- Chương 01: Vì sao chúng ta tu theo pháp môn Tịnh Độ
- Chương 02: Ba phúc
- Chương 03: Chướng ngại sự tu hành
- Chương 04: Tiêu trừ chướng ngại
- Chương 05: Pháp thanh tịnh giải thoát
- Chương 06: Chánh pháp tương ứng tuyệt đối với lợi ích chân thật
- Chương 07: Bốn nguyên tắc phân biệt chánh tà
- Chương 08: Thuận hạnh và nghịch hạnh
- Chương 09: Ba cương lĩnh của hành môn
- Chương 10: Ba điều quan trọng cần phải làm
- Phụ lục
- Đại sư Ấn Quang khai thị
- Lão pháp sư Đạo Nguyên khai thị
- Mười điều trọng yếu của sự tu hành
CỬA VÀO TỊNH TÔNG
Pháp sư Tịnh Không giảng
Cư sĩ Ngô Chân Độ ghi lại
Việt dịch: Thích nữ Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ
Chương 4
Tiêu trừ chướng ngại
Ngay trong đời này, nếu chúng ta không tinh tấn tu học, không tiêu trừ những chướng ngại thì đời này không được vãng sanh; cho dù, chúng ta không tạo tội nặng nhưng cũng không thể vãng sanh. Nếu như chúng ta tiếp tục tạo tội nặng, hủy báng Phật, Pháp, Tăng thì phiền phức lớn rồi, phải bị đọa vào địa ngục và đầu thai làm súc sinh, làm kẻ ngu si, trải qua vô lượng kiếp thật là khổ sở.
Vì thế, chúng ta phải biết sám hối, phải thật sự ăn năn. Ăn năn trên căn bản là phải thay đổi quan niệm của chúng ta, sửa đổi từ trong tâm, từ trong cuộc sống hằng ngày đối với người, đối với công việc. Trước tiên, chúng ta phải sửa đổi từ trên sự tướng thì mới có hiệu quả. Đức Phật đã nói cho chúng ta nghe biết bao nhiêu là ví dụ; bởi vì, sự việc phức tạp nói không hết, chúng ta phải có khả năng nghe một biết mười. Khi nghe Đức Phật giảng một ví dụ thì liên tưởng đến nhiều sự việc tương tự, những điều cần phải sửa đổi.
1. Không tìm lỗi của người khác
Trước tiên, từ nay về sau đối với thiện tri thức hoằng pháp, bất luận người đó là tại gia hay xuất gia, khi chúng ta nhìn thấy họ phạm lỗi; hoặc nghe nói họ phạm lỗi, dứt khoát không nói. Chúng ta phải thật sự làm được “thấy mà không thấy, nghe mà không nghe”.
Chúng ta là phàm phu, cảnh giới họ là gì, làm sao chúng ta biết được? Nếu như họ là phàm phu, họ tạo tội nghiệp thì chính họ chịu quả báo, còn như chúng ta đi đến chỗ nào cũng rêu rao, cũng phân biệt, chấp trước thì tự chúng ta phải chịu quả báo, việc này thật không nên làm. Tuyệt đối chúng ta không gây chướng ngại việc hoằng pháp lợi sinh và cũng không gây chướng ngại cơ duyên thính chúng nghe pháp ở một khu vực nào đó.
Chúng ta không nên tìm khuyết điểm của người khác, chỉ cần khởi ý nghĩ đã là không tốt rồi, huống gì thể hiện bằng hành động? Việc này gây chướng ngại rất nhiều đối với sự tu hành của chúng ta. Như vậy, tu hành là tu điều gì? Điều này chúng ta không thể không biết.
Chúng ta tu theo Giác, Chánh, Tịnh. Giác là không mê, Chánh là không tà, Tịnh là không nhiễm. Tông Tịnh Độ nằm trong ba điều này, đặc biệt chú trọng tâm thanh tịnh; tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Nếu chúng ta thường đi tìm lỗi lầm của người khác thì tâm của chúng ta làm sao thanh tịnh? Muốn tâm mình thanh tịnh, việc gì của người khác đều không nên xen vào thì tâm của chúng ta mới được thanh tịnh, mình luôn tìm lỗi của người khác thì nhất định không bao giờ có tâm thanh tịnh. Người này hoàn toàn sẽ không đắc định, không có định thì không có trí tuệ, không có định tuệ, chắc chắn người này bị vô minh phiền não che lấp. Một người suốt ngày phát sinh vô minh, phiền não thì làm sao không tạo tội nghiệp? Điều này chúng ta nhất định phải ghi nhớ.
2. Không được khen mình, chê người
Hôm qua, tôi đã nói, cho dù các vị tu hành đúng pháp, công phu đạt được hiệu quả, thật sự được thọ dụng Phật pháp, nhưng cũng không được khen mình chê người. Bệnh này thường xảy ra, mọi người thường hay ca ngợi pháp môn của mình, tự cho mình tu hành thành công, người khác không làm được; điều này là không nên, cũng là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.
Bạn tự cho mình tu hành thành tựu. Vậy so với Bồ-tát và A-la-hán thì sao? Khác xa, điều này phải tính thế nào? Tuyệt đối không được khen mình rồi phỉ báng người khác, tình trạng này đã có từ xưa, ngày nay lại rất nhiều mà không biết tội nghiệp này rất nặng.
Chúng ta niệm Phật cầu sinh về Tịnh độ Tây phương Cực Lạc; thấy người tham thiền giống như gặp oan gia đối đầu; thấy người tu học Mật tông cũng như vậy. Như thế có được không? Thiền là Đức Phật truyền, Mật cũng do Ngài nói ra. Nếu chúng ta hủy báng họ, chẳng phải hủy báng Đức Phật, hủy báng giáo pháp hay sao? Trước đây, người tu theo Thiền, Mật thành tựu rất đông, mặc dù ngày nay hơi ít. Như vậy chẳng phải hủy báng Tăng hay sao?
Vì thế, vô tình chúng ta thường phạm tội lỗi này, khen mình chê người, phỉ báng Tam bảo thì bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Việc ngu dốt này, từ nay về sau chúng ta không nên tái phạm nữa. Vậy chúng ta phải thể hiện thái độ như thế nào? Khi nhìn thấy người khác tham thiền, trì chú; chúng ta cung kính vui mừng ca ngợi họ, không được phỉ báng.
Năm 1977, tôi ở Hồng Kông giảng kinh Lăng-nghiêm. Pháp sư Thánh Nhất đến thăm tôi và nghe giảng kinh. Nghe xong ba ngày, pháp sư rất vui mừng, khuyến khích các Phật tử đến nghe tôi giảng; họ đều tu thiền. Một hôm, pháp sư mời tôi đến chùa tham quan, tôi cũng hoan hỉ đồng ý. Pháp sư ở phía sau chùa Bảo Liên, núi Đại Tự có một con đường nhỏ, xe không chạy được, người đi bộ khoảng ba, bốn mươi phút mới đến chùa.
Pháp sư nói với tôi lý do không mở đường chính là vì cố ý khiến cho bất tiện đối với khách vãng lai; nếu bạn không thật sự tham học thì không cần đến đây; cho nên không mở đường, dụng ý này rất hay. Khi tôi đến nơi vừa xem qua thì vô cùng khâm phục, cả đời tôi chưa hề thấy qua đạo tràng nào trang nghiêm thanh tịnh đến thế. Ở đây có khoảng hơn bốn mươi vị Tăng chúng thường trụ, mỗi ngày họ tham thiền theo thời gian tàn cây hương.
Pháp sư mời tôi vào thiền đường giảng pháp, tôi không thể giảng tham Thiền là pháp tu không thành tựu, chỉ có niệm Phật mới đạt hiệu quả. Như thế chẳng phải phá hoại đạo tràng của người ta sao? Điều này, tuyệt đối không thể làm. May mà trước đây, tôi từng giảng qua các kinh Kim cang, Lục Tổ đàn kinh, Vĩnh Gia thiền tông tập, Chứng đạo ca. Nói về Thiền tông, tôi cũng đã giảng qua một vài lần, cho nên khẩu đầu Thiền cũng khá. Tôi tán thán khâm phục, ca ngợi đạo tràng của họ, khen pháp sư và khen đại chúng tham học, đây là điều cần phải làm.
Sau khi ra về, trên đường về có vị đồng tu hỏi:
- Thưa pháp sư! Ngài đối với Thiền ca ngợi như thế. Vì sao pháp sư niệm Phật A-di-đà?
Tôi nói với họ, bởi vì căn tánh của tôi không nhạy bén, tham Thiền không bằng người khác. Nói cách khác tôi không thể khai ngộ, ngay cả Thiền định tôi cũng chưa nắm vững. Niệm Phật là nương theo Phật A-di-đà vãng sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc, tôi chỉ nắm vững điểm này.
Tôi nói những điều này là sự thật; vì thế, đạo Phật thường nói: “Nếu muốn Phật pháp hưng thịnh, chỉ có Tăng ca ngợi Tăng”. Hai bên đều ca ngợi nhau, Phật pháp mới được phục hưng, mới có thể phát huy xán lạn. Nếu hai bên đều phỉ báng nhau thì không được rồi; mọi người sẽ kéo nhau xuống địa ngục A-tỳ. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, căn tánh của tất cả chúng sinh khác nhau; cho nên Đức Phật mới giảng vô lượng pháp môn.
Pháp môn là ứng cơ thuyết pháp, bạn thích hợp pháp môn nào thì tu theo pháp môn đó mới có thể thành tựu; đó chính là “pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Tại sao lại phỉ báng nhau? Chẳng những tất cả pháp môn trong đạo Phật không được phỉ báng mà đối với các tôn giáo ở thế gian cũng không được phỉ báng. Các nước ở phương Tây có hai nghìn năm duy trì trật tự xã hội, đó là nhờ tín ngưỡng tôn giáo, làm cho con người khởi tâm động niệm chỉ nghĩ đến Thượng Đế. Nói tóm lại, đây chính là pháp thiện thế gian, làm sao bạn có thể phá hoại nó? Làm sao bạn nói không có thần và không có Thượng Đế?
Nếu mọi người mất đi niềm tin tôn giáo, tùy thuận phiền não thì không điều ác nào mà không làm. Như thế có được không? Vì thế đối với pháp thiện thế gian cũng phải ca ngợi. Đức Phật dạy chúng ta ngay trong sáu niệm, ngoài niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng còn phải niệm thiên v.v… Thiên này chính là đại biểu tôn giáo. Đây chính là nền tảng của quan niệm đạo đức, thường nghĩ tới hạnh phúc của tất cả chúng sinh và nghĩ đến sự hòa thuận, an lạc của họ, tất cả pháp thiện thế gian và xuất thế gian chúng ta đều phải tôn kính, ca ngợi.
Chúng ta sinh ra và lớn lên trong thời đại này có rất nhiều đau khổ. Chúng ta phải công nhận thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, vật chất văn minh tiến bộ. Đời sống vật chất của chúng ta so với trước đây tiến bộ rất nhiều, chúng ta được hưởng thụ những thứ này, nhưng các vị định tâm suy nghĩ lại, chúng ta có trả giá quá đắt không? Suy đi tính lại thì lợi bất cập hại, chúng ta được rất ít nhưng tổn thất lại quá nhiều. Món nợ này có mấy người tính? Càng tính thì càng thấy tổn thất.
Chúng ta tổn thất những thứ gì? Tổn thất luân lý, tổn thất đạo đức, giữa người với người đánh mất sự thành thật, chân tình. Bất kể khoa học kỹ thuật ngày nay phát minh như thế nào vẫn không có cách gì bù đắp nổi, cho nên nói lợi bất cập hại.
Nếu người tu hành ở thời đại này mà thành công thì chư Phật, Bồ-tát đều khen ngợi, khâm phục; còn tu hành thất bại bị đọa vào địa ngục A-tỳ thì các ngài vẫn gật đầu nói “không sai”. Vì sao? Vì bên trong bạn bị phiền não, bên ngoài bị vật chất cám dỗ lôi cuốn. Bạn có bao nhiêu định lực để đứng vững? Bạn có bao nhiêu trí tuệ để nhìn thấy rõ ràng chân tướng sự thật? Như thế mới biết điều này không đơn giản, không giống như trước đây. Nếp sống xã hội trước đây rất tốt, lòng người lương thiện, ai nấy đều tôn trọng lễ nghĩa, tuân theo luật pháp, không dám làm càn làm bậy, mọi người đều cung kính vâng theo lời dạy của Thánh hiền, cho nên tu học rất dễ dàng.
Điều khó tin mà tin được, việc khó tu mà chịu tu mới là người kiệt xuất, được chư Phật, Bồ-tát cùng Thánh hiền ca ngợi. Ngày nay chúng ta có làm được một phần hay không?
Ở thời đại này, Đức Phật dạy chúng ta chỉ có một câu hãy nhớ kỹ vì nghĩa lý rất thâm diệu. Ngài dạy: “Không tìm lỗi của chúng sinh”. Chúng ta không nên đi nhìn lỗi của người khác, không nên rêu rao tội lỗi của họ. Câu này có hai ý nghĩa rất sâu rộng:
1. Chúng ta có thể thành tựu định tuệ, thành tựu tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh khởi tác dụng chính là trí tuệ. Tâm khởi tham, sân, si, mạn chính là nhiễm ô. Tâm khởi nhiễm ô là tác dụng phiền não, là tạo nghiệp. Chúng ta không để ý lỗi người thế gian, họ có tạo tội nghiệp ta cũng không nghe, không hỏi, thì tâm ta dễ dàng thanh tịnh. Điều này rất có ý nghĩa.
2. Chúng ta tìm khuyết điểm của người khác và nói tội lỗi của họ, như thế họ có cam chịu không? Họ có đồng ý không? Nếu như họ không cam tâm, không bằng lòng thì chúng ta kết oán thù với họ, đã kết oán thù thì nhất định sẽ báo thù. Cho dù bạn cố che giấu tài tình khéo léo, người khác không biết bạn hãm hại họ, nhưng họ luôn nhớ mối hận thù; sau khi chết họ làm quỷ, quỷ có năm thần thông, nó sẽ bắt người nào đời trước hãm hại nó. Sau khi tìm được báo thù lẫn nhau, không bao giờ dứt; đời này bạn hại người ta; đời sau, họ hại lại bạn, đời sau nữa bạn hại họ, mãi mãi không dứt. Con đường chúng ta học đạo Bồ-đề sinh ra nhiều chướng nạn, chính là từ nơi đây.
Do đó, chúng ta phải giải quyết vấn đề này, nhất định phải ra tay triệt để, căn bản là “không thấy lỗi thế gian, không nói chuyện đúng sai của người khác”. Cho dù xưa kia chúng ta tạo tội nghiệp, nhưng ngày nay chúng ta đoạn hết duyên này. Sau khi đoạn hết duyên, tuy có nhân nhưng không có duyên, nó sẽ không kết thành quả. Đây cũng là cách làm cho chướng ngại giảm bớt đối với việc niệm Phật vãng sanh của chúng ta.