- Chương 01: Vì sao chúng ta tu theo pháp môn Tịnh Độ
- Chương 02: Ba phúc
- Chương 03: Chướng ngại sự tu hành
- Chương 04: Tiêu trừ chướng ngại
- Chương 05: Pháp thanh tịnh giải thoát
- Chương 06: Chánh pháp tương ứng tuyệt đối với lợi ích chân thật
- Chương 07: Bốn nguyên tắc phân biệt chánh tà
- Chương 08: Thuận hạnh và nghịch hạnh
- Chương 09: Ba cương lĩnh của hành môn
- Chương 10: Ba điều quan trọng cần phải làm
- Phụ lục
- Đại sư Ấn Quang khai thị
- Lão pháp sư Đạo Nguyên khai thị
- Mười điều trọng yếu của sự tu hành
CỬA VÀO TỊNH TÔNG
Pháp sư Tịnh Không giảng
Cư sĩ Ngô Chân Độ ghi lại
Việt dịch: Thích nữ Viên Thắng - Hiệu đính: Định Huệ
Thuận hạnh và nghịch hạnh
Chúng ta đọc trong kinh Đại thừa thường thấy các Bồ-tát thị hiện ở thế gian có nhiều hạnh không giống nhau. Có vị thị hiện tùy thuận hạnh pháp tính thì chẳng có vấn đề gì để nói, chúng ta không nghi ngờ và rất tôn trọng, làm theo lời các ngài dạy. Nhưng cũng có vị thị hiện tùy thuận nghịch hạnh làm cho chúng ta khó mà phân biệt được. Điều này chúng ta không thể không lưu ý.
Bồ-tát thị hiện nghịch hạnh như phá giới, cố ý làm những việc tội ác. Các ngài thị hiện nhất định có nhân duyên đặc biệt để độ một số đối tượng đặc biệt không phải khinh suất tùy tiện thị hiện ở trong đám người bình thường; nếu như chúng ta muốn biết rõ việc này thì cần phải có trí tuệ.
Những vị Bồ-tát thị hiện này từ xưa đến nay, chúng ta thường nghe nói đến; nếu có cơ duyên cũng có thể gặp được. Liên quan đến điều này, Đức Phật có dạy đặc biệt cho những trường hợp này. Ngài nêu ra thí dụ như trong kinh Hoa nghiêm, đồng tử Thiện Tài tham học với năm mươi ba vị Bồ-tát thì thấy có những vị tùy thuận phiền não. Những Bồ-tát này, Đức Phật gọi là Bồ-tát Huệ hạnh, chẳng phải bồ-tát Sơ học. Bồ-tát Sơ học không có năng lực như thế. Vì sao? Vì bồ-tát Sơ học chưa đoạn hết tập khí tham, sân, si, mạn. Nếu như chúng ta tạo các ác nghiệp thì nhất định đọa trong ba đường ác.
Bồ-tát Huệ hạnh là người như thế nào? Trong kinh Kim cang nói Bồ-tát phá bốn tướng là ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, và bốn kiến là ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến và thọ giả kiến, Bồ-tát hoàn toàn đoạn sạch. Đây là người như thế nào? Trong kinh Đại thừa thường nói là pháp thân Đại sĩ, không giống người bình thường. Bồ-tát thị hiện các loại ác hạnh, nhưng trong tâm các ngài không có, vì độ chúng sinh nên các ngài khai mở cửa phương tiện, chẳng chút vướng bận. Tâm của các ngài thanh tịnh, chân thật không dính chút bụi trần nên các ngài mới có bản lĩnh như thế.
Phần đông người Trung Quốc đều biết xưa kia có trưởng lão Tế Công. Chúng ta thấy ngài hành trì như người không giữ giới luật, cũng không giữ thanh quy chốn thiền môn; đặc biệt lại thích ăn thịt chó. Sự thật có trưởng lão Tế Công này nhưng không giống nhân vật viết trong tiểu thuyết, tiểu thuyết viết không chịu trách nhiệm. Vậy ngài có làm những việc như thế không? Có. Trong Cao tăng truyện có ghi chép sự thực. Ngài ăn thịt chó, uống rượu. Truyện Tế Công trong Cao tăng truyện rất dài, dài hơn truyện ký của pháp sư khác hình như có bốn, năm quyển, đó là sự thật, không phải tiểu thuyết; ghi chép lại sự thật cuộc sống của ngài. Ngài là A-la-hán ứng hóa, chẳng phải người phàm.
Đối tượng ngài độ là những chúng sinh mà các vị giữ quy củ trì giới, giảng kinh, niệm Phật không độ nổi. Ngài thành tựu vô lượng công đức, tâm ngài thanh tịnh chẳng bị phiền não trói buộc, ngài có bản lĩnh như vậy. Người như ngài, chúng ta học không được mà chỉ khâm phục, cung kính, ca ngợi. Nếu như chúng ta học theo ngài sẽ bị đọa vào ba đường ác, ngài không chịu trách nhiệm.
Thời cận đại, năm đầu Dân Quốc cũng xuất hiện một vị giống như trưởng lão Tế Công, đó là pháp sư Diệu Thiện ở chùa Kim Sơn, Trấn Giang, Giang Tô. Mọi người gọi là “Phật sống Kim Sơn”. Hành động của pháp sư giống như ngài Tế Công đời Tống, sự thị hiện này là nghịch hạnh. Chúng ta thấy ngài từ sáng đến tối chẳng có khóa tụng nào, xưa nay chẳng đọc kinh, cũng không tụng giới; suốt ngày, ngài chơi đùa cùng với nam, nữ cư sĩ, cùng ăn uống với họ. Việc gì cũng không màng đến.
Nhưng ngài khiến cho mọi người rất khâm phục, họ tôn xưng ngài là Phật sống và rất cung kính. Ngài mặc y phục mỏng manh, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều chỉ mặc một bộ đồ; mùa đông không thấy lạnh; mùa hè không cũng thấy nóng, thật là kì lạ. Y phục của ngài cũng không giặt, cả đời chưa hề tắm giặt một lần, nhưng thân thể ngài vẫn không hôi, lại còn tỏa ra mùi thơm; đây không phải là người bình thường. Chúng ta học không được, đó là sự thật.
Xã hội ngày nay, có rất nhiều người mạo nhận mình là thánh nhân. Họ cũng không câu không thúc, nhưng bạn nhìn kỹ mùa đông họ có mặc áo len không? Nếu như mùa đông họ mặc y phục mỏng manh thì nhất định là thánh nhân thật; còn nếu mùa đông họ mặc áo len, e rằng không phải thánh nhân thật. Mùa hè họ có mặc áo len được không? Ăn uống có còn phân biệt không? Không phân biệt ngon, dở, sạch, dơ tất cả đều ăn mới là thánh nhân. Nếu như họ không có đủ những điều này thì họ mạo xưng rồi. Những người như vậy, chúng ta phải cẩn thận thì học Phật không bị họ lừa gạt.
Hình thức lừa gạt người rất nhiều, họ dùng lời nói để gạt người, viết thành sách cũng gạt được người; cho nên chúng ta phải cẩn thận. Thời đại ngày nay, ngôn luận tự do, xuất bản tự do, chẳng có hạn chế, không giống như trước đây. Chúng ta thấy thời đại trước đời Thanh, chúng ta muốn xuất bản sách trong Phật giáo phải qua xét duyệt của quốc gia, không phải chúng ta tùy tiện lưu hành. Bậc cao tăng, đại đức thời đó xét duyệt không có vấn đề gì, mới dâng lên vua phê chuẩn; sau đó mới được in ấn lưu hành, không giống như ngày nay tự do in ấn.
Tự do có cái lợi của nó, nhưng bất lợi thì nhiều hơn, tà tri, tà kiến tràn ngập xã hội; nếu người không có trí tuệ hiểu rộng thì dễ bị họ mê hoặc; đây là khuyết điểm của tự do dân chủ. Ngày xưa, thời đại phong kiến, nhà vua thật sự bảo vệ tâm thanh tịnh cho nhân dân, bảo vệ bạn không bị ô nhiễm. Vua có trách nhiệm và sứ mệnh này.
Thời xưa ở Trung Quốc, những người làm quan chính vụ, cũng như chức thủ trưởng hành chính ngày nay; hoặc là huyện thị trưởng ở địa phương, họ cũng tuân thủ ba điều răn “làm vua, làm cha mẹ và làm thầy”. Đây chính là trách nhiệm và sứ mệnh của người làm quan chính vụ.
Vua là lãnh đạo nhân dân, còn người làm quan huyện, thị trưởng thì phải lãnh đạo dân chúng ở huyện thị của mình.
Quan làm cha mẹ là người làm quan phải đem tâm của bậc làm cha mẹ mà quan tâm dân chúng, nên gọi là “cha mẹ của dân”. Quan như cha mẹ, quan phải giúp cho nhân dân, làm cho cuộc sống của họ được tốt hơn.
Quan làm thầy giáo là quan phải hướng dẫn, giáo dục mọi người. Cho nên ba ba sứ mệnh này của quan chính vụ là vua, cha mẹ và thầy.
Ngày nay thời đại dân chủ không đề cập đến ba điều này. Thời đại dân chủ gọi quan chính vụ là đầy tớ của nhân dân. Bạn là người chủ, tôi là người đầy tớ. Bạn muốn tôi làm thế nào thì tôi làm thế ấy. Chúng ta nghĩ thử xem, quan chính vụ phải làm cha mẹ của chúng ta thì tốt hơn? Hay làm đầy tớ thì tốt hơn? Cha mẹ quan tâm chúng ta tỉ mỉ chu đáo. Người giúp việc trong nhà bạn, chưa chắc gì chăm sóc bạn tốt. Cho nên có nhiều người hỏi tôi: “Pháp sư! Thầy tán thành thời đại dân chủ, hay chế độ phong kiến?”. Tôi nói tán thành chế độ phong kiến, không tán thành thời đại dân chủ. Tôi biết cái hay, ưu điểm của chế độ phong kiến hơn dân chủ nhiều mà điều tệ hại cũng ít hơn dân chủ. Nếu như các vị đọc kỹ lịch sử thì hiểu rõ, không còn cho rằng làm vua là được tự tư. Tôi nói thật, tự tư là cái hay của nhà vua; ở đâu vua cũng chú ý, chỗ nào vua cũng quan tâm cẩn thận lo cho dân được lợi ích; nếu như lơ là thì nhân dân sẽ nổi lên lật đổ nhà vua. Vì thế, vua phải nghĩ cách làm cho nhân dân ủng hộ. Ông ta phải làm một ông vua tốt thật sự lo cho đất nước, phục vụ nhân dân thì nhân dân mới ủng hộ, nhà vua mới có thể truyền ngôi nhiều đời, hay mười mấy đời, truyền mấy trăm năm; cho nên chế độ phong kiến không phải không có cái hay. Ngày nay nhiệm kỳ tổng thống là bốn năm, tôi cảm thấy không có trách nhiệm bằng vua.
Nói về bồ-tát Sơ học, Đức Phật răn dạy Bồ-tát Sơ học, chúng ta đều là Bồ-tát Sơ học, việc quan trọng thứ nhất là phải biết tai họa của danh lợi, tuyệt đối không được đắm nhiễm. Nhưng danh lợi rất dễ mê hoặc người, có bao nhiêu người xả bỏ nó được? Nếu như chúng ta không quay đầu lại được mà muốn đời này thành tựu thì rất khó.
Đức Phật dạy mọi người ít muốn, biết đủ; người ít ham muốn thì dễ biết đủ. Khi Đức Phật còn tại thế, mỗi ngày Ngài chỉ dùng vào bữa trưa. Chúng ta ngày ăn ba bữa no nê, mặc y phục ấm áp, có nhà ở để che mưa gió, đời sống vật chất đầy đủ, ít lo lắng, chuyên tâm tu đạo. Nếu như ham muốn lợi dưỡng nhiều thì nhất định tăng trưởng tâm tham, sân, si, mạn, nghi; tăng trưởng phiền não thì mất chánh niệm.
Đức Phật dạy tất cả thiện pháp, chẳng những chúng ta không làm được, thậm chí những ý nghĩa này chúng ta cũng không hiểu. Ngài dạy ruộng phước thù thắng, chúng ta không thể không hiểu. Ruộng phước thù thắng chính là tam học (giới, định, tuệ), sáu độ là bố thí, trì giới v.v…, và mười đại nguyện vương của bồ-tát Phổ Hiền. Tuy chúng ta nói được, nhưng trên thực tế chúng ta còn đang xem thường lời Phật dạy, không muốn làm, tự mình khởi tâm động niệm, làm việc gì đều tương ứng với ma. Như thế làm sao thành tựu được? Cho nên Phật dạy bồ-tát Sơ học, nhất định phải xa lìa danh lợi.
Giảng đến đây, tôi chợt nhớ đến đại sư Liên Trì. Đại sư là một trong bốn Đại sư ở cuối đời Minh, chấn hưng Phật pháp rất mạnh mẽ. Người đời sau, mỗi khi nhắc đến đại sư Liên Trì không ai mà không tôn kính, ngưỡng mộ. Chính Đại sư kể lại: Lúc còn rất trẻ, Đại sư tham học khắp nơi rất ngưỡng mộ một vị cao tăng lúc đó là Lão hòa thượng Biến Dung. Đại sư cung kính chí thành đi ba bước lạy một lạy, lạy đến trước mặt Hòa thượng, chí thành như thế mới thỉnh cầu được Lão hòa thượng chỉ dạy. Ngài dạy Đại sư chỉ một câu: “Ông hãy nhớ kỹ đừng để bị danh lợi làm hại”. Hòa thượng dạy xong thì bảo Đại sư đi. Thính chúng ở bên cạnh thấy như vậy đều cười, cho rằng Đại sư từ xa đi ba bước lạy một lạy đến đây, nhất định Lão hòa thượng khai thị diệu pháp; nhưng khi đến chỉ nghe nói có một câu.
Đại sư Liên Trì chí thành, cung kính tiếp nhận lời dạy. Đại sư nói với mọi người: “Lão hòa thượng đáng được mọi người tôn kính”. Đây là lời nói thật, không phải lời nói nịnh hót, lừa gạt kẻ hậu học. Từ đó, Đại sư tuân theo suốt đời. Đại sư thành tựu kết quả là nhờ câu nói cảnh tỉnh của Lão hòa thượng, cả đời tránh xa danh lợi.
Lão hòa thượng Biến Dung nói phù hợp với lời Đức Phật chỉ dạy người sơ học. Những điều này, trên đây tôi đã nói qua: “Tương ứng với lợi ích, tương ứng với pháp và tương ứng với đoạn trừ phiền não, tương ứng với đại niết-bàn”. Người như thế là thật sự thiện tri thức.
Một người ít muốn, biết đủ, có rất nhiều lợi ích, rõ ràng nhất là họ bớt được nhiều lỗi lầm. Chúng ta biết chẳng những là người thế gian mà ngay cả hàng xuất gia và tại gia trong đạo Phật cũng phạm lầm lỗi rất nhiều. Từ đâu sinh ra? Từ tham dục sinh ra.