Tác Giả: Sư Nguyên Hiểu nước Tân-La -Tỳ Kheo Thích Giác Chính dịch Việt
Nhà xuất bản Fahasa 2007
Luận Về Vãng Sanh Khó Hay Dễ
Gồm hai phần:
- Nói
về nơi chốn hơn và kém
-
Luận về vãng sinh khó hay dễ
1. Nói về hơn và kém: Nói chung về Thật đức thì làm gì có thua kém, bởi vì đều là Pháp vương thì đều gọi là Thiện Thệ. Báo thân có đủ vạn năng lực, Báo độ có đầy cảnh tốt đẹp, nhưng vì để hóa độ chúng sinh, nên đôi khi ở cõi uế nhiễm có nhiều núi đồi, hầm hố; ở cõi thanh tịnh toàn châu báu. Nhưng nếu luận về nơi chốn thì có hơn kém. Cung trời Đâu-suất thì nương vào hư không, còn cõi Cực Lạc thì đứng yên ổn trên đất. Như thế thì giữa trời và người có sự khác biệt. Nếu căn cứ vào cõi này mà so sánh với cõi kia thì cõi trời ưu việt hơn cõi người. Nếu luận bàn về tịnh và uế thì Đâu-suất là cõi uế, Cực Lạc là cõi tịnh; nếu phân biệt thô thì hai cõi có 14 điểm khác nhau. Đó là cõi trời Đâu-suất đất đai hạn hẹp, nam nữ sống lẫn lộn nhau, dục nhiễm hiện hành, có lui sụt, thọ 4000 tuổi, nhưng trong đó cũng có hạng người chết yểu. Về thân hình cũng như thế. Lại nữa, tâm luôn phát khởi ba tánh thiện, ác, vô kí. Do đó, nếu tâm duyên theo tánh ác thì sẽ bị đọa địa ngục, có ba thọ khổ, lạc, xả cùng hiện khởi, sáu trần cảnh khiến cho người buông lung. Con trai thì sinh ra từ nơi đầu gối của cha, con gái sinh ra từ đầu gối của mẹ, chỉ cho Bồ-tát là chủ thuyết pháp, có người được chứng Thánh quả, có người không chứng đắc. Còn cõi Tây Phương thì hoàn toàn ngược lại với cõi này. Nếu luận bàn theo nghĩa này thì cõi Tây Phương hơn hẳn.
2. Luận về vãng sinh khó hay dễ: Có thuyết cho rằng Tây Phương dễ sinh về, còn Đâu-suất khó sinh về. Có bảy nghĩa:
1. Cực Lạc là cõi người nên dễ sinh về. Đâu-suất là cõi trời nên khó sinh về.
2. Cực Lạc chỉ giữ năm giới thì được sinh về. Còn Đâu-suất phải tu đủ mười nghiệp thiện mới được sinh về.
3. Cực Lạc chỉ mười niệm được vãng sinh. Còn Đâu-suất phải tu đầy đủ bố thí, trì giới mới được sinh về.
4. Cực Lạc hoàn toàn nương vào bốn mươi tám đại nguyện của Đức Phật A-di-đà để được vãng sinh. Còn Đâu-suất thì chỉ dựa vào tự lực của mình để sinh về.
5. Cực Lạc có Bồ-tát Quán Thế Âm v.v… đang đến cõi này để khuyến tấn vãng sinh. Còn Đâu-suất thì không có việc này.
6. Cực Lạc được tất cả kinh luận khen ngợi, khuyến khích vãng sinh. Còn Đâu-suất chỉ có một kinh ca ngợi.
7. Xưa nay các bậc Đại đức phần nhiều đều hướng về Cực Lạc, ít ai hướng về Đâu-suất
Từ nghĩa này nên cho rằng Cực Lạc dễ vãng sinh, Đâu-suất khó sinh về.
Có thuyết lại cho rằng Đâu-suất dễ sinh về, còn Cực Lạc khó vãng sinh. Sở dĩ như thế là vì cung trời Tri Túc cùng ở tại cõi này, hàng Đại, Tiểu thừa đều tin nhận, đã là hóa thân, thì nhất định được vãng sinh.
Theo kinh Thượng Sinh, bốn chúng thực hành pháp Lục độ, hàng Bát bộ nghe tên đều hoan hỷ, sám hối nghiệp ác, tu mười điều thiện, hồi hướng nguyện sinh, thì tất cả đều được sinh về cõi Cực Lạc.
Theo Đối Pháp Luận, thì Biệt thời ý thú[1] nghĩa là có người nguyện sinh về cõi Cực Lạc thì được sinh về nhưng ở vào thời điểm khác, giống như mua bán, từ một đồng mà được ngàn đồng, cho nên, kinh nói: “Chẳng phải do nhân duyên thiện căn nhỏ mà được vãng sinh”.
Thiên Thân Luận[2] nói: “Người nữ, người thiếu căn, hàng Nhị thừa không được vãng sinh”. Lại tướng bạch hào của Đức Phật A-di-đà như năm Tu-di, há hàng phàm phu có thể thấy được tướng đó ư? Các nghĩa như thế được minh chứng chẳng phải là ít, cho nên vạn người nguyện sinh về cõi Cực Lạc đều được vãng sinh. Hoặc có thuyết cho rằng lý của hai thuyết trên hoàn toàn không cùng tận. Phàm vãng sinh khó hay dễ, tất cả đều tùy theo nhân duyên. Duyên nghĩa là Đồng thể Đại bi của chư Phật, Bồ-tát. Nhân là khởi nguyện tu hành của chín hạng người trong bốn chúng. Đồng thể Đại bi tuy không hạn cuộc ở nơi người, nhưng vì nghiệp của chúng sinh nên có sự sai khác. Nếu người nghiệp nhân thuần thục thì tùy theo nguyện liền được vãng sinh, chẳng phải vì lẽ trời người mà khó vãng sinh, mà do tịnh uếâ nên có ngăn ngại. Nếu người thiếu nhân nguyện hạnh, ở ngay trước mặt cũng không cảm được, há có thể cùng cõi mà dễ được vãng sinh ư? Lại nhờ hóa thân mà liền được diện kiến Như Lai. Do đó, trong thành Vương Xá hơn ba ức gia đình cùng ở chung mà không nghe đến danh hiệu của Như Lai. Còn trong thành Na-lặc-già, 90 ức người sống xa xôi cách trở như thế mà còn đến chiêm bái tướng sắc vàng của Như Lai, thế thìø biết khởi hạnh của chúng sinh vậy, do lệ thuộc vào thắng duyên mà còn hoặc mất. Hoặc có người tự tánh hệ thuộc A-di-đà, hoặc có người xưa nay hệ thuộc Di-lặc, tùy theo sở thuộc đó mà mỗi mỗi nhanh chóng đạt được đạo. Giả sử không có sự hệ thuộc, thì tốn công nhọc sức mà lợi ích chẳng bao nhiêu. Cho nên, Tỳ-mẫu của Trưởng giả, được La-hầu-la giáo hóa; Thiên tử cõi Phi tưởng, ngộ đạo nhờ Xá-lợi-phất. Thế thì, chuyên tâm vào nơi tôn kính, gắng sức mong cầu Tịnh nghiệp thì việc vãng sinh dễ như trong khoảng khảy móng tay, sao chỉ tranh nhau luận bàn về việc khó dễ? Nếu phát tâm, nhất định không ngại thì sáu việc[3] dễ thực hành, chín phẩm chẳng khó tu, tội nghiệp tuy nhiều, nhưng tiêu tan như ánh mặt trời chiếu soi cõi tối; đường đến tuy tối tăm cách trở, nhưng cũng được thông suốt như ấn vua khai lối tắc. Chỉ vì người học như kẻ “khắc thuyền tìm gươm”[4], như hành giả “ôm cây đợi thỏ”[5], nghi ngờ lời chân thật của tướng lưỡi rộng dài bao trùm ngàn cõi, mà tin nhận tiếng kêu rỗng suông của con ếch nằm đáy giếng mê mờ nhất tâm. Há chẳng phải là hạng người cất giữ sỏi đá, mà ném bỏ trân báu ư? Than ôi! Thật đáng thương thay!
Giải thích pháp số:
[1] Biệt thời ý thú (biệt thời ý, thời tiết ý thú): Như Lai dùng ý thú biệt thời để thuyết pháp, một trong bốn ý thú, nghĩa là lợi ích ở thời gian khác. Người nào tụng trì danh hiệu Phật Đa Bảo thì quyết định đối với Vô Thượng Bồ-đề không còn lui sụt hoặc người chỉ cần phát nguyện thì liền được vãng sinh cõi Phật An Lạc. Đây là Như Lai vì khuyên nhắc kẻ giải đãi không thích tu hành, nên nói lợi ích lúc khác mà chẳng nói lợi ích ngay lúc này.
Nhiếp Đại Thừa Luận Thích, q. 6 (Đại 31, 194 trung) ghi: “Người thiện căn giải đãi nhờ tụng trì danh hiệu Phật Đa Bảo mà được tiến lên công đức thượng phẩm”.
Phật nói công đức thượng phẩm là nhằm vào người có hạnh cạn cợt, muốn cho họ bỏ giải đãi, siêng tu hành, chứ chẳng phải do tụng danh hiệu Phật mà được không lui sụt, quyết định đắc Vô Thượng Bồ-đề. Thí dụ từ một đồng tiền vàng do kinh doanh lâu ngày nên sinh ra nghìn đồng tiền vàng, chẳng phải trong một ngày được số tiền vàng đó. Một đồng tiền vàng là nhân sinh ra hàng nghìn đồng tiền vàng.
Ý Như Lai cũng vậy, tụng trì danh hiệu Phật là nhân để chẳng lui sụt Bồ-đề (TĐPH Huệ Quang, t. I, tr. 546).
[2] Thiên Thân (Thế Thân): một đại luận sư Ấn Độ, sống vào khoảng thế kỷ IV, V, người thành Phú-lâu-sa-phú-la, nước Kiện-đà-la thuộc Bắc Ấn Độ, là con thứ hai của Quốc sư Bà-la-môn Kiều-thi-ca. Lúc đầu, Sư cùng với anh là Vô Trước học Tát-bà-đa bộ (Hữu bộ). Ngài Vô Trước học thẳng vào Đại thừa, ngài Thiên Thân lại đi vào Kinh Lượng bộ, lập chí cải thiện giáo nghĩa Hữu bộ… Lúc đầu, Sư công kích Phật giáo Đại thừa, cho rằng Đại thừa chẳng phải là pháp do Phật nói. Sau nhờ ngài Vô Trước dùng phương tiện khai thị, Sư mới ngộ được lý Đại thừa, chuyển sang tin tưởng, tôn thờ và hoằng dương yếu nghĩa Đại thừa. Sư soạn nhiều luận và sách chú thích, đặt nền tảng cho phái Du-già thuộc Phật giáo Đại thừa. Các tác phẩm quan trọng, gồm hơn 40 loại: Luận Câu-xá (30 quyển), Nhiếp Đại Thừa Luận Thích (15 quyển), Thập Địa Kinh Luận (12 quyển), Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật Kinh Luận, Quảng Bách Luận, Luận Bồ-đề Tâm, Duy Thức Tam Thập Luận Tụng, luận Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn, Vô Lượng Thọ Kinh Ưu-ba-đề-xá… (TĐPH Huệ Quang, t. VI, tr. 5408).
- Thiên Thân Luận (gọi đủ là Thiên Thân Nhiếp Luận, Thế Thân Nhiếp Luận): một trong năm bộ Nhiếp Luận. Đó là bộ luận do ngài Thế Thân biên soạn để giải thích bộ Nhiếp Luận của ngài Vô Trước. Bộ Luận này có ba bản dịch: Bản dịch của ngài Chân Đế đời Trần, gồm 15 quyển, gọi là Nhiếp Đại Thừa Luận Thích; bản dịch của ngài Cấp-đa đời Tùy, gồm 10 quyển, gọi là Nhiếp Đại Thừa Thích Luận; bản dịch của ngài Huyền Trang đời Đường, gồm 10 quyển, gọi là Nhiếp Đại Thừa Luận Thích (TĐĐPB).
[3]Sáu việc (Lục sự pháp): theo Quán Di-lặc Thượng Sinh Đâu-suất Thiên Kinh Tán, q. hạ, tr. 295b ghi:
1. Tinh tấn tu tập, gieo trồng phước nghiệp trong ba ruộng Kính, Ân, Bi.
2. Giữ gìn oai nghi và các giới nghiêm mật, hành trì các quy tắc một cách tự tại.
3. Siêng năng quét dọn chùa tháp, trang nghiêm đạo tràng đúng theo giáo pháp chế định.
4. Cúng dường hương hoa, tùy nghi cung cấp những vật dụng trong bốn việc ẩm thực, y phục, phòng xá, y dược…
5. Phàm phu hành trì nhập định Tam-muội hữu lậu, bậc Thánh nhập định vô lậu tùy theo đó mà đắc thiền.
6. Đọc tụng kinh điển, diễn thuyết tu tập 10 pháp hành v.v…
[4] Khắc chu cầu kiếm (Khắc chu nhân): chuyện khắc chu cầu kiếm trong thiên Sát Kiếm của Lã Thị Xuân Thu. Chuyện ghi: “Có một người qua sông, vô ý đánh rơi kiếm xuống sông. Người ấy vội vã khắc lên thuyền để đánh dấu chỗ kiếm rơi. Thuyền đã đi đến nơi khác rồi mà người kia vẫn theo dấu khắc ấy lặn xuống sông tìm kiếm. Kết quả tìm hoài chẳng được”.
Trong Thiền tông dùng từ ngữ này để chỉ cho người học ngu si chấp trước, thiếu sự linh hoạt đối với cơ pháp của bậc thầy (TĐPH Huệ Quang, t. III, tr. 2276).
[5] Thủ chu đãi thố (ôm cây đợi thỏ): Truyền thuyết kể rằng thời Chiến Quốc, ở nước Tống có một người nông dân thấy một con thỏ đâm đầu phải gốc cây mà chết, anh ta bèn bỏ cả việc cày bừa ngồi ôm gốc cây để chờ con thỏ khác lại đâm đầu vào gốc cây ấy nữa (Từ điển Hán-Việt, VNNH, Phan Văn Các chủ biên, Nxb Tp. HCM, 2001, tr. 1309).