- Lời Nói Đầu của Nhà Biên Tập
- Tu Hành Tâm Thức Và Nuôi Dưỡng Lòng Từ
- Điểm Một: Những Sơ Bộ
- Điểm Hai: Sự Thực Hành Chính Yếu Là Tu Hành Bồ Đề Tâm
- Điểm Ba: Sự Chuyển Hóa Những Hoàn Cảnh Xấu Thành Con Đường Giác Ngộ - Điểm Ba Và Nhẫn Nhục Ba La Mật
- Điểm Bốn: Chỉ Ra Việc Sử Dụng Việc Thực Hành Trong Toàn Thể Cuộc Sống Của Mình - Điểm Bốn Và Tinh Tấn Ba La Mật.
- Điểm Năm: Sự Đánh Giá Việc Tu Tâm - Điểm Năm Và Thiền Định Ba La Mật
- Điểm Sáu: Những Kỷ Luật Tu Tâm - Điểm Sáu Và Bát Nhã Ba La Mật
- Điểm Bảy: Những Khuyên Nhủ Về Tâm - Điểm Bảy Và Sau Thiền Định
- Bài Kệ Kết Thúc
- Phụ Lục: Bốn Mươi Sáu Cách Thức Thất Bại của Một Bồ Tát
- Chú Thích
- Thuật Ngữ
- Về Tác Giả
ĐIỂM
HAI
SỰ
THỰC HÀNH CHÍNH YẾU LÀ TU HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
Hãy khảo sát bản tánh của tánh Giác vô sanh
Hãy nhìn vào tâm thức nền tảng của bạn, đích thị chỉ là cái thức giác không phân chia thành phần đoạn, cái tiến trình tư tưởng hiện hữu bên trong bạn. Chỉ nhìn vào nó, thấy nó. Khảo sát không phải là phân tích. Chỉ nhìn những sự vật như chúng là, trong nghĩa bình thường.
Lý do tâm thức chúng ta được biết như là tánh giác vô sanh là chúng ta không có ý niệm về lịch sử của nó. Chúng ta không có ý niệm tâm thức ấy bắt đầu ở đâu, cái tâm thức điên cuồng của chúng ta. Nó không có hình dạng, không có màu sắc, không có chân dung hay tính cách đặc biệt gì. Nó luôn luôn chớp nháng chớp tắt, tắt chớp mọi lúc. Đôi khi nó ngủ đông, đôi khi nó khắp mọi nơi. Hãy nhìn vào tâm thức bạn. Đó là một phần của sự tu hành hay kỷ luật của Bồ đề tâm tối hậu. Tâm thức chúng ta dao động thường trực, lui tới, tới lui. Hãy nhìn vào nó, hãy nhìn ngay vào nó !
Bạn có thể bị thu hút vào sự mê hoặc của việc nhìn tất cả các pháp như giấc mộng và kéo dài những thị kiến và tưởng tượng không cần thiết đủ mọi loại. Bởi thế rất quan trọng phải nắm lấy câu châm ngôn tiếp theo này, “Hãy khảo sát bản tánh của tánh giác vô sanh.” Khi bạn nhìn vượt qua cấp độ tri giác, khi bạn nhìn vào tự tâm bạn (điều mà hiện giờ bạn chưa thực sự làm được, nhưng bạn cần phải làm), bạn thấy ra rằng không có gì để bám nắm ở đây cả. Tâm là vô sanh. Nhưng đồng thời, nó là tánh giác, bởi vì bạn vẫn tri giác những sự vật. Có cái giác và sự sáng tỏ. Bởi thế bạn cần tham thiền về nó bằng cách thấy ai đang thực sự thấy biết các pháp như là giấc mộng.
Nếu bạn nhìn sâu hơn và sâu hơn, vào nguồn gốc của tâm thức bạn, nền tảng của nó, bạn sẽ thấy rằng nó không có màu sắc và không hình dạng. Tâm thức bạn, nói một cách triệt để, là một cái gì trống trơn và trinh trắng. Không có cái gì ở đó cả. Chúng ta bắt đầu nuôi dưỡng một loại tiềm thể của tánh Không ; dầu cho trong trường hợp này cái tiềm thể ấy là hoàn toàn sơ khai, theo nghĩa nó đơn giản và có thể khai thác được. Khi chúng ta nhìn vào gốc rễ, khi chúng ta cố gắng khám phá ra tại sao chúng ta thấy những sự vật, tại sao chúng ta nghe những âm thanh, tại sao chúng ta cảm giác, tại sao chúng ta ngửi thấy mùi hương – nếu chúng ta vượt khỏi và vượt khỏi những thứ đó – chúng ta tìm thấy một cái gì trống trơn.
Cái trống trơn ấy tiếp thông với sự tỉnh giác. Bắt đầu bạn tỉnh giác về cái gì đó : bạn tỉnh giác về chính bạn, bạn tỉnh giác về tâm trạng của bạn, bạn tỉnh giác về hơi thở của bạn. Nhưng nếu bạn nhìn vào tại sao bạn tỉnh giác, vượt khỏi cái bạn đang tỉnh giác, bạn bắt đầu thấy rằng không có gốc rễ nào cả. Mọi sự bắt đầu tan biến. Đấy là ý niệm về sự khảo sát bản tánh của tánh giác vô sanh.