Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Sitemap Hoavouu.com
Điền Email để nhận bài mới
Bài Mới Nhất

Cáo Phó Tang Lễ Đh Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần

19 Tháng Năm 201621:20(Xem: 9592)
Cáo Phó Tang Lễ Đh Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần


VĨNH BIỆT NHÀ BIÊN SOẠN TỪ ĐIỂN NGA VIỆT

 

Chúng tôi sang Liên Xô vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Để học tiếng Nga, ngoài mấy tập giáo trình in roneo có thêm phần từ vựng ở Hà Nội ra, chúng tôi hầu như không hề có một tập sách tra cứu nào. Quyển Từ điển Nga - Việt của soạn giả Nguyễn Năng An lúc đó không phải ai cũng có, mặc dù số lượng từ chưa nhiều, chưa đủ đáp ứng được các yêu cầu cao mà nhà trường đòi hỏi.

Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều, rất vất vả để tiếp thu được bài giảng trên giảng đường và tự nghiên cứu, học hỏi các Thầy, Cô và bè bạn người Nga ở nhà mới có thể tra cứu được những tác phẩm tham khảo.

Sau năm năm, chúng tôi tốt nghiệp về nước, và may mắn thay, năm 1978, chúng tôi có trong tay quyển Từ điển Nga Việt hai tập của ba tác giả Alikanov, Inna Mankhanova và Ivanov. Đối với  những giáo viên tiếng Nga như chúng tôi ở Trường Đại học, đây là một món quà vô giá. Chúng tôi rất dễ dàng tìm ra từ mới để soạn bài và giảng dạy. Những sinh viên của chúng tôi trong năm học dự bị, dù ai hoàn cảnh khó khăn đến đâu cũng cố mua được hai tập từ điển Nga - Việt, như là một loại sách công cụ gối đầu giường không thể nào thiếu được.

Hai tập từ điển này liên tục được Nhà Xuất bản Tiếng Nga tái bản mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của tầng lớp trí thức Việt Nam, những người học tiếng Nga tại các Trường Đại học và cho hàng trăm ngàn lao động Việt Nam sang Nga làm việc. Sách được bày bán ở tất cả các Hiệu sách Ngoại văn Hà Nội và các Hiệu sách Nhân dân trên cả nước.

Khi sinh viên từ Việt Nam sang Nga du học, ngoài hành trang đơn sơ gồm mấy vật dụng được Bộ Đại học chu cấp, bất cứ ai cũng cho vào va ly hai tập từ điển, vì mọi người đều hiểu rằng, nếu thiếu nó thì khó lòng vượt qua được những kỳ thi tiếng Nga và chuyên môn ở nước bạn.

Tôi dám khẳng định rằng, không một ai ở Việt Nam nghiên cứu tiếng Nga, văn học Nga, các ngành khoa học liên quan tới tiếng Nga mà không sử dụng hai tập từ điển này.

Khi đó, dù chưa biết tác giả là ai, nhưng chúng tôi đều nghĩ rằng, họ là những nhà bác học, am tường không chỉ tiếng Nga mà hiểu biết rất tinh tế về tiếng Việt, văn hóa Việt Nam.

Mãi sau này, khi sang Nga Nghiên cứu sinh trở lại, tình cờ tôi mới được biết, được gặp các tác giả tại một Hội thảo của Viện Phương Đông, đó là ông Nguyễn Minh Cần và bà Anna Mankhanova, những người am tường Đông Tây Kim Cổ. Ông bà sống trong một căn hộ nhỏ gần khu vực Tây Nam thành phố Matxcơva, sinh hoạt, ăn mặc đạm bạcbình dị. Ông bà không có ô tô, không có nhà nghỉ, chỉ có những vật dụng cổ lỗ thời Xô Viêt, nhưng bù lại, chất bốn quanh nhà là những giá sách khổng lồ nhiều thứ  tiếng. Trong thời gian viết Luận án, khi cần tra cứu một từ khó nào không có trong Từ điển, chúng tôi gọi điện hỏi ông, và lúc nào cũng vậy, ông đều giải đáp một cách tận tình và thấu đáo.

Tôi cũng được làm quen với tác giả Ivanov, được ông chia sẻ, kể về quá trình xây dựng kế hoạch và cùng viết hai tập Từ điển với ông Alikanov và bà Mankhanova.

Còn nhớ vào năm 2006, một Giáo sư người Nga đặt vấn đề với chúng tôi về việc bổ sung, làm lại quyển Từ điển Nga Việt cho phù hợp với tình hình mới, bởi vì số lượng từ không ngừng tăng lên, các thuật ngữ khoa học kỹ thuật cần được đưa vào để đáp ứng yêu cầu của những người nghiên cứu. Hơn nữa, gần hai chục năm sau khi Liên Xô sụp đổ, số lưu học sinh Việt Nam sang Nga lên tới con số bảy ngàn, nhưng hai quyển Từ điển này không được tái bản, trừ một số cơ sở in ấn in lậu, in chui, đưa sang bán trong các Trung tâm Thương mại người Việt. Chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Minh Cần và bà Anna Mankhanova; ông bà cho biếttoàn bộ bản quyền quyển Từ điển đã thuộc và Nhà Xuật bản Tiếng Nga từ thời Liên Xô cũ, ông bà không đủ tư cách pháp nhân để đứng ra giúp cho việc tái bản.

Chúng tôi lại tìm đến Nhà Xuất bản Tiếng Nga, bà Giám đốc trả lời rằng, Nhà Xuất bản sẵn sàng cho tái bản, nhưng có một điều cần nói thật là nó đã cũ tính về mặt thời gian, nên nếu làm một cách khoa học thì phải rà soát lại và bổ sung thêm một khối lượng từ mới. Còn nếu tái bản không sửa chữa, thì phải trả cho họ tới 40% giá bìa. Điều này không thể nào thực hiện được, vì tira chỉ khoảng 2000, bán hết cũng chưa trả đủ tiền in. Chỉ có một cách duy nhất, đó là phải viết bổ sung được trên 25% số từ, như thế về mặt luật xuất bản của Nga, chúng tôi sẽ được toàn quyền sử dụng in ấn. Dĩ nhiên điều đó vượt quá khả năng của chúng tôi về mặt thời gian cũng như về mặt kiến thức.

Anh bạn Giáo sư người Nga và chúng tôi cùng bàn bạc và cho rằng, để thực hiện được yêu cầu này thì phải xây dựng một dự án, cần có thêm một số người tham gia làm việc trong vài ba năm, cần có một nhà tài trợ. Về sau, bởi nhiều lý do khác nhau không thuận lợi, chúng tôi đành gác lại, nói đúng hơn là không dám nghĩ đến việc tái bản lại công trình đồ sộ này.

chúng tôi vô cùng ngạc nhiên đến sửng sốt, khi sau đó ba năm, năm 2007, Quyển Từ điển Nga Việt mới gần 50 ngàn từ được ấn hành, tác giả không ai khác là ông Nguyễn Minh Cần và bà Anna Mankhanova. Cầm quyển TỪ ĐIỂN NGA – VIỆT MỚI trong tay mà bản thân chúng tôi cũng không dám nghĩ đó là một sự thật. Chúng tôi vô cùng khâm phục sức lao động không mệt mỏi, trí tuệ mẫn tiệp của hai tác giả khi tuổi tác đã ngoại tám mươi. Đáng khâm phục hơn nữa khi được biết, ông bà làm việc này với một khoản thù lao, nhuận bút vô cùng ít ỏi vì số lượng in ra chỉ vỏn vẹn 2000 cuốn, không hề một ai tài trợ và giúp đỡ về mặt tài chính.

Cầm quyển từ điển trong tay, chúng tôi muốn nói với các bạn rằng, chúng ta đã mất đi một nhà khoa học, một người đã có công lao rất lớn đối với nhiều thế hệ nghiên cứu tiếng Nga, mà cho đến nay chưa ai có thể vượt qua được. Con người đó đã yên nghỉ đời đời.

Trong giây phút đau thương này, cho phép tôi bày tỏ sự sẻ chia niềm mất mát lớn lao đối với toàn thể gia quyến của người đã khuất; đồng thời tôi cũng muốn thay mặt  tất cả  những ai đã học tiếng Nga, nghiên cứu tiếng Nga, đã từng cầm trong tay hai tập Từ điển Nga – Việt, bày tỏ sự kính trọngbiết ơn đối với một nhà trí thức bậc nhất của chúng ta tại Nga: Nhà soạn từ điển Nga Việt Alikanov- Nguyễn Minh Cần.

Chúng tôi rất muốn rằng, khi có điều kiện, công trình cao quý đó  sẽ được tiếp tục tái bản để góp phần vào việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu tiếng Nga cho nhiều tầng lớp và nhiều lứa tuổi người Việt Nam kể cả trong nước và ở nước Nga. Đây là việc làm rất thiết thực, là nhịp cầu nối hai nền Văn hóa Nga Việt và góp phần giúp cho chúng ta tiếp cận, học hỏi và tiếp thụ những kiến thức khoa học, kỹ thuật của nước Nga vĩ đại.

 

Matxcova ngày 25/5/2016

Tâm vững chãi Thiện Phương

 



cao-pho-cu-ong-nguyen-minh-cannguyen-minh-can-60
Bác Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần & Hiền thê, Đạo hữu Thiện Xuân Inna Malkhanova (xem bài)

Cam_Ta
Nguyễn Minh Cần sống mãi

Ngô Nhân Dụng

Nguyễn Minh Cần sống như một dòng suối trong veo. Anh theo mẫu người nhà nho tráng sĩ những thế kỷ trước. Như Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân hai lần khởi nghĩa, hai lần bị quân Pháp bắt, thong dong dặn dò vợ con trước khi chịu tử hình. Như Giải Nguyên Nguyễn Cao khi bị bắt và được dụ hàng, đã khẳng khái từ chối rồi tự mổ bụng ném vào mặt quân giặc, nói: “Ruột gan tôi như thế này, ai cũng biết cả rồi!”

Năm 17 tuổi, Nguyễn Minh Cần đã tham dự cuộc Cách Mạng Tháng Tám giành độc lập ở Huế, quê hương ông. Năm sau ông đã vào đảng Cộng Sản vì tưởng đây là con đường duy nhất để cứu nước, làm tới ủy viên Thường Vụ Tỉnh Ủy Thừa Thiên. Rồi ra Bắc hoạt động ở ngoại thành Hà Nội, sau năm 1954 làm ủy viên Thường Vụ Thành Ủy Hà Nội, kiêm phó chủ tịch Ủy Ban Hành Chính thành phố. Trong khi ông đang học Trường Đảng Cao Cấp ở Moskva, Cộng Sản Việt Nam thanh trừng nội bộ bằng chiến dịch Chống Chủ Nghĩa Xét Lại. Năm 1964 Nguyễn Minh Cần ra khỏi đảng, xin tị nạn chính trị ở Liên Xô, làm nghề dạy học, phiên dịch và viết sách, có khi ký tên là Alikanov để qua mắt công an Việt Cộng. Ông và vợ là bà Inna Malkhanova đã tham dự các cuộc biểu tình vào Tháng Tám năm 1990, khi chế độ Cộng Sản Liên Xô đang sụp đổ. Ông thường kể trong đời mình đã dự hai lần “Cách Mạng Tháng Tám!” Từ năm 1990, ông tham gia tích cực vào cuộc vận động tự do dân chủ của người Việt Nam khắp thế giới. Ông tham dự các tập họp chính trị, viết sách viết báo cho đồng bào trong nước và hải ngoại đọc, lúc nào cũng lo gây dựng tình đoàn kết giữa những người cùng lý tưởng dân chủ tự do.

Nếu được gặp anh Nguyễn Minh Cần thì mình sẽ làm gì? Tôi mới tự hỏi. Mấy năm rồi tôi vẫn tính đi Nga thêm một chuyến; để có cơ hội được gặp anh Nguyễn Minh Cần. Gặp một lần nữa trước khi anh ra đi. Khi cùng đi với Lan Hương đến thăm anh ở Moskva lần chót, đã thấy anh rất yếu, sau đó lại có tin anh phải vào bệnh viện mấy lần. Mỗi lần ở nhà thương ra, anh lại viết thư ngay, báo tin anh vẫn khỏe để giúp mọi người bình tĩnh! Và anh bàn bạc ngay những vấn đề đất nước, xin mọi người phải chú ý theo dõi, loan báo tin tức và bày tỏ ý kiến công khai.

Con người Nguyễn Minh Cần chứa một tấm lòng nhiệt thành, tận tụy vì lý tưởng; một tâm hồn ngay thẳng, đĩnh đạc, bộc trực gần như nóng nảy. Anh giản dị, chân thành, lo lắng cho công việc chung, cho tất cả bạn bè anh em. Hỏi tới chuyện nào anh cũng sẵn sàng nói và anh biết rất nhiều; không thấy anh ngần ngại hay tỏ ra muốn giữ kín một điều gì bao giờ. Anh và chị Inna là những con người trong suốt.

Tôi chưa thấy anh chị nói nặng lời về một ai bao giờ, trừ hai nhân vật, với chị Inna là Stalin, với anh Cần là Hồ Chí Minh. Nhưng thực ra họ cũng không nói nặng lời. Họ chỉ kể lại những tội ác của các lãnh tụ Cộng Sản bằng giọng nói bình thản, khách quan, với những câu chuyện cụ thể, các con số, mà hai người đã để tâm nghiên cứu. Khi Vladimir lên cầm quyền được hai, ba năm anh Cần đã báo động với tôi rằng chế độ độc tài đang được tái lập, Putin sẽ là một “đại đế” mới! Khi tôi đề nghị anh viết một bài cho báo Người Việt về tình trạng này, anh đồng ý. Nhưng khi tôi ngỏ ý đưa trả tiền trước nhuận bút, anh gạt tay tôi rất mạnh, từ chối. Anh bảo khi nào viết, đăng rồi hãy trả tiền!

Lần đầu Lan Hương đưa bố con chúng tôi tới ở nhà anh chị tại Moskva trước đây hơn 20 năm, anh chị đã đưa tôi và Bão Phác đi thăm trang trại cũ của nhà văn Tolstoi, một thần tượng của chị. Anh dạy tôi trong tiếng Nga cái tên Tolstoi phải đọc chữ “o” vần đầu như chữ “a.” Cũng như Moskva vần đầu đọc “Mo” là “Ma,” tên cháu Lan Hương là Tonia cũng vậy. Anh chị cho biết vào cuối đời nhà văn đã khám phá ra giáo lý “hiện pháp lạc trú” (an trú trong hiện tại) của Phật Thích Ca; nhưng chắc không có duyên thực tập. Trên con đường hơn 300 cây số, đi mất 6, 7 giờ, xe taxi lâu lâu dừng lại. Có lúc tôi hỏi lý do, anh Cần lắc đầu, vừa cười vừa nhăn mặt: Bà ấy thấy mấy con chó hoang là phải cho chúng ăn. Đi đâu cũng mang theo bọc thức ăn cho chó! Nhìn ra, quả nhiên thấy chị Inna đang đứng giữa một bầy chó nhẩy nhót chờ đón quà! Chị Inna lập ra hội những người bảo vệ chó, đi đâu thấy chó hoang là chị đưa về nhà nuôi.

Sau khi tham ngôi nhà cũ, khu vườn mà hai ngôi mộ của Lev và Sophia Tolstoi, chúng tôi bước ra về trên con đường ra cổng trang trại, hai bên cây xanh che phủ. Anh Cần đi trước, chị Inna và tôi đi sau. Đang bước đi tôi trông thấy một con sâu róm đang bò ngang đường, lủi thủi một mình. Tôi đi chậm lại, chú ý bước qua không để vô tình giẫm chân lên con sâu. Nhưng bỗng chị Inna dừng lại. Chị cúi xuống, đưa hai ngón tay phải nhắc con sâu lên, để nó trên bàn tay trái. Rồi chị bưng con sâu đi chậm chậm sang một bên đường, cẩn thận đặt con sâu đi lạc trên một cành lá xanh. Xong, chị lại tiếp tục bước đi, nói tiếp câu chuyện đang nói dở.

Đó là cung cách trong cuộc sống của anh chị Inna Malkhanova và Nguyễn Minh Cần. Sau nửa thế kỷ sống bên nhau, hai người giống nhau trong tư tưởng, trong cách nói năng bằng tiếng Nga và tiếng Việt, trong cách cư xử với mọi người. Cách đây sáu, bảy năm, tôi tới Moskva muốn đến thăm anh chị, anh nhất định tới đón tôi tận khách sạn. Năm đó đã thấy anh phải chống gậy. Anh và chị đã quy y với Thầy Như Điển ở Đức, nhận pháp danh Thiện Mẫn và Thiện Xuân. Anh chị đã lập một thiền đường và một hội Phật học ở Moskva.

Tuổi già giọt lệ như sương. Nhưng sáng nay mở email ra đọc tin anh Nguyễn Minh Cần qua đời, bao nhiêu bạn bè và các em của anh không thể cầm được giọt lệ. Chị Quản Mỹ Lan ở Pháp viết: “Nay anh Nguyễn Minh Cần ra đi là một sự hụt hẫng, là nỗi mất mát kinh khủng nhất!” Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ ở New Zealand viết: “Nguyện cầu vong linh anh Nguyễn Minh Cần được an nhàn nơi cõi phước.”

Tôi đọc mấy thư anh chị em trao đổi tỏ lòng thương tiếc anh Nguyễn Minh Cần, nghẹn ngào đứng dậy đi ra ngoài đường, vừa đi vừa tự hỏi: Nếu năm ngoái, năm kia, được đến thăm anh Nguyễn Minh Cần và chị Inna thì mình sẽ làm gì nhỉ? Chắc cũng không làm một điều gì quan trọng. Chắc tôi chỉ ngồi uống trà với anh và chị Inna, nhìn nhau cảm thông trong hơi thở và nụ cười. Gặp anh chị, trò chuyện với anh chị, giống như được tắm gội trong một dòng suối ấm áp trong trẻo của hai con người đáng yêu và đáng kính trọng.

Tôi chợt nhớ câu thơ Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê. Rồi đọc lại bài thơ Thanh Tâm Tuyền viết cho Quách Thoại: “Còn người thi sĩ đi vào miền đất lạ - không nhớ mảy may biển gió cát muôn trùng.”

Chắc giờ này anh Nguyễn Minh Cần đang “được an nhàn nơi cõi phước” như Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ cầu nguyện. Anh sẽ được quên những chuyện trần gian, “không nhớ mảy may biển gió cát muôn trùng.” Anh đã chứng kiến bao nhiêu cảnh khổ đau của đồng bào, của đất nước. Một lần cùng đi xe qua Đại lộ Arbat ở Moscow, anh Nguyễn Minh Cần chợt chỉ tay lên, nói với tôi: “Anh Văn Doãn đã tự tử từ lầu sáu ngôi nhà này.” Sau gần 40 năm, anh Cần vẫn chưa quên người đồng chí đã từng làm tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân, từng quyết định tị nạn ở Nga với anh, và đã tuyệt vọng khi mất cả quê hương lẫn lý tưởng. Riêng anh vẫn còn nghị lực sống thêm gần nửa thế kỷ, tiếp tục theo đuổi lý tưởng cuộc đời mình. Anh đã hiến dâng cả cuộc đời chỉ mong quê hương được độc lập, tự do, dân chủ
Bây giờ mong hương hồn anh Nguyễn Minh Cần không còn bị trói buộc trong “biển gió cát muôn trùng” này nữa. Những người còn ở lại sẽ tiếp tục con đường anh đã cùng đi qua, mỗi người mang trong mình bầu máu nóng, đức trong sáng của Nguyễn Minh Cần. Anh sẽ sống mãi trong lòng đồng bào, trong phong trào phục hưng tổ quốc. Cầu nguyện anh “an nhàn nơi cõi phước.”


nguyen-minh-can-2
Thêm một người đi xa


Tôi gặp anh chỉ một lần. Mười sáu năm trước, rất dễ nhớ vì năm đó là năm 2000. Bác Sĩ Lâm Thu Vân đề nghị tôi đến Montreal để góp phần trong một chương trình nhiều diễn giả thuyết trình chung quanh chủ đề “Hướng đi nào cho dân tộc Việt Nam”. Một diễn giả đến từ Nga là nhà báo Nguyễn Minh Cần.

Bên cạnh các thế hệ đàn anh, lớp trẻ chúng tôi tham dự chương trình này khá đông. Ngoài tôi còn có Ls Nguyễn Xuân Phước và một số luật sư trẻ từ California. Phước bay từ Dallas sang Boston và từ Boston chúng tôi lái xe qua Canada.

Sau phần thuyết trình buổi sáng, Phước bảo tôi, “Chiều nay ông và tôi sẽ gặp riêng anh Nguyễn Minh Cần. Buổi sáng đông người nói không hết ý, ai cũng thận trọng quá đáng. Tôi lấy hẹn với ảnh rồi”. Phước gặp ai và ở đâu cũng bắt chuyện dễ dàng nhưng hôm đó lấy hẹn chẳng qua vì lòng kính trọng dành cho anh.

Chúng tôi ngồi trong phòng nhỏ. Phước ra ngoài đóng cửa lại để không bị quấy rầy. Thái độ cẩn thận của Phước làm anh Nguyễn Minh Cần cũng có chút ngạc nhiên, có gì bí mật chăng. Thật ra không có gì cả. Chúng tôi đều đã đọc nhau trước và Phước rất vui tính nên cuộc hẹn diễn ra rất thoải mái dù chỉ mới gặp nhau lần đầu. Khác với buổi sáng nói năng rào đón, ba anh em nói chuyện không kiêng cữ. Anh kể khá nhiều về hành trình từ Hà Nội sang Nga từ 1962 cho đến năm 2000.

Cuối cuộc hẹn, Phước nhìn anh và hỏi một cách trân trọng “Anh có gì để lại cho bọn em không?” Anh Nguyễn Minh Cần biết đó không phải là câu hỏi dành cho người sắp chết mà là câu hỏi chân thành của những người thuộc thế hệ sau nhìn lên thế hệ trước.

Anh không trả lời trực tiếp nhưng nói rất thâm trầm về đời sống tinh thần của anh, về đạo Phật, về Niệm Phật Đường Thảo Đường vừa được hoàn thành. Anh chỉ muốn để lại kinh nghiệm, kiến thức nhưng tương lai Việt Nam sẽ đặt nặng trên vai của các thế hệ hôm nay. Anh thuộc về quá khứ. Anh sẽ tiếp tục viết những nhận định chính trị và về chế độ CS nhưng không phải với tư cách là người hoạt động mà để giúp tăng thêm hành trang kiến thức cho các thế hệ đang đấu tranh cho tự do dân chủ.

Tôi và Phước không dám nói gì về đời sống tinh thần của anh nhưng mong anh cố gắng tiếp tục đóng góp cho công cuộc vận động dân chủ còn nhiều khó khăn và cũng bởi vì đảng CS ngày nay cũng chính là đảng CS mà anh đã đương đầu mấy mươi năm trước. Anh đồng ý và từ đó giữ liên lac, đọc nhau và không quên nhau như mới đây anh còn nhắc trong bài viết về Gs Nguyễn Ngọc Bích. Anh rất buồn khi nghe tin anh Nguyễn Ngọc Bích ra đi. Anh mất đi một người bạn đã nhiều lần gặp gỡ. Qua anh Nguyễn Ngọc Bích, anh cảm nhận được giá trị của nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam trước 1975.

Tôi ngậm ngùi đọc bài anh viết về Gs Nguyễn Ngọc Bích và rồi ngậm ngùi hơn khi biết tin anh cũng vừa ra đi.

Cả ba người trong chuyến xe lịch sử mà tôi gặp, anh, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và Luật sư Nguyễn Xuân Phước đều lần lượt qua đời. Rồi ai nữa, không ai biết, nhưng có một điều mà tôi, và chắc nhiều người cũng đồng ý, vì đời người vô cùng ngắn ngũi hãy sống hết lòng với nhau như mình sẽ không còn sống ngày mai.

Xin chia buồn cùng tang quyến và cầu nguyện hương linh cư sĩ Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần siêu thăng Tịnh Độ.

Boston, Hoa Kỳ 16-5-2016
Trần Trung Đạo
----------------------------

LỊCH SỬ LẠI MẤT THÊM MỘT NHÂN CHỨNG

Nhà văn Vũ Thư Hiên hiện đang sống tại Pháp đã viết bài đặng trên trang facebook của mình để nói lên những cảm xúc của mình khi nghe tin chú Nguyễn Minh Cần vĩnh viễn ra đi. Hiện đã có trên 900 lời chia buồn của bè bạn khắp nơi gửi qua facebook của chú để chia buồn cùng gia đình chú Nguyễn Minh Cần.Dưới đây chúng tôi xin đọc một số đoạn trong bài viết của nhà văn Vũ Thư Hiên.

Thế là Nguyễn Minh Cần đã đi xa.
Đành rằng đã 88 tuổi trời, ông có chia tay với chúng ta âu cũng là lẽ thường. Nhưng mới hôm nào còn được nghe tiếng ông sang sảng bên kia đầu dây, mà hôm nay không còn có thể trò chuyện với ông nữa, thì tin ông mất vẫn cứ làm tôi choáng váng, như thể tin không thực. Cảm giác của con người là vậy - chúng ta quen thấy mọi vật như một cái gì đó vĩnh hằng, cho đến khi không thấy nữa mới biết là không còn.
Cuộc đời Nguyễn Minh Cần gắn liền với lịch sử Việt Nam cận đại. Rõi theo những khúc quanh của cuộc đời ông bằng con mắt chăm chú ta có thể thấy những bước dịch chuyển của tư duy hướng Thiện của những người như ông trong bối cảnh cái Ác lộng hành.
Nguyễn Minh Cần tham gia cuộc đấu tranh cho giải phóng dân tộc rất sớm. Trong phong trào này ông trở thành đảng viên cộng sản cũng rất sớm. Năm 18 tuổi ông đã được bầu làm uỷ viên thường vụ thành uỷ thành phố Huế. Năm 25 tuổi đã là uỷ viên thường vụ thành uỷ Hà Nội, kiêm phó chủ tịch thành phố. Những người được đảng cộng sản tín nhiệm như ông không phải hãn hữu, nhưng cũng không nhiều. Nói tóm lại, Nguyễn Minh Cần được đảng đánh giá cao, được đặt vào hàng những đảng viên ưu tú. Để bồi dưỡng cho hàng ngũ kế cận, năm 1962 ông được cử đi sang Liên Xô (cũ) học tại Trường đảng cao cấp ở Moskva. Đảng không tin tưởng Nguyễn Minh Cần còn tin tưởng ai.
Thế mà đùng một cái, người đảng viên ưu tú ấy, cùng với một số đảng viên cũng ưu tú không kém, vào một ngày đẹp trời bỗng trở thành “phản động”. Cứ thông đồng bén giọt, trên chính trựờng Việt Nam ắt ta gặp một Nguyễn Minh Cần ở tầng cao nhất trong hệ thống cai trị, chứ không phải Nguyễn Minh Cần mà ta quen biết. Không biết đảng có ngạc nhiên với sự thay đổi đột ngột trong người đảng viên ưu tú của mình không, chứ dân thường ngạc nhiên lắm. Từ ngạc nhiên đến tò mò, từ tò mò đến tìm hiểu là những bước ngắn. Tìm hiểu rồi, người ta mới ngộ ra: Thay vì phải sùng bái đảng, coi đảng là lý tưởng, họ lại coi đảng không hơn bộ quần áo, cần thì mặc, thấy nó chật, nó rách, thì vứt.
Nguyễn Minh Cần là một trong số người này.
Bộ quần áo cộng sản thấy chật rồi, rách rồi, thì ông quẳng đi. Chỗ thích hợp cho nó, theo ông, là thùng rác lịch sử.
Bộ máy mật thám của đảng toàn năng đã làm việc rất tốt. Tôi vào tù. Nguyễn Minh Cần sống lưu vong.
Năm 1992 chúng tôi gặp lại nhau. Lần gặp gỡ này đáng nhớ. Nó là lần gặp lại của hai người trước sơ, nay đã thành thân - chúng tôi giờ có chung một con đường.
Ngày trước tôi chỉ biết một Nguyễn Minh Cần, thường vụ thành uỷ, phó chủ tịch thành phố Hà Nội, phụ trách mảng nông thôn, và cũng chỉ gặp ông trong những cuộc họp báo.
Khi ấy Nguyễn Minh Cần là quan, tôi là dân. Chúng tôi có vài cuộc trò chuyện bên lề, là hết. Sơ là sơ thế thôi, có biết nhau, nhưng không hề là bạn.
Giờ đây, chúng tôi có nhiều chuyện để hàn huyên - nhiều nhất là những chuyện thâm cung bí sử mà trước đây mỗi người chỉ được biết một mảng, biết mà không nói ra, không dám nói ra, vì… bộ quần áo đang mặc. Nay vứt nó đi rồi, chúng tôi bàn luận thoải mái, thênh thang. Chẳng hạn như chuyện cái chết thương tâm của bà hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn… Ái Quốc. Cùng sống ở Moskva, chúng tôi gặp nhau thường. Từ những chuyện trò tâm sự tôi hiểu ông: Nguyễn Minh Cần đã tìm được con đường đúng cho mình nhờ lý trí thì ít mà nhờ trái tim thì nhiều.
Bước ngoặt đến, đảng không thuyết phục được ông thì đảng bắt ép ông phải tuân theo. Ông không còn lựa chọn nào khác là phải vạch trần những sai trái của đảng, rồi đến lúc ông phải tuyên bố ly khai nó.
Cuộc sống lưu vong, lại ở trong một nước cũng vẫn là cộng sản, không hề dễ dàng. Nhất là đối với những người không chỉ ly khai đảng của họ, mà còn ly khai với cả lý thuyết mác-xít mà Đảng cộng sản Liên Xô vẫn còn coi là kinh thánh. Người ta cho nhóm đảng viên cộng sản Việt Nam ly khai được tị nạn chính trị trong bối cảnh giữa hai đảng có những bất đồng. Một khi những bất đồng được dàn xếp xong, hiểm hoạ bị trục xuất về Việt Nam vẫn như thanh gươm Damocles lủng lẳng trên đầu Nguyễn Minh Cần và những người bạn ông. Chuyện này dài, nhiều chi tiết đau lòng, không biết Nguyễn Minh Cần có ghi lại đâu đó không?
Năm 1993, ông lập Hội “Phật giáo Thảo đường” đầu tiên ở Moskva. “Ở mọi nước cộng sản ta đều thấy hiện tượng xã hội xuống cấp, suy đồi - ông tâm sự - Nguyên nhân là mọi con đường dẫn tới cái Thiện tâm linh đã bị huỷ hoại tận gốc. Mọi xã hội cộng sản rồi sẽ tiêu vong, điều đó tất yếu, nhưng cái còn lại sau sự sụp đổ của nó mới là cái đáng sợ hơn hết - sự trống vắng mọi niềm tin. Phật giáo là một minh triết tâm linh, không phải một tôn giáo có tổ chức, nó là phương thuốc tốt cho một xã hội tan nát”.
Để lập Hội “Phật giáo Thảo đường” nhỏ bé, chỉ là một căn hộ bình thường, đủ chỗ cho một số không nhiều những tín hữu đầu tiên đến tu tập, ông không có một xu dính túi. Tôi đưa ông một số tiền nhỏ. Ông nói đây là tiền vay và ông sẽ trả. Quả nhiên, năm sau ông đem trả tôi số tiền tôi ủng hộ, nói thế nào ông cũng không chịu. “Khi tôi trả được, có nghĩa là “Phật giáo Thảo đường” đã hoạt động, đã có sự đóng góp của các tín hữu đồng đạo. Ông mừng cho chúng tôi đi”.

Mỗi con người đi xa (tôi không muốn, tôi buồn khi phải đặt bút viết chữ “mất”) bao giờ cũng để lại trong tôi một ấn tượng, như món quà cuối cùng.
Ấn tượng về Nguyễn Minh Cần là hình ảnh một con người trong sáng. Có được lương tâm trong sáng ấy là do ông có một trái tim rất Thiện.
Chả thế mà ông chọn cho mình pháp danh Thiện Mẫn.
----------------------

Lời Phân Ưu của quý Thân Hữu đối với Hương Linh Bác Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần & Tang Quyến


(Chị My Loan đọc phần này)


Chú Nguyễn Minh Cần là Chủ Tịch, sáng lập viên Hội Phật Giáo Thảo Đường,

Bình luận gia chính trị về tình hình thế giớiViệt Nam cho nhiều đài và báo.

Thành viên sáng lập tổ chức Họp Mặt Dân Chủ,

Phóng viên đài RFI, RFA trong nhiều năm.

Với tính cách chân thật, cởi mở và dễ gần, chú Nguyễn Minh Cần được anh em, bè bạn cùng làm việc ở khắp nơi yêu quý, kính trọng coi như người anh cả. Trước sự ra đi của chú, tất cả bè bạn ở khắp nơi trên thế giới đều vô cùng thương tiếc, chỉ trong vòng 3 ngày sau khi chú Nguyễn Minh Cần ra đi, đã có 650 lời chia buồn gửi vào facebook của một thân hữu.

 

(Khôi đọc phần này)

 

Từ Washington, ông Nguyễn Mậu Trinh viết:

 

Từng giai-đoạn, anh Nguyễn Minh Cần đã sống với thái-độ tỉnh-táo và hành-động dứt khoát hiếm thấy, đáng quý : hăng say với tuổi trẻ, chín chắn khi đã lớn và nhẹ-nhàng lúc về già.

Anh là tấm gương sáng cho thanh-niên hôm nay, cho người lạc lối bên kia và cho tuổi cao-niên vẫn loay-hoay về mình.

 

(Chị My Loan đọc phần này)

 

Từ Hoa Thịnh Đốn  nhà văn Trương Anh Thụy gửi lời chia buồn như sau:

Anh Nguyễn Minh Cần trọng kính,
Sự nghiệp đấu tranh giành Tự Do, Dân Chủ cho Quê Hương của một người yêu nước như Anh thì chẳng bao giờ là đủ hay là hết, vì thế cho nên xin Anh cứ thanh thản ra đi để lại cho đàn em kế tiếp...  Cuốn sách “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUA NHỮNG BIẾN ĐỘNG TRONG PHONG TRÀO CỘNG SẢN QUỐC TẾ” mà Anh là tác giả vừa được đưa vào nhà in, xin Anh phù hộ cho nó được vào tràn ngập trong nước, ….!

Xin chia sẻ nỗi đau buồn cùng chị Inna, các cháu Tịnh-Hằng cùng toàn thể thành viên Ban Quản Trị Hội Phật Giáo Thảo Đường. Cầu xin hương linh Anh sớm đươc vãng sinh nơi đất Phật.

 

(Khôi đọc phần này)

 

Từ Boston ông Trần Trung Đạo đã gửi đến những dòng chia xẻ như sau:

 

Tôi gặp Anh chỉ một lần ở Canada năm 2000 nhưng vẫn còn nhớ rõ. Hôm đó, Anh, Ls Nguyễn Xuân Phước và tôi ngồi trong một phòng nhỏ và nói chuyện suốt mấy tiếng đồng hồ. Chúng tôi cần học hỏi và Anh cũng cần san sẻ tấm lòng, chuyển giao ước vọng chung của đất nước cho thế hệ sau.  Cuối cuộc hẹn, Nguyễn Xuân Phước nhìn Anh và hỏi một cách trân trọng “Anh có gì để lại cho bọn em không?” Anh Nguyễn Minh Cần biết đó không phải là câu hỏi dành cho người sắp chết mà là câu hỏi chân thành của những người thuộc thế hệ sau nhìn lên thế hệ trước. Anh không trả lời trực tiếp nhưng nói rất thâm trầm về đời sống tinh thần của Anh, về đạo Phật, về Niệm Phật Đường Thảo Đường vừa được hoàn thành. Anh chỉ muốn để lại kinh nghiệm, kiến thức nhưng tương lai Việt Nam sẽ đặt nặng trên vai của các thế hệ hôm nay. Anh thuộc về quá khứ. Anh sẽ tiếp tục viết những nhận định chính trị và về chế độ cộng sản nhưng không phải với tư cách là người hoạt động mà để giúp tăng thêm hành trang kiến thức cho các thế hệ đang đấu tranh cho tự do dân chủ. Chúng tôi cám ơn Anh. Cám ơn tấm lòng của Anh dành cho đất nước. Yêu nước không bao giờ quá trễ. Anh chọn đúng thời điểm để đứng về phía tự do, dân chủ và từ đó Anh đi cùng dân tộc. Mười sáu năm sau, chúng tôi “gặp” lại nhau khi làm kỷ yếu tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một người bạn thân thiết của Anh và là người anh kính quý của tôi. Tôi ngậm ngùi đọc bài Anh viết về Anh Bích và rồi ngậm ngùi hơn khi biết tin Anh cũng vừa ra đi. Cả ba người trong chuyến xe lịch sử mà tôi gặp, Anh, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và Luật sư Nguyễn Xuân Phước đều lần lượt qua đời. Rồi ai nữa, không ai biết, nhưng có một điều mà tôi,  và chắc nhiều người cũng đồng ý, vì đời người vô cùng ngắn ngũi hãy sống hết lòng với nhau như mình sẽ không còn sống ngày mai. Kính cầu nguyện hương linh cư sĩ Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần siêu thăng Tịnh Độ.

 

Chị My Loan đọc đoạn này:

 

Từ California nhà văn Nhật Tiến gửi lời chia buồn như sau:

Xin phân ưu cùng tang quyến.

Xin cầu chúc hương linh người quá cố sớm tiêu diêu miền cực lạc.

Ước mong các Đảng viên đương nhiệm của Đảng CSVN sớm noi gương Chí sĩ  Nguyễn Minh Cần để góp phần đem lại Tự Do, Dân ChủNhân Quyền cho Việt Nam.

 

KHôi đọc phần này:

 

Từ Hoa Thịnh Đốn, nhà văn Uyên Thao viết:

 

 "Hết sức đau buồn trước tin anh Nguyễn Minh Cẩn đã vĩnh viễn rời xa chúng ta.

Xin được chia xẻ cùng tòan thể tang quyến sự mất mát lớn lao này .

Chân thành cầu chúc hương linh anh Nguyễn Minh Cần sớm về cõi Tây Phương Cực Lạc."

 

Chị My Loan đọc đoạn này:

 

Từ Niu Dilân (New Zealand) Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ gửi đến những lời thương tiếc  dưới đây:

 

Anh Nguyễn Minh Cần đúng là hình ảnh tiêu biểu cho một Kẻ Sĩ Của Thời Đại.

Tôi không bao giờ quên được lần đầu gặp anh tại nhà của anh Trần Quốc Bảo ở Arcaida. Cali năm nào.

 

Hôm đó, chúng tôi ngồi nói chuyện suốt buổi chiều dưới bóng cây trước sân nhà anh Bảo. Đêm đó anh em ngồi bên ấm trà nói chuyện đến quá nữa đêm. Anh Nguyễn Minh Cần nhận được trọn vẹn sự thương mến và kính phục của tôi.

 

Tôi xin thành kính chia buồn với gia đình và tang quyến. Cầu xin cho anh sớm được an nhàn nơi cõi phước. Một người như anh Nguyễn Minh cần thì Phật cũng đón và Chúa cũng rước.

 

Thương tiếc anh

 

Lm Nguyễn Hữu Lễ

 

Khôi đọc đoạn dưới đây:

 

Từ Hoa Kỳ Ông Đỗ Trọng Linh gửi đến lời chia buồn như sau:

 

Xin chia buồn cùng tang quyến chí sĩ Nguyễn Minh Cần, người can đảm dấn

thân tranh đầu cho dân tộc khi còn rất trẻ và tiếp tục đấu tranh cho dân tộc

đến cuối đời, mất mát này không chỉ với gia đình ông mà còn là một mất

mát lớn cho những người cùng chí hướng

Xin được nghiêng mình tưởng nhớ ông

 

Chị My Loan đọc đoạn này:

 

Không chỉ có bè bạn từ nước ngoài gửi lời chia buồn trước sự ra đi của chú Nguyễn Minh Cần, rất nhiều nhà hoạt động xã hội, nhà văn, nhà thơ từ trong nước cũng gửi đến đây những lời phân ưu

 

Từ Đà Lạt ông Mai Thái Lĩnh đã viết:

 

Xin chuyển lời chia buồn của các bạn ở Đà Lạt đến gia đình anh Nguyễn Minh Cần và các bạn hữu của anh Cần. (Vợ anh Cần là người Nga nên có lẽ chỉ có các anh chị ở ngoại quốc mới có điều kiện liên lạc và phân ưu với gia đình).

Dù sao thì anh Cần cũng đã sống khá thọ (88 tuổi, theo âm lịch là 89 tuổi). Tôi cũng không hiểu bản thân mình có thể sống đến từng ấy tuổi hay không, và đến lúc đó thì chế độ này có thay đổi hay không? Nhưng thay đổi được một chế độ toàn trị kiểu châu Á như Việt Nam  thì không phải chỉ muốn là được. Cần phải biến điều đó thành ý chí của một số đông người, đủ đông để có thể làm thay đổi chế độ.

Chúng ta đều là người đã có tuổi (thất thập cổ lai hy), vì vậy chỉ có thể tâm niệm một điều: không bao giờ rời xa con đường đã chọn, và cố giữ cho đến hơi thở cuối cùng. Điều ấy xem ra cũng rất khó chứ không phải dễ dàng…

Anh Nguyễn Minh Cần đã hoàn tất hành trình của mình - một sự lựa chọn không thỏa hiệp. Đó là điều đáng trân trọng đối với một trí thức. Và đó cũng là tấm gương đáng cho những người khác noi theo.

 

Khôi đọc đoạn dưới đây:

 

Từ trong nước, ông Hà Sĩ Phu gửi đến những dòng sau:

 

Làm ơn chuyển giúp chúng tôi lời chia buồn thiết tha đến gia đình bác Nguyễn Minh Cần, một chứng nhân lịch sử về sự lựa chọn lịch sử, về sự phân ly tất yếu giữa những người trí thức chân chính với cái con đường Cộng sản ảo tưởng, bậc thầy về lừa mỵ.

Bác Minh Cần vừa mới ký vào một văn bản phản đối nhân vụ Cá chết miền Trung mới đây thôi mà bác đã từ biệt chúng ta! Chúc linh hồn bác Minh Cần bất tử, bác sống mãi trong lòng những người Việt Nam yêu nước..

Kính thư

Hà Sỹ Phu

 

Chị My Loan đọc đoạn này:

 

Từ Pháp bà Quản Mỹ Lan đã viết:

 

Ông Nguyễn Minh Cần  (1928-2016) sinh sống tại một nước Cộng Sản (Liên Xô) nhưng được cộng đồng người Việt hải ngoại biết đến như một nhà báo. Trước khi là nhà báo ông là một nhà chính trị ( Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, kiêm phó chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội.) nhưng trước khi là một nhà chính trị ông là một người Việt Nam, một người Việt Nam yêu nước. 

Con người chính trị Nguyễn Minh Cần khi đang ở vị trí sáng chói trong đảng CS đã tỉnh ngộ khi sang học tại trường đảng cao cấp của Liên Xô​ và ông đã dứt khoát từ bỏ cái đảng (1964) mà ông đã góp phần hình thành.

​Chính lương tâm của một con người trung thực đã đưa ông đến quyết định này.

Ông mất khi được mọi ngừi quý trọng, thương yêu.​

Ông mất khi sứ mạng tìm tự do, dân chủ, nhân quyền cho đất nước chưa hoàn tất.​

Thế hệ sau ông phải lãnh nhận sứ mạng cao quý này, tiếp nối con đường ông đã đi dở dang..

 

Khôi đọc đoạn dưới đây:

 

Ông Tiêu Dao Bảo Cự gửi lời chia buồn như sau:

Xin chia buồn cùng chị Cần, gia đìnhthân hữu của anh Cần.

Anh Cần là người CS "giác ngộ" sớm và đã đóng góp nhiều vào việc vạch trần sai lầm của chế độ CSVN.

Anh cũng đã lớn tuổi rồi nên theo mệnh trời thôi. Nhưng chúng ta luôn hi vọng vào triết lý cũng là thực tiễn "tre già măng mọc".

 

Chị My Loan đọc đoạn này:

 

Từ Hà Nội, bác sĩ Phạm Hồng Sơn viết:

 

Vâng. Không tránh được, các thế hệ con người cứ lần lượt ra đi trong khi vận nước trầm luân. Buồn quá!

 

Không hiểu gia đình, thân hữu của một người en exil lâu như thế sẽ tổ chức tang lễ ra sao (?). 

 

Nếu có chia buồn được với gia đình, mong chị giúp chuyển lời chia buồn của em nhé. Cảm ơn chị!

 

Khôi đọc đoạn dưới đây:

 

 

Nhà  thơ Bùi Minh Quốc gửi đến những lời phân ưu như sau:

 

Xin chuyển giùm lời chia buồn của tôi đến gia đình anh Nguyễn Minh Cần. Sự nghiệp đấu tranh giành tự do, dân chủ, nhân quyền trên đất nước VN mà anh Nguyễn Minh Cần là một trong những người tiêu biểu đi tiên phong luôn được các thế hệ tiếp nối và không ngừng phát triển, tôi thấy rõ thế và tin ở sức mạnh tất thắng của chính nghĩa; với niềm tin này, tôi tiễn đưa anh Cần thong dong về cõi vĩnh hằng.
=----------------------

Một đời người  đầy ý nghĩa

(Những lời tiễn biệt chú Nguyễn Minh Cần)

Kính bạch chư Tôn Đức Tăng, Ni đã từ  xa  tới đây chứng minh cho tang lễ của chú Thiện Mẫn

Kính thưa quý bà con phật tử cùng toàn thể các cô, bác, anh,chị, em bè bạn xa gần  đến đây chia tay với chú Nguyễn Minh cần.

Lần cuối cùng gặp chú, ngày 25-4, chú Nguyễn Minh Cần chuyển cho tôi tập giấy tờ của chùa và nói rằng, đây chú chuyển cho cháu toàn bộ giấy tờ của chùa nhé. Chú hoàn thành nhiệm vụ rồi đấy. Nhẹ cả người! Nói rồi chú cười rất thoải mái, ngồi ngả người trên ghé, đúng dáng vẻ nhẹ cả người thật.

Hóa ra đó là những lời cuối cùng tôi được nghe chú nói. Đó cũng là lời chốt lại cho một đời người, một đời người đầy ý nghĩa của chú. Chú đã hoàn thành sứ mệnh mà cuộc đời trao cho chú với đầy đủ cả Dũng, Trí và Bi.

Cả cuộc đời chú đã hoàn thành chữ “Dũng” thật hoàn hảo. Năm 1945 khi chưa được 17 tuồi, vẫn còn là một  học sinh, chú Nguyễn Minh Cần đã tham gia khởi nghĩa ở quê nhà, góp phần dành lại độc lập cho đất nước. Tuổi 17, cái tuổi mà con người tưởng như chỉ biết ăn, biết chơi, chú đã là một chiến sỹ, không sợ hiểm nguy, tham gia những công việc của các bậc cha chú. Suốt 6 năm trường kỳ tham gia kháng chiến, chú đã không hề nản lòng nhụt chí.

 Chú đã sống với chữ Dũng của một đấng nam nhi như thế.

Năm 1962, lúc đó đã là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, chú sang Liên Xô du học tại trường đảng cao cấp. Với lứa tuổi đó, với cương vị đó, nếu chú coi trọng địa vị thì chú sẽ đi rất xa. Thế nhưng những năm tháng học trong trường đảng, được tiếp xúc với những tài liệu về Stalin, chú đã dám nói lên quan điểm riêng của mình, ủng hộ đường lối chống tệ sùng bái cá nhân của Liên Xô lúc đó, ủng hộ những gì mà chú thấy nhân bản hơn, công bằng hơn.

Sau này khi Liên Xô bắt đầu quá trình cải tổ, đổi mới với khẩu hiệu Perestroika của Tổng bí thư Gorbachov, chú đã tích cực ủng hộ đường lối dân chủ của Liên Xô, và sau này là nước Nga. Những ngày chế độ dân chủ của nước Nga bị nguy hiểm, chú không ngần ngại đi biểu tình, tham gia phòng tuyến của phong trào dân chủ ở Nga, tham gia bảo vệ nước Nga.

Rất nhiều năm chú không xin vào quốc tịch Nga, chú vẫn mong có ngày được trở về Việt Nam đóng góp công sức cho Tổ quốc thân yêu của mình. Sau này khi có điều kiện chú đã dành tất cả nhiệt huyết, thời gian cho công cuộc vận động dân chủViệt Nam. Chú là một chứng nhân của một thời kỳ lịch sử nhiều sự kiệnViệt Nam. Thời gian trôi qua những nhân chứng sống này rồi sẽ lần lượt ra đi, chú biết như vậy nên mấy chục năm qua cho đến tận trước ngày vào viện và ra đi vĩnh viễn, chú đã miệt mài làm việc không kể ngày đêm để viết lại những gì chú đã là nhân chúng, nhữnggì chú đã biết. Đây cuốn “công lý đòi hỏi” được in năm 1997 để nói lên bao chuyện oan trái, bao nhiêu nỗi đau của những nạn nhân các vụ án oan khiên từ vụ nhân văn giai phẩm những năm 50 đến vụ án xét lại chống đảng những năm 60 thế kỷ trước. Đây cuốn “chuyện nước non” in năm 1999 chú đã dành bao nhiêu tâm trí để viết lên những suy nghĩ về những chính sách mới hiện nay của đất nước, để bàn về phong trào dân chủ trong nước. Nhưng cuốn sách quan trọng nhất của chú là cuốn “đảng cộng sản Việt Nam qua những biến động của phong trào cộng sản quốc tế” để viết về 70 năm hình thành và phát triển của đảng cộng sản. Một cuốn sách vô cùng quan trọng về những gì chưa được viết, về những gì chưa được nói, để thế hệ mai sau biết những gì đã xảy ra chân thực và đầy đủ. Như chú viết trong lời tựa của cuốn sách, “Người viết tự thấy 
mình có trách nhiệm nói lên SỰ THẬT về những vấn đề này thay cho 
bạn bè thân mến của mình cùng chí hướng, cùng tư tưởng, cùng quan 
điểm đã nằm xuống mà không có điều kiện nói ra.”

 Chính vì cảm nhận được trách nhiệm của lương tâm mình với lịch sử, với bè bạn với những thế hệ mai sau, Chú đã bắt đầu viết cuốn sách này từ năm 2000, suốt mười mấy năm qua chú đã làm việc ngày đêm, tiết kiệm từng phút để kịp hoàn thành cuốn sách.  Và chú đã vừa kịp hoàn thành cuốn sách trước khi ra đi ít lâu. Hiện nay cuốn sách đã được lên khuôn, và ít ngày nữa sẽ được ra mắt độc giả. Chú đã thực hành hoàn hảo chữ Dũng của lương tâm như thế đấy.

Chú Cần là người một nhà khoa học với đúng nghĩa của từ cao quý này. Chú làm việc cẩn thận, có hệ thống, có trách nhiệmđặc biệt với lương tâm của một người cầm bút, chỉ viết những gì mình biết, những gì đã được kiểm chứng.

Yêu ai thì bảo là yêu.

Ghét ai thì bảo là ghét.

Dù ai ngon ngọt nuông chiều, cũng không nói yêu thành ghét.

Dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu.

Chỉ nhìn danh mục sách chú dịch, viết thôi cũng đủ hình dung được khối lượng khổng lồ công việc chú đã làm: 125 cuốn sách dịch, 6 cuốn sách nghiên cứu, hàng ngàn bài báo.

 Nhưng công trình đáng giá nhất của chú là cùng với cô Inna tìm ra đạo Phật, con đường tu tập tâm linh cho chính mình. Chú không chỉ tìm ra con đường tâm linh cho mình, mà còn dành hết hơn 20 năm cuối đời mình cho việc tổ chức, hoằng dương đạo Phật ở Moskva này. Nếu không có sự hy sinh hết lòng, tận tụy hết lòng của chú thì không thể có Hội Phật Giáo Thảo Đường và ngôi chùa Thảo Đường ngày hôm nay. Suốt hơn 20 năm, chú không hề bỏ một ngày rằm, ngày mồng 1 nào không lên chùa tụng kinh. Chùa dù vắng, dù đông, dù mưa, dù nắng chú đều có mặt đầy đủ, đúng giờ, làm lễ cho mọi người. Chú vui với chùa, buồn với chùa, lo lắng cho ngôi chùa như cho ngôi nhà yêu quý  của mình. Chỉ 2 tháng trước khi  ra đi, dù còn rất yếu sau cơn nhồi máu cơ tim hồi tháng 11 năm trước, chú vẫn nhận trách nhiệm điều hành Chùa khi mọi người đề nghị. Chú nói, chú đã phát nguyện phục vụ chùa đến hơi thở cuối cùng nên dù rất mệt chú vẫn cố gắng cáng đáng.

Chú đã là sống một cuộc đời của người đầy trí tuệ như thế đấy.

Hôm chú ra đi về cõi vĩnh hằng, tôi đến nhà để mang cho chú một bộ quần áo. Tìm cả tủ, tôi không thấy một chiếc áo nào còn tươm tất. Tất cả đều đã sờn vải, bạc mầu. Vậy mà hôm cuối cùng gặp chú, chú vừa tươi cười đưa cho tôi 5000 rúp, tiền tiết kiệm từ số lương hưu ít ỏi để cúng cho quỹ xây chùa. Đã mấy chục năm nay, chú vẫn luôn tiết kiệm tiền lương hưu của mình để ủng hộ chùa như thế. Toàn bộ tiền tiết kiệm của hai cô chú cho lúc tuổi già, chú đã cúng dường cho việc mua đất và xây dựng chùa Thảo Đường. Chú nói, chết là hết, có gì phải lo đâu, hãy để những đồng tiền này mang lại lợi ích cho những người còn sống. Trong mấy năm qua Chú đã ủng hộ cho quỹ xây chùa 100000 rúp và 8760 đô la mỹ.

Rất nhiều năm qua chú cùng vợ là cô Inna đã luôn tích cực làm các hoạt động từ thiện. Chú và cô quyên góp quần áo, đồ dùng cho nạn nhân động đất ở Armenia,nạn nhân phóng xạ ở Chernobyl, nạn nhân chiến tranh ở Chechnya, người vô gia cư ở Moskva. Mỗi người nghèo chỉ viết một mảnh giấy rất nhỏ để cám ơn cô, chú, vậy mà túi chứng từ làm từ thiện của chú và cô đã nặng gần chục kg giấy.  Không chỉ giúp người nghèo, chú còn cứu giúp chó, mèo hoang, nuôi chim, nuôi sóc trong rừng khi mùa đông hiếm thức ăn. Trong nhà chú luôn luôn có 2 thùng rác. Một thùng rác để vứt vào thùng rác chung, và 1 thùng rác dễ phân hủy để mang bỏ vào rừng nuôi đất.

Chú đã học được hạnh từ bi rộng lớn của đạo Phậtthực hành chữ Bi thật chuyên cầnhoàn hảo như thế.        

Sáng hôm 13-5, khi vừa được báo chú Cần đã không còn nữa, tôi đã đến gặp bác sỹ trực và hỏi điều gì xảy ra với chú những giờ phút cuối cùng. Bác sỹ nói rằng tối hôm đó mọi việc diễn ra bình thường, an ổn, chú không đau đớn gì, đột nhiên đến 4 giờ sáng chú khó thở và đến 5 giờ thì trút hơi thở cuối cùng. Chú ra đi trong sự tỉnh táo và bình yên, không đau đớn gì.  Những gì cần làm đã làm xong, những gì phải làm đã hoàn thành. Không còn gì phải nuối tiếc.

Chú Cần ơi, chúng cháu sẽ thay chú chăm sóc cô Inna, tiếp tục công việc hoàn thành ngôi chùa Thảo Đường, xin chú hãy yên tâm CAO ĐĂNG PHẬT QUỐC, trở về trong vòng tay yêu thương của Phật, trở về nơi cõi an vui vĩnh hằng và tiếp tục con đường tu tập của mình cho đến ngày viên thành đạo quả.
--------------------

LỜI CUỐI CHO CHÚ

Kính thưa chư Tôn Đức,

Thưa toàn thể anh chị em đạo hữu, bằng hữu và tang quyến.

 

Không hiểu vì sao khi chú mất, tôi lại nghĩ mình cần phải viết điều gì đó cho chú, và chính tôi mới hợp nhất trong vai trò người viết này. Có lẽ vì trong quan hệ giữa tôi và chú có cả hai cực Dương và Âm thuần tịnh nhất để tạo nên một khối chân thực. Chính tôi là người chống và phê bình chú nhiều nhất và cũng chính tôi đã thấu được lòng yêu thương chân thành của chú đến người Việt ở đây và nỗi khát khao đem Phật pháp đến cho họ.

Và tôi viết những dòng này cho chú.

 

Chú ơi!

Vậy là chú đã rời bỏ chốn này, kiếp này!

Nhiều người nói chú mất đi mà còn nhiều việc dở dang, nhiều hoài bão chưa thành. Nhưng con không nghĩ vậy, hãy tin con, chú đã đến cuộc đời này và chú hoàn thành trách nhiệm một cách tốt đẹptrọn vẹn.

Dở dang chi khi Hội Phật Giáo Thảo Đường càng ngày càng lớn mạnh. Hội chúng ta dưới sự dẫn dắt của chú trở thành Hội có nhiều Phật tử am hiểu sâu về Phật Pháptinh tấn trong tu tập.

Hoài bão nào chưa thành khi tâm nguyện lớn nhất của chú là thấy được ngôi chùa trên đất Nga đã trên đường hoàn tất và quá trình hoàn thiện sẽ tiến hành và kết thúc trong nay mai.

 

Nhớ khi xưa chú run run đưa tất cả số tiền dành dụm của hai cô chú cúng dường cho việc xây chùa mà chúng con học tinh thần BỐ THÍ.

Nhớ đến những hoạt động thường nhật của chú và sự kính cẩn trước chư Tôn Đức của chú mà chúng con học được TRÌ GIỚI.

Nhớ hình bóng xiêu vẹo của chú, dáng đi nghiêng nghiêng mà vẫn cố đảnh lễ chư Phật, vẫn cố làm chủ lễ, chúng con thấy mình cần phải TINH TẤN.

Nhớ những ngày Tết Nguyên Đán về mà chú cháu mình vài mống người vẫn kiên trì tụng kinh, niệm Phật, quyết không lơ là với Phập pháp, chúng con được thử thách đức NHẪN NHỤC.

Nhớ những tháng năm mùa đông giá lạnh, chú rét mướt mang thức ăn đi nuôi chim, sóc, mang rác phân huỷ được vào rừng để làm tốt đất, chẳng có việc gì hữu ích mà chú không làm; sống tỉnh giác trong từng hành động, từng hơi thở, chúng con có niềm tin vào THIỀN ĐỊNH.

Nhớ bao nhiêu năm trời giữa những khởi sắc mạnh của các tôn giáo tại nước Nga sau chiến tranh lạnh, chú bền bỉ đi tìm con đường tâm linh và đạo giải thoát thật sự, rồi quyết định nương vào Tam Bảo, vào Phật, Pháp, Tăng, và chọn được hai vị lãnh đạo tinh thần hoàn hảo cả trí tuệtừ biHòa thượng Thích Minh TâmHòa thượng Thích Như Điển, chúng con như được tưới mát bởi suối nguồn của TRÍ TUỆ.

Và bao nhiêu công trình chú để lại cho đời thật đúng là tấm gương soi trong sáng, thánh thiện nhất cho việc trả một cách hoàn hảoTỨ TRỌNG ÂN.

 

Vâng, vậy thì chú hỡi, chú đã mang đến cho đời này nhiều NIỀM VUI, NIỀM THƯƠNG YÊU, NIỀM CHIA SẺ và NIỀM HẠNH PHÚC. Và CHÚ ĐÃ HOÀN THÀNH TRÁCH NHIỆM CỦA KIẾP NHÂN SINH NÀY MỘT CÁCH TỐT ĐẸP, CHÂN THÀNHTRỌN VẸN.

Giờ chú hãy yên lòng ra đi.

Con không khóc cho chú đâu. Tại sao khóc? Khi người đạo hữu của chúng con đã sống một cuộc đời có ý nghĩa?!!

Con không khóc cho chú đâu. Tại sao khóc? Khi người cha, người chú của chúng con đã chiến đấu cho cuộc đời thêm đẹp hơn?!!

Con không khóc cho chú đâu. Tại sao khóc? Khi người lãnh đạo của chúng con đã hoàn tất trách nhiệm của mình một cách xuất sắc.

Giờ chú hãy vui vẻ mà ra đi.

 

Chúng con sẽ không khóc đâu mà sẽ ngồi đây bên chú để hướng dẫn và cùng đồng hành với chú để đưa chú về chốn Cực Lạc nơi không còn khổ đau nữa.

Bước vào thế giới vong linh một thế giới tràn ngập tâm thức, những vong linh vẫn còn vất vưởng chắc chú sợ hãi lắm phải không? Những ngọn gió nghiệp quật xuống quật lên làm chú kinh hoàng phải không? Đừng sợ, chú thương mến, chư Tôn Đức củng các đạo hữu khác đang cùng ngồi đây cầu nguyện cho chú.

Chú đang thấy người thân khóc thương, và nghĩ có thể bấu víu cầu cứu họ. Không đâu chú, đã bước vào thế giới tâm thức thì không ai ở cõi trần này còn giúp chú được nữa. Hãy định tâm để nghe những lời kinh kệ, cầu nguyện người khác đang tụng niệm cho chú. Và cố gắng tụng niệm theo.

Chú đang thấy đâu đó những ánh sáng chói rực, nóng bỏng phải không? Đừng sợ! Chính những ánh sáng chói chang, rực rỡ nhất đó lại là ánh sáng của hào quang các chư Phật. Khi nghe tiếng niệm Phật của chúng con, chú cố niệm theo hồng danh của Đức Phật A Di Đà rồi phóng hết sức bình sinh như tên bắn vào đó. Và...

CHÀO MỪNG CHÚ ĐẾN VỚI CÕI TỊNH ĐỘ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC QUỐC.

Vâng con tin chắc chú sẽ ra đi trong tư thế của người dũng cảm, trong trí huệ của người con Phật và trong tinh thần “HOA KHAI KIẾN PHẬT”.

Nguyện cho chú vãng sinh Cực Lạc Quốc!

Nguyện sẽ gặp lại chú trên cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà.

Nam Mô A Di Đà Phật

Quảng Thiện

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 10423)
Phật Đản là ngày sinh của Đức Phật. Theo như trong kinh Phật đã dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”,
(Xem: 10684)
‘Tào khê thuỷ’ (曹溪水) hay ‘Tào Khê’ là đại từ chỉ định về Lục tổ Huệ Năng, cũng chỉ cho dòng suối trí tuệ Phật giáo.
(Xem: 9646)
Chúng ta có hai cách giao lưu với thế giới nội tâm và với thế giới bên ngoài. Một: Tâm cảm thọ (Sensing mind) trực tiếp qua giác quan như ...
(Xem: 9444)
“Thị hiện Đản sanh”, là cụm từ được chỉ chung cho tất cả các bậc Thánh nhân, chư Phật, Bồ Tát khởi lên ý niệm tự phát nguyện...
(Xem: 12793)
Dòng đời cứ cuồn cuộn hay lặng lẽ mãi miết trôi, và mọi cảm nhận tiếp thụ của con người vẫn cứ lan chảy bất tận theo thời gian.
(Xem: 13157)
Phương cách tốt nhất giúp ta tỉnh giác khi hành Thiền là ta biết giữ hơi thở trong tâm.
(Xem: 13343)
Hãy tụng kinh Kim cương nhiều lần. Thầy cũng sẽ cầu nguyện, trì tụng và hồi hướng cho con ngay bây giờ.
(Xem: 19684)
Thân thị Bồ đề thọ, Tâm như minh cảnh đài, Thời thời cần phất thức, Vật sử nhá trần ai.
(Xem: 12414)
Theo giáo lý Tịnh Độ Phật A Di Đà là vị Phật ánh sáng luôn soi chiếu thông suốt mọi cảnh giới, tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh.
(Xem: 13137)
Chánh niệm tỉnh giác (Satisampajanna) là một thuật ngữ Phật học ngụ ý một nếp sống thanh thản an lạc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
(Xem: 13453)
Không biết tự bao giờ, mùa xuân được lấy làm biểu tượng của tâm hồn an lạcthanh tịnh.
(Xem: 12927)
Ngày xuân năm nay, chúng tôi sẽ đem đạo lý khuyến khích nhắc nhở tất cả Phật tử tinh tấn tu hành.
(Xem: 12283)
Nhân Tết con khỉ - Bính Thân, nên xin nói tản mạn về con khỉ, có liên hệ đến những ý tưởngquan niệm trong đạo Phật.
(Xem: 18436)
Hai bài kệ dưới đây trích trong Lục Tổ đàn kinh rất nổi tiếng trong giới Thiền học, được phổ biến, giảng luận không biết bao nhiêu là giấy mực...
(Xem: 10584)
Thiền Tôngpháp môn nguyên thủy và cốt tủy do Đức Phật dạy.
(Xem: 12281)
Không gì tuyệt đẹp hơn hình ảnh của mùa xuân, khi hoa đào hoa mai hé nở, khi những mầm xanh đang e ấp chờ đợi...
(Xem: 10879)
Năm cũ đã hết với bao đổi thay của đất trời và con người, để đón nhận một mùa xuân mới tràn đầy hạnh phúc.
(Xem: 11093)
Cảm ơn Xin cảm ơn Trời đất bốn mùa thay nhau chuyển đổi Xuân sinh, hạ trưởng Thu liễm, đông tàn
(Xem: 14566)
Vào thuở thịnh Đường, Lục tổ Huệ Năng ( 慧 能 638-713 ) sau khi đắc pháp với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ( 弘忍) và được truyền Y bát,
(Xem: 22332)
Bài này được viết vào khoảng tháng 11 năm 1991, có trong tác phẩm “Sân Trước Cành Mai,” xuất bản năm 1994.
(Xem: 11500)
Tết đã gần kề. Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có cái chung nhưng cũng có những nét khác nhau tùy theo phong tục tập quán của từng vùng, miền.
(Xem: 10071)
Trong mùa xuân, thiên nhiên tự làm mới lại, con người cũng tự làm mới lại thân tâm mình, mọi vật đều cố gắng chuyển hóa thành mới, trong sạch, thanh tịnh.
(Xem: 34410)
Chúng ta thường nghe nói thế gian là biển khổ, bởi thế gian vui ít khổ nhiều. Nhưng trong chỗ vui đó, rốt cuộc cũng không tránh được khổ.
(Xem: 17572)
Ngày hết Tết đến nhìn thấy còn những người đau khổ chung quanh thì lòng mình không thể dửng dưng...
(Xem: 32529)
Niệm Phật tức là tham thiền không phải hai pháp, ngay lúc niệm Phật, trước tiên phải buông bỏ hết thảy các thứ vọng niệm, tạp loạn phiền não, tham, sân, si...
(Xem: 21965)
Thân của ta hôm nay thật là mong manh như bọt nước, niệm niệm sanh diệt không dừng. Lại sống trong ngôi nhà lửa không an ổn, sao mà cứ tỉnh bơ không chịu quán sát cho kỹ...
(Xem: 11118)
Ngoài kia, từng cánh én đang tung tăng chao lượn, dòng người thì tấp nập ngược xuôi trong tà áo mới, trên gương mặt ai nấy hân hoan rạng ngời
(Xem: 17414)
Tình yêu như bát bún riêu. Bao nhiêu sợi bún bấy nhiêu sợi tình.
(Xem: 17002)
Khách thập phương rảo bước quanh sân chùa, ngắm nhìn cảnh vật, cội mai già, nụ mai còn hàm tiếu.
(Xem: 10604)
Cụm từ trên không biết có tự bao giờ…? Thế nhưng từ lâu cho đến tận ngày hôm nay, thật sự đã đi sâu thẳm vào
(Xem: 10773)
Khi cây mai vàng chưa kịp đưa hương Và bờ cỏ đương đổi màu hoang tái Bóng chiều nghiêng cánh én còn ái ngại Vẫn nghe lòng vời vợi bước xuân phương
(Xem: 9472)
Vẫn mang chiếc áo lỳ năm tháng cũ Vẫn chiều nay, Bên khung cửa hôm nào Ta nhấp nháp chung trà hương viễn xứ
(Xem: 10535)
Cành mai năm trước, cành đào bây giờ vẫn một sắc hương, cội mai già nỉ non bung ra từng hé nụ, hoa đào đón gió tưng bừng khoe sắc hương.
(Xem: 10553)
Hãy nhìn lại thật gần, thật kỹ, những gì đang có trong lòng bàn tay. Mùa xuân không ở đâu xa. Mùa xuân ở nơi ấy.
(Xem: 10471)
Tâm giống như con khỉ (kapicitta) là một thuật ngữ, đôi khi Đức Phật dùng để diễn tả các hành-vi lo-lắng, khuấy-động,
(Xem: 12383)
Chư Thiện nhân! Trên đời có muôn ngàn đường lối, tại sao lại chỉ khuyên người niệm Phật?
(Xem: 12342)
Tôi không có tham vọng viết nhiều về Thuyết tiến hóa cũng không tham vọng viết ra đây cuộc đời của Charles Darwin (1809-1882)
(Xem: 9921)
Năm mới, chúng ta đón chào một mùa xuân mới được nhiều phước lộc, và học thay đổi cách sống mới để làm đời mình thêm tươi vui, hạnh phúc.
(Xem: 13103)
Hiện nay, ở một số chùa có trưng bày tượng ba con khỉ trong sân chùa. Nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc cũng như...
(Xem: 9639)
Thay đổi cuộc đời trong Năm mới chính là Làm mới chính mình, nuôi dưỡng suối nguồn hạnh phúc.
(Xem: 9047)
Thành đạo còn gọi là Đắc Đạo, chứng đạo, đạt đạo, thành tựu đạo quả.
(Xem: 11734)
Phật pháp thường nói “ mạng người vô thường, cõi nước rủi ro”, “ thân người khó được Phật pháp khó nghe”;
(Xem: 13365)
Này các Tỷ kheo, các ông nên thực tập để luôn luôn sống trong chánh niệm và tỉnh giác. Bất cứ làm điều gì, các ông phải làm với chánh niệm.
(Xem: 11963)
Trước khi tìm hiểu kỹ về Thiền tông, chúng ta nên có một quan niệm tổng quát về tông phái này thì khi đi sâu vào chi tiết sẽ bớt bỡ ngỡ.
(Xem: 11201)
Khi chúng ta có ước muốn theo đuổi con đường tâm linh, ta phải hiểu thấu vì sao lại chọn đi con đường này.
(Xem: 11510)
Lòng bi mẫnsự thiền định hay thực hành quan trọng nhất mà bạn có thể làm. Mặc dù những giáo lý của Đức Phật nói về...
(Xem: 10241)
Tịnh Độ là một pháp môn rất thù diệu, dễ tu dễ chứng và phù hợp với mọi trình độ căn cơ chúng sanh. Chỉ cần người có lòng tin vào nguyện lực của Phật A di đà...
(Xem: 10159)
“Từ Thị Di Lặc” nghĩa là : người mang chủng tánh Từ Bi, rộng đức bao dung, hòa ái, êm dịu, luôn đem lại sự an lành hạnh phúc cho mọi người và cho cả cuộc đời.
(Xem: 10818)
Nguyên tác: Making Space with Bodhicitta; Tác giả: Lama Yeshe; Chuyển ngữ: Hoa Chí
(Xem: 28054)
Tiết Vu Lan bâng khuân nhớ Cha công dưỡng dục, mùa Báo hiếu bùi ngùi thương Mẹ đức cù lao... Thích Hạnh Tuệ
(Xem: 10718)
Con người không biết Phật cũng chẳng sao, không biết Nho giáo cũng chẳng sao, thậm chí không tín ngưỡng tôn giáo cũng chẳng sao, chỉ cần họ biết đạo lýsự thật của Nhân Quả Báo Ứng thì được rồi.
(Xem: 7333)
Lúc gần đây, khi tôi vào trang mạng của Dzogchen Ponlop Rinpoche đọc một bài viết có tựa đề là "Đạo Phật Là Một Tôn Giáo, Có Đúng Không?", tôi đã ngạc nhiên vì một số ý-kiến của người-đọc ở phần bên dưới bài viết
(Xem: 9256)
Tư tưởng thuần khiết nhất này là nguyện ước và ý chí đưa tất cả chúng sanh đến sự thực chứng năng lực Giác Ngộ vô thượng.
(Xem: 11689)
Người tu thiền chẳng những tâm được yên, trí sáng mà cơ thể lại tốt nữa. Cuộc sống lúc nào cũng vui tươi, không buồn không khổ.
(Xem: 11584)
Sáu pháp môn mầu nhiệm, Hán gọi là Lục diệu pháp môn. Nghĩa sáu phương pháp thực tập thiền quán, giúp ta đi vào cửa ngõ của định và tuệ, cửa ngõ giải thoát hay Niết bàn.
(Xem: 10998)
Thiền là gì? Để trả lời câu hỏi này, ngôn từ không phải bao giờ cũng cần thiết hay hoàn toàn thích đáng.
(Xem: 10201)
Thiền quán là nhìn một cách tĩnh lặng. Nhìn sự vật “như nó là”, không suy luận, không biện giải, không phê phán…
(Xem: 10161)
Ba viên ngọc quý Phật, Pháp, Tăng mà ai cũng có đầy đủ đều không ngoài Bản Tâm Tự Tánh mình.
(Xem: 13706)
Bậc giảng giải vô song, đỉnh cao của dòng họ Thích Ca, Người dìu dắt chúng sanh bằng giáo huấn duyên khởi...
(Xem: 14789)
Trên đây là bài dịch từ trang 18-20 trong quyển ’Kindness, Clarity,and Insight’ của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso, với sự đồng ý của Snow Lion Publications
(Xem: 10406)
Thiền không phải là một tôn giáo, một học thuyết hay một quan niệm thuộc về tri thức.
(Xem: 11792)
Phải chăng trường đời là nơi tranh danh đoạt lợi, hay chính là do mầm tham ái ở tại lòng mình mới là động cơ sinh ra mọi sự?
(Xem: 10758)
Tịnh Độ hay Quốc Độ của Chư Phật là từ dùng để chỉ Thế Giới đẹp đẽ, thanh tịnh, tôn nghiêm, là nơi các Đức Phật cùng hàng Thánh Giả và các Tín Chúng cư ngụ.
(Xem: 10425)
Truyền thừa Sakya là một trong bốn truyền thống tâm linh vĩ đại tại Tây Tạng.
(Xem: 10519)
Có những phẩm hạnh mà bậc Thượng sư cần phải có và những phẩm chất mà người đệ tử cần có.
(Xem: 9798)
Đức Dalai Lama từng nhiều lần dạy rằng, Phật giáo Kim cương thừa không phải là Lạt-ma giáo.
(Xem: 10553)
Người Phật tử Việt Nam xưa nay thường biết đến khái niệm Tịnh độ qua các kinh nói về Phật Di Đà (Amitābhasutra và Sukhavativyūhasutra) từ Hán tạng
(Xem: 9185)
Hãy nghe ĐỨC PHẬT định nghĩa về thiền : « Ở đây nầy các Tỳ Kheo, vị tỳ kheo đi đến khu rừng dưới một gốc cây hay đi đến chỗ nhà trống và ngồi kiết già lưng thẳng...
(Xem: 9860)
Bằng nguyện lực của Tam Bảo Tối Thượng đáng tin cậy Và chân lý của tinh thần trách nhiệm toàn cầu của chúng con, Nguyện cho Phật pháp quý báu lan rộng và hưng thịnh Ở mọi vùng đất, theo chiều dài và chiều rộng của phương Tây.
(Xem: 10082)
Một trong những mục đích chính của việc tranh luân trong khi tu học Phật pháp là để giúp bạn phát triển nhận thức quả quyết (nges-shes).
(Xem: 10386)
Trong Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (mNgon-rtogs rgyan, tiếng Phạn, Abhisamayalamkara), Đức Di Lặc đã liệt kê bốn mươi sáu lỗi lầm ảnh hưởng đến việc phát triển trí tuệ tương ứng với căn cơ của chư Bồ tát (sbyor-ba’i skyon).
(Xem: 10517)
Của cải không trường tồn hay thường còn mãi mãi. Lòng tham của cải giống như uống nước muối, ta sẽ chẳng bao giờ có đủ.
(Xem: 10430)
Nền tảng của mọi phẩm chất tốt đẹpvị bổn sư tử tế, hoàn hảothanh tịnh; Sùng mộ ngài một cách đúng đắn là cội nguồn của đường tu.
(Xem: 10000)
Tâm là một sự chuyển động, bản tánh của nó là sự di động. Thực thể cơ bản của nó là sự trong sángtrong suốt.
(Xem: 9722)
Đường tu được tất cả chư Bồ tát thiện hảo tán thán, Cửa ngõ cho những người may mắn mong cầu giải thoát.
(Xem: 13397)
Cả Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và Guru Rinpoche đều tiên tri sự ra đời và thành tựu tâm linh của Tông Khách Ba.
(Xem: 16185)
Long Thọ (Nagarjuna, Klu-grub), cùng với Vô Trước (Asanga, Thogs-med), là hai đại hành giả tiên phong của truyền thống Đại thừa.
(Xem: 13358)
Con xin sám hối nghiệp xấu ác của tự thân cùng tha nhân, và hoan hỷ với công đức của tất cả chúng sanh.
(Xem: 11445)
Tôi đã nhận được một món quà tặng quan trọng nhất từ bố tôi: đó là niềm tin về tôn giáo. Suốt đời tôi, tôi sẽ nhớ ơn bố tôi. Vì, bố là vị Bồ Tát của tôi.
(Xem: 11034)
Năm nay, Vu Lan khởi sắc một cách khác thường. Từ ngày 14 âm lịch đến rằm, lượng số người đi lễ như trẩy hội. Một số con đường chính đều bị tắt nghẽn giao thông.
(Xem: 11001)
Đạo Phật dạy về tầm quan trọng của sự kính trọng bố mẹ, và sự báo đáp công ơn bố mẹ.
(Xem: 12104)
Vu lan lại đến.Hiếu hạnh của con trẻ lại được nhắc đến. Nhưng đâu đó cũng thấy hiện lên các tiêu đề nói về việc con giết cha, hãm hiếp mẹ, những nghịch hạnh không ai có thể chấp nhận.
(Xem: 15223)
Tôi thấy tôi mất mẹ, mất cả môt bầu trời…
(Xem: 10501)
"Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền. Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên…Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối…"
(Xem: 11615)
Mẹ ơi tháng Bảy về rồi Là mùa hiếu hạnh tuyệt vời lên ngôi Nhớ ơn mẹ đã một đời Tảo tần mưa nắng tô bồi đời con
(Xem: 10494)
Mùa thu với tháng bảy mưa ngâu, với trăng thu diệu vợi, quê hương Việt nam chúng ta với biết bao vẻ đẹp êm đềm qua ánh trăng rằm tháng bảy Vu lan.
(Xem: 10992)
Sau khi đắc quả A-La-Hán, Tôn giả Mục Kiền Liên vận thần thông đi khắp các cõi tìm người mẹ đã khuất.
(Xem: 9932)
Lễ hội Vu lan bồn hay còn được gọi một cách phổ biếnlễ hội Cô hồn là một sự kiện quan trọng ở Trung Quốc vì nó được nối kết với việc thờ cúng tổ tiên.
(Xem: 10278)
Từ hơn mười năm qua, cũng có thể là xa hơn chút nữa, ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu hằng năm, đặc biệt là lễ cài hoa hồng, đã có sức lan tỏa mạnh mẻ ra ngoài khỏi khuôn viên những mái chùa Phật giáo
(Xem: 11332)
Theo truyền thuyết nhà Phật, Bà mẹ Mục Kiền Liên Là người không mộ đạo Báng bổ cả người hiền.
(Xem: 10893)
Tháng bảy mùa Vu Lan trời buồn âm u mưa sùi sụt trắng xóa con đê quê mẹ. Tháng bảy mùa Vu Lan mây buồn giăng giăng kín lối con về quê mẹ…
(Xem: 12789)
Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ;
(Xem: 24117)
Lòng thương của cha mẹ sẽ pha thêm màu xanh cho bầu trời, tô thêm màu biếc cho đại dương; và gia đình này, trái đất này, với bàn tay chăm sóc của cha mẹ, sẽ là hành tinh xanh, mỹ miều, tươi mát hơn bao giờ.
(Xem: 12508)
Ta còn một dòng sông, dòng sông xưa uốn khúc những nỗi niềm cay cực với bóng mẹ lênh đênh tất tả chuyến đò đời.
(Xem: 10205)
Kinh Vu Lan hiện được dịch ra tiếng Việt và được phổ thơ để các Phật tử dễ đọc tụng và dễ nhớ
(Xem: 28369)
Mùa Vu Lan lại về với người con Phật, mang nhiều ý nghĩa thâm diệu, vừa siêu nhiên của lãnh vực tâm linh, vừa hiện thực với văn hóa nhân gian...
(Xem: 19214)
Cách đây hơn 10 năm tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, các thành viên của Liên Hiệp Quốc đã đồng thuận mỗi năm lấy ngày Vesak của Đức Phật làm ngày Phật Đản của thế giới.
(Xem: 10817)
Cách đây hơn 26 thế kỷ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện tại xứ Ấn Độ cổ xưa, cội nguồn của nền văn minh sông Hằng. Sự kiện trọng đại Đức Thế Tôn thị hiện vào cõi đời này thật là hy hữu.
(Xem: 23106)
Gần hai trăm nghìn người không phân biệt Tôn giáo, Quốc tịch, Chính đảng, ngày 10/05/2015 tại Đài Bắc Quốc tế Phật Quang hội tổ chức thiên Tăng, vạn Chúng Khánh chúc Phật đản, nhất tâm Thập nguyện báo Mẫu ân,
(Xem: 31298)
Tôi tin hy vọng rằng tất cả người dân Nepal nhân mùa lễ này hãy chuyển hóa những vụn vỡ để có thể làm cho mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống giống như thông điệp của Đại lễ về giá trị con người.
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant