Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Không Làm Hại

18 Tháng Hai 201300:00(Xem: 6311)
Không Làm Hại

KHÔNG LÀM HẠI
Nguyễn Thế Đăng

anchayvilongtubi-05Không làm hại là một cột trụ chính yếu của đạo Phật. Đến độ nếu sự không làm hại biến mất trong thế giới này thì chúng ta cũng có thể kết luận rằng đạo Phật đã biến mất. Ngày nay với sự phổ biến của đạo Phật trên khắp thế giới, chúng ta thấy thái độ “không làm hại” cũng phổ biến.

Ngược lại, nếu xã hội nào có nhiều người làm hại và nhiều người bị làm hại, cho đến nặng nhất là giết hại, chúng ta biết rằng xã hội đó chưa thấm nhuần đạo Phật đủ sâu, đạo Phật chỉ ở trên bề mặt của một vài lĩnh vực của xã hội đó.

Chỉ lấy riêng kinh Pháp Cú, chúng ta đã thấy rất nhiều câu kệ nói đến sự không làm hại:

Ai cũng sợ gậy gộc – Tất cả đều sợ chết – Lấy ta suy ra người – Chớ giết, chớ bảo giết.
Ai cũng sợ gậy gộc – Ai cũng quý sự sống – Lấy ta suy ra người – Chớ giết, chớ bảo giết. 
(phẩm Gậy gộc)

Người hiền không hại ai – Thân thường được chế ngự
- Đạt trạng thái bất tử – Đến chỗ không ưu sầu.
(phẩm Sân hận)

Gây tổn hại chúng sanh – Không phải bậc cao quý – Không hại mọi hữu tình – Mới được gọi cao quý. (phẩm Chánh hạnh)

Kinh Tương Ưng Bộ, chương III, phẩm Hoàng hậu Mallika, Đức Phật nói:
Tâm ta đi cùng khắp – Tất cả mọi phương trời – Cũng không tìm thấy được – Ai thân hơn tự ngã
Đối mọi người, tự ngã – Thân quý hơn tất cả – Vậy ai yêu tự ngã – Chớ hại tự ngã người.

Ở đây chúng ta không nói đến định luật nhân quả: khi thân tâm chúng ta phát ra một lực dù tốt dù xấu, thì không sớm thì muộn, lực ấy sẽ còn đó, phản động vào thân tâm chúng ta. Giống như định luật bảo toàn năng lượng của vật lý học vậy. Với định luật nhân quả này, đạo Phật không cầu viện đến một Thượng đế thưởng phạt.

Chúng ta thấy “không làm hại” là nguyên tắc vàng của mọi nền văn hóa, mọi tôn giáo (Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo…). Nguyên tắc vàng ấy có thể diễn tả đơn giản là: “Cái gì mình không muốn, chớ làm cho người”.

Đạo Phật thì áp dụng sâu rộng nhất, có cơ sở lý luận vững chắc nhất. Nó áp dụng cho toàn bộ mọi loài có sự sống, kể cả thực vật, thậm chí cho đến loài không có sự sống (không làm hư hoại thiên nhiên một cách khinh suất, vô cớ). Ngày nay, chúng ta đều biết ngành sinh thái học hiện đại mới có từ nửa cuối thế kỷ 20; trong khi đó, như vậy thì quan điểm bảo vệ môi sinh đã xuất hiện trong đời sống Phật giáo ngay từ thuở ban đầu. Với đạo Phật, nguyên tắc vàng này không chỉ là một lời khuyên hay lời răn đe, mà nó chính là đời sống đích thực của con người. Đời sống đích thực, chân chánh của con người là Tám Chánh Đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Để nguyên tắc vàng ấy trở thành hiện thực, tất cả mọi mặt của đời sống Phật giáo đều được huy động: giới, định, huệ, nhận thức luận, bản thể luận, tâm lý học, luận lý học… và mọi khoa học của đời sống hiện đạiPhật giáo gọi là Ngũ minh.

Ngay khi và trong khi có ý nghĩ “không làm hại”, khi ấy có hiểu biết, tình thương và an vui; vì khi ấy toàn bộ Phật pháp được huy động. Mà toàn bộ Phật pháp được sử dụng thì chúng ta càng thấm nhập, càng đi sâu vào Phật giáo. Suốt cả ngày chúng ta phải sống bằng thân, khẩu, ý, thế nên, khi thân khẩu ý không làm hại, thì suốt ngày chúng tahiểu biết, tình thương và hạnh phúc… tức là những nội dung của Phật pháp.

Chỉ giữ ý nghĩ không làm hại một giờ thôi, chúng ta sẽ thấy một giờ ấy được chuyển hóa thành bình anhạnh phúc, thậm chí bình anhạnh phúc không thể nghĩ bàn. Khi bước đi, chúng ta ý thức, “tôi không muốn dẫm đạp một côn trùng nào, tôi cầu mong cho chúng được an ổn hạnh phúc. Khi dắt xe ra, “tôi không muốn cán chết một côn trùng nào, tôi không muốn làm cho ai bị tổn hại, tôi cầu mong cho mọi chúng sanh được an ổn và hạnh phúc”. Khi nhìn một cái cây, “tôi không muốn chặt một cành nào của nó, không muốn những tổ chim, những tổ kiến… trên đó phải rớt xuống, tôi muốn mọi thứ được an ổn và hạnh phúc”. Khi nhìn một người nào, “tôi mong muốn cho bạn không gặp khổ đau, được an ổn và hạnh phúc”. Khi nhìn sự vật gì, “tôi không muốn làm hư hại nó, cầu mong cho nó được an ổn và hạnh phúc”… Cứ như thế, chỉ trong một giờ, chúng ta trực tiếp thể nghiệm tình thương là cái gì, lòng từ là cái gì. Chúng ta sẽ biết Bồ-tát Quán Thế Âm nhìn cuộc đời như thế nào, và hạnh phúc như thế nào khi nhìn cuộc đời như vậy. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ môn nói về Bồ-tát Quán Thế Âm: “Mắt từ nhìn chúng sanh” (Từ nhãn thị chúng sanh).

Khi ấy chúng ta mới biết bình anhạnh phúc là điều dễ dàng. Chỉ vì cả ngày mình phản bội bình anhạnh phúc, chống đối, trái nghịch với bình anhạnh phúc. Bằng cách chỉ nghĩ đến mình để thành cái hại cho người. Chỉ nghĩ đến mình là đã vô tình gây tổn hại cho người khác, cho sự vật, cho thiên nhiên. Huống gì là cứ nuôi dưỡng một tâm làm hại.

Khi đó, chúng ta biết thế nào là xây dựng Tịnh độ cho ta và cho người ở trên cõi đời này: đó là một xã hội không còn bị thống trị bởi ác ma ‘làm hại’ nữa.

Ngược lại với làm hại là làm lợi. Nếu sự làm hại là không cùng vì có thể xảy ra bất cứ lúc nào và nơi nào và tạo ra khổ đau không cùng của chính mình và xã hội thì sự làm lợi cũng không cùng vì có thể làm bất cứ lúc nào và nơi nào và tạo ra hạnh phúc không cùng cho chính mình và xã hội.

Nguyễn Thế Đăng
(Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant