JETSUN MILAREPA
GỬI LẠI TRẦN GIAN
Bản dịch: ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG
LỜI TỰA
Milarepa là Thánh St. Francis của Tây Tạng. Chúng ta không thể nhầm lẫn âm điệu của những ca khúc này với âm điệu của những ca khúc Fioretti; cũng cùng có một giọng điệu tình tự, cũng cùng một thiện cảm nồng nàn, cũng cùng mang một tính chất trần gian, đối với người Áo Vải cũng như đối với Poverello, toàn thể thiên nhiên là bạn cũng như một quyển sách thân yêu. Có khác nhau chăng là người trước học được bi tâm qua tri thức, trong khi người sau tìm được khôn ngoan qua tình thương. Mặc dù họ xa cách nhau trong không gian, song họ không cách biệt nhau về thời gian, bởi vì một người sống vào thế kỷ thứ mười hai thì người kia cũng sinh ra đời. Danh tiếng của mỗi người lan rộng trong quê hương họ một cách nhanh chóng và tiếp tục lan rộng mãi cho đến ngày nay: mọi trẻ con Tây Tạng đều biết câu chuyện một kẻ đại tội lỗi đã trở thành một bậc đại hiền triết, và Cuộc Đời [*] ông, đã được Rechung, môn đệ đắc ý của ông ghi lại, là một kho tàng quí giá vô cùng. Trong đó chúng ta biết được làm sao sau cái chết không phải lúc của người cha ông, mẹ ông và em gái ông đã bị ông chú và bà thím độc ác cưỡng đoạt gia tài; làm sao ông đã ra đi, vì ngay lúc còn bé ông đã là cậu bé cam đảm, học huyền thuật với một phù thủy địa phương; đã kêu mưa hú gió tạo những trận bão tuyết để tàn phá hoa màu của họ, đánh sập ngôi nhà của họ và giết chết những thực khách trong bữa tiệc đầu mùa, làm sao sự ăn năn hối hận đã đến với ông vì những việc ông đã làm; rồi làm sao ông đã tuyên bố đi tìm chân lý và gặp vị đạo sư định mệnh của ông: Lạt ma Marpa, như là một sự trừng phạt, trong bảy năm trời đã giáo huấn ông dã man đến nỗi tinh thần ông hầu như đổ vỡ, nhưng cuối cùng đã truyền thụ Bí pháp cho ông; làm sao sau những năm thiền định lâu dài trong cô đơn nơi rừng núi, cuối cùng ông đã đạt được giác ngộ và được Marpa phong thánh chức như là người thừa kế y bát của ông, và làm sao ông đã sống cho đến lúc tuổi già chín muồi, giảng dạy tín ngưỡng, làm các phép lạ và đã chết trong hương thơm thánh tính.
Marpa, đạo sư của ông, người được biết như là một Dịch giả; mặc dù là người Tây Tạng, ông đã học tập nghiên cứu tại một trường đại học Ấn Độ lừng danh: đại học Nalanda, ông đã trở thành một học giả thông thạo Phạn ngữ (Sanscrit) và đã dịch nhiều tác phẩm Phật giáo sang tiếng mẹ đẻ của ông. Đồng thời ông cũng là môn đệ đắc ý của Naropa, một trong những pundit (bác học tăng) lừng danh thời đó, và ông đã trở về Tây Tạng truyền bá giáo lý của thầy.
Giáo lý của Naropa là một hệ thống nghi lễ chính yếu đặt căn bản trên các thần chú và linh phù (mantras và yantra) năng lực sử dụng chỉ có thể truyền thụ một cách trực tiếp từ thầy sang trò. Từ đây danh hiệu của môn phái ông, phái Kargyudpa, những người theo truyền thống khẩu truyền (ngày nay môn phái này vẫn còn thạnh hành ở vùng biên giới Nepal và Sikkim và nhất là ở Tây Tạng). Để cho một môn đệ có đủ khả năng nhận lãnh tặng phẩm uy lực này, anh ta phải trường trải qua một sự nghiên cứu, học tập về tinh thần lâu dài, cũng như thực hành một cuộc luyện tập kịch liệt các bài tập Du già (Yoga) dành cho việc sản xuất luồng nội nhiệt (lửa tam muội) và bằng cớ chứng tỏ sự thành công là đủ khả năng chống lại cái rét cực độ trên các tuyệt đỉnh của Hy Mã Lạp Sơn mà chỉ mặc không gì khác hơn là một chiếc y vải mong lanh, rồi anh ta sẽ được phong tặng một danh hiệu đầy kiêu hãnh: danh hiệu Repa hay Người Áo Vải, như Milarepa. Nhưng sự gia tăng thân nhiệt sinh ra một thứ lửa nóng kịch liệt trong tâm người môn đệ mà anh ta ngây ngất sung sướng trong sự quán tưởng về các thế giới siêu cảm giác. Trong khi sự kiểm soát hơi thở đã làm cho anh ta đủ sức để kiểm soát năng lực tinh thần và nguồn sinh lực, để rồi quán sát những hóa thể của sinh lực trên bình diện xảo diệu. Bởi vì sinh lực không phải là máy móc, các hóa thể của nó xuất hiện trước tâm thiền giả như là các vị thần, những con quỷ tùy theo chúng hiền hay dữ, và bằng những thần chú đã học được, anh ta có thể điều khiển chúng theo ý muốn và dẫn dụ chúng. Nhưng anh ta không nên để chính mình bị năng lực mới đạt được đó trói buộc, và ở đây sự hướng dẫn của đạo sư rất cần thiết; bằng sự thiền định lâu dài về đại tượng Chân Không mà anh ta phải nhận thức tất cả những ảo ma này đều là chân không và không có gì khác nhau, như thế là anh ta đạt được kinh nghiệm tối thượng, cho phép sự giác ngộ xuất hiện một cách tự phát. Từ đó về sau anh ta tự do hiến mình trong từ bi để phụng sự loài người.
Bởi vì đạo Bon, tôn giáo nguyên thủy của Tây Tạng, là một tôn giáo có tính chất phù thủy (shamanistic) và thế giới của nó là thế giới quỉ thần. Người dân Tây Tạng hiểu dễ dàng tiếng gọi của một thứ Phật giáo rất gần với niềm tin của họ (Mật tông). Các đạo sư thuộc hàng tăng già chính thống, bắt đầu với Padma Sambhava (Liên Hoa Sanh), chỉ cần có năng lực thần thông và tri thức cao hơn các phù thủy đạo Bon (Bon shamans) để chuyển hóa quần chúng mê tín. Và như thế Phật giáo đã chiếm toàn thể xứ sở này trong một thời gian ngắn.
Về phần Milarepa ở đây được ghi lại trong hai quyển sách: Cuộc Đời và Những Bài Hát của ông. Trong tác phẩm sau là một tổng số những biến cố quan trọng nhất trong sự nghiệp tinh thần của ông làm sườn cho các ca khúc, vì mỗi trường hợp ông đều diễn tả những tư tưởng uyên thâm nhất của ông trong bài hát giọng điệu của các ca khúc xếp loại từ tình tự đến huyền nhiệm và triết lý cao siêu. Những ca khúc trong tuyển tập này chỉ là một phần nhỏ trong con số vĩ đại của toàn thể nguyên tác, được tuyển chọn cẩn thận để bày tỏ mọi khía cạnh của giáo lý ông. Chỉ một ít ca khúc trong số này đã từng được dịch sang tiếng Anh nhưng không tác dụng nhanh chóng vào quần chúng. Bút pháp được áp dụng trong bản dịch này là cố ý dùng các cổ tự để gây một cảm tưởng tương tự ngôn ngữ của chính nguyên tác đem lại cho người Tây Tạng ngày nay. Nhưng sự trực dịch vẫn cần thiết hơn; phải có một phương pháp để làm cho độc giả Tây phương có thể hiểu được những vi tế của hình thức Phật giáo rắc rối cao độ trong các thuật ngữ, song điều đó nhờ ở sự hiểu biết và kính trọng các truyền thống bản xứ. Nhiều bài thơ giản dị đến nỗi có thể làm cho người đọc có thể nhầm lẫn và nhờ ở một sự khảo sát già dặn hơn, người đọc sẽ thấy chúng ẩn chứa những chân lý tâm linh sâu xa lắm lắm. Và mặc dù các con đường của Milarepa và Thánh Francis of Assisi cách biệt, nhưng ai dám bảo chúng không đồng qui nơi tối thượng?
h.c.
[*] Xin đọc : Milarepa, Con Người Siêu Việt
Đỗ Đình Đồng dịch, Nguồn Sáng ấn hành