LUẬN THÍCH KINH NĂNG ĐOẠN KIM
CƯƠNG
BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Tập 25, Thích Kinh Luận Bộ ,số 1513 , 3 quyển, Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba
La Mật Đa Kinh Luận Thích
Vô Trước Bồ Tát tạo Tụng
Thế Thân Bồ Tát Thích Đường Nghĩa Tịnh dịch
Nguyên Huệ Việt dịch
QUYỂN 3
+ Như Lai nói đấy là tướng đầy đủ, đó không phải là tướng đầy đủ, do đấy nói là
tướng đầy đủ. Đây là có ý gì? Tụng nêu:
Tức nơi Chân Pháp thân
Không tướng tốt viên mãn
Cũng không là tướng đủ
Tánh không thân, nên biết.
Nơi Pháp thân không riêng
Không Như Lai, không hai
Lại nói tướng đủ kia
Do hai thể đều không.
Nói Pháp thân thật không là sắc thân của tướng hảo viên mãn, nên biết cũng không là các tướng đầy đủ, vì chúng không có tánh của thân. Đó gọi là nghĩa của Pháp thân không có tướng đầy đủ. Cũng không phải là Như Lai không có hai thứ ấy, tức sắc thân viên mãn cùng tướng đầy đủ. Do hai thứ đó không lìa nơi Pháp thân, thế nên Như Lai có tướng tốt kia. Vì đấy, nên nói lần nữa: Sắc thân viên mãn cùng tướng đầy đủ. Do cả hai đều không, thế nên hai thứ ấy cũng nói là không.
Nói đây không phải là viên mãn, thì đây cũng không phải là tướng đầy đủ, cũng nói là có, do nói sắc thân viên mãn cùng nói tướng đầy đủ. Đây là có ý gì? Do Pháp thân kia không có tướng hảo ấy, vì thế gọi đấy là Như Lai.
Sắc thân viên mãn cùng với tướng đầy đủ, do so với thân kia là không cùng lìa, nên tánh của Pháp thân tức không như thế. Nhưng Pháp thân không phải là tự tánh ấy.
Nếu nói không nên dùng sắc thân viên mãn cùng thân của tướng đầy đủ để quán Như Lai, thì vì sao Như Lai có chỗ thuyết pháp. Vì đáp lại vấn nạn ấy, ở đây tức do sự chấp giữ sai lạc mà hủy báng Như Lai, vì không thể hiểu được ý nghĩa do Như Lai đã giảng nói. Tụng nêu:
Như Lai nói cũng không
Nói hai là chỗ chấp.
Do ý gì nói hai lần: Thuyết pháp. Thuyết pháp? Tụng nêu: Nói hai là chỗ chấp. Thế nào là 2?
1. Là văn.
2. Là nghĩa.
Sở dĩ như thế, vì văn nêu: Không pháp có thể thuyết giảng. Đó gọi là thuyết pháp chăng? Đáp:
Do không lìa pháp giới
Nói cũng không tự tánh.
Do không lìa pháp giới, vì ngoài pháp giới ấy không có tự tánh của việc thuyết pháp có thể đạt được.
Nếu nói không có Đức Thế Tôn là chủ thể thuyết giảng, thì pháp của đối tượng được thuyết giảng cũng lại không lìa nơi Pháp thân, nên thành không có. Như vậy, pháp thâm diệu làm sao có người kính tin? Nhằm dứt trừ vấn nạn ấy, nên đáp:
Năng thuyết, sở thuyết tuy thâm diệu
Nhưng cũng chẳng phải không kính tin.
* Kinh viết: Diệu Sinh! Phi chúng sinh kia, là phi phi chúng sinh: Đây có ý gì? Tụng nêu:
Do phi chúng sinh, phi phi sinh
Phi Thánh nên tánh Thánh tương ưng.
+ Các hữu tình có thể sinh kính tin: Vì họ là phi chúng sinh. Do các chúng sinh khác không cùng với tánh Thánh tương ưng, tức cùng với tánh phàm phu tương ưng.
+ Phi phi chúng sinh: Là do cùng với tánh Thánh tương ưng. Nghĩa ở đây, tức do chúng đối chiếu với tánh phàm phu, không là chúng sinh. Do so với tánh Thánh nhân, nên là phi phi chúng sinh. Vì sao? Vì chúng sinh, chúng sinh, Như Lai nói là phi chúng sinh. Đây là căn cứ nơi tánh của hàng phàm phu ngu, nhỏ.
+ Do đấy, nói là chúng sinh: Đây là căn cứ nơi tánh của Thánh nhân. Nếu nói Như Lai từng không có pháp là đối tượng được nhận biết rõ, vì sao lìa chúng, càng về sau, chánh tri theo thứ lớp, gọi là Chánh đẳng giác vô thượng? Để đáp lại vấn nạn ấy, tức chẳng phải là có pháp để có thể giác ngộ, mới gọi là Chánh giác Vô thượng. Tụng nêu:
Ít pháp nên không có
Vô thượng giác, nên biết
Do pháp giới không tăng
Tánh thanh tịnh, bình đẳng
Cùng phương tiện vô thượng.
Ở đây, cho đến không có một chút pháp nào có thể vượt hơn, nên gọi là vô thượng. Lại nữa, pháp giới không có tăng, vì pháp ấy bình đẳng, nên gọi là vô thượng thượng, vì tánh trên là không. Lại nữa, Pháp thân của Như Lai thanh tịnh, bình đẳng, nên pháp ấy là luôn như nhau, không có một tí tăng, nên gọi là vô thượng. Lại nữa, pháp ấy, tự tướng là vô ngã. Đây tức là cao. Tánh cao là không, nên gọi là vô thượng.
Lại nữa, đối với các phương tiện cũng là vô thượng. Các pháp thiện hiện có đều viên mãn, nên gọi là vô thượng. Ngoài Bồ-đề ấy ra, nơi các pháp thiện không viên mãn, tức phương tiện đó thật sự là hữu thượng. Đây chính là chỗ Như Lai nói là phi pháp.
+ Do đấy gọi là pháp thiện: Ở đây có ý gì? Tụng nêu:
Do tánh lậu, phi pháp
Vì thế chẳng pháp thiện
Do đấy gọi là thiện.
Do tánh hữu lậu, nên chúng không thể nắm giữ tướng hữu lậu, tức không thể duy trì. Do đấy gọi là pháp thiện, tức vì tánh vô lậu quyết định có thể nắm giữ là tánh thiện.
+ Nếu cần dùng pháp thiện đạt được Đại Bồ-đề, thì mọi pháp thuyết giảng hiện có cũng không thể đạt được Bồ-đề, vì là tánh vô ký. Vì ngăn dứt vấn nạn ấy, nên lại nói về phước có sai biệt để đáp. Pháp được nêu giảng, giả như khiến là vô ký, thì chung cuộc vẫn có chỗ đạt được. Tụng nêu:
Nói pháp tuy vô ký
Không chẳng được, nên biết.
Do không phải lìa pháp ấy mới có thể đạt Bồ-đề, nên biết dựa vào đấy Bồ-đề mới khế hợp. Tụng nêu:
Do một pháp bảo nầy
Hơn vô lượng báu kia.
Nên ở đây tuyên thuyết pháp bảo, so với vô biên các báu như vô số núi Diệu Cao ở trước, là hiển bày về phước có sai biệt. Giả như chia ra hàng trăm phần, thì cũng không thể bằng một, cho đến nói rộng. Tụng nêu:
Nơi các loại toán, thế
Nhân cũng có sai khác
Tầm tư nơi thế gian
Dụ chỗ không sánh kịp.
Đây là nói về nghĩa gì? Tức đem phước ấy so với nhóm phước ở trước. Là nói về các loại toán số, thế phần, nhân nơi bốn thứ sai biệt. Tìm xét khắp thế gian rồi, cũng không một dụ nào có thể so sánh.
+ Nói do toán số sai biệt: Là khởi đầu từ giả phân làm trăm phần, cho đến hoặc là toán phần, cũng không làm rõ chỗ sai khác.
+ Chỉ nói về tính toán: Đây tức nên biết là thâu gồm chung. Ngoài ra, còn kể đến các thứ toán số hiện có.
+ Hoặc là thế phần: Do thế lực ấy có sai biệt. Như người mạnh yếu, sự việc không như nhau.
+ Hoặc là tỷ số: Do phẩm loại sai khác. Nói loại phước nầy vốn không so đối về số lượng với loại phước ở trước. Như kẻ sang – hèn không cùng số đối chiếu.
+ Nhân: Là nêu rõ về nhân ấy. Quả cũng không can dự, nên nói kia cũng không thể cùng với đây làm nhân. Nơi thế gian nầy hoàn toàn không có dụ để có thể so đối với phước. Do phước ở trước ấy so với phước nầy thật là giảm thiểu, đều không đủ nói, nên viết là: Cho đến thí dụ cũng không thể đạt được.
+ Nếu nói pháp kia, tánh tướng bình đẳng, nên không bình đẳng, tức không có chủ thể hóa độ, đối tượng được hóa độ. Vì sao Đức Như Lai nói là giải thoát hữu tình? Vì nhằm loại trừ vấn nạn ấy nên khởi phần văn sau. Là để hiển bày về nghĩa gì? Tụng nêu:
Pháp giới là bình đẳng
Phật không độ chúng sinh
Nơi các tên cùng nhóm
Không ở ngoài pháp giới.
Phàm gọi là hữu tình, tức nơi uẩn xứ kia, do danh cùng uẩn, không ở ngoài pháp giới. Tức tánh của pháp giới ấy là bình đẳng. Vì thế, không từng có một chúng sinh nào có thể là đối tượng độ thoát của Như Lai. Đây tức vì sao nên có ngã chấp? Đó là có ý gì? Nếu nói chỉ giải thoát mỗi năm uẩn ấy mà thôi, thì đấy tức là có sự thừa nhận chúng sinh. Do như thế nên tụng nêu:
Nếu khởi nơi pháp chấp
Cùng ngã chấp hơn, đồng
Định chấp thoát hữu tình
Là không chấp, vọng chấp.
Như viết: Nầy Diệu Sinh! Ngã chấp, Như Lai nói là phi chấp. Vọng chấp, Như Lai nói là phi sinh. Là nghĩa không thể sinh khởi pháp Thánh. Nếu nói không nên dùng tướng đầy đủ để quán Như Lai, vì không phải là tự tánh kia. Do là tự tánh của Pháp thân. Nhưng Pháp thân, tự tánh của Như Lai ấy, có thể dùng tướng đầy đủ để so sánh, nhận biết. Có người tạo nên vấn nạn như thế. Vì dứt trừ ý nghi, nên dấy khởi phần văn tiếp sau. Là nhằm làm rõ về nghĩa gì? Tụng nêu:
Chẳng nên dùng thể sắc
Chỉ Pháp thân Như Lai
Chớ khiến Chuyển luân vương
Cùng Như Lai ngang nhau.
Đây tức chỉ cho phước của tướng báo, cũng gọi là tướng đầy đủ. Do kia thành tựu đây, tức nhờ vào diệu lực của phước nên đạt được Bồ-đề. Có người nói như vầy: Đây tức Đức Như Lai dùng tướng đầy đủ kia để hiện chứng Chánh giác Vô thượng. Vì dứt bỏ ý ấy, nên nói: Không nên dùng tướng đầy đủ v.v… Là nhằm làm rõ về gì? Tụng nêu:
Tức quả báo tướng đủ
Phước viên mãn không nhận
Có thể tạo Pháp thân
Do phương tiện, tánh khác.
Do chân Pháp thân là tự tánh của trí, so với thể tánh của phước kia là không đồng. Hai tụng nầy, chính là hiển bày về nghĩa thế nào? Tụng nêu:
Nếu dùng sắc thấy Ta
Dùng âm thanh tìm Ta
Người kia khởi cần tà
Không thể được thấy Ta.
Nên quán pháp tánh Phật
Tức Pháp thân Đạo sư
Pháp tánh, tức khó biết
Kẻ kia không thể tỏ.
Trong hai tụng ấy, về nghĩa như đã nói. Tụng nêu:
Chỉ thấy sắc, nghe tiếng
Người ấy chẳng biết Phật
Pháp thân, chân như ấy
Chẳng phải cảnh giới thức.
Ý của văn nầy là nêu rõ, không nên dùng hai thứ sắc, thanh để quán Như Lai. Do đó phàm phu không thể thấy. Đây là thế nào? Tức người kia khởi tinh tấn sai lạc (Cần tà). Là nói phàm phu đó vọng khởi tinh tấn sai lạc, không dựa nơi chánh đạo, để cầu thấy Như Lai.
Đây gọi là pháp tánh, tức là chân như.
Nếu nói phước không chứng đắc Bồ-đề, thì đấy tức nghiệp phước của Bồ-tát, quả đó nên đoạn. Vì giải thích nghi vấn ấy, nên có phần văn tiếp sau.
Nói tánh của phước ấy, tuy không thể tự mình tạo nên xứ giác ngộ, như tụng nêu:
Phước kia không hề mất
Quả báo không đoạn dứt
Được nhẫn cũng không đoạn
Do đạt không cấu nhiễm.
Lại luận về nhân phước
Vì đấy nêu dụ kia
Phước ấy không có báo
Chánh nhận, không nhận vượt.
Do đấy là tánh tư lương của trí kia. Lại còn là thế nào? Tức lại ở nơi phước đó đã nêu bày về dụ chăng? Nên nói:
Được nhẫn cũng không đoạn
Do đạt không cấu nhiễm
Lại luận về nhân phước
Vì đấy nêu dụ kia.
Lại có nghi vấn: Đã đắc pháp Nhẫn vô sinh, nên trí chẳng sinh. Các phước của Bồ-tát đều nên đoạn dứt. Vì hiển bày phước không đoạn dứt, lại thanh tịnh tột cùng, tức phước đạt được đã nhiều, quả báo cũng hơn hẳn. Ở nơi pháp không sinh, chứng đắc vô tánh. Có hai thứ vô tánh. Do thể tánh của hai thứ ấy không sinh.
* Kinh nói: Nầy Diệu Sinh! Nên nhận lấy đúng, không nên nhận lấy vượt quá.
Thế nào là nhận lấy đúng, không nên thọ nhận vượt quá?
Đáp: Do phước kia không báo, nên thọ nhận đúng, không vượt quá. Phàm các phước hiện có, chiêu cảm quả báo, khiến đáng chán bỏ, nên biết sự thọ nhận ấy là nhận lấy vượt quá, như vượt quá đường chánh mà đi vào đường hiểm. Nhưng phước kia không chiêu cảm quả báo, do đó, chỗ thọ nhận như vậy là nhận lấy đúng đắn, không phải là vượt quá.
Hỏi: Nhóm phước của Bồ-tát đã không chiêu cảm báo, thì quả đạt được, làm sao có thể nhận biết?
Đáp:
Phước kia tạo quả hóa
Tạo lợi ích hữu tình
Sự ấy do tự nhiên
Thành Phật, hiện các phương.
Đến, đi cũng là hóa
Chánh giác luôn chẳng động
Nơi xứ pháp giới kia
Chẳng một, khác nên biết.
Chư Phật, Thế Tôn hiện các thứ biến hóa, không phải Như Lai kia hoặc đến hoặc đi v.v…, nên nói:
Sự ấy do tự nhiên
Thành Phật, hiện các phương
Đến, đi cũng là hóa
Chánh giác luôn chẳng động.
Vì hiển bày về nghĩa đó, nên sinh khởi phần văn sau.
Từng không có đi, cũng không có đến, do đấy nên gọi là Như Lai. Đây có ý thế nào? Nếu Như Lai có những dị biệt như đi, đến v.v…, tức là không đúng. Như tánh thường kia là không có biến đổi.
+ Nêu dụ về vi trần làm mực: Là dụ về gì, hiển bày về sự gì? Đáp:
Nơi xứ pháp giới kia
Chẳng một, khác nên biết.
Nói Như Lai ấy nơi xứ của pháp giới, tánh không phải một, không phải khác. Ý hiển bày về sự ấy, nên làm sáng rõ với dụ kia. Tụng nêu:
Vi trần dùng làm mực
Dụ hiển bày pháp giới.
Lại, thế giới làm mực, dụ làm rõ về nghĩa gì? Tụng nêu:
Luận ấy tạo sự “Mực”
Làm rõ phiền não tận
Tánh không tụ, không hợp
Hiển thị phi một tánh
Nơi tánh hợp chung kia
Rõ tánh chẳng phải khác.
Ví như tạo thành mực, số lượng bụi bặm hiện có là rất nhiều, cực nhỏ, tánh không phải là một xứ, vật được tụ tập ấy không phải là một xứ, cũng không phải là tánh khác, là do tập hợp chung. Đấy là do không có lý đoạn cắt mỗi mỗi riêng biệt, nên biết như thế. Chư Phật, Thế Tôn, ở trong pháp giới, đã dứt trừ hết phiền não chướng, tánh không phải là một xứ, cũng không phải là tánh khác. Đó tức là gồm nêu Tam thiên đại thiên thế giới, không là tánh tụ, cùng là tánh tụ, dị ấy cũng đồng.
+ Như Lai nói chẳng phải là tánh tụ, thế nên nói là cực vi tụ: Đây là làm rõ về nghĩa gì? Nếu vật được tích tụ ấy là một, thì không nên gọi đấy là tụ cực vi. Lại, nếu là một giới, cũng không nên nói Tam thiên đại thiên thế giới. Do vậy nên nói: Đấy tức là chấp có tụ. Đây tức Như Lai nói là phi chấp, chẳng là chấp tụ. Vì vọng chấp ấy, nên nói là chấp tụ. Nhằm nêu rõ khác với đây, ngoài ra đều nên không chánh trí vô thượng (?). Lại có nhân gì? Các kẻ phàm phu, ở nơi thật không có tụ mà chấp chăng? (?) Vì dứt trừ vấn nạn ấy nên nói, kẻ chấp kia, chỉ là theo tục luận mà nói có như thế. Đây là làm rõ về nghĩa gì? Tụng nêu:
Chẳng rõ, chỉ lời tục
Các phàm ngu vọng chấp.
+ Nầy Diệu Sinh! Các hữu tình nói Như Lai đã tuyên thuyết ngã kiến v.v…: Đấy là hiển bày về nghĩa gì? Tụng nêu:
Đoạn hai thứ ngã, pháp
Đó gọi là chứng giác.
Nói hai thứ ngã, pháp, thể là không, nên hai thứ ấy tuy nói được đoạn, nhưng cũng không chứng đắc Bồ-đề. Vậy đoạn cái gì mà có thể đạt được? Đáp: Do đoạn trừ hai kiến. Hai kiến ấy là đối tượng được đoạn trừ. Tụng nêu:
Vì thế, kiến, không kiến
Không cảnh, chấp hư vọng.
Do đấy nên biết, thể của ngã là không. Các hữu tình, ngã kiến, Như Lai nói là phi kiến, do không có cảnh. Ý nói cảnh của ngã hiện có, nguyên lai là không. Văn viết: Nên gọi là ngã kiến: Là nêu rõ, do phân biệt hư vọng nên có. Như thế, nơi lý vô ngã, hiển bày tánh của kiến, không kiến xong, cũng là hiển bày tánh của kiến, không kiến đối với pháp. Do đấy văn viết: Nơi tất cả pháp, nên nhận biết như thế. Nhưng tưởng pháp ấy, tánh cũng là phi tướng, nên cũng như ngã kiến. Lại có ý gì? Hai kiến ngã, pháp đó nói là tánh phi kiến chăng? Đáp nêu:
Do đấy là chướng tế
Biết như vậy nên đoạn.
Nghĩa được hiển bày nầy, hai thứ ngã, pháp ấy, là kiến thủ. Đây nghĩa là chướng vi tế. Do nơi hai sự, nhận biết đúng về tánh phi kiến như vậy, mới có thể đoạn trừ. Kinh viết: Nên biết như vậy! Nên thấy như vậy! Nên hiểu như vậy! Văn ấy nói, như tụng nêu:
Do đắc hai thứ trí
Cùng định, mới dứt trừ.
Nghĩa là, do trí phú tục, thắng nghĩa, cũng do định là chỗ dựa của hai trí ấy, mới dứt trừ chướng kia.
Lại luận về phước có sai biệt là hiển bày về nghĩa gì? Tụng nêu:
Nêu phước rõ hóa thân
Phước vô tận, chẳng không.
Đức Như Lai tuy là tự nhiên rộng tạo mọi sự hóa dụng, nhưng hóa thân kia tuyên thuyết chánh pháp, tức là phước vô lậu, nên thành giới hạn không có tận.
Thế nào là chánh thuyết v.v…? Ý nầy là hiển bày Như Lai không tự nói Ta là hóa thân. Tụng nêu:
Lúc chư Phật thuyết pháp
Không nói thân là hóa
Chính do không tự nói
Nên là nói chân thật.
Đây là nói về những gì? Tức nhằm biện minh Như Lai tuy vì chúng sinh tuyên dương Pháp, Hóa, nhưng không tự nói: Ta là hóa thân. Do tạo không chánh thuyết như thế, nên việc ấy được gọi là chánh thuyết. Ý nêu rõ, nếu khác với đấy, thì nơi các chúng sinh được hóa độ kia khiến họ không sinh cung kính. Đây chính là sự việc tạo lợi ích cho nhiều chúng sinh, lại là không pháp có thể thuyết giảng. Nếu nói Như Lai là hóa thân nhiều, thuyết pháp vô tận, vì sao Đức Phật lại nói có Niết-bàn? Vì giải thích nghi vấn ấy, nên tụng nêu:
Như Lai chứng Niết-bàn
Không tạo cũng chẳng khác.
Không phải các Như Lai chứng viên tịch là sự tạo tác. Tự tánh của hữu vi so với sự tạo tác ấy lại là không khác. Tuy hiện Niết-bàn mà là hóa hiện, chỉ rõ đồng nơi sinh tử để tạo lợi ích cho chúng sinh. Nhằm làm rõ Như Lai không trụ nơi Niết-bàn. Sinh tử, Niết-bàn, cả hai đều không trụ. Lại có nhân gì? Tức chỉ rõ đồng với sinh tử, nhưng không trụ nơi sự nhân duyên của sinh tử chăng? Đáp nêu:
Hết thảy pháp hữu vi
Như sao, màng, đèn, huyễn
Sương, bọt, mộng, chớp, mây
Nên quán xét như thế
Hợp tạo ấy có chín
Dùng chánh trí để quán.
Do dùng chín sự như sao v.v… là đồng pháp – dụ, dụ cho chín thứ chánh trí quán nơi cảnh. Những gì là chín quán? Nên biết tức là chín thứ sự của đối tượng được quán. Sao gọi là đối tượng được quán? Tụng nêu:
Tướng kiến cùng với thức
Xứ ở, thân thọ dụng
Quá khứ cùng hiện còn
Chưa đến quan sát rõ.
Ở đây, nên quán kiến như tinh tú. Nghĩa là tâm pháp, chánh trí, ánh sáng như mặt trời đã xuất hiện thì ánh sáng của tinh tú kia hoàn toàn ẩn mất. Nên quán cảnh tướng của đối tượng duyên như người có mắt bị nhặm, nhìn thấy những vòng tròn li ti, là vọng hiện. Nên quán thức kia cũng như ngọn đèn. Ở đây, chủ thể nương dựa nhận thấy, do sức của ái cấu nhiễm mà được sinh. Nên quán nơi chốn cư trú cũng như huyễn ảo, tức khí thế gian có nhiều chất lạ, tánh không thật. Nên quán về thân ví như giọt sương, chỉ trụ trong chốt lát. Quán sự thọ dụng cũng như đám bọt nước. Tánh thọ dụng ấy là do ba sự kết hợp mà sinh. Nên quán mọi sự hợp tạo đã có của quá khứ đồng nơi cảnh mộng, tánh chỉ là nhớ nghĩ. Nên quán sự việc hiện tại giống như ánh chớp, tánh mau chóng diệt mất. Nên quán vị lai, thể như lớp mây, thức A-lại-da ở nơi phần vị chủng tử, thể có thể thâu giữ các chủng tử.
Lúc tạo chín thứ quán xét ấy, có được lợi ích gì, đạt được thắng trí gì? Tụng nêu:
Do quán xét các tướng
Thọ dụng cùng đổi dời
Ở trong sự hữu vi
Đạt tự tại vô cấu.
Nghĩa nầy là thế nào? Quán pháp hữu vi có 3 thứ:
1. Do quán thấy cảnh, nhận biết: Tức là quán xét tướng hữu vi hợp tạo.
2. Do quán khí thế gian, thân cùng đối tượng thọ dụng. Tức là quán về sự thọ dụng. Ở đây là do chỗ thọ dụng kia.
3. Do quán về ba đời luôn chuyển biến sai biệt. Tức là quán về sự đổi dời, không dừng trụ.
Do quán ấy, nên có thể ở trong các pháp hữu vi đạt được tự tại tùy ý không chướng ngại. Vì đấy, khiến ở nơi sinh tử nhưng không nhiễm phiền não. Trí kia nếu chứng viên tịch “Khôi thân”, thì đâu có vị của tâm bi. Tụng nêu:
Do pháp hy hữu chư Phật ấy
Đà-la-ni câu nghĩa thâm diệu
Từ Tôn quyết rồi nghĩa mở rộng
Đạt phước, khiến sinh chóng thanh tịnh.