Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Tiết 3: Tông học phát đạt. Vai trò của thiền sư Hakuin (Bạch Ẩn). Thiền cuối đời Edo.

13 Tháng Tư 201100:00(Xem: 11784)
Tiết 3: Tông học phát đạt. Vai trò của thiền sư Hakuin (Bạch Ẩn). Thiền cuối đời Edo.

LỊCH SỬ THIỀN TÔNG NHẬT BẢN
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân - Bản Thảo 2009

Chương 4 
Phát triển của Thiền thời tiền cận đại (thời Edo)

Tiết 3 - Tông học phát đạt. 
Vai trò của thiền sư Hakuin (Bạch Ẩn). 

Thiền cuối đời Edo. 

Sự bế tắc của chính trị mạc phủ. Văn hóa bình dân thời Kasei (Hóa Chính) 

Vị shôgun đời thứ 8 của mạc phủ là Yoshimune (Cát Tông, tại chức 1716-45), xuất thân từ chi Kishuu (tức bán đảo Kii, thuộc tỉnh Wakayama và Mie bây giờ) của họ Tokugawa. Ông biết tìm cách sử dụng nhân tài, chỉnh đốn chế độ tư pháp, kiệm ước và tăng gia thu nhập, thi hành nhiều chính sách nhằm tái lập sự ổn định của tài chánh mạc phủ và phiên trấn. Chính quyền của ông đã thực hiện một trong 3 cuộc cải cách lớn của mạc phủ Edo vào năm Kyôhô (Hưởng Bảo, 1716-45). Sau đó vì nền kinh tế hóa tệ bị xói mòn và thiên tai liên tiếp, tài chánh của mạc phủ vốn dựa trên cơ sở nông nghiệp gặp phải nguy cơ. Nó đã dẫn đến hai cuộc cải cách năm Kansei (Khoan Chính, 17897-93) và Tenpô (Thiên Bảo, 1841-43). Tuy mạc phủ thường xuyên thực thi những cuộc cải tổ như thế nhưng kết quả không được bao nhiêu. Dần dần giới samurai chán nãn mệt mỏitúng quẫn, tự viện Thiền Tông vốn đóng vai trò hậu thuẫn cho họ cũng lâm vào cảnh khốn cùng. Hơn nữa thế lực của liệt cường như Nga, Anh...đã bắt đầu vươn tới, cho dầu chế độ mạc phiên có vững mạnh đến đâu cũng bắt đầu có triệu chứng dao động. Mặt khác, các phiên trấn ở miền Nam như Satsuma, Chôshuu, Tosa đã thành công trong việc cải cách của họ, bắt đầu có tiếng nói trong triều đình. 

Bước vào thế kỷ thứ 19, một nền văn hóa bình dân (chônin no bunka =văn hóa của người kẻ chợ) gọi là văn hóa Kasei (Hóa Chính, tên ghép chung của niên hiệu Văn Hóa hay Bunka 1804-1818 và Văn Chính hay Bunsei = 1818-1830) mà trung tâm là Tôkyô đã bắt đầu khai hoa. Cùng với sự phổ cập của các ngành xuất bản, giao thương và giao thông, văn hóa ấy đã lan ra khắp nước. Về văn chương có các cây viết tiểu thuyết Ueda Akinari (1734-1809), Jippensha Ikku (1765-1831), về mỹ thuật có nhà hội họa Nam họa Ike Taiga (1723-1776), Yosa Buson (1716-1783), Tanomura Chikuden (1777-1835), về tranh ukiyo-e đề cập đến phong tục xã hội có Katsushika Hokusai (1760-1849), Andô Hiroshige (1797-1858). Trong tông Tào Động phải kể đến thiền sư và thi nhân Taigu Ryôkan (Đại Ngu Lương Khoan, 1758-1831), còn tông Lâm Tế thì đã có Sengai Gibon (Tiên Nhai Nghĩa Phạn, 1750-1837) cũng là một thiền sư kiêm họa gia với lối vẽ độc đáo. 

Về phương diện học vấn và tư tưởng, giai đoạn này đã có những nghiên cứu thực chứng thành công trong các lãnh vực khoa học. Quốc học đã có Kamo no Mabuchi (1697-1769) và Motoori Norinaga (1730-1801), y học thì phải nói đến nhà đông y chú trọng về lâm sàng là Yamawaki Tôyô (1705-1762). Tinh thần thực chứng ấy đã được thừa kế bởi Maeno Ryôtaku (1723-1803), Sugita Genpaku (1733-1817) bằng cách du nhập y học Tây Phương. Ngay cả trong thiên văn học hay lịch pháp cùng kỹ thuật trắc lượng, dần dần người thời ấy đã biết đem học vấn Tây Phương vào nước mình. Trong đám nho gia đã xuất hiện nhiều nhà tư tưởng với tinh thần phê phán sắc bén như các ông Tominaga Nakamoto (Phú Vĩnh Trọng Cơ, 1715-1746) với tác phẩm Shutsujôkôgo (Lời thốt ra sau khi xuất định), Yamagata Bantô (Sơn Phiến Bàn Đào, 1748-1821) với Yume no Shiro (Thay cho mộng, 1820), trong đó, họ cực lực lên án Phật giáo

Trong khi lý luận về diễn tiến của tư tưởng Phật giáo, Tominaga (Phú Vĩnh) cho rằng tư tưởng Phật giáo đại thừa không thể nào là thuyết do Thích Ca đề xướng (Đại thừa phi Phật thuyết). Các tông phái đều cảm thấy đụng chạm vì như thế Tominaga đã phủ định tất cả tông chỉ của họ nên chư tăng viết không biết bao nhiêu tác phẩm để phản kích. Ngoài ra Yamagata (Sơn Phiến) trong Yume no shiro đã dựa vào Thiên Địa Nhị Cầu Dụng Pháp Ký (Ghi chép về cách vận hành của mặt trời và quả đất), Thái Dương Cùng Lý Liễu Giải Thuyết (Giải thích rõ ràng về vai trò của mặt trời), hai quyển sách về thiên văn do nhà học giả Lan học (học thuật Tây Phương do người Hòa Lan đem đến) (gọi là rangakusha) tên Motoki Yoshinaga (Bản Mộc Lương Vĩnh, 1735-1794) dịch ra để trình bày về địa động thuyết [11], mục đích phủ định từ gốc rễ quan niệm Tu Di Sơn trong thế giới quan Phật giáo. Điều này cũng làm cho Phật giáo đồ thời đó cảm thấy bị xúc phạm. Vì lẽ đó, tăng sĩ phái Thiên Thai như Fumon Entsuu (Phổ Môn Viên Thông) đã thử tranh cãi nhưng trước tinh thần thực chứng của khoa học hiện đại, ông ta đành phải thúc thủ

Tuy rằng ở Nhật việc nho gia bài bác Phật giáo không phải mới bắt đầu có từ thời kỳ đó nhưng lập luận của những người chống đối Phật giáo đương thời có cơ sở lý luận thực tiễn chứ không chỉ phát ngôn trên chiều hướng dị biệt về lập trường không thôi như từ trước đến nay. Do đó, ảnh hưởng do họ đem đến cực kỳ to tát.Vào thời này, còn có những tác phẩm chống đối Phật giáo gọi là "bài Phật thư" xuất hiện, ví dụ Bendôsho (Biện đạo thư, 1735) của Dazai Shundai (Thái Tể Xuân Đài, 1660-1748), Sôbô kigen (Thảo mao nguy ngôn,1791) của Nakai Chikuzan (Trung Tỉnh Trúc Sơn, 1730-1804). Ngoài ra, những học giả quốc học với tinh thần phục cổ thần đạo như Hirata Atsutane (Bình Điền Đốc Dận, 1776-1843) cũng ra tay bài xích Phật giáo một cách tích cực. Tất cả đã làm cho phong trào bài Phật vào cuối đời mạc phủ lên cao. Đặc biệt ở những phiên trấn như Mito, Okayama, Aizu, Kagoshima vv...người ta đã bắt đầu mạnh tay xếp đặt lại hệ thống chùa chiền và bắt buộc tăng ni hoàn tục. Việc này chỉ là bước đầu của phong trào đánh phá Phật giáo mang tên haibutsu kishaku tức "phế Phật hủy Thích" thời Minh Trị. 

Cuối đời mạc phủ có những vị tăng theo chủ trương tôn quân như Motsugen Fusen (Vật Ngoại Bất Thiên, 1785-1867, tông Tào Động) và Maigan Dôkaku (Hối Nham Đạo Quách, 1798-1872, tông Lâm Tế) hoạt động. Tư tưởng của họ ngoài ý thức hộ quốc và chống đối đạo Ki-Tô, còn được tạo thành bởi một yếu tố lớn là tinh thần hộ pháp đứng trước những luận điệu bài Phật. 

blank
Motsugen Fusen (Vật Ngoại, Bất Thiên, 1785-1867), 

một thiền sư của thời Duy Tân.

Tông học phát đạt

Trong giai đoạn này, các tông phái Phật giáo khác cũng có nhiều tăng sĩ học vấn giỏi giang xuất hiện. Ví dụ Phượng Đàm Tăng Tuấn (1659-1738, tông Hoa Nghiêm), Phổ Tịch Đức Môn (1707-1781, tông Tịnh Độ), Từ Vân Ẩm Quang (1718-1804, tông Chân Ngôn). Giáo đoàn Thiền Tông về mặt đó cũng không hề thua kém. Phía tông Lâm Tế có các tăng sĩ như Đại Tâm Nghĩa Thống (1657-1730, thuộc phái chùa Daitokuji tức Đại Đức Tự) là người đã soạn Chính Đăng Thế Phổ hay Giang Nam Nghĩa Đế (năm sinh và mất không rõ, cũng thuộc Daitokuji) tác giả của Thiền Tịch Chí (1716) vv...Kế tiếp họ là Vô Trước Đạo Trung (Mujaku Dôchuu, 1653-1744, người phái Myôshinji tức Diệu Tâm Tự). 

Mujaku (Vô Trước) là nhân vật tiêu biểu của những nhà tu hành học vấn uyên thâm của Thiền Tông dưới thời Edo. Họ đã lập ra được phương pháp nghiêm túc để nghiên cứu văn bản và đã hiệu đính được nhiều kinh sách cũng như để lại đời sau một số lượng trước tác lớn lao. Lãnh vực họ quan tâm đến không chỉ ngừng lại trong địa hạt của Thiền Tông nhưng bao gồm cả Phật học nói chung, quốc học, Trung Quốc học, văn học chữ Hán nữa. Trong số đó có nhiều nghiên cứu liên quan đến Thiền Tôngcho đến ngày nay, giá trị của chúng vẫn không hề suy suyển, thường được sao đi chép lại để sử dụng

Về sau, từ tông Lâm Tế lại có Quế Châu Đạo Luân (1714-1794, phái Gozan tức Ngũ Sơn), Cao Phong Đông Tuấn (1714-1779, cũng thuộc phái Gozan)...xuất hiện. Họ đều chịu ảnh hưởng phương pháp khảo chứng học của Mujaku trong việc nghiên cứu

Thiền sư Mujaku Dôchuu (Vô Trước Đạo Trung

Ông người vùng Tajima (gần Kobe bây giờ), tục tính là Kumada. Năm 8 tuổi lên Kyôto và xuất gia, trở thành đệ tử Jikuin Somon (Trúc Ấn Tổ Môn, 1610-1677) của Long Hoa Viện (Ryuugein) chùa Myôshinji (Diệu Tâm Tự), người đã đứng ra vận động cho Ẩn Nguyên tới trụ trì ở đấy. Sau đó Mujaku đã nhận pháp tự của thầy. Năm 25 tuổi, thầy mất, ông trở thành viện chủ đời thứ hai.Từ thưở nhỏ, Mujaku đã hay ra vào nghe giảng kinh, sau có lúc tham học với đệ tử của Taigu Sôchiku (Đại Ngu Tông Trúc) là Mokuin (Mặc Ấn, năm sinh và mất không rõ), ba lần trong đời làm trụ trì ở Myôshinji. Từ khi trẻ, ông đã đi nhiều nơi cầu học cho nên thu thập được nhiều kiến thức trong nhiều lãnh vực từ Thiền tịch, Phật điển, Hán tịch, lịch pháp cho đến tiểu thuyết Trung Quốc, văn chương cổ điển Nhật Bản, tham gia vào việc sao chép và hiệu đính các văn bản cổ và quí hiếm. Có lúc lại giảng nghĩa Thiền tịch và viết sách chú giải cũng như từ điển. Ông trước tác rất nhiều, có đến 911 quyển và 374 thể loại khác nhau. Chủ yếu có những tự điển và từ điển Zenrin Hôgo (Thiền Lâm Phương Ngữ), Shina Zokugo (Chi Na Tục Ngữ), Zenrin Shôkisen (Thiền Lâm Tượng Khí Tiên, 1715), Kattô Gosen (Cát Đằng Ngữ Tiên, 1726), các sách chú giải như Kidôroku Rikô (Hư Đường Lục Lê Canh = Cày bới Hư Đường Lục), các bản hiệu đính của Kosonshuku Goyo (Cổ Tôn Tức Ngữ Yếu, 1731), Thiếu Lâm Tam Luận (tức Đạt Ma Đại Sư Tam luận, 1735). Tất cả đều được biên soạn một cách nghiêm chỉnhcông lao của ông vẫn được người đời nay đánh giá cao. Ngoài ra, đáng chú ý hơn hết là Shôsôrin Ryakushingi (Tiểu Tùng Lâm Lược Thanh Qui, 1684), một cuốn sách cho đến bây giờ còn sử dụng như kim chỉ nam trong các đạo tràng Lâm Tế, Ôbaku Geki (Hoàng Bá Hạ Ký, 1720) phê phán phái Hoàng Bá và Eihei Shôbô Genzô Nenpei (Vĩnh Bình Chính Pháp Nhãn Tạng Niêm Bề) để đả kích kịch liệt luận cứ trong Shôbô Genzô. Sở dĩ Mujaku đã sớm có dịp nghiên cứu tác phẩm nói trên của Dôgen là bởi vì ông quen biết nhiều tăng sĩ phái Tào Động là Baihô Jikushin (Mai Phong Trúc Tín). 

Mặt khác, phía tông Tào Động, sau thời Manzan Dôhaku (Vạn Sơn Đạo Bạch, 1618-1696) ít lâu mới có Tenkei Denson (Thiên Quế Truyền Tôn, 1648-1735). Thế nhưng cách suy nghĩ về sự truyền pháp của hai ông lại đối nghịch nhau: khác với Manzan là người coi trọng hình thức nhận pháp tự trực tiếp từ một người thầy (diện thụ), Tenkei chủ trương chỉ có sự ngộ đạo trong nội tâm mới là cần thiết. Do đó, môn đệ của hai ông đã tranh luận khá lâu trong một thời gian, mãi đến khi Menzan Zuihô (Diện Sơn Thụy Phương) xuất hiệncan thiệp vào thì người ta mới coi quan điểm của Manzan là chính thống. Môn phái của Tenkei chỉ vì chủ trương của mình mà bị phái chính thống bài xích là Tenkei Jigoku hay "địa ngục của Thiên Quế". Tuy vậy, từ phái Tenkei đã sinh ra nhiều nhà tu học vấn giỏi giang trong đó trội hơn cả là Fuô Rôran (Phụ Ấu Lão Noãn, 1723-1805). 

Về phần Menzan (Diện Sơn), ông sử dụng trở lại "Chính Pháp Nhãn Tạng Ngự Văn Thư Sao" của Keigô (Kinh Hào, đồ tôn của Dôgen, xem hệ phổ 1) lúc bấy giờ đã có được tiếng vang để nghiên cứu một cách còn nghiêm túc hơn những công trình của tiền nhân từ Geshuu (Nguyệt Chu) tới Manzan (Vạn Sơn) về Seibô Genzô (Chính Pháp Nhãn Tạng). Chẳng những thế, Menzan còn sưu tầm về hành trạng của Dôgen (Đạo Nguyên) cũng như nghiên cứu thêm về thuyết ngũ vị, kể cả cho xuất bản các sách như Chính Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký, ký sự theo thầy của học trò Dôgen là Koun Ejô (Hoài Trang) vào năm 1769. Như thế ông đã xác định phương hướng tính của những công trình nghiên cứu của mình nghĩa là tập trung vào Dôgen và tông Tào Động (Tào Động tông học). Sự quan tâm đến Seibô Genzô được nhen nhúm bởi Manzan và Menzan đã bùng lên. Để đánh dấu sự nghiệp vĩ đại của Dôgen nhân ngày giỗ lần thứ 550 của ông người phái Tào Động đã bắt tay vào việc cho xuất bản bộ Seibô Genzô Toàn Tập gồm 95 quyển (bản bản sơn, hoàn thành năm 1816). 

Từ thời Muromachi bước qua buổi đầu thời Edo, tông Tào Động đã bước đi cùng một nhịp điệu với tông Lâm Tế thế nhưng tông Tào Động đã phục hưng bằng cách trở về nguồn tức tìm đến với giáo lý của Dôgen, như thế, sự khác biệt giữa tông phong của họ với tông phong của Lâm Tế là một yếu tố quyết định. Còn tông Lâm Tế thì, từ đó về sau, để dễ tìm về con đường giác ngộ (satori), họ chỉnh lý các công án thành một hệ thống và càng ngày càng chú trọng đến việc tự pháp bằng ấn chứng của sự ngộ đạo (ấn chứng hệ). Hơn nữa, về phía phái Tào Động, nhân vì quan điểm của Dôgen rõ ràng là phê phán thiền công án, theo đó, họ xem sự tự pháp bằng "diện thụ" mới là phương pháp chính (già lam pháp hệ). Và như thế, trong công việc tu hành, tông Tào Động đặc biệt rất thận trọng trong việc dùng công án.Ngoài ra, về nghi thứctăng đường thì Tào Động theo nghi thức cổ xưa. Vì họ muốn nỗ lực bài trừ ảnh hưởng của phái Hoàng Bá cho nên khi tọa thiền hay quay mặt vào vách (trong khi các tăng Hoàng Bá nhìn ra hành lang) cũng như tổ chức ăn cơm ở tăng đường (trong khi các tăng Hoàng Bá thụ trai ở trai phòng), và như thế đã sinh ra những điểm khác nhau đối với cách thức sinh hoạt của tông Lâm Tế

Nhân vì tông Tào Động không xem việc tìm cho được sự giác ngộ (satori) là điều quan trọng nên họ chỉ dồn sức vào việc phát triển học vấn. Ấy là nguyên nhân chính của sự thành hình chế độ gakuryô hay học liêu: ở Edo có 3 học liêu chính (sangakurin hay tam học lâm): Sendanrin (Chiên Đàn Lâm, lập ra năm 1592) ở chùa Kichijôji (Cát Tường Tự, khu Komagome), Shishikutsu (Sư Tử Quật, khoảng năm 1600) ở Seishôji (Thanh Tùng Tự, khu Shiba) và Sengakuji Gakuryô (Tuyền Nhạc Tự học liêu, khu Takanawa). Trong các học liêu, ngoài việc truyền thụ kiến thức về kinh điển nhà Phật và sách vở chư tổ còn giảng về các sách chữ Hán và dạy làm thơ viết văn cũng như xuất bản tư liệu. 

Trong số những học tăng quan trọng của tông Tào Động có hai thầy trò Shigetsu Ein (Chỉ Nguyệt Huệ Ấn). Katsudô Honkô (Hạt Đường Bản Quang) đã đóng góp vào việc giáo dục ở Sendanrin (Edo) và chú thích nhiều kinh điển của tông mình. Ngoài ra phải kể đến Manjin Dôtan (Vạn Nhận Đạo Đàn) và Kan.u Irin (Cam Vũ Vi Lâm, 1786-1872) đã dựa trên lập trường của tổ Dôgen phê pháp thuyết tam giáo nhất trí, hai thầy trò Genrô Ôryuu (Huyền Lâu Áo Long, 1720-1813) và Fuugai Honkô (Phong Ngoại Bản Cao, 1779-1847) nổi tiếng vì cùng nhau biên soạn tập công án Tetteki Tôsui (Thiết Địch Đảo Xuy, trong đó Ôryuu tụng cổ và Honkô bình xướng). Riêng Fuugai còn viết thêm các sách chú thích Thiết Địch Đảo Xuy Sao và Bích Nham Lục Nhĩ Lâm Sao (1840) cũng như giải thích về thuyết Nho Thần Phật tam giáo nhất trí trong tác phẩm Tam Giáo Đỉnh Túc Đàm. 

Học vấn dưới thời Edo nếu phát triển được dĩ nhiên là nhờ ở sự khuyến khích của mạc phủ, sự hoàn chỉnh của qui chế tự viện và cũng là do sự ổn định của tình hình kinh tế. Tuy vậy, đối với giới tăng lữ vì bị cấm đoán không thể phát triển ra ngoài phạm vi giáo đoàn, học vấn là một trong những lãnh vực ít ỏi mà họ có thể hoạt động một cách nghiêm túc. Một mặt, những thành quả đạt được không phải nhỏ nhưng mặt khác, không thể nói là họ không có khuynh hướng làm ngơ trước những đề tài đáng lẽ quan trọng hơn nhiều đối với người tu hành như tình cảm và thể nghiệm tôn giáo hay vấn đề cứu độ người khác. Trên thực tế, học vấn của họ chung qui chỉ ngừng lại ở phạm vi văn bản học (philology) mà không biết đến thế giới hiện thực bao quanh mình. Nhìn chung, ta thấy giới tăng sĩ thời đó ngoài việc dồn hết tâm lực vào những điều nói trên thì không hưởng được tự do để làm được một chuyện gì khác. 

Cũng vào giai đoạn này, Phật giáo thường bị chỉ trích là đã lún sâu vào con đường thế tục. Theo sách Seji Kenbunroku (Thế Sự Kiến Văn Lục, 1816) của Buyô Inshi (Vũ Dương, Ẩn Sĩ) cho biết, trong khi tông Tào Động có qui định phải tu hành trên 20 năm mới đạt được trình độ trưởng lão hay đại hòa thượng thì trên thực tế, có những kẻ chẳng cần tu hành gì cả, chỉ cần đóng 10 lượng là có thể trở thành hòa thượng. Lại nữa, muốn trở thành trụ trì một danh lam như Eiheiji (Vĩnh Bình Tự) phải bỏ ra một món tiền lớn là 2000 lượng. Do đó, không mấy ai có thể chuyên tâm hành đạo.Còn như quan tâm đến việc học, chẳng qua là một trò giải trí và cũng không đi ra ngoài con đường thế tục hóa của tùng lâm

Sự hồi sinh tinh thần tham thiền Gozan. 
Vai trò của thiền sư Kogetsu Zenzai (Cổ Nguyệt Thiền Tài) 

Các chùa tông Lâm Tế, kể từ sau cuộc loạn Ônin (1467-77), cũng còn nhiều nơi tăng đường đổ nát chưa được trùng tu lại. Dĩ nhiên tài chính là một vấn đề nhưng ngoài ra vì khuynh hướng mật tham trở thành thời thượng, việc tham thiền tự nó đã suy thoái nhiều nên không ai có nhiệt tình bắt tay vào việc tái thiết. Khi thời Edo bắt đầu (1603) tình thế cũng không có gì thay đổi cho đến khi ở các địa phương, nhờ chịu ảnh hưởng của Dôsha Chôgen (Đạo Giả Siêu Nguyên) và các tăng Hoàng Bá, dần dần hồi phục được việc tu hành ở các tăng đường. Phong trào này từ địa phương đã tiến về trung ương. Năm 1729, nhân ngày giỗ lần thứ 450 năm của người khai sơn Tôfukuji (Đông Phúc Tự) là Tôfuku Enni (Đông Phúc Viên Nhĩ tức Thánh Nhất Quốc Sư, 1202-1280), Zôkai Etan (Tượng Hải Huệ Đam (Trạm), 1682-1733), một tăng sĩ có tiếng vì các hoạt động ở địa phương, đã được mời đến hành lễ sennin kessei (thiên nhân kết chế) [12] ở đấy.Tôfukuji lúc đó là nơi còn giữ được một tăng đường với hình dáng của thời trung cổ. Nhân đó, các chùa Gozan ở Kyôto cũng dần dần mở các tăng đường tuy qui mô của chúng nhỏ hơn vì chỉ được dựng lên bên trong các tháp đầu chứ không liên hệ gì đến việc trùng tu thất đường già lam.(Riêng hai chùa Myôshinji và Daitokuji thì đạo tràng chuyên môn mở rất trễ, phải đợi đến đầu thời Meiji mới thực hiện được). Từ năm 1734 trở đi, Nanzenji, Tenryuuji, Shôkokuji, Kennninji, Tôfukuji thay phiên nhau mở những cuộc hội họp gọi là kết chế (hình thức liên hoàn kết chế). Ảnh hưởng của nó lên đến Kamakura, hai chùa Kenchôji (1734) và Engakushi (1735) đã mời Jôzan Jakuji (Định Sơn Tịch Nhi, 1676-1736) mở đại hội kết chế. Lúc đó các chùa khác ở Kamakura đã suy vi: Jômyôji (Tịnh Diệu Tự) và Jufukuji (Thọ Phúc Tự) đã trở thành chi nhánh của Kenchôji, còn Jôchiji (Tịnh Trí Tự) phụ thuộc vào Engakuji. 

Trong chế độ kết chế (kessei), cần phải có một nhân vật chỉ đạo gọi là sư gia (shige, nhưng đương thời gọi là tiền bản hay zenban). Thời đó, có thể đảm đương được việc này là những người có tầm cỡ và chỉ xuất thân từ phái Kanzan như Jôzan Jakuji (Định Sơn, đã nhắc đến bên trên), Kogetsu Zenzai (Cổ Nguyệt Thiền Tài, 1667-1751) và Zôkai Etan (Tượng Hải, đã nói ở trên). Jôzan và Kogetsu đều là đệ tử Kengan Zen.etsu (Hiền Nham Thiền Nguyệt, 1618-1696), một học trò của Dôsha Chôgen (Đạo Giả). Còn Zôkai lại xuất thân từ dòng Daimuu Sônin (Đại Mộng Tông Nhẫn, năm sinh và mất không rõ), một đồng môn của Zen.etsu. 

Trong nhóm nói trên, hoạt động mạnh mẽ nhất có lẽ là Kogetsu Zenzai, người đã từng thờ Bankei Yôtaku làm thầy và theo học ở các chùa như Tôfukuji. Ông đã được Shimazu Tadahisa (Đảo Tân Duy Cửu, 1675-1738) mời đến trụ trì chùa Daikôji (Đại Quang Tự) ở Hyuuga (tỉnh Miyazaki), lại được họ Arima (Hữu Mã) mời đến khai sơn Fukujuji (Phúc Tụ Tự) ở Kurume (tỉnh Fukuoka). Kogetsu đã đào tạo được nhiều đệ tử như Hokuzen Dôsai (Bắc Thiền Đạo Tế, ? - 1723), Ranzan Shôryuu (Lan Sơn Chính Long, 1713-1792), Kaimon Gentô (Hải Môn Nguyên Đông, ? - 1759). Kaimon vào Kenchôji, còn Seisetsu Dôchô (Thành Chuyết Đồng Trư, 1745-1820), đồ tôn của Hokuzen và học trò của Gessen Zenne (Nguyệt Thuyền Thiền Huệ, 1702-1781) thì vào Engakuji, là những người tiên khu hòa nhập vào hệ thống Gozan (Ngũ Sơn). 

Như thế, phái Kogetsu đã lợi dụng việc phục hưng của tăng đường các chùa Gozan để nới rộng thế lực của mình. Thế nhưng, với sự xuất hiện của Hakuin Ekaku (Bạch Ẩn Huệ Hạc, 1658-1768), đông đảo môn đồ phái Kogetsu đã đến tụ họp dưới trướng của ông làm cho pháp hệ của Kogetsu đã hầu như bị dứt tuyệt từ khi thời Meiji bắt đầu. Lý do là giữa hai môn phái, thiền phong có những điểm không giống nhau. Tuy hai phái đều chủ trương dùng công án để tìm về đại ngộ thế nhưng Kogetsu không trừ khử được tính cách coi trọng kiến thức của Gozan và của cả phái Hoàng Bá.Trong lúc đó, Hakuin chỉ thôi thúc người ta tham thiền, ông chuyên tâm vào việc xếp đặt công án thành hệ thống và soạn ra phương pháp luận để chỉ đạo việc tu thiền. Hakuin đã thắng lợi nhờ sự hấp dẫn do tính cách tôn giáo của Thiền Tông

Ngày nay, tuy pháp hệ Kogetsu đã tuyệt nhưng nhờ sự xuất hiện của phái ấy mà dã có sự thay đổi lớn trong việc truyền thụ pháp tự bên trong phái Lâm Tế và đó là điều hết sức quan trọng. Do công lao hoạt động của Kogetsu mà pháp hệ theo ấn chứng hệ của tông Lâm Tế mới thành lập được và dần dần lọt vào một tay phái Kanzan (Quan Sơn). Tuy vậy, chế độ honmatsuji (bản mạt tự, tức chế độ chùa chính chùa phụ do mạc phủ đặt ra) vẫn được áp dụng nên hai thứ, già lam pháp hệ có từ xưa nayấn chứng pháp hệ của tông Lâm Tế, vẫn tồn tại song song. Kể từ thời Kogetsu, trong môn phái Lâm Tế, người ta coi trọng sự tự pháp theo ấn chứng hệ, xem đó là điều kiện bắt buộc để trở thành sư gia (shige, kẻ chỉ đạo). Cái rắc rối là số người có đủ điều kiện để nhận được ấn khả cực kỳ ít cho nên nói chung thì sự thừa kế trong các tự viện vẫn phải căn cứ trên già lam pháp

Sự hình thành và phát triển của thiền Hakuin (Bạch Ẩn) gốc Lâm Tế 

Hakuin Ekaku nhận pháp tự từ Đạo Kính Huệ Đoan,1642-1721) theo tuần tự của hệ phổ từ Ngu Đường Đông Thực qua Chí Đạo Vô Nan đến Đạo Kính Huệ Đoan. Như thế ông là đồ tôn đời thứ 4 của Gudô Tôshoku (Ngu Đường), một nhân vật tiên khu trong phong trào phục hưng Phật giáo, cũng là người đã bảo vệ tính chính thống của Thiền học đời Tống (Tống Thiền) và từng phê bình (khuynh hướng Thiền đời Minh của) Ẩn Nguyên. 

Hakuin là một người tầm cỡ lớn lao và ta có thể nhận thấy điều đó khi tìm hiểu tư tưởng của ông. Tuy nhiên, cái công lớn nhất của ông là đã phân loại các công án theo nội dung, tìm ra những mối tương quan giữa chúng để kết nối lại thành một hệ thống cũng như biết cách chỉ đạo người tu hành một cách có hiệu quả. Tư tưởng của ông đã bắt nguồn từ cách suy nghĩ của thiền gia từ đời Tống trở về sau, muốn xem công án như một công cụ để tìm về giác ngộ, nhưng hơn thế, ông đã biết phát triển cách sử dụng nó đến mức tối ưu. Đó là một điều rất quan trọng trong bối cảnh toàn bộ lịch sử Thiền Tông
 

blank
Hakuin Ekaku (Bạch Ẩn Huệ Hạc, 1685-1768) 

đã đại thành thiền công án ở Nhật.

Thiền sư Hakuin Ekaku (Bạch Ẩn Huệ Hạc

Ông người Suruga (tỉnh Shizuoka bây giờ), năm 15 tuổi xuất gia, vào Shôinji (Tùng Lâm Tự) ở Hara học đạo với Tanrei Soden (Đơn Lĩnh Tổ Truyền) (năm sinh ra mất không rõ), sau đó đến Daishôji (Đại Thánh Tự) ở Numazu học với sư Sokudô (Tức Đạo, năm sinh và mất không rõ). Đến năm 1703, dừng chân ở tăng đường Zensôji (Thiền Tùng Tự) nhưng thất vọng vì Thiền nên chuyên chú vào thi văn. Mãi về sau mới được khai nhãn sau khi đọc tác phẩm Zenkan Sakushin (Thiền Quan Sách Tiến, 1600) của thiền sư thời Minh mạt Vân Thê Chu Hoằng (Unsei Shuukô) và lên đường hỏi đạo nhiều nơi. Năm 1708 đến Takada thuộc vùng Echigo (tỉnh Niigata bây giờ), được sự chỉ dẫn của sư Shôtetsu (Tính Triệt, năm sinh và mất không rõ) ở Eiganji (Anh Nham Tự) mà ngộ đạo với công án "Con chó của Triệu Châu" (Triệu Châu Vô Tự). Tuy nhiên, mới được như thế đã sinh lòng ngạo mạn, sau nhờ sự dạy dỗ của Shôjuu Rôjin (Chính Thụ Lão Nhân, 1642-1721, tức thiền sư Đạo Kính Huệ Đoan = Dokyô Etan) mới đại ngộ và nhận được pháp tự của ông. Năm 1710, nhân sa vào trong vòng "bệnh thiền"[13], mới tìm đến Hakuyuushi (Bạch U Tử, năm sinh và mất không rõ), một nhà ẩn tu ở Kita-Shirakawa (vùng Kyôto) để học phép nội quan (tập trung tinh thần quan sát nội tâm của chính mình) để trị tuyệt chứng trạng ấy. Quá trình khắc phục bệnh thiền về sau đã được ông ghi chép lại trong Yasen Kanna (Dạ Thuyền Nhàn Thoại, 1757). Kể từ năm 1712 về sau lại đi khắp nơi hỏi đạo và vào năm 1716, về lại chùa xưa Shôinji, dùng nơi đây làm bàn đạp để đi giảng đạo quanh vùng. Hakuin đã để lại nhiều sáng tác. Về Hán văn, chủ yếu có Kaiankoku-go (Hòe An Quốc Ngữ, 1750), Keisô Dokuzui (Kinh Tùng Độc Nhụy = Khóm gai nhụy độc, 1758). Viết bằng quốc ngữ kana thì có Orategama (Viễn La Thiên Phủ, 1751), Sokkoroku Kaien Fusetsu (Tức Canh Lục Khai Diên Phổ Thuyết, 1743), Yabukôji (Tẩu Cam Tử, 1760), Otafuku Jôrô konahiki uta (Ngự Đa Phúc Nữ Lang Phấn Dẫn Ca)[14] , Zazen Wasan (Tọa Thiền Hòa Tán) vv... Hakuin cũng giỏi về thư đạo và hội họa. Ông phân biệt rành mạch Thiền (Zen) và Niệm Phật (Nenbutsu), vừa nối tiếp truyền thống của công án thiền đời Tống, vừa phân loại và hoạch định ra phương pháp sử dụng các công án, ngoài ra còn sáng tạo ra những công án mới như Sekishu Onjô (Chích thủ âm thanh tức Tiếng vỗ của một bàn tay). Do đó ông được xem như bậc thầy đã đại thành công án thiền ở Nhật Bản

Nhờ công đức lớn lao như vậy cho nên các đệ tử đồ tôn của ông cũng được hưởng phước phần. Có thể xem ngày nay trên đất Nhật, hệ phái của ông hầu như đã nắm trọn tông Lâm Tế. Thế nhưng mặt khác, vì trong tác phẩm Sankyô.icchi no Ben (Tam Giáo Nhất Trí Chi Biện), ông thuyết giảng "tam giáo nhất trí" và "chư tông đẳng đồng", khuyến khích người bình dân làm việc thiện nhưng vẫn dựa trên một tiền đề là chế độ giai cấp (mibun seido) của thời phong kiến, cho nên đã bị chỉ trích là chủ trương một thứ Phật giáo cổ hủ dựa trên thể chể mạc phủ và phiên trấn. . 

Môn đệ Hakuin có rất nhiều nhưng quan trọng hơn cả là ba nhân vật là Suiô Genrô (Toại Ông Nguyên Lô, 1719-1789), Tôrei Enji (Đông Lĩnh Viên Từ, 1721-92), và Gazan Jitô (Nga Sơn Từ Trạo, 1727-97). Các ông ấy người nào cũng từng theo học Kogetsu Zenzai trước đây cả. Suiô (Toại Ông) kế nghiệp Hakuin trở thành trụ trì của Shôinji (Tùng Âm Tự) ở Suruga. Tôrei (Đông Lĩnh) đóng ở Ryuutakuji (Long Trạch Tự) tỉnh Mishima, nơi Hakuin đã khai sơn, viết nhiều tác phẩm trình bày lại tư tưởng của Hakuin như Suumon Mujintô-ron (Tông Môn Vô Tận Đăng Luận, 1748), Shinjuubutsu Sankyô Kôkyô Kuge (Thần Nho Phật Tam Giáo Hiếu Kinh Khẩu Giải, 1785) cũng như Goke Sanzen Yôrômon (Ngũ Gia Tham Thiền Yếu Lộ Môn, 1788). Mặt khác, Gazan Jitô (Nga Sơn) thì đào tạo được hai đệ tử nhiều cá tính là Inzan Ien (Ẩn Sơn Duy Diễm, 1754-1817, người đã phục hưng chùa Zuiryuuji (Thụy Long Tự) ở Gifu) và Takushuu Kosen (Trác Châu Hồ Tiên, 1760-1833). Thiền phong của hai người đều có điểm độc đáo riêng. Inzan (Ẩn Sơn) thì cao vời phóng khoáng, còn Takushuu (Trác Châu) lại chi ly chặt chẽ. Tuy nhiên, họ đã dựng nên cơ sở đưa đến việc việc trường phái Hakuin hầu như độc chiếm tông Lâm Tế

Từ cửa Inzan đã xuất hiện Taigen Kôgen (Thái Nguyên Tư Nguyên, 1769-1837) và Tôrin Sôju (Đường Lâm Tông Thọ, ? - 1837). Takushuu có các đệ tử giỏi như Sozan Genkyô (Tô Sơn Huyền Kiều, 1799-1868) và Ryôchuu Nyoryuu (Lương Trung Như Long, 1793-1868). Ryôchuu trước kia là người của tông Hoàng Bá, sau đi theo Takushuu trên 10 năm và nhận pháp tự của thầy, sau về làm trụ trì đời thứ 33 của Manfukuji (Vạn Phúc Tự), ra sức bố giáo, phục hưng được chùa này. Vào thời điểm này thì thiền của Hakuin cũng đã thẩm thấu vào trong tông Hoàng Bá rồi. 

Sau đó, trong đám môn hạ của Taigen (Thái Nguyên) lại có Gizan Zenrai (Nghi Sơn Thiện Lai, 1802-1878) và Daisetsu Shôen (Đại Chuyết Thừa Diễn, 1797-1855). Tôrin (Đường Lâm) thì đào tạo được môn đệ như Settan Shôboku (Tuyết Đàm Thiệu Phác, 1812-73). Settan (Tuyết Đàm) đã giảng đạo ở nhiều chùa, chính yếu là Myôshinji, sau đó mới đến Daitokuji, Shôkokuji (Thánh Quốc Tự) cũng như Shôganji (Chính Nhãn Tự ở Kamo vùng Minô). Những thiền sư đứng ra cáng đáng thiền Lâm Tế từ thời Meiji về sau đều là môn đệ của các ông nói trên. 

Hệ Phổ Thiền Nhật Bản (3) 

1) Hệ phái Kanzan (Quan Sơn, gốc Lâm Tế) A: Từ Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền) qua Tokuhô Zenketsu (Đặc Phương Thiền Kiệt). Kanzan là chi lưu của Nanpo Jômin (Nam Phố Thiệu Minh), tăng Nhật Bản du học nhà Tống (Tống Thiền): 

1 Tiết Nham Đạo Viên -> 2 Đại Mộng Tông Nhẫn ->3 Tuyệt Đồng Bất Nhị -> 4 Tượng Hải Huệ Đam (Trạm). 

Đồng 2 Hiền Nham Thiền Duyệt ->3 Định Sơn Tịch Nhi. Đồng 3 Kogetsu Zenzai (Cổ Nguyệt Thiện Tài) -> 4 Bắc Thiền Đạo Tế -> 5 Nguyệt Thuyền Thiền Huệ -> 6 Tiên Nhai Nghĩa Phạm. Đồng 6 Thanh Chuyết Chu Trừ -> 7 Thanh Lâm Âm Trúc -> 8 Cự Hải Từ Hàng -> 9 Tiều Ẩn Tông Bật. Đồng 8 Đông Hải Xương Tuấn. Đồng 4 Hải Môn Nguyên Đông -> 5 Thông Huyền Nguyên Thông. Đồng 4 Lan Sơn Chính Long -> 5 Đại Đạo Huệ Vân

2) Hệ phái Kanzan (Quan Sơn, gốc Lâm Tế) B: Từ Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền) qua Toyô Eichô (Đông Dương Anh Triều). Kanzan là chi lưu của Nam Phố Thiệu Minh, tăng Nhật Bản du học nhà Tống (Tống Thiền): 

1 Ngu Đường Đông Thực -> 2 Nhất Ti Văn Thủ

Đồng 2 Chí Đạo Vô Nan -> 3 Đạo Kính Huệ Đoan -> 4 Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku) -> 5 Đông Lĩnh Viên Từ -> 6 Đại Quan Văn Thù. Đồng 5 Toại Ông Nguyên Lô -> 6 Xuân Tùng Thiệu Chu. Đồng 5 Dương Châu Thiền Thứ ->6 Hải Môn Thiền Khác.Đồng 5 Đại Hưu Huệ Phưởng. Đồng 5 Thiên Nghê Huệ Khiêm. Đồng 5 Nga Sơn Từ Trạo -> 6 Ẩn Sơn Duy Diễm. Đồng 6 Trác Châu Hồ Tiên. 

a) Nhánh Ẩn Sơn Duy Diễm (Inzan Ien): 

1 Ẩn Sơn Duy Diễm (Inzan Ien) -> 2 Thái Nguyên Khổng Nguyên -> 3 Đại Chuyết Thừa Diễn -> 4 Độc Viên Thừa Chu (Ogino) [15] -> 5 Sài Sơn Huệ Ôn (Ashikaga). 

Đồng 2 Nghi Sơn Thiện Lai -> 3 Việt Khê Thủ Khiêm (Shaku) -> 4 Hổ Quan Tông Bổ (Kobayashi). Đồng 4 Hòa Sơn Huyền Cổ (Nishiyama). Đồng 3 Trích Thủy Nghi Mục -> 4 Yamaoka Tesshuu (Sơn Cương Thiết Chu). Đồng 4 Điểu Vĩ Đắc Am. Đồng 4 Thanh Chuyết Nguyên Tịnh (Seki) -> 5 Mục Ông Nguy Tông (Seki) -> 6 Tinh Canh Tổ Anh (Hirata). Đồng 6 Đích Ông Tào Huyền (Ômori). Đồng 5 Thái Thất Vô Văn (Yamada). Đồng 4 Nga Sơn Xương Trinh (Hashimoto) -> Độc Sơn Huyền Nghĩa (Hashimoto). Đồng 3 Hồng Xuyên Tông Ôn (Imakita) -> 4 Hồng Nhạc Tông Diễn (Shaku) -> 5 Tiệt Ông Tông Hoạt (Shaku). Đồng 5 Nghiêu Đạo Huệ Huấn (Furukawa) -> 6 Biệt Phong Tông Nguyên (Asabina). 

Đồng 2 Đường Lâm Tông Mô -> 3 Tuyết Đàm Thiệu Phác -> 4 Thái Long Văn Vị (Nakajima). 

b) Nhánh Takushuu Kosen (Trác Châu Hồ Tiên): 

1 Trác Châu Hồ Tiên (Takushuu Kosen) -> 2 Diệu Hỉ Tông Tích -> 3 Già (Ca) Lăng Thụy Già (Ca) -> 4 Đàm Hải Huyền Xương -> 5 Độc Đam (Trạm) Tạp Tam (Toyoda) -> 6 Vụ Hải Cổ Lượng (Kôno) -> 7 Văn Minh Toàn Khánh (Shibayama = Sài Sơn) -> 8 Văn Phong Thái Thạch (Nakamura =Trung Thôn). 

Đồng 2 Bồng Châu Thiền Miêu. 

Đồng 2 Thạch Ứng Tông Mân. 

Đồng 2 Hải Sơn Tông Khác -> 3 Khuông Đạo Huệ Đàm -> 4 Cửu Phong Nhất Tinh (Bessho). 

Đồng 2 Xuân Ứng Thiền Duyệt -> 3 Thúy Nham Văn Chu -> 4 Khoan Châu Huyền Chính (Hanazono) -> 5 Du Thiền Huyền Đạt (Tôkai). 

Đồng 2 Tô Sơn Huyền Kiều -> 3 La Sơn Nguyên Lịch -> Đặng Châu Toàn Trung (Nakahara). Đồng 3 Già (Ca) Sơn Toàn Lăng (Kôno) -> 4 Tông Bàn Huyền Phương (Kenshô) -> 5 Huyền Phong Nghi Hùng (Yamamoto). 

Đồng 2 Nguyệt San Cổ Kính -> 3 Tuyết Hàng Tư Thuần. 

Đồng 2 Lương Trung Như Long (sau thuộc vào hệ Hoàng Bá sau khi học với Thạch Tuyền Diễn Trừng) -> 3 Vạn Trượng Ngộ Quang. Đồng 3 Quan Luân Hành Thừa. 

3) Tông Ôbaku (Hoàng Bá Nhật Bản, gốc Lâm Tế nhưng ghép tư tưởng Niệm Phật vào Thiền): do Ingen Ryuuki (Ẩn Nguyên Long Kỳ, tăng đời Minh sang Nhật) (Minh Thiền): 
1 Ẩn Nguyên Long Kỳ (Ingen Ryuuki) -> 2 Độc Khổng Tính Sư -> 3 Thiết Thuyền Đạo Ngạn -> 4 Huyền Lĩnh Nguyên Mân -> Khôi Sơn Tịnh Truân -> Thạch Tuyền Diễn Trừng (thầy Lương Trung Như Long của phái Quan Sơn gốc Lâm Tế). 

Đồng 2 Huệ Môn Như Bái -> 3 Cao Tuyền Tính Đốn -> 4 Liễu Ông Đạo Giác. Đồng 3 Thanh Tư Chân Tịnh

Đồng 2 Long Khê Tính Tiềm. 

Đồng 2 Mokuan Shôtô (Mộc Am Tính Thao) -> 3 Thiết Ngưu Đạo Cơ -> 4 Siêu Tông Như Cách -> 5 Thực Đường Tịnh Cực. Đồng 3 Triều Âm Đạo Hải -> 4 Phượng Sơn Huyền Thụy. Đồng 3 Duyệt Sơn Đạo Tông -> 4 Ất Đĩnh Nguyên Tân. Đồng 3 Vân Nham Đạo Nguy. Đồng 3 Thiết Văn Đạo Trí. Đồng 3 Thiết Nhãn Đạo Quang

Đồng 2 Tức Phi Như Nhất -> 3 Thiên Ngốc Tính Án (?). Đồng 3 Quế Nham Minh Tràng. 

Đồng 2 Độc Đam (Trạm) Tính Oánh -> 3 Duyệt Phong Đạo Chương

Đồng 2 Nam Nguyên Tính Phái -> 3 Thiết Mai Đạo Quang -> 4 Mai Phong Nguyên Ngọc. 

Đồng 2 Đại Mi Tính Thiện -> 3 Mai Lĩnh Đạo Tuyết -> 4 Thiết Tông Nguyên Mạch. 

Địa lý Thiền Nhật Bản (3): 

Miền đông đảo Honshuu: 

Trước kia, chỉ có chùa nằm chung quanh vùng Kamakura gần Tôkyô bây giờ. Thế nhưng vào thời kỳ này đã có chùa thiền (Thụy Nham Tự, cải tông từ Tendai) mở ở tận vùng Đông Bắc (Sendai, tỉnh Miyagi). Tính từ phía bắc trở xuống: 

Thụy Nham Tự (Vân Cư trụ trì), Ngũ Hợp Am (Lương Khoan), Kỳ Viên Tự (Tâm Việt), Chính Thụ Am (Đạo Kính), Đại Thừa Tự (Nguyệt Chu, Vạn Sơn), Đại Trung Tự, Thụy Long Tự (Ẩn Sơn, Đường Lâm), Long Ổn Tự, Chính Nhãn Tự (Tuyết Đàm), Tổng Ninh Tự), Hương Tích Tự (Phong Ngoại), Ân Chân Tự (Linh Mộc Chính Tam), Trạch Long Tự (Đông Lĩnh), Tùng Âm Tự (Bạch Ẩn, Toại Ông), Tào Động Tông Đông Hải Đại Tăng Lục, Khả Thụy Trai, Kiến Trường Tự (Hải Môn), Viên Giác Tự (Thành Chuyết). 

Riêng vùng Edo: 

-Furegashira (1 chùa đại diện) của phái Ngũ Sơn: Kim Địa Viện (Sùng Truyền trụ trì). 

-Furegashira (3) của phái Tào Động: Tổng Tuyền Tự, Thanh Tùng Tự (có học liêu Sư Tử Quật), Tuyền Nhạc Tự (có học liêu). 

-Furegashira của phái Daitokuji: Đông Hải Tự (Trạch Am). 

-Furegashira (4) của phái Myôshinji: Tùng Nguyên Tự, Đông Thiền Tự, Lân Tường Viện (Nga Sơn), Hải Thiền Tự

-Furegashira (2) của phái Hoàng Bá: Thụy Thánh Tự, Hải Phúc Tự. 

Quang Lâm Tự (Bàn Khuê), Trùng Tuấn Viện, Liễu Tâm Viện ( Linh Mộc Chính Tam), Cát Tường Tự (Vạn Sơn, Chỉ Nguyệt, Hạt Đường). 

Kansansetsu (3 chùa giám sát) của Tào Động Tông: Hạ Tổng Tổng Ninh Tự, Hạ Dã Đại Trung Tự, Vũ Tàng Long Ẩn Tự (nằm chung quanh tỉnh Chiba ngày nay). 

Miền tây đảo Honshuu: 

Long Môn Tự (Thiên Quế), Bảo Phúc Tự (Tượng Hải) 

Riêng vùng Kyôto: 

Nam Thiền Tự -Kim Địa Viện (Sùng Truyền trụ trì), Đông Phúc Tự (Định Sơn), Tướng Quốc Tự (Đại Chuyết), Đại Đức Tự (Trạch Am), Diệu Tâm Tự (Ngu Đường, Vô Trước, Trác Châu, Tô Sơn, Nghi Sơn), Đại Vân Tự (Thiên Quế), Vĩnh Nguyên Tự (Nhất Ti), Thiền Định Tự (Nguyệt Chu, Vạn Sơn), Vạn Phúc Tự (Ẩn Nguyên, Mộc Am, Lương Trung), Phổ Môn Tự (Long Khê, Ẩn Nguyên), Hưng Thiền Tự (Nguyệt Chu, Vạn Sơn). 

Các đảo lớn phía nam: 

Vẫn thưa thớt, chỉ có Nagasaki là có nhiều chùa lớn (4). 

-Đảo Shikoku: 

Như Pháp Tự (Bàn Khuê) 

-Đảo Kyuushuu: 

Phúc Tụ Tự (Cổ Nguyệt), Tam Phúc Tự gồm Hưng Phúc Tự, Phúc Tế TựSùng Phúc Tự , Đại Quang Tự (Cổ Nguyệt). 

 


 
[1] - Trên chuông chùa Hôkôji (Phương Quảng Tự) ở Kyôto của dòng họ Toyotomi có khắc 8 chữ "Quốc gia an khang, quân thần phong lạc". Sư Suuden (Sùng Truyền), mưu thần của Ieyasu chủ trương rằng minh văn này xẻ tên Ieyasu ra làm đôi là có ý bất kính và nguyền rủa đối với Ieyasu (GiaKhang).Thần phong lại là hai chữ trong tên của Toyotomi Hideyoshi (Phong Thần Tú Cát). Đây chính ra chỉ là cách thầy trò Ieyasu tạo ra bằng cớ để diệt trừ đối lập. Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo! 

[2] - Xúc đầu. Xúc (fure) = tiếp xúc, liên lạc. Đầu (kashira) = trùm, kẻ đứng ở địa vị cao nhất. Khi đọc ghép thành ra furegashira. 

[3] - Nhận pháp tự bằng cách bái tháp nghĩa là nhận từ một vị thầy đã chết rồi bằng cách làm lễ trước mồ. 

[4] - Zatsugaku (tạp học) là cái học đa tạp, không nằm trong một hệ thống nào. 

[5] - Niô = Nhân Vương, tên hai vị thần hộ pháp, bảo vệ lối vào chùa. 

[6] - Nguyên chữ bất sinh do từ "bất sinh bất diệt", một nguyên lý của đại thừa. Bất sinh cũng là tâm cảnh Niết Bàn (theo TĐPH nhóm Đạo Uyển).Đó là quan niệm xem "tất cả mọi vật đều chưa hề sinh ra mà đâu vẫn ra đấy" 

[7] - Chiên Đàn Lâm = rừng cây đàn hương. Chiên đàn (candana) là một tên khác của bạch đàn

[8] - Gakusô (học tăng) có hai nghĩa. Nghĩa lịch sử khi nói về các tăng sĩ sang Trung Quốc tu học đặc biệt vào thời Đương, nghĩa thứ hai nói về các tăng sĩ học giả

[9] - Cổ triệt: vết bánh xe cũ, ý nói phương pháp tiền nhân đã sử dụng

[10] - Động Sơn ngũ vị: 5 địa vị của sự giác ngộĐộng Sơn Lương Giớiđệ tửTào Sơn Bản Tịch đã nêu ra. Đó là Chính trung thiên, Thiên trung chính, Chính trung lai, Thiên trung chí và Kiêm trung đáo. Ngũ vị của tông Tào Động sau cũng đã được phái Lâm Tế hấp thụ. Ngoài ra ngũ vị còn tương xứng với tứ pháp giới của tông Hoa Nghiêm. Nó là một công thức biện chứng tuyệt hảo của Thiền Tông Trung Quốc ( tóm tắt theo TĐPH nhóm Đạo Uyển). 

[11] - Thuyết do nhà thiên văn Hy Lạp Aristarchos (320TTC-250TTN) và sau đó Copernic chủ trương, cho rằng mặt trời là một định tinh, trái đất và các ngôi sao khác chạy quanh nó. 

[12] - Thiên nhân = một nghìn người nhưng nói bóng là nhiều người. Kết chế = hội họp, kết hợp thành đoàn. Như vậy, thiên nhân kết chế đối lập với mật tham một thầy một trò. 

[13] - Nguyên văn "thiền bệnh" nghĩa là tham thiền với những tư duy không đúng đắn hay tu hành quá độ

[14] - Những chữ Hán-Nhật được chép ra đây chỉ có mục đích trưng dẫn, phải xem nội dung từng cuốn mới hiểu được. Không nên hiểu bằng cách dựa theo nghĩa chữ Hán thông thường. 

[15] - Tên Nhật của thiền sư. Vì ông tên Ogino (Địch Dã) nên có thể gọi bằng cách thứ hai là Địch Dã Thừa Chu (Ogino Jôshuu) thay cho Độc Viên Thừa Chu (Dokuen Jôshuu). 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 21599)
Cho luôn cho mượn cho là Tồn sinh cốt yếu như hà hình dung?
(Xem: 20326)
Mặc vận-chuyển, xuân đi, xuân lại, Dù doanh, hư, tiêu, trưởng vẫn như thường. Âm vô ngôn, chung điệu nhạc muôn phương...
(Xem: 22186)
Đông tàn, tuyết rụng, ánh trời quang Cảnh vật dường như mới điểm trang. Cây cỏ thắm tươi... hoa nở đẹp
(Xem: 18655)
mây rất cũ mà màu chiều rất mới ta bước đi lững thững giữa thời gian xuân hạ thu đông sử lịch xéo hàng khói sương mênh mông...
(Xem: 26870)
Qua sự huân tậpảnh hưởng của tam độc tham, sân, si, ác nghiệp đã hình thành, thiết lập những mối liên kết với tâm thức qua những khuynh hướng có mục tiêu.
(Xem: 18571)
Pháp Thân, tự biểu hiện ‘tính không’ và không có sự hiện hữu của thân thể vật lý, mà phải tự hiện thân trong một hình tướng và được biểu hiện như cây trúc...
(Xem: 19823)
Nụ cười Phật êm đềmbuông xả Như nhắc con, giữa trần thế chông gai Đừng hơn thua tranh tìm lỗi đúng sai Mà xin hãy thương yêucảm hóa
(Xem: 37933)
Trúc Lâm Yên Tử là một phái Thiền mà người mở đường cho nó, Trần Thái Tông vừa là người khai sáng ra triều đại nhà Trần, một triều đại thịnh trị đặc biệt về mọi mặt...
(Xem: 20014)
Trong nhà Phật dạy điều hòa thân này giống như ông chủ điều hòa bốn con rắn sống chung trong một cái giỏ vậy. Chúng luôn luôn thù địch nhau, muốn yên phải tìm cách điều hòa...
(Xem: 28164)
Chúng ta theo đạo Phật là để tìm cầu sự giác ngộ, mà muốn được giác ngộ thì phải vào đạo bằng trí tuệ, bằng cái nhìn đúng như thật, chớ không thể nhìn khác hơn được.
(Xem: 46120)
Đấng Pháp vương vô thượng Ba cõi chẳng ai bằng, Thầy dạy khắp trời người Cha lành chung bốn loài.
(Xem: 15336)
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19 tháng 10, 2010, Đại Lễ Thỉnh “Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới” đã được cử hành long trọng bằng xe hoa rước Phật và đoàn xe cung nghinh từ Tổ Đình Minh Đăng Quang...
(Xem: 65482)
Có một ngày lịch sử Nhân loại không bao giờ quên Ngày thiêng liêng trọng đại Chúng sanh thoát khỏi ngục tù.
(Xem: 13616)
Đại Lễ Khai Mạc Cung Nghinh Phật Ngọc Tại San Jose
(Xem: 18494)
Vu Lan quán niệm nghĩa tình Vườn tâm, hạnh hiếu chúng mình đơm hoa Không gần bạn ác, gian tà Sớm hôm thân cận gần xa bạn hiền
(Xem: 15435)
Chân Nguyên chủ trương then chốt của việc đạt được giác ngộ là thắp sáng liên tục ý thức của mình về sự hiện hữu của tự tính “trạm viên” đó là nguồn gốc chân thật của mình.
(Xem: 14466)
Chùa Bát Nhã long trọng tổ chức lễ khai mạc chiêm bái Phật Ngọc từ 9 giờ 30 sáng Thứ Bảy ngày 23 tháng 10 năm 2010 tại khuôn viên chùa.
(Xem: 18604)
Tinh sương hớp cạn chén trà Nhìn vào thế giới Ta bà ngát hương Nơi đây vẫn đoá chân thường Vẫn ngày Mùng Tám tỏ tường sắc không.
(Xem: 12533)
CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI LỄ CUNG NGHINH VÀ CHIÊM BÁI PHẬT NGỌC CHO HOÀ BÌNH THẾ GIỚI TỪ THỨ BẢY, NGÀY 6 ĐẾN THỨ HAI NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2010
(Xem: 17537)
Trong đời sống văn minh hiện đại, đạo tràng An cư kiết hạ là môi trường lý tưởng để chư Tăng, Ni tập trung thành một hội chúng hòa hợp, học pháp, hành trì pháp.
(Xem: 25305)
Bao năm rồi con lưu lạc ngàn phương, Con nhớ mẹ suốt canh trường khắc khoải, Ơn dưỡng dục mẹ ôi ! Sao xiết kể, Công sinh thành con nghĩ: quặn lòng đau.
(Xem: 38563)
Nhà Phật dạy chúng ta giác thẳng nơi con người, chớ đừng tìm cầu bên ngoài. Nếu giác thẳng con người rồi thì ở ngoài cũng giác, nếu mê con người thì ở ngoài cũng mê.
(Xem: 17569)
Lòng bi mẫn thật sự của bạn sẽ tạo ra một bầu không khí yên bình cho người hấp hối nghĩ đến chiều hướng tâm linh cao cả và con đường tu tập của họ trong tương lai.
(Xem: 11173)
Đức Phật đã đề bạt Tứ Niệm Xứcon đường “độc đạo” để đưa con người đến địa vị tối thượng. Đức Phật đã chứng minh giá trị siêu việt của giáo pháp Tứ Niệm Xứ...
(Xem: 18464)
Thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn gia hộ cho Đạo pháp được trường tồn. Thế giới được hòa bình. Chúng sanh được an lạc.
(Xem: 17316)
Lịch Trình Phật Ngọc 2010 - 2011
(Xem: 13095)
Ngay thời kỳ Phật giáo từ Trung Hoa mới truyền đến nước Nhật qua ngã Đại Hàn (Korea) vào năm 552 Tây Lịch, lễ Bon (Vu Lan) đã được tổ chức tại Nhật,...
(Xem: 13241)
Ðạo Phật có nhiều pháp môn để thích ứng với căn cơ từng người, mỗi pháp mônmục đíchphương pháp khác biệt, vì vậy cần có sự phân biệt rõ ràng để giúp sự lựa chọn...
(Xem: 17402)
Về hình thức, Tranh Chăn Trâu Mục Ngưu Đồ có trên mười bộ khác nhau, có bộ chỉ 5 tranh, có bộ 12 tranh, nhưng phổ biến nhất là những bộ 10 tranh.
(Xem: 24194)
Hầu hết tranh Thangka đều có dạng hình chữ nhật. Tranh Thangka được dùng như một công cụ thuyết pháp, thể hiện cuộc đời của Đức Phật, các vị Lạt ma danh tiếng...
(Xem: 12293)
Trong khi các luận sư của Hoa nghiêm tông vận dụng những lối trực chỉ của Thiền theo cách riêng của họ, các Thiền sư được lôi cuốn đến nền triết học tương tức tương nhập...
(Xem: 13725)
Xem qua lịch sử phát triển của tông Tịnh độ, ta thấy vào thời Ðông Tấn, khoảng cuối thế kỷ thứ V, có Ngài Tuệ Viễn lập ra Bạch Liên Xã để xiển dương Tông Tịnh độ;...
(Xem: 12923)
tâm hồn thanh thảnh, tấm lòng bình yên sống bằng những giây phút hiện tại, tĩnh giác để nhìn sự vật diễn tiến một cách khách quan, mà không khen, chẳng chê...
(Xem: 12807)
Thiền không những là một pháp môn chánh của Phật giáo, mà còn là cơ sở của tư tưởng Phật giáo. "Phật giáo ly khai Thiền quán thì Phật giáo sẽ mất hết sinh khí"
(Xem: 14086)
Bản thân sự đau đớn nơi thân không là yếu tố quyết định duy nhất cho việc có sức khỏe hay không, thậm chí kinh nghiệm vui sướng, do bản chất vô thường...
(Xem: 14515)
Khi những trực nhận nội tại mình trở nên rõ ràngthông suốt hơn thì sự tập trung tư tưởng sẽ giúp đỡ mình điều khiển tỉnh lực mình về hướng đi cần thiết.
(Xem: 21033)
Thiền học đã không còn là điều mới lạ đối với thế giới Tây phương. Luồng sinh khí Thiền đã được các Thiền sư Á châu thổi vào Tây phương từ mấy thế kỷ trước.
(Xem: 22484)
Trong thời kỳ đầu tạo 30 pháp hạnh Ba La Mật, Đức Bồ Tát phát nguyện trong tâm muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác đã trải qua suốt 7 a-tăng-kỳ.
(Xem: 29855)
Đức Phật A Di Đà là một ngôi giáo chủ trên cõi Lạc Bang, oai đức không cùng, thệ nguyện rất lớn, mở môn phương tiện, độ kẻ chúng sanh ra khỏi Ta bà đem về Tịnh độ.
(Xem: 13758)
Nan-In, một thiền sư Nhật vào thời Minh - Trị (1868- 1912), tiếp một vị giáo sư đại học đến tham vấn về Thiền. Nan-In đãi trà. Ngài chế một cốc đầy và vẫn tiếp tục rót.
(Xem: 18134)
Trong hệ thống giáo điển Phật đà, cả Nam truyền và Bắc truyền đều có những bài kinh, đoạn kinh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ rất là cảm động.
(Xem: 16944)
Khi nói tới Thiền tông thì tên tuổi của tổ Lâm Tế được nhắc nhở đến nhiều nhất vì dòng Thiền của tổ vẫn còn được truyền tiếp mạnh mẽ cho tới ngày nay.
(Xem: 12531)
Ảnh hưởng của Huệ Năng đi vào tâm thức con người không qua cửa ngõ suy luận, mà đi vào một cách nhẹ nhàng, khi cảm nhận được sự biến dịch không tồn của sự vật.
(Xem: 30628)
Tổ Hoàng Bá (?-850) pháp danh Hy Vận, người tỉnh Phước Kiến. Lúc nhỏ xuất gia và sau này thường hoằng pháp tại núi Hoàng Bá nên người sau kính trọng chỉ gọi là tổ Hoàng Bá.
(Xem: 22653)
Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến đạo Từ bi cứu khổ. Mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất thiết tưởng không ai khác hơn là đức Bồ tát Quan Thế Âm...
(Xem: 14535)
Phải biết gạn đục, khơi trong. Đừng lẫn lộn giữa Pháp và người giảng Pháp, bởi “Pháp” chính là Đạo: giảng Phápgiảng Đạo. Ta nghe Pháp để “thấy” đạo...
(Xem: 12929)
Nguyên tắc của Tự tứ là phải thanh tịnh hòa hợp, do đó mọi hành giả trong buổi lễ này đều khởi lòng tự tín với chính mình và các vị đồng phạm hạnh khác.
(Xem: 12652)
Giá trị giải thoát đầu tiên cần đề cập đến là từ khi đạo Phật được thể nhập vào đời sống văn hóa nước ta thì lễ Vu lan của đạo Phật trở thành lễ hội truyền thống...
(Xem: 12443)
Bất cứ một việc làm gì, khi nhìn kết quả của sự việc, ta sẽ biết nguyên nhơn của việc ấy và ngược lại, nếu muốn biết kết quả của một việc xảy ra cho được tốt đẹp...
(Xem: 12985)
Ngộ chứng của Thiền chính là khai phát đến tận cùng biên tế sâu nhiệm của trí tuệ Bát Nhã để mở ra diệu dụng không thể nghĩ bàn của trí tuệ rốt ráo này...
(Xem: 16238)
Hiếu kính với Cha Mẹ là một truyền thống tốt đẹplâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này...
(Xem: 15085)
Mỗi năm ngày Phật Đản trở về, hình ảnh Ngài nói pháp suốt lộ trình 45 năm đã sống lại trong hàng triệu ngàn con tim của những người con Phật trên khắp năm châu...
(Xem: 23752)
Đứng về mặt ẩn dụ một đóa mai, thiền sư Mãn Giác nhằm trao cho những người đi sau đức vô úy trước việc sống-chết của đời người, và nói lên sự hiện hữu của cái "Bản lai diện mục"...
(Xem: 16101)
Ðức Phật thị hiện nơi đời bằng bi nguyện độ sinh, Ngài đã thể hiện nhân cách siêu việt qua tình thương yêu muôn loài, tôn trọng sinh mạng của hết thảy chúng sanh.
(Xem: 28871)
Tự thuở nằm nôi Cha đâu xa vắng Ở quanh con như giọt nắng hiên nhà Ngó trước trông sau vườn rau mướp đắng Giàn cà non vừa trổ nụ hương hoa
(Xem: 20199)
Thiền là những hình thức tập trung tư tưởng để điều hòa cảm xúc, hòa hợp thân và tâm, nâng cao tâm thức để thể nhập vào chân tánh thanh tịnh.
(Xem: 15488)
Sự xuất hiện của một vị Phật – hay nói một cách rõ hơn, một chúng sinh từ thân phận phàm phu, muốn đạt đến quả vị Phật, phải trải qua lộ trình bảy bước hoa sen ấy.
(Xem: 37100)
Một thời Ðức Phật ở nước Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Ðộc, cây của thái tử Kỳ Ðà, cùng với các đại Tỳ Kheo Tăng... Thích Minh Định dịch
(Xem: 44912)
Tình cảm rất tự nhiên nhưng gắn bó ân cần, nên khi Cha Mẹ nhìn con thêm hân hoan vui vẻ, bé nhìn Cha Mẹ càng mừng rỡ cười tươi.
(Xem: 36743)
Khuyến phát Bồ Đề Tâm văn; Âm Hán Việt: Cổ Hàng Phạm Thiên Tự Sa môn Thật Hiền soạn; Dịch: Sa môn Thật Hiền chùa Phạm Thiên Cổ Hàng soạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant