- Gieo trồng phước đức
- Đức Phật làm phước
- Đức Phật làm phước độ đệ tử bệnh
- Bà già bán cái nghèo
- Bố thí tùy duyên
- Bố thí với tâm thành
- Tài thí, nội thí
- Nhân quả như hình với bóng
- Thực hành pháp thí
- Vì pháp quên mình được ngộ đạo
- Cúng dường được phước
- Bố thí không bị năm nhà cuốn trôi
- Phước đức và công đức
- Khi công tử chê tiền
- Cúng dường chứng quả A-na-hàm
- Bố thí cúng dường trong sạch
- Chúc mừng không trong sạch
- Bố thí Ba la mật
- Cúng dường Tam bảo
BỐ THÍ BA LA MẬT
Bố thí Ba-la-mật là gì? Tại sao ta phải thực hành bố thí Ba-la-mật?
Bố thí Ba-la-mật là bố thí vật chất lẫn tinh thần. Khi ta đem của cải vật chất hay sự hiểu biết tặng, cho người khác vô điều kiện, không có bất cứ một dụng ý hay yêu cầu nào, ta phát tâm bố thí một cách hoan hỷ, không cầu lợi, không cầu danh, kể cả khi thực hành bố thí bị người nhận bố thí làm điều trái ý, nghịch lòng, mà tâm người bố thí vẫn hoan hỷ, không phiền muộn, khổ đau. Thực hành bố thí với tấm lòng như thế thì gọi là bố thí Ba-la-mật.
Nói cách khác, bố thí Ba-la-mật là cho những gì khó cho dù đau khổ đến tận cùng, ta vẫn một lòng quyết chí không buồn khổ, không ân hận hay nuối tiếc, dám cho những gì khó cho.
Ngày xưa, ngài Xá-lợi-phất khi nghe đức Phật giảng về hạnh bố thí Ba-la-mật liền phát nguyện thực hành ngay Bồ-tát đạo.
Trong mười đệ tử lớn của đức Phật, Tôn giả Xá-lợi-phất là người trí tuệ bậc nhất, nên được Tăng chúng gọi là Tướng Quân Chánh Pháp. Muốn thực hành bố thí Ba-la-mật theo lời Phật dạy, ngày hôm đó, trên đường du hóa, Ngài khởi nghĩ, hôm nay mình sẽ thực hành bố thí vô điều kiện.
Biết được tâm niệm của ngài Xá-lợi-phất, một Thiên nhân Đại Phạm Thiên liền biến hóa làm một người phàm ngồi khóc bên vệ đường. Ngài Xá -lợi-phất đi ngang qua thấy vậy liền hỏi:
- Vì sao ông ngồi đây khóc lóc thế này? Chắc là có duyên sự gì không giải quyết được, ông nói ra tôi có thể giúp được điều gì chăng?
Người ấy nói:
- Chẳng giấu gì Ngài, những điều tôi đang cần khó ai có thể giúp được.
Nghe vậy, ngài Xá-lợi-phất nói:
- Không sao, bất cứ điều gì tôi cũng có thể giúp ông được.
Người ấy mừng rỡ bạch rằng:
- Thưa Ngài, mẹ tôi đang bệnh nặng, thầy thuốc nói phải có con mắt của người tu hành hòa với thuốc mới chữa khỏi bệnh.
Chẳng cần suy nghĩ, ngài Xá-lợi-phất liền móc con mắt trái của mình đưa cho người ấy.
Người ấy nói:
- Không được rồi thầy ơi, thầy thuốc bảo phải dùng con mắt bên phải mới chữa được bệnh này.
Nghe vậy, ngài Xá-lợi-Phất hơi chựng lại một chút, rồi mạnh tay móc tiếp con mắt bên phải đưa cho người đó.
Người ấy cầm hai con mắt ném xuống đất rồi dùng chân chà nát.
Ngài Xá-lợi-phất nghe biết người ấy làm như thế không dằn được tự chủ liền thoái thất bồ đề tâm. Từ đó, ngài Xá-lợi-phất thấy thực hành bố thí Ba-la -mật khó quá nên Ngài không phát tâm thực hành Bồ-tát đạo nữa.
Đức Phật nhờ phát tâm hành Bồ-tát đạo từ vô số kiếp, Ngài đã làm được những việc khó làm, nhẫn được những điều khó nhẫn, giúp vô số chúng sinh được an lạc, giác ngộ, giải thoát, tùy theo tâm nguyện chúng sanh mà bố thí, vì vậy Ngài mới thành Phật quả
Bố thí cũng có nghĩa là buông xả tâm tham đắm, dính mắc nơi mỗi con người. Và Bố thí Ba-la-mật là đem cho vật chất hay tinh thần hoặc là thân này phải chết để giúp đỡ cho người thoát khổ mà tâm vẫn hoan hỷ, không chấp mắc, không hối hận, tiếc nuối hay mong cầu.
Chúng ta thấy, ngài Xá-lợi-phất là bậc đệ nhất trí tuệ mà khi phát tâm thực hành bố thí Ba-la-mật vẫn còn bị thoái thất Bồ-đề tâm thì đây không phải là việc đơn giản ai làm cũng được. Thực hành kết quả việc bố thí Ba-la-mật phải là người phát tâm cầu Phật quả, đời đời, kiếp kiếp vì lợi ích chúng sanh, lấy niềm vui thiên hạ làm niềm vui chính mình mới được.
Muốn vậy, khi thực hành bố thí không phân biệt thân hay thù, mà chỉ tùy duyên, tùy thời cho phù hợp. Muốn đạt đến sự trọn vẹn của Bố thí Ba- la-mật, chúng ta phải bố thí với lòng thành kính, thành tâm nghĩ rằng, bố thí là trách nhiệm và bổn phận của người tu theo đạo Phật.
Bồ-tát bố thí Ba-la-mật luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cần thiết của chúng sanh, không phân biệt thân hay thù bằng nhiều cách như tài thí (thí các loại tiền bạc, của cải vật chất), nội thí ( cho những gì đang có trong thân thể này) Pháp thí (dùng lời nói chỉ cho chúng sanh hiểu thấu được lý nhân quả, nghiệp báo để tránh xa những điều xấu ác, hay làm các việc thiện lành.)
Bồ-tát sẵn sàng bố thí tất cả, không bao giờ có sự hối tiếc hay phiền muộn dù phải chịu khổ, chịu chết thay cho chúng sanh. Bố thí như thế mới gọi là bố thí Ba-la-mật.
Tại sao Bồ-tát thực hành bố thí Ba-la-mật?
Bởi vì Bồ tát là người đang trên đường tiến tới giác ngộ Phật quả, cho nên mỗi khi làm việc gì có lợi cho chúng sanh, Bồ-tát đều phát nguyện và hồi hướng, nhờ thế tâm từ bi của Bồ-tát càng thêm tăng trưởng và trong hạnh bố thí, chỉ có bố thí Ba-la-mật là phước quả cao hơn tất cả.
Bồ-tát là người phát tâm cầu thành Phật quả để hóa độ chúng sanh thoát khỏi khổ đau, sanh tử luân hồi. Vì vậy, trong suốt quá trình dấn thân, tu học, hành đạo, Bồ-tát luôn phát Bồ-đề tâm cho đến lúc thành Phật.
Người mới phát tâm cầu làm Bồ-tát phải có hai điều kiện tất yếu là phát nguyện và hồi hướng. Ngày trước, Bồ-tát Sĩ-đạt-ta (Phật Thích Ca sau này) cách nay 2600 năm đã phát nguyện dưới cội Bồ-đề rằng: “Ta dù thịt nát xương tan, nếu không giác ngộ thành Phật để cứu độ chúng sanh, ta quyết không rời khỏi chỗ này và những gì ta biết được, chứng được cùng với các việc làm thiện ích, ta xin hồi hướng cho tất cả chúng sanh cùng chung hưởng.”
Phát nguyện là để giữ vững ý chí, lập trường của mình khi gặp trở ngại, khó khăn. Phát là phát cái tâm làm các việc thiện lành, còn nguyện giống như một lời thề nguyền, để ta ghi nhớ mà quyết tâm phấn đấu khi gặp chướng duyên hay trở ngại. Mỗi khi làm được việc lợi ích gì, ta đều hồi hướng hết cho tất cả mọi loài chung hưởng thì phước báu của ta mới được tăng trưởng.
Bởi vậy, phát nguyện và hồi hướng công đức là việc làm rất quan trọng của Bồ-tát để hướng đến bố thí Ba-la-mật và thành tựu Phật quả.
Tóm lại, bố thí Ba-la-mật là bố thí bình đẵng, không phân biệt thân, sơ giàu, nghèo. không bao giờ hối tiếc hay phiền muộn trong cả ba nội dung: tài thí, nội thí và pháp thí.