Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Tôn Giả Đại Ca Diếp

09 Tháng Năm 201300:00(Xem: 5146)
Tôn Giả Đại Ca Diếp

TÔN-GIẢ ĐẠI CA-DIẾP 
Toàn Không 
(Phật A-Di-Đà, Chư Bồ-Tát & Tổ Sư, từ 81 đến 84)

 

 Tôn-giả Đại Ca-Diếp trước khi xuất gia theo Phật, Ngài tu theo hạnh Đầu-đà (khất thực). Một hôm trong khi đi khất thực, có người mách bảo rằng: “Hiện có Phật ra đời, đang du hóa tại rừng Trúc (Trúc-Lâm), sao ông chẳng đến đó xin theo Phật mà học đạo tu hành”; nghe được mấy lời ấy, tự nhiên cảm thấy muốn đi, Ngài liền đích thân đến Trúc-Lâm. Khi gần đến nơi, Ngài trông thấy đức Thế-Tôn ngồi trên Bảo-tọa cao, hai bên có Vương-tử Vương-tôn, thiện-nam tín-nữ, và rất nhiều Tỳ-kheo, tất cả ngồi theo thứ lớp và yên lặng nghe Phật nói pháp. Khi đức Phật thấy Ngài vừa đến liền nói rằng:

- Ông Tỳ-kheo kia có nhân lành mà đến đây, vậy râu tóc phải trừ đi mà thọ Cụ-túc giới.

 

 Ngài liền lễ bái Phật và thưa:

- Vâng.

 

 Sau đó Tôn-giả cạo bỏ râu tóc, rồi quy y, thọ giới hạnh Tỳ-kheo, và đi theo Phật đến khắp mọi nơi; đi đến đâu nghe Phật nói pháp thì tâm vẫn phát huệ, nên hay tỏ ngộ mọi lẽ huyền vi.

 

1)- Đại-Ca-Diếp ngồi nửa Toà ngồi của Phật, được Phật truyền Tâm ấn

 Rồi một hôm, đức Phật đang giảng Pháp cho đại chúng nghe, Tôn-giả đi tới đi lui tìm chỗ ngồi vì đến trễ, đại chúng nhìn theo Tôn-giả có ý bảo: “Ngồi xuống đi”. Ngay khi ấy, đức Phật trông thấy Tôn-giả, liền bảo:

- Ma-Ha Ca-Diếp, hãy đến đây ngồi, ta chia cho phân nửa chỗ ngồi.

 

 Nói rồi: Ngài ngồi xích qua một bên, phân nửa chỗ ngồi để cho Tôn-giả; Tôn-giả liền đi tới gần đảnh lễ Phật xong ngồi xuống, trước con mắt ngạc nhiên của đại chúng.

 

 Một ngày nọ, đức Phật ở trong hội Linh-Sơn cầm một cành hoa giơ ra cho đại chúng xem (Niêm Hoa Thị Chúng), thì ai nấy đều chẳng rõ ý chi mà đâm ra ngơ ngác, nên tất cả yên lặng làm thinh, duy có một mình Tôn-giả Đại Ca-Diếp mỉm cười (Niêm Hoa Vi Tiếu).

 

 Đức Thế-Tôn thấy thế mới nói rằng:

 “Ta có Chính-pháp Nhãn-tạng, Diệu tâm Niết-Bàn, Pháp-môn ấy mầu nhiệm vô cùng, chẳng lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo-lý. Nay Ta trao cho Ma-Ha Ca-Diếp, vậy ông phải ân cần mà nhận lãnh, giữ gìn Chính-pháp, rồi sau sẽ truyền cho hậu thế, để nối tiếp về sau, chớ để diệt mất”.

 

 Về sau, trong khi Tôn-giả đi giảng đạo tại vùng núi Tất-bát-La, một hôm Ngài dùng Thiên-nhãn xem, thấy đức Phật đã nhập diệtdưới gốc cây Long-thọ, trong rừng Ta-La thuộc nước Câu-Thi, Tôn-giả vội vã dẫn năm trăm Tỳ-Kheo về chỗ ấy để điếu viếng. Khi trà-tỳ xác thân Phật xong, Tôn-giả là vị tổ thứ nhất đã được đức Phật truyền Pháp trước kia tại hội Linh-Sơn.

 

2)- Tài biện luận của Tôn-giả Đại Ca-Diếp.

 Một lần, tôn-giả Đại Ca-Diếp cùng năm trăm vị Tỳ-Kheo đi du hóa từ nước Câu-tát-La đến thôn Tư-bà-Ê, nghỉ tại khu rừng Thi-xá-Ba; lúc đó có Bà-la-Môn tên Tệ-Túc, được vua Ba-tư-Nặc nước Xá-Vệ phong cho thôn này để lo phần cúng tế Phạm-Thiên. Tệ-Túc là người có kiến chấp theo ngoại đạo và dạy mọi người trong thôn rằng: “Không có đời sau, không có tái sinh, không có qủa báo của việc làm lành và việc làm ác”.

 

 Người trong thôn Tư-ba-Ê nghe tin Tôn-giả Đại Ca-Diếp cùng năm trăm vị Tỳ-kheo đến nghỉ tại rừng Thi-xá-Bà, thì họ bàn tán với nhau rằng: “Vị Đại Ca-Diếp này rất có tiếng tăm, và đã chứng qủa A-la-Hán. Ngài là bậc trưởng thượng tôn-túc, kỳ cựu, đa văn, thông minh, quảng bác, và có tài biện luận đối đáp, nay nếu chúng ta gặp được Ngài thì may cho chúng ta lắm”. Do đó dân trong thôn này, ngày ngày cứ tiếp tục tuần tự đi đến chỗ tôn-giả Đại Ca-Diếp. Bấy giờ bà-la-môn Tệ-Túc đang đứng trên lầu cao, trông thấy từng toán người đi nhưng không biết đi đâu, mới hỏi người hầu, nên được biết chuyện như thế, rồi bảo người hầu rằng:

- Ngươi hãy mau tới nói với toán người kia dừng lại đợi ta cùng đi, vì ta biết ông Ca-Diếp kia cố ý mê hoặc người, lừa dối thế-gian, nên ta phải đến đó.

 

 Người hầu vâng lời, đi nhanh đến nói với đoàn người rằng:

- Ngài Tệ-Túc bảo quý vị hãy dừng lại chờ Ngài cùng đi đến gặp ông Ca-Diếp.

 

 Những người ấy đáp:

- Hay lắm, nếu ông Tệ-Túc muốn đi thì mau tới đây để cùng đi, chúng tôi chờ ở đây.

 Người hầu liền trở về thưa với chủ:

- Con đã nói họ dừng lại chờ, và họ nói Ngài nên mau tới để cùng đi.

 

 Bà-la-môn Tệ-Túc xuống lầu, gọi gia nhân cùng đi, trước sau vây quanh, lũ lượt cùng đi đến rừng Thi-xá-Bà. Khi đến nơi, có người lễ bái, có người hỏi han, có người vòng tay, có người tự xưng tên mình, và có người im lặng ngồi xuống. Khi mọi người đã ngồi đâu đó xong xuôi, Tệ-Túc mới đứng dậy nói với Tôn-giả Đại Ca-Diếp:

- Tôi là Tệ-Túc, được Vua trao cho thôn Ba-tư-Ê này để lo phần cúng tế Phạm-Thiên, nay tôi có điều muốn hỏi, không biết ông có rảnh trả lời không?

 

 Tôn-giả Đại Ca-Diếp đáp:

- Ông cứ hỏi, sau khi nghe xong phải tự hiểu lấy.

 

- Nay chủ thuyết của tôi là không có đời sau, không có tái sinh, không có qủa báo thiện ác, còn chủ thuyết của ông thế nào?

 

- Tôi hỏi ông, hãy tuỳ ý mà đáp. Hiện nay mặt trời, mặt trăng là thuộc về đời này hay đời khác, thuộc về Trời hay Người?

 

- Mặt trời, mặt trăng thuộc về đời khác, không thuộc về đời này, thuộc về Trời, không thuộc về Người.

 

- Vì mặt trời mặt trăng thuộc về đời khác và thuộc về Trời, cho nên biết là có đời sau, có tái sinh, và có quả báo thiện ác.

 

- Tuy ông nói thế, nhưng theo ý tôi không có tất cả, chẳng có gì, chết là hết.

 

- Vì lý do gì mà ông biết là không có đời sau, không có tái sinh, và không có qủa báo thiện ác?

 

- Tôi có lý do, vì tôi có một người bà con mắc phải bệnh ngặt nghèo, tôi đến nói với hắn rằng: “Các Sa-môn có quan niệm rằng những người phạm mười điều ácsát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói lời độc ác, tham lam, sân hận, và ngu si tà kiến. Những người phạm mười điều ác như thế sau khi chết đều bị đọa vào Địa-ngục, bị Qủy-ngục hành hạ, chịu khổ sở vô cùng, nhưng tôi không tin, vì tôi chưa từng thấy người nào chết rồi trở lại nói cho biết là họ đã bị đọa vào Địa-ngục. Nay anh là bà con với tôi, chẳng may anh đã tạo đủ mười điều ác ấy, nếu qủa như lời các Sa-môn nói, thì sau khi anh qua đời, anh phải bị đọa vào Địa-ngục. Nay tôi tin vào anh để xét xem có Địa-ngục hay không, anh nhớ trở lại báo cho tôi biết tôi mới tin”.

 

 Tôi biết chắc: quan điểm của tôi là đúng, vì anh ta đã im lặng nhận lời, mà từ khi anh ta chết đến nay đã nhiều năm biệt tích hơi tăm, không hề trở lại báo tin; hơn nữa anh ta là người thân của tôi, không lẽ lại dối tôi sao? 

 

 Tôn-giả Đại Ca-Diếp nói:

- Những người có trí nhờ thí dụhiểu rõ, nay tôi dẫn dụ để ông hiểu điều đó. Ví dụ như một tên đạo tặc thường giết người cướp của, bị người ta bủa vây bắt được đem đến trình Vua trị tội, Vua liền cho hỏi cung và xử tội bằng cách trói người ấy lại, đem bêu xấu (làm nhục về thanh danh, làm cho mọi người đều biết việc làm xấu xa của người ấy) ngoài đường, sau đó giao cho đao phủ để hành quyết. Tên cướp đó dùng lời mềm dẻo nói với người giữ tù rằng: “Xin ông vui lòng thả tôi về thăm gia đình bà con, vì tôi có chuyện cần nói với họ, sau đó tôi sẽ trở lại chịu tội”. Ông nghĩ sao, người giữ tù kia có thả không?

 

 Bà-la-Môn Tệ-Túc đáp:

- Không.

 

 Tôn-giả nói tiếp:

- Họ cùng là loài người, cùng trong một nước, cùng sống ở đời này mà còn không tạm thả, huống người thân của ông đọa vào Địa-ngục, Qủy-ngục không có từ tâm, lại không phải là loài người, sống chết không cùng một đời. Nếu người ấy dùng lời nói mềm dẻo cầu xin với Qủy-ngục rằng: <Xin Ngài tạm thả tôi về thế-gian gặp người bà con vì tôi có điều cần nói, sau đó tôi sẽ trở lại>, liệu người ấy có được Qủy-ngục tạm thả về không?

 

 Tệ-Túc đáp:

- Không.

 

- Cứ so sánh theo đó thì đủ biết rồi.

 

- Ông dẫn dụ có đời sau, nhưng tôi vẫn không tin, vì tôi có một người bà con khác, lúc ngưòi ấy mắc bệnh sắp qua đời, tôi đến thăm hỏi và nói với người ấy rằng: “Các Sa-Môn đều có quan điểm khác rằng có đời sau, tôi không tin vì chưa có ai về báo lại sau khi chết. Nay chú là bà con của tôi lại tạo đủ mười điều thiện. Nếu các Sa-Môn nói đúng thì sau khi chú qua đời, sẽ được sinh lên cõi Trời. Giờ đây tôi chỉ còn tin cậy nơi chú để quyết định mà thôi, nếu chú thấy thật có qủa báo sinh lên cõi Trời, chú phải nhớ trở lại báo cho tôi biết, tôi mới tin được”. Lúc bấy giờ chú ấy đã im lặng nhận lời, nhưng từ khi chú ấy qua đời đến nay đã khá lâu rồi, không thấy trở lại báo tin; do đó tôi biết chắc không có đời sau, không có tái sinh, và không có qủa báo thiện ác.

 

 Tôn-giả Đại Ca-diếp nói:

- Tôi sẽ nói một thí dụ khác cho ông hiểu. Ví như có người bị rơi xuống hầm cầu tiêu, cả đầu mình chìm ngấm dơ bẩn hôi thối. Người ấy được Vua cho vớt lên, lấy tro xoa khắp thân ba lần, lấy nước tháo đậu rửa trước, và lấy nước tro trong rửa sau; tiếp theo, lấy nước thơm tắm gội, và lấy bột thơm xoa khắp thân người. Rồi lấy y phục nổi tiếng cho mặc, và đem thức ăn trăm vị ngon ngọt cho ăn. Sau chót đưa người ấy đến ở tại một ngôi nhà cao sang có phong cảnh tuyệt vời, và cho hưởng năm thứ dục lạc sung sướng vô cùng; liệu người ấy có muốn rơi xuống hầm cầu tiêu nữa không?

 

 Tệ-Túc đáp:

- Không muốn, đấy là chỗ hôi thối bẩn thỉu, ai mà muốn trở xuống làm gì?

 

- Các vị Trời cũng thế, họ cho cõi trần gian này là nơi tanh hôi bất tịnh, họ ở xa hàng nghìn vạn do tuần còn thấy mùi tanh hôi của nhân-gian xông lên. Bà con của ông đã tạo đủ mười điều lành, tất nhiên sau khi qua đời người ấy được sinh lên cõi Trời, hưởng vui thú vô cùng, liệu người ấy có chịu trở lại cõi giống như hầm cầu tiêu thế-gian này không?

 

- Không.

 

- Ngoài racõi trần này, cứ một trăm năm mới bằng một ngày ở cõi Trời Đạo-Lợi; tại cõi ấy nếu cũng lấy ba mươi ngày một tháng, mười hai tháng một năm, thì họ sống một nghìn năm ở cõi ấy (bằng 365,000 năm ở thế-gian). Ông nghĩ sao nếu bà con ông sinh lên cõi Trời Đạo-Lợi, và người ấy nghĩ rằng: “Ta mới sinh lên cõi này, vậy ta hãy vui thú vài ngày rồi hãy ráng trở lại báo tin cho bà con cũng chưa muộn”, như vậy liệu ông có gặp được người bà con không?

 

- Không gặp được, vì lúc đó tôi đã chết lâu rồi, không sao gặp được; nhưng tôi không hiểu ai đã nói với ông có cõi Trời Đạo-Lợi sống lâu như thế?

 

- Tôi sẽ dẫn dụ cho ông hiểu. Ví như có người mới sinh ra đã bị mù hai mắt, không trông thấy, không hiểu về năm màu xanh, đỏ, vàng, trắng, đen; đồng thời cũng không thấy mặt trời, mặt trăng, tinh tú v.v. Nếu có người khác hỏi về màu xanh, đỏ, vàng, đen, trắng như thế nào, người mù đáp không có năm màu như thế; cho đến mặt trời, mặt trăng, tinh tú v.v., người mù đều nói không có các thứ đó; Ông nghĩ sao, người mù trả lời như vậy có đúng không?

 

- Không đúng, vì sự thực có năm màu, có mặt trời, mặt trăng, và tinh tú.

 

- Ông cũng giống như vậy, sự sống lâu ở cõi Trời Đạo-Lợi là có thật, chẳng phải không, vì ông không thấy, nên không tin là có.

 

- Ngài tuy bảo có, tôi vẫn không tin, vì ở trong thôn tôi trước đây có kẻ cướp của giết người, bị người ta bắt được đem đến tôi và nói: “Xin Ngài trị tội nó, vì nó đã nhiều lần cướp của giết người”. Tôi bảo tuần thôn bỏ hắn vào trong một cái vạc lớn, đậy nắp lại, không để cho thần-thức hắn tiếp xúc với bên ngoài bằng cách trét kín với một lớp keo dầy, sau đó tôi bảo người đốt lửa bên dưới; lúc ấy vì muốn tìm để biết chỗ tẩu thoát thần-thức của hắn, nên tôi bảo các người tuần hầu vây quanh cái vạc mà nhìn kỹ, nhưng họ không thấy thần-thức chui ra; sau cùng, tôi cho mở nắp vạc ra, cũng không thấy thần-thức đâu cả, mặc dù hắn đã chết. Vì lý do đó tôi biết chắc là không có đời sau.

 

 Tôn-giả Đại Ca-Diếp nói:

- Tôi hỏi ông, cứ tuỳ ý mà đáp. Khi ông ngủ đã từng mơ, thấy núi rừng, sông ngòi, ao hồ, vườn tược, đường sá, cầu cống, và đi tới đi lui chỗ này chỗ nọ; trong khi đó bà con trong nhà có ở quanh ông không, và họ có thấy thần-thức của ông đi ra đi vào không?

 

- Trong khi tôi ngủ nghỉ ấy, có khi có người ở quanh tôi, và những lúc ấy họ không trông thấy thần-thức của tôi đi ra đi vào.

 

- Như vậy khi còn sống, thần-thức ra vào còn không trông thấy huống chi là người chết. Có những vị Tỳ-kheo từ đầu hôm đến cuối đêm không ngủ nghỉ, chỉ siêng tu về đạo phẩm giác-ý, vị ấy không lười biếng, không buông lung, và dùng sức tam muộitu luyện; nhờ thế mà vị ấy quán chiếu thấy chúng-sanh chết chỗ này, sinh chỗ kia, tuổi thọ dài ngắn, nhan sắc đẹp xấu, tuỳ theo hành động thiện ác mà thụ qủa báo tương ưng. Ông dùng con mắt người phàm phu mà nhìn thì không thấy được, do đó biết chắc là có đời sau.

 

- Tuy Ngài dẫn giải như thế, nhưng chỗ tôi thấy thì vẫn không phải như vậy, vì có lần một tội nhân trọng tội, Triều-đình giao cho tôi phải hành xử tội nhân ấy bằng cách lột da; tôi sai tuần thôn lột da tử tội, và sai nhiều người khác vây quanh quan sát tìm thần-thức của hắn, nhưng không thấy; tôi lại sai phanh thây ra coi, cũng không thấy gì cả.

 

 Một lần khác, tôi cho giết tội nhân bằng cách sai đem tội nhân đi cân, sau mới giết một cách êm thấm, và không mất một giọt máu. Xong rồi đem cân lại, nhưng lần cân sau lại nặng hơn lần cân trước khi chưa chết. Đáng lẽ khi có thần-thức thì phải nặng hơn, đằng này ngược lại, do đó mà tôi biết chắc không có đời sau.

 

 Tôn-giả nói:

- Tôi sẽ dẫn giải nữa cho ông hiểu. Về một kiếp xa xưa trong qúa khứ, có một quốc độ điêu tàn hoang phế, lúc đó có một đoàn lái buôn đi qua quốc độ này, bỗng họ gặp một Phạm-chí tu đạo thờ lửa ở trong một khu rừng. Đoàn thương buôn xin Phạm-chí cho ngủ nhờ một đêm tại túp lều phụ bên cạnh, rồi sáng sớm hôm sau lên đường. Sáng hôm sau Phạm-chí qua túp lều bên cạnh để xem xét, thì thấy một đứa nhỏ cỡ hơn một tuổi đang ngồi sụt sịt khóc; Phạm-chí nghĩ thầm: “Ta đâu nỡ để đứa bé này chết, ta nên nuôi đứa trẻ này”, tức thì ông bế đứa bé lên, dỗ dành và nuôi nấng.

 

 Đứa bé mỗi ngày một lớn lên, đến khi nó sáu bảy tuổi, lúc đó Phạm-chí có chút việc cần đi vào nhân-gian, bèn bảo đứa bé: “Ta có chút việc tạm đi khỏi ít ngày, ngươi ở nhà có sẵn thức ăn đấy cứ lấy mà ăn. Ngươi trông coi giữ gìn đống lửa, đừng cho lửa tắt, nếu lửa có tắt thì hãy lấy hai thanh củi cọ vào nhau để lấy lửa mà đốt lên”, căn dặn xong, Phạm-chí ra đi.

 

 Đứa nhỏ ở nhà, lúc đầu còn trông coi đống lửa, và cho thêm củi, sau mải chơi quên không ngó tới, nên củi cháy hết, lửa tắt mất; đứa nhỏ đi chơi về thấy lửa tắt, ảo não than thầm: “Mình dại qúa, mải đi chơi nên quên không trông coi đống lửa, nên nó tắt mất, bây giờ biết làm sao đây?” Đứa nhỏ quên lời dặn dò, vội vàng bới tro tìm lửa, tro đã nguội lạnh, và nó dùng đủ mọi cách để tìm lửa, nhưng đều thất bại.

 

 Sau ít ngày Phạm-chí trở về, vừa tới cửa, thấy đứa bé, Phạm-chí hỏi: “Trước khi đi ta đã dặn bảo ngươi ở nhà coi chừng đống lửa, ngươi có coi không?”. Đứa nhỏ đáp: “Vì con mải đi chơi, quên canh chừng nên lửa tắt mất”. Phạm-chí hỏi: “Ngươi làm cách nào để lấy lại lửa?”. Đứa nhỏ đáp: “Khi con bới tro để tìm không thấy lửa, con bèn lấy hai miếng củi đập vào nhau, dùng búa chẻ củi để tìm lửa. Rồi chặt củi nhỏ vụn ra, và sau cùng là con bỏ củi vụn vào cối đá mà giã, nhưng đều không thấy lửa đâu cả”.

 

 Lúc đó Phạm-chí đi vào chỗ đống lửa đã tắt, lấy hai thanh củi cọ vào nhau nhiều lần thì lửa phát ra cháy miếng mồi; đồng thời ông ta để củi lên đốt và bảo đứa nhỏ: “Như muốn tìm lửa ngươi phải dùng đúng cách này, chứ không nên đập, chẻ, chặt, hay giã củi mà có lửa được đâu”.

 

 Trường hợp của ông cũng vậy, không theo đúng phương pháp, lại đi lột da, xả thân người để tìm thần-thức, thì chắc chắn không tìm được.

 

 Về trường hợp người chết nặng hơn người sống cũng dễ hiểu thôi, cũng giống như người cân sắt, khi sắt nguội cân nặng hơn sắt nóng; Ông có biết tại sao sắt nóng có màu sắc đỏ chói, mềm mại, lại nhẹ không?

 

 Bà-la-môn Tệ-Túc đáp:

- Sắt nóng có màu sắc đỏ sáng, mềm mại nên nhẹ, sắt nguội không có màu đỏ sáng và cứng nên nặng.

 

 Tôn-giả Đại Ca-Diếp nói tiếp:

- Con người cũng thế, khi sống thì có nhan sắc, mềm mại, cho nên nhẹ; nhưng khi chết, không còn nhan sắc và cứng, cho nên nặng. Do đó biết chắc là có đời sau.

 

 Tệ-Túc nói:

- Trước đây, tôi có một người bà con mắc phải bệnh nặng, tôi đến thăm và bảo người hầu đỡ người bệnh nằm nghiêng về phiá tay phải, khi đó người bệnh liếc ngó, co duỗi. Tôi lại bảo người hầu đỡ bệnh nhân nằm nghiêng bên trái, rồi lật sấp, lật ngửa, người bệnh vẫn còn liếc nhìn, co duỗi như thường, sau một lúc bệnh nhân tắt thở; tôi lại bảo người hầu đỡ người ấy nằm nghiêng bên phải, bên trái, lật sấp, rồi lật ngửa; trong khi đó tôi nhìn kỹ thấy người ấy không còn liếc nhìn, co duỗi gì cả. Do đó, tôi biết là không có đời sau.

 

 Tôn-giả nói:

- Tôi lại dẫn chứng nữa cho ông hiểu. Thuở xa xưa, bấy giờ tại một nước nọ, không một người nào trong nước được nghe tiếng tù và; một hôm, có một người từ nước khác sành nghề thổi tù và đi đến thôn xóm của nước này, ông ta cầm vỏ ốc biển lớn thổi ba tiếng rồi để xuống đất; khi ấy mọi người trong thôn xóm nghe tiếng kêu của tù và, thì giật mình, không hiểu là tiếng gì mà kỳ lạ như thế, nên một số thanh niên trai gái đi về phiá có tiếng phát ra. Họ gặp người ấy và hỏi: “Thứ gì mà trong trẻo bi ai kêu to vang xa như vậy?” Người ấy chỉ vào vỏ ốc dưới đất mà nói: “Tiếng của cái đó”. Lúc ấy người người trong thôn lấy tay sờ, rồi vỗ vào vỏ ốc mà nói: “Ngươi hãy kêu lên cho chúng ta nghe”, nhưng vỏ ốc vẫn không kêu. Người ấy cầm vỏ ốc lên kề vào miệng thổi ba tiếng rồi lại để xuống đất, mọi người thấy thế trầm trồ khen: “Đấy là tiếng hay hochúng ta nghe khi nãy, chứ không phải tự vỏ ốc mà có tiếng kêu , phải có tay, có miệng, có hơi thổi mới có tiếng kêu”. Con người cũng giống như vậy, cần phảitri giác, có tinh thần, và có hơi thở ra vào mới liếc nhìn, co duỗi, nói năng được. Do đó ông nên bỏ tà kiến ấy đi, chớ giữ làm gì để thêm khổ não.

 

 Tệ-Túc đáp:

- Tôi không bỏ được vì từ khi sinh ra đến giờ, tôi đã được giảng dạy, học hành, thảo luận, đọc tụng thường xuyên, luyện tập kiên cố, thì đâu bỏ được.

 

- Những người có trí do dẫn dụ mà hiểu rõ, tôi sẽ vì ông mà dẫn dụ thêm. Cũng trong thuở xa xưa, có một nước mà người dân ở vùng biên giới thật điêu tàn; tại một xóm hẻo lánh kia có hai người thanh niên, một anh có trí, một anh ngu si, họ bàn với nhau: “Tôi và anh, chúng ta cùng nhau vào rừng tìm kiếm cây gai đem về dùng”, và họ tính với nhau lúc đi bằng ngả gồ ghề lên dốc khó đi, khi về bằng lối xuống dốc bằng phẳng dễ đi cho tiện việc mang nặng.

 

 Rồi họ cùng đi đến một khu rừng thấy có cây gai mọc đầy mặt đất, tức thì họ cùng nhau lấy mỗi người một gánh nặng đem về; khi họ đi ngang qua một chỗ nọ, thấy có đống chỉ gai, người trí nói: “Chỉ gai từ cây gai mà ra, nhỏ nhẹ đáng lấy hơn”. Người ngu nói: “Tôi đã lấy cây gai, bó buộc gọn gàng chặt chẽ, nay không bỏ được, anh muốn lấy tuỳ ý”. Bấy giờ chỉ có người trí lấy một gánh chỉ gai và bỏ lại gánh cây gai, hai người lại cùng nhau tiến bước, bỗng họ gặp cây bạch diệp, tiếp theo là họ gặp một đống đồng, rồi sau họ gặp một đống bạc. Mỗi lần gặp như thế, người trí đều bảo người ngu nên đổi cây gai để lấy thứ quý hơn, người ngu nhất mực không nghe.

 

 Sau chót, họ gặp một đống vàng, bấy giờ người trí nói: “Nếu không có vàng ta lấy bạc, nếu không có bạc ta lấy đồng, nếu không có đồng ta nên lấy bạch diệp, nếu không có bạch diệp ta nên lấy chỉ gai, nếu không có chỉ gai, ta mới lấy cây gai, vì cây gai ít giá trị nhất, nhưng tại đây có rất nhiều vàng, mà vàng là quý nhất. Vậy anh hãy bỏ cây gai, tôi bỏ bạc để cùng nhau lấy mỗi người một gánh vàng mang về”. Người ngu nói: “Tôi đã lấy cây gai bó buộc cẩn thận, gọn ghẽ, chặt chẽ; lại mang đi đã quá xa, tôi không bỏ được, nếu anh có muốn lấy cứ tuỳ ý, tôi không muốn lấy vàng”, thế rồi người trí bỏ bạc lấy vàng, một gánh nặng mang về.

 

 Khi hai người về đến nhà, bà con biết được người trí lấy được nhiều vàng thì vui mừng đến thăm hỏi, trong khi người ngu mang cây gai về không ai thèm đến hỏi thăm và cho là người khờ dại nên anh ta buồn tủi khổ sở.

 

 Nếu cứ chấp chặt ý nghĩ sai lầm của mình như người lấy cây gai kia, ông cũng chỉ thêm buồn não suốt đời mà thôi.

 

 Tệ-Túc nói:

- Tôi không bỏ được những điều đã gắn liền với cuộc đời tôi, vì nhờ những sự tin tưởng tuyệt đối đó mà tôi đã dạy dỗ nhiều người, đem lại nhiều sự lợi ích. Từ Vua-Quan đến hàng Bà-la-Môn tăm tiếng bốn phương đều nghe danh tôi, đều biết rõ tôi là hàng học-giả uyên thâm chủ trương đoạn diệt, không có đời sau, không có tái sinh, và không có quả báo thiện ác

 

 Tôn-giả Đại Ca-Diếp bảo:

- Tôi thấy ông thật là cố chấp, tôi đã dẫn giải biết bao nhiêu như thế mà ông vẫn khăng khăng một mực không chịu từ bỏ tà kiến ấy, nay tôi sẽ dẫn dụ nữa cho ông hiểu: Cũng về thuở xa xưa có một nước nhân dân ở vùng biên giới thật điêu tàn, lúc đó có hai đoàn thương buôn đi ngang qua vùng hẻo lánh này, nhưng hai đoàn đi cách nhau một tháng; vì đường xa nên họ không mang đủ lương thực, và phải mua thêm ở dọc đường.

 

 Khi đi đến đoạn đường đó, người cầm đầu đoàn thứ nhất nghĩ trong đầu rằng: “Đi đã mấy ngày rồi, sao không có nhà cửa chợ búa gì cả, mà số lương thực mang theo đã gần hết, thật là nguy hiểm!” Đoàn thương buôn tiếp tục đi thêm một đoạn đường nữa, bỗng nhiên người trưởng đoàn nhìn thấy một người thân hình to lớn, mặt đen, mình mẩy dính bùn đi từ đằng xa đi lại, bèn hỏi:

- Anh từ đâu đi đến đây?

 

- Tôi từ thôn phiá đằng kia đến đây.

 Người ấy vừa nói vừa chỉ tay về hướng phiá trước đoàn thương buôn.

 

- Chỗ anh ở có củi, nước, gạo, rau không?

 

- Chỗ tôi ở có gạo, củi, nước, rau, và đủ thứ dư thừa; lúc tôi đi giữa đường gặp trời mưa, nên ở thôn phiá trước kia lại càng có nhiều nước và rau tươi. Nếu trên xe các ông có gạo, củi, nước và rau héo nên bỏ đi cho nhẹ xe đi mau hơn, vì tại thôn phiá trước kia cách đây không xa có đủ thứ rất rẻ, không cần chở cho nặng xe lâu tới nơi.

 

 Nghe nói như thế, người trưởng đoàn cho là phải, bèn bảo các người trong đoàn:

- Chúng ta hãy bỏ đi các thứ gạo, củi, nước, rau đã lâu ngày để cho xe được nhẹ đi mau tới, vì ở thôn phiá trước có đủ cả, lo gì.

 

 Thế rồi, cả đoàn đều làm theo, và quả thật xe của họ đi mau hơn, nhưng qua một ngày không thấy thôn xóm chợ búa, hai ngày, ba ngày, rồi đến năm bảy ngày cũng chẳng thấy thôn xóm chợ búa đâu cả! vẫn chỉ là nơi hoang vu, không cây cối, không bóng người. Cả đoàn thương buôn lâm vào cảnh đói khát mà chết dần hết, thật là tội nghiệp đáng thương!

 

 Về sau đoàn thứ hai lên đường, trên đường đi, họ cũng gặp anh chàng mặt đen mình mẩy dính bùn; người trưởng đoàn cũng hỏi tương tự như người trưởng đoàn thứ nhất đã hỏi, và anh chàng mặt đen cũng trả lời và nói y như hắn đã nói với trưởng đoàn thứ nhất, nhưng trưởng đoàn thứ hai bảo mọi người trong đoàn rằng: “Gạo, nước, củi, rau của chúng ta nên giữ kỹ, chớ bỏ đi, bao giờ có lương thực mới, rồi sau sẽ bỏ thứ cũ dư thừa cũng không muộn, vì sao?, vì lương thực cũ và mới phải được liên tục mới mong qua khỏi nơi hoang vu vắng vẻ này”. Hơn thế nữa, người trưởng đoàn hai còn ra lệnh cho mọi người trong đoàn phải tiết kiệm để đủ lương thực ăn trong nhiều ngày. Do đó, cả đoàn cứ thế mà đi, họ đi hết một ngày không thấy thôn xóm chợ búa, rồi hai ba ngày, năm bảy ngày, cho đến chín mười ngày cũng chẳng thấy thôn xóm chợ búa. Đi thêm mấy ngày nữa, đột nhiên họ thấy xác các người trong đoàn thứ nhất chết đã rữa thối dọc đường, trông thật là thảm thương vô cùng!

 

 Như vậy thì ông hiểu rằng trưởng đoàn thứ hai vì là người trí tuệ nên cả đoàn thoát khỏi bị tai nạn, ngược lại trưởng đoàn thứ nhất vì là người ngu si, nên gây ra hậu qủa tai hại là không những tự giết mình mà còn làm cho cả đoàn người bị chết oan uổng nữa; vậy ông nên nghĩ kỹ mà bỏ tà kiến ấy đi, nếu không chỉ gây khổ não suốt đời cho mình, và còn gây khổ não cho người khác nữa, cũng giống như trưởng đoàn thương buôn thứ nhất mà tôi vừa nói.

 

 Bà-la-môn Tệ-Túc đáp:

- Tôi nhất quyết không từ bỏ quan điểm sắt đá của tôi, nếu ai can gián, chỉ làm cho tôi phát bực tức, oán giận mà thôi.

 

 Tôn-giả Đại Ca-Diếp nói tiếp:

- Về thời xa xưa, có một anh chàng kia đi đến một thôn vắng, thấy có nhiều phân khô, bèn lấy cỏ bó lại rồi đội lên đầu mang về để nuôi lợn (heo); khi đang đi về, trời đổ mưa lớn, nước chảy xuống đầu mặt, thân người anh ta, nhưng vẫn cố đội về, do đó nước phân chảy dính khắp đầu mặt, quần áo. Mọi người trông thấy thế đều chê anh ta là người điên dại ngu si và khuyên rằng: “Thứ phân dơ bẩn ấy, giả thử không mưa, trời mát mẻ, cũng không ai đội lên đầu, huống là đội đi giữa trời mưa”. Anh ta nghe nói như vậy thì nổi giận mắng lại rằng: “Các anh là đồ ngu, không biết lợn của ta ở nhà đang đói, nếu các anh là người hiểu biết dã không nói như thế”. Vậy ông chớ nên giữ chặt sự mê lầm giống như người đội phân kia đã không cám ơn người can gián, mà còn trở lại mắng nhiếc người khác là đồ ngu không hiểu biết.

 

 Bà-la-môn Tệ-Túc nói:

- Nếu các ông nói rằng: “Làm lành được sinh lên cõi trời, chết vui hơn là sống”, sao các ông không tự tử, uống thuốc độc mà chết; hoặc nhảy từ lầu cao xuống mà tự vận?, tôi chỉ thấy người nào người ấy đều ham sống sợ chết cả, như thế đủ biết chết không vui hơn sống.

 

 Tôn-giả nói:

- Cũng thuở xưa, tại thôn Tư-ba-Ê này, có một người Phạm-chí trưởng lão, có hai vợ, người vợ cả (vợ lớn) có con đã lớn, người vợ lẽ (vợ nhỏ) mới có thai thì Phạm-chí đó qua đời. Bấy giờ mẹ con người vợ cả đòi lấy hết gia tài, người vợ lẽ nói: “Chị hãy chờ một thời gian, tôi sẽ sinh, nếu là con trai thì phải có một phần gia tài, nếu là con gái chị đem gả chồng để lấy của hồi môn”. Nhưng mẹ con người vợ cả nhiều lần đòi lấy hết gia tài, người vợ lẽ nổi giận, lấy dao tự mổ bụng mình để coi con trai hay con gái!

 

 Ông thấy đấy, người mẹ tự sát mà chết, lại hại luôn cả đứa con trong bào thai, ông cũng giống như vậy, đã hại mình, còn hại luôn cả người khác nữa; trái lại, Sa-Môn nào siêng tu, có giới đức đầy đủ, nếu sống lâu ở đời, sẽ đem lại vô lượng lợi ích cho Trời và Người, tôi không nói hết được những lợi ích ấy.

 

 Này bà-la-môn Tệ-Túc, ông hãy lắng nghe tôi nói thí dụ cuối cùng: nếu ông vẫn không hiểu, tôi sẽ không thuyết pháp cho ông nghe nữa. Một con heo (lợn) lớn, thủ lãnh của một bầy heo rừng, nó đi một mình vào con đường nguy hiểm, đi đến giữa đường, nó gặp một con cọp (mãnh hổ). Khi heo đã thấy cọp, nó liền nghĩ: “Nếu ta đấu với cọp, nó sẽ giết ta, nếu sợ bỏ chạy, thân tộc sẽ khinh dễ ta, vả lại nếu chạy cũng chưa chắc đã thoát chết, không biết làm cách nào để thoát nạn đây?”

 

 Nghĩ xong, nó nói với cọp: “Nếu ngươi muốn đấu thì đấu, nếu không ngươi phải tránh đường để ta đi”, cọp nghe xong bảo heo: “Ta chấp nhận đấu với ngươi chứ không tránh đường cho ngươi đi”.

 

 Heo lại nói: “Này cọp, được rồi, ngươi hãy đợi ở đây một lúc, để ta về mặc áo giáp của tổ-phụ, xong rồi ta sẽ trở lại đây ngay để quyết đấu với ngươi một trận thí mạng cùi”, cọp nghe rồi liền nghĩ: “Nó chẳng phải địch thủ của ta như loài beo, sư tử, huống là nó mặc áo giáp tổ-phụ của nó ư? Ta chấp nó mặc một trăm áo giáp cũng chẳng coi nó ra gì cả”, nghĩ xong, cọp bảo heo: “Ta chấp thuận cho tuỳ ý ngươi đi về mặc áo giáp của tổ phụ ngươi và nhớ mau tới đây đấu với ta”.

 

 Heo liền trở về nơi hàng ngày của đàn heo ở, lăn mình trên đống phân, làm cho phân dính cùng khắp mình mẩy đầu mặt, rồi trở lại chỗ cọp nằm đợi chờ, heo nói: “Ngươi muốn đấu hãy đến đây đấu với ta, nếu không, ngươi phải tránh đường để ta đi”. Sau khi thấy heo như vậy, cọp nghĩ: “Ta thường không ăn sâu bọ tạp nhạp vì uổng hàm răng ta, huống là lại phải đến gần con heo hôi hám bẩn thỉu này”, nghĩ xong, cọp liền bảo heo: “Ta tránh đường cho ngươi đi chứ không muốn đấu với ngươi nữa”.

 

 Cọp nói rồi liền lảng bước đi, khi heo đi qua được rồi, quay về hướng cọp mà nói lớn lên rằng: “Này cọp, ngươi bốn chân, ta cũng bốn chân, hãy đến đấu với ta, sợ gì mà phải bỏ chạy?” Cọp nghe vậy trả lời: “Ngươi lông mọc như rừng, hèn nhất trong các loài vật, này heo, hãy mau cút đi, mùi hôi thối ta chịu không nổi”.

 

 Heo tự khoe nói: “Nước Ma-Kiệt, nước Ương-Già nghe ta đấu với ngươi, hãy đến đấu với ta, sợ gì mà phải lảng chạy đi như thế?, đúng là ngươi đã sợ sức mạnh và oai phong của ta rồi!” Cọp liền đáp: “Toàn thân dơ bẩn hôi thối, ngươi làm ta lây thối, ngươi muốn cầu thắng, nay ta cho ngươi thắng”.

 Tôn giả Đại Ca Diếp nói tiếp:

- Tôi cũng như thế, để cho ông thắng, đối với quan niệm ấy, ông ngoan cố bảo thủtham dục, vì sân hận, vì tà kiến không bao giờ chịu từ bỏ, thì ông sẽ chịu vô số điều khổ dữ về sau.

 

 Lúc đó Tệ-Túc vội nói:

- Thưa Tôn-giả, ngay thí dụ đầu tiên về mặt trời, mặt trăng, và tinh tú, tôi đã hiểu rồi, sở dĩ tôi lý luận như thế là vì tôi muốn được thấy trí-tuệ biện tài của Ngài để thêm vững chắc lòng tin mà thôi, nay tôi đã tín thọ và xin được quy y với Ngài.

 

 Tôn-giả Đại Ca-Diếp nói:

- Ông chớ quy y với tôi, mà nên quy y với đấng Vô Thượng-Tôn như tôi đã quy y, nhưng đức Thế-Tôn, Thầy tôi đã diệt độ chưa bao lâu.

 

 Ông Tệ-Túc nói:

- Nếu đức Thế-Tôn còn tại thế, chẳng quản gần xa, tôi sẽ đến gặp Ngài và quy y lễ bái, nhưng nay đức Thế-Tôn đã diệt độ rồi. Vậy tôi xin quy y đức Thế-Tôn đã diệt độ, xin quy y phápđại chúng Tỳ-kheo, xin Ngài hãy chấp nhận cho tôi là kẻ Ưu-bà-Tắc ở trong chính pháp; từ nay về sau, trọn đời tôi nguyện không còn làm các điều ác, và chỉ làm các việc lành mà thôi, tôi xin mở đại bố thí cho tất cả.

 

 Tôn-giả nói thêm:

- Nếu sát hại chúng-sanh, đánh đập tôi tớ để mở hội bố thí, điều đó chẳng phải là tạo phúc thanh tịnh, và nếu không sát hại chúng-sanh, không đánh đập tôi tớ để bố thí cho hạng người tà kiến, đó cũng chẳng phải là tạo phúc thanh tịnh. Ví như trên đất khô nhiều sỏi đá sạn mà đem gieo trồng vào, chắc chắn không gặt hái được gì; trái lại nếu mở hội đại thí, mà không giết hại chúng-sanh, không hành hạ tôi tớ, đem lòng hoan hỷ mở hội bố thí cho hạng người tu phạm hạnh thanh tịnh thì sẽ được nhiều phúc lợi, cũng giống như ruộng đất tốt, có nước, có phân mà gieo đúng mùa, thời tiết điều hòa, tất nhiên sẽ thu hoạch được nhiều lợi lộc.

 

 Tệ-Túc nói:

- Từ nay về sau, tôi sẽ thường xuyên cúng dàng chúng Tăng, và kể từ ngày mai, xin thỉnh Ngài và chúng Tỳ-kheo đến nhà tôi thỉnh chay.

 

 Tôn-giả Đại Ca-Diếp im lặng nhận lời, ông Tệ-Túc đứng dậy vái chào rồi cùng đoàn người thôn Tư-ba-Ê ra về.

 

LỜI BÀN VỀ SỰ CỐ CHẤP QUAN ĐIỂM

 

 Đọc hết cuộc đối thoại, chúng ta thấy rõ tài biện luận (Biện tài vô ngại) của Tôn Giả Đại Ca Diếp, và Bà La Môn Tệ Túc tiêu biểu cho con người cố giữ những điều ông cha truyền lại, bảo thủ những điều đã ghi trong Kinh sách, chấp chặt những điều đã được học hành đọc tụng, kiêu hãnh tự tôn những gì đã đem dạy người vì sự tin tưởng của mình; khi có người nói khác thì quyết liệt phản đối, dùng mọi lý lẽ biện hộ cho sự tin tưởng của mình mà thực ra không có nền tảng trí tuệ.

 

 Từ xưa cho đến ngày nay, nhiều người giống như Bà La Môn Tệ Túc, cố chấp quan điểm của mình; những người này lợi dụng uy thế Tôn Giáo để bảo thủ quan điểm của mình, tạo sự chia rẽ thù nghịch, đưa tới giết hại khủng bố chiến tranh, gây ra biết bao đau khổ cho con người. Vô tình hay cố ý, họ đã làm ngược lại những điều đạo đức, và hậu qủa là vị Giáo Chủ Tôn Giáo của họ đã thất bại trong việc đưa nhân loại đến Hạnh phúc an vui...

 

3)- Tôn-giả Đại Ca-Diếp khởi việc kết tập Kinh Phật.

 Trong việc kết tập Kinh Luật, Tôn-giả Đại Ca-Diếp là người khởi xướng đầu tiên, vì sau khi Phật nhập Niết-Bàn ba tháng, Tôn-giả thấy bắt đầu có hiện tượng một vài Tỳ-kheo tụng khác nhau, và khác lời giảng của Phật. Tôn-giả thấy nguy cơ Phật pháp có thể đổ vỡ, nên nói với các vị Thánh Tăng rằng: “Đức Thế-Tôn đã vào Niết-Bàn rồi, tôi khuyên các vị hãy ngồi lại với nhau để kết tập những lời đức Thế-Tôn đã thuyết pháp, giảng dạy trong gần 50 năm, để truyền bá về sau, và không nên để cho giáo pháp của Ngài đoạn diệt mất”. Tôn-giả nói kệ tuyên cáo như sau:

 

Các đệ tử của Phật,

Chớ Niết-Bàn vội vã,

Vị nào đủ thần thông,

Nên đồng nhau kết tập.

 

 Tôn-giả Đại-Ca-Diếp cùng các vị Thánh Tăng bèn nhờ Vua A-Xà-Thế nước Ma-Kiệt-Đà đứng ra tuyên triệu các Tỳ-kheo từ các nơi về, và tổ chức đại hội kết tập những lời giảng dạy của đức Phật.

 

 Vua A-Xà-Thế vâng lời các vị Thánh Tăng, liền cho rao truyền quảng bá đến nhân dân và các nước lân bang; Vua cho mời tất cả các vị Thánh Phàm Tăng đến động Thất-Diệp, cũng gọi là hang Tát-Ba-La, thuộc núi Kỳ-Xà-Quật, gần thành Vương-Xá, nước Ma-Kiệt-Đà để góp phần công đức kết tập những lời giảng của đức Phật trong suốt thời gian Ngài còn tại thế.

 

 Vua cho làm cổng, chuẩn bị chu đáo mọi việc cần thiết cho đại hội như trang trí phòng ốc, dựng cột cao lớn treo đại kỳ phướn ngay phiá ngoài cổng động, chăng hoa, đèn đuốc v.v... tất cả đều chu toàn. Số người tham dự gồm có ngoài hơn một nghìn vị Tỳ-kheo ra, còn có Vua A-Xà-Thế và các Vua lân bang, các quan Đại thần, các Cư-sĩ, và nhân dân các nước tới chứng kiến, tất cả có trên mười nghìn người.

 

 Tôn-giả Đại Ca-Diếp không những là người khởi xướng, mà còn là người hướng dẫn, đôn đốc, và đóng góp để hoàn thành các bộ kinh; khi kết tập xong thì Tôn-giả nói với Tôn-giả A-nan-Đà rằng:

- Ta trụ ở thế gian này chẳng còn bao lâu nữa, nay ta đem Chính Pháp của đức Như-Lai phú chúc lại cho Hiền-đệ, vậy Hiền-đệ phải khéo giữ gìn để lưu truyền Phật-Pháp về sau, chớ để đoạn tuyệt. Hiền-đệ phải hết lòng trân trọnghộ trì, và lắng nghe bài kệ của ta mà lãnh Pháp:

 

Pháp vốn pháp bản lai,

Không pháp không phi pháp,

Sao lại trong một pháp,

Có pháp có chẳng pháp.

 

4)- Tôn-giả Ca-Diếp nhập diệt định chờ Phật Di-Lặc.

 Một hôm, Tôn-giả Đại Ca-Diếp thấy đã đến thời xa thế gian, Tôn-giả nhớ lời Vua A-xà-Thế thỉnh cầu là khi nào nhập diệt cho Vua biết, nên Ngài ghé cung Vua để từ biệt , nhưng khi tới nơi lại không đúng buổi lâm triều, nên Tôn-giả nói với quan giữ cửa rằng:

- Ca-Diếp này đã gần đến thời tiết nhập định nơi núi Kê-Túc, nên đến đây báo trước cùng Đại-Vương. Hiện nay không được gặp mặt Vua mà yết kiến, vậy xin nhờ quan trình giùm rằng có Ca-Diếp đến từ tạ Đại-Vương.

 

 Nói rồi, Tôn-giả liền từ giã mà đi, khi tới núi Kê-Túc, Tôn-giả đi thẳng vào hòn Tam-Nhạc, rồi kết cỏ làm nệm mà ngồi kiết-già; trong khi tĩnh tọa, Tôn-giả phát ra lời thệ nguyện rằng: “Xác thân ta mặc áo Cà-Sa do đức Thế-Tôn ban cho, còn tay ta bưng giữ Bình Bát mà ngồi trong hang đá này; từ nay cho đến khi đức Di-Lặc giáng sinh, ta nguyện xin không mục rã, để cho tất cã đệ-tử của Ngài đều được trông thấy thân ta và Bình Bát này”.

 

 Khi phát nguyện xong, đất tự nhiên rung động, Tôn-giả nhập định rồi, có những vị Trời đem hoa thơm qúy lạ ở cõi Trời rải xuống.

 

 Vua A-xà-Thế, ngủ mơ màng, bỗng nhiên thấy cây đòn dông trên nóc cung điện tự nhiên rớt xuống gẫy nát, thì giật mình tỉnh dậy; lúc Vua biết là chiêm bao, nên trong lòng đâm ra kinh sợ vì không biết là điềm gì sẽ xảy ra. Sau đó quan Thủ-môn vào trình việc Tôn-giả Đại Ca-Diếp đến báo với Vua việc vào núi Kê-Túc để nhập định, Vua hay tin ấy, trong lòng buồn bã, bèn sai người đi thỉnh Tôn-giả A-nan-Đà, và truyền chỉ chuẩn bị xe giá, hương hoa, rồi cùng Tôn-giả A-nan-Đà đến núi Kê-Túc.

 

 Khi Vua và Tôn-giả A-nan-Đà vừa tới nơi, hai vị bước vào, cúng dàng lễ bái, âu sầu thảm thiết; hai người đứng nhìn chân dung hình hài Ngài Ca-Diếp ngồi kiết-già, một hồi lâu hai người mới chịu lui gót ra về, vừa ra khỏi cửa hang, tự nhiên miệng hang núi từ từ khép kín lại, để cho bao đời sau chiêm bái núi Kê-Túc..,.

 

Toàn Không


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant