- Chương 01: Vì sao chúng ta tu theo pháp môn Tịnh Độ
- Chương 02: Ba phúc
- Chương 03: Chướng ngại sự tu hành
- Chương 04: Tiêu trừ chướng ngại
- Chương 05: Pháp thanh tịnh giải thoát
- Chương 06: Chánh pháp tương ứng tuyệt đối với lợi ích chân thật
- Chương 07: Bốn nguyên tắc phân biệt chánh tà
- Chương 08: Thuận hạnh và nghịch hạnh
- Chương 09: Ba cương lĩnh của hành môn
- Chương 10: Ba điều quan trọng cần phải làm
- Phụ lục
- Đại sư Ấn Quang khai thị
- Lão pháp sư Đạo Nguyên khai thị
- Mười điều trọng yếu của sự tu hành
CỬA VÀO TỊNH TÔNG
Pháp sư Tịnh Không giảng
Cư sĩ Ngô Chân Độ ghi lại
Việt dịch: Thích nữ Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ
Chương 3
Chướng ngại sự tu hành
Thời đại ngày nay, người tạo tội nghiệp có thể nói là rất phổ biến, họ xem việc này là việc làm bình thường, cho nên chẳng thấy lạ cũng không cần quan tâm mà không biết quả báo là thật đáng sợ. Có bao nhiêu người học Phật, bất luận là tại gia hay xuất gia, thật sự giác ngộ? Thật sự quay đầu?. Trong kinh Đức Phật cũng nói người này rất hiếm có, thật ít thấy; nhưng không thể nói là không có, chỉ nói là rất ít. Chúng ta tự hỏi có phải mình là một trong số ít những người Đức Phật đã nói ở trên không? Đây là điều chúng ta cần phải nghiêm túc phản tỉnh, phải kiểm điểm.
Khi Đức Phật còn tại thế từng có những vị Bồ-tát thị hiện rất ngu si không có trí huệ, tạo nhiều tội nghiệp; cho dù muốn tu hành nhưng gặp chướng ngại rất nhiều. Các ngài có thật như thế không? Chúng ta hãy hình dung lúc đó chưa chắc là có thật. Bởi vì, khi một Đức Phật xuất hiện ở đời, có rất nhiều Đức Phật quá khứ và các Bồ-tát đến giúp Ngài hoằng pháp lợi sinh, các ngài thị hiện làm chúng tỳ-kheo, chúng Bồ-tát của Đức Phật ấy; thậm chí làm chúng hộ pháp của Phật. Bất kỳ các ngài biểu hiện thuận hạnh hay nghịch hạnh đều là cố ý giả vờ. Vì sao các ngài làm như thế? Vì các ngài muốn giáo hóa tất cả chúng sinh; đây thật là đại từ, đại bi.
Nếu như các ngài không thị hiện như thế mà giáo pháp lại rất nhiều thì Đức Phật không thể nào nói hết. Bởi vì, Đức Phật thuyết pháp theo căn cơ chúng sinh, các Bồ-tát thị hiện nhiều hình thức để thỉnh cầu pháp thay cho chúng sinh. Có vị hỏi pháp bằng ngôn ngữ; có vị cố ý tạo những hạnh ác để Đức Phật nhìn thấy mà khai đạo, giáo huấn; đây là dùng thân nghiệp để thỉnh pháp. Ngoài thỉnh pháp bằng khẩu nghiệp, thân nghiệp ra, còn có thể thỉnh pháp bằng ý nghiệp. Chúng ta xem trong kinh Đại thừa, các vị đệ tử khởi tâm động niệm tuy họ không nói ra nhưng Đức Phật đã biết. Như trong kinh Vô Lượng Thọ ghi một đoạn về vương tử A Xà Thế. Khi vương tử có ý nghĩ thỉnh cầu pháp, nhưng chưa nói ra thì Đức Phật liền nói nhân duyên đời quá khứ của vương tử. Do đó, chúng ta biết ba nghiệp thân, khẩu, ý đều có thể thỉnh pháp.
Vì thế, khi chúng ta biết rõ điểm này, thì đối với mật hạnh của các vị tỳ-kheo, Bồ-tát được ghi lại trong kinh điển, chúng ta không nên khinh mạn, xem thường mà phải biết các ngài vì lòng đại từ, đại bi thay chúng ta thỉnh pháp. Các ngài biểu lộ bằng tâm ác, khẩu ác, hạnh ác là để làm bài học dạy chúng ta ngày nay. Nếu không có các ngài thỉnh cầu thì Đức Phật không chỉ dạy, làm sao chúng ta biết mình phạm lầm lỗi? Làm sao biết mình phạm tội nặng?
Tôi nêu sơ lược một ví dụ trong kinh, việc này tôi thường giảng để nghiên cứu học tập, nhưng đại chúng vẫn xem thường, có những người vì theo sự cao hứng của mình, hoặc theo tâm thích thú mà đến mắng người, phỉ báng người, hủy nhục người, nhưng họ không biết mình tạo quả báo, tội nghiệp thật rất đáng sợ.
Trong kinh điển Đức Phật có kể một câu chuyện về người xuất gia, mà người xuất gia này khi Đức Phật còn tại thế, chẳng phải thời mạt pháp. Người xuất gia này tự cho mình nghe nhiều hiểu rộng, thường dự trong hội của Đức Phật nghe Ngài giảng kinh, thuyết pháp. Vì nghe nhiều nên ông ta ỷ mình là người học rộng rồi sinh tâm kiêu mạn, theo người ngày nay nói là “đáng được tự hào”. Khi Phật còn tại thế, mọi người tu hành rất tốt, trì giới thanh tịnh, nghe kinh cũng rất nhiều, đáng được kiêu ngạo, nhưng kiêu ngạo là phiền não, bạn thấy họ không phát sinh trí tuệ mà sinh phiền não; điều này sai rồi.
Còn có một số người tu hành, tuy không có tâm kiêu mạn, họ tu khổ hạnh, ít muốn biết đủ, điều này rất khó làm được; giống như những người đời sau ở núi, ở am tranh, tu định, thân tâm so với người bình thường thật sự thanh tịnh, nhưng họ chấp tướng mà có chấp tướng là sai rồi. Kinh Kim cang ghi rất hay: “Nếu Bồ-tát còn thấy có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng và thọ giả tướng thì chẳng phải Bồ-tát”. Đức Phật không thừa nhận người này là Bồ-tát. Chúng ta nghĩ thử, Phật ở đời còn như vậy, huống gì thời mạt pháp đã cách Phật hơn 2500 năm.
Khi Đức Phật còn tại thế, có thể nói suốt 49 năm Ngài chỉ giảng kinh, thuyết pháp. Lúc đó, khoa học kỹ thuật chưa phát minh, Ngài thuyết pháp ở một chỗ, chúng sinh ở xa không có cơ hội đến nghe, cơ duyên nghe pháp rất khó gặp được. Do đó, Ngài sai các vị đệ tử xuất gia và tại gia có khả năng giảng kinh, thuyết pháp đi đến các nơi để thay Ngài hoằng pháp lợi sinh. Những người được Đức Phật cử đi là những vị ở trong hội của Đức Phật giống như tu học đã tốt nghiệp. Họ có khả năng giảng kinh cũng biết tu hành và tu hành rất tốt, nên được Ngài sai đi các nơi truyền bá giáo pháp.
Trí tuệ và phước đức của Đức Phật viên mãn, đương nhiên Ngài được tất cả đại chúng cung kính. Đệ tử của Ngài thì không được như vậy, những vị được Ngài cử đi, phần đông đều được thính chúng cung kính, làm theo lời họ dạy; nhưng cũng có một số vị đệ tử bị thính chúng không bằng lòng, xem thường và hủy báng.
Chúng ta biết phiền não và tập khí của chúng sinh trong sáu đường rất nặng. Phiền não gồm có tham, sân, si, mạn, tật đố. Những phiền não này không cần học mà sinh ra thì đã sẵn có. Khi họ nhìn thấy người khác hơn hẳn mình chẳng những không khâm phục mà còn tìm cách để phá hoại. Ngày nay, vào thời kỳ mạt pháp, những chuyện này so với xưa kia rất nhiều; bất cứ lúc nào, nơi nào, chúng ta đều có thể nhìn thấy.
Hoằng pháp là việc tốt, nhưng người làm việc tốt thì thường gặp nhiều gian nan, trắc trở. Đức Phật kể, lúc ấy có hai vị tỳ-kheo thuyết pháp là đệ tử của Ngài, họ được cử đi nơi xa để hoằng pháp lợi sinh. Hai vị này có đức hạnh, biện tài khéo léo, tất nhiên sẽ được tín chúng cung kính, tiếp đón nồng nhiệt; cho nên hai vị pháp sư này gặp pháp duyên rất thù thắng, tín chúng rất đông, đương nhiên nhận sự cúng dường cũng rất nhiều.
Có một vị pháp sư khác đến sau nhìn thấy như thế nên rất khó chịu, tâm ganh tỵ nổi lên, tìm cách gây chướng ngại họ. Do đó, vị này phao tin đồn nhảm là hai vị pháp sư này phá bốn giới trọng (sát, đạo, dâm, vọng), chỉ biết nói lý mà không làm đúng đạo lý.
Có người khiêu khích, có người phao tin đồn nhảm, có người phỉ báng, có người ly gián hai vị pháp sư này. Những điều này làm cho tín chúng nghi ngờ họ, mất đi niềm tin. Do vậy, pháp duyên dần dần giảm, thính chúng đều bỏ đi. Vị pháp sư ganh tỵ thuyết pháp cho mọi người, mục đích của ông ta đã đạt được, nên giảng pháp rất thành công. Nhưng Đức Phật dạy, vì ông ta tạo ác nghiệp, dựng việc vu khống cho người khác, nên quả báo của ông ta sẽ chịu sáu trăm vạn năm ở địa ngục A-tỳ, sáu trăm vạn năm là tính theo thời gian ở nhân gian chúng ta. Trung Quốc được gọi là nước có nền văn minh cổ trên thế giới, vì lịch sử Trung Quốc có 5000 năm, các vị nghĩ thử, 5000 năm vẫn chỉ là một nửa của một vạn năm, nhưng ông ta chịu tội ở địa ngục A-tỳ thời hạn là sáu trăm vạn năm.
Sau sáu trăm vạn năm, ông ta thoát khỏi địa ngục A-tỳ, nhưng tội vẫn chưa hết, tội nặng này trả xong, vẫn còn tội khác nhẹ hơn. Vì thế, khi ông ta bị chuyển đến địa ngục Đẳng Hoạt, thời gian là bốn trăm vạn năm, lại sinh vào địa ngục Hắc Thằng, thời gian là hai trăm vạn năm; sau đó, lại chuyển đến địa ngục Thiêu Nhiệt cũng sáu trăm vạn năm. Thời gian ở bốn địa ngục này, tổng cộng là một nghìn tám trăm vạn năm. Câu chuyện này do Đức Phật kể lại. Kinh Kim cang nói: “Như Lai là người nói lời chân thật, nói sự thật, nói đúng, không nói dối, không nói sai khác”. Đức Phật tuyệt đối không nói sai một câu.
Chúng ta nghĩ thử, tạo tội nghiệp rất dễ dàng. Vì sao có tội nặng như thế? Điều này Phật thường nói, nhưng chúng ta nghĩ chưa thông, dường như tội báo rất nặng quá sức chịu đựng. Thật ra, các vị chỉ cần đọc kỹ giới kinh thì hiểu rõ, trong Phật pháp kết tội không có người kết tội người khác, không giống ở thế gian có luật pháp, có quan tòa xử án. Trong Phật pháp không có việc đó, chư Phật, Bồ-tát không xét xử, không làm quan tòa, cũng không giống luật pháp ở thế gian, phải trừng phạt tội nhân như thế nào, các ngài chỉ có tâm từ bi.
Vì sao có những tội nghiệp như thế? Tội này gọi là “tánh tội”. Thực ra là mình làm mình chịu. Địa ngục ở đâu? Địa ngục là tội báo của chính bạn biến hiện ra, chẳng phải có người đi xây dựng địa ngục để bạn vào đó chịu tội. Phật, Bồ-tát không làm việc này; chư thiên, quỷ thần, vua Diêm La cũng không làm việc này.
Trước đây, lão cư sĩ Chu Cảnh Trụ từng kể qua câu chuyện, sau đó có viết lại thành sách, hình như trong cuốn Bát đại nhân giác kinh giảng ký. Nhạc phụ của cư sĩ là tiên sinh Chương Thái Viêm, ông Chương giữ chức Quốc học thái sư vào năm đầu Dân Quốc, lúc còn tại thế, ông từng làm phán quan ở Đông Nhạc. Đông Nhạc Đại Đế là Đại Quỷ vương, quyền lực của ông ta chỉ thua Diêm La vương một bậc. Chức phán quan tương đương với bí thư trưởng ngày nay, địa vị rất cao. Tiên sinh Chương Thái Viêm là người học Phật, nghe nói trong đó có hình phạt pháo lạc (pháo lạc là trụ đồng bốc cháy, bảo tội nhân đến ôm lấy). Tiên sinh nói hình phạt này quá tàn khốc, nên kiến nghị với Đông Nhạc Đại Đế nên bỏ hình phạt này. Đông Nhạc Đại Đế chẳng nói gì, chỉ mỉm cười liền sai hai con quỷ dắt tiên sinh đến chỗ hành hình để chính mắt nhìn thấy. Hai con quỷ dắt tiên sinh đi rất xa, chỉ một nơi ở phía trước và nói: “Ở phía trước kìa!”. Nhưng tiên sinh cũng không nhìn thấy. Khi ấy, tiên sinh chợt tỉnh ngộ, ông suy nghĩ hình phạt này chẳng phải con người tạo ra mà trong tự tánh của họ biến hiện. Điều này hoàn toàn tương ứng với kinh Địa Tạng bồ-tát bổn nguyện.
Trong kinh nói địa ngục chỉ có hai hạng người thấy được:
1. Người gây tội nghiệp đi chịu hình phạt, ấy là biến hiện.
2. Bồ-tát vào địa ngục cứu độ chúng sinh.
Nếu không phải hai hạng người này thì cho dù địa ngục ở trước mắt bạn vẫn không thấy được; cho nên Chương Thái Viêm không thấy được. Do đó, chúng ta mới hiểu chẳng phải vấn đề tàn ác, nhân từ mà là quả báo từ “tánh tội” biến hiện ra.
Như một người thường ngày làm việc ác, ban đêm anh ta hoàn toàn nằm thấy ác mộng. Ai gây cho anh ta? Là tự tánh của anh ta biến hiện ra, hoàn toàn không phải người khác tạo cơn ác mộng để cho anh ta chịu, mà tự mình biến hiện ra.
Tội từ nơi đâu, rốt cuộc nặng như thế nào? Đức Phật dạy chúng ta tội nghiệp họ đã tạo. Đối tượng chẳng phải là hai vị pháp sư thuyết pháp mà do những người phỉ báng hai vị này. Thật ra, tội này không nặng. Tội xác định từ nơi đâu? Là từ tất cả tín chúng ở địa phương, họ phỉ báng là vì vị pháp sư mới đến làm cho họ không còn tin tưởng Phật pháp, không muốn nghe Phật pháp, lại không muốn nương theo Phật pháp tu hành. Vị này đoạn mất thiện căn, pháp thân tuệ mạng của chúng sinh ở nơi ấy nên tội bắt đầu từ đây, tội này rất nặng.
Trong kinh Đức Phật thường dạy giết sinh mạng người là tội nhẹ. Bạn giết người đó, sau bốn mươi chín ngày, người ấy đi đầu thai, người bị giết rất dễ được làm thân người; bởi vì, người bị giết không có tội, chỉ có người giết chết người khác mới có tội. Đời này, chúng ta được làm thân người là nhờ có phước khác, mặc dù chúng ta bị người giết, nhưng sau bốn mươi chín ngày đi đầu thai vẫn được làm người, đời sau vẫn tiếp tục hưởng phước; cho nên, giết sinh mạng người là tội nhẹ, đoạn tuệ mạng của người là tội nặng.
Phật pháp không dễ gì nghe đến, cơ duyên này thật rất khó được. Trong kinh dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Nghe Phật pháp so với làm thân người càng khó hơn, đây là sự thật. Một người suốt đời được nghe Phật pháp, nếu giác ngộ rồi thì đời này người ấy thành Phật. Thành Phật rồi, bạn thử nghĩ xem, công đức của người đó được chư Phật ca ngợi vô cùng. Hôm nay, bạn đoạn mất nhân duyên của họ, tội của bạn có nặng không? Tội này tính ra từ đây.
Vì thế, Đức Phật dạy người tạo tội nghiệp này phải đọa địa ngục một nghìn tám trăm vạn năm; ra khỏi địa ngục này vẫn có quả báo khác. Sau khi thoát khỏi địa ngục mới được làm thân người. Đức Phật dạy người này trong năm trăm đời sinh ra bị mù bẩm sinh; sau năm trăm đời thì tội này ngày càng giảm nhẹ, nhưng vẫn thường sinh ở vùng biên địa, nói theo Phật pháp, biên địa chính là vùng có trình độ văn hóa lạc hậu. Người ngu si không thể tiếp nhận sự giáo dục tốt đẹp, bần cùng thấp kém, thường bị người khác phỉ báng, trêu chọc, lại còn bị ức hiếp; đây là nghiệp báo trong đời quá khứ đã tạo.
Người này đời trước cũng từng xuất gia tu học, vì nhân ganh tỵ gây chướng ngại mà tạo tội nặng như thế. Cho nên, có lúc họ cũng có ý niệm giác ngộ muốn tu hành; nhưng niệm này chỉ khởi tạm thời, vì do nghiệp chướng nặng nề, nên ý nghĩ thoáng qua rất nhanh. Như thế, chúng ta mới biết tu học được rất là khó.
Chúng ta phải khẳng định, trong đời quá khứ tự chúng ta đã từng tạo tội, không phải Đức Phật dạy cho người khác mà dạy cho chúng ta. Hôm nay, chúng ta được thân người, được nghe Phật pháp, phải biết từng có thời gian dài đã chịu những tội báo này. Đức Phật dạy những điều trên, hôm nay có bao nhiêu người tiếp nhận? Có bao nhiêu người tin theo?
Chúng ta đọc kinh Phật, nghe các thầy giảng pháp, giống như nghe câu chuyện thần thoại, những câu chuyện thần thoại Phật dạy dường như chẳng có liên quan đến chúng ta. Ở đây, chúng ta hiểu được lời Phật dạy chính là chỉ dạy cho chúng ta. Khi Đức Phật dạy tương lai nghiệp chướng sẽ được tiêu trừ, được sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc, được gặp Phật A-di-đà, sẽ được Ngài thọ ký cho chúng ta. Lời này có đúng không? Rất đúng! Vì sao? Vì chúng ta từng nghe qua một câu danh hiệu A-di-đà Phật, từng thấy qua tượng đúc, tượng vẽ của Ngài nên trong A lại da thức đã có chủng tử Phật A-di-đà; đây gọi là: “Khi tai nghe qua, mãi là hạt giống đạo”. Đạo lý là ở đây.