CỬA THIỀN
HÉ MỞ
Thượng
Toạ Thích Thông Phương
THẤY
BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT
I.
KIỂM LẠI THẤY BIẾT CỦA CHÚNG TA HIỆN TẠI LÀ THẾ NÀO?
Sống
trên đời này, ai cũng đều có chỗ thấy biết, đó là một
điểm không thể chối cãi. Và lâu nay chúng ta ai cũng như
ai thường tự hài lòng với chỗ “thấy biết của ta”,
nhưng chín chắn kiểm điểm lại xem, cái gọi là THẤY BIẾT
CỦA TA có thật đúng chưa? Thế mà chúng ta thường hay
đi phê bình người này, chỉ trích người nọ là sao? Khi đi
phê bình, chỉ trích mọi người tức trong đó ngầm nói lên
điều gì? Rõ ràng ngầm nói lên chỗ thấy của ta là hay hơn
hết. Ta thấy là đúng đắn, chính xác nên ta thấy được
chỗ dở của người, chỗ thấy của người hẳn còn kém
thua ta nên ta đi phê bình để nêu cao chỗ thấy của ta cho
tất cả biết. Bấy nhiêu đó, đủ thấy cái THẤY BIẾT CỦA
TA là như thế nào rồi, khỏi phải nói thêm nhiều lời!
Song,
đặt câu hỏi lại: chỗ thấy biết của ta có được bao
nhiêu đối trong vũ trụ này? Quả là rất còn hạn hẹp. Ngay
cả những nhà bác học, chỗ thấy của họ cũng còn giới
hạn, cũng còn có nhiều điều chưa biết. Vậy thì tại sao
chúng ta dám tự hào về cái thấy biết của mình?
Để
thấy lại chỗ này, chúng ta thử đặt thêm câu hỏi. Hiện
tại chúng ta ai không có mắt chăng? Nếu không phải là người
mù, thì ai ai cũng đều có mắt, vậy tại sao Phật bảo chúng
ta là vô minh? Vô minh tức là mù tối, là không sáng suốt.
Có mắt sao gọi là không sáng suốt? Bởi vì chúng ta có mắt
mà thấy biết theo tình mê, nhìn đảo lộn sự thật, lấy
cái giả làm chân, không phải ta lại chấp bướng, chấp càn
là ta. Hơn nữa, thấy biết cái gì cũng luôn luôn dán nhãn
hiệu “TA” vào trong đó, cho nên thấy biết cái gì cũng
đều bóp méo sự thật theo cái ta: ta thấy, ta hiểu, cái thấy
của ta là trên hết, là bất khả xâm phạm. Vậy không phải
vô minh là gì? Có thể hài lòng được sao?
Trong
kinh Niết Bàn có kể câu chuyện: Một ông Vua muốn thử chỗ
nhận biết của những người mù thế nào, bèn sai đem con
voi ra trước sân và cho gọi một số người mù đến trước
con voi, bảo thử diễn tả con voi cho ông nghe. Đám người
mù đó lăng xăng đến rờ con voi, người rờ trúng cái đuôi,
bảo: con voi giống cây chổi. Người rờ trúng chân bảo: con
voi giống cây cột. Người rờ trúng bụng bảo: con voi giống
cái lu. Người rờ trúng cái tai bảo: con voi giống cái quạt
v.v… rồi cãi nhau inh ỏi. Trong khi đó ông vua nhìn thấy toàn
thể con voi rõ ràng, chỉ biết cười thôi.
Câu
chuyện đơn giản mà thật ý vị! Tại sao đám người mù
cãi nhau inh ỏi? Chỉ vì chỗ thấy chưa trọn vẹn. Dù mỗi
người có thật sự đụng đến con voi, nhưng vì chỉ đụng
đến một góc, một cạnh, không thấy thấu được toàn thể
con voi mà cứ chấp chặt chỗ nhận biết của mình là đúng
hơn hết, do đó thành cãi. Cãi đó là để làm gì? Để nêu
cao, bảo vệ cái thấy biết của ta là đúng nhất! Không ngờ
TA THẤY chỉ là một khía cạnh thôi, càng cãi càng lộ bày
chỗ dở của mình ra mà không hay.
Trái
lại, ông vua mắt sáng nhìn thấy trọn vẹn con voi trước
mắt rõ ràng, chỉ cười thôi, đâu nhọc tranh cãi làm gì?
Đó là nói người có đụng đến con voi thật sự nhưng đụng
chưa trọn vẹn mà còn thấy lệch lạc như thế, huống nữa
người chưa đụng đến, chỉ nghe nói rồi ức tưởng mà
đi cãi, thì còn phải nói sao đây?
Quả
thật, xét cho cùng tột thì cái THẤY BIẾT của chúng ta hiện
tại đây rất còn giới hạn, nhưng vì cái TA che mờ thành
ra tự hào thôi. Hãy xem, đồng là một cô thiếu nữ mà người
thì thấy đẹp, người thì thấy xấu tùy theo ý riêng của
mình. Người nhìn trên sắc tướng thấy thích liền bảo là
đẹp. Người nhìn trên đức hạnh không vừa ý bảo là xấu
nết.
Cũng
vậy, cùng một đóa hoa, ta thấy là đẹp, người thấy là
xấu. Tại sao như thế? Chỉ vì trong đầu ta chưa từng thấy
đóa hoa nào đẹp hơn đóa hoa này, còn người kia thì trong
đầu họ đã từng thấy nhiều đóa hoa đẹp hơn đóa hoa
này gấp bội. Nhưng “hoa vẫn là hoa”, nó có nói tôi đẹp,
tôi xấu bao giờ đâu? Chỉ vì mỗi người chúng ta đem cái
khuôn in sẵn trong đầu của mình ra để đo nó, bóp méo, bắt
nó phải đẹp, phải xấu theo cái khuôn TA ấy, thành ra không
thấy trọn vẹn được đóa hoa. Vậy mà cũng tự hào! Chừng
ấy đủ thấy chỗ lầm của mình rồi!
Trong
kinh Lăng Nghiêm có nói đến CÁI THẤY BIỆT NGHIỆP và CÁI
THẤY ĐỒNG PHẬN.
- Cái
thấy biệt nghiệp, như ban đêm có người bị bệnh mắt nhìn
thấy ngọn đèn có thêm cái bóng tròn năm màu hiện ra, nhưng
người mắt sáng dù ở bên cạnh nhìn xem vẫn không thấy.
- Cái
thấy đồng phận, như người nước này thấy những điềm
bất tường như sao chổi, sao băng, hai mặt trời v.v… mà
người ở nước khác không thấy.
Cũng
vậy, chúng ta luôn luôn thấy biết sự vật đều có một
cái bóng tròn đi theo sát bên mình. Bóng gì? Đó là “bóng
của một cái tôi.”
Kìa,
núi cao, sông sâu, do đâu mà cao, mà sâu? Chúng ta hãy đến
hỏi xem núi, nó có nói nó cao nó thấp bao giờ chăng? Sông,
nó có nói nó sâu, nó cạn gì chăng? Quả là chúng ta gán cái
tôi vào trong đó, rồi bắt nó cạn, nó sâu, nó cao, nó thấp
theo cái tôi này! Tôi thấy núi này cao vì trong đầu tôi chưa
thấy núi nào cao hơn. Người kia thấy núi này thấp, vì trong
đầu họ đã từng thấy những núi cao hơn. Thế là núi có
cao, có thấp theo cái “bóng nhòa một cái tôi”. Vậy bảo
là chân lý muôn đời được sao? Gân cổ lên cãi để bảo
vệ cho nó được sao?
Từ
một người bệnh có bóng nhòa cái tôi đó, mà thấy sự vật
có mang theo cái bóng nhòa ấy, rồi người người bệnh mắt
cũng đồng thấy sự vật có cái bóng nhòa theo bên, nên cùng
hài lòng trong đó cho là chúng ta thấy đúng. Song những người
mắt sáng không cùng chung bệnh mắt đó, như người ở nước khác bên cạnh thì vẫn thấy bầu trời trăng sao trong sáng,
không có sao chỗi, sao băng gì. Tức nhân một người bệnh
mắt mà nói rộng ra nhiều người trong một nước đồng cái
thấy bệnh ấy, gọi là cái thấy đồng phận. Tức là cái
lầm chung với nhau.
Chính
vì mỗi người đều sống có một cái bóng tròn riêng nên
ai ai cũng đều sống với cảnh giới riêng, dù ngồi sát bên
nhau nhưng trong đầu mỗi người vẫn đang có một cảnh giới
riêng, nên cũng không tiếp xúc được nhau. Xả cái bóng TA
đó đi, thì gặp nhau tất cả, còn gì tranh cãi nữa?
Ông
Tô Đông Pha có bài tụng nói về LÔ SƠN CHÂN DIỆN MỤC, tức
MẶT MÀY THẬT CỦA NON LÔ:
Hoành
khán thành lãnh trắc thành phong,
Viễn
cận cao đê giai bất đồng.
Bất
thức Lô sơn chân diện mục,
Chỉ
duyên thân tại thử sơn trung.
Nghĩa:
Nhìn
ngang thành dãy, xéo thành non,
Cao
thấp, xa gần thảy chẳng đồng.
Chẳng
biết Lô sơn mày mặt thật,
Bởi
tại núi này thân ở trong.
Cũng
là một ngọn núi Lô, nhưng người đứng ngang thì nhìn thấy
là một dãy núi, người đứng xéo nhìn lại thấy chỉ là
một ngọn núi, đứng gần thì thấy cao, đứng xa thì thấy
thấp v.v… Nhìn theo kiểu đó, hẳn muôn đời đâu thấy được
mặt mày thật của non Lô, trái lại là nhìn theo cái BÓNG
TA rồi! Đó là vì, thân đang bị kẹt trong núi này, đang đóng
khung trong núi năm uẩn ta đây, hẳn không thể thấy được
chân lý. Song chân lý thật sự ở đâu mà không thấy?
II.
CHÂN LÝ Ở TRONG TA
Chúng
ta cứ lo hướng ra bên ngoài chạy tìm chân lý, không ngờ
chân lý ở ngay chính mình. Mình sai thì thấy cái gì cũng sai,
theo cái tình sai lầm đó. Trái lại, mở sáng mắt tâm, phá
mê lầm thì thấy cái gì cũng sáng suốt đúng như thật.
Có
một bà nọ đến nghe Thiền sư Bạch Ẩn thuyết giảng rằng:
“Tâm thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh, đức Phật trong
mỗi chúng sanh: Một khi đức Phật xuất hiện thì mọi vật
trên thế gian đều chiếu ánh quang minh. Nếu ai muốn nhận
được điều này, phải phản quan tự kỷ, đến chỗ nhất
tâm bất loạn. Vì tâm tịnh tức độ tịnh, thì làm sao để
trang nghiêm tịnh độ? Vì Phật vốn sẵn trong mỗi chúng sanh
thì tướng tốt và vẻ đẹp của Phật là gì?”
Nghe
xong bà nghĩ: “Điều đó không khó!” Về nhà bà bắt đầu
quán chiếu suốt ngày đêm, đeo đuổi mãi dù ngủ hay thức.
Một
hôm, đang rửa nồi, thình lình bà tỏ ngộ.Mừng quá, bà ném
cái nồi qua bên, liền đến gặp ngài Bạch Ẩn. Bà nói:
- Tôi
bỗng gặp đức Phật trong thân tôi. Mọi vật rạng ngời
ánh sáng. Thật kỳ diệu! Kỳ diệu!
Bà
quá đỗi sung sướng. Bạch Ẩn chợt bảo:
- Bà
nói như thế, nhưng còn cái hầm phân thì sao? Nó có chiếu
sáng không?
Bà
bước lên, đấm vào Bạch Ẩn nói:
- Ông
già này chưa ngộ.
Bạch
Ẩn cười to.
(Những
Nụ Cười Thiền)
Xem
đấy! Bà này tỏ ngộ liền sung sướng hứng khởi, cảm thấy
đức Phật ngay trong thân bà và mọi vật trước mắt đều
sáng ngời ánh sáng ấy. Tuy nhiên nghe vậy, Bạch Ẩn còn gạn
lại để xem bà đã có kinh nghiệm thực sự hay do một cái
khuôn đúc sẵn trong đầu đã học hiểu từ trước. “Tất
cả đều sáng ngời, vậy hầm phân thì sao? Nó có chiếu sáng
chăng?” Nếu nghe nói hầm phân, cái “khuôn nhơ sạch” trong
đầu hiện ra, bèn trầm ngâm do dự, thì biết ngay là chưa
phải. Ở đây, bà đã thực sự kinh nghiệm rõ ràng, nên trả
lời ngay bằng một cái đấm “Ông già này chưa ngộ!” Cho
thấy lời lẽ kia không thể lừa được bà!
Như
vậy, cũng cảnh này, khi mê thấy sai khác theo tình mê, khi
giác thấy sáng tỏ theo ánh sáng chánh giác, nhưng núi sông
vẫn là núi sông, chưa từng có mê ngộ. Chúng ta thì thường
bị lầm theo bên ngoài. Chẳng hạn lâu nay chúng ta đọc truyện
Kiều, thấy Nguyễn Du nói:
“Cảnh
nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Thông
thường ai cũng thấy hay, đúng với tâm cảnh chúng ta hiện
tại phải không? Tuy nhiên, mở con mắt thiền, phản chiếu
trở lại xem, có thực đúng chưa?
Cảnh,
nó có đeo sầu, đeo não chăng? Hay là chúng ta lấy CÁI TA mà
đeo vào nó? Đó là đem cái ta mà đo lường cảnh, đem cái
ta rọi vào cảnh, nhìn cảnh qua cặp kiếng màu đen sậm một
CÁI TA! Sự thật, cảnh có buồn có vui gì đâu? Chúng ta đem
cái buồn vui trong lòng mình rồi gán vào cho cảnh, bắt nó
buồn, nó vui theo mình, gọi đó là chân lý được sao? Các
pháp từ tâm sanh là đấy!
Xưa
có vị tăng ở Hải Đông qua Trung Hoa tham học, giữa đường
mệt mỏi không chỗ trú , bèn tạm vào ngôi mộ cổ nghỉ
qua đêm. Trong lúc đó, khát nước quá, ông nhìn qua bên cạnh
thấy có nước, lấy tay vốc lên uống nghe ngọt ngào hết
khát. Sáng ra, nhìn lại đó là một cái sọ người, ông liền
ói mửa ra. Ngay lúc đó ông chợt tỉnh ngộ: “Một tâm chẳng
sanh, muôn pháp không lỗi.”
Chúng
ta thấy cái nguy hiểm của “tâm sanh” chưa? Tại sao cũng
nước đó mà lúc đêm uống vào thấy ngọt ngon, muốn uống
thêm, đến sáng ra nhìn lại chưa kịp uống đã nôn mửa!
Nguyên nhân nằm ở chỗ nào? Chính do tâm phân biệt chứ gì?
Nghĩa là, vừa xen cái tôi phân biệt vào liền có nhơ sạch
sai biệt, có ngăn cách trong ngoài. Bám chặt vào cái thấy
biết đó để đề cao cái TA giữa thế gian này, chính là
sống trong mê lầm. Vì vậy, ngay đây nếu có ai cứ đem cái
TA này đi phê bình người này, người nọ thì biết ngay là
đang sống trong cái thấy biết gì, khỏi phải nói thêm nhiều!
III.THẤY
BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT LÀ NÓ
Đã
rõ cái thấy biết sai lầm méo mó như trên rồi, giờ đây
chúng ta phải nhìn trở lại trong ánh sáng trí tuệ, thấy
biết đúng như thật nơi các pháp. Thân này không phải ta,
thấy đúng không phải ta. Tâm sanh diệt thế nào thấy đúng
như thế không lầm. Núi sông thấy đúng như núi sông. Thấy
biết một cách rành rõ không xen lẫn cái ta vào, không đồng
hóa thấy biết với cái bị thấy, không theo một cái khuôn
nào trong đầu.
Phải
thấy như Phật đã nói trong kinh Pháp Hoa: “Như Lai chẳng
như ba cõi mà thấy ba cõi, Như Lai thấy suốt không có sai
lầm.”
Thấy
không sai lầm là phải thấy như vậy. Chẳng như ba cõi mà
thấy ba cõi là thấy thế nào? Tức là thấy biết tất cả
thế gian trước mắt, nhưng thấy biết vẫn là thấy biết,
nguyên vẹn như nó là nó, nên thấy tất cả mà không là cái
gì hết. Thấy như thế tức là Như Lai thấy, ba cõi làm sao
che mờ, dối gạt được nữa? Đó là thấy biết không dừng
trụ trên bất cứ cái gì.
Chính
chỗ này, vị tăng hỏi ngài Qui Tỉnh về cây bách của Triệu
Châu, Qui Tỉnh bảo:
- Ông
có tin chăng?
Tăng
thưa:
- Lời
quý trọng của Hòa thượng con đâu dám chẳng tin.
Qui
Tỉnh bảo:
- Ông
có nghe giọt mưa rơi trước thềm chăng?
Tăng
chợt tỉnh la: “Chao!” và làm bài kệ:
Thiềm
đầu thủy đích,
Phân
minh lịch lịch.
Đả
phá càn khôn,
Đương
hạ tâm tức.
Nghĩa:
Giọt
mưa trước thềm,
Rành
rẽ rõ ràng.
Càn
khôn đập nát,
Liền
đó tâm dừng.
Chú
ý! Từng giọt từng giọt mưa rơi, nghe biết rõ ràng rành
rẽ không một chút mê mờ, thì giọt mưa vẫn là giọt mưa
nhưng tâm sáng ngời không thêm bớt, lấy bỏ gì trong đó.
Như vậy là chính mình đang hiện hữu ngay từng giọt mưa
rơi! Thấy biết được như thế thì thấy biết cái gì cũng
sáng ngời, đâu đâu cũng là Phật pháp, chân lý hiện khắp
mọi nơi.
Vua
Lý Thái Tông hỏi về chỗ sống hằng ngày của Thiền sư
Thiền Lão, Sư đáp:
Trúc
biếc hoa vàng đâu cảnh khác,
Trăng
trong mây bạc lộ toàn chân.
(Thúy
trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,
Bạch
vân minh nguyệt lộ toàn chân)
Tâm
Thiền sư đã sáng tỏ nên nhìn ra thấy lẽ thật toàn bày
trước mắt, không có một chút gì che mờ. Chỗ nào cũng hiển
lộ tánh chân ấy. Song có người nghe thế sẽ bảo: “Câu
đó quá cũ rồi, tôi đã nghe nhàm lỗ tai”. Nói thế là có
thấy sáng ngời được chăng? Và nói thế là biết rõ mình
đang sống với cái gì? Tức đang sống với tâm quá khứ cũ
xưa, với cái khuôn chết cứng trong đầu, nên liền đó hết
lộ toàn chân mà “lộ toàn cái tôi” trong đó! Người học
đạo cần xét kỹ điểm này.
IV.
HÃY TRẢ LẠI CÁI BIẾT NGUYÊN VẸN, SẠCH MỌI KHÁI NIỆM
Như
vậy, để sống được trong cái thấy biết đúng như thật
ấy, chúng ta hãy trả về cái biết nguyên vẹn, sạch mọi
khái niệm đóng khuôn trong đầu này. Hòa thượng Vân Môn
từng thượng đường giơ cây gậy lên bảo: “Phàm phu thấy
nó là thật. Nhị thừa phân tích nói là không. Viên giác thấy
như huyễn. Bồ Tát thì đương thể tức không. Thiền gia thấy
cây gậy là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được
động đến.” Thế là thiền gia cao hơn Bồ Tát, Viên giác
sao? Chỗ này người hiểu theo ngôn ngữ dễ lầm.
- Phàm
phu: vì còn mê chấp nên thấy cái gì cũng thật,
do đó thấy cây gậy là thật cây gậy, thành bị vật che
mờ ánh sáng chân thật chính mình.
- Nhị
thừa: thì do phân tích sự vật theo thời gian sẽ hoại diệt,
không thật bền bĩ nên nói là không, nhưng chưa phải
ngay đó thấy như thật.
- Viên
giác: ngay đó thấy như huyễn không thật có, tức cũng còn
có chỗ lý quán như huyễn đó! Nghĩa là còn có cái lý như
huyễn để thấy.
- Bồ
Tát: ngay đương thể đây thấy rõ tức không, không đợi
phân tích theo thời gian mới thấy thành không. Song như thế
cũng chưa khỏi còn chỗ chiếu soi cái không ấy nên vẫn chưa
tột lý.
- Thiền
gia: thấy đúng như thật nó là nó, không thêm bớt chút gì
trong đó. Nghĩa là, ngay đó thật thể hiện tiền, không thêm
một ý niệm gì khác, vì vậy bảo: “không được động
đến”. Động đến tức có xen cái tôi vào!
Tuy
nhiên, đây là ngầm chỉ nếu người còn kẹt trên lý sai
biệt, còn vướng trong cái thấy thứ lớp tức chưa rốt ráo,
không phải bảo Thiền gia cao hơn Bồ Tát, Viên Giác. Nếu
người khởi cái thấy cao thấp đó, liền mê như cũ! Cốt
là, sạch mọi khái niệm trong đầu, cây gậy chỉ là cây
gậy, ông làm sao xen thêm cái gì để hiểu? Có thêm cái hiểu
thì cây gậy không còn là cây gậy, mà đã thành “ cây gậy của tôi”. Mê Ngộ chỉ trong đường tơ kẻ tóc ấy.
Một
dịp khác, Thiền sư Quế Sâm cùng Trường Khánh, Bảo Phước
đi vào trong Châu, thấy một đóa hoa mẫu đơn, Bảo Phước
nói:
- Một
đoá hoa mẫu đơn đẹp.
Trường
Khánh bảo:
- Chớ
để mắt sanh hoa!
Quế
Sâm nói:
- Đáng
tiếc một đóa hoa!
Ôi,
chỉ một đóa hoa bình thường vô sự, bất ngờ bị ba lão
gây thành sóng gió sai biệt!
Hoa,
nó có nói đẹp nói xấu gì? Nó có làm mắt sanh hoa bao giờ
đâu? Hoa chỉ là hoa thôi, chớ xen “ý niệm” gì khác nữa.
Tuy nhiên trong đây nếu người nhìn theo cái khuôn khái
niệm trong đầu, liền bị ba lão gạt dễ dàng. Tức có người
bảo, trong đó Quế Sâm hay hơn tất cả, Bảo Phước còn nói
đẹp xấu, Trường Khánh còn theo đuôi Bảo Phước lấy bỏ.
Đâu biết rằng “Trường Khánh, Quế Sâm và mình” đều
rơi vào cái bẫy của Bảo Phước mà không hay.
Kìa,
Bảo Phước không sóng cố gây thành sóng để trêu người!
Trường Khánh, Quế Sâm mỗi người tự có chỗ sống, nhưng
bất ngờ bị Bảo Phước khám phá ra rồi! Chúng ta không hiểu,
chen vào đó khen chê, lại rớt vào bẫy! Vậy có ai khéo trả
lại đóa hoa bình thường xem!
V.
TÓM KẾT
Cuối
cùng ngay đây, cái gì vay mượn hãy trả về cho vay mượn,
mọi thứ trả về cho mọi thứ, trống sạch mọi khái
niệm khuôn khổ đóng cứng trong đầu, NHƯ THẬT THẤY
BIẾT ĐÚNG NHƯ THẤY BIẾT, không xen thêm cái gì vào, nhất
là không cái tôi xem! Tức liền đó, luôn luôn thấy biết
mới mẻ, vi diệu! Nếu bảo rằng: “Sao cứ bao nhiêu đó nói hoài”, thì ngay đó biết rằng mình đang thấy biết
với cái gì? Quả tang là với cái khuôn quá khứ trong đầu,
với cái tâm quá cũ của quá khứ, chớ vội tự hào!
Chúng
ta hãy nghe câu chuyện Đàm Thạnh với Dược Sơn. Đàm Thạnh
đứng hầu, Dược Sơn hỏi:
- Bá
Trượng nói pháp gì?
Sư
thưa:
- Có
khi Ngài thượng đường, đại chúng nhóm họp xong. Ngài lấy
gậy đuổi tan, rồi gọi: - Đại chúng! Đại chúng xoay đầu
nhìn lại, Ngài liền hỏi: - Là cái gì?
Dược
Sơn bảo:
- Sao
chẳng nói sớm thế ấy, ngày nay nhân ông ta thấy được
Hải huynh.
Trong
đây cho thấy, Đàm Thạnh chỉ nhắc lại việc cũ của Bá
Trượng thôi, vì sao Dược Sơn bảo: “Nhân ông ta thấy được
Hải huynh?” Tức nhân đó Dược Sơn thấy được Bá Trượng.
Vậy thì ngay đó Bá Trượng hiện tiền sáng ngời, sao bảo
là lời cũ được? Nhưng chúng ta nghe nhắc lại thì có thấy
Bá Trượng chăng? Tại sao không thấy?
Đơn
giản, bởi vì tâm chúng ta quá cũ! Bởi tâm mình quá cũ nên
nghe cũng thành cũ, rồi cho là chuyện cũ, làm sao thấy được!
Đây là chỗ phải nghiệm kỹ để không lầm, thành ra chỉ
sống với cái cũ chết, lại tự cho là mình thông minh nghe
qua liền hiểu rồi! Người học thiền phải NGHE THẤY với
tâm luôn mới mẻ chưa từng trải qua ý niệm gì, thì sẽ
nghe được những điều không ngờ! Đừng vội bảo lời cũ,
chuyện cũ, mà hãy xét lại tâm mình có cũ không?
Và
đây, có vị tăng hỏi ngài Linh Vân:
- Thế
nào là chư Phật chưa ra đời?
Sư
đưa cây phất tử lên.
Tăng
hỏi tiếp:
- Thế
nào là chư Phật đã ra đời?
Sư
cũng đưa cây phất tử lên.
Vậy
là Chư Phật chưa ra đời, ở đâu? Rồi Chư Phật đã ra đời
thì ở đâu?
Rõ
ràng cũng chỉ ngay THẤY BIẾT này thôi! Nhưng tại sao chúng
ta chỉ thấy có chúng sanh ra đời? Lỗi tại ai?
Và
chín chắn kiểm điểm lại xem, ngay bây giờ đây, chư Phật
ở đâu?
Đưa
quyển sách này lên được chăng?
Mong
tất cả luôn luôn mở mắt, THẤY BIẾT NHƯ THẬT, đó là
chỗ cùng gặp nhau trong ánh sáng chân thật.
TÂM
THỂ TINH KHÔI
TỨC
TÂM THỂ MỚI MẺ,
CÒN
NGUYÊN VẸN
Y
NHƯ NÓ LÀ NÓ TỰ THUỞ NÀO
I.
AI KHÔNG TÂM THỂ?
Điều
trước nhất cần xét kỹ lại xem, trên thế gian này, ai là
người không có tâm thể? Thấu được chỗ này thì rõ chỗ
căn bản mê lầm của chúng ta từ vô thủy đến nay.
Thường
chúng ta bị Phật gọi là mê, là sống trong hư vọng phải
chăng? Đã gọi là mê, nếu không có tâm, lấy gì là mê? Cây
đá, máu thịt, gân xương đâu biết mê? Có mê là chấp nhận
có Tâm rồi. Đây là một điểm.
Thứ
hai, gọi là vọng, tức là sao? Nghĩa là trái với chân thể
thì gọi là vọng chứ gì? Nếu hoàn toàn không có chân thể
thì nói vọng cũng dư. Cho nên nói vọng là ngay đó tự thầm
nhận có chân thể. Chính vì chúng ta bỏ quên cái TÂM THỂ
CHÂN THẬT ban đầu này, nên mãi lang thang đuổi theo bóng dáng
sanh diệt, gọi đó là vọng.
Vua
Trần Thái Tông trong bài kệ tóm tắt NÚI THỨ NHẤT có hai
câu:
Chỉ
sai hữu niệm quên vô niệm,
Liền
trái không sanh nhận có sanh.
Tức
là, đang ở trong thể vô niệm vô sanh an ổn không chuyện
gì, bỗng động niệm liền đó quên mất chính nó, ngay đó
là trái với vô sanh mà đi vào có sanh có diệt, đây là nhận
cái vọng chứ gì? Song, sở dĩ có niệm, có sanh là vì sao?
Vì quên chỗ vô niệm, vì trái chỗ vô sanh thôi.
Có
vị tăng hỏi Hòa thượng Lang Nha:
- Thanh
tịnh sẵn vậy, vì sao bỗng sanh núi sông, cõi đất?
Sư
đáp:
- Thanh
tịnh sẵn vậy, vì sao bỗng sanh núi sông, cõi đất?
Đây
là ông tăng dẫn kinh Lăng Nghiêm, Ngài Phú Lâu Na hỏi Phật.
Chỗ đặc biệt của Thiền sư là giống như chỉ lập lại
câu hỏi vậy thôi, nhưng lại là cách đáp chính xác vô cùng.
Câu hỏi là: Đang sẵn thanh tịnh như vậy, cớ gì bỗng sanh
ra các thứ? Thiền sư lập lại y nguyên câu hỏi, như dội
lại ngay chỗ vừa hỏi đó. Chính ngay đó, ông đang thanh tịnh
an ổn không việc gì, bất chợt khởi niệm hỏi, không phải
là trong ấy bỗng sanh núi sông, cõi đất hay sao? Ngay đó tỉnh
lại, liền rõ chỗ trước khi sanh chứ gì! Chỉ một chút
kẽ hở này liền phân mê ngộ cách biệt. Kinh Pháp Hoa gọi
là, cùng tử lang thang bỏ cha đi làm kẻ ăn mày nơi đất
khách quê người. Đất khách nào? Chính là các trần trước
mắt đây! Vừa ở trần này, lại vào trần kia, rồi bắt
qua trần nọ, cứ thế đi mãi, đi mãi… quên hẳn đường
về! Song, chính khi chạy vào các trần đó, thì cái gì chạy?
Than ôi! Lại mê cái ấy, chỉ biết có trần thôi, vô minh
là đấy!
Hòa
thượng Thạch Đầu đã từng bảo Đại Điên:
- Trừ
ngoài nhướng mày chớp mắt hãy đem tâm lại!
Đại
Điên thưa:
- Không
tâm có thể đem lại.
Thạch
Đầu liền bảo:
- Nguyên
lai có tâm sao nói không tâm, không tâm tức đồng với chê
bai rồi!
Kìa,
ông bảo không tâm, vậy chính “cái gì nói là không tâm đó?”
Bởi người người đều có sẵn tâm thể ấy mà bỏ quên
không chịu nhận, có mà không hay biết nên gọi là Mê, nhớ
lại là Giác. Lẽ thật rõ ràng như thế, còn gì nghi ngờ
nữa?
II.
TÂM THỂ Ở ĐÂU?
Đã
biết có tâm thể rồi, vậy thì tâm thể đó ở đâu mà mê?
Sự thật nó không ở đâu cả mà ở ngay chính mình, đó là
một điều không ai ngờ. Chính vì không ngờ nên mọi người
cứ chạy đi tìm. Nhưng tìm ở đâu cho ra?
Trong
Huyết Mạch Luận, Tổ Sư đã bảo: “Ba cõi đều dấy lên,
đồng về một tâm. Phật trước, Phật sau lấy tâm truyền
tâm, chẳng lập văn tự. Hỏi: - Nếu chẳng lập văn tự,
lấy gì làm tâm? Đáp: - Ông hỏi tôi chính là tâm ông, tôi
đáp ông chính là tâm tôi. Tôi nếu không có tâm, nhân đâu
biết đáp ông? Ông nếu không có tâm, nhân đâu biết hỏi
tôi? Hỏi tôi chính là tâm ông, từ vô thủy kiếp đến nay,
cho đến mọi hành động tạo tác trong tất cả thời, tất
cả chỗ đều là bản tâm ông”.
Trong
đây Tổ Sư xác định rõ ràng, tất cả thế gian có ra, dù
có muôn ngàn sai khác, mà không cái gì ra ngoài MỘT TÂM. MỘT
TÂM nào? Người học đạo cần thấu rõ chỗ MỘT TÂM này,
liền rõ gốc gác của sanh tử. MỘT TÂM đó, chính là “tâm
thể không hai” hay “tâm thể tinh khôi” chứ không gì khác.
Tâm thể này đâu thuộc văn tự chữ nghĩa? Ngòi bút nào ghi
được nó? Cho nên Phật Phật truyền nhau chỉ là truyền tâm
này. Hay nói rõ hơn, chính đây là chỗ sống của chư Phật,
lìa chỗ này thì Phật chỉ còn là Phật trong sách vở.
Đây,
Tổ Sư chỉ thẳng cho thấy tâm này ở đâu? “Hỏi tôi chính
là tâm ông, đáp ông chính là tâm tôi”. Chính ngay chỗ hiện
tiền “đang hỏi đáp”, tâm thể sẵn hiện hữu trong đó.
Nếu không có tâm, nhân đâu có hỏi, có đáp? Đây là nhân
cái DỤNG, Tổ Sư chỉ ra cái THỂ. Đã có cái dụng phát ra
nói năng, hỏi đáp, tới lui, qua lại đó, thì từ cái gì
mà khởi dụng? Nếu không có Thể thì lấy gì khởi Dụng?
Tuy nhiên chỗ này cũng dễ lầm! Nếu người hấp tấp nhận
cái nói năng, động dụng đó cho là bản tâm, thì cũng mê.
Tại sao? Vì nếu nhận cái “hỏi đáp” đó cho là bản tâm,
khi không hỏi đáp thì sao? Tức thành không có tâm hay sao?
Nhận như thế là nhận trên cái sanh diệt rồi! Trong đây
phải thật chính chắn. Cốt yếu là, người lanh lợi phải
khéo nhân đó mà thầm nhận trở lại “tâm thể kia”. Từ
tâm thể đó ứng dụng ra mới không lầm.
Để
rõ hơn, chúng ta hãy nghe thầy trò Qui Ngưỡng hiển bày “thể
dụng” cho thấy. Qui Sơn đang hái trà, Sư gọi Ngưỡng Sơn
bảo:
- Cả
ngày hái trà, chỉ nghe tiếng con mà chẳng thấy hình con.
Ngưỡng
Sơn liền rung cây trà. Qui Sơn bảo:
- Con
chỉ được cái dụng của nó, chẳng được cái thể của
nó.
Ngưỡng
Sơn thưa:
- Chưa
biết Hòa thượng thế nào?
Qui
Sơn im lặng. Ngưỡng Sơn nói:
- Hòa
thượng chỉ được cái thể của nó, chẳng được cái dụng
của nó.
Có
ai thấy được thầy trò Qui Ngưỡng chăng? Qui Sơn bảo hiện
hình, Ngưỡng Sơn “rung cây trà”, tức hiện hình đó rồi.
Sao Qui Sơn còn bảo “chỉ được dụng, không được thể”?
Chẳng lẽ ngoài cái dụng đó, riêng có cái thể nào khác
nữa? Nếu quả thực không có cái “thể” thì lấy gì hiện
ra cái “dụng” ấy? Đây là Qui Sơn ngầm nhắc cho người,
chớ lầm bị Ngưỡng Sơn gạt, chỉ thấy trên tướng động
của cây trà là mờ mắt. Phải thấy sâu qua chỗ “cây trà
không thể rung tới kia” thì mới tròn thể dụng!
Cho
nên tiếp theo Qui Sơn im lặng là bổ túc chỗ ấy. Nhưng người
không hiểu, theo lời mà bị gạt. Nghe Ngưỡng Sơn bảo: “Hòa
thượng chỉ được thể, không được dụng”, bèn chê Qui
Sơn là còn nghiêng lệch, tức lầm to! Nếu quả thực trong
đó chỉ có “thể” mà không có “dụng”, thì đó là cái
“thể chết”, vậy cái gì “Biết im lặng”? Thế nên trong
đây im lặng mà sáng ngời, mà vang như sấm, đừng tưởng
im lặng là không biết gì. Người mắt sáng, phải thấy thấu
qua tướng im lặng kia mới thấy được thầy trò Qui Ngưỡng.
Vì im lặng là đối với tướng nói năng, tướng rung cây
trà kia, cũng thuộc tướng sanh diệt đối đãi.
Trong
đây cần rõ: Ngưỡng Sơn rung cây trà, Qui Sơn đã hiện trong
đó! Qui Sơn im lặng, Ngưỡng Sơn cũng hiện trong đó! Đâu
thể tách rời chia hai mà nói một được, một chẳng được?
Rõ ràng tâm thể vốn hiện tiền đấy thôi.
Và
đây, Sở Nam đến tham vấn Hòa thượng Hoàng Bá, Hoàng Bá
hỏi:
- Thế
nào là trước khi ông chưa hiện hình trong ba cõi?
Sư
thưa:
- Ngay
hiện nay đâu phải có.
Hoàng
Bá bảo:
- Có
không hãy gác lại, ngay hiện nay thế nào?
Sư
thưa:
- Chẳng
phải xưa nay.
Hoàng
Bá bảo:
- Pháp
nhãn của ta chính ở nơi ông.
Cái
gì là trước khi hiện hình trong ba cõi? Tức “tâm thể tinh
khôi” chứ gì! Chỗ đó có hình tướng gì để thấy, để
nói? Song, người nghe hỏi như thế, bèn theo câu hỏi tưởng
xa xôi về quá khứ nào đó, là quên mất chính mình đang hiện
hữu. Ngài Sở Nam không lầm theo ngôn ngữ, nên đáp rõ: “Ngay
hiện nay đâu phải có”. Tức ngay đây, chưa khởi niệm thì
có hình tướng gì? Chính đó là tâm thể tinh khôi, là chỗ
chưa hiện hình trong ba cõi, đâu có tướng gì che mờ được?
Tuy nhiên, vừa động niệm liền có hiện hình rồi, là rơi
trong ba cõi liền đó.
Song,
Hoàng Bá còn gạn thêm: “Có không hãy gác lại, chính hiện
nay thế nào?” Nếu chưa phải người thực sống trong đó,
hẳn khó trả lời. Sở Nam đáp thẳng: “Chẳng phải xưa
nay”, tức vượt qua ý niệm xưa nay. Thể đó sờ sờ như
vậy, vốn chẳng rơi vào xưa nay, chẳng thuộc trong thời gian
trước sau. Rõ được chỗ này là mở con mắt pháp, ánh sáng
thiền xuất hiện ngay đó!
III.
TỪ ĐÂU TRỞ VỀ?
Rõ
biết được tâm thể này có sẵn nơi mình đây rồi, nhưng
hiện nay còn đang trong mê lầm thì từ đâu mà trở về?
Quả
thực cũng rất đơn giản, vốn chính từ cái BIẾT này
mà mê, thì cũng chính từ cái BIẾT này mà trở về thôi,
không có con đường nào khác. Nghĩa là, BIẾT yêu, BIẾT ghét,
BIẾT hơn, BIẾT thua, BIẾT phải, BIẾT quấy… đó là BIẾT
trong mê, BIẾT theo duyên, theo cảnh, là cái BIẾT đi trong sanh
tử luân hồi. Giờ đây, cứ ngay đó mà trở về là xong.
Kinh
Lăng Nghiêm, Phật bảo: -Những người tu hành chẳng thể thành
tựu Vô thượng bồ đề, cho đến riêng thành Thanh Văn, Duyên
Giác và quyến thuộc của ma, đều do chẳng biết hai thứ
căn bản, tu tập lầm lộn. Thế nào là hai thứ?
1.
CĂN BẢN SANH TỬ TỪ VÔ THỦY: tức chính ông hiện nay và
các chúng sanh dùng “tâm phan duyên” làm tự tánh.
2.
THỂ BỒ ĐỀ NIẾT BÀN THANH TỊNH SẴN CÓ TỪ VÔ THỦY: tức
chính ông hiện nay cái “thức thể sẵn tự sáng ngời”
(Thức tinh nguyên minh), nó hay sanh ra các duyên, mà bị các
duyên bỏ sót nó. Do các chúng sanh bỏ sót cái “sáng suốt
sẵn có”(Bổn minh) này nên tuy trọn ngày tu hành mà chẳng
tự giác, uổng đi vào các thú.
Dùng
tâm phan duyên làm tự tánh, đó là căn bản sanh tử từ vô
thủy đến nay. Tâm phan duyên tức cái Biết theo duyên chứ
gì? Còn “thể Bồ Đề niết bàn sẵn có từ vô thủy”
là ở đâu? Tức ngay cái “thức thể sẵn có sáng ngời”
hiện nơi mình đang sống đây thôi. Cái thức thể đó là
gì? Chính là CÁI BIẾT SỜ SỜ đây, hay cái TÂM THỂ TINH KHÔI
đấy! Chính CÁI BIẾT CÒN NGUYÊN VẸN, MỚI MẺ, TINH KHÔI NHƯ
NÓ LÀ NÓ CỦA TỰ THUỞ NÀO nên gọi là “thức tinh”. Nó
hay sanh ra các duyên, là nó Biết cái này, Biết cái nọ, Biết
đủ thứ không thiếu sót. Biết duyên tức là sanh, vì khi
biết cái nào là có cái đó hiện. Nhưng khi nó Biết cái gì,
thì nó chỉ nhớ cái đó, nó đồng hóa mình là cái đó mà
quên mất chính nó, nên gọi là “bị các duyên bỏ sót nó.”
Chính vì bỏ sót nó, gọi đó là Mê, là quên mất đường
về, nên đi vào các thú. Tu hành mà cứ lấy cái Tâm chỉ
Biết theo duyên đó để tu, thì bao giờ tự giác được để
trở về? Song, đường về ở đâu mà không trở về được?
Cũng chính ngay đó thôi. Muốn trở về, cũng phải ngay cái
Biết đó mà trở về, chính đây là quê nhà muôn thuở!
Trở
về thế nào? Chỉ cần: Biết tất cả mà không bỏ sót chính
nó vậy thôi.
Thiền
sư Lâm Tế - Nghĩa Huyền có lần thượng đường bảo: “Có
một người ở mãi giữa đường mà chẳng lìa nhà, có một
người lìa nhà mà chẳng ở giữa đường.”
Thật
là nghịch lý chăng? Tại sao lìa nhà mà chẳng ở giữa đường?
Ở giữa đường mà chẳng lìa nhà? Thiền như thách thức
với đầu óc quen đóng khung trong vòng lý luận của thế tình,
nhưng lại là một lẽ thật sáng ngời với người đã mở
mắt tuệ. Vậy ai thấy người nào ở mãi giữa đường mà
chẳng lìa nhà? Người nào lìa nhà mà chẳng ở giữa đường?
Và trong đây là mấy người? Quả thật chính là “tâm thể
tinh khôi” này thôi. Dù chúng ta đang mê mờ lang thang trong
trần, nhưng sự thật nó có đi đâu?
Chỉ
cốt ngay đây đổi lại: thay vì Biết tất cả mà quên mất
chính nó, giờ đây hãy Biết tất cả mà không bỏ sót chính
nó trong bất cứ trường hợp nào, trong bất cứ nơi chốn
nào, thì có chỗ nào vắng mặt nó đâu? Như thế rõ ràng
đâu đâu chẳng là quê nhà? Nghĩa ở giữa đường mà chẳng
lìa nhà sáng tỏ như ban ngày, có gì phải nghi ngờ!
Bài
kệ của Ngài Tam Bình nói:
Tức
thử kiến văn phi kiến văn,
Vô
dư thinh sắc khả trình quân.
Cá
trung nhược liễu toàn vô sự,
Thể
dụng hà phòng phân bất phân.
Nghĩa:
Chính
thấy nghe này chẳng thấy nghe,
Đâu
thừa thinh sắc đáng trình anh.
Trong
kia nếu rõ toàn vô sự,
Thể
dụng ngại gì phân chẳng phân.
Chính
ngay cái THẤY NGHE hiện tiền đây, thấy nghe tất cả mọi
sắc thinh nhưng không dừng ở một sắc, một thinh nào, tức
thấy nghe mà chẳng thấy nghe chứ gì. Đó là thấy nghe nguyên
vẹn như nó là nó, ngay đó trọn vẹn sáng ngời đâu còn
có chút sắc thinh nào lẫn vào để mà trình. Thấy nghe như
thế là toàn “THỂ” ở trong thấy nghe rồi, thấy là
toàn thể thấy, nghe là toàn thể nghe, vậy còn có cái thể
nào riêng khác nữa đâu mà chia là thể, là dụng? Người
còn chia chẻ đây là thể, kia là dụng, là rõ ràng chưa hết
mê!
Bàng
Uẩn ở trong hội Hòa thượng Dược Sơn, khi từ giã đi, Dược
Sơn sai mười thiền khách tiễn đến cổng. Ông bèn chỉ tuyết
trong hư không nói:
- Tuyết
đẹp từng mảnh từng mảnh chẳng rơi chỗ khác.
Thiền
khách Toàn hỏi:
- Rơi
ở chỗ nào?
Ông
tát Thiền khách Toàn một cái tát, Toàn bảo:
- Cư
sĩ không được vô lễ.
Ông
nói:
- Ông
thế ấy mà xưng là Thiền khách, Diêm Vương chưa tha ông đâu.
Toàn
hỏi:
- Cư
sĩ thì sao?
Ông
tát cho một cái tát nữa, nói:
- Mắt
thấy như mù, tai nghe như điếc.
Ông
Bàng Uẩn rõ ràng có chỗ thấy sáng ngời chẳng mê. Ngay tuyết
rơi, thấy rõ từng mảnh tuyết, từng mảnh tuyết rành rẽ
không lầm, không có một mảnh nào lọt ra ngoài con mắt ấy,
thì TÂM THỂ SỜ SỜ đó, còn phải tìm đâu nữa? Thiền khách
Toàn lại lầm qua, hỏi rơi chỗ nào? Đó là theo tuyết rơi
quên mất chính mình rồi. Tức bị các duyên bỏ sót nó rất
đau thương, nên liền bị tát! Vậy mà Toàn còn chưa tỉnh!
Nếu ngay đó khéo thấy trở lại, tức liền trên đường
về, mặc cho ông Bàng Uẩn tát, làm sao tát đến chỗ này?
IV.
VỀ ĐÂU?
Nói
ngay đó liền trở về, nhưng về đâu? Không khéo lại kẹt
theo ngôn ngữ thành mê nữa. Chỉ là trở lại trước khi khởi
niệm thôi, thấy có chỗ về là nằm mộng như cũ.
Bài
pháp đầu tiên Lục Tổ bảo Huệ Minh:
- Chẳng
nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, cái gì là mặt mày xưa nay của
Thượng tọa Minh?
Chẳng
nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đó là Lục Tổ đưa Thượng tọa
Minh trở về trước khi động niệm, ngay đó tự nhận ra “mặt
thật xưa nay” của chính mình từ vô thủy thôi. Tâm thể
tinh khôi là đấy!
Sư
Nhan hỏi Hòa thượng Nham Đầu:
- Thế
nào là lý bản thường?
Nham
Đầu bảo:
- Động.
Sư
Nhan thưa:
- Khi
động thì thế nào?
Nham
Đầu bảo:
- Chẳng
phải lý bản thường.
Sư
im lặng giây lâu, Nham Đầu bảo:
- Nhận
tức chưa thoát khỏi căn trần, chẳng nhận tức hằng chìm
trong sanh tử.
Lý
bản thường, tức nó thường sẵn như vậy chưa có xen gì
vào. Nói theo đây là tâm thể mới mẻ, tinh khôi trước khi
động niệm chứ gì? Nó đã thường sẵn như vậy, chợt khởi
niệm hỏi thì sao? - Tức là động rồi. Mà đã động là
trái bản thường, là đi vào cái khuôn hiểu biết, khái niệm.
Nếu còn chần chừ nhận chẳng nhận, tức rơi vào hai đầu
sanh diệt, càng đi xa. Vượt qua đó, liền rõ lý bản thường,
khỏi hỏi thêm.
Nếu
người sống trong tâm thể tinh khôi này, thì nó Biết khắp
rất tinh tế, không chút gì qua lọt. Như Ngài Lâm Tế từng
bảo: “Sơn tăng nói pháp khác với mọi người ở khắp nơi,
hoặc có Văn Thù, Phổ Hiền xuất hiện trước mặt, mỗi
vị hiện mỗi thân hỏi pháp, vừa nói: -Thưa Hòa thượng!
Tôi đã sớm biết rõ rồi. Huynh đệ đến gặp nhau tôi trọn
biết rành. Chỉ vì cái thấy của tôi riêng khác, ngoài chẳng
nhận lấy phàm thánh, trong chẳng trụ căn bản, thấy suốt
trọn không có nghi lầm”.
Tại
sao Sư thấy hay như vậy? Chỉ vì “ngoài chẳng nhận lấy
phàm thánh, trong chẳng trụ căn bản”. Tức là luôn luôn
ở trong “tâm thể tinh khôi” ấy, không theo tướng phân
biệt phàm thánh bên ngoài, không trụ chỗ căn bản nơi tâm
bên trong, nói đơn giản là KHÔNG TRỤ TRONG NGOÀI, nên thấy
suốt không có nghi lầm. Tuy nhiên, không trụ bên ngoài thì
dễ hiểu, tâm bên trong cũng không trụ nữa là sao? Bởi vì
còn thấy có cái tâm căn bản để trụ, tức biến nó thành
cái đối tượng rồi, là có thêm cái bóng thứ hai án ở
trước, thì đâu thể thấy suốt!
Cho
nên trong đây vừa có TRỤ là mất tinh khôi, là có cái khác
xen vào. Do đó, trở về là về trước khi có trụ, trước
khi có bạn bè, ngay đó liền gặp “Người chẳng cùng muôn
pháp làm bạn”, khỏi phải chạy sang Trung Hoa tìm đến Tây
Giang uống cho cạn mới được câu trả lời.
Bởi
vậy, người thấu rõ chỗ này, là rõ tất cả cội nguồn
Phật pháp. Tất cả bí quyết của tông môn, tất cả sâu
kín của Tổ sư đều nằm trong đây, khỏi phải tìm đâu
khác.
V.
PHẢI LUÔN SỐNG MỚI MẺ TINH KHÔI
Bởi
tâm thể này vốn mới mẻ tinh khôi, vì vậy người muốn
đạt chỗ này, cũng phải giữ tâm luôn luôn mới mẻ tinh
khôi, không có chứa đựng nhiều khái niệm trong đầu, không
bám chặt vào một cái khuôn định sẵn khiến tâm cùn lụt,
chết cứng.
Hãy
xem, xưa kia Ngài Đại Mai - Pháp Thường đến hỏi Mã Tổ:
- Thế
nào là Phật?
Mã
Tổ đáp:
- Tức
tâm tức Phật. (Phật tức là tâm, tâm tức là Phật)
Sư
liền tỏ ngộ, về núi Đại Mai sống an ổn vững vàng, không
còn ai dối gạt được. Trái lại, hiện giờ chúng ta đã
nghe câu này không biết bao nhiêu lần, tại sao không ngộ?
Chính vì bị cái KHÁI NIỆM in sẵn trong đầu này. Vừa nghe
nói đến, trong đầu liền bảo ngay: “Tôi hiểu rồi”, thì
đâu có cơ hội để tỏ ngộ! Sự thật thì nó có thực hiểu
đâu. Hiểu đó, là Hiểu qua cái Hiểu của người xưa, Hiểu
của khái niệm cũ mòn, chết cứng thôi. Chính đó là nghe
với một cái tâm đã chết của quá khứ, chớ vội hài lòng!
Nếu
người còn chưa tin, hãy nghe vị tăng hỏi Điều Ngự Giác
Hoàng:
- Thế
nào là một việc hướng thượng?
Điều
Ngự đáp:
- Đầu
gậy khêu nhật nguyệt.
Tăng
thưa:
- Dùng
công án cũ của người xưa làm gì?
Điều
Ngự đáp:
- Mỗi
lần nhắc lại, mỗi lần mới.
Người
học đạo chớ bắt chước theo ông tăng này! Tin tức việc
lớn ấy vẫn luôn có sẵn bên mình, nhưng nếu chúng ta chỉ
nghe với tâm có chứa khái niệm trong đầu, thì chỉ nghe với
cái khuôn cũ kỹ, nghe với cái nhớ về quá khứ đã chết,
không đối diện được cái đang hiện hữu sáng ngời! Chỉ
nhớ có “đầu gậy”, nhớ có “nhật nguyệt”, thì đó
chỉ là danh từ rỗng thôi, làm sao đạt được “ý sống”
trong ấy? Đầu gậy làm sao với tới nhật nguyệt mà khêu?
Rõ ràng ý này đã vượt ngoài lời nói rồi, còn đâu để
nói mới cũ?
Nếu
người thực sự nghe với TÂM TRỐNG RỖNG, HOÀN TOÀN MỚI
MẺ TINH KHÔI, sạch mọi khái niệm đóng khuôn trong đầu,
thì bảo đảm nghe gì cũng mới mẻ, cũng sáng ngời, sẽ nghe
được những điều bất ngờ! Cho nên Điều Ngự bảo: “Mỗi
lần nhắc lại mỗi lần mới”. Nhắc lại là đang đối
diện trực tiếp với chính ông đây, tâm tâm đang trực tiếp
với nhau đây, đâu phải nói với người xưa mà bảo cũ!
Còn ông, ông chỉ nghe với mớ khái niệm cũ mòn in trong đầu
nên thấy là cũ. Như vậy, kết luận cho chính xác, là lời
nói cũ hay chính tâm ông cũ? Người học đạo cần nghiệm
kỹ chỗ này!
Chúng
ta hãy nghe chuyện Huyền Tắc với Ngài Pháp Nhãn. Huyền Tắc
ở trong hội Ngài Pháp Nhãn mà chưa từng thưa hỏi. Một hôm
Pháp Nhãn hỏi:
- Giám
viện Tắc sao chẳng vào thất thưa hỏi?
Tắc
thưa:
- Hòa
thượng đâu không biết con ở chỗ Thanh Phong đã có chỗ
thâm nhập.
Pháp
Nhãn hỏi:
- Ông
thử thuật lại cho ta nghe!
Tắc
thưa:
Con
hỏi Hòa thượng Thanh Phong: “Thế nào là Phật? (Có bản
ghi: Thế nào là tự kỷ của con?)” Hòa thượng
đáp: - Đồng tử Bính Đinh đến xin lửa.
Pháp
Nhãn bảo:
- Lời
khéo, nhưng ngại ông hiểu lầm nên nói lại xem.
Tắc
thưa:
- Bính
Đinh thuộc lửa, đem lửa đi xin lửa, như con là Phật lại
đi tìm Phật.
Pháp
Nhãn bảo:
- Giám
viện quả nhiên lầm rồi.
Tắc
nổi giận, quảy hành lý bỏ đi. Pháp Nhãn nói:
- Người
này nếu trở lại còn có thể cứu, nếu không trở lại thì
không thể cứu.
Tắc
đi giữa đường, nghĩ lại: “Hòa thượng là bậc thiện
tri thức của năm trăm người, há lại gạt ta sao?”, bèn
trở lại tham vấn tiếp. Pháp Nhãn bảo:
- Ông
hỏi ta đi, ta sẽ đáp cho.
Tắc
hỏi:
- Thế
nào là Phật?
Pháp
Nhãn đáp:
- Đồng
tử Bính Đinh đến xin lửa.
Tắc
liền đại ngộ.
Nghiệm
kỹ trong đây chúng ta sẽ thấy nhiều điều mới mẻ. Tại
sao, cũng một câu nói đó mà lần trước Huyền Tắc nói thì
chưa phải ngộ; lần sau Pháp Nhãn cũng lập lại thì thành
thật ngộ? Chỗ này đem khái niệm trong đầu để hiểu, có
thể hiểu được chăng? Bởi, chính lần đầu Huyền Tắc
đáp là đáp theo cái hiểu của khái niệm, của lối mòn suy
nghĩ thuộc tình thức, tự cho là hiểu mà thật là cái hiểu
bắt chước, lập lại. Lần sau, Pháp Nhãn đáp, là đáp trong
chỗ bất ngờ, Huyền Tắc không kịp suy nghĩ trước, tính
toán trước, tức là đang đối diện trực tiếp với nhau,
nên ngộ là thật ngộ! Chỗ này người đứng bên ngoài không
thể suy tư đến được.
Do
đó, người học đạo chúng ta phải tâm luôn luôn mới mẻ
tinh khôi như vậy mà ứng dụng, mà nghe, mà học đạo thì
lúc nào cũng sáng ngời vi diệu, lúc nào cũng nghe được những
điều chưa từng nghe.
Hãy
nhớ kỹ! Cũng câu kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ
tâm” mà Lục Tổ nghe qua liền ngộ, Vua Trần Thái Tông đọc
đến liền tỉnh, còn chúng ta nghe hoài sao vẫn không ngộ?
Lỗi tại đâu? Tại câu kinh quá cũ hay tại cái gì?
Rõ
ràng tại vì chúng ta bị cái hiểu quá nhiều, quá in đậm
trong đầu, nên nghe đó chỉ là nghe với bóng dáng quá khứ
của chữ nghĩa chứa đầy, làm sao trực tiếp thẳng vào tâm
thể được?
Vậy,
ngay đây người học hãy buông sạch mọi khái niệm chứa
đựng trong đầu, mọi cái hiểu của quá khứ, để tâm nguyên
vẹn mới mẻ tinh khôi như nó là nó mà xem: cái gì đang đọc
những dòng chữ này?
VI.
TÓM KẾT
Lâu
nay chúng ta đã sống quá nhiều với những khái niệm chứa
đầy ắp trong đầu, giờ đây muốn học đạo để nghe những
điều chưa nghe, thì phải can đảm để tâm trống rỗng mới
mẻ tinh khôi mà học, mà nghe, đó là con đường sống dậy
của chính mình.
Chính
ngay đó là nguồn sống vô biên chúng ta cần trở về, chư
Phật, chư Tổ có sẵn trong ấy khỏi tìm đâu khác. Kìa, bài
Chứng Đạo Ca của Thiền sư Huyền Giác vừa mở đầu, Sư
đã nhấn mạnh: ANH THẤY CHĂNG? (Quân bất kiến). Người học
thường hay bỏ qua chỗ này, không ngờ chính đây là yếu
chỉ của toàn bài Ca. Yếu chỉ ở đâu?
Đây
này! Chưa nói gì mà bảo: “Anh thấy chăng?” là thấy cái
gì? Rõ ràng ngầm chỉ Tổ sư luôn có mặt, cái ấy sờ sờ
sẵn đó. Bởi đây là KHÚC CA CHỨNG ĐẠO, tức nói lên chỗ
chứng, chỗ sống của Thiền sư Huyền Giác. Với chỗ sống
đó thì lúc nào nó cũng sẵn sàng hiện tiền, chưa nói ra,
chưa mở miệng, nhưng nó vẫn sờ sờ có đủ đó rồi! Tức
nó mới mẻ tinh khôi, nguyên vẹn chưa có khái niệm gì chen
vào. Vì vậy, chưa nói ra mà hỏi người: “Thấy chăng?”
Nếu người lanh lợi, ngay đó nhận ra liền thì đâu còn bị
những lời lẽ phía sau lừa nữa. Bao nhiêu lời lẽ của cả
một bài ca chỉ là giải thích lại chỗ này thôi.
Và
bài Bảo Cảnh Tam Muội, mở đầu liền bảo:
Pháp
ấy như vậy,
Phật
Tổ thầm trao.
Nay
ông được đó,
Nên
khéo giữ gì (Như thị chi pháp, Phật Tổ mật phó, Nhữ kim
đắc chi, Nghi thiện bảo hộ.)
Vừa
mở lời liền nói: “Pháp ấy như vậy,” mà không nói là
pháp gì, vì nó đã sẵn như vậy rồi, khỏi thêm khái niệm
nữa. Chính đó là chỗ Phật Phật, Tổ Tổ thầm trao, thầm
truyền. Nói thầm trao, tức lời nói không thể nói đến được,
người nhận phải khéo thầm nhận thôi: Thầm nhận trước
khi nói. Đã thầm nhận rõ rồi, phải khéo giữ gìn, khéo
sống, không để tâm chia chẻ, lựa chọn chen vào liền tự
khuất lấp ngay! Chỗ này còn có thể nói mới, nói cũ nữa
sao?
Để
kết thúc ý nghĩa này, xin dẫn đoạn nhân duyên Thiền sư
Thạch Thê hỏi thị giả:
- Ông
đi đâu?
Thị
giả thưa:
- Con
đi lên trai đường.
Sư
bảo:
- Ta
đâu không biết ông đi lên trai đường?
Thị
giả thưa:
- Trừ
ngoài việc này, riêng nói cái gì?
Sư
bảo:
- Ta
chỉ hỏi việc bổn phận của ông?
Thị
giả thưa:
- Nếu
hỏi việc bổn phận, con thật đi lên trai đường.
Sư
bảo:
- Ông
quả thật là thị giả của ta!
Thiền
sư Thạch Thê muốn gạn lại chỗ sống hiện tiền của ông
thị giả thế nào. Nếu là người khác hẳn bị Ngài Thạch
Thê lừa ra khỏi việc ấy rồi. Hỏi đi đâu, nếu theo cái
đi đó mà đáp, quên mất chính mình đang hiện hữu là nguy!
Thị giả quả đang sống trong ấy nên sáng tỏ rõ ràng không
lầm. Đáp đi lên trai đường, là chính thật mình đang hiện
hữu trong đó. Hỏi việc bổn phận, thì cũng chính ngay đây
“đang đi lên trai đường là đi lên trai đường,” rõ ràng
sáng tỏ không thêm gì khác. Trong đây vừa có xen vào bất
cứ ý niệm nào nữa là khuất lấp chính mình, là quên mất
việc bổn phận ngay. Tâm thể tinh khôi chính đã đầy đủ
trong ấy rồi!
Như
vậy xác quyết rõ ràng là: Ai ai cũng đều có một “tâm
thể nguyên vẹn tinh khôi từ thuở nào”. Hãy buông hết mọi
khái niệm cũ mòn trong đầu, sống lại ngay chỗ này, chính
đó là sinh mạng vĩnh viễn, khỏi tìm kiếm gì khác nữa!