Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên Kinh
(Vạn Tự Tục Tạng Kinh, quyển 1, kinh số 8)
Nguyên bản tiếng Hán: http://www.jingtu.org/jtjl/wlsfmhj.htm
Hán dịch: Đời Tào Ngụy, Thiên Trúc Tam Tạng Khang Tăng Khải
Chuyển ngữ: Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa
Tôi nghe như thế này: Một thời đức Phật ở thành Vương Xá, trong núi Kỳ Xà Quật, cùng với các đại tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, các lậu đã hết, thần thông minh đạt. Tên của các thánh giả là: Tôn giả A Nan, tôn giả Mục Kiền Liên, tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Đại Ngưu Vương, tôn giả Ma Ha Ca Diếp, tôn giả Ma Ha Già Da Ca Diếp, tôn giả Đại Châu Na, tôn giả Danh Văn Ca Diếp, tôn giả Đại Tịnh Tâm Chí v.v… đều là các vị như vậy làm thượng thủ. Lại có Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Tín Tịnh Huệ Bồ Tát, Thiện Giải Thoát Bồ Tát v.v… các đại chánh sĩ, trọn đủ vô lượng nguyện hạnh, an trụ trong pháp công đức chẳng thể nghĩ bàn, trí huệ thánh minh. Các vị Bồ Tát như thế ấy chẳng thể tính kể, tức thời đến dự pháp hội.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo A Nan rằng:
- Trong đời quá khứ, vô lượng vô ương số kiếp lâu xa, có một đại tỳ-kheo, tên là Pháp Tạng, gặp gỡ vô số trăm ngàn Phật, trọn vẹn vô lượng đại nguyện, vượt xa các pháp mà hết thảy chư Phật đã hành. Ông Pháp Tạng tỳ-kheo ấy nay đã thành Chánh Giác, hiện ở cõi thanh tịnh An Lạc nơi phương Tây, hiệu là Bất Khả Tư Nghị Quang Vô Lượng Thọ Như Lai.
Do bổn nguyện lực của đức Phật ấy, do sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn, trong khắp mười phương thế giới, Ngài dùng đại âm thanh tuyên bố danh hiệu công đức. Vì thế, hết thảy hữu tình trong mười phương thế giới nghe, tin danh hiệu công đức ấy, lập tức nhập địa vị Chánh Định, sanh về cõi Phật An Lạc thanh tịnh.
Vì thế, loài hữu tình nếu ở trong nhân gian, do túc báo nên hoặc là điếc, mù, câm, ngọng, ngu si, cuồng, ác, do nhân duyên danh hiệu, quang minh của đức Phật ấy đều được giải thoát, hoặc là trong tam đồ rất khổ, chịu khổ không gián đoạn, do nhân duyên danh hiệu, quang minh của đức Phật ấy đều được giải thoát. Nghe quang minh, danh hiệu của Ngài nếu tin nhận, hoặc xưng danh, ngay lập tức trừ diệt tội trong vô lượng vô số kiếp sanh tử.
Vì thế, này A Nan! [Ai] xưng danh hiệu đức Phật ấy một tiếng hoặc mười tiếng, cho đến trăm ngàn tiếng, thì trong mỗi một niệm, sẽ có vô số hóa thân của Phật Vô Lượng Thọ thường hộ trì người ấy. Lại có hai vị Bồ Tát: một vị tên là Quán Thế Âm, một vị tên là Đại Thế Chí. Hai vị Bồ Tát ấy tự làm thượng thủ, cùng các đại Bồ Tát chúng thường đến hộ trì. Người ấy sau khi mạng chung, sanh trong cõi nước An Lạc thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ.
Vì thế, này A Nan! Dù có lửa mạnh đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới, cũng phải vượt qua để đến nghe, tin danh hiệu đức Phật ấy, người như vậy được gọi là hoa sen trắng sanh trong lửa. Đó gọi là một đại sự nhân duyên danh hiệu lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Do bổn nguyện lực của đức Phật ấy, mười phương chư Phật đều cùng khen ngợi công đức của danh hiệu đức Phật ấy, lại còn khen ngợi những loài hữu tình niệm Phật. Bởi thế, các ông đều nên tin nhận danh hiệu Phật ấy.
Đức Thế Tôn bảo A Nan rằng:
- Sở dĩ Như Lai xuất hiện trong thế gian là để nói đại sự nhân duyên lợi ích công đức chân thật chẳng thể nghĩ bàn, quang minh, danh hiệu của đức Phật ấy. Vì thế, ta nói [pháp này] khó gặp, khó thấy, khó được, khó nghe. Nếu có chúng sanh được nghe pháp này đều nên tin thuận, tu hành đúng pháp.
Đức Thế Tôn bảo A Nan rằng:
- Ông Pháp Tạng tỳ-kheo ấy vì độ hết thảy hữu tình trong mười phương thế giới, tuy khởi nguyện siêu thế, tu hành vô lượng đại hạnh, nhưng vốn đã thật sự thành Phật từ lâu, vốn có Pháp Thân thường trụ. Vô Lượng Thọ Phật do sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn nên giáo hóa, an lập vô số hữu tình trong khắp cả mười phương thế giới trụ nơi đạo vô thượng chân thật. Ngài hoặc làm sát-lợi, quốc vương, Chuyển Luân vương, hoặc làm trưởng giả, cư sĩ, dòng họ tôn quý, giàu sang, hoặc làm [vua trời] Lục Dục, Đại Phạm Vương v.v.. hoặc mang các thân địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Tu-la, thường dùng bốn oai nghi, hóa làm hết thảy [thân].
Này A Nan! Đức Vô Lượng Thọ Phật thật sự thành Phật từ lâu, Pháp Thân thường trụ đó, há phải ai khác, chính là thân Thế Tôn ta ngày nay vậy, nghĩ thương hết thảy hữu tình các ông, ở trong đêm dài vô minh, từ cõi An Dưỡng vô vi, thị hiện trong đời ác, thế giới ác này, nơi Ca Da, Vương Xá v.v… nói công đức nhân duyên chẳng thể nghĩ bàn của danh hiệu đức Phật kia, nói là khó gặp, khó thấy, khó được, khó nghe. Vì thế, nếu có hữu tình nghe được kinh này, phải nên tin nhận, như pháp tu hành.
Đức Thế Tôn bảo A Nan rằng:
- Dẫu cho hết thảy hữu tình, phiền não ác nghiệp, chướng sâu, báo nặng thì quang minh, danh hiệu, thần lực của đức Phật ấy chẳng bị chướng ngại. Vì thế, đức Phật ấy hiệu là Vô Ngại, Vô Đối, Thanh Tịnh, Trí Huệ, Hoan Hỷ v.v… Do trí huệ vô ngại nên sức oai thần cũng vô ngại. Do thần lực vô ngại nên đại từ bi cũng vô ngại. Vì thế, hết thảy hữu tình đời trược ác nếu là kẻ hữu ngại tiểu trí, bèn nghi Phật vô ngại trí, bất khả tư nghị trí, bất khả xưng lượng trí, Đại Thừa thắng trí, vô đẳng luân tối thắng trí, ngờ vực chẳng tin. Do vì ngờ vực, trong nhiều vô số kiếp, đọa trong ngục Tằng Bà La, hoặc vào ngục Tần Đà La, chịu khổ vô cùng, chẳng có lúc ra. Vì thế, nếu có hữu tình chánh tín Phật trí sẽ tức thời nhập địa vị Chánh Định, bất thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đấy gọi là đại sự nhân duyên lợi ích của danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn.
Đức Phật nói kinh này, ngay khi đó khắp đại địa chấn động sáu cách, trời mưa diệu hoa, trên hư không tự nhiên có đại âm thanh vi diệu tán thán Phật hiệu thanh tịnh “Bất Khả Tư Nghị Quang Vô Lượng Thọ” và đại sự lợi ích nhân duyên mà đức Phật Thế Tôn vừa nói ngày hôm nay. Lúc đức Thế Tôn nói kinh này, vô lượng hữu tình phát vô thượng chánh chân đạo ý, chư thiên, nhân dân đắc quả A Na Hàm; chư đại Bồ Tát dùng Tứ Hoằng Thệ trang nghiêm công đức, trong đời tương lai ắt thành Chánh Giác. Đức Phật nói kinh này xong, chư đại Bồ Tát chúng, A Nan v.v.. các chúng đại đệ tử Thanh Văn, nghe lời Phật dạy, hoan hỷ lễ Phật lui ra.
Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên Kinh chung
(Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa dịch xong ngày 22 tháng 07 năm 2004)