Lê Huy Trứ
Từ vô ngã bùng nổ thành ngã, và rồi từ ngã bùng nổ giác ngộ trở về lại vô ngã. Cái “big bang Phật Giáo” này xảy ra trong từng sátna. Phật pháp cũng nói rằng tất cả mọi chúng sinh đều có chung một tâm mà Duy Thức Học gọi là A Lại Da Thức.
Cái tâm riêng là vọng tưởng chấp ngã chấp pháp gọi là Mạt Na thức (Manas,) đó là tâm luân hồi sinh tử, của khổ đau, nó bé nhỏ như hạt lượng tử (quantum, god particle,) còn cái tâm chung của vạn vật mới đích thực là tâm như hư không vô sở hữu, to lớn như vũ trụ.
Cứu cánh của Phật Giáo là chứng được cái tâm này, gọi là giác ngộ, thiền Trung Hoa gọi là kiến tánh thành Phật, tâm này còn có nhiều danh hiệu khác như - Chánh Biến Tri, Như Lai, Phật Thế Tôn. Ngôn ngữ con người muốn gọi thế nào đi nữa cũng chưa bao giờ diễn tảnỗi, hay có thể chỉ thẳng được cái tự tánh của nó.
Tâm ở đâu khó mà biết được vì tự tâm không ở, không đến, không đi, không bị chi phối giới hạn bởi không gian và thời gian vì vậy tốc độ ánh sáng hay trọng lực (gravity) cũng không ảnh hưởng tới nó được. Tâm không ở trong tim ta, không ở trong đầu óc ta, nó không phải của ta. Tự Tâm không “tâm viên, ý mã,” mà cái ngã nó tưởng là tâm mình không tịnh. Không thể tịnh cái đã tự nó đã luôn luôn tịnh. Không thể an cái an. Cho nên thiền sư nói, đưa tâm ngươi ra đây, ta sẽ an tâm cho.
Như vậy, vạn vật nhất thể của Phật Giáo chính là Tâm, đây chính là lực tổng hợp duy nhấtcủa 4 lực cơ bản của thế giới vật chất, và rất nhiều lực vô hình của vô lượng nghiệp chướng trong Tam giới. Cái ý nghĩa vạn vật nhất thể được Phật Giáo gọi là bất nhị.
Chính xác hơn, bất nhị (non-dualism) tức không phải là hai nhưng cũng không phải là một.
Chúng ta thấy rằng photon chẳng phải là hạt (particle,) cũng chẳng phải là sóng (wave) có khi hữu tướng thể hiện là hạt khi được quan sát, có khi vô tướng thể hiện là sóng khi không quan sát. Cố xác định nó phải là cái gì thì cũng không đúng (tạm gọi, God particles.) Vật chất (Sắc, matter) chẳng phải là có thật, mà cũng không hẳn là không có, không thể gò ép cho là có, là không được. Trong vật lý học, đây là nguyên lý bất khả định (Principle of Uncertainty) do Werner Heisenberg nêu ra năm 1927. Trong toán học, đây là định lý bất toàn (Incompteness Theorem) do Kurt Gödel nêu ra năm 1931.
Nguyên lý bất định cũng có ý nghĩa trong Sinh Vật Tiến Hóa Luận, nó khiến cho thuyết sinh vật tiến hóa (Theory of Evolutions) của Darwin trở nên không vững chắc nhưng không có nghĩa là sai.
Đức Phật đã kết thúc những hiện tượng vũ trụ trên trong kinh Kim Cang bằng bốn câu kệ rất sâu sắc như sau:
“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.”
Dịch nghĩa:
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, như chớp loé,
Hãy quán chiếu như thế.
- Tag :
- Lê Huy Trứ