- Chương 01: Vì sao chúng ta tu theo pháp môn Tịnh Độ
- Chương 02: Ba phúc
- Chương 03: Chướng ngại sự tu hành
- Chương 04: Tiêu trừ chướng ngại
- Chương 05: Pháp thanh tịnh giải thoát
- Chương 06: Chánh pháp tương ứng tuyệt đối với lợi ích chân thật
- Chương 07: Bốn nguyên tắc phân biệt chánh tà
- Chương 08: Thuận hạnh và nghịch hạnh
- Chương 09: Ba cương lĩnh của hành môn
- Chương 10: Ba điều quan trọng cần phải làm
- Phụ lục
- Đại sư Ấn Quang khai thị
- Lão pháp sư Đạo Nguyên khai thị
- Mười điều trọng yếu của sự tu hành
CỬA VÀO TỊNH TÔNG
Pháp sư Tịnh Không giảng
Cư sĩ Ngô Chân Độ ghi lại
Việt dịch: Thích nữ Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ
Chương 1
Vì sao chúng ta tu theo pháp môn Tịnh Độ
Chúng ta tu học Phật pháp, mục tiêu đầu tiên tất nhiên phải thoát ly sinh tử, ra khỏi lục đạo luân hồi. Ngay đời này, chúng ta phải hiểu rõ liễu thoát sanh tử là việc trọng đại, kinh Pháp hoa nói là “Đại sự nhân duyên”. Đức Phật dạy chúng ta rất nhiều trong các kinh luận Đại thừa, bất luận là lý luận hay phương pháp nào cũng đều lấy việc liễu thoát sanh tử, ra khỏi ba cõi làm mục tiêu tối hậu.
Phật pháp bắt đầu truyền từ Ấn Độ cho đến ngày nay, theo lịch sử Trung Quốc ghi lại là đã được 3000 năm, theo lịch sử nước ngoài thì cũng hơn 2500 năm, giáo pháp truyền rất lâu như vậy thế nào cũng có những điều tồi tệ xảy ra. Hiện nay là thời đại mạt pháp theo kinh Đại thừa ghi năm lần 500 năm, cũng chính là nói sau khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhập diệt 2500 năm, vào thời đại này căn tính của chúng sinh khác xa với thời xưa. Do đó, tuy có nhiều kinh luận và pháp môn khác nhau, không phải là không tốt, nhưng chúng ta là người tu học ở thời hiện đại chỉ nói được mà làm không được.
Y theo nguyên tắc lý luận của kinh Đại thừa, bất luận chúng ta tu học pháp môn nào như Hiển giáo, Mật giáo, Thiền tông hay các tông khác đều phải đoạn dứt Kiến, Tư phiền não thì mới liễu thoát sinh tử. Thế nào là Kiến, Tư phiền não? Nói đơn giản, Kiến là chỉ kiến giải sai lầm, cách nhìn sai lầm về vũ trụ nhân sinh, gọi là “Kiến phiền não”. Tư là chỉ tư tưởng sai lầm, cách nghĩ sai lầm. Phạm vi của Kiến, Tư bao quát rất rộng lớn.
Trong kinh luận, Đức Phật đem những Kiến, Tư phiền não hợp lại thành mười đại loại, đây chỉ vì phương tiện thuyết pháp mà lập ra. Tôi nói thật, bất kỳ một loại nào trong mười đại loại, người tu hiện nay không đoạn được một loại, huống gì mười loại? Nếu chúng ta không thể đoạn được phiền não thì dù tu học cả đời cũng không thể thành tựu, đây không phải là bệnh của một người mà là bệnh chung của người hiện nay.
Chúng ta hãy đọc luận Niệm Phật của đại sư Đàm Hư, Đại sư từng than thở: Suốt một đời những điều Đại sư đã thấy, đã nghe, người tham thiền có khả năng chứng đắc thiền định rất ít, nhưng tham thiền được khai ngộ thì chẳng những suốt đời Đại sư chưa thấy mà cũng chưa hề nghe qua. Đây chỉ là một ví dụ nêu lên mà thôi.
Nếu như người tham thiền mà không thể đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh thì không thể gọi là thành tựu. Công phu đắc thiền định có sai khác, vì định có cạn sâu như đắc Sơ thiền, Nhị thiền là công phu cạn; đắc Tam thiền, Tứ thiền là công phu sâu. Ngay cả chứng Tứ thiền thiên và Tứ không thiên vẫn không thoát khỏi cõi trời, huống gì người đắc thiền định, quả là hiếm có. Đây chính là nói bởi chúng sinh trong thời mạt pháp phiền não tập khí quá sâu nặng, lại thêm cảnh duyên bên ngoài của hoàn cảnh bất thiện. Thế nào là bất thiện? Là bị tiền của, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ lôi cuốn, bên trong bị phiền não dày vò thôi thúc, bên ngoài bị cám dỗ mê hoặc thì làm sao chúng ta có thể thành tựu được!
Huống gì việc tu học, theo các bậc đại đức xưa kia đã nói: “Không chí thành”. Câu này vô cùng quan trọng, ý nghĩa rất rộng sâu. Chúng ta nghe qua không chú ý chỉ cười trừ, cho là việc tầm thường không đáng thực hành, nên không hiểu được câu nói này là điểm quan trọng then chốt của chúng ta.
Vì sao chúng ta không chí thành? Không ngoài hai nguyên nhân; nếu nói theo kinh Phật thì do thiếu thiện căn, không có phước báo; nếu nói theo thời nay thì có hai điều:
1. Chúng ta hiểu nghĩa lý kinh còn quá cạn cợt.
2. Chúng ta chưa nếm đủ vị đắng khổ đau khi làm người ở thế gian.
Do đó, chúng ta tu học không chí thành; đây là sai lầm lớn của chúng ta.
Vậy chúng ta phải làm thế nào mới có thể đạt được sự lợi ích thù thắng của Phật pháp? Chúng ta phải tu học thế nào để đời này có được thành tựu thật sự? Đây chính là điều của mỗi vị đồng tu mong cầu. Chúng ta đã có nguyện vọng này, tâm nguyện này thật sự có chí thành tha thiết không? Nếu như chúng ta thật sự nhận thức được điều này, thật có tâm nguyện chí thành tha thiết thì người này là ‘người giác ngộ’ như trong kinh Đức Phật đã giảng. Vị này thật sự giác ngộ.
Nếu như chúng ta còn sống say chết mộng để tháng ngày luống qua uổng phí, tâm học Phật như thế vẫn là như cũ, chỉ sống trong vô minh, mê hoặc, không có giác ngộ. Công phu tu học như vậy thì làm sao mà thành tựu!
Những năm gần đây, các điều tôi diễn giảng đều được ghi lại trong video và sau đó được viết thành văn tự, có lẽ mọi người đều đã nghe qua và xem qua. Vậy chúng ta bắt đầu vào từ cửa nào? Nhất định phải từ “Tam phúc và Lục hòa[1]”. Lục hòa không phải chỉ riêng dành cho đạo tràng của người xuất gia, nếu lục hòa chỉ riêng cho người xuất gia thì người tại gia làm sao thành tựu được?
Chúng ta phải biết lục hòa không phân biệt tại gia hay xuất gia, vì Phật pháp là pháp bình đẳng, đặc biệt là pháp môn của Tịnh tông, Phật A-di-đà đại từ, đại bi muốn cho tất cả chúng sinh trong chín pháp giới đều bình đẳng thành Phật, ở trong thời mạt pháp này nếu muốn tu thành tựu chỉ có một pháp môn này thôi.
Người niệm Phật vãng sanh, hoặc đứng, hoặc ngồi mà ra đi, biết trước thời khắc lâm chung, không có bệnh khổ, chúng ta đã xác thực đích thân nhìn thấy, hoặc nghe nói đến, nên pháp môn này được gọi là “đạo dễ hành”. Nền tảng để tu học pháp môn này vẫn là “Tam phúc, Lục hòa”. Tam phúc, Lục hòa này, tôi nghĩ các bạn đồng tu thì ai cũng đều nói được. Tuy ai cũng nói được mà làm không được, phải không? Nếu không làm được thì không có ích lợi gì.
Mấy tuần trước, tôi thuyết giảng tại Los Angeles có một vị đồng tu đến thưa:
- Thưa thầy! Con chuyên trì kinh.
Tôi hỏi:
- Anh chuyên trì kinh gì?
- Dạ, con trì kinh Vô Lượng Thọ đã ba nghìn biến.
- Anh không phải trì kinh.
- Thưa thầy, nghĩa là thế nào? Mỗi ngày con đều đọc tụng.
- Anh đọc kinh, đọc qua ba nghìn biến, chứ anh không có trì.
- Thưa thầy, thế nào gọi là trì?
- Trì là thực hành được những điều Đức Phật dạy trong kinh, anh có thực hành chưa? Anh chưa thực hành được thì chỉ được gọi là đọc kinh, ngay cả niệm kinh cũng chưa hề có. Thế nào là niệm? Tức phải ghi nhớ trong tâm, nhưng anh chỉ đọc ngoài miệng có đúng không?
- Dạ đúng!
- Anh đọc ngoài miệng mà trong tâm không ghi nhớ thì chỉ gọi là đọc kinh, chứ không thể nào gọi là niệm kinh.
- Thưa thầy! Thầy có thể nói chữ “trì” cho con nghe được không?
Tôi nêu ra một câu trong kinh: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi người”, anh có thực hành được không?
Anh ta thật thà lắc đầu đáp:
- Dạ, con chưa làm được.
- Chưa làm được là anh không có trì, trong kinh Đại thừa, Đức Phật có dạy: “Thọ trì, đọc tụng, giảng nói cho người”. Thọ trì xếp hàng đầu, lý luận của Đức Phật nói anh hiểu rồi, phương pháp anh cũng hiểu rõ. Anh có thể đem lý luận, phương pháp thực hành vào ngay trong đời sống hàng ngày của chính mình, đây mới gọi là “thọ trì”. Cho nên thọ trì và đọc tụng là hai việc khác nhau.
Nếu như bạn mới học Phật mà tôi bảo bạn đọc ba nghìn biến kinh thì mục đích là gì? Tôi chỉ bảo bạn nhớ kỹ lời dạy trong kinh điển, cần áp dụng ngay trong đời sống, thực hành qua cách xử sự, đãi nhân tiếp vật, đây gọi là “thọ trì”, như thế mới có cảm ứng. Nếu như bạn không làm theo mà đến nói với tôi: “Con cũng có cảm ứng” thì tôi có tin không? Tôi tin. Nhưng tôi tin bạn được cảm ứng không phải từ Phật, Bồ-tát mà là cảm ứng của yêu ma, quỷ quái. Thật sự yêu ma, quỷ quái đang gia hộ cho bạn, chúng nó giúp bạn tăng trưởng tham, sân, si giúp cho bạn tạo thêm ác nghiệp để mau đọa vào địa ngục A-tỳ.
Phần cuối của kinh Lăng-nghiêm, Đức Phật nói người học Phật có năm mươi loại ấm ma; ma có sự gia trì, oai thần và năng lực rất mạnh, chúng ta không thể xem thường. Nếu bạn chánh tâm, chánh hạnh thì sẽ cảm ứng đạo giao với Phật, Bồ-tát; còn như tà tâm, tà hạnh thì sẽ cảm ứng đạo giao với yêu ma, quỷ quái.
Xã hội ngày nay rất là phức tạp, tình hình của lục đạo so với chúng ta hiện nay lại càng phức tạp hơn. Một người ở trong thời đại này muốn liễu thoát sinh tử, ra khỏi ba cõi quả thật chẳng dễ dàng, nhưng cũng không thể xem là quá khó, như vậy cũng lầm nốt! Thật ra vẫn có lối vào, vẫn có con đường để đi, đó là chúng ta nhất định phải vâng theo lời dạy của Đức Phật mà thực hành.