KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO
NGÀI THÁI HƯ PHÁP SƯ GIẢNG TẠI
HỘI PHẬT GIÁO CHÁNH TÍN Ở HÁN KHẨU
(TRUNG HOA) – HT. Thích Trí Thủ dịch Việt
CHƯƠNG V
KẾT LUẬN
SỰ THÙ THẮNG CỦA THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO
Long vương! Ví như tất cả thành ấp, xóm, làng đều y đại địa mà được an trú, tất cả trăm hoa cây cỏ bụi rừng, cũng nương đại địa ấy mà được sanh trưởng; Thập thiện nghiệp đạo lại cũng như thế, tất cả nhơn thiên y vào đó mà an lập, tất cả Thanh văn, Độc giác bồ-đề, các Hạnh bồ-tát, tất cả Phật pháp đều chưng y vào đại địa Thập thiện này mà được thành tựu.
Đây là nói rõ công đức thù thắng của thập thiện nghiệp đạo làm căn bản cho tất cả thiện pháp, không thể nào một giây lát mà rời được, Cho nên, dùng đại địa làm ví dụ. Nếu rời thập thiện mà muốn tu hành chứng quả, cũng như dựng lâu đài hoặc trồng cây cỏ ở giữa hư không, muốn thành tựu kết quả không sao có được.
ĐOẠN III: LƯU THÔNG
Phật dạy kinh này rồi, Ta-kiệt-la Long vương và toàn thể đại chúng, tất cả thế gian, thiên, nhơn, a-tu-la thảy đều hoan hỷ tín, thọ, phụng hành.
Đoạn này của người kiết tập chép lại. Ta-kiệt-la Long vương là người chủ duyên khởi kinh này. A-tu-la Tàu dịch là "phi thiên" (không phải trời nghĩa là giống như trời mà không phải trời). Câu "đều hoan hỷ tín, thọ, phụng hành" theo lời Phật dạy, tất cả các kinh phải kết thành như thế. Tiêu biểu pháp Phật dạy không phải như lời lý luận của phàm phu, nói rồi là rồi, mà cần phải vâng theo lời nói ấy thiết thực tu hành. Nhưng người nghe pháp cần phải phát lòng hoan hỷ mới sanh lòng tín, có lòng tín mới hay lãnh thọ, có ý lãnh thọ mới hay vâng theo pháp mà thật hành. Cho nên, câu " hoan hỷ tín, thọ, phụng hành" ta cần phải chú ý.