Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Nghĩ Về Nghiệp Khi Thân Còn Nặng Nghiệp

02 Tháng Mười 201300:00(Xem: 6482)
Nghĩ Về Nghiệp Khi Thân Còn Nặng Nghiệp

NGHĨ VỀ NGHIỆP
KHI THÂN CÒN NẶNG NGHIỆP
Nhụy Nguyên

Nếu phải đưa ra một định nghĩa thô, thì nghiệp là sự tích hợp những hành vi (thân nghiệp), lời nói (khẩu nghiệp), ý nghĩ (ý nghiệp) của chúng ta mà nó làm ảnh hưởng đến người khác và vạn vật quanh ta kể cả ở thế giới vô hình. Nói gọn theo cách khác, Nghiệp là “lộ trình” đi từ nhân tới quả và ngược lại.

Hành động, lời nói thì quá rõ. Nhưng còn ý nghĩ, xét đến cùng, nó gây nghiệp nặng nhất, “vô tư” nhất. Bởi ta không “nghe” thấy, không sờ thấy không nhìn thấy nên nó an nhiên tung hoành trong chúng ta mà không bị kiểm soát; cũng không mấy ai nhận thức được sự tai hại của ý nghiệp để kiểm soát, chưa nói tới liệu kiểm soát được không. Có một vị thiền sư từng ví, nếu não bộ chúng ta trổ một cửa sổ bằng kính trong suốt, để ai cũng nhìn thấy vô vàn những ý nghĩ của ta... sẽ hổ thẹn nhường nào. Nhưng nghiệp là sự bí ẩn. Mỗi đời người từ khi sinh thành cho tới ngày hoại diệt đều có sẵn một file trong vũ trụ. Tất thảy mọi hành động lời nói ý nghĩ sẽ được save lại. Đức trong đó và nghiệp cũng tại đó. Khỏi cãi nếu chúng ta bước qua thế giới khác. Tên tội phạm có thể chối bay cả máy thăm dò nói dối hiện đại nhất, song khi hành động của hắn ta lọt vào một thước phim thì lập tức cúi mặt nhận tội. Người tu chân chính, họ không cần camera cũng dừng bước lúc đèn đỏ bật. Người tu chân chính, camera “theo dõi” họ là nghiệp thức (sự tỉnh thức). Mà khi ta thông dự vào cuộc sống trần tục, nếu không thật vững tâm (rồi mới vững trí), thì đụng vào đâu cũng dễ gây nghiệp. Không ít lần tôi bị oan. Cũng tức. Nhưng cố giấu, vậy mà cuối cùng cũng tìm lời khuyên từ bạn đồng tu. Sợ người vu oan cho mình, mình im [nhận] vậy tức người ấy sẽ mang nghiệp, hay ngược lại, họ đã “ném” đức cho mình. Bạn đồng tu khuyên nên tác động sự cảm thông, niềm hòa ái đến người đó (qua ý nghĩ); việc này hơi lâu song rất hiệu quả ở chỗ, mình vừa “có” đức, mà đối phương kia không mất đức (đáng lẽ phải mất).

Lời nói là biểu hiện rõ thứ hai của sự gây nghiệp. Hầu như hằng ngày, chúng ta đều gây nghiệp qua miệng. Chính vậy mới có tu khẩu (hay tịnh khẩu). Nhiều bậc trí thức, nguồn gốc của khẩu nghiệp là ganh tị với người khác, gọi chung là tâm tật đố. Biểu hiện: nói xấu. Ai giàu hơn, tài hơn, đẹp hơn, quyền chức hơn... nói xấu, thậm chí muốn “nhổ” người ta khỏi mặt đất này. Tôi tiếp xúc với một người trong nhiều năm, nhận thấy hễ ngồi với ai đó ở đâu đó, không nói xấu thì không chịu nổi và rốt cục người đó (ngay lúc đó) tìm đến một chỗ khác để nói xấu (một ai đó). Nghĩa là [trường hợp phổ biến] nếu muốn hơn một người, thay vì mình cao đối thủ cũng cao, thì anh ta phải moi móc đối thủ, hạ đối thủ, phải gìm đạp đối thủ xuống để mình được cao thêm. Trong bàn nhậu, nói xấu người vắng mặt đã trở thành một niềm hứng khởi vô tận cho những bàn tay cùng dơ ly cụng. Sự tiếp tay của tràng cười rú lên tựa hồi còi chói óc của con tàu nghiệp lực nặng nề chuyển bánh đến rất gần chúng ta trong cuộc hành trình tới địa phủ.

Hẳn sẽ là nghịch lý khi nói hành động gây nghiệp ít nhất so với ý nghĩlời nói. Khi ta tức giận một người, ta không dám đánh họ dẫu là cái tát nhẹ, trong lúc ta đi nói xấu người ấy hàng chục lần và làm sản sinh ra nhiều ý nghĩ độc địa, nguyện cho người ta bị thế này thế nọ. Lời nói xấu từ A đến tai B, B truyền lại với C, D… Ở đây dĩ nhiên B và C sẽ nhận nghiệp (dẫu ít hơn A), còn A thì lãnh nghiệp "phần trăm" (%) theo số người truyền lại điều xấu mà nhân lên. Đôi lúc cùng một hành động song mức độ gây nghiệp hoàn toàn khác nhau. Giả dụ tôi tới cơ quan bật điện để viết những dòng này, mức độ gây nghiệp sẽ nhẹ hơn nhiều là việc: một sớm tới công sở tôi thấy điện ở phòng đồng nghiệp sáng, nghĩ chiều qua bạn quên tắt điện; gặp, tôi hết sức ngỡ ngàng khi bạn tỉnh bơ: "Tối qua tới cơ quan lấy cuốn sách, tắt điện đi ra thì tối quá". Chỉ chưa đầy một phút ngợp bóng tối mà đồng nghiệp vô tư để điện đỏ không suốt đêm. Nhiều thì hai ngàn chứ mấy. Vấn đề không phải chỗ đó. Thái độ ấy nếu quy ra nghiệp, bạn chưa hẳn có khả năng trả. Bây giờ chùa nhiều, việc cúng dường trở thành mốt của một số đại gia. Thật ra phần lớn trong số họ là bỏ tiền ra để (cầu) mua sự bình an cho mình, mua sự giàu có thêm cho mình. Chúng ta thường đi ra đường và trở về nhà bằng sự nhẩm xem mình tiêu hết bao tiền mà quên soát sau một ngày (chưa tính thời gian đêm ở nhà) chúng ta tích được điều thiện gì so với tạo nghiệp; lời đức hay lỗ nghiệp lòi ra ngay. Nếu chúng ta buông xuôi, thì câu nói này của một học giả tôi không nhớ tên không nguyên văn là chính xác: mỗi người ra khỏi nhà mỗi sớm và trở về mỗi tối như những con côn trùng sặc sỡ trở về vùng đầm lầy.

Đụng đâu cũng nghiệp. Xem ra cách tốt nhất là tích đức. Đừng nghĩ việc nhỏ thì nghiệp nhỏ. Hả hê với việc mình đã cúng dường bạc triệu, mà xem ra mỏng đức hơn xới một chén cơm trân trọng dâng người ăn mày đói khát.

tai_nan_giao_thongTôi rời quê, ra thành phố, cảnh thương tâm gặp nhiều nhất là tại nạn giao thông. Một người nằm sấp sát lề đường, trước chiếc xe tải… Mấy chục người vây quanh, ồn ả với: “Chở họ đi viện cái!”; “Còn thở kìa”; “Để nguyên hiện trường!”; “Sắp chết rồi còn chở đi đâu nữa”. Rất nhiều chiếc ta xi quay đầu bỏ chạy khi cách hiện trường vài trăm mét. Cái chết càng tiến gần người bị nạn! Cũng với tai nạn giao thông. Tôi muốn nhắc tới trường hợp khác: Một cặp tình nhân khi được năn nỉ chở người bị nạn tới bệnh viện, cô gái đã thúc tay lia lịa vào chàng trai - chiếc xe máy rù ga. Thế là tình yêu của họ đã mang theo sự vô lương tâm! Bỏ qua một cơ hội tích đức. Giả thử người yêu của cô lâm vào hoàn cảnh đó, cô không lạy lục người ta đưa tới bệnh viện cho nhanh, quả nhiên đó đích thị là chuyện lạ. Tôi lại lấy thí dụ: một người sắp chết đuối, không ai dám nhảy xuống cứu vì sợ Long vương bắt thế mạng. Ngược lại thì sao, trong cơn lũ năm 2004, một thanh niên người huyện Phú Lộc nhảy xuống dòng nước xiết cứu một lúc hai cô gái (sau này hai cô đều đòi làm vợ...). Bệnh là nghiệp. Nạn là nghiệp của mỗi người. Nhưng nếu cứ khoanh tay đứng nhìn người bệnh nạn lại là sự biểu hiện rõ nét bản chất Người. 

Tạm kết thúc, tôi xin dẫn lời của ông bạn từng nhận xét mình: “Anh cảm thấy em có một cái nghiệp hơi nặng. Có người có xu hướng đi tìm sự giản đơn, để được bình an. Có người lại vô tình hoặc cố ý làm cho đời sống mình rối ren hơn, xáo trộn và bất ổn hơn... Không biết có đúng em là kiểu người thứ hai...”.

Bây giờ nhớ lại, đành soạn câu trả lời như sau: Người ta chỉ có thể xoay được mệnh khi sống tốt hơn, có ích hơn. Tôi mơ hồ cảm thấy mình đang cố vùng vẫy sống tốt hơn... Còn nghiệp thì không chỉ đơn giản là ở kiếp này mà còn tích lại từ những kiếp trước...

Nếu như tạo nghĩa cử đẹp mà mong được đáp trả, thì đấy đã là tiền trao cháo múc; nghiệp lành trả xứng đáng, đồng nghĩa với việc người ấy "trắng tay". Khi là con người, hiển nhiên chúng ta đang mang nghiệp. Nói cách khác, trừ một số bậc xuống đầu thai phàm trần hóa độ, đã mang thân người là mang nghiệp. Nếu không là người tu tập để thoát khỏi vòng luân hồi hắc ám, nghiệp đôi khi chúng ta sẽ trả ở kiếp sau nữa, và đức tích hằng ngày đôi khi chúng ta không được hưởng tại kiếp này. Đấy chính là sự "bất công" mà con người trong đó có tôi, thật tội nghiệp lại không muốn tin vào cán cân diệu kỳ của vũ trụ.

N.N

BÀI ĐỌC THÊM:
NGHIỆP LỰC CÓ VAI TRÒ NÀO TRONG PHẬT HỌC

(CÙNG TÁC GIẢ)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant