TRONG KINH TẠNG NGUYÊN THỦY
Thích Nguyên Hùng
Thời Đức Phật tại thế, các Phật tử thường hướng về nơi Ngài và chúng Tăng đang cư ngụ đảnh lễ và xưng niệm danh hiệu của Như Lai, đầy đủ thập hiệu, để tỏ lòng cung kính, tri ân và cầu nguyện. Khi thực tập như thế, họ cảm thấy được an ủi nhiều lắm. Tăng đoàn dưới sự lãnh đạo của Đức Thế Tôn là một cộng đồng thanh tịnh và hòa hợp, là biểu tượng của hòa bình, tình thương, sự an lạc, và là nền tảng đạo đức vững chãi, cho nên nó đã trở thành điểm tựa của niềm tin và hy vọng cho con người sống giữa cảnh đời náo nhiệt, bon chen, đầy dẫy những tệ nạn. Người Phật tử sau khi quy y Tam bảo, trong cuộc sống hàng ngày họ thường niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng để nhắc nhở, răn đe mình đừng làm các việc ác, siêng làm các việc lành, đồng thời cũng là cách để duy trì đời sống tâm linh, khiến cho tâm luôn hướng thượng, cân bằng, không bị loạn động.
Trong các kinh A Hàm, và nhiều kinh khác, đều cho thấy niệm Phật là biểu thị cho sự quy kính, lễ bái, tán thán, nhớ nghĩ Đức Thích Tôn. Do nhớ nghĩ công đức của Phật nên các tâm lý bất thiện như tham, sân, si không có cơ hội phát sinh, vì vậy mà có thể được sanh Thiên, hoặc cao hơn chứng và trú Niết bàn.
Niệm Phật là một trong những pháp môn tu hành rất căn bản được Đức Thế Tôn chỉ dạy rất rõ ràng, hiện còn lưu lại trong các bản kinh cổ nhất, cả tạng Pàli và tạng Hán, gồm có ba cách: một là nhớ nghĩ Pháp thân Phật, hai là quán tưởng tướng hảo và công đức của Phật, ba là xưng niệm danh hiệu Phật. Trong đó, theo lý mà niệm Phật thì gọi là pháp thân niệm Phật (còn gọi là thật tướng niệm Phật); trong tâm luôn nhớ nghĩ đến hình tướng và công đức của Phật gọi là quán tưởng niệm Phật; miệng luôn xưng danh hiệu Phật gọi là trì danh niệm Phật, xưng danh niệm Phật.
Đoạn kinh sau đây, được trích trong Tăng Nhất A Hàm, sẽ cho chúng ta thấy pháp môn niệm Phật đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy lúc Ngài còn tại thế, là một trong các pháp Tam niệm, Lục niệm, Thập niệm ( 1). Bấy giờ, Đức Phật đang ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ, nói với các thầy Tỳ kheo:
“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Đã tu hành một pháp rồi, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa môn, tự đến Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Phật” (Đại chính 2, tr. 532).
Rồi Đức Phật giải thích thế nào là niệm Phật:
“Nếu có Tỳ kheo nào chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, chuyên tinh niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác. Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời. Trong khi mắt không rời, niệm tưởng công đức Như Lai” (sđd, tr.554).
Đoạn kinh trên nêu rõ hai phương pháp niệm Phật cơ bản là: trì danh niệm Phật và quán tưởng niệm Phật. Trong phương pháp thứ hai, tức nhớ nghĩ đến hình tướng và công đức của Như Lai, Đức Phật giải thích:
“Thể của Như Lai được thành tựu từ kim cương, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, dõng mãnh giữa đại chúng. Gương mặt của Như Lai đoan chánh vô song, nhìn không chán mắt. Giới đức thành tựu giống như kim cương không thể phá hoại, trong sạch không tỳ vết cũng như lưu ly. Tam muội của Như Lai chưa từng sút giảm, đã tĩnh chỉ, vĩnh viễn tịch tĩnh, không có niệm khác. Các thứ tình kiêu mạn, ngang bướng đã vắng im. Ý tham dục, tưởng sân hận, tâm ngu hoặc, mạn kết do dự, tất đều tận trừ. Huệ thân của Như Lai, trí không bờ đáy, không bị chướng ngại. Thân Như Lai, được thành tựu từ giải thoát, các cõi đã hết, không còn sinh phần để nói ‘Ta sẽ đọa nơi sinh tử’. Thân Như Lai được vượt qua thành trì của tri kiến, biết căn cơ người khác đáng được độ hay không đáng được độ, chết đây sinh kia, xoay vần qua lại trong ngằn mé sinh tử, có người giải thoát, người không giải thoát, Như Lai thảy đều biết tất cả” (sđd, tr.554).
Thật quá rõ ràng và tường tận về phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật, chúng ta không còn lời nào để giải thích hơn thế nữa - ngoại trừ chư vị Tổ sư tu tập theo pháp môn này đã xây dựng nên Tịnh độ tông và làm cho những lời dạy trên của Đức Phật càng thêm phong phú và đẹp đẽ hơn. Đó là cách nhìn nhận Đức Như Lai. Hình tướng và công đức của Như Lai phải được nhận thức, chiêm ngưỡng và quán tưởng như thế, để rồi mình cũng đạt được như vậy, bằng nỗ lực tu tập của tự thân.
Tương đương với bản kinh trên, trong tạng Pàli, kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Một pháp, cũng ghi lại pháp môn niệm Phật này, như sau:
“Có một pháp, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn” (Tăng Chi Bộ I.16, HT.Minh Châu dịch).
Một bản kinh khác, kinh Trì Trai (số 202, Trung A Hàm, tương đương kinh Visàkhà-sutta, Tăng Chi Bộ), cũng đề cập đến pháp môn niệm Phật, là một trong năm pháp tu tập hỗ trợ với Thánh trai tám chi (Bát quan trai giới). Kinh này cho thấy nhờ niệm Phật mà tâm được tĩnh và tất cả mọi tâm lý bất thiện đều được tiêu diệt, được nói cho cư sĩ Tỳ Xá Khư, khi Phật đang trú tại nước Xá Vệ, trong Đông viên, Lộc Tử Mẫu giảng đường.
“Này cư sĩ! Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy, ác tham nếu có liền bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có cũng bị diệt. Này cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị tiêu diệt”.
Như vậy, cả hai truyền thống, Nam truyền và Bắc truyền, trong tạng kinh Nguyên thủy của mình đều ghi nhận pháp môn niệm Phật rất rõ ràng. Điều này chứng tỏ pháp môn này rất phổ biến thời Đức Phật còn tại thế, được đích thân Đức Thế Tôn chỉ dẫn, và xem nó như là một trong những con đường đi đến giác ngộ giải thoát, chứng nhập Niết bàn.
Tóm lại, pháp môn niệm Phật hình thành rất sớm, và được lưu giữ trong Kinh tạng của cả hai truyền thống. Tuy nhiên, đối tượng niệm Phật mà kinh Nguyên thủy nói đến chỉ có Đức Thế Tôn. Nên hồi đó nói đến niệm Phật, là niệm Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Sau này, khi Phật giáo phát triển, nhận thức rằng trong ba đời mười phương có vô số chư Phật. Cho nên, pháp môn niệm Phật cũng có vô số danh hiệu Phật để niệm, nhưng phổ biến nhất thường thấy niệm Phật A Súc, Phật Dược Sư, Phật Di Lặc, Đại Nhật Như Lai, Phật A Di Đà… Trong đó, Phật A Di Đà được lấy làm đại biểu cho đối tượng niệm Phật, vì vậy, mỗi khi nói đến pháp môn niệm Phật, người ta đều nghĩ đến niệm Phật A Di Đà.
(1) Tam niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Lục niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên.
Thập niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Hưu tức, niệm An ban, niệm Thân vô thường, niệm Chết.
Người gửi bài: Tâm Minh
- Tag :
- Thích Nguyên Hùng