Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Một Số Bài Pháp Ngắn - Choden Rinpoche (Lozang Ngodrub Dịch Việt)

01 Tháng Mười 201100:00(Xem: 6613)
Một Số Bài Pháp Ngắn - Choden Rinpoche (Lozang Ngodrub Dịch Việt)

MỘT SỐ BÀI PHÁP NGẮN
Choden Rinpoche
Lozang Ngodrub dịch
Tranh Luận Giáo Pháp với Đức Dalai Lama
Tham Thiền trong Mười Chín Năm
Thọ Dụng Tinh Chất - Chulen
Tham thiền: Giúp Cho TâmTích Cực
Lợc Ích của Việc Học Thi Phú và Ngữ Pháp


Tranh Luận Giáo Pháp với Đức Dalai Lama
Choden Rinpoche
Lozang Ngodrub dịch

Trong Đại Lễ Cầu Nguyện, tức Monlam, mùa xuân năm 1959, trước khi Đức Dalai Lama rời Tây Tạng, Ngài phải tham dự buổi tranh luận giáo pháp thuộc về một phần của cuộc thi văn bằng Geshe của Ngài. Tất cả các Tu Viện chính đều gởi một vài tăng sĩ tranh luận xuất sắc để tranh luận giáo pháp với Ngài; Geshe Lhundrup Sopa và tôi đã đại diện cho Tu Viện Sera Je.

Các vị giám khảo cuộc thi là các vị Trụ Trì của các tu viện. Tuy nhiên, thông thường cũng có sự hiện diện của nhiều vị Geshe khác tinh thông tất cả các đề mục tranh luận, để nhận xét trình độ của thí sinh. Môn tranh luận không giống như bài thi viết; bởi vì tất cả mọi người đều nghe những lời bạn nói, nên rất dễ nhận ra khi bạn đã phạm một sai lầm hay khi bạn có một câu trả lời rất thông tuệ.

Đại Lễ Cầu Nguyện được tổ chức trong tháng đầu tiên của năm mới ở Tây Tạng, và tất cả tăng sĩ từ các tu viện chính cũng như những tu viện nhỏ hơn ở địa phương đều tề tựu quanh chùa Jokhang; có lẽ vài chục ngàn tăng sĩ đã có mặt ở đó.

Khi Đức Dalai Lama học môn tranh luận, Ngài thường xuyên tranh luận với một nhà tranh luận (tsenshab) được chỉ định, và hai vị sẽ tranh luận riêng với nhau. Vì thế, không ai biết được Đức Dalai Lama tranh luận giỏi như thế nào, vì Ngài chưa từng dự cuộc tranh luận ở một tu viện nào cả. Chẳng ai biết trình độ tranh luận của Ngài ra sao cả.

Có năm môn luận chính trong chương trình tu học văn bằng Geshe, thế nên mỗi đề mục đều được dành thời gian trong buổi tranh luận, và tất cả các Geshe đại diện từ các tu viện đều nhận một phần của các đề tài tranh luận. Mỗi một tăng sinh có một đề mục riêng của họ và mỗi vị sẽ tranh luận với Đức Dalai Lama.

Đề tài tranh luận buổi sáng của Đức Dalai Lama là Lượng Thích Luận và hai vị tranh luận với Ngài lúc đó là Geshe Rabten và Gen Kalo, Trụ Trì của Gyume, trường Cao Đẳng Mật điển vùng Hạ. Vào buổi chiều, có một thời tranh luận nữa, với đề tài là Trung Quán luậnBa La Mật. Buổi chiều đó, Geshe Sopa và tôi đã dự cuộc tranh luận với Ngài. Vào buổi tối, có một thời tranh luận lớn mà tất cả các vị Geshe của các tu viện chính đều tham gia.

Có hai tiếng đồng hồ trong thời tranh luận buổi sáng, kế đến là nhiều giờ cầu nguyện (vì cuộc thi xảy ra vào thời gian của Đại Lễ Cầu Nguyện). Buổi chiều lại có hai tiếng đồng hồ tranh luận nữa, tiếp theo là thời cầu nguyện, và thời tranh luận buổi tối là dài nhất.

Đức Dalai Lama có mặt trong cuộc tranh luận tổng cộng khoảng ba tiếng đồng hồ. Khi Ngài tranh luận vào buổi tối, mọi người đều ngạc nhiên về tài tranh biện xuất sắc của Ngài! Buổi tối đó là lần đầu tiên mọi người thấy được trình độ tranh luận của Đức Dalai Lama thông tuệ đến mức nào.

Đề tài tranh luận của tôi là hai chân lý, quy ướccứu cánh. Hai mươi lăm năm sau, khi tôi gặp lại Đức Dalai Lama năm 1985, Ngài vẫn còn nhớ rất rõ. Ngài nói, “Ông là một trong những người tranh luận với tôi, phải không? Ông đã tranh luận về hai chân lý.” Đây là một buổi tranh luận lớn có sự hiện diện của rất nhiều tăng sĩ, và Đức Dalai Lama không chỉ biết rằng tôi là một trong những người đã tranh luận với Ngài, mà Ngài còn nhớ cả đề tài tôi đã tranh luận nữa!

Bài báo này xuất hiện lần đầu tiên trong Tạp chí Mandala, Tháng Bảy/Tám năm 2000.

__________________________________________

Tham Thiền trong Mười Chín Năm
Geshe Gyalten Kunga, thị giả của H.E. Choden Rinpoche
Lozang Ngodrub dịch 

Rinpoche sống trong nhà của người anh họ của Ngài tại Lhasa từ năm 1965 đến 1985 và không bao giờ đi ra ngoài. Ngài sống như một người tàn phế. Phòng của Ngài không có cửa sổ, chỉ có một khoảng trống nhỏ dưới cánh cửa để thông hơi. Rinpoche sống trong một căn phòng trong tám năm, rồi Ngài dọn sang một phòng khác trong mười một năm còn lại. Tôi đã nhìn thấy căn phòng thứ nhì và nó thật là tối. Khi vừa bước vào phòng, bạn chẳng nhìn thấy gì cả, nhưng khi mắt bạn đã quen dần với bóng tối thì bạn có thể thấy một vài vật nào đó. Ngay cả bây giờ, tại Tu Viện Sera, khi tôi vén màn trong phòng của Rinpoche lên, Ngài sẽ nói, “Đừng, đừng làm như vậy.” Tôi nghĩ Ngài để tôi vén màn lên là vì tôi cần ánh sáng chứ không phải vì Ngài thích như vậy. Ngài không hề bước một bước ra khỏi hai căn phòng trong nhà của người anh họ trong suốt mười chín năm.

Bình thường, khi nhập thất, bạn cần các kinh sách, một bức tranh vải của vị bổn tôn (tangka), trống, chuông và chày kim cang, những thứ đại loại như thế, nhưng Rinpoche chỉ có một xâu chuỗi mà thôi. Ngài không có bàn thờ, kinh sách, chẳng có gì cả. Ngài đã học thuộc lòng tất cả các kinh sách và bài cầu nguyện trong những năm tu học tại Sera, nên Ngài không cần những thứ này. Người Trung Hoa luôn luôn kiểm soát xem Ngài đang làm gì; họ đến nhà của Ngài vài lần trong ngày và nếu họ thấy Ngài có bất kỳ một món vật nào liên quan đến tôn giáo, họ sẽ tịch thu nó ngay. Vì thế nên Rinpoche đã hoàn tất các kỳ nhập thất trong tâm thức của Ngài; tất cả đã xảy ra trong tâm Ngài mà thôi. Tuy nhiên, Ngài không bao giờ nói như vậy; Ngài chỉ nói rằng Ngài đã ngủ và suy nghĩ chút ít về Pháp.

Ngài đã dùng tất cả thời gian để tham thiền trên giường. Người nhà của Ngài phải thay tấm trải giường mỗi tháng một lần, vì nó nặng mùi mồ hôi, thế nên Ngài chỉ rời khỏi giường khi người nhà làm việc này. Ngài ngồi trên giường suốt ngày và ban đêm thì nằm ngủ. Ngài dùng một cái bô cho việc đi vệ sinh, bởi vì Ngài giả vờ như một người bị tàn phế. Cho đến năm 1980, Ngài không hề nói chuyện với bất cứ ai, ngoại trừ người mang thức ăn vào phòng cho Ngài. Không một ai khác đã vào phòng của Ngài – nếu ai cúng dường thức ăn cho Ngài thì họ sẽ đem thức ăn đến cho gia đình Ngài và người nhà sẽ mang vào cho Ngài. Ông nội của tôi và cha tôi là đệ tử của Ngài, nên họ sẽ mang đến những gì Ngài cần. Họ nói Rinpoche để tóc dài và có một hàm râu rất dài. Họ nói Ngài là một người rất đặc biệt.

Bài báo này xuất hiện lần đầu tiên trong Tạp Chí Mandala, tháng Bảy/Tám 2000.

____________________________________

Thọ Dụng Tinh Chất - Chulen
Choden Rinpoche
Lozang Ngodrub dịch

Người Trung Hoa nói rằng tôn giáođộc dược. Tuy nhiên, lúc đầu, họ nói rằng nếu bạn có thể hành trì Pháp mà không cần nương tựa vào người khác để có thực phẩm hay y phục, thì bạn có thể tu tập. Họ cho rằng bạn là kẻ ăn bám nếu bạn sống bằng thực phẩm của người khác, nên nhiều hành giả đã quyết định rằng pháp tu Thọ Dụng Tinh Chất, tức Chulen, (không cần thực phẩm) là phương pháp tốt nhất, và họ có ý định nhập thất trong những nơi ẩn dật trên núi.

Khi hành trì Chulen, bạn cần có sự chỉ giáo, những chỉ giáo đúng đắn. Lúc đầu, tôi không có được điều này, nhưng cuối cùng, sau khi thỉnh cầu rất nhiều lần, một vài người trong chúng tôi đã nhận được chỉ giáo và tôi đã nhập thất trong ba tháng.

Tôi đã muốn tiếp tục hành trì này trọn đời. Công phu tu tập diễn tiến khả quan và tôi cảm nhận được nhiều năng lựcchánh niệm. Tuy nhiên, sau ba tháng, người Trung Hoa đến và nói rằng việc nhập thất này đúng là một sự phê phán đối với chính quyền của họ. Họ cho rằng pháp thiền này là một sự sỉ nhục cho đất nước và chúng tôi đang đưa ra thông điệp rằng chính quyền không thể cung cấp thực phẩm cho chúng tôi. Tựu chung là chúng tôi đang hạ thấp người Trung Hoa, rằng đây là một hình thức tinh vi của một cuộc cách mạng. Thế là chúng tôi phải chấm dứt hành trì Chulen.

Có ba loại Chulen: Chulen hoa, Chulen đá và Chulen nước. Với Chulen hoa, có một loại dược phẩm bào chế từ nhiều loại hoa khác nhau. Bạn uống ba viên: một viên buổi sáng, một viên buổi trưa và một viên buổi tối. Đó là tất cả những gì bạn dùng trong ngày và như thế là đủ. Thế rồi, khi bạn quen dần, bạn chỉ cần uống một viên là đủ. Và khi bạn đã hoàn toàn quen thuộc với điều này thì bạn không cần ăn gì cả. Bạn chỉ áp dụng sự quán tưởng và hấp thụ trực tiếp những tinh chất này vào trong người bạn. Năng lượng này tự nó đã đầy đủ để giúp cho bạn sống.

Khi bạn thực hành Chulen, bạn tự hóa hiện như một bổn tôn, sau đó bạn dùng viên thuốc và quán tưởng rằng bạn đang thọ dụng những tinh túy của ngũ đại, không khí, đất, nước, lửa và không gian. Bạn hấp thụ những tinh túy này vào thân mình. Bằng cách thực hành này, bạn không cần phải phụ thuộc vào thức ăn nguyên chất nữa.

Đối với các hành giả tu tập Pháp, một cuộc nhập thất Chulen giúp bạn bớt tốn thời gian. Bạn sẽ không tốn thời gian để tìm thức ăn và nấu nướng, nghĩa là bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để thực hành Pháp, đặc biệt là khi bạn nhập thất trong một hang động. Bạn không cần nhờ một thí chủ chu cấp thức ăn cho bạn. Hơn hữa, Chulen giúp cho tâm bạn vô cùng sáng suốt. Nó hỗ trợ năng lực cho việc tham thiền. Lợi ích thứ hai là nó kéo dài thọ mạng, giảm thiểu tóc bạc và nếp nhăn của bạn. Nó cũng khiến cho gương mặt và thân hình bạn tươi đẹp hơn.

Lợc ích tốt nhất là hiện nay, chúng ta đang tích lũy quá nhiều nghiệp tiêu cực liên quan đến thực phẩm như chấp thủ, giết hại, quá nhiều nghiệp xấu, và với hành trì Chulen, tất cả những điều này sẽ chấm dứt.

Bài báo này xuất hiện lần đầu tiên trong Tạp Chí Mandala, tháng Bảy/Tám, 2000.

__________________________________________


Tham thiền: Giúp Cho TâmTích Cực
Lozang Ngodrub dịch

Tham thiền nghĩa là trở nên quen thuộc với những tư tưởngtâm thức tích cực của mình [danh từ Tạng ngữ của thiền, gom, nghĩa là “làm cho quen thuộc”]. Bạn cố tăng trưởng những tiềm năng tích cựcgiảm thiểu những dấu ấn tiêu cực trong tâm bạn. Nếu bạn không thể làm được điều này mà chỉ tập trung tâm ý vào hơi thở thôi thì đây là một điều vô ích. Nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Điều chính yếu là làm tăng trưởng những tiềm năng tích cực trong giòng tâm thức của bạn. Đó gọi là thiền.

Đầu tiên, bạn suy ngẫm về các tư tưởng tích cực nhiều lần để tâm bạn quen dần với chúng và trở nên đồng hóa với bản chất tích cực này; thế rồi bạn sẽ không cần suy nghĩ hay viện một lý do gì mà ý tưởng tích cực vẫn phát khởi một cách tự nhiên trong tâm bạn.

Bạn thực hành các tư tưởng tích cực thật nhiều lần, và khi bạn có thể dần dần loại bỏ các tư tưởng tiêu cực thì điều này sẽ tạo ra các thực chứng.

Ta không thể nào đạt được các thực chứng một cách nhanh chóng! Chúng ta đã quá quen thuộc với những tư tưởng tiêu cực trong nhiều a tăng kỳ kiếp, nên trước tiên, ta phải tịnh hóa chúng. Nếu bạn có thể tịnh hóa tất cả các tư tưởng tiêu cực thì bạn sẽ có những chứng ngộ xác thật.

Rất nhiều vị lama trong quá khứ đã nhập thất bốn mươi năm, hai mươi năm, có vị nhập thất mười hai năm, nhưng họ chẳng có dấu hiệu gì của sự chứng ngộ cả. Điều này có thể xảy ra. Đó là vì chướng ngại của những nghiệp tiêu cực mà họ đã tích tập qua nhiều a tăng kỳ kiếp.

Khi đức Phật hạ sanh trên trái đất này, các đệ tử của Ngài có ít vô minhtư tưởng tiêu cực hơn chúng sanh trong thời hiện tại, vì thế các vị này đã đạt được chứng ngộ trong một thời gian rất ngắn – chỉ trong vòng một hay hai ngày thôi. Chỉ cần thọ nhận giáo huấn của đức Phật là họ đã chứng ngộ rồi.

Ngài Vô Trước (Asanga), học giả vĩ đại người Ấn Độ, là một ví dụ hay. Ngài đã nhập thất mười hai năm và chẳng hề có được dấu hiệu chứng ngộ nào cả. Cuối cùng, Ngài rời bỏ hang động của mình. Khi đi ra ngoài, Ngài thấy một con chó bị thương ở bụng. Vết thương bị giòi ăn lở lói và con chó sủa một cách đau đớn. Ngài Vô Trước phát tâm từ bi vô lượng đối với con chó. Ngài nghĩ nếu Ngài bỏ đi thì con chó có thể chết, nhưng nếu Ngài bắt giòi ra thì chúng cũng sẽ chết. Thế nên Ngài đã xẻo thịt của chính mình để nuôi những con giòi. Ngài cũng biết rằng nếu Ngài dùng ngón tay để nhặt giòi ra khỏi vết thương thì chúng sẽ chết, vì thế, với lòng bi mẫn cao cả, Ngài quyết định dùng lưỡi để nhặt chúng ra khỏi vết thương. Ngài nhắm mắt lại và le lưỡi về phía con chó, nhưng Ngài không thể chạm vào nó được.

Khi Ngài mở mắt ra, Ngài nhìn thấy đức Phật Di Lặc trước mặt mình, người đã hóa thân trong hình tướng một con chó trước đó. Ngài Vô Trước nói rằng, “Con đã tham thiền về Ngài suốt mười hai năm, nhưng chẳng thấy được Ngài. Tại sao Ngài không hề ban cho con một chỉ dấu nào trong mười hai năm, thưa Ngài?” Đức Di Lặc trả lời, “Ta luôn ở bên con trong suốt mười hai năm, nhưng con chẳng thể thấy ta vì những nghiệp chướng của con. Tuy nhiên, giờ đây con đã phát tâm từ bi cao cả, nên con đã loại trừ mọi nghiệp chướng và đã nhìn thấy được ta.”

Thế nên chính những nghiệp tiêu cực của chúng ta ngăn trở khả năng ta đạt được chứng ngộ. Đây là lý do vì sao ta cần tịnh hóa nghiệp chướng để có được thực chứng.

Thế thì làm việc cho các vị lama và trung tâm Phật giáo có tịnh hóa nghiệp tiêu cực hay không? Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào tác ý của bạn. Nếu bạn làm việc này để phụng sự Đạo Sư của mình và quảng bá Phật pháp, nghĩ rằng Pháp bảo sẽ giúp ích cho nhiều chúng sanh hơn và mang lại hạnh phúc cho họ. Nếu bạn nghĩ như thế này thì việc làm của bạn chắc chắn sẽ tịnh hóa các nghiệp tiêu cực của mình.

Nếu bạn chỉ nghĩ về đời này và cho rằng bạn đang làm việc để nhận lương bổng hay vì bạn có được một căn nhà đẹp và các thức ăn ngon, thì nghiệp tiêu cực của bạn sẽ chẳng được tịnh hóa. Bạn phải phát tâm làm việc vì chúng sanh.

Khi vừa thức dậy, bạn nên nghĩ rằng, “Tôi đang làm việc để phụng sự Đạo Sư, để duy trìquảng bá Pháp, giúp ích cho chúng sanh. Điều này sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng sanh.” Nếu bạn nghĩ như thế thì cả một ngày của bạn sẽ là ngày tích cực. Nếu bạn chỉ nghĩ về những gì thuộc về đời này mà không nghĩ đến điều gì khác nữa, thì khía cạnh tích cực của bạn sẽ không tăng trưởng.

Bài báo này xuất hiện lần đầu tiên trong Tạp Chí Mandala, tháng Bảy/Tám, 2000.


_______________________________________________

Lợc Ích của Việc Học Thi Phú và Ngữ Pháp
Choden Rinpoche
Lozang Ngodrub dịch

Từ năm 1961 đến 1965, tôi tu học với vị Trụ Trì phái Sakya tại Lhasa. Dù chỉ tu học như thế, nhưng chúng tôi rất lo sợ – lo sợ cho vị thầy và lo sợ cho đệ tử. Tôi là người duy nhất tu học với vị lama này.

Tôi đã học ngữ pháp và thơ, rồi tiếng Phạn. Tôi đã học môn nghiên cứu về âm thanh. Có một môn Phạn ngữ khác mà bạn ghép các chữ cái để tạo thành các mật chú. Tôi cũng đã học môn thiên văn Tây Tạng (bắt nguồn từ Ấn Độ). Tôi không học y khoa vào lúc đó, nhưng khi tôi trở về quê nhà thì sư phụ của tôi là một bác sĩ. Nhờ sống chung với ngài nên tôi biết được vị thuốc nào chữa trị loại bệnh nào.

Khi bạn càng tinh thông ngữ pháp thì bạn càng đọc kinh điển dễ dàng và thấu hiểu ý nghĩa sâu xa của Pháp hơn nữa. Có một phương pháp mà nhờ sự học hỏi những chi tiết tinh vi của ngữ pháp, bạn sẽ có được nội kiến tinh tế hơn về thực tại. Môn ngữ pháp rất sâu sắc trong Tạng ngữ, vì thế nội kiến của bạn cũng trở nên sắc sảo hơn. Khi bạn đọc một bản kinh văn, bạn sẽ biết một cách chính xác những lỗi chính tả nằm ở đâu; vì lối viết chính tả trong Tạng ngữ không giống như Tây phương, nó vô cùng tinh vi.

Việc học thi phú giúp bạn sáng tác các bài cầu nguyệntán thán một cách hùng hồn và hữu hiệu nhất, trong đó bạn dùng những thí dụ và tỷ giảo, sắp xếp một tỷ giảo thành một bài tán thán, và bạn có thể sáng tác những tác phẩm đầy thi vị.

Khi bạn học môn thi phú, bạn có thể học nghệ thuật viết và đọc theo một cách nhất định nào đó mà khi bạn đọc xuôi thì các dòng chữ có một nghĩa, và nếu bạn đọc ngược thì chúng cũng có một ý nghĩa. Cả hai chiều của dòng chữ đều truyền đạt một ý nghĩa.

Có một tác phẩm của Lama Tsongkhapa với tựa đề Luyện Tư Tưởng bằng Âm Thanh Tuyệt Vời của Thi Phú mà ta có thể đọc xuôi hay ngược; cả hai chiều bạn đều có thể đọc và giảng dạy được. Lama Tsongkhapa là một nhà thơ vĩ đại, không có điều gì mà Ngài không biết! Ngài có một tâm thức toàn tri.

Phần lớn những gì tôi sáng tác là những bài cầu nguyện trường thọ cho nhiều lama và những lời kệ chúc lành cho các tòa nhà mới. Nhiều người đã yêu cầu tôi viết sách, nhưng tôi không thích làm việc này. Mục tiêu chính của việc học thi phú, ngữ pháp và thiên văn là để thấu hiểu Pháp một cách đúng đắnáp dụng nó vào việc hành trì. Tôi đã không học những môn này để viết sách. Khi người ta hỏi, tôi nói rằng chúng ta đã có quá nhiều sách vở, ta đã có đủ sách rồi. Điều mà chúng ta cần là việc thực hành những chỉ giáo từ sách vở.

Bài báo này xuất hiện lần đầu tiên trong Tạp Chí Mandala, tháng Bảy/Tám 2000.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant