- Gieo trồng phước đức
- Đức Phật làm phước
- Đức Phật làm phước độ đệ tử bệnh
- Bà già bán cái nghèo
- Bố thí tùy duyên
- Bố thí với tâm thành
- Tài thí, nội thí
- Nhân quả như hình với bóng
- Thực hành pháp thí
- Vì pháp quên mình được ngộ đạo
- Cúng dường được phước
- Bố thí không bị năm nhà cuốn trôi
- Phước đức và công đức
- Khi công tử chê tiền
- Cúng dường chứng quả A-na-hàm
- Bố thí cúng dường trong sạch
- Chúc mừng không trong sạch
- Bố thí Ba la mật
- Cúng dường Tam bảo
CÚNG DƯỜNG TAM BẢO
Tam Bảo là ngọn đèn sáng giúp con người vượt qua tăm tối vô minh. Tam Bảo có khả năng chuyển hóa phiền não khổ đau thành an vui, hạnh phúc. Nhờ Tam Bảo ta biết được điều hay, lẽ phải, biết rõ thật sự sống của con người và muôn loài đều phải cưu mang, nương nhờ lẫn nhau. Vì vậy, người tu hành theo đạo Phật cần phát triển lòng thương yêu, tinh thần trách nhiệm và bổn phận giúp đỡ, gìn giữ sự sống cho mình và muôn loài chúng sanh. Do đó Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) như ba viên ngọc quý, không gì có thể so sánh được. Và Tam Bảo có sáu ý nghĩa không thể nghĩ bàn:
Một là nghĩa hy hữu, tức là hiếm có, khó được như vàng, bạc, kim cương, ngọc quý… người nghèo không thể có được. Phật, Pháp, Tăng cũng vậy, dù người ở sát bên chùa, nhưng thiếu phước cũng khó gặp, không thể thân cận với Tam Bảo nên gọi là hy hữu.
Hai là nghĩa ly cấu, tức lìa xa những việc xấu ác hay làm những việc tốt lành, như châu báu thế gian, trong sáng, sạch đẹp không tỳ vết, khó vấy bẩn. Phật, Pháp, Tăng cũng vậy, hay xa lìa phiền não, xấu ác nên gọi là Ly cấu.
Ba là nghĩa thế lực, như châu báu ở thế gian có thế lực lớn, giúp người vượt qua nghèo khó, còn dùng trị bệnh trúng độc. Tam Bảo cũng vậy, có đủ sáu thông (Lục thông), tùy cơ ứng biến, dứt kiếp nghèo khổ, giải thoát được sanh tử luân hồi nên gọi là thế lực.
Bốn là nghĩa trang nghiêm, như châu báu ở thế gian, làm đồ trang sức cho thân thể trở nên xinh đẹp, lộng lẫy, ai cũng muốn ngắm nhìn. Tam Bảo cũng vậy, lấy nhân quả, nghiệp báo, nhân duyên làm nền tảng giúp người làm chủ bản thân, tâm trí trở nên sáng suốt, thanh tịnh, làm việc chân chánh nên gọi là trang nghiêm.
Năm là nghĩa tối thắng, như châu báu ở thế gian quý hơn tất cả mọi vật, nhưng xét cho cùng không quý bằng mạng sống con người. Tam Bảo cũng vậy, là pháp thù thắng hơn hết giúp người vượt qua nỗi khổ, niềm đau, sống được an vui, hạnh phúc nên gọi là tối thắng.
Sáu là nghĩa bất biến (không thay đổi) như vàng ròng ở thế gian, dù đập, nấu, mài, dủa vẫn không thay đổi bản chất. Tam Bảo cũng vậy, người thân cận Tam Bảo tất được an vui, hạnh phúc, không có gì cao hơn, hay hơn, không ai có thể làm tốt hơn, không bị vô thường chi phối, nước không thể cuốn trôi, lửa không thể thiêu đốt nên gọi là bất biến.
Vì vậy, thực hành cúng dường Tam Bảo là phước báu thù thắng hơn tất cả, bởi nhờ sự cúng dường này mà Tam Bảo được lan truyền rộng khắp và trường tồn ở thế gian để nhiều người nương tựa, tu học, thực hành những lời Phật dạy, vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Phật là người tự tin ở khả năng chính mình, nỗ lực tu tập, hành trì cho đến giác ngộ hoàn toàn, không còn sự trói buộc và sai sử của các thứ dục lạc thế gian mà người thường tình khó vượt qua nỗi.
Pháp là những lời dạy chân chánh, thiết thực của chư Phật giúp người tu tập, hành trì vượt qua nỗi khổ, niềm đau cuộc đời.
Tăng là những người tu hành theo đạo Phật có nhiệm vụ truyền bá những lời Phật dạy, gìn giữ chùa chiền, kinh tạng, tạo điều kiện cho mọi người thân cận Tam Bảo, học tập, hành trì những lời Phật dạy để có được an vui, hạnh phúc trên cuộc đời.
Do đó, thực hành cúng dường Tam Bảo là điều cần thiết giúp cho Tăng, Ni có điều kiện gìn giữ, trải rộng và phát huy tốt vai trò của Phật pháp. Đồng thời chư Tăng, Ni nhận sự cúng dường Tam Bảo phải ý thức về trách nhiệm của mình, tự giác tu hành, không lơ là, giãi đãi, vì Tăng, Ni có trọng trách vô cùng lớn lao, trên cầu thành Phật, dưới hóa độ chúng sanh, giúp mọi người tin sâu nhân quả, sống biết thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, không ỷ lại vào đấng quyền năng nào, mà sống có trách nhiệm về mọi hành vi tạo tác của mình.
Tóm lại, việc gieo trồng phước đức thông qua bố thí, cúng dường là cách thức bán đi cái nghèo tốt nhất, nhanh nhất, đồng thời cũng là phương tiện giúp mọi người gần gũi nhau trên tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau. Đó là pháp yếu của đạo Phật đi vào lòng người tốt đạo đẹp đời.
Người người làm việc thiện
Nhà nhà làm việc thiện
Mọi người giúp đỡ nhau
Tất cả sống thái bình
Có nhiều cách gieo trồng phước đức, nếu ta biết bố thí đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng thì phước đức sẽ vô cùng tận. Khi thực hành bố thí, dù là người nghèo khổ, ăn xin, ta cũng phải tôn trọng, thành tâm mới có phước đức, còn nếu ta bố thí mà có thái độ coi thường, khinh rẽ hay mạt sát, tuy vẫn có phước, nhưng ta phải chịu quả báo hận thù về sau.
Phước thì được hưởng nhưng họa vẫn phải chịu. Muốn có sự sống tốt đẹp trong đời hiện tại thì ngay tại đây và bây giờ ta phải thực tập gieo trồng phước đức để làm hành trang cho mai sau. Tất cả của cải vật chất thế gian, danh vọng, tiếng tăm, nhà cửa, tiền bạc, ruộng vườn ta sẽ không mang theo được khi nhắm mắt lìa đời, chỉ có nghiệp tốt hoặc xấu ta đã tạo nên trong đời nó bám theo ta đi vào kiếp khác. Do đó, quý Phật tử phải sáng suốt chọn lựa, thường xuyên gieo trồng phước đức để tạo nên nghiệp thiện lành, làm tư lương, hành trang cho tiến trình tái sanh, sử dụng trong đời sống tiếp theo kể cả khi ta được sanh về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A-Di-Đà.