Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Phát Tâm Từ Bi

13 Tháng Chín 201200:00(Xem: 6968)
Phát Tâm Từ Bi

PHÁT TÂM TỪ BI
Tác giả: Ni sư Tenzin Palmo
Chuyển ngữ: Thích nữ Giác Anh

ven_tenzin_palmo_0Mấy năm trước, nhân dịp Đức Dalai Lama đến thăm thung lũng Lahoul nơi chúng tôi tu tậpẤn Độ; lúc đó Ngài trú lại một tuần để thăm viếng, ban lễ điểm đạogiảng pháp. Sau buổi thuyết pháp dài mấy tiếng đồng hồ, tôi hỏi một phụ nữ Lahoul rằng: “Bác có biết Đức Dalai Lama giảng gì không?”. Bác gái trả lời: “Dạ, con không hiểu nhiều nhưng con biết Ngài giảng là, nếu ta có lòng từ bi thì đó là điều tốt”. Đúng vậy, cơ bản là như thế. Đâu có gì đáng nói hơn thế nữa phải không? Nếu chúng talòng từ bi, điều đó không tốt lắm sao? Vậy từ bi nghĩa là gì?

Xã hội chúng ta đang hướng đến sự phát triển từng cá nhân. Ta đặt nặng việc phát huy năng khiếu của từng người, nhưng cùng lúc, làm sao phải hòa nhập với xã hội xung quanh. Điều đó nghe như trái nghịch nhau, một mặt hô hào chủ nghĩa cá nhân, mặt khác phải phù hợp với xã hội. Bạn để ý thấy không, mọi người trong chúng ta ít nhiều đều bị ảnh hưởng như thế.

Theo truyền thống, gia đình luôn là nền tảng cho xã hội. Khi xưa còn bé, cả nhà tôi thường quay quần bên nhau, cùng chơi bài, phóng hỏa tiễn, cùng nhau chơi đủ thứ trò. Chuyện gì cũng cả gia đình. Mẹ ở nhà lo việc bếp núc, chăm nom dạy dỗ con cái. Mỗi người tự biết mình là một phần của gia đình.

Xa hơn một chút, tự nhận thức mình là một phần trong giai cấp, chế độ xã hội. Xa hơn nữa, tự thấy mình có trách nhiệm với cộng đồng, chủng tộcquốc gia mình đang sống.

Trong một xã hội với truyền thống như thế, mỗi người đều nhận thức mối giao hòa với người xung quanh. Họ biết vị trí của họ. Với vị trí đó, dù cao hay thấp, dù trên người này hay dưới người kia, người ta đều biết cách cư xử và đón nhận những gì người khác đối xử lại. Mỗi người đều có bổn phận và trách nhiệm với gia đình, với tổ chức, cộng đồng xã hội đang sinh sống. Tôi còn nhớ, mặc dù lớn lên ở London, nhưng khi láng giềng bị bệnh, tất cả những người hàng xóm khác đều có mặt ở đó. Ngày trước, tình lối xóm láng giềng khiến con ngườitrách nhiệm quan tâm đến nhau.

Suốt quãng thời gian tôi lớn lên, ý thức tự nhận biết mình là một phần giữa những dây liên đới thân thiết như thế vẫn còn mạnh lắm. Nhưng ngày nay, tất cả những gì gọi là cá nhân càng lúc càng mạnh mẽ, khiến xã hội ngày càng như xa cách. Ý thức giao tiếp với người khác kém đi. Trẻ em không còn trưởng thành với sự tôn trọng, bổn phận và trách nhiệm với những người xung quanh, ngược lại lúc nào cũng nghe “quyền của tôi” hoặc đó là “việc của tôi”.

Chúng ta có thể nghĩ, điều này giúp mỗi người tự khẳng định mình, cố đạt những gì mong cầu và phản ứng lại những ai chống đối. Lý tưởng cá nhân chủ nghĩa khiến ta tự thấy hài lòng, giúp ta biết ta là ai, từ đó tự thấy lâng lâng thỏa mãn. Điều này thật lý tưởng, phải vậy không? Ta cứ việc làm những gì mình muốn, nói những gì mình thích, nghĩ những gì mình ưa. Có đôi lúc điều đó làm ta vui, thoải mái và tự mãn, vì ta đã đạt những gì mình muốn. Vậy điều đó có gì sai đâu?

Chúng ta có thể thấy điều này rất rõ ngay trên nước Úc này: nhìn từ bên ngoài, nước Úc như một thiên đàng, phải vậy không? Đối với tôi, mới đến từ Delhi - Ấn Độ, thì nước Úc chắc chắn càng là thiên đàng hơn nữa. Ở đây quá sạch sẽ và trật tự, xe cộ chạy ngay hàng thẳng lối, không có bò lang thang trên đường. Không có cảnh nghèo đói, bần cùng, không có kẻ cùi hủi, ăn mày trên đường phố. Nhìn thấy như thế hẳn thật sự chỉ có trong tranh vẽ. Nhưng như vậy tại sao nước Úc lại là một trong những nước có tỉ lệ tự tử cao nhất thế giới? Chuyện gì đã xảy ra?

Đây là một vấn nạn khó khăn và trầm trọng. Tôi không phải là nhà xã hội học hay tâm lý gia, nên không cố đi sâu hơn từng chi tiết. Nhưng đằng sau nghi vấn này là một bức màn đen tối, bởi hoàn cảnh xã hộihệ thống truyền thông giáo dục luôn cổ xúy mọi người nghĩ rằng, thành công là những gì đếm được, là những gì đẹp đẽ và thời thượng. Điển hình như có nhiều tiền, có thời trang đẹp, đúng hiệu… sẽ mang đến cho ta hạnh phúc. Nhưng rõ ràng điều đó không thật. Nếu điều đó thật, các bạn đã không đến nghe Pháp tối nay. Bởi vì nếu đó là thật, các bạn đã thấy mãn nguyện rồi, không cần phải tìm kiếm cái gì xa hơn nữa.

Phương Đông ngày nay, đặc biệt ở những quốc gia thứ ba, đang bắt đầu thâm nhập trào lưu tiêu thụ này. Họ bắt đầu dấn thân vào lối sống “càng có nhiều càng tốt”. Cuộc sống thiếu tivi, xe hơi, quần áo đẹp v.v… bị xem là tụt hậu. Do đó muốn có hạnh phúc thì phải chạy theo vật chất. Nhưng đa số người dân đều không đầy đủ, ngoài tầng lớp trung lưu đang phát triển, đa phần còn rất nhiều người thiếu cả những nhu cầu hết sức bình thường, tốt thiểu. Hàng ngày, nhan nhãn trên tivi quãng cáo đầy những vật chất tiện nghi, nên khiến họ nghĩ rằng “chỉ cần có những thứ này thôi, cuộc đời đã hạnh phúc lắm rồi”. Xem tivi thấy chương trình Mỹ phát thanh bằng tiếng Hindi, nào là xe hơi, nhà cửa sang trọng… họ thầm mơ “Ồ, bây giờ nếu ta có căn biệt thự như thế, là đã Niết Bàn quá rồi!”. Bởi họ không có, nên đối với họ đó chỉ là một giấc mơ cao xa. Tuy nhiên ở phương Tây, chúng ta đã có những điều này từ lâu. Đa số lớn lên trong những ngôi nhà rộng lớn như vậy. Nhưng trên thực tế, cuộc sống tinh thần ở phương Tây chúng ta thì sao?

Tôi còn nhớ một cô bạn người Đức, từng đến sống với chúng tôi trong trại Tây Tạng. Lúc đó, cô ấy háo hức định sẽ mua một cái máy hút bụi. Cô dành cả tuần lễ để đi tìm mua cái máy đó, cuối cùng cô mua được một cái vừa ý. Được cái máy hút bụi, cô tỏ ra vui lắm và hăng hái dọn dẹp hút bụi hết cả cái nhà. Bạn có tưởng tượng, chỉ có cái máy hút bụi mà cô ấy vui vẻ như vậy không?

Nhưng nếu không có, trong ta sẽ dâng lên một ý tưởng mạnh mẽ rằng “nếu ta có thì sẽ được vui vẻ thỏa mãn dài lâu!”. Dĩ nhiên, cô ấy là người Đức, mặc dù lúc đó cô rất vui nhưng cô cũng biết rằng niềm vui ấy là điều ngớ ngẩn, là không đáng. Nhưng nếu không có, thì dường như cô ta cứ mơ màng trong ý thức sai lầm, mọi thứ sẽ được trả lời bằng “nếu như ta có…”

Bây giờ ở phương Tây, có quá nhiều những vật chất hàng hóa tiện nghi, nếu với trí thông minh, ta sẽ nhận ra đây không phải là câu trả lời. Bởi vì KHÔNG vẫn hiện diện nơi đó. Dù chất đầy những thứ vật chất thì trạng thái thiếu vắng trong chúng ta vẫn không mất. Điều này không có nghĩa không nên có tivi, xe cộ hay máy hút bụi... Vấn đề không ở chỗ vật chất ngoài thân nhiều hay ít. Vấn đề ở chỗ có tin những thứ vật chất này mang đến sự thỏa mãn rốt ráo hay không mà thôi. Có thế thì đây mới là một thuận lợi cho người phương Tây, tức có thể vượt qua giới hạn của sở hữu vật chất. Chỉ có những ai ở trình độ này mới hiểu còn có điều gì đó xa hơn vật chất nữa.

Chúng ta đang nắm bắt những giá trị rất hiện đại và “thời thượng”, nhưng thật ra chỉ là những giá trị rất “giả ảo”, chúng làm mờ mắt ta bằng các phương tiện truyền thông, qua môi trường và xã hội xung quanh. 10 hay 20 năm sau nhìn lại, ta sẽ thấy “Trời ơi, lúc đó ta đeo những thứ này thật sao?” “Ta đã nghĩ như thế thật sao?” Bởi tất cả những suy nghĩ, ý tưởng, phê bình hay tỵ hiềm v.v… sẽ sớm trở nên lỗi thời như trang phục chúng ta vậy. Thỉnh thoảng nhìn lại những gì đã từng được xem là “một cuộc cách mạng” hồi mấy năm về trước, giờ đây hoàn toàn không còn hợp thời nữa.

Xã hội ngày nay, mọi người được dạy phải tự nghĩ cho bản thân, được đào tạo theo lối muốn thành công phải phát huy chính mình. Chúng ta được dạy phải lao vào cuộc sống bằng bất cứ giá nào, chứng tỏ cho mọi người thấy ta đang thành tựu để mọi người sẽ ngưỡng mộ ta. Kết quả, xã hội càng ngày càng nhiều kiểu văn hóa khiến người xa lạ người. Dĩ nhiên lại thêm trong thời đại vi tính, con người gần vi tính hơn với cả người trong gia đình. Điển hình giữa chồng với vợ, đầu tắt mặt tối ra ngoài làm việc. Về đến nhà họ làm gì? Họ mang về một mớ thức ăn đóng hộp (take away food), không ai nấu ăn nữa, rồi ngã vùi trước màn ảnh tivi. Bọn trẻ đi học về, lập tức chui vào phòng chơi trò riêng của chúng. Mọi người cùng lên Internet hoặc trả lời email. Còn đâu những mối giao tiếp với nhau?

Như vậy chúng ta có một xã hội trong đó những trẻ vị thành niên lớn lên không biết giao tiếp. Thậm chí khi chúng gặp mặt nhau, thì mỗi đứa đều đang cuốn hút vào những thú vui riêng. Ta thường thấy bọn trẻ vừa đi bộ vừa đeo earphone nghe nhạc, hay tán gẫu (chatting) trên điện thoại di động. Nói cách khác, chúng bước theo nhịp điệu của chúng. Chúng hoàn toàn khép mình vào thế giới riêng, chứ không phải thế giới bên ngoài. Nhưng trong đầu chúng là cả một thế giới đang náo loạn và nổ tung. Vì thế ngày càng xa cách nhau hơn, ngày càng cô độc hơn và ngày càng suy nhược tinh thần hơn. Thật đáng mỉa mai thương xót thay!

Tại sao người Tây phương mỗi ngày càng lâm vào tình trạng cô độc, bất mãn và không còn khả năng giao tiếp như thế? Nguyên do nằm tại mỗi người, không phải do bên ngoài. Con người không hài lòng chính mình, không an lạc với chính mình. Họ không thích chính họ. Bấy giờ, nếu ta không thích chính ta thì tự động ta sẽ đem phiền não đến người khác thôi.

2500 năm về trước, khi Đức Phật thuyết pháp về thực hành lòng từ bi. Ngài giảng có hai cách cho một hành giả thực tập phát tâm từ đến tất cả chúng sanh. Cách thứ nhất, thực tập trãi rộng những tư tưởng yêu thương đến mọi phương hướng: đông, tây, nam, bắc, phương trên, phương dưới v.v… Hành giả thực tập quán phát tâm từ đến tất cả chúng sanh trên thế giới. Hoặc cách thứ hai, có thể bắt đầu thực tập từ bi với những đối tượng ta hằng mến yêu, từ những người trong gia đình, vợ chồng hay con cái, sau đó dần dần đến những người không lạ không quen, rồi đến những người ta từng ghét. Sau cùng là tất cả chúng sanhmọi nơi.

Nhưng trước khi bắt đầu, Đức Phật dạy phải biết từ bi với chính mình. Khởi sự với niệm tưởng “Nguyện cho con khỏe mạnh và vui vẻ. Nguyện cho con an lạc và từ ái”. Bạn biết không, nếu chúng ta không thể tốt với chính chúng ta, làm sao ta tốt với người khác được. Ta phải thương yêutừ bi với tất cả muôn loài chúng sanh: từ người, súc sanh, côn trùng, chim, cá, đến những loài thấy được hay không thấy được, ở những cảnh giới cao hơn hay thấp hơn v.v… Tất cả chúng sanh đều là đối tượng cho tình thươnglòng từ bi của chúng ta. Vậy trong những chúng sanh đó làm sao có thể sót chúng sanh này được? Chúng sanh này đang có nhu cầu đòi hỏi tình thương vô hạn trước nhất. Nếu không, sẽ chẳng khác nào người có thể phát ánh sáng ra khắp nơi, nhưng bản thân mình lại đang chìm trong bóng tối. Như vậy là không đúng. Ta cần mở rộng tình thương đến chúng sanh nào đang cần nhất ngay giờ phút này, đó không đâu xa hơn là chính chúng ta. Điều này phải thực hành nếu muốn phát lòng từ bi.

Một điều đáng nói nữa, xã hội từ trước đến giờ, con người cứ hay suy nghĩ những việc xấu mình đã làm, tự thấy mình đáng xấu xa, vô cùng tội lỗi. Vì tự thấy mình như một tội đồ, nên thường cảm thấy khổ sở. Thái độ tự hạ thấp mình được xem là tốt, bởi người ta nghĩ người ta chỉ là như những con sâu vô nghĩa phi khi được một đấng nào đó cứu rỗi.

Tuy nhiên đó không phải là quan điểm của Phật Giáo. Quan điểm Phật Giáo cho rằng, chúng ta vốn có khả năng thanh tịnhhoàn hảo. Tâm bản nhiên như bầu trời rộng rãi bao la, không có điểm giữa và cũng không có điểm cùng. Tâm cũng bao la không cùng tận. Không có “tôi”, cũng không có “cái của tôi”. Tâm là nơi gặp gỡ giữa ta với người. Đó chính là chân tánh của chúng ta. Không may, vào lúc này chân tánh ấy vướng đôi chút chướng ngại vì bị mây mờ che phủ. Ta lầm tưởng ta là mây mờ, không thấy được bầu trời kia trong xanh và vô tận. Bởi ta cho ta là mây mờ, nên ta không biết ta và người là ai. Nếu dùng sự hiểu biết chân chánh, vốn luôn có khả năng toàn mỹ, nhưng thỉnh thoảng chỉ do một vài vô minh nào đó che khuất, thì đâu có sự bất xứng nào đó xảy ra. Tâm bản nhiên vẫn luôn hiện thực nếu chúng ta nhận thức được. Mỗi người đều sở hữu năng lượng Phật tánh, vốn là tiềm năng của giác ngộgiải thoát. Có như vậy thế giới này mới không còn vô nghĩa. Một khi đã hiểu tiềm năng nội tại luôn hiện diện ở đó làm nền tảng cơ bản cho mỗi chúng sanh, thì mọi nghi vấn về phát tâm từ bi sẽ rất hữu lý. Bởi chúng ta chỉ đang làm một việc là quay về với chân tâm bằng tình thương, bằng từ bi và bằng sự hiểu biết mà thôi. Điều đó không phải phát minh điều gì mà vốn chúng ta không có.

Thay đổi cách nói ẩn ý trên, ví như ta đang quay về với nguồn suối mát trong. Bên trong chúng ta luôn có một suối nguồn của tình thương, trí tuệ, từ bitri giác vô tận, đó chính là chân tâm. Suối nguồn luôn có đấy, nhưng vì chưa được khai thông nên ta tưởng như khô cằn. Nhìn chung quanh, ta chỉ thấy một trái đất khô khan. Hoặc chỉ thấy một đống rác khủng khiếp. Và ta nghĩ “Ta là đống rác này, ta không có suối trí tuệtừ bi, ta chỉ là một đống rác to lớn. Chỉ là đồ bỏ mà thôi”. Đây quả là một sai lầm nghiêm trọng. Ta tự xem ta là đống rác, mà không nhận thấy dưới đống rác kia là nguồn suối. Cho dù đống rác có to lớn đến đâu, nhưng nguồn suối kia vẫn bất tận. Điều cần làm là khơi thông nguồn suối, rồi nước sẽ tức thì vọt lên. Nhưng quan trọng nhất là nhận thức mỗi chúng ta đều có chân tánh, dù bị phiền não che lấp, nhưng trước sau chân tánh vẫn luôn ở đấy.

Bây giờ, dĩ nhiên có nhiều pháp tu khác nhau để giải quyết đống rác đó. Lục độ Ba La Mật hay còn gọi sáu pháp viên mãn, là con đường đức Phật đã trãi qua để đạt đến đạo quả giải thoát. Sáu pháp này không những tuyệt vời như tĩnh lựtrí tuệ, mà còn là những pháp môn thực hành căn bản. Sáu pháp Ba la mật gồm có bố thí, nhu hòa nhẫn nhục, trì giới, không làm hại chúng sanh, tinh tấn chuyển đổi cuộc sống chính mình v.v… Tất cả những phẩm hạnh này rất quan trọng để chuyển đổi nội tâm. Ta không thể hòa nhập thế giới khách quan nếu ta không thay đổi chủ quan cá nhân. Thế giới bên ngoài phản ảnh tâm thức những chúng sanh đang sống trong xã hội đó. Chúng ta có một xã hội mà chính chúng ta đã chọn lựa. Xã hội chỉ là cấp độ nhân của những tâm niệm từng con người trong xã hội đó. Ta không thể đổ thừa cho những nhà chính trị hay thương mại. Ai cho họ quyền bính? Phải chăng chính ta bầu cử cho họ? Ai tiêu thụ những sản phẩm của họ? Nếu mai đây mọi người đều từ chối không tiêu thụ hàng hóa nữa, nền kinh tế sẽ sụp đổ. Tất nhiên những nhà thương mại đó sẽ tìm cách khác để sống. Ngày nào ta còn tiêu thụ hàng hóa, thì ngày đó nền thương mại vẫn tồn tại. Xã hội là ở chúng ta. Cho đến khi ta thay đổi, xã hội cũng chưa thay đổi đáng kể. Chúng ta phải có trách nhiệm. Xã hội ngoài kia không phải là một khối cứng nhắc. Xã hội nghĩa là gia đình, gồm nhiều gia đình, gồm nhiều mối quan hệ, thương mại và mua sắm. Đó chính là xã hội. Một người biết chuyển đổi tâm tánh, sẽ chuyển hướng trong quan hệ với gia đình, sở làm và với mọi người gặp gỡ chung quanh. Mỗi chúng ta phải có trách nhiệm thay đổi tự tâm chính mình.

Vậy hãy bắt đầu từ những bước đơn giản. Khi nói đến lòng từ bi, có nhiều phương pháp hành thiền để phát triển hạnh lành từ bi. Mỗi một truyền thống đều có những phương pháp hơi khác biệt nhau. Nhưng nếu ta không cẩn trọng, hành thiền sẽ trở thành trừu tượng. Ta ngồi xuống, thực hành từ tâm đến muôn loài chúng sanh. Chúng ta ngồi đấy, tưởng rằng cả vũ trụ tràn đầy lòng bi mẫn của chúng ta, nhưng đột nhiên con chúng ta chạy đến nói “Mẹ, con muốn xem tivi”, lập tức ta trả lời “Cút mau, đừng làm phiền Mẹ. Mẹ đang phát tâm từ!”

Lòng từ bi bắt đầu ngay nơi chúng ta đang sống. Rõ ràng phải như thế. Đầu tiên, bắt đầu nơi chính ta. Từ bi với ta trước, sau đó đến những người gần gũi xung quanh. Nếu không thể có tình thương hay trí giác với chính ta, ta tự hạ thấp mình như thế không phải là tinh thần tốt. Nhiều người cho rằng, Phật giáo phải đi ngược với sự quan trọng hóa bản thân, nên hòa ái với người, tự xem mình là người xấu, nếu không sẽ bị kẹt vào “bản ngã”… Nhưng thật ra đó là một điều hiểu lầm to lớn.

Ngài Tịch Thiên (Shantideva), một triết gia Phật GiáoẤn Độ vào thế kỷ thứ 7, đã chỉ rõ trong tác phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh rằng, giữa tự kiêu và ngã mạn, luôn chấp trước “tôi” và “của tôi”, luôn cảm thấy “ta là tuyệt vời”, và đức tính tự tin hoàn toàn khác hẳn nhau. Tự tin cho ta ý thức luôn làm bạn, luôn hòa ái và dễ chịu với mọi người. Tự tin cho ta niềm tin để vươn lên phía trước. Ở phương Tây, chúng ta thường tự bỏ qua chúng ta vì ta không tin nơi chúng ta. Lần đầu tiên tôi diện kiến Đức Karmapa thứ 16, ở Calcutta năm 1965, Ngài đã nói ngay với tôi trong 10 phút đầu tiên “Vấn đề của Cô là Cô không có tự tin. Cô không tự tin nơi chính Cô. Nếu Cô không tin Cô, thì ai sẽ tin Cô?” Đó là một sự thật.

Ta phải làm bạn tốt với chính ta. Dĩ nhiên ta không muốn làm loại người không biết gì về lỗi lầm của mình. Tất nhiên ta biết ta có lỗi, mọi người đều có lỗi. Nhưng cũng phải biết tri nhận và phát huy những tánh tốt, tánh thiện. Vì nếu không biết mình có tánh tốt, ta sẽ yếu đuối như cây xanh thiếu ánh sáng mặt trời. Có thể nghĩ “mình là một người nóng tính nhưng mặt khác mình cũng khá rộng lượng”. Còn nếu chỉ nghĩ “mình là người nóng tính” thì hóa ra ta chỉ là người xấu ư. Nhưng người xấu đến đâu cũng có những điểm tốt. Những điểm tốt đó cần được nhận thấy và khuyến khích.

Đức Phật giảng Tứ Chánh Cần, là bốn điều tinh tấn. Năng lực tinh tấn đầu tiên là loại trừ những tánh xấu, cố gắng làm cho những tánh xấu ấy không phát sinh trong tương lai. Năng lực thứ hai, nhận biết những tánh thiện và làm cho những tánh thiện ấy phát sinh. Như vậy chúng ta phải nhận biết đâu là tốt và đâu là không tốt. Với người cũng vậy, thậm chí người mà ta không thích cũng có những tánh tốt.

Mọi người đều khát khao hạnh phúc. Mỗi người định hướng hạnh phúc riêng theo mỗi cách khác nhau, ta có cách tìm hạnh phúc riêng của ta, người có khái niệm hạnh phúc riêng của người, nhưng tựu chung mọi người đều muốn có hạnh phúc và đều muốn được toại nguyện. Đâu có người nào sáng thức dậy nghĩ rằng “Cầu cho tôi hôm nay thê thảm và đem thê thảm càng nhiều càng tốt đến cho mọi người”. Đa số nếu được chọn, đều mong cầu hạnh phúc. Không ai thích cau mày, ai cũng thích người khác cười với mình. Không ai thích nghe nặng lời, ai cũng muốn người khác nói lời êm thấm, hòa nhã.

Như vậy, tất cả những ai ta gặp gỡ trong ngày, dù thân như cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, đến những người cùng sở làm, hoặc chỉ thoáng qua bên đường, trong cửa tiệm v.v… ta nên khởi niệm “Họ đều đang mong cầu hạnh phúc” và “Ngay giờ phút này, ta làm được gì để mang niềm vui đến cho họ ?” Bất cứ ta gặp ai cũng nên nguyện thầm “Nguyện cầu cho anh/ chị/ bạn… được mạnh khoẻ và hạnh phúc”. Dù người đó ta thích hay không thích, đẹp hay xấu, già hay trẻ… ta đều chân thành cầu nguyện “Nguyện cho bạn được mạnh khoẻ và hạnh phúc”.

Chư vị Bồ Tát dấn thân vào thế giới khổ đau này, nhưng Bồ Tát luôn luôn cười hoan hỷ. Bởi từ bi của các Ngài đi cùng với trí giác. Cần nhận thức rằng dù trong số chúng ta đây, nhìn bề ngoài rất rộng lượngthành công, nhưng chúng ta vẫn là những chúng sanh lẩn khuất đầy nhạy cảm. Đằng sau lớp mặt nạ hằng ngày là những gì rất tinh tếmong manh. Tất cả vẫn còn ảnh hiện đâu đó bóng dáng của đau khổ, bất ansợ hãi. Những nỗi niềm ấy đang mong mỏi đợi chờ một tình thươnglòng nhân ái từ bi.

Lòng từ bi chân thật phải đặt nền tảng trên tri giác hiểu biết như thật các pháp xung quanh. Đó không phải đa cảm, cũng không phải khoái lạc từ tham ái giả tạm, chối bỏ khổ đau và luôn nghĩ rằng chuyện gì cũng mỹ mãn, vui vẻ. Lòng từ bi chân chánh là một tấm lòng rộng mở, dùng trí tuệ để lắng nghe khổ đau của thế gian. Nếu chỉ chú mục vào cái khổ của riêng ta thôi, thì ta càng nghiền ngẫm càng khổ sở. Ngược lại, khi thương tưởng đến niềm đau người khác, tự nhiên trong ta sẽ dâng lên niềm hỷ lạc trọn vẹn. Tôi không có ý nói, chúng ta vui trên nổi đau của người khác, nhưng ta sẽ không còn có ta nữa khi khởi lòng từ bi đến người.

Người bị bệnh tâm thần thường hay tự kỷ ám thị. Nhữnh bệnh nhân đó luôn nói năng, suy nghĩ về chính họ. Nếu có ai đề cập chuyện thông thường nào đó, họ cũng tưởng như đang nói đến họ. Họ thường thích như vậy, lại hay nhớ nghĩ những khổ đau, ký ức… cuộc đời mình. Dường như những bệnh nhân tâm thần tự khóa chặt, đóng sập bản thân vào thế giới riêng. Tất nhiên họ khổ sở lắm. Còn những người lành mạnh luôn ở thế cân bằng tưởng nghĩ cho người khác. Họ biết tự chăm lo bản thân, và còn quan tâm đến hạnh phúc, an lạc cho người xung quanh. Vì luôn tìm cách cho người hạnh phúcan lạc, nên chính bản thân đã cảm thấy hạnh phúcan lạc.

Xã hội sai lầm khi nghĩ rằng hạnh phúc tùy thuộc vào sự lấp đầy những tham muốn và mong cầu cho bản thân. Đó là nguyên do khiến xã hội đầy những thảm nạn và đau khổ. Chúng ta đang tồn tại trong một xã hội với những cá nhân, mà những cá nhân đó thường bị quấy nhiễu vì nhu cầu cho bản thân. Vì thế giữa người với người không còn giao tiếp, đánh mất mối liên đới với nhau. Trong khi thực tế, chúng ta đang sống nhờ vào mối tương quan đó.

Cuộc sống với những tâm hồn luôn chỉ biết nghỉ cho mình, ai ra sao mặc ai, miễn có lợi cho ta thì tốt, chuyện người thì người tự lo, mình chỉ lo cho mình mình thôi… Đó là những tâm hồn bệnh hoạn, đau khổ và tất nhiên chính họ luôn là người thấy thiếu thốnbất an.

Vì vậy, nên bắt đầu từ chỗ “ta đang ở đâu và ta là ai? Ta không cần phải bắt chước giống một mẫu người nào đó. Càng không nên tưởng tượng nếu mình giống ai đó thì mình sẽ đẹp như thế nào, sẽ nổi tiếng như thế nào v.v… Chúng ta phải bắt đầu ngay từ đây, ngay lúc này và ngay nơi hoàn cảnh chúng ta đang sống đây. Hơn nữa, cần phải tu tập, thay đổi với chính những người đang sống gần ta, chung quanh ta chứ không đâu xa xôi. Đây thật là một cơ hội thách thức cho sự tu tập của mình. Thỉnh thoảng ta hay tránh né hoàn cảnh, muốn lìa bỏ những người ta đang chung sống… Tự nhủ rằng, thế nào một lúc nào đó ta cũng gặp một hoàn cảnh tốt đẹp hơn, những con người đáng sống hơn bây giờ. Thế nhưng lý tưởng đó sẽ không bao giờ xảy ra, vì đi đến đâu ta cũng mang theo con người với tâm thức bây giờ thì làm sao đòi hỏi hoàn cảnh sẽ thay đổi.

Vậy tình thương thật sự là gì? Người Tây phương thường hiểu sai ý nghĩa của tình thương. Họ bám chặt thế giới này với những tình cảm yêu thích như “Tôi thích cà-rem”, “Tôi yêu Chúa” v.v… Người phương Tây tưởng lầm tình thương thật sự là những khao khát, tham vọng, luyến áichấp thủ. Tưởng tình thương là cái gì phải giữ cho chặt, cho đó là “của tôi”. Với tâm tham đắm đó khiến họ đau khổ, sợ hãi khi mất đi những gì họ thương yêu, sở hữu. Họ lầm thương yêu với dính mắc. Dính mắc không phải là thương yêu. Dính mắc là ái luyếnchấp thủ. Đó chính là nguyên nhân của đau khổ luân hồi.

Đức Phật dạy chân lý Khổ và nguyên nhân của Khổ. Nguyên nhân của Khổ là Tham Ái. Tâm thức phàm phu bám chặt vào mọi thứ, không biết rằng mọi thứ đều vô thường, đều biến đổisinh diệt. Các pháp như dòng nước, có câu “không ai tắm 2 lần trên cùng một khúc sông”, vì sao ? Vì nước luôn luân lưu, cũng như mọi việc đều luôn thay đổi. Thực tại ngay giờ phút này, nhưng nếu mê mờ cố bám giữ thì hậu quả sẽ không gì hơn là sợ hãi và khổ đau, không những cho mình mà còn cho người khác. Từ bi hay tình thương chân thành phải thật sự rộng mở và bao la. Đó là những ước nguyện “mong cho người được an lành và hạnh phúc”, không phải “mong cho mình được an lành và hạnh phúc”.

Khi tôi 19 tuổi, với quyết tâm tìm Thầy học đạo, tôi thưa với mẹ rằng: “Con sẽ lên đường đi Ấn Độ”, mẹ tôi trả lời: “Ừ được, vậy chừng nào con đi?” Mẹ tôi không hỏi “Con nói đi Ấn Độ à, vậy có ý gì? Con bỏ mẹ già đơn chiếc một mình sao?”. Mẹ tôi không hỏi thế, mà hỏi “Chừng nào con đi?”, không phải mẹ không thương tôi, chỉ vì mẹ quá thương tôi. Mẹ thương tôi nên muốn tôi hoàn thành được chí nguyện, cho tôi có hạnh phúc. Lúc đó, mẹ không nghĩ “Ồ, khi con đi rồi, mẹ sẽ một mình, buổn khổ biết bao nhiêu, sao con bỏ mẹ như thế đuợc…” Vì không chấp thủ, nên mẹ tôi vui với niềm vui của tôi. Thậm chí khi tôi đi rồi, chắc rằng nhớ tôi nhiều lắm, nhưng bà vẫn vui với những gì tôi làm, những nơi tôi ở và những người tôi gặp gỡ. Bà có đến Ấn Độ ở lại một năm với tôi rồi về. Suốt thời gian tôi ở Ấn Độ, bà chưa từng viết thư nói rằng: “Thôi con hãy về, mẹ đã già rồi, con là con gái, hãy về chăm sóc mẹ”. Chỉ có một lần thương lắm mới viết như vầy: “Mẹ biết con đã thật sự thuộc về nước Ấn, nhưng con đã xa cách 10 năm rồi, nếu mẹ gửi vé may bay sang cho con, con về thăm nhà một tháng được không?”…

Đó mới là tình thương thật sự. Tình thương nồng ấm chân thành đó là một điều có thể. Là điều mà tất cả chúng ta đều phát huy được.

Xã hộibản thân chúng ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào tâm chúng ta.

Cho dù ta muốn lên hay xuống, thậm chí muốn đứng một chỗ, cũng đều do chúng ta. Ta muốn thê thảm, ta tự làm mình thê thảm. Ta không muốn đau khổ thì hãy đừng làm mình và người đau khổ. Mọi thứ đều thay đổi. Mọi thứ đang chuyển biến từng giây từng phút. Chúng ta có thể thay đổi. Nếu ta thay đổi, cảnh vật sẽ thay đổi. Mọi thứ rồi sẽ thay đổi ./.

Xuân Canh Dần

Chùa Pháp Bảo, Sydney

20.1.2010


(CÙNG TÁC GỈA / DỊCH GỈA)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant