Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

C. Phần Tìm Hiểu Nghĩa Ý (Tt)

Sunday, May 16, 201000:00(View: 3945)
C. Phần Tìm Hiểu Nghĩa Ý (Tt)
KINH TỲ KHEO NA TIÊN
Càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753
Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu

C.- Phần Tìm hiểu Nghĩa Ý (tiếp theo)

III.- Vấn-đề: Phân-biệt các điều thiện, ác .

124.- Năm điều thiện và năm điều ác là những gì? 

Đề-mục quan-trọng thứ ba là vấn-đề phân-biệt các điều thiện ác, tiếp theo các đề-tài: (I) tại sao đi tu làm sa-môn và (II) tái-sanh Luân-hồi, vừa xét qua. Nhắc lại: cuối tiểu-mục số 019, Phần Phỏng-dịch, khi Vua Di-Lan hỏi, ''người một lòng niệm Chánh-Pháp, ... siêng làm các điều thiện, phải chăng sẽ khỏi tái-sanh?'', Na-Tiên đáp, ''Phải '', rồi trong hai tiểu-mục số 020 và 021, có kể ra năm điều thiện và năm điều ác như sau:

a.- Năm điều thiện là: (1) thành-tín, (2) hiếu-thuận, (3) tinh-tấn, (4) nhứt-tâm và (5) trí-huệ;
b.- Năm điều ác là: (1) tham-dâm, (2) giận-hờn, (3) mê ngủ, (4) vui-đùa, (5) nghi-ngờ. 

Năm điều thiện vừa kể, khi ta xét qua nội-dung và tìm hiểu về Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo, thì thấy cũng tương-tợ với Ngũ căn, tức là năm nguồn-gốc làm phát-sanh ra các điều thiện. Còn năm điều ác thì dường như Na-Tiên nhắc đến Ngũ cái, tức là năm sự ngăn-che, năm cái nắp úp lên che đậy (Pali: Nivarana). Cái gì bị che-đậy? Đó là Trí-Huệ bị ngũ-cái che-mờ. Ngũ cái gồm có: (1) Tham-lam, (2) Giận-hờn, (3) Thụy-miên, Hôn-trầm (=mê ngủ), (4) Trạo, Hối (vọng-động và hối-tiếc), và (5) Nghi; năm cái nắp đó úp lên khiến Trí-huệ bị mờ.

Về ảnh-hưởng của năm điều thiện có thể phá tan được năm điều ác, nơi cuối tiểu-mục số 021, trang 18, Na-Tiên đưa ra một thí-dụ cụ-thể về viên ngọc thanh-thủy-châu của nhà Vua, có thể lọc sạch được nước bùn làm cho nước trở nên tinh-khiết để uống.

Thế nào là thiện, ác?, ta chẳng tìm thấy một định-nghĩa tổng-quát của hai chữ đối-nghịch nầy trong sách ''Tì-kheo Na-Tiên''. Thông-thường, điều thiện, còn gọi là điều lành, là điều có lợi cho kẻ khác và cũng lợi cho đường tu của mình. Những gì gây tổn-hại cho người, dầu có lợi về vật-chất cho mình, đều được xem là điều ác, còn được gọi là điều bất-thiện, chắc-chắn có hại cho đường tu của mình.

Trở lại với tiểu-mục số 020, Phần Phỏng-dịch, trả lời câu hỏi: Các điều thiện là những gì?, Na-Tiên có kể tới cả sáu điều: (1) thành-tín, (2) hiếu-thuận, (3) tinh-tấn, (4) niệm thiện, (5) nhứt-tâm, (6) trí-huệ. Nhưng điều (4) về ''niệm thiện'' có lẽ hơi dư-thừa, vậy nên xin tạm giữ lại năm điều thôi. Tiếp theo, Na-Tiên định-nghĩa và cho thí-dụ về mỗi điều thiện vừa kể, như sau:

1.- Thành-tín: là tin có Phật, có Kinh-Pháp, có Tăng-Ni, có A-la-hán; tin có đời nầy, đời sau; tin làm lành gặp lành, làm ác gặp ác. Như thế, đó là niềm tin, chẳng còn vướng chút nghi-ngờ nào, vào ngôi Tam-Bảo, vào sự tái-sanh Luân-hồi, và vào Luật Nhân-Quả. 

2.- Hiếu-thuận (tiểu-mục số 023): là tuân theo Ba mươi bảy Phẩm Kinh (Trợ Đạo), vì 37 phẩm Kinh nầy đều đặt căn-bản nơi sự hiếu-thuận. Khoan bàn về 37 Phẩm Trợ Đạo, ta thấy ngay có sự ''chẳng chỉnh'' trong lời Na-Tiên, hay đúng hơn, trong cách phiên-dịch lời nói của Na-Tiên ra chữ Hán. ''Chẳng chỉnh'' ở điểm nào? Chữ Hiếu-thuận vốn là một danh-từ trong Nho-giáo, chỉ các bổn-phận của con đối với cha-mẹ. Mặc dầu các bổn-phận nầy đều đặt căn-bản trên các điều thiện, nhưng chẳng vì thế, nếu dùng ở đây, danh-từ Hiếu-thuận sẽ gây hiểu-lầm là các điều thiện chỉ qui gọn vào các bổn -phận làm con trong gia-đình. Vả lại, khi xét đến nội-dung, ta thấy 37 Phẩm Trợ-Đạo bàn về các vấn-đề khác, đâu phải chỉ có hiếu và thuận.

So với bản dịch của N.K.G. Mendis, trong quyển The Questions of King Milinda, ấn bản BPS, Tích-Lan, năm 1993, điều thiện thứ hai nầy được ghi là Morality, tương-đương với danh-từ Hán-Việt là Đạo-đức, (tức là Giới-đức, Giới-luật, Đức-hạnh) thì có phần hợp-lý hơn. 

3.- Tinh-tấn: Nơi tiểu-mục số 022, Na-Tiên chẳng định-nghĩa thế nào là tinh-tấn mà liền đưa ra hai thí-dụ: (1) các vị tu-hành thấy người đi trước chứng-đắc các đạo-quả thì noi gương để nỗ-lực tu-hành theo; (2) nước sông tràn ngập hai bên bờ, dân-chúng chẳng dám lội qua; nhưng khi thấy một người khác từ xa đến, biết cách vượt qua, nên dân ở đó bắt chước lội qua theo. Sự bắt chước để noi gương các người đi trước đã thành-công, còn cần có một sự cố-gắng gia-công hơn lên; nỗ-lực đó mới chính là nghĩa của sự tinh-tấn.

Mãi đến tiểu-mục số 032, Na-Tiên mới đưa ra một định-nghĩa rất rõ-ràng và đầy-đủ về tinh-tấn: giữ điều lành, giúp cho điều lành thêm lớn, đó là tinh-tấn. Na-Tiên lấy thí-dụ đưa thêm quân tiếp-viện giúp binh-đội đang yếu-thế ở mặt trận, để thắng được; thí-dụ nầy rất phù-hợp với Vua Di-Lan, vì Vua cũng là vị tướng tài-giỏi.

4.- Nhứt-tâm (tiểu-mục số 034): cũng chẳng thấy Na-Tiên đưa ra định-nghĩa của chữ nhứt-tâm, mà chỉ nói đến tầm quan-trọng của sự-việc nầy làm nơi nương-tựa cho việc phát-sanh các điều thiện, thí-dụ như (1) tòa lâu-đài cần có nền-móng để dựng lên; như (2) ba quân dàn ra để bảo-vệ đức Vua khi ra trận. Và Na-Tiên kết-luận: Trong các đìều thiện, nhứt-tâm làm căn-bản; các người học Đạo trước nhứt nên qui về nhứt-tâm...

Nhơn dịp nầy, xin thêm vào đây định-nghĩa của sự nhứt-tâm: sự tập-trung tâm-ý, gom vào một điểm duy-nhứt. Nói cách khác, có sự nhứt-tâm, khi tâm an-định, chú-ý thật cao-độ vào một việc duy-nhứt, chẳng lảng-xao vì các việc khác; chẳng nghe, chẳng thấy gì ở bên ngoài. Thí-dụ: đang đọc Kinh, chú-ý vào lời Kinh, hiểu nghĩa Kinh, nghĩ đến việc áp-dụng lời Kinh vào sự tu-hành. Còn nếu ''miệng đang đọc-tụng mà cái bụng lại đi chợ'' thì chẳng hề có sự nhứt-tâm.

5.- Trí-huệ (tiểu-mục số 035): Na-Tiên nhắc lại lời mình đã nói khi trước về Trí-huệ ở tiểu-mục số 019, trí-huệ cắt-đứt được sự tham-ái, cũng như ta gặt lúa, cắt các cọng lúa vậy. Đây là khả-năng của Trí-huệ đoạn-trừ được tất cả các phiền não. Tận-trừ các phiền-não tức là dẹp hết các điều bất-thiện, khiến cho các điều thiện có cơ-hội để nẩy sanh và phát-triển, đó là công-năng lớn của Trí-huệ trong công-cuộc tu-hành.

Sau khi kể năm điều thiện, từ Thành-tín cho đến Trí-huệ ở tiểu-mục số 020, trang 18, thì nơi tiểu-mục số 040, Na-Tiên lại kể năm điều thiện một lần nữa, gồm có: (1)tin-tưởng, (2) giới-luật, (3) tinh-tấn, (4) trí-huệ, (5) nhứt-tâm niệm Đạo.

So-sánh hai tiểu-mục kể trên, ta thấy trong hai lần, lời nói của Na-Tiên có sự lập-lại, nhưng chẳng giống hẳn nhau. Nay, nếu sắp-xếp lại có thứ-tự, để cho dễ hiểu, ta có thể kể năm điều thiện đó là: (1) niềm tin; (2) giới-luật; (3) tinh-tấn; (4) nhứt-tâm; (5)Trí-huệ, mà vẫn tôn-trọng được ý-tưởng của tác-giả quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'', trong hai lần phát-biểu ở hai tiểu-mục trước và sau. 

Và có lẽ nhờ đó mà lời văn được ''chỉnh'' hơn, khi chữ Giới-luật thay thế cho chữ Hiếu-thuận, như đã được ghi trong Hán-tạng.

Năm điều thiện vừa nói, được Tì-kheo Na-Tiên ví như năm vị thuốc dùng để chữa bịnh. Bịnh gì? Na-Tiên nói: Căn bịnh cũng như các điều ác. Ta thấy rõ, với thí-dụ nầy nơi tiểu-mục số 040, công-năng và hiệu-quả của năm điều thiện là diệt trừ các điều ác, để chấm dứt vĩnh-viễn các nỗi Khổ trong thân-phận của chúng-sanh. Nhắc lại, nơi tiểu-mục số 021, Na-Tiên ví năm điều thiện với viên thanh-thủy-châu lọc nước và năm điều ác như nước bùn.

*

125.- Kinh Thập-Thiện kể mười điều thiện cụ-thể hơn.

Năm điều thiện ghi trong sách ''Tì-kheo Na-Tiên'', tuy đầy-đủ nhưng còn quá trừu-tượng, chưa cho thấy rõ hành-động cụ-thể nào gây ra điều thiện, thái-độ nào tạo nên việc ác. Có một bản Kinh trong Hán-Tạng, Kinh Thập Thiện-nghiệp-đạo, kể rõ mười hành-vi cụ-thể trong đời sống hằng ngày tạo nên thiện-nghiệp, giúp người tu-hành được tái-sanh lên cõi Trời. (Kinh Thập-Thiện là bản Kinh số 600 trong Đại-Tạng, do Ngài Học-Hỉ [ Siksananda, phiên-âm: Thực-Soa Nan-Đà] dịch từ chữ Phạn ra Hán-văn). Mười điều thiện đó là: (1) chẳng sát-sanh; (2) chẳng trộm-cắp; (3) chẳng tà-hạnh; (4) chẳng nói dối; (5) chẳng nói lưỡi hai chiều; (6) chẳng nói lời thô-ác; (7) chẳng nói lời vô-nghiã; (8) chẳng tham-lam; (9) chẳng giận-dữ; và (10) chẳng có tà-kiến.

Thiện Nhựt xin ghi thêm vào đây mười điều thiện nầy để bổ-túc cho lời chỉ-dạy của Tì-kheo Na-Tiên về các điều thiện và ác.

*

126.- Phải làm điều thiện từ trước.

Giờ đây, xin ''nhảy'' đến tiểu-mục số 062, để nghe Tì-kheo Na-Tiên trả lời câu hỏi sau đây của vua Di-Lan:

- Người muốn làm điều thiện, nên làm trước ngay, hay là để sau nầy mới làm?

- Phải làm ngay từ trước, để đến sau mới làm thì chẳng ích-lợi chi. 

Rồi Na-Tiên đưa ra ba thí-dụ chứng minh sự cần-thiết phải làm ngay trước các điều thiện, chẳng chần-chờ: (1) đang khát mới sai người đào giếng, làm sao có nước ngay để uống liền? (2) đang đói mới đi cầy ruộng, làm sao có cơm để ăn liền? (3) bị kẻ thù xâm-lăng, rồi mới lo tuyển binh, luyện tướng, sao kịp chiến-đấu nữa? Và Na-Tiên kết-luận: Người ngu bỏ điều thiện, làm điều ác, rồi sau nầy ngồi đó khóc than, có ích vào đâu. Kẻ nào dứt bỏ điều trung-chánh, theo điều bất-chánh, đến lúc sắp chết, sẽ hối-hận về sau.

*

127.- Trót gây điều ác, nay phải làm gì?

Lại ''nhảy'' thêm ba bước nữa đến tiểu-mục số 084, tiểu-mục số 089, và tiểu-mục số 090, để xét đến vấn-đề: trót gây tội-ác, giờ phải làm gì?

Vua Di-Lan thắc-mắc, nơi tiểu-mục số 084:

- Sa-môn các khanh thường nói, con người tại thế-gian làm việc ác trong trăm năm, đến khi gần chết mà biết niệm Phật, thì được tái-sanh lên cõi Trời. Ta chẳng thể tin lời nầy. Lại nữa, sa-môn các khanh còn nói, giết một mạng sanh-vật, đến lúc chết sẽ sa-đọa vào địa-ngục. Ta cũng chẳng tin được lời nầy. 

Để thuyết-phục Vua, Na-Tiên đưa ra một thí-dụ rất ý-nhị: cầm hòn đá nhỏ để trên mặt nước, đá chìm; còn lấy chiếc thuyền chở đầy khẳm các hòn đá lớn, thuyền lại nổi. Tại sao? Vì thuyền có sức chở nặng được. Thuyền ví như Chánh-Pháp; niệm Phật theo đúng Chánh-Pháp, thì có thể cứu-vãn được người có tội khỏi bị sa địa-ngục.

Vua Di-Lan lại hỏi, nơi tiểu-mục số 089:

- Người làm điều thiện được phước lớn, rồi làm điều ác thì bị tai-ương lớn chăng? 

Câu trả lời của Na-Tiên, mới nghe qua, dễ làm ta ngạc-nhiên:

- Người làm điều thiện được phước lớn; rồi làm điều ác thì bị tai-ương nhỏ.

Ta có thể thắc-mắc, tự hỏi: hễ làm điều thiện rồi, thì rồi dầu có làm điều ác gì đi nữa cũng chỉ bị tai-ương nhỏ mà thôi chăng? Chẳng phải như vậy đâu! Lời giải-đáp của Na-Tiên có hai phần: (1) làm điều lành nhỏ có thể được phước lớn, như trong Kinh có nói đến trường-hợp của kẻ cụt tay chơn, dâng cúng một bó hoa lên Đức Phật, được phước lớn trong 91 kiếp chẳng bị đọa địa-ngục; (2) người siêng làm lành, nếu trót làm điều ác, sở dĩ bị tai-ương nhỏ, là do biết ăn-năn hối-cải, tội tiêu dần đi. Thiện-Nhựt thiển nghĩ, về điểm (1), người cụt tay dâng bó hoa cúng-dường Đức Phật, sở dĩ được hưởng phước-báu lớn, là vì Đức Phật chính là một phước-điền to-lớn và quí-báu nhứt trong các loại ruộng phước, hễ ai gieo nhân bố-thí nơi Ngài, thì sẽ được quả-báo vô-cùng sâu-rộng. Về điểm (2), sở dĩ tai-ương nhỏ đến với người biết hằng ngày ăn-năn, hối-cải việc bất-thiện trót làm, là vì tâm của người ấy càng ngày càng trở nên thanh-tịnh, khiến cho nghiệp-báo xấu-ác nặng-nề chẳng có đủ cơ-duyên để trổ quả. 

Nơi tiểu-mục số 090, Vua lại hỏi:

- Người trí làm điều ác, kẻ ngu cũng làm điều ác, thì ai chịu tội nặng hơn. 

- Kẻ ngu làm ác bị tai-ương lớn, còn người trí làm ác chịu tai-ương nhỏ.

Câu trả lời nầy làm Vua ngạc-nhiên chẳng ít, vì thông-thường trách-nhiệm nặng sẽ đè lên người có trí biết điều quấy mà còn cố làm; và người ngu chẳng biết tội, lẽ ra phải chịu hình-phạt nhẹ hơn. Nhưng lời giải-thích tiếp theo của Na-Tiên rất chi là hữu-lý. Na-Tiên lấy thí-dụ, có thanh sắt nung đỏ, kẻ bị phỏng tay nhiều chính là người chẳng biết đó là thanh sắt bị đốt; còn người trí biết trước, dại gì nắm lâu để tay bị phỏng nặng. Nhưng cái lý sâu-xa của sự-kiện: ''cùng làm ác, người trí bị tai-ương nhẹ hơn người ngu'' là ở điểm biết hối lỗi. Người trí biết lỗi mình, nên ngày ngày sám-hối, khiến tâm sớm thanh-tịnh lại. Còn người ngu, vì chẳng biết hậu-quả nặng-nề của tội-ác, lại chẳng biết sám-hối, thì còn lắm tai-ương sẽ đến nữa với mình, đó là chưa kể hiện đang bị khồ-sở vì hành-vi ác đã trót làm.

-----*-----

IV.- Vấn-đề: Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo.

128.- Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo gồm có những gì?

Nhắc lại: nơi tiểu-mục số 020, trả lời câu Vua hỏi, ''các điều thiện là những gì?'', Na-Tiên có nói đến năm điều thiện, trong đó có điều thiện thứ hai là sự Hiếu-thuận. Đến tiểu-mục số 023, Na-Tiên định nghĩa chữ Hiếu-thuận là ''tất cả các điều thiện. Ba mươi bảy Phẩm Kinh đều đặt căn-bản nơi sự hiếu-thuận''. Lời giải-thích ''hơi lòng-vòng'' nầy của Na-Tiên, khiến người đọc thêm bỡ-ngỡ, vì hai lẽ sau đây: (1) như đã xét qua nơi Phần Tìm hiểu về Nghĩa Ý (tiểu-mục số 124-2), chữ Hiếu-thuận chẳng thích-hợp bằng chữ Giới-luật, để chỉ điều thiện thứ hai; (2) Na-Tiên nói đến 37 Phẩm Kinh mà chẳng chỉ rõ là các Phẩm Kinh nào. 

Nếu được phép ''nói lại'' chỗ Na-Tiên đã kể ra năm điều thiện, Thiện-Nhựt sẽ xin ''nói lại'' như vầy: (1) thành-tín, (2) giới-đức, (3) tinh-tấn, (4) nhứt-tâm, (5) trí-huệ; và điều (2): Giới-đức làm căn-bản cho 37 Phẩm Trợ-Đạo. Như thế có lẽ rõ-ràng hơn, khi chỉ ra đích-xác 37 Phẩm Kinh là các Phẩm Kinh nào.

Danh-từ chánh-thức của Bắc-Tông là Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo, còn gọi là 37 Bồ-đề-phần; tiếng Pali là Bojjhanga. 

Do đâu mà có con số 37? Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo gồm có:

1.- Tứ niệm-xứ: bốn lãnh-vực giữ chánh-niệm 4 pháp;
2.- Tứ Chánh-cần: bốn nỗ-lực làm điều lành thêm lớn 4 pháp;
3.- Tứ Như-ý-túc: bốn tâm-nguyện được đầy-đủ 4 pháp;
4.- Ngũ căn: năm nguồn-gốc phát-sanh các điều thiện 5 pháp;
5.- Ngũ lực: năm sức mạnh làm phát-sanh điều thiện 5 pháp;
6.- Thất giác-chi: bảy yếu-tố của sự giác-ngộ 7 pháp;
7.- Bát Chánh-đạo: con đường chơn-chánh tám ngành 8 pháp;

Cộng lại: 37 pháp.

So-sánh với ''37 Phẩm Kinh'' nói ở tiểu-mục số 023 vừa nêu trên, ta thấy rõ bảy nhóm của Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo liên-quan rất chặt-chẽ với bảy nhóm của Ba mươi bảy Phẩm Kinh, được nói trong sách ''Tì-kheo Na-Tiên'', tuy tên gọi mỗi nhóm có khác, nhưng nội-dung mỗi nhóm, ở hai bên, vẫn từa-tựa nhau. 

Giờ đây, xin đi sâu vào chi-tiết của mỗi nhóm, trong Ba mươi bảy Phẩm Kinh mà đúng lý ra ta phải gọi là Ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo.

*

129.- Tứ niệm-xứ: bốn lãnh-vực để giữ chánh-niệm.

Nơi tiểu-mục số 024, Phần Phỏng-dịch, Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Bốn sự dừng-ý là những gì?

Na-Tiên gọi Tứ niệm-xứ là Bốn sự dừng-ý, và giải-thích:

- Đức Phật dạy: ''Một là quán thân, thì thân dừng lại; hai là quán sự đau-đớn thì sự đau-đớn ngừng lại; ba là quán tâm-ý, thì ý dừng lại; bốn là quán pháp, thì pháp dừng lại. Đó là bốn phép quán dừng-ý.'' 

Lời giải-thích nầy của Na-Tiên đã dựa trên bản Kinh Niệm-xứ, một bản Kinh rất quan-trọng dạy cách giữ gìn chánh-niệm, khi tu-tập thiền-quán (Kinh Satipatthana, Trung-Bộ Kinh, bản kinh số 10; Pali: Satipatthana, Majjhima Nikaya, 10). Bốn lãnh-vực quán-niệm mà ta cần giữ chánh-niệm là: (1) quán thân; (2) quán thọ; (3) quán tâm và (4) quán pháp. Như thế, nơi lãnh-vực thứ hai: quán thọ, Na-Tiên đã dùng chữ ''sự đau-đớn'' để chỉ một loại cảm-thọ, được nói trong Kinh Niệm-xứ. 

Lại nữa, Na-Tiên bảo, (hễ) ''quán thân thì thân dừng lại...'', chữ ''dừng'' nầy có nghĩa là các tư-tưởng, các ý-nghĩ trong tâm, lúc đang quán thân, đều dừng, đều trụ lại, chẳng còn chạy bông-lông, bị xao-lãng về các vấn-đề khác. Đấy là công-năng của việc quán, khiến cho chánh-niệm khởi lên và an-trú ngay trong lãnh-vực đang quán-chiếu; nói cách khác, khi quán thân thì giữ được chánh-niệm an-trụ lại trên ý-niệm thân-thể và vắng bóng các ý-tưởng khác. Đó là phương-pháp đào-luyện sự tập-trung tư-tưởng trong các phép quán-niệm, khiến cho tâm trở nên thanh-tịnh để sớm đi vào thiền-định.

*

130.- Bốn sự đoạn-ý chẳng phải là Tứ Chánh-cần .

Nhóm thứ hai Bốn sự đoạn-ý trong Ba mươi bảy Phẩm Kinh được Na-Tiên nói đến nơi tiểu-mục số 025, chắc chắn chẳng phải là nhóm thứ hai: Tứ Chánh-cần, tức là bốn nỗ-lực làm cho các điều thiện tăng-trưởng thêm lên, được nói trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo. 

Thế nào là đoạn-ý? Na-Tiên giải-thích:

-... khi đã phân-biệt được bốn sự dừng-ý rồi, thì chẳng nhớ nghĩ đến nữa, đó là bốn sự đoạn-ý...

Theo sự giải-thích như vậy, thì đoạn-ý có nghĩa là chẳng nhớ nghĩ đến nữa. Phải chăng Na-Tiên muốn nói, hễ khi tâm-ý đã dừng lại được rồi, thì đừng nhớ nghĩ gì đến các việc khác nữa. Nếu đúng như thế, thì bốn sự đoạn-ý được Na-Tiên nói đến, thật ra, vẫn còn nằm trong lãnh-vực Tứ niệm-xứ của Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo; vì khi ta tu-tập quán-niệm mà giữ được chánh-niệm an-trú, thì mọi tư-tưởng khác đều vắng bóng, chỉ còn lưu lại có đề-tài thiền-quán duy-nhứt nơi tâm-ý đang tập-trung. 

Và ta có thể kết-luận: nhóm thứ nhứt dừng-ý và nhóm thứ hai đoạn-ý, do Na-Tiên nói đến trong Ba mươi bảy Phẩm Kinh, cũng chỉ là một nhóm mà thôi, vì dừng ý rồi đoạn ý chỉ là một hành-vi duy-nhứt của tâm: bỏ các ý khác để chỉ chọn một ý mà quán-niệm. 

Thế nào là Tứ Chánh-cần trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo? Đó là bốn nỗ-lực để khiến các điều ác bị tiêu-diệt và đồng thời làm gia-tăng thêm lên các điều thiện. Tứ Chánh-cần là tên khác của Tinh-tấn.

Bốn nỗ-lực nào?

1.- Điều ác đã sanh, phải cố dứt-trừ;
2.- Điều ác chưa sanh, phải cố ngăn-ngừa đừng cho sanh;
3.- Điều thiện chưa sanh, phải cố làm nẩy-sanh ra;
4.- Điều thiện đã sanh, phải cố làm tăng-trưởng thêm.

Có được như thế thì mới mong có ngày dứt hết các ác-nghiệp và chẳng còn bị nghiệp dẫn-dắt đi tái-sanh trong cõi Luân-hồi lận-đận. 

Nhân đây, xin nhắc đến tiểu-mục số 036, Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Phải chăng các loại Kinh trước sau có dạy nhiều điều khác nhau, nhưng cũng đều chung một hướng là nhằm diệt tất cả các điều ác?

Câu trả lời của Na-Tiên được kèm một thí-dụ cụ-thể:

- Dĩ nhiên, Kinh Phật dạy nhiều loại thiện, nhưng cũng chỉ hướng về nhằm diệt mọi điều ác. Ví như Vương phát bốn đạo binh ra đi chiến-đấu, ý lúc khởi-hành là để công-kích địch-quân, diệt tất cả mọi điều ác vậy. 

Thí-dụ về đánh giặc nầy được nhà Vua tán-thưởng nhiệt-liệt:

- Lành thay! Na-Tiên nói Kinh thật vô cùng thích-thú!

*

131.- Phải chăng Bốn niệm thần-túc là Tứ Như-ý-túc?

Nơi tiểu-mục số 026, Vua Di-Lan hỏi:

- Bốn niệm thần-túc là những gì?

Câu trả lời của Na-Tiên lại liên-quan đến bốn sự thần-thông, mà các bực đắc đạo-quả A-la-hán đã chứng được:

- Thứ nhứt là mắt có thể nhìn thấy thấu-triệt. Hai là tai có thể nghe rõ được thấu-triệt. Ba là cò khả-năng biết rõ tâm-trạng của kẻ khác. Bốn là thân-thể có khả-năng bay cao. 

Bốn khả-năng siêu-phàm đó thường được gọi trong Kinh-sách là bốn thần-thông: (1) thiên-nhãn-thông, (2) thiên-nhĩ thông, (3) tha-tâm-thông, và (4) thần-túc-thông (bay cao). Muốn đắc được bốn thần-thông nầy, theo lời Na-Tiên có nói trước đó ở tiểu-mục số 025, là khi đạt được bốn sự đoạn-ý thì liền đạt được bốn niệm thần-túc.

Thế còn Tứ Như-ý-túc trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo là những gì? Đó là bốn điều tâm-nguyện khi tu-hành mong đạt được sự thành-công đầy-đủ trọn-vẹn:

1.- Dục như-ý-túc: mong muốn được thành-tựu hoàn-toàn chí-nguyện tu-hành của mình;

2.- Tinh-tấn như-ý-túc: nỗ-lực thật dõng-mãnh để đạt trọn-vẹn chí-nguyện tu-hành của mình, dầu phải hy-sanh thân-mạng; 

3.- Nhứt-tâm như-ý-túc: một lòng chuyên-chú đến chí-nguyện tu-hành, chẳng hề để cho tâm tán-loạn, bị cảnh bên ngoài quyến-rủ.

4.- Quán như-ý-túc: dùng trí-huệ quán-sát chí-nguyện tu-hành của mình, thấu rõ sự nguy-hiểm của đường ác và sự lợi-lạc của đường lành.

Như thế, có sự khác-biệt rõ rệt giữa Bốn niệm thần-túc trong sách Tì-kheo Na-Tiên với Tứ Như-ý-túc trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo.

*

132.- Năm căn và năm lực là những gì?

Nơi hai tiểu-mục số 027 và 028, Vua Di-Lan hỏi: 

- Thế nào là năm căn và năm lực? 

Na-Tiên đã dùng năm giác-quan (mắt, tai, mữi, lưỡi, và thân) làm năm căn, và năm sự kềm-chế các giác-quan làm năm lực, để trả lời. Na-Tiên nói:

- Thứ nhứt, mắt thấy sắc đẹp, sắc xấu, ý chẳng dính-mắc.Thứ hai, tai nghe tiếng tốt, lời mắng, ý chẳng dính mắc, v.v... đó là năm căn. Một là kềm-chế mắt; hai là kềm-chế tai, ... để cho ý khỏi bị sa-đoạ, đó là năm lực.

Nhưng trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo, ngũ căn, ngũ lực, lại được kể ra như sau:

1.- Tín-căn, niềm tin nơi Chánh-Pháp, và Tín-lực, sức mạnh của niềm tin đó, có được nhờ sự tu-tập;

2.- Tấn-căn, nỗ-lực diệt-trừ điều ác để gia-tăng điều thiện, và Tấn-lực, sức mạnh của sự cố-gắng bền-bỉ đó;

3.- Niệm-căn, tâm nhớ nghĩ luôn luôn đến lục niệm: (1) niệm Phật, (2) niệm Pháp, (3) niệm Tăng, (4) niệm Giới, (5) niệm Thí, (6) niệm Thiên. Còn Niệm-lực là sức mạnh của niệm-căn được tu-tập thêm vững-bền. 

4.- Định-căn, tâm luôn an-trú trong chánh-niệm. Định-lực là sức mạnh đưa tâm an-tịnh vào các cõi thiền-định.

5.- Huệ-căn, trí sáng phát-giác các phiền-não, vọng-tưởng. Huệ-lực là sức mạnh của trí-huệ quét sạch vọng-tưởng, cắt đứt phiền-não.

So-sánh năm căn, năm lực ở hai nơi, sách ''Tì-kheo Na-Tiên'' nầy với Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo, ta thấy có sự khác-biệt; nhưng nếu xét theo ''nghĩa gốc'' của chữ căn = nguồn-gốc làm phát-sanh, thì cả hai nơi đều hợp-lý cả: (1) năm giác-quan, được gọi là năm căn, vì từ các nơi đó phát-sanh ra sự hay-biết về cảnh bên ngoài; (2) từ tín-căn đến huệ-căn được gọi là năm căn, vì từ các nơi đó phát-sanh ra các điều lành. Hóa ra, chẳng có sự chống-đối giữa hai loại năm căn.

Mặt khác, lời đáp của Na-Tiên nói, năm lực là năm sự kềm-chế các giác-quan, chẳng để cho ý bị dính-mắc và sa-đoạ, khiến ta nhớ lại sự phòng-vệ các căn, sự hộ-trì các căn đã được chúng ta bàn qua về Lý Mười hai Nhân-Duyên, tại hai Nhân-duyên: Xúc và Thọ. Khi các căn (mắt, tai, mũi...) được phòng-vệ, hộ-trì, thì sự tiếp-xúc (Xúc) với cảnh-vật bên ngoài chẳng lôi-kéo cảm-thọ (Thọ) chạy theo con đường ác; điều nầy cho ta thấy rõ sự kềm-chế đó là năm lực ở các giác-quan, tạo nên sức mạnh diệt điều ác và tăng thêm điều lành, cũng giống nhau với tấn-căn trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo. (Xin xem lại tiểu-mục số 120, Phần Tìm hiểu Nghĩa Ý.)

Hơn nữa, xem lại tiểu-mục số 040, ta thấy có một sự trùng-hợp giữa năm điều thiện của Na-Tiên kể ra, rất giống nhau với năm căn và năm lực trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo.

*

133.- Bảy Giác-ý hay là Bảy Giác-chi?

Nơi tiểu-mục số 029, Na-Tiên kể bảy yếu-tố của sự giác-ngộ, gọi đó là Bảy Giác-ý, và trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo thì được gọi là Thất Giác-chi:

Bảy Giác-ý Thất Giác-chi 
1.- Ý giác-ý 
2.- Phân-biệt giác-ý 
3.- Tinh-tấn giác-ý 
4.- Khả giác-ý 
5.- Ý giác-ý 
6.- Định-giác-ý 
7.- Hộ giác-ý 1.- Trạch-pháp
2.- Tinh-tấn
3.- Hỉ
4.- Khinh-an
5.- Niệm
6.- Định
7.- Xả. 

Nhận-xét đầu-tiên về bản đối-chiếu nầy là thứ-tự trước sau của mỗi yếu-tố chẳng giống nhau ở hai cột; nhưng điều nầy chẳng quan-trọng, miễn sao có đủ bảy thành-phần là được. Nhận-xét thứ hai là tên gọi của vài yếu-tố khác nhau, chẳng biết có sự sai-biệt về nội-dung hay không. Ta sẽ xét qua ý-nghĩa của mỗi yếu-tố, dựa theo tên gọi trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo.

1.- Yếu-tố thứ nhứt là Trạch-pháp, sự lựa chọn một pháp-môn thích-hợp với căn-cơ của mình để tu-tập theo. Yếu-tố trạch-pháp nầy lại bao gồm được cả hai yếu-tố: (1) ý giác-ý và (2) phân-biệt giác-ý trong lời giải-đáp của Na-Tiên: (1) chữ ''ý giác-ý'', nhứt là chữ ''ý'' còn chưa diễn-tả đầy đủ nghiã-lý bằng chữ ''pháp'' trong chữ pháp-môn; (2) chữ phân-biệt trong Phân-biệt giác-ý, đâu có đủ ý-nghĩa bằng chữ Trạch: vừa lựa và vừa chọn lấy một pháp-môn để tu-tập.

2.- Yếu-tố thứ hai là Tinh-tấn lại được Na-Tiên xếp vào yếu-tố thứ ba. Thứ-tự nầy chẳng quan-trọng, khi cả hai cột đều có nói đến sự tinh-tấn, nỗ-lực tu-tập rất cần-thiết, sau khi đã chọn được pháp-môn thích-hợp với mình, để tu-tập hầu sớm đắc giác-ngộ. 

3.- Yếu-tố thứ ba là Hỉ, sự vui mừng vì thấy pháp-môn mình chọn đưa đến các kết-quả khả-quan. Hỉ giác-chi được Na-Tiên gọi là Khả giác-ý, xếp vào yếu-tố thứ tư. Theo nghĩa trong chữ Hán, Hỉ là mừng; Khả là ''có thể, vừa ý, đáng thích'', thì kể ra cũng gần nghĩa với nhau.

4.- Yếu-tố thứ tư là Khinh-an, sự nhẹ-nhàng, sảng-khoái của thân-tâm, trước sự tu-tập hướng về giác-ngộ có kết-quả khả-quan. Khinh-an tương-đương với yếu-tố thứ năm ỷ giác-ý. Chữ ỷ, nghĩa gốc trong chữ Hán-Việt là dựa vào; ở đây, có nghĩa là tâm dựa vào nơi sảng-khoái về thể-xác để được vui-vẻ mà sớm đắc được định-lực. Nếu chẳng quá chú-trọng đến từ-ngữ, ta thấy nếu dùng tiếng khinh-an để thay-thế cho tiếng ỷ, thì vừa nhẹ-nhàng lại vừa thanh-lịch hơn.

5.- Yếu-tố thứ năm là Niệm, tức là chánh-niệm luôn luôn nhớ nghĩ đến pháp-môn đang tu-tập. Yếu-tố quan-trọng nầy giúp hành-giả luôn chú-tâm đến việc tu-tập trong mọi thời, lại chẳng thấy nói đến trong Bảy Giác-ý, khiến cho lời Na-Tiên giải-thích còn thiếu-sót.

6.- Yếu-tố thứ sáu là Định được nói đến ở cả hai bản Bảy Giác-ý và Thất Giác-chi. Đó là định-lực đưa tâm-trí hành-giả vào các cõi thiền-định, để phát-triển được Huệ sớm đưa đến bờ giác-ngộ.

7. Yếu-tố sau cùng là Xả giác-chi, tức là tâm bình-đẳng, biết buông-xả, chẳng dính-mắc, gặp việc thuận chẳng mến-thích, gặp chuyện nghịch chẳng oán-than. Na-Tiên dùng chữ ''Hộ'' vào trong Hộ giác-ý, yếu-tố sau cùng của Bảy giác-ý, theo thiển-kiến, chẳng diễn-tả được hết ý-nghĩa của yếu-tố Xả. Tại sao? Vì ý-niệm Xả chính là đỉnh cao của sự giác-ngộ: người đã giác-ngộ rồi, tâm an-nhiên, tự-tại, giải-thoát khỏi mọi ràng-buộc, điều ác chẳng vướng-mắc mà ngay cả điều thiện cũng chẳng ôm-ấp, thì còn có điều chi trong cái tâm-trạng rỗng-rang, vắng-vẻ đó để mà còn bảo-vệ hộ-trì nữa? 

*

134.- Bát Chánh-Đạo là những gì?

Nơi tiểu-mục số 030, Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Thế nào là tám loại đạo-hạnh?

Ta hãy sắp xếp câu trả lời của Na-Tiên, song song với các yếu-tố của con đường tám ngành Bát Chánh-Đạo, được kể rõ-ràng và đầy-đủ trong Kinh Chuyển Pháp-Luân, là bản Kinh đầu-tiên của Đức Phật, sau khi Ngài thành Đạo, giảng tại vườn Lộc-Uyển cho năm anh em ông Kiều-Trần-Như nghe. 

Tám loại đạo-hạnh Bát Chánh-Đạo 
1.- Trực-kiến 
2.- Trực-niệm 
3.- Trực-ngữ 
4.- Trực-mạng 
5.- Trực-nghiệp 
6.- Trực phương-tiện 
7.- Trực-ý 
8.- Trực-định 1.- Chánh tri-kiến
2.- Chánh tư-duy
3.- Chánh-ngữ
4.- Chánh-mạng
5.- Chánh-nghiệp
6.- Chánh tinh-tấn
7.- Chánh-niệm
8.- Chánh-định. 

Nhận-xét đầu-tiên là chữ Chánh, nơi cột hai, được chữ Trực, nơi cột một, thay-thế. Y-nghĩa của hai chữ ấy gần tương-đương nhau: ''ngay-thẳng, chơn-chánh, đứng-đắn'', cho nên chẳng có chi đáng nói. Về nội-dung của mỗi ngành, ta nên xét từng môn: từ chánh tri-kiến cho đến chánh-định.

1.- Chánh-tri-kiến, sự thấy-nghe, hay-biết, thật chơn-chánh đứng-đắn, có thể xem tương-đương với Trực-kiến nơi cột một.

2.- Chánh tư-duy, sự suy-nghĩ, phán-xét đứng-đắn, thì khó lòng được xem cùng nghĩa với chữ trực-niệm. Thông-thường, động-từ niệm có nghĩa là luôn nhớ-nghĩ trong lòng; như thế, trực-niệm, chỉ có nghĩa là ''nhớ nghĩ thẳng-thắn'' chẳng diễn-tả hết được các khả-năng đứng-đắn và bao-quát của Trí-huệ là suy-nghĩ và phán-đoán.

Hai môn: Chánh tri-kiến và Chánh tư-duy được xếp vào môn thứ ba, Huệ-học, trong ba môn học vô-lậu Giới, Định, Huệ.

3.- Chánh-ngữ, Chánh-mạng, Chánh-nghiệp có thể được xem như tương-đương với Trực-ngữ, Trực-mạng, Trực-nghiệp nơi cột một, nếu nghĩa của chữ Trực, ngoài ý ngay-thẳng ra, được mang thêm ý-nghĩa của sự đứng-đắn, chơn-chánh. Chánh-ngữ là lời nói chơn-chánh, chẳng thô-ác, chẳng đâm-thọc, các ý-nghĩa nầy có thể được bao gồm trong Trực-ngữ. Chánh-mạng là cách sanh-sống bằng các nghề-nghiệp chơn-chánh, thật-thà, chẳng gian-xảo, chẳng độc-ác, rất phù-hợp với chữ trực-mạng. Chánh-nghiệp là những hành-động của thân, miệng, và tâm-ý đều đứng-đắn, chơn-chánh, chẳng gây ra ác-nghiệp và vì thế chữ Trực-nghiệp có thể xem tương-đương với chữ Chánh-nghiệp. 

Ba môn: Chánh ngữ, Chánh-mạng, Chánh-nghiệp được xếp vào môn học thứ nhứt, Giới-học, trong ba môn học vô-lậu.

4.- Nơi mục số (6), Chánh tinh-tấn khác khá xa với Trực phương-tiện; vì Tinh-tấn có nghĩa là nỗ-lực giữ-gìn và làm tăng-trưởng điều thiện; còn Phương-tiện là những phương-pháp tiện dụng, dùng để thi-hành hầu đạt được mục-tiêu. Tuy nhiên, có điểm tương-đồng giữa hai ý-niệm: Tinh-tấn và Phương-tiện, là các nỗ-lực đã cố-gắng để đạt được mục-tiêu, mặc dầu mục-tiêu có thể khác nhau. Và mục-tiêu của Tinh-tấn được nói rõ: tăng điều thiện; còn mục-tiêu của Trực phương-tiện vẫn để bỏ ngõ. Dầu sao đi nữa, trong lắm sách giáo-lý Phật-học, nhiều vị đại-sư đã chẳng ngại dùng từ-ngữ Chánh phương-tiện để thay thế cho danh-từ Chánh Tinh-tấn khi giảng về Bát Chánh-Đạo.

Môn Chánh tinh-tấn có thể được đem xếp vào cả hai môn Giới và Định, vì sự nỗ-lực có thể thi-hành trong việc giữ-gìn Giới-luật, hoặc để áp-dụng vào việc tu-tập Thiền-định.

5.- Chánh-niệm nơi mục số (7) được xếp ngang hàng với Trực-ý. Đúng lý ra, nên đem chữ Trực-niệm ở mục số (2), cột một, xuống ngang với Chánh-niệm thì hay biết mấy; vì chữ Trực-ý chẳng thể nào thay-thế cho chữ Chánh-niệm được: Trực-ý chỉ là một ý ngay-thẳng; trong khi Chánh-niệm lại là ý chủ-chốt, qui-tụ hết các ý-tưởng khác về một trọng-điểm đang được quán-chiếu. Bước đầu đi vào định-lực là phải có chánh-niệm và giữ chánh-niệm luôn sáng-tỏ, cái điều mà một ý ngay-thẳng, trực-ý, dù mạnh đến đâu cũng chưa thể làm được.

6.-Chánh-định và Trực-định chẳng chống-đối nhau, vì cả hai đều nói lên định-lực chơn-chánh, trái hẳn với tà-định của bàng-môn ngoại-đạo.

Hai môn Chánh-niệm và Chánh-Định thuộc về môn Định-học trong ba môn học vô-lậu: Giới, Định, Huệ.

*

135.- Lấy tám loại đạo-hạnh (Bát Chánh-Đạo) làm căn-bản tu-hành.

Nơi gần cuối tiểu-mục số 031, Na-Tiên có nói:

- Chư đệ-tử Phật cầu Đạo... nhân biết sự khổ-nhọc ở thế-gian, nên mới dứt bỏ mọi ham-muốn mà một lòng niệm tám loại đạo-hạnh.

Như thế, trong Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo, Na-Tiên đã chọn lấy Bát Chánh-Đạo, ( mà Na-Tiên gọi là tám loại đạo-hạnh) làm căn-bản tu-hành. Lấy Bát Chánh-Đạo làm căn-bản tu-hành cũng tựa như trong hai thí-dụ Na-Tiên đưa ra ngay trước đó: (1) kiến-trúc-sư trước khi xây một thành-trì, cần phải lượng-định nền móng; (2) người diễn trò trước khi diễn phải dọn dẹp mặt đất cho bằng phẳng. 

Thường nghe nói, Chánh-Pháp có tám vạn bốn ngàn pháp-môn,, nay Na-Tiên mách cho vua Di-Lan sự chọn lựa pháp-tu giản-dị và đầy-đủ như thế, quả là điều rất đáng tán-thưởng, vì thế nhà Vua đã khen-ngợi:

- Lành thay! Lành thay! 

-----*-----

V.- Vấn-đề: Trí - Huệ .

Trước khi bước sang Vấn-đề V: Trí-huệ, Thiện Nhựt thấy cần nhắc lại sự liên-tục trong ý-tưởng khi tóm-tắt lại nội-dung của quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'', vì các câu hỏi của vua Di-Lan nêu lên đều tùy hứng, gặp đâu hỏi đó, chẳng theo một thứ-tự nào. 

- Thắc-mắc đầu-tiên của vua Di-Lan là tại sao đi tu làm sa-môn? Điều nầy ta đã xét qua tại Vấn-đề I: đi tu làm sa-môn. 

- Trước lời đáp của Na-Tiên, đi tu để khỏi chịu khổ mãi vì tái-sanh Luân-hồi, Vua Di-Lan muốn biết: thế nào là tái-sanh? Điều nầy ta đã xét qua tại Vấn-đề II: tái-sanh trong cõi Luân-hồi. 

- Trước câu hỏi của vua Di-Lan, người niệm Chánh-Pháp và siêng làm điều thiện có khỏi phải sanh lại không?, Na-Tiên đã giải-thích sự phân-biệt giữa các điều thiện-ác. Điều nầy ta đã xét qua tại Vấn-đề III: phân-biệt các điều thiện và điều ác. 

- Trong khi nói về các điều thiện, Na-Tiên có bàn đến Ba mươi bảy Phẩm Kinh làm căn-bản cho các điều thiện. Điều nầy ta vừa mới xét qua xong, tại Vấn-đề IV: Ba mươi bảy Phẩm Trợ-Đạo. 

- Và sau đây là Vấn-đề V: Trí-huệ. Do niệm Chánh-Pháp và siêng làm các điều lành, mà hành-giả biết sống luôn luôn theo đúng các đạo-hạnh của Bát Chánh-Đạo, nhờ đó mà phát-triển được Trí-Huệ. Rồi lại nhờ có Trí-Huệ mà cắt đứt mọi phiền-não, diệt-trừ hết các điều ác, nên được giác-ngộ và giải-thoát khỏi cảnh Luân-hồi.

Năm vấn-đề trên đây được sợi dây đường-lối tu-hành luồn xuyên qua và kết-chặt lại một mối, giúp cho việc Tìm hiểu Nghĩa Ý của quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' có lớp-lang thứ-tự, vượt qua được dễ-dàng các câu hỏi quá nhiều và tùy hứng của Vua Di-Lan.

*

136.- Vấn-đề Trí-Huệ được đặt ra ở đây như thế nào?

Cuộc vấn-đáp giữa Vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên về vấn-đề Trí-huệ, rải-rác qua nhiều câu hỏi, tại các tiểu-mục: 

- số 019: Thú-vật có trí chăng?
- số 035: Trí-huệ là như thế nào? 
- số 039: Khả-năng hiểu-biết của Trí-huệ như thế nào? 
- số 090: Người trí, kẻ ngu cùng làm ác, ai nặng tội hơn?
- số 094,: Trí-huệ tư-duy đến các sự-việc cao-thâm.
- số 095: Thế nào là Tinh-thần, Trí-huệ, và Tự-nhiên.

Như thế, chỉ trong sáu tiểu-mục rời-rạc, Trí-huệ được xét đến ở

Như thế, chỉ hai khiá-cạnh: (1) về mặt lý-thuyết: (a) Thế nào là Trí-huệ; (b) khả-năng hiểu-biết của Trí-huệ ra sao; (c) Trí-huệ với Tinh-thần và Tự-nhiên; (2) về mặt sự-kiện cụ-thể: (a) thú-vật có trí không; (b) người trí với kẻ ngu cùng làm ác, ai chịu tội nặng hơn? 

*

137.- Thế nào là Trí-Huệ? 

Nơi tiểu-mục số 035, Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Trí-huệ là như thế nào? 

- Tôi đã có nói trước rồi (tiểu-mục số 019), trí-huệ có khả-năng cắt đứt các nghi-ngờ, làm sáng tỏ các việc thiện... 

Rồi Na-Tiên đưa ra thêm hai thí-dụ: (1) như cầm đèn vào nhà tối, ánh-sáng (tượng-trưng cho trí-huệ) đẩy lùi bóng tối (tượng-trưng cho sự ngu-mê); (2) như cầm dao bén (tượng-trưng cho trí-huệ) chặt cây (tượng-trưng cho các điều ác). Trước đây nơi cuối tiểu-mục số 019, Na-Tiên có ví Trí-huệ như cái lưỡi-hái cắt các bó luá (tượng-trưng cho các điều ác). Qua ba thí-dụ trên, Na-Tiên muốn chỉ rõ hiệu-năng của Trí-huệ là phá bỏ, dứt trừ sự Vô-minh (ngu-mê), sự nghi-ngờ và tiêu-diệt được các điều ác.

Đến tiểu-mục số 039, Vua Di-Lan hỏi về khả-năng hiểu-biết của Trí-huệ, như sau:

- Người có trí-huệ sáng-suốt có biết hết muôn sự-vật chăng, hay có chỗ còn chưa hiểu-biết kịp? 

Câu trả lời của Na-Tiên phân-biệt ra hai trường-hợp: 

- (1) với người thường, họ biết được điều chưa học và chưa kịp hiểu; đồng thời cũng biết được điều đã học và đã hiểu; 

- (2) với bực trí-giả, họ thấy rõ con người và vạn-vật đều phải qua đi, qui về KHÔNG, chẳng được tự-tại. Vì lòng ham muốn vui-sướng con người đã gieo trồng nguồn-gốc của Khổ; người trí biết như thế, và tòng theo đó mà tiến đến Khổ-Huệ, biết rõ-ràng sự vô-thường, sự thành-bại, cho nên Trí-huệ khác với người thường.

Ta thấy rõ: sự khác-biệt về Trí-huệ giữa hai hạng người, chính là sự thấu-đáo về nỗi Khổ, đưa đến Khổ-Huệ, cái Trí-Huệ sáng-suốt biết rõ nguồn-gốc của Khổ và cách diệt-trừ dứt-khoát Khổ. Nếu sự suy-đoán của Thiện-Nhựt chẳng lầm-lẫn thì đó chính là Trí-huệ Bát-Nhã Ba-la-mật (Sanskrit: Prajnà Paramitra; Pali: Pannà Paramitta), cái Trí-huệ toàn-hảo đưa đến bờ giác-ngộ.

Tiếp theo đó, Vua lại hỏi:

- Người có trí-huệ rồi, thì ngu-si ở vào đâu? 

- Người có trí-huệ thì ngu-si tự tiêu-diệt hết. Ví như người cầm đèn vào trong nhà tối, phòng sáng lên, tức màn tối đen bị tiêu-diệt. 

Thí-dụ trí-huệ như ánh-sáng, ngu-si như bóng tối nầy được Na-Tiên đưa ra hơn một lần. Nó rất đúng-đắn, dễ thấy và dễ hiểu. Nhưng lời vấn-đáp liền sau đó, giữa Vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên, lại có chỗ chẳng được hoàn-toàn hợp-lý. Chẳng hợp-lý ở điểm nào? Xin hãy đọc kỹ lại lời vấn-đáp giữa hai người:

- Trí-huệ cũng lại như vậy, người có trí thì ngu-si tất tiêu-diệt. 

- Thế còn trí-huệ của trí-giả nay lại ở đâu? 

- Người dùng trí để làm công-việc, làm xong thì trí-huệ liền tiêu-diệt, nhưng sự-việc mà trí-huệ đã làm thì còn đó. Ví như ban đêm viết thơ bên đèn, viết xong tắt đèn, nhưng bức thơ còn đó. Bực trí-giả cũng lại như thế, làm xong việc đã làm, trí-huệ liền tiêu-diệt, nhưng việc làm thành-tựu vẫn tiếp-tục còn tại đó. 

Thí-dụ ''viết thơ ban đêm bên đèn'' nầy rất đáng tán-thưởng. Tuy nhiên, theo thiển-kiến của Thiện-Nhựt, chỗ chẳng hoàn-toàn hợp-lý là khi Na-Tiên bảo, làm xong việc đã làm, thì trí-huệ liền tiêu-diệt. Làm sao mà trí-huệ tiêu-diệt đi được, khi mà khả-năng suy-tư, phán-đoán của nó vẫn còn đó, nơi tâm-trí của trí-giả? Có chăng là khi làm xong việc đã làm, thì trí-huệ đã hoàn-tất nhiệm-vụ của nó nên nó đâu cần tự lộ-bày ra nữa. Vả lại, người có trí có bao giờ lại đem khoe trí-huệ của mình ra đâu, vì nếu làm như thế, thì lại hóa ra kiêu-hợm, thiếu khiêm-tốn, và có một thái-độ ''chẳng khôn-ngoan'' chút nào cả. Nếu Na-Tiên nói, ''làm xong việc đã làm, trí-huệ chẳng lộ-bày ra nữa'', có lẽ chính-xác hơn là khi Na-Tiên nói, ''làm xong việc đã làm, thì trí-huệ liền tiêu-diệt.'' 

Tiểu-mục số 094, Vua Di-Lan có hỏi:

- Bực đã đắc Đạo có khả-năng suy-nghĩ đến tất cả các sự-việc cao-xa thâm-diệu chăng? 

Na-Tiên đáp, Dĩ nhiên là có, và nói thêm, các Kinh Phật thật hết sức thâm-ảo về mọi sự-việc... đều phải do Trí-huệ đoán-định ra.

Tiếp theo là tiểu-mục số 095: Tinh-thần, Trí-huệ và Tự-nhiên, quá vắn-tắt, chẳng thấy Na-Tiên chỉ cho thấy rõ mối tương-quan giữa ba điều đó. Na-Tiên chỉ cắt-nghĩa rất sơ-lược:

- Tinh-thần chủ về sự hiểu-biết; trí-huệ thông-hiểu được Đạo; còn Tự-nhiên là hư-không chẳng có người. 

Thật ra, giữa ba ý-niệm: tinh-thần, trí-huệ và tự-nhiên, có một mối tương-quan mà người trí-giả cần nên xét qua, vì ích-lợi của sự tu-tập. Theo lời của Na-Tiên, tinh-thần đây chủ về sự hiểu-biết, tức là Thức trong Duy-Thức-học. Nhờ có sự hiểu-biết đứng-đắn, chơn-chánh mà trí-huệ phát-triển hướng về Đạo. Còn về danh-từ Tự-nhiên, Na-Tiên giải-thích là hư-không chẳng có người, thì Thiện-Nhựt xin thú-nhận chẳng hiểu rõ được tư-tưởng của vị Tì-kheo lỗi-lạc nầy. Phải chăng Na-Tiên muốn nói đến Thiên-nhiên, hoặc ám-chỉ vào chữ Pháp-giới dùng trong Kinh-sách, tức là muôn sự-sự vật-vật trong vũ-trụ. Nếu đó là Pháp-giới, thì theo Trí-huệ của bực trí-giả đã giác-ngộ, vũ-trụ nầy chính là cái hư-không rỗng-rang, chẳng có Ngã, chẳng có người. Tại sao? Vì muôn sự-vật đều mang hình-tướng hỗn-hợp, chẳng có bất cứ sự-vật nào tự-nhiên tự mình mà sanh ra lấy một mình được; nếu phân-tách hình-tướng hỗn-hợp đó ra các thành-tố, thì có gì tồn-tại nữa đâu, chẳng qua chỉ còn lại một cái thể Không rỗng-rang, vắng-vẻ, bao-trùm lên tất cả muôn loài? Một khi tinh-thần đã hiểu-biết bản-thể trống-rỗng và vô-ngã của vũ-trụ, của tự-nhiên, là như thế, thì trí-huệ sẽ hướng về Đạo tìm con đường giải-thoát ra khỏi mọi ràng-buộc, trong đó sự chấp-thủ vào cái Ta, cái Ngã là nặng-nề nhứt.

Mấy dòng trên đây là một cố-gắng liều-lĩnh của Thiện Nhựt để ráng tìm hiểu tiểu-mục về Tinh-thần, Trí-huệ và Tự-nhiên đã quá giản-lược lại vô-cùng bí-hiểm, kính mong người đọc nên dè-dặt và rộng-lượng tha cho tội ''bạo gan.''

*

138.- Trí-huệ với Bản-năng, và với Nghiệp-lực .

Nơi cuối tiểu-mục số 019, Vua Di-Lan hỏi:

- Trâu, ngựa, thú-vật nuôi trong nhà có trí hay chẳng có trí? 
- Trâu, ngựa, thú-vật nhà đều có trí cả, nhưng tâm chẳng đồng.

Xin đồng-ý với Na-Tiên về điểm thú-vật cũng có trí-huệ, nhưng trí-huệ ấy chẳng phát-triển được như trường-hợp của loài người. Thú-vật có tâm hay không, thì ta chẳng thể có câu trả lời nầy chung cho mọi loài; đối với các loài thú-vật nuôi trong nhà, nhứt là những con vật như khỉ, chó, voi, két, rất khó mà quả-quyết chúng chẳng có tâm. Điều chắc-chắn là nơi các hạng chúng-sanh thấp-kém nầy, cuộc sống tùy theo bản-năng nhiều hơn là nương vào trí-năng.

Tiểu-mục số 090: Người trí, kẻ ngu cùng làm ác, ai nặng tội hơn? đã được xét qua rồi, nhưng nay tại đây xin có thêm một cái nhìn khác về phương-diện hành-nghiệp (hành-động cố-ý, đã tạo nên nghiệp). 

Cả hai người làm lỗi đều có gây ra ý-nghiệp, nhưng người trí biết thành-tâm sám-hối, nên ngày qua ngày, ý-nghiệp sẽ nhẹ đi, bớt được ảnh-hưởng của nghiệp-lực; còn kẻ ngu kia vì cố-tâm hành-động nên ý-nghiệp vẫn còn nguyên đó, chỉ chờ đủ cơ-duyên đưa đến nghiệp-quả nặng-nề. Chung qui, nhờ trí-huệ biết sám-hối, tâm mới trở nên thanh-tịnh hơn, và do đó mà có cơ chịu tai-ương nhẹ bớt đi được.

Lẽ ra, bàn về Trí-huệ được nói trong quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' đến đây cũng tạm đủ; nhưng có một đoạn văn trong sách, rất dài-dòng, nói về Trí nhớ, tuy không liên-quan đến Trí-huệ nhiều, nhưng nội-dung lại thuộc về Trí-năng, tưởng nên nhân đây đem ra xét luôn: đó là hai tiểu-mục số 081 và số 082.

*

139.- Trí nhớ và các cách nhớ lại của con người.

Một trong những khả-năng quan-trọng của Tâm-trí con người là nhớ lại các việc đã xảy ra trong quá-khứ. Khả-năng nầy trong khoa Tâm-lý hiện-đại gọi là Ký-ức (ký= ghi chép; ức= nhớ nghĩ). Cùng với tuổi già, trí-óc lu mờ đi khiến cho ký-ức trở nên yếu-ớt và có người già-cả lại bị bịnh mất trí nhớ, trở nên lú-lẫn.

Vua Di-Lan hỏi Tì-kheo Na-Tiên nơi tiểu-mục số 081:

- Con người có khả-năng nào để nhớ lại được các sự-việc đã xảy ra thật lâu-xa chăng? 

Câu trả lời của Na-Tiên lại trỏ vào một trường-hợp đặc-biệt:

- Người ta lúc ưu-sầu hay nhớ đến các sự-việc xảy từ lâu-xa. 

Nếu sự ưu-sầu khiến ta nhớ lại, thì sự mừng-rỡ, háo-hức cũng có thể gợi lại trong đầu hình-ảnh cũ. Nhưng xét cho cùng kỳ lý, dĩ-vãng đã qua rồi, chẳng có cách chi mà diễn-tả lại đúng trăm phần trăm cho được, vì lẽ hình-ảnh cũ được nhắc lại thật-sự chỉ là sự tái-tạo, với nhiều thêm bớt, tô bóng hoặc bôi đen, và thái-độ cùng tình-cảm của người nói lẫn người nghe lại chính là tình-cảm và thái-độ đương-thời, chớ chẳng thể nào phù-hợp hoàn-toàn với khung-cảnh ngày trước. Đó là điều mà Vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên đã nhận-định tiếp theo:

- Ngay bây giờ, Ta có nhớ lại, nhưng chẳng giống đúng hẳn. 

- Có thể là chẳng giống đúng, bởi vì Đại-Vương đã tưởng-tượng thêm ra. 

Kế đó, sang qua tiểu-mục tiếp theo, số 082, Tì-kheo Na-Tiên đã vì vua Di-Lan mà kể ra 16 cách để nhớ lại việc cũ. Rất khó sắp-xếp cho có thứ-tự cả 16 cách nhớ nầy: nào là vì việc cũ là một đại-sự nên được nhớ dai, nào là vì khổ-sở, vì nghĩ đến điều lành mà hồi-tưởng lại cảnh cũ, nào là vì được nhắc lại, vì có tính-toán, có ghi chép, có chỉ-dạy cho kẻ khác, có mắc nợ-nần, v.v... mà chẳng quên việc xưa. Xét cho kỹ 16 ''cách nhớ'' đó, hầu hết chẳng phải thật-sự là những ''cách'' đã làm cho ta nhớ lại được, mà chỉ là những ''dịp'', những ''lúc'', nào mình được nhắc-nhở để nhớ ra lại. Trong khoa Tâm-lý-học ứng-dụng vào việc giáo-dục, có vài cách để dạy học-sinh nhớ dai. Xin tạm kể ra ba bốn điều, để phụ vào 16 ''cách'' của Na-Tiên:

1.- Cách để nhớ dai đầu-tiên là phải chịu khó ôn lại. Điều đã học, dầu được ghi chép cẩn-thận, nếu lâu lâu chẳng giở ra xem lại, thì có thể quên đi mất. Vì thế, phương-châm của giáo-dục là sự lập-lại thật nhiều lần, sự thường ôn lại cho nhuần.

2.- Muốn nhớ kỹ một từ-ngữ lạ, thì phải vận-dụng các giác-quan cùng một lúc: tai nghe tiếng Thầy dạy, miệng lẩm-bẩm nhắc lại tiếng đó, tay viết lên giấy chữ đó, và mắt nhìn vào cho kỹ. Như thế, sau nầy rủi có quên, thì cả mấy giác-quan đó sẽ giúp cho việc cố nhớ lại. 

3.- Khi muốn nhớ dai nhiều điều cùng một lúc, nên sắp-xếp các điều ấy thành một hay hai ''câu thiệu'', rồi học thuộc lòng, sau nầy sẽ nhớ lại được đủ hết. Thí-dụ, 21 tỉnh miền Nam Việt-Nam ngày xưa được ghi trong hai câu thiệu nầy: 

Gia, Châu, Hà, Rạch, Trà, Sa, Bến, Long, Tân, Sóc; 
Thủ, Tây, Biên, Mỹ, Bà, Chợ, Vĩnh, Gò, Cần, Bạc, Cấp.

Sau khi học thuộc lòng nhiều lần, hễ phải kể lại 21 tỉnh ấy, chỉ cần nhớ lại hai câu thiệu và thêm vào:

Gia-định, Châu-đốc, Hà-tiên, Rạch-giá, Trà-vinh, Sa-đéc, 
Bến-tre, Long-xuyên, Tân-an, Sóc-trăng; 
Thủ-dầu-một, Tây-ninh, Biên-hoà, Mỹ-tho, Bà-rịa, Chợ-lớn, 
Vĩnh-long, Gò-công, Cần-thơ, Bạc-liêu và Cấp (Vũng-Tàu).

Đó là cách nhớ nhiều việc trong một lần.

4.- ''Trí nhớ ở đầu ngón tay'': học chữ Nho, một chữ có nhiều nét ngoằn-ngoèo, khi học chữ mới, đưa ngón tay trỏ vẽ chữ ấy lên trên không-khí nhiều lần, sau nầy muốn nhớ lại, lấy ngón tay cứ vẽ lại, sẽ dễ nhớ. Ap-dụng lối nhớ nầy tại các tủ đựng áo ở nhà trường dành cho mỗi học-sanh, mỗi trò có một ống khoá-số, mà bí-số (số bí-mật) dành riêng chỉ người xử-dụng biết mà thôi: dùng ngón tay mở tới mở lui nhiều lần, hằng ngày thì quen tay. Bỏ lâu chẳng dùng, như trong thời-gian nghỉ hè, đi học trở lại, quên mất bí-số, thì cứ lấy ngón tay xoay tới xoay lui một lát, may ra sẽ nhớ lại bí-số của mình...

Còn nhiều ''thuật'' khác nữa, tùy theo sự tưởng-tượng phong-phú của từ cá-nhơn, nhưng với 16 cách nhớ của Na-Tiên đã quá nhiều rồi, Thiện-Nhựt chỉ dám kể thêm 4 cách nữa cho chẵn ... hai chục!

Trước khi chấm dứt Phần Tìm hiểu về vấn-đề Trí-Huệ, lại một lần nữa, Thiện-Nhựt xin nhắc lại:

1.- Giáo-lý nhà Phật tuy rất bao-quát nhưng có thể thu-gọn lại về mặt thực-hành vào ba môn: Giới-Định-Huệ. Nhờ giữ giới thanh-tịnh mà hành-nghiệp được trong-sáng, khiến thân-tâm an-tịnh, tâm sớm vào định-lực. Nhờ có định-lực mạnh-mẽ mà Trí-huệ phát-triển, diệt-trừ các phiền-não, chướng-ngại, sớm đến nơi giác-ngộ và giải-thoát.

2.- Việc giác-ngộ và giải-thoát phải tự-mình thực-hiện lấy, chẳng thể nào trông-chờ vào sự cứu-rỗi của bất cứ ai. Và trong nỗ-lực nầy, hành-giả phải nhờ vào Trí-huệ sẵn-có nơi mình, được tăng-trưởng thêm dọc theo con đường tu-tập. Vì lẽ đó, vấn-đề Trí-huệ là vấn-đề hàng đầu mà người học Phật phải lưu-tâm đến.

3.- Phật-học có rất nhiều pháp-môn, từ niệm Phật vãng-sanh, giữ giới đầu-đà, tu-tập các cấp thiền-định, trì-chú theo mật-tông, v.v... có pháp-môn Bát-nhã (Trí-huệ) chủ-trương dùng các khả-năng của Trí-huệ tu-tập hầu sớm đắc Đạo. Nhưng việc đi sâu vào các chi-tiết của pháp-môn nầy lại nằm ngoài lãnh-vực Tìm hiểu quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'', vì thế, Thiện-Nhựt chỉ nói lướt qua; người đọc muốn biết thêm, xin chịu phiền tìm đọc bản Kinh căn-bản của pháp-môn đó là bản Tâm-Kinh Bát-nhã Ba-la-mật, chỉ có võn-vẹn 260 chữ mà thôi.

-----*-----

VI.- Vấn-đề: Các loại cảm-thọ .

140.- Ba loại cảm-thọ: lạc-thọ, khổ-thọ và xả-thọ .

Mở đầu quyển Trung của ''Kinh Na-Tiên Tì-kheo'', tác-giả bàn về các loại cảm-thọ nơi tiểu-mục số 042, rất dài. Nhận-xét sơ-khởi là cuộc vấn-đáp giữa nhà Vua Di-Lan và vị Tì-kheo Na-Tiên đã đi quá sâu vào các chi-tiết nhỏ, hơi vụn-vặt, khiến cho người đọc khó lòng nhận ra được đại-cương và tầm quan-trọng của các cảm-thọ đối với việc tu-tập để đi đến sự giác-ngộ và giải-thoát.

Để tìm hiểu tiểu-mục rắc-rối nầy, trước hết xin tóm-tắt cuộc vấn-đáp và lời giải-thích của Na-Tiên về các cảm-thọ; sau đó sẽ đưa ra các nhận-xét về tiểu-mục đó:

A.- Tóm-tắt tiểu-mục số 042, về các cảm-thọ:

1.- Vua Di-Lan đặt vấn-đề: Con người cảm thấy vui, thì thiện hay bất thiện? Con người cảm thấy khổ, thì thiện hay bất-thiện?

2.- Na-Tiên chẳng trả lời ngay câu hỏi nầy, mà đưa ra một thí-dụ: tay trái nắm thanh sắt nung nóng đỏ, tay phải nắm hòn băng lạnh-buốt, cả hai tay đều bị phỏng cả. Rồi Na-Tiên hỏi: ''Cả hai tay bị nóng hay bị lạnh?'' Khi nghe vua Di-Lan đáp: ''Một tay nóng, một tay lạnh, cùng bị phỏng cả'', thì Na-Tiên lại bảo: ''Cả hai tay đều nóng!''

3.- Chẳng hiểu được lời đáp của Na-Tiên, Vua xin giải-thích thêm. Na-Tiên chẳng giải-thích thêm ''tại sao khi bị phỏng, cả hai tay đều nóng'' mà lại bảo rằng, trong Kinh Phật có nói đến việc đó và kể ra ba mươi sáu sự-việc gây nên các loại cảm-thọ vui, buồn, và chẳng vui chẳng buồn: 

(a) sáu việc khiến cho lòng mừng: mắt thấy có chỗ hợp với sự mong-cầu, nên lòng mừng; và khi, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, miệng nếm vị, thân rờ vật, tâm nghĩ đến ý, nếu tất cả cảm-nhận đều hợp với sự mong-cầu, thì mừng trong lòng; 

(b) sáu việc bên ngoài khiến trong lòng mừng: mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng tốt, mũi ngửi mùi thơm, miệng nếm vị ngon, thân chạm vật trơn-láng, tâm-ý nghĩ điều yêu-thích, nếu biết tất cả các cảm-nhận đó đều vô-thường, thì lòng sanh ra mừng; 

(c) sáu việc bên trong khiến lòng buồn: khi bên trong lòng chẳng mong-muốn mà mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm-ý phải cảm-nhận từ bên ngoài các điều bất-như-ý, thì sanh buồn lòng;

(d) sáu việc bên ngoài khiến lòng người chẳng mừng: thấy sắc xấu, nghe tiếng ác, ngửi mùi thúi, nếm vị đắng, thân chạm vật thô-cứng, tâm nhớ điều oán-ghét, thì sanh lòng chẳng vui;

(e) sáu việc khiến lòng chẳng mừng cũng chẳng rầu: sáu giác-quan cảm nhận các sự-việc chẳng đáng buồn cũng chẳng đáng vui thì trong lòng cũng chẳng mừng cũng chẳng rầu;

(f) sáu việc bên ngoài khiến cho lòng sầu: mắt thấy cái chết, nghĩ ra được lẽ vô-thường, tự-hỏi sao mình có được ý-niệm nầy rồi mà sao còn chưa đắc-đạo, vì thế lòng buồn. Nghe tiếng tốt hay xấu, ngửi mùi thơm hay thúi, nếm vị ngọt hay đắng, chạm vật thô hay láng, nhớ việc thương hay ghét, vẫn giữ thái-độ thản-nhiên, lại nghĩ mình đã có ý-niệm đó rồi, cớ sao lại chưa đắc-đạo, nên lòng buồn.

4.- Khi Na-Tiên kể xong ba mươi sáu việc đó, vua Di-Lan lại khen: ''Lành thay! Lành thay!'', rồi chuyển sang hỏi đến vấn-đề khác. Chẳng biết nhà Vua có hiểu tại sao Na-Tiên kể 36 sự-việc đó với dụng-ý gì hay không?

B.- Nhận xét:

1.- Nếu chỗ tóm-tắt trên đây theo sát được ý-tưởng trong bản nguyên-tác của ''Kinh Na-Tiên Tì-kheo'', thì quả thị, tiểu-mục số 042 trên đây đã ghi lại một cuộc đàm-luận giữa hai người: ''ông nói gà, bà nói vịt!'' Sao dám nói hỗn-hào như thế? Vì: 

- Na-Tiên chẳng đáp thẳng vào vấn-đề do vua Di-Lan nêu ra từ đầu: ''cảm-thọ vui và buồn là thiện hay bất-thiện?''

- Thí-dụ ''bị phỏng tay'' của Na-Tiên chẳng thấy có mối liên-quan nào lớn với cảm-thọ. Bị phỏng tay là một cảm-giác. Còn khi bị phỏng tay thì lòng buồn, khổ, đó mới là một cảm-thọ. Cảm-giác khác cảm-thọ: cảm-giác là mức-độ cảm-xúc của cơ-thể trước một sự-kiện kích-thích từ bên ngoài. Cảm-thọ là một tình-cảm do một cảm-giác gây ra trong lòng. Một đằng, cảm-giác xảy trên thân; một đằng, cảm-thọ diễn ra trong tâm. Như thế, một tay bị nóng mà phỏng, một tay bị buốt mà phỏng, thì đó chỉ là hai cảm-giác thôi, có ăn nhằm chi đến cảm-thọ. Nếu có nói thêm rằng khi bị phỏng, bị rát ở da, thì đau, nên buồn lòng, bấy giờ sự buồn lòng đó mới là một cảm-thọ thực-sự. Do đó, ta có thể kết-luận rằng, thí-dụ bị phỏng tay chẳng liên-quan chi nhiều đến cảm-thọ, ngoài cái cảm-giác bị đau rát ở ngoài da.

2.- Đến việc kể ra ba mươi sáu cảm-thọ, ta cũng chẳng thấy Tì-kheo Na-Tiên nói có cảm-thọ nào thiện, cảm-tho nào bất-thiện để trả lới câu hỏi của vua Di-Lan đã đặt ra lúc khởi đầu. Thật ra, căn-cứ theo bản dịch của N.K.G. Mendis ở quyển The Questions of King Milinda, Luận-tạng có kể 36 thể-thức của các cảm-thọ, như sau:

- sáu loại lạc-thọ có liên-quan đến đời thế-tục;
- sáu loại lạc-thọ có liên-quan với sự xuất-thế;
- sáu loại khổ-thọ có liên-quan đến đời thế-tục; 
- sáu loại khổ-thọ có liên-quan với sự xuất-thế;
- sáu loại xả-thọ có liên-quan đến đời thế-tục; 
- sáu loại xả-thọ có liên-quan với sự xuất-thế;

Ba mươi sáu loại cảm-thọ nầy trải qua ba thời: quá-khứ, hiện-tại và vị-lại, nhơn lên thành một trăm lẻ tám loại cảm-thọ. Trong 108 loại nầy, loại nào là thiện, loại nào là bất-thiện; ta cũng chẳng thấy Mendis nêu ra để trả lời câu hỏi của vua Di-Lan.

Nhưng với một chút lý-luận, ta có thể trông thấy rõ được loại nào thiện, loại nào bất-thiện. Những cảm-thọ khổ và lạc nào có liên-quan đến đời thế-tục, vướng phải sự chấp-thủ thì đó là bất-thiện. Còn những cảm-thọ khổ và lạc có liên-quan đến sự từ-bỏ của việc xuất-thế, và tất cả xả-thọ thì đó là thiện. Tại sao vậy? Như đã biết qua khi xét về Lý Mười hai Nhân-Duyên, vì có Lục-nhập (= sáu giác-quan) nên có Xúc, vì có Xúc, nên có Thọ, vì có Thọ nên có Ai, vì có Ai nên có Thủ, tức là sự chấp-thủ; và vì có chấp-thủ nên mới bị lôi-cuốn mãi trôi lăn trong vòng Luân-hồi, đó chẳng phải là bất-thiện hay sao?

3.- Nếu được cho phép, Thiện Nhựt xin liều-lĩnh ráng viết lại cái tiểu-mục số 042 cho ngắn gọn mà ý-nghĩa cũng tạm khá đầy-đủ, như vầy:

Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Con người khi cảm thấy vui hay buồn, thì thiện hay bất-thiện? 

Na-Tiên đáp:

- Có ba loại cảm-thọ: lạc-thọ, khổ-thọ và xả-thọ. Lạc-thọ và khổ-thọ nào có liên-quan đến đời thế-tục, vướng phải sự chấp-thủ thì trở nên bất-thiện. Các xả-thọ cùng các cảm-thọ lạc và khổ 

nào có liên-quan đến sự từ-khước, rời bỏ các ràng-buộc của đời thế-tục, và chẳng chấp-thủ, thì trở nên thiện.

Vua hỏi tiếp:

- Thế nào là lạc-thọ, là khổ-thọ, là xả-thọ? 

- Lạc-thọ là cảm-thọ vui; khổ-thọ là cảm-thọ buồn, và xả-thọ là cảm-thọ chẳng vui mà cũng chẳng buồn. 

Vua lại hỏi: 

- Cảm-thọ với cảm-giác khác nhau ra làm sao? 

- Khi các giác-quan tiếp-xúc với cảnh bên ngoài, có phản- ứng trên thân-thể, đó là cảm-giác. Cảm-giác có thể là đau, là sướng, hoặc chẳng sướng chẳng đau. Khi cảm-giác được truyền vào tâm, có sự cảm-nhận ở tâm, đó là cảm-thọ. Cảm-thọ vui (lạc-thọ) khi tâm thoải-mái và thân cảm thấy sướng; cảm-thọ buồn (khổ-thọ) khi thân khó chịu và tâm bứt-rứt. Cảm-giác chẳng đau, chẳng sướng thường đưa đến trong tâm một cảm- nhận trung-hoà, nên thường gọi là xả-thọ. Nhưng chữ xả trong Phật-học lại có nghĩa rộng hơn: gặp việc như ý, chẳng vui thích quá; gặp việc chẳng vừa ý, chẳng oán-ghét quá, đó là tâm xả, tâm quân-bình, thản-nhiên, chẳng quá xúc-động. Trong sự tu- hành, giữ được tâm an-nhiên, xả-bỏ muôn sự-việc mà biết chẳng cố-chấp điều gì cả thì tâm sớm được giải-thoát... 

-----*-----

VII.- Vấn-đề: Đắc Đạo và cõi Niết-bàn. 

141.- Vấn-đề đắc Đạo trong quyển ''Tì-kheo Na-Tiên''

Mục-tiêu của người tu-hành là sớm đắc Đạo; vấn-đề nầy được cứu-xét trong cuốn ''Tì-kheo Na-Tiên'' rải rác trong ba quyển: Thượng, Trung, và Hạ. Các câu hỏi tùy hứng của vua Di-Lan về vấn-đề đắc Đạo và cõi Niết-bàn, dàn trải qua các tiểu-mục sau đây:

số 041: Vì sao bực đắc Đạo còn sống phải chịu khổ?
số 046: Chẳng có thời-gian đối với bực đã đắc Đạo;
số 065: Niết-bàn là vượt qua chẳng trở lại.
số 066: Đắc Đạo Niết-bàn
số 067: Dầu chưa đắc, cũng biết Niết-bàn là sướng; 
số 074: Có Niết-bàn chăng?
số 080: Bực đắc Đạo khác với kẻ chưa đắc Đạo;
số 086: Bực La-hán có thể bay lên trời Đại-Phạm;
số 088: Dùng bảy việc để học biết Đạo;
số 091: Sức thần-túc; 
số 092: Ngưng hơi thở;
số 094, trang 75: Tư-duy đến các việc cao-thâm.

Để việc Tìm hiểu Nghĩa Ý cho có lớp-lang, sự sắp-xếp lại các tiểu-mục vừa kể rất cần-thiết, theo thứ-tự sau đây: 

a.- từ lúc mới học Đạo
b.- đến lúc đắc Đạo, được những khả-năng nào; 
c.-cõi Niết-bàn ra sao? 
d.- bao giờ nhập vào cõi Niết-Bàn; 

*

142.- Làm cách nào để học biết Đạo?

Giờ đây, xin bắt đầu với tiểu-mục số 088:

Vua hỏi Na-Tiên:

- Con người dùng bao nhiêu việc để học biết Đạo? 

- Dùng bảy việc để học biết Đạo. 

Rồi Na-Tiên kể ra: (1) phân-biệt điều lành, việc ác; (2) tinh-tấn; (3) vui Đạo; (4) chế-phục tâm-ý theo điều lành; (6) nhứt-tâm; (7) gặp mọi cảnh-ngộ chẳng yêu-ghét. Bảy điều nầy, Na-Tiên nói thêm, bất-tất phải dùng hết, điều quan-trọng nhứt là hễ biết phân-biệt thiện-ác, thì cũng đủ. Nghe nói thế, Vua hỏi thêm:

- Nếu chỉ dùng một việc mà biết được Đạo, tại sao lại nói chi đến cả bảy việc? 

Na-Tiên trả lời bằng một thí-dụ rất hay: như cầm con dao còn đựng trong hộp thì đâu có thể cắt đứt vật chi được; lòng con người tuy sáng-suốt hiểu rõ, nhưng cũng nên hội đủ sáu việc kia lại thì mới thành Trí. Nghe xong, vua khen: Lành thay! 

Nhưng Thiện-Nhựt lại ''thày-lay'' nhắc thêm rằng: muốn biết Đạo và học Đạo, hành-giả chỉ cần tuân-thủ ba điều: Giới-Định-Huệ thôi, và ba điều nầy sẽ đưa đến Trí-Huệ sáng-suốt để thấy rõ-ràng con đường Đạo giải-thoát.

*

143.- Bực đắc Đạo khác kẻ chưa đắc Đạo ở điểm nào?

Trở ngược lại với tiểu-mục số 080, ta thấy:

Vua hỏi Na-Tiên:

- Bực đã đắc đạo và người chưa đắc đạo khác nhau ra sao?

- Kẻ chưa đắc đạo còn tâm ham-muốn; còn bực đã đắc đạo thì hết tham-tâm, ... chẳng vì khoái-lạc, chỉ cần ăn để nuôi mạng sống... 

Như thế, đặc-điểm của người đắc Đạo, theo Na-Tiên, là dứt được Tâm tham. Tham-dục đứng đầu trong tam độc, nghĩa là ba món độc-hại mà người đắc Đạo đã diệt trừ xong: tham, sân và si. 

Nhưng người đắc Đạo chẳng những chỉ dứt bỏ ba độc mà thôi, các bực ấy còn được hoàn-toàn giải-thoát nữa. Cái chi được giải-thoát và giải-thoát khỏi những gì? Sự giải-thoát có hai phương-diện: (1) tâm giải-thoát, (2)trí-huệ giải-thoát. Tâm được giải-thoát khỏi các phiền-não chướng, tức là các trở ngại do phiền-não gây ra; kể chung là: tham, sân, si, mạn, nghi và ác-kiến. (Mạn là kiêu-căng, phách-lối; ác-kiến là các tà-kiến: thường-kiến, đoạn-kiến, ngã-kiến, thân-kiến). Trí-huệ được giải-thoát khỏi các sở-tri-chướng, tức là các trở ngại do các kiến-thức sai-lầm gây nên vì quá ôm-chặt.

Người đắc Đạo lại còn đạt được các quả-vị nữa. Nam-Tông có bốn quả-vị: (1) Tu-đà-huờn, (2) Tư-đà-hàm, (3) A-na-hàm, và (4) A-la-hán. Bắc-Tông có các cấp Bồ-tát: (1) Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi-hướng, Thập điạ, (2) Đẳng-giác, (3) Diệu-giác. Quả-vị cao nhứt là quả-vị Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, tức là quả-vị Phật.

Và đây là đặc-điểm quan-trọng nhứt của bực đã đắc Đạo là mình tự biết mình được giải-thoát, được sống tự-tại, nhưng chẳng bao giờ phô-trương rằng mình đã đắc được Đạo nầy hay Quả kia.

*

144.- Bực đắc Đạo có những khả-năng nào?

Đối với thường-nhơn, bực đắc Đạo chắc phải có nhiều khả-năng hơn người chưa tu-hành, và muốn biết vị ấy có các ''tài phép'' gì mà họ còn chưa có được. Vì lẽ đó, nơi tiểu-mục số 086, Vua Di-Lan mới hỏi Na-Tiên:

- Sa-môn các khanh bảo, bực đắc A-la-hán có thể bay lên cõi Trời Đại-Phạm trong thời-gian một người co-duỗi cánh tay thôi, Ta chẳng thể tin lời ấy được, tại sao vượt qua bao nhiêu ngàn muôn ức dặm như thế mà đến được nhanh-chóng vậy? 

Na-Tiên chẳng trả lời thẳng, mà mời Vua thử nghĩ đến thành-phố A-lệ-tán, cách đây hơn tám vạn dặm. Vua liền nghĩ trong đầu đến thành-phố ấy. Khi Vua nghĩ xong, Na-Tiên bảo:

- Đại-Vương đã đi qua tám vạn dặm rồi trở về đây, sao mà nhanh thế? 

Khen lối giải-thích nầy của Na-Tiên, Vua nói: ''Lành thay!'' Như thế, cái khả-năng bay đi xa và nhanh của bực đắc Đạo, theo Na-Tiên, chỉ là sự nhanh-chóng của tư-tưởng có thể vượt qua không-gian chỉ một khoảnh-khắc của cái co-duỗi cánh tay. Phải chăng ''thần-thông'' biết bay trong không-gian chỉ thực-hiện được bằng tư-tưởng mà thôi? Nghi-vấn nầy được Na-Tiên ''phá bỏ'' nơi tiểu-mục số 091, khi vua hỏi:

- Con người có khả-năng dùng thân-thể nầy bay lên từng trời thứ bảy cõi Đại-Phạm-thiên và đến xứ Bắc-câu-lư-châu rồi trở về chăng?

- Có thể được. (...) Bực đắc Đạo muốn nhảy đến từng Trời thứ bảy cõi Đại-Phạm-thiên và đến xứ Bắc-câu-lư-châu cũng được như-ý vậy. 

Theo Na-Tiên, bực đắc Đạo còn có thể luyện-tập thân-thể, ngay cả việc ngưng hơi thở cũng được như ý muốn nữa. Nơi tiểu-mục số 092, Na-Tiên nói: 

- ... Còn với bực học Đạo có khả-năng chế-phục thân miệng, trì giữ Kinh-giới, do sự nhứt-tâm mà đắc được Tứ-Thiền, do đó liền ngưng được hơi thở ra vào. 

Về các khả-năng siêu-phàm của các bực đắc Đạo, Thiện-Nhựt xin dựa vào lời giảng trong Kinh-sách, có vài nhận-xét như sau:

1.- Khi thành Đạo tại Bồ-đề đạo-tràng, Đức Phật có đủ tam minh: (1) túc-mạng-minh, nhớ lại được hết các kiếp trước; (2) thiên-nhãn-minh, thấy rõ các chúng-sanh chết nơi đây, sanh lại nơi kia; (3) lậu-tận-minh, biết rõ đã dứt hết các phiền-não. 

2.- Có sáu thần-thông, gọi là lục thông: (1) thiên-nhãn-thông, (2) thiên-nhĩ-thông, (3) túc-mạng-thông, (4) tha-tâm-thông, (5) thần-túc-thông, và (6) lậu-tận-thông.

3.- Với các tiến-bộ khoa-học hiện-đại về không-gian, vấn-đề Thần-túc-thông (thân bay trong không-gian) có thể được nhìn dưới một khiá-cạnh khác: thần-thông nầy phải chăng cũng chỉ là một phương-tiện di-chuyển đặc-biệt do các tu-hành đã luyện-tập được, nhưng rất tiếc là các bực đắc Đạo chơn-chánh chẳng bao giờ chịu khó thi-triển cho ta thấy để phá-tan mọi sự ngờ-vực.

4.- Việc ngưng hơi thở hẳn trong một thời-gian thật dài tuy chẳng thể thực-hiện được, nhưng nơi thiền-giả đã đắc các mức Thiền-định cao-cấp, hơi thở trở nên thật tế-nhị, cơ-hồ chẳng còn nghe thấy đến. 

*

145.- Bực đắc Đạo suy-tư đến các điều cao-thâm.

Ngoài các khả-năng siêu-phàm ra, các bực đắc Đạo còn hiểu thấu rành-rẽ các lời nói bí-ẩn cao-xa thâm-diệu trong Kinh-Luận nữa. Đó là điều mà Vua Di-Lan muốn Tì-kheo Na-Tiên khẳng-định:

- Bực đã đắc Đạo có khả-năng suy-nghĩ đến tất cả các sự-việc cao-xa thâm-diệu chăng? 

- Dĩ nhiên, các bực ấy có đủ khả-năng tư-duy mọi việc thâm-ảo. Kinh Phật thật hết sức là thâm-ảo về mọi sự-việc, chẳng thể nào đo-lường nổi, tất cả mọi sự-việc ấy đều phải do trí-huệ đoán-định ra. 

Điều mà Na-Tiên gọi ''chẳng thể đo-lường nổi'', phải chăng nằm trong loại các vấn-đề mà Đức Phật đã xem như bất khả tư-nghì, tức là các vấn-đề xuất-thế-gian mà con người thế-tục chẳng thể dùng lời-lẽ ở thế-gian hiểu cho tường-tận được. Các điều đó, bực đắc Đạo có đủ khả-năng để thông-đạt được. Và đối với chúng ta còn đang học Đạo, tưởng cũng đừng quá thắc-mắc về các vấn-đề siêu-hình, cứ bình-tâm tu-tập mãi, sẽ có ngày bừng sáng lên mà giác-ngộ được.

*

146.- Niết-bàn là gì?

Trước khi trả lời câu hỏi trên, có liên-quan đến các tiểu-mục số 046; số 065; số 066; số 074, bàn đến Niết-bàn, ta hãy tìm hiểu nghĩa gốc của chữ nầy. 

Tiếng Phạn (Sanscrit: Nirvana; Pali: Nibbàna) được phiên-âm ra tiếng Hán-Việt bằng hai cách: (1) Nê-hoàn, hoặc (2) Niết-bàn; nhưng từ-ngữ Niết-bàn được thông-dụng hơn. Chữ Niết-bàn có nghĩa gốc như sau: Nir là ra khỏi; Vana là khu rừng u-tối; như vậy, theo nghĩa đen thì ''đắc Niết-bàn'' là ra khỏi khu rừng âm-u; và theo nghĩa rộng là lià bỏ được nơi đen-tối, phiền-muộn. Nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, Niết-bàn là cảnh-giới an-tịch vắng-vẻ, chẳng còn khổ-sở, trỏ vào tâm-trạng của hành-giả đã diệt-trừ xong tất cả các phiền-não và các chướng-ngại, sống trong cảnh an-nhiên, tự-tại. Đừng lầm khi cho rằng Niết-bàn là một nơi chốn xa-xôi nào đó, hết khổ, chỉ có sướng thôi, mà người tu-hành mong đi đến đấy.

Phật-học phân-biệt hai loại Niết-bàn: (1) Hữu-dư Niết-bàn, cảnh-giới của bực đắc quả-vị A-la-hán, chẳng còn tái-sanh nữa, dứt trừ hết phiền-não nơi tâm, còn tấm thân nầy sống an-nhiên và tự-tại; (2) Vô-dư Niết-bàn, cảnh-giới an-tịch của hành-giả đắc A-la-hán, sau khi trút bỏ tấm thân thể-xác đã dứt hết nghiệp-báo. Chữ ''dư,'' trong Hữu-dư, là dư-y, là các nghiệp-báo còn sót lại; vô-dư là vô-dư-y là đã dứt sạch hết các nghiệp-báo.

Giờ đây xin quay lại với tiểu-mục số 074, Phần Phỏng-dịch: Có Niết-bàn chăng? Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Nghĩ cho kỹ, có Niết-bàn chăng? 

- Xét cho kỹ thì có Niết-bàn. 

- Na-Tiên có thể chỉ cho Ta thấy Đức Phật ở tại xứ-sở nào nơi Niết-bàn chăng? 

- Chẳng thể chỉ cho thấy được... Ví như có người đốt lửa to lên, rồi dập tắt... thì ta đâu thể chỉ rõ ánh lửa sáng hiện ở chỗ nào được.

Lời đối-đáp nầy cho thấy rõ: Niết-bàn chẳng phải là nơi chốn, để có thể chỉ bằng tay cho mắt thấy được. (Điều nhận-xét nầy đã có ở một đoạn trước.)

Trở lại tiểu-mục số 046 về Thời-gian, Na-Tiên có nói:

- Đối với bực đã đắc Nê-hoàn (Niết-bàn) thì chẳng có thời-gian dài lâu; đối với kẻ chưa đắc đạo còn phải sống đi chết lại thì có thời-gian lâu dài... 

Đây là đặc-tánh thường-hằng của Niết-bàn, một ý-niệm siêu-thế có tánh-cách phi-thời-gian-tính: Niết-bàn ở đó, còn đó, mãi-mãi như vậy là như vậy.

Đặc-tánh phi thời-gian-tính của Niết-bàn rất gần với ý-nghĩa của ''Đạo Niết-bàn là vượt qua, chẳng trở lại'' được nói tại tiểu-mục số 065, Phần Phỏng-dịch:

Vua hỏi Na-Tiên:

- Đạo Niết-bàn là vượt qua đi mà chẳng còn có chỗ nào trở lại nữa chăng? 

- Đạo Niết-bàn chẳng còn chỗ nào là có trở lại nữa. Người ngu-mê cứ mãi lo cho tấm thân trong ngoài, thích được ngồi êm; cho nên chẳng thể đắc độ-thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết. Người hiền-trí học Đạo, trong ngoài thân chẳng vướng-mắc: chẳng ân-ái, chẳng ham-muốn nên chẳng có bào-thai; chẳng có bào-thai thì chẳng sanh, già, bịnh, chết; hễ chẳng sanh, già, bịnh, chết thì chẳng sầu lo, nội-tâm chẳng đau-đớn, tức liền đắc đạo Niết-bàn. 

Nhà Vua lại tò-mò hỏi, nơi tiểu-mục số 066: 

- Các người học Đạo tất đắc được Niết-bàn hết cả chăng? 

- Chẳng đắc được Niết-bàn hết tất cả. Các bực học đạo chơn-chánh, hướng về điều thiện, niệm điều thiện, phụng-hành điều thiện, chỗ chẳng đáng niệm, chẳng đáng phụng-hành thì lìền lià xa, dứt bỏ; người như thế thì đắc Niết-bàn. 

Và nơi tiểu-mục tiếp theo, số 067, Vua cũng tò-mò hỏi thêm Na-Tiên về người chưa đắc Niết-bàn:

- Người chưa đắc được Niết-bàn, có thể biết Niết-bàn là điều sướng-khoái chăng? 

- Dĩ nhiên, người tuy chưa đắc được Niết-bàn cũng biết Niết-bàn là sướng-khoái. 

Vì lý-do nào, chưa chứng thấy mà lại biết chắc? Tại vì, theo lời Na-Tiên, thấy người đi trước đắc Niết-bàn được sung-sướng, kẻ đi sau biết chắc Niết-bàn là an-vui. Và Na-Tiên đưa ra một thí-dụ tương-tự rất xác-đáng: cũng như thấy kẻ bị cắt chơn tay đang la-khóc, thì ta biết ngay rằng, hễ bị chặt tay chơn là có đau-khổ, mặc dầu thân-thể của mình vẫn còn lành-lặn. Vậy, tuy tự mình chưa chứng thấy, chưa có được kinh- nghiệm bản-thân, nhưng thấy kẻ khác đang vui hưởng an-lạc trong cảnh-giới Niết-bàn, thì mình cũng biết chắc Niết-bàn là sướng-khoái.

*

147.- Sống đến bao giờ mới ''nhập Niết-bàn''?

Ngoài ý-kiến sai-lầm cho rằng Niết-bàn là một nơi chốn ra, thường-nhơn lại còn lầm-tưởng ''đắc Niết-bàn'' hoặc ''nhập Niết-bàn'' là chết đi; họ còn chưa hiểu được Niết-bàn ở tại đây và ngay bây giờ. Như đã biết, Phật-học phân-biệt Hữu-dư Niết-bàn với Vô-dư Niết-bàn ở chỗ là người còn sanh-hoạt tại thế-gian, vẫn đắc được Niết-bàn, một khi được giải-thoát khỏi mọi phiền-não ràng-buộc, sống cuộc đời an-nhiên tự-tại. Có lẽ, vì thường thấy khi một vị cao-tăng nào qua đời, người ta bảo vị ấy đã viên-tịch, đã nhập-diệt, đã đi vào cõi Niết-bàn rồi, nên phần đông dân chúng đã đồng-hóa chữ Niết-bàn với cái chết của một bực tu-hành. Đâu phải vậy! Niết-bàn là một cảnh-giới, đúng ra là một tâm-trạng của con người đã hoàn-toàn giải-thoát khỏi các phiền-não, ràng-buộc. Người đắc Đạo vẫn sống, và sống trong cảnh-giới Niết-bàn ngay tại đây và hiện bây giờ!

Tiểu-mục số 041, chấm dứt Quyển Thượng, đã nêu lên thắc-mắc của vua Di-Lan về: tại sao bực đắc-đạo còn sống lại phải chịu khổ?, và được Tì-kheo Na-Tiên phá-giải bằng một lời nói vô-cùng thâm-thúy của Đại-đức Xá-lợi-phất (Pali: Sariputta). Ta nên đọc kỹ tiểu-mục ấy, tóm-tắt lại, rồi sau đó sẽ có vài nhận-xét.

Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Như người đắc đạo, chẳng phải sanh lại ở đời sau, có còn phải chịu cảnh khổ nữa không? 

- Hoặc còn phải chịu khổ nữa, hoặc chẳng còn phải khổ nữa. 

- Thế nào là còn phải chịu khổ, là chẳng phải chịu khổ nữa? 

- Thân còn chịu khổ; tâm-ý hết chịu khổ. Sở dĩ thân còn phải chịu khổ là vì trong hiện-tại thân đó còn là nguồn-gốc của sự khổ. 

Tâm-ý sở dĩ hết khổ là vì đã dứt bỏ tất cả các điều ác, chẳng còn ham-muốn chi, cho nên chẳng phải chịu khổ nữa. 

- Nếu như người đắc đạo chẳng thể lià thân khổ nầy, thì đó là chưa đắc được đạo Nê-hoàn (= Niết-bàn) chăng? Người đắc đạo chẳng còn ân-ái, mà thân còn khổ, dẫu tâm-ý đã an-ổn, thì sự đắc đạo để làm gì? Nếu như người đắc đạo đã thành-công, thì vì cớ gì mà còn lưu lại ở đây? 

- Thí dụ như trên cây, trái còn chưa chín thì chẳng vội hái, nên đợi cho chín muồi. Đại-Vương có biết lời nói của Đại-đức Xá-lợi-phất chăng. Ngài Xá-lợi-phất lúc còn sống có nói: ''Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống, tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi.'' 

Vua khen ngợi: ''Lành thay! Lành thay!'' 

Tóm-tắt:

Vua Di-Lan có hai thắc-mắc: (1) người đang sống đắc đạo có còn phải chịu khổ nữa không?; (2) đã đắc đạo rồi mà thân vẫn còn khổ, sao chẳng lìa thân đi; nếu giữ thân sống thêm, hóa ra đắc-đạo chẳng vô-ích lắm hay sao?

Về thắc-mắc thứ nhứt, Na-Tiên giải-đáp: người đã đắc đạo còn sống thì thân còn khổ mà tâm dứt hết các phiền-não rồi nên hết khổ. 

Để giải-tỏa mối thắc-mắc thứ hai về việc ''tìm cái chết cho hết khổ'', Na-Tiên đưa ra một thí-dụ rất hay: ''trái cây chưa chín, chưa vội hái, nên đợi lúc trái đã chín muồi.'' 

Và Na-Tiên nhắc lại lời nói vô cùng quí-báu của Ngài Xá-lợi-phất: ''Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống, tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi.''

Nhận-xét:

1.- Người đắc đạo đang sống thì thân vẫn còn cảm-xúc nên phải chịu cảnh khổ của già và bịnh; nhưng về phần tinh-thần, tâm-ý đã thoát khỏi các phiền-não, chướng-ngại, nên được an-nhiên, tự-tại. Đây là dịp khiến ta nên suy-gẫm đến hai chữ đau-khổ trong tiếng Việt. Đau khác, Khổ khác. Đau là thân đau; còn Khổ là tâm khổ; như khi có cái răng đau, miệng thì nhức-nhối, sao ta lại còn chồng thêm nỗi khổ lên cho tâm, để khiến lòng phải buồn-bực, bứt-rứt? Đau răng vẫn còn chưa đủ hay sao, mà lại sanh thêm bực-tức, cau-có để gây Khổ cho lòng mình và cho cả các người ở chung quanh?

2.- Thử phân-tách và tìm hiểu thêm về câu nói quí-báu của Ngài Xá-lợi-phất:

a.- Tôi chẳng cầu chết: Tại sao? Vì tấm thân hiện nay còn đây chỉ là tấm thân dư-y; sở dĩ còn sống là để trả nốt các dư-nghiệp còn sót lại. Hơn nữa, cầu chết là thái-độ trốn tránh nợ đời; khi nghiệp-lực vẫn còn mà cầu lấy cái chết, thì theo vòng Luân-hồi phải tái-sanh lại, để rồi lại phải chịu Khổ dài-dài. Lại nữa, mạng-sống con người là điều vô-cùng quí-giá, nhờ nó mà ta mới có đủ cơ-duyên biết đến, và tu-tập theo, con đường giải-thoát vĩnh-viễn.

b.- Tôi cũng chẳng cầu sống: Tại sao? Khi sanh ra, nào phải tự tôi cầu cho tôi được sanh ra đâu, vòng Luân-hồi cứ xoay chuyển mãi theo nghiệp-lực cũ mà tái-sanh. Trong cuộc sống hiện-tại còn lại đây, mọi sự ham-muốn đều chấm dứt nơi tâm tôi, còn có điều chi nữa khiến tôi cố đòi ham sống để hưởng? Tâm tôi an-nhiên xem cả hai sự sống và sự chết đều ngang nhau; sống gởi, thác về, nào có chi mà ngại, mà cầu chớ?

c.- Tôi chỉ chờ đúng thời ra đi thì ra đi: Lúc nào mới đúng thời ra đi? Đó là lúc đã dứt sạch nghiệp, do một cái chết tự-nhiên và thanh-thản mang đến. Tôi ra đi, chẳng chút luyến-tiếc, cũng chẳng chút háo-hức, an-nhiên mà ra đi vào cõi vắng-lặng.

d.- Đây là lời nói của một bực đắc đạo, hoàn-toàn giác-ngộ về lẽ sống chết trong vòng Luân-hồi và con đường giải-thoát về nơi an-lạc vĩnh-cửu. Tưởng nên đóng khung lại câu nói ngàn vàng nầy, để ghi lấy làm điều tâm-niệm: 

* Tôi chẳng cầu chết, tôi cũng chẳng cầu sống,

* Tôi chỉ chờ đúng thời ra đi, thì ra đi.

-----*-----

VIII.- Vấn-đề: Phật

Chữ Phật là tiếng phiên-âm từ chữ Phạn Buddha, có nghĩa là giác-ngộ. Đức Phật Thích-ca mâu-ni là một bực đại-giác, có thật trong lịch-sử. Trong quyển ''Tì-kheo Na-Tiên'' nầy, vấn-đề: Phật được nói đến rải-rác qua các tiểu-mục:

số 068: Chưa từng thấy Phật đâu có nghĩa là chẳng có Phật; 
số 069: Chẳng ai thắng nổi Đức Phật
số 076: Thân-tướng trang-nghiêm của Đức Phật
số 077: Đức Phật đâu phải là đệ-tử của Đại-Phạm Thiên; 
số 078: Đức Phật tự biết lấy Kinh-kệ và Giới-luật;
số 083: Đức Phật biết hết cả, sao chẳng dạy một lần?

Sắp-xếp lại các tiểu-mục kể trên theo thứ-tự về nội-dung, ta có:

1.- Thân-tướng trang-nghiêm của Đức Phật;

2.- Khả-năng siêu-việt của Đức Phật:

a.- Tự biết lấy Kinh-Kệ và Giới-luật;Ngài chẳng phải là đệ-tử của vị Đại-Phạm Thiên-Vương.
b.- Đức Phật biết hết cả, sao chẳng dạy đệ-tử hết một lần?
c.- Chẳng ai thắng nổi Đức Phật.

*

148.- 32 tướng trang-nghiêm trên thân Phật. 

Nơi tiểu-mục số 076, Phần Phỏng-dịch, Vua Di-Lan có hỏi Tì-kheo Na-Tiên về thân-tướng trang-nghiêm của Đức Phật:

- Đức Phật thật có 32 tướng trang-nghiêm, 80 vẻ đẹp tùy-hình, thân màu vàng ròng tỏa ánh hào-quang chăng? 

Na-Tiên đáp, Đức Phật có đủ các tướng ấy. Vua lại hỏi tiếp:

- Cha mẹ Đức Phật cũng có đủ các tướng đẹp đó chăng? 

Khi nghe Na-Tiên đáp, chẳng có, nhà Vua liền kết-luận: 

- Đời người sống chết hình-tướng đều giống theo chủng-loại của mình. Cha mẹ Đức Phật đã chẳng có các tướng tốt ấy, thì xét kỹ, Đức Phật nhứt-định chẳng có các tướng trang-nghiêm ấy. 

Để bác-bỏ lập-luận của nhà Vua, Na-Tiên lấy thí-dụ hoa sen nở trong bùn mà chẳng giống với bùn đen nước đục, lại có hương thơm ngào-ngạt, và kết-luận: 

- Tuy cha mẹ của Đức Phật chẳng có các tướng trang-nghiêm đó, nhưng xét kỹ ra Đức Phật lại có đủ các tướng đẹp. Đức Phật sanh ra ở thế-gian, lớn lên ở thế-gian, mà chẳng giống theo sự-đời ở thế-gian. 

Vua chấp-nhận lời giải-thích và khen: ''Lành thay!''

Về vẻ đẹp tôn-nghiêm trên thân-hình của Đức Phật, các Kinh-sách và Từ-điển Phật-học có kể rõ đủ cả; ta chỉ cần nhớ các đặc-điểm quan-trọng, ngày nay thường thấy trên các tượng Phật, như: nhục-kế, núm thịt trên đỉnh đầu, hai tai dài thòng xuống đến gần vai, tấm thân vàng chói...

Tiểu-mục số 068, kết-thúc quyển Trung của sách ''Tì-kheo Na-Tiên'' nầy, ghi lại cuộc vấn-đáp lý-thú giữ Vua Di-Lan và Tì-kheo Na-Tiên, về vấn-đề: ''Đức Phật có thật hay chẳng có thật?''

Vua hỏi Na-Tiên: 

- Na-Tiên có từng thấy Đức Phật chưa? 

- Chưa từng thấy Đức Phật

Rồi Vua lại hỏi liên-tiếp, Sư-phụ của Na-Tiên, các vị Tổ-sư khác có thấy Đức Phật chăng? Trước lời đáp của Na-Tiên, các vị đó chưa từng thấy Đức Phật, Vua đi đến kết-luận là: hễ chưa ai thấy Phật, tức là chẳng hề có Đức Phật. Lời kết-luận hơi vội-vàng nầy của Vua bị Na-Tiên bác-bỏ một cách gián-tiếp với thí-dụ về năm trăm con sông đổ chung về một chỗ. Vua chẳng thấy chỗ ấy, các vị tiền-vương cũng chẳng thấy, nhưng chỗ ấy vẫn có thật. 

Lập-luận nầy của Tì-kheo Na-Tiên dạy ta một điều quan-trọng: sự-việc mình còn chưa thấy, chẳng nên quả-quyết vội-vã rằng việc ấy chẳng hề có thật. Biết đâu sự-việc ấy hiện có tại một cảnh-giới khác hoặc đã xảy ra vào một thời-đại xa-xưa nào mà người thế-tục hiện nay chẳng chứng-kiến được, để thấy bằng mắt, nghe bằng tai. Trường-hợp hiển-nhiên là các luồng sóng âm-thanh truyền lan khắp không-gian mà con mắt thịt, lỗ tai trần, đâu cảm-nhận được. Tưởng nên có một thái-độ dè-dặt, chẳng quá tin, mà chẳng bác-bỏ hẳn.

*

149.- Khả-năng siêu-việt của Đức Phật.

Những người sùng-tín thường tin-tưởng rằng vị Giáo-chủ của tôn-giáo mình đang theo là một đấng toàn-năng, toàn trí, siêu-việt. Đó chẳng phải là điều mà người Phật-tử chơn-chánh tha-thiết ôm-ấp trong lòng.

Nơi tiểu-mục số 078, Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Đức Phật có học biết và phụng-hành tất cả Kinh-kệ và Giới-luật chăng? 

- Đức Phật có học biết và phụng-hành tất cả Kinh-kệ và Giới-luật.

- Đức Phật theo bực Thầy nào mà học biết như thế? 

- Đức Phật chẳng có Thầy. Khi đắc đạo, Đức Phật tự mình hiểu biết hết tất cả Kinh-kệ và Giới-luật... 

Như thế, có lẽ theo Na-Tiên, trước khi thành Đạo, phải chăng tu-sĩ Cồ-đàm đã chẳng theo học Đạo với một vị thầy nào chăng? Theo tài-liệu lịch-sử, khi vừa xuất-gia, tu-sĩ Cồ-đàm (Pali: Gotama) có theo học Thiền với hai thiền-sư ngoại-đạo tên là: (1) Alara Kalama; (2)Uddaka Ramaputta. Vì nhận thấy hai bực Thiền-định cao-cấp nầy: (1) Vô-sở-hữu-định, (2)Phi-tưởng phi phi-tưởng-định, chẳng đưa đến sự giải-thoát hoàn-toàn, nên tu-sĩ Cồ-đàm bỏ đi, và tự tìm ra lấy con đường Đạo để tu-tập đến ngày đắc quả-vị Phật. Trí-huệ của Ngài khi đắc đạo là Trí vô-sư, chẳng phải nhờ có Thầy mới thông-hiểu được.

Nơi tiểu-mục số 077, Vua Di-Lan có nói đến một phạm-hạnh của Đứ c Phật (là chẳng giao-hội với phụ-nữ) cũng giống với phạm-hạnh của vị Trời ở từng thứ bảy cõi Dục-giới là vị Đại-Phạm Thiên-Vương, và kết-luận: Đức Phật là đệ-tử của vua Trời Đại-Phạm. Na-Tiên bác-bỏ lý-luận sai-lầm nầy bằng cách hỏi lại Vua:

- Đệ-tử của vị Trời Đại-Phạm có niệm hay chẳng có niệm? 

- Đệ-tử của Đại-Phạm Thiên-Vương vẫn còn có niệm. 

- Như thế, vị Trời Đại-Phạm và các đệ-tử cũng đều là đệ-tử của Đức Phật cả. 

Tại sao? Vì nơi Đức Phật chánh-niệm lúc nào cũng sáng-tỏ, và mọi vọng-niệm đã được dứt sạch từ lâu.

Nơi tiểu-mục số 083, Vua Di-Lan hỏi Na-Tiên:

- Đức Phật biết hết tất cả những sự-việc đã qua từ lúc khởi thủy cho đến cả các việc trong tương-lai nữa chăng? 

- Dĩ nhiên, Đức Phật biết hết tất cả mọi sự-việc.

Cái trí thông-hiểu hết tất cả muôn sự-sự vật-vật, trong Kinh-sách gọi là Nhứt-thiết-trí. Riêng về các việc quá-khứ, bực đại-giác có được túc-mạng-minh, tức là sự thông-hiểu về các đời kiếp đã qua.

Vua lại hỏi tiếp:

... Đức Phật biết hết tất cả mọi sự-việc, tại sao Ngài lại chẳng dạy ngay hết cho các đệ-tử, mà cứ dạy từ-từ thôi?

Câu hỏi nầy khá ''ngớ-ngẩn'', vì dạy hết một lần, làm sao mà đệ-tử thâu-nhận và thực-hành theo cho kịp. Na-Tiên lại kể thêm một thí-dụ rất dí-dỏm: vị y-sĩ tùy bịnh mà cho thuốc, chớ đâu lại đem hết tất cả thuốc-men trong thiên-hạ ra cho bịnh-nhơn uống một lần!

Và sau cùng, trở lại tiểu-mục số 069, khởi đầu quyển Hạ của sách Tì-kheo Na-Tiên nầy, ta thấy Vua Di-Lan thắc-mắc, khi nghe nói: Chẳng ai có thể thắng nổi Đức Phật. Vua hỏi:

- Làm sao lại biết chắc chẳng có ai thắng nổi Đức Phật? 

Na-Tiên đem lòng tin đặt vào đức Thế-tôn mà giải-đáp thắc-mắc nầy: Các người đã đắc đạo và đạo-pháp cùng nói, chẳng hề có ai thắng nổi Đức Phật, cho nên tôi (Na-Tiên) tin điều ấy. Dường như lời giải-đáp đó chẳng làm Vua thoả-mãn, nên Ngài hỏi tiếp:

- Lấy cái chi mà biết rằng chẳng hề có ai thắng nổi Đức Phật? 

Na-Tiên liền cầm lên một quyển sách cổ, hỏi lại Vua: 

- Vị thầy trước-tác quyển sách nầy là ai vậy? 

Khi nghe Vua đáp, ''tác-giả tên là Chất'', thì Na-Tiên hỏi làm sao mà Vua biết được. Vua liền đưa ra cái lý-lẽ ''biết được'' sau đây:

- Nhờ đọc sách xưa truyền lại nên biết được tên ông ta là Chất. 

Na-Tiên liền ''chụp'' ngay lấy lý-lẽ đó làm lý-lẽ của mình, và nói:

- Cũng vì lẽ đó mà sa-môn chúng tôi khi thấy được Kinh Phật và Giới-luật, thì cũng như thấy được Đức Phật, chẳng khác. Chánh-đạo và Kinh, Giới do Đức Phật thuyết-giảng vô cùng thâm-diệu và sảng-khoái, được truyền dạy về sau; vì lẽ đó mà tôi biết rằng chẳng hề có ai thắng nổi Đức Phật cả. 

Nếu các đọc-giả trẻ tuổi chẳng dễ-dàng chấp-nhận lý-lẽ của Na-Tiên đưa ra, thì Thiện Nhựt xin nêu thêm hai điểm:

1.- Đương thời với Đức Phật, có sáu vị sư-trưởng cầm đầu sáu giáo-phái -- Kinh sách thường gọi là lục sư ngoại đạo -- thường tranh-luận với Đức Phật, chẳng có vị nào thắng nổi Đức Phật cả.

2.- Trong các thuyết vũ-trụ-quan, nhiều tôn-giáo chủ trương, Thượng-Đế sáng-tạo ra muôn loài, cho đến nay vẫn chưa thấy có một tôn-giáo nào chứng-minh được sự-thực cả. Đạo Phật chủ-trương chẳng có vị Hoá-chủ nào cả, chỉ có Luật Nhân-Duyên chi-phối vũ-trụ. Và cho đến nay, khoa-học hiện-đại còn chưa thấy có ai, với đầy-đủ lý-lẽ vững-chắc, bác-bỏ được thuyết vũ-trụ-quan đó của Phật-giáo. 

Trước khi chấm dứt việc Tìm hiểu về vấn-đề Phật trong quyển sách nầy, Thiện-Nhựt xin phép trích vài câu nơi quyển sách nhan-đề Thủ-bản về Phật-Học (A Manual of Buddhism by the Venerable NARADA Maha Thera). Ngài Narada viết về cuộc đời Đức Phật:

Ngài sanh ra như một con người. Ngài đã sống một cuộc đời của bực vĩ-nhơn.Và Ngài đã nhập-diệt như một vị Phật.

 

Send comment
Off
Telex
VNI
Your Name
Your email address
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant