữa.
(Xem: 5147)
Như các phần trước đã nói, chân tâm không sinh diệt và vọng tâm sinh diệt luôn tồn tại nơi mỗi con người chúng ta.
(Xem: 3052)
Thiền học là một môn học nhằm mục đích đào luyện trí tuệ để được giác ngộgiải thoát sanh tử mong đạt đến niết bàn tịch tịnh
(Xem: 4617)
Khi đức Phật đản sinh, trên trời có chín rồng phun hai dòng nước ấm mát tắm rửa cho Ngài
(Xem: 4410)
Mỗi độ tháng Tư về, trong tâm thức của những người con Phật đều hiển hiện hình ảnh huy hoàng Phật đản sinh bước đi trên bảy đóa sen
(Xem: 4170)
Phật giáo Đại thừa có cách nhìn nhận mới về đức Phật và lời dạy của ngài.
(Xem: 4633)
Đức Phật Thích Ca là một đức Phật lịch sử xuất hiện giữa thế gian để dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi khổ đau, đạt đến an lạc giải thoát.
(Xem: 4346)
Con người được sanh ra từ đâu là một nghi vấn vô cùng nan giải cho tất cả mọi giới và mãi cho đến thế kỷ 21 này vấn đề con người vẫn còn phức tạp chưa được ai minh chứng cụ thể.
(Xem: 4466)
Kinh Pháp Cú dành riêng hẳn một phẩm gọi là “Phẩm Tỳ kheo” để đề cập tới các người xuất gia.
(Xem: 7072)
Cuộc sống biến đổi không ngừng, mỗi một thời gian, mỗi một thế hệ có cách sống và nghĩ suy ứng xử có khác nhau.
(Xem: 5063)
Trước hết, thời gian vật lý là khách quan và tồn tại bên ngoài tâm trí con người và là một phần của thế giới tự nhiên, thứ hai, thời gian tâm lý chủ quan và có sự tồn tại phụ thuộc vào ý thức.
(Xem: 4863)
Hôm nay nhân ngày đầu năm, tôi có vài điều nhắc nhở tất cả Tăng Ni, Phật tử nghe hiểu ráng ứng dụng tu để xứng đáng với sở nguyện của mình.
(Xem: 4466)
Huyễn: Có nhiều nghĩa như tạm bợ, hư dối, phù du, huyễn hoặc, ảo ảnh, thay đổi luôn luôn, có đó rồi mất đó, biến dịch hoài trong từng sát-na.
(Xem: 5496)
Ngạ quỷ nghe kinh là một trong những đề tài khá quen thuộc trong kinh Phật. Người phàm thì không ai thấy loài ngạ quỷ, trừ một vài trường hợp đặc biệt.
(Xem: 5150)
Từ thế kỷ trước, người ta đã tìm được rải rác các thủ cảo (manuscripts) kinh Phật cổ xưa nhất viết bằng văn tự Kharosthi chôn ở các di tích Phật giáo ở Gandhāra, Bắc Afghanistan.
(Xem: 4051)
Thư Viện Quốc Hội Mỹ đã công bố một văn bản quí hiếm từ 2.000 năm trước của Phật Giáo và văn bản cổ này đã giúp cho chúng ta ...
(Xem: 5860)
Giới, Định và Tuệ là ba môn tu học quan trọng trong Phật giáo. Ta thường hay nói “Nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ”.
(Xem: 4750)
Từ khi Đức Như Lai Thế Tôn thị hiện cho đến hiện tại là 2019, theo dòng thời gian tính đếm của thế nhân thì cũng đã gần 2600 năm.
(Xem: 5349)
Tôn giả Tịch Thiên (Shantideva) là con của vua Surastra, sinh vào khoảng thế kỷ thứ VII ở Sri Nagara thuộc miền Nam nước Ấn.
(Xem: 5440)
Theo nghĩa đen của khái niệm, độc nhất là chỉ có một, mang nghĩa duy nhất. Trong kinh tạng Nikāya, khái niệm con đường độc nhất (ekāyana magga) là
(Xem: 5665)
Này các Tỳ-kheo, ta cho phép học tập lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính bản thân (sakāya niruttiyā)
(Xem: 4877)
Phật giáo có hai hệ là Theravada và Phát-Triển. Hệ Theravada quan niệm quả vị cao nhất mà hành giảthể đạt được là quả vị A-La-Hán.
(Xem: 4234)
Định học là một chi phần quan trọng trong Tam vô lậu học giới, định, tuệ .
(Xem: 4551)
Trí tuệ là sự thấu hiểu, là kiến thức liên quan đến tư tưởng đạo đức giúp ta đi sâu vào đặc điểm và biểu hiện của các đạ o lộ thông qua sự nỗ lực tinh tấn.
(Xem: 4593)
Trung đạo là khái niệm được dùng khá nhiều trong Phật giáo. Tùy duyênTrung đạo được định nghĩa khác nhau, nhưng...
(Xem: 5733)
Có một chuyện rất khoa học, tôi không bắt quý vị phải nhắm mắt tin Phật nhưng tôi cho quý vị một gợi ý.
(Xem: 3222)
Đối với một người đã giác ngộ, sẽ không còn thấy nữ tính và nam tính nữa. Với một số vị thường quán bạch cốt, sẽ thấy thân mình và người chỉ là một nhóm xương khô đang đi đứng nằm ngồi.
(Xem: 5131)
Long Thọ hay Long Thụ (Nāgārjuna) không phải chỉ là tổ của tông Trung Quán (Madhyamika),[1] trong lịch sử phát triển Phật giáo ngài được coi là vị Phật thứ hai sau Đức Thế Tôn
(Xem: 2854)
Hạnh phúctrạng thái cảm xúc khi ta thỏa mãn được nhu cầu nào đó của bản thân. Hạnh phúc khi được nhận. Có một loại hạnh phúc khác mà cảm xúc mang đến cho bạn nhiều hơn nữa: Đó là hạnh phúc từ sự cho đi.
(Xem: 4020)
Kỳ thực, trên đời này không ai có thể khiến chúng ta đau khổ ngoài chính bản thân mình, và cũng không ai có thể mang lại hạnh phúc cho chúng ta ngoài bản thân mình ra…
(Xem: 5171)
Bài kinh "Viết Trên Đá, Trên Đất, Trên Nước" là bài kinh ngắn, trích trong Kinh Tăng Chi Bộ, chương Ba, phẩm Kusinàra.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant