LỜI MỞ ĐẦU
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vốn là Thái tử “dưới một người, trên vạn người”, thế nhưng Ngài đã lìa xa tất cả vinh hoa phú quý, địa vị danh lợi, vợ đẹp con xinh, đã từ bỏ mọi sự hưởng thụ sung sướng để dấn thân vào rừng, tu hành khổ hạnh, tìm cầu chân lý, cứu độ chúng sinh.
Sau khi thành đạo, vì lòng thương chúng sinh nên Ngài đã đi gần khắp đất nước Ấn Độ và dùng mọi phương tiện để hoằng pháp lợi sinh cho đến ngày nhập Niết-bàn. Ngài thấy được chúng sinh đang chìm đắm trong bể ái sông mê, từ chỗ tham đắm ngũ dục mà gây tạo ác nghiệp, để rồi phải chịu quả báo và luân hồi trong ba cõi sáu đường. Do mỗi chúng sinh có căn cơ, trình độ và hoàn cảnh khác nhau nên Ngài phải dùng rất nhiều phương tiện để hóa độ, hướng dẫn họ về nương tựa chính pháp. Trong đó, Ngài đã chỉ dạy cho hàng đệ tử phương pháp để hoằng pháp lợi sinh sao cho có được kết quả, đó là “Tứ nhiếp pháp”[1], gồm có: bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp. Sau đây tôi sẽ chia sẻ cụ thể về bốn phương pháp này, giúp chúng ta hiểu rõ để có thể ứng dụng vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh.
Bố thí nhiếp là đem những gì mình có bằng vật chất và tinh thần để cứu giúp người khác khi cần thiết, tạo dựng lòng tin cho họ, từ đó mang Phật pháp đến để giáo hóa họ. Có ba cách bố thí là tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí là cho hay hiến tặng tiền bạc, của cải vật chất. Pháp thí là cho hay hiến tặng Phật pháp. Vô úy thí là cho hay hiến tặng sự không lo sợ.
Thứ nhất là tài thí. Trong cuộc sống, có rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh tật, tai nạn, thiên tai,… Khi gặp những người như vậy, chúng ta dùng tiền bạc, của cải vật chất giúp đỡ họ, chắc chắn sẽ tạo được thiện cảm với họ. Nhờ đó, chúng ta nói Phật pháp, họ sẽ dễ tiếp nhận hơn. Còn khi họ đang đói khổ, mình nói Phật pháp, chưa chắc họ đã nghe. Người ta no bụng thì nói người ta mới nghe.
Người xưa thường nói: “Có thực mới vực được đạo”. Chẳng hạn như ở những vùng sâu vùng xa, người dân còn khó khăn về kinh tế, nếu chúng ta vào đó tổ chức thuyết pháp thì chắc chắn sẽ khó có kết quả vì rất ít người đến nghe. Còn nếu chúng ta đem tiền, gạo, quần áo, đồ dùng tặng cho họ thì họ sẽ đến đông hơn, nhờ vậy chúng ta mới có cơ hội nói Phật pháp cho họ nghe. Hoặc là trong dịp lễ Phật đản, chúng ta tổ chức bố thí gạo và thực phẩm để giúp đỡ những người nghèo xung quanh một ngôi chùa nào đó. Để được nhận quà thì người ta phải đến chùa, nhân cơ hội này chúng ta chia sẻ Phật pháp với họ.
Tôi thấy tài thí là cách rất cần thiết để hoằng truyền Phật pháp, nhất là đối với những người còn khó khăn, nghèo khổ. Riêng những người khá giả thì chúng ta không bố thí tiền bạc, vật chất mà cho kinh sách, băng đĩa Phật pháp để họ xem, nghe. Tâm lý con người rất lạ, mặc dù có tiền, thừa khả năng tự mua kinh sách, băng đĩa, nhưng nếu được tặng thì họ thấy rất quý, rất vui. Đó là cách mà chúng ta dùng của cải vật chất để hoằng pháp lợi sinh.
Thứ hai là pháp thí. Chúng ta phải tìm cách đem Phật pháp đến cho mọi người để họ biết nhân quả, tội phước; biết điều lành, điều dữ; biết tu nhân, tích đức; biết vô thường, vô ngã, duyên sinh; biết cái nào là thật, cái nào là giả; biết con đường nào là hạnh phúc, giải thoát; con đường nào là đau khổ, luân hồi.
Nếu chúng ta bố thí tài sản, vật chất mà không bố thí pháp thì chưa đủ, bởi vì tiền bạc của cải chỉ sử dụng được một thời gian ngắn là hết. Thí dụ, chúng ta cho đi vài ký gạo hoặc vài trăm nghìn, họ xài vài bữa là hết, nhưng cái khổ của họ vẫn còn, không những khổ đời này mà còn khổ cả đời sau.
Do vậy, sau khi bố thí tài cần phải bố thí pháp. Hiểu được Phật pháp thì mới có thể chuyển hóa khổ đau. Đời này họ chịu quả khổ là do đã gieo nhân bất thiện trong quá khứ, nhưng nếu không biết nhân quả thì họ vẫn sẽ tiếp tục làm những điều bất thiện. Bởi vì, khi đói khổ người ta hay làm liều, làm bậy, miễn là có tiền. Cứ như thế, trong đời này và nhiều đời sau, họ vẫn phải chịu đau khổ. Nếu trước kia họ gieo hạt ớt, bây giờ họ phải ăn quả cay. Ngày nay, nếu họ gieo hạt mít thì chắc chắn trong tương lai họ sẽ được quả ngọt. Chúng ta bố thí pháp là giúp cho họ hiểu được nhân quả, tội phước, biết tu nhân tích đức, gieo trồng nhân tốt để tương lai được hưởng quả lành. Chỉ có Phật pháp mới có thể giúp họ chuyển hóa đau khổ thành an vui, hạnh phúc.
Nhân quả của khổ đau và hạnh phúc được đức Phật chỉ rõ trong pháp Tứ diệu đế. Đức Phật chỉ ra đâu là khổ, là nguyên nhân của khổ; đâu là hạnh phúc và nguyên nhân đưa đến hạnh phúc. Muốn được quả an vui, hạnh phúc, chúng ta phải gieo nhân tốt đẹp, thiện lành. Nhờ biết đến Phật pháp, họ nhận thức được rằng đau khổ hay hạnh phúc không phải do ông trời hay người nào mang đến, mà là do chính mình tạo ra. Hiểu được như vậy, khi đau khổ tới, họ sẽ không tìm đến con đường rượu chè, xì ke, ma túy, không chán nản, không oán trời trách đất, và cũng không vì quẫn trí mà tự tử. Tôi biết có người nghĩ rằng, sống mà phải chịu đựng đau khổ thì tốt hơn hết là tìm đến cái chết để được nhẹ nhàng, thanh thản. Nhưng sự thật là chết cũng không giải quyết được đau khổ. Nghiệp kiếp này chưa trả hết thì kiếp sau phải trả tiếp, tức là kiếp sau vẫn khổ, thậm chí có thể còn khổ hơn kiếp này.
Rất ít người tự đặt câu hỏi: “Mình sinh ra trên cuộc đời này để làm gì, sau khi chết sẽ đi về đâu?”. Chúng ta chỉ biết nghĩ đến chuyện làm sao được ăn ngon, ngủ kỹ, có tiền, có tình, có danh lợi, địa vị. Chúng ta cứ luẩn quẩn với ba việc: ăn, ngủ, làm, rồi đến ngày nào đó nhắm mắt lìa đời, thế là xong một kiếp người. Có câu chuyện vui như sau:
Hai anh bạn gặp nhau, anh này hỏi:
- Lâu nay bạn làm gì?
Anh kia trả lời:
- Tôi đạp xích lô.
- Anh đạp xích lô để làm gì?
- Để kiếm tiền.
- Kiếm tiền để làm gì?
- Để ăn.
- Ăn để làm gì?
- Để sống.
- Sống để làm gì?
- Để đạp xích lô.
Cuộc sống của chúng ta cũng giống như câu chuyện vui của hai anh này, ngày này sang ngày khác, cứ luẩn quẩn trong vòng kiếm tiền, ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ,... Đôi khi, vì miếng ăn mà giết hại chúng sinh; hoặc vì muốn có tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi mà làm những điều tội lỗi. Tạo nghiệp như vậy, chắc chắn chúng ta phải trả quả, phải xoay vần trong vòng luân hồi đầy đau khổ. Thanh Sĩ có bài thơ rất hay:
Kiếp thì bị treo thân lủng lẳng,
Kiếp thì ngồi chổng cẳng ra oai,
Kiếp thì chết chẳng chôn thây,
Kiếp thì tống táng chật ngoài chật trong.
Khi thì xác trôi sông chập chã,
Khi thì thây tan rã giữa đồng.
Kể sao hết chuyện não lòng,
Của tiền kiếp khách trần hồng đã mang.
Kiếp làm gái chịu đàng đẻ chửa,
Kiếp làm trai con vợ đùm đề.
Khi thì trọn kiếp phu thê,
Khi thì bướm chán ong chê giữa chừng.
Có khi bị cùi phong xụi bại,
Có khi thì điên dại mù câm,
Sống không nhà cửa ăn nằm,
Lang thang đường phố xin ăn qua ngày.
Có kiếp bị bọn trai lừa gạt,
Có kiếp thì bị thác vì tình.
Kiếp thì làm đĩ bán mình,
Kiếp thì cô quạnh trong tình cấm cung.
Khi thì được anh hùng vang dội,
Khi thì mang lấy tội phản thần.
Lúc thì quý tựa vàng cân,
Khi thì rẻ nát còn hơn con dòi.
Kiếp thì được người coi vua chúa,
Kiếp thì ra thân đứa ăn mày.
Mới cười kế khóc chua cay,
Cứ như thế đó đổi thay không ngừng. (Trích Đường giải thoát – tập 3)
Trong bài thơ này, Thanh Sĩ chỉ mới diễn tả cảnh luân hồi qua những kiếp làm người. Cõi người đã khổ như vậy, nếu rơi vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì còn khổ hơn gấp trăm ngàn lần. Vì thế, chúng ta phải biết yêu thương mọi người, phải tìm cách để họ biết đến Phật pháp, hiểu được nhân quả, tội phước.
Theo tôi nghĩ, trên thế giới này, chỉ có khoảng một phần ba người biết đến Phật pháp, hai phần ba người còn lại không biết đến Phật pháp. Thật ra, trong vòng sinh tử luân hồi, từ vô thủy kiếp đến nay, mỗi kiếp sinh ra chúng ta đều có ông bà, cha mẹ, anh em, con cháu, họ hàng, cứ luân hồi vòng tới vòng lui, rốt cuộc mọi người đều là người thân của chúng ta. Bây giờ, họ không biết Phật pháp, không hiểu nhân quả, gây tạo tội lỗi, bị đọa vào ba đường ác thì chúng ta có vui không? Chúng ta tìm hiểu và thực hành Phật pháp, thấy được lợi ích thì chúng ta phải làm sao cho người thân của mình cũng hiểu biết Phật pháp, để mọi người đều được an lạc và hạnh phúc. Chẳng hạn như khi ăn một món ngon, chúng ta thường nghĩ đến những người thân yêu và muốn chia sẻ với họ. Cũng vậy, chúng ta nên có tâm nguyện đem ánh sáng Phật pháp đến với mọi người, gần nhất là gia đình mình, rồi đến những người xung quanh và cuối cùng là tất cả chúng sinh.
Có rất nhiều cách bố thí pháp như: giảng pháp, ấn tống kinh sách, đem kinh sách, băng đĩa tặng hoặc cho mượn. Chúng ta cũng có thể khuyến khích người ta đi chùa tham dự các khóa tu. Chẳng hạn, chùa Hoằng Pháp mỗi tháng đều tổ chức Khóa tu niệm Phật một ngày, chúng ta cố gắng động viên người thân hoặc bạn bè đến chùa tu, không tu được một ngày thì tu nửa ngày, không tu được nửa ngày thì tu một giờ, không tu được một giờ thì tu nửa giờ. Phải tìm mọi cách khuyến khích họ đến chùa, phải cố gắng tạo điều kiện để họ tu. Đó là chúng ta đang gieo duyên cho họ.
Có câu chuyện kể về một người con hiểu đạo rất mong muốn cha mình tu tập, nhưng người cha thì lại mê tiền chứ không mê tu. Người con đến chùa than thở với thầy trụ trì:
- Cha con không muốn tu, tu mà có tiền ông mới chịu tu.
Nghe vậy, vị thầy này bèn nghĩ ra một kế và bàn với người con. Sau đó, người con về thưa với người cha:
- Cha ơi, lúc này Phật sự của chùa đa đoan, thầy trụ trì không có thời gian niệm Phật, thầy nhờ cha niệm Phật giúp.
- Tao có thời giờ đâu mà niệm Phật.
- Thầy nhờ cha niệm Phật rồi thầy trả tiền cho cha.
- Ờ được, niệm Phật mà có tiền thì tao niệm.
- Thầy bảo cha niệm bằng xâu chuỗi 108 hạt, cứ niệm hết một xâu là được nhận một quan tiền.
- Được rồi, tao chấp nhận. Ở ngoài làm sao thì làm, chứ với mấy thầy thì phải làm cho đúng, cho đàng hoàng. Một xâu là một quan tiền, cứ được mười xâu thì tao sẽ tặng cho thầy thêm hai xâu nữa.
Thế là người cha bắt đầu niệm Phật. Hằng ngày, mỗi khi niệm xong, ông qua chùa lấy tiền. Ông không biết rằng tiền đó là của người con đưa cho thầy trụ trì để trả công niệm Phật cho ông. Thấy có tiền, ông rất phấn khởi, niệm Phật ngày càng tinh tấn. Mặc dù niệm Phật chỉ để kiếm tiền, nhưng sau một thời gian, ông thấy tâm mình được định tĩnh, an lạc và hạnh phúc, có khi ngồi niệm say mê mấy tiếng đồng hồ mà không biết mệt. Khi thấy được lợi ích của việc niệm Phật, ông không còn lấy tiền của thầy trụ trì nữa. Người con vô cùng vui mừng khi đã giúp được cha mình biết niệm Phật và tu tập.
Câu chuyện này là một bài học cho chúng ta. Là Phật tử, chúng ta nên đưa Phật pháp vào gia đình, khuyến hóa người thân của mình biết tu hành. Có như vậy, cả chúng ta và người thân mới cùng được an vui, hạnh phúc.
Trước đây, khi đi hoằng pháp ở các vùng sâu vùng xa, tôi thấy có một số em nhỏ đến chùa. Hỏi thăm thì có em mới học hết lớp một, có em thì học hết lớp sáu, lớp bảy, ít có em nào học hết trung học. Tôi biết rằng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên các em không được đi học, tôi rất thương và muốn làm sao cho các em biết đến Phật pháp để có được cuộc sống tốt đẹp hơn ở hiện tại và tương lai. Thế nhưng, tôi chỉ ở đó được vài tiếng đồng hồ rồi lại đi, nên chỉ còn cách cho kinh sách để các em đọc. Tuy nhiên, suy đi nghĩ lại, sợ rằng các em còn nhỏ, chưa thể đọc hiểu được kinh. Tôi liền nghĩ, các em nhỏ thường thích đọc truyện, vậy nên tôi sẽ cho các em những cuốn truyện Phật giáo để thông qua những mẩu chuyện này, các em có thể tiếp cận Phật pháp, hiểu được nhân quả dễ dàng hơn.
Sau chuyến hoằng pháp đó, tôi bắt đầu tìm những cuốn truyện đưa về vùng sâu vùng xa cho các em. Tôi tìm được một bộ truyện tên là Truyện Cổ Phật Giáo, gồm năm tập, mỗi tập dày tầm ba đến bốn trăm trang, giá tiền khoảng trên một trăm nghìn đồng. Nếu cho các em bộ truyện này với số lượng lớn, chắc là tôi không đủ khả năng. Hơn nữa, đọc kỹ trong đó, tôi thấy có nhiều mẩu chuyện dành cho nhiều trình độ khác nhau, nên sẽ có những truyện các em đọc cũng không hiểu được. Vì thế, tôi đã tự sưu tầm và chọn lọc ra được mười mấy mẩu chuyện nhân quả. Dự định trong năm nay, tôi sẽ xin phép in thành sách để đưa về các vùng sâu vùng xa. Độ dài cuốn sách này chỉ hơn một trăm trang, không những có nội dung phù hợp với lứa tuổi các em mà chi phí in ấn cũng phù hợp với khả năng của tôi. Chúng ta cho cuốn sách mỏng như vậy vừa cho được nhiều, vừa có kết quả, hơn là tặng một bộ truyện đắt tiền mà chưa chắc các em đã đọc và hiểu được hết. Sau khi xuất bản cuốn truyện nhân quả này, tôi sẽ biếu tặng quý vị, để quý vị mang về cho con cháu ở nhà. Nếu ban đầu các em còn ngại đọc thì quý vị nên bảo ban, hướng dẫn, cùng đọc với các em và có thể có phần thưởng khuyến khích. Đó là cách để quý vị đưa Phật pháp đến với con cháu của mình. Quý vị phải có tình thương đối với con cháu, phải làm thế nào đó để các em biết đến nhân quả, biết đến Phật pháp.
Trong tâm nguyện của tôi, lúc nào tôi cũng nghĩ đến chuyện giúp cho những người mới bước vào đạo hiểu được Phật pháp. Cho nên, những cuốn sách tôi viết hoặc dịch phần lớn nhằm vào các đối tượng sơ cơ. Ở ngoài đời, có thầy dạy tiểu học, trung học, đại học. Ở trong đạo cũng vậy, có thầy dạy Phật pháp sơ cấp, trung cấp rồi cao cấp. Tôi chỉ dạy Phật pháp sơ cấp, quý vị học với tôi, khi thấy mình hiểu và thực tập được rồi và muốn tìm hiểu nhiều hơn thì có thể học tiếp ở các vị thầy khác nữa.
Thứ ba là vô úy thí. Vô úy nghĩa là không sợ, vô úy thí nghĩa là giúp người khác có niềm tin, nghị lực để vượt qua những lo sợ trong cuộc sống. Chẳng hạn, có những người bị bệnh ung thư muốn tìm đến cái chết để thoát khỏi sự đau khổ đang giày vò mình. Chúng ta biết chuyện, đến an ủi, động viên, giúp họ có niềm tin, nghị lực vượt qua đau khổ, khó khăn, tiếp tục sống để điều trị bệnh tật. Chúng ta dùng giáo lý nhân quả để phân tích cho họ hiểu rằng, ngày nay họ chịu đau khổ như vậy là do nhân quá khứ họ đã gieo. Tại sao cùng là con người mà có người khỏe mạnh hạnh phúc, có người bệnh tật đau khổ? Đó là do nhân và quả của mỗi người. Nếu giải quyết sự đau khổ bằng cách tự tử thì đây là việc làm vô nghĩa, vì kiếp này chưa trả hết nghiệp thì kiếp sau cũng sẽ lại bị bệnh tật để tiếp tục trả nghiệp. Hiểu được điều này, họ sẽ không tự tử nữa, mà cố gắng vượt qua để tìm lại niềm vui trong cuộc sống.
Hoặc có những người đang rất đau khổ vì mất người thân, thậm chí còn bị thần kinh, điên loạn. Khi gặp hoàn cảnh như vậy, chúng ta cần phân tích cho họ hiểu rằng ai sống trên thế gian này cũng đều phải chết, không có ai sống mãi, sống hay chết là do nhân duyên, nghiệp báo. Ngày xưa, vào thời đức Phật, có một bà mẹ bị mất đứa con đầu lòng. Bà rất đau khổ, ôm con khóc hoài, khóc mãi. Người hàng xóm thấy vậy khuyên bà nên đi gặp đức Phật, có thể Ngài sẽ giúp được bà. Bà nghe nói thế liền đến gặp đức Phật, xin Ngài cứu con bà. Đức Phật nói:
- Được, ta sẽ cứu con bà sống lại. Bây giờ, bà hãy đi xin một ít hạt cải đem về đây, nhưng với điều kiện là phải xin ở nhà nào chưa từng có người chết.
Bà mẹ mừng rỡ, ôm con đi đến từng nhà xin hạt cải, kèm theo câu hỏi:
- Từ trước đến giờ, trong nhà có ai chết không?
Ai cũng nói rằng hạt cải thì họ không thiếu, nhưng trong nhà họ từng có người chết, không ông bà thì cha mẹ, không cha mẹ thì anh chị em, không anh chị em thì con cháu. Lúc đó, bà mẹ chợt bừng tỉnh. Bà đem đứa con đi thiêu, rồi đến gặp đức Phật. Khi bà đến, đức Phật hỏi:
- Con của bà đâu?
Bà thưa:
- Bạch đức Thế Tôn! Con đã giác ngộ được rằng tất cả đều là vô thường, ai cũng sẽ phải chết. Con đã thiêu đứa con của con rồi. Con đến đây để xin đức Thế Tôn độ cho con được xuất gia
Có thể thấy, đức Phật đã bố thí vô úy một cách vô cùng khéo léo.
Hoặc có những người bị chồng hoặc vợ bỏ, vì buồn quá có thể họ sẽ đi uống rượu, nhậu nhẹt, thậm chí là tự tử cho quên nỗi buồn. Đối với những người này, chúng ta nên khuyên họ rằng, mọi thứ trên cuộc đời này có hợp rồi cũng sẽ có tan. Đôi khi bị chồng hoặc vợ bỏ lại là một sự may mắn. Ngày xưa, thái tử Tất-đạt-đa còn từ bỏ vợ đẹp con xinh để đi tu. Bây giờ chồng hoặc vợ bỏ mình có khi lại là giải thoát, giống như con chim sổ lồng tung bay trên bầu trời tự do, không còn bị ràng buộc gì nữa, như vậy là quá sung sướng rồi, có gì đâu mà phải buồn khổ. Nghe lời khuyên này, có thể họ sẽ tìm được cách suy nghĩ và nhìn nhận tích cực hơn.
Hoặc có những người sắp chết rất hoang mang, đau khổ, không biết chết rồi mình sẽ đi về đâu. Lúc sống thì có người thân bên cạnh, khi chết thì chỉ một mình trơ trọi, không biết ra sao, không biết có bị đọa vào những cảnh giới đau khổ hay không? Lúc đó, chúng ta nên khuyên họ niệm Phật. Nếu có niềm tin vững chắc, họ sẽ không còn hoang mang, lo sợ, và ra đi một cách bình yên. Đó cũng là một cách bố thí vô úy.
Tóm lại, là người Phật tử, ngoài việc trau dồi học hỏi Phật pháp, chúng ta còn phải biết giúp đỡ người khác, bằng ba cách bố thí: Tài thí, pháp thí và vô uý thí, miễn là phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình. Qua đó, chúng ta không chỉ vun trồng ruộng phước cho mình mà còn giúp người biết đến con đường chính pháp, giúp họ hiểu được nhân quả, nghiệp báo và biết tu tập để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời.
Ái ngữ nhiếp là dùng lời nói êm dịu, nhẹ nhàng, dễ thương để cảm hóa lòng người. Các cụ xưa có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Khi nói ra một lời, chúng ta không mất mát gì hết nên cần biết lựa lời mà nói để khiến cho người nghe cảm mến. Lúc đó, chúng ta sẽ thu phục, cảm hóa được họ.
Ái ngữ còn là những lời nói khiêm tốn, lễ phép, hoặc những lời hỏi thăm thân tình. Thí dụ, khi gặp nhau chúng ta thường hỏi: “Anh (chị) dạo này có khỏe không?”. Đôi khi một lời hỏi thăm đơn giản cũng tạo được ấn tượng rất tốt. Hoặc thỉnh thoảng chúng ta gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe của một người thân quen, người đó sẽ cảm thấy ấm áp, cảm thấy được sự quan tâm của mình với họ.
Cùng là ái ngữ, nhưng có nhiều lời nói xuất phát từ tâm ô nhiễm và cũng có những lời nói xuất phát từ tâm trong sạch. Thí dụ, ở ngoài thế gian, nhiều người biết dùng lời nói nhẹ nhàng, dễ thương để lừa lọc, “móc túi” hoặc lợi dụng tình cảm của người khác nhằm đạt được những lợi ích cho mình. Nhưng đối với người con Phật chúng ta, học ái ngữ chỉ với một mục đích duy nhất, đó là đưa người khác đến với Phật pháp, để họ được an vui, hạnh phúc. Vì lời nói có sức mạnh rất lớn trong giao tiếp và trong cuộc sống, chúng ta cần phải nói làm sao để người nghe có ấn tượng tốt và ghi nhớ được thông tin.
Khi ta thốt lời ra,
Nói sao cho ôn hòa,
Khiến người nghe cảm mến,
Ghi nhớ mãi không quên.
Mỗi lời nói của chúng ta phải tỏa được hương thơm thanh khiết. Đó là hương thơm của Phật pháp, của sự giác ngộ, của trí tuệ và từ bi.
Miệng ta là hoa sen,
Một phen đã hé nở,
Tỏa hương thơm Phật pháp,
Gieo mầm giác cho người.
Một người mà nói lời thô lỗ, cộc cằn thì chắc chắn sẽ khó giáo hóa được người khác. Bởi khi nghe những lời như vậy là người ta muốn chạy rồi, làm sao mình có cơ hội giáo hóa được họ? Cho nên, đức Phật dạy chúng ta phải dùng ái ngữ để thu phục lòng người. Ngoài thế gian, ở các bộ phận chăm sóc khách hàng, tiếp tân hay điện thoại viên, người ta phải dùng những người có giọng nói dịu dàng, dễ nghe để giao tiếp với khách hàng. Trong đạo cũng vậy, chúng ta phải dùng lời ái ngữ để thu phục, cảm hóa người khác, từ đó mới có thể đưa Phật pháp đến được với họ.
Muốn nói được những lời ái ngữ thì phải có sự tu tập, có lòng từ bi, tâm hỷ xả và sự nhẫn nhục. Bình thường chúng ta sử dụng ái ngữ đã khó rồi, đến khi người ta nói lời thô lỗ mà mình vẫn có thể nói chuyện với người ta bằng những lời hòa ái thì càng khó hơn nữa. Phải là người có sự tu tập sâu dày mới làm được như vậy.
Lợi hành nhiếp là dùng lời nói, việc làm để giúp đỡ mọi người, từ đó dần dần cảm hóa họ. Tùy theo khả năng, cảm thấy mình làm được điều gì lợi ích, có thể giúp được cho người khác thì chúng ta cố gắng làm. Những việc làm tốt đẹp của chúng ta sẽ tạo được thiện cảm với mọi người. Nhờ đó, chúng ta sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi đưa Phật pháp đến với họ.
Ngày xưa, khi đến những vùng đất mới, các vị cao Tăng không những dấn thân vào xã hội để làm việc mà còn ra sức giúp đỡ mọi người để đến gần hơn với họ. Thí dụ, ngài Trì Địa Bồ-tát đã làm bất cứ việc gì, miễn là việc giúp người dân như: đắp đường, đẩy xe, chèo thuyền,… Nhờ vậy mà Ngài cảm hóa được rất nhiều người.
Ngày nay, nếu có điều kiện thì chúng ta mở những cơ sở sản xuất tạo công ăn việc làm cho mọi người, hoặc mở lớp học tình thương, nhà nuôi dạy trẻ, viện dưỡng lão,… Còn không có khả năng làm những việc lớn như vậy thì chúng ta hãy cố gắng giúp đỡ những người xung quanh khi cần, dù là việc nhỏ. Khi đó, mình sẽ dễ dàng khuyên bảo và cảm hóa họ hơn. Đó là lợi hành nhiếp.
Đồng sự nhiếp nghĩa là chúng ta cùng sống, cùng làm việc với người khác để cảm hóa họ. Đây là phương pháp tốt nhất để đưa Phật pháp đến mọi ngõ ngách của cuộc sống. Đối với quý thầy, khi người ta đến chùa thì quý thầy mới có cơ hội nói pháp cho họ nghe, chứ không thể tự nhiên đến nhà hoặc nơi làm việc của họ để nói pháp được. Còn quý Phật tử, hằng ngày gần gũi, thân cận với họ thì sẽ có nhiều cơ hội để giúp họ hiểu biết hơn về Phật pháp.
Vậy chúng ta cảm hóa những người xung quanh như thế nào? Trước hết, bản thân chúng ta phải sống mẫu mực, có đạo đức, chân thật, nhiệt tình, tuân thủ nội quy nơi mình sống và làm việc. Sau đó, chúng ta phải hết lòng giúp đỡ người khác, không quản ngại khó khăn, thật sự sống vì lợi ích của mọi người. Làm được như thế, tự nhiên chúng ta sẽ được mọi người yêu mến. Như vậy, chính chúng ta đã là tấm gương sống tốt đời đẹp đạo rồi, và khi đó cũng dễ dàng chia sẻ Phật pháp, kiến thức và kinh nghiệm sống đến với những người xung quanh hơn.
Với tấm lòng từ bi bao la, đức Phật dạy bốn phương pháp này với mục đích giúp chúng ta có thể hoằng pháp lợi sinh được dễ dàng và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi, nếu thực hành Tứ nhiếp pháp trong cuộc sống, bản thân chúng ta cũng có nhiều lợi ích. Chẳng hạn, khi thực hành bố thí nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp là chúng ta đang tạo dựng phước báu cho chính mình. Còn khi thực hành ái ngữ nhiếp là chúng ta đang chuyển hóa khẩu nghiệp của mình trở nên trong sạch hơn. Do vậy, mỗi người chúng ta nên cố gắng phát nguyện thực hành Tứ nhiếp pháp để đem lại lợi ích, an vui cho chính bản thân và cho những người sống xung quanh nữa.
Ngày xưa, cũng nhờ hiểu biết Phật pháp mà tôi phát tâm đi xuất gia. Trong mấy chục năm qua, thấy bản thân mình tu được lợi ích gì thì tôi cũng cố gắng giúp cho nhiều người có được lợi ích như vậy. Tôi có tâm nguyện là trong cuộc đời mình sẽ cố gắng đưa Phật pháp đến với mọi người bằng mọi cách, chú trọng nhất là ấn tống kinh sách và băng đĩa. Còn đối với quý Phật tử thì tùy phương tiện, miễn là quý vị làm thế nào đó hướng dẫn được những người thân trong gia đình và những người gần gũi với mình hiểu biết Phật pháp để họ sống an vui và hạnh phúc.
Chúng ta có một ngọn đèn sáng thì nên truyền cho nhiều người cùng được sáng như mình. Làm như vậy, ngọn đèn của chúng ta không bị tắt, mà ánh sáng lại ngày càng lan tỏa rộng hơn. Vì thế, tôi vẫn thường khuyên quý Phật tử rằng, mỗi người chúng ta khi đi chùa học Phật pháp, hiểu được ý nghĩa của việc học Phật, thấy được lợi ích của việc tu tập thì phải nghĩ đến những người chưa hiểu Phật pháp, nhất là người thân quanh mình. Mỗi người nên phát nguyện sẽ cố gắng tìm cách giáo hóa được mười người. Không lẽ trong cả đời mình, chúng ta không thể đưa được mười người đến với Phật pháp hay sao? Theo tôi, nếu thật sự có lòng thương mọi người thì chúng ta sẽ làm được, chỉ cần phát khởi tâm từ bi và thực hành đúng chính pháp.
Chúng ta muốn làm cho thế giới này hết chiến tranh, hết khổ đau thì phải nghĩ cách giúp cho mọi người cùng biết tu tập, chuyển hóa bản thân. Chúng ta không thể tách mình ra khỏi cộng đồng. Nếu trong cộng đồng còn có nhiều người bất an, đau khổ, không biết tu tập thì cuộc sống của chúng ta cũng không được yên bình, hạnh phúc. Mong rằng ai cũng có tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh và cố gắng ứng dụng Tứ nhiếp pháp để giúp cho mọi người đều biết Phật pháp, biết nhân quả mà phát tâm tu hành.
(Quyển sách này được biên tập từ pháp thoại “Bốn phương pháp cảm hóa lòng người” giảng vào ngày 10 tháng 04 năm 2005, trong Khóa tu niệm Phật một ngày tại chùa Hoằng Pháp, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.)
- Tag :
- Thích Chân Tính