Subscribe HoaVoUu Youtube
Kính mời Subscribe kênh
YouTube Hoa Vô Ưu
Điền Email để nhận bài mới

Phần Ii: Kiến Giải Pháp Hoa Kinh (Tt)

21 Tháng Năm 201000:00(Xem: 4231)
Phần Ii: Kiến Giải Pháp Hoa Kinh (Tt)

NHẤT HẠNH
SEN NỞ TRỜI PHƯƠNG NGOẠI

Thầy Nhất Hạnh giảng kinh Pháp Hoa

Nhà xuất bản Lá Bối 2001

Phần II: Kiến giải Pháp Hoa Kinh (TT)

Phẩm Thứ Hai Mươi: Bồ tát Thường Bất Khinh

Bây giờ chúng ta hãy đi sang phẩm thứ 20, Phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh (SadẠparibhutẠ Bodhisattva), trang 453. 
Phái Thiên Thai phân các phẩm của kinh Pháp Hoa ra làm hai môn, Tích môn và Bản môn, và cho rằng 14 phẩm đầu thuộc về Tích môn, và 14 phẩm sau thuộc về Bản môn. 

Khi đọc kinh ta thấy tuy cái ý về Tích môn và Bản môn rất hay, nhưng phân chia như vậy không được ổn lắm. Lý do là đang đọc những phẩm có tính cách Bản môn, chúng ta đi sang những phẩm thấy như không có gì là Bản môn, mà lại có tính cách là Tích môn. Vì vậy tuy ý hay, nhưng chia ra hai phần như vậy thì không được đúng lắm. Do đó muốn dùng hai ý niệm Tích môn Bản môn thì ta phải xếp đặt lại thứ tự các phẩm trong kinh, đưa một số phẩm ra trước và một số phẩm ra sau. 

Theo tôi, việc mà chúng ta có thể làm được là vẫn giữ nguyên văn kinh Pháp Hoa như đã truyền lại, nhưng nên xếp đặt lại vị trí các phẩm, để cho hợp với ý niệm Bản môn và Tích môn hơn. Khi làm vậy, chúng ta phải ghi rõ sự xếp đặt lại này, để nếu có người muốn biết cách sắp đặt thứ tự các phẩm theo truyền thống thì có thể trở về xem bản của thầy Cưu-Ma-La-Thập.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng chia thành hai môn như thế cũng còn có khuyết điểm. Lý do thứ nhất là vì không phải 14 phẩm đầu hoàn toàn diễn bày về Tích môn, và 14 phẩm sau hoàn toàn nói về Bản môn. Lý do thứ hai là mình nên thiết lập thêm một môn thứ ba, thì sự phân chia mới hoàn mỹ. Tôi thấy có một số phẩm nên được đưa vào môn thứ ba gọi là Hạnh môn. Hạnh tức là hành động. Sau khi đã thấy Tích môn như vậy, và Bản môn như vậy rồi, thì chúng ta phải cần được thấy cái phương pháp thực hiện. Cái diệu dụng của Bản môn khi được diễn tả trong Tích môn, là sự hiện hữu của một số các vị Bồ Tát, và các vị này đã làm như thế nào để diễn dịch cái Bản môn ra Tích môn, và đưa người ta từ Tích môn về Bản môn. Những phẩm thuộc về lĩnh vực này, ta có thể xếp vào một môn thứ ba và gọi là Hạnh môn. Đó là những phẩm nói về các vị Bồ Tát lớn như là Bồ Tát Thường Bất Khinh, Bồ Tát Dược Vương, Bồ Tát Diệu Âm, Bồ Tát Quán Thế ÂmBồ Tát Phổ Hiền.
Trong đạo Bụt chúng ta thường phân biệt một thực tại ra ba khía cạnh, đó là thể, tướng và dụng. Thể tức là bản chất của sự vật, là Bản môn. Ví dụ như bình trà, cái thể của nó là đất sét, nước và lửa. Còn cái tướng của bình trà là tròn, có nắp ở trên, có cái quai và cái vòi. Đó là cái tướng của bình trà. Thể tức là cái bản chất, còn tướng tức là cái hình thái. Sau đó là dụng. Dụng là cái công dụng, bình trà dùng để làm gì? bình trà đóng được vai trò nào? Tất cả mọi pháp đều có ba phần thể, tướng, và dụng đó cả. Ta có thể nói rằng Tích môn là tướng, Bản môn là thể, và môn mà ta thiết lập trong khóa tu này để đóng góp cho Tông Thiên Thai là Hạnh môn, và Hạnh môn thuộc về dụng. Tức là, Tích môn nó như thế, Bản môn nó như thế, làm thế nào để diễn dịch Bản môn thành Tích môn, và để đưa những người trong thế giới Tích môn về tiếp xúc được với Bản môn, đó là công trình hành đạođộ sanh của các vị đại Bồ TátChúng ta nên gom hết các phẩm đó vào một môn thứ ba gọi là Hạnh môn. Gọi là dụng môn cũng được, nhưng Hạnh môn nghe hay hơn, hạnh có nghĩa là action.

Đi vào Hạnh môn, trước hết ta gặp một vị Bồ Tát rất ngộ nghĩnh, tên là Thường Bất Khinh, trang 453. Vị Bồ Tát này vốn là tiền thân của Bụt Thích Ca Mâu Ni. Trong thời gian thị hiện làm Bồ Tát, Ngài đã trải qua những kinh nghiệm rất ngộ nghĩnh, Ngài hành đạo nhưng đôi khi bị người la rầy, xua đuổi, đàm tiếu. Thường Bất Khinh là vị Bồ Tát chỉ chuyên làm một việc thôi, đó là tới với ai, Ngài cũng cung kính nói: Ông hoặc bà là người có giá trị lắm, ông hoặc bà là những vị Bụt sẽ thành, tôi thấy được cái giá trị đó trong ông bà, nên xin đừng có mặc cảm. Đó là cái hạnh của Bồ Tát Thường Bất Khinh. Chúng ta phải học cái hạnh này nếu chúng ta muốn đi theo con đường của các vị Bồ Tát.

Có những người có mặc cảm là họ không giỏi, họ không thành đạt như những người khác. Họ có cái mặc cảm tự ti. Những người như vậy không có hạnh phúc, nhìn người khác thì thấy người ta cao lớn, sang cả, còn nhìn lại mình thì thấy mình nhỏ bé, thấp hèn. Đó là những người cần được sự giúp đỡ. Theo Bồ Tát Thường Bất Khinh thì mình phải tới với họ và nói rằng: Anh đừng có mặc cảm tự ti, tôi thấy nơi anh những hạt giống rất tốt có thể phát hiện và làm anh trở thành một vị đại nhân. Nếu anh nhìn lại và tiếp xúc được với những hạt giống tốt trong anh, thì anh sẽ vượt thắng mặc cảm tự ti.

Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ,
Bất ưng tự khinh như thối khuất,

là hai câu trong Luật Sa di, có nghĩa là kẻ kia đã là bậc trượng phu, tại sao ta lại không được như vậy? ta không nên tự khinh mình, tự coi mình là nhẹ để cứ đi thụt lùi. Đó là một câu nói để tự đánh thức mình dậy. Trong xã hội hiện đại, tâm lý trị liệu cho chúng ta biết rằng có một số người đau khổ, bịnh hoạn về tinh thần, là tại vì cái tự ti mặc cảm, cái mặc cảm tự cho mình không đáng giá bao nhiêu. Các nhà trị liệu có bổn phận làm cho người ta thấy rõ hơn về con người của họ, và gỡ bỏ cái mặc cảm rằng mình là người không có giá trị, là đồ bỏ đi. Đó là việc làm của một vị Bồ Tát. Thành ra khi thấy một người bạn tu hay bạn ngoài đời bị đau khổ vì cái mặc cảm không giỏi, không bằng ai, suốt đời lè tè thấp kém, và cái cảm tưởng đó đã làm cho bạn mình mất hết hạnh phúc, thì mình phải cố gắng giúp người bạn đó gỡ bỏ cái mặc cảm kia đi. Bồ Tát Thường Bất Khinh là người chỉ lo làm một việc đó. Trong đời sống hàng ngày, đôi khi vì bực tức, chúng ta có thể thốt ra những câu nói nó có tính cách thường khinh, nhất là đối với con cái của mình. Làm cha làm mẹ ta hay phạm vào lỗi đó. Một lỗi rất nặng, tại vì những tế bào não bộ của con cái còn non nớt, còn trong sáng mà mình gieo vào những tư tưởng ấy tức là mình làm hại con mình, mình giết đi cái khả năng có hạnh phúc của con mình. Vì vậy làm cha, làm mẹ, làm thầy, ta phải rất cẩn thận. Nếu học trò có mặc cảm, ta phải tìm cách tháo gỡ giùm họ, để họ có thể sống thanh thảnan lạc hơn.

Tôi vẫn thường thực tập hạnh đó, và tiện đây tôi chia xẻ với quí vị một kinh nghiệm: Một hôm có hai anh em nhỏ đến chơi, tôi đưa hai cháu vào xem cái máy mới mua. Đứa em loay hoay sử dụng làm cho máy bị cháy. Có lẽ vì tôi đang bấm một cái nút mà cháu lại cùng một lượt bấm thêm một cái nút khác. Đứa anh hơi giận, bảo: "Sư Ông cho xem máy thôi, tại sao em lại làm vậy! rờ tới cái gì là hư cái đó!" Có lẽ đứa anh đã bị ảnh hưởng của cha mẹ hay của bạn bè, đã từng nghe những câu trách cứ đó trong cuộc sống hàng ngày, nên đã chỉ lặp lại mà không biết cái tầm quan trọng của câu nói đó.

Để giúp đứa em, tôi bèn dẫn cả hai anh em sang xem một cái máy khác, và chỉ cho đứa em sử dụng cái máy mới. Đứa anh vội vàng cản: Sư Ông đừng cho nó đụng tới, nó sẽ làm cháy nữa bây giờ! Thấy rằng đây là lúc để có thể giúp cả hai anh em, tôi bảo: Không sao, Sư Ông tin nó lắm, nó giỏi chứ không dở đâu. Này, con làm đi, bấm nút này trước, thả ra rồi bấm nút này sau, con làm cho cẩn thận. Đứa em thành công và cả hai anh em đều vui mừng. Tôi cũng tùy hỉ theo. Làm như vậy tức là ta đã thực tập hạnh Thường Bất Khinh, xóa tan cái mặc cảm là mình không làm được, chỉ có anh mình mới làm được thôi. Ta chỉ tốn có ba bốn phút mà gỡ được cái mặc cảm của đứa em. Thật ra lúc đó mình cũng hơi ngán, sợ nó sẽ làm hư cái máy thứ hai. Nhưng nếu e ngại nó làm hư cái máy, mình sẽ làm hư con người của nó. Cái tâm của em bé quan trọng hơn cái máy rất nhiều. Chỉ cần có niềm tin vào hạnh Thường Bất Khinh và ba bốn phút là mình có thể giúp em bé gỡ được cái mặc cảm của em bé.

Bồ Tát Thường Bất Khinh chỉ cho mọi người thấy trong họ có khả năng của sự thành đạt hoàn toàn, có hạt giống của Bụt, có khả năng trở thành một bậc toàn giác.

Thông điệp của kinh Pháp Hoa là ai cũng có thể thành Bụt được cả, và Thường Bất Khinh là đại sứ của Bụt và của kinh Pháp Hoa. Làm đại sứ, đôi lúc mình cũng bị bắt làm con tin như ở trong thế giới hiện tạiBồ Tát Thường Bất Khinh cũng vậy. Ngài đem cái thông điệp đó đến cho mọi người, nhưng không phải khi nghe, ai cũng vui mừng, tại vì họ đã có mặc cảm, vì vậy khi nghe thông điệp này, họ tưởng Ngài khinh khi họ, nhạo báng họ, vì vậy mà có khi họ đã dùng gậy đánh đuổi Ngài, có khi họ đã dùng lời thô tục để mắng chửi Ngài. Vì vậy sứ mạng của một Pháp sư không dễ. Ki-tô giáo gọi những vị đó là Sứ đồ. Thường Bất Khinh không tụng kinh, không hành đạo theo thói thường, không cúng lạy, không đi hành hương, không ngồi thiền, Ngài chỉ làm một công việc là khi nào thấy ai thì Ngài đến, cúi xuống làm lễ và trang nghiêm nói rằng, tôi không dám khinh quí vị, quí vị sau này sẽ thành Bụt. Trang 456: Trải qua nhiều năm tháng, thường bị mắng nhiếc như vậy mà Bồ Tát Thường Bất Khinh chẳng sinh lòng giận hờn. Có người lấy gậy, lấy cây, lấy ngói, lấy đá để đánh, để ném nhưng Bồ Tát chạy tránh, đứng xa rồi vẫn to tiếng xướng lên cái sự thật đó, tôi không dám khinh ông đâu, ông sẽ thành Bụt. 

Khi Bồ Tát sắp lâm chung, Ngài nghe trong không trung có tiếng giảng Pháp Hoa của Bụt Oai-Âm-Vương. Bụt Oai-Âm-Vương đã tịch từ lâu nhưng lạ quá, sao bây giờ Bồ Tát lại được nghe rành rẽ hết tất cả các bài kệ kinh Pháp Hoa mà Bụt đã giảng. Điều này rất là đúng, tại vì khi tâm mình đã chín muồi rồi, thì tiếng gió thổi, tiếng chim hót đều diễn bày chân lý Pháp Hoa. Chính chúng ta, đôi khi nằm trên bãi cỏ, đi thiền hành trong vườn, cũng nghe được kinh Pháp Hoa, lúc đó ta biết rằng ta đang có Pháp Hoa tam muội. Khi nghe được kinh Pháp Hoa như vậy thì nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, và ý căn tự nhiên được chuyển hóa, và trở nên thanh tịnh. Bồ Tát Thường Bất Khinh sống thêm hai trăm muôn ức na-do-tha tuổi nữa. Như vậy thì kinh Pháp Hoa là một thứ thuốc trường sanh, uống vào thì sống được rất lâu để giảng truyền chân lý Pháp Hoa. Đúng như vậy, tại vì kinh Pháp Hoa nói ra một sự thật duy nhấttự tính của mình là không sanh và không diệt, vậy thì làm sao mình có thể chết được? Mình luôn luôn còn đó để chia xẻ cái chân lý Pháp Hoa cho tất cả mọi chúng sanh. Lúc bấy giờ những người đã dùng gậy, dùng đao để đánh đuổi Thường Bất Khinh, thấy được cái kết quả của sự hành trì Pháp Hoa nên bắt đầu tin phục.

Bồ Tát Thường Bất Khinh tượng trưng cho hạnh nhẫn nhụcChúng ta liên tưởng đến thầy Phú-Lâu-Na: Thầy cũng đã bị liệng cà chua, trứng thối trong lúc đi giảng, nhưng thầy đã nói rằng, bị liệng cà chua trứng thối, cũng còn may mắn chán. Bồ Tát Thường Bất Khinh có thể là hậu thân hay là tiền thân của thầy Phú-Lâu-Na, và thay vì giảng những kinh khác thì Bồ Tát chỉ giảng về chân lý Pháp Hoa. Chính chúng ta cũng vậy, nếu biết thực tập hạnh nhẫn nhục thì ta cũng là tiền thân hay hậu thân của các Ngài. Các Ngài bất sanh, bất diệt nên lúc nào ta tiếp xúc được với hạnh nguyện của các Ngài, thì các Ngài sống dậy liền trong ta ngay lúc đó.

lý do đó ta nói rằng phẩm thứ hai mươi này thuộc về Hạnh môn, trong đó Bồ Tát Thường Bất Khinh đã đem đến cho chúng sanh một thông điệp, thông điệp của sự trọng thị. Nhìn một vật gì, một người nào với một thái độ rất kính trọng thì gọi là trọng thị (high esteem). Ngược lại là khinh thị. Trọng là nặng, thưa ông thưa bà, ông bà có nhiều kí-lô lắm, thì đó gọi là trọng thị. Ngược lại khi nói ông chẳng có kí-lô nào hết, tức là coi nhẹ người đó, là khinh thị người đó. Con đường của Bồ Tát Thường Bất Khinh là con đường kiên nhẫn và trọng thị. Con người này không có những trang điểm bề ngoài, con người này chỉ mang ở trong lòng một đức tin và một cái thấy. Đó là cái thấy Pháp Hoa, cái thấy rằng mọi người đều là những vị Bụt, đó cũng là cốt tủy của kinh Pháp HoaĐem theo trong trái tim một niềm tin, một cái thấy và lên đường để làm công việc duy nhấttruyền đạt niềm tin và cái thấy đó. Chúng ta nghĩ rằng các nhà trị liệu tâm lý, các nhà hoằng đạo, các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ đều phải học cái tinh túy này của kinh Pháp HoaThực tập con đường của sự trọng thị, của sự kiên nhẫn không khó khăn gì mấy, nhưng qua những hành động như vậy, ta có thể độ đời, làm cho người kia mất đi mặc cảm tự ti của họ.

Chủ nhật tới này ta sẽ học về phẩm thứ 21, phẩm Như Lai thần lực, một phẩm thuộc về Bản môn. Tiếp đó, sang phẩm 22 là phẩm Chúc Lũy, chúng ta lại trở về Tích môn. Đến phẩm 23 nói về Bồ Tát Dược Vương, ta lại đi sang Hạnh môn. Nhận diện được tính chất của một phẩm và sắp phẩm ấy đúng vào môn của nó thì chúng ta đã bắt đầu hiểu được kinh Pháp HoaTại vì Dược Vương cũng là một mẫu người hành động. Bụt là người giác ngộ, và sự giác ngộ được biểu hiện bằng hành động. Hành động đó được biểu hiện bằng nhiều khía cạnh. Bồ Tát Quan Âm là một khía cạnh, Bồ Tát Phổ Hiền là một khía cạnh khác.





Phẩm Thứ Hai Mươi Mốt: Thần lực của như lai


Hôm nay chúng ta đi sang phẩm 21 tức là Phẩm Thần Lực của Như Lai. Phẩm này thuộc về Bản môn.

Thần lực của Như Lai là cái khả năng thực hiện của Bụt. Cố nhiên thần lực của Như Lai dựa trên căn bản thọ lượng của Như Lai. Trong một phẩm trước ta đã thấy Như Lai không thể nào được đặt trong khung không gianthời gian, Như Lai vượt ra khỏi không gianthời gianNhư Lai không phải là một, mà Như Lai cũng không phải là chỉ ở đây và lúc này. Như Lai ở khắp chốn, khắp thời và có hằng hà sa số phân thânVì vậy nếu căn cứ trên nền tảng của cái thọ lượng đó, thì thần lực của Như Lai cũng rất rộng lớn, cũng bất khả tư nghị.

Điều cần nhớ khi đọc phẩm thứ 21 này là chúng ta hãy thực tập cùng chia xẻ thọ lượngthần lực của Như Lai. Hôm trước chúng ta có nói đến một chiếc lá mùa Thu. Nhìn vào tờ lá mùa Thu một cách sâu sắc, ta thấy nó không sanh cũng không diệt, tất cả mọi hiện tượng đều có mặt trong tờ lá, và tờ lá cũng có mặt ở trong tất cả. Thấy được thọ lượng của tờ lá, là ta có thể thấy được thần lực của tờ lá, tức là khả năng của một chiếc lá. Chúng ta cũng vậy, nếu nhìn sâu vào trong con người của chúng ta, chúng ta sẽ khám phá ra được tự tánh bất sanh bất diệt của chúng taChúng ta cũng không thể nào đặt chúng ta vào trong khung khổ thời giankhông gian được. Chúng ta cũng không phải là một, chúng ta không phải chỉ được giới hạn ở trong khuôn khổ ở đây và bây giờ. Vì vậychúng ta có thể chia xẻ với Bụt cái thọ lượng của Bụt, chia xẻ với Bụt cái thần lực của Bụt. Ở trong Bản môn, vượt khung thời giankhông gian, chúng ta sẽ tiếp xúc được với cái thọ lượng vô lượng của Bụt, với cái thần lực vô lượng của Bụt. Khi tiếp xúc được với thọ lượngthần lực của Bụt, thì ta tiếp xúc được với cái thọ lượngthần lực của chính chúng taChúng ta thường có mặc cảm rằng mình nhỏ bé như một hạt cát. Đối với thời gian vô lượngkhông gian vô biên thì chúng ta chỉ là một hạt cát, không có nghĩa gì cả. Nhưng đó là đứng về phương diện Tích môn mà nói. Đứng về phương diện Bản môn thì chúng ta cũng như Bụt, chúng ta cũng siêu thoát thời giankhông gian như Bụt. 

Trong đoạn thứ hai, trang 463, chúng ta thấy Bụt thực hiện một phép thần thông lớn, Ngài lè lưỡi ra, và lưỡi của Ngài bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới, rồi từ các lỗ chân lông trong người của Ngài phóng ra vô lượng vô số tia sáng đủ màu sắc, và những tia sáng đó cho ta thấy được tất cả các cõi nước trong mười phương. Trong các cõi nước đó, chúng ta thấy các vị Bụt đang ngồi trên các tòa sư tử, dưới những gốc cây bồ đề, rất trang nghiêmđẹp đẽ. Mỗi đức Bụt cũng lè lưỡi ra và từ các lỗ chân lông cũng phóng ra những tia sáng tương tựHình tượng này là hình tượng mà ta đã thấy ở trong kinh Hoa Nghiêm, nó là hình tượng của trùng trùng duyên khởi.

Không có gì diễn tả đúng được tầm mức cái khả năng, cái thần lực của Như Lai, bằng hình ảnh trùng trùng duyên khởiChúng ta nên biết rằng trong đạo Bụt, ánh sáng hay những tia hào quangtuệ giác, là sự giác ngộ. Mỗi khi chúng ta có ánh sáng đó mà đem nó soi chiếu chung quanh ta và trong ta, thì chúng ta thấy được nhiều cái mà những người thất niệm không thể thấy được. Có ánh sáng của chánh niệm, của giác ngộ mà soi vào một chiếc lá, một cọng cỏ hay một đám mây thì chúng ta thấy tất cả những cái mầu nhiệm nằm trong đó, và cái thế giới của Hoa Nghiêm được bày mở ra cho chúng ta một cách rất mầu nhiệmThế giới của Hoa Nghiêmthế giới của ánh sáng. Nên nhớ trong kinh điển Đại Thừa cũng như Nguyên Thủy, ánh sáng tượng trưng cho sự giác ngộ. Nếu ai đó được ánh sáng chánh niệm phóng nhằm thì người đó sẽ sáng ra và sẽ được giác ngộ. Có ánh sáng đó thì chiếu tới đâu thì ta thấy rõ ràng tới đó. Bụt là ánh sáng. Chúng ta có câu hát Chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gầnChúng ta cũng có nguồn ánh sáng đó trong tự tâm, hễ dùng ánh sáng đó mà soi thì sẽ thấy. Cũng như dùng một cây đèn pin vậy, nhưng ở đây là một thứ đèn pin rất mạnh. Đó là hình ảnh của ánh sáng phát ra từ tất cả các lỗ chân lông của Bụt.

Chúng ta cũng có chánh niệmchúng ta cũng có thể phát ra ánh sáng đó được, nghĩa là nhờ có chánh niệm mà mình có thể làm được phép lạ. Ví dụ, có một sư cô đang sống trong chánh niệm, đang an trú trong tam muội, sư cô đang đi ra đi vào, đứng lên ngồi xuống, xắt cà rốt, rửa nồi niêu trong tam muội ấy. Trong thời gian này, sư cô tỏa chiếu hào quang chánh niệm. Những người khác nhìn thấy, tiếp xúc được với chánh niệm đó thì được ảnh hưởng, và họ cũng phát ra chánh niệm trong tâm họ và tự nhiên họ cũng sẽ đi đứng nằm ngồi trong chánh niệm như sư cô. Ánh sáng chánh niệm của sư cô phóng ra, chạm vào mình và nhờ đó mình cũng có chánh niệm theo. Ở đây cũng vậy, một vị Bụt là gì? một vị Bụt là ánh sáng chánh niệm, và ánh sáng đó chiếu tới đâu thì nó làm hiện rõ ra sự thật mầu nhiệm tới đó, và những sự vật được ánh sáng chiếu tới cũng phản chiếu ánh sáng lại vào những sự vật khác.

Ngày xưa thầy Pháp Tạng đời Đường đã giảng kinh Hoa Nghiêm cho hoàng hậu Vũ Tắc Thiên. Thầy cho làm một cái tháp có tám mặt, mỗi mặt là một tấm kính rất lớn, rồi thầy mời hoàng hậu cầm một cây đèn nến thắp sáng và đi vào tháp cùng thầy. Vào trong tháp, hoàng hậu thấy hình của cây đèn phản chiếu trong tấm kính trước mặt. Quay lại thì cũng thấy cây đèn đó phản chiếu từ tấm kính ở sau lưng. Rồi không những chỉ có hình cây đèn trong mỗi tấm kính, mà có vô số hình cây đèn khác, tại vì hình của cây đèn trong tấm kính này được phản chiếu sang tấm kính kia, và tấm kính kia nó chiếu lại tấm kính này, cứ vậy mà phản chiếu vô lượng vô biênVì vậy mà trong một tấm kính không phải chỉ thấy một cây đèn nến, mà thấy vô lượng vô số cây đèn nến. Đây là hình ảnh mà ta thấy trong phẩm thứ 21 này.

Như vậy khi một người có chánh niệm thì từ những lỗ chân lông của người đó phát ra ánh sáng. Những luồng ánh sáng đó chạm phải những người chung quanh dù không có chánh niệm những người này cũng phát khởi chánh niệm, và đến lượt những người đó lại phát ra ánh sáng. Cứ như vậy, và mọi người trong chúng ta được hưởng cái lợi lạc của ánh sáng chánh niệm. Trong chúng mà có một người có chánh niệm là có lợi cho tất cả đại chúng. Người đó là người phát ra ánh sáng, và nếu ánh sáng đó chạm vào người thứ hai thì người này cũng sáng lên, và cứ tiếp tục đến người thứ ba, thứ tư v.v... Ánh sáng này cũng sẽ phản chiếu lại cho người thứ nhất, cho nên người này cũng sẽ được lợi lạc thêm. Đó là hình ảnh trùng trùng duyên khởi trong kinh Hoa Nghiêmkinh Pháp Hoa đã sử dụng trở lại.

Ở đây chúng ta còn một hình ảnh rất đẹp nữa là hình ảnh Quảng Trường Thiệt Tướng, tức là cái lưỡi lớn và dài, một trong 32 tướng tốt của đức Bụt. Đây là một hình ảnh của văn hóa Ấn độ, không phải chỉ có trong đạo Bụt, mà còn có trong những truyền thống có trước đạo Bụt. Những người nói sự thật, thường có lưỡi rất lớn. Lưỡi của Bụt chỉ nói sự thật, chỉ nói đệ nhất nghĩa đế thôi, cho nên Bụt có lưỡi lớn đến độ có thể che được cả tam thiên đại thiên thế giới. Những điều nói ở đây là những điều rất vi diệu. Người chỉ ru rú trong cuộc đời sống say, chết mộng, thì không thể nào thấy được những mầu nhiệm đó. Những cái mà Bụt thấy, mà những vị giác ngộ thấy, chúng mầu nhiệm quá, nói ra, người khác không tin được, cho nên Bụt đã phải lặp lại câu: Tôi đang nói cho quí vị nghe sự thật, và chỉ có sự thật thôi. Cái ý đó được diễn tả bằng một hình ảnh rất tuyệt vời, đó là cái lưỡi của Bụt. Cái lưỡi này lớn vô cùng, bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới. Những người có tướng lỗ tai đặc biệt là những người có thể nghe được các âm thanh mà những người khác không nghe được. Cũng tương tự như vậy, người có cái lưỡi đặc biệt thì có thể nói lên được những sự thật mà người khác không thể nói lên.

Tôi muốn để dành cho đại chúng có cái pháp lạc được tự tiếp tục đọc phẩm 21 để khám phá thêm về Thần lực của Như Lai. Bây giờ chúng ta đi sang phẩm thứ 22.



Phẩm Thứ Hai Mươi Hai: Chúc lũy 


Phẩm thứ 22 gọi là phẩm Chúc Lũy, trang 470. Chúc lũy có nghĩa là dặn dò, di chúc và phó thác lại cái trách vụ cho một người nào đó. Trong phẩm này Bụt đưa Ộbàn tay đâu-la-miênỢ (10) của Người mà xoa đỉnh đầu của tất cả các vị Bồ Tát có mặt trong pháp hội, và nói rằng: Các vị Bồ Tát, tôi xin giao phó cho quí vị cái trách vụ truyền đạt chân lý của Pháp hoa cho nhân gian và cho tất cả các cõi. Đó là ý nghĩa của hai chữ chúc lũy. Trong phẩm này chúng ta cũng thấy rằng Bụt cám ơn Bụt, cám ơn tất cả những hóa thân của mình đã về từ vô lượng vô biên cõi, để cùng nhau mở tháp Đa BảoThích Ca Mâu Ni cám ơn Thích Ca Mâu Ni, tại vìcõi ta bà chỉ là một hóa thân của Ngài mà thôi, và những vị Bụt ở các cõi khác cũng là những hóa thân của Bụt. Khi các hóa thân gặp nhau thì rất vui, các vị có thể cùng nhau uống trà, ăn bánh và đàm đạo.

Chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ có Bụt mới có hóa thân. Nhìn cho sâu sắc một chút, ta cũng thấy hóa thân của chúng ta ở cùng khắp trên thế gian. Đây là một ví dụ. Trong thập niên 60, tôi có viết cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức. Đây là một cuốn sách rất mỏng, có tính cách thực dụng, dễ hiểu, để giúp người ta tu tập theo phương pháp chánh niệm. Viết sách đó, tôi đã sử dụng Kinh Niệm Xứ, và đối tượng chính của cuốn sách là các tác viên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Sách giúp họ thực tập để trong lúc làm việc cứu đời, cứu người họ vẫn giữ được chánh niệm, giữ được nụ cười, được hơi thở, được sự tươi mát và để có thể nuôi dưỡng được lòng từ bi mà tiếp tục công việc. Nếu làm việc kham khổ quá, mình cũng có thể mất chánh niệm và nếu giận hờn, ganh ghét và buồn tủi thì mình sẽ không đi đến đâu cả. Vì vậy mà cuốn sách đó đã được viết dưới hình thái của một bức thư.

Không ngờ cuốn sách này đã có một hiệu dụng rất lớn. Nó được dịch ra nhiều tiếng ngoại quốc, và hiện giờ sách được dịch ra khoảng 25 thứ tiếng khác nhau, trong đó có cả tiếng Nga, và tiếng Iran. Riêng ở Ba tây (Brazil) cuốn sách này đã được in đến lần thứ tám, và tất cả tiền lời của cuốn đó được dành ra để nuôi trẻ em đói ở Brazil. Cái nội dung của sách thì để nuôi người đọc, còn tiền thu được từ việc bán sách thì để nuôi trẻ em đói. Người dịch sách là một cô tài tử màn ảnh rất nỗi tiếng tên là Odette Lara, tương đương với Brigitte Bardot ở bên Pháp. Sau khóa tu 10 ngày với tôi ở tại thiền viện San Francisco, lúc về lại Brazil, cô viết cho tôi một bức thư, có nội dung: Thầy, con nghĩ đời con không còn gì vui nữa hết, nhưng sáng nay thức dậy, con thấy có một niềm vui mới. Điều này làm con rất ngạc nhiên. Con mà còn có niềm vui mới? Niềm vui đó là việc con muốn dịch cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức của Thầy ra tiếng Bồ đào nha (Portuguese) để cho giới trẻ nước chúng con đọc. 
Thành quảcho đến nay cuốn đó đã nuôi được rất nhiều người đọc cũng như đã nuôi nhiều con nít đói.

Một vị bác sĩ người Quaker ở New York nói rằng: Thưa thầy, tôi là bác sĩ giải phẩu, từ ngày đọc cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức, tôi luôn luôn giải phẩu trong chánh niệm, trong hơi thở ý thức. Tôi nghĩ thầm, nếu vậy thì ông Bác sĩ này sẽ không bỏ quên dao kéo ở trong bụng của bệnh nhân như trong trường hợp vài ông bác sĩ khác nữa!

Mình không thể lường được cái hiệu năng của công việc mình làm. Có khi nghe một cuốn băng mà một người chủ gia đình, từ tư cách là một người rất khó chịu, nóng nảy như một hung thần, đã biết hối cải và có thể đem lại hạnh phúc cho cả gia đình, và con cái nhờ đó mà được tiếp xúc với giáo pháp của Bụt. Những chuyện đó nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. Thành ra mỗi người trong chúng ta đều có thể có hóa thân khắp nơi. Những thành quả của các hóa thân mình làm, chính mình cũng không lường được. Nếu mình có thần thông như Bụt Thích Ca Mâu Ni, mà triệu tập tất cả hóa thân của mình về để uống trà, thì mình sẽ thấy được rất nhiều niềm vui mà đôi khi ở đây mình không thực hiện được. Chúng ta nên nhớ rằng ở Làng Mai, cái địa bàn tu học của ta không phải là chỉ ở Làng Mai, tất cả những điều chúng ta làm ở đây, đều có ảnh hưởng sâu sắc đến quê hương và đến những tăng thân trên nhiều nước khác. Những lầm lỡ của chúng ta cũng làm họ đau khổ, những thành công của chúng ta, họ cũng được thừa hưởngThành thử tất cả chúng ta đều có hóa thân ở khắp nơi trên thế giới. Đó là cái ý nghĩa của hóa thân. Bất cứ một cử động, một tư tưởng hay một lời nói nào của chúng ta, đều có ảnh hưởng tới những vì sao rất xa trong hoàn vũVì vậy với phẩm thứ 22, chúng ta vẫn còn ở trong thế giới của Bản môn, chúng ta vẫn còn được gặp pháp thân Tì-Lô Giá-Na của Bụt, chúng ta vẫn còn được gặp vô số vô lượng các hóa thân của Bụt. Bụt đưa cánh tay lên xoa đầu một vị Bồ Tát, thì tất cả các vị Bồ Tát khác trong chúng hội đều thấy mình được Bụt xoa đầu. Bụt nói: Pháp này là pháp vô thượng, ta nay phó chúc cho quí vị thọ trì, đọc tụng, rồi tuyên nói rộng rãi cho tất cả chúng sanh được nghe. 

Bụt đưa hàng triệu cánh tay ra để xoa đầu hàng triệu các vị Bồ Tát mà không có cánh nào chạm phải cánh nào cả. Nếu có năm sư chú ở chung với nhau thì các sư chú làm sao để đừng có sự đụng chạm gây khổ đau cho nhau. Năm sư chú thì chỉ có 10 cánh tay thôi, trong khi ấy Bụt có hằng hà sa số cánh tay mà không bao giờ có sự đụng chạm đáng tiếc cả.

Khi cám ơn các hóa thân của mình, Bụt nói: Cám ơn quí vị đã tới đây để hợp lực cùng tôi mở tháp Đa Bảo để cho đại chúng trông thấy Bụt Đa Bảo. Thật ra thì chúng ta đâu cần mở tháp Đa Bảo mới thấy được Bụt Đa Bảo, nhưng tại đại chúng muốn vậy nên tôi mới phải triệu tập tất cả quí vị về. Nay tháp Đa Bảo đã được mở, đại chúng đã được thấy Bụt Đa Bảo, xin chư vị hãy trở về trú xứ của mình để tiếp tục công việc của quí vị.

Chúng ta thấy các hình ảnh dùng trong kinh Pháp Hoa rất tuyệt diệu. Người sử dụng những hình ảnh này để nói lên những ý tưởng thâm diệu trong đạo Bụt, phải là một thi sĩ rất lớn. Nếu không dùng hình ảnh, thì với ngôn ngữý niệm trừu tượng, mình làm sao diễn tả được những điều này! Khi học kinh Duy Ma, chúng ta cũng thấy có rất nhiều hình ảnh, nhưng tư tưởng trừu tượng cũng còn rất nhiều. Ở đây mọi tư tưởng đều được diễn tả bằng hình ảnh. Cho nên đứng về phương diện nghệ thuật diễn bày, kinh Diệu Pháp Liên Hoa là một kinh thành công rất lớn.

Phẩm Thứ Hai Mươi Ba: Dược Vương Bồ Tát bản sự

Với Phẩm Thường Bất Khinh, phẩm 20, chúng ta đã đi vào bình diện thứ ba là bình diện của diệu dụng, của hạnh nguyệnchúng ta gọi là Hạnh môn, môn thứ ba sau Tích môn và Bản môn. Sang Phẩm thứ 23, trang 473, chúng ta lại trở về Hạnh môn, tức là bình diện của sự thực hiện, của hành động. Kỳ trước trong Phẩm nói về Bồ Tát Thường Bất Khinh, ta biết rằng Thường Bất Khinh là một vị đại sứ đem theo chỉ một thông điệp, đó là: Ông, bà, anh, chị, cháu đều là những người có thể thành Bụt được. Vị đại sứ đó không cần ủy nhiệm thư. Ủy nhiệm thư của Ngài là một niềm tin thật vững chãi, tin vào sự thật rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Không cần ủy nhiệm thư, không vin vào uy lực của một vị Bụt nào hết mà ruốt cục Thường Bất Khinh đã thành công, và về sau Ngài đã thành Bụt Thích Ca.

Bây giờ, trong Phẩm thứ 23 này, mình thấy một nhân vật khác, thực hiện Pháp Hoa trên một bình diện khác, bình diện của tín nguyện (devotion), con đường của đức tin, của ân nghĩa, đó là Bồ Tát Dược Vương (BhaĩỐajyarẠja Bodhisattva). Con người không có niềm tin thì không sống được, con người không có tình cảm, không có ân nghĩa cũng không phải là một con người. Không phải tu theo Phật Pháp là chỉ đi tìm kiến thức, tu Phật phải là người biết thương yêu, phải có tình nghĩa, và Dược Vương tượng trưng cho lãnh vực đó. Thường Bất Khinh có một phận sự, Dược Vương có một phận sự khác.

Lúc bấy giờ Bồ Tát Tú Vương Hoa bạch với Bụt rằng: Lạy đức Thế Tôn, Bồ Tát Dược Vương dạo chơi trong cõi ta bà này như thế nào? Chữ dạo chơi rất hay, Du ư ta bà thế giới. Nói theo người Mỹ thì: Ông có business gì mà về cõi ta bà này? Nhưng ở đây không đề cập đến business, mà chỉ nói đến chuyện dạo chơi. Chúng ta phải học cho được điều này từ kinh Pháp HoaChúng ta đang dạo chơi trong cõi ta bà này, thấy được như thế để chúng ta thảnh thơi hơn lên một chút. Dạo chơi nên không có gì cần phải tính toán, cần phải hấp tấp. Ta không làm business trong cõi ta bà này, mà chỉ nên thảnh thơi dạo chơi thôi. Khi đi sang kinh Phổ môn chúng ta cũng thấy chữ dạo chơi: Quán Thế Âm Bồ Tát vân hà, du thử ta bà thế giớiVậy thì các vị Bồ Tát chỉ toàn là những người biết thảnh thơirong chơi không thôi! Tuy thế mình chỉ có thể làm người dạo chơi khi mình đã có sự giải thoát, có sự thảnh thơi, nếu không, mình làm sao dạo chơi được? Người có giải thoát thì làm việc gì cũng như chơi, không bị trói buộc, không bị thúc dục. Làm giới đàn, làm chùa hay làm gì đi nữa, thì họ cũng thấy như "làm chơi" vậy thôi, làm mà không mong cầu bất cứ một mức thành đạt nào, làm một cách vô tác. Những người như vậy, khi xây chùa, tuy cũng đo đạc, cũng tính tiền công thợ, cũng chọn màu ngói, nhưng họ làm với tinh thần giải thoát. Không có sự giải thoát đó thì ngay cả chư Bụt và chư vị Bồ Tát cũng không thể du thử ta bà thế giới, mà sẽ bị kẹt ở thế giới ta bà.

Dược Vương là một vị Bồ Tát đã được tu học với một vị Bụt là Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức, và tình thầy trò đã rất sâu đậm. Trong thời gian tu học với Bụt Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức, Bồ Tát Dược Vương có tên là Nhất thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến, có nghĩa là người mà ai nhìn vào cũng thấy vui. Không phải vì người này làm trò hay nói chuyện khôi hài, nhưng vì cái tươi mát của người ấy. Thử nhìn lại ta và chung quanh ta để xem có ai đáng được danh xưng Nhất thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến hay không? hẳn là có, và có đến một mức độ nào đó. Mình nên tu tập thêm để cho người khác có niềm vui khi nhìn thấy mình. Mình không cần nói cười gì cả mà người khác đã vui khi gặp mình. Lúc đó mình là niềm vui của không phải một người mà là của cả đại chúng. Theo tiếng Việt, ta có thể gọi Pháp danh của Ngài là Bồ Tát Ai Thấy Cũng Vui.

Trang 475: Ngoài những việc tu tập khổ hạnh, Bồ Tát còn tu tập kinh hành, thiền hành rất tinh chuyên. Tu khổ hạnh ở đây chỉ có nghĩa là sống đơn giản, không đòi ăn ngon mặc đẹp, mà tập hạnh tri túc. Sau một thời gian tu tập, Ngài thành tựu được một tam muội gọi là Hiện nhất thiết sắc thân, có nghĩa là muốn thành sắc thân nào, mình sẽ có thể hiện ra được sắc thân đó. Mình muốn làn con nít thì mình biến thành con nít, chơi những trò chơi con trẻ, muốn làm người lớn thì thành người lớn, muốn làm Hòa Thượng, mình cũng có thể trở thành đạo mạo, nghiêm trang, uống trà được với các vị Hòa Thượng. Ta cũng thấy những người có nhiều khả năng, nói tiếng Việt được cả ba giọng Bắc, Trung, Nam. Gặp người Trung họ nói tiếng Huế, gặp người Nam họ nói giọng Saigon, gặp cô gái bắc, họ dùng đúng giọng Hà nội. Đó cũng là một hình thái của Hiện nhất thiết sắc thân. Cái tính chất này tương đồng với tính chất của Bồ Tát Quán Thế ÂmBồ Tát Quán Thế Âm cũng có thể hiện ra bất cứ một sắc thân nào mà Bồ Tát muốn. Bồ Tát Ai Thấy Cũng Vui cũng có cái khả năng như vậy. Luôn luôn ứng hiện để thích hợp với hoàn cảnh, ứng hiện để tạo niềm vui cho người đối diện, vì vậy mà ai thấy cũng vui cả. Hiện nhất thiết sắc thân là vị Bồ Tát đã có rất nhiều hóa thân.

Nghĩ cũng buồn cười, đứng về phương diện kinh nghiệm cá nhân của tôi mà nói, thì nhiều khi mình đã làm như vậy mà mình không hay. Khi viết văn, mình viết đủ mọi thể, viết truyện ngắn cũng được, truyện dài cũng được, làm thơ cũng được, phóng sự cũng được. Mình viết đủ loại, thì đó cũng là ứng hiện sắc thân trong lãnh vực của một nhà văn. Viết chuyện trẻ con thì phải dùng ngôn từ con nít, cũng cùng câu chuyện đó mà muốn nói cho người lớn nghe, thì ngôn từ phải thay đổi, tức là mình phải quán cơ để mà thực hiện.

Lúc đã thành tựu được Hiện nhất thiết sắc thân, Bồ Tát thấy biết ơn thầy của mình nhiều quá, vì nếu không được thầy dạy dỗ thì làm sao mình chứng đạt được tam muội này. Lúc đó Bồ Tát cũng chứng được rằng thân này chẳng qua là một hóa thân của ta thôi, ta có vô số sắc thân. Thân này tới rồi nó đi, sự tan rã của thân này không động chạm gì đến cái chân thân của ta cả. Vì vậy cho nên để chứng tỏ rằng mình đã đạt tới cái thế giới của Bản môn, để thấy rằng mình có vô số sắc thân, Bồ Tát mới làm một hành động rất mãnh liệt, là tự thiêu thân này để cúng dường chư Bụt. Lúc đó Bồ Tát tưới lên mình không biết bao nhiêu là hương thơm, uống vào rất nhiều chất thơm như chiên đàn, trâm thủy, giao hương v.v... rồi dùng lửa đốt thân mình để cúng dường Bụt. Cố nhiên là không ai ưa người khác cúng dường mình bằng cách tự thiêu, không ai ưa cái pháp cúng dường này cả, và chắc chắn là Bụt cũng không thích cách cúng dường này. Tuy nhiên đây là một pháp cúng dường rất là đặc biệt, nó chứng minh rằng con đã đạt tới sự không sợ hãi, không vướng mắc, tại vì thân này không phải là sắc thân duy nhất của con. Ở đây cúng dường không phải là cúng dường cái xác chết này cho Bụt, mà là chứng minh được cái thành quả của sự tu tập, cúng dường cho Bụt điều mình đã chứng đạt được. Cũng như khi tôi in được một cuốn sách, tôi đưa sách lên để cúng dường Bụt trước rồi mới cho phát hành. Thật ra thì Bụt đâu có cần đọc cuốn sách đó, nhưng mình cúng dườngcúng dường cái lòng tín thành của mình, cái công trình in kinh của mình mà thôi.

Trong kinh nói rằng khi Bồ Tát tự đốt sắc thân đó thì ánh sáng của ngọn lửa tự thiêu chiếu sáng khắp tám mươi ức hằng hà sa thế giới. Ánh sáng này chính là sự giác ngộ, và cúng dường này là cúng dường Pháp, đem sự giác ngộ của mình chiếu rọi chung quanh để cho mọi người cùng thấy mhư mình. Lúc đó các đức Bụt ở hằng hà sa số thế giới, liền mở lời khen ngợi rằng: Hay quá, hay quá, đó mới là Pháp cúng dường chân thực, nghĩa là cái thấy của Bồ Tát rất sâu sắc, cái thấy vượt thoát được hình hàisắc thân. Nếu đem cúng dường những thứ như quốc thành, thê tử, ngọc ngà, châu báu, cũng không thể nào so được với sự cúng dường này. Cái thân thể đó của Bồ Tát cháy trong một nghìn hai trăm năm, tức là ánh sáng đó soi sáng được cho người ta hơn một nghìn năm, để người ta thấy được rằng mình không cần phải bị kẹt trong cái nhục thân này. Sau khi lửa tắt thì Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến tái sanh ngay trong nước đó, và làm thái tử.

Khi thái tử khôn lớn, thì Bụt Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức cũng vẫn chưa nhập diệt, thái tử bèn mời cha mẹ cùng đi để mình được đến gặp Bụt Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức lần thứ hai. Đây là nhân duyên thầy trò, nên Bồ Tát đã tái sinh vào nước đó để được gặp thầy cũ.

Trang 478 ghi rằng: Khi đến gặp Bụt, thái tử hậu thân của Bồ Tát Ai Thấy Cũng Vui, liền chắp tay lại đọc một bài kệ để cúng dường Bụt:

Dung nhan Người rất đẹp,
Ánh sáng soi mười phương,
Con đã từng cúng dường,
Nay lại về thân cận.
Nghĩa là con vừa đốt thân con để cúng dường, bây giờ con lại trở về để được gần gũi thầy của con trở lại.

Ngày xưa khi còn làm chú tiểu, tôi chưa được học kinh Pháp Hoa. Sau đó, được học thì tôi mới biết rằng bốn câu này nằm trong một bài Kệ Cúng Hương mà tôi đã được nghe từ hồi tóc còn để chỏm. Nguyên văn chữ Hán của bài kệ là:

Dung nhan thậm kỳ diệu,
Quang minh chiếu thập phương,
Ngã tích tằng cúng dường,
Kim phục hoàn thân cận.

Nghĩa là dung nhan của Bụt rất là kỳ diệu, và ánh sáng của Bụt chiếu khắp mười phươngNgày xưa con đã từng cúng dường Bụt và con đã cúng dường bằng ánh sáng, giờ đây con trở về để được gần thầy lại một lần nữa. Đây là con đường của sự tín nguyện, của ân tình của mình đối với ân sư. Nguyên văn chữ Hán của bài kệ cúng hương đó là:

Nguyện thử diệu hương vân,
Biến mãn thập phương giới,
Cúng dường Nhất Thiết Phật,
Tôn Pháp chư Bồ Tát,
Vô biên Thanh văn chúng,
Cập nhất thế thiên tiên,
Dĩ khởi quang minh đài,
Quá ư vô biên giới,
Vô biên thập độ trung,
Thọ dụng tác Phật sự,
Phổ huân chư chúng sanh,
Giai phát Bồ đề tâm,
Dung nhan thậm kỳ diệu,
Quang minh chiếu thập phương,
Ngã tích tằng cúng dường,
Kim phục hoàn thân cận.
Thánh chúa thiên trung vương,
Ca Lăng Tần Già thanh,
Ai mẫn chư chúng sanh,
Cố ngã kim kính lễ,
Nam mô hương cúng dường Bồ Tát Ma ha tát.

Đọc bài kệ xưng tán Bụt xong, thái tử, lúc đó vẫn mang tên là Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến mới thưa: Bạch thầy, thầy vẫn còn tại thế sao? thầy chưa nhập diệt sao? con may quá, lại được diện kiến thầy. Bụt bèn nói rằng: Này con, đêm nay thầy tịch, con đến thật là hợp thời, con phải tiếp nhận cái sứ mạng ở lại để truyền trì Diệu Pháp Liên Hoa. Ngay buổi chiều hôm đó thì Bụt Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức giao công việc và phó chúc cho Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến trách nhiệm làm cho cái chân lý Pháp Hoa được hoằng dương khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới.

Sau khi Bụt nhập diệt rồi thì Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến nghĩ rằng, ta vẫn có thể cúng dường thêm được nữa. Bồ Tát đưa cánh tay bằng vàng của mình ra và bắt đầu lấy lửa đốt cánh tay đó để cúng dường Bụt. Cúng dường này là cúng dường cái khả năng nhẫn nhục và cúng dường cái sắc thân siêu việt của Bồ Tát, tại vì cái tam muội mà Ngài đã chứng đắcHiện nhất thiết sắc thân tam muội. Cánh tay đó cháy trong vòng bảy muôn hai ngàn năm, và ánh sáng tỏa chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới.

Tôi nhớ hồi đó tôi đã thực hiện một Văn tập để tưởng niệm Nhất Chi Mai, người đã tự thiêu cho hòa bình. Tôi mời nhiều nhân vật trong Phật giáo viết bài cho văn tập, trong đó có cả ông Đạo Dừa, tại vì ông có những hành tung mà hồi đó người ta cho là không tỉnh táo. Tuy vậy nhìn cho kỹ thì ta thấy những hành động của ông đều có nghĩa lý hết. Ví dụ ông đi lượm tất cả những vỏ đạn về, đúc thành một cái chuông và trong lễ khánh thành, ông mời rất đông người tham dự, trong đó có cả chính quyền, hội đoàn, tôn giáo, và ngoại giao đoàn tại Việt-nam. Lúc làm lễ ông nói: Những mảnh bom đạn ơi, qua đã lượm các con về đây để cho các con tu. Khi qua thỉnh lên một tiếng chuông, thì các con trở thành Bồ Tát hết, các con thức người ta tỉnh dậy để thiên hạ đừng bắn giết lẫn nhau nữa. Một lần khác, ông nuôi hai con chuột và một con mèo. Không biết ông luyện như thế nào mà khi bỏ chúng vào chung trong một cái lồng, con mèo không ăn thịt hai con chuột. Ông mang cái lồng đó tới Dinh Độc lập, tức là dinh Tổng thống hồi đó, ngồi chờ để xin vào diện kiến tổng thống Nguyễn văn Thiệu. Hỏi xin gặp để làm gì, ông bảo để chứng tỏ cho tổng thống biết rằng, mèo và chuột mà còn sống chung được, huống hồ là người Việt với nhau. Họ bắt ông vào tù, ông dùng cơm tù để nuôi mèo và chuột. Một tuần sau ông nói với các tù nhân khác: Các vị thấy chưa, con mèo dù ăn thiếu mà nó có ăn thịt hai con chuột đâu, tại sao mình là người mà lại tranh giành, bắn giết nhau vì miếng ăn, vì quyền lợi dữ vậy? Đó là cái hạnh của ông Đạo Dừa. 

Khi viết bài để ca ngợi Nhất Chi Mai, ông viết: Cháu Mai ơi, qua cũng đang tự thiêu, nhưng qua tự thiêu từ từ chứ không tự thiêu mau như cháu. Cũng như Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến, thiêu một cánh tay mà phải thiêu đến mấy muôn ngàn năm để cúng dường, tại vì thời gian tự thiêu càng lâu chừng nào, thì cái ánh sáng tự thiêu càng chiếu rọi vào trong cuộc đời càng sâu chừng đó.

Phật giáo Đại Thừa chịu ảnh hưởng rất lớn của kinh Pháp Hoa cho nên trong các giới đàn, để chứng tỏ mình có một sức chịu đựng lớn, và mình quyết chí tu học, các giới tử quỳ xuống và đốt 9 huyệt bằng ngãi cứu ở trên đỉnh đầu để cúng dường chư Bụt cái chí nguyện của mình. Như vậy sự cúng dường này ở trong các giới đàn là có nguồn gốc từ kinh Pháp Hoa.

Trang 482: Này Tú Vương Hoa, trong các dòng nước như sông, ngòi, kinh, rạch thì biển là lớn nhất, trong các kinh thì kinh Pháp Hoa này là lớn nhất. Cái ý niệm kinh Pháp Hoa là Vua của các kinh đã bắt nguồn từ đoạn này. Kinh này là Vua của các kinh đó không phải là tại vì Kinh nói lý thuyết giỏi, tại vì Kinh có những tư tưởng thâm áo, mà tại những tư tưởng thâm áo đó được diễn tả bằng những hình ảnh rất tuyệt vời, và kinh Pháp Hoa rất có tính cách thực dụng, có thể thực hành được trong đời sống hàng ngày. Kinh Duy Ma cũng rất cao siêu, nhưng về phương diện thực hành thì có khi mình thấy mình với không tới.

Chủ nhật tới chúng ta sẽ bắt đầu đi vào Phẩm thứ 24, cũng ở trong phạm vi Hạnh môn và sẽ làm quen với một vị Bồ Tát khác, đó là Bồ Tát Diệu Âm, tức là vị Bồ Tát của âm thanh vi diệuCon đường của Diệu Âm khác với con đường của hai vị Bồ Tát Thường Bất Khinh và Bồ Tát Dược Vương.

Phẩm Thứ Hai Mươi Bốn: Diệu Âm Bồ Tát

Diệu Âm có nghĩa là âm thanh vi diệu, âm thanh mầu nhiệm. Đây là vị Bồ Tát thứ ba được trình bày trong Hạnh môn. Vị Bồ Tát thứ nhất là Bồ Tát Thường Bất Khinh, vị thứ hai là Bồ Tát Dược VươngBồ Tát Thường Bất Khinh hành trì như một vị Đại sứ của Pháp Hoa, đem một thông điệp duy nhất tới cho mọi loài: Tất cả chúng sanh đều có khả năng tính giác ngộ. Bồ Tát Dược Vương tuy đi một con đường khác nhưng vẫn tiếp nối con đường của Bồ Tát Thường Bất Khinh. Con đường của Bồ Tát Dược Vươngcon đường của tín nguyện, của ân nghĩa. Cái tình nghĩa của Bồ Tát Dược Vương đối với thầy của mình được biểu lộ một cách rất thắm thiết, rõ rệt trong phẩm thứ 23. Tuy nói rằng Bồ Tát Dược Vương đại diện cho con đường của ân nghĩa, của tín nguyện, nhưng đứng về phương diện thực tập thì Bồ Tát Dược Vương đã thực hiện được nhiều công trình lớn lao, tiếp nối được sự nghiệp của Bồ Tát Thường Bất Khinh.

Trước hết, Bồ Tát Dược Vương thực hiện được một tam muội gọi là Hiện Nhất Thiết Sắc Thân, có khả năng thấy mình trong nhiều sắc thân khác nhau, và do đó mình không bị kẹt vào một trong những sắc thân. Kế đến, Bồ Tát thực hiện được một tam muội khác gọi là Giải Nhất Thiết Chúng Sanh Ngữ Ngôn Đà La Ni, có khả năng hiểu được ngôn ngữ của tất cả mọi loài chúng sanhChúng sanh có nhiều loài và mỗi loài dùng một ngôn ngữ khác nhau, nhưng vì đã thực tập hạnh hiểu biết và lắng nghe, cho nên mình hiểu được ngôn ngữ của từng người, từng loài. Điều này rất là quan trọng.

Sống trong một môi trường xã hội khác, sống trong một môi trường gia đình khác, sống trong một môi trường kinh tế khác, cách diễn tả của mình cũng khác. Vì vậy người có nhận thức sâu sắc về tâm tư của kẻ khác, thì có khả năng hiểu được những ngữ ngôn khác nhau của những con người khác nhau. Vì vậy mà họ không bị kẹt vào hình thức của ngữ ngôn, và họ tiếp nhận được điều mà người kia muốn nói, dầu người kia nói một cách vụng về, nói bằng những danh từ, những ý niệm, những hình ảnh thui chột, thiếu từ hòa. Chúng ta sẽ thấy rằng các vị Bồ Tát trong kinh Pháp Hoa nối tiếp nhau trong việc thực hiện Hạnh môn. Ở Bồ Tát Dược Vương chúng ta thấy có sự tiếp nối của Bồ Tát Thường Bất Khinh. Hôm nay học về Bồ Tát Diệu Âm (Gadgadasvara Bodhisattva), chúng ta sẽ thấy ở Bồ Tát Diệu Âm có sự tiếp nối của Bồ Tát Dược VươngCon đường của ân nghĩa, của tình nghĩa nơi Bồ Tát Dược Vương cũng có thể thấy được ở Bồ Tát Diệu ÂmBồ Tát Diệu Âm cũng đã thực hiện được cái tam muội gọi là Hiện Nhất Thiết Sắc Thân, và Ngài còn đi xa hơn Bồ Tát Dược Vương nữa, nghĩa là Bồ Tát Diệu Âmthể hiện ra rất là nhiều sắc thân để độ đời, và trong Phẩm thứ 24 này thì có một lần Bồ Tát Diệu Âm hiện ra làm vô số hoa sen.
Khoảng giữa trang 495, chúng ta thấy Bồ Tát Diệu Âm cũng thực hiện được tam muội Giải Nhất Thiết Chúng Sanh Ngữ Ngôn, an trú trong một chánh niệm (tam muội ở đây có nghĩa là chánh niệm) giúp cho Bồ Tát hiểu được những cách nói năng khác nhau của nhiều chúng sanh, để Bồ Tát có thể hiểu được tâm trạng của các chúng sanh đó. Ngữ ngôn ở đây không hẳn là tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Việt, mà ngữ ngôn ở đây là cách diễn tả của mỗi người về cái thao thức, cái khổ đau, cái ước mơ của họ. Vì vậy cho nên chúng ta có thể nói rằng Bồ Tát Diệu Âm tiếp nối con đường của Bồ Tát Dược Vương và Ngài còn đi xa hơn. Nhưng địa bàn hoạt động của Bồ Tát Diệu Âm không phải là cõi ta bà này, Bồ Tát Diệu Âm tới từ một cõi khác. Nghe danh tiếng của Bụt Thích Ca Mâu Ni, cho nên Bồ Tát đã tìm tới để học hỏi, để đảnh lễ, nhưng xuất xứ của Ngài không phải là cõi ta bà, Ngài là một vị khách. Sự có mặt của Bồ Tát Quán Thế Âm mà mình sẽ thấy trong Phẩm Phổ Môn, phẩm thứ 25, thì không giống như vậy, Ngài là người xuất hiệncõi ta bàcõi ta bà là địa bàn hoạt động của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Trang 501 chúng ta thấy rằng ngày xưa, khi Bụt Vân Lôi Âm Vương xuất hiện thì Bồ Tát Diệu Âm đã sử dụng âm nhạc để cúng dường, và có lẽ cũng vì sự kiện đó mà tên của Bồ Tát được gọi là Diệu Âm, tức là âm thanh vi diệuBồ Tát Diệu Âm đã dùng nhiều loại âm nhạc khác nhau để cúng dường Bụt Vân Lôi Âm Vương trong vòng một vạn hai ngàn năm, và đồng thời cũng dâng lên cúng dường 84 ngàn cái bát ăn cơm làm bằng châu báuÂm thanh cũng là một trong những phương tiện để hành đạo. Nhà họa sĩ có thể cúng dường Tam Bảo những màu sắc và nét bút của mình. Nhà kiến trúc có thể cúng dường Tam Bảo những tác phẩm kiến trúc của mình, như là xây tháp, dựng chùa. Nhà thi sĩ có thể cúng dường bằng những vần thơ, những hình ảnh thi ca của mình. Ở đây, Bồ Tát Diệu Âm là một nhạc sư, đã dùng âm thanh vi diệu để cúng dường Bụt, và cố nhiên những bản nhạc cúng dường không phải là những bản nhạc khóc gió, than mây, sầu đau muôn kiếp, mà là những bản nhạc biểu lộ cái giải thoát, cái an lạc của mình.

Ngày xưa khi ca sĩ Hà Thanh cùng đi với chúng tôi trong chuyến hành hương Ấn Độ, tôi có đặt pháp danh cho cô là Ca-Lăng-tần-già (Kalavinka), tên của một con chim hót ở cõi tịnh độ. Khi chọn một pháp danh cho ai, mình phải nghĩ tới khả năng, và hạnh nguyện của người đó. Nếu suốt đời mình ca hát như một con chim Ca-Lăng-Tần-Già để diễn bày diệu âm, nói lên sự giải thoát, sự giác ngộ để cúng dường chư Bụt mười phương, thì đó cũng là một hạnh nguyện, đó cũng là cùng đi một con đường với Bồ Tát Diệu Âm. Thành ra sáng tác những bài nhạc không sầu đau, không nặng nề, có tính cách giải thoát, có tính cách nuôi dưỡng đức tin, đó cũng là cúng dường Bụt, và cúng dường cả những vị Bụt tương lai nữa, tại vì khi hát lên, người nghe cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, giải thoát. Và như vậy là ta nối tiếp con đường của Bồ Tát Diệu Âm. Nhưng âm nhạc của Bồ Tát Diệu Âm được căn cứ trên cái trí tuệ, trên cái tam muội của Ngài. Trí tuệ đó là khả năng hiểu được lòng người, hiểu được tiếng người, vì vậyâm nhạc ấy có thể đi thẳng vào lòng người nghe, và chuyển hóa được người nghe. Bồ Tát Diệu Âm đã báo hiệu cho sự có mặt của Bồ Tát Quán ÂmBồ Tát Diệu Âm cũng có khả năng thị hiện ra những sắc thân khác nhau để có thể cứu độ mọi loài. Và cái khả năng biến hiện ra nhiều sắc thân để cứu độ chúng sanh, được căn cứ trên một tam muội gọi là tam muội Hiện Nhất Thiết Sắc Thân.

Phẩm Thứ Hai Mươi Lăm: Phổ môn

Bây giờ chúng ta hãy đi sang phẩm thứ 25, Phẩm Phổ MônPhổ môn là cánh cửa phổ biến, cánh cửa mở ra cho mọi loài đi vào. Cánh cửa này không chỉ mở ra cho một hay hai, ba hạng người, mà tất cả mọi loài đều có thể đi qua cánh cửa đó để vào Phật Pháp. Tiếng Anh là Universal Door. Đây là một Phẩm được tụng đọc nhiều nhất của kinh Pháp Hoa, và được gọi là kinh Phổ Môn (Samantamukha) hay là kinh Quán Âm.

Nhìn vào Bồ Tát Quán Thế Âm (AvalokiteỐvara Bodhisattva) chúng ta thấy Bồ Tát Thường Bất Khinh, chúng ta cũng thấy Bồ Tát Dược Vương, tại vì con đường của tín nghĩa, của ân tình, của sự chung thủy cũng có mặt ở đây. Bồ Tát Quán Thế Âm đã lập nguyện là khi nào có người nhớ nghĩ tới Bồ Tát và niệm danh hiệu của Ngài, thì Ngài sẽ có mặt ngay trong giờ phút đó. Điều này có tính cách chung thủy, ân tình. Any time you need me, I will be there, đó là tiếng nói của Bồ Tát Quán Thế Âm. Những lúc anh cần đến tôi, tôi sẽ có mặt ở bên anh, nhất là lúc anh lâm vào tình trạng khó khăn, tuyệt vọng.
Quán Thế Âm có nghĩa là lắng nghe những âm thanh của cuộc đời. Chữ Quán ở đây có nghĩa là để ý tới, nhìn sâu, nhìn kỹ để có thể hiểu. Hiểu là cái bản chất làm ra sự thương yêu, có hiểu được mới thương. Nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm, là ta nói tới sự thương yêuNam mô Đức Bồ Tát đại bi Quán Thế Âm. Nếu Bồ Tát Văn Thù tượng trưng cho sự hiểu biết lớn, nếu Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng cho hành động lớn, thì Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng cho sự thương yêu lớn, cho đại từ, đại bi.

Khi được nghe danh xưng Bồ Tát Quán Thế Âm thì Bồ Tát Vô Tận Ý (AkỒayamati Bodhisattva) lấy làm xúc cảm liền lập tức. Tên nghe hay quá, Quán thế Âm, lắng nghe tiếng kêu thương của cuộc đời. Danh từ Quán Thế Âm tác động vào trái tim của Bồ Tát Vô Tận Ý, nên Bồ Tát đứng dậy, chắp tay hướng về Bụt hỏi: Bạch đức Thế Tôn, vì lý do gì mà vị Bồ Tát kia có tên là Quán Thế Âm (Avalokiteshvara). Định nghĩa của Bụt rất rõ. Bụt nói: Tại vì những người khổ đau khi nghe tới danh xưng ấy mà thấy hoan hỉ và lập lại, thì Bồ Tát lập tức tìm tới để giải thoát cho người kia ra khỏi cái trạng huống khổ đau trong giờ phút đó.

Chúng ta đã biết rằng kinh Pháp Hoatính cách đại chúng, nhưng giáo nghĩa cũng rất thâm sâu. Nói như vậy có nghĩa là những câu kinh Pháp Hoa có thể hiểu theo tính cách đại chúng, nhưng cũng có thể hiểu được theo tính cách triết học sâu sắc. Ví dụ với câu: Nếu có người trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì người đó dù đi vào trong lửa cháy, lửa cũng không làm người đó cháy, tại vì uy lực của Bồ Tát rất lớn lao. Đứng về phương diện bình dân mà nói, niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm thì khỏi bị tai nạn về lửa, nhưng đứng về phương diện thực tập từ bi mà nói, khi mình có lòng thương ở trong trái tim thì lửa hận thù không cháy lên được, và mình không thấy nóng. Bồ Tát Thích Quảng Đức khi ngồi xuống giữa ngã ba Phan đình Phùng, tưới dầu xăng lên người, quẹt lên que diêm, và Ngài đã ngồi yên trong lửa đỏ! Đối với một người khác, chỉ cần phỏng một chút xíu ở tay là đã la trời la đất, nhưng ở đây lửa cháy toàn thân thể, Ngài vẫn ngồi rất yên, rất thẳng. Nếu không có lòng thương, làm sao ngồi yên và thẳng được như vậy? Cái biển lửa đó, đối với Bồ Tát, giống như một ao sen, rất là trong mát. Có lòng thương thì tất cả mọi thứ đều trở thành tươi mát. Điều này có thể thấy được trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Nếu có tình thương đối với người kia, thì dù có cực nhọc, chúng ta cũng không thấy cực nhọc, trái lại chúng ta lại tìm thấy niềm vui. Trời rất lạnh và đêm rất khuya, nhưng nếu có một người bạn, một em bé đang bị thương ở bên ngoài, mà bị buộc ngồi ở trong nhà ấm, chúng ta sẽ thấy rất đau khổ. Ngược lại, tuy trời lạnh cắt da, nhưng nhờ có tình thương, nên khi đi ra cứu giúp cho người đau khổ đó, ta cảm thấy sung sướng nhẹ nhàng hơn nhiều. Đi vào lửa mà lửa không cháy được có nghĩa là như vậy.

Thầy Quảng Đức là một người tôi rất quen thân, vì ngày xưa tôi đã từng ở chung với thầy trong chùa Long Vĩnh. Chùa Long Vĩnh có một bộ báo Nam Phong do Phạm Quỳnh làm chủ bút, trong đó có nhiều bài nói về nguồn gốc của Phật giáo. Thầy Long Vĩnh phải đi hành đạo nhiều nơi. Ngày xưa thầy đã từng làm Kiểm tăng ở vùng Khánh Hòa, và sau đó chúng tôi gặp lại nhau tại miền Nam. Hồi đó tôi làm chủ bút tờ báo Liên Hoa. Có những đêm tôi ngồi làm việc khuya, tự nhiên thấy sau gáy hơi âm ấm, thì ra thầy đi vào rất nhẹ bước, và để tỏ tình thương, thầy đặt lên gáy tôi một chiếc hôn nhè nhẹ, rất dễ thương. Có nhiều khi chùa hết gạo, và vì các anh em ở trong chùa ít người biết cách làm trụ trì, cho nên nhiều khi tăng chúng đói. Thầy đi làm Phật sự về là anh em được no đủ lại, cho nên mỗi lần thấy thầy về thì ai cũng mừng. Đó là thầy Quảng Đức. Hồi tự thiêu, thầy có để lại một số bài thơ, và ngôn từ của thầy không chứa đựng một chút bực bội hay căm thù nào cả. Tự hiến mình cho lửa đỏ để mong Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính phủ bừng tỉnh, để đừng đàn áp Phật giáo nữa. Chết, nhưng chết rất nhẹ nhàng, chết mà chết bằng thi ca. Ngồi ở ngã tư Phan Đình Phùng, thầy đã ngồi rất thẳng, báo chí đã chụp hình, quay phim và chỉ bốn, năm tiếng đồng hồ sau là hình ảnh thầy ngồi trong lửa đỏ đã được phổ biến khắp cùng trên thế giới, làm cho thế giới chấn động. Cố nhiên khi có niềm thương ở trong lòng rồi thì ngọn lửa đó không còn nóng nữa. Có đức Quán Thế Âm trong lòng là mình có sự che chở.

Nếu bị nước lớn làm cho trôi thì xưng danh hiệu Bồ Tát này, liền được chỗ cạn. Tất cả những câu ở trong Kinh Phổ Môn đều phải được hiểu theo tinh thần đó. Khi mình nghĩ tới Bồ Tát Quán Thế Âm và mình gọi tên của Ngài, thì tự nhiên cái chất liệu của từ bi, của thương yêu lập tức có mặt với mình, và có chất liệu đó rồi thì mình bớt khổ liền lập tứcChừng nào mình còn có chất liệu thương yêu ấy ở trong lòng, thì chừng đó mình sẽ còn không đau khổ. Đây là điều mà mình có thể chứng thực được.

Chúng ta biết rằng trong giáo lý của đạo Bụt, thương yêu được làm bằng một chất liệu gọi là hiểu biết. Khi hiểu biết thì không có sân hận oán thù. Người kia sở dĩ như vậy là tại vì lý do này, lý do kia. Người kia đã khổ, đã không có cơ hội để học, để hỏi là vì những điều kiện gia đình, điều kiện cha mẹ, điều kiện xã hội đã từng gây nội kết, cho nên người đó mới nói như vậy, làm như vậy. Khi có hiểu biết rồi thì mình sẽ không khổ và không gây thêm đau khổ cho người đó. Khi trong lòng có tình thương là ta có hiểu biết, và lúc đó ta sẽ hoặc ít khổ hoặc không khổ.

Ví dụ mình đang ở trong ngục thất hay trong trại học tập cải tạo. Mình có thể có hận thù rất lớn đối với những người giam cầm mình. Đồng thời có một người khác cũng cùng hoàn cảnh với mình, nhưng người đó có vẻ thanh thản, người đó có khả năng thở hít khí trời, ngồi thiền, và có khả năng mỉm cười với người cai ngục. Người đó có đức Quán Thế Âm ở trong lòng. Người đó hiểu được rằng, người cai tù đối xử với mình một cách tệ hại như vậy là vì ông ta là nạn nhân của sự giáo dục và tuyên truyền mà ông ta đã tiếp nhận, và ông ta đã thấy mình như một kẻ thù. Cái nguyên nhân đưa tới vô minhhận thù đó, mình phải trông thấy, và khi thấy được rằng ông ta là nạn nhân của bao nhiêu sự tuyên truyền, lường gạt và ngu dốt đó, thì mình sẽ thương hại ông ta thay vì thù ghét ông ta. Như vậy hai người cùng ở trong một hoàn cảnh của trại học tập cải tạo, mà một người nuôi hận thù còn một người nuôi tình thương. Kết quả là người nuôi hận thù sẽ đau khổ hơn người nuôi tình thương gấp bội. Người nuôi tình thươnghy vọng một ngày nào đó sẽ cảm hóa được người cai ngục, một ngày nào đó sẽ có thể nói được một câu, hay nhìn được một cái nhìn có thể chuyển hóa được người cai ngục. Người nuôi hận thù thì không bao giờ có cơ hội làm được chuyện đó, và trong lòng thì luôn luôn đau khổ. Thành ra nếu mình hiểu nghĩa chữ thương đúng như trong tinh thần của đạo Bụt thì mình biết rằng, hể có thương thì có hiểu, mà có hiểu thì có thể tha thứ được. Có những đứa bé vì dại khờ, đã nói với cha mẹ những câu giống như là bất hiếu, nhưng cha mẹ vẫn không giận vì thấy chúng còn nhỏ quá. Tất cả chúng ta trong thời thơ ấu, không ai tránh được sự dại dột đó. Mỗi khi giận, ta thường nói những câu thiếu tình, thiếu nghĩa với cha mẹ, nhưng cha mẹ chúng ta luôn luôn tha thứ, là tại chúng ta còn nhỏ dại quá.

Như trong câu chuyện phim The Yearling, em bé thương con nai, nhưng khi con nai lớn lên, phá hoại hết mùa màng thì cha mẹ em buộc em phải bắn chết con nai ấy. Em không bắn và rốt cuộc thì mùa màng bị phá hoại nhiều lần. Vì vậy mà bà mẹ buộc lòng phải tự tay cầm súng bắn chết con nai! Cảm động nhất là đoạn bà biết con trai mình sẽ rất đau khổ, nhưng bà biết nếu mình không bắn chết con nai thì cả nhà sẽ đói. Trồng bắp hai ba mùa mà con nai, vì bản tính loài vật, đã phá hết. Khi biết con nai của mình đã chết, em bé khóc, nổi giận lên và em đã nói một câu như không có một chút tình nghĩa nào hết với mẹ: ỘI wish you were dead!Ợ Theo em thì ba mẹ em đã làm em khổ, ba mẹ đã giết đối tượng thương yêu của em nên em không thể nào hiểu, không thể nào còn thương ba mẹ được nữa. Nhưng cha mẹ em không buồn giận vì biết con mình đang đau khổ đến cùng cực. Nông trại của ông bà rất xa xóm làng nên ở đây em không có bạn, con nai là người bạn duy nhất mà em đã nuôi từ hồi nhỏ, cho nên giết con nai là làm cho em mất hết đối tượng tình thương, làm cho trái tim của em rớm máu. Như vậy người kia có thể làm những điều dại dột, người kia có thể làm khổ mình bằng ngôn ngữ, hành động hay tư tưởng, nhưng nếu mình hiểu được thì mình sẽ không đau khổ, mình sẽ có khả năng tha thứ. Và người có hiểu biết thì có thương yêu, nghĩa là có đức Quán Thế Âm trong lòng. Mà khi đã có Ngài ở trong lòng rồi thì thế nào cũng cảm thấy nhẹ nhàng, ít khổ đau, tại vì đức Quán Âm là chất liệu cam lộ của tình thương, của sự mát mẻ thanh lương.

Trang 509: Nếu chúng sanh nào có nhiều dâm dục quá mà thường cung kính thực tập, trì niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát, thì tính nhiều dâm dục sẽ được chuyển hóaNếu không hiểu kinh, nếu đọc kinh với những nhận biết thông thường, thì chúng ta sẽ không hiểu được những câu như thế này. Tại sao khi trong người của mình có nhiều năng lượng về sinh lý mà niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm thì có thể chuyển hóa được năng lượng đó? Thật ra thì cũng dễ hiểuChúng ta đã học rằng cái gọi là năng lượng sinh lý, sexual energy, chẳng qua chỉ là một loại năng lượng. Những năng lượng tiêu cực hay tích cực thì cũng chỉ là năng lượng mà thôi. Chúng ta ai cũng có năng lượng cả. Là người trẻ, lớn lên thế nào cũng có nhiều năng lượng, nếu không thì chúng ta làm sao học hỏi, làm việc, theo đuổi lý tưởng được? Nhưng nếu ta không biết quản lý năng lượng thì những năng lượng ấy có thể đổ dồn về một phía, và nó sẽ bức bách ta. Vì vậy vấn đề ở đây là phương cách quản lý năng lượng, đừng để cho năng lượng dồn về một phía tiêu cựcChúng ta phải sử dụng năng lượng để thực hiện những điều mà chúng ta cần thực hiện. Chuyện học hỏi, chuyện tu tập, chuyện giúp đời, tất cả đều cần năng lượngNếu không làm những việc đó đúng mức thì chúng ta sẽ có dư thừa năng lượng, và những năng lượng này sẽ đi về phía tạo nên nhu yếu dâm dục. Nếu biết sử dụng thì năng lượng sẽ phục vụ chúng ta, phục vụ những người mà chúng ta muốn phục vụ. Ngược lại nếu chúng ta không biết quản lý thì cái năng lượng đó sẽ dồn về phía sinh lý làm cho chúng ta bị bức bách. Đó là đứng trên phương diện quản lý năng lượng của con người mà nói.

Đứng trên phương diện hiểu và thương, thì chúng ta thấy rằng cái hiểu và cái thương có thể mang đến cho chúng ta tinh thần trách nhiệm. Nếu quả thật có hiểu và có thương thì chúng tatinh thần trách nhiệm rất lớn, và tinh thần này sẽ bảo vệ cho chúng taVấn đề dâm dục cũng như tất cả các vấn đề khác, nếu không phải thời, không đúng pháp, có thể gây ra đau khổ. Khi hai người trẻ yêu nhau, họ muốn ngồi bên nhau, muốn gần gũi nhau, rồi đi đến chỗ hòa hợp giữa hai thân thể. Đó là chuyện rất tự nhiên, không có gì lạ lùng hết. Nhưng nếu có hiểu và có thương, thì họ sẽ có tinh thần trách nhiệm. Họ biết rằng nếu không giữ gìn cho người mình thương, nếu có chuyện gì xảy ra trước khi làm đám cưới, thì sẽ có rất nhiều người đau khổ, trong đó có người mình thương, có gia đình cả hai bên, và có cả mình nữa. Cho nên vì thương người đó mà mình phải bảo vệ cho người đó. Cả hai người cùng phải giữ gìn cho nhau.

Trong truyện Kiều, ngày gia đình đi ăn cỗ, nàng Kiều tìm cách ở lại nhà để có dịp liên lạc với người yêu bên láng giềng. Ruốt cuộc hai người được gặp nhau, hai người đã được uống trà, làm thơ với nhau, cắt tóc trộn với nhau và nhìn trăng thề nguyền cùng nhau. Đó là những chuyện mà người thương nhau thường hay thực tập. Sau khi Thúy Kiều chơi đàn thì chàng Kim muốn đi xa hơn cái ranh giới đã định cho hai người trước khi cưới nhau. Thúy Kiều ngăn lại. Cô nói rằng, nếu chúng ta đi xa hơn thì sự kính trọng lẫn nhau sẽ mất, và điều đó sẽ có hại cho tình yêu của chúng ta. Khi Kiều nói lên câu đó với tâm trạng bình thản, thức tỉnh và ngọt ngào thì chàng Kim ngưng lại liền lập tức, và tự nhiên lòng thương mến, quý trọng của chàng đối với người con gái tăng lên gấp bội. Đây là cái hiểu, hiểu rằng nếu mình không ngưng ở chỗ đó thì thương nhau trở thành hại nhau, mình làm cho hư nát cái tình yêu mà cả hai cùng trân quý. Cho nên cái hiểu đưa đến cái thương, và cái thương này mới đích thật là thương, vì nó được làm bằng chất liệu của hiểu. Cái thương này bảo vệ cho mình, cho người mình yêu, cho cha mẹ mình, cho thầy bạn mình.

Niệm Bồ Tát Quán Thế Âm là ta niệm sự hiểu biết, niệm sự thương yêu, nhờ đó mà năng lượng dâm dục sẽ biến thành năng lượng hiểu biết, năng lượng thương yêu. Do đó mà tâm ta được điều phục và thân ta được hộ trì. Rất rõ ràng, không có gì khó hiểu cả. Dầu người con trai đang bị người con gái thu hút như một mảnh nam châm, và người con gái cũng bị người con trai thu hút lại như thế, nhưng nếu những người ấy có cơ hội thực tập hiểu biết, thì họ sẽ thấy rất rõ được hiệu quả việc làm của họ, và họ sẽ biết rằng nếu khôngtinh thần trách nhiệm, nếu không kính trọng lẫn nhau thì người này sẽ làm cho người kia khổ và tất cả sẽ bị tan nát. Cho nên giữ giới không phải là tuân theo những sự ràng buộc, những điều ngăn cấm, làm như vậy chưa phải là giữ giớiGiữ giớithực tập chánh niệm, giới mà không làm bằng chánh niệm thì giới đó chỉ là sự ràng buộc, cấm cản, khổ đau. Giới thật được làm bằng chánh niệm, và chánh niệm đưa tới cái hiểu và cái thương, vì vậygiữ giới rất dễ. Mình không muốn làm khổ người kia, không muốn làm khổ mình, không muốn làm khổ cộng đồng của mình, cho nên mình giữ giới. Thương mà giữ giới chứ không phải vì bị bắt buộc mà giữ giới. Có đức Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong lòng thì mình sẽ có rất nhiều hạnh phúc khi giữ giới.

Niệm đức Quán Âm sẽ đưa tới sự hiểu biết, lòng thương yêutinh thần trách nhiệm, nhờ vậy mà ta đối trị được với dâm tâm, và có khả năng chuyển hóa năng lượng dâm dục thành ra những năng lượng lành mạnh hơn.

Chúng ta đi xuống một dòng nữa: Nếu những người nào có nhiều oán hận và nếu biết thường niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì sẽ được giải thoát ra khỏi sân hận. Khi hiểu được vấn đề đa dâm rồi thì ta sẽ hiểu được vấn đề đa sân. Học đạo Bụt chúng ta biết rằng giận hờn là một ngọn lửa có thể đốt cháy tất cả mọi công trình của chúng taCông trình của chúng ta như là những khu rừng lớn, phải trồng trỉa, vun bón hàng chục năm, nhưng một đóm lửa giận hờn nhỏ, cũng có khả năng đốt thiêu rụi cả khu rừng. Chúng ta biết rằng muốn xử lý cái giận, ta có thể thực tập chánh niệm để đưa Bồ Tát Quán Thế Âm vào lòng. Bồ Tát Quán Thế Âm là một thứ nước Cam lộ rất tươi mát, thanh lương, và nước đó có công năng dập tắt ngọn lửa hận thù trong tâm ta. Có đức Quán Thế Âm Bồ Tát tức là có sự hiểu biết, có sự thương yêu, có tinh thần trách nhiệm, do đó khi niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì ta dịu xuống, ta sẽ không nói ra những câu nói có thể làm đổ vỡ đó, những câu nói có thể gây nội kết và tạo ra đau khổ dài dài cho những người chung quanh.

Ngu si thì cũng vậy. Ngu si tức là thiếu hiểu biết. Trong lúc ta niệm đức Bồ Tát Quán Thế Âm, ánh sáng của hiểu biết có dịp đi vào, nên dần dần ta bớt ngu si. Trước đây chúng ta đã học rằng niệm đức Quán Thế Âm thì chúng ta sẽ không bị lửa, bị nước làm hại, nay chúng ta lại học thêm được rằng niệm sức mạnh của Ngài, ta cũng sẽ không bị tham, sân, si làm hại. Vì vậy cho nên kinh Pháp Hoa đi từ thấp lên cao, cũng giống như những bãi biển có cát, từ từ đi xuống sâu vào biển. Cái tài năng của kinh Pháp Hoa là ở chỗ đó, tất cả mọi giới đều có thể hiểu được kinh Pháp Hoa.

Trong số những người niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm, có rất nhiều người nghĩ rằng niệm là để tránh khỏi những tai nạn từ bên ngoài đưa đến. Họ không biết rằng những năng lượng tham dục, hận thù, và ngu si của mình là những tai nạn rất lớn do chính mình tạo ra cho mình. Trong kinh Pháp Hoa, tham, sân, và si đã được diễn tả trong ba câu liên tiếp. Đó là ba tai nạn căn bản của tất cả các tai nạn

Chúng ta biết rằng nếu ta có một người thương, người đó có thể hoặc là mẹ, là cha, là thầy hay là bạn của ta, mỗi khi có vấn đề khó khăn, khổ đau, ta nhớ đến người đó, gọi tên người đó và ta thấy đỡ khổ. Người đó chưa phải là một vị Bồ Tát nhưng khi hình bóng của người đó hiện ra trong trái tim của ta, hoặc khi nghe tên của người đó, ta đã thấy bớt khổ, huống hồ đây không phải là một người thường, đây là một người mà hạnh nguyện đã đi đến chỗ cao siêu, cho nên mỗi khi chúng ta tiếp xúc được với chất liệu của Quán Thế Âm, nghe tới danh hiệu của Ngài, thì phép lạ hiển hiện trong lòng ta, và nỗi khổ niềm đau của ta tan biến một cách rất mầu nhiệm. Đây là một chuyện rất khoa học, không có gì là mê tín dị đoan.

Khi ta tạo dựng ra một trung tâm tu học như Làng Cây Phong, Làng Mai, hay Tu viện Kim Sơn, nếu chúng ta đã từng được sống ở đấy những giây phút hạnh phúc, đã từng tiếp xúc với những người an lạc, hiền lương, thì trung tâm đó trở thành một kinh nghiệm, một hình ảnh rất dễ thương trong tâm ta. Dù sau này có đi đâu, có lạc lõng tới phương trời nào, thì mỗi khi nghe tên của trung tâm đó, hoặc thấy được hình ảnh của cảnh cũ người xưa, thì tuy là ta đang không ở tại đó mà tâm ta đã dịu lại. Nghe tên trung tâm đó là ta hình dung được những cây thông, cây sồi, những khuôn mặt từ bi, và tâm ta thấy rất an lạc, vui mừngQuán Thế Âm Bồ Tát cũng vậy, Ngài là một hải đảo rất xanh tươi rất dịu hiền, nên mỗi khi chúng ta hình dung được Ngài, chúng ta nghe được tên Ngài, thì tự nhiên trong lòng ta thấy nhẹ nhàng, thoải mái, và những khổ đau của ta dịu bớt đi rất nhiều, như một phép lạ mầu nhiệmVì vậy niệm Bồ Tát Quán Thế Âm không phải là một vấn đề mê tínTâm niệm Bồ Tát Quán Thế Âm cũng giống như mang hình ảnh bà mẹ dịu hiền trong tâm ta, mỗi khi nhớ tới là ta thấy êm dịu trong lòng. Người nào mà ta thương yêutin cậy, đều có ảnh hưởng như vậy trên tâm của ta cả.

Bồ Tát Quán Thế Âm là ai? Bồ Tát Quán Thế Âm là người thương, The person who loves, who knows how to love because she understands. Đây là một hình tượng, một nhân vật biểu hiện cho Hạnh môn, cho công dụng của kinh Pháp HoaBồ Tát Quán Thế Âm tới sau Bồ Tát Thường Bất Khinh, tới sau Bồ Tát Dược VươngDiệu ÂmBồ Tát Quán Thế Âm là một hình ảnh tuyệt diệu của sự thực tập, và chúng ta có thể học được, thực tập được những điều mà Bồ Tát thực tập: Lắng tai nghe để hiểu và để có mặt. Sự có mặt đó không phải là một sự có mặt tầm thường. Sự có mặt đó có tính cách chớp nhoáng, ngay trong giây phút ấy, tại vì tâm ta đi rất nhanh. Mỗi khi chúng ta niệm tưởng đến đức Quán Thế Âm thì Ngài có mặt ngay tại lúc đó, không chậm một giây phút nào cả. Khi tâm ta niệm đức Quán Thế Âm, thì chất liệu Quán Thế Âm có mặt ngay. Niệm ở đây là chánh niệm, là nhớ nghĩ, là tỉnh thức. Niệm luôn luôn có đối tượng, ví dụ khi mình niệm hơi thở, hay mình niệm Bụt, thì hơi thở và Bụt là những đối tượng có mặt tức khắc. Ở đây đối tượng là Quán Thế Âm.

Có thể nói rằng chúng ta ai cũng đã từng thương và cũng đã biết rằng thương không có nghĩa là chỉ ngồi đó để hưởng sự ngọt ngào. Thương là một sự thực tập để đem lại niềm vui cho nhiều người, trong đó có chính bản thân ta. Khi một người cần đến ta, thường thường ta tìm cách để đến với người đó. Chúng ta có thể dùng điện thoại, dùng xe cộ, thư từ để có mặt với người đó. Thấy người đó khổ là tự nhiên chúng ta muốn làm một cái gì để chứng tỏ sự có mặt của ta. Vì mình là người thương, nên mình muốn làm việc đó. Khi có ý hướng ấy thì tâm ta đã có chất liệu của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ta cần làm cho chất liệu ấy lớn lên thôi. Ta thấy khoảng cách giữa ta và đức Bồ Tát không quá lớn, tại ta cũng đã có hạt giống của thương yêu, của chăm sóc, của sự muốn có mặt. Thương ai thì muốn có mặt với người đó khi người đó đau khổ. Cho nên lắng tai nghe, tìm tới là những chất liệu có sẵn trong lòng của tất cả chúng taBồ Tát Quán Thế Âm thực hiện được cái tam muội gọi là Hiện Nhất Thiết Pháp Thân, cho nên Ngài có thể có mặt đồng thời ở nhiều nơi, còn chúng ta thì chỉ có thể có mặt ở một nơi thôi. Nhưng nếu quý vị biết thực tập thì quý vị cũng có thể có mặt ở nhiều nơi trong một lúc. Một người đàn bà Việt-nam đảm đang cũng là một người đang thực tập hạnh Quán Thế Âm. Một mặt mình muốn làm cho chồng có hạnh phúc, mặt khác mình muốn làm cho con hạnh phúc, dù chồng đang đi làm việc xa, dù con đang ở nội trú trong một trường đại học. Rồi đến gia đình chồng. Mình muốn cho mẹ chồng được no ấm đầy đủ, vì hạnh phúc này tạo ra hạnh phúc cho chồng mình và cho mình. Vì vậy, những bà mẹ đó, tuy là người trần mắt thịt, nhưng nhìn cho kỹ thì ta thấy bà có rất nhiều cánh tay, tay này với sang bên Đông, tay kia với sang bên Tây. Đàn ông cũng có thể thực tập như thế. Có nhiều người biết lo cho hàng trăm người trong một lúc. Họ muốn có mặt đồng thời ở nhiều nơi. Đứng về phương diện hình thức mà nói thì ta chỉ có thể thấy được người đó ở một nơi thôi, nhưng trên thực tế thì người đó có thể có mặt đồng thời ở nhiều nơi, và chúng ta phải có một máy chụp hình rất đặc biệt, mới có thể chụp được sự thực đó. Thành ra phân biệt rằng chúng ta là người phàm, còn Bồ Tát là một vị thánh, và sự khác biệt giữa chúng taBồ Tát là một sự khác biệt tuyệt đối, là không đúng. Bởi vì cái ước muốn, cái phương thức của chúng ta cũng giống như của Bồ Tát, nhưng tại sự thực tập của chúng ta chưa đến nơi đến chốn, thành ra mức độ thực hiện của chúng ta còn nhỏ hơn của Bồ Tát nhiều đấy thôi. Sự thực thì tâm chúng ta có đủ các hạt giống đó. Ai cũng muốn có mặt đồng thời ở khắp nơi để làm vơi nỗi khổ của những người mình thương, vì vậy cho nên phương pháp hiện thânphương pháp không phải chỉ có Bồ Tát Quán Thế Âm mới có thể làm, chúng ta ai cũng muốn thực tập và có khả năng làm được việc đó cả.

Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Bụt: Bạch Thế Tôn, Bồ Tát Quán Thế Âm dạo chơi trong cõi ta bà như thế nào? Chữ dạo chơi này chúng ta đã học rồi. Dạo chơi tức là không hấp tấp. Bạch đức Thế Tôn, trong khi Bồ Tát Quán Thế Âm qua lại một cách thoải mái trong cõi ta bà, thì Bồ Tát thực tập việc hiện thân độ người như thế nào? Bụt trả lời rằng: Khi cần hiện thân Bụt, thì Quán Âm Bồ Tát hiện thân Bụt, để đến với người cần mình. Nghĩ cho kỹ thì mình cũng làm được chuyện này trên một bình diện hạn hẹp hơn. Mỗi khi mình ngồi uống trà trong tỉnh thức, người ta nhìn mình, thì người ta được độ. Khi ta có uy nghi, an lạc, thì Bụt có mặt ở trong ta, người kia nhìn ta người kia cũng được chuyển hóa, và trở về với chánh niệm. Điều đó ta làm được và làm được đến một mức độ nào đó. Chiếc lá mùa Thu khi rơi xuống, nó cũng có thể rơi một cách rất thanh thản, như lượn múa trong không gian, và cũng thực hiện một hóa thânMùa Xuân, chiếc lá ở trên cành, ca hát và vẫy tay đón nhận ánh sáng, nó cũng có thể độ mình, độ một cách khác. Cuối Thu, nó rơi xuống và độ mình một cách khác. Khi chiếc lá đã nằm trên mặt đất, và chân mình dẫm lên, nó độ mình một cách khác nữa. Chỉ cần mở mắt ra, nhìn cho sâu sắc là mình thấy được những hình thái hiện thân khác nhau của chiếc lá. Ai nói rằng Bụt và Bồ Tát đã nhập diệt? Chỉ cần mở mắt ra là thấy được Bụt và Bồ Tát ở ngay bên mình.

Bụt nói tiếp: Nếu cần hiện thân Duyên giác thì Bồ Tát hiện thân Duyên giácDuyên giác là người tu, sống một mình, thực tập quán chiếu về nhân duyên và có thể giác ngộNếu cần hiện thân Thanh văn, thì hiện thân Thanh văn. Có những người cần một vị Thanh văn để tu học theo, họ chưa có khả năng hay chưa muốn gặp các vị Bồ TátVì vậy khi gặp một vị Thanh văn, ta đừng nói ông chỉ là người ưa pháp nhỏ thì mình sẽ mang tội. Vì trong vị Thanh văn ấy có một hạt giống Pháp lớn đang sẵn sàng nẩy mầm. Điều này ta phải thực tập một cách tinh chuyên. Tiếp chuyện với các thầy Nam tông, với các thầy Bắc tông, với các Phật tử Tây tạng, ta phải cẩn thận, họ đang tu tập như vậy, có thể họ đang là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Đừng chê họ tụng đọc như thế này, đốt nhang như thế kia. Đôi khi hương họ đốt có mùi mình không ưa thích, nhưng có thể họ phải dùng loại hương ấy mới độ được người ở vùng ấy.

Nếu cần sử dụng thân của Phạm Vương, thì hiện thân Phạm Vương, nếu cần dùng thân Đế Thích thì dùng thân Đế Thích. Tiếp đó, ta thấy Bụt nêu ra một số các thân mà Bồ Tát Quán Thế Âm thường hóa hiện để độ người. Trong đó có thân của vị Tiểu Vương, tức là một vị vua nhỏ như là Vua Tịnh Phạn (Suddhodana), hay thân của một vị trưởng giả, tức là một businessman, Bồ Tát Quán Thế Âm đôi khi hiện thân thành một nhà doanh thương. Nói chuyện với nhà doanh thương, nếu ta thấy ông không bị kẹt vào danh lợi và quyền hành, thì ta nhận ra đó là Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiệnNếu cần dùng thân cư sĩ, Bồ Tát hiện thân cư sĩ. Nhìn vào một vị cư sĩ, ta có thể thấy đó là đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ta phải có thái độ cung kính đúng mức, dù ta đã là người xuất gia và lên tới bực vị Hoà Thượng.

Nếu cần phải hóa hiện ra thân một vị Tể tướng, một vị Bộ trưởng thì Bồ Tát Quán Thế Âm hiện ra làm Tể tướng, Bộ trưởng. Nếu cần hiện thân một vị Bà la môn thì đức Quán Âm hiện ra Bà la mônNếu cần hiện ra thân khất sĩ, nữ khất sĩ, cận sự nam, cận sự nữ mới độ người được, thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện ra khất sĩ, khất sĩ nữ, cận sự nam, cận sự nữ để mà độ đời. Khi đọc những câu này, chúng ta thấy rất rõ là chúng ta không nên có mặc cảm tự tôn hay tự ti, tại vì dưới hình thức nào, với ngôi vị nào, chúng ta cũng có thể thực tập hạnh của đức Quán Thế Âm. Chỉ cần có tình thương trong lòng thì khất sĩ cũng được, khất sĩ nữ cũng được, cư sĩ nam cũng được, cư sĩ nữ cũng được, em bé cũng được, tất cả mọi giới, nếu có tình thương là có thể độ đời. Mang tâm trạng kỳ thị cao thấp, là chứng tỏ chưa có sự có mặt đích thực của chất liệu Quán Thế Âm trong tâm của chúng ta.

Nếu cần hiện thân phụ nữ thì hiện thân phụ nữ để thuyết pháp. Ở các nước Đông Nam Á người ta thường hình dung đức Bồ Tát Quán Thế Âm như một phụ nữ. Người phụ nữ diễn tả được tình thương dễ dàng hơn người nam, tại vì trong nền văn minh Khổng Mạnh người đàn ông có vẻ hơi khô khan. Thương nhưng không nói ra, nghĩ rằng nói ra thì mất linh, nên chỉ để tình thương kín đáo trong tâm. Vì vậy mà nhiều lúc đứa con nghi ngờ, không biết cha mình có thương mình thật không, nếu thương sao mà khuôn mặt lạnh như tiền như thế được? Ngược lại, người phụ nữ được coi là giới biết biểu lộ tình thương. Do đó, đứng về phương diện văn hóa mà xét, chúng ta hiểu được tại sao người Á Châu lại chọn lựa hình tướng của người phụ nữ để đại diện cho Bồ Tát Quán Thế Âm. Trên phương diện hình thức, người phụ nữ diễn tả được tình thương của đức Quán Thế Âm hay hơn người nam giới. Nam giới hãy cẩn thận, hãy quán chiếu, hãy học hỏi để biểu lộ tình thương của mình.

Nếu cần hình thức của một chú bé hay một cô bé thì đức Quán Thế Âm hiện ra một chú bé hay một cô bé để độ đời. Nếu cần hóa thân làm loài Trời, loài Rồng, loài Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, loài nhân hay loài phi-nhân, để độ người, thì Bồ Tát liền hiện ra những hình thái đó. Nói tóm lại thì Bồ Tát Quán Thế Âm có thể hóa hiện ra bất cứ một hình thái nào để cứu độ, và đôi khi những hình thái đó trông rất dễ sợ.

Tình thương có rất nhiều mặt, nhiều khi nó không hẳn phải là ngọt ngào, không hẳn phải là dịu dàng mà vẫn là tình thương. Tại các chùa ở Việt-nam, ta thấy có ông Thiện, và ông Ác. Ông Thiện thì khuôn mặt rất hiền, con nít ưa tới gần, nhưng ông ác thì mình ngán lắm. Quán Âm Đại Sĩ nhiều khi hiện ra làm Diện Nhiên Vương, có khuôn mặt rất dữ, mắt trừng đổ lửa, tay chỉ chỏ dọa nạt. Diện Nhiên Vương là một hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Vì muốn cho chúng sanh sợ mà đừng làm điều bậy nên Ngài trừng mắt dọa nạt. Sự dọa nạt này, không bắt nguồn từ sự giận dữtrái lại đã phát sinh từ lòng thương không bến bờ.

Ở Việt-nam, trên con đường xe hơi đi từ Sàigòn lên Đà lạt, có một đoạn đi qua đèo rất nguy hiểm, nhiều xe hơi rơi xuống đèo, nhiều người đã bị mất mạng. Tại đó, người ta có dựng lên một cái miếu để thờ các oan hồn. Trong giới lái xe có những người có tu học, họ biết chỗ ấy là chỗ nguy hiểm. Khi lái xe đến đó, tự nhiên họ phát khởi chánh niệm, và chỉ cần thực tập chánh niệm là họ đưa lại sự an toàn cho họ và cho hành khách trên xe. Nhưng có những người lái xe không thực tập chánh niệm, họ nghĩ rằng nếu đi ngang qua đây mà không có sự cung kính thì có thể những vị thần hay những oan hồn sẽ làm cho họ mờ mắt, và xe sẽ rớt xuống đèo. Có những người cứng đầu giống như những tay anh chị Cầu Muối, không tin ai hết, không kính nể ai cả, nhưng khi đi ngang qua ngọn đèo này, các vị đó cũng kính cẩn dỡ nón ra, không dám hỗn hào. Đó là một hình thái hóa độ của đức Quán Thế Âm. Ngài dọa rằng nếu anh không đàng hoàng thì anh sẽ rơi xuống đèo, nhờ vậy mà Ngài cứu được người đó và cứu luôn được những hành khách trên xe. Tình thương có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức, đôi khi bên ngoài không có vẻ dịu dàng nhưng bên trong chứa một nội dung rất ngọt ngào. Người Việt có câu: Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi, vì thương mà phải rầy rà

Sang trang 514: Này Bồ Tát Vô Tận Ý, vị Bồ Tát có tên là Quán Thế Âm đó đã thực hiện được bao nhiêu là công trình như tôi đã nói, đã sử dụng những hình thái khác nhau để rong chơi trong các cõi nước, mà độ thoát cho các loài chúng sanh, vì vậy quý vị nên cung kính cúng dường vị Bồ Tát đó. Trong những trường hợp nguy hiểm và có người hay hoảng sợ lo âu, Vị Bồ Tát đó thường ban cho họ một sự không sợ hãi, một sự an tâm, vì vậy mà vị Bồ Tát đó được dâng tặng một danh hiệu rất đẹp, đó là người thực tập Vô-úy-Thí. Vô-úy-Thí là ban tặng cho món quà không sợ hãi. Sợ là một tâm trạng làm cho chúng ta khổ đau, làm ta mất an lạc rất nhiều. Sợ hiện tại, sợ tương lai, sợ người, sợ mình, sợ tất cả mọi thứ. Sống trên đống lửa thì không thể nào có hạnh phúc được. Sợ người đó không còn thương mình nữa, sợ người đó thù oán mình, sợ người đó đang tìm cách tiêu diệt mình, cái sợ đó làm cho mình mất hết niềm vui sống của chính mình. Bồ Tát Quán Thế Âm là một người có cái hạnh đem đến cho chúng ta món quà quí hóa đó, món quà Vô-úy.
Trong đạo Bụt có ba loại quà: Quà vật chất; quà phương pháp, ví dụ dạy cho ta một nghề thì đó là quà phương pháp, chỉ cho người ta cách tu học thì đó là quà pháp; và quà thứ ba là làm cho người ta không sợ. Kỳ thực, khi biết niệm đức Bồ Tát Quán Thế Âm thì mình hết sợ. Món quà này ta nhận được liền. Bài thực tập Quay về nương tựa hải đảo tự thân, Chánh niệm là Bụt, Soi sáng xa gần..., cũng là một món quà Vô-úy. Những lúc ta hoảng hốt, không biết phải làm gì, chúng ta bất an, thực tập bài đó là phương cách hay nhất mà chúng ta có thể làm trong giây phút ấy. Không có cái gì hay hơn là trở về nương tựa, tức là thực tập quy y, dùng hơi thở vào, ra, đem lại cho mình sự an lạc, thanh tịnh, vì vậy, đó cũng là một món quà chứa đựng chất liệu vô úy.

Ví dụ ta đang ở trên một chiếc máy bay và máy bay đang gặp khó khăn, không biết có đáp xuống được an toàn hay không. Lúc đó nếu ta cuống lên, la hét, khóc than, thì hành động ấy chỉ có thể làm hại cho mình, và làm cho người khác mất tinh thần. Ngược lại nếu lúc đó ta biết thực tập quy y, thì tự nhiên ta đem lại cho tâm hồn ta sự vô úy, ta giúp cho ta thanh tịnh, giúp cho người khác thanh tịnh và trong trạng thái thanh tịnh đó, ta sáng suốt hơn, ta biết cần làm gì, và không được làm gì để cho tình trạng sáng sủa thêm ra. Đó là những điều mà Bụt đã nói ra để trả lời câu hỏi của Bồ Tát Vô Tận Ý.

Chúng ta có một bài tán đức Quán Thế Âm cần dịch ra tiếng Việt, tại vì bản chữ Nho hay lắm:

Trí tuệ hoằng thâm đại biện tài
Đoan cư ba thượng tuyệt trần ai,
Tường quang thước phá thiên sinh bịnh,
Cam lộ năng tiêu vạn kiếp tai,
Thúy liễu phất khai kim thế giới,
Hồng liên dũng xuất ngọc lâu đài,
Ngã kim khể thủ phần hương tán,
Nguyện hướng nhân gian ứng hiện lai.

Trí tuệ hoằng thâm đại biện tàiTrí tuệ rộng và sâu, từ trí tuệ đó mà phát hiện một biện tài lớn. Biện tài là khả năng có thể diễn tả được những cái khó diễn tả, có thể chinh phục những người khó chinh phụcTrí tuệ là chất liệu ở bên dưới, còn biện tài là nghệ thuật ở bên trên.

Đoan cư ba thượng tuyệt trần ai: Đứng một cách trang nghiêmtuyệt diệu trên các đợt sóng. Đây là một hình ảnh rất đẹp mà các nghệ sĩ thường dùng để diễn tả đức Quán Thế Âm. Đứng trên những làn sóng mà không bị những làn sóng kia xô đẩy, làm chìm đắmTuyệt trần ai có nghĩa là không dính một mảnh bụi nào, rất tinh khiết, nhẹ nhàng. Tuy đứng trên sóng sinh tử nhưng không bị chìm đắm trong sóng sanh tử.
Tường quang thước phá thiên sinh bịnh: Tường quang là ánh sáng lành của đức Quán Thế Âm, có khả năng công phá và chữa lành được muôn ngàn bệnh tật. Bệnh khổ là một gánh nặng của kiếp người, và Quán Thế Âm là người có thể dùng cái hào quang của mình mà trị liệu tất cả những bệnh khổ đó.

Cam lộ năng tiêu vạn kiếp tai: Nước cam lộ trượng trưng cho tình thương của Bồ Tát có thể làm tiêu tán những tai nạn bị dồn chứa trong vạn kiếp. Chất liệu cam lộ, tiếng Phạn là Amrta, phiên âm là A-mật-ri-đa, có thể làm tiêu trừ tai họa muôn ngàn kiếp.

Thúy liễu phất khai kim thế giới: Với cành dương liễu xanh biếc, Bồ Tát phẩy một cái là mở ra một thế giới hoàng kim. Phất nghĩa là phẩy, như trong chữ phất trần, phẩy bụi. Thế giới hoàng kimthế giới của hạnh phúc.

Hồng liên dũng xuất ngọc lâu đài: Khi đóa sen hồng mọc vượt lên, thì Ngài làm xuất hiện một tòa lâu đài bằng ngọc. Tòa lâu đài này là tòa lâu đài của giác ngộ, của thế giới cực lạc. Người ta thường nói kim thế giới, ngọc lâu đài, nghĩa là thế giới vàng, lâu đài ngọc.

Ngã kim khể thủ phần hương tán: Giờ đây con cúi đầu xuống, đốt hươngca ngợi Ngài. Phần hương tức là đốt hương, tán là ca ngợi.

Nguyện hướng nhân gian ứng hiện lai: Xin quay mặt về phía nhân gianhiển hiện pháp thân của Ngài để chúng con được thấy. Xin hướng về cõi người và hiện rõ chân thân của Ngài cho chúng con thấy.

Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm.
Bây giờ hiểu nghĩa rồi, ta hãy cố làm một bài dịch cho hay, và nếu có thể thì đặt thành nhạc luôn(11) .

Một bài tán khác cũng đã được dịch và đặt thành nhạc mà lát nữa đây Sư cô Bảo Nghiêm sẽ hát cho chúng ta nghe. Đây là một bài Thi tán mà tôi được nghe từ hồi còn nhỏ và rất thích. Mỗi lần nghe là cảm động, nhưng chưa bao giờ có dịp dịch ra quốc ngữ. Mùa hè năm rồi, có Sư chú Nguyện Hải làm thị giả, ở Cốc Ngồi yên. Thầy trò có được vài phút rãnh rỗi, tôi ngồi trên võng và lần đầu tiên dịch bài đó ra tiếng Việt. Nguyên văn bài tán chữ Hán là:

Hải chấn triều âm thuyết Phổ môn,
Cửu liên hoa lý hiện đồng chơn,
Dương chi nhất đích chân cam lộ,
Tán tác sơn hà đại địa Xuân.

Hải chấn triều âm thuyết Phổ môn: Biển động, và tiếng hải triều vang dội thành ra kinh Phổ Môn, mở rộng ra một cánh cửa để mọi người có cơ hội hiểu biết Pháp mầu. Câu này rất hùng.

Cửu liên hoa lý hiện đồng chơn: Ở giữa chín bông sen kia, lý tức là ở giữa, ở trong lòng, xuất hiện một em bé. Em bé ở đây tức là sự trinh nguyên, là cái sơ tâm. Một hình ảnh của sự giải thoát, sự giác ngộ, sự không lo lắng, không u sầuHình ảnh em bé được sử dụng trong nhiều truyền thống. Đạo Bụt nói rằng khi chúng ta được giải thoát hay khi chúng ta sinh sang cõi cực lạc, thì chúng ta sẽ biến thành một em bé, và được thai nghén trong một bông sen. Khi bông sen nở ra thì chúng ta lập tức thấy được Bụt A Di ĐàHoa khai kiến Phật có nghĩa là vậy. Trong Cơ Đốc giáo cũng nói tương tự: Nếu quý vị không trở lại thành một em bé, thì quý vị không thể nào đi vào nước Chúa. Vì vậy hình ảnh của em bé là hình ảnh của một sự sống mới, một sự chuyển hóa mới. Người nào tu học đàng hoàng thì cũng đều biến thành em bé, sống an lạc và không có gì để lo lắng. ỘĐồng chơn nhập đạoỢ là đi tu từ hồi tuổi còn nhỏ. Hai câu này là những hình ảnh rất đẹp. Thứ nhất là tiếng hải triều làm ra pháp âm, thứ hai là hình ảnh của em bé ở trong bông hoa sen, không có gì đẹp bằng.

Dương chi nhất đích chân cam lộDương chi là nhành dương liễu, nhất đích là một giọt, chân cam lộ là đích thực nước cam lộ. Một giọt nước cam lộ đích thực ở trên nhành dương liễu của Bồ Tát.

Tán tác sơn hà đại địa Xuân: Tán tức là rải lên, tác là làm thành, sơn hà là sông núi hay đất nước, đại địa là trái đất, the Great Earth. Chỉ cần một giọt nước trên nhành dương liễu của Bồ Tát thôi, cũng đủ tạo ra một mùa Xuân cho trái đất và cho sông núi.

Bài Thi tán này hay quá làm cho ta có mặc cảm là nếu dịch ra tiếng Việt, thì không thể nào hay bằng. Tuy vậy hôm ngồi ở Cốc Ngồi Yên, thầy trò đã cống hiến được một bản dịch sau đây, khá nghiêm chỉnh:

Phổ Môn vọng tiếng triều dâng,
Bé thơ xuất hiện giữa lòng đóa sen.
Cam lồ một giọt tưới lên,
Xuân về trên khắp mọi miền núi sông,
Nam mô Bồ Tát Quán Thế Âm.

Hơi thơ tuy không được mạnh bằng nguyên bản, nhưng những hình ảnh của bài thơ đều đã có thể diễn tả được.

Phổ Môn vọng tiếng triều dâng: Kinh Phổ Môn vọng lại từ tiếng hải triều đang dâng lên.

Bé thơ xuất hiện giữa lòng đóa sen: Một em bé đột nhiên xuất hiện trong lòng bông sen.

Cam lồ một giọt tưới lên: Bài dịch thiếu mất chữ dương-chi. Đúng ra thì phải dịch là Cam lồ từ nhành dương liễu một giọt tưới lên, nhưng như vậy thì dài quá, thơ lục bát mình chỉ được dùng có sáu chữ thôi. Nếu nói Cam lồ giọt liễu tưới lên thì cũng được, nhưng lại thiếu mất chữ một. Chữ một rất quan trọng, chỉ cần một giọt thôi cũng đủ làm cho Xuân về trên khắp mọi miền núi sông. 
Bây giờ xin mời Sư Cô Bảo Nghiêm lên hát cho đại chúng nghe...

Trước đây chúng ta đã nói đến danh từ Vô úy thí (Abhaya-dẠna), một trong những món quà mà ta có thể dâng tặng cho người khác: Món quà giúp họ đừng sợ hãi. Chúng ta sợ nhiều thứ lắm: Sợ sanh, lão, bệnh, tử, sợ những sự bất trắc, chúng ta sợ cuộc đời, đôi khi chúng ta sợ chính bản thân của chúng ta nữa. Vì vậy thực tập để có sự vô úy, thực tập để có sự không sợ là một pháp thực tập rất sâu sắc. Khi đạt tới vô úy chúng ta mới có khả năng hiến tặng người khác sự không sợ hãi đó. Đây là một pháp môn đặc biệt của Bồ Tát Quán Thế Âm. Người tu nào cũng phải thực tập cả, để khi đứng trước những thứ làm cho người thường run sợ, người tu có đủ khả năng vượt thoát sự sợ hãi, có sự vô úy thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại.

Sau khi được nghe Bụt nói như vậy rồi thì Bồ Tát Vô Tận Ý rất lấy làm cảm phụcBồ Tát nói: Bạch đức Thế Tôn, bây giờ con phải cúng dường Bồ Tát Quán Thế ÂmBồ Tát liền đứng dậy, tháo chuỗi ngọc rất giá trị đang đeo ở cổ, trao lên cho Bồ Tát Quán Thế Âm và nói rằng: Xin Bồ Tát nhận chuỗi ngọc này do tôi cúng dường. Lúc bấy giờ Bồ Tát Quán Thế Âm không chịu nhận. Chúng ta thấy hình ảnh hiến tặng viên ngọc đã được sử dụng trong kinh Duy Ma. Ở đây, kinh Pháp Hoa sử dụng lại hình ảnh đó. Nên biết rằng Bồ Tát Vô Tận Ý không phải là một người xuất gia, vì nếu xuất gia thì đâu có đeo ngọc ngà châu báu như vậy. Bồ Tát Quán Thế Âm từ chối là vì Ngài tự hỏi mình nhận chuỗi ngọc này để làm gì? Lúc đó Bồ Tát Vô Tận Ý mới khẩn khoản: Xin nhân-giả thương chúng tôichấp nhận món quà cúng dường này. Thấy vậy, Bụt liền can thiệp vào. Ngài nói với Bồ Tát Quán Thế Âm: Giờ đây Bồ Tát hãy đem lòng thương Bồ Tát Vô Tận Ý và tất cả bốn chúng có mặt ở đây, trong đó gồm có Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, nhân và phi nhân v.v... mà chấp nhận chuỗi ngọc này. Tấm lòng từ bi đó không nên chỉ hướng về một người, mà hướng về tất cả đại chúng. Đây là một sự thực tậptính cách tập thể. Sự cúng dường này không phải từ một mình Bồ Tát Vô Tận Ý mà là từ tất cả đại chúng có mặt trong Pháp hội, cho nên chấp nhậnchấp nhận cho cả đại chúng, và đó là điều mà Bụt đã nói với Bồ Tát Quán Thế Âm. Bụt đã không nói: hãy thương Vô Tận Ýchấp nhận. Bụt nói hãy thương Vô Tận Ý và tất cả những người có mặt ở đây. Chúng ta phải để ý đến những chi tiết như vậy trong kinh.

Trang 515: Lúc bấy giờ đức Bồ Tát Quán Thế Âm, vì thương tất cả bốn chúng cho nên chấp nhận chuỗi ngọc. Đây là lần thứ hai kinh lặp lại cái ý đại chúng cúng dường đó.

Sau khi chấp nhận lễ vật, Bồ Tát chia làm hai phần, một phần dâng lên cúng dường Bụt Thích Ca, một phần dâng lên cúng dường Bụt Đa Bảo. Tích môn và Bản môn đều có mặt như nhau, một lần. Có Tích môn là có Bản môn, có Bản môn là có Tích môn. Đó là cách tu tập của chúng ta, không phải Bản môn và Tích môn là hai phần tách rời. Mình không thể nói rằng tôi chỉ muốn theo Bản môn, nói vậy thì hỏng, tại vì không có Tích môn thì sẽ không có Bản môn. Ngược lại nếu loại bỏ Bản môn thì cũng sẽ không có Tích môn. Vì vậy chia chuỗi ngọc ra làm hai phần để cúng dường Bản môn do Bụt Đa Bảo đại diện, và cúng dường Bụt Thích Ca tượng trưng cho Tích môn, đó là để ý tới cả hai bình diện của sự sống. Tu học cũng vậy, mình phải để thì giờ cho cả hai phía. Tuy rằng mình đi vào thế giới của Hoa Nghiêm, của ánh sáng, nhưng mình vẫn không thể bỏ thế giới của hiện tượng, thế giới của nồi niêu, của vườn tược, của quét dọn, mình phải chịu trách nhiệm về cả hai phía. 

Trong kinh Pháp Hoa, chúng ta nên biết rằng các vị Bồ Tát đều có thần lực lớn. Bồ Tát Thường Bất Khinh, Bồ Tát Dược Vương, Bồ Tát Diệu Âm, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Phổ Hiền v.v... đều là những vị đã thành Bụt từ vô lượng kiếp trước. Nhưng vì xuất hiện trong môn thứ ba tức là Hạnh môn, cho nên vẫn hóa hiện làm người đang còn hành đạo, và khi gặp một vị Bụt, họ vẫn cung kính đảnh lễ, tuy chính bản thân họ đã là một vị Bụt. Sự kiện Bản môn xuất hiện trong Tích môn rất quan trọng, và cái diệu dụng mà mình thấy là Hạnh môn. Các vị Bồ Tát ta gặp trong kinh ở đây đều là những vị đã thành Bụt từ vô lượng vô biên kiếp trước, nhưng đứng trước Bụt Thích Ca thì vẫn đóng vai trò của người học trò, của nhà hành đạo. Quí vị phải để ý đến chi tiết này. Cũng như trong lễ truyền đăng của chúng ta, khi một vị giáo thọ đã được tiếp nhận bài kệ và cây đèn rồi, trước khi vị đó đăng đàn thuyết pháp, thì tất cả mọi người trong đại chúng, kể cả các vị tôn túc, các vị trưởng thượng, đều đứng dậy cung kính hướng về vị giáo thọ mới để chào đón. Không phải vì đây là vị giáo thọ duy nhứt, nhưng tất cả các vị kia đều đứng dậy để chứng tỏ rằng đây là một vị giáo thọ mà tất cả mọi giới thiên, nhân đều phải cung kính, tại vì vị này mang trong người một sứ mạng truyền bá chánh pháp. Các vị Bồ Tát như Phổ Hiền, Quán Âm, Thường Bất Khinh đã thành Bụt từ lâu nhưng đối với Bụt Thích Ca, họ vẫn kính cẩn cúi lạy, vẫn hóa hiện như là người đang còn hành đạoNếu không thấy được điều đó thì chúng ta chưa thấy được rằng đây là cái Hạnh môn, được sử dụng để nối lại cảnh giới Bản môn và Tích môn.

Ta biết rằng Tông Thiên Thaiđại biểu là thầy Trí Giả, đã nghiên cứu kinh Pháp Hoa và đã chia Pháp Hoa ra làm hai môn, Tích môn và Bản môn. Nhưng trong khóa học này chúng ta thấy sự phân chia đó không được hoàn hảo, vì vậy chúng ta đã chia lại và cho rằng ngoài Tích môn và Bản môn, còn có một môn thứ ba gọi là Hạnh môn. Bản môn thuộc về Thể, Tích môn thuộc về Tướng, và Hạnh môn thuộc về Dụng. Hạnh môn không phải là một danh từ mới, nó đã được dùng nhiều lần trong kinh điển đạo Bụt. Ví dụ trong bài Sám Qui Mạng mà các Thiền Viện Việt-nam tụng đọc buổi sáng, có câu:
Khai lục độ chi Hạnh môn,
Việt tam kỳ chi kiếp hải

Hạnh môn ở đây có nghĩa là cánh cửa của hạnh phúc. Do đó trong kinh Pháp Hoa, ngoài hai cánh cửa của Bản môn và của Tích môn, ta thêm vào một cánh cửa thứ ba là cánh cửa Hạnh môn, cánh cửa của hành động. Tất cả các vị Bồ Tát xuất hiện trong kinh Pháp Hoa, đều tượng trưng cho cánh cửa của hành động. Chúng ta phải nhận diện cho được các vị Bồ Tát đó ở trong kinh Pháp Hoa.

Sau khi đã trả lời cho Bồ Tát Vô Tận Ý, Bụt Thích Ca kết luận: Này quí vị, tôi vừa nói cho quí vị nghe về sự rong chơi của Bồ Tát Quán Thế Âm trong thế giới ta bà của chúng ta, và phân tích cái thần lực cũng như cái tự do của Ngài. Đó là câu kết luận của Bụt trong phẩm này.

Phần ta vừa đọc là phần trường hàng, tức là văn xuôi. Nhưng chúng ta đã biết rằng ở trong các kinh phần trường hàng luôn luôn xuất hiện sau phần trùng tụng.

Bây giờ chúng ta đọc phần trùng tụng của kinh, bản chữ Việt lẫn chữ Hán. Mấy câu đầu có lẽ mới được thêm vào khi có phần trường hàng:

Thế Tôn muôn vẻ đẹp Thế Tôn diệu tướng cụ
Con xin hỏi lại Người Ngã kim trùng vấn bỉ
Bồ Tát kia vì sao Phật tửnhân duyên
Tên là Quán Thế Âm? Danh vi Quán Thế Âm?

Bậc diệu tướng từ tôn Cụ Túc Diệu Tướng Tôn
Trả lời Vô Tận Ý: Kệ đáp Vô Tận Ý:
hạnh nguyện Quán Âm Nhữ thính Quán Âm hạnh
Dáp ứng được muôn nơi. Thiện ứng chư phương sở.

Phương sở là những địa phương khác nhau. Hành động của Quán Âm gọi là Quán Âm hạnh, đáp ứng được với tất cả các phương sở, không phải chỉ đáp ứng được nhu yếu của một nơi, mà đáp ứng được nhu yếu của tất cả mọi nơi.

Lời thề rộng như biển Hoằng thệ thâm như hải
Vô lượng kiếp qua rồi Lịch kiếp bất tư nghị
Đã theo ngàn muôn Bụt Thị đa thiên ức Phật
Phát nguyện lớn thanh tịnh. Phát đại thanh tịnh nguyện.

Lời nguyền của Bồ Tát này sâu như biển cả, tại vì Ngài đã trải qua vô lượng kiếp, đã gần gũi học hỏi với muôn triệu vị Bụt và đã phát đại nguyện độ đời rất thanh tịnh.

Đây nói sơ lược thôi: Ngã vị nhữ lược thuyết:
Ai nghe danh thấy hình Văn danh cập kiến thân
Mà tâm sanh chánh niệm Tâm niệm bất không quá
Thì thoát khổ mọi cõi. Năng diệt chư hữu khổ.

Chữ hữu ở đây có nghĩa là cõi nước, như trong danh từ tam hữu, ba cõi, là Dục, Sắc và Vô sắc. Nếu người nào nghe được danh hiệu Quán Thế Âm hoặc thấy được hình dáng Ngài mà tâm hồn không lơ là, có một chút chánh niệm, có một chút chú ý thì đã có khả năng diệt trừ những đau khổ của các cõi. Không quá có nghĩa là đi qua một cách luống uổng, không lợi ích gì. Ví dụ khi đi qua rừng trầm hương mà mình không thấy được cây trầm nào hết thì gọi là không quá.

Nếu có ai ác ý Giả sử hưng hại ý
Xô vào hầm lửa lớn Thôi lạc đại hỏa khanh
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lñc
Hầm lửa biến hồ sen. Hỏa khanh biến thành trì. 

Hỏa khanh là hầm lửa, trì là cái ao, cái hồ. Nếu ai có ác ý xô mình xuống một hầm lửa, thì nhờ niệm lực Quán Thế Âm, hầm lửa đó tức khắc biến thành một hồ sen. Chúng ta nên biết rằng con người nhiều khi sống trong hầm lửa, ngồi trên đống than hồng, ngọn lửa của phiền não, của tham sân đốt cháy trong lòng, không khác gì ta đang ngồi trong hầm lửa. Nếu có chất liệu của tình thương ở trong trái tim thì tất cả những ngọn lửa đó đều tắt, và tự nhiên mình thấy được mát mẻ như đang ngâm mình trong một hồ sen. Chuyện này nhiều người đã được thực chứngVì vậy mà chỉ cần niệm Quán Thế Âm, chỉ cần làm sao để tình thương có mặt trong trái tim của ta, là hầm lửa trong ta sẽ tắt ngấm, và tự nhiên ta được bơi lội trong một hồ sen. Niệm bỉ Quan Âm lực, Niệm ở đây là chánh niệm, tức là nhớ tưởng tới, đem sự có mặt của Quán Thế Âm (sự có mặt của tình thương) về trong trái tim ta. Đó là Pháp niệm Bụt. Quán Âm lực là sức mạnh, là thần lực của đức Quán Thế Âm, The power of Mindfulness. Khi tâm của mình thực hiện chánh niệm về Quán Thế Âm, khi mình đã bắt được làn sóng đó, thì tự nhiên có sự có mặt của năng lượng Quán Thế Âm trong tâm mình. Chánh niệm là một sức mạnh rất lớn cho nên mình gọi là Niệm lực. Do đó Niệm bỉ Quan Âm lực nghĩa là có chánh niệm về cái thần lực của đức Quán Thế Âm, mà mình đã dịch đơn giảndùng sức mạnh Quán Âm.

Đang trôi giạt đại dương Hoặc phiêu lưu cự hải
Gặp nạn Rồng, Quỷ, Cá Long ngư chư quỷ nạn
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lực
Sóng gió không nhận chìmBa lãng bất năng một.

Nếu bị trôi giạt trong biển cả và nếu có xảy ra những tai nạn lớn như các loài rồng, quỉ, cá mập làm hại, và nếu chúng ta dùng niệm lực Quán Thế Âm thì sóng gió sẽ không làm ta chìm đắm. Điều này cũng có thật, tại vì nếu hoảng sợ thì chính chúng ta tự làm đắm chiếc thuyền của chúng ta. Còn nếu an tĩnh, có định lực thì chúng ta biết nên làm gì và không nên làm gì, cho nên sóng gió không làm đắm thuyền của chúng ta được.

Đứng chóp núi Tu Di. Hoặc tại Tu Di phong
Bị người ta xô ngã Vi nhơn sở thôi đọa
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lực
Như mặt trời trên không. Như nhật hư không trú.

Đây là một hình ảnh rất đẹp. Nếu ta đứng ở đỉnh núi Tu Di mà có một người đứng sau lưng, xô chúng ta ngã xuống, thì nguy hiểm không cùng. Nhưng nếu dùng niệm lực Quán Thế Âm thì chúng ta sẽ đứng lơ lửng trong hư không như là mặt trời. Như Nhật hư không trú, đó là một hình ảnh rất tuyệt vời, không có gì động tới mình được, mình không bị sa ngã, rớt rụng được. Khi có tình thương ở trong trái tim rồi thì dù mình đang ở vào tình trạng khó khăn giống như đứng ở đỉnh núi Tu Di, và bị người khác dẫn dụ, lôi kéo, xô đẩy vào vực thẳm, vào đường tội lỗi, thì mình cũng sẽ vững chãi như mặt trời trong hư không, chẳng hề bị lay chuyển, sa ngã. Có một năm làm thiệp chúc Tết, Làng Mai đã dùng năm chữ Như Nhật Hư Không Trú để chúc mừng năm mới cho mọi người.

Bị người dữ đuổi chạy Hoặc bị ác nhân trục
Rơi xuống núi Kim Cương Đọa lạc Kim Cang sơn
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lực
Không hao một mảy lông. Bất năng tổn nhất mao.

Bị oán tặc vây hãm Hoặc bị oán tặc nhiễu
Cầm đao thương sát hại Các chấp đao gia hại
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lực
Oán tặc thấy thương tình. Hàm tức khởi từ tâm

Nếu bị những oán tặc vây hãm, cầm dao, cầm kiếm định làm hại mình, nếu mình dùng niệm lực Quán Thế Âm thì tất cả đều phát khởi lòng thương.

Bị khổ nạn vua quan Hoặc tao vương nạn khổ
Sắp sửa bị gia hình Lâm hình dục thọ chung
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lực
Đao kiếm gãy từng khúc. Đao tầm đoạn đoạn hoại.

Nếu bị chính quyền bắt bớ một cách oan ức và đem ra hành hình, mà dùng niệm lực Quán Âm, thì quan quân sẽ không xử trảm mình được, và lúc đó đao kiếm sẽ gãy ra từng khúc.

Nơi tù ngục xiềng xích Hoặc tù cấm già tỏa
Chân tay bị gông cùm Thủ túc bị nữu giới
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lực
Được tháo gỡ tự doThích nhiên đắc giải thoát.

Nếu bị bắt, bị tra tấn, bị tù đày mà biết dùng niệm lực Quán Âm thì sẽ tháo gỡ được những thứ đó và sẽ được giải thoát, tự do.

Gặp thuốc độc, trù, ếm Chú trớ chư độc dược
Nguy hại đến thân mình Sở dục hại thân giả
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lực
Người gây lại gánh chịu. Hoàn trước ư bổn nhơn.

Người ta dùng thuốc độc, dùng những phép trù, phép ếm để mong hại mình, nếu mình dùng niệm lực Quán Âm thì những thứ độc dược đó trở lại làm hại người chủ xướng. Đây là một đoạn kinh mà khi đọc tới tôi không thích lắm. Cố nhiên khi mình có ác tâm thì chính mình sẽ là người phải gánh chịu cái ác tâm đó. Có ác tâm thì khi chưa làm, trong người mình đã bị các độc tố tham sân si làm cho đau khổ rồi. Khi đã làm, thì cố nhiên gây nhân nào sẽ chịu quả đó. Nhưng đứng trên phương diện từ bi mà nói thì khi niệm Quán Thế Âm, mình có lòng thương ở trong trái tim của mình, thì mình chỉ muốn bản thân mình thoát khỏi cái nạn đó thôi, chứ mình không muốn thuốc độc hay những phép trù ếm trở lại làm hại tác giảVì vậy tôi nghĩ mình nên chữa lại đoạn kinh này. Đã đành rằng hại nhân thì nhân hại, đó là theo đúng luật nhân quả, nhưng nếu niệm Quán Thế Âm thì lòng từ của Quán Thế Âm sẽ cứu mình và cứu luôn cả người đó, làm cho họ mở mắt ra, để lần sau họ không còn làm như vậy nữa.

Gặp La Sát hung dữ Hoặc ngộ ác La Sát
Rồng độc và quỷ ác Độc long chư quỷ đẳng
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lực
Hết dám làm hại ta. Thời tất bất cảm hại.

Gặp ác thú vây quanh Nhược ác thú vi nhiễu
Nanh vuốt thật hãi hùng Lợi nha trảo khả bố
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lực
Đều vội vàng bỏ chạy. Tật tẩu vô biên phương.

Rắn độc và bò cạp Ngoan xà cập phúc yết
Lửa khói un hơi độc Khí độc yên hỏa nhiên
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lực
Theo tiếng tự lui về. Tầm thanh tự hồi khứ.

Những loài rắn độc và bò cạp, những hơi độc, chất khói xuất hiện để hại mình, khi niệm lực Quán Thế Âm thì tất cả những thứ đó đều nghe theo tiếng niệm và tự trở về nơi xuất xứ của chúng.

Sấm sét, mây, điện, chớp Vân lôi cổ xiết điện
Mưa đá tuôn xối xả Giáng bạc chú đại vũ
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lực
Đều kịp thời tiêu tánỨng thời đắc tiêu tán.

Đây là phần nói về những tai nạn do thiên nhiên gây ra. Sấm, sét, lụt lội, mưa đá, bão bùng. Khi những thứ đó xuất hiện và nếu mình an trú trong niệm lực Quán Thế Âm thì tâm ta an tĩnh, đạt được sự vô úy, và những thứ đó sẽ kịp thời tiêu tán, không làm ta sợ hãi nữa.

Chúng sanh bị khốn ách Chúng sanh bị khổn ách
Vô lượng khổ bức thân Vô lượng khổ bức thân
Trí lực mầu Quán Âm Quán Âm diệu trí lực
Cứu đời muôn vạn cách. Năng cứu thế gian khổ.

Chúng sanh bị muôn vàn những khổ ách, và những khổ ách đó thường trực bức bách hình hài của mình, nhưng trí lực mầu nhiệm của đức Quán Thế Âm có thể cứu khổ được cho cả cõi đời.

Trí phương tiện quảng đại Cụ túc thần thông lực
Đầy đủ sức thần thông Quảng tu trí phương tiện
Mười phương trong các cõi Thập phương chư quốc độ
Không đâu không hiện thân. Vô sát bất hiện thân.

Quán Thế Âm đã thực hiện được tam muội Hiện-nhất-thiết pháp-thân, với trí tuệ rất sâu sắc, với phương tiện rất rộng rãi, cho nên ở tất cả các cõi trong mười phương thế giới, không có cõi nào mà Ngài lại không hiện thân. Sát ở đây nghĩa là cõi.

Những nẻo về xấu ác Chủng chủng chư ác thú
Địa ngục, quỷ, súc sinh Địa ngục, quỷ, súc sanh
Khổ sanh, lão, bệnh, tử Sanh, lão, bệnh, tử, khổ
Cũng từ từ dứt sạch. Dĩ tiệm tất linh diệt.

Chủng chủng nghĩa là nhiều loại khác nhau; chư ác thú là những nẻo đường ác độc, tức là những đường đưa về địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ác là dữ, thú không phải là loài vật mà là những đường đi, những nẻo về. Trong ý thức của mình có những nẻo đi và đường về rất là vực thẳm, mà cũng có những nẻo về rất thênh thang. Không phải chỉ dùng hai chân mới đi được, mình có thể đi bằng cái tâm của mình. Nếu không được điều phụchộ trì, thì tâm mình thường dẫn mình đi theo con đường địa ngục, ngạ quỷ hoặc súc sanh. Đi về nẻo của Thiên, Nhân, A-tu-la thì đỡ hơn. Dĩ tiệm tất linh diệt, tiệm là từ từ; linh diệt là làm cho nó mất đi. Như vậy, khi niệm và đưa hình bóng của Quán Thế Âm ngự trong trái tim mình, thì tự nhiên những nẻo về tối tăm của tâm sẽ tiêu tan từ từ, và ánh sáng chánh niệm sẽ mở cho chúng ta những con đường quang đãngChúng ta nên biết rằng tâm của chúng ta nhiều khi dong ruổi trong những nẻo đường rất hôn mê, rất đen tối. Có ý muốn tự tử, hay có ý muốn giúp người, đó đều là những nẻo về của ý. Niệm Quán Thế Âm là một trong những phương pháp điều phụchộ trì tâm, để tâm ta đừng đi về những nẻo đường tăm tối như vậy. Niệm Quán Âm một thời gian, từ từ những nẻo về tăm tối đó của tâm ý sẽ dứt sạch, đó gọi là dĩ tiệm tất linh diệt. Đây là một phương pháp chữa trị rất hữu hiệu của khoa tâm lý trị liệu.

Quán Chân, quán Thanh Tịnh Chân quán, thanh tịnh quán
Quán Trí Tuệ rộng lớn Quảng đại Trí Tuệ quán
Quán Bi và quán Từ Bi quán cập Từ quán
Thường nguyện,thường chiêm ngưỡng. Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.


Đây là năm phép Quán có liên hệ đến danh từ Quán Thế Âm. Niệm Quán Thế Âm đúng theo phương pháp chính thống, thì lúc niệm ta phải thực tập năm phép quán nói trên.

Chân quán tức là quán về sự thật, nhìn rõ để thấy được sự thật, không bị vọng tưởng chi phối, không bị những cái vỏ, cái hình thái dối gạt bên ngoài làm cho mình mờ mắt. Dùng cặp mắt quán chiếu để thấy được bản chất của sự vật thì gọi là quán chân.

Quán thanh tịnh là phép quán có thể mang lại cho mình sự bình lặng, sự trong sáng của tâm hồn. Nó chuyển hóa, lấy đi những hắc ám, tối tăm và bụi bặm của tâm hồn thì gọi là quán thanh tịnh.
Quảng đại trí tuệ quán tức là quán về trí tuệ lớn (MahẠprajựẠpẠramitẠ) nghĩa là quán về Bát Nhã Ba La Mật. Ở đây có nghĩa là quán về Không (ệũnyatẠ). MahẠprajựẠ là Đại Bát NhãQuảng đại là đại; trí tuệBát Nhã, cho nên Quảng đại trí tuệ quán là quán về Không.

Bi quán cập Từ quán. Bi tiếng Phạn là KaruẾẠ, Từ là Maitrĩ. Đó là bản chất của Quán Thế Âm. Khi ta niệm Quán Thế Âm thì trong tâm ta có những chất liệu Từ và Bi. Nếu có những chất liệu đó thì chắc chắn sự chuyển hóa sẽ tới. Đây không phải là vấn đề tín ngưỡng hay mê tín. Thường nguyện thường chiêm ngưỡng tức là ta phải luôn luôn tâm nguyệnchiêm ngưỡng năm phép quán đó. Chiêm ngưỡng ở đây tiếng Anh là Contemplation.

Quán Vô Cấu, Thanh Tịnh Vô Cấu Thanh Tịnh quán
Mặt trời Tuệ phá ám Tuệ nhật phá chư ám
Điều phục nạn, gió, lửa Năng phục tai phong hỏa
Chiếu sáng khắp thế gianPhổ minh chiếu thế gian.

Vô cấu (Vimala) có nghĩa là không dơ bẩnTuệ nhật phá chư ám, là mặt trời của trí tuệ phá tan tất cả những màn hắc ám; Năng phục tai phong hỏa là điều phục được những thiên tai gió lửa. Năm phép quán đó có tính cách vô cấu, thanh tịnh. Đó là một mặt trời trí tuệ, có khả năng phá tan những bức màn hắc ám, điều phục được tất cả các tai nạn gió, lửa, và chiếu sáng khắp cùng thế gian. Đó là thần lực của năm phép quán.

Tâm Bi như sấm động Bi thể giới lôi chấn
Lòng Từ như mây hiền Từ ý diệu đại vân
Pháp cam lộ mưa xuống Chú cam lồ pháp vũ
Dập trừ lửa phiền não. Diệt từ phiền não diệm.

Bi thể tức là cái chất liệu của lòng Bi, giống như tiếng sấm động. Đại Bi Quán Thế ÂmQuán Thế Âm có lòng thương rất lớn. Ở đây chúng ta thấy một hình ảnh rất đặc thù. Lòng thương thường được so sánh với một cái gì rất dịu hiền, nhưng ở đây lòng thương được so với tiếng sấm động. Chúng ta nhớ ở kinh Duy Ma, sự im lặng có khi được xem là sự im lặng sấm sét, im lặng nhưng có hùng lực và hiệu năng rất lớn. Ở đây lòng thương được ví với sấm động, tại vì lòng thương là một năng lượng tích cực. Không phải thương rồi chảy nước mắt và không làm gì hết. Tâm bi không phải là một thứ năng lượng thương xót tiêu cựcSức mạnh của tâm bi hùng vĩ như sức mạnh của sấm chớp. Lòng từ ở đây được diễn tả dưới hình thái của các trận mưa (Từ ý diệu đại vân) để cho tất cả mọi loài đều được thấm nhuần chất nước cam lộ đó. Đây là những hình ảnh rất thi caThế gian của chúng ta như một đám cháy. Trong ta, mỗi người là một đám cháy, chúng ta đang cháy từ trong ra ngoài. Chúng ta là một thân cây đứng trong một khu rừng đang bốc cháy, và lòng từ bi của Quán Thế Âm như là những đám mây hiền, với sự tác động của sấm sét, những đám mây đó biến thành mưa để chữa trị những đám cháy trên thế gian, và làm cho cây cối mọc lên xanh tươi.

Nơi án tòa kiện tụng Tránh tụng kinh quan xứ
Chốn quân sự hãi hùng Bố úy quân trận trung
Niệm sức mạnh Quán Âm Niệm bỉ Quán Âm lực
Oán thù đều tiêu tán. Chúng oán tất thối tán. 

Vào các phiên tòa kiện tụng hay ra nơi trận mạc đầy bom đạn, nếu chúng ta biết sử dụng niệm lực Quán Thế Âm, thì tất cả những oán thù và tai nạn kia đều có thể vượt qua.

Tiếng Nhiệm, tiếng Quán Âm Diệu âm, Quán Thế Âm
Tiếng Phạm, tiếng Hải Triều Phạm âm, hải triều âm
Tiếng Vượt Thoát Tiếng Đời Thắng bỉ thế gian âm
Hãy nên thường quán niệmThị cố tu thường niệm.

Đây là những câu rất hay trong Kinh Phổ Môn. Năm phương pháp Quán kể trên là năm phép quán nói về chữ đầu trong danh hiệu của Bồ Tát: Quán. Ở đây kinh nói về năm chữ Âm, tức là nói về năm loại âm thanhliên hệ tới Bồ Tát Quán Thế Âm.

Trước hết là Diệu âmÂm thanh của vị Bồ Tát này là một âm thanh rất nhiệm mầu, rất vi diệuQuán Thế Âmâm thanh do sự quán chiếu về cuộc đời mà được thể hiện ra. Ngài là một con người có đủ định lực, có đủ tình thương và nhất là có đủ thì giờ để nhìn vào cuộc đời, quán chiếu về cuộc đời mà hiểu được cuộc đời. Đó là tiếng nói của người hiểu biết. Không có thì giờ để nhìn, để hiểu thì không thể có tiếng nói của người hiểu biết.
Tiếng Phạm có nghĩa là tiếng cao quý, ví dụ như Brahma-vihẠra tức là bốn phạm trú, bốn nơi cư trú rất sang trọng, rất cao quí, tiếng Anh là Noble Dwellings. Bốn phạm trú đó là Từ, Bi, Hỉ và Xả. Bốn cư xá này là bốn cư xá số một, mình nên tìm đến đó để cư trú cho hạnh phúc, cho thảnh thơi.

Tiếng hải triều là tiếng sóng biển. Pháp âm của Bồ Tát được ví với tiếng hải triều, hùng mạnh và có khả năng lấn át hết tất cả các tiếng rì rào, than khóc.
Thắng bỉ thế gian âm là tiếng vượt lên trên tất cả các thứ tiếng khác của thế gian, ví dụ như tiếng của danh, của lợi, tiếng của quyền hành, của tranh chấp, của đảng phái. Tất cả các thứ tiếng đó đều bị tiếng của Bồ Tát vượt lên và chế ngự.

Chúng ta thấy có hai bức tranh, một về Quán và một về Âm, tên của Bồ Tát. Tám câu kệ nghe như hai câu đối, rất tương xứng. Về quán, ta có năm phép, về âm thanh ta cũng có năm loại:

Chơn quán, Thanh Tịnh quán, Quảng Đại Trí Tuệ quán, Bi quán, cập Từ quán
Diệu âm, Quán Thế Âm, Phạm âm, Hải triều âm, Thắng Bỉ Thế gian âm.

Từng niệm không nghi ngờ Niệm niệm vật sanh nghi
Trong ách nạn khổ chết Quán Thế Âm tịnh thánh
Quán Âmtịnh thánh Ư khổ não tử ách
Là nơi cần nương tựa. Năng vị tác y hộ.
Nghĩa là hãy tiếp tục quán niệm và đừng sanh tâm nghi ngờ, tại vì bậc thánh thanh tịnhQuán Thế Âm kia, thường hiến mình làm nơi nương tựa cho chúng sanh trong mọi trường hợp khi họ gặp tai ách, khổ nạn, và sự chết chóc.

Đầy đủ mọi công đức Cụ nhất thế công đức
Mắt thương nhìn thế gian Từ nhãn thị chúng sanh
Biển Phước chứa vô cùng Phước tụ hải vô lượng
Nên ta cần đảnh lễThị cố ưng đảnh lễ.

Bồ Tát có đầy đủ công đức, đem con mắt thương yêu để nhìn mọi ngườiTừ nhãn thị chúng sanh là năm chữ rất tuyệt diệu, ta chỉ cần làm được chừng đó là đã có hạnh phúc tràn trề rồi. Đem con mắt thương để nhìn thì chẳng những người kia được hưởng hạnh phúc, mà chính trái tim của mình cũng được thấm nhuần những ngọt ngào của tình thương. Ta hãy nhìn chúng sanh bằng con mắt từ bi chứ đừng đợi chúng sanh nhìn mình bằng con mắt có thiện cảm! Biết nhìn mọi loài bằng con mắt từ bi thì không chóng thì chầy, mọi loài sẽ học được phương pháp đó, và sẽ biết nhìn lại mình bằng con mắt từ bi. Phước tụ hải vô lượng tức là phước đức dồn về và sẽ lớn như biển cả, không thể nào đo lường được. Thị cố ưng đảnh lễvì vậy cho nên chúng ta hãy cúi đầu đảnh lễ vị Bồ Tát đã thành Bụt từ lâu đó.

Rất tiếc là mình chưa có dịp để dịch lại toàn văn kinh Pháp Hoa, nếu dịch lại thì sẽ dễ đọc hơn nhiều.

Bây giờ ta trở về phần trường hàng kế tiếp của phẩm này.

Lúc đó Bồ Tát Trì Địa (DhẠranỉndhara Bodhisattva) từ chỗ ngồi, đứng dậy và thưa với Bụt rằng: Lạy đức Thế Tôn, nếu có người nào nghe được phẩm kinh nói về Bồ Tát Quán Thế Âm này mà thấy được cái sự nghiệp tự do của Ngài, thấy được cái năng lực thực hiện thần thông của Phổ Môn, thì công đức của người đó không phải là ít. Như vậy, người nào được nghe Phẩm Pháp Hoa này, thì người đó đã có công đức rất nhiều. Nghe được Kinh Phổ Môn tức là đã tiếp xúc được với Bồ Tát Quán Thế Âm. Đó là lời tuyên bố của vị Bồ Tát tên là Trì Địa.

Trì Địa là một vị Bồ Tát rất ưa lao động. Hai bàn tay của Ngài thường dính đất, ưa làm vườn, ưa bắc cầu, ưa đào giếng. Nghe nói rằng, hồi Bụt Thích Ca lên thăm mẹ ở cung trời Đao Lợi thì Bồ Tát Trì Địa đã đắp đường cho Bụt đi. Ngài là một vị kiến trúc sư, một kỹ sư. Trì là bảo vệ, duy trì, địa là trái đất, tiếng Anh là Earth Holder. Những người bảo vệ môi sinh, tranh đấu để giữ gìn cho sinh môi trái đất, đều là liên minh của Bồ Tát Trì Địa. Đây là một vị Bồ Tát chuyên giữ gìn trái đất cho chúng ta, chúng ta cần phải liên minh với Ngài để bảo trì nguyên vẹn trái đất này lại cho con cháu. Bồ Tát Trì Địa còn bắt cầu, đắp đường để đưa người ta lại với nhau. Nếu có những người, những nhóm người bị chia rẽ, kẻ ở đầu sông người ở cuối, thì Bồ Tát làm một chiếc cầu đưa họ tới gần với nhau, để ký những hiệp ước hòa bình. Thế giới của chúng ta rất cần Bồ Tát Trì Địa.

Nói đến đây thì tôi nhớ rằng Bồ Tát Địa Tạng (KỒitigarbha Bodhisattva) cũng phải được đưa vào trong Hạnh môn của kinh Pháp Hoa, vì Ngài là người có đại nguyện tìm đến những nơi đen tối nhất, u ám nhất, khổ đau nhất. Những nơi đó là địa ngụcLời nguyện của Bồ Tát Địa TạngĐịa ngục vị không, thệ bất thành Phật, là chừng nào địa ngục còn có người, thì tôi nguyện còn phải đi tới và nguyện chưa an hưởng quả vị của một đức Bụt. Bồ Tát Địa Tạnghiện thân cho đại nguyệnĐại Nguyện Địa Tạng Vương là một người luôn luôn thao thức muốn đi vào những nơi còn khổ đau, còn tăm tối. Chúng ta biết rằng địa ngục không ở đâu xa, chỉ cần đưa tay ra là chạm địa ngục ngay, và đôi khi khỏi cần phải với tay ra bên ngoài, địa ngục cũng có ngay ở trong ta! Vì vậy đem ánh sáng của tình thương, của hiểu biết tới với khổ đau là lời đại nguyện của Bồ Tát Địa Tạng. Trong 14 giới Tiếp Hiện có một giới nói về chủ đề này: Hãy tìm tới những kẻ khổ đau, đừng nhắm mắt trước khổ đau, đừng đánh mất ý thức về khổ đau của cuộc sống. Hãy phổ biến những pháp thoại qua băng Video và băng Audio để giúp cho mọi người bớt khổ.

Muốn cho kinh Pháp Hoa được hoàn mỹ, chúng ta có thể thêm vào một phẩm Bồ Tát Địa Tạng, đồng thời phát triển thêm phẩm Bồ Tát Trì Địa. Cố nhiên ở trong kinh Pháp Hoa chúng ta đã có Bồ Tát Phổ Hiền, Ngài cũng đã thành Bụt lâu rồi, nhưng vẫn đóng vai Bồ TátĐịa vị của Phổ Hiền ở trong kinh Hoa Nghiêm rất lớn, vì vậy cho nên đến kinh Pháp Hoa chúng ta không được đọc nhiều về Bồ Tát Phổ Hiền nữa.

Tôi nghĩ Bồ Tát Phổ Hiền cần được đề cập đến nhiều hơn trong kinh này, tại vì Bồ Tát Phổ Hiền là một người tượng trưng rất nhiều cho Hạnh môn, và Hạnh môn của Bồ Tát Phổ Hiền có tới mười điểm. Nói tới Hạnh môn thì phải nói tới Phổ Hiềnchúng ta thường xưng tụng Phổ HiềnBồ Tát Đại Hạnh, thành ra sự có mặt của Bồ Tát Phổ Hiền trong phần Hạnh môn rất là quan trọng.
Phật tử Việt-nam ai cũng thuộc mười hạnh của Phổ Hiền, vì bài Hồi Hướng có nhắc đến mười hạnh đó:

1. Nhất giả lễ kính chư Phật: Nghĩa là mình phải tỏ lòng tôn kính đối với bậc giác ngộ.

2. Nhị giả xưng tán Như Lai: Phải khen ngợi Như Lai. Khen bằng nhiều cách, không phải bằng lời mà là bằng hành động.

3. Tam giả quảng tu cúng dường: Phải thực hiện việc cúng dường, hiến tặng. Cúng dường chúng sanhcúng dường Bụt.

4. Tứ giả sám hối nghiệp chướng: Phải sám hối, luôn luôn phải đổi mới.

5. Ngũ giả tùy hỉ công đức: Hễ ai làm được một việc gì tốt, thành công và có niềm vui là mình phải vui theo, phải yểm trợ hết lòng.

6. Lục giả thỉnh chuyển Pháp luân: Người nào có khả năng làm giáo thọ, mình phải yễm trợ và cầu họ đi giảng dạy, đừng bắt họ ở ru rú trong chùa. Những vị Bụt thành đạo chúng ta phải tới cầu xin các vị đi thuyết pháp, đừng có vì những khó khăn mà không thuyết pháp. Nghe nói Bụt Thích Ca sau khi thành đạo đã có lúc không muốn đi thuyết pháp vì Ngài thấy giáo pháp thì khó, mà chúng sanh thì căn trí không được lanh lợi cho lắm. Không biết có đúng vậy không, có thể Ngài đã thị hiện ra như vậy để chúng sanh phải thỉnh cầu, nhờ vậy mà thấy được rằng Pháp là quí giá. Khi nào mình thấy một vị Bụt xuất hiện, thì mình phải thỉnh cầu vị Bụt đó chuyển Pháp luân, nghĩa là đi thuyết pháp hoằng hóa độ sanh. Nếu thấy một người nào có khả năng thuyết pháp, mình cũng phải thỉnh cầu người đó đi thuyết pháp.

7. Thất giả thỉnh Phật trụ thế: Là thỉnh Bụt ở lại lâu trong cõi đời để giáo hóa độ sanhBồ Tát Phổ Hiền là người chuyên đi làm những việc này. Thấy ở cõi nào có Bụt sắp nhập diệt thì Ngài đến khẩn khoản xin Bụt lưu lại thêm một thời gian nữa để cứu độ chúng sanh.

8. Bát giả thường tùy Phật học: Nghĩa là tinh chuyên theo học với Bụt. Đừng nói rằng Bụt còn đó, lúc nào mình đến học cũng được. Nay bận công việc, thôi để đến mai, hoặc năm nay mình kẹt, sang năm chắc chắn mình sẽ thu xếp để đi học. Đó không phải là hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền; hạnh của Bồ Tát là nơi nào có Bụt giảng dạy, là nơi đó có Ngài đến học hỏi.

9. Cửu giả hằng thuận chúng sanh: Mình phải đi theo với chúng sanh, đi theo với mọi người để hành đạo, để giúp đỡ, để điều phục chứ đừng trốn họ. Tu không phải chỉ là tiếp thu vào trong ngũ uẩn của mình, mà phải đưa tay ra, phải tiếp xúc với chúng sanh, phải thấy được rằng những đau khổ, thao thức và ước mơ của chúng sanh là những đau khổ, thao thức và ước mơ của chính mình. Phải tìm đủ mọi cách để đưa họ đi trên con đường tu họcchuyển hóa như mình, đó gọi là hằng thuận chúng sanh.

10. Thập giả phổ giai hồi hướng: Khi thực hiện được một điều gì, học được một cái gì, trồng được một cây gì, làm được một điều gì trong ngày, mình đều nói rằng, cái đó là để cho hạnh phúc chung, để cho sự giác ngộ chung, chứ không phải mình đã làm việc đó riêng cho mình. Học kinh Pháp Hoa không phải là học riêng cho mình mà là học cho tất cả mọi người. Rửa một cái nồi, không phải chỉ rửa riêng cho mình, chỉ chuyển hóa riêng nội tâm của mình, mà làm cho mọi người và mọi loài. Bước một bước chân tỉnh thức là bước cho tất cả nhân loại, tại vì nếu có lòng từ, lòng bi, có định, có tuệ thì bước chân đó sẽ làm lợi cho mọi loài hữu tình. Đừng nghĩ rằng học như vậy là học riêng cho mình, tu như vậy là tu riêng cho mình. Mình phải biết hồi hướng, tiếng Anh là Transferring the merits to all beings. Mình không có trương mục riêng, tất cả những công phu tu tập của mình đều đưa vào một trương mục mà ai cũng có thể sử dụng được hết, tu như vậy mới đúng là tu theo tinh thần của Bồ Tát Phổ Hiền.
Bồ Tát Quán Thế Âm xuất hiện trong hội Pháp Hoa như là một trang nam tử. Nhưng trong những hình thái tôn thờ ở nhiều nước Á Đông, thì chúng ta lại thấy Bồ Tát Quán Thế Âm xuất hiện dưới hình thức một phụ nữ. Điều này cũng dễ hiểu, vì phụ nữ có thể tượng trưng được tình thương một cách tự nhiên, dễ dàng hơn nam giới. Hơn nữa, trong kinh có nói rất rõ rằng Bồ Tát Quán Thế Âmtình thương, và Ngài có thể trao tặng tình thương đó dưới nhiều hình thái khác nhau. Vì vậy mà tôn thờ và hình dung Bồ Tát Quán Thế Âm dưới hình thức một phụ nữ, là một chuyện rất tự nhiên, rất hợp lý.

Chùa Bút Tháp ở miền Bắc Việt-nam có một tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nghìn tay, nghìn mắt rất đẹp. Nghìn cánh tay có nghĩa là hoạt động nhiều cách. Tình thương phải được thể hiện ra bằng nhiều cách. Đối với những người không quen với ngôn ngữ điêu khắc của Phật giáo, thì họ sẽ lấy làm lạ khi thấy một vị tượng có nhiều tay quá. Nhưng đối với chúng ta thì đó là một hình ảnh dễ hiểu, tại vì khi thương ai, ta muốn nâng đỡ, muốn giải quyết khổ đau giùm cho người ấy, và khi có nhiều người khổ đau quá thì ta phải có mặt ở nhiều nơi, và ta phải có nhiều cánh tay để giúp đỡ.

Tinh thông nghìn mắt nghìn tay,
Cũng trong một điểm Linh đài hóa ra.

Đó là hai câu thơ ở trong tác phẩm Nam Hải Quán Âm bằng chữ nôm. Hai câu đó chứng tỏ rằng tình thương phải được thực hiện bằng hành động. Nói suông rằng tôi thương anh lắm thì không giúp được gì, vì vậy mà phải có cánh tay. Cánh tay để vươn tới. Thành ra trong Bồ Tát Quán Thế ÂmBồ Tát Phổ HiềnPhổ Hiềnđại hạnh, là hành động lớn. Do đó chúng ta thấy cái chân lý của Hoa Nghiêm đã thấm nhuần tất cả mọi hình ảnhBồ Tát Quán Thế Âm mang cánh tay của Bồ Tát Phổ Hiền.

Nghìn mắt cần thiết cho nghìn tay. Mắt là để thấy, để hiểu. Nhận thức mà dẫn tới hành động thì mới có kết quả, do đó vị tượng có nghìn tay thì phải có luôn nghìn mắt. Mà con mắt là tượng trưng cho Bồ Tát Văn Thù Đại Trí. Con mắt là để nhìn sâu, nhìn kỹ, để phát hiện ra sự thật, đó là tác dụng của thiền quánThiền quán nghĩa là nhìn cho thật sâu, cho thật kỹ để thấy được cái chân tướng của sự vật, vì vậy mà con mắt là tượng trương cho thiền quán (VipaỐyanẠ).

Khi nhìn kỹ Bồ Tát Văn Thù, mình cũng thấy có trái tim của Quán Thế Âm và cánh tay của Phổ Hiền, cho nên một vị Bồ Tát chứa đựng tất cả các vị Bồ Tát khác, đó là chân lý của Hoa Nghiêm.

Tinh thông nghìn mắt nghìn tay,
Cũng trong một điểm Linh đài hóa ra,
Xem trong biển nước Nam ta,
Phổ mônđức PhậtQuán Âm.

Hình tượng đã là như vậy thì sự hành trì cũng như vậy. Tại sao lại có một ngàn? Một ngàn chỉ là con số tượng trưng, một ý niệm về nhiều, nhiều lắm, Thiên thủ thiên nhãn

Vào dịp lễ kỷ niệm 2500 ngày Bụt nhập diệt ở New Delhi, Ấn độ, phái đoàn Việt-nam từ Hà nội có sang tham dự, và có thỉnh theo tượng đức Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn để cho các phái đoàn quốc tế thấy cái tác phẩm nghệ thuật đó của Việt-nam. Hồi đó đất nước mình còn chia làm hai, miền Nam đã gởi một phái đoàn, và miền Bắc một phái đoàn khác, và hai phái đoàn đã bí mật gặp nhauẤn độPhái đoàn miền Nam do Hòa thượng Huệ Quang lãnh đạo. Hồi đó Tổng hội Phật Giáo Việt-nam ở miền Nam có một tờ tạp chí chính thức gọi là tờ Phật Giáo Việt-nam, Hòa Thượng Huệ Quang làm chủ nhiệm, còn tôi là chủ bút. Trong khi lãnh đạo phái đoàn sang Ấn độ, Hòa Thượng bị đứt mạch máu và viên tịch tại bên đó. Ở nhà chúng tôi có ra một số báo đặc biệt để tưởng niệm cố Hòa thượng Chủ nhiệm Huệ Quang. Hồi đó phái đoàn miền Bắc có Hòa thượng Trí Độcư sĩ Lê Đình Thám, cùng một số các vị khác. Hai vị trên có công lớn trong việc chấn hưng đạo Bụt ở Việt-nam. Phái đoàn miền Nam có Luật sư Trần Thanh Hiệp đi làm thông ngôn. Tôi vẫn còn nhớ lúc anh Hiệp đến Phật học đường Nam Việt để mượn cuốn tự điển Anh Việt. Hồi đó ở Việt-nam tiếng Anh chưa được phổ biến lắm.

Vào chùa thấy tượng Quán Âm ngàn mắt ngàn tay, nếu quen với ngôn ngữ của điêu khắc Phật giáo thì chúng ta hiểu ngay đây là hình tượng để nói lên một thứ tình thương chân thật, được xây dựng bằng cái thấy, bằng sự quán chiếu, bằng hiểu biết do sự nhìn sâu. Đây là một thứ tình thương đích thực, không phải thứ thương suông bởi vì nó được thể hiện bằng những cánh tay. Khi hướng dẫn khách vào chùa, ta phải giải thích như vậy để họ có thể hiểu được, nếu không họ sẽ thắc mắc, vì mỗi nền văn hóa có một thứ ngôn ngữ riêng.

Đôi khi con mắt kia mình phải tìm mới thấy. Nhìn qua thì chúng ta chỉ thấy vị tượng có nhiều cánh tay thôi, nhưng nếu nhìn cho kỹ, ta sẽ thấy trong mỗi bàn tay có một con mắt. Bàn tay mà có con mắt là quan trọng lắm, bàn tay mà không có con mắt là nguy hiểm vô cùng. Hành động mà không đi theo sự hiểu biết thì sẽ đưa đến sự đau khổ cho người mình thương, chứ đừng nói người mình không thương. Ai cũng muốn đem lại hạnh phúc cho đất nước, cho đồng bào, cho nhân loại, cho các loài, nhưng cái tình thương không có sự hiểu biết thì chưa hẳn là tình thương và có thể gây đổ vỡ dù mình có đầy tràn thiện chíThiện chí chưa phải là tình thương, cái ý mu¯n thương chưa phải là thương. Khả năng thương là khả năng thấy và khả năng hiểu để hành động, vì vậy mà các nhà điêu khắc đã diễn tả tình thương rộng lớn của Bồ Tát Quán Thế Âm như cả ngàn cánh tay có con mắt trong mỗi bàn tay. Sự tu hành của mình, nói tóm lại, là để đặt vào trong lòng bàn tay của mình một con mắt. Chừng nào mình đặt được một con mắt vào lòng bàn tay của mình, thì lúc đó hành động của mình sẽ có an toàn. Bất cứ hành động nào của mình cũng sẽ đem lại hạnh phúc cho người và cho chính mình. Nếu chưa có con mắt ở trong lòng bàn tay, thì chúng ta phải cẩn thậnTu quán là để có con mắt tuệ, tuệ nhãn. Có tuệ nhãn thì dù muốn hay không cũng sẽ có từ bi, tại vì cái thấy sâu sắc đưa tới cái thương đích thực. Và tình thương không thể nào không biểu hiện bằng hành động.

Người hành giả như một máy thâu hình, hay máy thâu thanh, phải có những điều kiện mới có thể cảm ứng được với những luồng sóng truyền thanh hay truyền hình. Những đài phát thanh và phát hình luôn luôn có đó, nhưng mình phải có cái đồng thanh, đồng khí thì mới tương ứng và tương cầu được với những đài phát lớn. Bụt và các vị Bồ Tát là những đài phát thanh và phát hình lớn, luôn luôn có mặt ở trong vũ trụ, nhưng nếu cái máy thu của mình không hội đủ điều kiện, thì mình sẽ không bắt được những làn sóng đó, và mình nói rằng không có phát thanh, không có phát hình, không có làn sóng điện. Trong bài kệ kiến giải của Sư cô Như Phước, Sư cô nói rằng cái bí mật của hạnh phúc là sống cho trọn vẹn ngày hôm nay, và tiếp nhận được tình thương đến từ muôn loài. Tình thương đó có thật và đang đến, cũng tương tự như những làn sóng truyền thanh, truyền hình đang tới với mình luôn luôn, nhưng tại vì tâm mình bị bít lấp, cho nên mình không mở được cõi lòng để đón nhận tình thương đó. Không khí, hay là nước trong, những thứ này sẵn sàng có mặt đó cho mình, nhưng vì mình tự trốn tránh trong cái tháp ngà đau khổ của mình, cho nên mình không đón nhận được tình thương của không khí, của nước trong, của đám mây, của mặt trời, tất cả đều có ý muốn nuôi dưỡng, che chở cho mình. Bụt và Bồ Tát cũng vậy, đó là những sự có mặt rất thực tế mà không cần phải có một đức tin mới tìm thấy được, chỉ vì con mắt mình không mở ra, và chỉ vì trái tim mình khép kín lại, cho nên mình mới không nhận ra sự có mặt của các vị Bụt và Bồ Tát ở chung quanh mình đó thôi.

Có những vị Bụt và Bồ Tát không có tên tuổi, không được các đài truyền thanh, truyền hình, hay báo chí nhắc tới, nhưng họ có mặt ngay chung quanh chúng taTình thương của họ được thể hiện rất rõ ràng, họ là những Bồ Tát vô danh, có mặt khắp mọi nơi. Trong bước đường hành đạotây phương, thỉnh thoảng tôi có gặp những vị Bồ Tát như vậy. Họ là Bồ Tát lớn, nhưng không ai nhìn rõ họ để có thể nhận ra họ là những vị Bồ Tát lớn. Ví dụ ở Hòa lan có một phụ nữ, mới trông vào, mình không thấy gì đặc biệt cả, Bà tên là Hebe KolhbrỎgge. Bà đã giúp rất nhiều cho trẻ em ở Việt-nam. Trong đệ nhị thế chiến, bà đã tạo nơi ẩn náu cho rất nhiều người Do thái, và đã giúp di chuyển hàng chục ngàn người Do thái sang các nước khác để họ khỏi bị chết dưới bàn tay của người phát-xít. Một người có tâm địa và hành động như vậy, nếu ta không gọi là Bồ Tát thì gọi là gì nữa? Vậy mà Bà đã không có chứng minh thư, không có bằng tưởng lệ, chẳng có một giấy tờ gì để công nhận việc cứu độ chúng sanh của Bà. Tôi chỉ vì may mắn nên đã được gặp bà trên bước đường hành đạo. Bà sống rất đơn giản, đạm bạc và đã thực hiện được điều mà mình không ngờ một phụ nữ có thể đơn phương làm được. Trong thời gian làm việc chung, tôi thấy Bà vẫn tiếp tục giúp những người câm, người điếc ở trong các nước Xã hội chủ nghĩa một cách rất sốt sắng và âm thầm. Bà đã không mang danh là Phật tử, không mang một danh xưng nào hết. Mình phải có một trái tim rộng mở, phải đừng có thành kiến, mới nhận ra được những vị Bồ Tát có mặt chung quanh mình, ở cùng trong xã hội với mình. Hiện giờ tại các nước Tây phương cũng như Đông phương, có những người đang âm thầm làm việc để cứu trợ cho biết bao nhiêu người bệnh tật, nghèo đói, cùng khổ, đang bị áp bức. Họ làm những việc cứu trợ đó một cách rất im lặng. Nếu ta nhởn nhơ trong hoàn cảnh của ta, thì ta không thấy được sự có mặt của những người đó, và không biết đến những hoạt động rất lặng lẽ nhưng rất thực tế của họ. Họ không cần báo chí tường thuật, không cần đài phát thanh, phát hình đề cập đến, nhưng họ đã làm những việc như vậy từ mấy mươi năm nay, và vẫn tìm được niềm vui và sự an bình trong công tác hàng ngày.

Ở Huế có một Phật tử tên là bác Siêu. Bác tuy rất im lặng, nhưng vì bác đã làm việc xã hội lâu ngày quá, nên ở Thừa thiên không ai là không biết bác, và ai cũng nghĩ bác là một vị Bồ Tát. Bác làm việc rất âm thầm. Vốn liếng của bác chỉ là một chiếc xe đạp rất cũ. Vậy mà ở đâu Bác cũng đạp đến được, và bác đã giúp cho rất nhiều gia đình đơn bạc, nghèo đói, bệnh tật. Bác không có gia tài, nhưng bác có một trái tim, vì vậy mà bác đã có nhiều bạn hữu có thể giúp bác làm công việc từ thiện.

Năm 1964, trong một chuyến về Huế, tôi đã mời bác lên chùa Từ Hiếu để được chuyện trò và học hỏi những kinh nghiệm của bác. Hồi đó, tôi vừa thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, và nghĩ rằng mình sẽ thực hiện những công tác tình thương trên toàn quốc, có tính cách hệ thốngtỷ lệ lớn hơn bác Siêu. Đó là tại tôi nghĩ rằng mình đang làm theo phương pháp mới, mình đào tạo nhiều cán bộ cùng một lúc, và mình đã nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước, cho nên mình sẽ làm hay hơn bác. Trong khi ngồi nói chuyện với bác, tôi vẫn mang cái niềm tự tin rằng mình sẽ khoa học hóa và hệ thống hóa được công việc, và tôi muốn mời bác gia nhập vào trong công tác này.

Mục đích của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội không chỉ là công việc từ thiện, mà gồm cả công việc phát triển xã hộiPhong trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội là để giúp dân, giúp nước, chứ không phải là để làm từ thiện đơn thuần. Giúp dân, giúp nước là giúp cho chính mình. Sau khi nghiên cứu nhiều nơi, tôi trở về lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, nhằm bốn mục tiêu:

1. Giáo dục: Nông thôn có nhiều làng không có trường học và trẻ em lêu lổng, không có học vấn. Vì vậy công việc đầu tiên của một tác viên xã hội khi về làng, là tìm cách chơi với các em để dạy các em. Mình có thể chơi và dạy các em ở ngoài bờ sông hay dưới gốc đa. Khi số lượng các em lên đến hai ba mươi đứa, lúc trời mưa, mình kéo nhau vào xin tá túc ở nhà của một dân làng để tiếp tục việc học. Từ từ cái ý niệm xây một mái trường bằng tre và lá dừa phát sinh ra, và chính người tác viên đó sẽ đề nghị dân làng họp lại để làm ngôi trường đó cho làng. Đừng đợi chính quyền hay một sự giúp đỡ từ bên ngoài, vì đợi thì sẽ phải đợi hoài. Thanh niên phụng sự xã hội phải bắt đầu từ những cái gì mình có, từ những cái gì mình biết chứ không chờ đợi một sự viện trợ, dù sự viện trợ đó là từ chính quyền của nước mình.

2. Y tế: Thành lập một trạm y tế, dạy dân làng cách phòng ngừa tật bệnh, và tự thiết lập những nhà vệ sinh bằng xi-măng rẻ tiền. Dạy trẻ em ngăn ngừa những bệnh thông thường như bệnh cảm, sốt rét, bệnh đau mắt v.v...

3. Kinh tế: Làm sao cho sự sản xuất của dân làng tăng lên, ví dụ tìm cách tổ chức hợp tác xã; chỉ cho dân làng sử dụng phân bón đúng mức; cách chọn hạt giống; phương pháp trị liệu những chứng bệnh của cây cối mùa màng; tổ chức để dân làng có thể làm những tiểu công nghệ trong giờ rảnh rỗi để tăng thêm ngân sách gia đình; giúp cho dân làng biết phương pháp chăn nuôi gà, vịt mà không để chúng bị bệnh tật.
4. Tổ chức: Giúp dân làng tổ chức lại làng xã, công việc tương trợ, tại vì nếu không tổ chức lại đàng hoàng thì mình không thành công được.

Hồi đó với kiến thức, với kinh nghiệm như vậy, tôi nghĩ rằng, phong trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội sẽ là một hình thái hoạt động mới, và so với hình thái hoạt động cổ điển của bác Siêu thì nó phải tiến bộ hơn nhiều. Cho nên tôi có niềm tin rất lớn và tôi nghĩ rằng mình có thể làm hay hơn bác Siêu.

Trong lúc tiếp xúc, bác Siêu ngồi im lặng nghe những điều tôi trình bày. Sau đó bác cũng đồng ý tham dự trong khi bác vẫn tiếp tục con đường riêng của bác. Cho đến khi người Cộng sản lên nắm chính quyền, họ cấm hết tất cả các hoạt động của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, và họ bắt đầu bắt tác viên của trường, thì tôi mới nhận ra rằng cái phương pháp của bác Siêu rất là vô tướng. Bác vẫn tiếp tục công việc từ thiện như thường, vẫn với chiếc xe đạp cũ kĩ ọp ẹp đó, bác đi tới khắp hang cùng ngõ hẻm và vẫn làm được cái công việc mà ngày xưa tôi cho là không khoa học cho lắm.

Không ai ở Thừa thiên mà không biết cái hạnh nguyện, cái âm thầm lặng lẽ của bác. Bác Siêu là một vị Bồ Tát không có chứng minh thư, không có bằng tưởng lệ, và báo chí không nhắc tới. Nếu mở mắt ra, mở trái tim ra, mình sẽ tiếp xúc được với rất nhiều người như bác Siêu ở ngay trong đất nước của mình. Trong những con người đó, có chất liệu của Quán Thế Âm, và những người đó thực sự có niệm lực của Quán Âm. Nhờ thế mà họ mới trường kỳ công tác được như vậy, nếu không thì chỉ vài ba tháng là họ bỏ cuộc, họ chán nản. Vì vậy khi niệm đức Quán Thế Âm, phải thực tập sâu sắc mới có thể thành công được. Nếu cái máy thâu hình của mình hư, thì dù mình có bấm nút mấy trăm lần đi nữa, nó vẫn không tiếp nhận được hình ảnh của đài truyền hình. Niệm danh hiệu Quán Thế Âm cũng vậy, mình phải chuẩn bị tâm của mình cho thanh tịnh, cho chí thành thì mình mới bắt được cái nguồn năng lượng đại bi kia. Niệm mà thấy cái hiểu và cái thương có mặt trong ta, thì lúc đó niệm mới thực sự hữu hiệu, còn niệm bằng miệng mà trong lòng vẫn có hờn giận, nghi kị, tham lam, buồn chán, thì mình sẽ không bắt được cái tinh lực của đức Quán Thế Âm. Muốn thừa hưởng được niệm lực Quán Âm thì mình phải bắt được niệm lực ấy. Cho nên những người niệm đức Quán Âm, niệm Bụt Di Đà, hay Bụt Thích Ca mà trái tim vẫn còn cứng như đá thì ta biết rằng họ không bắt được làn sóng từ bi. Niệm Bụt là một pháp môn rất thâm diệu đem lại một kết quả rất tốt. Chúng ta không đặt vấn đề nghi ngờ mà chỉ đặt vấn đề niệm như thế nào để trái tim của mình có thể mở ra và để cho tình thương, sự hiểu biết và cánh tay của đức Quán Thế Âm có thể có mặt trong mình. Trong chúng ta, người nào cũng đã có những giây phút kinh nghiệm về hiểu, về thương và về một ước muốn hành động. Khi chúng ta có cái hiểu, cái thương và sự muốn hành động đó, thì chúng ta biết rằng hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm đã ngự trong trái tim của chúng ta rồi. Nếu chúng ta cứ tiếp tục như vậy thì không có lý do gì mà tinh lực của đức Quán Thế Âm không tiếp tục tuôn tràn vào trong trái tim của chúng ta.

Khi niệm Quán Thế Âm ta phải niệm một cách thông minh, phải biết rằng niệm theo phương pháp nào thì mới có kết quả, và ta phải giúp cho những người khác, đừng để cho họ niệm một cách mê tín, máy móc và sai lạc. Niệm đức Quán Thế Âm như niệm một vị thần linh chỉ biết ăn hối lộ, cúng chuối, cúng xôi và mong đức Quán Thế Âm đứng về phe mình để đánh dẹp phe kia, niệm như vậy thì ngàn đời Bồ Tát Quán Thế Âm cũng không ứng hiện được trong trái tim của ta, tại vì Bồ Tát Quán Thế Âmhiện thân của cái hiểu, cái thương và cái hành động.

Mình cũng đừng có nghĩ rằng đức Bồ Tát Quán Thế Âm là một thực tại hoàn toàn ở ngoài mình. Đây là giáo lý của Hoa Nghiêm, mà cũng là giáo lý của Pháp HoaGiáo lý này cũng căn cứ trên nguyên tắc duyên sinh (PratĩtyasamutpẠda), hay duyên khởi. Khi chắp tay lễ Bụt, mình phải thấy rằng Bụt có trong ta và ta có trong Bụt, thì sự lễ lạy đó mới đúng với tinh thần Phật giáoChúng ta thấy trong đạo Hồi Hồi hay trong đạo Cơ Đốc cũng có sự lễ lạy, nhưng có thể sự lễ lạy này không giống như sự lễ lạy trong đạo Bụt. Chúng ta có một pháp môn lạy mà đã mấy ngàn năm nay, người Phật tử đã thực tập rất đều đặn, rất thâm sâuDâng hương cũng là một pháp môn đặc thù, chúng ta không chỉ dâng hương trầm mà dâng hương Giới, hương Định và hương Tuệ, hương Giải Thoát và hương Giải Thoát Tri Kiến. Có giới, có định, và có tuệ để dâng lên, thì Bụt bằng lòng hơn. Sau khi dâng hương lên rồi, chúng ta mới quán tưởng, tức là chúng ta lạy xuống. Phép quán tưởng này là một phép quán tưởng rất cao siêu.

một lần tôi trình bày tại Đại học Boston cho những nhà thần học nghe về phép quán tưởng này, và họ rất lấy làm ngạc nhiên, vì không có một tín đồ nào lễ lạy vị Giáo chủ của mình với một tinh thần như vậy. Chắp tay lại mình đọc:

Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao nan tư nghị

có nghĩa là người kính lễ và người được kính lễ, cả hai đều không có sự có mặt riêng biệt và tách rời khỏi nhau. Đây là đạo lý duyên sinh được nhìn nhận. Bạch đức Thế Tôn, con đang lễ lạy Ngài và con biết rằng con được làm bằng Ngài và Ngài được làm bằng con. Đức Thế Tôn được làm bằng những chất liệu không phải là Thế Tôn, cũng giống như một bông hoa được làm bằng những chất liệu không phải là bông hoa, như ánh sáng, đám mây, phân bón. Đức Thế Tôn cũng vậy, Ngài được làm bằng những chất liệu không phải Thế Tôn, trong đó có con, vì vậy trong Thế Tôn có con. Con cũng được làm bằng những chất liệu không phải là con, trong đó có Thế Tôn, vì vậy trong con có Thế Tôn và trong Thế Tôn có con. Đó là cái ý nghĩa về tánh không tịch. Có tôn giáo nào mà người tín đồ nhìn vị Giáo chủ của mình và tuyên bố như vậy trước khi lạy không? Cảm ứng đạo giao nan tư nghị, có nghĩa là chỉ vì con nhận thức được như vậy cho nên con biết rằng sự cảm ứng và sự giao tiếp giữa con và Ngài mới thật là mầu nhiệm, không thể nào diễn tả bằng tư tưởng và bằng ngôn ngữ được. Nếu Ngài là một thực thể hoàn toàn độc lập, và con cũng là một thực thể hoàn toàn độc lập, thì sẽ có một vạn lý trường thành chia cách, làm thế nào giữa Ngài và con mà có sự thông cảm mầu nhiệm sâu xa được? Trong đạo Ki-tô có những khuynh hướng thủ cựu cho rằng Đấng Tạo hóa không thể nào có cùng một bản chất với những vật thụ tạo, như là núi sông, cây, cỏ, con người v.v... Vật thụ tạo (Creatures) và Đấng Tạo hóa (Creator) là hai thực thể tách rời. Như vậy giữa hai bên có một bức thành kiên cố ngăn cách thì làm sao có được sự giao tiếp hai chiều, tức là có sự cảm ứng sâu sắc giữa Thượng đếcon người được? Đạo Bụt thì nói rất rõ: Con không có thực thể riêng biệt mà Bụt cũng không có thực thể riêng biệt. Chính cái sự to gan dám so sánh đó, mới chứng tỏ được mình là một đệ tử giỏi, một học trò có thể hiểu được ý thầy. Con không có thực thể, con là Không, và Bụt cũng không có thực thể, Bụt cũng là Không. Đó là một lời khen rất lớn đối với Bụt, tại vì sự khen ngợi này không chỉ được làm bằng lời nói và sự cung kính, mà bằng cái tuệ giác của mình đối với giáo pháp của đức Thế Tôn. Chính vì Bụt không có thực thể độc lập, và con cũng không có thực thể độc lập, cho nên sự cảm ứng giữa Bụt và con mới thật là sâu sắc và mầu nhiệm. Đó là những điều mà các vị tổ của ta đã thực tập hàng ngàn năm nay. Mỗi khi chắp tay trước đức Bổn Sư mà ta không thực tập như thế thì chúng ta có thể chỉ lễ lạy một cách cạn cợt, có khi là mê tín. Đối với Bồ Tát Quán Thế Âm chúng ta cũng phải thực tập như vậy.

Có người thực tập phương pháp lễ lạy như sau:

Khi đưa hai tay chắp lên trán, họ đồng nhất sự cung kính của họ với ý,
Khi đưa tay xuống ngang miệng và cổ họng thì họ đồng nhất sự cung kính với lời nói,
Khi bàn tay rời lãnh vực ngôn ngữ, đi xuống ngang trái tim thì họ đồng nhất sự cung kính của họ với thân, 

và khi lạy xuống là họ lạy với ba nghiệp Thân, Ngữ, Ý thanh tịnh. Như vậy, cái hành động kính lễ của mình rất là hiệu nghiệm: nó gom được thân, khẩu và ý trong chánh niệm, và mình lạy xuống trong cái nhận thức là mình có Bụt trong mình, và Bụt có mình trong Bụt, như vậy là mình mở trái tim của mình ra để cho Bụt đi vào một cách rất dễ dàng. Lúc đã có nội ứng rồi, đã có Bụt trong mình rồi, thì sự niệm Bụt trở nên rất dễ dàng và có hiệu lực. Mình đừng có mặc cảm. Phải tin rằng cái chất liệu của đức Quán Thế Âm đang có mặt ở trong mình, chất liệu đó sẽ được nuôi dưỡng, sẽ được phát hiện bởi phương pháp niệm Bụt của mình. Ngược lại nếu mình có mặc cảm rằng Bụt và Bồ Tát là những bậc tuyệt vời, còn mình chỉ là người trần, mắt thịt, tội lỗi đầy đầu, và hai bên không bao giờ gặp nhau cả, thì sự niệm Bụt của mình sẽ khó thành công.

Cái pháp môn lạy Bụt chưa chấm dứt ở đó, vì ta còn tiếp tục quán chiếu:

Ngã thử đạo tràng như đế châu,
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,
Đầu diện tiếp túc qui mạng lễ. 

có nghĩa là cái đạo tràng trong đó con đang đứng để hành lễ nó giống như là một màn lưới làm bằng những hạt minh châu của Vua Trời Đế Thích. Trong cung Vua Đế Thích có một bức màn rất quý vì nó được kết toàn bằng những hạt minh châu vô giá. Nếu đến gần, mình sẽ thấy mỗi hạt minh châu chứa đựng hình ảnh của tất cả các hạt châu khác ở trong nó. Trong cái một có cái tất cả, cái tất cả chứa đựng cái một, đó là giáo lý kinh Hoa Nghiêm mà mình đưa ra để thực tập trong sự lễ lạy. Trước khi lạy xuống mình quán tưởng và thấy rằng cái đạo tràng trong đó mình đang đứng, được tạo bằng tấm màn lưới của Vua Trời Đế Thích, và tất cả chư Bụt trong mười phương đều hiển hiện trước mặt mình. Vì vậy khi lạy, mình không bỏ sót một vị Bụt nào hết, khi lạy một Bụt là mình lạy tất cả các Bụt. Đầu diện tiếp túc qui mạng lễ, thân con cũng ảnh hiện như Bụt vậy, nếu Bụt hiện thânvô số thì con cũng hiện thânvô số. Số lượng của sở lễ nhiều như thế nào thì số lượng của năng lễ nhiều như thế đó. Nếu chư Bụt nhiều như số cát sông Hằng, thì con cũng vậy, số lượng của hiện thân con cũng nhiều như số cát sông Hằng, và trước mỗi vị Bụt trong mọi thế giới đều có con đang đứng kính lễ.

Khi quán tưởng như vậy và lạy xuống thì một cái lạy, là ta lạy tất cả chư Bụt trong thế giới tam thiên đại thiênVì vậy lễ lạy trong đạo Bụt không phải là sự khuất phục trước một uy quyền, cúi đầu hạ thấp nhân phẩm của mình trước một đấng thần linh, trái lại lúc lễ lạy ta đưa nhân phẩm của ta lên ngang hàng với nhân phẩm của chư Bụt.

Thầy Thiện Siêu đã dịch bài này như sau:

Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng,
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,
Lưới đế châuđạo tràng,
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời,
Trước bảo-tọa thân con ảnh hiện,
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y

Mình nên dịch thế nào để cho người đọc hiểu được dễ dàng, và nương vào đó mà quán tưởng trong lúc lễ lạy, thì mỗi cái lạy mới giúp mình làm tiêu tan đi biết bao nhiêu vô minh, bao nhiêu mê mờ, bao nhiêu nghiệp chướng, đồng thời nó tạo ra một sự thông cảm lớn lao giữa mình và chư Bụt(12) .

Trong trường hợp lễ lạy đức Quán Thế Âm, nếu ta cũng áp dụng phương pháp đó thì ta sẽ thấy được rằng trong ta có một Bồ Tát Quán Âm ở trong tư thế tiềm phụcTự nhiên chúng ta sẽ có niềm tin. Đây là lời dạy của Bụt. Lưỡi của Bụt rất dài, che được cả tam thiên đại thiên thế giới, vì vậy cho nên những điều Bụt nói đều toàn là sự thật. Đó là hình ảnh diễn tả trong kinh. Khi Bụt nói mọi chúng sanh đều có một vị Bụt trong lòng, thì đó là một sự thật, vì vậy trong mỗi chúng ta đều có tiềm phục một đức Quán Thế Âm. Nếu chúng ta tu tập cho có những điều kiện để hạt giống Quán Thế Âm ở trong ta được tưới tẩm, có không gianthời gian để phát triển, thì đó là một hình thái niệm Bụt, tại vì đức Quán Thế Âm không phải chỉ ở bên trong hay ở bên ngoài ta. Nói rằng Ngài chỉ có ở bên trong ta thì không đúng, mà nói Ngài chỉ có ở bên ngoài thì cũng không đúng luôn. Phật tánh có ở khắp nơi.
Khi thấy rõ được sự tiềm phục của Bồ Tát Quán Thế Âm trong ta thì tự nhiên ta sẽ có sự cung kính đối với ngũ uẩn của chúng taChúng ta không còn phiền trách, khinh thường, không còn hờ hững với ngũ uẩn của chúng ta nữa. Đồng thời nhìn quanh, chúng ta cũng không chê trách, khinh thị, đối xử tệ bạc với những hợp thể của ngũ uẩn chung quanh ta, tức là những bạn tu, những sư anh, sư chị của chúng ta. Họ đều có đức Quán Thế Âm trong ngũ uẩn của họ, tại vì chúng ta chưa biết cách cho nên chưa đánh động và làm sống dậy được Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong họ. Người đó có vẻ như khôngtình thương, không có hiểu biết, không biết lo cho những người khốn khổ. Sự thực là đức Quán Âm trong họ đang ở trong tư thế tiềm phục, và ta chưa đủ khả năng để giúp người bạn kia tiếp xúc được chất liệu cam lộ Quán Thế Âm. Cho nên khi biết lễ lạy đức Quán Thế Âm trong ta, thì ta cũng biết lễ lạy đức Quán Thế Âm trong người khác.

Tu học là dùng những phương tiện quyền xảo để giúp người và chuyển hóa mình. Đôi khi chỉ cần nói một câu mà mình có thể đánh động được tình thương và sự hiểu biết trong con người đó, và nhờ vậy mà người đó chuyển hóa. Mình không cần làm nhiều mà chỉ cần làm đúng. Làm sao để làm đúng? Mình phải biết quán sát tâm trạng của người đó, biết người đó đang bị kẹt vào cái gì. Thấy được rồi thì chỉ cần nói đúng một câu là tháo gỡ được cho người đó. Đối với người bạn tu của mình cũng vậy. Họ có thể là khô cằn, họ có thể là đa nghi, nhưng với con mắt trạch pháp của mình, với phương tiện quyền xảo của mình, với ngôn ngữtình thương của mình, mình có thể làm cho mạch tình thương ở trong họ tuôn chảy trở lại. Đó là một hình thức lễ lạy, biến người đó thành một người bạn đồng hành của mình trên con đường thực tập từ bi.

Chúng ta có thể về Huế để tìm bác Siêu, nhưng chúng ta cũng có thể tìm được bác Siêu ở ngay đây. Nếu bác Siêu ở trong trái tim của ta đã hiện ra rõ, thì việc đi tìm bác Siêu bên cạnh chúng ta sẽ trở nên rất dễ dàng.

Phẩm Thứ Hai Mươi Sáu: Đà la ni

Chúng ta biết phẩm thứ 26 được gọi là phẩm Đà-La-Ni (DhẠrani). DhẠrani có nghĩa là tổng kỳ. Đà-La-Ni Môn là một cánh cửa cũng nhắm tới việc thiết lập sự thông cảm giữa mình và các bậc đại nhân, tức là Bụt và Bồ Tát để tiếp nhận năng lượng của các vị này. Chúng ta ai cũng phải trông cậy vào thầy, vào bạn và vào những người đồng tu. Tu học, chúng ta không thể nào tu học một mình. Do đó, Đà-La-Ni Môn là cánh cửa mở ra cho ta, giúp ta tiếp nhận được năng lượng của những người lớn hơn chúng ta, đi trước chúng ta, những người có thể yểm trợ cho chúng ta.

Đà-La-Ni là những câu nói, những âm thanh phát ra trong khi thân, khẩu và ý của chúng ta hợp nhất. Khi thân, khẩu, ý hợp nhất thì tự nhiên chúng tasức mạnhChúng ta an trú trong tam muội. Và từ trạng thái tam muội đầy dẫy những năng lượng đó, những âm thanh ta phát ra đều có một tác dụng làm chuyển hóa. Nếu người kia nhiếp ba nghiệp thanh tịnh hợp nhất để nghe và để lặp lại những âm thanh đó, thì người kia sẽ tiếp nhận được năng lượng của ta. Điều này cũng không khó hiểu lắm. Tôi đang giảng Pháp Hoa. Nếu tôi giảng Pháp Hoa bằng thân, ngữ, ý hợp nhất, thanh tịnh và có định lực, thì tôi đang phát ra một nguồn năng lượng rất lớn. Nếu có một vị, hai vị, hay nhiều vị ở trong giảng đường này mà tâm, thân, và khẩu hợp nhất, an trú được trong định để tiếp nhận những điều tôi nói, thì vị đó sẽ tiếp nhận được nguồn năng lượng mầu nhiệm ấy. Nghe kinh như vậy thì mình thấy trong người mình chuyển hóa liền. Vì nghe ở đây không phải chỉ là nghe âm thanh mà qua âm thanh đó còn có năng lượng. Ngược lại nếu có người hoặc vì tối hôm qua không ngủ đủ, hoặc đang có việc buồn phiền lo lắng trong lòng, chỉ nghe bằng nửa lỗ tai, thân khẩu ý không hợp nhất, thì dù tôi có phát ra rất nhiều năng lượng, vị đó cũng chẳng tiếp nhận được gì, nghe chữ được chữ mất và sẽ không có nhiều cơ hội để có sự chuyển hóa trong lòng. Điều này giúp ta hiểu được thế nào là Đà-La-Ni Môn.

Bụt và Bồ Tát là những người có định lực lớn. Trong những giây phút các vị ấy an trú trong tam muội lớn, đầy dẫy tinh lực của trí tuệ, của từ bi, thì những điều họ nói ra, phát âm ra nó trở thành những Đà-La-Ni. Nếu chúng ta tiếp nhận những câu nói kia, những âm thanh kia với tâm trạng tỉnh thức, với thân, khẩu, ý hợp nhất, thì ta sẽ tiếp nhận được tinh lực của Bụt và của các vị Bồ Tát. DhẠrani không hẳn phải bằng tiếng Phạn. Bất cứ âm thanh nào, ngôn ngữ nào được phát ra trong trạng thái định lực lớn, đều có một ảnh hưởng lớn, có thể chuyển đổi được người nghe. Điều này phải từ hai phía, không phải từ một mà được.

Khi một vị Bụt hay một vị Bồ Tát an trú trong đại định, có tình thương lớn, thì một câu nói, một lời tuyên bố như ở trong kinh Pháp Hoa hay trong kinh Bát Nhã, đều trở thành những Đà-La-Ni. Ví dụ trong kinh Bát Nhã:

Bồ Tát Quán Tự Tại,
Khi quán chiếu thâm sâu,
Bát Nhã Ba La Mật,
Tức diệu pháp trí độ,
Bỗng soi thấy năm uẩn,
Đều không có tự tánh
Thực chứng điều ấy xong,
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn. 

Lúc đó trong người Ngài tràn đầy tinh lực, cho nên tất cả các câu nói mà Bồ Tát Quán Tự Tại nói ra sau đó đều là Đà-La-Ni cả. Chúng phát xuất ra từ một cái thấy vĩ đại, từ một nguồn tinh lực vĩ đại:

Xá Lợi Tử, nghe đây:
Thể mọi Pháp đều không,
Không sanh cũng không diệt,
Không nhơ cũng không sạch,
Không thêm cũng không bớt,

Vì cái thấy đó mà:

Bát Nhã Ba La Mật,
linh chú đại thần,
linh chú đại minh,
linh chú vô thượng,
linh chú tuyệt đĩnh,
chân lý bất vọng,
năng lực tiêu trừ,
Tất cả mọi khổ nạn.

Vì vậy cho nên Tâm kinh Bát Nhã là một Đà-La-Ni. Đà-La-Ni đó do ai phát ra? Do Bồ Tát Quán Thế Âm phát ra. Khi tụng Bát Nhã Tâm Kinh với thân, khẩu, ý hợp nhất thì chúng ta tiếp nhận được năng lượng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Còn nếu tụng chỉ như hát một bản nhạc thì chúng ta không tiếp nhận được gì cả mà chỉ trôi nổi bồng bềnh theo câu kinh tiếng kệ.

Phẩm Đà-La-Ni là một lời nhắn nhủ, rằng các vị Bụt và Bồ Tát luôn luôn có mặt ở đó, luôn luôn phát ra tinh lực để yểm trợ cho tất cả những người hành trì Pháp HoaVì vậy chúng ta hãy có niềm tin ở nơi các bậc đàn anh, nơi các bậc thầy đang có mặt khắp nơi. Chúng ta hãy cứ đi tới, cứ thực tậphành trì kinh Pháp Hoa, và chúng ta sẽ được sự yểm trợ của các vị Bụt và Bồ Tát.

Phẩm Thứ Hai Mươi Bảy: Diệu trang nghiêm vương

Chúng ta hãy đi sang phẩm thứ 27, phẩm nói về sự tích vua Diệu Trang Nghiêm. Phẩm này kể lại tiền thân của các Bồ Tát Dược Vương, Dược Thượng và Hoa Đức, là các vị có mặt trong pháp hội Pháp Hoa. Lúc đó Bụt giới thiệu một vài vị Bồ Tát và nói về tiền thân của các vị đó, để cho đại chúng biết rằng sự hành trì Pháp Hoa có thể đưa tới những kết quả khôn lường, để làm vững thêm cái tín tâm của tất cả mọi người trong pháp hội.

Đọc phẩm này chúng ta sẽ thấy rằng người tu, dầu là con trai hay con gái, đều có khả năng để trở về độ cho cha mẹ của mình. Đi tu, để cha mẹ ở nhà và đi theo con đường lý tưởng của mình, mới nhìn qua giống như mình bất hiếu với cha mẹ. Đây là một điều mà Nho giáo đã khai thác để công kích đạo Bụt trong đời nhà Lê và cuối đời nhà Trần. Nhưng thật ra, trong lịch sử của các vị Bụt và Bồ Tát, và ngay trong lịch sử của các vị xuất gia thời trước, và cả thời nay, chúng ta thấy những người xuất gia luôn luôn đem sự giải thoát, đem sự thanh tịnh, đem sự an lạc của mình về độ cho gia đình mình, độ cha, độ mẹ, độ anh chị em, độ cháu.
Ngày xưa trong thời Bụt Vân-Lôi-Âm Tú-Vương-Hoa-Trí, có một vị vua tên là Diệu Trang Nghiêm, vua có hai người con trai tên là Tịnh TạngTịnh Nhãn. Tuy là hoàng tử, nhưng Tịnh TạngTịnh Nhãn sinh vào một gia đình không có nhiều may mắn, tại vì vua cha là người không có đức tin nơi Phật Pháp. Cái may mắn của hai vị này là mẹ của Tịnh TạngTịnh Nhãn lại có khả năng hiểu được hai con. Cuối cùng hai người con này nhờ có cơ duyên tu học nên đã chuyển hóathuyết phục được vua cha đến nghe Bụt Vân-Lôi-Âm Tú-Vương-Hoa-Trí thuyết pháp. Sau khi đã giúp được vua cha, hai người con xuất gia, rốt cuộc thì vua Diệu Trang Vương cũng nhìn thấy được cái hạnh phúc và gíá trị của sự tu học, cho nên nhà vua đã nhường ngôi lại cho em rồi rủ hoàng hậu cùng mình xuất gia. Đó là chuyện ngày xưa. Giờ đây trong hội Pháp Hoa, sự có mặt của các vị Bồ Tát như Dược Vương, Dược Thượng, và Hoa Đức đã chứng tỏ rằng sự thực tập theo kinh Pháp Hoa, sự tu học theo đạo giải thoát là có thể độ được mình, độ được đời, và nhất là độ được cha mẹ, anh chị em và thân quyến của mình.

Tinh hoa của phẩm này là ở chỗ ấy. Người tu học luôn luôn có khả năng trở về để độ gia đình của mình chứ không phải là chỉ tu cho riêng mình. Cha mẹ của mình, gia đình của mình là những đối tượng đầu tiên của sự hành đạo của mình. Điều này có thật đối với Bụt Thích Ca Mâu Ni, điều này cũng có thật đối với các vị Bồ Tát trong các truyện Nôm của chúng ta, như là Bồ Tát Quán Thế Âm Diệu Thiện, Bồ Tát Quán Âm Nam Hải v.v... Chúng ta biết rằng trong khi những người theo Nho giáo lên án đạo Bụt là bất nhân và bất hiếu, thì những hành giả của đạo Bụt đã phải chứng minh ngược lại, rằng chúng tôi theo đạo Bụt cũng là theo đạo Nhân và đạo Hiếu. Nhân và Hiếu không phải chỉ có trong Nho giáoVì vậy mà trong chuyện Nôm Quán Âm Nam Hải, chúng ta thấy có những câu như:

Chân như đạo Bụt rất mầu:
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,
Hiếu là độ được đấng thân,
Nhân là cứu vớt trầm luân mọi loài,

Những câu ấy là để chứng tỏ rằng nhờ đi xuất giaBồ Tát Quán Thế Âm đã có thể thực hiện được Nhân và Hiếu, vì vậy các ông không thể lên án chúng tôi là không biết Nhân và không biết Hiếu được.

Phẩm Thứ Hai Mươi Tám: Phổ Hiền Bồ Tát khuyến phát

Bây giờ chúng ta đi sang phẩm thứ 28, phẩm cuối của kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Hiền Bồ Tát khuyến phátChúng ta đã biết rằng địa vị của Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra Bodhisattva) ở trong kinh Hoa Nghiêm thật là vĩ đại. Có lẽ vì vậy mà tới kinh Pháp Hoa, Bồ Tát Phổ Hiền đã xuất hiện vào phẩm cuối cùng.

Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng cho đại hạnh. Đến lúc này Ngài mới xuất hiệncung kính bạch với đức Thế Tôn rằng Con xin lãnh trách nhiệm bảo hộyểm trợ cho sự hành trì của kinh Pháp Hoa trong hiện tại và trong tương lai. Bồ Tát nói rằng ở đâu, lúc nào có người hành trì kinh Pháp Hoa thì Bồ Tát đều cỡi voi trắng sáu ngà đến để cùng với các vị đại Bồ Tát khác hiện thân, một mặt là để cúng dường Pháp Hoa, mặt khác là để bảo trợan ủi người đang thực tập kinh Pháp Hoa.

Đây là phẩm kết của kinh Pháp Hoa, trong đó Bồ Tát Phổ Hiền là người sau cùng đứng ra để hứa với Bụt rằng: Trong tương lai, sự hành trì kinh Pháp Hoa sẽ được tiếp tục, được phổ biến, được yểm trợ, và Bồ Tát sẽ là người bảo đảm cho sự liên tục, cho sự thành công của việc hành trì kinh Pháp Hoa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
Quảng Cáo Bảo Trợ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Get a FREE Online Menu and Front Door: Stand Banner Menu Display for Your Restaurant