Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Nhân Quả Nghiệp Báo

03 Tháng Hai 201400:00(Xem: 6078)
Nhân Quả Nghiệp Báo

NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

 

minhductrieutamanh2Nhân quả nghiệp báo rất quan trọng. Người học Phật không dễ gì nắm bắt định luật này cho thấu đáo nếu không nghiên cứu, học hỏichiêm nghiệm sâu xa.

Điều đầu tiên chúng ta phải biết là nhân quả khác, nghiệp báo khác. Có khi có nhân quả mà không có nghiệp báo. Định luật nhân quả là tất yếu, ta không thể chấm dứt nó được. Nhưng nghiệp báo thì ta có thể thay đổi hoặc chuyển nó được. Nói thế, ta cũng không loại trừ khả năng, nghiệp báo có thể nặng hơn hoặc làm cho nó giảm nhẹ đi, tùy duyên, căn cơ và sự tu tập của từng người quyết định.

Muốn lãnh hội trọn vẹn bài học về nhân quả nghiệp báo ta phải nghiên cứu toàn diện, lần lượt đi qua những kiến thức giáo pháp cơ bản sau đây:

- Những định luật của vũ trụ.

- Nghiệp là gì?

- Nguồn gốc của nghiệp.

- Nhân quả nghiệp báo.

- Có bao nhiêu loại nghiệp.

- Những điều quan trọng cần phải liễu tri.

- Kết luận.

I- Những Định Luật Của Vũ Trụ

Có những định luật, những quy luật vận hành của vũ trụ, chúng tương quan mật thiết nhau và chi phối toàn bộ đời sống của con người cùng vạn hữu. Chính những định luật, quy luật này, trong tác động hỗ tương của chúng, đã sinh ra vô vàn giống loại hữu tình, vô tình cùng trời đất, trăng sao, thiên hà, vũ trụ...

Những quy luật ấy đã được đức Phật giới thiệu phổ quát như sau:

1- Định luật của thế giới vật lý vô cơ (utuniyāma)

Đây là quy luật vận hành trong thế giới tự nhiên của trời đất, tạo ra những hiện tượng nắng mưa, ngày đêm, nóng lạnh, xuân hạ thu đông... Những ảnh hưởng của mặt trời, mặt trăng, tinh tú đến sông, biển, ao hồ; các lực tương tác chi phối, tác động đến con người, thảo mộc, vạn hữu... là thuộc về định luật utu niyāma này.

2- Định luật của thế giới sinh vật lý hữu cơ (bijaniyāma)

Là những quy luật tác động trong thế giới tế bào của những động vậtthực vật, trong đó có con người. Do những định luật này mà các nhà khoa học đã tìm ra luật bảo toàn giống loại, ADN, di truyền, gène... kể cả những công nghệ sinh học... Cũng nhờ những quy luật này mà giống nào sinh ra giống nấy. Hạt cam sinh ra cây cam. Lúa có từ hạt lúa. Gène di truyền trong việc thụ thai hai trẻ sinh đôi giống nhau nhưng khác tính tình. Khoa học tội phạm hình sự chỉ cần lấy ADN nơi một mẫu tóc có thể tìm ra người gây án...

Những định luật thuộc bija niyāma này còn rất lớn rộng và ẩn mật, sợ rằng nhiều thế kỷ nữa, nhân loại vẫn chưa khám phá ra hết.

3- Định luật về pháp (dhammaniyāma)

Là những quy luật chi phối vạn pháp. Như luật âm dương, ngũ hành, luật hấp dẫn, ly tâm, điện từ ; những phản ứng sinh lý hóa, luật bảo toàn năng lượng, trường sinh học; kể cả những hiện tượng siêu hình như lúc Bồ-tát giáng phàm, thành đạo, Niết-bàn...

4- Định luật về tâm (cittaniyāma)

Những định luật về tâm, tâm lý, như: ý tưởng, ý niệm, tưởng tượng, hồi ức, trí nhớ, ký ức, tư tưởng, trực giác... Ngoài ra, những trạng thái tâm lý, những yếu tố nội tâm diễn tiến theo trình tự nhân quả tương quan đưa đến phán đoán, nhận thức, suy luận, chi phối sinh hoạt hữu thức hoặc vô thức của con người đều thuộc lĩnh vực của định luật này. Những hiện tượng thần giao cách cảm, biết quá khứ vị lai hoặc thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông... cùng từ định luật này mà có.

5- Định luật về nghiệp (kammaniyāma)

Đây là định luật về nghiệp báo, nói đủ là nhân quả nghiệp báo. Khi nói đến nghiệp báo thì phải có tác nhân của nghiệp và kết quả của nghiệp (hay báo ứng của nghiệp).

Trong 5 định luậtchúng ta vừa điểm xuyết qua, 4 định luật đầu là định luật tự nhiên, chúng có xẩy ra tiến trình nhân quả nhưng không xảy ra nghiệp báo. Riêng định luật thứ 5 này mới xảy ra nhân quả nghiệp báo. Chính ở đây, những hành động và phản ứng tâm lýý thức, mang tính đạo đức, luân lý (thiện, bất thiện, bất động) mới tạo ra sự báo ứng của nghiệp. Đây là những quyết định, những chủ đích, những hành động có đầu tư của ý chí tự do của mỗi cá nhân. Tuy là nghiệp riêng biệt (biệt nghiệp) của cá nhân nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xã hộinhân loại (cộng nghiệp).

Như vậy, chúng ta phải biết cho rạch ròi đâu là nhân quả khách quan đâu là nghiệp báo chủ quan. Cả bốn định luật đầu tiên đều xảy ra theo tiến trình nhân quả. Phạm vi của chúng rất rộng lớn. Nếu ta không thấu triệt dễ sinh ra ngộ nhận, cái gì cũng đổ thừa cho nghiệp thì oan cho ba đời chư Phật!

Nhân quả trong các định luật:

- Nhân quả trong utuniyāma

Trong những định luật thuộc thế giới vật lý vô cơ này cũng xảy ra tiến trình nhân quả nhưng không có nghiệp báo. Mới đây do hiện tượng "elnino" mà bão lụt, động đất, hạn hán xảy ra khắp nơi. Nguyên nhân là do nạn phá rừng, khí thải công nghiệp mà nhiệt độ trái đất tăng lên, phá vỡ tầng "ozon", môi trường sinh thái bị nhiễm độc... dường như tác động đến toàn bộ địa cầu... Người ta có thể đi tìm nguyên nhân gần, nguyên nhân trực tiếp mà không tìm ra nguyên nhân xa, nguyên nhân gián tiếp. Rồi trong các nguyên nhân ấy còn có sự liên hệ qua lại, tương tác trùng trùng nữa vậy.

Gần hơn, có những nhân quả xảy ra rất cụ thể mà ai cũng có thể hiểu được. Ví dụ: Trời nóng thì đổ mồ hôi, trời lạnh thì rét, mưa nhiều sinh ra bão lụt; trời nóng, không khí giãn nở tạo ra gió...

Các định luật utuniyāma rất máy móc, lạnh lùng và khách quan vậy.

- Nhân quả trong bijaniyāma

Thế giới sinh vật lý hữu cơ xảy ra tiến trình nhân quả cũng đa dạng, phức tạp. Nền công nghệ sinh học muốn biến đổi gène động vật, thực vật... là dựa vào quy luật này. Hạt cam sinh ra trái cam, hạt ớt sinh ra quả ớt, nhưng do sự lai tạo, biến đổi gène mà mướp đắng có thể không đắng nữa và to bằng trái bầu. Người ta còn có tham vọng thay đổi các thông số trong chuỗi ADN để sản sinh trong ống nghiệm một loài người thông minh, trí tuệ hơn, mạnh khỏe hơn... Các loại lúa chịu hạn, năng suất cao, bắp cho nhiều hạt, chịu hạn, chịu sâu bệnh, có nhiều dưỡng chất hơn... là áp dụng định luật này. Nói dễ hiểu hơn, người ta muốn thay đổi nhân (ADN, gène, chủng tử) để cho quả khác đi, theo ý muốn của mình. Nhân quả này cũng máy móc, lạnh lùng, khách quan.

Cả hai loại định luật này cũng tương tác, ảnh hưởng qua lại nhau... để xảy ra tiến trình nhân quả khác. Ví dụ: Chết vì rét, chết vì đói, chết vì bị nhiễm độc, chết vì bội thực... Thế giới vật lý tác động lên thế giới sinh lý (cơ thể) nên xảy ra như vậy.

- Nhân quả trong dhammaniyāma

Lãnh vực này rất bao la, khoa học cũng chưa tìm kiếm ra hết, có chăng chỉ mới là những bước khám phá ban đầu. Những định luật này xảy ra tiến trình nhân quả trong pháp giới, nói chung, ta rất dễ thí nghiệm, kiểm chứng; nhất là những phản ứng hóa học. Một chất hóa học này bỏ vào ly nước thì ly nước sôi lên, nhưng là chất hóa học khác thì ly nước đổi màu. Lửa đun nước làm oxy bay hơi. Bàn tay phải áp sát bàn tay trái thì nó hút nhau (âm dương tạo sức hút); nhưng nếu lật úp một bàn tay thì chúng đẩy ra xa (âm và âm, dương và dương tạo sức đẩy). Nam châm hút sắt, kim sinh thủy, thủy sinh mộc... thảy đều là nhân quả. Tuy nhiên, trong pháp giới còn có những định luật nhân quả rất huyền nhiệm (mặc dầu nó cũng là nhân quả thôi) như khi Bồ-tát sinh ra, địa cầu chuyển động... Như có người bị thôi miên, mộng du di chuyển được trong thế giới bốn chiều... Các thầy phù thủy thời trung cổ nhờ nắm được một số định luật này nên người ta tưởng là phép lạ.

- Nhân quả trong cittaniyāma

Nhân quả trong các định luật tâm lý cũng không phải là nghiệp báo. Khoa tâm lý học Tây phương có cả một môn học chuyên sâu để nghiên cứu, đào xới mảnh đất bí hiểm này. Tất cả những cái gọi là ký ức, phán đoán, tưởng tượng, tình cảm, nhận thức... gì gì đó thảy đều nằm trong quy luật nhân quả. Chính giấc mộng, sinh hoạt vô thức, bệnh tâm thần, stress ức chế, họ cũng cố gắng tìm ra quy luật và giải mã nó bằng giấy trắng mực đen, rồi tìm biện pháp điều chỉnh hoặc chữa trị. Quả thật là khoa học đang lần mò vào thế giới mê cung với tham vọng tìm ra nguyên nhân và kết quả! Định luật về pháp đã là bí hiểm, huyền nhiệm, mà định luật về tâm cũng có những miền không gian bí hiểm, huyền nhiệm không khác gì! Có những cánh cửa huyền mật vừa mới hé mở (mặc dầu người ta chưa bước vào trong), như thuật thôi miên, thần giao cách cảm, truyền đạt tư tưởng, ngồi một chỗ mà tìm ra mộ người thân, thò tay qua không gian ngàn dặm để lấy tiền trong két sắt ngân hàng, chữa bệnh bằng tư tưởng...

Thực hiện định luật về tâm này, các tôn giáo Đông phương đã đi trước bằng đôi hia vạn dặm, với các khả năng thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông, tha tâm thông... Tuy nhiên, để cho dễ hiểu tiến trình nhân quả của nó ta có thể đi qua vài ví dụ rất gần gũi và thực tế nhất:

- Khi tâm định thì phát sanh phỉ lạc (có trường hợp ‘phỉ’ trong thiền định quá mạnh có thể bốc người bay qua không gian, vượt qua giới hạn của định luật vật lý).

- Khi các tâm sở thiện có mặt thì thân tâm thư thái, nhẹ nhàng, khinh khóat, an vui.

- Khi các tâm sở bất thiện có mặt thì thân tâm ta nặng nề, nóng nảy, trì trệ, bộp chộp, bất an...

- Thấy một người thân lìa đời (như cha mẹ, vợ chồng, anh em...) thì ta buồn, chảy nước mắt.

- Thấy rắn thì sợ hãi.

- Trúng độc đắc thì vui.

- Bị phỉ báng, nhục mạ thì ta đau khổ.

- Trong đời sống, nếu tạo tác những hành động ác hoặc thường thấy cảnh chiến tranh máu, lửa... thì hay bị mộng dữ...

Các định luật này đều rất khoa học, đôi khi vượt quá khoa học. Tâm và pháp cũng thường tương tác lên nhau để sinh ra các tâm lý chủ quan: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" cũng là thường nhiên vậy.

- Nhân quả trong kammaniyāma

Chính ở đây mới nói đến nghiệp báo, sự chi phối của nghiệp báo và thóat khỏi nghiệp báo. Ta có thể nêu dẫn tượng trưng vài ví dụ về trường hợp này:

- Ta đi vô ý bị té gãy chân.

Phân tích: Bị té có thể do ta vô ý, bất cẩn; cũng có thể do ai đặt viên đá không đúng chỗ (một nhân hoặc nhiều nhân); nên kết quả (quả) ta bị gãy chân. Tuy nhiên, khi bị gãy chân, ông A do nhờ thông suốt lẽ đó (tuệ) và sự trầm tĩnh, ổn định nội tâm (định) nên không than khóc, không chưởi trời trách đất; chỉ lắng nghe sự đau xảy ra như thực (thọ như thực), nên thóat khỏi khổ ấy, tức là thóat khỏi nghiệp báo. Ông B, trái lại, than khổ, than đau, chưởi vợ, mắng con, sự đau đớn càng gia tăng. Đây là trường hợp bị nhân quả nghiệp báo chi phối.

- Ta làm một việc xấu ác bị người khinh ghét, bị tội tù....

Phân tích: Làm việc xấu ác là nhân, bị người khinh ghét, tội tù là quả. Do nhờ biết rõ lẽ nhân quả nên ông A nhẫn chịu sự đau khổ xảy ra mà tâm không hề khởi lên sự oán trách hoặc than van sầu muộn; cũng không khởi ác tâm, hận tâm với ai. Đây là trường hợpnhân quả nhưng không có nghiệp báo. Ông B, trái lại, cái quả của sự khinh ghét hoặc tội tù ấy càng gia tăng, có thể dẫn đến những hàng động hoặc ý nghĩ sai lầm khác nữa. Ông này bị nghiệp báo chi phối.

Qua hai ví dụ trên, ta biết rõ, cái quyết định về nhân cũng như quả của nghiệp báo chính là tâm niệm, ý tưởng của chúng ta. Nó chính là ý chí của mỗi người, gọi tên chính xác là tư tác (cetanā), chính nó là tâm sở chủ động các trạng thái tâm lý.

Nói tóm lại là:

Những thành bại, được mất, giàu nghèo, trí ngu, thọ yểu, may rủi... và cả muôn triệu hoàn cảnh, tình huống, hiện tượng xảy ra chi phối vạn hữucon người... thảy đều nằm trong 5 định luật khái quát nêu trên.

4 định luật đầu là cái xảy ra tự nhiên; đấy là những nguyên lý của trời đất mà Khổng Nho gọi là mệnh trời, ý trời; đạo bà-la-môn thì biểu tượng nên thần sáng tạo, thần bảo tồn và thần hủy diệt. Dù các bậc giáo chủ (như đức Phật) có xuất hiện hay không thì các định luật ấy vẫn chi phối vạn loài. Đức Phật chưa hề nói đến việc tu tập để chấm dứt các định luật ấy, vả chăng, đấy là điều bất khả. Đạo Phật chỉ chú trọng giải thóat nghiệp báođịnh luật thứ năm. Muốn vậy, phải thấy rõ, biết rõ, thông suốt 4 định luật tự nhiên để liễu tri, giác ngộ định luật sau cùng, cốt nhằm thóat khổ mà thôi.

Đức Phật không lý đến những nguyên nhân xa vời, bởi chúng không thể tìm biết hết. Ví dụ chuyện vô ý, bất cẩn nên té gãy chân! Có thể do người thợ đá nào đó vô ý bỏ quên, có thể con hổ chạy trên núi rơi đá xuống, có thể đứa trẻ nít hoang nghịch. Có thể quá khứ ta từng đặt viên đá cốt hại người. Hoặc ta vừa làm một việc ác nên tâm trí bấn loạn......

Ngoài ra, trong việc té gãy chân ấy có thể có thêm cả 4 định luật trên chi phối nữa. Người ta nói rằng vào những ngày từ sau rằm đến cuối tháng thường xảy ra tai nạn nhiều nhất do ảnh hưởng sức hút của mặt trăng làm thủy triều rút xuống, thân cây cối khô nước và khí huyết con người giảm sút ảnh hưởng toàn bộ hệ thần kinh! Vậy ai cố đi tìm nguyên nhân đầu tiên sẽ trở nên điên loạn.

Trường hợp thứ hai có nguyên nhân gần hơn là do ta làm việc xấu ác rồi gánh lấy hậu quả! Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi: Tại sao ta lại xấu ác? Do quá khứ ta đã làm gì? Do ta sống trong môi trường, hoàn cảnh nào? Thì câu trả lời cũng mịt mù và bất khả như thế.

Thấy rõ nhân quảchấm dứt nghiệp báo mới chính là lời đức Phật muốn chỉ dạy. Thấy rõ 4 định luật đầu để thuận theo tự nhiên mà sống. Đạo của Lão Tử là "thuận theo tự nhiên". Thiên chúa giáo là "vâng ý Chúa". Đạo Khổng là "thuận thiên lập mệnh"... đều không thể vượt qua chúng. Chỉ riêng đạo Phật còn có định luật thứ 5, tuy vẫn chịu tác động, ảnh hưởng của 4 định luật đầu, nhưng còn có sự tu tập để giải thóat khổ nghiệp báo nữa.

Nếu là nhân quả tự nhiên thì nó máy móc, khách quan, nhưng nhân quả nghiệp báo thì còn do tâm quyết định. Chính ở nơi tâm mới nói đến tâm nhân và tâm quả. Còn cả hằng triệu định luật khác không được gọi là nhân, mà nó chỉ là duyên, thuận duyên hay nghịch duyên để tác động, ảnh hưởng lên nhân ấy.

Sau khi học qua 5 định luật ấy rồi, ta có thể lần lượt đi chuyên sâu vào lý nghiệp báo.

II. Nghiệp Là Gì ?

Nghiệp - kamma, theo nghĩa kinh văn là hành động hay việc làm. Tuy nhiên, lời nói, cử chỉ, hành động, việc làm thường có năng lực bên trong tác động; đó là tư tác, chủ ý hay cố ý. Vậy, tư tác, cố ý, chủ ý đóng vai trò chủ chốt, quyết định hành động và tính chất của hành động. Đức Phật dạy trong Anguttara Nikāya:

"- Này các Tỳ-kheo, Như Lai xác nhận rằng tư tác chính là nghiệp".

Vậy, tư tác - cetanā đóng vai trò trọng yếu trong việc tạo nghiệp. Không có tư, không có nghiệp. Tư là ý chí, ý muốn, ước vọng, cố ý, cố tình, hữu ý, chủ ý; nó quy tụ và chủ đạo các tâm sở đi kèm để tạo ra tính chất sai khác, đa dạng của các loại nghiệp (Có một số người hiểu lầm tác ý là nghiệp. Không phải vậy. Tác ý là manasikāra, có nghĩa là hướng tâm, như bánh lái của con thuyền, hướng tâm đúng (yonisomanasikāra – như lý tác ý) thì con thuyền sẽ đi đúng hướng ; hướng tâm sai (ayonisomanasikāra – phi như lý tác ý) thì con thuyền sẽ đi lạc).

1- Tư có mặt ở đâu?

- "Tư" trong 7 biến hành tâm sở: Bảy biến hành tâm sởtác ý, xúc, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn. Bảy tâm sở này có mặt đều khắp ở những diễn tiến tâm lý thuộc cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc và cả một số tâm ở Siêu thế giới. Tư dẫn dắt và điều hành 7 tâm sở, đồng thời nó dẫn dắt, điều hành, quyết định các tâm sở đi kèm.

- "Tư" trong ngũ uẩn: Ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Gọi là hành, nhưng trong hành ấy là thế giới hoạt dụng của 50 tâm sở (50 trạng thái tâm lý). Trong 50 tâm sở ấy có tư tâm sở, nó điều động, dẫn dắt 49 tâm sở còn lại (chưa kể hai tâm sở thọ, tưởng).

- "Tư" trong thập nhị duyên khởi: Thập nhị duyên khởi là: Vô minh, hành, thức, danh-sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử. Trong 12 duyên khởi ấy, hành là tên gọi khác của ái, thủ, hữu. Và "tư" có mặt ở hành hay ái, thủ, hữu để quyết định nghiệp.

- "Tư" trong lộ trình ngũ môn: Khi sắc, thanh, hương, vị, xúc đi qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân sẽ phát sanh những diễn tiến tâm lý. Trong lộ trình này có 7 sát-na tâm rất quan trọng, là javana, tác hành tâm! Có javana mới có nghiệp, không có javana không có nghiệp. Tuy nhiên, tư tâm sở lại chủ động, quyết định ở trong javana này!

- "Tư" trong lộ trình ý môn: Khi pháp (tức sắc pháp hoặc khái niệm...) mà ta hồi tưởng lại hoặc lúc ta tư tưởng, suy nghĩ một điều gì thì diễn tiến tâm lý xảy ra trên lộ trình ý môn này. Chính ở đây, javana (tác hành tâm) cũng đóng vai trò chủ động. Và tư tác, lại chủ động, quyết định javana.

- "Tư" trong 12 bất thiện tâm: Đây là 8 tâm tham, 2 tâm sân và 2 tâm si. Do 12 tâm (vương) bất thiện này mà chúng sanh bị đọa vào 4 cảnh giới đau khổ hoặc làm người bất hạnh. Khi một tâm (vương) bất thiện khởi thì những tâm sở bất thiện tương ứng cùng khởi theo. Và chính tư tác điều động, dẫn dắt các tâm sở bất thiện này.

- "Tư" trong những thiện tâm Dục giới: Trong 24 thiện tâm tịnh quang Dục giới có 8 thiện tâm tích cực làm việc lành. Do nhờ 8 thiện tâm này mà chúng sanh được sanh làm người hạnh phúc hoặc hóa sanh vào 6 cõi trời Dục giới. Khi một thiện tâm khởi thì hàng loạt thiện tâm sở tương ưng cùng khởi theo. Và chính tư tác (cetanā) cũng điều động, dẫn dắt các thiện tâm sở ấy.

- "Tư" trong thiền tâm Sắc giớiVô sắc giới : Từ tầng thiền sơ khởi (đệ nhất thiền) đến tầng thiền cao nhất trong tam giới (phi tưởng, phi phi tưởng xứ) đều có sự xuất hiện của 5 thiền chi: tầm, tứ, phỉ, lạc, nhất tâm. Định càng cao thì những thiền chi đầu lần lượt bị loại bỏ, chỉ còn giữ lại xả và nhất tâm. Ở trong các tầng định này, tư tác vẫn chủ chốt và điều động các thiền chi.

- "Tư" trong 8 Siêu thế giới tâm: Đây là những tâm Thánh đạoThánh quả, có khuynh hướng làm cho muội lược hoặc chấm dứt nghiệp. Đến cảnh giới này, năng lực chủ động của "tư" yếu dần, đến quả vị A-la-hán thì tư mất hẳn tác dụng. Các nhà chú giải nói rằng, trong các lộ trình tâm Thánh đạoThánh quả, đã được thay thế bởi tuệ. Điều ấy dễ hiểu vì những bậc Thánh nhơn A-la-hán không còn tạo nghiệp (không còn tư tác mà chỉ còn duy tác, tuệ soi sáng).

Đến đây, chắc trong chúng ta không ai còn thắc mắc, hoài nghi nghiệp là gì nữa!

2- Vô tâm, vô ý, vô tình, không cố ý, không chủ ý có tạo nghiệp không?

Mặc dầu chúng ta đã minh giải cetanā - tư tác là nghiệp theo lời dạy của đức Phật, nhưng không phải ai cũng thừa nhận chân lý ấy. Vẫn còn đâu đó từ các chủ thuyết, quan điểm sai lầm tồn tại từ thời đức Phật của ngoại đạo, vẫn còn những kiến giải lung tung từ kinh sách đa tạp của những pháp sư, giảng sư, học giả đa biện, thông kim, bác cổ đương đại đã đi ngược lời dạy chân truyền minh triết của đức Từ Phụ. Họ không phủ nhận tư tác là nghiệp, mà họ còn nói rằng, vô tâm, vô ý, không cố tình, không cố ý cũng tạo nghiệp. Có nghiệp sinh ra do cố ý mà cũng có nghiệp sinh ra do vô ý.

Họ lý luận rất hay ho rằng:

- Như thọc tay vào lửa, dầu cố ý hay vô tình đều bị phỏng như nhau.

- Như thọc chân vào bùn, dầu cố ý hay vô tình đều bị bẩn như nhau.

Từ quan điểm sai lầm này lại đẻ ra quan niệm sai lầm khác, trầm trọng hơn, tuy nghe cũng hợp lý không kém gì.

- Do vậy, kẻ có trí, khi cố ý làm việc ác, tội họ nhẹ hơn. Còn kẻ ngu, dẫu vô tình làm việc ác, tội chúng sẽ nặng hơn. Tại sao vậy? Vì kẻ trí, biết đấy là lửa, họ sẽ dùng que sắt hay bao tay, sẽ bị phỏng nhẹ. Người ngu, không biết đấy là lửa, vô tâm vô tình thọc tay vào, vết phỏng sẽ nặng hơn.

Từ những kiến giải nguy hiểm như vậy, sinh ra nhiều ngộ nhận đáng tiếc.

- Ông A sai ông B giết người. Ông B bị tội còn ông A thì không, vì chính ông B thọc tay vào lửa.

- Đứa bé trong thai bào, vô tình làm mẹ đau, cũng tạo tội. Người mẹ cử động mạnh làm con đau, cũng tạo tội (nghiệp).

- Cha đau, thương cha quá nhưng cho uống nhầm thuốc, cha chết; thế là bị đọa địa ngục vô gián vì phạm ngũ nghịch đại tội!?

Với cái nhìn đúng đắn của đạo Phật, sau khi thấy rõ những định luật của vũ trụ, ta sẽ soi rọi vào những ví dụ vừa dẫn ở trên, sẽ lý giải như sau:

- Thọc tay vào lửa, dẫm chân vào bùn, sự việc ấy được diễn tiến theo định luật nhân quả vật lý - chứ không phải nhân quả nghiệp báo.

- Theo đạo Phật, kẻ trí là người biết rõ thiện, ác, thị phi và họ thường làm lành, lánh ác. Còn loại kẻ trí, làm việc ác rồi tìm cách cho nhẹ tội, ấy là sự khôn ngoan xảo quyệt của thế gian. Lại nữa, khi kẻ trí ấy loay hoay tìm phương kế để làm việc ác, trong đầu y đều là sự diễn tiến của ác niệm; vậy, nếu tư tác là nghiệp thì tội của người ấy chắc phải bị trả quả nặng hơn!

- Các chuyện còn lại. Như ông A sai ông B giết người, luật pháp thế gian cũng truy cho ra kẻ chủ mưu; còn luật nhân quả nghiệp báo thì y cứ vào tâm niệm người chủ mưu lẫn tâm niệm của người hành động (Các tội báo thường cấu thành từ thân hành, khẩu hành và ý hành. Ý hành nặng nhất). Con làm mẹ đau hay mẹ làm con đau chỉ là hiện tượng nhân quả sinh vật lý, không ai có tội cả. Thương cha, cho cha uống nhầm thuốc, như thế tâm niệm người con vẫn tốt (tư tâm sở dẫn dắt các thiện tâm sở); tuy nhiên, khó xét tội báo của người con, vì còn trùng trùng nhân và duyên khác tác động nữa. Ví dụ, do nghiệp nhân quá khứ chi phối người con hoặc người cha.

Tóm lại, theo sự thấy biết của Bậc Giác Ngộ thì vô tâm, vô tình, không chủ ý là không có tội. Vì không có đầu tư ý chí, không có đầu tư của tư tâm sở. Người học Phật phải sáng suốt về điều ấy.

III. Nguồn Gốc Của Nghiệp

Chúng ta đã biết rằng tư tác (cetanā) là nghiệp; những hành động có chủ ý, cố ý là nghiệp, nhưng chủ ý, cố ý ấy do từ đâu có? Câu hỏi ấy bắt ta phải lần tìm nguồn gốc của nghiệp.

Trong thập nhị duyên khởi, có câu kinh văn: "Avijjā paccayā saṅkhāra". Nghĩa là: "Duyên vô minh, hành sinh khởi".

Hành (saṅkhāra) chính là 50 tâm sở chi phối toàn bộ tâm sinh vật lý của con người ở trong 3 cõi, trong đó, tư tâm sở quan trọng nhất vì chính nó tạo nghiệp. Nói cách khác, các nghiệp thiện, ác, bất động được biểu hiện qua ái, thủ, hữu đều do vô minh mà có. Vậy nguồn gốc của nghiệp chính là vô minh.

1- Vô minh là gì ?

Vô minh có những định nghĩa sau:

- Không sáng suốt.

- Không thấy rõ thực tướng của pháp, của vạn hữu.

- Sự thấy lầm, sự mê lầm.

- Không thấy rõ Tứ Diệu Đế.

Từ định nghĩa gốc như vậy, từ thực trạng của vô minh như vậy, nó chi phối tâm và trí của chúng sanh: Làm cho tâm thì tham, sân, phiền não chướng; làm cho trí thì tà kiến, kiến chấp, kiến thủ, chấp ngãsở tri chướng.

Trong lộ trình thiền định, hành giả có thể làm lắng dịu những thuộc tính của vô minh, ấy là 5 triền cái (hôn trầm-thụy miên, nghi, sân, phóng tâm, dục) để đi vào các tầng thiền.

Trong lộ trình thiền tuệ, nhờ quán tam tướng vô thường, khổ, vô ngã, hành giả lần lượt cắt đứt 10 sợi giây sai sử, trói buộc (kiết sử) (thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tình dục, bất bình, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, phóng tâm, vô minh) để chứng 4 Thánh đạo, 4 Thánh quả. Cho đến quả vị cuối cùng mới bứng nhổ hết vô minh, đồng thời chấm dứt nghiệp.

Như vậy, nói cho đầy đủ, nguồn gốc của nghiệp chính là vô minhái dục.

2- Nghiệp do mình tạo

Khi đã thấy rõ nghiệp là gì, và nguồn gốc của nghiệp là vô minhái dục, ta thấy rõ rằng, do chính ta tự tạo ra, chính ta đã đầu tư ý chí tự do của ta để tạo tác nên hành động, biểu hiện qua thân, khẩu, và ý. Có hành động tất có phản ứng của hành động, có nhân có duyên tất có quả. Vậy thì những xấu, tốt, vui, khổ mà mỗi người nhận chịu chính là do kết quả của người ấy làm trong quá khứ. Cũng vậy, mê muội hay sáng suốt, thanh tịnh hay nhiễm ô, cao thượng hay thấp hèn đều được quy định từ lý nghiệp báo, tự mình và do mình vậy.

Như Kinh Lời Vàng (165):

"- Làm điều ác, dữ do ta,

Làm điều ô nhiễm cũng là mình thôi;

Tự tôi, thanh tịnh cho tôi,

Ai người thanh tịnh cho người, có đâu!"

Hay (160):

"- Tự ta nương tựa cho ta,

Có ai nương tựa gần, xa mà cầu!

Tự mình thuần tịnh làm đầu,

Là chỗ nương tựa thâm sâu khó bàn!"

Hoặc, đức Phật dạy:

"- Chúng hữu tình thọ lãnh báo ứng tất yếu của nghiệp do chúng đã tạo tác; và chính vì định luật nhân quả nghiệp báo ấy mà có sự bất đồng sai khác giữa xã hội và chúng sanh".

Một nhà văn phương Tây lại "than":

"- Ôi! Trên thế gian này chẳng có gì minh triết và cao đẹp hơn lý nghiệp báo của Phật Tổ Cù Đàm. Nó công bình hơn cán cân nghiêm minh của pháp luật. Nó đạo đứcsáng suốt hơn tất thảy tâm và trí của các bậc hiền triết. Cũng không có, và chưa hề có một lý thuyết nào khả tín hơn. Tự nó có thể đứng vững một mình mà không cần nương tựa vào bất kỳ vị thần linh nào và bất kỳ uy lực, uy tín của hệ tư tưởng nào. Tự nó đủ chứng minh về tất cả những bất đồng thể xác, tri thức, kể cả những bất công xã hội, những sự thiên lệch ghê tởm của số phận".

Từ những sự thực về nghiệp như vậy, ta có thể đi đến những xác tín sau đây:

- Vận mệnh (vui buồn, xấu tốt, trí ngu) của mỗi người là do người ấy tạo ra, là tác nhân chính. Các yếu tố, điều kiện ngoại cảnh chỉ là lực tương tác, phụ tùy gọi là duyên.

- Ta chính là thượng đế của ta vậy (attāhi attano nātho. Nātho có 2 nghĩa: nương tựa hoặc thượng đế).

- Mọi sự chênh lệch, bất đồng, bất bình đẳng trong đời sống đều phát xuất từ nguyên nhân chính yếu là nghiệp của mỗi người.

- Ta có thể thấy, biết, chế ngự và thay đổi vận mệnh của mình bằng cách nắm rõ quy luật nghiệp báo để thay đổi nghiệp.

- Đạo đức của mỗi người tùy thuộc vào mức độ giác ngộtùy thuộc vào việc làm chủ quy luật nghiệp báo ấy.

- Quy luật xã hội tương tùy vào 4 định luật tự nhiên của vũ trụ, đồng thời phát xuất từ những tương quan giữa những nghiệp của cá nhân (định luật 5). Vì vậy, cải thiện xã hội không gì hơn là cải thiện gốc nghiệp nơi mỗi người.

3- Nghiệp do mình tạo, nhưng "mình" ấy là ai?

Người ta thường nói, ông A làm việc thiện, ông B làm việc ác; hoặc ông A được hưởng quả báu sung sướng, ông B chịu quả báo đau khổ. Nói vậy là đúng, theo sự thật ước lệ của thế gian; nhưng còn cái đúng khác nữa, cái đúng theo đệ nhất nghĩa đế, vượt quy ước, phạm trù, người học Phật cũng cần phải thấu triệt.

- Sao gọi là chân lý thế tình?

Do chữ Pāḷi: sammuti sacca. Sacca là sự thật, chân lý, chân như, đế. Sammuti là thế tình, quy ước, ước lệ, phạm trù, quy định, mặc ước...

Đây là loại sự thật do con người đặt ra rồi tạm thời chấp nhận với nhau. Ấy là tất cả mọi danh từ, khái niệm có trong ngôn ngữ loài người nhằm gọi tên những sự vật cụ thể hoặc cả những khái niệm trừu tượng. Cụ thể, như: cái bàn, cái ghế, đàn ông, đàn bà, sông, núi, cỏ, cây... Trừu tượng như: tự do, hạnh phúc, tổ quốc, quê hương...

Loại ngôn ngữ và khái niệm mặc ước này còn được gọi là thường ngữ; gọi là thường ngữ vì nói ra ai cũng nghe, cũng hiểu. Tạng Kinh, tạng Luật, đức Phật thường sử dụng loại ngôn ngữ này.

- Sao gọi là sự thật đệ nhất nghĩa?

Do chữ Pāḷi: paramattha sacca. Paramattha là rốt ráo, cao diệu, đệ nhất nghĩa, ly thóat các khái niệm phạm trù, quy định của thế gian do con người đặt ra.

Loại ngôn ngữ này được đức Phật sử dụng trong tạng Abhidhamma để nói đến những lãnh vực vi tế, sâu nhiệm về tâm, tâm sở, sắc pháp và Niết-bàn. Đây là loại ngôn ngữ đặc biệt, nói theo kinh văn, nó được gọi là pháp ngữ.

Giải thích về hai loại chân lý:

- Khi ta gọi cái bàn, cái ghế, con người, cái nhà, sông, núi... là ta gọi tên chung một tổ hợp, một cấu hợp, một kết hợp từ các yếu tố rời rạc. Cái bàn là tổ hợp từ những yếu tố: ý niệm của người thợ, đinh, gỗ, ván, keo... Nếu rời các yếu tố kia ra, không có cái gì trong đó được gọi là cái bàn cả. Do vậy, tên gọi cái bàn chỉ là giả danh, nó không thực hữu, thực tính.

- Khi gọi con người, hữu tình, tự ngã... cũng tương tự thế. Con người là một tổ hợp của thân và tâm. Thân là máu, huyết, tủy, xương, tóc, lông, móng, răng, da ... Tâm là các yếu tố tâm lý thương, ghét, vui buồn, nhận thức... Nói cô đọng là con người chỉ là sự kết hợp của ngũ uẩn hoặc danh và sắc. Rời ngũ uẩn hoặc danh sắc, ta chẳng tìm thấy gì ở trong đó là con người cả. Do vậy, con người, hữu tình, tự ngã, đàn ông, đàn bà... chỉ là giả danh, nó không có thực thể con người, thực ngã, thực tính con người.

Cái nhìn vô tự tính, không tính ấy xuyên suốt vạn hữu từ hạt vi trần đến cả sơn hà đại địa, như đức Phật dạy: "Tất thảy các Pháp đều là vô ngã”.

- Đi sâu thêm một tí nữa. Cái bàn là kết hợp của đinh, gỗ, ván...; nhưng đinh, gỗ, ván... ấy cũng không phải thực ngã, thực tính... Vì đưa đôi mắt khoa học nhìn ngắm cái đinh, các nhà khoa học không tìm thấy cái gì được gọi là "đinh" cả! Nó là sắt ư? Không phải thế, nó chỉ là sự kết hợp của các hạt vật chất rất nhỏ nhiệm. Nếu phân tích nữa thì vật chất ấy cũng không có, tất cả chỉ là năng lượng tụ rồi tan rất nhanh bằng thời gian của một phần triệu giây! Những loại vật chất khác cũng tương tợ thế.

Còn con người? Là chỉ tấm thân một trượng này cùng với cảm giác và tri giác! Tấm thân một trượng thì cuối cùng chỉ là năng lượng! Còn cảm giáctri giác tức thọ và tưởng... lại càng không thực ngã, lại càng vô tự tính. Nếu vật chất thay đổi sinh diệt 01 lần thì cảm thọ, tri giác thay đổi nhanh gấp 16 lần như thế.

Như vậy, con người, ngũ uẩn, danh sắc... là kết hợp của các năng lượng cùng những yếu tố tâm lý luôn luôn thay đổi, miên tục, trùng trùng. Nó khác nhau trong mỗi khoảnh khắc, không có gì tồn tại giống nhau trong 2 sát-na.

Ta hãy đọc một đoạn văn sau đây:

"- Tôi đang nhàn nhã thưởng lãm một cảnh trời chiều ngoạn mục. Mặt trời rực rỡ chiếu qua những đám mây lóng lánh sắc màu. Ôi! Cảnh vật xung quanh tôi mới kiều diễm và thơ mộng dường bao? Kìa! Sông nước, núi đồi, cây lá dường như khóac lên mình chiếc áo thủy tinh, sáng hơn, tươi đẹp hơn, và muôn màu muôn sắc hơn!

Một cơn gió lạnh bất chợt thổi tới làm chao nghiêng một cành hoa thạch thảo. Có tiếng hát của gió và vài chiếc lá rung rinh khiêu vũ. Dường như trời sắp dông và sẽ có mưa...

Tôi ngửng đầu lên. Sắc màu của mây, cây lá, sông nước bây giờ sao chỉ còn một màu xám xịt, u ám. Nó đã thay đổi hoàn toàn".

Cái cảnh mà tôi vừa nhìn thấy là ảo giác, là cảnh theo con mắt nhìn của tục đế, là của sammuti sacca. Nhưng nếu đưa mắt nhìn theo con mắt của chân đế, đệ nhất nghĩa, paramattha-sacca, thì ta không bao giờ trông thấy một màu nào cả! Các màu bao giờ cũng đang liên tục biến đổi và cũng đang liên tục trở thành màu khác. Trong một phần triệu giây đồng hồ, nó thay đổi, biến dạng, màu này liên tục ẩn trong màu kia. Nó nhanh chóng cho đến độ ta không thực sự thấy nó là màu gì. Nó là một chuỗi dài màu sắc, trong đó không có màu nào là tồn tại, màu này liên tục tan biến trong màu khác.

Không có màu nào cả. Tất cả đang trở thành! Không có con người, đàn ông, đàn bà nào cả; tất cả đều là những yếu tố sắc danh luôn biến đổi và trở thành!

Thực sự là paramattha sacca thì không thể gọi tên cái gì được cả. Tuy nhiên, đức Phật cho phép dùng uẩn, xứ, giới... để diễn đạt, nói năng, phương tiện cho con người liễu ngộ sự thật rốt ráo khi bàn về tâm, tâm sở, sắc pháp và Niết-bàn (trong Abhidhamma).

- Nghiệp không do “cái ta” nào tạo ra cả

Lập ngôn này là dựa theo cái nhìn của đệ nhất nghĩa đế.

Thân là kết hợp của các yếu tố vật chất. Tâm là sự trôi chảy của hằng chuỗi trạng thái tâm lý. Vậy khi ta khởi một niệm, muốn làm một việc nào đó, là tư tác (cetanā); niệm ấy thường không độc lập khởi sanh, nó kế tục của niệm đi trước rồi tạo năng lực cho niệm đi sau. Nếu niệm ấy kéo dài 7 sát-na, có javana thì nó đã cấu thành nghiệp (ý nghiệp). Vậy thử hỏi có người nào, có ai tạo nghiệp ấy chăng ? Rõ ràng là chẳng có ai ở đấy cả, chỉ có niệm và niệm mà thôi. Chẳng có một tác giả nào!

Đến đây có người sẽ đặt câu hỏi: Không có ai tạo nghiệp thì thấy rõ rồi, còn người thọ nhận quả báo thì sao? Với sự thật đã nêu dẫn thì chắc cũng không luôn? Có rơi vào đoạn kiến chăng? Câu trả lời là: Không rơi vào đoạn kiến, mặc dầu "không ai tạo nghiệp và chẳng có ai thọ nhận quả báo". Khi mà chỉ có tư tác (tạo nghiệp), không có người-tư-tác; thì các cảm thọ, tri giác, tư tưởng... cũng không có người cảm thọ, người tri giác, người tư tưởng. Trong đời sống, khi ta nhận chịu quả báo, vui hay khổ, sẽ không có người vui, người khổ mà chỉ có cảm thọ vui, cảm thọ khổ. Người tu thiền tuệ thường ghi nhận sự thật ấy để vén mở bản lai vô ngã của các pháp.

Nói tóm lại, "không có tác giả, không có thọ giả" là cái nhìn của paramattha sacca. Và cũng chính nhờ sự thật ấy, nhờ sự diễn tiến của tâm niệm, nhờ không có thực ngã mà: người xấu ác trở nên tốt, tên tội đồ có thể trở thành bậc thánh nhân nếu biết chuyển hóa, thay đổi tư tưởng, tâm niệm, ý chí của mình. Nó rất công minh, công bằng, gây nhân nào gặp quả nấy không sai trật.

- Có người ăn trộm xoài, bị bắt, đưa lên quan. Nó nói: Tôi không lấy cắp xoài của y. Cái hạt xoài của y gieo thuở xưa, nó nhỏ xíu, đã tiêu mất rồi. Trái tôi lấy ăn, to, chín vàng, rõ ràng là khác xa mà! Dù người ăn trộm xoài có cãi cối, cãi chày anh ta vẫn bị quả báo xử phạt.

- Có cậu thanh niên phạm tội giết người, bỏ trốn. 30 năm sau trở về bị công an nhận diện, còng tay, đưa ra tòa. Cậu thanh niên, bây giờ đã là ông già tóc bạc, nói rằng: "Thưa quý tòa, công an bắt nhầm người rồi, cậu thanh niên thuở xưa là trai tráng, tóc xanh, hắn có gây án thì phải bắt hắn chịu tội. Còn tôi, bây giờ là một lão già, có phải là cậu thanh niên ấy đâu. Oan cho tôi lắm!". Cái ngụy biện ấy của ông lão cũng không thể thóat khỏi tội tù.

Cái hạt xoài nhỏ xíu, nhờ diệt mất nên mới có trái xoài to. Một tâm niệm khởi sanh, nó diệt mất nhưng lại kế tục một niệm khác, truyền năng lựctính chất cho niệm đi sau. Cho chí kiếp này, kiếp kia cũng vậy. Nó không thường kiến (vì không giống nhau mãi); nó không đoạn kiến (vì có mất đi đâu).

Và, cho chí Niết-bàn, cũng không có người nhập Niết-bàn, là vậy.

4- Nghiệp trú ở đâu?

Có người bảo rằng, nghiệp trú trong linh hồn, trú trong tâm linh, trú trong tiềm thức, trú trong vô thức... hay chứa trong tạng thức...

Phật giáo không nhìn nhận bất kỳ một trú xứ nào. Có một trú xứ là có một chỗ, một thực hữu, một thực tính hoặc một cái gì đó không thay đổi và không biến động. Và quả thật có cái trú xứ ấy chăng, trong thế giới tâm và vật chuyển động trùng trùng, thay đổi liên tục?

Song le, nếu sự thật là như vậy, có người sẽ hỏi rằng: "Nếu không có cái gì chứa giữ, cất giữ thì tại sao ta có thể có được ký ức, hoài niệm? Quá khứ ấy từ đâu hiện ra, nếu không là từ cái kho nào đấy trong vô thức? Và, nghiệp nó nằm ở đâu để có thể đi theo người ấy mà trả quả trong mai hậu?"

Giáo pháp của đức Thế Tôn sẽ mỉm cườitrả lời cho người ấy, đại để là: "Nghiệp không tàng trữ ở đâu cả trong dòng chảy tâm sinh vật lý luôn luôn thay đổi. Tuy nhiên, mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi kinh nghiệm, mỗi cảm giác, mỗi tri giác, mỗi nhận thức... của tiến trình trước tác động, ảnh hưởng đến tiến trình đi sau. Và trong dòng chảy bất tận ấy, trạng thái tâm lý này làm nhân, làm duyên cho trạng thái tâm lý kia; khi có cơ hội, tùy thuộc danh, sắc cấu thành, là nghiệp trổ sanh”.

Để minh giải cho điều này, Ngài Na Tiên đã trả lời cho Đức Vua Milinda bởi một câu hỏi tương tự, với ý là:

"- Trái xoài không nằm ở đâu trong cây xoài cả, tâu đại vương! Cũng không ai biết trái xoài sẽ mọc chỗ nào trên cành; nhưng tùy thuộc thời gian, ánh sáng, thời tiết; ảnh hưởng của nhiệt độ, tinh tú, mặt trời, mặt trăng, quả đất... trái xoài sẽ có mặt. Nó sẽ hiện hữu đúng lúc, đúng thời mà không có cái gì trong thân cây xoài tàng trữ nó. Nghiệp cũng là như thế, tâu đại vương!"

Nghiệp cũng tương tợ lửa. Lửa không tích trữ, chứa giữ ở đâu; nhưng hễ có hai thanh củi khô, có sự chà xát mạnh, lửa có mặt.

Nghiệp cũng tương tợ gió. Gió không tích trữ, chứa giữ ở đâu, nhưng hễ có không khí nóng bị giản nở là phát sanh ra gió.

Nghiệp là năng lực được điều hành bởi tư (cetanā), tư điều động dòng chảy ngũ uẩn, lộ trình tâm, thập nhị duyên khởi; trôi từ kiếp này sang kiếp khác, tạo thành địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, người, trời... Và tư cũng điều động để đắc thiền vào các cõi trời Sắc giớiVô sắc giới.

Các định luật vũ trụ cho ta biết rằng, không có gì diệt mất vĩnh viễn, cũng không có gì là thực tính tồn tại bất động, vĩnh cửu. Chúng tan rã để tựu thành. Chúng diệt mất ở biểu hiện này để có mặt trong biểu hiện khác. Từng giây khắc, từng sát-na như thế để thay đổi dạng và biến đổi chất. Dạng và chất ấy từ A sang B nhưng B không phải là A, tuy không khác A, vẫn do A mà có. Thuyết di truyền, gène, luật bảo tồn năng lượng, giống loại... xác chứng cho ta điều ấy.

Tuy nhiên, nhân quả nghiệp báo là một tiến trình diễn ra vô cùng phức tạp, chỉ có đức Toàn Giác mới thấy rõ tận tường. Các bậc đại A-la-hán dầu có trí tuệ đệ nhất như Tôn giả Xá-lợi-phất, sự hiểu biết ấy vẫn còn rất giới hạn.

IV. Có Bao Nhiêu Loại Nghiệp?

vô lượng chúng sanh là có vô lượng nghiệp. Chỉ riêng nói về con người, trái đất có 6 tỷ người đã khó tìm ra hai người giống nhau về cả hình dạng, khuôn mặt và tính tình. Rồi, riêng mỗi chúng sanh, mỗi người là kết quả của hằng triệu nghiệp từ quá khứ. Thật không ai có khả năng đếm hết cát trên bờ đại dương, thì nghiệp cũng khó tính đếm, phân loại như thế.

Tuy nhiên, phạm vi bài nghiên cứu này, chúng ta có thể tạm thời phân loại nghiệp theo các phương diện: biểu hiện, tính chất, vị trí, công tác, năng lựcthời gian trả quả. Chừng đó cũng đã bao quát toàn diện về nghiệp.

1- Về phương diện biểu hiện

Biểu hiện là cái hiện ra bên ngoài. Nghiệp thường biểu hiện qua thân, khẩu và ý.

- Nghiệp thân (kāya kamma): Là hành động cố ý, chủ ý (tư tác) biểu hiện qua thân hành.

- Nghiệp khẩu (vāca kamma): Là hành động cố ý, chủ ý (tư tác biểu hiện qua khẩu hành.

- Nghiệp ý (mano kamma): Là hành động cố ý, chủ ý (tư tác) biểu hiện qua ý hành.

Trong 3 nghiệp trên, nghiệp ý quan trọng hơn nghiệp thân và khẩu. Khi tư tưởng con người bị phân tán hoặc chưa được tập trung, an trú thì nó muội lược, yếu ớt nên người ta thường lầm tưởng nghiệp thân, nghiệp khẩu mới có sức mạnh. Họ nghĩ rằng, một vài ý tưởng rời rạc trong tâm chưa thực hiện, chưa biểu hiện qua thân và khẩu thì chẳng quan hệ gì. Nếu chịu khó quan sát thì bao giờ ý nghĩ, tư tưởng cũng dẫn dắt hành động. Và, khi mà tư tưởng con người được tập trung, được quy tụ thành nhất điểm thì nó tạo nên một sức mạnh, một năng lực khó lường mà không cần sự tham dự của thân và khẩu.

Thuở đức Phật còn tại tiền, có một số ngoại đạo chủ trương nghiệp thân và khẩu mạnh hơn nghiệp ý. Đức Phật đã giáo giới họ như sau: "Có người dùng sức mạnh của tay và chân để giết chết một người, hai người hoặc một hai ngàn người trong một xóm, một thôn; và sẽ không đủ khả năngthời gian để giết chết nhiều người hơn. Nhưng một người đã thuần thục tâm định, đã làm chủ được năng lực của tâm; thì chỉ cần một ý nghĩ, một tư tưởng của y có thể giết chết các loại hữu tình trong một thành phố, trong một vùng lớn rộng”.

Ngày nay, môn trường sinh học cùng các năng lực thần kỳ của tâm vừa mới phát hiện có thể minh chứng điều ấy cho chúng ta.

Do vậy, người tu Phật phải để ý, lắng nghe các ý nghĩ, tâm niệm của mình. Tội giết cha mẹ thường có từ những ý nghĩ, cử chỉ, hành động bất hiếu hằng ngày. Những tội trộm cắp lớn thường có từ những ý nghĩ tham muốn lặt vặt đôi khi mình không để tâm. Cho nên mở đầu Kinh Lời Vàng, câu 1,2, đức Phật đã dạy điều ấy:

"- Các pháp do ý dẫn đầu

Ý chủ, ý tạo bắc cầu đưa duyên

Nói làm với ý chẳng hiền

Bánh xe bò kéo, khổ liền theo sau”.

“- Các pháp do ý dẫn đầu

Ý chủ, ý tạo bắc cầu đưa duyên

Nói, làm với ý tốt hiền

Như hình dọi bóng, vui liền theo sau”.

Trong 3 nghiệp, ý nghiệp luôn là nghiệp quyết định, chủ động vậy.

2- Về phương diện tính chất.

Tính chất là xấu, tốt, thiện, ác. Đức Phật dạy có ba loại nghiệp với ba tính chất khác nhau; đấy là nghiệp bất thiện, nghiệp thiện và nghiệp bất động (các cõi thiền định).

2.1- Nghiệp bất thiện (akusala kamma): Là hành động do tư làm chủ, quy tụ những tâm sở bất thiện (có 14) mà tạo tác thành nghiệp bất thiện.

Có 10 nghiệp bất thiện:

- Thân có 3: Sát sanh (pānātipātā), trộm cắp (adinnādānā), và tà hạnh (kāmesumicchācārā).

- Khẩu có 4: nói dối (musāvādā), nói đâm thọc, chia rẽ (pusinavācā), nói độc ác, thô lỗ, cộc cằn (pharusavācā), và nói lời nhảm nhí, vô ích (samphappalāpa).

- Ý có 3: Tham lam (abhijjā) sân hận (vyāpada) và tà kiến (micchādiṭṭhi).

2.2- Nghiệp thiện (kusala kamma): Là những hành động do tư làm chủ, quy tụ những thiện tâm sở (có 25) mà tạo tác những nghiệp lành.

Nghiệp thiện có thập thiện nghiệp (tương tự thập bất thiện nghiệp nhưng ngược lại. Riêng ý nghiệp thì vô tham, vô sân và chuyển tà kiến thành chánh kiến). Ngoài ra, còn có 10 nguyên nhân sanh phước sau đây:

- Bố thí (dāna)

- Trì giới (sīla)

- Tham thiền (bhāvanā): Chỉ là hành động tham thiền, chưa đắc định, vì đắc định là đã đi vào cõi thiền, thuộc nghiệp bất động rồi.

- Cung kính (apacāyana)

- Phục vụ (veyyāvacca)

- Hồi hướng công đức (pattidāna)

- Tùy hỷ công đức (anumodāna)

- Thuyết pháp (dhamma desanā)

- Nghe pháp (dhamma savana)

- Chuyển tà kiến thành chánh kiến (diṭṭhijjukamma)

2.3- Nghiệp bất động (ānañja kamma): Là các bậc định Hữu sắcVô sắc do tư làm chủ để quy tụ các thiền chi.

- Hữu sắc thiền (rūpa jhāna): Có 4 hoặc 5 thiền, và có 5 thiền chi: tầm (vitakka), tứ (vicāra), phỉ (pīti), lạc (sukha) và nhất tâm (ekaggatā).

 Sơ thiền: tầm, tứ, phỉ, lạc, nhất tâm

 Nhị thiền: tứ, phỉ, lạc, nhất tâm

 Tam thiền: phỉ, lạc, nhất tâm

 Tứ thiền: lạc, nhất tâm

 Ngũ thiền: xả, nhất tâm

- Vô sắc thiền (arūpa jhāna) có 4:

 Không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana)

 Thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana)

 Vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana)

 Phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññānasaññāyatana)

Như vậy là có 9 nghiệp bất động.

3. Về phương diện vị trí (tức trú xứ, cảnh giới)

Do những tính chất bất thiện, thiện và bất động của nghiệp, chúng sanh tạo ra quả nghiệp với những cảnh giới tương ứng.

3.1- Bất thiện Dục giới nghiệp (kāmāvacana-akusalakamma): Do nghiệp nhân bất thiện, chúng sanh sẽ thọ quả khổ trong 4 cảnh giới đau khổ và người bất hạnh.

3.2- Thiện Dục giới nghiệp (kāmāvacana-kusalakamma): Do nghiệp nhân thiện, chúng sanh sẽ thọ quả trong cảnh giới người hạnh phúc cùng 6 cảnh trời Dục giới.

3.3- Sắc giới thiện nghiệp (rūpavacana-kusalakamma): Do ý nghiệp bất động, chúng sanh sẽ thọ quả trong các cảnh giới Hữu sắc tương ứng.

3.4- Vô sắc giới thiện nghiệp (arūpavacana-kusalakamma): Do ý nghiệp bất động chúng sanh sẽ thọ quả trong các cảnh trời Vô sắc tương ứng.

4. Về phương diện công tác (tức tác động)

Có cả thảy 4 loại nghiệp làm công tác này.

4.1- Sanh nghiệp (janaka kamma)

Janaka là sự sanh ra, có người dịch là nghiệp tái tạo. Đây là nghiệp chi phối một đời sống mới, tái tạo một đời sống mới. Và, đời sống mới ấy được bắt đầu như thế nào?

Khi một người lâm chung, có một cái thức nối liền từ đời này sang kiếp khác, thức ấy được gọi là kiết sanh thức (paṭisandhi). Kiết sanh thức chính là sát-na tâm quả của tác hành tâm (javana). Kiết sanh thức này bị chi phối bởi năng lực của cận tử nghiệp hoặc nghiệp nào đó được hiện khởi trong giây khắc lâm tử, nên đi tìm chỗ tái sanh thích hợp. Nói cách khác, nó kết hợp với noãn châu và tinh trùng để hình thành danh uẩn và sắc uẩn trong bụng mẹ. Từ danh sắc, có lục nhập, xúc, thọ..... để nối kết tiến trình sự sống (12 duyên khởi).

- Nếu sanh nghiệp được thụ hưởng kết quả của thiện nghiệp thì con người sinh ra trong hoàn cảnh tốt, thông minh, sức khoẻ, hạnh phúc...

- Nếu sanh nghiệp thụ hưởng kết quả xấu của bất thiện nghiệp thì đọa vào những cảnh giới đau khổ, bất hạnh, tối tăm...

4.2- Trì nghiệp (upaṭṭhambhaka kamma)

Là nghiệp gìn giữ, duy trì, hỗ trợ cho sanh nghiệp được tồn tại. Trì nghiệp thiện giúp cho ta sống lâu, sắc đẹp, an vui, mạnh khoẻ cho đến hết tuổi thọ. Trì nghiệp bất thiệnduy trì sanh nghiệp ác xấu, kéo dài thân sống trong bệnh tật và khổ đau.

4.3- Chướng nghiệp (upapīdaka kamma).

Là nghiệp làm cho sanh nghiệp bị trở ngại, chướng ngại.

Một người đang có sanh nghiệp và trì nghiệp tốt, bỗng nhiên bị một tai nạn. Tai nạn đó có thể do một ác nghiệp báo mạnh hơn xen vào tạo ra chướng ngại cho sanh nghiệp và trì nghiệp, gọi là chướng nghiệp.

4.4- Đoạn nghiệp (upaghātaka kamma).

Là nghiệp chấm dứt, tiêu diệt sanh nghiệp và trì nghiệp.

Nếu khôngđoạn nghiệp, một người có thể sống lâu cho đến hết tuổi thọ. Sống, có nghĩa là thọ mạngsanh nghiệp còn. Và, chết, là do 4 nguyên nhân sau đây:

- Hết thọ mạng.

- Sanh nghiệp chấm dứt.

- Thọ mạngsanh nghiệp cùng chấm dứt.

- Do một sát nghiệp xen dự vào.

Sát nghiệp (upaccheda kamma) hay nghiệp cắt đứt làm gián đoạn sự sống. Nếu đoạn nghiệp rơi đúng vào lúc tuổi thọ hoặc sanh nghiệp chấm dứt thì người ấy được gọi là chết đúng thời (kālamaraṇa). Nếu đoạn nghiệp là một sát nghiệp xảy ra thình lình gọi là chết sai thời (akālamaraṇa) hay bất đắc kỳ tử.

Trường hợp Devadatta có thể cho ta hiểu về 4 loại nghiệp này:

- Do sanh nghiệp tốt, Devadatta được sinh vào hoàng tộc.

- Do trì nghiệp tốt, Devadatta được lớn khôn và trưởng thành trong hoàn cảnh đầy đủ tiện nghi, thịnh mãn.

- Do chướng nghiệp chi phối, Devadatta khởi ác tâm chia rẽ Tăng-già, mưu hại Phật nên bị trục xuất khỏi giáo hội một cách nhục nhã.

- Do đoạn nghiệp trổ quả, Devadatta bị đất rút, chấm dứt mạng sống và đọa địa ngục.

5. Về phương diện năng lực

Có 4 loại nghiệp.

Năng lực hay sức mạnh của nghiệp tức là nghiệp nặng hay nhẹ có khả năng đưa đến kết quả tương ứng.

5.1. Cực trọng nghiệp (garuka kamma)

Là nghiệp có rất nhiều sức mạnh, nhiều năng lực. Nghiệp này có thể là thiện hay bất thiện.

a. Bất thiện cực trọng nghiệp: Đây là nghiệp bất thiện rất nặng, còn gọi là vô gián nghiệp (anantariya kamma), vì nó sẽ trổ quả ngay trong kiếp hiện tại, sau đó đọa địa ngục vô gián.

Bất thiện cực trọng nghiệp chính là tạo ngũ nghịch đại tội: Giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm Phật chảy máu, chia rẽ Tăng

Một người dù đắc thiền, có thần thông; nếu phạm vào 1 trong 5 tội này thì thần thôngthiền định đều tiêu tan, trong hiện tại bị quả dữ và phải sanh vào địa ngục vô gián.

Trong thời Phật tại thế, nếu vua A-xà-thế không phạm tội giết cha thì ông ta có thể đắc quả Tu-đà-hoàn! Vậy, bất thiện cực trọng nghiệp còn ngăn trở sự tiến bộ tinh thần nữa.

b. Thiện cực trọng nghiệp: Là nghiệp thiện rất mạnh. Ấy là người đã đắc được 4 thiền Hữu sắc và 4 thiền Vô sắc.

Nếu có người trước đây làm nhiều việc bất thiện (không tạo ngũ nghịch đại tội), nhưng do ăn năn sám hối, tinh cần tu tập đắc định; lúc lâm chung có thể an trú định, thì định ấy có năng lực rất mạnh giúp người ấy hóa sanh lên Phạm thiên giới. Trong khi đó, các việc bất thiện trong quá khứ, không phải là mất đi, nhưng chúng chưa có khả năng trổ quả - do năng lực thiền định mạnh hơn.

5.2. Cận tử nghiệp (āsanna kamma)

Là nghiệp làm lúc sắp chết hay là chặp tư tưởng cuối cùng lúc lâm chung. Nghiệp này có thể là ý nghiệp hay chỉ là trạng thái tâm lý do ký ức, hồi tưởng, nhớ lại một nghiệp thiện hay bất thiện trong quá khứ; vì khi chết sẽ có 3 hiện tượng xảy ra:

a. Nghiệp (kamma): Nhớ nghiệp quá khứ thiện hay bất thiện. Ví dụ, nhớ lại một hành động tốt như bố thí, lễ Phật; hoặc nhớ lại một hành động xấu ác như giết chóc, trộm cắp...

b. Nghiệp tướng (kammanimitta): Ở đây, người sắp chết sẽ thấy một cảnh của tướng nghiệp ấy hiện ra. Ví dụ như thấy một cuốn kinh, thấy tượng Phật (thiện); hoặc thấy đao kiếm, súng đạn (bất thiện).

c. Thú tướng (gatinimitta): Tức là tướng của cảnh giới tái sinh. Người sắp chết sẽ thấy cảnh thiên đàng, địa ngục hoặc súc sanh... Đấy sẽ là cảnh giới tương ứng với tâm tái sanh, sẽ hội tụ ở kiết sanh thức tạo chặp tư tưởng đi đầu thai vào kiếp sau.

Do vậy, chặp tư tưởng cuối cùng rất quan trọng. Người ta có thể tạo điều kiện tốt cho người sắp chết nhớ nghĩ những điều lành, tốt để giúp họ có cận tử nghiệp tốt. Tụng kinh, đốt trầm, xông hương, niệm Phật, đánh chuông... có thể hộ trì cho tâm thức người chết được trong sáng, thiện lương, an ổn và thanh bình! Nói như vậy không có nghĩa người ấy không trả quả nhân ác trong quá khứ. Trái lại, một người làm việc lành tốt suốt đời, nhưng trước khi chết họ gặp phải điều kiện xấu, gieo cận tử nghiệp bất thiện thì họ vẫn bị đọa như thường. Nghiệp lành tốt suốt đời họ từng làm, sẽ được thọ hưởng sau khi trả xong quả ác nghiệp. Trường hợp vua A-dục bị đọa làm kiếp rắn, sau đó mới hóa sanh vào cung trời Đẩu Suất là một ví dụ cụ thể.

5.3. Tập quán nghiệp (āciṇṇakamma)

Là nghiệp đã thành thói quen hoặc do thói quen mà thành nghiệp.

Một nghiệp thiện đã thành thói quen giúp cho ta khó thân cận nghiệp ác hoặc khó làm việc ác. Nhưng một nghiệp bất thiện đã thành thói quen, dù nghiệp ác rất nhỏ cũng rất nguy hiểm vì khó bỏ.

Những huân tập của nghiệp này tuy không nặng nề nhưng lâu ngày cũng trở nên kiên cố. Vì vậy, đức Phật dạy: "Chớ khinh thường điều ác nhỏ mà làm, chớ khinh thường điều thiện nhỏ mà không làm". Đúng như các câu Kinh Lời Vàng số 121,122:

"- Nước rơi từng giọt, giọt thôi

Lâu ngày chầy tháng đến hồi tràn lu

Chút chút việc ác, mặc dù

Ngày qua tháng lại, người ngu ác đầy”.

“- Nước rơi từng giọt, giọt thôi.

Khe mương trăm nẻo đến hồi thành sông

Chút chút việc thiện nhẹ bồng

Mai kia vô lượng hư không cũng tràn".

Những việc lành lớn hay những việc ác lớn thường bắt đầu những tập quán nghiệp rất nhỏ và rất nhẹ. Như định lực thâm hậu có từ sự chú tâm, chánh niệm hằng ngày. Như tội giết cha, giết mẹ có từ những hành động, cử chỉ, lời nói ngỗ nghịch, bất hiếu lúc chút ít mà thành.

5.4. Tích lũy nghiệp (kaṭattākamma)

Là những nghiệp tạo bất thường do một duyên nào đó thoáng qua. Nghiệp này thường rất nhẹ và dễ quên nếu là bất thiện. Nghiệp này, từng lúc một, chìm vào vô thức thành những chủng tử tồn đọng, tích lũy, chứa nhóm như những cặn bã, rác rưởi; mới thấy tưởng là vô hại, nhưng chúng sẽ liên kết với nhau để trở thành những khuynh hướng, những xung động, những mâu thuẫn, những ngủ ngầm vi tế của vũng bùn vô minh, ái dục. Do vậy, những hành động, cử chỉ, lời nói không đầu tư một ý chí mạnh mẽ, chúng ta tưởng đã quên lãng không còn giá trị đạo đức hay luân lý nữa; nhưng thật ra, ảnh hưởng của chúng thật nguy hiểm. Có những nỗi buồn vô cớ, những chán nản không tên che mờ tâm trí chúng ta. Chúng sẽ làm nền tảng cho sự đãng trí, thất niệm, bất giác; từ đó phát sanh những hành động sai lầm nghiêm trọng. Đó chính là do bất thiện tích luỹ nghiệp vậy.

Trái lại, có những thiện tích luỹ nghiệp mà chúng ta làm bất chợt, không thường xuyên trong đời sống. Ví dụ, lấy một cây gai giữa đường quăng vào bụi, rồi quên! Cứu một con gián trong hố xí rồi quên! Chỉ đường cho một người lạc đường. Cho đưa bé ăn xin vài đồng bạc... Những việc làm ấy ít khi ta có chủ tâm mạnh mẽ. Tuy nhiên, lâu ngày chầy tháng chúng cũng tích luỹ, tồn đọng những khuynh hướng, năng lực tốt lành ở trong tâm. Sau này chúng sẽ tạo thêm duyên lành, hỗ trợ cho đời sống chúng ta nhiều phước báu không phải là ít vậy. Chớ nên xem thường tích luỹ nghiệp này.

6- Về Thời Gian Trả Quả

Có 4 loại nghiệp:

Tuỳ theo sức mạnh của nghiệp và cơ hội trả quả; nghiệp có những thời gian trả quả khác nhau. Nói cách khác, khi nhân duyên đủ thì quả thành, nhân duyên chưa đủ thì quả chưa thành. Chính do vậy mà có người làm ác lại sống giàu sang, sung sướng; người hiền lương, tốt, chân thật lại sống trong túng thiếu, nghèo khổ. Điều tưởng như nghịch lý trên, thật ra là do thời gian trả quả nhanh, chậm khác nhau mà thôi.

Sau đây là một số ví dụ:

- Chúng ta vừa trồng một cây ớt rồi trồng một cây cam. Ba tháng sau ta có ớt ăn còn cam thì chưa. Ớt ví cho quả khổ, cam ví như quả vui.

- Ông A nhiều năm về trước chịu khó làm ăn, biết để dành nên hiện tại ông ta không làm gì mà vẫn có tiền để tiêu xài. Đây là ví dụ cho những người hiện tại không làm việc lành mà họ vẫn sung sướng. Tuy nhiên, do hiện tại không làm việc nên khi xài hết của để dành, ông A sẽ nghèo khổ. Đây ví như quả khổ tương lai mà ông A chưa thấy, chưa biết.

- Ông B trong quá khứ không chịu làm ăn nên hiện tại bị đói khổ (quả dữ hiện tại); cho dẫu bây giời có tích cực kinh doanh thì nhiều năm sau mới được hưởng quả (nhân tốt hiện tại, quả lành mai sau).

6.1- Hiện báo nghiệp (diṭṭhadhamma vedanīyakamma)

Là nghiệp có kết quả ngay trong hiện tại. Thường trong hiện tại, chúng ta thọ nhận quả của nghiệp quá khứ; nhưng nếu vừa có một nghiệp mới tạo ra, có đủ điều kiện trả quả, nó sẽ chen vào trong hiện tại này để trả quả.

Sát-na tác hành tâm thứ nhất thường trả quả trong kiếp hiện tại, nếu không trả quả trong hiện tại, nó sẽ thành vô hiệu.

a. Quả lành trổ sanh trong kiếp hiện tại: Như tích hai vợ chồng nghèo khổ chỉ có một cái áo choàng nhưng đã phát tâm mạnh mẽ cúng dường đến đức Phật. Việc làm vĩ đại này đã kinh cảm cả quốc độ, đức vua rất kính trọng nên đã cho hai vợ chồng được hưởng nhiều đặc ân về địa vịtài lợi (trong thời đức Phật có rất nhiều thí chủ được trả quả thiện báo trong hiện tại).

b. Quả dữ trổ sanh trong kiếp hiện tại: Như tích truyện người thợ săn ác độc xua bầy chó cắn vị tỳ-khưu. Vị tỳ-khưu sợ hãi leo lên cây, lúng túng làm tấm y rớt trùm lên đầu người thợ săn, bầy chó quay lại cắn người thợ săn cho đến chết.

Ngoài ra, trong hiện tại, ta có thể chiêm nghiệm rất nhiều trường hợp trổ sanh của hiện báo nghiệp. Những kẻ giết người, cướp của, tà hạnh... xâm hại quá nhiều đến sự đạo đức, an ninh xã hội sẽ bị pháp luật trừng trị.

6.2. Sanh báo nghiệp (upapajja vedanīya kamma)

Đây là những nghiệp đưa đến kết quả trong đời sau, kế liền kiếp hiện tại. Trong 7 sát-na của tác hành tâm, 2 sát-na tâm cuối cùng thường trả quả trong kiếp kế tiếp, nếu không nó sẽ trở thành vô hiệu.

a. Người làm công cho ông Cấp Cô Độc làm việc cả ngày ngoài đồng về, thấy cả nhà đều thọ Bát quan trai giới, anh ta hoan hỷ nhịn ăn, bắt chước thọ giới. Khuya, người làm công trúng gió, qua đời; nhờ tâm trong sạch nên được hóa sanh tức khắc lên cõi trời.

b. Những người phạm ngũ nghịch đại tội như Devadatta, vua A-xà-thế... khi chết phải đọa địa ngục tức khắc. Những người đắc định, kiếp sau tức khắc hóa sanh vào cõi Phạm thiên.

Thiện cực trọng nghiệpbất thiện cực trọng nghiệp thuộc về sanh báo nghiệp này.

6.3. Hậu báo nghiệp (Aparāpari yavedanīya kamma)

Những nghiệp không trả quả trong hiện tại, không trả quả trong kiếp sau, không trở thành vô hiệu thì chúng trả quả trong bất cứ kiếp nào còn lại, từ kiếp thứ ba trở đi, tuỳ theo sức mạnh của nghiệp ấy và điều kiện liên hệ. Điều kiện liên hệ tức là cơ hội (duyên) để quả trổ sanh.

Ví dụ một người có làm nhiều nghiệp ác nhưng sau đó hồi đầu hướng thiện làm các hạnh lành như bố thí, trì giới, tham thiền. Nhờ nhân lành ấy nên sau khi chết, người ấy được hóa sanh cõi trời. Trong thời gian ấy, nghiệp ác đã làm từ trước không có cơ hội trả quả. Tuy nhiên, sau khi hưởng hết phước ở cõi trời, quả ác xưa có thể đến cho quả: người ấy sinh làm người nghèo khổ, bất hạnh hoặc đọa vào 4 đường khổ.

Ví dụ một người có tu tập, có làm nhiều việc lành nhưng sau đó bị bạn ác rủ rê, mê muội mà tạo ác giới, sinh vào khổ thú. Hết quả báo khổ thú người ấy hóa sanh vào cõi trời do nghiệp lành xưa đúng thời trổ quả.

Thường 4 sát-na tốc hành tâm ở giữa tạo ra hậu báo nghiệp, trả quả trong các kiếp kế sau, không biết là kiếp nào. Đức Phật và chư vị A-la-hán, dẫu đã giải thóat nhưng khi còn thân xác hữu vi vẫn bị hậu báo nghiệp này chi phối:

- Đức Moggallāna trong một kiếp xa xôi nghe người vợ ác, giả bọn cướp với âm mưu giết mẹ. Sau đó trải qua thời gian dài bị khổ báo, kiếp cuối cùng dẫu đã đắc quả A-la-hán, hậu báo nghiệp vẫn trổ sanh nên bọn cướp đã giết chết Ngài.

- Đức Phật bị vu oan giết một cô gái thuộc đạo lõa thể vì trong quá khứ ngài đã thiếu lễ độ đối với một vị Độc Giác Phật (theo chú giải).

- Đức Phật bị chảy máu chân là do dư nghiệp quá khứ đã giết người em khác mẹ để đoạt của (theo chú giải).

6.4. Vô hiệu nghiệp (ahosi kamma)

Hiện báo nghiệp nếu không trả quả trong hiện tại thì trở nên vô hiệu.

Sanh báo nghiệp nếu không trả quả trong kiếp kế tiếp thì nó cũng trở nên vô hiệu.

Hậu báo nghiệp không có cơ hội trả quả từ kiếp thứ ba trở đi cho đến khi Niết-bàn thì cũng trở nên vô hiệu. Tuy nhiên, không phải nghiệp nào cũng trở nên vô hiệu. Chỉ có những nghiệp quá nhẹ không đủ sức trả quả hoặc không có cơ hội trả quả mới trở nên vô hiệu.

Một việc ác dù nhỏ vẫn trả quả, nghĩa là vẫn gây tác dụng trong đời sống chúng ta; ví như một hạt cát nhỏ vẫn có sức nặng để chìm trong nước, có khả năng làm ta xốn xang, đau mắt. Tuy nhiên, đôi khi một việc ác lớn hơn lại không thể trả quả, ví như những viên đá to được chở trong chiếc thuyền lớn. Quả ác thường khó trổ sanh bởi những việc lành to lớn và liên tục. Ví dụ:

- Một hạt muối hoà tan trong ly nước thì ly nước có vị mặn, nhưng hoà tan trong hồ nước thì không có ý nghĩa gì.

- Một vị A-na-hàm sanh lên Sắc cứu cánh thiên rồi đắc quả A-la-hán, thì những nghiệp ác còn lại trong quá khứ không có đủ điều kiện, cơ hội để trả quả.

V- Những Điều Quan Trọng Cần Phải Liễu Tri

1. Chánh báo

Nghiệp quả tạo thành chính sinh mệnh của một người gọi là chánh báo. Nói cách khác, nghiệp này chính là sanh nghiệp tạo ra sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn của chúng sanh.

2. Y báo

Nghiệp quả dẫn đến cảnh giới tái sanh, là chánh báo, nhưng điều kiệnhoàn cảnh tương duyên, tương quan trong cảnh giới ấy được gọi là y báo. Y báo thường tùy thuộc chánh báo. Ví dụ người có chánh báo tốt thì có sắc thân xinh đẹp, mạnh khỏe, thông minh, được thọ hưởng tiện nghi ăn ở, học hành đều đầy đủ trong một gia đình phú quý... tức là có luôn y báo tốt. Trái lại, người có chánh báo xấu thì có sắc thân xấu, khiếm khuyết ngũ quan, nhiều bệnh tật; lại sinh vào gia đình nghèo khổ, thiếu thốn trăm bề... tức là có y báo xấu.

3. Biệt nghiệp

Nghiệp tạo riêng của mình không ảnh hưởng đến người khác hoặc xã hội thì gọi là biệt nghiệp. Nghiệp chỉ làm một mình, không làm chung với người khác cũng gọi là biệt nghiệp. Nghiệp này chỉ có tác dụng trả quả cá biệt.

4. Cộng nghiệp

Nghiệp có ảnh hưởng đến nhiều người hoặc nhiều người cùng tạo một nghiệp gọi là cộng nghiệp. Nghiệp này vì có tác dụng đối với nhiều người, gây ảnh hưởng chung cho xã hội nên thường bị trả quả chung. Tuy thế, trong cộng nghiệp vẫn có biệt nghiệp, vì tuy làm chung một nghiệp nhưng mỗi người thường đầu tư ý chí khác nhau, nên nghiệp quả khác nhau. Ví dụ:

- Chiến tranh xảy ra trong một làng thì ai cũng bị cảnh bom rơi, đạn lạc giống nhau (cộng nghiệp); nhưng có người chết, người còn sống; kẻ nhà bị cháy, đổ nát nhưng có người thì nhà cửa nguyên vẹn, đôi khi có người lại giàu thêm do bán buôn thu lợi... Ấy là do biệt nghiệp khác nhau vậy.

- Thiên tai, hạn hán, bão lụt xảy ra (cộng nghiệp); nhưng sẽ có người đói, kẻ no; kẻ bị hại trăm bề, còn có người thì yên hàn vô sự (do biệt nghiệp).

5. Có thể chấm dứt nghiệp báo

Một người giác ngộ giải thóat có thể chấm dứt nghiệp báo mặc dầu vẫn còn ở trong định luật nhân quả. Tức là có nhân quả, nhưng không có nghiệp báo. Hoặc do sáng suốt về nhân quả, thấy rõ về nhân, quả nên nghiệp báo không thể chi phối. Họ không lệ thuộc hoàn toàn vào nhân quả.

Ví dụ 1: Ba người cùng trồng cam. Giống loại phân bón, đất, nước, khí hậu, ánh sáng, thời gian, công phu chăm sóc đều giống nhau... Kết quả có thể đưa đến số lượng trái, chất lượng đều giống nhau.

Tuy nhiên, anh A trồng là muốn kiếm tiền, anh B trồng với tâm niệm để bố thí, anh C trồng với tâm rỗng không, luôn có định, tuệ chiếu soi.

Thời gian sau cả 3 cây cam đều ra trái trĩu cành, và đêm kia có kẻ trộm đột kích vặt trụi trái cả 3 cây. Sáng ngày thấy vậy, anh A vò đầu, bứt tai vô cùng tức giận và sầu khổ. Anh B thì cười ha hả, rất vui vì anh được dịp bố thí. Còn anh C vẫn giữ được tâm rỗng không, không khổ, không vui, vô sự, vẫn định tuệ chiếu soi như thuở nào.

Qua ví dụ này, ta thấy cả ba trường hợp, nhân quả vẫn xảy ra giống nhau. Nhưng anh A khổ là vì nhận chịu quả của nghiệp báo. Anh B vui là thọ nhận quả của nghiệp báo. Còn anh C vì đã rời khỏi khổ, vui; có tác động nhân quả nhưng nghiệp báo không xảy ra với anh ta. Ở đây, nhân quả của nghiệp đã tách rời khỏi nhân quả thuần túy.

Bậc Giác ngộ giải thóat sống ở trên đời vẫn bị chi phối chung của các định luật nhân quả nhưng tâm các Ngài vẫn trạm nhiên thanh tịnh, giải thóat là vậy.

Ví dụ 2: Có người do làm việc xấu ác trong quá khứ, kiếp này bị nhục mạ, phỉ báng, đánh đập... Anh ta cảm thọ đau đớn, khổ hận. Đấy là nhân quả nghiệp báo. Tuy nhiên, nếu khi quả đến, do sáng suốt, do thường trựcđịnh tuệ chiếu soi; anh ta ghi nhận cảm thọ chỉ là cảm thọ. Lúc ấy, thân anh bị đau, tai anh khó chịu nhưng tâm anh không bị ưu não chi phối. Nhờ vậy, tư (cetanā) không phát sanh, hành (saṅkhāra) không phát sanh vì chúng đã được thay thế bởi tuệ. Giây khắc ấy, có nhân quả nhưng nghiệp báo chấm dứt.

Đức Phật thường lấy ví dụ mũi tên bắn trúng da thịt, bị đau là do nhân quả thuần túy (định luật sinh vật lý); nhưng nếu tâm không bị đau, không bị ưu não là không có phản ứng nghiệp báo. Nhân quả có xảy ra nhưng nghiệp báo không tác dụng.

Ví dụ 3: Có người do thất niệm, bất giác nên phát sanh hành động, cử chỉ, thái độ, ngôn ngữ khiếm nhã, thất lễ đối với người hàng xóm. Lúc tỉnh niệm, anh ta biết rõ trước sau cũng sẽ nhận chịu hậu quả bất thiện ấy.

Sáng hôm kia, anh thấy vườn hoa của mình bị người dẫm nát. Do sáng suốt, biết rõ nhân quả nên anh chẳng sầu muộn bực bội gì. Hôm kia nữa, anh ta bị một viên đá từ bên kia vườn bay qua trúng đầu, lỗ trán, máu chảy dầm dề. Nhờ định tĩnh, nhờ sáng suốt, biết mình đang nhận quả do nghiệp xấu đã gieo; anh ta nhẫn chịu bịt chặt vết thương, dù đau đớn nhưng tâm anh mỉm cười, không hờn, không oán, không ưu não. Vậy, nhân quả có xảy ra nhưng tâm anh ta giải thóat khỏi nghiệp báo.

6. Quan niệm vui, khổ của thế gian khác quan niệm vui, khổ của người tu Phật

- Người sống trong chăn ấm, nệm êm, tiện nghi sung túc, ăn ngon, mặc đẹp... là quan niệm hạnh phúc của thế gian. Nếu ngược lại, người ta bảo đấy là khổ .

- Người có tâm tu Phật, chấp nhận đời sống đạm bạc, thanh bần... thế gian gọi là khổ nhưng người tu lại cảm thấy vui. Đôi khi người tu hành thức khuya, dậy sớm, công phu, tụng kinh, thiền toạ; ngày tất bật làm công việc nọ kia vì tình thương, vì điều thiện, vì chân lý, thế gian bảo đấy là khổ nhưng bậc chân tu lại thấy là hạnh phúc.

- Ở trong nghịch cảnh, người đời đau khổ, sầu muộn, quở trời trách Phật, nhưng đối với người tu, họ coi đấy là bài học của pháp, là cơ hội tốt để tu tập công hạnh ba-la-mật như bố thí, nhẫn nại, từ, xả... để học bài học giác ngộ.

- Khi vui, khi khổ, bậc chân tu vẫn giữ được sự sáng suốt, định tĩnh, trạm nhiên, thanh tịnh; không để cho vui khổ lôi cuốn mình đi. Người ấy thật sự là người sống trong hạnh phúc chơn chánh.

Kết luận

Nhân quả nghiệp báo là cái gì dường như tất yếu chi phối toàn bộ tâm sinh vật lý của chúng hữu tình, vừa bao hàm, vừa cá biệt, rất khó minh giải cho tận tường. Vì khó giải thích nên nhiều người học Phật đã tỏ ra bất lực, dễ đồng hóanghiệp báo với thuyết định mệnh của Khổng Nho. Từ đó, cái tơ, cái tóc, trái gió, trở trời, trặc chân, gãy tay cũng đổ thừa cho định mệnh. Tuy nhiên, người học Khổng thâm sâu thì “tại trời, ý trời, thuận lẽ trời” chính là thuận theo 4 định luật của vũ trụ. Người học Phật, dẫu cho các bậc thánh nhơn cũng không bước ra khỏi các định luật tự nhiên ấy. Các Ngài hiểu rất rõ những định luật chi phối con người, vạn hữu và chỉ cốt giải thóat nghiệp báođịnh luật thứ năm mà thôi.

Từ cơ sở nền tảng ấy, và qua toàn bộ những gì chúng ta đã biết từ bài này; lý nghiệp báotrùng trùng duyên khởi, đa dạng, phong phú, vô tận, vô lượng nhưng chúng ta cũng có thể thấy rõ nó, liễu triệt, thấu đáo nó khởi từ thân khẩu ý của chúng ta. Cô đọng hơn, nó ở nơi từng tâm niệm của chúng ta. Một móng khởi của tâm niệm, tư tưởng, ý nghĩ tưởng như vô hình, nhỏ nhiệm nhưng nó dao động, tác động trong không gian, khắp cả các chiều kích của vũ trụ. Lý nghiệp báo đi ra từ đấy và nó chấm dứt cũng ở đấy.

Nói chấm dứt nghiệp báo theo kiến giải dẫn lược, không phải là chấm dứt hoặc làm yên lặng tư tưởng, ý niệm. Các tôn giáo có mặt trên cuộc đời, không lý giải được cái rốt cùng nên họ đã loay hoay tại miền đất này. Và dù họ có bế tắc, đổ thừa cho mặc khải, huyền nhiệm, thượng đế... đi chăng nữa thì các loại tư tưởng ấy cũng dừng lại nơi chữ “định” mà thôi.

Khổng triết nói: "Chỗ dâm, nộ, si chưa xuất hiện là chỗ vào ra của đạo".

Trang tử nói: "Tự nhiên là đạo".

Kitô hữu nói: "Về bên chân thượng đế".

Bà-la-môn giáo nói: "Thể nhập với đại ngã vũ trụ".

Như vậy, cái cố quận muôn đời của các tôn giáotrở về, sáp nhập với, đồng hóa với những định luật của vũ trụ. Mà muốn thể nhập, đồng hóa... thì chỉ có một cách là tu thiền định. Kẻ không tu thiền định được thì họ tu theo đức tin, cầu nguyện, hoặc phó thác mình cho thượng đế vậy.

Đạo Phật cũng sử dụng định, cũng làm cho yên lặng dâm nộ, si; cũng làm cho yên lặng các ý niệm, tư tưởng nhưng không dừng lại ở đó để thể nhập với một thượng đế, một đại ngã nào, một ông thiên nào. Định, tâm sẽ yên lặng. Nhờ yên lặng mới tu tập tuệ được, mới sáng suốt để thấy rõ bản chất như thực của các pháp.

Khi thấy rõ bản chất vô thường, vô ngã của pháp nhờ nội quán, vị ấy có thể thấy rõ, biết rõ tâm niệm mình dấy khởi và tạo ra tiến trình tâm lý, nhân và quả như thế nào. Chính bắt đầu từ đây ta mới có thể nói đến sự giải thóat khỏi lý nghiệp báo. Nói cách khác, có tuệ mới giải thóat nghiệp báo, không có tuệ không thể giải thóat nghiệp báo.


(CÙNG TÁC GIẢ)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant