- [01 - 10]
- [11 - 20]
- [21 - 30]
- [31 - 40]
- [41 - 50]
- [51 - 60]
- [61 - 70]
- [71 - 80]
- [81 - 90]
- [91 - 100]
- [101 - 110]
- [111 - 120]
- [121 - 130]
- [131 - 140]
- [141 - 150]
- [151 - 160]
- [161 - 170]
- [171 - 180]
- [181 - 190]
- [191 - 200]
- [201 - 210]
- [211 - 220]
- [221 - 230]
- [231 - 240]
- [241 - 250]
- [251 - 260]
- [261 - 270]
- [271 - 280]
- [281 - 290]
- [291 - 300]
- [301 - 310]
- [311 - 320]
- [321 - 333]
- Thư mục
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
Đỗ Đình Đồng góp nhặt
241. PHẬT MẶT TRỜI,
PHẬT MẶT TRĂNG
Kinh nói rằng Phật Mặt Trời sống một ngàn tám trăm năm, và Phật Mặt Trăng chỉ sống có một ngày một đêm.
Có một lần Đại sư Mã Tổ bị bịnh nặng và lâu, viện chủ đến thăm, hỏi:
- Hòa thượng cảm thấy thế nào?
Mã Tổ đáp:
- Phật Mặt Trời, Phật Mặt Trăng.
Sống khi mình có thể sống là phúc đức, và chết khi mình có thể chết cũng là phúc đức. Đối với một người hiểu lẽ sống, thì dù sống một trăm năm hay chỉ một đêm đều có giá trị như nhau.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
242. QUI CỦ THIỀN ĐƯỜNG
CỦA BÁCH TRƯỢNG
Sau khi Đại sư Mã Tổ tịch, Thiền sư Bách Trượng thừa truyền chánh pháp.
Rồi sư thiết lập Bách Trượng Thanh Qui, hay là qui củ Thiền đường, và nó đã trở thành nền móng cho điều lệ tu viện cũng như cho Phật giáo Thiền tông nói chung. . .
Bách Trượng Thanh Qui qui định chi tiết điều lệ đời sống hằng ngày của vị trụ trì và tất cả những người trong tự viện dưới ông.
Điều lệ đòi hỏi vị tăng tương lai nguyện giữ năm giới chính:
-Không sát sanh;
- Không trộm cướp;
- Không tà dâm;
- Không nói dối;
- Không say sưa.
Và các điều sau:
- Không ngủ trên cái giường cao hay rộng quá;
- Không xem hay tham dự các tuồng trên sân khấu;
- Không tự tôn;
- Không cất giữ tiền bạc hoặc các vật quí;
- Không ăn các món bậy và không ăn ngoài giờ qui định;
Chỉ khi nào giữ được các giới điều trên, người tăng nhân tương lai mới được cạo tóc và trở thành tăng nhân thực thụ.
Bách Trượng cũng thiết lập hệ thống làm việc, không những cho người tăng nhân trung bình làm việc ngoài đồng, mà cho cả vị trụ trì nữa.
Ở Ấn độ, tăng nhân bị cấm làm nông và, do đó, tùy thuộc vào sự cúng dường của các thí chủ trung thành.
Với hệ thống thanh qui, Bách Trượng nhằm loại bỏ cách sống xin ăn và ký sinh trùng này.
Tại sao một tăng nhân khỏe mạnh lại sống như một loại ký sinh trùng, hút máu sống của những người dân thường?
Vì vậy sư đòi hỏi tất cả tăng chúng dùng thời giờ khai khẩn đất đai để trồng trọt và canh tác thực phẩm cho chính họ.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
243. MA NGÔN NGỮ
Ngưỡng Sơn là học trò của Qui Sơn. Một hôm Qui Sơn nói:
- Này con, phải nhanh lên mà ngộ đi. Chớ bám vào ngôn ngữ văn tự.
Ngưỡng Sơn đáp:
- Ngay cả tin con còn chẳng muốn nữa kìa.
Qui Sơn hỏi:
- Con không muốn vì con tin hay con không muốn vì con chẳng tin?
Ngưỡng Sơn hỏi lại:
- Ngoài mình ra còn cái gì khác có thể tin được?
Qui Sơn đáp:
- Nếu vậy, con chỉ là đệ tử của Tiểu thừa.
Ngưỡng Sơn nói:
- Ngay cả Phật con còn chẳng muốn gặp.
Qui Sơn lại hỏi:
- Trong tất cả kinh điển, có bao nhiêu là lời của Phật, bao nhiêu là lời của ma?
Ngưỡng Sơn đáp:
- Tất cả là ma hết.
Qui Sơn khen:
- Giỏi lắm! Giỏi lắm! từ nay không có gì quấy rầy con được nữa.
Cuối cùng, Ngưỡng Sơn kế thừa y bát của Qui Sơn và truyền Thiền theo phong cách của sư.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
Tăng chúng hai nhà đông tây của chùa Nam Tuyền tranh nhau một con mèo. . .
- Nó là của nhà phía đông chúng tôi.
- Nó là con mèo nhà phía tây chúng tôi.
Nam Tuyền nghe ồn ào, bèn ra bắt con mèo giơ lên bảo:
- Ai nói được thì mèo sẽ sống. Không ai nói được, tôi sẽ giết con mèo tại đây.
Tất cả đều im lặng. Vì thế, Nam Tuyền chém con mèo làm hai mảnh.
Đến chiều, Triệu Châu về, Nam Tuyền thuật lại chuyện hồi sáng. . .
Sau khi nghe xong, Triệu Châu không nói một lời, chỉ cởi đôi dép rơm đội lên đầu, đi ra.
Nam Tuyền nói:
- Hồi sáng, nếu có ông ở nhà đã cứu được con mèo.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
245. BỊ LỪA ĐÁ
Sau khi ngộ đạo, Triệu Châu dạo bước khắp nơi, viếng nhiều Thiền sư thời ấy.
Một hôm sư đến thăm Vân Cư Đạo Ưng. Vân Cư hỏi:
- Đại lão hán, đại lão hán, sao không tìm một chỗ trụ đi cho rồi?
Triệu Châu nói:
- Trụ ở đâu bây giờ?
Vân Cư đáp:
- Sau núi kia có ngôi chùa hoang, hòa thượng đến đó là phải.
Sau Triệu Châu đến viếng sư Tu Du. Tu Du hỏi:
- Đại lão nhân, đại lão nhân, sao không tìm một chỗ trụ đi cho rồi?
Triệu Châu lại nói:
- Trụ ở đâu bây giờ?
Tu Du nói:
- Ơ kìa, cái lão này còn không biết trụ ở đâu nữa mới lạ chứ!
Triệu Châu nói:
- Ba mươi năm đùa với ngựa không sao, bữa nay lại bị lừa đá.
Cuối cùng, cho đến năm tám mươi tuổi, sư mới định cư ở viện Quan Âm, phía đông ngoại ô thành Triệu Châu. . .
Trong thời gian trụ trì viện Quan Âm, sư dùng trí tuệ sâu xa và óc khôi hài nhàn nhã hướng dẫn đệ tử trên con đường đến chơn ngã.
Sư thường nói: “Nếu đứa trẻ bảy tuổi hơn ta, ta học nó. Nếu ông lão trăm tuổi không bằng ta, ta dạy ông lão.”
(Trí Tuệ Thiền Sư)
246. CỚ SAO LẠI CÓ BỤI
Một hôm, khi Triệu Châu đang quét sân chùa thì có người hỏi:
- Chốn già lam thanh tịnh cớ sao lại có bụi?
Triệu Châu đáp:
- Từ ngoài đến.
Một hôm khác, cũng trong lúc Triệu Châu đang đang quét sân chùa thì một ông tăng hỏi:
- Hoà thượng là thiện tri thức cũng có bụi nữa sao?
Triệu Châu đáp:
- Kìa, lại một hạt bụi nữa.
(Triệu Châu Ngữ Lục)
247. CHỖ CÓ PHẬT CHỚ ĐỨNG LẠI
Khi một ông tăng từ giả Triệu Châu để đi tham vấn các nơi, sư hỏi:
- Ông đi đâu?
Ông tăng đáp:
- Khắp các nơi để học Phật pháp.
Sư dựng cây phất tử lên nói:
- Chỗ có Phật chớ đứng lại, chỗ không Phật chạy lẹ qua! Chớ lầm đem Phật pháp cho người cách ba ngàn dặm.
(Triệu Châu Ngữ Lục)
248. KHÔNG MẮT TAI MŨI LƯỠI
Thiền sư Động Sơn Lương Giới (807-869) họ Du, quê ở Hội kê, tỉnh Triết giang. Sư xuất gia lúc còn bé. Sau khi ngộ, sư trở thành trụ trì Động Sơn ở Giang tây vào năm 860. Sư cùng với đệ tử là Tào Sơn sáng lập phái Tào Động.
Lúc còn trẻ, sư tụng Bát Nhã Tâm Kinh với thầy đến câu: “Không sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức. . . Không mắt, tai, mũi, lưỡi, hay thân... Không thấy, nghe, ngửi, nếm...” sư liền lấy tay sờ mặt và hỏi thầy:
- Rõ ràng con có mắt, tai, mũi, lưỡi. . . sao kinh nói chẳng có?
Thầy trả lời:
- Ta nghĩ ngươi nên tìm thầy khác, ta chẳng thể dạy ngươi được.
Vì thế Động Sơn đi đến nhiều nơi, học với nhiều đại sư.
Trước tiên sư đến tham kiến Thiền sư Nam Tuyền và ở lại đó một thời gian...
Rồi sư đến Qui Sơn Linh Hựu và hỏi:
- Thực ra có vô tình thuyết pháp hay không? Nếu có, tại sao con không nghe?
Qui Sơn đáp:
- Miệng do cha mẹ cho, tôi chẳng dám nói với ông.
Động Sơn hỏi:
- Vậy thì con nên hỏi ai?
Qui Sơn đáp:
- Sao không đến Đàm Thành ở Vân Nham?
Cầm lá thư giới thiệu của Qui Sơn, sư đến tham kiến Vân Nham.
Khi đến Vân Nham, sư hỏi:
- Khi vô tình thuyết pháp thì ai nghe được?
Vân Nham đáp:
- Vô tình nghe được.
Sư hỏi:
- Hoà thượng nghe được không?
Vân Nham đáp:
- Nếu nghe được, ta sẽ biến thành pháp thân, rồi ông chẳng thể nghe ta thuyết pháp.
Sư hỏi:
- Tại sao không?
Vân Nham đưa phất tử ra hỏi:
- Ông nghe chăng?
Sư đáp:
- Dạ không.
Vân Nham bảo:
- Chính khi tôi thuyết pháp ông còn chẳng nghe được, khi vô tình thuyết pháp làm sao ông nghe được?
Sư hỏi:
- Kinh nào nói vô tình thuyết pháp?
Vân Nham hỏi lại:
- Không phải kinh A-di-đà nói, “Sông, chim, cây, rừng tất cả đều niệm pháp” sao ?
Ngay đây, Động Sơn tỉnh ngộ, nói:
Kỳ lạ thay! Kỳ lạ thay!
Vô tình thuyết pháp chẳng nghĩ bàn,
Nếu lấy tai nghe, thật khó hiểu,
Nếu dùng mắt thấy, liền nhận ra.
(Trí Tuệ Thiền Sư)
249. NƯỚC CON AN ỔN
Khi Sa di Cao đến tham vấn Thiền sư Dược Sơn, Dược Sơn hỏi:
- Ông từ đâu đến?
Cao đáp:
- Con từ Nam Nhạc đến.
- Đã đi lại những đâu?
- Đi Gia lăng thọ giới.
- Thọ giới mong làm gì?
- Mong khỏi sanh tử.
- Có một người không thọ giới cũng khỏi sanh tử, ông biết không?
- Thế thì giới luật dùng làm gì?
- Còn mồm mép lắm.
Cao lễ bái lui ra.
Khi Đạo Ngô đến đứng hầu, Dược Sơn bảo:
- Vừa rồi có một sa di mới đến có chút khí khái.
Đạo Ngô nói:
- Chưa nên tin hẳn, cần phải khám phá mới được.
Đến chiều, Dược Sơn lên tòa gọi:
- Sa di mới đến ở đâu?
Cao bước ra khỏi chúng tăng, đứng im.
Dược Sơn hỏi:
- Tôi nghe nói Trường an rất náo loạn, ông có biết không?
Cao thưa:
- Nước con an ổn.
- Ông do xem kinh được hay do tham vấn được?
- Chẳng do xem kinh hay tham vấn mà dược.
- Có người chẳng xem kinh, chẳng tham vấn, tại sao chẳng được?
- Chẳng phải không họ được, chỉ vì không chịu thừa nhận.
Dược Sơn ngó Đạo Ngô, Vân Nham, hỏi:
- Tin tôi chưa?
Một hôm, Cao đến từ giả Dược Sơn, Dược Sơn bảo:
- Sanh tử là việc lớn sao chẳng thọ giới đi?
Cao đáp:
- Biết thì những việc ấy liền thôi, lại bảo thọ giới làm gì?
Dược Sơn bèn thôi.
Hôm khác, đến giờ ăn trưa, Dược Sơn đích thân đánh trống, Cao ôm bát múa đi vào phòng ăn.
Dược Sơn bỏ dùi trống xuống, hỏi:
- Đấy là hòa thứ mấy?
Cao đáp:
- Hòa thứ hai.
- Còn hòa thứ nhất đâu?
Cao đến thùng cơm lãnh một phần rồi đi ra.
(Trung Hoa Thiền Đức)
250. KHÔNG CHỖ NÀO KHÔNG ĐẾN
Khi Thiền sư Bảo Triệt ở núi Ma Cốc đang dùng quạt phe phẩy quạt mình thì một ông tăng hỏi:
- Tánh của gió là thường tại và không có chỗ nào là không đến. Sao hòa thượng còn dùng quạt làm gì?
Sư đáp:
- Ông chỉ biết tánh gió thường tại mà chưa biết đạo lý của “không chỗ nào không đến.”
Ông tăng hỏi:
- Thế nào là đạo lý của “không chỗ nào không đến?”
Sư phe phẩy quạt mình. Ông tăng bái tạ thật sâu.
(Chánh Pháp Nhãn Tạng)